PHẦn mở ĐẦu lí do chọn đề tài


Cách giải quyết xung đột trong



tải về 0.5 Mb.
trang4/7
Chuyển đổi dữ liệu15.08.2016
Kích0.5 Mb.
#20239
1   2   3   4   5   6   7

Cách giải quyết xung đột trong Vũ Như Tô Rừng trúc cũng khác nhau rõ rệt. Xung đột mang tính chất đối kháng mạnh mẽ trong Vũ Như Tô kết thúc bằng việc dân chúng theo quân khởi loạn giết vua, đốt phá Cửu Trùng Đài và trừng trị người sáng tạo nên công trình ấy. Như vậy, cách giải quyết xung đột trong Vũ Như Tô phù hợp với quy luật khách quan và quy luật của lịch sử. Để cho nhân vật của mình phải “chết trong lửa hận của quần chúng” và tuyệt vọng khi nhìn Cửu Trùng Đài - đứa con tinh thần của người nghệ sĩ bị phá huỷ khiến tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng mang đậm tính chất của bi kịch cổ điển châu Âu. Cái chết của Vũ Như Tô cũng chính là sự phản ánh bản chất bi kịch với mâu thuẫn không thể điều hoà được giữa khát vọng của người nghệ sĩ với thực tế xã hội. Còn với Rừng trúc, theo ý kiến của nhà nghiên cứu Phan Trọng Thưởng thì “ở một phương diện nào đó, có thể xem Rừng trúc là một bi kịch lịch sử” vì “đẫm màu sắc bi kịch về quyền lực chính trị trong một dòng họ và vương triều trước biến chuyển của lịch sử, bi kịch về thân phận của con người trước sự vận hành nghiệt ngã của quyền lực”[49,18]. Nhưng chúng ta dễ dàng nhận thấy, khác với kết thúc đầy bi thảm trong vở Vũ Như Tô, cách giải quyết xung đột trong Rừng trúc êm ái hơn. Cách giải quyết này đậm dấu ấn chủ quan của Nguyễn Đình Thi khi ông để cho nhân vật tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với vận mệnh đất nước mà gác lại những hiềm khích riêng để hoà giải với nhau, cùng chung sức lo lắng việc nước. Trong bài “Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi và một số vấn đề lí luận sáng tác về đề tài lịch sử” đăng trên Tạp chí Văn học số 11 năm 1999, Phan Trọng Thưởng đã phát hiện ra rằng các giải quyết xung đột trong Rừng trúc khác với các bi kịch cổ điển vì “sân khấu không la liệt xác chết, tình huống cuối cùng không huỷ diệt tình huống ban đầu như bi kịch cổ điển châu Âu”[49,18]. Từ xung đột giữa những người thân trong dòng họ mà Nguyễn Đình Thi gợi ra xung đột trong những tình thế lịch sử và giải quyết tình thế lịch sử đó lại trên cơ sở giải quyết mối xung đột giữa các mối quan hệ cá nhân. Do ý thức được trách nhiệm của cá nhân đối với dân tộc trước tình thế nguy nan của đất nước, Chiêu Thánh đã chọn cách ứng xử từ bỏ khát vọng tranh giành lại quyền lực, còn Trần Cảnh và Trần Liễu thì hoà giải với nhau để tập trung sức mạnh chấn hưng đất nước. Có ý kiến cho rằng việc giải quyết xung đột một cách dễ dàng bằng việc để cho nhân vật tự ý thức rồi tiến hành các hành động kịch theo hướng lạc quan trong vở Rừng trúc có phần chưa hợp lí nhưng thực chất cách giải quyết đó mang ý đồ tư tưởng sâu xa của tác giả muốn gửi gắm: ca ngợi tinh thần yêu nước và những ứng xử đẹp đẽ hi sinh quyền lợi riêng của các cá nhân cho quyền lợi chung của tổ quốc. Như vậy, sự lựa chọn cách giải quyết xung đột trong kịch Vũ Như Tô Rừng trúc đều là những cân nhắc có sự suy tính của cả Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi nhằm gửi gắm những ý tứ sâu xa của mỗi tác giả.
2.2.2. Nhân vật kịch

Trong kịch Vũ Như Tô, hệ thống nhân vật được phân tuyến rõ rệt nhằm biểu hiện những mâu thuẫn có tính đối kháng mạnh mẽ. Các lực lượng nhân vật tham gia vào hành động một cách quyết liệt, đấu tranh với những “trở ngại” để giải quyết những xung đột, qua đó thúc đẩy cốt truyện kịch phát triển. Vũ Như Tô là nhân vật trung tâm của vở kịch. Nhân vật này được đặt vào một hoàn cảnh bi đát, buộc phải lựa chọn. Đứng trước tình thế tính mạng bị đe dọa nếu không xây Cửu Trùng Đài cho Lê Tương Dực, Vũ Như Tô ban đầu dứt khoát không đồng ý phục vụ cường quyền vì cho rằng những kẻ như Lê Tương Dực, Nguyễn Vũ hỗ trợ việc xây đài chỉ với mục đích xấu xa là làm nơi ăn chơi sa đoạ. Nhưng chính Đan Thiềm là người đã thuyết phục Vũ Như Tô “lợi dụng cơ hội” đem cái tài cống hiến cho non sông. Nhờ vậy, Vũ Như Tô lao vào thực hiện mộng lớn xây Cửu Trùng Đài để thể hiện tài năng và làm vinh dự cho đất nước. Ngoài Đan Thiềm luôn động viên Vũ Như Tô xây đài, việc làm này của ông ban đầu nhận được sự ủng hộ của Thị Nhiên, các thợ và dân chúng. Sau này, đài càng xây cao càng tốn kém sức lực và tiền của khiến thợ thuyền, dân chúng khổ cực, oán thán triều đình. Trước tình thế có lợi cho quân phản loạn, bè lũ Trịnh Duy Sản đã xúi giục dân chúng và thợ thuyền nổi dậy giết vua, phá nát Cửu Trùng Đài và trừng trị Vũ Như Tô. Dựa trên sự tham khảo sơ đồ các lực chuyển động mà Đỗ Đức Hiểu trình bày trong bài “Bi kịch Vũ Như Tô”, người viết có biến đổi và sơ đồ hoá các tuyến nhân vật trong kịch Vũ Như Tô như sau:

Khác với kịch Vũ Như Tô, các nhân vật trong kịch Rừng trúc lại không được phân tuyến một cách rạch ròi. Hệ thống nhân vật trong kịch Rừng trúc không đối kháng về giai cấp, tầng lớp mạnh mẽ như trong kịch Vũ Như Tô nhưng chính trong những mối quan hệ của dòng họ này lại nảy sinh những xung đột chồng chéo, ngang trái. Các nhân vật chủ yếu được khai thác từ góc độ cảm xúc, đấu tranh nội tâm và tư tưởng nên nhân vật hành động ít hơn và mức độ quyết liệt hành động của nhân vật cũng không như ở Vũ Như Tô. Vở kịch nói về mối quan hệ éo le của sáu nhân vật trong Hoàng tộc gồm Chiêu Thánh, Trần Cảnh, Trần Thủ Độ, Thiên Cực, Trần Liễu, Thuận Thiên. Có thể sơ đồ hoá mối quan hệ của các nhân vật trong kịch Rừng trúc như sau:

Chú thích:

Quan hệ hoà thuận:

Quan hệ mâu thuẫn:


Nhân vật chính trong vở kịch Rừng trúc là bộ ba Trần Thủ Độ - Trần Cảnh - Chiêu Thánh (Lý Chiêu Hoàng). Việc 11 năm trước Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung (Thiên Cực, vợ của vua Lý Huệ Tông, mẹ của Chiêu Thánh) ép vua Huệ Tông phải chết, đưa Lý Chiêu Hoàng lên ngôi rồi sắp đặt cho nàng nhường ngôi cho Trần Cảnh đã gây ra những vết rạn nứt không thể lành trong mối quan hệ Hoàng tộc. Sự kiện này làm nảy sinh xung đột âm ỉ mà sâu sắc giữa mẹ - con (Thiên Cực - Chiêu Thánh), chú - cháu (Trần Thủ Độ - Chiêu Thánh), vợ - chồng (Chiêu Thánh - Trần Cảnh), anh - em (Trần Liễu - Trần Cảnh). Trong suy nghĩ, Chiêu Thánh đau đớn vì chính mẹ mình lại liên kết với chú để cướp ngôi về cho dòng họ nhà Trần, căm giận Thủ Độ vì tội ác giết cha nàng, cũng khó xử khi Trần Cảnh - chồng mình trước đây là kẻ dưới thì giờ đây trở thành Bệ hạ - cái ngôi vị vốn thuộc về nàng. Cũng chính từ việc sắp đặt ngôi cao thuộc về Trần Cảnh trong khi Trần Liễu làm anh trai lại phải chịu phận bề tôi nên Trần Liễu ôm mối hiềm khích anh - em trong lòng. Tất cả những mâu thuẫn trên chỉ bùng phát dữ dội từ sự kiện Trần Thủ Độ và Thiên Cực bàn tính một cuộc hôn nhân vi phạm luân thường đạo lý giữa Trần Cảnh và Thuận Thiên (chị của Chiêu Thánh, vợ của Trần Liễu) để có được người nối ngôi khi Thuận Thiên đã có mang ba tháng với Trần Liễu.

Khi so sánh nhân vật kịch trong Vũ Như Tô Rừng trúc, chúng ta có thể thấy một điểm gần gũi là hai vở kịch đều viết về số phận của các nhân vật lịch sử. Tuy nhiên, Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi lại khác nhau trong cách lựa chọn, xây dựng nhân vật chính. Cụ thể là Nguyễn Huy Tưởng làm nên sự mới mẻ khi không viết về các anh hùng dân tộc, các yếu nhân quen thuộc trong lịch sử mà lại lựa chọn nhân vật được nhắc đến rất ít trong sử sách như Vũ Như Tô - một thợ thủ công (theo Việt sử thông giám cương mục). Qua câu chuyện về số phận bi thảm của Vũ Như Tô, tác giả gửi gắm những trăn trở về vai trò của người thợ thủ công trong lịch sử. Khác với vở Vũ Như Tô, trong kịch Rừng trúc, Nguyễn Đình Thi lại lựa chọn những nhân vật quen thuộc trong chính sử và đã được nhiều tác phẩm khác viết về đề tài lịch sử khai thác. Bộ ba nhân vật chính Lý Chiêu Hoàng - Trần Cảnh - Trần Thủ Độ trong vở kịch này là những nhân vật quyền quý nắm giữ quyền bính và vận mệnh của dân tộc. Mặc dù các tác giả chọn lựa nhân vật ở những giai cấp khác nhau, dù là nhân vật quyền quý hay nhân vật bình thường thì điểm gần gũi ở Vũ Như TôRừng trúc là Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi đều bày tỏ sự cảm thông đối với những bất hạnh của con người, trăn trở về số phận con người trước những biến thiên của lịch sử.



Điểm gần gũi thứ hai có thể nhận thấy trong thi pháp xây dựng nhân vật ở Vũ Như TôRừng trúc đó là Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi đều tôn trọng lịch sử, tái hiện được những nét bản chất của nhân vật lịch sử nhưng vẫn phát huy vai trò sáng tạo, hư cấu của người nghệ sĩ. Trong vở Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng trung thành với lịch sử. Ông đã phản ánh sinh động thực cảnh thời kì loạn lạc của xã hội phong kiến Việt Nam dưới triều đại Lê Tương Dực qua hình ảnh một tên “vua lợn” vô lại, ham chơi “ngày thì rượu, đêm thì đánh bạc, gian dâm”, qua sự kiện Vũ Như Tô nhận xây Cửu Trùng Đài làm khiến dân gian đau khổ, quân lính mệt nhọc. Người đọc cũng ghi nhận sự sáng tạo của Nguyễn Huy Tưởng bởi ông viết về đề tài lịch sử nhưng không phải là nô lệ của tài liệu lịch sử mà đã tưởng tượng, hư cấu để bổ sung cho những chi tiết mà lịch sử không nói đến. Vũ Như Tô là nhân vật được Nguyễn Huy Tưởng lấy nguyên mẫu trong lịch sử. Tuy nhiên, lịch sử nói về Vũ Như Tô không nhiều nên càng dễ dàng cho nhà viết kịch phát huy sự sáng tạo của mình. Hà Minh Đức và Phan Cự Đệ đã khảo sát Việt sử thông giám cương mục, theo ghi chép trong tài liệu này thì Vũ Như Tô chỉ là “một người thợ Cẩm Giàng, xếp cây mía làm thành kiểu mẫu cung điện lớn trăm nóc, dâng lên nhà vua; nhà vua bằng lòng cho Vũ Như Tô làm đô đốc đứng trông nom việc dựng hơn trăm nóc cung điện lớn có gác, lại khởi công làm Cửu Trùng Đài… Sửa sang xây dựng hết năm này qua năm khác, quân và dân phải đi làm việc bị bệnh dịch, chết mất khá nhiều… Nguyễn Hoằng Dụ đóng đô ở Bồ đề được tin Duy Sản bạo nghịch giết vua bèn chém Vũ Như Tô ở ngoài cửa thành. Lúc Vũ Như Tô bị giết, mọi người đều chỉ trích chê cười, có người nhổ nước bọt vào thây của hắn”[46,119]. Khai thác đề tài lịch sử trên cơ sở tôn trọng tính chân thực lịch sử nhưng Nguyễn Huy Tưởng vẫn phát huy được vai trò sáng tạo của mình, bổ sung cho những chi tiết mà lịch sử không nói đến. Tính cách và đời sống nội tâm của Vũ Như Tô đã được Nguyễn Huy Tưởng tô đậm để phục vụ cho mục đích biểu đạt tư tưởng. Nếu trong lịch sử, Vũ Như Tô là một đốc công đáng ghét, đáng nguyền rủa thì trong vở kịch này, Vũ Như Tô trở thành một nhân vật bi kịch chứa đầy mâu thuẫn, vừa đáng giận, vừa đáng thương lại vừa đáng trọng. Đáng giận vì Vũ Như Tô quá say mê sáng tạo mà không nghĩ đến nỗi khổ của dân chúng. Đáng thương vì ông là người nghệ sĩ có tài nhưng lại rơi vào bi kịch “sinh bất phùng thời”. Như Tô cũng là người đáng trọng vì có những phẩm chất tốt đẹp như tài năng, không màng danh lợi, dũng cảm và thẳng thắn.

Vở Rừng trúc cũng bám sát sự thật lịch sử về việc chuyển giao quyền lực giữa hai triều đại Lý - Trần. Nguyễn Đình Thi khơi gợi nên tấn bi kịch trong hoàng tộc đã âm ỉ nảy sinh từ biến cố lịch sử Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung sắp đặt cho Chiêu Thánh - vị vua cuối cùng của triều Lý bấy giờ mới 7 tuổi nhường ngôi cho Trần Cảnh. Nhưng vở kịch chọn thời điểm 11 năm sau khi mà mâu thuẫn mẹ - con, anh - em, chú - cháu trong vương triều chỉ thực sự bùng phát dữ dội từ sự kiện Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung gán ghép cho Thuận Thiên lấy vua Trần Cảnh. Tính chân thực khi tái hiện lịch sử của Rừng trúc được chứng minh rõ khi chúng ta so sánh với những gì đã ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Bấy giờ Chiêu Thánh không có con, mà Thuận Thiên thì có mang Quốc Khang ba tháng. Trần Thủ Độ và công chúa Thiên Cực mật mưu với vua là nên mạo nhận lấy để nhờ về sau… Do đó Liễu họp quân ra sông Cái làm loạn. Vua trong lòng áy náy, đêm ra khỏi thành đến ở nhà Phù Vân quốc sư (quốc sư là bạn cũ của Thái Tôn) ở núi Yên Tử”[12,410]. Một mặt Nguyễn Đình Thi trung thành với lịch sử khi tái hiện đúng những sự kiện lịch sử quan trọng và bản chất của các nhân vật lịch sử nhưng mặt khác, ông cũng thể hiện sự sáng tạo của mình khi viết về đề tài lịch sử. Tác giả làm rõ và khẳng định vai trò của nhân vật Trần Thủ Độ theo như chính sử đã ghi chép. Nhưng Nguyễn Đình Thi cũng khám phá ra những việc làm thị phi của Thủ Độ đều xuất phát từ một động cơ chính trị là đặt lợi ích của vương triều và quốc gia lên trên hết. Đặc biệt, sự sáng tạo của Nguyễn Đình Thi tập trung biểu hiện rõ nhất ở hai nhân vật Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh. Điều này đã được Phan Trọng Thưởng khẳng định: “Dựa vào những chi tiết bỏ ngỏ của lịch sử, ông đã tiến hành sự cá tính hoá một cách triệt để hai nhân vật lịch sử Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh; đồng thời, dựng nên thế giới nội tâm phức tạp và những nghiền ngẫm suy tư mang ý tưởng nhân văn sâu sắc của họ” [49,25]. Sử sách ghi lại về Lý Chiêu Hoàng rất ít nên Nguyễn Đình Thi có cơ hội phát huy sự sáng tạo đối với nhân vật này nhiều hơn. Qua sử cũ, chúng ta biết đến Lý Chiêu Hoàng là vị vua cuối cùng của triều Lý, khờ dại nhường ngôi cho chồng Trần Cảnh lúc mới lên 7 tuổi, làm Hoàng hậu nhà Trần, sau này Trần Cảnh lập Thuận Thiên làm Hoàng hậu nên Chiêu Thánh bị giáng làm công chúa. Nguyễn Đình Thi dựa vào những điều sử sách đã viết về nhân vật này để hư cấu một cách hợp lí diễn biến tâm trạng của Chiêu Thánh vào thời điểm 11 năm sau khi xảy ra sự kiện Thủ Độ và Thiên Cực sắp xếp cho Thuận Thiên lấy Trần Cảnh, thay thế Chiêu Thánh làm Hoàng hậu. Khi đó, Chiêu Thánh đã trưởng thành về tuổi tác, trải qua 11 năm day dứt vì lỗi lầm đã để mất ngôi, tận mắt chứng kiến những biến cố thăng trầm trong Hoàng tộc, đau đớn khi đứa con trai với Trần Cảnh vừa sinh ra đã chết nên Chiêu Thánh rất phù hợp để trở thành kiểu nhân vật tâm trạng với những mâu thuẫn giằng xé. Còn đối với nhân vật Trần Cảnh, sử sách chưa khẳng định rõ việc ông bỏ ngôi vua lên Yên Tử là do đam mê kinh kệ Phật giáo hay vì hoang mang trước sự rối ren triều chính, chán nản vì những mâu thuẫn trong Hoàng tộc. Nguyễn Đình Thi nghiên cứu các tài liệu lịch sử và phỏng đoán có thể Trần Cảnh bỏ cung vì áy náy trước cuộc hôn nhân bị sắp đặt với Thuận Thiên (vừa là chị vợ và cũng là chị dâu của vua). Từ đó, khi viết Rừng trúc, Nguyễn Đình Thi đã có sáng tạo khi khai thác sâu vào tâm lý nhân vật Trần Cảnh.

Bên cạnh việc xây dựng những nhân vật có thật trong lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi đều có sáng tạo trong việc hư cấu nên những nhân vật không có thật nhằm góp phần biểu đạt tư tưởng của các tác giả muốn gửi gắm. Nhân vật Đan Thiềm trong kịch Vũ Như Tô là nhân vật hoàn toàn sáng tạo, không có trong lịch sử. Để trở thành nhân vật có vai trò quan trọng trong việc biểu đạt quan điểm, tư tưởng của tác giả, Đan Thiềm được sáng tạo hấp dẫn với một cảnh ngộ bi đát, cá tính và luôn hành động theo ước mơ, nguyện vọng của mình. Là một cung nữ tài sắc nhưng bị thất sủng, Đan Thiềm ý thức rõ về sự bạc bẽo của thân phận nghệ sĩ và giai nhân. Đan Thiềm là một nhân vật được lí tưởng hoá. Nàng xuất hiện một cách cao quý và đẹp đẽ khi dám lên án hôn quân và đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của người nghệ sĩ. Đan Thiềm xót thương và đồng cảm với Vũ Như Tô. Nàng khuyên ông mượn tay quyền thế để thực hiện hoài bão sáng tạo nghệ thuật. Đan Thiềm trở thành tri âm, tri kỷ luôn song hành cùng Vũ Như Tô trước những biến cố thăng trầm trong vở kịch. Xây dựng mối quan hệ giữa Vũ Như Tô và Đan Thiềm là một dụng ý nghệ thuật của Nguyễn Huy Tưởng nhằm gửi gắm tư tưởng, chủ đề tác phẩm. Đối thoại giữa Vũ Như Tô và Đan Thiềm như nói thay cho tác giả những trăn trở về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

Giống với vở Vũ Như Tô, trong kịch Rừng trúc cũng có nhân vật hoàn toàn do Nguyễn Đình Thi sáng tạo nên để nhân vật nói thay mình những bài học về nhân sinh, những triết lý sâu sắc. Đó là nhân vật ông cụ lang thang mà Trần Cảnh đã gặp trong một quán cơm trên đường lên Yên Tử. Trần Cảnh sau cuộc trò chuyện đó đã cảm phục gọi ông cụ là “Phật sống trong dân”. Những lời nói nghe có vẻ hài hước của ông cụ trong lúc đang say khướt lại ẩn chứa những triết lý Phật giáo sâu xa như “Phật tại tâm” hay muốn thấu hiểu “cái lẽ có, không, không, có” thì phải biết soi tỏ từ cuộc đời chúng sinh. Chính ông cụ đã giúp Trần Cảnh thức tỉnh thân phận, trách nhiệm của mình trước vận mệnh đất nước bóng quân xâm lược đang “thập thò ở ngoài”. Thật thú vị khi chúng tôi phát hiện thấy có điểm gần gũi giữa nhân vật ông cụ say trong kịch Rừng trúc với nhân vật Phó Cõi trong kịch Vũ Như Tô. Nhân vật Phó Cõi là một người trung nghĩa, một lòng một dạ với Vũ Như Tô. Giữa lúc tất cả đám thợ đều “nhị tâm”, theo quân phản nghịch Trịnh Duy Sản để chống lại Vũ Như Tô thì chỉ còn mình Phó Cõi là giả vờ say, không đi theo bè lũ Trịnh Duy Sản. Nhân vật ông cụ lang thang trong vở Rừng trúc và nhân vật Phó Cõi trong vở Vũ Như Tô đều là “những vai hề say rượu tồn tại từ sân khấu cổ truyền Việt Nam”, tượng trưng cho cái “tâm” và lòng trung trực của dân tộc ta. Theo ý kiến của Đỗ Đức Hiểu thì chủ ý xây dựng nhân vật hề say rượu chính là một trong những điểm riêng của sân khấu Việt Nam mà trong “bi kịch cổ điển Pháp không hề có”.



Điểm tương đồng tiếp theo trong hai vở kịch đó là Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi đều thổi hồn cho nhân vật của mình có được những tính cách phức tạp và đem đến cho người đọc, người xem kịch những nhận thức, đánh giá nhiều chiều về các nhân vật lịch sử. Vũ Như Tô là một nhân vật đa diện. Trong con người Vũ Như Tô vừa có mặt đáng giận, vừa có mặt đáng thương. Đáng giận ở chỗ Vũ Như Tô vì quá say mê sáng tạo nghệ thuật đã phục vụ cho cường quyền, gây ra bao đau khổ cho dân chúng. Nhưng Vũ Như Tô cũng đáng thương vì mang bi kịch của một nghệ sĩ tài năng xuất chúng nhưng không có điều kiện để thi thố tài năng trong thời đại mà ông sống. Chính vì thế mà Nguyễn Huy Tưởng đã gửi gắm những trăn trở khi đánh giá về nhân vật này qua lời đề tựa: “Than ôi! Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”. Tác giả một mặt vẫn trung thành với lịch sử, làm rõ sai lầm của Vũ Như Tô khi phục vụ cường quyền và khiến dân chúng phải lầm than nhưng ông cũng cảm thông và trân trọng tài năng của nhân vật này. Khát vọng sáng tạo nghệ thuật là chính đáng đối với người nghệ sĩ nhưng thực hiện hoài bão đó sẽ trở thành lầm lỗi nếu đi ngược lại quyền lợi của nhân dân. Nhân vật Trần Thủ Độ trong kịch Rừng trúc cũng là một nhân vật có tính cách phức tạp. Sử sách vẫn coi Trần Thủ Độ là một kẻ tàn bạo, lộng hành và bất trung. Trở thành nhân vật của Rừng trúc, Trần Thủ Độ vừa là kẻ thoán nghịch với triều Lí với nhiều thị phi tai tiếng nhưng cũng lại là bậc khai quốc công thần của nhà Trần. Nguyễn Đình Thi đã phát hiện ra ở con người Trần Thủ Độ cũng có những phẩm chất đáng mến. Thủ Độ tài giỏi về thao lược và có tầm nhìn xa trông rộng. Ông đã sớm ý thức được rằng “phải lo mở giảng đường, sớm rèn dạy lớp con cháu ta công việc đánh giặc cầm quân, mới mong có nhiều tướng giỏi sau này”, “triều ta phải làm sao cho dân có sức, nước mới mạnh được”, “không phải chỉ lo tìm tướng giỏi mà phải lo sắp đặt phép nước, tìm người tài, đặt đúng chỗ, dùng cho hết tài sức của họ”. Thủ Độ rất coi trọng phép nước, không cậy quyền thế mà hà hiếp những người ngay thẳng, không vì tình riêng mà cất nhắc họ hàng “việc lớn trong nước cứ gì nhìn vào thân thích”. Nhà vua Trần Cảnh cũng ghi nhận công lao, vai trò chủ chốt của Trần Thủ Độ đối với công cuộc khởi nghiệp và chấn hưng đất nước của nhà Trần: “Thật may có chú đứng mũi chịu sào, suốt bấy nhiêu năm gánh vác việc, xây đắp nền móng từ đầu cho triều đại ta”. Bên cạnh những phẩm chất tốt đẹp của Trần Thủ Độ, Nguyễn Đình Thi vẫn nhắc đến trong vở kịch của mình những việc làm ghê sợ của nhân vật này trong lịch sử khiến nhiều người bất bình như âm mưu đưa Chiêu Thánh lên làm vua rồi sắp đặt cho Chiêu Thánh nhường ngôi cho Trần Cảnh, ép Lý Huệ Tông phải chết hay sự sắp đặt phi luân ép Trần Cảnh lấy Thuận Thiên. Phan Trọng Thưởng nhấn mạnh phát hiện của Nguyễn Đình Thi đối với nhân vật Trần Thủ Độ: “đằng sau cái vẻ toan tính phức tạp của nhân vật này là một động cơ chính trị hết sức rõ ràng”[49,18].

Các nhân vật chính trong kịch Vũ Như TôRừng trúc đều có bề dày tính cách và số phận đặc biệt. Ở nhân vật Vũ Như Tô nổi bật lên cá tính nghệ sĩ, hết lòng say mê nghệ thuật. Khi xây dựng hình tượng Vũ Như Tô là hiện thân của người nghệ sĩ, Nguyễn Huy Tưởng gửi gắm những trăn trở về con đường đi của nghệ thuật. Số phận bi kịch của nhân vật này cũng chính là câu hỏi lớn đặt ra cho nền nghệ thuật chân chính sẽ lựa chọn đường đi như thế nào dưới chế độ bạo tàn. Đan Thiềm thì được tô đậm tính cách trọng cái Tài, yêu cái Đẹp đến mức nguyện hi sinh thân mình để bảo vệ cái Tài, cái Đẹp. Vũ Như Tô đã không khỏi cảm động khi tấm lòng “đồng bệnh” của Đan Thiềm đã khai sáng cho đầu óc u mê của Vũ: “Giữa chốn nhơ nhớp, Đan Thiềm trong sạch như một viên ngọc quý, trí bà sáng như vầng nhật nguyệt”. Tuy cùng chung khát vọng xây Cửu Trùng Đài nhưng Đan Thiềm tỉnh táo và thức thời hơn Vũ Như Tô. Khi quân nổi loạn đến, nàng nhận ra bi kịch của người nghệ sĩ “sinh bất phùng thời” mà khẩn khoản khuyễn Vũ Như Tô “đừng mơ mộng nữa”. Ở kịch Rừng trúc, nhân vật Lý Chiêu Hoàng cũng được xây dựng một cách lí tưởng hoá, hiện lên cao sang với những ứng xử đẹp đẽ như nhân vật Đan Thiềm. Khi nhắc đến Lý Chiêu Hoàng là người đọc, người xem nghĩ ngay đến số phận đau khổ của một nạn nhân trước biến thiên lịch sử. Lý Chiêu Hoàng đã ý thức được thân phận của mình “dù chỉ là một giọt máu xa xôi của Đức Lý Thái Tổ ta xưa, giọt máu này vẫn long lanh đỏ tươi”, nhìn nhận thấu đáo lịch sử “hai đời vua ông cha ta đã có nhiều lầm lỗi, yếu hèn, để cho đến nỗi trăm họ phiêu bạt, núi sông nghiêng ngửa…”. Nàng cũng tỉnh táo nhận ra thế nước “cái mối hoạ Thát Đát bên phương Bắc thì cứ ngày một gần… Đến bây giờ nó đang lăm le tính chuyện làm cỏ cả nước ta rồi” để từ đó đưa ra quyết định sáng suốt “Nhà Lý đã đến lúc xong công việc”. Trải qua nhiều dằn vặt trong nội tâm, cuối cùng Chiêu Hoàng đã lựa chọn cách ứng xử cao thượng là từ bỏ khát vọng giành lại ngôi vua trước tình thế nguy nan của đất nước. Còn nhắc đến Trần Cảnh là chúng ta nghĩ ngay đến vị vua “độ lượng khoan hoà”, nhân ái. Trong thực tế lịch sử, Trần Cảnh tỏ ra yếu đuối khi để mọi quyền bính rơi vào tay Thủ Độ, cam chịu sự sắp đặt của chú nhưng trở thành nhân vật của Nguyễn Đình Thi, Trần Cảnh còn là người có những chiêm nghiệm sâu sắc về nhân sinh và có một thế giới nội tâm nhiều trăn trở.

Nét đặc sắc chung trong kịch của Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi là đều thể hiện được sâu sắc và giàu tính nhân văn cuộc đấu tranh thầm lặng, giằng xé quyết liệt trong nội tâm của nhân vật. Trong cuốn Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960): nghiên cứu, Hà Minh Đức và Phan Cự Đệ đã đã nêu lên ý nghĩa của việc khai thác xung đột tâm lý nhân vật ở những tác phẩm viết về lịch sử:“Đời sống riêng, tâm lí của các nhân vật, tuy không được nhắc đến trong các văn kiện lịch sử nhưng đối với nghệ sĩ thì những điều đó lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Dựa trên vốn sống và những tài liệu lịch sử, nhà nghệ sĩ phải tưởng tượng để bổ sung cho vô số những “điểm trắng”.”[7,28].

Vũ Như Tô là nhân vật được Nguyễn Huy Tưởng khắc hoạ nội tâm một cách sâu sắc. Ông đã phải đấu tranh trong suy nghĩ để chọn lựa việc có nên xây Cửu Trùng Đài hay không. Một mặt, Vũ Như Tô ý thức được rằng “không thể đem tài ra làm một việc ô uế, muôn năm làm bia miệng cho người đời được” nhưng mặt khác, ý thức đó lại bị khát vọng sáng tạo trong ông làm lay chuyển. Đan Thiềm đã nói hộ Vũ Như Tô cái khát vọng “đem tài ra thí thố”, xây Cửu Trùng Đài để “dân ta nghìn thu được hãnh diện, không phải thẹn với những cung điện đẹp nước ngoài”. Lựa chọn xây dựng Cửu Trùng Đài và dốc hết tâm huyết để thực hiện hoài bão đó nhưng trong con người Vũ Như Tô vẫn dằn vặt đau khổ bởi sự mâu thuẫn giữa khát vọng nghệ sĩ và trách nhiệm công dân. Là nghệ sĩ, Vũ Như Tô ôm ấp lí tưởng sáng tạo nghệ thuật làm đẹp cho non sông nên ông đấu tranh đến cùng để hiện thực hoá mộng ước đó. Nhưng là công dân, Vũ Như Tô lại băn khoăn, thấy “ngại” vì “nước ta thì nghèo, dân thì đói, quan lại nhũng, công khố thì cạn, nếu xây đài thì loạn to”. Tâm trạng áy náy này của Vũ Như Tô đã được thể hiện qua lời thổ lộ trực tiếp của Vũ Như Tô với các thợ “Tôi cũng khổ tâm lắm đấy. Có phải gan sắt đá đâu mà vô tình” và qua những đoạn độc thoại của nhân vật như “Bao nhiêu người chết vì ta! Khốn nạn… Nhưng sao ta vội nản. Nhu nhược thì sao dựng nổi cái đài này?...”. Nguyên nhân tấn bi kịch của Vũ Như Tô nằm ngay trong chính bản thân nhân vật. Trong suy nghĩ của Vũ Như Tô luôn có sự đấu tranh gay go, quyết liệt giữa ước muốn sáng tạo kiệt tác nghệ thuật để lưu danh muôn thuở với lòng xót thương cho những khổ cực của thợ thuyền, nhân dân. Nhưng cuộc đấu tranh đó cuối cùng đã kết thúc bằng việc chiến thắng của khát vọng sáng tạo dẫn đến Vũ Như Tô thành kẻ có tội với nhân dân. Tiếng thét lớn của Vũ Như Tô khi nhìn Cửu Trùng Đài bị phá huỷ thể hiện sự đau đớn, tuyệt vọng khôn cùng trong tâm trạng của nhân vật: “Ôi đảng ác! Ôi muôn đời căm giận! Trời ơi! Phú cho ta cái tài làm gì? Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài”.

Ở kịch Rừng trúc, Nguyễn Đình Thi cũng đặc biệt chú trọng đến việc mô tả đấu tranh nội tâm của nhân vật. Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh là hai nhân vật được mô tả chủ yếu bằng những dằn vặt nội tâm, đấu tranh trong tư tưởng. Lý Chiêu Hoàng được đặt trong những mối quan hệ phức tạp, éo le. Sau 11 năm nhường ngôi cho chồng, giờ đây Chiêu Thánh nhận thức rõ số phận bi kịch của mình trước biến thiên lịch sử. Nàng xuất hiện lần đầu tiên trong vở kịch đã đầm đìa nước mắt vì mặc cảm có lỗi với tiên đế: “Cha ơi cha! Cha có nghe thấy con nói gì không! Tội con để đâu cho hết. Cha thương cho con. Cha tha cho con”. Nguyễn Đình Thi đã giãi bày sự bế tắc, cô đơn của Chiêu Thánh trước triều chính và những mối quan hệ éo le trong gia đình bằng một đoạn độc thoại nội tâm dài 2 trang:

“Trong buổi hôm nay, ta sắp phải gặp tất cả đây… Nào chồng, nào mẹ, nào chị… còn ai gần gũi hơn… Nào ta còn ai khác là máu mủ ruột thịt trên đời này nữa!...

Chẳng còn ai khác. Ta chẳng còn ai…

Cả mấy người ở một bên… Bỏ ta một mình với một bên này. Chưa đến nỗi là thù… Chưa đến nỗi… Nhưng không phải những người còn ở với ta cùng một đời nữa sao…Sao lại như vậy!

Chỉ có một người ở với ta mãi thôi. Một người không bao giờ bỏ ta. Chỉ có một người thật thương ta mọi nỗi. Cha ơi cha! (khóc)

Nào chồng, nào mẹ, nào chị… Ừ thôi hôm nay ta sẽ không lánh đi đâu nữa…”

Chiêu Thánh nhận ra những xung đột ngang trái đang vây bủa lấy nàng. Nàng nghĩ đến mối xung đột với mẹ mình - Thiên Cực: “Mẹ chắc cũng còn đôi chút tình mẹ con chứ nhỉ… Là mẹ ta nhưng lại là vợ kẻ bắt cha ta phải chết. Thế thì ta là con gái đáng thương của bà hay ta là kẻ thù đáng sợ của vợ chồng bà…”. Đối với Thuận Thiên, Chiêu Thánh nhận ra chỉ còn mình Thuận Thiên và nàng là đồng cảnh và yêu thương nhau. Nhưng trước sự sắp đặt của Thủ Độ ép Trần Cảnh lấy Thuận Thiên thì Chiêu Thánh lại nhận ra mối quan hệ chị - em ấy đã bị đẩy vào một tình thế éo le: “Tội nghiệp cho chị, chị Thuận Thiên ạ, đáng lẽ chỉ còn chị với em thôi. Thế nhưng bây giờ họ đang lôi chị vào đấy, biết đâu, lúc này chị nhìn em chẳng thấy em đã hoá ra như một cái gai rồ, một cái gai phải bẻ đi, nhổ đi, không thì cũng phải làm thế nào gói kín cất sang một bên…”. Đối với Trần Cảnh, Chiêu Thánh cũng nhận ra sự tranh giành quyền lực đã khiến mối quan hệ vợ chồng họ luôn có khoảng cách: “Đáng lẽ người gần ta nhất, thương ta nhất, là chàng đấy, chàng Hai của em ơi… Chàng chẳng có tội gì với cha em. Có lẽ chàng cũng thương yêu em từ năm ấy em lên bảy, chàng lên tám nhỉ, cho đến bây giờ, hơn mười năm, có lẽ lòng chàng cũng chưa đến nỗi quên chút nghĩa cũ từ ngày ấy. Nhưng mà chàng chẳng phải chỉ là chàng Hai của ta. Xưa kia thì mỗi lần ta gọi, chàng vội quỳ lạy và sợ hãi nói với ta: muôn tâu Bệ hạ. Còn bây giờ thì trước mặt chàng, ta lại phải quỳ lạy và cúi đầu nói với chàng: muôn tâu Bệ hạ…”. Diễn biến nội tâm của nhân vật Chiêu Hoàng còn được Nguyễn Đình Thi khắc hoạ ở những vị thế khác nhau. Là một vị vua, nàng tỏ ra hối hận vì lầm lỗi đã nhường ngôi xưa và cũng khát khao giành lại quyền lực cho cá nhân và triều Lý: “Lâu nay bọn các ngươi chỉ thấy ta là Hoàng hậu của Trần Cảnh. Đâu phải. Ta là Lý Chiêu Hoàng. Ta không phải vợ vua. Ta là vua nước này”. Nhưng là một phụ nữ mỏng manh, Chiêu Thánh nhận ra sức mạnh ghê gớm của quyền lực làm đảo lộn nhân tình thế thái. Hành động vứt vương miện của Chiêu Thánh đã thể hiện nhận thức của nàng về việc quyền lực đã làm mất đi hạnh phúc tự nhiên của con người. Lý Chiêu Hoàng đã quyết định rời bỏ ngôi báu, chính thức chuyển giao vương triều cho nhà Trần để có thể trở lại là một người dân bình thường, không phải giấu giếm nỗi lòng của mình. Chiêu Thánh đã thổ lộ cho Trần Cảnh nghe nỗi đau đớn dày vò nàng khi đứa con trai với Trần Cảnh vừa sinh ra đã chết, vua mới nhận ra: “Ngờ đâu nàng đến nỗi như vậy”.

Trần Cảnh cũng là một nhân vật có nhiều dằn vặt trong tâm trạng. Ông vua trẻ này thương yêu nuối tiếc Lý Chiêu Hoàng nhưng lại phải chịu sự sắp đặt của Thủ Độ để lấy Thuận Thiên dù cho có “suy nghĩ nhiều bề”. Trần Cảnh đau đớn khi hay tin Trần Liễu làm phản: “Anh em ruột thịt đánh lẫn nhau. Thật là xấu hổ, cha mẹ ta dưới suối vàng hẳn vật mình không yên”. Tâm sự đau đớn của Trần Cảnh được thể hiện qua hành động rời bỏ ngôi vua “muốn tìm đến nơi Rừng trúc Yến Tử để theo hầu đức Phật” và qua những lời thổ lộ với Khuê Kình “lòng ta đang có nỗi ngổn ngang”, “ta đi đây là tự cởi trói cho ta, mà cũng là tháo gỡ nỗi khó cho nhiều người”. Trước những sức ép nặng nề của triều chính và cảnh ngộ éo le trong Hoàng tộc, Trần Cảnh đã chán ngán “bỏ ngôi vua như bỏ một chiếc giày rách”.

Như vậy, ở hai vở kịch, Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi đều sử dụng những thủ pháp quen thuộc để khắc hoạ nội tâm nhân vật. Những thủ pháp đó bao gồm để cho nhân vật độc thoại, tự chất vấn bản thân (độc thoại của Vũ Như Tô, Chiêu Thánh) hoặc bằng cách cho nhân vật đối thoại với người khác mà thổ lộ trực tiếp tâm trạng của mình như đối thoại giữa Vũ Như Tô - Đan Thiềm, Vũ Như Tô - các thợ, Chiêu Hoàng - Thiên Cực, Chiêu Hoàng - Trần Cảnh…



Ngoài những điểm gần gũi trên, chúng ta vẫn có thể nhận thấy điểm khác biệt ở thủ pháp khắc hoạ nội tâm nhân vật ở Vũ Như Tô Rừng trúc. Mang đặc trưng của kịch tâm lý trữ tình, kịch Rừng trúc có nhiều đoạn độc thoại dài góp phần thể hiện thành công những giằng xé nội tâm khó mà giải toả của nhân vật. Từ chủ ý lựa chọn nhân vật ở thời điểm lịch sử đang xảy ra những xáo trộn trong tư tưởng, Nguyễn Đình Thi để cho các nhân vật tự phân tích bản thân mình, tự đối thoại với bản thân để cuối cùng tự nhận thức, tự đưa ra lựa chọn quyết liệt của mình. Trong khi đó, Vũ Như Tô có rất ít những đoạn độc thoại nội tâm mà đa phần nhân vật thường trực tiếp bộc lộ tâm trạng, suy nghĩ của mình qua đối thoại. Ngoài ra, ở kịch Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng sử dụng một thủ pháp có hiệu quả đắc lực khi khắc hoạ xung đột nội tâm nhân vật mà ở Rừng trúc không có. Đó là Nguyễn Huy Tưởng xây dựng cặp đôi nhân vật Vũ Như Tô - Đan Thiềm có mối quan hệ “đồng bệnh” đặc biệt với dụng ý nghệ thuật: thực chất Đan Thiềm và Như Tô là một, Đan Thiềm chẳng qua chỉ là sự phân thân, là biểu hiện một chiều suy nghĩ khác của Vũ Như Tô. Như vậy, đối thoại giữa Vũ Như Tô và Đan Thiềm nói cho cùng chính là độc thoại của Vũ Như Tô. Những lời nói thuyết phục Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài của Đan Thiềm thực chất là tiếng nói của khát vọng nghệ thuật thuần tuý luôn khắc khoải trong con người Vũ Như Tô đang đối thoại và đấu tranh với tiếng nói của quần chúng mà Vũ Như Tô bênh vực. Đối thoại Vũ Như Tô - Đan Thiềm đã góp phần làm sinh động cuộc đấu tranh giữa những mâu thuẫn tư tưởng trong Vũ Như Tô. Thủ pháp tách đôi nhân vật, thông qua đối thoại giữa các nhân vật để biểu hiện cuộc đấu tranh nội tâm của chính nhân vật này là nét độc đáo minh chứng cho sự sáng tạo đầy tài năng của Nguyễn Huy Tưởng. Những khác biệt mà trong cách thể hiện nội tâm nhân vật ở Vũ Như Tô Rừng trúc chúng tôi vừa nêu chính là một trong những yếu tố tạo nên nét riêng trong thi pháp kịch của Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi.
Каталог: nonghocbucket -> UploadDocument server07 id114188 190495
UploadDocument server07 id114188 190495 -> ChuyêN ĐỀ ĐIỀu khiển tán sắC
UploadDocument server07 id114188 190495 -> Trong khuôn khổ Hội nghị của fifa năm 1928 được tổ chức tại Amsterdam (Hà Lan), Henry Delaunay đã đưa ra một đề xuất mang tính đột phá đối với lịch sử bóng đá
UploadDocument server07 id114188 190495 -> MỤc lục phần I: MỞ ĐẦU
UploadDocument server07 id114188 190495 -> «Quản trị Tài sản cố định trong Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa»
UploadDocument server07 id114188 190495 -> Khóa luận tốt nghiệp 2010 Mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong thời kì tới 85
UploadDocument server07 id114188 190495 -> ĐỒ Án tốt nghiệp tk nhà MÁY ĐƯỜng hiệN ĐẠi rs
UploadDocument server07 id114188 190495 -> Đề tài: Qúa trình hình thành và phát triển an sinh xã hội ở Việt Nam
UploadDocument server07 id114188 190495 -> Chuyên đề tốt nghiệp Trần Thị Ngọc – lt2 khct L ời cảM ƠN
UploadDocument server07 id114188 190495 -> Địa vị của nhà vua trong nhà nước phong kiến Việt Nam

tải về 0.5 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương