Phòng Thống kê – Trung tâm Tin học và Thống kê


ADB: Các quốc đảo Thái Bình Dương đối mặt với tình trạng gia tăng nghèo đói



tải về 211.51 Kb.
trang4/4
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích211.51 Kb.
#2996
1   2   3   4
ADB: Các quốc đảo Thái Bình Dương đối mặt với tình trạng gia tăng nghèo đói

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố kết quả nghiên cứu cho hay, giá năng lượng và lương thực ngày càng tăng có thể đẩy 5% dân số của các nền kinh tế đảo nhỏ ở Thái Bình Dương lâm vào cảnh nghèo đói.

Theo ADB, các nhà sản xuất dầu mỏ như Đông Timo và Papua Niu Ghinê đang được hưởng lợi nhờ giá khoáng sản cao là những "kẻ thắng lớn" xét về thu nhập ròng từ xuất khẩu. Tuy nhiên, Quần đảo Xalômôn và Vanuatu - hai quốc đảo xuất khẩu khối lượng lớn ngũ cốc và gỗ - sẽ bị ảnh hưởng khi doanh thu cao hơn nhờ giá hàng hóa tăng vọt trên thị trường thế giới vẫn không đủ để bù đắp cho các chi phí nhập khẩu bổ sung.

Nghiên cứu của ADB được tiến hành tại các quốc đảo Thái Bình Dương, trong đó có Quần đảo Cúc, Phigi, Quần đảo Mácsan, Kiribati, Micronesia, Nauru, Bêlao, Xamoa, Quần đảo Xalômôn, Tôngga và Tuvalu, cho rằng giá dầu mỏ ngày một leo thang kể từ năm 2006 sẽ "ăn mòn" ít nhất 5% tổng thu nhập quốc dân (GNP) của hầu hết các nước nói trên, với tác động của giá gạo và lúa mì cao, mặc dù thấp hơn những rất đáng kể.
ADB nhận định nếu giá hàng hóa cao dẫn đến mức giảm 10% thu nhập của các hộ có thu nhập thấp, các quốc đảo ở Thái Bình Dương có thể có thêm 5% dân số (tương đương 1,4 triệu người) lâm vào cảnh nghèo đói trong năm 2008.

Thể chế tài chính khu vực, có trụ sở tại Manila (Philíppin), cho rằng điểm yếu nhất của các nước này là có thu nhập bằng tiền mặt thấp, tiếp cận nghèo nàn với đất và có ít tài sản để bán trong các điều kiện khó khăn. ADB cũng thông báo khoản hỗ trợ kỹ thuật 225.000 USD giúp các nền kinh tế này soạn thảo các chính sách nhằm giải quyết tình hình khó khăn hiện nay.

ADB nói thêm, nhiều nền kinh tế đảo ở Thái Bình Dương có thể phải cần đến viện trợ khẩn cấp trong năm 2008, và những người nghèo ở Đông Timo có thể sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng thiếu lương thực triền miên, xung đột và những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.

ADB kết luận, giá cả gia tăng đã được cảm nhận đầy đủ nhất tại Thái Bình Dương, đồng thời kêu gọi các ngân hàng trung ương trong khu vực tăng cường kiểm soát giá lương thực, kiềm chế các sức ép lạm phát, kiểm soát cán cân thanh toán và đưa ra các chương trình hỗ trợ khẩn cấp. Cơ quan này cũng kêu gọi giảm các mức thuế quá cao đối lương thực và nhiên liệu và hối thúc Đông Timo và Papua Niu Ghinê sử dụng các nguồn thu từ dầu mỏ và khoáng sản để hỗ trợ người nghèo.

WB: Số người nghèo trên thế giới giảm mạnh

Theo nghiên cứu mới của Ngân hàng Thế giới (WB), số người nghèo đã giảm thêm khoảng 500 triệu trong giai đoạn từ năm 1981 đến 2005, nhưng những tiến bộ giữa các khu vực trên thế giới khác nhau và khu vực cận sa mạc Xahara hầu như bị đình trệ.

WB cho biết số người sống dưới ngưỡng nghèo ở các nước đang phát triển nghèo nhất thế giới đã giảm từ 1,9 tỷ xuống 1,4 tỷ trong 25 năm qua. Ngưỡng nghèo theo thống kê mới đã tăng từ 1 USD/ngày lên 1,25 USD/ngày.

Số liệu mới nhất cho thấy số người nghèo đã giảm từ 52% số dân của thế giới đang phát triển trong năm 1981 xuống 26% trong năm 2005. Với tốc độ giảm nghèo như hiện nay, đến năm 2015 vẫn còn khoảng 1 tỷ người sống dưới ngưỡng 1,25 USD/ngày.

Tuy nhiên, cận sa mạc Xahara là khu vực lớn duy nhất hầu như không có tiến triển gì trong cuộc chiến chống lại đói nghèo. Năm 1981, 51% người dân ở khu vực này sống dưới ngưỡng nghèo. Con số này đã tăng lên 58% vào năm 1996 và giảm trở lại 50% vào năm 2005. Số người nghèo đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 1981-2005, từ 200 triệu lên 380 triệu người. Mức độ nghèo cũng sâu sắc hơn và có ở khắp nơi, với khả năng chi tiêu của người nghèo chỉ khoảng 70 xu Mỹ/ngày vào năm 2005.

WB đã nêu bật thành tích giảm nghèo ở Đông Á, khu vực nghèo nhất trên thế giới vào năm 1981 khi có tới 80% số người sống dưới ngưỡng 1,25 USD/ngày. Đến năm 2005, con số này đã giảm 18%.

Ở Trung Quốc, tỷ lệ những người nghèo đã giảm từ 84% xuống 16%, với con số cụ thể giảm từ 835 triệu xuống 208 triệu người.

Cuba tạo điều kiện cho nông dân phát triển chăn nuôi

Ngày 25/8, Thứ trưởng Nông nghiệp Cuba Joaquín Lezcano cho biết trong nỗ lực tăng cường sản xuất nông nghiệp nhằm giảm tối đa nhập khẩu lương thực, Chính phủ Cuba đã thiết lập mạng lưới cung cấp các sản phẩm cần thiết cho hoạt động sản xuất chăn nuôi trên toàn quốc.

Theo ông Lezcano, sau một thời gian các cửa hàng bán nông cụ, phân bón thuốc trừ sâu cho nông dân đi vào hoạt động từ tháng 4 vừa qua, chính phủ đã tiếp tục cho phép các hộ nông dân chăn nuôi bò được quyền mua tại các cửa hàng này. Hiện tại tất cả 15 tỉnh thành của cả nước, những người nuôi bò thường xuyên cung cấp sữa cho nhà nước có thể mua các vật dụng cần thiết cho sản xuất với đồng peso chuyển đổi với tỷ giá 1,08 USD/peso.

Trước đây, nông dân Cuba không được mua tự do các nông cụ cần thiết phục vụ sản xuất. Thông thường nhà nước phân phối cho họ, tuy nhiên chính sách này đã kìm hãm các hoạt động canh tác và chăn nuôi phát triển. Diện tích đất hoang ở Cuba đã tăng 30% trong 5 năm gần đây. Trong tổng diện tích 6,6 triệu ha đất canh tác trên toàn quốc, có tới 1,2 triệu ha đất hoang hóa, trong khi đó Cuba phải nhập khẩu 84% lương thực để cung cấp cho 11,2 triệu dân.

Thứ trưởng Lezcano cũng nhấn mạnh trong tương lai nhà nước sẽ mở rộng hệ thống của hàng phục vụ nông dân và tháng 9 tới, Chính phủ sẽ đánh giá và xem xét khả năng cải tiến hơn nữa cơ chế này nhằm phát triển hơn nữa sản xuất nông nghiệp. Theo ông Lezcano, trước mắt các cửa hàng này sẽ ưu tiên phục vụ những nông dân bán sữa cho nhà nước. Cuba hiện có 141.000 con bò thuộc sở hữu của các nông dân cá thể.

Đầu năm nay, Chính phủ Cuba đã tăng giá thu mua sữa của nông dân. Theo Văn phòng thống kê quốc gia Cuba (ONE), sản lượng sữa 6 tháng đầu năm nay đạt 203,3 triệu lít, tăng đáng kể so với 41 triệu lít cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ nước này đảm bảo cung cấp miễn phí 1 lít sữa/ngày cho tất cả trẻ em dưới 7 tuổi, ngoài ra người già và người bệnh nặng cũng được ưu tiên sử dụng sữa. Cuba dự kiến chi hơn 2 tỷ USD trong năm nay để nhập khẩu lương thực, thực phẩm, đa phần trong số đó để mua sữa bột.

Tăng cường sản xuất lương thực là ưu tiên hàng đầu hiện nay của Cuba. Tháng 7 vừa qua, Cuba đã ra sắc lệnh trao quyền sử dụng đất hoang cho tất cả những ai muốn tham gia sản xuất nông nghiệp, trong đó có cả các hộ nông dân tư nhân.

Lào có nguy cơ thiếu gạo trong năm nay

Trận lũ lụt chưa từng thấy trong lịch sử trong mấy tuần qua tại Lào đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế nước này. Theo thống kê bước đầu, đợt thiên tai này đã gây thiệt hại hàng trăm tỷ kíp và đặt Lào trước nguy cơ thiếu gạo trong năm nay. Lũ lụt đã phá huỷ các hệ thống tưới tiêu, đường sá, trường học, nhà cửa và nhấn chìm hàng chục nghìn hécta lúa và hoa màu.

Tính riêng tại 6 trong số 9 huyện bị lũ lụt tại thủ đô Viêng Chăn (3 huyện còn lại hiện chưa thống kê xong), lũ lụt đã gây thiệt hại 148 tỷ kíp. Trong khi con số này tại Luang Prabang là 100 tỷ kíp. Tại tỉnh Khammuan, lũ lụt đã gây hư hại 6.000 trong tổng số 11.884 ha lúa của tỉnh, phá hủy nhiều diện tích hoa màu, làm hỏng 48 hệ thống thủy lợi và 41 trường học. Theo tính toán của các quan chức địa phương, thiệt hại do lũ lụt gây ra đối với tỉnh ít nhất phải là 31 tỷ kíp. Tại tỉnh Borikhamxay, các tính toán ban đầu cho thấy thiệt hại chỉ riêng đối với ngành nông nghiệp đã lên tới 90 tỷ kíp.

Một quan chức Bộ Nông Lâm nghiệp Lào ngày 21/8 cho biết, để đối phó với tình hình này, Chính phủ Lào đang khuyến khích người dân trồng các loại hoa mầu ngắn ngày thay cho các cây trồng truyền thống vẫn được người dân trồng trong mùa mưa. Hiện một nhóm chuyên gia thuộc các cơ quan của Liên hợp quốc đang thăm các tỉnh bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại Lào để đánh giá các nhu cầu khẩn cấp của người dân.

Xingapo tăng trợ giúp cho nông thôn nhằm đối phó với lạm phát

Ngày 18/8 phát biểu về chính sách hàng năm, Thủ tướng Xingapo Lý Hiển Long tuyên bố tăng 50% khoản trợ giúp cho người dân nông thôn, nhằm giúp họ đối phó với tình trạng chi phí sinh hoạt gia tăng - vấn đề theo ông là "nóng nhất" hiện nay ở quốc đảo này.

Các số liệu chính thức mới nhất cho hay lạm phát ở Xingapo trong tháng 6/08 vẫn đứng ở mức cao nhất trong 26 năm qua là 7,5%, do giá lương thực, nhà đất và chi phí vận tải gia tăng. Thủ tướng Lý Hiển Long lưu ý tình hình chi phí dầu mỏ và gạo toàn cầu gia tăng. Để giảm bớt gánh nặng này, ngoài việc tăng 50% số tiền mặt trợ giúp theo chương trình hỗ trợ tăng trưởng, chính phủ sẽ tăng 50% số tiền khấu trừ thuế.

Dự báo nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại này tăng chậm lại trong năm nay, chính phủ đã hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong ngân sách từ tháng 2/08. Ngân sách này tổng cộng khoảng 1,8 tỷ USD viện trợ bằng tiền mặt, các khoản khấu trừ và trợ giúp khác.

Ngân hàng Trung ương Xingapo hồi tháng trước đã nâng dự báo lạm phát của nước này năm 2008 từ 5-6% lên 6-7%. Các diễn biến bên ngoài, như giá dầu mỏ, lương thực và lạm phát tăng cao ở các nước đối tác thương mại, đã ảnh hưởng tới Xingapo bởi Xingapo là nền kinh tế mở và phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.

Chính phủ Xingapo ngày 18/8 cũng thông báo kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng phi dầu mỏ của Xingapo đã giảm 5,7% xuống 13,67 tỷ đôla Xingapo (9,7 tỷ USD) trong tháng 7/08 - tháng giảm thứ ba liên tiếp, do nhu cầu hàng điện tử tại các thị trường chủ chốt, trong đó có Mỹ, giảm sút. Xuất khẩu hàng điện tử của Xingapo tiếp tục đà sụt giảm bắt đầu từ tháng 2/07; kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7/08 đã giảm 14,2% xuống 5,22 tỷ USD. Trong tháng 7/08, trong số 10 thị trường chủ chốt của Xingapo, xuất khẩu của Xingapo chỉ tăng tại 4 thị trường, gồm Inđônêxia, Trung Quốc, Hàn Quốc và Hồng Công, còn giảm mạnh nhất tại Mỹ (giảm 33,1%), châu Âu (giảm 26,9%) và Thái Lan.
Xingapo là một trong những nước giàu có nhất châu Á với thu nhập bình quân đầu người 28.730 USD/năm, nhưng mức độ chênh lệch giàu nghèo đang gia tăng.

Philíppin có thể không đáp ứng được mục tiêu về sản lượng gạo và ngô

Theo công bố mới nhất của Cục Thống kê Nông nghiệp Philíppin (BAS), dự báo sản lượng gạo và ngô của Philíppin năm 2008 có thể không đạt được mục tiêu đã đề ra, do chi phí phân bón tăng mạnh.



Theo BAS, Philíppin - nước nhập khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới từ đầu năm đến nay - dự báo sẽ sản xuất khoảng 16,94 triệu tấn gạo, thấp hơn 2,1% so với mục tiêu 17,3 triệu tấn đã đề ra, tuy vậy vẫn cao hơn mức 16,24 triệu tấn của năm 2007. Trong khi đó, sản lượng ngô cả năm dự báo đạt 7 triệu tấn, thấp hơn 5,4% so với mục tiêu 7,4 triệu tấn đã đề ra cho năm nay và giảm 6,8% so với cùng năm ngoái.

Mặc dù thời tiết trong quý III/08 đã tạo điều kiện thuận lợi cho gieo trồng lúa nên diện tích trồng lúa tăng, nhưng nông dân vẫn hạn chế sử dụng phân bón bởi chi phí khá cao. Điều này sẽ làm giảm khoảng 4,5% năng suất xuống còn 3,65 tấn/ha.

Dự báo trên cũng gây sức ép lên mục tiêu của Chính phủ Philíppin là đạt được tốc độ tăng trưởng sản lượng nông nghiệp tối thiểu khoảng 4% và dự trữ gạo tương đương 25-30 ngày tiêu thụ vào cuối năm nay.

Nông nghiệp - chiếm khoảng 1/5 GDP của Philíppin, đạt mức tăng trưởng 5,4% trong quý II/08 và 4,7% trong 6 tháng đầu năm. Vào cuối năm 2008, Philíppin - hiện nhập khẩu 10% lượng gạo cần thiết mỗi năm - có thể sẽ bắt đầu mua gạo cho năm 2009, sau khi xem xét sản lượng gạo và xu hướng canh tác lúa trong quý IV/08.

BID: Giá lương thực tăng cao đe dọa 71 triệu người nghèo Mỹ Latinh

Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (BID) cho biết, chính phủ các nước Mỹ Latinh cần đẩy mạnh các chương trình xã hội nhằm "xoa dịu" việc giá lương thực tăng cao đã ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư nghèo trong khu vực.

Hiện nay, do giá cả các mặt hàng ngũ cốc, gạo và ngô tăng cao trên thị trường thế giới đã đẩy thêm 26 triệu người dân Mỹ Latinh vào cảnh nghèo đói, nâng tổng số người nghèo tại khu vực này lên 71 triệu người.

Chuyên gia của BID cho biết hầu hết các hộ gia đình nghèo thường giành phần lớn thu nhập của họ cho chi phí lương thực, vì vậy giá lương thực tăng cao đã đẩy nhiều hộ gia đình vào cảnh nghèo đói. Tỷ lệ người nghèo ở Chilê có thể sẽ tăng từ 12,3% lên 17,2%, trong khi con số tương ứng ở Mêhicô cũng tăng từ 20,6% lên 27,5%. Còn tại các quốc gia Trung Mỹ như Côxta Rica hay En Xanvađo thì số lượng người nghèo sẽ tăng đáng kể do các nước này phải phụ thuộc phần lớn vào lương thực và dầu mỏ nhập khẩu.

Theo tính toán của BID, trước tình trạng khủng hoảng giá lương thực, Haiti sẽ phải "rót" 12% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để có thể giữ vững mức tiêu thụ lương thực của những người nghèo như trước thời kỳ khủng hoảng, so với các mức tương ứng 4,4% GDP của Pêru, 3,7% GDP của Nicaragoa và 1,39% GDP của Goatêmala.

Theo BID, trong giai đoạn tháng 1/06-3/08, giá lương thực trên thị trường thế giới đã tăng với tốc độ trung bình 68%, một trong những nguyên nhân chính là do mức tiêu thụ lương thực gia tăng ở các nước lớn như Trung Quốc và Ân Độ.

Campuchia chú trọng phát triển thủy nông để đưa lúa gạo thành "vàng trắng"

Bộ trưởng Nguồn nước và Khí tượng Campuchia, Lim Kean Hor, cho biết trong năm 2008 Campuchia sẽ đầu tư khoảng 400 triệu USD cho việc xây mới và cải tạo hệ thông thủy nông nhằm đảm bảo đủ nước phục vụ hoạt động thâm canh và tăng vụ cây trồng, nhất là diện tích trồng lúa.

Ông Lim Kean Hor cho biết Chính phủ Campuchia trong quý IV/08 sẽ cho khởi công xây dựng hệ thống thủy nông lớn trong tỉnh Svay Rieng với vốn đầu tư 200 triệu USD, để dẫn nước từ sông Vai-cô tưới tiêu cho khoảng 300.000 ha đất canh tác.

Ngoài ra, Campuchia cũng khởi công xây dựng 4 hệ thống thủy nông nhỏ hơn với vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD, trong đó có hệ thống thủy nông lấy nước sông Stung Sen trong tỉnh Kompong Cham, để cung cấp nước cho hơn 200.000 ha đất nông nghiệp khác.

Số tiền đầu tư xây dựng trên được lấy từ nguồn vốn vay của Hàn Quốc, Côoét và Ấn Độ.

Hệ thống thủy nông của Campuchia hiện nay vẫn chưa phát triển mạnh và tới nay mới chỉ đảm bảo đủ nước tưới tiêu cho 40 % diện tích đất canh tác khoảng trên 2,5 triệu ha. Tuy vậy, trong năm 2007, sản lượng nông nghiệp của Campuchia đã đạt 6,4 triệu tấn thóc (khoảng 4,5 -5 triệu tấn gạo), không chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn dư để xuất khẩu.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen mới đây cho biết chính phủ nhiệm kỳ tới (2008-2013) của Campuchia sẽ chú trọng nhiều hơn tới việc phát triển thủy lợi để mở rộng diện tích canh tác và tăng thâm canh lúa lên 3 vụ/năm nhằm đạt sản lượng 9-10 triệu tấn thóc vào năm 2010, đưa lúa gạo trở thành "nguồn vàng trắng" của đất nước sau cây cao su, với lượng gạo xuất khẩu khoảng 4-5 triệu tấn /năm.




tải về 211.51 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương