PHẦn mở ĐẦu lí do chọn đề tài


Cấu trúc kịch bản Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi



tải về 0.5 Mb.
trang3/7
Chuyển đổi dữ liệu15.08.2016
Kích0.5 Mb.
#20239
1   2   3   4   5   6   7

2.1.2. Cấu trúc kịch bản Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi

Khác với kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng có cấu trúc 5 hồi theo mô hình kịch cổ điển Pháp thể hiện trình tự phát triển của xung đột kịch, cấu trúc kịch bản Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi được chia ra làm 8 phần, ở đây chúng tôi tạm gọi là 8 hồi. Cấu trúc vở Rừng trúc không sắp xếp như mô hình cấu trúc theo hành động (thắt nút - sự biến - cởi nút) của Aristote, cũng không phải mô hình cấu trúc theo xung đột kịch 5 hồi của kịch cổ điển Pháp (giao đãi - thắt nút - cao trào - tạm thời hoà hoãn - kết thúc). Sự phá vỡ cấu trúc thông thường này có lẽ do Rừng trúc là kịch tâm lý trữ tình nên việc đi sâu vào khai thác cảm xúc, nội tâm của bộ ba nhân vật chính được đặt lên hàng đầu chứ không tập trung diễn tả mô hình cốt truyện của hành động và xung đột. Đây cũng là lí do khó có thể đặt tiêu đề hợp lí cho từng hồi theo một tiêu chí thống nhất (hành động hay xung đột). Chính vì thế, chúng tôi tạm thời không đặt tiêu đề cho từng hồi khi tóm tắt cấu trúc kịch bản Rừng trúc.



* Hồi I:

- Đối thoại giữa Thiên Cực và Trần Thủ Độ: Thiên Cực tức giận về với Thủ Độ về việc lính canh dám giữ kiệu của bà không cho vào nội cung và khuyên Trần Thủ Độ không nên nắm giữ quá nhiều công việc triều chính. Thủ Độ tâm sự với vợ về nỗi lo cho cơ nghiệp nhà Trần trước tình hình giặc đang lăm le muốn xâm chiếm nước ta. Thiên Cực tâm sự với chồng về chuyện Chiêu Thánh đau yếu, phiền muộn và không tin mẹ đẻ. Vì lo vua không có con nối dõi sẽ phế Chiêu Thánh lập hoàng hậu dòng họ khác nên Thiên Cực bàn với Thủ Độ ý định đưa Thuận Thiên - chị gái Chiêu Thánh, đang mang bầu với Trần Liễu - lên thay thế Chiêu Thánh.

- Gia nhân vào bẩm có Trần Liễu đến thăm. Trần Liễu và Trần Thủ Độ đối thoại với nhau: Trần Liễu muốn nhờ cô Thiên Cực đến khuyên bảo Thuận Thiên vì Thuận Thiên buồn phiền bỏ đi lễ chùa biền biệt, thấy vậy Thủ Độ khuyên Trần Liễu đối xử chu đáo với vợ trước và lo tìm thầy giỏi, có tâm đức dạy Trần Quốc Tuấn. Khi Thủ Độ tỏ ý muốn Hoài Vương nhận việc đến tra xét trên Lạng Giang, Trần Liễu đồng ý.
* Hồi II:

- Tại cung Hoàng Hậu, người thị nữ an ủi Chiêu Thánh bớt đau buồn về chuyện cũ đã để mất ngôi và cha chết. Chiêu Thánh bảo với thị nữ thu xếp cho Chiêu Thánh đi viếng mộ cha.

- Chiêu Thánh độc thoại nội tâm về những dằn vặt đau đớn khi gia đình rơi vào bi kịch tranh giành quyền lực, bi kịch mẹ con, chị em, vợ chồng. Chiêu Thánh ân hận về trước kia nhỏ dại đã không biết mưu kế của mẹ và chú sắp đặt nên nhường ngôi cho chồng để mất cơ nghiệp vào tay nhà Trần.

- Đối thoại giữa Chiêu Thánh và Thiên Cực thể hiện nỗi oán hận của Chiêu Thánh với mẹ vì Thiên Cực đã câu kết với Thủ Độ bắt Lý Huệ Tông phải chết. Chiêu Thánh chính thức tuyên bố rời bỏ ngôi báu, chuyển giang sơn cho nhà Trần để nhà Trần lo giữ lấy giang sơn vững chắc. Trước những lời nói của Chiêu Thánh, Thiên Cực thanh minh, khóc lóc đau xót rồi đi ra.

- Đối thoại giữa Thuận Thiên và Chiêu Thánh về nỗi đồng cảm khi hai chị em đều là nạn nhân của bao chuyện rắc rối trong triều đình.

- Chiêu Thánh tâm sự với Trần Cảnh về nỗi dằn vặt bấy lâu, ân hận vì mất ngôi, đau khổ vì mất con. Chiêu Thánh xin nhường ngôi Hoàng Hậu cho chị Thuận Thiên và xin rời cung để làm người dân thường.

- Thuận Thiên tâm sự với Trần Cảnh về sự thương xót cho cuộc đời Chiêu Thánh. Trần Cảnh an ủi Thuận Thiên rằng Chiêu Thánh đã được nhẹ nhõm để nhìn hai người đang vẫn mắc vào việc đời bụi bặm.
* Hồi III:

- Tại dinh Thủ Độ, vệ sĩ dẫn người lính đã đắc tội với Thiện Cực vào để xét xử.

- Trần Thủ Độ bàn với quan đình uý về hình phạt xét xử tên lính đó. Nhưng khi nghe người lính thanh minh chỉ làm đúng phép nước, Thủ Độ hiểu rõ sự việc và ban thưởng cho người lính.

- Đối thoại giữa Trần Cảnh, Trần Thủ Độ và người học trò. Khi nghe người học trò bày tỏ nỗi lo quyền bính của Thủ Độ quá lớn thì xã tắc dễ lâm nguy trước nạn giặc xâm lược, Trần Thủ Độ không tức giận mà còn trọng người thẳng thắn.

- Trần Cảnh trao đổi với Thủ Độ về tình hình biên thuỳ. Khi thấy Thủ Độ không vì tình anh em cho An Quốc làm tướng mà tiến cử tướng giỏi Lê Tần và bàn tính lo mở giảng đường võ, luyện binh thì Trần Cảnh rất cảm phục Thủ Độ.

- Khuê Kình vào báo có sự biến Hoài Vương làm phản khiến Thủ Độ tức giận. Khuê Kình tâu với vua là Lê Tần đã dẹp được quân Hoài Vương và Trần Liễu bỏ trốn.


* Hồi IV:

- Tại cung vua, Trần Cảnh tâm sự với Thuận Thiên về nỗi buồn của bậc quân vương trong cuộc tranh giành quyền lực triều chính. Thuận Thiên xin Trần Cảnh tha tội chết cho Hoài Vương.

- Khuê Kình vào báo với Trần Cảnh chưa tìm được Hoài Vương. Trần Cảnh rủ Khuê Kình rời cung đến Yên Tử theo hầu Đức Phật. Mặc cho Khuê Kình hết lời khuyên ngăn, Trần Cảnh vẫn quyết bỏ ngôi vua để tự cởi trói cho mình và tháo gỡ nỗi khó cho nhiều người.
* Hồi V:

- Người thị nữ báo với Chiêu Thánh việc Trần Cảnh bỏ đi. Chiêu Thánh lo lắng cho tình hình đất nước.

- Trần Liễu bày tỏ với Chiêu Thánh nỗi xấu hổ bại trận và gửi gắm con trai cho Chiêu Thánh. Khi Chiêu Thánh báo tin vua bỏ đi, Trần Liễu vui sướng nghĩ rằng mình sẽ được lên ngôi thay thế. Khi nghe Chiêu Thánh nói rõ tình hình còn có Thủ Độ và sẽ có thể cử một người em khác của vua lên thay thì Trần Liễu khuyên Chiêu Thánh trở lại cung và liên kết với Trần Liễu nhưng Chiêu Thánh không đồng ý. Chiêu Thánh khuyên Trần Liễu bỏ ý định và nên hoà với vua.

- Trần Thủ Độ và Lê Tần trao đổi về tin tức của Trần Cảnh và Hoài Vương. Thủ Độ giao việc trông nom kinh thành cho Lê Tần để định lên Yên Tử tìm vua về.

- Trần Thủ Độ đối thoại với Chiêu Thánh về việc nước, việc người. Trần Thủ Độ xin Chiêu Thánh về cung nhưng Chiêu Thánh quyết xa lánh việc chính sự.

- Vệ sĩ vào báo với Thủ Độ có tin vua đi về phía Yên Tử. Thủ Độ nêu kế hoạch triệu tập các quan và bô lão lên Yên Tử thuyết phục vua về kinh hoặc không thì vua ở đâu, triều đình ở đấy.


* Hồi VI:

- Trần Cảnh và Khuê Kình cải trang vào một quán cơm và trò chuyện với ông cụ lang thang. Nghe ông cụ say rượu nói từ chuyện đời đến chuyện đạo, từ chuyện anh em nhà vua bất hoà đến chuyện quân Nguyên lăm le xâm lược nước ta, từ chuyện xưa đến chuyện nay đã khiến Trần Cảnh giác ngộ về bổn phận và thiên chức của mình.

- Bà áo chàm xuất hiện và kể cho Trần Cảnh và Khuê Kình nghe về việc ông cụ lang thang này đã cứu sống con gái bà.

- Trần Cảnh bàn với Khuê Kình sẽ lên Yên Tử thăm sư Phù Vân chờ mọi việc rõ ràng sẽ về cung.


* Hồi VII:

- Tại một ngôi miếu bên bờ sông Hồng, Thuận Thiên và Thiên Cực bàn chuyện sắp xếp cho Trần Liễu và Trần Cảnh gặp nhau để hoà giải. Thuận Thiên lo lắng cho tính mạng của Trần Liễu.

- Khuê Kình báo với Thiên Cực về việc đã sắp xếp chu đáo và cử lính canh cho anh em nhà vua gặp nhau.

- Đối thoại giữa Khuê Kình và tên lính về tình hình bố trí canh gác cho anh em nhà vua gặp nhau.

- Đối thoại giữa Khuê Kình và Trần Liễu: Khuê Kình báo với Trần Liễu đợi Trần Cảnh đến và hai anh em nhà vua sẽ gặp riêng để nói chuyện.

- Độc thoại của Trần Liễu về tình cảnh “cá chui vào rọ” của mình.

- Đối thoại giữa Trần Cảnh và Trần Liễu: Trần Liễu xin nhận tội và Trần Cảnh thương xót thấy cảnh anh trai tiều tuỵ.

- Thủ Độ đến, nhìn thấy Trần Liễu thì tức giận đòi chém. Trần Cảnh khuyên can. Trần Cảnh cho Trần Liễu lấy công chuộc tội, phong cho Trần Liễu hiệu Yên Sinh Vương và ban cho một phần đất để trông nom, thu lấy tô thuế làm bổng lộc lâu dài. Thủ Độ nhắc nhở anh em nhà vua phải đồng lòng chăm lo cho cơ nghiệp nhà Trần.


* Hồi VIII (Phần vĩ thanh):

- Hai mươi năm sau, người thị nữ trò chuyện với cô gái về tình hình quân Thát Đát đốt phá tan hoang nhà cửa của dân ta. Người thị nữ ngậm ngùi nghĩ đến Thuận Thiên mất đã 10 năm và Trần Liễu cũng đã chết.

- Lê Tần đối thoại với người thị nữ về tình hình thôn xóm, cùng chia vui với chiến công đánh thắng quân Nguyên của dân tộc và thăm hỏi tình cảnh của Chiêu Thánh.

- Một đoàn mấy gia đình vui vẻ tíu tít trò chuyện thể hiện niềm vui được về nhà ăn Tết dù cho nhà cửa đã bị tan hoang sau chiến tranh.

- Người thị nữ tâm sự với Chiêu Thánh về nỗi lo sau này quân Nguyên còn có thể xâm lược thì không biết lớp sau có được như lớp người bây giờ không. Chiêu Thánh tỏ ý tin tưởng vào lớp người sau với những đại diện như Chiêu Minh Vương Quang Khải và Trần Quốc Tuấn. Chiêu Thánh vui mừng khôn xiết khi đất nước đánh thắng giặc xâm lăng.

2.2. So sánh kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng và kịch Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi từ góc nhìn thi pháp thể loại

Bám sát phần cơ sở lí luận về thi pháp kịch đã được trình bày ở mục 1.1 chương 1, người viết sẽ so sánh kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng và Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi dựa theo các tiêu chí đặc trưng cơ bản của thể loại kịch bao gồm xung đột, nhân vật, hành động, ngôn ngữ không - thời gian. Trong đó, việc so sánh theo tiêu chí hành động kịch ở vở Vũ Như Tô Rừng trúc sẽ được chúng tôi lồng ghép trình bày ở các mục xung đột và nhân vật kịch.


2.2.1. Xung đột kịch

Khi so sánh mâu thuẫn kịch trong vở Vũ Như Tô Rừng trúc, người viết nhận thấy có những điểm tương đồng:



Thứ nhất, Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi đều khai thác xung đột từ những sự kiện lịch sử. Phương hướng tiếp cận xung đột và cách thức triển khai xung đột trong kịch Vũ Như TôRừng trúc thể hiện những mâu thuẫn bản chất nhất của lịch sử. Hơn thế, tái hiện những mâu thuẫn, xung đột trong những thời đại đã qua chính là cái cớ để các tác giả gửi gắm những băn khoăn về số phận con người và vận mệnh đất nước trong các thời cuộc loạn lạc.

Vũ Như Tô là vở kịch kể về số phận một người người thợ có tài ở thời vua Lê Tương Dực. Khi viết tác phẩm này, Nguyễn Huy Tưởng dựa vào tài liệu lịch sử Việt sử thông giám cương mục có ghi chép về chuyện kiến trúc sư tài năng Vũ Như Tô nhận xây dựng Cửu Trùng Đài cho triều đình thối nát khiến dân phải khổ cực vì sưu thuế, phải làm việc vất vả, bị bệnh dịch và chết nhiều. Nguyễn Hoằng Dụ được tin Duy Sản bạo nghịch giết vua, bèn chém Vũ Như Tô ở ngoài cửa thành. Lúc Vũ Như Tô chết còn bị mọi người chỉ trích, chê cười. Tuy dựa vào sự kiện lịch sử có thật nhưng Nguyễn Huy Tưởng đã khẳng định được bản lĩnh, tài năng sáng tạo của mình. Ông không chỉ đơn thuần tái hiện lịch sử mà còn hư cấu nên một bi kịch sâu sắc về người nghệ sĩ Vũ Như Tô có tài, không màng danh lợi, say mê sáng tạo nghệ thuật nhưng lại không có điều kiện để thể hiện tài năng. Ban đầu, người nghệ sĩ ấy bất chấp tính mạng bị đe doạ vẫn nhất định không chịu xây Cửu Trùng Đài làm nơi hưởng lạc cho vua chúa. Sau này, nghe theo lời Đan Thiềm khuyên ông mượn tay quyền thế để xây dựng mộ công trình tráng lệ cho “dân ta được nghìn thu hãnh diện”, Vũ Như Tô đã nhận lời xây Cửu Trùng Đài. Đài càng xây cao, nhân dân càng đói khổ, lầm than. Vũ Như Tô vì quá say mê nghệ thuật mà vô tình trở thành kẻ thù của nhân dân. Kết cục là dân chúng oán hận đã theo quân phản loạn nổi dậy giết vua, đốt phá Cửu Trùng Đài và người nghệ sĩ ấy phải chết trong tuyệt vọng. Nếu như Vũ Như Tô trong lịch sử chỉ là một tên đốc công đáng ghét thì trong kịch Vũ Như Tô, ông là người nghệ sĩ vừa đáng giận, vừa đáng thương. Đáng giận là ở chỗ Vũ Như Tô sai lầm xây dựng Cửu Trùng Đài mà bất chấp dân chúng phải chịu khổ cực. Nhưng ông cũng lại vừa đáng thương vì là người nghệ sĩ tài năng rơi vào bi kịch “sinh bất phùng thời”, không có điều kiện để thể hiện tài năng của mình. Như vậy, xung đột trong bi kịch Vũ Như Tô được tạo nên bởi hai mâu thuẫn cơ bản. Mâu thuẫn thứ nhất là mâu thuẫn giữa đời sống xa hoa, trụy lạc của tập đoàn phong kiến thối nát Lê Tương Dực với đời sống bần cùng vì sưu thuế, tạp dịch của nhân dân. Mâu thuẫn này được thể hiện rõ nét trong các hồi đầu tác phẩm và đến hồi V trở thành cao trào, được giải quyết dứt khoát bằng cuộc nổi loạn giết hôn quân Lê Tương Dực và tất cả những kẻ được xem là phe cánh của vua. Tiếp đến, mâu thuẫn thứ hai là mâu thuẫn giữa niềm khát khao xây dựng toà đài hùng vĩ để làm vẻ vang cho dân tộc của Vũ Như Tô với lợi ích trực tiếp và thiết thực của đời sống nhân dân. Khát vọng nghệ thuật của Vũ Như Tô là chính đáng vì xuất phát từ thiên chức người nghệ sĩ, từ lòng yêu nước, muốn xây toà lâu đài để “nhân dân ta nghìn thu còn hãnh diện” nhưng khát vọng đó lại không phù hợp với điều kiện thời đại mà ông đang sống. Vũ Như Tô đã không thấy thực tế: Đài càng xây cao thì càng tốn kém nhiều của cải, sức lực của nhân dân lại thêm thiên tai dịch bệnh khi xây đài khiến Vũ Như Tô trở thành kẻ thù của nhân dân. Mâu thuẫn này được bộc lộ rất rõ qua những lời quân sĩ oán trách, nguyền rủa người xây Cửu Trùng Đài. Mâu thuẫn giữa khát vọng của người nghệ sĩ với lợi ích của đời sống nhân dân phát triển đến cao độ khi quân nổi loạn đốt phá đạp tan Cửu Trùng Đài - đứa con tinh thần của Vũ Như Tô và bắt bớ trừng phạt tác giả của nó.

Cũng nhạy bén đối với đề tài lịch sử như Nguyễn Huy Tưởng, cảm hứng kịch của Nguyễn Đình Thi trong Rừng trúc được khơi gợi từ biến cố đau thương của cuộc chuyển giao giữa hai triều đại Lý - Trần. Thái sư Trần Thủ Độ và Hoàng hậu Trần Thị Dung đã mưu mô sắp đặt cho vua Lý Huệ Tông nhường ngôi lại cho con gái Chiêu Thánh mới lên 7 tuổi và ép Lý Huệ Tông tự tử. Từ Chiêu Thánh ngôi vua được nhường lại cho chồng là Trần Cảnh, mở đầu triều đại nhà Trần. Nhưng Rừng trúc lại không viết về bi kịch đó mà lựa chọn thời điểm về sau, khi vua Trần Cảnh đã 20 tuổi, Hoàng hậu Chiêu Thánh 19 tuổi. Lấy lý do vua và Hoàng hậu Chiêu Thánh không có con để nối ngôi, Thái sư Trần Thủ Độ cùng vợ là Trần Thị Dung (Hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông - mẹ của Chiêu Thánh) lại sắp đặt cho công chúa Thuận Thiên (chị ruột Chiêu Thánh, vợ của Trần Liễu - anh trai nhà vua) hiện đang có mang với Trần Liễu phải lấy Trần Cảnh. Từ sự kiện mấu chốt này mà Nguyễn Đình Thi xây dựng trong vở kịch của mình các xung đột mẹ - con (Thiên Cực - Chiêu Thánh), anh - em (Trần Liễu - Trần Cảnh), chú - cháu (Thủ Độ - Chiêu Thánh) trong một dòng họ. Mối xung đột này cho thấy bi kịch ngang trái và éo le trong quan hệ giữa những yếu nhân của hai dòng họ Lý - Trần. Cuộc biến thiên kinh hoàng của lịch sử đẩy Lý Chiêu Hoàng rơi vào bi kịch gia đình với những mâu thuẫn chồng chéo “nào chồng, nào mẹ, nào chị…”. Nhưng xung đột được thể hiện tập trung và gay gắt nhất trong kịch Rừng trúc chính là xung đột giữa quyền lực và quyền sống tự do của con người. Có lẽ nhân vật thấm thía mối xung đột này hơn cả chính là Chiêu Thánh khi nàng đã nhận ra thân phận lịch sử của mình như một nạn nhân của cuộc tranh giành quyền lực giữa hai triều đại Lý - Trần. Chiêu Thánh ý thức rõ sức mạnh ghê gớm của quyền lực: “quyền lực có khi dẫn đến đau khổ cho con người”. Lòng tham quyền lực khiến con người ta dám làm tất cả. Vì quyền lực, Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung mưu mô sắp đặt cuộc hôn phối giữa Chiêu Thánh và Trần Cảnh để giành lấy vương triều về tay nhà Trần, rồi cũng chính họ lại toan tính một cuộc hôn phối thứ hai giữa Trần Cảnh và Thuận Thiên bất chấp cho đó là chuyện loạn luân. Cũng vì mối xung đột giữa quyền lực và quyền sống tự do của con người, Trần Cảnh hoang mang trước triều chính và thế sự nên đã bỏ ngôi vua tìm đến cửa Phật nơi Yên Tử. Sự kiện Trần Cảnh bỏ cung đánh dấu thời điểm xung đột anh - em, vợ - chồng, chú - cháu đã lên tới cao trào, là đỉnh điểm của những bất lực của vua trước triều chính và thế sự éo le. Nhưng đứng trước sự an nguy của dân tộc, Trần Cảnh đã quyết định trở lại kinh thành, hoà giải với Trần Liễu để ổn định và chấn hưng đất nước.

Thứ hai, trong cách khai thác xung đột ở kịch Vũ Như Tô Rừng trúc, các tác giả đều xây dựng xung đột giữa khát vọng thực hiện những mong muốn của cá nhân với những ràng buộc của thời cuộc, qua đó ký thác những vấn đề đậm chất triết lý đối với thời đại. Xung đột kịch trong Vũ Như Tô được xây dựng từ mâu thuẫn giữa khát vọng sáng tạo tự do của người nghệ sĩ với cường quyền và thực tại đời sống đói khổ của dân chúng. Khát vọng sáng tạo tự do của Vũ Như Tô không phù hợp với hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Công trình mà ông dốc sức xây dựng lại mâu thuẫn với lợi ích trực tiếp và thiết thực của đời sống nhân dân. Cái tài của Vũ Như Tô không thể được phát huy trong cái thời đại mà cường quyền còn lộng hành, nhân dân đói khổ, lầm than. Qua những mâu thuẫn đó, Nguyễn Huy Tưởng gửi gắm triết lý sâu sắc về mối quan hệ gắn bó giữa con người với thời đại họ đang sống. Tác giả trăn trở về số phận bi kịch của người nghệ sĩ, nhận thức được thái độ và vai trò của người nghệ sĩ đối với thời cuộc: Người nghệ sĩ phải ý thức được nghệ thuật không thể xa rời thực tiễn, nghệ thuật phải gắn với quyền lợi và vận mệnh của quần chúng lao động chứ nghệ thuật không đem phục vụ cho giai cấp thống trị tàn bạo. Bởi Cái Đẹp nếu không gắn với cái Thiện thì cũng chỉ là cái Đẹp phù phiếm mà thôi. Rừng trúc cũng cho thấy mối xung đột giữa khát vọng thực hiện những mong muốn của cá nhân với những ràng buộc của thời đại. Trần Cảnh là người khát khao một cuộc sống tự do, muốn làm những việc theo ý mình nhưng rồi bị guồng máy chính trị chi phối nên phải làm những việc khác mình. Trần Cảnh mong muốn được thỏa đam mê kinh kệ “tìm đến nơi rừng trúc Yên Tử, xa mọi việc đời, theo hầu Đức Phật” nhưng cuối cùng trước vận nước đang bị quân xâm lược nhòm ngó, Trần Cảnh phải trở về gánh vác triều chính. Các nhân vật trong kịch Rừng trúc gánh trên vai trách nhiệm với dân tộc nên mỗi sự lựa chọn đều cần cân nhắc. Ứng xử của họ không chỉ có ảnh hưởng riêng đến bản thân mà còn ảnh hưởng đến cơ đồ và sự an nguy của toàn dân tộc.

Như vậy, khi thể hiện mối xung đột giữa khát vọng thực hiện những mong muốn tự do của cá nhân với những ràng buộc của thời cuộc, Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi đều đặt ra vấn đề quan hệ giữa cá nhân và dân tộc. Hai ông thể hiện những trăn trở về thời vận và số phận con người, về lẽ sống và tâm thế ứng xử của những cá nhân. Dù là kẻ sĩ hay bậc vương quyền thì ứng xử của các nhân vật chính trong hai vở kịch đều có ảnh hưởng đối với vận mệnh đất nước. Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi có sự gặp gỡ ở quan điểm khẳng định cách lựa chọn ứng xử của mỗi cá nhân có quan hệ đến vận mệnh của dân tộc. Việc Vũ Như Tô quyết định xây Cửu Trùng Đài phục vụ cường quyền là đi ngược lại lợi ích thiết thực của nhân dân nên dẫn đến việc nhân dân oán hận, theo quân khởi loạn nổi dậy lậy đổ triều đình.



Rừng trúc khai thác xung đột ở thời điểm lịch sử chuyển giao quyền lực giữa hai triều đại Lý - Trần mà bóng quân Nguyên xâm lược đang “ngấp nghé” biên thuỳ. Trước tình thế này, vì đặt lợi ích của quốc gia lên trên hết, Lý Chiêu Hoàng đã quyết định từ bỏ khát vọng giành lại ngôi vua vốn thuộc về mình. Cũng vì lợi ích của quốc gia mà Trần Cảnh phải rời Yên Tử, trở về cung để gánh vác việc nước. Mong muốn “xa mọi việc đời, theo hầu Đức Phật” của Trần Cảnh không thể được thực hiện trong thời điểm lịch sử đó bởi “nhà vua không lẽ coi cái nhẹ nhõm của riêng mình to hơn công việc cả nước”. Nhân vật trong kịch Vũ Như TôRừng trúc đều đề cao lợi ích của dân tộc, quyền lợi của nhân dân. Nguyễn Huy Tưởng bênh vực cho lợi ích của quần chúng và phê phán những gì đi ngược lại điều đó. Ông đã để cho Cửu Trùng Đài bị phá huỷ vì đặt trong hoàn cảnh đó thì quyền lợi thiết thực của nhân dân phải được đặt lên hàng đầu. Nguyễn Đình Thi trong kịch Rừng trúc cũng đứng về phía nhân dân để ca ngợi những ứng xử hi sinh cao đẹp của Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh trước nhiệm vụ chung phải đồng tâm củng cố sức mạnh triều đình và đẩy lùi giặc ngoại xâm của dân tộc.

Điểm tương đồng thư ba đó là Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi đều xây dựng trong tác phẩm của mình mối xung đột giữa các quan niệm. Trong Vũ Như Tô, xung đột giữa khát vọng sáng tạo nghệ thuật thuần tuý với thực tế đời sống khổ cực của dân chúng đã biểu hiện một cách kín đáo và sâu sắc mối xung đột giữa hai quan niệm: nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh. Tiếng nói của Đan Thiềm khuyên Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài để thực hiện khát vọng sáng tạo cái Đẹp “tranh tinh xảo với hoá công” của người nghệ sĩ mà không nghĩ tới quyền lợi của nhân dân thì thực chất đó là tiếng nói của nghệ thuật thuần tuý tách rời đời sống. Theo đuổi cái Đẹp thuần tuý đó, Vũ Như Tô thành người có tội với nhân dân và phải chết trong lửa hận. Tác giả thể hiện niềm day dứt qua lời đề tựa của vở kịch: “Than ôi! Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”. Mặc dù khẳng định phương hướng của nghệ thuật phải phục vụ quần chúng nhân dân nhưng ông cũng thể hiện tấm lòng đồng cảm sâu sắc với số phận người nghệ sĩ “sinh bất phùng thời” và trân trọng tài năng của Vũ Như Tô. Những trăn trở có tính chất triết lý về mối xung đột giữa quan điểm nghệ thuật thuần tuý và quan điểm nghệ thuật phụng sự cuộc sống này thực tế đã xảy ra trên văn đàn Việt Nam với cuộc tranh luận giữa hai phái nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh vào những năm 1935 - 1939. Điều này khẳng định giá trị có ý nghĩa vô cùng sâu sắc của những vấn đề mà Nguyễn Huy Tưởng đặt ra trong Vũ Như Tô. Cũng thể hiện mối xung đột giữa các quan niệm nhưng trong Rừng trúc lại là xung đột giữa các quan niệm sống. Trước việc Trần Thủ Độ chỉ đề cao lợi ích của quốc gia dân tộc mà bất chấp những việc phi luân, gây ra bao đau đớn, khó xử cho con người, Nguyễn Đình Thi đã để nhân vật Chiêu Thánh nói thay những trăn trở của mình: “Việc nước là lớn nhất nhưng việc người với người cũng không phải là nhỏ hơn”. Tác giả đề cao lợi ích của dân tộc nhưng cũng tỉnh táo nhận ra rằng việc nước là lớn nhất nhưng quan hệ giữa người với người cũng không phải nhỏ hơn, từ đó đề ra quan niệm sống cần “phải biết hài hoà để trọn trách nhiệm với nước, trọn tình với người”.

Cuối cùng, khi so sánh xung đột trong kịch Vũ Như Tô Rừng trúc có thể dễ dàng nhận thấy các tác giả đều đã chú trọng khai thác xung đột nội tâm của các nhân vật để xây dựng nên những tính cách sinh động. Việc khai thác đời sống nội tâm của nhân vật và biểu hiện những xung đột tâm lý căng thẳng đã làm nên chất trữ tình trong hai vở kịch. Nguyễn Huy Tưởng không chỉ dựng lại được những biến cố xoay quanh sự kiện xây dựng Cửu Trùng Đài mà còn đi sâu khắc họa số phận bất hạnh và tâm trạng đầy mâu thuẫn của Vũ Như Tô. Điều này góp phần làm nên một nhân vật Vũ Như Tô có sức ám ảnh sâu sắc đối với người đọc. Trong con người Vũ Như Tô chứa đựng mâu thuẫn giữa khát vọng nghệ sĩ và trách nhiệm công dân. Là nghệ sĩ, Vũ Như Tô say mê sáng tạo nghệ thuật để làm đẹp cho non sông. Nhưng là công dân, Vũ Như Tô lại băn khoăn, thấy “ngại” khi ý nguyện nghệ thuật của mình khiến nhân dân phải đói khổ. Việc Nguyễn Huy Tưởng gửi gắm những trăn trở của mình thông qua xung đột nội tâm của nhân vật đã làm tăng chất trữ tình cho tác phẩm kịch. Ở giai đoạn sau, thủ pháp khắc họa nội tâm nhân vật đã trở thành một trong những nét riêng đặc sắc để nhận diện phong cách kịch Nguyễn Đình Thi. Rừng trúc là một vở kịch tâm lý trữ tình. Trong tác phẩm này, nội tâm của Lý Chiêu Hoàng được khắc họa tỉ mỉ với những dằn vặt, trăn trở khiến người đọc không nén nổi nỗi xót thương cho số phận bi kịch của Chiêu Hoàng.



Ngoài những điểm tương đồng trên, người viết cũng nhận thấy có sự khác biệt trong cách lựa chọn thời điểm xảy ra xung đột, cách triển khai và giải quyết xung đột ở Vũ Như TôRừng trúc.

Nguyễn Huy Tưởng lựa chọn, khai thác sự kiện lịch sử ở thời điểm đang xảy ra các biến cố dữ dội, đầy sóng gió tạo nên bước ngoặt của lịch sử. Vũ Như Tô viết về thời điểm lịch sử những năm 1526 - 1527 với những mâu thuẫn gay gắt giữa đời sống xa hoa, trụy lạc của triều đình Lê Tương Dực với đời sống bần cùng vì sưu thuế, tạp dịch của nhân dân và mâu thuẫn giữa khát vọng sáng tạo nghệ thuật của Vũ Như Tô với lợi ích thiết thực của nhân dân. Mâu thuẫn không thể giải quyết được dẫn đến kết thúc bi thảm là dân chúng theo quân phản loạn nổi dậy giết vua và Vũ Như Tô. Xuất phát việc lựa chọn thời điểm lịch sử này, Nguyễn Huy Tưởng đã viết nên một tác phẩm giàu kịch tính, xung đột đối kháng mạnh mẽ, phát triển đến cao trào và hành động được thực hiện gấp rút, dồn dập, quyết liệt. Vì lựa chọn thời điểm xung đột xảy ra dữ dội nên các hành động trong vở kịch trở nên phong phú, đa tuyến, nhanh và mạnh. Các nhân vật sống trong mối mâu thuẫn không thể điều hoà được ở thời điểm lịch sử đó phải chống đỡ và chiến đấu quyết liệt để thực hiện hoài bão của mình và để tìm cách giải quyết mối xung đột đó. Còn Nguyễn Đình Thi trong kịch Rừng trúc lại lựa chọn thời điểm khi mà cuộc mưu đoạt ngôi vua đã diễn ra được 11 năm, lúc này các nhân vật chính trong vở kịch đã chín chắn và thấm thía nỗi đau đớn mà quyền lực gây ra cho số phận mỗi cá nhân. Nguyễn Đình Thi không chọn thời điểm đang xảy ra cuộc tranh giành quyền lực với những xung đột đối kháng mạnh mẽ của các lực lượng đụng độ, chống đối trực tiếp mà chủ đích khai thác những suy nghĩ, tư tưởng và xung đột nội tâm của các nhân vật sau những biến cố dữ dội của lịch sử. Vì thế, xung đột trong kịch Rừng trúc không đối kháng mạnh mẽ, gay gắt như trong kịch Vũ Như Tô mà chỉ là những xung đột ngầm âm ỉ trong nội tâm nhân vật. Trong bài “Một số hình thái xung đột trong kịch Nguyễn Đình Thi”, Lê Thị Chính đã phát hiện ra mối quan tâm của nhà viết kịch này khi khai thác xung đột thường là “những thương tổn nặng nề của con người trong những mối quan hệ và những tình thế đặc biệt éo le”[3,93]. Khác với xung đột trong Vũ Như Tô là xung đột đối kháng quyết liệt giữa các lực lượng xã hội, xung đột trong Rừng trúc mang sắc thái trữ tình, giàu cảm xúc và suy nghĩ nội tâm. Kịch bản Rừng trúc không có những xung đột cao trào đến nghẹt thở. Đúng như nhà nghiên cứu Tất Thắng trong bài viết “Thế giới kịch Nguyễn Đình Thi” đã nhận xét về thi pháp kịch Nguyễn Đình Thi: “Ta không thấy ở đây mối xung đột được trình bày theo kiểu kịch Aristote, tức là được trình bày trong hành động, từ giao đãi đến thắt nút, đến… tạm thời hoàn hoãn và đến giải toả trong kết thúc. Các mối xung đột kịch kiểu cổ điển và rất phương Tây này không có chỗ trong kịch Nguyễn Đình Thi”[22,367]. Lựa chọn hướng tiếp cận nhân vật từ tư tưởng và mâu thuẫn nội tâm nên hành động trong Rừng trúc như bị “ém” lại, không đa dạng, phong phú như trong Vũ Như Tô. Như vậy, việc các tác giả lựa chọn thời điểm xảy ra xung đột đã chi phối trực tiếp đến cấu trúc tác phẩm và nhịp độ vận động dồn dập khác thường của cốt truyện trong mỗi vở kịch.

Каталог: nonghocbucket -> UploadDocument server07 id114188 190495
UploadDocument server07 id114188 190495 -> ChuyêN ĐỀ ĐIỀu khiển tán sắC
UploadDocument server07 id114188 190495 -> Trong khuôn khổ Hội nghị của fifa năm 1928 được tổ chức tại Amsterdam (Hà Lan), Henry Delaunay đã đưa ra một đề xuất mang tính đột phá đối với lịch sử bóng đá
UploadDocument server07 id114188 190495 -> MỤc lục phần I: MỞ ĐẦU
UploadDocument server07 id114188 190495 -> «Quản trị Tài sản cố định trong Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa»
UploadDocument server07 id114188 190495 -> Khóa luận tốt nghiệp 2010 Mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong thời kì tới 85
UploadDocument server07 id114188 190495 -> ĐỒ Án tốt nghiệp tk nhà MÁY ĐƯỜng hiệN ĐẠi rs
UploadDocument server07 id114188 190495 -> Đề tài: Qúa trình hình thành và phát triển an sinh xã hội ở Việt Nam
UploadDocument server07 id114188 190495 -> Chuyên đề tốt nghiệp Trần Thị Ngọc – lt2 khct L ời cảM ƠN
UploadDocument server07 id114188 190495 -> Địa vị của nhà vua trong nhà nước phong kiến Việt Nam

tải về 0.5 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương