Niềm vui của Tin Mừng



tải về 0.79 Mb.
trang9/17
Chuyển đổi dữ liệu10.09.2016
Kích0.79 Mb.
#31956
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   17

III. CHUẨN BỊ GIẢNG


145. Chuẩn bị giảng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng đòi chúng ta phải dành một lượng thời gian dài cho việc học hỏi, cầu nguyện, suy tư và óc sáng tạo mục vụ. Với tất cả tấm lòng trìu mến, tôi muốn dừng lại chốc lát để cung cấp một phương pháp chuẩn bị bài giảng. Có thể có người cho những gợi ý này là đương nhiên ai cũng biết, nhưng tôi nghĩ nói về chúng sẽ có ích để nhấn mạnh nhu cầu phải dành thời gian chất lượng cho thừa tác vụ quí giá này. Một số mục tử lý luận rằng một sự chuẩn bị như thế là không khả thi vì khối lượng công việc họ phải làm quá nhiều; tuy nhiên, tôi muốn xin rằng mỗi tuần phải dành một phần thời gian cá nhân và cộng đoàn đủ cho công việc này, dù có phải bớt xén thời gian của các công việc quan trọng khác . Tin Chúa Thánh Thần Đấng hoạt động trong bài giảng không phải là chỉ thụ động nhưng phải chủ động và sáng tạo. Nó đòi chúng ta hiến mình và mọi khả năng của mình để làm công cụ (xem Rm 12:1) cho Chúa sử dụng. Một người giảng thuyết không chuẩn bị thì không “có thần khí”; họ là người bất lương và vô trách nhiệm đối với các ân huệ họ đã nhận.
Kính cẩn đối với sự thật

146. Bước đầu tiên sau khi cầu nguyện với Chúa Thánh Thần là dồn tất cả sự chú ý vào bản văn Kinh Thánh, vì nó phải là cơ sở cho bài giảng của chúng ta. Mỗi khi ta dừng lại và tìm cách hiểu sứ điệp của một bản văn cụ thể là ta đang thực hành “lòng kính trọng sự thật”.[113] Đây là sự khiêm tốn của con tim nhìn nhận rằng lời luôn luôn vượt quá chúng ta, “chúng ta không phải là chủ, người sở hữu, nhưng là người giữ gìn, người loan báo và người phục vụ lời”.[114] Thái độ khiêm nhường và cung kính này được biểu lộ qua việc dành thời gian để học lời một cách hết sức kỹ lưỡng và với một lòng kính sợ thánh thiện để không xuyên tạc lời. Để cắt nghĩa một bản văn Kinh Thánh, chúng ta cần nhẫn nại, gạt sang một bên mọi quan tâm khác, và dành cho nó thời giờ, sự quan tâm và cầm lòng cầm trí. Chúng ta phải gạt sang một bên mọi mối lo cấp bách khác và tạo ra một môi trường thanh thản để tập trung chú ý. Nếu chúng ta chỉ muốn tìm những kết quả chóng vánh, dễ dàng và có ngay lập tức thì đọc bản văn Kinh Thánh là chuyện vô ích. Chuẩn bị giảng đòi hỏi tình yêu. Chúng ta chỉ dành những thời giờ yên tĩnh cho những sự vật và những người mình yêu; và ở đây chúng ta đang nói chuyện với Thiên Chúa mà chúng ta yêu, một Thiên Chúa muốn nói chuyện với chúng ta. Vì tình yêu này, chúng ta có thể dành đủ thời giờ chúng ta cần, như mọi người môn đệ đích thực: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe” (1 S 3:9).


147. Trước hết, chúng ta cần chắc chắn mình hiểu nghĩa của những lời chúng ta đọc. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh một điều có vẻ hiển nhiên, nhưng không luôn luôn được chúng ta lưu ý: bản văn Kinh Thánh mà chúng ta học đã có từ hai hay ba ngàn năm rồi; ngôn ngữ của nó rất khác với ngôn ngữ chúng ta nói ngày nay. Cả khi chúng ta tưởng mình hiểu những từ được dịch sang tiếng của chúng ta, điều đó cũng không có nghĩa là chúng ta đã hiểu đúng những gì mà tác giả thánh muốn nói. Chúng ta thành thạo các công cụ khác nhau do khoa phân tích văn chương cung cấp: chú ý tới các từ lặp đi lặp lại hay nhấn mạnh, nhận ra cấu trúc và chuyển động cụ thể của một bản văn, xem xét vai trò của các nhân vật khác nhau, v.v… Nhưng mục tiêu của chúng ta không phải là hiều từng chi tiết nhỏ bé của một bản văn; mục đích quan trọng nhất của chúng ta là khám phá ra sứ điệp chính của nó, sứ điệp tạo nên cấu trúc và sự thống nhất của bản văn. Nếu người giảng thuyết không cố gắng làm việc này, bài giảng của họ thường sẽ không có sự thống nhất hay trật tự; những điều họ nói sẽ chỉ là một sự chồng chất các ý tưởng rời rạc không thể tạo cảm hứng cho người nghe. Sứ điệp trung tâm là điều mà tác giả chủ yếu muốn thông truyền; nó đòi hỏi phải nhận ra không chỉ các ý tưởng của tác giả nhưng hiệu quả mà tác giả muốn tạo ra. Nếu một bản văn được viết ra để an ủi, ta không được sử dụng nó để sửa sai các lỗi lầm; nếu nó được viết để khuyến dụ, ta không được dùng nó để dạy học thuyết; nếu được viết để dạy về Thiên Chúa, ta không được dùng nó để trình bày các ý kiến thần học khác nhau; nếu được viết để kêu gọi lời ngợi khen hay ra đi truyền giáo, ta đừng dùng nó để bàn về các tin tức mới nhất.
148. Chắc chắn để hiểu đúng ý nghĩa sứ điệp trọng tâm của một bản văn, chúng ta cần liên kết nó với giáo huấn của toàn bộ Kinh Thánh như được Hội Thánh truyền lại. Đây là một nguyên tắc quan trọng của khoa chú giải Kinh Thánh, nó nhìn nhận rằng Chúa Thánh Thần đã linh hứng không chỉ một phần Kinh Thánh, nhưng toàn bộ Kinh Thánh, và trong một số lãnh vực người ta đã phát triển sự hiểu biết về ý muốn của Thiên Chúa dựa trên kinh nghiệm bản thân của họ. Nguyên tắc này cũng ngăn ngừa những cách giải thích sai lạc hay cục bộ có thể mâu thuẫn với các giáo huấn khác của cùng bộ Sách Thánh. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta có thể giảm nhẹ sự nhấn mạnh đặc trưng và cụ thể của một bản văn mà chúng ta phải giảng. Một trong các khuyết điểm của một bài giảng tẻ nhạt và kém hiệu quả chính là nó không có khả năng thông truyền sức mạnh nội tại của bản văn đã được công bố.
Cá nhân hoá lời Chúa

149. Người giảng thuyết “trước hết phải phát triển một sự thân mật sâu xa với Lời Chúa. Hiểu biết các khía cạnh ngôn ngữ hay chú giải chắc chắn là cần nhưng không đủ. Họ cần đến với Lời Chúa bằng một con tim ngoan ngoãn và cầu nguyện, để lời thấm sâu vào các tư tưởng và tình cảm của họ và tạo một cái nhìn mới nơi họ”.[115] Canh tân lòng sốt sắng của chúng ta mỗi ngày và mỗi Chúa Nhật khi chúng ta chuẩn bị bài giảng, xét mình để xem chúng ta có lớn lên trong tình yêu đối với lời chúng ta giảng hay không, đó là những điều có ích cho chúng ta. Chúng ta cũng không được quên rằng “sự thánh thiện của thừa tác viên cao hay thấp có một ảnh hưởng thực sự đối với việc rao giảng lời”.[116] Như Thánh Phaolô nói, “chúng tôi rao giảng, không phải để làm vừa lòng người phàm, mà để làm đẹp lòng Thiên Chúa, Ðấng thử luyện tâm hồn chúng tôi” (1 Tx 2:4). Nếu chúng ta có một ước muốn sống động được là người đầu tiên nghe lời mà mình phải giảng, chắc chắn lời này sẽ được thông truyền cho những người dân trung thành của Chúa, vì “lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Mt 12:34). Các bài đọc ngày Chúa Nhật sẽ vang dội với tất cả sự rạng rỡ của chúng trong tim các tín hữu nếu trước tiên chúng đã vang dội trong tim người mục tử của họ.


150. Đức Giêsu tức giận với những hạng thầy dạy đòi hòi nhiều ở người khác, dạy lời Thiên Chúa mà không để cho lời Thiên Chúa soi sáng mình: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23:4). Thánh Giacôbê tông đồ khuyên: “Thưa anh em, đừng có nhiều người trong anh em ham làm thầy thiên hạ, vì anh em biết rằng chúng ta sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn” (Gc 3:1). Ai muốn giảng thì trước tiên phải để cho lời Thiên Chúa lay động mình một cách sâu xa và thấm nhập vào trong đời sống hằng ngày của mình. Như vậy, giảng chủ yếu là ở hoạt động quá sâu xa và hiệu quả ấy, đó là “thông truyền cho người khác điều mình đã chiêm ngắm”.[117] Vì tất cả các lý do trên, trước khi sửa soạn những ǵ ḿnh sẽ thực sự nói ra khi giảng, chúng ta cần để cho lời thâm nhập chúng ta, cũng là lời sẽ thâm nhập người khác, vì đó là một lời sinh động và sắc bén, như thanh gươm “xuyên thấu chỗ phân cách tâm linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng ngườii” (Dt 4:12). Đây là điều rất quan trọng trong hoạt động mục vụ. Ngày nay cũng vậy, người ta thích nghe những chứng nhân hơn: họ “khát sự chân thực” và “đòi có những người rao giảng Tin Mừng nói cho họ về một vị Thiên Chúa mà mình biết và thân quen, như thể đang nhìn thấy Người”.[118]
151. Không ai đòi chúng ta phải vô tì tích, nhưng chúng ta buộc phải không ngừng lớn lên và muốn lớn lên khi tiến bước trên con đường của Tin Mừng; chúng ta không bao giờ được chùn chân. Điều cơ bản là người giảng thuyết phải tin chắc rằng Thiên Chúa yêu thương họ, rằng Đức Kitô Giêsu đã cứu họ và tình yêu của Ngài luôn luôn có tiếng nói cuối cùng. Gặp gỡ một mối tình đẹp như thế, người giảng thuyết sẽ thường xuyên cảm nhận rằng đời sống họ không tôn vinh Thiên Chúa cho đủ, và họ sẽ thành tâm muốn đáp lại tình yêu khôn lường ấy một cách trọn vẹn hơn. Nhưng nếu họ không dành thời giờ để nghe lời Thiên Chúa với con tim rộng mở, nếu họ không để cho lời đánh động cuộc đời họ, thách thức họ, thúc đẩy họ, và nếu họ không dành thời giờ cầu nguyện bằng lời ấy, thì quả thực họ sẽ là một tiên tri giả, một kẻ lừa đảo, một kẻ huênh hoang trống rỗng. Nhưng bằng cách nhìn nhận sự nghèo hèn của mình và muốn lớn lên trong sự dấn thân của mình, họ sẽ luôn luôn có thẻ phó thác mình cho Đức Kitô và nói lên những lời của Thánh Phêrô: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây” (1 P 3:6). Chúa muốn sử dụng chúng ta như những con người sống động, tự do và sáng tạo, những con người để cho lời Người thâm nhập lòng mình trước tiên rồi truyền sang cho người khác. Sứ điệp của Đức Kitô phải thực sự thâm nhập và chiếm hữu người giảng thuyết, không chỉ phần trí óc nhưng toàn thể hiện hữ của họ. Chúa Thánh Thần, Đấng linh hứng lời, “hôm nay, giống như lúc khởi đầu của Hội Thánh, Người vẫn hoạt động trong mỗi người giảng thuyết biết để mình được Người chiếm hữu và dẫn dắt. Chúa Thánh Thần đặt trên môi người giảng thuyết những lời mà họ không thể tự mình tìm ra”.[119]
Đọc sách thiêng

152. Có một cách đặc biệt để nghe những điều Chúa muốn nói với chúng ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí. Chúng ta gọi đó là lectio divina. Nghĩa là đọc lời Chúa trong một lúc cầu nguyện và để cho lời soi sáng và đổi mới chúng ta. Việc đọc Kinh Thánh trong cầu nguyện này không phải là một cái gì tách biệt với việc học hỏi mà người giảng thuyết thực hiện để nắm bắt được sứ điệp trọng tâm của bản văn; trái lại, nó phải bắt đầu với việc học hỏi ấy rồi tiếp tục phân định xem sứ điệp ấy nói thế nào với đời sống của người ấy. Việc đọc sách thiêng liêng phải bắt đầu với nghĩa chữ của bản văn. Nếu không, chúng ta có thể dễ dàng bắt bản văn nói điều mà chúng ta nghĩ là thuận tiện, ích lợi để xác nhận các quyết định trước đó của chúng ta, hợp với lối suy nghĩ của chúng ta. Rốt cuộc sẽ chẳng khác gì sử dụng một điều thánh thiêng vì lợi ích riêng của chúng ta rồi truyền lại sự lẫn lộn này sang cho dân Chúa. Chúng ta không bao giờ được quên rằng đôi khi “ngay cả Satan cũng tự hoá trang thành một thiên thần ánh sáng” (2 Cr 11:14).


153. Trong sự hiện diện của Thiên Chúa, đang khi hồi tâm đọc bản văn, chúng ta nên hỏi, chẳng hạn: “Chúa ơi, đoạn sách này nói gì với con? Qua bản văn này, Chúa muốn thay đổi điều gì trong đời con? Bản văn có điều gì làm con bối rối? Tại sao con không quan tâm tới điều này? Hoặc có thể hỏi: “Tôi thấy điều gì thú vị trong bản văn này? Cái gì trong thế giới này đánh động tôi? Cái gì lôi cuốn tôi? Tại sao nó lôi cuốn tôi?, các dám dỗ thường xuất hiện khi tôi cố gắng nghe Chúa. Một cám dỗ thường chỉ là tôi cảm thấy bối rối hay khó chịu khiến tôi bỏ đi. Một cám dỗ khác là nghĩ về ý nghĩa của bản văn đối với những người khác, và vì thế tôi tránh áp dụng nó cho đời sống của chính mình. Cũng có thể có cám dỗ khiến tôi tìm cớ để coi nhẹ ý nghĩa hiển nhiên của bản văn. Hoặc chúng ta cũng có thể thắc mắc không biết Chúa có đang đòi hỏi quá nhiều ở chúng ta, đòi hỏi một quyết định mà chúng ta chưa sẵn sàng để thực hiện. Những cám dỗ này khiến nhiều người không còn hứng thú gặp gỡ lời Chúa nữa; nhưng như thế là quên rằng không một ai kiên nhẫn bằng Thiên Chúa Cha chúng ta, không một ai cảm thông và sẵn sàng chờ đợi như Người. Người luôn luôn mời gọi chúng ta tiến tới, nhưng không đòi chúng ta một câu trả lời hoàn chỉnh nếu chúng ta chưa sẵn sàng. Ngài chỉ xin chúng ta thành thật nhìn vào đời sống mình và giãi bày đời mình một cách chân thật với Người, và xin chúng ta sẵn sàng tiếp tục lớn lên, cầu xin Người ban cho điều mà bản thân chúng ta chưa đạt được.
Lắng nghe dân chúng

154. Người giảng thuyết cũng cần để tai nghe dân và tìm xem các tín hữu cần nghe những gì. Người giảng thuyết phải nhìn xem thế giới, nhưng cũng phải nhìn xem người dân. Bằng cách này họ học biết được về “những ước vọng, những nguồn lực và những giới hạn, những cách cầu nguyện, yêu thương, quan niệm về cuộc đời và thế giới, là những cái tạo sự khác biệt giữa một cuộc gặp gỡ này với một cuộc gặp gỡ khác,” trong khi chú ý “tới những con người cụ thể, sử dụng ngôn ngữ của họ, các ký hiệu và biểu tượng của họ, trả lời các câu hỏi họ đặt ra”.[120] Họ phải có khả năng liên kết sứ điệp của bản văn Kinh Thánh với một tình huống nhân loại, với một kinh nghiệm kêu gào ánh sáng của lời Chúa. Sự quan tâm này không có chút gì là mánh lới hay tính toán; nó mang tính chất tôn giáo và mục vụ sâu xa. Cơ bản nó là một “sự nhậy cảm thiêng liên đối với việc đọc sứ điệp của Thiên Chúa qua các biến cố”,[121] và đây là điều có giá trị hơn là chỉ tìm xem có cái gì hay để nói. Cái chúng ta tìm là “Chúa muốn nói gì trong hoàn cảnh cụ thể này hay hoàn cảnh cụ thể kia”.[122] Thế nên chuẩn bị giảng trở thành một việc luyện tập phán đoán theo Tin Mừng, ở đó chúng ta nhận ra—trong ánh sáng của Thần Khí—“một tiếng gọi mà Thiên Chúa cho dội lên trong chính hoàn cảnh lịch sử. Trong hoàn cảnh này, và cũng qua hoàn cảnh này, Thiên Chúa kêu gọi người có lòng tin.”[123]


155. Trong cố gắng này, chúng ta có thể chỉ cần nghĩ đến một kinh nghiệm thông thường nào đó của con người như một cuộc tụ họp vui vẻ, một lúc chán nản, nỗi sợ cô đơn, niềm cảm thông những đau khổ của người khác, sự hoang mang về tương lai, sự lo lắng cho một người thân, v.v…. Nhưng chúng ta cần phát triển một sự nhậy cảm sâu rộng đối với những gì tác động đến đời sống của những người khác. Chúng ta cũng lưu ý không bao giờ nên trả lời những câu hỏi mà không ai hỏi. Cũng không nên nói về những tin tức mới nhất để lôi kéo sự quan tâm của dân chúng; chúng ta đã có các chương trình truyền hình để làm chuyện này rồi. Tuy nhiên, có thể mở đầu bằng một sự kiện hay một câu truyện để lời Chúa có thể vang dội mạnh mẽ trong tiếng gọi hoán cải, thờ phượng, dấn thân cho tình huynh đệ và phục vụ, v.v… Thế nhưng vẫn sẽ luôn luôn có những người thích nghe người giảng thuyết bình luận về các chuyện thời sự trong khi bản thân họ không để mình bị thách thức.
Các nguồn hỗ trợ giảng thuyết

156. Một số người nghĩ mình có thể là người giảng giỏi vì họ biết phải nói cái gì, nhưng họ không chú ý tới việc phải nói thế nào, nghĩa là cụ thể phải cấu tạo một bài giảng như thế nào. Họ phàn nàn khi người ta không nghe hay trân trọng họ, nhưng có lẽ họ không bao giờ chịu khó tìm cách thích hợp để trình bày sứ điệp. Chúng ta nên nhớ rằng “nội dung loan báo Tin Mừng có tầm quan trọng hiển nhiên nhưng không được làm che mờ tầm quan trọng của cách thức và phương tiện loan báo Tin Mừng”.[124] Cũng vậy, quan tâm tới cách chúng ta giảng là một sự quan tâm thiêng liêng sâu xa. Nó bao gồm việc đáp lại tình yêu của Thiên Chúa bằng cách đặt tất cả các năng khiếu và óc sáng tạo của mình vào việc phục vụ sứ mạng Ngài đã trao cho chúng ta; đồng thời, nó chứng tỏ một tình yêu tinh tế và tích cực bằng cách từ chối không cống hiến một sản phẩm có chất lượng tồi. Trong Kinh Thánh, chẳng hạn, chúng ta có thể tìm thấy những lời khuyên về cách chuẩn bị một bài giảng thế nào để có thể đến được với dân một cách hiệu quả nhất: “Hãy nói cho gọn, ít lời, nhiều ý” (Hc 32:8).


157. Chỉ dùng một vài ví dụ, chúng ta hãy nhớ lại một số nguồn trợ giúp thực hành có thể làm bài giảng của chúng ta phong phú và hấp dẫn hơn. Một trong những điều quan trọng nhất là học cách sử dụng hình ảnh khi giảng, cách khêu gợi hình ảnh. Đôi khi các ví dụ được dùng để làm sáng tỏ một điểm nào đó, nhưng các ví dụ này thường chỉ khêu gợi trí khôn; trái lại, các hình ảnh giúp người nghe nhiều hơn trong việc quí chuộng và chấp nhận sứ điệp chúng ta muốn truyền đạt. Một hình ảnh hấp dẫn có thể làm cho người nghe cảm nếm được sứ điệp, đánh thức ước muốn và đánh động ý chí hướng tới Tin Mừng. Một thầy giáo cũ từng nói với tôi, một bài giảng tốt phải có “một ý tưởng, một tình cảm, một hình ảnh.”
158. Đức Phaolô VI nói rằng “các tín hữu... mong đợi nhiều từ bài giảng, và sẽ được rất nhiều lợi ích từ bài giảng, miễn là nó đơn sơ, rõ ràng, trực tiếp và thích hợp”.[125] Đơn sơ là về ngôn ngữ chúng ta sử dụng. Phải là ngôn ngữ người dân có thể hiểu được, bằng không chúng ta như nói vào chỗ không người. Những người giảng thuyết thường sử dụng các từ ngữ họ đã học trong thời kỳ học tập và trong các môi trường chuyên môn không nằm trong ngôn ngữ thông thường của người nghe. Các từ ngữ này thích hợp trong thần học và huấn giáo, nhưng ý nghĩa của nó thì đa số các Kitô hữu không hiểu được. Nguy cơ lớn nhất đối với một người giảng thuyết là họ quá quen với ngôn ngữ riêng của mình khiến họ nghĩ mọi người khác tất nhiên cũng hiểu và sử dụng được nó. Nếu chúng ta muốn thích nghi với ngôn ngữ của dân chúng và đem lời Chúa đến được với họ, chúng ta cần chia sẻ đời sống của họ và có sự quan tâm trìu mến đối với họ. Đơn sơ và rõ ràng là hai chuyện khác nhau. Có thể chúng ta dùng ngôn ngữ đơn sơ nhưng cách giảng của chúng ta không rõ. Rốt cuộc là bài giảng khó hiểu vì nó vô tổ chức, thiếu trình tự lôgích hay cố nói đến quá nhiều điều một lúc. Vì vậy chúng ta cần bảo đảm bài giảng của chúng ta có một chủ đề thống nhất, có trật tự rõ ràng và có sự mạch lạc giữa các câu, để dân có thể dễ dàng theo một cách dễ dàng và nắm được triền lý luận của bài giảng.
159. Tích cực là một đặc trưng nữa của một bài giảng tốt. Bài giảng tốt không quan tâm nhiều tới việc nói ra điều gì không được làm, nhưng gợi ý chúng ta có thể làm gì tốt hơn. Bất luận thế nào, nếu kêu gọi chú ý tới một điều gì tiêu cực, nó cũng phải cố gắng vạch ra một giá trị tích cực và hấp dẫn, nếu không nó sẽ bị mắc kẹt giữa những lời phàn nàn, than vãn, phê bình và trách móc. Giảng tích cực luôn luôn cống hiến hi vọng, vạch ra tương lai, không để chúng ta mắc kẹt trong tiêu cực. Tốt biết bao khi các linh mục, phó tế và giáo dân định kỳ tụ họp lại với nhau để khám phá ra các nguồn hỗ trợ có thể giúp cho việc giảng thuyết hấp dẫn hơn!


Каталог: mfiles -> data

tải về 0.79 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương