Nội dung số này


Chuyển ngữ: H.T. Thích Trí Chơn



tải về 1.28 Mb.
trang3/6
Chuyển đổi dữ liệu26.11.2017
Kích1.28 Mb.
#34594
1   2   3   4   5   6

Chuyển ngữ: H.T. Thích Trí Chơn





Sự tức giận và hận thù là hai ác tính độc hại nhất đối với người thực hành Tâm Bồ Đề. Chư vị Bồ Tát không bao giờ sanh tâm sân hận mà các ngài luôn luôn tìm cách khống chế diệt trừ chúng. Muốn thực hiện điều này hành giả phải tu tập hạnh nhẫn nhục và hỷ xả. Trong tác phẩm “Bồ Tát Đạo Hành” mở đầu chương sáu nói về hạnh Nhẫn Nhục, ngài Tịch Thiên (Shantideva) dạy rằng tánh giận dữ và hận thù không chỉ gây tai hại cho chúng ta trong hiện tại mà cả tương lai nữa. Ngoài ra chúng cũng sẽ tiêu diệt hết những công đức quá khứ của chúng ta.

Người thực hành hạnh nhẫn nhục cần phải chống trả và điều phục cái tâm sân hận. Ngài Tịch Thiên bảo rằng việc quan trọng nhất là tìm lý do gây nên sự giận dữ và thù hận. Nguyên nhân chính là vì con người gặp điều không như ý và bất mãn. Khi quá khổ đau và tuyệt vọng chúng ta dễ dàng bị quẫn trí để rồi đưa đến sự tức giận và căm hờn.

Ngài Tịch Thiên dạy rằng điều căn bản lúc tu tập hạnh nhẫn nhục để tinh thần không bị xáo trộn bất an, hành giả không nên nghĩ đến các sự việc như chính mình hay người thân gặp cảnh khó khăn, điều rủi ro xảy đến cho mình hay người khác đang phá hoại, ngăn cản công việc của chính mình v.v... Trong hoàn cảnh bất mãn và phiền muộn này đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa căm giận và hận thù nơi tâm con người. Cho nên ngay từ lúc đầu, việc quan trọng là đừng để cho tình trạng trên xảy ra khiến cho tâm của bạn không còn thanh tịnh. Ngài cũng khuyên bảo bằng mọi cách chúng ta cố gắng khống chế và loại trừ ý tưởng sân hận gây tai hại cho chính mình và kẻ khác. Đây là lời dạy rất bổ ích.

Nếu giữ được tâm an lạc tự tại, khi gặp phải nghịch cảnh chướng duyên sẽ là bí quyết giúp bạn chế ngự không để các ác tính giận dữ và thù hận phát khởi. Ngài Tịch Thiên dạy rằng khi đối đầu với cuộc sống không như ý, bạn đâm ra chán nản bực bội; điều đó sẽ không giúp bạn giải quyết được gì để vuợt qua nổi khó khăn mà đôi khi nó còn gây thêm phiền não dẫn đến hậu quả là tâm của bạn không bao giờ cảm thấy an lạc.

Sự lo lắng và buồn phiền sẽ gây ảnh hưởng tai hại đến giấc ngủ của bạn không được thẳng giấc, ăn uống không biết ngon và sức khỏe của bạn dần dần bị suy sụp. Ngài Tịch Thiên cũng khuyên rằng nếu xét thấy vấn đề có thể giải quyết thì bạn không nên quá bận tâm hay suy nghĩ. Trái lại, trường hợp nếu biết rằng không cách gì khắc phục được sự khó khăn đó thì bạn có sanh tâm phiền muộn khổ đau cũng chẳng ích lợi gì. Bởi thế, trong mọi hoàn cảnh thuận nghịch vui buồn, bạn cố gắng làm chủ, giữ tâm mình an nhiên tự tại không để ngoại cảnh chi phối bạn mới có được sự an lạc lâu dài.

Đại để có hại loại sân giận và hận thù gây nên do sự bất mãn và thiếu hạnh phúc nơi con người. Trước nhất là loại khi có ai gây hại đến mình, bạn cảm thấy không vui khiến bạn nổi giận hận thù kẻ đó. Thứ hai là mặc dù người ta không làm gì hại mình nhưng vì thấy họ kinh doanh thành công trở nên giàu có rồi bạn sinh tâm đố kỵ thù ghét họ.

Ngoài ra cũng có vài trường hợp khác nữa. Chẳng hạn gặp người hành hung gây hấn đã thương đến thân xác mình khiến bạn tức giận oán thù. Có kẻ tranh đoạt của cải tài sản hay chửi bới nhục mạ khiến bạn nổi sân thù ghét họ.

Khi bạn giận dữ với người không trực tiếp gây đau đớn hay thương tích gì đến thân thể của bạn mà họ chỉ làm mất danh dự, tiếng tăm hoặc xâm phạm đến của cải vật chất của bạn thì bạn nên bình tĩnh tự hỏi như thế này:

Tại sao ta lại bực tức, giận hờn về các sự việc không như ý trên? Phân tích bản chất đích thực của những điều như tiếng tăm và tài sản v.v... ở trần gian, ta nhận thấy tất cả chúng đều vô thường giả dối, có gì vĩnh cửu đâu mà các bạn phải bận tâm. Như vậy tại sao chúng ta lại nổi sân với người ấy?”

Lúc bạn tức giận vì thấy kẻ thù của mình thành công và giàu có, lúc ấy bạn nên biết rằng sự ganh ghét đố kỵ của bạn chẳng có ảnh hưởng hay gây tổn hại gì đến của cải vật chất và cuộc sống hạnh phúc của người đó. Cho nên sự buồn phiền và bực tức của bạn trong trường hợp như vậy, thực ra nó chẳng có lợi ích gì.

Nếu quán chiếu sâu sắc hơn, chúng ta nhận thấy rằng chúng ta nên cảm ơn những kẻ thù muốn làm hại mình. Tại sao, bởi lẽ chính họ đã trợ duyên giúp chúng ta tu tập hạnh nhẫn nhục. Điều quý báu hơn nữa là nhờ thực hành đức tánh nhẫn nhục mà chúng ta có thể tiến lên một bước nữa là thực hiện ý tưởng độ sanh của Bồ Tát. Nhờ vậy mà chúng ta đã tạo đựơc nhiều phước đức mang lại lợi ích cho chính mình và tha nhân.

Trái lại, kẻ thù của chúng ta, vì có tâm xấu ác muốn hại người khác, cho nên họ sẽ gặt lấy quả báo không tốt. Trong khi chúng ta nhờ nương vào họ để tu hạnh nhẫn nhục mà có phước đức.

Do đó, theo lời dạy của tôn sư Tịch Thiên (Shantideva) trong cuốn “Bồ Tát Đạo Hành” là chúng ta nên hồi hướng công đức đến những kẻ thù của chúng ta để họ cùng được hưởng sự an lạc.

Kết thúc chương nói về hạnh “Nhẫn Nhục” trong tác phẩm “Bồ Tát Đạo Hành”, ngài Tịch Thiên đã giảng giải về lợi ích của hạnh tu “nhẫn nhục”. Nói tóm, nhờ thực hành hạnh nhẫn nhục mà chúng ta có thể đạt được quả vị giác ngộ và giải thoát ở kiếp tương lai. Ngay cả hiện tại nếu chúng ta biết tu hạnh nhẫn nhục trong đời sống hằng ngày thì chúng ta cũng sẽ gặt hái được nhiều phước đức và an lạc.

(Trích từ cuốn sách The Heart of Compassion)



thơ PHAN THỊNH





SA MÔN
Tặng Tì kheo Thích Chân Pháp

Sa môn bên bến đò năm cũ

Chờ hồi chuông năm nọ sang sông

Áo vá giày rơm thời lam lũ

Chợt an hòa trong tiếng thu không.
Sa môn bên rộn ràng phố chợ

Áo vàng trầm khuất nẻo phồn hoa

Tinh châu mấy giọt ngời cam lộ

Trong mắt người ánh mắt thiết tha.
Sa môn hé cổng chiều úa nắng

Thả gió bay về phương núi xa

Róc rách vào chung trà tĩnh lặng

Là tiếng mơ hồ sông suối xưa
Sa môn bên hiên chùa khuya khoắt

Nhang khói giao thừa thơm cuối năm

Trang kinh trừ tịch, niềm an lạc

Dẫu mấy phù du một cõi lòng
THÀNH NỘI

Trưa hoàng cung mây trắng

Xa mã ngày xa xưa

Vó câu về ải hạng

Khuất dần theo gió mưa.
Thoáng trong mầu trăng úa

Ai về bên hồ sen

Nam ai, theo tình cũ

Xuôi vào ngõ hoa đèn.
Lưa thưa trời đại nội

Rơi mấy hạt sầu đông

Lạnh vào trong sương khói

Nhớ khi xưa, hoàng cung.
Bên song chiều tiếng vạc

Bay qua nẻo trường thành

Gọi hồn ai đã khuất

Về dưới hàng trúc xanh.
Bao năm rồi dâu bể

Cửu đỉnh khói hương tàn

Có nghe hồn tiên đế

Về trong đêm sương lam.



PHẬT GIÁO VỚI THỜI ĐẠI


Thích Hạnh Đức



Trong cuộc sống thường nhật chúng ta vẫn hay bắt gặp những cách xưng gọi như: mô Phật, lạy Chúa,… (mô Phật, có lẽ bắt nguồn từ cách nói tắt của cụm từ: Nam Mô A Di Đà Phật). Như vậy, tâm thức tôn giáo vẫn luôn ngự trị trong mỗi chúng ta, dẫu nhiều hay ít. Người ta nói Mô Phật khi gặp điều không hay xảy đến với bản thân mình, người thân, nên tự thân Phật giáo sinh ra là để cứu khổ, để bớt khổ cho đời.

Cũng như mọi hình thái ý thức của xã hội loài người, Phật giáo ra đời và phát triển gắn liền với khả năng sinh tồn và phát triển của dân tộc. Ở Việt Nam, Phật giáo đã từng có một bề dày lịch sử hơn mười tám thế kỷ và trong quá trình đó, Phật giáo đã thực sự hội nhập vào nền văn hoá Việt Nam, và trở thành nhân tố không thể thiếu trong tổng thể kinh tế- văn hoá- xã hội việt Nam.

Thời đại ngày nay, với quá trình giao lưu mở cửa, hội nhập với nền kinh tế thế giới đương đại, Phật giáo Việt Nam không những không bị mai một đi mà ngày càng khẳng định ý nghĩa của nó đối với đất nước và thời đại. Phật giáo đặc biệt có ảnh hưởng sâu sắc đến vấn đề tư tưởng và lý tưởng của mỗi con người-một nhân tố quan trọng nhất trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Albert Einstein, người đã làm rung chuyển thế giới khoa học với phát kiến vĩ đại: thuyết tương đối. Công thức nổi tiếng của ông E=mc2,cho thấy vật chất và năng lượng là những vật thể có thể hoán đổi với nhau của cùng một chất. Đây là phát minh đã tạo nên một cuộc cách mạng hóa những khái niệm căn bản về thực tại, đi ngược lại với những quan điểm trước đó. Đồng thời ông còn là nhà triết học lỗi lạc của thế giới với những nhận định hết sức sâu sắc về xã hội, con người và tư duy. Trong số những tư tưỏng ấy, ta bắt gặp rất nhiều điểm tương đồng giữa Einstein và Đức Phật-Người sống cách ông hàng thiên niên kỷ. Xin mượn một trích dẫn câu nói của Einstein như là một minh chứng cho vị thế của Phật giáo đối với đời sống ngày nay:

The relegion of the future will be a cosmic religion. It would transcent a personal God and avoid dogmas and theology. Covering both the natural and the spiritual, it shuold be based on a religiuos sense, arising from the experience of all things,natural and spiritual, as a meangingful unity. Buddhism answers this description. If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism.”

Dịch: Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ. Nó phải vượt trên một thượng đế cá nhân, tránh giáo điều và thần học. Bao quát cả hai lĩnh vực, tự nhiên và tâm linh, nó phải dựa trên một ý thức tôn giáo, nảy sinh từ thực nghiệm của mọi sự vật, tự nhiên và tâm linh, như một thực thể thống nhất có ý nghĩa.Phật giáo đáp ứng được một mô tả như vậy. Nếu có một tôn giáo thoả mãn được những yêu cầu của khoa học hiện đại thì tôn giáo đó là Phật giáo. (Minh Chi dịch, “Phật giáo Việt nam thế kỷ 21”, Nxb Tôn giáo ,Hà nội,2005).

Phật giáo ngày nay ngày càng khẳng định tính ưu việt của nó trong đời sống xã hội. Sở dĩ có được điều này vì không giống như bất kỳ một tôn giáo nào khác, Phật giáo không chấp nhận một đấng tối cao toàn năng độc tôn. Sức mạnh là ở sự đoàn kết, hợp sức của hằng hà sa số chư Phật trong vô lượng kiếp. Sự giác ngộ và giải thoát là nằm trong chính bản thân con người, biết “tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Đức Phật luôn khuyên răn con người hãy biết tin tưỏng vào khả năng của chính mình để giác ngộ và giải thoát. Tư tưởng ấy rất cần thiết đối với mỗi người trong đời sống hiện nay. Xã hội ngày càng phát triển với tốc độ nhanh chóng của nó thì mỗi người cũng phải tự mình vươn lên để xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho bản thân và xã hội.

Phật giáo phát huy tinh thần cái tôi như một động lực thúc đẩy sự phát triển cá nhân trong bối cảnh xã hội và thời đại. Đồng thời Phật giáo cũng đề cao sự đóng góp của cái tôi trong Cái Ta rộng lớn. Sự phát triển của mỗi cá nhân cần là động lực cho phát triển xã hội ,và ngược lại phát triển xã hội sẽ thúc đẩy tiến bộ của mỗi cá nhân: “con người bị thôi thúc bởi những cơn khát, chạy loanh quanh như con thỏ mắc bẫy: vậy hãy để cho kẻ khất thực xua đi cơn khát, bằng cách đấu tranh để bản thân không còn đam mê” (Gặp gỡ tư tưởng Einstein và Đức Phật, Nxb Văn nghệ, 2005). Con người cần biết kiềm chế những dục vọng quá độ của mình để không phương hại đến nỗ lực của người khác. Cần biết điểm dừng khi cần thiết vì trong cuộc sống còn có những con người muốn phấn đấu thay đổi cuộc sống cơ cưc của hiên tại nhưng họ hầu như mất hết những cơ hội. Đôi khi, bố thí cũng là một phương cách để con người thêm phần ý nghĩa trong cuộc sống tẻ nhạt của mình.

Tư tưởng sâu sắc mới mẻ của Phật giáo còn thể hiện ở tinh thần tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lý. Niềm tin tôn giáo, cũng giống như các lý thuyết của khoa học tự nhiên, cần phải được kiểm chứng bằng những trải nghiệm của cuộc sống: “Thế giới bên ngoài chỉ là sự phô bày những gì hoạt động trong tâm thức, và… tâm thức chụp bắt nó như một thế giới bên ngoài chỉ vì thói quen phân biệt và lý luận sai của tâm thức. Đệ tử Phật phải tạo thói quen nhìn sự vật đúng như sự thật” (Sđd). Đây cũng là điểm gợi mở cho con người biết hoài nghi khoa học trên con đường đi tìm chân lý. Hiện tượng khách quan luôn hàm chứa trong nó những nghịch lý. Con người phải biết tìm kiếm trong nó mối quan hệ biện chứng giữa các sự vật, hiện tượng để thấy được bản chất của vấn đề.

Chúng ta có thể nắm bắt được tư tưỏng này qua thuyết Nhân quả của Phật giáo. Đạo Phật cho rằng: gây và cảm thọ nhân nào thì tất nhiên có quả báo ấy để gánh chịu, không bao giờ gây nhân lành mà được hưởng quả báo khổ, cũng không bao giờ gây nhân dữ mà được hưởng quả báo vui. Đây cũng là tư tưởng phù hợp với nhân sinh quan của người xưa: gieo gió ắt gặp bão. Đièu đó không những phù hợp với đạo đức truyền thống của người Việt Nam mà còn phù hợp với những quy luật kinh tế của thời đại. Cạnh tranh trong lành mạnh để cùng nhau phát triển nâng cao đời sống con người là một mục tiêu lớn của công cuộc hiện đại hóa đất nước.

Dưới góc độ tâm linh học, Phật giáo nhìn mọi sinh vật trong tư nhiên như những thưc thể có sự sống, có cảm giác và những trạng thái cảm xúc giống như con người. Mọi người, mọi loài đều ham sống, sợ chết, chính vì vậy con người không nên ỷ vào sức mạnh bản thân mà sát hại các sinh linh nhỏ bé khác. Tôn trọng sự sống của các sinh vật khác trong thế giới tự nhiên, dưới cái nhìn của khoa học hiện đại, cũng là một nỗ lực nhằm góp phần bảo vệ môi trường sống của con người.

Qua một số ví dụ có tính chất minh họa như vậy, chúng ta càng nhận thức được rằng, Phật giáo ngày nay đang có những đóng góp tích cực đối với đời sống của con người. Và, cũng có thể khẳng định được, khoa học và tôn giáo không phải lúc nào cũng đối nghịch với nhau. Vẫn luôn có những tương đồng nhất định giũa khoa học và tôn giáo.

Hy vọng rằng, dưới ánh sáng của khoa học hiện đại, Phật tử sẽ sớm giác ngộ được những tư tưởng và lời dạy của Đức Phật để sống đời đẹp hơn, và việc tu tập kết quả hơn; có vậy mới là hạt giống tốt của dân tộc và đạo pháp.





Lãng tử
KHÔNG QUÁN
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi...

Thơ Hàn Mặc Tử



Thủa ấy tôi là anh khách lạ
Lang thang bốn bể, cõi vô bờ
Làm anh lãng tử bên đời hát
Giấc mộng vô thường của cuộc chơi.


Một lần ghé đến hồ thơ mộng...
Sóng gợn bến bờ, cỏ mát tươi...
Dừng chân lãng tử bên hồ ấy
Gió mát bên hồ thả mộng trôi...


Lao xao sóng nước long lanh quá
Thoắt hiện nàng thiếu nữ xa xôi...
Em trên ghềnh đá, ngồi hong tóc
Gió thổi, mây trời lặng ngắm thôi...



[Cảnh ấy, hồn tôi thắm mơ màng
Hồ bình an lắm, lúc xuân sang
Nhưng rồi nàng cũng ngừng hong tóc
Nhẹ bước, khi chiều xuống mang mang... ]


Đôi lần tôi ghé về nơi cũ
Hồ ấy bây giờ vắng bóng ai
Ngày xưa trong nắng, em thơ mộng
Hong tóc, bên hồ thả khói trôi...


Mai, tôi cũng bỏ đời lãng tử
Để sống vui đời, cảnh ngược xuôi...
Xưa, em rẽ chuyến đò ngang dọc
Để đá mơ hồ bỏ cuộc chơi....


02 Jan 2008

NIỀM TIN TRONG PHẬT GIÁO


Thích Quảng Thọ


  

Tin Ta mà không hiểu Ta tức là hủy báng Ta.”
Trong cuộc sống hiện nay với nhiều điều ta phải suy ngẫm lại. Chúng ta tự nhận là con Phật, bậc trí tuệ và đầy lòng bi mẫn. Chúng ta có sống đúng với gia tài mà người cha để lại chưa? Và cách thể hiện niềm tin và sự bảo vệ Phật pháp có đúng chưa? Chúng ta phải luôn suy nghĩ và cân nhắc với tự thân về niềm tin đối với Phật pháp để có được một sự an lạc và thảnh thơi, còn không thì chỉ đắm chìm trong hư danh và đầy phiền lụy.

Khi đức Phật còn tại thế có bộ tộc Liechavi Bhaddija đến đảnh lễ và bạch Thế Tôn như sau:

“Bạch Thế Tôn, con nghe như sau: là một huyễn thuật sa môn Gotama biết được huyễn thuật lôi cuốn những đệ tử ngoại đạo. Bạch Thế Tôn, những ai nói như sau: “Sa môn Gotama là một huyễn thuật sư … Bach Thế Tôn, chúng con không muốn xuyên tạc Thế Tôn.”

Đức Thế Tôn nghe vậy và dạy bộ tộc Liechavi Bhaddija những giáo lý thật trong sáng và tự do nhận bằng trí tuệ của chính mình mà không theo một người nào:

“Này Bhaddhiya, chớ có tin vì nghe báo cáo; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe tin đồn; chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận; chớ có tin đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chứ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ có tin vị sa môn là bậc đạo sư của chính mình, nhưng này, Bhaddiya, khi nào ngươi tự biết rõ như sau: “Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau. Thời này Bhaddiya, ngươi hãy từ bỏ chúng.”

Trong cuộc sống của chúng ta hiện nay cũng giống như trường hợp của bộ tộc Liechavi. Hằng ngày chúng ta nghe nhiều tin tức truyền thông và trong mối giao lưu bạn bè, chúng ta gặp cũng nhiều điều tương tự như vậy, những điều ngộ nhận giữa con người với nhau, giữa các tôn giáo với nhau rồi sinh ra những điều đau khổ cho chính tự thân.

Vì vậy, chúng ta phải học Phật bằng con mắt trí tuệ và có một niềm tư duy sâu sắc, còn không thì chúng ta chỉ sống với những người theo cùng định kiến với mình rồi dần lún sâu vào tranh luận và tạo ra khổ đau cho mình và người xung quanh.

Chúng ta là người học Phật thì phải học những đức tánh sáng suốt và từ bi của Ngài thì cuộc sống chúng ta mới đầy an lac hạnh phúc; chúng ta cũng nên nhớ rằng mục đích của đức Phật xuất hiện ở cõi đời này là đem lại hạnh phúc và an lạc cho loài người.

Vậy chúng ta nắm rõ mục tiêu ấy thì chúng ta làm việc gì, với ai mà hướng đến đúng mục tiêu ấy thì chúng ta làm, còn không đúng mục đích ấy thì chúng ta tránh. Đạo Phật không đem đến đau khổ cho cuộc đời và chúng ta học đạo Phật để có cuộc sống an lạc thảnh thơi chứ không phải học Phật để bị khổ đau.

Chúng ta phải luôn xét lại chính mình, mình có làm đúng lời Phật dạy chưa? hiểu lời Phật đúng chưa?; mục tiêu của mình đến với đạo Phật là gì?… khi mình tự hỏi mình như vậy và tự trả lời cho chính bản thân mình với những điều như vậy thì mình sẽ tỉnh và không theo một bè phái nào cả, và mình sẽ có được một hướng đi lý tưởng đầy an lạc và thảnh thơi; còn trái lại mình sống theo lời của bè phái này, của người kia thì mình tự đánh mất chính mình và cuốn sâu vào dòng xoáy đầy tranh chấp và hận thù.

Học Phật là học sự bao dung và trí tuệ rộng lớn với lòng từ bi vô hạn, chúng ta học đúng như vậy thì cuộc sống ta ngày càng thăng hoa và trên đường đi luôn đầy hoa, còn không thì chỉ là đem đến sự tranh luận vô bổ và chỉ khổ đau mà thôi!

Khi Phật còn tại thế cũng có nhiều tôn giáo khác tranh chấp và hủy báng Phật, Pháp và Tăng nhưng Ngài vẫn bình thản và ngài dạy:

“Này các tỳ kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp, hủy báng Tăng, các ngươi chớ có vì vậy mà sanh lòng căm phẫn, tức tối tâm sanh phiền muộn. Này các tỳ kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp, hủy báng Tăng và nếu các người sanh lòng căm phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn, thời như vậy sẽ có hại cho các ngươi. Nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp, hủy báng Tăng và nếu các ngươi công phẫn và phiền muộn thời các ngươi có thể biết được lời nói của kẻ ấy là đúng hay sai lạc chăng? Bạch Thế Tôn không thể được.”

Lời dạy trên cho ta thấy rằng, đức Phật là bậc thầy đầy trí tuệ và lòng bi mẫn. Vì vậy mà chúng ta phải học kỹ lời dạy trên và áp dụng cho chính mình ngay trong đời sống này thật là lợi lạc.

Khi chúng ta có một trạng thái an tịnh trước lời khen chê, trách mắng... thì chúng ta mới có đủ sáng suốt để nhận định vấn đề đúng sai, nếu không thì chúng ta sẽ bị nhận chìm trong tám ngọn gió chướng và khổ đau suốt đời mà thôi.
Vậy, niềm tin có sự hiểu biết đúng đắn là một ngọn hải đăng chỉ hướng đi đầy an lạc và thanh thản giữa biển khơi đầy đau khổ của nhân thế, là mẹ sinh ra các công đức, là sự bảo vệ Phật pháp đúng tinh thần đầy từ bi và trí tuệ mà bậc đạo sư đã chỉ dạy, là sự an lạc hạnh phúc cho những ai sống đúng với nó.




thơ TRẦN VẤN LỆ





Mừng Năm Mới
Hôm nay tháng lụn, năm tàn, còn dăm ba phút thời gian, cũng tình. Viết cho người, viết cho mình, một câu chúc đẹp để nhìn, chắc vui?

Để nhìn! Vâng! Để nhìn thôi, bởi Mừng Năm Mới, mấy lời, bao nhiêu? Chúng ta chẳng có ai nhiều những tâm sự vụn, những điều vô duyên. Của ai thì vẫn nhãn tiền, nếu thêm hay bớt chỉ phiền lụy nhau. Nhủ lòng chẳng biết, chẳng sao. Cái cho để nhận: Cái Nào Vô Tư!

Cái nào...Tôi gọi là Thơ, là Hơi Thở nhẹ đợi chờ mùa Xuân. Ai cầm hơi thở đem cân? Chỉ đưa tay bắt mong gần hết xa...Hỡi ơi mây nước quan hà, thương nhau bát ngát, nhớ là mênh mông! Hôm nay...nói thế, với lòng, với ai, vui nhé! Tôi Mừng Tân Niên! Với ba chữ thẳng hay nghiêng, ước chi ai đó kề bên mỉm cười!

Năm tàn tháng lụn chơi vơi, nhìn ra cửa bóng mây trời bay bay...


Cung Chúc Tân Xuân
Gửi bạn mừng Xuân, bóp trán hoài. Gửi gì để bạn thấy tương lai? Gửi gì để bạn... còn năm cũ? Càng mến yêu đời tự bữa nay?

Người Tàu “Cống Hỉ”, ta thì nói “Cung Chúc Tân Xuân” thắm thiết tình. Vui nhé “Phát Xồi” rồi phát tích, làm mưa làm gió cõi dương gian!

Tân Xuân / Xuân Mới, mới từ tim, từ phổi, từ gan, tận nỗi niềm hiện ở nụ cười, trên nét mặt, trong từng hớp rượu, lúc ngồi im...

Mênh mông trời đất là kho báu, Trời giữ để dành cho chúng sinh, không đối xử riêng người lớn bé mà chung thiên hạ chữ Nhân Tình!

Tôi bóp trán, đau, rồi nói vậy, vòng vo rồi cũng một trang thơ! Gửi cho bạn, đó, câu Cung Chúc, chắc chẳng phai mờ dẫu gió mưa...

Cung Chúc Tân Xuân bạn khắp miền, một lần tay nắm mấy đời duyên. Gần nghe đã nhớ, xa càng nhớ; vui buổi đầu năm không thể quên!


NHÂN NÀO QUẢ ẤY


Mỹ Đức Phạm Kim Dung



Khi nói đến nhân quả trong đời sống hằng ngày, nhiều người dễ dàng chấp nhận. Nhưng đồng thời cũng rất nhiều người khó chấp nhận hay không công nhận. Điều này có thể lý giải được. Người cư xử tử tế, ân cần với mọi người thì được mọi người thích và quý mến. Người lọc lừa, gian xảo, giả dối thì sau một thời gian ai cũng biết và ai cũng e ngại, xa lánh. Ai biết giữ gìn sức khỏe, ăn uống điều độ, tập thể dục hằng ngày, giữ tâm hồn vui tươi trong sáng thường có một sức khỏe tốt. Ai hay rượu chè bừa bãi, thiếu thận trọng khi ăn uống, ít tập thể dục, tâm hồn đầy những mưu toan bất chính thì sớm hay muộn sẽ là bệnh nhân của nhiều bác sĩ khác nhau. Một thời gian sau khi ổn định đời sống ở Mỹ, tùy theo hoàn cảnh, việc làm, cách sống, bất cứ người thuộc sắc dân nào cũng có nhiều tiền hơn khi mới đến Mỹ, có người trở thành giàu sụ, có người rủng rỉnh tiền bạc, có người sống thong dong thoải mái. Vào tiệm ăn cắp đồ mà bị phát hiện thì phải bị tội tiểu hình, có khi bị tội đại hình. Lường gạt thì phải bồi thường, giết người thì có thể bị tử hình. Đó là những nhân và quả nhìn thấy ngay trước mắt nên dễ được đồng ý, chấp thuận.

Thế nhưng nông dân ở Việt Nam, đặc biệt là nông dân ở miền trung và miền bắc, cần cù làm việc khó nhọc, một nắng hai sương cả đời nhưng lúc nào cũng nghèo khó và luôn là nạn nhân hàng đầu của thiên tai trong nước. Có những cán bộ ở đó mà ai cũng biết chắc là xuất thân từ giai cấp nghèo hèn nhất, chỉ sau một thời gian trở nên giàu sụ, sống xa hoa, sang trọng và phung phí, gây tạo nhiều tội ác và ai cũng biết đó là những cán bộ có liên hệ đến tham nhũng nhưng họ vẫn sống nhởn nhơ, bình chân như vại. Chúng ta cũng thấy rải rác ở tất cả các nước các thần đồng toán học, âm nhạc, văn chương, khoa học. Những em bé này chưa đi học, hoặc chỉ đi học vài năm nhưng đã biết chơi nhạc, viết nhạc, làm toán đến cấp đại học hoặc viết văn làm thơ dù chưa bao giờ học tập viết. Và hãy nhìn các anh chị em trong một gia đình. Dù cùng một cha mẹ, cùng sống trong một gia đình với điều kiện tinh thần, vật chất như nhau nhưng không ai giống ai hoàn toàn, từ tính chất cá nhân, thể lực, năng lực, học vấn, quan điểm sống cho đến cuộc đời khi trưởng thành. Tương tự như vậy, nhiều trẻ em sinh đôi giống nhau như hai giọt nước, cùng từ một tế bào do một cha một mẹ sinh ra trong cùng một lúc, cùng được nuôi dưỡng trong một môi trường và được giáo dục như nhau; nhưng phần nhiều các em có cá tính khác nhau, khả năng tinh thần và trí tuệ khác nhau và còn có đời sống khác biệt nhau rất xa sau này. Làm sao có thể giải thích nguyên nhân của những sự việc như thế? Có thể dùng nguyên lý nhân quả để cắt nghĩa được chăng?

Nhân quả là một quá trình rất riêng tư, đặc thù, tích lũy từ việc làm và hành động, tư tưởng và lời nói của mỗi người từ quá khứ, gần hay rất xa, đến hiện tại và tương lai. Nhân tựa như một hạt giống đã gieo xuống đất. Hạt giống này đòi hỏi những duyên, tức là những điều kiện thuận lợi để hạt giống nẩy mầm, thành cây và sinh trái tựa như hạt cam cần ánh sáng, sức nóng, phân bón và sự chăm sóc của con người để hạt cam trở thành cây cam, rồi sinh trái cam vậy. Từ hạt giống cam để trở thành cây cam đòi hỏi một quá trình rất lâu dài không phải trong phút chốc mà thành. Từ nhân đến quả của con người có thể còn lâu dài hơn nữa vì lời nói, việc làm, suy nghĩ của một người luôn luôn có những tác động và ảnh hưởng nhất định đến những người khác. Càng ảnh hưởng đến nhiều người càng đòi hỏi nhiều “duyên” hơn trước khi có thể kết thành quả. Ngoài ra, tùy theo tâm tưởng của những người bị tác động bởi những việc mình đã gây ra mà quá trình nhân thành quả có thể nhanh hơn hay chậm hơn. Không nhân quả nào giống nhân quả nào vì mỗi người có một nghiệp (karma) tức là một số phận riêng không giống ai.

Mỗi quốc gia đều có những luật lệ riêng để bảo vệ an ninh của đất nước và an sinh của người dân. Nhưng khi các quốc gia khi bang giao với nhau đều phải tuân thủ theo luật bang giao quốc tế để gìn giữ hòa bình với nhau. Vùng trời có luật hàng không. Vùng biển có luật hàng hải. Sau này chắc chắn sẽ có luật không gian nếu nhiều quốc gia có phi thuyền và những chương trình thám hiểm không gian. Buôn bán với nhau phải tôn trọng những thỏa thuận đã ký kết về thương mại. Muốn thí nghiệm vũ khí nguyên tử hay tập trận trên biển phải tuân theo những thỏa ước nguyên tử và các hiệp định về quân sự. Chúng ta ai cũng biết trái đất chúng ta đang sống đây là một hành tinh trong hệ mặt trời. Cho đến ngày nay nhân loại đã bước vào thiên kỷ thứ ba rồi nhưng chúng ta vẫn chưa hiểu biết hết về chín hành tinh trong hệ mặt trời của chúng ta. Các khoa học gia chỉ đoán được là có nhiều giải thiên hà khác nhau trong vũ trụ và mỗi giải thiên hà lại có vô số hệ mặt trời khác nhau. Như vậy, có thể là sẽ có nhiều hành tinh trái đất như trái đất của chúng ta trong một thiên hà. Như đã nói ở trên, để duy trì trật tự và hòa bình giữa gần hai trăm nước sống với nhau trên hành tinh này, người ta đã phải đặt ra công pháp quốc tế và vô số hiệp định, thỏa ước, minh ước... Một hành tinh bé nhỏ trong tam thiên đại thiên thế giới mà còn cần đến luật pháp thì vũ trụ mông mênh bao la này với vô lượng chúng sinh như thế ắt hẳn phải có cách nào đó để thưởng phạt công minh, cân bằng thiện ác hầu thúc đẩy sự tiến hóa của muôn loài chúng sinh và duy trì công bằng. Cách nào đó, theo thiển ý, chính là luật nhân quả.

Người viết không muốn đem các quan điểm tôn giáo để áp đặt lên bạn đọc. Nhưng chúng ta dù sống đến hơn 100 tuổi vẫn không đủ lâu để nhìn thấy tác động của luật nhân quả. Có hằng hà sa số giải thiên hà nên có hằng hà sa số bất khả tư nghị vũ trụ. Chúng ta chưa hiểu hết thái dương hệ mà hành tinh trái đất nơi ta sống đang quay chung quanh mặt trời đây thì làm sao hiểu hết vũ trụ. Khi chưa hiểu hết vũ trụ thì không thể thấy một cách cụ thể những luật lệ chi phối vũ trụ như luật hình sự và dân sự ở mỗi nước. Đối với người phàm mắt thịt như chúng ta, cho đến bây giờ chỉ có thể nói luật hình sự và dân sự của mỗi quốc gia là luật nhân quả hữu hình; còn luật nhân quả của vũ trụ là luật bất thành văn, bàng bạc khắp không gian và thời gian mà thôi. Tác giả Thích Chơn Quang trong biên khảo luận “Luận về Nhân Quả” đã phát biểu rằng “... luật nhân quả là một nguyên lý khách quan để chứng kiến, không phải để chứng minh.” Có lẽ chỉ những vị thức giả, đã chứng ngộ, tâm trong sáng như đài gương mới có đủ khả năng nhìn thấy quá trình vận hành của nguyên lý nhân quả trong mỗi sự việc. Nhưng tự trong thâm tâm chúng ta mỗi khi nhìn thấy kẻ ác bị xử lý thích đáng hay gặp những điều bất hạnh, chúng ta thường nghĩ cho đáng đời, “ác giả, ác báo.” Có một số kẻ phạm tội nhưng nhờ quyền biến, xảo trá, có nhiều phương tiện nên có thể thoát lưới luật pháp. Nhưng “lưới trời lồng lộng”, những người này phải trả lời vào ngày phán xử cuối cùng. Trong vụ án võ sĩ O.J. Simpson giết vợ, nhiều người tin anh ta là thủ phạm. Nhưng tòa án tuyên bố anh ta vô tội. Cho đến bây giờ chỉ anh ta và những luật sư biện hộ mới biết rõ anh ta có phạm tội hay không mà thôi.

Luật nhân quả đã được nói nhiều trong Ấn Độ giáo (Hinduism) ở Ấn Độ trước khi Phật giáo ra đời. Khi Phật Thích Ca thành lập tăng đoàn, đi thuyết giảng nhiều nơi, nói nhiều kinh khác nhau thì luật nhân quả trở thành một trong những nền tảng căn bản của triết lý Phật giáo. Đây là khoảng thời gian 500 năm trước Thiên Chúa giáng sinh. Luật nhân quả được nói đến trong hầu hết mọi bộ kinh của Phật giáo nguyên thủy hay Phật giáo đại thừa và trong tất cả mọi giới cấm từ ngũ giới cho đến giới luật của tỳ kheo và tỳ kheo ni. Trong kinh Pháp Cú Phật dạy “Hãy làm lành theo chánh pháp, việc ác tránh không làm. Người thực hành đúng chánh pháp, thì đời này vui, đời sau cũng vui.”

“Vui” ở đây có thể hiểu là được hạnh phúc, giàu sang, sức khỏe tốt, sống thọ, xinh đẹp, thông minh, gặp nhiều may mắn, sống trong môi trường trong lành, an bình, không gặp chiến tranh đao binh, sống no đủ, không thiếu thốn vật chất, được thương yêu, quý trọng, cha mẹ đủ đầy, anh em đông đúc, hôn nhân tốt đẹp...

Nói đến nhân quả thì không thể không nói đến nghiệp báo và phước báo. Nghiệp báo là quả báo xấu phát sinh từ những nhân xấu. Nghiệp báo và phước báo đều gồm cộng nghiệp và biệt nghiệp. Biệt nghiệp là quả báo và phước báo riêng của mỗi cá nhân. Cộng nghiệp là quả báo và phước báo chung của nhiều người trong một hoàn cảnh, tình huống khá giống nhau. Cộng nghiệp hay biệt nghiệp đều hình thành bởi tam nghiệp, thân, khẩu và ý.

Năm 1975, khi miền nam sụp đổ, biết bao trăm ngàn công chức, sĩ quan ưu tú và binh sĩ của miền nam đã phải vào tù trong những trại cải tạo. Đó chính là cộng nghiệp. Nhưng trong cộng nghiệp cũng vẫn có những biệt nghiệp riêng. Có người chỉ ở tù vài năm hay vài tháng, có người tù đến 20 năm, có người chết trong tù, có người ra tù nhưng vẫn khỏe mạnh, có người được tự do rồi chết, có người ra tù vẫn tiếp tục sống ở quê hương, có người ra tù thì qua Mỹ, “hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai”, con cái học hành thành tài, sự nghiệp rỡ ràng... Cộng nghiệp cũng làm nhiều người trong kiếp này sống trong cùng một gia đình hay gia tộc nổi tiếng và thường làm những việc giống nhau. Chẳng hạn như giòng họ văn học Đặng Vũ, Nghiêm Xuân và Cao Xuân ở đất bắc hà. Hay như gia đình của tổng thống George Bush có ông nội là thượng nghị sĩ, ông bố là tổng thống cha, ông con lớn là tổng thống con, ông con nhỏ là thống đốc bang Florida... Trong cõi ta bà này có mấy gia tộc được vinh hiển như vậy? Người Việt có câu “Hổ phụ sinh hổ tử” để tán dương giòng nào giống ấy như thế. Gia đình của tài tử Angelina Jolie cũng vậy, bố là tài tử lừng danh Jon Voight và mẹ cũng là ngôi sao sáng chói Marcheline Bertrand, anh trai là đạo diễn lừng danh James Haven. Cả hai anh em phải bỏ họ Voight để thoát khỏi cái bóng quá lớn của bố mẹ. Hai đời chồng trước của Angelina Jolie cũng là hai diễn viên Jonny Lee Miller và Billy Bob Thornton; và bây giờ là Brad Pitt, nam diễn viên nổi tiếng nhất hiện nay. Có thể nói cộng nghiệp đưa đến việc hai người đàn ông và đàn bà xa lạ gặp nhau, yêu nhau, lấy nhau, sinh con đẻ cái tạo thành một gia đình. Cộng nghiệp còn làm nhiều người sống trong một môi trường, làm một công việc giống nhau. Những người này tuy không ai biết nhưng sống trong những địa danh nổi tiếng và sản xuất những sản phẩm xuất sắc, chẳng hạn như làng hoa Ngọc Hà và làng gốm Bát Tràng cách Hà Nội vài chục cây số. Cộng nghiệp cũng làm những người có biệt nghiệp xấu đến ở gần nhau để tạo nên những duyên hầu cùng chịu đựng nỗi đau khổ với nhau. Cha mẹ xì ke, bán ma túy thì con cái thường nghiện ngập, có án hình sự hay sa vào đường mãi dâm. Cách ngôn ta cũng có câu “Cha nào, con ấy” để chê bai những trường hợp này. Trong các nhà tù ở nước nào cũng vậy, tù hình sự lâu năm hay tù anh chị thường hành hạ, đánh đập tù mới vào. Cai tù nào cũng biết nhưng đều làm ngơ xem như luật rừng của giới giang hồ.

Phước báo là cái quả tốt đẹp của nhân lành. Ai cũng biết bố thí là cách hay nhất để tạo phước báo. Và trong ba cách bố thí thì pháp thí có công đức nhiều nhất. Pháp thí là giúp xây dựng và phát triển tu viện, chùa, nhà thờ, thánh đường, hỗ trợ vật chất cho các tu sĩ, giúp in hay truyền bá kinh của các tôn giáo, viết hay nói lời hay ý đẹp của các tôn giáo. Tôn giáo nào cũng luôn luôn khuyến khích mọi người mở lòng nhân ái, yêu thương giúp đỡ mọi người. Khổng Tử thì dạy “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân.” (Đừng làm cho người khác những điều mình không muốn ai làm cho mình). Nói cách khác, muốn được thương mến thì phải biết yêu thương mọi người; muốn được giúp đỡ thì phải biết chia xẻ với người đang gặp khó khăn. Dù không có niềm tin tôn giáo, người ta chỉ cần sống theo luật nhân quả, lấy luật nhân quả làm kim chỉ nam cho cuộc sống của mình thì cũng trọn thành nhân đạo và chắc chắn không gieo nhân xấu thì không bao giờ hái quả đắng cay. Trồng cam thì phải ra cam, không thể ra chanh, quýt hay bưởi được dù các loại trái này cùng một họ với nhau. Luật nhân quả là một nguyên lý hoàn toàn khoa học. Biết sống với nhân quả, con người dễ bằng lòng với hiện tại, biết nhẫn nhục, tâm hồn dễ thư thái, an lạc, thấy thành công, may mắn hay hạnh phúc của người khác không nổi tâm đố kỵ, ganh ghét. Không ghen tỵ với người khác thì giảm được tham, sân, si là tam độc đưa con người và tam đồ, lục đạo.

Viết về nhân quả mà không nói đến lần hội ngộ đầu tiên và duy nhất giữa Tổ Bồ Đề Đạt Ma và vua Lương Võ Đế bên Tàu thì thật là thiếu sót. Lương Võ Đế là một vị vua có công rất lớn trong việc hoằng dương Phật pháp. Nhà vua đã pháp thí rất nhiều. Tổ Bồ Đề Đạt Ma là vị tổ thứ 28 của Phật giáo Ấn Độ. Năm 520 sau Thiên Chúa giáng sinh, Tổ đã gần tám mươi tuổi. Tổ nhớ lời đại sư dặn phải đi ra nước ngoài thì đạo pháp mới được hưng thịnh. Thế là Tổ lên thuyền dong buồm trực chỉ nước Tàu. Khi thuyền cập bến, vua Lương Võ Đế sai sứ cung thỉnh Tổ về kinh đô để vua nghe pháp và cúng dường. Nhà vua đã hỏi:

- Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, độ tăng, không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?

Tổ bèn đáp:

- Không có công đức gì cả

- Tại sao không có công đức?

- Bởi vì những việc vua làm là nhân “hữu lậu”, chỉ có những quả nhỏ trong vòng nhân, thiên, như ảnh tùy hình, tuy có, nhưng không phải thật.

.................

- Ai đang đối diện với trẫm đây?

- Không biết.

(Lạm bàn: Khi hỏi như vậy, hẳn nhà vua đang chờ nghe những lời tán thán công đức của Tổ Đạt Ma. Trên cõi đời này còn ai có công đức hơn nhà vua, một người đã hết lòng hộ pháp, pháp thí không biết bao nhiêu mà kể. Chính Phật đã nhiều lần dạy trong ba hạnh bố thí, không hạnh nào công đức bằng pháp thí kia mà. Nhà vua hết sức ngỡ ngàng khi nghe Tổ trả lời là không có công đức gì cả. Nếu người trả lời là một viên quan hay là một kẻ thường dân thì chắc vua đã đùng đùng nổi giận vì tội khi quân, truyền chém đầu và có thể ra lệnh tru di tam tộc rồi. Nhưng đây là một bực Thánh tăng, vị Tổ thứ 28, nên vua nén lòng hỏi thêm vài câu nữa. Những câu trả lời của Tổ càng khiến vua thêm hoang mang. Câu hỏi cuối cùng của nhà vua biểu lộ lòng bán tín bán nghi đây là thánh hay phàm mà trả lời khó hiểu quá. Tổ đã hết sức từ bi khi trả lời không biết.)

Thật ra không bao giờ Phật nói sai một điều gì cả. Nhưng lời nói của Tổ Đạt Ma cũng hoàn toàn đúng. Việc hoằng pháp và hộ pháp của vua Lương Võ Đế vừa là công đức vô lượng vừa chỉ là một con số không. Nếu nhà vua còn muốn rong chơi trong tam cõi, Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới, thì đó là những công đức tuyệt vời giúp vua tới lui trong ba cõi này mệt nghỉ với những phước báu ít ai sánh bì. Khi Tổ Đạt Ma quảy trên mình một chiếc dép sang đông độ, ngài đem theo mình tông chỉ của thiền tông tóm gọn trong mười sáu chữ dưới đây:

Bất lập văn tự



Giáo ngoại biệt truyền

Trực chỉ nhân tâm

Kiến tánh thành Phật”

(Chẳng lập văn tự

truyền riêng ngoài giáo

chỉ thẳng tâm người

thấy tánh thành Phật.)

Nghe vua hỏi như vậy, Tổ biết không khế hợp căn cơ rồi, nên ngài cáo biệt đến Lạc Dương, lên núi Tung Sơn, vào chùa Thiếu Lâm Tự ngồi diện bích (nhập định, mặt quay vào vách núi) chín năm.

Phật thường dạy chúng sinh các pháp bố thí để thực tập tâm từ bi hỷ xả. Nhưng Phật cũng phân biệt rất rõ hai loại bố thí trước tướng và bố thí vô tướng. Giúp người, cứu vật, tả kinh, hộ tăng... với lòng mong ước được hưởng phước báo thì đó là bố thí trước tướng. Làm tất cả những việc tốt lành cho muôn người, muôn vật chỉ vì đó là những việc cần làm và phải làm, không khởi tâm mong cầu gì cả. Đó là bố thí vô tướng. Bố thí nào cũng làm giảm nỗi đau khổ của chúng sinh, làm cho đời sống người và vật tốt đẹp hơn. Nhưng bố thí trước tướng là “cho và muốn nhận lại cái khác” tức là đã gieo những hạt giống tốt để rồi sẽ trôi nổi trong luân hồi mà thọ hưởng những cái đã ước mong. Có lẽ vua Lương Võ Đế đã ở trong trường hợp này nên Tổ mới từ biệt ra đi.

Sống với nhân quả còn làm người ta trở nên dũng mạnh, tự mình mà đi, không trở thành nạn nhân của bùa chú, mê tín, sẽ thấy khoa tướng số, tử vi chỉ có những giá trị hết sức nhỏ bé. Ai cũng biết Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu sinh vào giờ Tý, ngày Tý, tháng Tý, năm Tý; vì vậy các thầy tử vi đều khẳng định ông có chơn mạng đế vương. Nhìn vào ảnh, ông có đôi mắt tròn xoe, sáng quắc như hai viên ngọc, khuôn mặt điềm tĩnh, nhân hậu, thần thái toát ra phong cách của một trượng phu quân tử khác người. Nhưng chẳng lẽ vào ngày giờ ông sinh ra, trên cả hành tinh trái đất, hay ít ra trong phạm vi nước Việt Nam chỉ có một mình ông ra đời? Chưa ai làm một con số thống kê về sự kiện này. Nhưng một điều chắc chắn vào ngày giờ nói trên ông không là đứa trẻ duy nhất chào đời. Mà còn có nhiều em bé khác trong nước hay trên nhiều nước khác cũng được sinh ra. Vậy số mệnh các em bé đó thế nào? Các em đều làm thiên tử hay tổng thống chăng? Hoặc vào ngày giờ nữ hoàng Elizabeth II hay công nương Diana của nước Anh ra đời cũng đã có nhiều em bé gái khác ra đời nữa chứ. Nhưng các em này có được trở thành nữ vương hay quận chúa đâu. Hoặc nữa, vào ngày giờ ngài Huệ Năng ra đời, trên đất nước Tàu chắc chắn còn nhiều trẻ em khác nữa cất tiếng khóc chào đời. Nhưng chỉ duy nhất ngài trở thành Lục Tổ Huệ Năng khai sáng các dòng thiền Vân Môn, Tào Động, Lâm Tế... làm rực rỡ cho Phật giáo Trung hoa cho đến ngày hôm nay. Đây là một dẫn chứng lịch sử hùng hồn nhất cho thấy khoa tử vi, tướng số, chỉ tay dù được hun đúc, hình thành bởi thông tuệ và kinh nghiệm của bao nhiêu bậc thày xuất sắc sẽ chẳng bao giờ qua mặt được luật nhân quả. Chính những gì ta đã làm và mơ ước trong quá khứ đã hình thành đời sống và số phận của ta hôm nay. Chính những gì ta đang làm và mơ ước hôm nay sẽ hình thành đời sống và số phận của ta ngày mai. Cổ nhân thường rất khiêm tốn khi nói “Nhất ẩm, nhất trác giai do tiền định.” (Mỗi miếng ăn, miếng uống đều đã dược định trước.) “Tiền định” hay “thiên định” dưới cái nhìn của Phật giáo chỉ là sự vận hành của luật nhân quả mà thôi. Một thiền sư nổi tiếng của Nhật cũng đã nói “Hãy sống với nguyên nhân và để mặc tất cả cho sự vận hành của đại đạo vũ trụ.” Luật nhân quả cũng đánh đổ thuyết thiên mệnh đã xuyên suốt Nho giáo và Lão giáo. Những ai đã thấm nhuần Phật pháp sẽ không đồng ý với Nguyễn Du trong những câu Kiều sau đây:



Mới hay muôn sự tại trời,

trời kia đã bắt làm người có thân,

bắt phong trần phải phong trần,

cho thanh cao mới được phần thanh cao.

Nhưng sẽ chia sẻ với Nguyễn Du nến tiền định được hiểu như là nghiệp nhân, nghiệp quả:



Đã mang lấy nghiệp vào thân,

cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa.

Đừng trách trời gần, trời xa rất đúng với hạnh nhẫn nhục của Phật giáo, giúp người ta chấp nhận hiện tại, thấy được nghiệp quả là do lỗi ở mình, không móng khởi sân hận, ngăn ngừa nhiều duyên xấu về sau. Nhưng nhân quả không thụ động, không dừng lại ở đó. Vạn pháp do tâm sinh mà cũng do tâm diệt. Chấp nhận số phận hẩm hiu hay nghiệt ngã hôm nay nhưng vẫn tích cực làm những pháp lành để thay đổi tất cả ngày mai. Ngày mai này có thể ở ngay trong đời sống hiện tại. Tổ tiên ta chẳng nói “Đức năng thắng số” đấy sao. Chúng ta hoàn toàn làm chủ chính chúng ta. Nếu có trời hay tiền định, trời hay tiền định đó hoàn toàn dựa trên hồ sơ nhân quả của mỗi cá nhân. Bởi nên Phật đã dạy: “Chúng sanh ơi! Hãy tự thắp đuốc lên mà đi!” Thắp đuốc lên mà đi là tự ta quyết định số phận ta chứ không một ai khác. Tuy nhiên chúng sanh trong ba cõi nhiều hơn cát sông Hằng gấp bao nhiêu lần. Mỗi chúng sanh lại có một hồ sơ nhân quả riêng có thể trải dài đến vô lượng kiếp. Cái hệ thống, bộ máy nào trong vũ trụ ghi nhận từng hành động, lời nói, ý nghĩ của mỗi chúng sanh trong từng lúc rồi bỏ vào những hồ sơ nhân quả đó để quản lý, điều hòa và phối hợp cộng nghiệp, biệt nghiệp vô cùng chính xác, không nhầm lẫn để thưởng phạt tất cả hết sức công minh vậy? Đó là một ẩn số chưa trả lời được. Nhưng dù sao đi nữa phải công nhận là bộ máy hay hệ thống đó thật là thậm thâm vi diệu gấp trăm ngàn lần những máy vi tính có chức năng hiện đại nhất trong thời đại của chúng ta ngày nay.



Tài liệu tham khảo:

Kinh Pháp Hoa; Kinh Hiền Ngu; Kinh Pháp Cú;

Luận về Nhơn Quả, Thích Chơn Quang, NXB Tôn Giáo, 2004.

Lục Môn Thiếu Thất, NXB Tôn Giáo, 2000.




Thơ VŨ TIẾN LẬP


vô ký

căng tình lên mùa đông

mưa lũ lượt xâu xé

chiêu hàng tháng giêng bộc nỗi khó

độc dược vừa vỡ cay bờ môi

mặc khách giữa triều âm trùng điệp

mùi hương quỷ mỵ

thủy thần nào giam giữ

sóng chết cuối bờ mang nặng mưa

đêm nay mùa trăng gầy bất hạnh

đại dương động tình phút thiên thu

về đâu biển sao vừa thắp ngọn

chỗ an nhiên là ở cuối ga tầu

dù chốc lát cũng là buồn lánh mặt

đừng nuối tiếc đôi bàn tay quá nhỏ

khi tiếng cười rạn vỡ ánh tinh vân

em vẫn là

ta cố đợi

bóng từ nhan bàng bạc

dù ngày mai vô ký

lan man


phố ảo duới sương khuya

khơi dậy đôi cánh ẩn mình

gầy gió lao xao

một đời vay mượn

liều lĩnh trong cuộc chơi thiên diễn

tác thành và hủy diệt

bản hoài rất thực hiển nhiên

hay bí ẩn của lòng đang mê sảng

đôi tay sát thủ

treo ngược nỗi buồn

trên môi bế tắc

tùy nghi chiêm ngưỡng

bến cũ

mây thuần điệu nhớ

lất phất hạt mưa đông

con cá tích lội ngược giòng

ôi những ải sương rào chắn ngắn
đôi khi muốn ngủ vùi như loài sâu

đợi chờ mùa xuân trở lại


CUỐI ĐÔNG ĐỌC LUẬN TRUNG QUÁN



Chân Hiền Tâm




Đất Sài Gòn thì làm gì có xuân, hạ, thu, đông mà nói cuối đông đọc Trung Luận. Chỉ hai mùa nắng mưa qua lại. Nắng có khi chết người. Mưa lắm ngày Ngưu Lang Chức Nữ không thể gặp nhau. Vậy mà vẫn... cuối đông đọc Trung Luận. Trung Luận mà còn đọc được, thì cuối đông đọc Trung Luận không có gì ngạc nhiên. Nhi nhiên như dòng chuyển biến xuân, hạ, thu, đông. Như mưa rồi lại nắng, nắng rồi lại mưa ... Chừa một khoảng thời gian tiếp giáp, một chút không gian tịch mịch cho những hàng Trung Luận. Không định cái khoảng cuối đông này, Trung Luận dễ gì bày hiện trong những tất bật lo toan đời thời, hay trong bóng xuân đầy ngợp pháo hoa, bánh trái ...
Không sanh cũng không diệt

Không thường cũng không đoạn

Không một cũng không khác

Không đến cũng không đi
Sanh và diệt, sống và chết, hai trạng thái bắt đầu và chấm dứt của một hiện tượng hay một sinh vật... Thu đi, là thu diệt. Đông đến, là đông sanh. Đông tàn, là đông diệt. Xuân đến, là xuân sanh. Cứ vậy mà sanh sanh diệt diệt, sống sống chết chết. Chết thật nhiều nhưng sanh không ít. Cứ theo nghiệp lực mà đi, từ dạng này sang dạng khác, từ con người sang súc sanh v.v... Rất nhiều thứ đang rục rịch để mình biết sự sống đang còn, dẫy đầy không biến mất. Sanh rồi diệt, diệt rồi sanh, như bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Mưa rồi nắng ...

Vậy mà Trung Luận nói “Không sanh cũng không diệt, không đến cũng không đi...”

Đọc thì ai cũng đọc được, nhưng hiểu thì không mấy người hiểu. Hiểu thì có thể hiểu được, nhưng không mấy ai có thể ứng tác để họa thành thơ như Trúc Lâm Đại Đầu Đà:

Ngày nay, khám phá mặt Đông hoàng

Thiền bản, bồ đoàn, ngắm hồng rơi

Bộ mặt Đông Hoàng, tánh thực của xuân, hạ, thu, đông, mưa và nắng... Thứ đó không sanh cũng không diệt. Xuân thu không có đến đi. Đại sư Hám Sơn, khi còn trẻ, đọc được một bài kệ trong Triệu Luận, khởi nghi tình đối với nghĩa “bất chuyển” trong nhiều năm. Đến khi khắc lại luận đó, đọc lại bài kệ, hoát nhiên đại ngộ. Đứng lên lễ Phật thì thấy thân mình không có tướng lễ xuống hay đứng lên. Nhìn trời, thấy gió thổi lá rơi mà lá không có tướng nào động. Tiêu tiểu nhưng không thấy nước có tướng lưu chuyển... Mới nhủ với mình “Nếu chỉ dùng cái tri thức đây để hiểu, mà không phải là chân tham ngộ, thì không thể không khỏi nghi”. Đúng là không có sự trải nghiệm thì không thể hiểu những gì hiện hữu không theo sự thường tình. Và như nhắn với mọi người “Động tịnh đến cùng cực không dễ gì nói cho người khác tin. Những lời nói ấy, chỉ cốt người lìa ngôn nhận ý, không chấp theo ngôn từ mà đánh mất ý chỉ”. Những lời nói ấy, chỉ cho bài kệ mà Đại sư Hám Sơn ngộ được từ ngài Tăng Triệu:



Gió bão bay núi mà thường tịnh

Nước sông đổ gấp mà chẳng trôi

Bụi trần lăng xăng mà chẳng động

Trăng qua bầu trời mà chẳng đi
Mấy ai trong cõi nhân gian thấy được gió bão, bụi trần lăng xăng mà vẫn không động? Chỉ thấy xuân, hạ, thu, đông rồi xuân, hạ, thu, đông ... Xuân đến rộn ràng, bướm lượn chim ca. Đông sang u ám, gió lạnh cô lòng. Tình cảm theo đó như nước thủy triều, lênh lênh láng láng. Bầu thơ túi rượu nương đó ngút ngàn, vui buồn theo cảnh vật đổi dời. Tĩnh lặng bên trong nhường chân cho niệm tưởng lăng xăng. Cảnh động bên ngoài, thêm đầy vơi được mất. Không có chỗ để tịnh mặc. Không còn chỗ cho tâm yên. Bởi đó, không thể nào nhận được trong cái động, động mà vẫn tịnh. Trong cái tịnh, tịnh không lìa động. Tịnh động làm duyên cho nhau cùng sinh khởi. Tịnh duyên động còn chưa có phần, bộ mặt thật Đông hoàng làm sao nhận được?

Nghiệp thức của phàm phu, chỉ thấy được mặt lưu chuyển của vạn pháp. Xuân đến, xuân đi, thu tàn, đông đến. Mọi thứ đang rộn ràng nhộn nhịp. Nhị thừa, nhận được mặt không tịch của vạn pháp. An trụ trong niết bàn tịnh lạc. Không còn thấy đổi dời. Không còn có xuân thu. Chỉ một trời an lạc bình yên. Phàm phu đuổi theo cái sanh. Nhị thừa trú trong cái diệt. Chỉ bậc “không thánh không phàm” mới nhận được mặt động tịnh không hai. Sanh tử tức niết bàn. Gió bão bay núi mà thường tịnh, trăng qua bầu trời mà chẳng đi... Đi đi đến đến mà chưa từng đi đến. Sanh sanh tử tử mà chưa từng tử sanh. Bởi vậy, vào trong sanh tử mà không nhuốm màu sanh tử. Được mất dẫy đầy mà không vướng mắc buồn vui.

Thánh Nhị thừa chứng nghiệm cõi này vô thường tạm bợ. Không đợi thánh Nhị thừa mới chứng nghiệm được điều đó. Những kẻ lang thang phố chợ như mình cũng thấu được như ai. Không có gì còn hoài. Không có gì đứng yên. Sinh ra, lớn lên rồi chết. Chỉ là sớm hay muộn, lâu hay mau... Cuộc đời quả vô thường. Ừ, không thường chút nào! Không thường nhưng không đoạn. Chỉ là sự thay hình đổi dạng. Chết, để có một đời sống khác. Bởi vòng nghiệp lực vẫn còn. Thành đừng nghĩ chết là hết mà buông trôi rồi... hối tiếc. Chết chưa hết. Mọi thứ đang tiếp diễn. Vòng nghiệp lực đang xoay. Bởi thế, đông dù u ám bao nhiêu cũng đừng chơi dại mà tự tử. Khổ đau một trời đâu đã thoát...

Chết, nhưng không phải ngay lúc chết ấy mới chết. Hắn đang chết từng giờ, từng phút, từng giây, trên từng sát na. Chính cái chết trong từng sát na mà mình trưởng thành, lớn lên, già và... chết. Phật nói “Niệm trước diệt làm duyên cho niệm sau sanh”. Cái trước phải diệt, cái sau mới sanh. Niệm trước không diệt, niệm sau không thành duyên để sanh. Đó cũng là một trong những cái nhìn của các nhà Duy vật biện chứng: Qui luật phủ định của phủ định. “Một sự phủ định làm tiền đề tạo điều kiện cho sự phát triển, cho cái mới ra đời thay thế cái cũ. Đó là sự phủ định biện chứng... Một loại phủ định có kế thừa”. Thân tâm mình không phải là một khối bất di bất dịch. Nó là một dòng chuyển biến liên tục. Nhưng mình không thấy điều đó. Mình không thể thấy thân mình trước hai giây và sau hai giây không còn như nhau. Đã có sự chuyển biến. Chúng không còn là một. Không phải một nhưng không phải khác. Bởi không ngoài một con người. Không chỉ với thân tâm, mà với bất kỳ pháp nào có mối liên hệ nhân duyên mật thiết với nhau ở thế gian cũng đều như thế. Chuyển biến và chuyển biến. Chính vì cái chuyển biến đó mà Phật nói các pháp không tánh. Không tánh nên không pháp nào có thật, chỉ như giấc mộng đêm qua. Đủ duyên thì hiện, hết duyên liền không. Chuyển biến và chuyển biến... quanh một cái không chuyển biến. Trung Luận mới bàn “Không thường cũng không đoạn. Không một cũng không khác”.

Cuộc đời vốn là thế. Không thường cũng không đoạn. Không một cũng không khác. Không đến cũng không đi. Không sanh cũng không diệt... Hội chăng?

Xuân đi trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa cười

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một nhành mai

(Thiền sư Mãn Giác)


Một nhành mai cho suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, mưa và nắng. Chuyện lạ của thế gian. Nhưng có gì lạ. Bánh chưng dưa hấu bốn mùa giờ đã có đủ. Chỉ cần khoa học tiến bộ, mai vàng xuân, hạ, thu, đông có khác gì!Ối! Ối! “Những lời nói đó, chỉ cốt người lìa ngôn nhận ý, không chấp theo ngôn từ mà đánh mất ý chỉ”. Cuối đông đọc Trung Luận, cũng là đọc cho ra cái Trung Luận của chính mình. Nào ở mấy chữ này mà nói cuối đông đọc Trung Luận. Rõ là ...







Thơ TÔN NỮ THANH YÊN
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương