Niềm vui của Tin Mừng


III. TỪ TÂM ĐIỂM CỦA TIN MỪNG



tải về 0.79 Mb.
trang4/17
Chuyển đổi dữ liệu10.09.2016
Kích0.79 Mb.
#31956
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17

III. TỪ TÂM ĐIỂM CỦA TIN MỪNG


34. Nếu chúng ta cố gắng đặt tất cả vào trong một nhãn quan truyền giáo, việc này cũng sẽ ảnh hưởng tới cách chúng ta thông truyền sứ điệp. Trong thế giới hôm nay với tốc độ truyền thông tức thời và ảnh hưởng nhiều khi thiên lệch của các phương tiện truyền thông, sứ điệp chúng ta rao giảng có nhiều nguy cơ bị xuyên tạc hay bị giản lược vào những nội dung thứ yếu. Bằng cách này, một số vấn đề cơ bản của giáo huấn luân lý của Hội Thánh bị lấy ra khỏi bối cảnh tạo ý nghĩa cho chúng. Vấn đề lớn nhất là khi sứ điệp chúng ta rao giảng bị đồng hoá với những khía cạnh phụ thuộc, tuy quan trọng, nhưng tự chúng không chuyển đạt được trọng tâm của sứ điệp. Chúng ta phải thực tế và đừng giả thiết rằng người nghe chúng ta hiểu đầy đủ được bối cảnh của điều chúng ta đang nói, hay có khả năng liên kết điều chúng ta giảng với chính tâm điểm của Tin Mừng, cái tạo cho nó ý nghĩa, vẻ đẹp và sự hấp dẫn.
35. Thực hành mục vụ theo phong cách truyền giáo không quá bận tâm với việc thông truyền rời rạc thật nhiều giáo thuyết buộc phải theo. Khi chọn một mục tiêu mục vụ và một phong cách truyền giáo có khả năng thực sự đến được với mọi người mà không có biệt lệ hay loại trừ, sứ điệp phải tập trung vào những gì cốt yếu, những gì đẹp nhất, lớn nhất, lôi cuốn nhất và đồng thời cần thiết nhất. Chúng ta làm cho sứ điệp trở thành đơn giản, nhưng đồng thời không làm mất sự thâm sâu và chân lý của nó, nhờ đó nó càng trở nên mạnh mẽ và có sức thuyết phục.

36. Tất cả các chân lý mặc khải đều bắt nguồn từ Thiên Chúa và phải tin tất cả với cùng một lòng tin, nhưng có một số quan trọng hơn số khác vì trực tiếp diễn tả tâm điểm của Tin Mừng. Trong cái cốt lõi cơ bản này, cái toả sáng chính là vẻ đẹp của tình thương cứu độ của Thiên Chúa được mặc khải nơi Đức Kitô đã chết và sống lại từ cõi chết. Theo nghĩa này, Công Đồng Vaticanô II giải thích, “trong giáo thuyết công giáo, có một thứ tự hay một ‘phẩm trật’ các chân lý, vì chúng khác biệt nhau tuỳ theo tương quan của mỗi chân lý với nền tảng của đức tin Kitô giáo”.[38] Điều này được áp dụng cả cho các tín điều cũng như cho toàn bộ giáo huấn của Hội Thánh, gồm cả các giáo huấn luân lý.


37. Thánh Tôma Aquinô dạy rằng giáo huấn luân lý của Hội Thánh có “phẩm trật” riêng của nó, trong các nhân đức và các hành vi phát xuất từ nhân đức.[39] Điều quan trọng trên hết là “đức tin hoạt động qua đức ái” (Gl 5:6). Các việc bác ái làm cho tha nhân là biểu hiện bên ngoài hoàn hảo nhất của ơn Chúa Thánh Thần bên trong: “Nền tảng của Luật Mới hệ tại ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng được tỏ lộ trong đức tin hoạt động qua đức ái”.[40] Thánh Tôma cắt nghĩa rằng, trong phạm vi các việc làm bên ngoài, lòng thương xót là nhân đức lớn nhất trong mọi nhân đức: “Lòng thương xót tự bản chất là lớn nhất trong mọi nhân đức, vì tất cả các nhân đức khác đều xoay quanh nó, hơn nữa, nó còn bù đắp những khiếm khuyết của các nhân đức khác. Đây là cái đặc thù của nhân đức siêu vời, vì vậy bản tính của Thiên Chúa là có lòng thương xót, nhờ đó quyền năng vô biên của Người được biểu hiện tới mức cao nhất”.[41]
38. Điều quan trọng là rút ra những hệ quả mục vụ của giáo huấn Công Đồng, vốn là một xác tín xa xưa của Hội Thánh. Trước hết, cần nói rằng khi giảng Tin Mừng, phải giữ một mức cân đối thích hợp. Sự cân đối này có thể thấy được qua tần suất các chủ đề được nêu lên và sự nhấn mạnh chúng ta dành cho chúng khi giảng. Ví dụ, nếu trong năm phụng vụ, một cha xứ giảng về đức tiết độ mười lần nhưng chỉ nói về bác ái hay công bình hai hay ba lần, như thế là mất cân đối, nhất là vì nó cho thấy có sự sao lãng các nhân đức lẽ ra phải được nhắc đến nhiều nhất trong bài giảng và giáo lý. Cũng có sự mất cân đối như thế khi ta nói về lề luật nhiều hơn là về ân sủng, về Hội Thánh nhiều hơn là về Đức Kitô, về Giáo Hoàng nhiều hơn là về Lời Chúa.
39. Cũng như sự thống nhất hữu cơ giữa các nhân đức có nghĩa là không một nhân đức nào có thể bị loại trừ khỏi lý tưởng Kitô giáo, thì cũng không được phép chối bỏ một chân lý nào. Không thể làm biến dạng tính toàn vẹn của sứ điệp Tin Mừng. Hơn nữa, mỗi chân lý có thể được hiểu rõ hơn khi ta liên kết nó với cái toàn thể hài hoà của sứ điệp Kitô giáo; theo nghĩa này, mọi chân lý đều quan trọng và làm sáng tỏ lẫn nhau. Khi lời giảng trung thành theo Tin Mừng, tâm điểm của một số chân lý trở nên hiển nhiên và ta sẽ thấy rằng luân lý Kitô giáo không phải là một dạng của chủ nghĩa khắc kỷ, hay thái độ từ bỏ mình, cũng không phải một thứ triết học thực hành, hay một danh mục các tội lỗi. Trên hết, Tin Mừng mời gọi chúng ta đáp lại vị Thiên Chúa của tình thương, Đấng cứu độ chúng ta, nhìn thấy Chúa nơi tha nhân và ra khỏi bản thân mình để tìm lợi ích cho tha nhân. Trong mọi hoàn cảnh, ta không được phép làm lu mờ lời mời gọi này! Tất cả các nhân đức là để giúp cho sự đáp lại tình thương này. Nếu lời mời gọi này không chiếu toả một cách sinh động và hấp dẫn, toà nhà giáo huấn luân lý của Hội Thánh có nguy cơ trở thành một căn nhà bằng giấy, và đây là mối nguy lớn nhất của chúng ta. Trong trường hợp này, điều chúng ta giảng không phải là Tin Mừng, mà là một số điểm về giáo điều hay luân lý dựa trên một số chọn lựa ý thức hệ đặc thù. Sứ điệp sẽ có nguy cơ mất đi sự tươi mát và sẽ không còn là “hương thơm của Tin Mừng”.

IV. TRUYỀN GIÁO HOÀ NHẬP TRONG NHỮNG GIỚI HẠN CỦA CON NGƯỜI


40. Bản thân Hội Thánh là một người môn đệ truyền giáo, cần phải học phát triển việc giải thích lời mặc khải và sự hiểu biết của mình về chân lý. Các nhà chú giải và các nhà thần học có nhiệm vụ giúp “hoàn thiện phán đoán của Hội Thánh”.[42] Các khoa học khác cũng giúp thực thi nhiệm vụ này, mỗi khoa học theo cách riêng của mình. Chẳng hạn khi đề cập đến các khoa học xã hội, Đức Gioan Phaolô II nói Hội Thánh trân trọng các nghiên cứu của các khoa học này, vì chúng giúp Hội Thánh “rút ra những chỉ dẫn cụ thể có ích cho sứ mạng giảng dạy của Hội Thánh”.[43] Bên trong Hội Thánh, vô số vấn đề đang được nghiên cứu và suy tư với rất nhiều sự tự do. Các triền tư tưởng khác nhau trong triết học, thần học và thực hành mục vụ, nếu chấp nhận để Chúa Thánh Thần làm cho hoà hợp trong sự tôn trọng và bác ái, có thể giúp Hội Thánh tăng trưởng, vì tất cả chúng đều giúp diễn tả rõ hơn sự phong phú vô biên của lời Thiên Chúa. Đối với những ai ước ao có một tổng thể học thuyết đồng nhất buộc mọi người phải theo và không có chỗ cho những khác biệt, ước muốn này xem ra không nên và có thể dẫn tới tình trạng hỗn độn. Nhưng trên thực tế, sự khác biệt có thể giúp làm sáng tỏ và phát triển các góc cạnh khác nhau trong sự phong phú vô tận của Tin Mừng.[44]
41. Đồng thời, những thay đổi văn hoá sâu rộng và nhanh chóng hôm nay đòi chúng ta không ngừng tìm kiếm những cách thức diễn tả các chân lý bất biến bằng một ngôn ngữ làm nổi bật sự mới mẻ vững bền của chúng. “Kho ký thác đức tin là một chuyện... cách diễn tả nó lại là chuyện khác”.[45] Có khi người Kitô hữu nghe một ngôn ngữ hoàn toàn chính thống, nhưng lại hiểu về một cái gì xa lạ với Tin Mừng đích thực của Đức Giêsu, bởi vì ngôn ngữ kia khác với cách họ dùng để nói với nhau và hiểu nhau. Với ý hướng thánh thiện muốn thông truyền chân lý về Thiên Chúa và loài người, chúng ta đôi khi [vô tình] cống hiến cho họ một vị thần giả tạo hay một lý tưởng nhân loại không thực sự là Kitô giáo. Cứ thế, chúng ta cố bám vào một công thức trong khi không chuyển đạt được nội dung cơ bản của nó. Đây là mối nguy lớn nhất. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng “chân lý có thể được diễn tả bằng những hình thức khác nhau. Việc đổi mới các cách diễn tả này trở thành cần thiết để thông truyền cho con người ngày nay sứ điệp Tin Mừng trong ý nghĩa không thay đổi của nó”.[46]
42. Tất cả những điều này có tầm quan trọng lớn đối với việc rao giảng Tin Mừng, nếu chúng ta thực sự quan tâm làm cho vẻ đẹp của Tin Mừng được mọi người nhận ra rõ hơn và đón nhận. Đương nhiên chúng ta sẽ không bao giờ có thể làm cho giáo huấn của Hội Thánh được mọi người hiểu một cách dễ dàng và sẵn sàng chấp nhận. Đức tin mãi mãi vẫn là một thứ thập giá; nó luôn luôn hàm chứa một mảng mờ tối bất chấp sự ưng thuận vững vàng. Một số điều chỉ có thể được hiểu và chấp nhận từ cơ sở của sự ưng thuận này, người chị em với đức ái, vượt lên trên các lý do hay lập luận rõ ràng. Chúng ta cần nhớ rằng mọi lời giảng dạy tôn giáo rốt cuộc đều phải được phản chiếu nơi cách sống của người giảng dạy, chính cách sống này đánh thức sự ưng thuận của quả tim bằng sự gần gũi, yêu thương và chứng tá của nó.
43. Trong công cuộc phân định đang diễn ra hôm nay, Hội Thánh cũng có thể nhận ra rằng một số thói quen không trực tiếp liên quan tới cốt lõi của Tin Mừng, kể cả một số có gốc rễ sâu trong lịch sử, nay không còn được hiểu và được chấp nhận đúng như trước. Một số thói quen này có thể đẹp, nhưng không còn là phương tiện hiệu quả để thông truyền Tin Mừng. Chúng ta đừng sợ xét lại chúng. Đồng thời, Hội Thánh có các qui tắc hay giới luật có thể đã từng khá hiệu quả vào thời của chúng, nhưng không còn hữu ích để hướng dẫn và định hình cho đời sống của con người hôm nay. Thánh Tôma Aquinô chỉ ra rằng các giới luật mà Đức Kitô và các tông đồ truyền cho dân thì “rất ít”.[47] Dẫn lời Thánh Augustinô, ngài nhận xét rằng các giới luật mà Hội Thánh thời sau truyền dạy nên được nhấn mạnh một cách vừa phải thôi “để không đè nặng lên đời sống các tín hữu” và biến đạo chúng ta thành một dạng nô lệ, trong khi “lòng thương xót của Thiên Chúa muốn chúng ta phải được tự do”.[48] Lời khuyến cáo này đã được đưa ra từ nhiều thế kỷ, nay vẫn còn hết sức hợp thời. Nó phải là một trong các tiêu chuẩn chúng ta phải lưu ý khi suy nghĩ về một cuộc cải tổ Hội Thánh và việc giảng dạy của Hội Thánh, giúp cho việc giảng dạy này đến được với mọi người.
44. Hơn nữa, các mục tử và giáo dân đang đồng hành với các anh chị em mình trong đức tin hay trong hành trình mở lòng đón nhận Thiên Chúa phải nhớ rằng sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo dạy rất rõ: “Việc quy lỗi và trách nhiệm về một hành động có thể được giảm bớt hay xóa bỏ do thiếu hiểu biết, sơ suất, do áp lực, sợ hãi, do thói quen, do tâm lý bất ổn, do các nhân tố tâm lý hay xã hội”.[49] Do đó, trong khi vẫn không xa rời lý tưởng Tin Mừng, họ cần phải có lòng thương xót và kiên nhẫn để dõi theo và nâng đỡ các giai đoạn tăng trưởng khi chúng tuần tự diễn ra.[50] Tôi muốn nhắc nhớ các linh mục rằng toà giải tội không phải là một buồng tra tấn nhưng là một nơi gặp gỡ lòng từ bi của Chúa, thúc đẩy chúng ta làm hết sức mình. Một bước đi nhỏ giữa những hạn chế to lớn của con người, có thể làm vui lòng Thiên Chúa hơn là một cuộc sống bề ngoài xem ra đúng mực nhưng ngày ngày không phải đối diện với những khó khăn to lớn nào. Mọi người cần được đánh động bởi sự an ủi và hấp dẫn của tình thương cứu độ của Thiên Chúa, đang hoạt động một cách nhiệm mầu trong mỗi người, vượt lên trên các sa ngã và lỗi lầm của họ.
45. Vì vậy ta thấy công việc loan báo Tin Mừng hoạt động trong các giới hạn của ngôn ngữ và hoàn cảnh. Nó không ngừng tìm cách thông truyền sự thật của Tin Mừng một cách hiệu quả hơn trong một bối cảnh nhất định, không từ bỏ sự thật, sự thiện và ánh sáng mà nó có thể đem đến bất cứ nơi nào không thể có sự hoàn thiện. Một con tim truyền giáo ý thức về những giới hạn này và làm cho mình trở nên “yếu với người yếu... mọi sự cho mọi người” (1Cr 9:22). Nó không bao giờ đóng kín mình, không bao giờ lui về nơi an toàn của mình, không bao giờ chọn thái độ cố chấp hay tự vệ. Nó hiểu rằng nó phải gia tăng sự hiểu biết của mình về Tin Mừng và nhận ra các đường lối của Thần Khí, vì vậy nó luôn luôn làm bất cứ điều tốt lành nào có thể, dù trên đường đi, chân nó có thể bị lấm bùn.


Каталог: mfiles -> data

tải về 0.79 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương