PHẬt học vấN ĐÁp lão Hòa thượng Tịnh Không Nhóm Hoa Tạng Giảng Ký cung kính ghi chép Nguồn



tải về 450.47 Kb.
trang7/8
Chuyển đổi dữ liệu23.08.2016
Kích450.47 Kb.
#26070
1   2   3   4   5   6   7   8

11.HỘI TẬP


Hỏi:   Có người phê bình bản hội tập của cụ Hạ Liên Cư và nói rằng bản này là giả tạo, kêu mọi người nên niệm quyển của ngài Khương Tăng Khải.  Có người cho rằng bản hội tập rất tốt vả lại đã quen niệm rồi, không muốn đổi bản khác, và cũng không tham gia in kinh ấn bản Khương Tăng Khải.  Không ít người bị ảnh hưởng, xin hỏi nên làm sao mới tốt?           

Ðáp:   Ðức Phật thường hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức.  Nếu bạn ưa thích ấn bản Khương Tăng Khải thì cứ niệm bản đó; ưa thích ấn bản hội tập của cụ Hạ thì niệm bản hội tập.  Kinh Vô Lượng Thọ tổng cộng có đến 9 ấn bản, ưa thích bản nào thì cứ niệm ấn bản đó, không thích thì có thể không niệm quyển nào hết, chỉ niệm một câu A Di Ðà Phật cũng có thể vãng sanh.  Vì vậy không nên hạn chế người khác và bắt họ phải làm giống mình, nếu không thì sẽ làm trái ngược lại lời dạy của đức Phật.

          Nếu chỉ có một pháp môn duy nhất thì đức Phật Thích Ca Mâu Ni làm gì phải giảng tám vạn bốn ngàn pháp môn?  Căn tánh của chúng sanh không giống nhau, cho nên đức Phật từ bi nói ra nhiều pháp môn như vậy để đáp ứng cho căn tánh khác nhau.  Tự mình chúng ta có thành tựu được hay không, chúng ta phải có trí huệ lựa chọn pháp môn.  So sánh các bản kinh, bản hội tập của cụ Hạ dùng văn tự giản dị, chúng ta ai cũng có thể hiểu được, xem rất thích.  Bản của ngài Khương Tăng Khải có một phần dùng chữ rất sâu, không dễ hiểu.  Tại sao chúng ta không chọn bản xưa?  Vì trình độ chữ nghĩa của chúng ta quá thấp.  Trình độ của người nào cao thì chọn ấn bản đó, chúng ta cung kính tán thán, việc này không thể miễn cưỡng.  Ưa thích ấn bản nào thì cứ niệm ấn bản đó, quan trọng nhất là thật có thể vãng sanh ngay trong đời này; làm sao mà đến cuối cùng không thể vãng sanh thì không nên, đó mới là chuyện làm sai nhất.      21-90-24

---o0o---

12.PHẬT HỌC


Hỏi:   Xin hỏi suy nghĩ có thuộc về ‘khởi tâm động niệm’ hay không?    

Ðáp:   Suy nghĩ là khởi tâm động niệm. Lúc khởi tâm động niệm, tâm niệm có thứ thanh tịnh, có thứ ô nhiễm, có thiện, có không thiện, sai biệt rất nhiều.  Tâm niệm tương ứng với tánh đức thì lành mạnh, trái ngược với tánh đức thì không lành mạnh.  Người học Phật phải thường suy nghĩ về lời dạy của đức Phật và đem những lời dạy này thực hành trong đời sống hằng ngày, việc này rất quan trọng.  Sau khi thực hành sẽ ngộ (hiểu) được nhiều việc, lâu dần sẽ càng hiểu sâu và thấu suốt lời dạy của đức Phật, đây là lúc trí huệ hiện ra.  ‘Giải’ có thể giúp cho ‘hành’, ‘hành’ lại có thể giúp cho ‘giải’, giải hành tương ứng [lẫn nhau], bổ khuyết bổ sung cho nhau, từ lúc sơ phát tâm đến quả vị Như lai đều như vậy.          21-90-14  

Hỏi:   Xin hỏi người ta làm thế nào đến [thế gian này] ?  Thế giới từ đâu đến?            

Ðáp:   Vấn đề này rất rộng lớn, không phải chỉ dùng hai giờ đồng hồ có thể nói hết.  Nếu bạn muốn biết thì nên xem kinh Lăng Nghiêm, trong đó nói rất rõ ràng.  Nói thật ra nếu bạn muốn hiểu rõ vấn đề này thì không dễ lắm.  Tôi khuyên bạn buông bỏ vấn đề này, đừng để ý đến nữa, nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tịnh độ, khi đến Cực Lạc thế giới rồi hỏi đức Phật A Di Ðà, đức Phật A Di Ðà sẽ giải thích cho bạn rất tường tận.   21-90-19  

Hỏi:   Xin hỏi người ta có linh hồn không?  Linh hồn ở trong bộ phận nào của thân thể?

Ðáp:   Tôi hỏi bạn một câu: ‘Lúc bạn ngủ ban đêm có nằm mộng hay không?  Giấc mộng đó ở tại chỗ nào?  Là ở trên đầu, ở mắt, hay là ở trên tay, chân?’.  Từ việc nằm mộng thì khẳng định là linh hồn tồn tại.  Linh hồn lìa khỏi thân thể cũng giống như người này nằm mộng đi mất vậy, không tỉnh dậy trở lại, là sự việc như vậy, nó đi đến một không gian khác để sanh sống.  Nếu bạn hiểu được đạo lý này thì người ta có chết không?  Không có chết, chết là linh hồn của bạn rời thân thể này đi đến một cảnh giới khác, đi tìm một thân thể khác.

          Ở đây cũng cần phải giải thích cho quý vị biết một việc, hồn này không linh.  Nếu hồn này linh thì lúc bạn đến đầu thai nhất định sẽ đầu thai vào nhà đế vương, tướng lãnh, giàu sang; vừa sanh ra thì liền hưởng phước, thế thì vui sướng tự tại biết bao!  Tại sao bạn lại đến đầu thai vào nhà một người bình thường?  Tại sao lại đến ngạ quỷ, địa ngục, và súc sanh đạo?  Từ đó có thể biết được, hồn này không linh.  Rốt cục hồn này là như thế nào?  Hồn này mê hoặc điên đảo.  Nếu bạn không tin thì bạn suy nghĩ kỹ xem, ban đêm nằm mộng thì đầu óc không sáng suốt bằng lúc tỉnh giấc.  Từ chỗ này có thể biết được lúc trong mộng thì mê, tỉnh giấc thì đầu óc mới sáng suốt.

          Thần thức của người rời khỏi thân thể cũng giống như nằm mộng, cho nên gọi là ‘mê hồn’, không phải ‘linh hồn’.  Khổng lão phu tử nói một sự thật trong ‘kinh Dịch, phần Hệ từ’ : ‘Du hồn vi biến, tinh khí vi vật’.  Hồn là gì?  Bay tới bay lui với tốc độ rất nhanh, không ở yên một chỗ.  Cách miêu tả trạng thái của chữ ‘du hồn’ này rất giống với  chữ ‘thần thức’ trong nhà Phật. 21-90-21

 Hỏi:   Con người lúc ban đầu, lúc chưa đến thế giới loài người, xin hỏi ý nghĩa của việc đến nhân gian này là gì?



Ðáp:   Trong kinh có giải thích: ‘nhân sanh thù nghiệp’ (con người do nghiệp sai khác mà sanh), đời trước tạo nghiệp đời này chịu quả báo nên phải đầu thai vào sáu nẻo luân hồi.  Chúng ta nói đầu thai đến thọ  thân này có hai nguyên nhân: một là đến để thọ quả báo; hai là chư Phật Bồ Tát thừa nguyện tái lai (theo nguyện vọng trở lại) thị hiện để độ chúng sanh. 21-90-21

Hỏi:   Tất cả sanh vật trên thế giới đều có ‘cảm tính’, không chỉ có người mới có linh tính.  Xin hỏi linh tính từ đâu đến?        

Ðáp:   Trong kinh đức Phật nói với chúng ta linh tính là vốn sẵn có chứ không phải từ đâu đến.  Không có đi, không có lại, không có sanh diệt, vốn có sẵn, đây mới thật là mình; trong Thiền tông có danh từ: ‘phụ mẫu vị sanh tiền bổn lai diện mục’ (mặt mũi vốn có của mình khi cha mẹ chưa sanh ra) tức là chữ ‘linh tính’ này.

           Bạn nói tất cả sanh vật đều có cảm tính, chữ cảm tính này trong nhà Phật có phân ra hai loại: động vật (chúng sanh hữu tình) thì xưng là ‘Phật tánh’, thực vật (chúng sanh vô tình) thì xưng là ‘pháp tánh’.  Phật tánh và pháp tánh đều sẵn có, không có đến, không có đi.

          Ðích thật linh tính của mỗi người có cao thấp khác nhau, cao nhất là linh tính của Phật Bồ Tát, khi so sánh thì chúng ta thua xa.  Nguyên nhân này là ở chỗ nào?  Trong kinh Hoa Nghiêm đức Phật nói rất rõ ràng: ‘Linh tính của tất cả chúng sanh đều bình đẳng, nhất định không có sai khác, nhưng vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng được’.  Ngày nay linh tính của chúng ta không có, biến thành rất ‘yếu’ là tại vì vọng tưởng, phân biệt, và chấp trước trộn lẫn trong linh tính, làm cho linh tính không còn ‘linh’ nữa, sự việc là như thế đó.  Ðức Phật khổ tâm nhọc sức giáo hoá chúng sanh cũng là để dạy chuyện này.  Chỉ cần một ngày nào đó chúng ta giác ngộ, buông bỏ tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, linh tính viên mãn của chúng ta sẽ được khôi phục trở lại, khôi phục như vậy gọi là ‘thành Phật’.     21-90-28

 Hỏi:   Xin hỏi tại sao trong kinh Phật có rất nhiều chữ nhiều câu được lập lại hoài?



Ðáp:   Sự dạy học trong nhà Phật không sợ lập lại, không ngừng lập đi lập lại, không sợ phiền hà mà lập lại, lý do chánh cũng vì người ta không khai ngộ.  ‘Lập lại’ là danh từ mà người Trung quốc thường gọi là ‘nhắc đi, nhắc lại, dặn dò’, đây là từ bi đến mức cùng cực!  Chúng ta biết được rồi thì phải biết ơn.  Nếu không có sự lập lại thì chúng ta rất dễ quên, chớp mắt thì đã quên mất rồi.   Dặn dò cả ngàn vạn lần, lập lại hoài mà chúng ta vẫn không tỉnh ngộ, như vậy mới biết nghiệp chướng của chúng ta nặng đến đâu.

          Câu ‘Nghiệp chướng nặng nề’ này chúng ta nghe nhiều lần rồi nhưng vẫn không hiểu rõ.  Nếu có thể hiểu được phần nào thì mình sẽ khởi tâm biết ơn, khởi ý niệm quay đầu giác ngộ, thật muốn y giáo phụng hành.

          Người xưa ở Trung quốc không thích lập lại, việc này khác hẳn với người Ấn độ, người Ấn độ cứ lập đi lập lại hoài.  Ngôn ngữ văn tự của Trung quốc đòi hỏi phải rõ ràng, ngắn gọn, nguyên nhân chánh là vậy nên số người khai ngộ ở Trung quốc không bằng người ở Ấn độ.  Dùng cách ‘điểm đáo vi chỉ’ (chỉ điểm vừa tới mức thì ngưng, ở đây có nghĩa là gợi ý cho đủ hiểu là thôi, không nói huỵch toẹt ra) cho những người thượng căn, thông minh thì được, còn người trung và hạ căn thì không có kết quả.  Như thế chúng ta mới hiểu đức Phật dùng phương pháp này ở Ấn độ đích thật làm cho ‘tam căn phổ bị, lợi độn toàn thâu’ (gồm hết ba căn thượng, trung, hạ, thông minh, ngu độn đều có ích lợi) 21-90-32 

Hỏi:   Có một số bạn đồng tu thường mời các pháp sư khác đến để giảng khai thị, con không muốn đi nghe và khuyên người khác không đi nghe, xin hỏi cách làm này đúng không?  Hằng thuận chúng sanh thì phải làm sao?

Ðáp:   Nếu chúng ta tu học đích thật đã khai ngộ, khi tất cả chúng sanh giảng kinh thuyết pháp, chỉ cần họ nói chánh pháp, không phải tà pháp thì chúng ta đều có thể nghe, tà chánh nhất định phải phân biệt rõ ràng.  Tuy những gì họ nói khác với pháp môn tu học của chúng ta, chúng ta cũng nên đi nghe để làm trang nghiêm đạo tràng.  Ðể cho người mới học nhìn thấy đạo tràng rất đông đảo rồi tăng trưởng lòng tin.  Thậm chí người mới học giảng kinh mà giảng chánh pháp, chúng ta cũng nên đi nghe để làm trang nghiêm đạo tràng, vậy mới đúng.  Nếu công phu của mình không đủ, nghe người ta nói về những pháp môn khác, trong tâm tự mình không biết phải làm sao, như vậy thì không nên nghe.  Nếu bạn không có định lực, tu học không có nền móng vững chắc thì bạn không nên nghe, như vậy là đúng.

          ‘Hằng thuận chúng sanh’ là một trong Mười Nguyện Phổ Hiền, đây là cách nói với Pháp thân đại sĩ, chúng ta cũng nên học theo.  Buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, và chấp trước, tất cả đều tùy thuận người khác.  Trong lúc tùy thuận, nhất định phải quan sát kỹ lưỡng, nếu là thiện pháp thì mình tùy thuận, nếu là ác pháp thì không thể tùy thuận.  Tùy thuận phải dùng lý trí mà không thể dùng cảm tình.   21-90-33 



Hỏi:   Sanh mạng là vĩnh hằng, không sanh không diệt, xin hỏi có một số phận (hoặc mạng vận cố định) hay không?  Nếu có thì ai đặt ra những số phận này?           

Ðáp:   Sanh mạng đích thật là vĩnh hằng, không sanh, không diệt, không tăng, không giảm.  Nếu là không tăng, không giảm thì đâu có số phận!  Nếu bạn cho là có số phận thì đã khởi vọng tưởng rồi.  Xa lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì chân tướng hiện rõ, bạn mới hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh.  Trong tâm xen tạp vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là chướng ngại, chướng ngại chúng ta thấy đạo.  Thấy đạo là như thế nào?  Là hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh.   Thế nào là định số và không định số?  ‘Phàm có tướng đều là hư vọng’, ‘Tất cả pháp hữu vi đều giống như mộng, huyễn, bào, ảnh’; tất cả hiện tượng đều không phải thật, đều là huyễn hoá, nếu bạn hiểu được đạo lý này thì ‘niệm đầu’ (tâm niệm) sẽ không còn nữa.

          Sanh mạng là vĩnh hằng, không sanh không diệt, nhà Phật không gọi là ‘sanh mạng’ mà gọi là ‘thần thức’, người Trung quốc gọi là ‘linh hồn’.  Chúng sanh trong lục đạo tùy theo nghiệp lực đi đầu thai, xả thân, thọ thân.  Nhà Phật nói có hai loại sanh tử: phân đoạn sanh tử và biến dị sanh tử; hai loại sanh tử này cũng là hư vọng, không phải chân thật.  Nhưng bạn phải chuyển tám thức thành ‘đại viên kính trí’ thì mới hiểu rõ được cái hư vọng này; chưa chuyển tám thức thành bốn trí, bạn vẫn không tránh khỏi bị kẹt trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chỉ có mức độ sâu cạn khác nhau mà thôi.  Từ đó mới biết tu hành chứng quả đích thật không phải dễ.   Ðối với tất cả pháp trong thế gian và xuất thế gian đều không chấp trước thì mới có thể vượt khỏi lục đạo; không phân biệt thì mới vượt khỏi thập pháp giới; cuối cùng không có vọng tưởng thì chứng được Phật quả cứu cánh viên mãn.

          Phật dạy chúng ta phá vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; trong Pháp tướng tông nói lý, nói sự rất cặn kẽ, đây là một phương pháp giáo hoá chúng sanh.  Nếu bạn thích ‘tưởng’ thì [phương pháp này] đặt ra rất nhiều đề mục cho bạn ‘tưởng’.  Tưởng đến cuối cùng bạn không muốn ‘tưởng’ nữa thì buông bỏ hết, cách này gọi là ‘tư tận hoàn nguyên’ (nghĩ đến cùng thì trở về nguồn gốc).  Người quen dùng đầu óc, quen suy nghĩ thì Tướng Tông dạy cho họ lao đầu vô mà tưởng; người không thích dùng đầu óc, không thích suy nghĩ, Tịnh Tông dạy họ đừng suy nghĩ (tưởng).  Từ đó có thể biết được, đối với tất cả căn tánh của chúng sanh phương pháp dạy học của đức Phật hoàn toàn không giống nhau, nhưng mục đích sau cùng đều là ‘buông bỏ tất cả’, được vậy mới có thể thấy ‘chân tướng sự thật’. 21-90-33

 Hỏi:   Trong trường con, lúc dạy về âm thanh học thì con thường nêu lên sự khác biệt giữa “thật tướng” của “tánh nghe” Phật dạy trong kinh điển và Âm Thanh Học của Vật Lý, xin hỏi như vậy có phải là ‘dạy sai’ cho chúng sanh không?



Ðáp:   Câu hỏi này rất sâu.  Nhà Phật gọi ‘tánh nghe’ là phương pháp tu hành của Quán Thế Âm Bồ Tát nói trong kinh Lăng Nghiêm;  Bồ Tát từ phàm phu tu thành Phật đều dùng công phu của ‘tánh nghe’, ‘phản văn văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo’ (xoay trở lại nghe nơi tự tánh, tánh thành đạo vô thượng).  Nếu bạn muốn hiểu rõ việc này, nhất định phải đọc kinh Lăng Nghiêm, phải dồn công phu trên kinh này.  Có chỗ giống nhưng cũng có chỗ khác so với ‘âm thanh học’, đều phải phân biệt rõ ràng.

          ‘Phản văn văn tự tánh’ là một phương pháp tu hành rất cao, người thường làm không nổi.  Nói thật ra đây là một phương pháp tu hành rất cao trong Thiền tông chớ không phải là một phương pháp phổ thông.  Nếu bạn có thể hiểu được thì rất tốt, nếu hiểu không được thì khuyên người thật thà niệm Phật.  Dùng âm thanh cũng tốt, cổ đức thường nói: ‘Phật hiệu từ trong tâm sanh lên, miệng niệm ra tiếng, tai nghe trở vô’,  phương pháp này rất dễ nhiếp tâm, cũng có một chút liên quan đến ‘thanh học’. 21-90-34

 Hỏi:   Từ tượng vẽ để xem thì thân Phật Bồ Tát cũng giống thân thể của phàm phu, cũng có máu có thịt, xin hỏi tại sao lại không sanh không diệt?

Ðáp:   Tượng vẽ và tượng bằng nhựa mà bạn nhìn thấy có sanh có diệt, ứng hóa thân của Phật Bồ Tát cũng có sanh có diệt.  Tuy đức Phật A Di Ðà có thọ mạng rất dài, tương lai cũng có lúc sẽ nhập diệt.  Khi đức Phật A Di Ðà nhập niết bàn, buổi sáng nhập niết bàn, buổi chiều Quán Thế Âm Bồ Tát liền vào vị Phật, thị hiện thành Phật, ai nói không có sanh diệt?

          Nói không sanh không diệt là nói ‘Pháp thân’, Pháp thân không có sanh diệt, Báo thân có sanh không diệt, Ứng hóa thân có sanh có diệt.  Tây phương Cực Lạc thế giới có bốn cõi, Ứng hoá thân của A Di Ðà Phật vẫn có sanh có diệt.  Hiện nay chúng ta cũng có ba thân, thân bằng máu thịt của chúng ta là ‘ứng thân’, thân này có sanh có diệt; chúng ta cũng có báo thân nhưng chưa chứng được; chúng ta cũng có pháp thân nhưng cũng chưa chứng được.  Pháp thân là căn tánh của sáu căn, căn tánh của sáu căn không sanh không diệt, ở mắt thì gọi là ‘tánh thấy’, ở tai thì gọi là ‘tánh nghe’, kiến văn giác tri (thấy nghe hiểu biết), cánh cửa của sáu căn phóng quang động địa, đó thì không sanh không diệt.

          Người thế gian nói ‘tinh thần không diệt’, tinh thần và thân thể hợp thành một.  Nhưng thân thể có sanh diệt, tinh thần không diệt.  Chúng ta xem sách ngoại quốc nói về luân hồi, họ nói ‘linh hồn’ không sanh không diệt.  Linh hồn giống như người lái xe, thân thể giống chiếc xe, xin đừng coi chiếc xe thành chính mình, nếu không thì sai rồi.  Xe chạy hết mấy trăm ngàn dặm không thể chạy nữa thì bỏ đi đổi một chiếc xe mới, đây là ‘đầu thai chuyển thế’.  Thân này không dùng nữa, đổi một thân khác.  Thân thể có sanh diệt, linh hồn không có sanh diệt, sự nhận thức này so sánh còn cao hơn những sự hiểu biết thông thường.  Nhưng nhà Phật nói với chúng ta, linh hồn vẫn có sanh diệt, thật không có sanh diệt là ‘cái tánh’ của linh hồn, trong nhà Phật gọi là ‘tâm tánh’, cái này không sanh diệt. 21-90-48

Hỏi:   Xin hỏi ‘tri kiến lập tri’ và ‘tác quan’ có khác nhau không?  Làm sao phân biệt?

Ðáp:   Chuyện này đức Phật nói trong kinh Lăng Nghiêm rất rõ ràng, đây là một vấn đề lớn.  ‘Tri kiến lập tri thị vô minh bổn’, người sơ học như chúng ta rất khó hiểu rõ ý nghĩa của câu này.  Nếu muốn nói bốn chữ này nói hai tiếng đồng hồ cũng nói không rõ ràng, tốt nhất bạn nên đọc kinh Lăng Nghiêm, có cơ sở xong rồi mới trở lại hỏi.  21-90-48

 Hỏi:   Pháp sư nói: ‘Tùy duyên là tùy thuận đạo lý của Phật pháp mà không tùy thuận nhân tình’.  Ðây là một xã hội tràn đầy nhân tình, nếu tùy thuận Phật pháp mà không tùy thuận nhân tình thì không hợp với nhân tình sẽ làm cho người xung quanh lánh xa.  Phật pháp không rời thế gian pháp, Phật pháp không hoại thế gian pháp.  Phật pháp theo đuổi minh tâm kiến tánh, thế pháp theo đuổi ngũ dục lục trần.  Xin hỏi trong hai việc này có mâu thuẫn lẫn nhau không?



Ðáp:   Phật pháp không làm hoại thế gian pháp, ‘hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức’ thì làm sao không thuận nhân tình?  Nếu không thuận nhân tình thì không phải là Phật pháp; Phật pháp thì phải thuận nhân tình.  Dùng trí huệ để thuận nhân tình, không mê, đó mới là Phật pháp.   Dùng tình cảm ‘mê’ để thuận nhân tình là pháp thế gian.  Người thế gian không thông hiểu tình và lý, mê hoặc ở trong đó, không thể so với Phật Bồ Tát, thế nên người trong thế gian phải học Phật.  Phật pháp tức là sanh hoạt thực tế của chúng ta, Phật pháp vận dụng trên việc làm, xử sự, đối [xử với] người, tiếp [xúc với] vật, mới thật đạt được hạnh phúc mỹ mãn.  Nếu học Phật mà không phù hợp với nhân tình, gây bất hòa với người khác, làm họ xa lánh thì bạn không thông hiểu Phật pháp.

          Huệ Năng đại sư nói: ‘Phật pháp là pháp bất nhị, nhị pháp không phải là Phật pháp’.  Nếu bạn hiểu Thế pháp và Phật pháp là một chứ không phải là hai thì mới thật hiểu được Phật pháp.  Nếu là một thì tại sao còn phân biệt Thế pháp và Phật pháp?  Tức là giác và mê mà thôi.  Nếu giác thì thế pháp tức là Phật pháp; nếu mê thì Phật pháp là thế pháp.  Ðức Phật nói: ‘Mê ngộ không hai’.  Tại sao nói mê ngộ là một, không là hai?  Sự là một sự việc, mê cũng là nó mà ngộ cũng là nó, cho nên mê ngộ là không hai.  Pháp có biến đổi không?  Không có.  Khi mê, pháp không biến thành mê; khi ngộ, pháp cũng không biến thành ngộ.  Quý vị ‘tham’[cứu] kỹ lưỡng đạo lý này, lìa khỏi tâm ý thức mà ‘tham’ thì mới hiểu đạo lý này rõ ràng.

          Người thế gian tìm cầu ngũ dục lục trần, ngũ dục lục trần là Phật pháp hay không?  Khi giác thì là Phật pháp.  Mỗi ngày tụng kinh, niệm Phật, bái sám là Phật pháp hay không?  Khi mê thì không phải là Phật pháp.  Thế pháp và Phật pháp ở tại chỗ mê và ngộ, không ở trên sự tướng.  Trên sự tướng không có mê ngộ, mê ngộ ở trong tâm người.  Trong kinh Hoa Nghiêm, trong 53 lần tham vấn của Thiện Tài đồng tử có Thắng Nhiệt Bà La Môn, Cam Lồ Hỏa Vương, Phạt Tô Mật Ða Nữ truy cầu ngũ dục lục trần, tức là tham, sân, si, tất cả đều là Phật pháp vì họ giác mà không mê.  Chư Phật Bồ Tát thị hiện trong thế gian, có khi làm Thiên vương, nhân vương, người kinh doanh, người làm công, đủ ngành, đủ nghề, nam nữ, già trẻ, tất cả đều là Phật pháp.

          Thí dụ khi thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ chưa xuất gia, ngài làm một viên chức nhỏ, mỗi ngày lấy tiền trong công quỹ để đi phóng sanh, đó là Phật pháp hay là thế pháp?  Ðó là Phật pháp vì ngài không mê.  Thế pháp và Phật pháp không ở trên sự tướng mà ở trong một niệm.  Một niệm giác, vì lợi ích của tất cả chúng sanh thì đó là Phật pháp; một niệm mê, tự tư ích kỷ, hại người lợi mình là thế pháp.  Cho nên Phật pháp và Thế pháp là một, không phải là hai.  21-90-48

---o0o---



tải về 450.47 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương