NHƯ MỘt lời mờI


BẢY LỜI CỦA ĐỨC MARIA & ĐỜI SỐNG LINH MỤC ( tt)



tải về 0.51 Mb.
trang12/13
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích0.51 Mb.
#33080
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   13

BẢY LỜI CỦA ĐỨC MARIA & ĐỜI SỐNG LINH MỤC ( tt)



. LỜI CỦA ĐỨC MARIA
Tuổi mười hai mười ba đối với một trẻ em là một sự kiện quan trọng. Theo tiến trình sinh học tự nhiên, tuổi này khép lại những tháng năm thơ ấu, để chuẩn bị bước vào tuổi lớn hơn với những biến đổi tâm sinh lý khác hơn, cùng với những hạt mầm băn khoăn mơ ước đan xen đang nẩy mầm đợi chờ vươn lên. Hình như Phạm Duy có bài hát “tuổi thần tiên” viết tuổi này với câu mở đầu: “em ước mơ gì tuổi mười hai tuổi mười ba” và khối Anh-Mỹ cũng coi tuổi này như bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc sống làm người gọi là tuổi teen, từ 13 thirteen cho đến 19 nineteen. Nhưng tuổi mười hai mười ba đối với một trẻ em nam người Do Thái không chỉ là một sự kiện thuộc về nhân sinh như trên, mà còn là một biến cố thuộc về nhịp sống tôn giáo. Cứ được mười ba tuổi là em phải tham dự các cử hành phụng tự nơi hội đường và phải chính thức tuân thủ lề luật cha ông trong đó có luật hành hương lên Giêrusalem vào những dịp lễ (lễ Vượt Qua, lễ Mùa gặt và lễ Lều), để từ đó em được gọi là bar miswàh “con của điều răn”.

Như thế, việc trẻ Giêsu theo cha mẹ hành hưởng lên Giêrusalem dự lễ năm 12 tuổi là một biến cố bình thường theo Do Thái giáo, nhưng đi lễ rồi lại đi lạc đâu đó thì không còn là biến cố nữa mà theo ngôn ngữ hiện hành phải là một sự cố gây xôn xao lo lắng kiếm tìm.



1. Từ sự cố trẻ Giêsu ở lại Đền Thờ

Vâng, đúng là một sự cố theo cách nhìn truyền thống của người Công Giáo qua ngắm thứ năm phép lần hạt Mân Côi năm sự vui là “Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong Đền Thánh”, bởi vì có lạc mất nên mới đi tìm và có đi tìm nên khi gặp mới gọi là tìm được. Sự cố này như thánh Luca mô tả được diễn tiến khá dồn dập qua nhiều bước nối tiếp nhau:



Bước một: “Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu Giêsu thì ở lại Giêrusalem mà cha mẹ chẳng hay biết”. “Đi đến nơi, về đến chốn”, đó là lời khuyên cửa miệng bậc cha mẹ thường dành cho con cái, nhất là con cái tuổi học trò, vì đường đi của chúng không tách bạch như người lớn. Chả thế mà người ta vẫn bảo: đường ngắn nhất là đường chim bay, còn đường dài nhất chính là đường của học trò. Vì học trò ở tuổi đi học lại thích chọc hoa bắt bướm nên tan trường từ hồi mặt trời đứng bóng mãi tới khi xế bóng mới về tới nhà. Xem ra thời nào cũng thế, các bậc phụ huynh biết rất rõ. Thế nhưng việc cậu Giêsu đi lễ Giêrusalem rồi ở lại Giêrusalem không thuộc loại chọc hoa bắt bướm hồn nhiên tuổi học trò, mà xem ra lại đầy ý thức trong sứ vụ lên đền. Có thể nói sự cố không hệ tại việc cậu ở lại Giêrusalem cho bằng việc cậu ở lại mà không cho cha mẹ mình hay biết. Nếu biết trước, Giuse và Maria chắc vẫn lo, nhưng là lo liệu, còn không biết trước như trong trường hợp này thì chỉ có sự lo lắng chiếm ưu thế, nên biến cố này mới được gọi là sự cố và được nhìn như là Giuse và Maria để lạc mất con giữa cuộc hành trình. Kịch tính chính là đây.

Bước hai: “Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc”. Độc giả tân tòng tiếp cận lần đầu với trang Tin Mừng thuật lại biến cố này thường có chung một tâm sự không nói ra nhưng khi được gợi ý thì nhao nhao vào cuộc trách móc: sao cậu Giêsu lại vô tư đến thế khi không cho cha mẹ hay biệt việc mình làm? Và sao hai ông bà cũng vô tình đến thế, để lạc con mà mãi sau một ngày đường mới khám phá ra? Tâm sự này rất thật và chừng như cũng rất quen, dựa trên tình yêu lễ phép của con cái đối với cha mẹ va dựa vào tình yêu bổn phận của cha mẹ đối với con cái. Nếu cha mẹ có quyền đòi con cái giải thích sự việc thì con cái cũng có quyền chờ đợi nơi cha mẹ một sự hỗ trợ cần thiết để sự việc được hoàn thành. Đàng này, chả bên nào nói với bên nào, nên nỗi lo khi khám phá mất con lại càng gia tăng khi đôn đáo kiếm tìm, từ đi lại ngược xuôi tới hỏi han không ngớt, từ quan sát trước sau tới nhận diện không ngừng, từ nơi những mối liên hệ gia đình bà con ruột thịt cho đến những mối tương quan bạn bè thân thích. Vô vọng và vì thế, kịch tính của sự cố cũng gia tăng.

Bước ba: “Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm. Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đề Thờ”. Không biết thánh Luca khi tường thuật biến cố này có quan tâm xây dựng cốt chuyện cho hấp dẫn không, nhưng để cho những sự kiện ngồn ngộn tiếp theo nhau, ngài đã khéo léo dẫn đến hồi kết thúc được xem là có hậu thở phào: cuối cùng thì Giuse và Maria đã gặp lại người con thân yêu. Lạc mất, kiếm tìm và gặp lại là ba động tự chủ đạo của trình thuật này. Không loại trừ tài năng tường thuật của thánh sử, thú thật, người ta cứ bị cuốn hút vào hành trình tìm con của hai ông bà, một phần vì đường xá xa xôi vất vả và một phần khác vì thời gian lâu lắc những ba ngày nên nỗi lo lắng hoang mang kiếm tìm xem lại càng hoang mang lắng lo thêm khi gặp lại, nhất là với lời đối thoại mẹ - con trong đền thờ và việc hai ông bà không hiểu lời trẻ Giêsu nói. Lại thêm một yếu tố kịch tính nữa để biến cố cuối cùng thời thơ ấu của Chúa Giêsu trở thành một sự cố đặc biệt.

2. Đến lời đối đáp giữa hai mẹ con

Nối kết những bước đi của trình thuật, yếu tố kịch tính đã rõ ràng, nhưng chính trong lời đối thoại mẹ - con phút đầu gặp lại, người ta mới thấy hết những éo le của sự cố đặc biệt này.

Sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!”. Lời thứ năm của Đức Maria có một vị trí khá lạ. Trước hết, đó là lời Mẹ nói trực tiếp với Chúa Giêsu. Khác với bốn lời trước vốn là những lời trao đổi hoặc chào hỏi, ca khen dành cho những bậc vị vọng bậc trên về tuổi tác hoặc về vị thế và cao nhất là chính Thiên Chúa, còn lời này dẫu là lời thứ năm trong đời nhưng lại là lời đầu tiên Mẹ ngỏ cùng người con thân quý nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa, đã từng chia ngọt sẻ bùi trong suốt tuổi thơ hạnh phúc. Tất nhiên suốt tuổi thơ của trẻ Giêsu tại gia đình, Đức Maria đã nhiều lần nói với con mình như lời ru à ơi truyền thống vẫn hát lên vào mùa giáng sinh, như tiếng vỗ về dạy dỗ được diễn tả trong phúc âm ngụy tác, hoặc như những sáng tác văn thơ cách riêng về thời lưu lạc nơi đất khách quê người Ai cập, nhưng trong Phúc Âm chính lục, đây chính là lời duy nhất Đức Maria dành cho trẻ Giêsu, con mình khi vừa tìm gặp trong Đền Thờ, để trở thành lời duy nhất của Mẹ cho con trong suốt hành trình tuổi thơ Giêsu.

Đặt trong ngữ cảnh này, đây còn là lời mang nhiều sắc thái tình cảm pha trộn với nhau, trong đó sự cực lòng lo lắng vất vả kiếm tìm được Đức Maria trực tiếp nói ra, còn sự bàng hoàng trách móc lại được độc giả Tin Mừng gián tiếp đoán được trong cung giọng của lời. Cũng dễ hiểu thôi. Nếu gia đình là cung thánh của sự sống, là trường lớp dạy yêu thương và là mái ấm thấm đẫm mẫu gương, thì gia đình thánh Chúa Giêsu Mẹ Maria và thánh Giuse từ đầu đến giờ đã là và vẫn là môi trường thể hiện bậc nhất của những hình ảnh tuyệt vời ấy, thế mà chỉ qua một biến cố được xem là sự cố, những hình ảnh tốt đẹp kia bỗng dưng trở thành khó hiểu. Người trong cuộc gần gũi như Đức Maria và thánh Giuse còn không hiểu nữa là người ngoài cuộc và ở xa trong thời gian như độc giả Thánh Kinh hôm nay.

Nhưng lạ hơn cả là hình thức của lời thứ năm được gói ghém trong câu hỏi “tại sao?” vốn là một câu hỏi quay quắt nhất của ngôn ngữ con người, vì người hỏi muốn truy tìm nguyên nhân của sự việc xảy ra và để trả lời người đáp phải đưa ra những bằng chứng phù hợp về suy luận và thuyết phục về tâm tình, để kết quả tối ưu phải là khẩu phục tâm phục mới có thể gọi là đối thoại tích cực. Khi hỏi “Sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Đức Maria, như bao cha mẹ trần thế khác, chờ đợi một lời giải thích minh nhiên, nhưng điều không chờ đợi đã đến.

Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”. Nói theo ngôn ngữ đường phố, câu trả lời của trẻ Giêsu được coi như một gáo nước lạnh làm tắt đi bao nhiêu nhiệt tình. Độ lạnh đầu tiên chính là tầm vóc của câu nói. Nếu câu hỏi của Đức Maria là lời đầu tiên và duy nhất gửi đến trẻ Giêsu thời thơ ấu, thì câu trả lời cũng là lời đầu tiên và duy nhất của trẻ Giêsu trong thời thơ ấu dành cho cha mẹ Người. Người ta lấy làm lạ là tại sao trẻ Giêsu lại đưa ra câu trả lời xem ra lạnh lùng như thế, nhưng càng lạ bao nhiêu, người ta lại càng thấm thía về thân thế thiên linh của Người, nhất là khi đặt song đối giữa chữ “cha con” viết thường trong câu hỏi và chữ “Cha con” viết hoa trong câu trả lời. Trẻ Giêsu là Con Thiên Chúa làm người, là Ngôi Lời nhập thể và ngay từ tuổi thơ, Người vẫn luôn ý thức về thân thế và sứ vụ của mình.

Độ lạnh thứ hai được ghi nhận trong nội dung câu trẻ Giêsu nói với cha mẹ trần thế. Nếu đã ghi nhận sự hiện diện của cung giọng trách móc nơi câu hỏi, thì cũng thấy trong câu trả lời có một sự trách móc đáp lại. Đối nhau chan chát. Cha mẹ trách con sao ở lại Đền Thờ không cho cha mẹ hay biết để phải cực lòng tìm kiếm; con trách lại cha mẹ sao phải tìm kiếm con khi con đang ở trong Đền Thờ là nhà Cha con. Ông nói gà bà nói vịt. Câu hỏi nhắc đến Đền Thờ như địa chỉ vật thể nơi hành hương vào dịp lễ, còn câu trả lời lại nói Đền Thờ như nếp nhà thường hằng từ muôn đời Chúa Cha và Chúa Con đồng bản thể ở với nhau. Cũng cần ghi nhận là trong câu trả lời, trẻ Giêsu nói rất mạnh: “Cha mẹ không biết là con cần phải ở nhà của Cha con sao?”. Đây không phải là một lựa chọn ngẫu nhiên tùy hứng mà chính là một đòi hỏi thuộc về bản tính, cho dẫu đó là bản tính của Con Thiên Chúa làm người.

Một độ lạnh khác chính là hình thức của câu trả lời. Thay vì đưa ra lý do giải trình, trẻ Giêsu lại đưa ra một câu hỏi vặn lại, khiến cung giọng đã lạnh lùng bỗng hóa nên lạnh lùng hơn. Lại đối nhau nữa. Câu “tại sao?” hỏi, câu “tại sao?” trả lời. Nhiều nhà chú giải Thánh Kinh đã có công cho biết cùng với lời nói đầu tiên của trẻ Giêsu cũng còn là hành động đầu tiên của Người. Trước đây Phúc Âm thời thơ ấu chỉ tường thuật trẻ Giêsu ở ngôi thứ ba số ít, trong biến cố này qua câu trả lời, trẻ Giêsu đứng lên trong ngôi thứ nhất số ít như hành vi diễn tả bí mật thâm sâu cuộc đời Người. Trẻ Giêsu biết mình là Con Thiên Chúa và luôn ý thức phải liên kết với ý muốn của Thiên Chúa, được biểu lộ qua sự vâng phục của Người đối với đường lối của Cha mình.



3. Để sáng lên lời mời gọi vượt qua

Như vậy, phân tích việc Đức Maria tìm được Chúa Giêsu trong Đền Thánh, từ sự cố cho đến lời đối thoại giữa hai mẹ - con, nhất là hữu ý cho thấy sự song đối chan chát giữa câu hỏi của Đức Maria và câu trả lời của trẻ Giêsu, người ta thấy sáng lên những lời mời gọi.

Lời mời gọi dễ nhận ra nhất nằm ngay trong tổng thể của biến cố với ba động từ chính yếu: lạc mất, kiếm tìm và gặp lại. Đức Maria đã đảm lĩnh biến cố này với tất cả nhiệt tình của Mẹ.

Việc lạc mất trẻ Giêsu, Mẹ không có trách nhiệm, vì trẻ Giêsu tự ý ở lại Đền Thờ mà Mẹ không hay biết. Một người chỉ bị quy trách khi hoàn toàn ý thức và tự do về việc làm của mình, đàng này Đức Maria có biết chi đâu. Không phải trách nhiệm, đồng ý, nhưng có đáng trách? Thực ra, cũng chẳng đáng trách nữa, vì những gì tốt nhất hai ông bà có thể làm được cho trẻ Giêsu thì họ đã làm với cả tâm tình rồi, còn đây chỉ là một sự cố ngoài ý muốn cho cả đôi bên: bên trẻ Giêsu cũng như bên cha mẹ của Người.

Việc gặp lại trẻ Giêsu trong Đền Thánh có thể cho ta cảm giác sững sờ không phải vì kết thúc câu chuyện có hậu mà vì tình huống trong đó Đức Maria không vui trọn vẹn. Mủi lòng và chưng hửng. Trong kết thúc dường như đã mở ra một chân trời mới với những băn khoăn thể hiện qua câu hỏi “tại sao?” chưa được trả lời dứt khoát. Tương lai mới biết.

Chỉ còn việc kiếm tìm trẻ Giêsu là biểu lộ rõ nhất nhiệt tình của Đức Maria và thánh Giuse. Luôn luôn họ có mặt bên nhau dưới kiểu nói “hai ông bà” làm chủ từ cho những động thái đôn đáo kiếm tìm vất vả ngược xuôi. Ba ngày đường tương đương với ba ngày Chúa Giêsu chịu an táng trong mồ. Nếu nói đến trách nhiệm, thì đây là trách nhiệm cao nhất hai ông bà đã làm để tìm gặp lại người con thân quý, cho dẫu người con ấy như đang lìa xa họ để bước vào đường sứ vụ.

Nhiều khi vì muốn đào luyện con người, Thiên Chúa xem ra cũng thử lánh mặt để con người chứng minh bằng việc tìm kiếm, rồi cuối cùng Người cũng cho gặp lại trong Đền Thờ của Người.

Lời mời gọi khó nhận ra hơn hẳn lại ẩn chứa trong lời đối đáp của Đức Maria và trẻ Giêsu. Đặt trong tình huống, hình thức “tại sao?” của câu nói đôi bên đã khó quan niệm rồi, huống chi nội dung xa xăm huyền nhiệm với nét nhấn nhá cố tình trong kiểu nói “con cần phải ở trong nhà Cha con” vốn ám chỉ nẻo đường thương khó và việc chu toàn thánh ý. Thảo nào hai ông bà chẳng hiểu mô tê lời trẻ Giêsu nói. Nhưng cũng chính đó cho hay Chúa Giêsu muốn cho người thân của mình sống cách biểu tượng mầu nhiệm thương khó và phục sinh Người sẽ thực hiện, trước khi sống thực sự mầu nhiệm này. Thật ra mọi sự cố trong đời Đức Giêsu đều ít nhiều diễn tả mầu nhiệm trung tâm này.

Người ta được mời gọi ở đây để nhận biết rằng mọi biến cố bình thường thậm chí tầm thường tẻ nhạt trong đời mình sẽ có ý nghĩa khi giúp mình sống mầu nhiệm Vượt Qua, nghĩa là nỗ lực đi từ cuộc sống này mà vào sự sống của Thiên Chúa.

II. LỜI THỨ NĂM VÀ ĐỜI SỐNG LINH MỤC

Lời thứ năm của Đức Maria đúng là một lời quay quắt se lòng, nhưng sự kiện mà lời này nói lên đúc kết lại chỉ là việc “cha mẹ lo lắng tìm con”. Đúc kết ấy có thể dọi chiếu điều gì trên đời sống linh mục hôm nay, cách riêng trong lãnh vực mục vụ, khi linh mục nhìn lại mình trong bóng dáng của “mục tử lo lắng tìm kiếm những chiên lạc đàn”?



1. Sứ mạng tìm kiếm chiên lạc

Một trong những chủ đề ít được nói đến cách độc lập trong các tài liệu huấn quyền, mà thường chỉ được nhắc đến như một phụ trương “nhân tiện” khi bàn về nhiệm vụ mục tử, đó là việc chăm sóc mục vụ cách riêng dành cho những người vì lý do này hay lý do khác không còn giữa đạo đầy đủ hoặc không còn gắn bó với Giáo Hội nữa. Có nhiều lý do, nhưng lý do lớn hơn cả được nêu ra là số mục tử còn không đủ để phân bổ chăm sóc những chiên trong đàn, lấy đâu ra nhân sự lo toan ch những chiên lạc đàn. Giữ người ở lại, ai giữ người đi. Phục vụ 99 con chiên đang lớn mạnh đã bở hơi tai và choán hết thời giờ, lấy đâu ra sức mà lặn lội kiếm tìm một con chiên lạc. Nghe co1s vẻ thuận lý trên quan điểm thực tế, nhưng xem ra không ổn trên quan điểm thực chất của việc mục vụ và trên quan điểm linh đạo của linh mục triều là nên thánh bằng việc mục vụ. Vì thế dưới ánh sáng lời thứ năm của Đức Maria, xin được cùng với quý cah nhận diện lại tầm vóc đúng mức của việc tìm kiếm chiên lạc này.

Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Không phải vì có Giáo Hội rồi mới có hoạt động truyền giáo, mà vì có sứ mạng truyền giáo được Đấng Phục Sinh trao phó, nên mới có việc thành lập Giáo Hội để lên đường thực thi sứ mạng. Điều này quý cha hơn ai hết biết rất rõ. Thuộc về bản chất của Giáo Hội như thế, nên Giáo Hội lúc nào cũng canh cánh bên lòng với sứ vụ truyền giáo của mình, khi thuận tiện hoặc khi không thuận tiện. Bất chấp. Nhưng sứ vụ truyền giáo ngày nay đang cần những định hướng phù hợp. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhạy cảm với thời đại để đưa ra những đường hướng mới a6s1y, gọi là cuộc “tân phúc âm hóa”, nghĩa là nỗ lực truyền giáo bằng một nhiệt tình mới, với những phương tiện mới, nơi những địa chỉ mới. Đồng thời ngài cũng nhấn mạnh đến việc “tái truyền giáo”, trong đó đối tượng không chỉ là lương dân theo truyền thống ngàn xưa, mà còn là những người đã có lúc vào đạo nhưng nay không còn giữ đạo nữa. Bỏ đạo hoặc xa đạo. Một giám mục người Bỉ đã phát biểu rất hay rằng: “truyền giáo hôm nay không chỉ nhắm đến việc rửa tội cho những người hoán cải, mà còn phải quan tâm hoán cải những người đã được rửa tội”. Như thế, chính trong đối tượng truyền giáo của Giáo Hội, người ta gặp thấy những con chiên lạc đàn.

Hơn nữa, công bình mà nói về trách nhiệm mục vụ của mục tử tại một địa phương, người ta cũng thấy cần ghi nhận một lối nhìn mới, đó là không coi những người xa rời đức tin trong địa bàn giáo xứ mình coi sóc như những phần tử xa lạ, mà ngược lại nên coi sự hiện diện của họ như thành phần của Giáo Hội địa phương, cho dẫu hôm nay thành phần ấy đang gây nhức nhối khó khăn. Không phải vô tình mà trong thống kê hằng năm của giáo xứ, các cha biết tỷ lệ người công giáo trên số dân, và không quên con số những trường hợp hoán cải trên tổng số thành quả truyền giáo, mà hữu ý để nắm bắt tình hình chung cũng như lượng giá múc quan tâm đặc biệt dành cho những con chiên lạc. Thực ra, trong sứ vụ nhận được ngày lãnh chức thánh, các chiên lạc đã hàm chứa trong cộng đoàn được giám mục trao gởi cho linh mục, nhưng chỉ với bài sai về một nơi nhất định, các chiên lạc tại đấy mới trở thành đối tượng chăm sóc mục vụ đặc biệt này. Gánh không nhẹ đâu.

Ngoài ra, hơn lúc nào hết, việc mục vụ cách riêng cho những chiên lạc đàn đang trở thành cấp bách. Tại những nước tiên tiên, cùng với việc đô thị hóa và kỹ nghệ hóa, kéo theo những biến động dân cư, phá vỡ đi cấu trúc gia đình truyền thống làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt đạo đức tại các xứ đạo, từ đó đẩy một số giáo dân đến tình trạng xa đạo dần dần rồi nhạt nhòa tắt ngúm. Tại Việt Nam hôm nay, nơi các giáo xứ lớ nhỏ thuộc thành phố hay thôn quê, người ta đều thấy xuất hiện một số gọi chung là di dân, những người từ nơi khác mà đến. Hoàn cảnh không tiện để họ cho thấy dấu hiệu mình là công giáo, nhưng bất chợt vào dịp Maria chay cưới hỏi mới biết là giáo dân từ nơi khác đến. Chiên lạc ngày nay cũng khó biết lắm, bởi lẽ chiên đâu có điều kiện ổn định để ý thức mình thuộc đàn nào đâu mà nói lạc hay chẳng lạc. Tội nghiệp. Đáng trách hay đáng thương? Họ cần được tìm kiếm hơn là bị rượt chạy có cờ. Hình như “chiên lạc” chỉ là kiểu nói của những thành phần ổn định đối với những thành phần bất ổn thì phải, nhưng coi chừng kiểu nói mang tính “đối chiếu” này trong thực tế có thể dẫn đến tình cảm “đồi đầu” để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Như vậy, việc tìm kiếm những con chiên lạc không phải là việc làm thêm mà là việc cũng quan yếu như việc chăm sóc những con chiên ngoan đạo. Vì đối tượng truyền giáo không loại trừ họ, vì sứ vụ mục tử tại địa phương không xem thường họ và cũng vì họ cách nào đó ở trong điều kiện sống đáng thương. Xét cho cùng, chiên lạc có thể là vấn đề mục vụ nhức nhối, nhưng tìm kiếm chiên lạc lại là cách giải quyết vấn đề ấy một cách rốt ráo theo Tin Mừng.

Khi đang chuẩn bị đề tài này, văn phòng tòa giám mục chuyển đến cho tôi một hồ sơ hôn phối để xác nhận theo yêu cầu của cha quản hạt, vì cha sở mới được thuyên chuyển đến không biết rõ trường hợp nên thẳng tay từ chối. Hồ sơ ấy của một nữ di dân công giáo từ bắc trôi dạt vào nam đi làm kiếm sống. Cũng là một thứ chiên lạc “thời thế thế, thế thời phải thế”, nên mới gặp khó khăn khi xin cử hành lễ cưới, dù chứng chỉ học giáo lý với mộc đỏ khả tín đường hoàng. Tôi ký thuận sau khi xin ý kiến của linh mục chuyên viên, nhưng cứ thấy trĩu nặng tâm sự. Giá mà cha sở kia quan tâm hơn nữa đến mục vụ dành cho chiên lạc và giá mà con chiên lạc này biết quan tâm đến giáo xứ nơi mình làm việc nhiều hơn, có lẽ tình hình sẽ khác. Thêm thiện cảm phía này và bớt mặc cảm phía kia, vấn đề sẽ được giải quyết ổn thỏa, mục tử và con chiên vui vẻ đôi đàng.

2. Những bóng dáng chiên lạc hôm nay

Mục vụ cho những chiên lạc là cần thiết, nhiều linh mục đã và đang hao mòn sức lực cũng như tâm lực để tìm đến với những thành phần Giáo Hội bị lãng quên này. Trong tổng thể, những chiên lạc đàn cũng là những người nghèo một cách nào đó về phương diện thể hiện đức tin, về phương diện luật đạo hoặc về phương diện chu toàn nhiệm vụ công giáo; nhưng trong thực tế của giáo xứ, có thể nêu lên vài bóng dáng tiêu biểu “khi ít khi nhiều khi nào cũng có”.

Phải kể đến trước hết những người trên danh nghĩa là công giáo, nhưng trong đời sống chẳng có gì minh họa cho căn tính của mình. Trong sổ rửa tội, thêm sức và hôn phối, họ đường đường là một giáo dân có quyền xin trích dọc trích ngang lý lịch tôn giáo đầy đủ; nhưng ngoài đời, họ không có gì phân biệt với những người hàng xóm ngoại đạo, thậm chí còn có điều tệ hơn. Như một bà công giáo nọ ở Tp. làm chủ chứa bị chụp hình đăng báo ê mặt, như một bà công giáo khác ở tỉnh đem hai con gái đi bán cái đáng giá nghìn vàng lấy hai chỉ vàng xài chơi, hoặc như một anh công giáo khác trong xứ đạo truyền thống bỗng nảy sinh ước vọng làm giàu chớp nhoáng nên đã dấn mình vào đường dây chuyên chở Maria túy tới lúc bị bắt người nhà mới hay. Kể ra thì nhiều, càng nhắc tới càng cay đắng. Đó là những người phạm tội bị công khai hóa trước dư luận. Mặc kệ tòa trong chỉ Chúa biết, còn mục tử ở tòa ngoài nên coi đây như những con chiên đã lạc xa đàn, dẫu hộ khẩu vẫn còn ở giữa đàn, để có hình thức mục vụ tương hợp.

Cũng thuộc dạng này phải kể đến một số người khó khăn hơn, đó là những kẻ chọn lập trường “tin Chúa nhưng không tin Giáo Hội”, tuyên bố mình không tin cha cụ nào cả. Đi tìm nguyên nhân chắc sẽ thấy tiềm ẩn một sự bất mãn hoặc tức thời hoặc thâm căn cố đế di truyền từ đời nọ sang đời kia. Các cha dư biết đây là những chiên lạc khó khuất phục nhất, mà công sức mục tử bỏ ra không thể “tẩy sạch vết bẩn cứng đầu chỉ sau một lần giặt” như kiểu quảng cáo có bột giặt Omo, mà nhiều khi có cảm tưởng phí hoài thời gian công cốc. Thôi thì cứ làm hết cách với những phương tiện có thể. Thời gian là liều thuốc nhiệm mầu, ơn Chúa là nhịp cầu tác động, còn hoạt động mục vụ chỉ là những bước dọn đường. Tới lúc Chúa muốn và bằng cách Chúa muốn, biết đâu những chú chiên lạc này sẽ trở thành những con người mới không biết chừng. Có thể coi thánh Phaolô thuộc loại này, từ bắt đạo hăng say sang giảng đạo cuồng nhiệt. Chúa làm.

Có lần đến Thêm sức tại một giáo xứ, tôi thas61y trong số những thanh niên tích cực lo liệu việc chung có một ông đầu bạc hơn tuổi những thanh niên khác. Lấy làm lạ tôi tìm hiểu và được biết quá khứ của ông ấy là một chiên lạc cỡ bự thuộc loại bảo kê đường dài khét tiếng, nhưng chỉ vì “cảm cái tình của cha xứ” không coi thường ông, nên ông quyết tâm giã từ vũ khí đầu quân làm việc thiện, torng đó có việc làm chứng giữa cộng đoàn. Mục vụ với những con chiên lạc là mục vụ thuộc về tâm hồn.

Một số những chiên lạc âm thầm hơn và chứng như cũng đông hơn tại Việt Nam, có lẽ là những người vì ngăn trở hôn phối không được thông công đời sống bí tích cộng đoàn, nên mới đầu là ngượng ngập sau là ngại ngùng rồi dần dà khi con cái lớn lên không chịu nổi ánh mắt mang hình viên đạn của những người đồng đạo nên lánh mặt trốn khỏi sinh hoạt của giáo xứ luôn. Như chị A xóm trên lập gia đình với một cán bộ không có hôn phối đạo rồi lặng lẽ rút êm; như anh B xóm dưới ăn cơm trước kẻng bị xử lý đám cưới âm thầm, từ đó cũng sống âm thầm luôn; như chị C xóm nhỏ điêu tàn đã ly dị lại tái hôn mắc cở chẳng muốn gặp ai; như ông D xóm ruộng làm nghề giết mổ, có lẽ vì đọc nhầm câu “gia đình hai con, vợ chồng hạnh phúc” thành “gia đình hai con vợ, chồng hạnh phúc”, nên bê luôn một lúc hai chị em ruột theo kiểu “mía tốt đánh cả cụm”, rồi di dời vào khu ruộng bìa để yên ổn cảnh “một mái nhà lá, ba trái tim vàng” người phay thịt người làm chả gói nem chẳng ai dòm ngó.

Những con chiên lạc kiểu này thường được gọi chung là “rối” khó gỡ, nhưng không phải vì không gỡ được nên buông họ cho lối sống “măckênô”. Nếu Giáo Hội mới đây có đưa ra một số hướng dẫn mục vụ cho những trường hợp ly dị tái hôn, thì chẳng phải vì lối sống hợp tan ấy được đánh giá mà chỉ vì muốn chăm chút tìm kiếm và bênh đỡ những con chiên lạc.

Cuối cùng không thể không nhắc đến một cách tổng quát những con chiên lạc vì lương tâm yếu đuối hoặc vì hoàn cảnh nên không sống đời công giáo một cách đầy đủ được. Như những người đang gặp thử thách gây chao đảo đức tin lấy một mối lợi vật chất hoặc một vị thế thực dụng; như những người lòng theo Chúa nhưng lại sợ liên lụy với Chúa nên dẫn vào đời mình kiểu sống “đạo đời điên đảo đá đưa đôi đàng”.

Những trường hợp này thường gặp nơi những con chiên nhút nhát, nên chỉ cần một bàn tay nhẹ nhàng hoặc một thái độ ân cần là có thể hòa giải được. Xem ra là mục tử, mỗi linh mục cũng cần trang bị thêm kỹ năng tư vấn.

3. Những bước chân không mỏi

Nêu lên vài dạng thức chiên lạc như trên không với ý định liệt kê cho bằng muốn khơi gợi lại mối quan tâm nơi các mục tử dưới ánh sáng lời thứ năm của Đức Maria khi Mẹ lo lắng đi tìm trẻ lạc. Bảng liệt kê sẽ không bao giờ đầy đủ. Mỗi giáo xứ có hoàn cảnh riêng và mỗi mục tử cũng có hoàn cảnh riêng. Nhưng dù sao phân biệt hạng mục chiên lạc sẽ giúp nhận diện rõ tình hình hơn để từ đó có những phương dược thích hợp hơn. Những người không muốn đến với Chúa thường do mặc cảm tự ti nghĩ mình bị đồng đạo khinh khi nên chẳng muốn để ai gặp mặt: đã coi mợ là gái góa thì mợ chả cần đến quan viên nữa; trong khi những kẻ không chịu tới với Chúa thường do mặc cảm tự tôn, bất mãn với cha sở hoặc giáo xứ rồi bất mãn cả với Chúa luôn: giận cá chém thớt; còn những kẻ không thể tự tìm tới Chúa được lại là do hoàn cảnh và điều kiện sống, đa số họ như đấu bột thầm lặng, chỉ cần một chút men đúng liều đúng lúc là sẽ dậy lên ngoạn mục.

Mới đây, tại cuộc hội thảo quốc tế của FABC về “Đời linh mục, một thách đố của thế giới hiện đại” diễn ra tại Đại học Mông Triệu Thailand từ 17-23/11/08 (có 12 linh mục VN thuộc 9 GP tham dự), Đức cha Broderick Pabillo trong bài thuyết trình đã đưa ra 4 gợi ý cụ thể của việc chăm sóc mục vụ, trong đó gợi ý thứ thư là “linh mục phải quan tâm đến những con chiên yếu đau và lo lắng đi tìm những con chiên lạc”. Gợi ý như thế vì trong thế giới hiện đại, số chiên bị lạc có chiều hướng gia tăng và cách chiên đi lạc cũng biến hóa khôn lường. Chiên lạc kiểu truyền thống chỉ lanh quanh đâu đó đến khi đời mỏi mệt sẽ lộ diện, nhưng chiên lạc thời mới lẩn khuất trong những căn hộ cao tầng khó kiếm và cũng khó gặp hơn nhiều. Thời này là thời di động, nên chiên lạc cũng di động theo, nhiều khi ngoài vòng phủ sóng chẳng biết đâu mà lần. Tìm chiên xem ra cũng giống tìm chim của ca dao ngày trước.

Tìm kiếm chiên lạc là một việc không dễ. Đúng hơn, đó là một công trình đòi hỏi nhiều công sức và cần đến sự kiên trì nhẫn nại, tìm đi tìm lại tìm mãi không thôi. Ngày xưa Đức Maria đã phải bỏ ra ba ngày ngược xuôi tìm kiếm cuối cùng mới gặp lại được trẻ lạc. Ba ngày ấy đối với Mẹ là thời gain trải ra trong bóng tối kiếm tìm. Ba ngày ấy liên quan đến việc Chúa Giêsu chịu táng trong mồ của biến cố tử nạn lại là thời gian lặng thầm của hy vọng phục sinh. Vì thế việc tìm kiếm chiên lạc dẫu khó khăn nhưng không vô vọng.

Một cha là chuyên gia ban phép xức dầu trong những bệnh viện thuộc Quận X có lần chia sẻ rằng sở dĩ ngài gắn bó với việc mục vụ lặng thầm này vì qua đó ngài gặp được rất nhiều chiên lạc. Tình cờ thôi, ngài được mời xức dầu cho một giáo dân quen biết, những thân nhân của bệnh nhân gần đó biết được lại mời ngài xức dầu cho người nhà của họ nữa, rồi như vết dầu loang, người này rỉ tai người khác để cuối cùng ngài có được một tờ sớ đầy đủ chi tiết về thân thế của những thân chủ bí tích xức dầu. Hóa ra đa số đều là những con chiên lạc trôi dạt từ đâu đó về bệnh viện chữa trị thể xác rồi gặp linh mục ấy và có cơ may chữa trị cả tâm hồn luôn, để khi xuất viện sẽ điều chỉnh đời sống trở thành những con chiên mạnh khỏe.

Nhưng không phải mọi nỗ lực tìm kiếm chiên lạc đều dẫn đến kết quả. Đã có những nỗ lực đi vào ngõ cụt như một cha sở nọ ở miền tây ra sức gỡ rối cho một trường hợp hôn phối nhập nhằng giữa một bà công giáo và một ông không công giáo, sự việc sắp đến hồi kết thúc với việc ông này xin rửa tội, nhưng con cái biết việc ông này vào đạo sẽ ảnh hưởng đến việc thừa tự đât đại, nên làm đơn tố cáo cha sở về tội quyến rũ người ta theo đạo. Bà vợ công giáo rất buồn và cha sở cũng buồn không kém khi thấy một con chiên đi lạc sắp tìm về lại vụt khỏi tầm tay. Cá hụt, cá lớn. Và cũng không thiếu những nỗ lực kiếm tìm phải nơi vào bế tắc kiểu thánh Phaolô rao giảng về sự phục sinh bị từ chối ở Athène ngày nào, khi mục tử tìm đến chiên lạc và bị chiên lạc từ chối thẳng thừng. Chiên biết mình bị lạc đàn mới có hy vọng được tìm kiếm, chứ chừng nào chiên chưa ý thức về tình trạng xa lạc của mình thì nỗ lực tìm kiếm của mục tử cũng tiêu tan. Không biết lời đối đáp giữa Đức Maria và trẻ Giêsu năm xưa với hình thức câu hỏi “tại sao?” có đủ để vượt qua những kết cục khó hiểu của việc tìm kiếm chiên lạc hôm nay không, nhưng chỉ biết rằng việc “hai ông bà không hiểu lời trẻ Giêsu nói” sẽ nên gương nâng đỡ bước chân tìm kiếm của các mục tử rất nhiều.

Tóm lại, lời thứ năm của Đức Maria như vừa suy niệm và gợi ý áp dụng vào sứ vụ mục tử là lời có hình thức quay quắt của câu hỏi “tại sao?” treo trí, nhưng lại là lời cởi mở tấm lòng tạo thành sức mạnh cho những bước chân không mỏi đi tìm chiên lạc. Xin cho lời ấy hôm nay trở nên ý lực sống và nên nguồn lực nâng đỡ sứ vụ của mỗi linh mục chúng ta.

MỤC VỤ GIA ĐÌNH
Họ hết rượu rồi” (Ga 2, 3)

Năm 1979, khi đang là đại chủng sinh đi giúp xứ tại một họ đạo vùng Hốc Môn, tôi đã phải chứng kiến một trường hợp hôn phối cười ra nước mắt. Bên nam là nài ngựa con trưởng của một gia đình không công giáo người địa phương, bên nữ là một thư sinh công giáo ở giáo xứ kề cận. Hình như chỉ vì một chuyến xe ngựa không lấy tiền của chàng nài mà nàng cứ nằng nặc đòi cha mẹ bằng được cho làm đám cưới. Có nhiều khó khăn đến từ những khác biệt khách quan mà cả hai bên phải vượt qua. Nào là khác biệt nghề nghiệp không môn đăng hộ đối gia phong; nào là khác biệt trình độ học vấn khi chàng mới có lớp mười còn nàng đang học lớp mười hai; nào là khác biệt gốc gác chàng người nam lâu đời tại chỗ còn nàng người bắc di cư; ấy là chưa kể yếu tố ngoại hình khi chàng hành nghề đánh xe ngựa dãi dầu sương gió còn nàng thì dù sao cũng ra chiều sạch sẽ. Nhưng khác biệt lớn nhất chính là yếu tố tôn giáo. Chàng từ chối theo công giáo vịn cớ là con trưởng gia đình phải giữ đạo ông bà lo hương hỏa cúng kiếng, còn gia đình nàng một mực ra điều kiện phải vào đạo mới nói chuyện cưới xin.

Nghe đâu dùng dằng cả năm trời mới có thể kết thúc. Trời chẳng chịu nắng thì nắng phải chịu trời. Xin chuẩn. Cha sở thụ lý hồ sơ và chuyển lên tòa giám mục. Thuận. Và thế là ngày cưới được tự ý ấn định không đợi đến nhà thờ làm lễ, bởi lẽ bên nam đi coi ngày thầy bảo phải đúng ngày ấy tháng ấy mới hạp, nếu không một người sẽ chết. Gia đình bên nữ thấy ấm ức thiệt thòi, nhưng vì thương con nên đành chịu vậy. Ngày cưới cha sở lánh mặt nên thầy giúp xứ phải làm cascadeur đóng thế vai chính trong pha nguy hiểm này.

Sự thể xảy ra là khi đại diện hai bên ngỏ lời, đàng gái bóng gió nói đến sự miễn cưỡng gả con vào hoàn cảnh xuống cấp, còn đàng trai chẳng cần giữ gìn cả nói ngay đến điểm nhạy cảm khác biệt tôn giáo và ra lệnh ở đâu âu đấy từ nay không nhà thờ nhà thánh chi nữa. Thế là cuộc khẩu chiến bùng nổ không ai can ngăn được. Xuýt nữa có người vong mạng. Bên gái giận dữ bỏ về và bên nam chửi thề độc địa. Đám cưới biến thành đám cãi nhau tưng bừng không còn gì để vớt vát nữa. Họ hết rượu tình yêu rồi. Và tôi khi thấy sự thể như thế đành thúc thủ làm chứng nhân câm nín, rồi mắt trước mắt sau lặng lẽ rút êm. Không bị ăn đòn là may lắm rồi. Hú vía!

Hôm nay, chúng ta đối diện với lời thứ sáu của Đức Maria là lời được ngỏ giữa lòng một đám cưới mang tính lễ hội đông vui theo tập tục của người Do Thái. Lời đó mang âm hưởng ở cung bậc nào và gợi ý điều gì trong lãnh vực mục vụ gia đình của các linh mục?

còn tiếp)


+GM. Vũ Duy Thống

Gm phụ tá Giáo phận Sài Gòn

Mục lục


Каталог: TDM2009 -> TinVuiVN
TinVuiVN -> NHƯ MỘt lời mờI
TDM2009 -> Pentecost (B) May 31, 2009
TDM2009 -> Mc. 13, 24-32 15-11-2009 cuộc quang lâm của con ngưỜi lm. Px vũ Phan Long, ofm 02
TDM2009 -> Các bài suy niệm LỄ hiển linh – Năm b lời Chúa: Is 60,1-6; Ep 3,2-3a. 5-6; Mt 2,1-12 MỤc lụC
TDM2009 -> CN4 phục sinh b ga. 10,11-18 03-5-2009
TDM2009 -> Số 97 Ngày 03. 05. 2009 cn 04 b phục sinh
TDM2009 -> From: Richard Smith To: HuongVeChuagroups Sent
TDM2009 -> Muốn Lấy Mật Đừng Phá Tổ Ong
TDM2009 -> Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 12/3/2008 – Bài Giáo Lý 69 trong loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền liên quan tới các vị Giáo Phụ Boethius và Cassiodorus

tải về 0.51 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương