PHẦn mở ĐẦu lí do chọn đề tài


Khuynh hướng lựa chọn đề tài lịch sử



tải về 0.5 Mb.
trang6/7
Chuyển đổi dữ liệu15.08.2016
Kích0.5 Mb.
#20239
1   2   3   4   5   6   7

3.1. Khuynh hướng lựa chọn đề tài lịch sử

Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi đều được công chúng biết đến là những tác giả văn học Việt Nam hiện đại nhưng lại có mối quan tâm đặc biệt trong sáng tác về đề tài lịch sử. Hai ông là những đại diện tiêu biểu cho khuynh hướng sáng tác lựa chọn đề tài lịch sử.

Ngay từ trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Huy Tưởng đã được biết đến là một cây bút chuyên khai thác đề tài lịch sử. Đề tài lịch sử trong những sáng tác của ông không chỉ tồn tại ở thể loại kịch (Vũ Như Tô, Cột đồng Mã Viện…) mà còn trở thành cảm hứng sáng tác cho ông ở nhiều thể loại khác, đặc biệt là tiểu thuyết (Đêm hội Long Trì, An Tư …), ngoài ra còn có truyện thiếu nhi (Lá cờ thuê sáu chữ vàng, Kể chuyện Quang Trung…). Nguyễn Huy Tưởng thường khai thác đề tài nằm ở khúc quanh của lịch sử, trong thời điểm xảy ra các biến cố dữ dội. Với đặc trưng của thể loại kịch, Vũ Như Tô tái hiện những xung đột xã hội gay gắt nhất thời vua Lê Tương Dực gắn liền với số phận bi kịch của nhân vật chính. Khác với Vũ Như Tô, kịch Cột đồng Mã Viện không tập trung vào số phận một nhân vật mà lại tập trung khai thác sự kiện Mã Viện sau khi chiến thắng Hai Bà Trưng đã cho dựng một cột đồng lớn có khắc chữ “Đồng trị chiết, Giao Chỉ diệt” gây ra sự phẫn uất cho dân chúng. Ở thể loại tiểu thuyết, Nguyễn Huy Tưởng cũng lựa chọn những giai đoạn đầy kịch tính của lịch sử. Đêm hội Long Trì tái hiện thời điểm nhân dân oán ghét tột độ bọn quý tộc phong kiến Trịnh Sâm, Đặng Thị Huệ, Đặng Mậu Lân. Còn An Tư lại chọn viết về giai đoạn nhà Trần chuẩn bị lực lượng chiến đấu chống bọn quân Nguyên xâm lược vào những năm 1284 - 1285.

Cần phải nhận thức được rằng khuynh hướng khai thác đề tài lịch sử không đơn giản là thái độ quay lưng với thực tại của các tác giả mà gián tiếp thể hiện lòng yêu nước và tinh thần dân tộc qua lăng kính lịch sử, qua ý thức tôn sùng và đề cao nghĩa khí của các cá nhân gắn liền với các sự kiện lịch sử. Nguyễn Huy Tưởng khai thác đề tài lịch sử là để phục vụ trực tiếp cho những yêu cầu của hiện tại. Đúng như nhận xét của Bích Thu và Tôn Thảo Miên về quan niệm sáng tác các tác phẩm có đề tài lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng: “Nguyễn Huy Tưởng không săn đuổi đề tài theo quan niệm phục cổ, sùng bái và thêu dệt quá khứ. Trong các tiểu thuyết lịch sử của mình, Nguyễn Huy Tưởng không chỉ muốn diễn đạt tri thức của ông về lịch sử, đưa người đọc ngược về với thời gian, với quá khứ mà điều quan trọng hơn là muốn gieo vào lòng họ những câu hỏi, đặt ra những vấn đề đối thoại trong sáng tác để mọi người cùng nghiền ngẫm và liên tưởng, tìm mối cảm thông với những con người trong câu chuyện xưa, nay chỉ còn lại những dòng chữ khắc trên bia đá hay được ghi vài dòng trong chính sử.” [46,19].

Nguyễn Huy Tưởng mượn đề tài lịch sử để gửi gắm những vấn đề hiện tại và dùng tài năng nghệ sĩ của mình biến “những dòng viết hoá thạch của sử sách về một sự kiện hay một con người trở thành cả một câu chuyện dài, sống động và gần gũi với người đọc hôm nay”[46,194]. Ở kịch Vũ Như Tô, ông nêu lên những triết lý nhân sinh và nghệ thuật có ý nghĩa sâu sắc qua số phận bi kịch của người nghệ sĩ. Nguyễn Huy Tưởng đã mượn sự kiện lịch sử về người thợ Vũ Như Tô để bộc bạch sự day dứt của một nghệ sĩ khát khao sáng tạo cái Đẹp nhưng cái Đẹp đó lại mâu thuẫn gay gắt với đời sống thực tế. Có thể liên hệ vấn đề có tính triết lý này ở Vũ Như Tô với cuộc tranh luận giữa phái nghệ thuật vị nghệ thuật và phái nghệ thuật vị nhân sinh diễn ra vào những năm 1935 - 1939 để thấy được ý nghĩa thời sự của vở kịch này. Điểm chung giữa những tác phẩm viết về đề tài lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng là ông đều thể hiện tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc trong con người Việt. Dưới ách thống trị của chế độ thực dân, Nguyễn Huy Tưởng lấy cảm hứng từ các sự kiện trong quá khứ của lịch sử dân tộc để gửi gắm tâm sự và tình yêu nước một cách kín đáo. Tiểu thuyết lịch sử An Tư dù kể lại mối tình tan vỡ của công chúa nhà Trần - An Tư với Chiêu Thành Vương nhưng nội dung chính vẫn là ca ngợi tinh thần yêu nước và dũng cảm đấu tranh chống quân xâm lược của quân dân nhà Trần. Đêm hội Long Trì thể hiện sự oán ghét của nhân dân trước những hành động vô nhân của bọn thống trị. Việc tác giả để cho Đặng Lân phải chết dưới lưỡi kiếm của chàng Nguyễn Mại nghĩa khí đã khẳng định tinh thần đấu tranh chống cường bạo và khát vọng công lý của dân tộc ta. Còn vở kịch Cột đồng Mã Viện ca ngợi lòng yêu nước của người dân Giao Chỉ chống lại bọn xâm lược, ca ngợi chính nghĩa.

Giống như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi cũng hết sức coi trọng mảng sáng tác về đề tài lịch sử dân tộc. Ông đã bộc lộ được tài năng của ngòi bút khi viết hai vở kịch lịch sử Rừng trúc (1978), Nguyễn Trãi ở Đông Quan (1979). Rừng trúc là câu chuyện lịch sử lấy bối cảnh thời kỳ khởi nghiệp của nhà Trần để gợi ra tấn bi kịch trong gia đình Hoàng tộc xoay quanh bộ ba nhân vật chính Chiêu Thánh, Trần Cảnh và Trần Thủ Độ. Còn vở kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan khai thác sự kiện lịch sử Nguyễn Trãi sau khi trốn theo cha sang Trung Quốc nhưng không thoát, đành bị giam lỏng ở Đông Quan. Trong quãng thời gian mười năm ở Đông Quan, Nguyễn Trãi đau đớn, trăn trở để tìm đường cứu nước. Những vấn đề lịch sử mà Nguyễn Đình Thi đặt ra trong hai vở kịch này có liên hệ sâu sắc với những vấn đề nóng hổi của đời sống đương thời. Chính Nguyễn Đình Thi khi trả lời phỏng vấn trên Tạp chí Sân khấu số 3 năm 1996 đã khẳng định cần coi trọng mảng sáng tác về đề tài lịch sử và cho rằng: “Lịch sử dân tộc là mảng đề tài không thể coi là cũ, nó phong phú, đa dạng vô cùng, qua đó người ta hiểu được sự tồn tại dân tộc và nó cũng là những bài học nóng hổi cho các thế hệ hôm nay và ngày mai”[43,4]. Kịch Rừng trúc nói về vấn đề dân tộc, chủ quyền. Thời điểm ra đời của vở kịch, năm 1978, đất nước ta đã được giải phóng nhưng chưa phải đã hết thù trong giặc ngoài đang lăm le phá hoại nên vấn đề chủ quyền dân tộc đặt ra ở Rừng trúc có ý nghĩa thời sự. Nguyễn Trãi ở Đông Quan thì đặt vấn đề giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và sứ mệnh của trí thức đối với dân tộc ngay trong thời điểm thực tế đời sống nhân dân ta đang phải đấu tranh chống sự xâm lấn, bành trướng của Trung Quốc.

Khi khảo sát toàn bộ sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi, chúng tôi thấy rằng ngoài những sáng tác về đề tài lịch sử vừa kể trên, hai tác giả này còn có những sáng tác viết về lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta như kịch Bắc Sơn (1946), tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô (1961) của Nguyễn Huy Tưởng và tiểu thuyết Vỡ bờ (1962 - 1970) của Nguyễn Đình Thi. Sau cách mạng, Nguyễn Huy Tưởng hướng ngòi bút quan tâm đến cuộc sống đấu tranh của dân tộc. Kịch Bắc Sơn (1946) của Nguyễn Huy Tưởng dựng lại được không khí cuộc khởi nghĩa của quần chúng chống lại chế độ thống trị Nhật - Pháp nổ ra đầu năm 1940. Tiếp đến, tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô (1961) tái hiện lại không khí hào hùng, bi tráng ở Hà Nội trong thời điểm mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc vào cuối năm 1946. Cũng được biết đến là một cuốn tiểu thuyết mang âm hưởng anh hùng ca tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam hiện đại, cùng thời với Sống mãi với thủ đô, hai tập Vỡ bờ được Nguyễn Đình Thi sáng tác từ năm 1962 đến 1970 đã tái hiện lại bức tranh đa diện về xã hội Việt Nam trong thời kỳ 1936 - 1945 - thời kỳ dân tộc ta “tức nước vỡ bờ” để đi đến cách mạng tháng Tám.

Tuy nhiên, quan niệm gọi tên những sáng tác viết về giai đoạn chiến tranh trên là tác phẩm lịch sử hay tác phẩm viết về đề tài đấu tranh cách mạng còn có nhiều bàn cãi. Nếu theo nhận thức phổ quát rằng lịch sử là những gì đã qua, những cái đã thuộc về quá khứ thì chắc chắn có thể gọi những sáng tác trên là những tác phẩm viết về đề tài lịch sử. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng người đọc thường gọi những tiểu thuyết như Sống mãi với thủ đô, Vỡ bờ là tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng chứ không gọi là “tiểu thuyết lịch sử”. Giải thích cho hiện tượng này, Hoài Nam trong bài viết “Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam: Truyện kể hay tiểu thuyết?” đã cho rằng:

“… không phải quá khứ nào cũng sẵn sàng được coi là lịch sử… Quãng cách thời gian giữa quá khứ và hiện tại như vậy chỉ đủ để có một “lịch sử gần”, và viết về “lịch sử gần” thì chưa làm cho tác phẩm tiểu thuyết trở thành một tiểu thuyết lịch sử “chính danh”… Lịch sử sẽ không thực sự là lịch sử đối với con người hiện tại khi họ là người tham gia vào tiến trình tạo ra nó hoặc là người chứng kiến diễn biến của nó. Nói cách khác, lịch sử đích thực phải là “lịch sử xa”, thứ lịch sử mà con người được thừa hưởng (hoặc phải chịu đựng) như một thắt buộc định mệnh của quá khứ trong khi họ hoàn toàn vô can đến nó”[25,inter].

Theo quan niệm trên, trong những sáng tác viết về đề tài lịch sử, chỉ những tác phẩm khai thác những sự kiện lịch sử xa xưa mà người viết không được chứng kiến và phải dựa vào sử liệu để tìm hiểu thì mới được công chúng thống nhất trong quan niệm coi đó là tác phẩm văn học lịch sử. Khi viết về “lịch sử xa” đó, các tác giả có điều kiện bộc lộ rõ nhất nguyên tắc sáng tác về đề tài lịch sử: Các tác giả quay trở lại với thời kì xa xưa trong quá khứ mà không phải là nhân chứng vì vậy để đảm bảo tính chân thực, người viết chỉ có thể bấu víu vào những sử liệu để tái hiện lại lịch sử đồng thời cũng phát huy quyền sáng tạo của người nghệ sĩ để tạo nên những ý nghĩa mới, bài học mới cho những sự kiện đã cũ.

Viết về đề tài lịch sử, dù ở thể loại kịch hay tiểu thuyết thì tác phẩm đều phải đảm bảo tính chân thực. Kịch lịch sử và tiểu thuyết lịch sử có điểm chung: “dù có chứa đựng các nhân vật và chi tiết hư cấu, tuy nhiên nhân vật chính và sự kiện chính thì phải được sáng tạo trên các sử liệu xác thực trong lịch sử, tôn trọng lời ăn tiếng nói, trang phục, phong tục, tập quán phù hợp với giai đoạn lịch sử ấy. Tác phẩm văn học lịch sử thường mượn chuyện xưa nói chuyện đời nay, hấp thu những bài học của quá khứ, bày tỏ sự đồng cảm với những con người và thời đại đã qua, song không vì thế mà hiện đại hoá người xưa, phá vỡ tính chân thực lịch sử của thể loại. Đặc điểm này của thể loại tiểu thuyết lịch sử và kịch lịch sử đòi hỏi nhà văn phải vừa là nghệ sĩ, vừa là nhà nghiên cứu, có vốn sống và hiểu biết phong phú, có quan điểm lịch sử đúng đắn và tiến bộ”[17,205]. Để đảm bảo tính chân thực lịch sử trong tiểu thuyết và kịch, nhà văn không chỉ phải phản ánh chân thực cuộc đấu tranh giữa các lực lượng xã hội trong lịch sử mà còn phải nghiên cứu sâu sắc ngôn ngữ, phong tục, tập quán của thời đại đó. Các tác giả khi viết về đề tài lịch sử đều phải xử lý hài hoà giữa tính “chân thực lịch sử” và “hư cấu lịch sử” trong tác phẩm, tức là phải giải quyết mối quan hệ giữa lịch sử và hư cấu nghệ thuật. Vấn đề này hiện nay đang trở thành đề tài tranh luận được nhiểu người quan tâm.

Nguyên lý của văn học nghệ thuật là “không thể tồn tại nếu không có hư cấu”. Hư cấu là một biện pháp nghệ thuật đặc trưng của văn học. Hư cấu giúp phân biệt một nhà văn khi viết về đề tài lịch sử với một nhà sử học ghi chép lịch sử. Qua hư cấu, nhà văn bộc lộ tài năng sáng tạo của mình. Đã là tác phẩm nghệ thuật thì đương nhiên phải có hư cấu nhưng tác phẩm về đề tài lịch sử lại đòi hỏi có tính “chân thực lịch sử”.

Nhiều ý kiến cho rằng đối với các tác phẩm về đề tài lịch sử, tính chân thực là tiêu chuẩn hàng đầu và việc hư cấu phải dừng lại ở chỗ “tôn trọng sự thật lịch sử”. Sáng tạo, hư cấu là quyền của mỗi tác giả nhưng đối với tác phẩm lịch sử, không được phép xuyên tạc lịch sử một cách tùy tiện. Nhà văn phải tưởng tượng và hư cấu trên cơ sở hiểu biết chắc chắn về đề tài lịch sử để qua đó có thể đưa ra những kiến giải mới về lịch sử mang dấu ấn cá nhân nghệ sĩ, phục vụ ý đồ sáng tạo của nghệ sĩ. Trong bài “Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi và một số vấn đề lí luận sáng tác về đề tài lịch sử”, Phan Trọng Thưởng đã khẳng định nguyên tắc sáng tác về đề tài “đặc biệt” này: “Người nghệ sĩ thực sự là nghệ sĩ khi sự kiện lịch sử thực chất chỉ là nguyên cớ, là cơ sở của mọi sáng tạo. Ý nghĩa mới của sự kiện lịch sử có được bắt nguồn từ những vấn đề lớn mà thời đại đặt ra… Sáng tạo nghệ thuật về đề tài lịch sử, theo tôi, không phải là minh họa lại lịch sử, không phải là truyền đạt lại tri thức lịch sử… Thực chất của sáng tạo nghệ thuật về đề tài lịch sử là khai thác lịch sử theo một cách tiếp cận mới, một cảm hứng lịch sử - công dân mới trên nguyên tắc vừa tôn trọng sự thật lịch sử, vừa tôn trọng sự thật nghệ thuật” [49,23]. Ông cũng nhận thức được khi viết về đề tài lịch sử dựa trên cơ sở của một sự kiện có thật thì người nghệ sĩ vừa “tự do”, vừa “không tự do”. Theo Phan Trọng Thưởng, “tự do” là ở chỗ người nghệ sĩ có thể dựa vào cảm hứng lấy từ thời đại và sự am hiểu của mình về lịch sử để tiến hành lựa chọn nhân vật, sự kiện lịch sử có mối quan hệ sâu sắc với thời đại để mang đến những ý nghĩa mới có tính thời sự cho sự kiện lịch sử đã chọn. Còn “không tự do” lại là ở chỗ, người nghệ sĩ phải đảm bảo tính chân thực khách quan lịch sử, phải lựa chọn ngôn ngữ, trang phục của nhân vật phù hợp với thời kì lịch sử đó.

Các tác phẩm về đề tài lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi cũng phải đảm bảo hài hoà giữa “sự thật lịch sử” và “hư cấu lịch sử”. Viết về đề tài lịch sử, các tác giả này tái hiện trung thành lịch sử qua quy luật vận động, những sự kiện lịch sử quan trọng, bản chất của những nhân vật lịch sử nhưng đồng thời các nhà văn cũng phát huy vai trò sáng tạo, hư cấu của mình. Ở chương 2, người viết cũng đã phần nào đề cập đến tính chân thực và hư cấu của kịch Vũ Như Tô. Tính chân thực lịch sử của vở này thể hiện qua việc tác giả phản ánh chân thực bối cảnh xã hội đen tối thời “vua lợn” Lê Tương Dực và sự khốn khổ của dân chúng, thợ thuyền; tái hiện đúng các sự kiện quan trọng như Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài cho vua, cuối cùng quân phản loạn nổi dậy giết vua và Vũ Như Tô. Vở kịch cũng thể hiện tài năng sáng tạo của Nguyễn Huy Tưởng khi hư cấu thêm nhân vật không có thật như Đan Thiềm để phục vụ ý đồ sáng tạo và đưa ra kiến giải mới về xung đột nội tâm trong con người Vũ Như Tô. Tiểu thuyết Đêm hội Long Trì thì dựa vào tư liệu lịch sử là Hoàng Lê nhất thống chí Việt Lam xuân thu để viết nên câu chuyện xoay quanh quan hệ giữa Trịnh Sâm và hai chị em Đặng Thị Huệ, Đặng Lân. Tôn trọng sự thật lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng đã phản ánh đúng bản chất nhân vật lịch sử và những sự kiện lịch sử quan trọng. Tác giả tố cáo tội ác của Đặng Lân với những việc có thật như giết Khê trung hầu và Lương ngự sử để cướp đoạt Quỳnh Hoa quận chúa. Nhưng để thể hiện tinh thần công lý, Nguyễn Huy Tưởng đã sáng tạo nên một nhân vật không có thật trong lịch sử - Nguyễn Mại - một võ tướng trẻ đầy nghĩa khí và để cho kẻ tàn bạo Đặng Lân phải chết dưới lưỡi gươm của Nguyễn Mại. Nguyễn Mại là nhân vật không có thật trong lịch sử nhưng lại có một sức sống nghệ thuật cao. Kịch Cột đồng Mã Viện chủ yếu tái hiện trung thực sự kiện xung đột ở nơi giáp ranh biên giới giữa Giao Chỉ và Trung Quốc. Trong vở kịch này, Nguyễn Huy Tưởng cũng sáng tạo nên nhân vật Khúc Việt, Vương Độ vốn không có trong lịch sử để truyền tải ý nghĩa của tác phẩm. Vương Độ là một người Trung Quốc yêu hòa bình, chính nghĩa nên đã ủng hộ những người Giao Chỉ yêu nước như Khúc Việt, Hùng Chi trong cuộc chiến chống Mã Viện. Như vậy, tác giả sáng tạo nên những nhân vật trên nhằm thể hiện ý đồ khẳng định lẽ phải, chính nghĩa của dân tộc ta.

Nguyễn Đình Thi viết kịch Rừng trúc Nguyễn Trãi ở Đông Quan dựa trên nguyên tắc tôn trọng tính chân thực lịch sử. Ông phản ánh chân thành những sự kiện, các dấu mốc lịch sử mà chính sử đã ghi chép như việc Thủ Độ và Trần Thị Dung sắp đặt cho Trần Cảnh lấy Thuận Thiên, việc Trần Liễu làm phản và thái độ bao dung của Trần Cảnh trong kịch Rừng trúc. Vở Nguyễn Trãi ở Đông Quan cũng tái hiện lại sự kiện có thật - Nguyễn Trãi bị giam lỏng ở Đông Quan rồi nghe được danh tiếng của nghĩa quân Lam Sơn. Vai trò sáng tạo của Nguyễn Đình Thi thường tập trung vào việc hư cấu theo suy đoán những diễn biến tâm lý của nhân vật trong hoàn cảnh lịch sử mà tác phẩm khai thác. Ngoài ra, ông còn sáng tạo một số nhân vật để phục vụ mục đích biểu đạt tư tưởng của các vở kịch như nhân vật lão trọc trong kịch Rừng trúc và ông già điên trong Nguyễn Trãi ở Đông Quan

Có thể khẳng định, Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi khi viết về đề tài lịch sử đều tôn trọng tính khách quan và cốt cách của các nhân vật theo như sử liệu ghi chép. Thế nhưng, các tác giả cũng phát huy vai trò hư cấu của người nghệ sĩ qua việc bổ sung cho một số sự kiện, chi tiết không được nói rõ trong các tài liệu lịch sử hay sáng tạo thêm những nhân vật không có trong lịch sử để phục vụ ý đồ sáng tạo của tác giả. Hà Minh Đức đã phát hiện ra sự gần gũi trong nguyên tắc sáng tác về đề tài lịch sử của hai tác giả ở kịch Vũ Như TôRừng trúc: “…Cái khung lịch sử của một thời đại cũng như tầm vóc chính trị xã hội của các nhân vật vẫn có phần thừa và thiếu dành cho sáng tạo nghệ thuật. Lịch sử nói về Vũ Như Tô không nhiều nhưng sức tái tạo của Nguyễn Huy Tưởng với nhân vật lại lớn và đã tạo dựng được một tính cách nghệ thuật có tầm vóc. Lịch sử cũng không nói nhiều về Lý Chiêu Hoàng nhưng nhân vật lại yêu cầu nhiều sự bù đắp và Nguyễn Đình Thi đã phát huy năng lực sáng tạo của mình” [10,8].


3.2. Sự khác biệt thể loại trong việc thể hiện đề tài lịch sử

Như đã nói ở trên, đề tài lịch sử có thể được các nhà văn thể hiện qua nhiều thể loại văn học như tiểu thuyết, kịch, truyện ngắn. Ở phần này, chúng tôi sẽ tập trung làm rõ sự khác biệt của hai thể loại văn học lịch sử phổ biến nhất - đó là tiểu thuyết và kịch. Mục đích của chúng tôi khi chỉ ra sự khác biệt giữa thể loại tiểu thuyết và kịch trong việc thể hiện đề tài lịch sử là muốn khám phá xem đặc trưng của từng thể loại này sẽ chi phối ra sao đến cách thể hiện lịch sử. Chúng tôi cũng cho rằng khi khám phá được sự khác biệt thể loại trong việc thể hiện đề tài lịch sử sẽ góp phần lí giải xem tại sao Nguyễn Huy Tưởng thể hiện sở trưởng viết về đề tài lịch sử của mình ở cả hai thể loại kịch và tiểu thuyết, trong khi đó, tại sao cái lịch sử “xa xôi” của dân tộc lại chỉ được Nguyễn Đình Thi chọn thể loại kịch để thể hiện chứ không dùng tiểu thuyết? Phải chăng điều này cũng thể hiện phong cách riêng của từng tác giả? Sự lựa chọn thể loại khi viết về lịch sử cũng có thể xuất phát từ quan niệm của Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi về mức độ và giới hạn của hư cấu nghệ thuật trong một tác phẩm viết về lịch sử? Đó là những băn khoăn mà chúng tôi sẽ cố gắng luận giải ở phần này.



Thực hiện yêu cầu tìm ra sự khác biệt giữa tiểu thuyết và kịch trong việc thể hiện đề tài lịch sử chính là chúng ta sẽ phải đi tìm sự khác nhau giữa “tiểu thuyết lịch sử” và “kịch lịch sử”. Có thể giải thích một cách dễ hiểu thì “tiểu thuyết lịch sử” là một loại hình tiểu thuyết lấy đề tài lịch sử làm nội dung chính. Tương tự, “kịch lịch sử” là một loại hình kịch lấy đề tài lịch sử làm nội dung chính. “Kịch lịch sử” và “tiểu thuyết lịch sử” đều có chung đề tài phản ánh là lịch sử. Vậy thì sự khác nhau giữa chúng chính là sự khác nhau giữa đặc trưng của tiểu thuyết và đặc trưng của kịch.

Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì một trong những đặc trưng riêng nổi bật của tiểu thuyết chính là “tác phẩm tự sự cỡ lớn có khả năng phản ánh hiện thực đời sống ở mọi giới hạn không gian và thời gian”[17,222]. Kịch thì khác. Đặc trưng của kịch là tính giới hạn về không gian và thời gian. Cũng chính vì đặc trưng này mà kịch không thể có một dung lượng dày dặn như tiểu thuyết. Một cuốn tiểu thuyết dày tới vài nghìn trang vẫn có thể hấp dẫn được bạn đọc là bởi nó có thể tái hiện sinh động cả một thời kì lịch sử rộng lớn với nhiều biến cố xảy ra ở nhiều nơi, ở những thời điểm lịch sử khác nhau, ảnh hưởng đến cuộc đời của nhiều nhân vật. Còn kịch, với đặc trưng là một bộ môn nghệ thuật sân khấu, kịch bản viết ra với mục đích để trình diễn, một kịch bản chỉ có độ dài khoảng vài trăm trang đủ để diễn viên có thể diễn xong toàn bộ vở kịch trong vòng tối đa là ba giờ. Đó là khoảng thời gian tối đa để có thể duy trì sự chú ý, hứng thú của khán giả xem kịch. Tiểu thuyết có khả năng phản ánh một cách bao quát và sinh động hiện thực, dù cho đó là hiện thực lịch sử đã qua, theo hướng tiếp cận cả bề rộng và chiều sâu. Nói cụ thể hơn, với lợi thế là một cấu trúc tự sự lớn, tiểu thuyết có khả năng riêng trong việc tái hiện hiện thực đời sống với quy mô lớn và chứa đựng trong đó những vấn đề sâu sắc của đời sống xã hội, của số phận con người… Nếu như tiểu thuyết có dung lượng phản ánh rộng, có thể phản ánh cả một giai đoạn lịch sử, một thời kì lịch sử lớn lao với nhiều biến chuyển, có thể kể về cả cuộc đời nhân vật hay khắc họa nhiều số phận nhân vật thì khác với tiểu thuyết, kịch lại chỉ phản ánh được lịch sử ở những thời điểm ngắn ngủi, khoảnh khắc gay cấn, chứa nhiều biến cố nhất và khắc hoạ nhân vật ở thời điểm “sóng gió” nhất của cuộc đời. Đây cũng là một trong những lí do để các tác giả lựa chọn thể hiện lịch sử qua thể loại tiểu thuyết hay kịch, sao cho phù hợp với nội dung mà họ muốn truyền tải. Chẳng hạn như tiểu thuyết An Tư, xuất phát từ ý đồ sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Huy Tưởng là phản ánh chất bi tráng của một thời đại lịch sử thấm sâu vào số phận nhiều nhân vật nên nhà văn phải chọn thể loại tiểu thuyết mới chứa đựng được hết dung lượng các sự kiện và nhân vật của thời đại lịch sử đó. Đây là câu chuyện nói đến sự kiện Thoát Hoan đem quân tiến đánh nước ta và yêu cầu nhà Trần cống nạp công chúa An Tư làm chia rẽ tình yêu giữa nàng và Trần Thông. Bên cạnh đó, tiểu thuyết An Tư còn ca ngợi tinh thần yêu nước của nhà Trần trong giai đoạn chuẩn bị lực lượng chiến đấu chống quân Nguyên. Xoay quanh sự kiện này, ngoài việc khắc hoạ số phận nhân vật chính là An Tư và Trần Thông, Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng hàng loạt nhân vật lịch sử như Thượng Hoàng, vua Trần Nhân Tông, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Lê Phụ Trần, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng… - đó những nhân vật làm nên hào khí Đông A của nhà Trần. Một hiện thực lịch sử như thế sẽ không thể bó gọn lại trong dung lượng của một vở kịch được. Nguyễn Huy Tưởng phải chọn tiểu thuyết bởi tiểu thuyết có sức chứa lớn và phản ánh được lịch sử mang tính vĩ mô. Tiểu thuyết có thể tái hiện được một thời đại đầy bão tố của nhà Trần qua nhiều số phận, nhiều tính cách nhân vật. Chỉ có tái hiện lại một đoạn đời diễn ra trong một quãng thời gian ngắn, gấp gáp với những biến cố dữ dội tạo nên bước ngoặt của số phận nhân vật mới thích hợp với kịch. Khi viết về một thời điểm giới hạn là một đoạn đời của Vũ Như Tô gắn liền với sự kiện xây Cửu Trùng Đài, Nguyễn Huy Tưởng đã chọn kịch. Sự khác biệt thể loại về quy mô dung lượng phản ánh hiện thực xuất phát từ tính giới hạn về không - thời gian của kịch và tính không giới hạn về không - thời gian của tiểu thuyết đã lí giải vì sao Nguyễn Đình Thi lại chọn kịch để thể hiện nội dung chính của Rừng trúcNguyễn Trãi ở Đông Quan. Bởi Rừng trúc thể hiện mối xung đột của các nhân vật trong dòng họ nhà Trần xảy ra trong thời gian giới hạn từ năm 1237 đến 1238. Còn Nguyễn Trãi ở Đông Quan viết về những biến cố chỉ trong đoạn đời 10 năm Nguyễn Trãi bị giam lỏng. Chúng tôi xin nêu ra thêm ví dụ về một tiểu thuyết cũng khai thác đề tài lịch sử nhà Trần là Bão táp cung đình của Hoàng Quốc Hải để thấy rõ sự khác biệt giữa tiểu thuyết này với kịch Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi. Tiểu thuyết Bão táp cung đình của Hoàng Quốc Hải viết về thời kì lịch sử lớn từ lúc chuyển giao quyền lực Lý - Trần rồi nhà Trần đi vào công cuộc hồi sinh đất nước và chuẩn bị đối phó với quân xâm lược Mông Cổ đang lăm le xâm lược Đại Việt. Phản ánh cả một thời kì lịch sử dài với rất nhiều các sự kiện, nhiều biến cố và khắc hoạ hàng loạt các nhân vật lịch sử như Lý Huệ Tông, Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng, Trần Thị Dung, Trần Cảnh, Thuận Thiên, Trần Cảnh, Hoàng tiên sinh, Nguyễn Nộn, Quốc sư Phù Vân… thì hình thức thể hiện thích hợp nhất để Hoàng Quốc Hải truyền tải chính là tiểu thuyết. Còn Nguyễn Đình Thi chỉ tập trung khai thác lịch sử một giai đoạn của nhà Trần với khá ít biến cố, xảy ra ở giai đoạn 11 năm sau khi mưu kế của Trần Thủ Độ đoạt ngôi về cho nhà Trần thành công, trong đó tập trung thể hiện xung đột trong quan hệ của sáu nhân vật thuộc Hoàng tộc nhà Trần nên sự lựa chọn thể loại kịch là hợp lí.

Điểm khác biệt nổi bật tiếp theo, đó là kịch chỉ tồn tại dưới hình thức ngôn ngữ nhân vật thông qua đối thoại và độc thoại mà không tồn tại ngôn ngữ người kể chuyện. Trong khi đó, ở tiểu thuyết, ngoài ngôn ngữ nhân vật còn có ngôn ngữ người kể chuyện. Tác giả kịch bản không có chỗ đứng trong kịch mà chỉ thể hiện vai trò ít ỏi của mình qua các chú thích, chỉ dẫn ngắn gọn về thời gian, không gian, bài trí sân khấu hay diễn xuất của nhân vật. Còn tác giả trong tiểu thuyết lại luôn giữ vị trí quan trọng trong tác phẩm của mình, anh ta trở thành người kể chuyện luôn ẩn hiện trên từng trang tiểu thuyết, có khi anh ta là người trần thuật vô hình - nhân vật trung gian đứng ngoài kể lại diễn biến sự việc một cách khách quan, có khi anh ta có quyền “nhảy vào” bình luận, cũng có khi người kể chuyện lại chính là một nhân vật xưng “tôi” trong câu chuyện. Việc tồn tại ngôn ngữ kể chuyện trong tiểu thuyết là điểm chung mang đặc trưng của phương thức tự sự nhưng lại là điểm khác biệt nổi bật khi so sánh tiểu thuyết với kịch. Cốt truyện kịch chỉ được thể hiện qua những đối thoại của nhân vật. Còn ở tiểu thuyết, người kể chuyện với tư cách là một nhân vật trung gian sẽ thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Với vai trò là người kể chuyện, tác giả còn phát huy các sở trường miêu tả cảnh vật, tái hiện lại bối cảnh không gian rộng lớn, khắc hoạ nhân vật cụ thể, tỉ mỉ không chỉ ở hành động, lời nói mà còn miêu tả về ngoại hình cũng như phân tích sâu sắc những góc khuất tâm hồn, những diễn biến tâm lý của nhân vật. Nhà viết kịch sẽ không thể diễn tả cụ thể, tỉ mỉ khung cảnh lịch sử như trong tiểu thuyết. Chẳng hạn, ở kịch Vũ Như Tô, cuộc nổi dậy của dân chúng theo phe phản loạn Trịnh Duy Sản để giết vua, phá Cửu Trùng Đài không được miêu tả tỉ mỉ bằng ngôn ngữ của người kể chuyện như trong tiểu thuyết mà người đọc chỉ hình dung được cái cục diện nguy cấp điên đảo ấy qua những chú thích hàm súc của tác giả về âm thanh sân khấu như “Có tiếng quân reo dữ dội: Giết chết Vũ Như Tô, giết chết lũ cung nữ”[52,117],“Có tiếng ầm ầm như long trời lở đất” [52,123] hay chú thích ngắn gọn về bày trí sân khấu “Chợt có ánh lửa, sáng rực cả tàn than, bụi khói bay vào”[52,124]… Khác với kịch, tiểu thuyết An Tư có những đoạn miêu tả dài bằng ngôn ngữ trần thuật của tác giả để tái hiện khung cảnh hào hùng của trận đánh Chương Dương: “… Ngọn cờ ngả về đằng trước. Trống trận nổi lên, tiếng ca nổi lên, thuyền vun vút như lá tre tiến về phía Chương Dương. Bấy giờ đã mờ mờ sáng ngày mồng mười tháng năm. Tiếng ca của đoàn tráng sĩ vừa dứt; xa xa mập mờ đã thấy bóng thuyền giặc. Mười chiếc thuyền cản trở đi đầu. Một tiếng nổ kinh thiên động địa, tức thì từ thuyền Mông Cổ tiếng đại bác bắn ra như mưa, khói bốc lên mù mịt. Trong nháy mắt, hai thuyền dẫn hoả của Chiêu Minh Vương đã chìm dưới đáy sông. Đạn rào rào lướt qua các mui thuyền, tráng sĩ tối tăm cả mặt mũi…”[52,291]. Một ví dụ khác, nếu như trong kịch Rừng trúc, các nhân vật không hề được miêu tả về ngoại hình thì ở thể loại tiểu thuyết như Bão táp cung đình, tác giả có quyền miêu tả chân dung nhân vật từ ngoại hình đến tính cách. Trong kịch Rừng trúc, từ sự kiện Lý Chiêu Hoàng khi hay tin Thủ Độ xếp đặt cho Trần Cảnh lấy Thuận Thiên thì Nguyễn Đình Thi chỉ được phép cho nhân vật độc thoại hay đối thoại để khắc hoạ những dằn vặt nội tâm của nhân vật. Cũng khai thác sự kiện đó, trong tiểu thuyết Bão táp cung đình, Hoàng Quốc Hải đã thể hiện được thế mạnh của tiểu thuyết qua việc dùng ngôn ngữ tác giả ở ngôi thứ ba để miêu tả sự thay đổi ngoại hình nhân vật Chiêu Thánh sau khi trải qua những dằn vặt nội tâm: “Chiêu Thánh ngồi ủ rũ như một chiếc xác không hồn. Đã tám hôm nay nàng không cho bọn tì nữ trải đầu hoặc trang điểm. Tóc nàng rối bù, xoắn xuýt thành từng ngọn đung đưa như con rắn. Mắt nàng mờ đục, lúc nào cũng ngơ ngác nhìn xoáy vào một điểm vô hình. Chợt khóc chợt cười. Nàng lấy hương xạ đốt lên rồi cắm la liệt khắp xó xỉnh trong nhà.” [16,223].

Người kể chuyện trong tiểu thuyết mặc dù tỏ ra khách quan nhưng nhân vật trung gian này cũng không giấu được thiên hướng chủ quan trong nhìn nhận, đánh giá sự kiện và nhân vật của tác phẩm. Chỉ với những lời thoại, kịch để người đọc, người xem tự đánh giá, nhận xét về sự kiện, nhân vật lịch sử của tác phẩm chứ không giống như tiểu thuyết áp đặt cái nhìn chủ quan của tác giả lên người đọc. Chẳng hạn, ở đoạn tả trận chiến Chương Dương trong tiểu thuyết An Tư mà chúng tôi vừa dẫn ra ở phía trên, mặc dù tác giả chọn điểm nhìn bên ngoài để phản ánh lại khung cảnh chiến trận nhưng người đọc vẫn có thể cảm nhận rõ rệt cảm xúc của chính Nguyễn Huy Tưởng đối với khung cảnh lịch sử mà ông đang tái hiện. Đó là lòng tự hào dân tộc của tác giả trước hào khí Đông A mà các nhân vật lịch sử nhà Trần đã thể hiện qua trận chiến này. So sánh giữa kịch Rừng trúc và tiểu thuyết lịch sử Bão táp cung đình - hai tác phẩm cùng viết về lịch sử nhà Trần, chúng ta có thể thấy rõ tính khách quan của Nguyễn Đình Thi khi tái hiện đúng không khí lịch sử với những sự kiện quan trọng và phản ánh đúng bản chất nhân vật. Thủ Độ là một nhân vật mang tính chân thực lịch sử với đầy đủ những nét cá tính tiêu biểu, vừa là kẻ thoán nghịch, lại vừa là bậc công thần của nhà Trần. Tuy nhiên, trong tiểu thuyết Bão táp cung đình thì cái giọng điệu và ngôn ngữ của người kể chuyện đã phần nào áp đặt lên người đọc một cái nhìn cảm thông mà tác giả Hoàng Quốc Hải cố tình gửi gắm. Nếu như sử sách vẫn coi Trần Thủ Độ là một kẻ bất trung, tàn bạo thì Hoàng Quốc Hải lại muốn trả lại công bằng cho nhân vật lịch sử này khi khẳng định công lao của Thủ Độ đối với nhà Trần và biện giải rằng việc Thủ Độ giành quyền lực về tay nhà Trần trong lúc nhà Lý đang suy đồi tới cực điểm là việc làm xuất phát từ mục đích chính trị muốn trấn an đất nước trong lúc nước nhà loạn lạc.



Nếu như nhân vật trong kịch là nhân vật hành động và chỉ có thể làm nổi bật tính cách bằng hành động thì nhân vật tiểu thuyết lại là “con người nếm trải, tư duy, chịu đau khổ và dằn vặt trong cuộc đời”[17,224]. Cả kịch và tiểu thuyết đều chú trọng xây dựng những cá tính nhân vật nổi bật. Việc miêu tả tính cách nhân vật kịch chỉ bó hẹp trong phạm vi ngôn ngữ hành động của nhân vật nên tác giả kịch thường phải lựa chọn một hoặc một vài đặc điểm tính cách tiêu biểu nhất làm nòng cốt cá tính của nhân vật để khiến nhân vật trở nên nổi bật về tính cách. Có thế lấy ví dụ như nói đến Vũ Như Tô là người đọc thấy ngay tính cách nghệ sĩ khát khao cái Đẹp, còn Đan Thiềm lại là một con người có tấm lòng “đồng bệnh”, yêu cái Tài, cái Đẹp. Khác với kịch, tiểu thuyết miêu tả một cách toàn diện và đa dạng tính cách nhân vật. Trong tiểu thuyết Đêm hội Long Trì, nhân vật Đặng Lân đã được Nguyễn Huy Tưởng khai thác tỉ mỉ, sinh động với vóc dáng và cá tính cụ thể hơn so với nhân vật này trong lịch sử. Với sự sáng tạo của tác giả, nhân vật Đặng Lân trong tiểu thuyết này được tô đậm cá tính, hung ác và có nhiều quyền hành hơn so với nhân vật Đặng Mậu Lân trong lịch sử. Dục vọng, ác độc đã trở thành tính cách nổi bật của hắn. Đặng Lân coi thường kỉ cương xã hội, bất chấp luân thường đạo lý, sống dã man, tàn bạo và dâm loạn. Tiểu thuyết còn có một khả năng vượt trội hơn so với kịch, đó là phân tích diễn biến tâm lý nhân vật qua ngôn ngữ người kể chuyện. Trong kịch Vũ Như Tô, nhân vật Vũ Như Tô xuất hiện ở thời điểm “sóng gió” nhất của số phận, bị cuốn nhanh vào trục xung đột chính của tác phẩm và phải hành động quyết liệt để thực hiện hoài bão của mình. Nội tâm của nhân vật này chỉ được Nguyễn Huy Tưởng cho phép bộc lộ qua đối thoại với các nhân vật khác hoặc thể hiện qua rất ít các đoạn độc thoại ngắn. Trong khi đó, thể loại tiểu thuyết bộc lộ sức mạnh trong việc phân tích diễn biến nội tâm của nhân vật qua sự di chuyển điểm nhìn trần thuật. Chẳng hạn như trong tiểu thuyết Đêm hội Long Trì, những trăn trở đau đớn của nhân vật Trịnh Sâm khi đến thăm cô con gái ốm yếu vừa được quan sát từ điểm nhìn bên ngoài - cảm nhận của Quỳnh Hoa, vừa được thể hiện qua cái nhìn bên trong để cho nhân vật Trịnh Sâm tự nhìn nhận và trách cứ bản thân mình. Tài năng của Nguyễn Huy Tưởng là thâm nhập vào thế giới nội tâm của nhân vật để thể hiện Trịnh Sâm có tính cách phức tạp, vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân, vừa sáng suốt, vừa mù quáng, vừa đáng ghét lại cũng có phần đáng thương. Tiểu thuyết có “cái nhìn cuộc sống từ góc độ đời tư”. Tiểu thuyết lịch sử tái hiện và khám phá những vấn đề mang tính bản chất của lịch sử thông qua sự tái hiện số phận cá nhân. Nếu như mục đích của kịch lịch sử là phản ánh những xung đột đời sống xã hội ở thời đại đã qua thì mục đích của tiểu thuyết là tái hiện bức chân dung đời sống của các nhân vật lịch sử, nhất là đời sống tâm hồn của nhân vật trong tính quá trình và liên tục trước những khúc quanh của lịch sử. Tức là tiểu thuyết lịch sử phải vừa phản ánh được đời sống nội tâm của nhân vật, vừa tái hiện lại được các tình thế và hoàn cảnh lịch sử lớn lao. Trong tiểu thuyết An Tư, Nguyễn Huy Tưởng đã tái hiện được không khí bi tráng của giai đoạn nhà Trần phải cống nạp An Tư và tập trung lực lượng chuẩn bị đánh quân xâm lược qua số phận đau thương mà cao cả của nàng công chúa An Tư. Nguyễn Huy Tưởng đã miêu tả thành công những diễn biến tâm trạng của nàng công chúa An Tư bằng những ưu thế riêng của thể loại tiểu thuyết. Có khi tâm trạng của nàng được miêu tả trực tiếp qua ngôn ngữ độc thoại nội tâm như đoạn khắc hoạ sự đau đớn của An Tư khi người yêu hi sinh “Bây giờ nàng ao ước chàng sống, dù phải đem thân nhơ nhuốc hiến dâng chàng, miễn là chàng được sống. Càng nghĩ càng xót xa, lắm lúc nàng nghiến răng hờn oán, hay đứng lên vùng vằng như muốn phá những ngang trái của hoá công, lắm lúc nàng ngồi bần thần, nghĩ lại hình ảnh người yêu…”[52,304]. Có khi Nguyễn Huy Tưởng lại miêu tả cảnh thiên nhiên để gián tiếp bộc lộ tâm trạng của nhân vật. Tâm trạng ngổn ngang như sóng cuộn lên từng đợt của An Tư khi xuống thuyền vào trại giặc được khắc hoạ gián tiếp qua việc miêu tả bức tranh phong cảnh: “Lòng nàng bỗng chết đi trong giây phút. An Tư xuống ngựa. Trời trêu người lại bày ra một cảnh thiên nhiên rực rỡ. Không trung xanh ngắt điểm những bông mây bạc, biển cả rập rờn, những ngọn sóng màu biêng biếc óng ánh những vẩy vàng... Những màu sắc của cờ quạt phẩm phục trong bầu trời vui như hội, gió mát thổi reo mừng và sóng biển đánh vào bờ nhịp nhàng như một điệp khúc”[52,253-254].

Như vậy, mặc dù kịch lịch sử cũng có thể hư cấu ở một số khía cạnh nhưng tiểu thuyết là mảnh đất lí tưởng để nhà văn hư cấu, đào sâu và khắc hoạ cho nhân vật có một đời sống đầy đặn từ nội tâm đến ngoại hình, từ suy nghĩ đến hành động, từ tên tuổi đến lai lịch. Tiểu thuyết lịch sử có thể phát huy sự sáng tạo hư cấu nhiều hơn về sự kiện, nhân vật. Cũng chính từ đặc trưng không giới hạn về không - thời gian, tiểu thuyết lịch sử có thể tái hiện nhân vật ở nhiều hoàn cảnh khác nhau mà chính sử có ghi chép. Tác giả tiểu thuyết còn có thể hư cấu theo suy đoán nhân vật còn có thể ở những môi trường, hoàn cảnh, thời gian khác nên nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử có thể phát sinh thêm nhiều tính cách, nhiều hành động hơn so với kịch. Chẳng hạn, trong tiểu thuyết Đêm hội Long Trì, với sự sáng tạo và hư cấu thêm về tâm lý nhân vật mà chính sử không nói tới, Nguyễn Huy Tưởng khắc hoạ thành công một Trịnh Sâm “đời thường hơn” qua những đấu tranh nội tâm. Khi nghe Tuyên phi thuyết phục gả bán con gái Quỳnh Hoa cho Đặng Lân, Trịnh Sâm khó xử vì vừa thương con, lại vừa không muốn làm phật ý Thị Huệ. Trong tiểu thuyết, nhân vật lịch sử được tác giả “đời thường hoá” khi soi chiếu dưới nhiều góc độ, dưới những nét tâm lý điển hình. Nếu như ở kịch Rừng trúc, Nguyễn Đình Thi mới chỉ phát hiện ra động cơ chính trị “coi việc nước là trên hết” của nhân vật lịch sử Thủ Độ qua những lời thoại “Việc nước là lớn nhất…”, “nhà vua không lẽ coi cái nhẹ nhõm của riêng mình còn to hơn công việc cả nước hay sao?” thì ở tiểu thuyết Bão táp cung đình, Hoàng Quốc Hải đã dựng nên một chân dung Thủ Độ sống động với những nét tâm trạng tiêu biểu “rất đời thường”, khi thì “trằn trọc mãi không ngủ được” vì tính toán nghiệp lớn cho nhà Trần, khi thì “trống trải cô đơn” vì ít người hiểu được nỗi lòng của ông. Thủ Độ chỉ biết giãi bày tâm sự bằng việc khấn vái giữa trời “Tôi không có tham vọng chiếm đoạt ngôi cao, chỉ xin khuông phò vua nhỏ, cốt hưng vận nước, để phúc cho đời”. [16, 115]

Thời gian trong kịch và tiểu thuyết lịch sử thường được trình bày theo trật tự tuyến tính. Nhưng ở tiểu thuyết, với ngôn ngữ trần thuật, tác giả có thể khéo léo kéo dài hoặc dồn nén thời gian để tạo kịch tính cho cốt truyện. Chẳng hạn như trong tiểu thuyết Đêm hội Long Trì, đêm tân hôn của Quỳnh Hoa với Đặng Lân được miêu tả trong quãng thời gian rất dài để làm nổi bật những bất hạnh của nàng, trong khi quãng thời gian còn lại của Quỳnh Hoa lại chỉ được vắn tắt bằng mấy câu: “đã ngót mấy tháng nay, cậu Trời không xuống phủ. Dân gian đã mừng vì cho rằng lấy quận chúa nên Lân đỡ ngông cuồng”. Ở tiểu thuyết An Tư, thời gian cũng biến đổi linh hoạt theo đời sống tâm lí của nhân vật. Đêm chia tay Trần Thông, An Tư lưu luyến nên thấy thời gian thật ngắn ngủi còn thời gian sống trong trại giặc lại kéo dài lê thê vì thương nhớ. Điểm khác giữa thời gian trong kịch lịch sử và trong tiểu thuyết lịch sử đó là ở kịch, thời gian thường được trình bày theo lối sử biên niên với những dấu mốc chính xác mà tác giả ghi chú ở đầu mỗi hồi như “năm Đinh Dậu thứ sáu (1237)” trong Rừng trúc, “nửa năm sau” trong Vũ Như Tô… còn thời gian trong tiểu thuyết đôi khi thể hiện chất văn xuôi bằng cách xác định thời gian phiếm chỉ, không có dấu mốc rõ ràng như “rét nàng bân”, “trận mưa rào đầu hạ”… Các tiểu thuyết lịch sử Việt Nam hiện đại ở giai đoạn sau như Hồ Quý Ly của Phạm Xuân Khánh có sự cách tân trong việc đảo lộn thời gian và không gian. Chẳng hạn, tác giả đang miêu tả Hội thề Đồng Cổ thì chuyển sang miêu tả Nguyên Trừng, kể lại quá khứ của nhân vật rồi lại quay về hiện tại của nhân vật.

Trên đây là những điểm khác biệt của thể loại tiểu thuyết và kịch khi thể hiện đề tài lịch sử. Sự khác nhau nổi bật đó là tiểu thuyết có dung lượng lớn, không bị giới hạn về không - thời gian, xuất hiện người kể chuyện nên tiểu thuyết có khả năng tái hiện sinh động và bao quát cả một bối cảnh, một thời kì lịch sử rộng lớn với nhiều cuộc đời, nhiều số phận nhân vật. Đặc biệt là với ưu thế có ngôn ngữ trần thuật, tiểu thuyết có thể miêu tả sinh động khung cảnh lịch sử, ngoại hình nhân vật, có thể phân tích thế giới nội tâm của nhân vật trong những khúc quanh của lịch sử. Còn mang đặc trưng của một bộ môn nghệ thuật sân khấu, kịch phải chịu tính giới hạn về không - thời gian, không có ngôn ngữ tác giả nên kịch thường tập trung thể hiện lịch sử bằng những xung đột gay gắt xảy ra ở những khoảnh khắc nhiều biến cố nhất của cuộc đời nhân vật. Ở tiểu thuyết lịch sử, tác giả có điều kiện để phát huy khả năng sáng tạo và hư cấu của mình nhiều hơn so với kịch. Như vậy, việc Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi lựa chọn thể hiện lịch sử ở thể loại kịch hay tiểu thuyết đều xuất phát từ nhận thức của tác giả về đặc trưng riêng của thể loại và ưu thế riêng của từng thể loại đối với giới hạn lịch sử mà nhà văn muốn gửi gắm. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng việc lựa chọn này còn xuất phát từ việc các tác giả sẽ định hướng trước khi đặt bút viết về vấn đề lịch sử mà mình muốn gửi gắm sẽ được hư cấu ở mức độ nào. Nếu chọn lựa một thời kì hay một giai đoạn lịch sử mà tác giả nảy ra nhiều ý tưởng hư cấu trong giới hạn có thể chấp nhận được và phù hợp với sự thực lịch sử thì tiểu thuyết sẽ là sự lựa chọn đầu tiên. Còn ngược lại, ở những vấn đề mà các tác giả xác định cần phải đảm bảo nhiều tính trung thực và sự hư cấu nghệ thuật phải nằm trong một giới hạn chật hẹp thì kịch sẽ là thể loại đáp ứng được những yêu cầu đó. Chúng tôi cho rằng việc các tác giả xác định giới hạn mức độ hư cấu phù hợp với đề tài lịch sử khác nhau trong từng tác phẩm là nguyên nhân có thể lí giải vì sao Nguyễn Huy Tưởng thể nghiệm lịch sử trong cả thể loại kịch và tiểu thuyết còn Nguyễn Đình Thi lại chỉ dùng kịch để thể hiện lịch sử.


Каталог: nonghocbucket -> UploadDocument server07 id114188 190495
UploadDocument server07 id114188 190495 -> ChuyêN ĐỀ ĐIỀu khiển tán sắC
UploadDocument server07 id114188 190495 -> Trong khuôn khổ Hội nghị của fifa năm 1928 được tổ chức tại Amsterdam (Hà Lan), Henry Delaunay đã đưa ra một đề xuất mang tính đột phá đối với lịch sử bóng đá
UploadDocument server07 id114188 190495 -> MỤc lục phần I: MỞ ĐẦU
UploadDocument server07 id114188 190495 -> «Quản trị Tài sản cố định trong Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa»
UploadDocument server07 id114188 190495 -> Khóa luận tốt nghiệp 2010 Mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong thời kì tới 85
UploadDocument server07 id114188 190495 -> ĐỒ Án tốt nghiệp tk nhà MÁY ĐƯỜng hiệN ĐẠi rs
UploadDocument server07 id114188 190495 -> Đề tài: Qúa trình hình thành và phát triển an sinh xã hội ở Việt Nam
UploadDocument server07 id114188 190495 -> Chuyên đề tốt nghiệp Trần Thị Ngọc – lt2 khct L ời cảM ƠN
UploadDocument server07 id114188 190495 -> Địa vị của nhà vua trong nhà nước phong kiến Việt Nam

tải về 0.5 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương