Nội dung số này



tải về 1.28 Mb.
trang4/6
Chuyển đổi dữ liệu26.11.2017
Kích1.28 Mb.
#34594
1   2   3   4   5   6

LẠY PHẬT
Khiêm cung năm vóc thân quỳ xuống

Ấp trán hình dung Phật hiện thân

Cảm đức từ bi nhiều kiếp trước

Đôi bàn tay ngửa đón hồng ân.


NGHE TIẾNG CHUÔNG
Chợt nghe rền động phút giây

Thanh âm như tự lòng này ngân nga

Bao nhiêu phiền não tan ra

Khói hương đủng đỉnh kết hoa cát tường.

TỪNG HƠI THỞ
Thầy về sen nở gót chân

Từng hơi thở nhẹ bụi trần lặng thinh

Nắng từng hơi thở thủy tinh

Biển từng hơi thở biếc xanh sóng ngàn

Gió từng hơi thở mênh mang

Mây từng hơi thở dịu dàng bay qua

Cây từng hơi thở trổ hoa

Lá từng hơi thở reo ca xanh ngần…

Nhẹ bàn chân nhẹ bước chân

Lắng nghe hơi thở tự thân ra vào

Lòng như chẳng chút lao xao

An trong chánh niệm trú vào Thiền ca (*)

Nhẹ nhàng hơi thở vào ra

Tấm thân tứ đại đang là hư không.

SINH NHẬT
Nửa đêm trở người thức giấc

Nghiêng vai thêm một tuổi đời

Bốn mươi mấy năm lãng đãng

Ngẫm mình bao cuộc buồn vui

Trót mang trái tim đa cảm

Biết buồn từ thuở thiếu niên

Biết yêu từ ngày thiếu nữ

Đến nay mình vẫn ngoan hiền
Hình hài áo cơm cha mẹ

Trời cho một chút tài hoa

Nổi chìm thân phận nhỏ bé

Góp mặt trong cõi người ta…
Buổi sáng nhận vài tin nhắn

Người thân vầy tiệc buổi trưa

Tối đến bạn bè gặp gỡ

Niềm vui như vậy cũng vừa
Hãy mừng tay vẫn cầm bút

Viết ra chân thật tâm tình

Đã hiểu đời người lắm khúc

Giữ gìn một tấm lòng trinh.






___________________
(*) Thiền ca: Tên một thi phẩm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh


TRỊNH CÔNG SƠN

Bài Ca Dành Cho Những Xác Người”
Mỹ Huyền



LTS.: Tác giả là một nhà thơ nữ trẻ, 26 tuổi, hiện sống tại Canada. Cảm nhận từ một người sinh sau năm 1975 đối với chiến tranh, chết chóc, và đặc biệt là đối với thiên tài Trịnh Công Sơn và những nhạc phẩm của ông, là cảm nhận hết sức trong sáng, rất đáng trân trọng. Dù đã tỏ vẻ khiêm cung khi trang trải cảm xúc và nhận xét của mình, tác giả cũng không giấu được cái tinh tế và bén nhạy trong thẩm mỹ và nghệ thuật, cũng như bẩm chất dị cảm tài hoa, để viết nên một bài tùy bút sâu sắc và đầy xúc động như thế. Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc, và nên nhớ một điều: bạn đang đọc tâm cảm của một người trẻ sinh sau chiến tranh.

Tiếng ca của danh ca Khánh Ly đã theo tôi suốt trên đường về, đi vào cả giấc ngủ đêm đông, rồi đến những ngày sau, kéo dài suốt một tuần. Tiếng hát bay vào cả những bữa ăn, công việc. Tiếng hát bay bổng, vút cao ấy cất lên như một phương tiện để chuyên chở dòng nhạc làm rung động lòng người của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cả ý và lời trong “Bài Ca Dành Cho Những Xác Người” đã ám ảnh tôi, thôi thúc tôi một điều gì không rõ.



Xác người nằm trôi sông

Phơi trên ruộng đồng

Trên nóc nhà thành phố

Trên những đường quanh co

Xác người nằm bơ vơ

Dưới mái hiên chùa

Trong giáo đường thành phố

Trên thềm nhà hoang vu

Mùa Xuân ơi xác nuôi thơm cho đất ruộng cày

Việt Nam ơi xác thêm hơi cho đất ngày mai

Đường đi tới dù chông gai

Thì quanh đây đã có người

Xác người nằm quanh đây

Trong mưa lạnh này

Bên xác người già yếu

Có xác còn thơ ngây

Xác nào là em tôi

Dưới hố hầm này

Trong những vùng lửa cháy

Bên những vồng ngô khoai.

(Bài ca dành cho những xác người - Trịnh Công Sơn)

Tôi biết Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ (xin viết tắt là TCS). Nhưng sau khi biết nhiều hơn về các tác phẩm của ông, tôi thích gọi ông là một nhà thơ. Cả hai đều không sai. Đối với riêng tôi, tôi nghĩ rằng nhạc của ông có thể dễ dàng đến với mọi người, dù người đó hát hay, hay hát không hay. Nếu ai có chất giọng tốt sẵn có thì quả thật tuyệt vời khi hát nhạc của ông. Còn nếu ai kém may mắn nên hát dở (như tôi chẳng hạn), thì cũng có thể hát nhạc của ông như đọc một bài thơ hay. Bằng cách đó, tôi đã thưởng thức bài “Bài Ca Dành Cho Những Xác Người” của TCS một cách tự nhiên, thoải mái bằng cách đọc đi đọc lại lời thơ ấy, trong khi tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly như vẫn còn trầm bổng, bay lượn đâu đây. Tiếng hát ấy như bay ngược về quá khứ, gọi thời gian của bốn mươi năm quay về.

Một thảm cảnh mà tôi chưa hề kinh qua, sao lại rõ ràng trong tâm thức. Xác người nằm rải rác khắp thơ ông là đối tượng. Chữ “tôi” duy nhất mà tác giả dùng ở cuối bài là chủ thể. Chủ thể chỉ có một mà sao đối tựợng lại quá nhiều, bao trùm cả thời gian và không gian.

Tác giả không thấy gì khác hơn ngoài những xác người chết. Có phải ông muốn ngụ ý rằng số người nằm xuống là biểu hiện của niềm đau đến từ cái chết, bao trùm thành phố, lên con người, đang phủ đầy khắp không gian: từ con sông, ruộng đồng, nóc nhà, con đường, thềm nhà, đến cả những nơi thanh tịnh như mái hiên chùa, giáo đường. Đó không phải là những hình ảnh, tiêu biểu, đặc trưng của đất nước Việt Nam sao? Không gian mà TCS đề cập đến là thứ không gian ba chiều: bên trên, bên trong, và bên dưới.

Xác người nằm trôi sông

Phơi trên ruộng đồng

Trên nóc nhà thành phố

Trên những đường quanh co
Xác người nằm bơ vơ

Dưới mái hiên chùa

Trong giáo đường thành phố

Trên thềm nhà hoang vu

....


Xác nào là em tôi

Dưới hố hầm này

.....


Những xác chết ấy là ai? Ngoài những xác của những anh hùng, chiến sĩ, thanh niên mà tác giả không hề nhắc đến trong ca khúc - mà tôi phải ngầm hiểu họ nằm đó như một điều tất yếu hiển nhiên – còn có những cái xác của người già, bé thơ.

Bên xác người già yếu

Có xác còn thơ ngây

Họ là hai thành phần vô tội điển hình. Ở cái tuổi mà họ không còn đủ sức hoặc chưa đủ tuổi để ra chiến trường, vậy mà cũng trở thành những cái xác không hồn trong mưa lạnh. Thật xót xa! Thật tội tình!



Xác người nằm quanh đây

Trong mưa lạnh này

Bao thảm cảnh, tiêu điều, tang tóc ấy quyện dưới cơn mưa, hay như những giọt lệ trời nhỏ xuống, những mong xóa được nỗi đau mất mát thấu tận trời cao. Hay ít ra cũng làm nguôi đi cái nóng do đạn bom gây ra. Nhưng cơn mưa ấy đã trở nên “lạnh”! Mưa lạnh không phải do tiết trời, mà lòng người trở nên nguội lạnh khi trước mắt là một biển thi thể bất động, vô cảm, vô tri. Có bãi tha ma nào mà không mang không khí lạnh lẽo đâu!

Tôi không biết TCS đứng nơi đâu, hay bằng cách nào mà ông có thể nhìn bao quát thảm cảnh của đất nước lúc ấy. Ban đầu tôi vội vàng tự vấn như vậy. Khi đọc thơ ông thêm vài lần, tôi tưởng tượng ra cảnh một người đang ngơ ngác, hốt hoảng, kinh hoàng chạy khắp càn khôn sau trận chiến. Không phải chạy trốn cái chết, mà là chạy để tìm kiếm người thân. Chạy đến đâu cũng gặp xác người. Từ những người bị giết lẻ tẻ nằm bơ vơ, đến cả những thềm nhà vốn dĩ phải có người ở cũng trở thành hoang vu.

Xác người nằm bơ vơ

Dưới mái hiên chùa

Trong giáo đường thành phố

Trên thềm nhà hoang vu.

Cho đến khi chạy đến một nấm mồ tập thể mà TCS gọi là hố hầm, đã phải thốt lên:



Xác nào là em tôi

Dưới hố hầm này?

Câu hỏi được thốt lên, hay chỉ rên rỉ thì thào vì không còn hơi sức nữa, nghe có vẻ đơn giản nhưng là một mũi kim đâm vào trái tim khiến tôi thật xúc động, đau lòng. Trong câu hỏi ấy chất chứa tất cả nỗi tuyệt vọng khi bắt đầu cảm nhận được nỗi đau của sự mất mát, chia lìa. Người còn sống không còn nhận ra được người thân đâu nữa. Vì thi thể nằm dưới hố hầm kia quá nhiều, quá đông, quá ngổn ngang. Cũng vì những xác ấy không còn nguyên vẹn hình hài nữa bởi sức hủy hoại của đạn bom, của những tháng ngày dài phơi xác dưới nắng dưới mưa.

Trong suốt chiều dài của bài ca, tôi chẳng nghe đâu là tiếng súng bắn tỉa, tiếng bom nổ, pháo kích, hay tiếng trực thăng quầng trên không trung. Cũng chẳng nghe một âm thanh nào của sự náo loạn, ngay cả tiếng reo hò của quân thắng trận mà tôi thường biết trong một cuộc chiến tranh qua các video clip. Tất cả thay thế bằng những thi thể bất động, nên chẳng âm thanh. Có chăng thứ âm thanh mà tôi cảm nghe được chỉ là tiếng kêu gào, than khóc, rên la phát ra từ cả người sống và kẻ chết.

Vậy thì nguyên nhân nào đã gây ra thảm cảnh lịch sử ấy? Khi đọc đến câu cuối cùng, tôi mới hiểu.



Trong những vùng lửa cháy

Bên những vồng ngô khoai.

Lửa! Biết bao tang thương, hoang tàn, đổ nát, mất mát, chia ly đều chỉ do duy nhất từ lửa mà ra. Tôi bỏ qua ngọn lửa hữu hình để hiểu về lửa vô hình vô tướng ẩn tàng bên trong con người. Cái mà tác giả gọi là lửa kia là lửa của lòng sân hận, si mê, ganh tỵ, tư thù, hiếu chiến. Lửa của lòng háo thắng, không thỏa mãn khi nhìn kẻ khác an vui, chiến thắng, hơn mình. Đó là cả một vòng quay oan khiên của lòng người, của cuộc đời, là nguyên nhân gây ra tất cả mọi sự khổ đau.

Nỗi đau ấy sao không xảy ra vào lúc nào khác mà lại xảy ra vào mùa Xuân? Tết là mùa của sự đoàn viên, sum họp, vui vầy của người thân gia đình, dòng họ, dân tộc, của cả nuớc. Mùa Tết là mùa của sự yêu thương, gắn bó, hi vọng và hạnh phúc. Mùa Tết là mùa của sự khởi đầu. Vậy mà sự chết chóc, khổ đau, ly tán, oán thù lại kéo đến bất ngờ, cướp đi tất cả những điều thiêng liêng ấy. Để rồi tác giả thay mặt mọi người dân Việt Nam đau khổ kêu lên:



Mùa Xuân ơi xác nuôi thơm cho đất ruộng cày

Việt Nam ơi xác thêm hơi cho đất ngày mai

Tôi không biết phải nên gọi tiếng kêu ấy là gì. Là tiếng than trời trách đất , oán hờn kẻ thù gây nên nỗi đau thương? Không, đó chỉ là tiếng khóc tức tưởi, là tiếng rên la tuyệt vọng, là tiếng kêu gào một cách xót xa tội tình. Tiếng kêu ấy cũng thật bình tĩnh chấp nhận sự thật. Không còn muốn phân biệt đâu là người thân, hay người sơ nữa, mà tất cả cùng chung một giống nòi Việt Nam. Để cuối cùng nhìn nhận những thi thể kia sẽ là một phần rất gắn bó, hòa quyện, tan loãng và thẩm thấu cả thịt, máu, xương vào mảnh đất thương yêu. Để khẳng định những linh hồn ấy là nguồn động lực, an ủi, khuyến khích, phấn đấu trên bước đường đi tới.



Đường đi tới dù chông gai

Thì quanh đây đã có người

Tôi không biết chính xác thời gian ra đời của ca khúc, nhưng nghe đâu được TCS sáng tác đã gần 40 năm. Đó là một bức tranh sống dẫu trong ca khúc người ta chỉ thấy toàn những xác người chết. Bức tranh được TCS vẽ lên bằng những lời thơ gợi hình, gợi cảnh từ những cái xác bất động nhưng không hề vô cảm; bằng những dòng nhạc tựa như lời chia sẻ xót thương; đã hợp tấu thành những âm thanh từ tiếng kêu gào hay rên rỉ của người còn sống, cả âm thanh phát ra từ những linh hồn. Âm thanh từ sự im lặng. Một bức tranh quê hương trong thời chiến không có màu của khói lửa đạn bom. Không có màu xanh êm ả của ruộng lúa, hay màu xanh thanh bình của trời cao; không có màu vàng bình yên của nắng ấm; không có màu đỏ của lòng nhiệt huyết từ mặt trời. Một bức tranh chỉ có duy nhất một màu tang chết chóc.

Tôi không rành về âm nhạc, không rành về những nốt cơ bản, không phân biệt được nốt nào trầm nốt nào bổng, nốt nào du dương, nốt nào thánh thót... nên tôi không nói về âm hưởng phát ra từ cung bậc của cây đàn, tiếng sáo. Nhưng tôi có thể nghe được tiếng khóc than, kêu gào hoặc chỉ rên rỉ của những người còn sống bất lực gọi tên người thân đã nằm xuống một cách tức tưởi bằng những dòng lệ không ngừng tuôn chảy. Lệ chảy để làm đầy lại những dòng sông đã cạn vì ngập xác người.

Ngoài bài ca này, TCS còn có một bài ca khác, cũng nói về thảm cảnh chết chóc trong chiến tranh, đó là bài “Hát Trên Những Xác Người.”

Hai bài ca, hai tiết điệu và âm hưởng khác nhau nhưng cùng một nỗi đau thống thiết trước những xác chết trong chiến tranh. Nhưng suy cho cùng cũng chẳng sai khác.

Thiết nghĩ, nhạc của TCS qua tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly đã không chỉ dành cho những người đã nằm xuống, trở thành cái xác bơ vơ, linh hồn vất vưởng đâu đó ngay trên miền đất quê hương; mà còn nói lên sự đồng cảm đối với những người còn đang sống. Những người sống lúc bấy giờ cũng chính là những xác người. Nỗi đau riêng cùng nỗi đau chung đến cùng lúc trong tâm hồn, tàn phá thể xác. Xác thân ấy còn sống nhưng rã rời, mềm nhũn. Họ quá đau đớn khi đang mang niềm đau mất mát-mất cả người thân, gia đình, đồng bào, trong tang tóc, thảm cảnh của phân chia. Họ còn sống, còn hơi thở, còn cảm nhận được niềm đau, còn than khóc, kêu gào, còn chảy được nước mắt... Nhưng họ có khác chi những cái xác không hồn kia. Họ đang đau khổ, lạy lục, than thở, rên rỉ gọi tên chồng, tên con, anh em bên nấm mồ tập thể, hoặc cạnh những nấm mồ chôn vội, bên bàn thờ lộ thiên, không một bức ảnh thờ cho kẻ quá cố. Không một nén hương. Hay họ không cần một nén hương nào bởi nếu có cũng bị khói lửa của đạn bom lấn lướt, ngập tràn, phủ đầy cả thôn xóm, cả góc trời. Tuy vậy sao tôi vẫn cứ thấy quanh đâu đó làn khói xám trắng nhẹ bay ra từ những vành khăn tang quấn vội trên đầu (hay đó là những linh hồn đang lìa khỏi xác bơ vơ, bắt đầu cho linh hồn vất vưởng).

Bài ca với lời thật ngắn nhưng được viết nên từ cái nhìn mênh mông bao la từ không gian của thảm kịch lịch sử. Tôi ngầm hiểu được chiều sâu vượt cả ý và lời mà TCS đã gửi gấm trong nhạc phẩm của ông. Trước hết giúp tôi hiểu phần nào hậu quả của biến cố năm Tết Mậu Thân năm 1968, qua tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly, qua bức tranh mà TCS đã vẽ, qua nhận thức của riêng tôi. Để rồi từ đó khởi lên lòng từ bi nhân ái. Để trân quý cuộc sống tự do hiện tại. Để sống tốt, trải rộng lòng mình với chúng sanh, trải tình thương yêu thông cảm. Để không gây đau khổ cho bất cứ ai.

Tôi đang ngạc nhiên và tự cười mình. Tôi có phải sành về âm nhạc đâu, và hiển nhiên tôi cũng không phải là nhà bình thơ. Cũng chẳng phải là người cảm nhận sâu sắc về một tác phẩm văn chương hay tác phẩm âm nhạc nào. Có những bài hát của TCS, dù rất muốn thuộc làu nhưng với trí nhớ kém như tôi, tôi chỉ thuộc vài câu, không trọn vẹn (ngoại trừ một vài bài đặc biệt chỉ cần nghe qua một lần đã thuộc). Bất cứ khi nào nghe nhạc ông, tôi cứ ư ử theo điệu nhạc, có khi hát thành tiếng nho nhỏ đủ một mình tôi nghe... Rồi cuối cùng tôi mặc kệ những tự cảm ấy; mặc kệ những điều ít ỏi tôi biết về cuộc đời ông; mặc kệ những kiến thức hạn hẹp về văn chương, thơ ca và âm nhạc; mặc kệ những nhận xét nông cạn và chủ quan của mình; tôi cứ viết, vì trong phút giây tĩnh mịch một mình nơi thư phòng, tôi nghĩ rằng tôi phải viết. Tôi chỉ biết là tôi đang cảm và viết về một nhạc phẩm đã làm tôi vô cùng cảm động của một nhạc sĩ tài ba mà tôi từng mến mộ và rât yêu thích rừng thơ, rừng nhạc của ông.

Sau 6 năm kể từ ngày TCS mất, không biết có muộn màng hay không khi đêm nay tôi sẽ dành riêng cho ông một lời cầu nguyện trong buổi cầu nguyện hàng đêm trước khi đi vào giấc ngủ: nguyện cầu cho linh hồn ông sớm tiêu diêu nơi miền cực lạc, miền có mặt của an vui, miền của hạnh phúc.
Đêm thắp nến bỗng hiện rõ ràng như in khi tôi vừa khép mắt.

Khi ngọn nến được mồi lên, khối sáp cứng bắt đầu mềm và tan chảy. Ngọn nến nhỏ màu trắng trong tay khiêm nhường tỏa ánh sáng nhẹ nhàng, lung linh. Tôi không nhìn xung quanh nhưng vẫn cảm nhận được cả hội trường đang lấp lánh hàng trăm ngọn nến ấm áp giữa đêm đông. Tôi chăm chú nhìn vào ngọn nến trên tay mình. Có khi nhắm mắt lắng nghe và nhẩm theo lời cầu nguyện của Thầy. Rồi tôi lại mở mắt, ngọn nến vàng vọt vẫn lung lay, cháy sáng. Khối sáp đã loang chảy thành vòng tròn rộng hơn dưới trung tâm của tim đèn, phản chiếu ánh sáng từ ngọn lửa nhỏ. Lòng chợt rưng rưng như ngọn nến nhẹ lay theo hơi thở mềm.

Không dưng tôi lại nghĩ rằng khối sáp kia không phải chảy ra từ sức nóng của ngọn lửa mà chúng chảy ra do hơi ấm của tình người. Khi con người biết nghĩ về nhau, biết thương yêu nhau, biết chia sẻ nỗi đau của người khác thì chắc chắn ngọn lửa của từ bi bác ái sẽ được thắp lên, cháy sáng, soi đường và làm tan chảy bất cứ tảng băng lạnh lùng nào.

Sáp nến tan chảy như thay cho những gịot lệ xót thương.

Sau nhiều lần ngần ngại, tôi thổi cho ngọn nến tắt đi bằng một cái thở ra thật nhẹ. Lửa tắt. Một sợi khói mỏng bay ra từ tim đèn đã trở thành màu đen. Mùi khen khét. Hơi ấm vẫn còn. Rồi dần nguội. Tôi thấy sáp bắt đầu đông khô lại, cứng cáp như ban đầu, nhưng hình dạng nguyên thủy không còn nữa. Ngọn nến được thu gom và cất giữ lại. Tôi nghĩ, rồi ngọn nến sẽ lại được sẵn sàng thắp lên bất cứ lúc nào một khi đã một lần được cháy. Ngọn nến giúp tôi xác định điều mà tôi từng biết. Ngọn nến được thắp lên rồi tắt đi đều do nhu cầu khi nhân duyên đã đủ. Ngọn nến tuy nhỏ nhưng không chỉ là thứ ánh sáng soi đường dẫn lối cho những vong linh tìm về nơi an trú, giúp họ cảm thấy bớt bơ vơ lạc lõng quạnh hiu giữa hận thù, mà còn sưởi ấm vết thương lòng cho những chứng nhân lịch sử năm nào đã hiện diện trong đêm thắp nến tưởng niệm và nguyện cầu ấy.

Tôi thấy mình thật giống ngọn nến trong đêm ấy. Có lúc cứng cỏi, nhưng cũng rất dễ dàng bị tan chảy ra. Ngọn nến chịu tan chảy ra để mang đến cho đời một khoảng sáng, một hơi ấm giữa cuộc đời dày đặc bóng đen vô minh và sự lạnh lùng.

Sau 40 năm dài đăng đẳng mà tưởng chừng như mới hôm qua, người ta nhìn về niềm đau âm ỉ. Không phải để hận thù hay khơi lại tội lỗi của cuộc chiến sai lầm năm xưa, mà chỉ để tưởng nhớ, hoài niệm, xót thương, cảm thông, tri ân những người đã nằm xuống , bỏ thân xác trên quê hương còn nhiều thống khổ của hận thù, của chiến tranh. Để cùng nhau để tang chung, cùng nhau góp lời nguyện cầu cho các vong linh siêu sinh về nơi an lạc.

Và đêm ấy, như bao người, tôi cũng đã trân trọng ngọn nến trong hai tay. Đã có lúc tôi nhìn về quá khứ của mình. Chắc có một số người biết rõ về tôi sẽ ngạc nhiên lắm về điều này. Bởi tôi có quá khứ gì đau thương đâu mà phải nhìn lại, phải tưởng nhớ. Rồi buộc tôi phải suy tư đi tìm một câu trả lời không tưởng. Tôi cũng chẳng hiểu vì đâu. Chỉ biết trong một sát na nào đó trong đêm nay khi nhớ về đêm thắp nến, đã có những dao động thật mạnh khiến tôi nghĩ nhiều về bản thân mình trong ngàn kiếp xa xưa, hay gần nhất là 40 năm trước.

Vào khoảng thời gian giữa cơn đau máu lửa ấy, tôi là ai? Tôi là cái gi? Tôi là thứ gì? Tôi đã ở đâu? Tôi đã làm gì?

Tôi từng ở đâu trong mười cảnh giới (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, tu la, nhân loại, thiên đạo, thanh văn, duyên giác, bồ tát, Phật Đà).

Tôi từng là con ong, cái kiến, con trùng, con dế? Tôi từng là hạt cát, hòn sỏi, chiếc lá, bọt biển?

Hay đã may mắn hơn từng là hữu thân như một con người?

Và nếu quả thật là như vậy, thì biết đâu tôi từng là một trong hàng ngàn vong linh vất vưởng trong biến cố năm xưa, hội đủ cơ duyên lắng nghe lời cầu nguyện của một ai đó hay của một tập thể người có tình thương xót sâu xa vẫn nhớ nghĩ về người đã khuất. Và kết hợp với phước đức tu tập được tích lũy từ vô số a tăng kỳ kiếp, tôi đã siêu thoát và tái sinh trở lại thành người như hôm nay.

Sau một thoáng tự hỏi mình là ai trong quá khứ, tôi nhận ra rằng giây phút hiện tại thật đáng quý biết bao. Được tái sinh làm người là hy hữu. Tôi xin dùng tâm thức ẩn náu bên trong xác thân tứ đại giả hợp này mà nguyện cho trên đời này không còn sự hiện hữu của lòng tham sân si để mọi chúng sinh luôn được sống trong hòa bình, tự do, an lạc và hạnh phúc.

Mùa Xuân đang về, niềm vui riêng không thể xóa được nỗi đau chung quá lớn của Xuân xưa. Thế nên, cho dù có một đêm, ngàn đêm, hay không có đêm thắp nến nào thì niềm đau ấy vẫn cứ âm ỉ, hằn sâu, nguyên vẹn, và lặng lẽ nằm trong tận cùng tâm khảm, vẫn nghẹn ngào tràn dâng thành những giọt nước mắt mỗi độ Xuân về. Xin chắp tay nguyện cho những giọt nước mắt ấy sẽ biến thành những giọt cam lồ mầu nhiệm tươi mát đồng loạt nhỏ xuống và chữa lành từng vết thương kia.

Dẫu sao đó cũng chỉ là một biến cố lịch sử không thể nào đổi thay. Duy chỉ có thời gian là bình thản trôi. Đã 40 năm lặng lẽ trôi qua. Tôi không hề có ý định gì cho một bài viết nhỏ mang nhiều cảm xúc riêng tư, nên khó tránh cái nhìn chủ quan. Cũng không có một hướng nghĩ lệch thiên về một chế độ nào. Chỉ mong những dòng thô thiển này của kẻ được sinh ra và lớn lên trong thời không còn chiến tranh, có thể chia sẻ chút niềm đau với những ai cùng là con người Việt Nam, nhất là những chứng nhân lịch sử nay tóc đã ngả hai màu, có vị tóc đã bạc phơ, đã phải gửi gấm tuổi xuân và sức khoẻ của mình nơi chốn tha hương, trong khi vẫn canh cánh trong lòng vận mệnh của quê hương xa vợi.


Viết nhân Đêm thắp nến tưởng niệm và nguyện cầu cho nạn nhân biến cố Mậu Thân 1968 tổ chức tại chùa Pháp Vân, Canada. 9:30pm, 13-01-2008





thơ YÊN CHI


1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương