Niềm vui của Tin Mừng


CHƯƠNG BA RAO GIẢNG TIN MỪNG



tải về 0.79 Mb.
trang7/17
Chuyển đổi dữ liệu10.09.2016
Kích0.79 Mb.
#31956
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   17

CHƯƠNG BA

RAO GIẢNG TIN MỪNG


110. Sau khi đã xem xét một số thách thức ngày nay, giờ đây tôi muốn nói đến nhiệm vụ của chúng ta ở mọi thời và mọi nơi, bởi vì “không thể có phúc âm hoá thực sự nếu không rao giảng một cách minh nhiên Đức Giêsu là Chúa”, và nếu không “đặt việc rao giảng Đức Giêsu Kitô lên hàng đầu trong mọi hoạt động loan báo tm”.[77] Khi nhìn nhận các mối quan tâm của các giám mục Châu Á, Đức Gioan Phaolô II đã nói với họ rằng nếu Hội Thánh “muốn hoàn thành vận mệnh Chúa đã quan phòng cho mình, loan báo Tin Mừng như là sự rao giảng hân hoan, kiên nhẫn và tiệm tiến về cái chết và sự phục sinh cứu độ của Đức Giêsu Kitô phải là ưu tiên tuyệt đối của anh em.”[78] Những lời này có giá trị cho tất cả chúng ta.

I. TOÀN THỂ DÂN CHÚA RAO GIẢNG TIN MỪNG


111. Loan báo Tin Mừng là nhiệm vụ của Hội Thánh. Là tác nhân rao giảng Tin Mừng, Hội Thánh không chỉ là một tổ chức có hệ thống và phẩm trật; Hội Thánh trước hết và trên hết là một dân tộc đang trên đường lữ hành tiến về Thiên Chúa. Hội Thánh chắc chắn là một mầu nhiệm ăn rễ sâu trong Ba Ngôi, nhưng Hội Thánh tồn tại một cách cụ thể trong lịch sử như một dân tộc lữ hành và như là những người loan báo Tin Mừng, vượt lên trên mọi hình thức tổ chức, dù điều này cũng cần thiết. Tôi muốn vắn tắt bàn đến cách hiểu này về Hội Thánh mà nền tảng tối hậu là ở sáng kiến tự do và yêu thương của Thiên Chúa.
Một dân tộc cho mọi người

112. Ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta là công trình của lòng từ bi của Người. Không một cố gắng nhân loại nào, dù tốt đến đâu, có thể làm chúng ta xứng đáng được một hồng ân như thế. Bằng ân sủng độc đáo của Người, Thiên Chúa kéo chúng ta lại với Người và làm chúng ta nên một với Người.[79] Người sai Thần Khí Người đến với tâm hồn chúng ta để làm chúng ta trở nên con cái Người, biến đổi chúng ta và giúp chúng ta có thể đáp lại tình thương của Người bằng đời sống chúng ta. Hội Thánh được Đức Kitô Giêsu sai đến như là bí tích cứu độ của Thiên Chúa.[80] Qua hoạt động loan báo Tin Mừng, Hội Thánh hợp tác như một công cụ của ân sủng Thiên Chúa hoạt động không ngừng và không thể dò thấu. Đức Bênêđictô XVI trước khi khai mạc Thượng Hội Đồng: “Điều luôn luôn quan trọng là biết rằng lời đầu tiên, sáng kiến thực sự, hoạt động thực sự đến từ Thiên Chúa và chỉ khi chúng ta đưa mình vào trong sáng kiến của Thiên Chúa, chỉ khi nài xin sáng kiến này, chúng ta mới có thể, với Người và trong Người, trở thành những người loan báo Tin Mừng”.[81] Nguyên tắc địa vị tối thượng của ân sủng này phải là ngọn hải đăng không ngừng soi sáng các suy tư của chúng ta về việc loan báo Tin Mừng.


113. Sự cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện và Hội Thánh vui mừng loan báo là ơn được dành cho hết mọi người.[82] Thiên Chúa đã tìm ra một cách để kết hợp với mọi con người trong mọi thời đại. Người đã quyết định kêu gọi họ trong tư cách một dân tộc chứ không phải từng cá nhân riêng lẻ.[83] Không ai được cứu rỗi một mình hay nhờ cố gắng riêng của mình. Thiên Chúa thu hút chúng ta bằng cách lưu ý tới các mối quan hệ nhân vị đan xen với nhau và phức tạp trong đời sống của một cộng đồng con người. Dân tộc được Chúa chọn và gọi này chính là Hội Thánh. Đức Giêsu không bảo các môn đệ hợp thành một nhóm ưu tú và độc quyền. Ngài nói: “Không có chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, ... vì tất cả anh em chỉ là một trong Ðức Kitô” (Gl 3:28). Với những ai cảm thấy xa cách Thiên Chúa và Hội Thánh, với tất cả những ai sợ hãi hay dửng dưng, tôi muốn nói thế này: với đầy lòng tôn trọng và yêu thương, Chúa cũng đang kêu gọi anh chị em trở thành dân của Người!
114. Là Hội Thánh có nghĩa là dân của Thiên Chúa, theo kế hoạch tình yêu phụ tử vô biên của Người. Nó có nghĩa là chúng ta phải là men của Thiên Chúa giữa loài người. Nó có nghĩa là rao giảng và đem ơn cứu độ của Thiên Chúa vào thế giới, một thế giới thường xuyên đi lạc và cần được khích lệ, cần được trao ban hi vọng và bổ sức trên đường. Hội Thánh phải là một nơi tự do trao ban lòng thương xót, nơi mà mọi người thấy mình được hoan nghênh, được yêu thương và khích lệ để sống đời sống tốt lành của Tin Mừng.
Một dân với nhiều khuôn mặt

115. Dân Thiên Chúa được nhập thể giữa các dân tộc trên thế giới, mỗi dân tộc với nền văn hoá riêng của mình. Khái niệm văn hoá có giá trị cho việc nắm bắt được những biểu hiện khác nhau của đời sống Kitô giáo hiện nay trong dân Thiên Chúa. Nó liên quan tới phong cách sống của một xã hội nhất định, cách thức cụ thể mà các thành viên của xã hội này quan hệ với nhau, với các tạo vật khác và với Thiên Chúa. Hiểu theo cách này, văn hoá bao hàm toàn bộ đời sống của một dân tộc.[84] Mỗi dân tộc trong dòng lịch sử của mình đều phát triển văn hoá của mình với sự độc lập hợp pháp.[85] Sở dĩ như thế là vì con người, “tự bản chất hoàn toàn cần đến đời sống trong xã hội”[86] và luôn luôn tồn tại trong tương quan với xã hội, và tìm được ở xã hội một cách thức cụ thể để liên hệ với thực tại. Con người luôn luôn được đặt trong một nền văn hoá: “bản tính và văn hoá liên hệ mật thiết với nhau”.[87] Ân sủng đòi hỏi văn hoá, và ân huệ của Thiên Chúa được nhập thể trong nền văn hoá của những ai đón nhận ân huệ ấy.


116. Trong hai thiên niên kỷ đầu này của Kitô giáo, vô số dân tộc đã đón nhận ơn đức tin, phát huy nó trong đời sống hằng ngày của mình và truyền lại cho các thế hệ sau bằng ngôn ngữ của nền văn hoá riêng của họ. Mỗi khi một cộng đồng đón nhận sứ điệp cứu độ, Chúa Thánh Thần làm giàu nền văn hoá của cộng đồng ấy bằng quyền năng biến đổi của Tin Mừng. Lịch sử Hội Thánh cho thấy rằng Kitô giáo không chỉ có một cách biểu hiện văn hoá duy nhất, nhưng “trong khi hoàn toàn trung thực với mình, vững vàng trung thành với việc rao giảng Tin Mừng và truyền thống của Hội Thánh, Kitô giáo cũng phản ánh những bộ mặt khác nhau của các nền văn hoá và các dân tộc đã tiếp nhận nó và làm cho nó bén rễ”.[88] Trong sự đa dạng của các dân tộc trải nghiệm ân huệ của Thiên Chúa, mỗi dân theo văn hoá riêng của mình, Hội Thánh diễn tả tính công giáo đích thực của mình và phô bày “vẻ đẹp của khuôn mặt đa dạng của mình”.[89] Nơi các tập tục của một dân tộc đã được phúc âm hoá, Chúa Thánh Thần trang điểm Hội Thánh, chỉ cho Hội Thánh thấy những khía cạnh mới của mặc khải và ban cho Hội Thánh một bộ mặt mới. Qua hội nhập văn hoá, Hội Thánh “dẫn đưa các dân tộc, cùng với văn hoá của họ, vào trong cộng đồng của chính Hội Thánh”,[90] vì “mỗi dẫn tộc cống hiến những giá trị và những hình thức tích cực để làm phong phú cách thức mà Tin Mừng được rao giảng, hiểu và sống”.[91] Bằng cách này, Hội Thánh đón nhận những giá trị của các nền văn hoá khác nhau và trở thành sponsa ornata monilibus suis, ‘cô dâu được trang điểm lộng lẫy’ (xem Is 61:10)”.[92]
117. Khi được hiểu đúng, đa dạng văn hoá không phải là mối đe doạ cho sự hiệp nhất của Hội Thánh. Chúa Thánh Thần, Đấng được Chúa Cha và Chúa Con sai đến, biến đổi lòng trí chúng ta và giúp chúng ta đi vào mối hiệp thông của Chúa Ba Ngôi, ở đó mọi sự tìm được mối duy nhất của chúng. Ngài xây dựng sự hiệp thông và hoà hợp của Dân Chúa. Cũng chính Thánh Thần là sự hoà hợp, cũng như Ngài là mối dây yêu thương giữa Cha và Con.[93] Ngài là Đấng đem đến dồi dào các ân huệ khác nhau, đồng thời tạo ra một sự hiệp nhất không đơn điệu nhưng muôn màu muôn vẻ và mời gọi sự hoà hợp. Loan báo Tin Mừng vui sướng nhìn nhận các kho báu đa dạng này mà Chúa Thánh Thần tuôn đổ trên Hội Thánh. Chúng ta sẽ không công bằng với cái lôgích của nhập thể nếu chúng ta nghĩ về Kitô giáo như là đơn văn hoá và đơn điệu. Tuy đúng là một số nền văn hoá đã được liên kết mật thiết với việc rao giảng Tin Mừng và sự phát triển tư tưởng Kitô giáo, nhưng sứ điệp mặc khải không bị đồng hoá với bất cứ nền văn hoá nào; nội dung của sứ điệp mang tính xuyên văn hoá. Thế nên trong việc loan báo Tin Mừng cho các nền văn hoá mới, hay các nền văn hoá chưa tiếp nhận sứ điệp Kitô giáo, điều cơ bản không phải là áp đặt cùng với Tin Mừng một hình thức văn hoá nhất định, dù nó đẹp hay lâu đời bao nhiêu. Sứ điệp chúng ta rao giảng luôn luôn mang một bộ áo văn hoá nào đó, nhưng trong Hội Thánh chúng ta đôi khi có thể rơi vào tình trạng sùng bái nền văn hoá riêng của mình và vì thế tỏ ra có thái độ cuồng tín hơn là nhiệt tình truyền giáo thực sự.
118. Các Giám Mục vùng Châu Đại Dương đã xin Hội Thánh “phát triển một sự hiểu biết và trình bày chân lý của Chúa Kitô đang hoạt động từ các truyền thống và các nền văn hoá trong vùng” và mời gọi “mọi người truyền giáo hoạt động hoà hợp với các Kitô hữu bản xứ để bảo đảm rằng đức tin và đời sống của Hội Thánh được diễn tả bằng những hình thức hợp pháp và phù hợp với mỗi nền văn hoá”.[94] Chúng ta không thể đòi các dân tộc của mỗi châu lục, khi diễn tả đức tin Kitô giáo của mình, phải bắt chước các cách diễn tả mà các nước Châu Âu đã phát triển vào một thời điểm nhất định trong lịch sử của họ, vì chúng ta không được phép bó gọn đức tin vào trong những giới hạn về sự hiểu biết và cách diễn tả của một nền văn hoá nào.[95] Điều không thể tranh cãi là không một nền văn hoá duy nhất nào có thể diễn tả hết mầu nhiệm ơn cứu chuộc trong Đức Kitô.
Chúng ta tất cả là những môn đệ truyền giáo

119. Nơi tất cả những người đã rửa tội, từ người đầu tiên cho đến người cuối cùng, sức mạnh thánh hoá của Chúa Thánh Thần luôn hoạt động và thúc đẩy chúng ta truyền giáo. Dân Thiên Chúa là dân thánh nhờ sự xức dầu này của Chúa Thánh Thần, làm cho nó không thể sai lầm in credendo, nghĩa là không thể sai lầm trong đức tin, dù nó không thể tìm được những từ ngữ để cắt nghĩa đức tin ấy. Thánh Thần hướng dẫn dân Chúa trong chân lý và dẫn dân Chúa đến ơn cứu độ.[96] Để chia sẻ tình thương nhiệm mầu của mình, Thiên Chúa ban cho toàn thể các tín hữu một bản năng đức tin—sensus fidei—là khả năng giúp họ phân định rõ cái gì thực sự là của Thiên Chúa. Sự hiện diện của Thần Khí ban cho người Kitô hữu một sự đồng bản tính nào đó với các thực tại của Thiên Chúa, và một sự khôn ngoan giúp họ nắm bắt các thực tại ấy bằng trực giác, cả khi họ không có đủ phương tiện cần thiết để diễn tả nó một cách chính xác.


120. Do phép rửa tội, mọi thành viên của Dân Chúa phải trở nên những môn đệ truyền giáo (xem Mt 28:19). Tất cả những ai đã được rửa tội, dù ở vị trí nào trong Giáo Hội hay ở mức độ đào luyện nào về đức tin, cũng đều là những nhà truyền giáo, và sẽ là bất cập nếu chỉ nghĩ đến một kế hoạch truyền giáo được thực hiện bởi những nhà truyền giáo chuyên nghiệp trong khi số các tín hữu khác chỉ là những người thụ hưởng thụ động. Tân phúc âm hoá đòi hỏi sự dấn thân thực sự của từng cá nhân tín hữu. Mọi Kitô hữu được thách thức, ở đây và lúc này, tích cực tham gia vào việc truyền giáo; thực vậy, bất cứ ai đã thực sự trải nghiệm tình thương cứu độ của Thiên Chúa thì không cần nhiều thời gian hay một sự đào tạo lâu để đi rao giảng tình thương ấy. Mọi Kitô hữu đều là người truyền giáo theo mức độ họ đã gặp gỡ tình thương của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô: chúng ta không còn nói mình là những “người môn đệ” và “người truyền giáo”, nhưng đúng hơn, chúng ta luôn luôn là những “người môn đệ truyền giáo”. Nếu điều này chưa thuyết phục, chúng ta hãy nhìn vào những môn đệ đầu tiên, vừa khi bắt gặp cái nhìn của Đức Giêsu, các ông vui vẻ đi loan báo về Ngài: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia!” (Ga 1:41). Người phụ nữ Samaria đã trở thành người truyền giáo ngay sau khi nói chuyện với Đức Giêsu và nhiều người Samaria đã tin Ngài “vì lời chứng của người phụ nữ” (Ga 4:39). Thánh Phaolô cũng vậy, sau khi gặp Đức Giêsu, “lập tức đi rao giảng về Đức Giêsu” (Cv 9:20; xem 22:6-21). Vậy chúng ta còn chờ gì nữa?
121. Đương nhiên chúng ta được kêu gọi trưởng thành trong công việc của người loan báo Tin Mừng. Chúng ta muốn có một sự đào luyện tốt hơn, một tình yêu sâu hơn và một chứng tá Tin Mừng rõ hơn. Theo nghĩa này, chúng ta phải không ngừng để cho người khác loan báo Tin Mừng cho chúng ta. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta phải trì hoãn sứ mạng loan báo Tin Mừng; đúng hơn, mỗi người chúng ta phải tìm ra cách thức để thông truyền Đức Giêsu tại bất cứ nơi nào chúng ta hiện diện. Tất cả chúng ta được kêu gọi làm chứng một cách minh nhiên về tình thương cứu độ của Chúa, Đấng bất chấp những khiếm khuyết của chúng ta, vẫn cho chúng ta đến gần Ngài, cho chúng ta lời và sức mạnh của Ngài, và đem đến ý nghĩa cho đời sống chúng ta. Trong lòng mình, anh chị em biết rằng sống mà không có Ngài thì không được như thế; những gì anh chị em đã nhận ra, những gì đã giúp anh chị em sống và cho anh chị em niềm hi vọng, thì anh chị em cũng phải thông truyền những điều ấy cho người khác. Sự khiếm khuyết của chúng ta không thể là cái cớ để tránh né; trái lại, truyền giáo là một kích thích để chúng ta không ở yên trong tình trạng tầm thường nhưng phải tiếp tục lớn lên. Chứng tá đức tin mà mỗi người Kitô hữu được kêu gọi cống hiến khiến chúng ta có thể nói cùng với Thánh Phaolô: “Không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được đức Kitô Giêsu chiếm đoạt” (Pl 3:12-13).
Sức mạnh truyền giáo của lòng đạo bình dân

122. Cũng thế, chúng ta có thể thấy rằng các dân tộc khác nhau mà Tin Mừng đã được hội nhập vào nền văn hoá của họ cũng là những chủ thể hay tác nhân tập thể tích cực của việc truyền giáo. Lý do là vì mỗi dân tộc là người sáng tạo nền văn hoá của mình và là vai chính của lịch sử của họ. Văn hoá là một thực tại năng động mà một dân tộc không ngừng tái tạo; mỗi thế hệ truyền lại cho thế hệ sau cả một chuỗi các cách tiếp cận các tình huống hiện sinh khác nhau, để cho thế hệ sau tiếp tục định hình lại chúng khi đối diện với những thách thức riêng của mình. Là người có nghĩa là “vừa là con vừa là cha của nền văn hoá của mình”.[97] Một khi Tin Mừng đã được hội nhập vào văn hoá của một dân tộc, trong tiến trình thông truyền văn hoá của họ, họ cũng thông truyền đức tin trong những hình thức luôn luôn mới mẻ; vì vậy hiểu truyền giáo như là hội nhập văn hoá là điều quan trọng. Bằng việc cụ thể hoá ân huệ Chúa ban trong chính cuộc sống mình và phù hợp với tài năng riêng của mình, mỗi thành phần của dân Thiên Chúa làm chứng cho đức tin mình đã lãnh nhận và làm làm giàu cho nó bằng những cách diễn tả mới và có sức thuyết phục. Ta có thể nói rằng “một dân tộc không ngừng tự phúc âm hoá chính mình”.[98] Ở đây ta thấy tầm quan trọng của lòng đạo bình dân, một cách diễn tả đích thực về hoạt động truyền giáo tự phát của Dân Chúa. Đây là một tiến trình đang phát triển liên tục mà Chúa Thánh Thần là tác nhân chính.[99]


123. Lòng đạo bình dân giúp chúng ta thấy rằng đức tin, sau khi được lãnh nhận, sẽ hội nhập vào một nền văn hoá và không ngừng được truyền lại cho các thế hệ sau như thế nào. Từng có thời bị coi thường, lòng đạo bình dân đã được đánh giá cao trở lại trong những thập niên sau Công Đồng. Trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tạo một động lực quyết định trong lãnh vực này. Trong Tông Huấn, Đức Giáo Hoàng nói rằng lòng đạo bình dân “biểu lộ một lòng khao khát Thiên Chúa mà chỉ những kẻ đơn sơ và nghèo khó mới cảm nhận được”[100] và “nó khiến người ta có thể quảng đại và hy sinh đến mức anh hùng khi cần chứng tỏ đức tin”.[101] Gần chúng ta hơn, Đức Bênêđictô khi nói về Châu Mỹ Latinh, đã vạch ra rằng lòng đạo bình dân là “một kho báu của Hội Thánh Công Giáo”, ở đó “chúng ta thấy được tâm hồn của các dân tộc Mỹ Latinh”.[102]
124. Văn Kiện Aparecida mô tả những sự phong phú mà Chúa Thánh Thần tuôn đổ vào lòng đạo bình dân qua sáng kiến tự do của Ngài. Tại châu lục thân yêu ấy, nơi nhiều Kitô hữu bộc lộ đức tin qua lòng đạo bình dân, các giám mục cũng gọi nó là “linh đạo bình dân” hay “khoa thần bí của dân chúng”.[103] Nó đúng là “một linh đạo nhập thể trong văn hoá của những người thấp hèn”.[104] Và nó không thiếu nội dung; đúng hơn, nó khám phá và diễn tả nội dung ấy bằng các biểu tượng hơn là bằng lý luận của ngôn từ, và trong hành vi đức tin, nó nhấn mạnh vào credere in Deum (“tin vào Thiên Chúa”) hơn là credere Deum (“tin Thiên Chúa”).[105] Nó là một cách sống đức tin hợp lệ, một cách cảm nhận mình là thành phần của Hội Thánh và biểu lộ tư cách người truyền giáo”;[106] nó mang theo mình ơn gọi làm người truyền giáo, vượt ra khỏi bản thân mình để lên đường hành hương: “Cùng lên đường tới các đền thánh và tham gia vào các cuộc biểu dương lòng đạo bình dân, đồng thời đem theo con cái và mời gọi người khác cùng đi, việc ấy tự nó là một cử chỉ loan báo Tin Mừng”.[107] Chúng ta đừng bóp nghẹt hay tìm cách kiểm soát sức mạnh truyền giáo này!
125. Để hiểu thực tại này, chúng ta cần tiếp cận nó bằng cái nhìn của người Mục Tử Nhân Hậu, không xét đoán nhưng tìm cách yêu thương. Chỉ với bản tính đồng cảm phát sinh từ tình yêu, chúng ta mới có thể đánh giá cao đời sống hướng thần (theological) hiện tại trong lòng đạo của các dân tộc Kitô giáo, đặc biệt giữa những người nghèo. Tôi nghĩ đến lòng tin kiên vững của các bà mẹ chăm sóc những đứa con bệnh tật của họ, họ là những người rất yêu mến chuỗi mân côi dù có lẽ họ chỉ biết sơ sài những điểm của Kinh Tin Kính; tôi cũng nghĩ đến niềm hi vọng trọn vẹn được đổ vào một cây nến đốt lên trong nhà để cầu xin ơn trợ giúp của Đức Mẹ, hay cái nhìn trìu mến hướng lên tượng Chúa Kitô chịu nạn. Không một ai yêu mến dân thánh của Thiên Chúa mà có thể coi những hành động này chỉ là biểu hiện của một cố gắng thuần tuý phàm trần trong cuộc tìm kiếm Thiên Chúa. Chúng là biểu hiện của một đời sống hướng thần được nuôi dưỡng bởi tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng đã được đổ vào lòng chúng ta (xem Rm 5:5).
126. Lòng đạo bình dân như là kết quả của Tin Mừng hội nhập trong văn hoá, là một sức mạnh phúc âm hoá tích cực mà chúng ta không được coi nhẹ: nếu không, chúng ta sẽ không thể nhận ra tác động của Chúa Thánh Thần. Trái lại, chúng ta được kêu gọi cổ vũ và tăng cường lòng đạo bình dân để đi sâu vào tiến trình không bao giờ kết thúc của hội nhập văn hoá. Các biểu hiện của lòng đạo bình dân dạy chúng ta nhiều điều; với những ai có khả năng đọc được những biểu hiện này, chúng là một locus theologicus (“cơ sở thần học”) mà chúng ta phải chú ý, đặt biệt ở thời điểm chúng ta đang hướng về cuộc tân phúc âm hoá.
Tiếp xúc người với người

127. Ngày nay, khi Hội Thánh tìm kiếm các trải nghiệm về một cuộc canh tân truyền giáo sâu xa, có một loại rao giảng mà mỗi người chúng ta phải coi như một bồn phạn hằng ngày. Nó liên quan tới việc đem Tin Mừng tới những người chúng ta gặp gỡ, dù họ là những người lân cận hay hoàn toàn xa lạ với chúng ta. Đây là việc rao giảng không chính thức diễn ra trong một cuộc trò chuyện, giống như kiểu các thừa sai thường làm khi thăm viếng các gia đình. Là môn đệ có nghĩa là luôn luôn sẵn sàng đem tình thương của Đức Giêsu đến với người khác, và điều này có thể xảy ra một cách bất ngờ và ở bất cứ đâu: trên đường phố, trong một công viên thành phố, khi làm việc, lúc đi đường.


128. Trong kiểu rao giảng này, vốn luôn luôn phải kính trọng và dịu dàng, bước đầu tiên là một cuộc đối thoại cá nhân, khi người kia nói và chia sẻ các niềm vui, hi vọng và quan tâm của họ đối với những người thân, hay vô số các nhu cầu thiết thân nhất. Chỉ sau đó chúng ta mới có thể đưa lời Chúa vào, có thể bằng cách đọc một câu Kinh Thánh hay kể một câu truyện, nhưng luôn luôn để tâm tới sứ điệp cơ bản: tình thương của Thiên Chúa làm người, Đấng hiến mình cho chúng ta, Đấng đang sống và ban cho ta ơn cứu độ và tình bằng hữu của Ngài. Sứ điệp này phải được chia sẻ với thái độ khiêm tốn để cho thấy chúng ta làm chứng trong tư cách của một người luôn luôn muốn học hỏi, vì biết rằng sứ điệp quá phong phú và quá sâu khiến nó luôn luôn vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta. Sứ điệp có thể được trình bày khi thì trực tiếp, khi thì bằng một chứng từ hay điệu bộ cá nhân, hay bằng bất cứ cách nào mà Chúa Thánh Thần có thể soi sáng chúng ta trong tình huống cụ thể ấy. Tuỳ sự thận trọng và hoàn cảnh cho phép, việc gặp gỡ huynh đệ và truyền giáo này có thể kết thúc bằng một kinh nguyện vắn liên quan tới các mối quan tâm mà người đối thoại có thể đã bày tỏ. Bằng cách này họ sẽ cảm nghiệm rằng họ đã được lắng nghe và cảm thông; họ sẽ biết rằng tình huống cụ thể của họ đã được đặt ra trước mặt Thiên Chúa, và tin rằng lời của Thiên Chúa thực sự nói với cuộc đời họ.
129. Tuy nhiên chúng ta không được nghĩ rằng sứ điệp Tin Mừng phải luôn luôn được trình bày bằng những công thức có sẵn mà chúng ta đã học thuộc lòng hay bằng những lời đặc biệt nào diễn tả một nội dung tuyệt đối không thể thay đổi. Việc truyền thông này diễn ra bằng rất nhiều cách thức khác nhau khiến chúng ta không thể mô tả hay liệt kê ra tất cả, và dân Thiên Chúa, với vô số cử chỉ và dấu hiệu, chính là chủ thể tập thể của việc truyền thông này.

Nếu Tin Mừng được hội nhập trong một nền văn hoá, sứ điệp không còn chỉ được truyền đạt từ người sang người. Tại các nước mà Kitô giáo chỉ là một thiểu số, thì cùng với việc khuyến khích mỗi người đã rửa tội rao giảng Tin Mừng, các Giáo Hội địa phương cũng phải tích cực cổ xuý ít là các hình thức sơ đẳng của việc hội nhập văn hoá. Mục tiêu cuối cùng phải là làm sao cho Tin Mừng, như được giảng bằng các phạm trù phù hợp với mỗi nền văn hoá, có thể tạo ra một tổng hợp mới với nền văn hoá cụ thể ấy. Đây luôn luôn là một tiến trình chậm chạp khiến chúng ta có thể rất sợ. Nhưng nếu chúng ta để cho những mối hoài nghi và lo sợ làm nhụt nhuệ khí của mình, thì thay vì tỏ ra sáng tạo, chúng ta sẽ tiếp tục ở yên trong an nhàn và không có tiến bộ gì cả. Trong trường hợp này, chúng ta sẽ không góp phần tích cực vào các tiến trình lịch sử, nhưng trở thành những người bàng quan trong khi Hội Thánh ngày càng trì trệ hơn.


Các đặc sủng phục vụ một sự hiệp thông truyền giáo

130. Chúa Thánh Thần cũng làm phong phú toàn thể Hội Thánh truyền giáo bằng các đặc sủng khác nhau. Các ân huệ này có mục đích canh tân và xây dựng Hội Thánh.[108] Các đặc sủng không phải là một di vật được cất giữ an toàn và được uỷ thác cho một nhóm nhỏ để cất giữ; đúng hơn, chúng là những ân huệ được Chúa Thánh Thần tháp nhập vào thân thể Hội Thánh, được kéo về trung tâm là Đức Kitô và rồi được truyền vào đồng lực truyền giáo. Một dấu hiệu chắc chắn về đặc sủng đích thực là đặc tính giáo hội của nó, khả năng nó kết hợp hài hoà vào đời sống của dân thánh trung thành của Thiên Chúa vì lợi ích của mọi người. Một cái gì thực sự mới mẻ do Chúa Thánh Thần ban cho không cần làm lu mờ các ân huệ và các đường lối thiêng liêng khác để nó được cảm nhận rõ ràng. Một đặc sủng càng được qui hướng nhiều về tâm điểm của Tin Mừng bao nhiêu thì việc thực thi đặc sủng ấy sẽ càng có đặc tính Hội Thánh nhiều hơn. Chính trong sự hiệp thông, cả khi là một sự hiệp thông đau đớn, mà một đặc sủng được coi là chân chính và hiệu quả một cách nhiệm mầu. Trên cơ sở sự đáp lại của mình trước thách thức này, Hội Thánh có thể là một mô hình cho hoà bình thế giới.


131. Những khác biệt giữa các cá nhân và các cộng đồng đôi khi có thể gây ra tình trạng khó chịu, nhưng Chúa Thánh Thần, Đấng là nguồn của sự đa dạng này, có thể đem đến một điều gì tốt lành từ tất cả những khác biệt ấy, và biến nó thành một phương tiện truyền giáo hấp dẫn. Sự khác biệt phải được hoà giải bằng ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần; chỉ mình Ngài có thể khơi dậy sự đa dạng, đa nguyên và phong phú, đồng thời đem lại sự duy nhất. Còn chúng ta, khi muốn sự khác biệt, chúng ta thường trở nên đóng kín, loại trừ và gây chia rẽ; tương tự, khi chúng ta cố gắng tạo sự duy nhất dựa trên các tính toán nhân loại của mình, chúng ta lại đi đến chỗ áp đặt một sự đồng nhất đơn điệu. Tình trạng này không có lợi cho việc truyền giáo của Hội Thánh.
Văn hoá, tư tưởng và giáo dục

132. Rao giảng sứ điệp Tin Mừng cho các nền văn hoá khác nhau cũng bao hàm việc rao giảng Tin Mừng cho các lãnh vực nghề nghiệp, khoa học và học thuật. Đây là một sự gặp gỡ giữa đức tin, lý trí và các khoa học nhằm phát triển các cách tiếp cận và lý luận mới về vấn đề gọi là tính khả tín, một khoa hộ giáo sáng tạo[109] có khả năng khuyến khích mọi người mở lòng ra nhiều hơn với Tin Mừng. Khi một số phạm trù của lý trí và các khoa học được sử dụng cho việc rao giảng sứ điệp, các phạm trù này trở thành những công cụ truyền giáo; nước được biến đổi thành rượu. Bất cứ điều gì được đón nhận thì không chỉ được cứu chuộc, mà còn trở thành một công cụ của Thần Khí để soi sáng và canh tân thế giới.


133. Người truyền giáo tìm cách đến được với từng người, hay Tin Mừng được rao giảng cho các nền văn hoá như một tổng thể, các việc này không đủ. Một khoa thần học—không chỉ thần học mục vụ—trong đối thoại với các khoa học khác và các kinh nghiệm của con người, là yếu tố quan trọng nhất để chúng ta thấy rõ cách nào là tốt nhất để đem sứ điệp Tin Mừng đến với các bối cảnh và các nhóm văn hoá khác nhau.[110] Trong sự dấn thân truyền giáo của mình, Hội Thánh trân trọng và khuyến khích đặc sủng của các nhà thần học và các cố gắng học thuật của họ để thăng tiến cuộc đối thoại với thế giới văn hoá và khoa học. Tôi kêu gọi các nhà thần học thực thi việc phục vụ này như một thành phần của sứ mạng cứu độ của Hội Thánh. Tuy nhiên, khi làm công việc này, họ phải luôn nhớ rằng Hội Thánh và thần học hiện hữu là để loan báo Tin Mừng, và không được bằng lòng với một thứ thần học bàn giấy.
134. Các trường đại học là những môi trường nổi bật để diễn tả mạch lạc và phát triển sự dấn thân truyền giáo này một cách liên ngành và tích hợp. Các trường công giáo, vốn luôn cố gắng kết hợp công việc giáo dục với việc rao giảng Tin Mừng một cách minh nhiên, là một nguồn lực quí giá nhất cho việc phúc âm hoá văn hoá, kể cả trong các quốc gia và các thành phố mà hoàn cảnh thù nghịch ở đó thách thức chúng ta phải có óc sáng tạo nhiều hơn trong việc tìm ra những phương pháp thích hợp.[111]


Каталог: mfiles -> data

tải về 0.79 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương