PHẬt học vấN ĐÁp lão Hòa thượng Tịnh Không Nhóm Hoa Tạng Giảng Ký cung kính ghi chép Nguồn



tải về 450.47 Kb.
trang3/8
Chuyển đổi dữ liệu23.08.2016
Kích450.47 Kb.
#26070
1   2   3   4   5   6   7   8

4. NHÂN QUẢ


Hỏi:   Một người làm về ngành buôn bán sỉ đồ đông lạnh nhưng không trực tiếp sát sanh.  Vài năm trước còn kinh doanh nhỏ, ngày nay phát triển quy mô có đến 70, 80 người.  Mọi người làm đều làm việc rất đàng hoàng, sự nghiệp này là kết quả của sự gắng sức hợp lực của mọi người.  Nếu ngày nay không làm, sẽ có phần nhiều nhân công thất nghiệp cho nên không thể lập tức chấm dứt không làm.  Ngày nay việc làm ăn này là do người khác quản lý chăm sóc dùm, người này bây giờ mở một tiệm hoa, bản thân sanh sống rất đơn giản, cũng làm rất nhiều việc thiện, người khác đều gọi ông ta là cư sĩ, xin hỏi ông có thể quy y Tam Bảo không?

Ðáp:   Có thể! Quy nghĩa là quay trở về, quay về thì được ngay.  Nhất định phải biết bất cứ phước báo của người nào cũng là do đời trước tu được.  Quý vị đọc kỹ quyển ‘Liễu Phàm Tứ Huấn’ sẽ hiểu, từ trước đến bây giờ đông phương, tây phương đều như vậy, không có ngoại lệ.  ‘Một miếng ăn một miếng uống đều có định trước’, ai định cho bạn vậy?  Là tự mình định cho mình đó, không phải do người nào khác.

          Trong kinh nói người ta trên thế gian này có hai thứ nghiệp báo: thứ nhất là ‘dẫn nghiệp’, dẫn dắt bạn đầu thai trong mười pháp giới4.  Dẫn nghiệp này tức là ngũ giới, thập thiện.  Trong đời quá khứ tu ngũ giới thập thiện, tu rất tốt, nghiệp lực này dẫn dắt bạn đến thọ sanh trong loài người.  Sanh vào nhà ai, ai làm cha mẹ của bạn là do duyên phận mà định.  Cái duyên này rất phức tạp nhưng không ngoài bốn loại: báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ.  Nếu là báo ân thì con bạn sẽ là con hiếu cháu ngoan, bản tánh bẩm sanh là tốt.  Nếu là báo oán thì tương lai sẽ làm cho bạn nhà tan cửa nát, nó đến để báo thù.  Nếu là đòi nợ thì bạn vui vẻ nuôi nấng, cung phụng nó, đến lớn nó sẽ chết.  Tiền bạn nuôi cho nó lớn lên đều là tiền thiếu nó, nó đòi hết thì ra đi.  Nếu là trả nợ thì nó đến chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc những thứ nhu yếu trong lúc tuổi già, nhưng nó không có tâm cung kính, tâm hiếu thuận.  Nếu không phải là bốn thứ quan hệ này thì sẽ không sanh vào nhà bạn.  Sau khi hiểu rõ rồi, chuyển biến những thứ nghiệp duyên này thành pháp duyên, như vậy là giác ngộ.  Không kể là bạn sanh vào cõi này như thế nào, chúng ta đều khuyên bạn niệm Phật, đều khuyên bạn học Phật, khuyên bạn tiếp nhận lời dạy của Phật Bồ Tát, như vậy là chuyển biến nghiệp duyên từ đời trước thành pháp duyên, oán nợ hận thù hoàn toàn tiêu mất, đây là trí huệ chân thật.

          Thứ hai là ‘mãn nghiệp’.  Sau khi chúng ta được thân người, sự hưởng thụ trong đời này, những của cải tiền bạc có được trong đời này, công danh địa vị trong xã hội đều là từ quả báo của đời quá khứ tu thiện hoặc làm ác: 

Bố thí tài vật là nhân, được giàu sang là quả báo;

Bố thí pháp là nhân, được thông minh trí huệ là quả báo;

Bố thí vô uý (giúp cho người khác không sợ hãi) là nhân, được khỏe mạnh sống lâu là quả báo. 

Nếu làm đủ ba thứ bố thí này, quả báo của bạn sẽ vô cùng đầy đủ, viên mãn, bạn sẽ có giàu sang, thông minh, trí huệ, khỏe mạnh, và sống lâu.  Tuy nhiên chúng ta thấy có nhiều người giàu sang nhưng không có thông minh, trí huệ, thậm chí chưa học đến tiểu học, nhưng cơ duyên của họ rất tốt, rất nhiều học sinh đại học và bác sĩ làm việc cho họ.  Họ làm người chủ, nhân viên thuộc hạ đều ra sức làm việc cho họ, những nhân viên này đến là để báo ân, trả lại nợ đời trước thiếu họ.  Vì vậy cho nên người ta tu thiện tích đức thì mãn nghiệp sẽ tốt.

          Trong đời quá khứ tu không đủ thì đương nhiên mọi việc trong đời này đều khó khăn.  Sau khi bạn hiểu được Phật pháp rồi nỗ lực hết lòng tu học vẫn còn kịp.  Nếu thật hết lòng nỗ lực đi làm, ba năm sau quả báo sẽ hiện ra, vận mạng sẽ biến đổi.  Nhất định là có vận mạng và vận mạng này cũng có thể sửa đổi.  Nếu chúng ta có tâm thiện, hành động thiện, quả báo sẽ càng ngày càng tốt đẹp và càng thù thắng; nếu chúng ta có tâm không thiện, hành vi không thiện, tuy là có phước báo, phước báo này cũng bị tổn hao, thời gian hưởng phước rút ngắn lại, khi phước hưởng hết rồi thì ác nghiệp sẽ hiện ra.  Chúng ta xem trong xã hội hiện nay có rất nhiều nhà giàu có, buôn bán không được mấy năm thì sập tiệm, đây là vì trong đời quá khứ có phước báo nhưng đời này không làm việc thiện nên phước báo rất dễ dàng hưởng hết.  Những đạo lý này chúng ta phải hiểu rõ.        21-90-06



Hỏi:  Cháu của con nghiên cứu về sanh vật, thường nuôi chuột con để làm thí nghiệm, cháu không có tín ngưỡng.  Mỗi tháng cháu cho con 50 đồng, con đều lấy số tiền này làm công đức cho nó, xin hỏi như vậy được không?

Ðáp:  Rất tốt!  Bạn lấy 50 đồng này để làm công đức phóng sanh tốt nhất, bây giờ nó không biết nghiệp sát sanh rất nặng, tốt nhất là đừng làm ngành nghề này.

Trong sự sát sanh, đặc biệt tội phá thai là nặng hơn bất cứ tội khác, phá thai là giết người, oan oan tương báo phiền phức nhiều lắm.  Tại sao đứa bé này lại biết nhà của bạn mà đến?  [Vì] Nó có liên quan nhân quả với nhà bạn; trong kinh đức Phật nói có 4 loại quan hệ: báo ân, báo oán, đòi nợ, và trả nợ; nếu không có quan hệ này thì nó sẽ không đến.  Nếu nó đến để báo ân mà bạn giết nó thì đời sau sẽ kết thành oán thù; nếu nó đến để báo thù mà bạn giết nó thì oán hận càng sâu đậm thêm.  Vì vậy cho  nên nhất định đừng bao giờ phá thai, đây là điều mà người học Phật không thể không biết.           21-90-10



Hỏi:   Mỗi lúc gặp vấn đề khó khăn không biết giải quyết cách nào, dùng ‘mộc luân luân tướng’ nói trong kinh ‘Chiêm sát thiện ác nghiệp báo’ để đoán biết kết quả.   Xin hỏi cách làm này và sự coi bói trong dân gian có gì khác biệt?  Người học Phật có thể dùng không?

Ðáp:   Việc ‘chiêm sát’ là do lòng đại từ đại bi của Phật, vì người đời ưa thích việc coi bói nên đức Phật cũng hằng thuận chúng sanh tùy hỷ công đức.  Người học Phật chân chánh và người phát nguyện vãng sanh không cần hỏi những việc này, một lòng một dạ niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ, những chuyện thế gian này cũng không cần để ý làm gì.

          Việc mà nhà Phật gọi là ‘chiêm sát’ cần phải có công phu tu hành mới có cảm ứng.  Vả lại ‘chiêm sát luân tướng’ phải biết đạo lý và phương pháp tu hành.  Trong quyển ‘Quán Âm Cảm Ứng Khóa’, tức là Xăm Quán Âm, Ấn Quang đại sư trong phần tựa có nói: ‘Trước khi bạn cầu xăm Quán Âm phải nhất tâm chí thành niệm thánh hiệu Quán Âm Bồ Tát một ngàn lần, sau đó mới xin xăm, xăm này mới linh’.  Tại sao vậy?  [Chí] thành thì sẽ linh [nghiệm].  Như thế nào mới là ‘thành’?  Là nhất tâm chuyên chú, không có vọng niệm.  Niệm 1000 lần Phật hiệu là đem tất cả vọng tưởng, phân biệt, và chấp trước đều niệm cho mất hết, lúc bấy giờ là lúc tâm vô cùng chân thành, không một chút vọng niệm, bói quẻ sẽ linh.

          Trong quyển ‘Liễu Phàm Tứ Huấn’ có nhắc đến việc vẽ bùa, vẽ bùa và niệm chú có cùng một đạo lý, tâm không thành thì không linh, tâm không thành là tâm có vọng niệm.  Khi vẽ bùa từ lúc đặt bút xuống cho đến lúc vẽ xong, một niệm gì cũng không sanh, thì lá bùa này sẽ linh; nếu trong lúc vẽ bùa mà còn khởi tâm động niệm, lá bùa này sẽ không linh.

          Cho nên người xưa nói: ‘Niệm kinh không bằng niệm chú, niệm chú không bằng niệm Phật’.  Tại sao vậy?  Phật hiệu chỉ có 6 chữ: ‘Nam mô A Di Ðà Phật’, trong câu này không xen tạp vọng niệm, tạp niệm thì dễ làm hơn.  Trong lúc niệm bài chú quá dài có xen tạp một vọng niệm thì bài chú này sẽ không linh.  Kinh còn dài hơn nữa, khi niệm hết một bộ kinh mà không xen vào một tạp niệm thì càng không dễ!  Hiểu rõ đạo lý này mới biết sự thù thắng của pháp môn Niệm Phật.  Nhưng phải hiểu rằng niệm Phật mà còn xen tạp vọng tưởng thì cũng không được, nhất định phải niệm đến khi vọng tưởng mất hết.         21-90-10



Hỏi:   Trong quyển ‘Cảm Ứng Thiên’ có nói người không nhìn thấy quỷ, quỷ không nhìn thấy người, nhưng tại sao lại nói oan quỷ thường thường ở chung quanh để chờ đợi cơ hội?  Dựa vào công án của Ngộ Ðạt Quốc sư, oan quỷ đi theo ông 10 đời, trong thời gian dài như vậy, xin hỏi những oan hồn này không phải đi thọ báo hay sao?

Ðáp:   Việc này rất phức tạp.  Ðương nhiên oan quỷ này có thể đi theo Ngộ Ðạt Quốc sư 10 đời để chờ đợi cơ hội trả thù, quỷ này cũng không phải quỷ bình thường; quỷ thường làm không được.  Ðừng nói gì khác, nếu không có nhẫn nại thì làm không được, đợi không được, đi đầu thai mất rồi thì làm sao có thể đợi đến 10 đời?  Từ đó có thể biết oán thù kết quá sâu thì tâm trả thù cũng rất mạnh, như thế mới có thể theo đuổi hoài được.  Nếu tâm trả thù không mạnh như vậy, sau khi đợi một thời gian mà không có cơ hội báo thù nó sẽ đi mất, chuyện này cũng xảy ra rất nhiều.

          Người và quỷ có thể gặp mặt là do cơ duyên đặc biệt, nếu không có cơ duyên đặc biệt này thì không thể gặp được.  Thường người nhìn không thấy quỷ, quỷ cũng không nhìn thấy người.  Nếu có thể nhìn thấy lẫn nhau thì sẽ sanh ra nhiễu loạn, nhưng trong tình trạng hoặc cơ duyên đặc biệt cũng có thể nhìn thấy.  Có một vài bạn đồng tu đã nhìn thấy quỷ thần, hình trạng của quỷ thần này đều phù hợp với hình trạng diễn tả trong kinh điển.  Ðây đều là thật, không phải giả.      21-90-14

 Hỏi:   Người làm ác bị đọa địa ngục A Tỳ vĩnh viễn không có ngày ra khỏi.  Xin hỏi chúng sanh trong thế giới này có phải là càng ngày càng ít?

Ðáp:   Vấn đề có bao nhiêu chúng sanh trên thế giới là thuộc về ảnh hưởng của cộng nghiệp.  Nếu không có chung cộng nghiệp với chúng ta thì nhất quyết sẽ không đến thế gian này.  Nhiều chúng sanh như vậy từ đâu đến?  Là từ thế giới khác di dân đến.  Chúng ta niệm Phật vãng sanh không phải là từ thế giới Sa Bà của đức Phật Thích Ca Mâu Ni di dân đến thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Ðà hay sao?  Phạm vi của sáu nẻo luân hồi rất lớn, “sáu nẻo” là chỉ tam thiên đại thiên thế giới trong nhà Phật.  Tinh cầu trong tam thiên đại thiên thế giới quá nhiều, người ta giao thiệp qua lại lẫn nhau, không gian sanh hoạt rất lớn, không phải nhỏ bé như vầy.  Vả lại đọa địa ngục A Tỳ không phải là vĩnh viễn không ra khỏi, chỉ là thời gian rất dài mà thôi, phải trải qua trăm ngàn kiếp, tội báo hết mới có thể ra khỏi, cho nên họ cũng có ngày sẽ thoát khỏi [địa ngục].      21-90-16  

Hỏi:   Sau khi má con mất đi rồi, con đốt rất nhiều sách Phật, muốn [đốt] để má con đem đi, bây giờ mới biết tội đốt kinh sách rất nặng.  Xin hỏi con phải làm thế nào?

Ðáp:   Nếu bạn không biết ‘đốt kinh sách có tội’ thì bạn không có tội, chuyện này thuộc về lỗi lầm.  Phải biết phân biệt giữa tội và lỗi, tội rất nặng, lỗi thì nhẹ.  Nếu đã biết mà còn đốt thêm thì đó là tội.  Trong Phật pháp cho dù phá hoại hình tướng của Phật nếu là vô ý phá hoại thì thuộc về lỗi; nếu cố ý phá hoại, có tâm sân hận mà phá hoại thì đó là tội, tội này nặng giống như tội làm thân Phật đổ máu, tội này là tội đọa địa ngục A Tỳ. 21-90-19 

 Hỏi:   Có một cư sĩ bán thịt heo muốn đổi nghề nhưng không có tiền vốn, nếu không đổi nghề thì sợ tạo nghiệp.  Xin hỏi phải nên khuyên ông ấy như thế nào?



Ðáp:   Ông ấy đã biết bán thịt heo là tạo nghiệp, sự giác ngộ này rất quý.  Tốt nhất đừng nên làm những ngành nghề mà phải sát sanh; hiện nay có rất nhiều người mở tiệm ăn đặc biệt là tiệm bán hải sản đều tạo nghiệp rất nặng.  Nếu quan sát kỹ lưỡng thì thật có thể thấy quả báo của những người mở tiệm ăn này đều không tốt.  Có vài bạn đồng tu nói với chúng tôi, những người mở tiệm ăn ở Hương Cảng bị quả báo vô cùng thê thảm, chuyện này đã có đăng trên báo, cũng thật có người thấy được rồi đổi sang kinh doanh ngành nghề khác.  Nếu đổi tiệm ăn hải sản và tiệm ăn mặn thành tiệm ăn chay thì rất tốt, bạn phải khuyên người này nên suy nghĩ kỹ càng. 21-90-35

 Hỏi:   Có phải tất cả những vết thương trên thân thể đều do nghiệp báo chiêu cảm mà ra?  Mỗi lúc con phát tâm niệm Phật hoặc niệm Phật được nhiếp tâm thì chướng ngại xảy ra rất nhiều.  Bạn đồng tu dạy con phải nên đem công đức hồi hướng cho họ trước nhưng con sợ làm không được tốt thì [những gì mình hồi hướng] đều thành ra chi phiếu không lãnh được, sợ rắc rối sau này còn nhiều thêm.  Xin hỏi phải nên làm thế nào?

 Ðáp:   Không hẳn là tất cả vết thương đều chiêu cảm từ nghiệp báo mà ra, ngoại thương có lúc do chúng ta không chú ý gây ra.  Thí dụ như lúc đi chơi dã ngoại bị côn trùng cắn hoặc gai đâm bị thương, đó là do đi đường không coi chừng, chưa chắc là nhân quả báo ứng.  Từ xưa Trung quốc coi trọng hiếu đạo, tất cả những tập quán sanh hoạt của mình phải cẩn thận để ý, không nên để thân thể bị thương rồi làm cho cha mẹ lo lắng, điều này rất đúng.

          Còn về nghiệp chướng mỗi người [chúng ta] đều có rất nhiều oan gia chủ nợ, vì không phải gây ra trong kiếp này mà thôi, những gì gây ra từ kiếp trước đều quên hết; tuy chúng ta quên rồi nhưng đối phương không quên cho nên việc này rất phiền phức.  Phương pháp Phật dạy rất hay, chúng ta tu hành không phải vì mình, vì mình thì là tự tư tự lợi, oan gia chủ nợ sẽ đến gây phiền phức.  Nếu bạn tu hành cho tất cả chúng sanh, trong đó bao gồm oan gia chủ nợ, oan nghiệp tức khắc có thể dẹp trừ hết.

          Tất cả hành vi đều vì chúng sanh, đoạn ác tu thiện không phải vì mình, phá mê khai ngộ đều không phải vì mình, thành Phật cũng không phải vì mình, cho đến sự sanh hoạt, ăn cơm, uống nước đều cũng không phải vì mình, ăn cơm uống nước là  mình phải lợi dụng thân thể này để phục vụ cho tất cả chúng sanh.  Chỉ cần có tâm này tức là đã ‘hồi hướng’, được như vậy thì hiệu quả sẽ rất rõ ràng.  Nói một cách khác, chi phiếu ‘không đầu’ thì vẫn là tự tư ích kỷ.  Tất cả đều vì chúng sanh mà không vì cá nhân mình, đó là tâm hồi hướng, đó là giải oan và tháo mở gút mắc, được như vậy sẽ không viết chi phiếu không lãnh được tiền.

          Cho nên chúng ta phải mở rộng tâm lượng giống chư Phật Bồ Tát vậy; ‘tâm bao thái hư, lượng châu sa giới’ (tâm bao trùm hư không, lượng biến khắp thế giới), tâm lượng lớn thì phước lớn, tâm lượng nhỏ thì phước báo sẽ nhỏ, phải hiểu đạo lý này. 21-90-37

 Hỏi:   Con cái được sanh ra trong lúc lo sợ và dằng co bên bờ sanh tử, có lẽ sau này sẽ làm cho nó thích những cảnh tượng ma quỷ, khủng bố, và chém giết.  Xin hỏi con có thể chuyển nghiệp này không?

Ðáp:   Chuyển nghiệp hoàn toàn tùy thuộc vào mình, trước tiên phải chuyển nghiệp của mình trước rồi sau đó mới có thể giúp đỡ người thân trong nhà.  Ðức Phật giúp đỡ chúng sanh không giới hạn trong một đời mà là đời đời kiếp kiếp.  Trong đời này nghiệp lực của nó quá mạnh, tự mình không có năng lực để chuyển trở lại, chúng ta cũng vẫn phải giúp đỡ nó.  Nhưng biết trong đời này nó sẽ không thành tựu thì vẫn còn đời sau, cho nên phải kiên nhẫn.  Chúng ta đều tận tâm tận lực giúp đỡ thì mình đã làm tròn trách nhiệm và bổn phận.  Nhưng không nên có bất cứ một kỳ vọng nào đối với nó.  Nếu có kỳ vọng thì bạn sẽ có rất nhiều lo buồn, sẽ rất thất vọng.  Ðiều này phải học chư Phật Bồ Tát, tâm của Phật Bồ Tát vĩnh viễn thanh tịnh, thật đúng là ‘quán sát nhập vi’ (quán sát đến mức vi tế, tinh tường)          21-90-40

 

Hỏi:   So với ‘pháp giới quỷ’ thì tâm của ‘pháp giới người’ thanh tịnh hơn, xin hỏi tại sao loài quỷ có ngũ thông mà loài người không có?



Ðáp:   Loài quỷ có ngũ thông là do [quả] báo mà được chứ không phải do tu [hành] mà được.  Cõi trời có ngũ thông cũng từ [quả] báo mà được.  Hai cõi người và súc sanh không có ngũ thông thì phải nhờ vào tu [hành] mà được.  Tu đức và báo đức khác nhau, trong quyển Duyệt Vi Thảo Ðường Bút Ký của Kỷ Hiểu Lam và Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh có rất nhiều chuyện ngắn về vấn đề này.  Thí dụ như hồ ly thuộc về súc sanh đạo, hồ ly muốn tu thành thân người phải trải qua 500 năm mới tu thành và có ngũ thông.  Ngũ thông của loài súc sanh là nhờ tu mà được, có thể biến hóa cũng là nhờ tu mà được, chứ không phải có được từ quả báo.          21-90-42

 Hỏi:   Kinh Phật nói thọ mạng của loài người cách 100 năm thì giảm một tuổi, tại sao gần đây y học tiến bộ và thọ mạng của người ta lại tăng lên?  Xin hỏi có phải đức Phật thuyết pháp [như vậy] có ý nghĩa gì khác?



Ðáp:   Chúng ta không nên có hoài nghi đối với lời dạy của Phật.  Nếu nhờ thuốc men mà thọ mạng của người có thể kéo dài ra thì định luật nhân quả bị lật đổ rồi.  Phật nói thọ mạng của người cách 100 năm giảm một tuổi, đây là tuổi thọ trung bình, không phải là của một cá nhân nào đó.  Nghiệp thiện ác của mỗi người tạo trong thời quá khứ không giống nhau vì vậy thọ mạng nghiệp báo cũng không giống nhau.

          Phật nói sống lâu khoẻ mạnh là quả báo của sự bố thí vô uý trong đời quá khứ, nhờ vậy người đó được sống lâu khoẻ mạnh, là đạo lý như vậy; nhất định không liên quan đến thuốc men.  Thuốc men chỉ là trợ duyên chứ không phải là nhân.  Nếu mạng người đó không trường thọ, cho dù thuốc men trị liệu tốt cách mấy cũng không có biện pháp gì cả.

          Trong lịch sử Trung quốc người rất nổi tiếng như Tần Thỉ Hoàng và Hán Võ Ðế đều muốn sống lâu, đi khắp nơi để kiếm ‘thuốc trường sinh’, đến lúc mạng hết đều phải chết.  Cho nên sống lâu cùng những thứ thuốc men và cách giữ sức khoẻ này không có liên quan lẫn nhau.  Cư sĩ Hứa Triết ở Tân Gia Ba năm nay 101 tuổi, không có lo lắng về việc giữ sức khoẻ, cũng không ăn bất cứ đồ bổ nào, mỗi ngày chỉ ăn một bữa, chỉ ăn một vài món rau cải.  Phần đông người ta cho những thứ này không có dinh dưỡng, nhưng bà lại rất khoẻ mạnh sống lâu, thọ mạng của bà là nhờ đời trước tu bố thí vô uý.  Chỉ có Phật pháp giải thích vấn đề này một cách rõ ràng viên mãn.

          Vì vậy nên y học tiến bộ chỉ có thể nói [giúp] bịnh tật của loài người ít đi một chút thôi, đây chỉ là ngoại duyên.  Có phải thật là có thể giảm bớt?  Không hẳn vậy, hiện nay nhiều nơi trên thế giới đều phát hiện ra nhiều thứ bịnh chưa có tên, nhà y khoa vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.  Cho nên nếu điều tra [và thống kê] thọ mạng của tất cả người trên thế giới, thọ mạng trung bình rất đúng với câu nói của người xưa: ‘Nhân sanh thất thập cổ lai hy’ (Từ xưa đến nay người sống đến 70 tuổi rất hiếm).  Tính thọ mạng trung bình thì rất giống với điều Phật đã nói.    21-90-42

 Hỏi:   Nhà Phật nói công và quá (công đức và lỗi lầm) không thể bù trừ được, xin hỏi phải nói như thế nào mới viên mãn?  Ðối với người tu hành có những khải thị gì?

Ðáp:   Công đức và lỗi lầm thật là không thể bù trừ được; chúng ta dùng việc ‘trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu’ để làm thí dụ; nhân của dưa không tốt, tượng trưng cho việc ‘ác’, đậu tượng trưng cho ‘thiện’.  Chúng ta gieo hột giống dưa xuống đất rồi mới biết là sai lầm.  Hiện nay chúng ta trồng rất nhiều đậu, dưa có thể biến thành đậu không?  Không thể!  Hột dưa sẽ mọc thành dưa, hột đậu sẽ thành đậu.  Công quá không thể bù trừ lẫn nhau giải thích như vậy đó.  Không phải chúng ta trồng nhiều đậu thì dưa không mọc thành dưa nữa, sau cùng chắc chắn dưa cũng sẽ mọc thành dưa.

          Vô số kiếp từ trước đến nay, nghiệp nhân thiện và ác của chúng ta sẽ không thế nào bù trừ lẫn nhau.  Nhưng muốn nhân biến thành quả thì phải có duyên, vì vậy nhà Phật mới nói ‘duyên sanh’.  [Thí dụ] ác nhân của tôi rất nhiều, tôi không muốn kết thành quả báo ác thì đem ác duyên cắt đứt hết.  Thí dụ việc trồng dưa, tôi không muốn mọc thành dưa, tôi bỏ hột giống dưa vào tách trà rồi đậy lại, nó không có đất, không khí, và nước, trải qua 100 năm thì nó cũng không mọc thành dưa, như vậy gọi là ‘không có duyên’.  Nếu bạn đem hột dưa rải vô đất mảnh đất phì nhiêu có đầy đủ các thứ duyên: nước, phân bón, ánh sáng, thì nó nhất định sẽ sanh trưởng rất mau.  Do đó nếu chúng ta muốn thành tựu việc thiện nhất định phải tu thiện duyên; muốn đoạn việc ác, đem ác duyên cắt đứt thì hột giống ‘ác’ sẽ không sanh trưởng và kết trái.      21-90-50

---o0o---



tải về 450.47 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương