PHẦn mở ĐẦu lí do chọn đề tài



tải về 0.5 Mb.
trang5/7
Chuyển đổi dữ liệu15.08.2016
Kích0.5 Mb.
#20239
1   2   3   4   5   6   7

2.2.3. Ngôn ngữ kịch

Ngôn ngữ kịch trong hai vở Vũ Như Tô Rừng trúc đều thể hiện được tính tổng hợp, đan xen chất tự sự và trữ tình. Chất trữ tình biểu hiện rõ nhất qua độc thoại nội tâm của các nhân vật. Người đọc, người xem kịch qua độc thoại sẽ dễ dàng nhận ra cuộc đấu tranh phức tạp trong con người Vũ Như Tô giữa một bên là lòng thương thợ thuyền, dân chúng và một bên là khát vọng thực hiện bằng được mộng ước sáng tạo nghệ thuật của mình: “Bao nhiêu người chết vì ta! Khốn nạn… Nhưng sao ta vội nản. Nhu nhược thì sao dựng nổi cái đài này? Thương nhau ta để trong lòng. Hồn các chú có khôn thiêng xin chứng giám cho anh, phù hộ cho anh dựng một kì công cho nước ta…”. Trong kịch Rừng trúc, Nguyễn Đình Thi đặc biệt khai thác hiệu quả của những đoạn độc thoại dài để cho nhân vật Chiêu Thánh bộc lộ tâm trạng đau đớn, cô đơn và bế tắc khi là nạn nhân của những biến thiên lịch sử: “Nào chồng, nào mẹ, nào chị… còn ai gần gũi hơn… Nào ta còn ai khác là máu mủ ruột thịt trên đời này nữa!... Chẳng còn ai khác. Ta chẳng còn ai…Cả mấy người ở một bên… Bỏ ta một mình với một bên này”. Mặc dù, độc thoại là biện pháp quan trọng để mô tả tâm trạng nhân vật nhưng không phải độc thoại chỉ có yếu tố trữ tình. Độc thoại còn có khi mang chức năng tự sự. Vũ Như Tô thông qua độc thoại nội tâm mà thuật lại cái thực cảnh thương tâm “bao nhiêu người chết vì ta” khi Cửu Trùng Đài đang xây dở. Nguyễn Đình Thi thông qua độc thoại của nhân vật Lý Chiêu Hoàng để thuật lại sự thay đổi của quyền lực đã tác động đến mối quan hệ vợ chồng nhà vua: “Chàng chẳng có tội gì với cha em. Có lẽ chàng cũng thương yêu em từ năm ấy em lên bảy, chàng lên tám nhỉ, cho đến bây giờ, hơn mười năm, có lẽ lòng chàng cũng chưa đến nỗi quên chút nghĩa cũ từ ngày ấy. Nhưng mà chàng chẳng phải chỉ là chàng Hai của ta. Xưa kia thì mỗi lần ta gọi, chàng vội quỳ lạy và sợ hãi nói với ta: muôn tâu Bệ hạ. Còn bây giờ thì trước mặt chàng, ta lại phải quỳ lạy và cúi đầu nói với chàng: muôn tâu Bệ hạ”. Ngược lại, đối thoại trong kịch Vũ Như Tô Rừng trúc không chỉ có tính chất tự sự mà còn có tính chất trữ tình. Khi các nhân vật đối thoại thì không chỉ thuật việc và thúc đẩy hành động kịch mà cùng lúc nhân vật cũng bộc lộ tình cảm để giao lưu. Có thể chứng minh điều trên trong kịch Vũ Như Tô qua đối thoại giữa Vũ Như Tô và Đan Thiềm ở cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa họ (hồi thứ nhất, lớp VII):

Đan Thiềm - Ông nhầm lắm. Đôi mắt thâm quầng này là do những lúc thức khi người ngủ, khóc khi người cười, thương khi người ghét.



Vũ Như Tô - Ủa? Bà nói như một người đồng bệnh.

Đan Thiềm - Chính là một người đồng bệnh, nên chưa biết ông, tôi đã ái ngại cho ông. Tài làm luỵ ông cũng như nhan sắc phụ người.

Vũ Như Tô - Thực mang tội với bà. Xin cho nghe chuyện.

Đan Thiềm - Ông tạm ngồi xuống cái đôn kia cũng được. Ông có mỏi không? Rõ khổ. Tài bao nhiêu luỵ bấy nhiêu! Gông xích, trông ông tiều tuỵ quá, tôi lại càng thương cho số phận tôi.

Tôi bị tuyển vào cung từ năm 17 tuổi. Hồi ấy tôi đã có người dạm hỏi. Tôi bị giam trong cung ngày ngày bạn với cảnh già. Rồi từ đấy đến nay, ngót 20 năm rồi tôi chỉ đóng vai thị nữ hầu hạ từ vua cho đến các phi tần, nhiều kẻ kém cả tài lẫn sắc…” [51, 23-24].

Ở đối thoại trên, Đan Thiềm không chỉ thuật lại cuộc đời cung nữ thất sủng đầy đau thương của mình mà còn bộc lộ tấm lòng “ái ngại” với tình cảnh mà Vũ Như Tô đang phải gánh chịu. Sự cảm thông đó xuất phát từ sự ý thức của bà về bi kịch Tài, Sắc và Lụy. Chính cuộc gặp gỡ đầu tiên tượng trưng cho cuộc hội ngộ của Tài và Tình này đã thắt mối tri âm, tri kỷ giữa Vũ Như Tô và Đan Thiềm và đánh dấu bước ngoặt trong hành động kịch. Từ lần gặp gỡ này, Vũ Như Tô đã chấp nhận xây Cửu Trùng Đài theo lời khuyên của Đan Thiềm.

Cũng giống như vậy, đối thoại trong kịch Rừng trúc kết hợp cả yếu tố tự sự và trữ tình. Tiêu biểu như lời thoại có tính ứng đối trực tiếp, đan xen giữa Thiên CựcChiêu Thánh vừa có tính chất tự sự khi thuật lại quá khứ đau thương, lại vừa có tính chất trữ tình khi thể hiện xung đột gay gắt giữa mẹ - con:



Chiêu Thánh - Bà lầm rồi. Con gái bà là Lý Chiêu Hoàng kia mà. Con bé ấy mất đi đã lâu rồi, còn đâu. Còn ta, mẹ ta đi đâu không biết, cũng lâu rồi. Ta đâu còn mẹ.

Thiên Cực - Chiêu Thánh! Cô không được hỗn! Mẹ che chở, chăm lo cho mày suốt bấy nhiêu năm, mày làm sao biết được. Đồ trẻ con, nghĩ cạn không hiểu gì. Không có mẹ, mày làm sao yên được ở ngôi cao cho đến tận bây giờ ở triều đình này. Lần này nữa, mẹ thu xếp cho chị con vào cung, làm Hoàng hậu, cũng là vì con đấy, con phải hiểu, chứ mày chậm đường con cái như thế, chồng mày rồi cũng lấy một đứa nào khác thôi, rồi khổ mày, mà có khi chết không toàn thây ấy con ạ!

Chiêu Thánh - Bà đã nổi giận và nói thẳng ra hết. Ừ thôi, hôm nay là lúc phải nói hết. Tôi không điên, thưa lệnh bà. Năm tôi lên bảy, trên ngai vàng, tôi còn là đứa trẻ. Vậy mà khi Đức vua cha tôi chết thảm, tôi không biết tôi bao nhiêu tuổi nữa. Tôi nhường ngôi cho đứa nhỏ lên tám họ Trần, là chồng tôi, là cháu ruột mẹ tôi, từ đấy tôi khép nép làm cô bé Hoàng hậu cho đến ngày tôi đẻ non một đứa con trai, nó chỉ kêu oe oe hai tiếng, rồi chết tím đen như một cục máu đọng… Từ bấy, tuổi tôi lại thêm, bà nhìn lại xem, năm nay tôi đã là bà già không còn nhớ gì đến năm tháng ở đời này! Từ lâu rồi, con gái bà có còn sống ở đời này đâu…

Thiên Cực - Thôi, mẹ xin con… Mày có biết đâu mẹ thương mày đến thế nào!...

Chiêu Thánh - Tôi biết, tôi nhìn thấy hết. Ôi chao, khuôn mặt xinh đẹp nhường kia tôi đã nhìn ngây người bao nhiêu lần từ ngày tôi còn nhỏ, đến bây giờ như mới hai mươi năm, hai mươi bảy tuổi, nhưng mà… hai con mắt kia như hai lưỡi dao dính máu loang, trong cái trán kia lổn nhổn từng nút rắn độc ngoe ngẩy, tính toán, lật lọng, thu vén cho họ hàng nhà bà chiếm lấy thiên hạ và cho bà nắm chặt quyền uy ở đời này…”[44, 302-303].

Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi đều đã chọn lọc ngôn ngữ nhân vật trong Vũ Như Tô Rừng trúc sao cho ngôn ngữ kịch phù hợp với tính cách nhân vật. Ngôn ngữ kịch đóng vai trò rất quan trọng để cá biệt hoá nhân vật. Kiểu nhân vật nào sẽ có kiểu ngôn ngữ ấy. Lời thoại của nhân vật vừa bộc lộ tính cách, suy nghĩ bên trong của nhân vật, vừa thúc đẩy xung đột kịch phát triển. Là một nhân cách lớn, Vũ Như Tô dám nói thẳng vào mặt Lê Tương Dực một cách khẩu khí thể hiện tính cách ngay thẳng: “Xây Cửu Trùng Đài vì hoàng thượng thì ít mà vì tiện nhân thì nhiều”. Là một người có tình nghĩa, Vũ Như Tô trân trọng và biết ơn tri kỉ Đan Thiềm “Cửu Trùng Đài đã vì bà mà có, lại nhờ bà mà toàn bích”. Khác với ngôn ngữ nhân vật Vũ Như Tô, ngôn ngữ của Trịnh Duy Sản lại thể hiện tính cách một kẻ hống hách, khinh người: “Câm mồm tên kia. Mi là một tên thợ quèn, một đứa bạch đinh, bước ngay không được nói leo vào chuyện các quan đại thần…”. Nguyễn Đình Thi cũng đã thành công trong việc cá tính hoá nhân vật qua ngôn ngữ kịch. Lời thoại của Chiêu Thánh sang trọng, uy nghi, bi hùng mà thống thiết thể hiện những đau đớn trong nội tâm của một bà Hoàng “Ta dù chỉ là giọt máu xa xôi của Đức Lý Thái tổ ta xưa, giọt máu này vẫn long lanh đỏ tươi…”. Lời lẽ của nàng thật trang nghiêm khi đưa ra quyết định “Hãy nghe: từ hôm nay Lý Chiêu Hoàng này rời bỏ ngôi báu... Ta cởi bỏ cho các ngươi ra khỏi thân phận tiếm quyền, mà được chính danh giữ việc nước, thế thì các ngươi hãy ra khỏi cõi tối tăm, quỷ quyệt, mưu mô, từ nay giữa thanh thiên bạch nhật hãy hết lòng phù tá người kế nghiệp ta, giữ gìn lấy giang sơn nhà Lý ta giao lại…”. Khác với ngôn ngữ của Lý Chiêu Hoàng, lời thoại của Trần Cảnh thể hiện tính nhân hậu, khoan hoà, thậm chí trước việc bị sắp đặt phải lấy Thuận Thiên, vị vua trẻ này giãy bày suy nghĩ có vẻ đơn giản, không có chính kiến:“Không, ta đâu đành để nàng phải thiệt thòi như vậy. Việc định lập chị Thuận Thiên làm Hoàng hậu là ý quyết của chú Thủ Độ ta, cũng là do lòng khẩn khoản của mẹ nàng, lo lắng về sự nối dõi ngôi cao. Việc này đâu phải ta không suy nghĩ nhiều bề nhưng thuận em thuận chị, nàng vẫn cứ giữ ngôi hoàng hậu Chiêu Thánh, nào có gì mà phải thay đổi, cũng là ruột thịt chứ đâu xa. Hay là nàng lo về ngôi thứ…”. Lời nói của Trần Thủ Độ lại thể hiện rõ tư tưởng luôn đề cao việc nước lên trên hết của ông “nhà vua không lẽ coi cái nhẹ nhõm của riêng mình to hơn công việc của cả nước” và cũng thể hiện tính cách mưu mẹo, khôn khéo khi Thủ Độ trò chuyện với Chiêu Thánh “thôi, những việc cũ đã lâu cũng như đám bụi đen đã tan đi, từng ấy năm rồi, ta mong con cũng nguôi đi”.

Ngôn ngữ kịch của Vũ Như Tô Rừng trúc đều mang vẻ đẹp cổ điển, trang trọng với nhiều điển tích, điển cố. Điểm chung này có lẽ xuất phát từ việc cả hai vở kịch cùng khai thác đề tài lịch sử về những sự kiện xảy ra ở cung đình. Vẻ đẹp cổ điển và trang trọng này thể hiện rõ nhất ở ngôn ngữ của Vũ Như Tô và Đan Thiềm (trong Vũ Như Tô) và ngôn ngữ của Chiêu Thánh và Trần Cảnh (trong Rừng trúc).

Trong ngôn ngữ kịch của vở Vũ Như Tô Rừng trúc có nhiều điểm khác biệt giúp tạo nên phong cách riêng của Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi.



Ngôn ngữ kịch trong vở Vũ Như Tô nổi trội tính chất tự sự và có tính hành động cao nhằm dẫn dắt xung đột từ giao đãi, thắt nút, phát triển đến giải quyết và kết thúc. Trong khi đó, vì mang chú trọng khai thác thế giới nội tâm và tư tưởng của nhân vật là chính, ngôn ngữ kịch trong Rừng trúc mang đậm tính chất trữ tình. Có thể thấy ở Rừng trúc xuất hiện những đoạn độc thoại nội tâm dài với số lượng khá nhiều như độc thoại của Chiêu Thánh ở đầu hồi II (độ dài được tính bằng 2 trang văn bản), độc thoại của Trần Cảnh ở đầu hồi IV. Độc thoại nội tâm trong Vũ Như Tô xuất hiện khá ít mà thay thế vào đó, Nguyễn Huy Tưởng cho nhân vật đối thoại với nhân vật khác để giãi bày tâm sự của mình. Tính chất trữ tình ở kịch Rừng trúc còn được biểu hiện qua ngôn ngữ giàu chất thơ như “Trời cũng biết chiều người. Sáng nay bệ hạ ngự giá đến mà mưa xuân dai dẳng bỗng đã tạnh, trời hẩng ấm dịu dàng, vườn hồng của tôi hôm nay sao mà nghìn hoa lộng lẫy đua tươi. Nhất là những luống hồng vàng kia, hương thơm cao quý như khiến lòng người cũng được thanh khiết. Thật là điềm may cho tôi.” Dường như sự thay đổi của cảnh vật cũng giống như sự thay đổi trong tâm hồn Lý Chiêu Hoàng khi gặp gỡ Trần Cảnh. Nỗ lực đem chất văn học, chất thơ vào trong kịch đã làm nên diện mạo riêng đặc sắc của Nguyễn Đình Thi trong tập thể các nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam. Tuy nhiên, đôi lúc những ngôn ngữ trau chuốt, giàu tính văn học đó lại gây khó khăn khi vở kịch hoá thân đầy đủ trên sân khấu. Nhiều người nhận xét kịch của Nguyễn Đình Thi đọc thì rất hay nhưng khó diễn. Bên cạnh những ngôn từ chuốt lọc, Nguyễn Đình Thi cũng thể hiện cách tân khi đưa những ngôn ngữ rất bình dân vào kịch. Nghe những lời Thiên Cực nói với Chiêu Thánh sao mà thấy gần gũi với ngôn ngữ hiện đại ngày nay đến thế: “Chiêu Thánh! Cô không được hỗn! Mẹ che chở, chăm lo cho mày suốt bấy nhiêu năm, mày làm sao biết được. Đồ trẻ con, nghĩ cạn không hiểu gì”. Có lẽ vì thế mà những lời lẽ bình dị nôm na của nhân vật trong Rừng trúc dễ gieo vào lòng bạn đọc những đồng cảm. Điều này minh chứng cho những nỗ lực cách tân, đổi mới trong thể loại kịch của Nguyễn Đình Thi.

Một điểm khác biệt nữa đối với ngôn ngữ kịch trong Vũ Như Tô đó là ngôn ngữ kịch Rừng trúc mang đậm dấu ấn văn hoá dân tộc. Mào đầu câu chuyện bằng những câu quen thuộc như “Ừ, dân ta có câu: ép dầu, ép mỡ, ai nỡ ép duyên…”, nhân vật của Nguyễn Đình Thi tuy là người quyền quý nhưng cũng lại rất bình dị và gần gũi. Đặc biệt, ngôn ngữ kịch trong “Rừng trúc” mang đậm văn hoá Phật giáo như triết lý tu tại Tâm và gắn bó với cuộc đời “lại nhớ có lần tôi cầu Phật cho tôi được thấu hiểu cái lẽ có, không, không, có….”, “ăn chay, tụng kinh, gõ mõ, nó cũng như hai ông cưỡi ngựa đi đường xa, đi đến đâu tôi chẳng rõ. Đến nơi rồi thì chẳng phải ngựa với nghẽo nữa”. Nguyễn Đình Thi gửi gắm trong vở kịch của mình những vấn đề nhân sinh muôn thuở “Việc nước là lớn nhất nhưng viêc người với người cũng không phải là nhỏ hơn” hay “Ngẫm ra mỗi người nó cũng có cái phận của mình…”

Tóm lại, khi so sánh ngôn ngữ ở Vũ Như TôRừng trúc, chúng ta thấy được những thi pháp cổ điển quen thuộc trong chọn lọc ngôn ngữ của Nguyễn Huy Tưởng và hơn 30 năm sau, những cách tân sáng tạo của Nguyễn Đình Thi khi đưa những lời thoại đầy chất văn học, giàu triết lý, lúc sang trọng, lúc lại bình dị vào kịch đã đem đến một diện mạo mới cho những tác phẩm sân khấu những năm đầu sau khi đất nước hoà bình.


2.2.4. Không - thời gian kịch

Đặc trưng của kịch đó là tính giới hạn về không - thời gian. Thi pháp sân khấu của chủ nghĩa cổ điển Pháp thế kỉ 17 đã đưa ra mô hình “tam duy nhất” mà theo đó, các nhà viết kịch phải tổ chức không gian và thời gian kịch tuân thủ nghiêm ngặt quy định: “một hành động” xảy ra tại “một nơi chốn” và trong khoảng thời gian “một ngày”. Tuy nhiên, sân khấu thế giới cũng như nền sân khấu non trẻ Việt Nam đều đã có những cách tân và thể nghiệm nhằm mục đích phá vỡ những quy định giới hạn về không - thời gian của luật “tam duy nhất”. Mặc dù ngày nay, không - thời gian kịch đã được mở rộng về kích thước, tuy nhiên không - thời gian kịch vẫn chịu những giới hạn nhất định mang đặc trưng thể loại kịch. Đương nhiên, không - thời gian trong kịch không thể nào mở rộng phong phú như không thời gian trong tiểu thuyết vì phải đáp ứng những yêu cầu có tính giới hạn của một môn nghệ thuật sân khấu nữa.



Không gian là bối cảnh mà câu chuyện kịch xảy ra. Như ở phần cơ sở lí luận chúng tôi đã trình bày, không gian của kịch bản bao gồm có không gian sân khấu và không gian ngoài sân khấu. Trong phần này, người viết sẽ tập trung so sánh không gian sân khấu của kịch Vũ Như TôRừng trúc dựa trên việc khảo sát những chú thích của tác giả về địa điểm và cách bài trí sân khấu.

So sánh cách tổ chức không gian trong kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng và kịch Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi, chúng tôi nhận thấy điểm chung đó là không gian trong hai vở kịch này đều đã được mở rộng, không còn bị bó hẹp trong một địa điểm duy nhất như theo quy định của luật “Tam duy nhất”. Hơn nữa, sự chọn lựa không gian xảy ra các sự kiện mà nhân vật hành động ở từng hồi trong mỗi vở cũng thể hiện ý đồ nghệ thuật của tác giả. Để làm rõ hơn điều này, chúng ta hãy lần lượt xem xét sự thay đổi không gian của từng hồi trong mỗi vở kịch. Ở vở Vũ Như Tô, dựa theo chú thích đầu mỗi hồi của tác giả, người đọc có thể thấy không gian được chuyển từ “cung cấm của vua Lê” (hồi I), sang “cung điện mà vua dành riêng cho Vũ Như Tô ở” (hồi II), rồi sang đến không gian công trình Cửu Trùng Đài ngổn ngang (hồi III), đến công trình Cửu Trùng Đài đã phần nào thành hình (hồi IV) và kết thúc vở kịch lại trở về không gian “cung cấm” (hồi V). Nếu xem xét kĩ, chúng ta sẽ tìm thấy những ý nghĩa mà không gian kịch ở mỗi hồi gợi ra. Mở đầu hồi I, bối cảnh không gian “cung cấm” đã như báo hiệu trước sự tù túng, lộng quyền trong triều đình, đó là không gian báo trước cho những biến cố làm thay đổi cuộc đời nhân vật. Trên sân khấu, khi thấy Vũ Như Tô xuất hiện lần đầu tiên với “gông” và “xiềng xích” thì người xem hẳn có thể cảm nhận được mối xung đột gay gắt giữa Vũ Như Tô và cường quyền. Ở hồi II, không gian “cung điện mà vua dành riêng cho Vũ Như Tô” chính là không gian riêng lý tưởng để Vũ Như Tô giãy bày tâm sự, ước mơ với vợ và đám thợ. Tiếp theo, hồi III có bối cảnh là không gian Cửu Trùng Đài đã xây được nửa năm bên bờ Hồ Tây với những vật thể còn ngổn ngang như bệ cao, đuôi con rồng, những khối đá to… tạo cho người đọc ấn tượng về bức phác thảo ban đầu của một công trình kì vĩ mà Vũ Như Tô dốc công xây dựng. Công trình Cửu Trùng Đài tiếp tục là địa điểm của hồi IV nhưng có sự thay đổi lớn: những phiến đá đã được dọn, thêm Khải hoàn môn, bức tường đá ong, tượng kị mã, mũ trụ, áo giáp, đeo cung kiếm. Sự thay đổi của không gian sân khấu ở hồi này không chỉ thể hiện quy mô của Cửu Trùng Đài đã bề thế hơn sau 4 tháng mà còn gửi gắm những ý nghĩa sâu xa của tác giả. Phải chăng bức tường đá ong được dựng lên cũng chính là biểu trưng cho mối quan hệ giữa Vũ Như Tô với thợ thuyền và dân chúng ngày càng có khoảng cách? Phải chăng hình ảnh tượng kị mã đeo cung kiếm báo trước mối xung đột giữa Vũ Như Tô và dân chúng, thợ thuyền sẽ phát triển mạnh ở hồi IV? Ở hồi cuối cùng, tác giả lại lựa chọn cung cấm là nơi giải quyết xung đột và kết thúc cuộc đời Vũ Như Tô. Tại sao Nguyễn Huy Tưởng không chọn Cửu Trùng Đài mà lại là cung cấm? Cung điện là nơi khởi phát mối xung đột của vở kịch và cũng tại đây, mối xung đột giữa dân chúng và cường quyền, giữa khát vọng của người nghệ sĩ và đời sống đói khổ của nhân dân được đẩy đến cao trào và kết thúc bằng việc vua và người nghệ sĩ chọn phục vụ cường quyền đều phải chết. Như vậy, không gian chính là cái nền làm nổi bật xung đột kịch, là hoàn cảnh để nhân vật bộc lộ tính cách thông qua hành động và ngôn ngữ. Xây dựng không gian có chiều sâu tư tưởng, vở kịch sẽ thể hiện được những điều mà nhà viết kịch muốn phản ánh. Cũng viết về đề tài lịch sử các vương triều nên kịch Rừng trúc cũng lựa chọn không gian cung đình vốn đã trở nên quen thuộc trong kịch Vũ Như Tô. Cung đình chính là không gian, địa điểm phản ánh rõ nhất những biến cố trong lịch sử các vương triều. Tuy nhiên, sự khác biệt có thể thấy rõ nhất đó là nếu như kịch Vũ Như Tô chỉ có hai không gian chính là cung đình và Cửu Trùng Đài thì kịch Rừng trúc có sự mở rộng đa dạng hơn về không gian: trong nhà Trần Thủ Độ (hồi I), Cung Hoàng hậu Chiêu Thánh (hồi II), ngoài sân Dinh Thủ Độ (hồi III), cung vua (hồi IV), trong nhà vường bên hồ Tây (hồi V), quán cơm ở vùng rừng núi (hồi VI), tại ngôi miếu bên bờ sông Hồng (hồi VII), ven hồ Tây tại vườn cây cũ bị tàn phá (hồi VIII - vĩ thanh). Sự khác biệt này có lẽ do việc lựa chọn địa điểm ở Vũ Như Tô nhằm mục đích chính là thể hiện sự phát triển của xung đột kịch một cách tập trung, gay gắt đòi hỏi giới hạn cao không gian; còn việc lựa chọn địa điểm trong Rừng trúc lại hướng người đọc chú ý vào những ứng xử của những chủ nhân địa điểm đó và chú trọng khai thác thế giới nội tâm nhân vật hơn là những xung đột đối kháng gay gắt. Điểm đặc biệt nữa, đó là kịch Rừng trúc còn gợi ra không gian văn hoá tâm linh qua hình ảnh bàn thờ vua cha với khói hương lan toả ở cung Chiêu Thánh hay hình ảnh không gian núi rừng âm u mang đậm dấu ấn Thiền - Phật khi Trần Cảnh rời cung lên Yên Tử. Chính những không gian tâm tưởng này giúp người đọc dễ dàng cảm nhận những nỗi đau sâu kín ẩn sâu trong nội tâm của nhân vật cần được giải toả và thấm thía hơn những triết lý Phật giáo, triết lý nhân sinh mà Nguyễn Đình Thi gửi gắm. Nguyễn Đình Thi không chỉ có cách tân mở rộng không gian và còn tăng ý nghĩa của không gian kịch.

Thời gian cũng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên đặc trưng của thể loại kịch. Quy định nén chặt tối đa thời gian kịch (theo luật “tam duy nhất” hành động chỉ diễn ra trong một ngày) tạo nên kịch tính cho vở kịch. Nếu đặt trong một khoảng thời gian rất ngắn, các nhân vật sẽ hành động quyết liệt hơn để đạt được mong muốn và chống chọi với những trở ngại. Để duy trì hứng thú của người xem, thời gian diễn xuất của vở Vũ Như Tô chỉ khoảng một tiếng và thời gian diễn xuất ở Rừng trúc là khoảng hai tiếng đồng hồ. Khác với thời gian diễn xuất, thời gian hành động lại được tính bằng năm tháng theo tuổi đời nhân vật. Loại trừ nguyên tắc hành động chỉ diễn ra trong một ngày của kịch cổ điển Pháp, thời gian hành động của nhân vật trong kịch Vũ Như Tô Rừng trúc đã được mở rộng, kéo dài thành thời gian của một đoạn đời. Kịch Vũ Như Tô kịch Rừng trúc là những minh chứng cho nỗ lực mở rộng thời gian trong kịch (không còn tính trong một ngày) của Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi. Vũ Như Tô khai thác sự kiện lịch sử về số phận bất hạnh người thợ tài ba gắn liền với những biến cố xã hội ở thời đại vua Lê Tương Dực, được xác định là khoảng thời gian từ 1526 - 1527 (theo như tác giả chú thích). Tuy nhiên, căn cứ vào chú thích “nửa năm sau” (hồi III) và “bốn tháng sau”(hồi IV) ta có thể xác định thời gian của văn bản kịch này là khoảng 10 tháng. Các hành động kịch sẽ được diễn biến dồn dập gấp rút trong khoảng thời gian ngắn và liên tục này. Trong kịch Rừng trúc, thời gian hành động của các yếu nhân nhà Trần được lựa chọn là 11 năm sau cuộc chuyển giao quyền lực giữa hai nhà Lý - Trần, tức là vào năm 1237. Căn cứ vào chú thích thời gian của tác giả ở hồi vĩ thanh “hai mươi năm sau, ngày giáp Tết năm Mậu Ngọ thứ tám 1258”, chúng ta có thể khẳng định quãng thời gian xung đột kịch hình thành và phát triển gay gắt, tập trung nhất của vở (từ hồi I đến VII) là liên tục trong một năm (1237- 1238). Cả Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi đều tổ chức xung đột diễn ra theo đúng trật tự thời gian tuyến tính thông thường. Việc xử lý thời gian tuần tự từ đầu đến cuối theo trật tự tuyến tính này sẽ từng bước giúp khán giả thấy được sự phát triển từ thấp đến cao của các sự kiện trong kịch. Những chú thích về thời gian của tác giả trong hai vở kịch đều có ý nghĩa báo hiệu những biến cố sẽ xảy ra ở mỗi hồi. Ở hồi III trong vở Vũ Như Tô, thời gian xảy ra sự biến là vào lúc “gần chiều”, như báo trước sự mỏi mệt, nhớ nhà của đám thợ, từ đó bắt đầu xuất hiện sự phản đối của thợ về chuyện xây Cửu Trùng Đài. Cuối hồi III, người xem thấy vở kịch kết lại bằng hình ảnh Vũ Như Tô và Đan Thiềm đang nhìn ngắm công trình Cửu Trùng Đài vào lúc “trời tối dần dần”. Thời điểm “trời tối dần” càng làm người đọc thêm khắc khoải với bóng dáng của hai con người đơn độc này. Xung đột ở hối IV phát triển đến cao trào trong thời điểm “một đêm hè” như gợi ra sự bức bối, nóng nực của những mối xung đột căng thẳng; từ đó thúc đẩy nhân vật hành động mau lẹ để giải tỏa những xung đột đó. Trong kịch Rừng trúc cũng vậy, thời gian được lựa chọn phù hợp để diễn tả tâm trạng nhân vật. Tại hồi II, cuộc gặp gỡ giữa vợ chồng nhà vua được Nguyễn Đình Thi chọn xảy ra vào thời gian “một sáng mùa xuân” như diễn tả sự quyến luyến của Chiêu Thánh khi được gặp chồng. Đến hồi IV, khoảng thời gian “ban đêm” lại đặc biệt phù hợp cho nhân vật Trần Cảnh nghiềm ngẫm về thế sự. Nếu như ban ngày trước mặt văn võ bá quan, Trần Cảnh phải thể hiện cốt cách của một vị vua thì đêm xuống, Trần Cảnh trở về với con người đời thường nhất, nhà vua cũng đau đớn dằn vặt về những nỗi khó xử trong cuộc sống. Tiếp đến, hồi thứ VI của vở kịch viết về việc Trần Cảnh bỏ cung lên Yên Tử vào một “chiều sương mù mịt”. Thời gian “chiều sương mù mịt” ấy như kín đáo thể hiện sự bất lực, băn khoăn chưa tìm được cách ứng xử hợp tình hợp lí của nhà vua trẻ này.

Điểm khác với thời gian kịch ở Vũ Như Tô là thời gian kịch trong Rừng trúc không chỉ được mở rộng thành một năm mà còn kéo dài đến tận “hai mươi năm sau”. Qua phần Vĩ thanh, tác giả còn cho biết về số phận những nhân vật chính của vở kịch ở thời điểm nhà Trần đánh thắng quân Nguyên năm 1258.



Tiểu kết:

Qua so sánh kịch Vũ Như TôRừng trúc từ góc nhìn thi pháp thể loại, người viết tìm thấy những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai vở kịch khi lần lượt so sánh theo các yếu tố đặc trưng của kịch.

Những điểm tương đồng nổi bật nhất trong thi pháp kịch Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi ở vở Vũ Như TôRừng trúc là: Hai tác giả đều khai thác, chọn lọc xung đột từ những sự kiện lịch sử để đặt ra vấn đề có ý nghĩa triết lý về mối quan hệ giữa cá nhân và thời cuộc. Dựa trên nguyên tắc tôn trọng lịch sử khách quan nhưng vẫn phát huy sự sáng tạo, hư cấu ở những chi tiết mà lịch sử không nói đến, Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi đã xây dựng được những nhân vật kịch có tâm lý đa dạng, tính cách sinh động. Ngôn ngữ kịch trong Vũ Như TôRừng trúc đều có tính tổng hợp cao (vừa có tính chất tự sự, vừa có tính chất trữ tình) vừa thể hiện sự phát triển của hành động, vừa khắc hoạ tính cách, diễn biến tâm lý nhân vật. Cuối cùng, hai vở kịch này đều thể hiện nỗ lực của các tác giả trong việc mở rộng giới hạn của không gian và thời gian kịch.

Ngoài ra, khi so sánh kịch Vũ Như TôRừng trúc từ góc nhìn thi pháp thể loại, người viết cũng tìm ra những điểm khác biệt góp phần nhận diện phong cách nổi bật của từng tác giả. Trong vở Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng thể hiện phong cách kịch: thường tập trung khai thác những xung đột có tính đối kháng giai cấp mạnh mẽ, tính hành động cao, xây dựng những nhân vật có cá tính mạnh mẽ, ngôn ngữ chủ yếu có tính chất tự sự, nhân vật bộc lộ nội tâm của mình qua độc thoại có tính trữ tình rất ít mà thường thổ lộ nỗi lòng trực tiếp qua đối thoại với nhân vật khác. Trong khi đó, được sáng tác sau vở kịch Vũ Như Tô hơn 30 năm, Rừng trúc là một minh chứng cho những nỗ lực, cách tân tăng cường chất thơ, chất văn học cho thể loại kịch của Nguyễn Đình Thi. Kịch của Nguyễn Đình Thi thường không chú ý đến những xung đột đối kháng mạnh mẽ, giàu tính hành động như xung đột giai cấp ở Vũ Như Tô mà tập trung khai thác những xung đột bên trong thế giới nội tâm của con người. Nhân vật của ông hiện lên sân khấu chủ yếu với những độc thoại dài, giàu chất trữ tình mà ít hành động. Ngôn ngữ kịch của Nguyễn Đình Thi khá đa dạng: khi thì chuốt lọc, giàu chất thơ, khi thì sang trọng cổ điển, khi lại nôm na bình dân và mang đậm dấu ấn văn hoá dân tộc. Thêm nữa, không gian và thời gian kịch trong Rừng trúc cũng cho thấy Nguyễn Đình Thi đã mạnh dạn nới lỏng giới hạn, mở rộng không - thời gian hơn so với kịch Vũ Như Tô.

Có thể nói, những điểm khác biệt trong thi pháp kịch của Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi qua hai vở kịch trên đã chứng minh cho sự đổi mới và phát triển của kịch nói Việt Nam trong giai đoạn từ trước Cách mạng tháng Tám đến những năm đầu sau khi đất nước thống nhất. Với Rừng trúc, Nguyễn Đình Thi đã có những đóng góp đối với sự phát triển của thể loại, đi đầu cho khuynh hướng kịch trữ tình của Việt Nam thế kỷ XX.

Chương 3


VẤN ĐỀ THỂ HIỆN ĐỀ TÀI LỊCH SỬ QUA KỊCH

VŨ NHƯ TÔRỪNG TRÚC
Каталог: nonghocbucket -> UploadDocument server07 id114188 190495
UploadDocument server07 id114188 190495 -> ChuyêN ĐỀ ĐIỀu khiển tán sắC
UploadDocument server07 id114188 190495 -> Trong khuôn khổ Hội nghị của fifa năm 1928 được tổ chức tại Amsterdam (Hà Lan), Henry Delaunay đã đưa ra một đề xuất mang tính đột phá đối với lịch sử bóng đá
UploadDocument server07 id114188 190495 -> MỤc lục phần I: MỞ ĐẦU
UploadDocument server07 id114188 190495 -> «Quản trị Tài sản cố định trong Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa»
UploadDocument server07 id114188 190495 -> Khóa luận tốt nghiệp 2010 Mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong thời kì tới 85
UploadDocument server07 id114188 190495 -> ĐỒ Án tốt nghiệp tk nhà MÁY ĐƯỜng hiệN ĐẠi rs
UploadDocument server07 id114188 190495 -> Đề tài: Qúa trình hình thành và phát triển an sinh xã hội ở Việt Nam
UploadDocument server07 id114188 190495 -> Chuyên đề tốt nghiệp Trần Thị Ngọc – lt2 khct L ời cảM ƠN
UploadDocument server07 id114188 190495 -> Địa vị của nhà vua trong nhà nước phong kiến Việt Nam

tải về 0.5 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương