Nayan Chanda hoànglonghải



tải về 1.97 Mb.
trang18/35
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.97 Mb.
#13140
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   ...   35

Hiền cũng chẳng gặp may mắn gì hơn khi thương nghị về vấn đề biên giới Hoa Việt với Trung Hoa. Trong tháng Mười có hàng loạt cuộc họp riêng với Trung Hoa về đường biên giới dài 797 dặm với Trung Hoa và đại cương về vịnh Bắc Việt, nơi hai nước cùng chia xẻ quyền lợi với nhau. Những cuộc họp nầy bắt đầu ở Bắc Kinh từ ngày 7 tháng Mười, gián đoạn rồi tiếp tục qua 10 tháng trước khi nhiều hành động thù địch xảy ra.

Hồi tháng Mười, một tuần lễ trước khi Hiền đi Bắc Kinh, Hà Nội cảnh cáo dè dặt, bằng cách công bố cuộc viếng thăm của đoàn đại biểu quân sự Liên Xô. Hà Nội tuồng như muốn nói với Trung Hoa nếu họ ủng hộ Khmer Đỏ thì Việt Nam sẽ tiến gần hơn với kẻ thù của Bắc Kinh: Liên Xô. (13)

Người ta cũng thấy, một thời gian ngắn trước cuộc thăm viếng phái đoàn quân sự Liên Xô, Trung Hoa thực hiện một bước tiến đáng kể bằng cách gia tăng viện trợ quân sự cho Kampuchia. Điều ấy cũng cho thấy Trung Hoa có những người bạn tốt (như Hoàng văn Hoan, cựu ủy viên bộ Chính trị, sau nầy đào tẩu qua Trung Hoa), đã cung cấp tin tức, cho biết Việt Nam gia tăng quan hệ với Liên Xô. (14)

Đúng vào những giai đoạn nghiêm trọng của lịch sử, dù Trung Hoa không có tin tình báo chính xác, tuồng như họ cũng nghi ngờ đúng. Ngày 5 tháng Mười, chỉ hai ngày sau khi Hiền rời khỏi bàn hội nghị ở Bắc Kinh và 5 ngày trước khi tướng Yepishev của Liên Xô tới HàNội, tùy viên quân sự Trung Hoa ở Phnom Pênh - đại diện cho bộ Tổng tham mưu bộ Quốc Phòng Trung Hoa- ký kết thủ tục trao thiết bị quân sự cho Kampuchia. Đó là kết quả thỏa hiệp viện trợ quân sự không hoàn lại của Trung Hoa ký hồi tháng Hai/ 1976. Sự kiện nầy kết thúc một cách lặng lẽ việc cung cấp một số trang bị quân sự hoàn chỉnh -từ máy bộ đàm, máy truyền tin cho các chiến đấu cơ -cần thiết để xây dựng ba quân chủng cho quân đội Kampuchia.

Để bày tỏ rõ ràng hơn mối bất bình với Việt Nam, Trung Hoa cắt xén dịch vụ hàng không thường trực cho Hà Nội. Cơ quan hàng không dân dụng Trung Hoa (CAAC) dịch vụ giữa Hà Nội và Quảng Đông (Ở đây nối liền với Hongkong bằng xe lửa) là con đường chính nối với thế giới bên ngoài cho người ngoại quốc đang sinh hoạt ở thủ đô Việt Nam, thông thường ghi tên từ hàng tuần trước. Rõ ràng Trung Hoa muốn bày tỏ tức giận của họ hơn là quan tâm tới những hoạt động thương mại. Trước viễn tượng dịch vụ bị suy giảm, Trung Hoa cắt giảm các chuyến bay mỗi hai tuần chỉ còn lại một chuyến mà thôi, và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.11.1997.

Trong khi gia tăng khó khăn cho Việt Nam, Trung Hoa tăng cường quan hệ với Kampuchia. Từ tháng Mười/1977, kỷ thuật viên Trung Hoa thiết lập trang bị viễn thông ở Phnom Pênh. Khi họ khai thông đường viễn ấn tự trực tiếp và phát thanh nối liền với Trung Hoa, là coi như công bố hồi kèn vĩ đại vào ngày 10.11.1977, đài truyền tin của tòa đại sứ Trung Hoa nối với Bắc Kinh, là con đường độc nhất Phnom Pênh nối liền với thế giới bên ngoài. (16)

Sau khi từ Moscow về được 10 ngày, Tổng bí thư đảng Cọng sản Việt Nam lại đi ngoại quốc, lần nầy tới Bắc Kinh. Điều hầu như bình thường là lãnh tụ đảng Cọng sản Việt Nam muốn giữ thế cân bằng giữa hai bên. Tuy nhiên, chuyến đi Bắc Kinh ngày 21 tháng 11 không phải là để lấy giây tự trói mình. Sau chuyến đi đó một thời gian ngắn, một nhà ngoại giao Việt Nam giải thích với tôi: “Đồng chí Lê Duẫn giống như vị anh hùng Lý Thường Kiệt của chúng tôi. Ông tới tận sào huyệt của kẻ thù để đối đầu với họ.” (Lý Thường Kiệt, danh tướng đời Lý, thế kỷ thứ 11. Ông thực hiện những cuộc tấn công qua Trung Hoa trước khi Trung Hoa xâm lăng Việt Nam).

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Việt Nam mở đầu cuộc thảo luận một cách khiêm tốn bằng những lời ca ngợi Trung Hoa. Ông ta nói với Hoa Quốc Phong: “Chúng tôi là đàn em của các đồng chí, luôn luôn đứng bên cạnh các anh, và chúng tôi không bao giờ thay lòng đổi dạ.” (17)

Dù vậy, Duẫn chỉ ra rằng, dù có nhiều quan điểm khác biệt với Trung Hoa về những vấn đề chiến lược rộng lớn, Việt Nam không đã kích Trung Hoa một cách công khai hoặc đứng về phía Liên Xô để phê phán Trung Hoa. Tuy nhiên, Trung Hoa cũng chẳng quan tâm đến vấn đề nầy. Duẫn muốn các nhà lãnh đạo Trung Hoa nhớ rằng điều Chu ân Lai nhắc nhở là giúp đỡ Việt Nam xây dựng xã hội chủ nghĩa và đó là”nghĩa vụ quốc tế” buộc Trung Hoa phải làm. Duẫn bày tỏ lòng thương tiếc cái chết của Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và Chu Đức, và rồi, trong một lời phát biểu, ông ta nói những điều thô bạo hiện nay là phản ảnh đường lối chính trị của Trung Hoa. Duẫn nói Việt Nam tin tưởng Trung Hoa “cương quyết không cho bất cứ một giai cấp bóc lột nào ngẫng đầu lên trong cố gắng làm Trung Hoa thay đổi màu sắc.” (18)

Duẫn thất bại trong khi cố gắng thúc ép Trung Hoa ngưng hỗ trợ Kampuchia. Các nhà lãnh đạo Trung Hoa lên án Việt Nam hiếp đáp nước Kampuchia nhỏ bé, Việt Nam thúc ép xứ nầy trở thành nước phụ thuộc bằng “mối liên hệ đặc biệt.” Ngay cả Hoa Quốc Phong cũng xác định công khai Trung Hoa viện trợ cho Kampuchia chống Việt Nam. Trong bữa tiệc chào Duẫn, ông ta nói rằng Trung Hoa liên kết với bất cứ nước nào bị tư bản hay xã hội chủ nghĩa xâm lược, lật đổ, can thiệp nội bộ, kiểm soát hay ức hiếp, tạo thành một mặt trận đoàn kết rộng rãi nhất chống lại chủ nghĩa bá quyền của siêu cường.

Duẫn trả đủa sự thách thức của Trung Hoa bằng cách tuyên bố Việt Nam cương quyết không cho phép “bất cứ bọn đế quốc hay thế lực phản động nào, bằng bất cứ cách nào xâm phạm nền độc lập và tự do của chúng tôi.”(19) Hoa thì đã kích “bá quyền”, Duẫn thì tố cáo “thế lực phản động”. Rõ ràng hai bên đang nã dạn vào nhau.

Trong những cuộc thăm viếng vừa qua, Duẫn và những nhà lãnh đạo Việt Nam khác lịch sự từ khước cố gắng của Trung Hoa nhằm lôi kéo Việt Nam vào liên minh chống Sô Viết. Trong khi ca ngợi sự giúp đỡ của Trung Hoa, họ không quên cám ơn những “nước anh em xã hội chủ nghĩa” khác, có nghĩa là khối Liên Xô (20). Nhưng trong dịp nầy, Duẫn làm cho nước chủ nhà thêm kích động không ít bằng cách nêu rõ tên Liên Xô trong lời ca ngợi của ông ta. Bộ mặt lịch sự từ lâu che dấu căng thẳng Việt-Hoa nay đã lộ ra. Khi Lê Duẫn trở lại Hà Nội, đường hướng xung đột mới hiện ra đã rõ ràng.

Tuy nhiên, cam kết của Trung Hoa ủng hộ Kampuchia chỉ xảy ra sau những cuộc họp căng thẳng với Lê Duẫn hồi tháng 11/1977. Khi xem xét kỹ lại chính sách của Trung Hoa đối với Đông Dương, Geng Biao, tổng bí thư quân ủy trung ương đảng Cọng sản Trung Hoa ghi nhận rằng trong các cuộc thương thảo với Duẫn hồi tháng 11/1977 là “sự bất đồng giữa Việt Nam và Kampuchia không còn che dấu được nữa. Những cố gắng của chúng ta nhằm ngăn ngừa sự mâu thuẫn giữa họ với nhau đã trở thành công khai từ khi Kampuchia giải phóng năm 1975, cuối cùng chúng ta thất bại”. Do đó, tới tháng 12, Ủy ban trung ương đảng quyết định giúp đỡ Kampuchia, tăng cường sức mạnh của họ, làm thế nào họ có thể có được thế đứng mới khi các cuộc thương nghị bị thất bại, để có thể giải quyết được vấn đề. (21)

Những ghi nhận của Geng Biao nói trên chỉ rõ cho thấy trong khi dành cảm tình cho Kampuchia, công nhận giá trị của nước nầy như một phương cách để chống lại Việt Nam tiểu bá, các nhà lãnh đạo Trung Hoa vẫn còn lưu tâm tới giải pháp thương nghị hơn là đối đầu bằng vũ lực. Quan điểm nầy, hồi tháng Chín/ 1977, được thấy rõ hơn khi Trung Hoa bớt khuyến khích Pol Pot. Có lẽ điều nầy phản ảnh những rối rắm chính trị ngay trong nội bộ đảng Cọng sản Trung Hoa.

Sự kiện các nhà lãnh đạo có tính thực dụng lại nổi lên chung quanh Đặng Tiểu Bình không chỉ là đã phá chính sách quân sự hóa của Khmer Đỏ; họ miễn cưỡng khi ủng hộ chính sách khiêu khích Việt Nam của Kampuchia.

Đã tới lúc cầm tay Pol Pot

Một tuần sau chuyến viếng thăm của Lê Duẫn ở Bắc Kinh, người ta không có gì ngạc nhiên khi thấy Trung Hoa ủng hộ Kampuchia tích cực hơn. Người được chọn đảm nhiệm công việc nầy là người thuộc nhóm cực đoan: Phó thủ tướng kiêm ủy viên bộ Chính trị Chen Yonggui. Ông là người lãnh đạo nổi tiếng xã Dazhai thuộc tỉnh Sơn Tây vì đã áp dụng những nguyên tắc của Mao trong nông nghiệp tự túc địa phương. Trong nông nghiệp, câu châm ngôn “học tập Dazhai” là câu nổi tiếng của Mao. Mặc dù không đủ sức nặng chính trị, rõ ràng Chen là người bạn ý thức hệ của Khmer Đỏ và người Pol Pot lắng nghe.

Ngày 3 tháng 12, Chen bay tới Phnom Pênh, thực hiện chuyến viếng thăm bất thường 10 ngày. Hôm ông ta tới Phnom Pênh, Tân Hoa xã đưa ra một bài bình luận nhan đề “Tình thân hữu Trung Hoa-Kampuchia sâu sắc và mạnh mẽ.” Bài báo nhấn mạnh đến liên hệ lịch sử giữa Trung Hoa và Kampuchia, tiếp tục ủng hộ Pol Pot. Việc ông ta đi thăm vùng biên giới nóng bỏng được Kampuchia thông báo rộng rãi để gây ấn tượng cho Hà Nội, những bài diễn thuyết của vị khách Trung Hoa nầy thường được nhắc đi nhắc lại đủ mọi khía cạnh liên quan đến cuộc xung đột biên giới giữa Kampuchia và Việt Nam. Dù ông ta có thấy chứng cớ Việt Nam tấn công vùng Mõ Vẹt của Kampuchia hay không, ngày 5 tháng 12 ông ta cũng tuyên bố Trung Hoa giúp đỡ Kampuchia. (23) Ông ta nói: “Không một thế lực nào có thể đứng vững trên tình hữu nghị Trung Hoa và Kampuchia, mãi mãi là đồng chí,” (24)

Có lẽ Kampuchia không hài lòng lắm vì thái độ Trung Hoa còn ngập ngừng, không chịu công khai chống Việt Nam. Phó thủ tướng Kampuchia Vorn Vet (chỉ mấy tháng sau ông nầy là nạn nhân trong cuộc thanh trừng của Pol Pot) tuyên bố trong buổi tiếp tân chào mừng Chen: “Kampuchia cương quyết không để tự biến thành một chư hầu và cũng không để rơi vào tình trạng bị mất đất đai và lãnh hải.” Ông ta cũng lưu ý khách rằng “Các đồng chí Trung Hoa của chúng ta đã thấy tận mắt ý chí cương quyết của quân đội cách mạng... nhận thức hoàn toàn và đầy đủ tinh thần hy sinh của họ.” Đối với tất cả những gì mà Chen đã thấy, ông ta tuyên bố rằng đó sự tận tụy và chủ nghĩa anh hùng quân đội.

Tuy nhiên, Chen tuyên bố lấy làm vinh dự ủng hộ chính sách của Pol Pot tiến mạnh trên con đường Cọng sản Chủ nghĩa. Theo ông, các hợp tác xã nông nghiệp của Kampuchia đang nắm giữ một vai trò quan trọng “đè bẹp sự phá hoại của kẻ thù và củng cố chuyên chính vô sản”. Chen mạnh mẽ chấp nhận rằng chính sách nội trị của Pol pot là “hoàn toàn đứng đắn.” (25)

Một ông hoàng cố gắng đấu tranh cho hòa Bình

Chỉ hai ngày sau khi Chen Yonggui rời khỏi Phnom Pênh, Pol Pot đón một vị khách khác: Chủ tịch Lào, hoàng thân Souphanouvong. Đây là thời điểm để tỏ bày cố gắng cuối cùng, làm trung gian giữa Việt Nam và Kampuchia, trước khi Hà Nội cho quân tấn công. Mặc dù Lào liên minh với Việt Nam vì tình hình chính trị thực tế và quyền lợi chung của hai bên, họ cũng lo ngại khi nhìn thấy sự căng thẳng gia tăng giữa Việt Nam và Kampuchia. Khiêu Samphan và Ieng Sary viếng thăm vùng giải phóng Lào ở Sầm Nứa vào năm 1974. Vì vậy, hồi tháng 11/ 1977, khi chính phủ Lào, qua ngã tòa đại sứ Kampuchia ở Vạn Tượng, dàn xếp cuộc viếng thăm của hoàng thân Souphanouvong, Kampuchia không thể từ chối một cuộc thăm viếng ở cấp cao như vậy được.

Ngày 17 tháng 12 hoàng thân Souphanouvong đến phi trường Pochentong ở Phnom Pênh và được đón tiếp nghiêm trang. Cuộc họp tức thì của ông hoàng với Pol Pot cho thấy rõ họ muốn tránh một sự gảy đổ công khai. Ngay cả phía Kampuchia, họ cũng không muốn thông báo việc Pol Pot tiếp ông hoàng Lào. Suốt trong cuộc họp căng thẳng tại dinh quốc khách nhìn xuống sông Tonle Sap, Souphanouvong thúc đẩy Pol Pot đừng làm tan vở đoàn kết ba nuớc Đông Dương đã được xây đắp qua nhiều năm chống kẻ thù chung. Về sau, một quan chức Lào nói với tôi: “Nhưng Pol Pot chẳng muốn nghe điều đó. Ông ta chỉ muốn tiếp tục nói về những điều xấu của Việt Nam.” Pol Pot cố gắng thuyết phục Souphanouvong gìn giữ độc lập Lào, mặt đối mặt với Việt Nam. Đó là cuộc đối thoại với người điếc.

Nhưng ông hoàng Đỏ, người mà sự nghiệp cách mạng của ông liên hệ một cách rối rắm với Hồ Chí Minh, -nhà lãnh đạo đảng Cọng sản Đông Dương-, không muốn rời Phnom Pênh mà không công bố quan điểm của ông. Phát biểu trong buổi đón tiếp, ông ta nói với chủ nhân rằng đảng Cọng sản Lào “theo đuổi nhiệm vụ rực rỡ của đảng Cọng sản Đông Dương và vai kề vai với nhân dân các nước Việt Nam và Kampuchia anh em.” Trả lời sự phê phán của Kampuchia về quan hệ Lào-Việt Nam, ông ta nói rằng đó là một “ví dụ về chính sách thân hữu và láng giềng tốt mà cũng là một ví dụ về quan hệ quốc tế của chúng ta.” Một quan chức Lào hiện diện trong buổi tiếp tân cho biết có một sự im lặng khó chịu bao trùm hội trường khi hoàng thân Soupha nou-vong đọc diễn từ. Các nhà ngoại giao có mặt hôm đó ai cũng đổ mồ hôi trán và quan chức phía Kampuchia thì ngồi yên trong suốt buổi suốt chiều nóng nực đó, ngoài cái nóng của tháng Chạp. Trong phần đáp từ của Khiêu Samphan, ông ta đã kích xiên xẹo việc Lào liên minh với Việt Nam và cho quân đội Việt Nam trú đóng trên đất Lào. Ông ta cảnh cáo rằng mối liên hệ giữa hai nước chỉ có thể phát triển vì hữu ích chung của hai nước đó, không thể để cho nước khác dùng lãnh thổ của mình để chống nước khác.

Mặc dù có sự căng thẳng, ngoài mặt, còn hợp tác, Ieng Sary tới tham dự buổi tiếp tân do hoàng thân Souphanouvong tổ chức tại tòa đại sứ Lào. Theo kế hoạch, hoàng thân sẽ đáp máy bay DC-3 (sản xuất hồi đệ nhị thế chiến) tới Siem-Rep để thăm Đế Thiên Đế Thích nổi tiếng, đang bị hư nát. Một nhà ngoại giao Lào tháp tùng chuyến đi của hoàng thân sau nầy kể lại, đó là chuyến đi không thể quên được. Phi công là những thanh niên Khmer trẻ mới thụ huấn xong ở Trung Hoa. “Khi cất cánh và hạ cánh thiệt là rợn tóc gáy, cảm thấy khỏe vô cùng khi xuống tới đất.” (26)

Ngày 26 tháng 12, bốn ngày sau khi hoàng thân Souphanouvong từ Kampuchia trở về, bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Nguyễn Duy Trinh dừng lại ở Vạn Tượng trên đường đi Indonesia. Souphanouvong kể vắn tắt cho Trinh về những điều trao đổi gay gắt với Pol Pot. Trinh lắng nghe chăm chỉ nhưng không nói với ông hoàng những gì Việt Nam đang làm: các đoàn xe tăng Việt Nam đang tiến vào lãnh thổ Kampuchia. Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba - mà ông hoàng nước Lào hết sức muốn tránh - bắt đầu. Thế giới bên ngoài vẫn chưa hay biết gì.

Một lực lượng đáng kể, gồm bộ binh, pháo binh, sư đoàn bộ binh số 9 tinh nhuệ mở cuộc tấn công lớn trên 6 đường tiến quân vào Kampuchia với hai gọng kềm nhắm vào thủ đô Phnom Pênh. Quân bộ, T-54 và thiết vận xa tiến dọc theo đường số 1 và đường số 7 hướng tới Phnom Pênh. Sau nầy Hoàng Tùng giải thích với tôi, mục đích của Việt Nam “trước hết là đuổi chúng (Khmer Đỏ) ra khỏi lãnh thổ chúng tôi và sau đó tấn công vào các sư đoàn của chúng, làm cho chúng thấy rằng chúng tôi không phải là những kẻ thụ động như chúng nó tưởng, và nói với chúng rằng chúng tôi chọn một giải pháp khác với thương nghị.” (27)

Họ đạt được những mục tiêu đầu tiên không mấy khó khăn. Các lực lượng bộ binh Việt Nam được pháo binh yễm trợ tiến vào Kampuchia như lát dao cắt vào miếng bơ mềm. Hàng trăm lính Khmer Đỏ bi giết, bị thương trong các cuộc hành quân tìm và diệt của Việt Nam. Cái may mắn là những người bị thương được cáng tới Phnom Pênh. Mặc dù họ đưọc đưa tới bệnh viện nhưng họ không tránh khỏi rủi ro. Một chiến dịch cho máu được vận động trong số cán bộ ít ỏi và gia đình sống ở vùng ngoại ô thủ đô vắng vẻ. Tình hình khẩn trương đó cho thấy những di hại mà Khmer Đo đã làm. Hàng trăm bác sĩ thuộc giai cấp tiểu tư sản đã bị đuổi về miền quê làm công việc lao động, nhiều người đã bị hành quyết. Bệnh viện bây giờ được điều hành bằng những người phản y khoa -những cậu bé nông dân trở thành “bác sĩ cách mạng”. Những cố gắng chuyền máu của họ trở thành tai họa. (28)

Chỉ có sự chống đối yếu kém ở những khu vực bị quân đội thiết giáp và hỏa lực Việt Nam đè bẹp. Một gọng kềm tấn công tiến tới gần Kompong Cham -một thành phố quan trọng trên bờ sông Mekong, có con đường đi Phnom Pênh. Một đạo quân khác thì tới bên ngoài thành phố Svay Riêng. Một số các đoàn quân thăm dò khác tiến vào lãnh thổ Kampuchia đập tan sức phòng ngự rải rác. Các đơn vị địa phương, gồm cả sư đoàn 4 dưới quyền chỉ huy của Heng Samrin tan tác trước sức tấn công của quân Việt Nam.

Các nhà lãnh đạo ở Phnom Pênh sững sờ trước sức tấn công của Việt Nam và bị kích động trước sự tan vỡ lực lượng của họ ở Khu Đông. Nhưng họ vẫn chưa sẵn sàng tiến tới hòa bình như Việt Nam hy vọng. Ngày 25 tháng 12 một buổi họp đặc biệt được triệu tập tại Phnom Penh gồm những cán bộ lãnh đạo Khmer Đỏ để quyết định gởi lực lượng tới tăng cường Khu Đông, và quan trọng hơn nữa, để bày tỏ phản ứng về cuộc tiến công của quân đội Việt Nam bằng đường lối chính trị. Với sự kiện quân đội Việt Nam chiếm đóng khu vực phía Đông Kampuchia là thời điểm tốt để tố cáo Hà Nội xâm lăng Kampuchia trước thế giới. Sự tố cáo công khai cuộc xung đột nầy kèm theo quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Khmer Đỏ tuồng như không để ý đến vấn đề rút lui các lực lượng quân sự Việt Nam vì họ thích xử dụng đòn ngoại giao. “Chúng tôi nắm được họ trước. Nghe tin nầy, thế giới sẽ nhảy dựng lên.” Đó là cách các cán bộ Khmer Đỏ nói về những điều họ tố cáo Việt Nam.

Vén lên bức màn che dấu chiến tranh

Kiều Minh, bí thư thứ nhất tòa đại sứ Việt Nam tại Phnom Pênh, có thói quen mở đầu công việc mỗi ngày bằng cách mở đài phát thanh Phnom Pênh để biết tin tức chế độ Pol Pot. Một bản dịch được in trên máy ronéo gởi tới cho tòa đại sứ vào buổi chiều. Minh, nói sõi tiếng Miên, thích nghe tin tức trên đài hơn là chờ tới buổi chiều để đọc bản tin bằng tiếng Pháp. Buổi sáng ngày 31 tháng 12/ 1977, có việc khác thường xảy ra. Thay vì bắt đầu bằng nhạc cách mạng và tin tức thì hồi 6 giờ đài phát thanh đưa ra lời thông báo đặc biệt. Chương trình bắt đầu bằng tuyên truyền chống Việt Nam với lời lẽ không bao giờ thấy trong “tình anh em các nước xã hội chủ nghĩa.”

Bài phát thanh nói: Nhìn vào hành động độc ác và dã man của Việt Nam xâm lăng nước Kampuchia Dân Chủ và nhân dân Kampuchia vô tội; nhìn vào thái độ bất thân hữu và ý đồ xấu xa của chính phủ nước Cọng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam... Chính phủ nước Kampuchia Dân chủ quyết định tạm thời cắt đứt quan hệ ngoại giao với nước Cọng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam kể từ 31 tháng 12 năm 1977 cho đến khi lực lượng xâm lược nước Cọng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam rút ra khỏi vùng đất thánh của Kampuchia Dân chủ, cho đến khi bầu không khí thân hữu giữa hai nước được vãn hồi. (30)

Bốn giờ sau, quan chức bộ Ngoại giao Kampuchia đến đưa cáo thị trục xuất, nhân viên và quan chức Việt Nam phải rời khỏi Kampuchia trong vòng một tuần lễ. Ngày 3 tháng Giêng, Kiều Minh và các nhân viên khác rời Kampuchia về thành phố Hồ Chí Minh trên một chuyến bay đặc biệt. Đối với Minh, việc ra đi ấy cho thấy còn hơn là một buổi tiễn đưa ngắn ngủi. Một năm sau, Minh lại trở lại thành phố Phnom Pênh “giải phóng”, khi quân đội Cọng sản Việt Nam đã lật đổ chế độ Pol Pot. Nhân viên tòa đại sứ Kampuchia ở Hà Nội thì gặp số phận khác. Trước khi rời khỏi phi trường Hà Nội đi Bắc Kinh ngày 2 tháng Giêng, đại sứ Kampuchia So Kheang ôm hôn một quan chức ngoại giao Việt Nam. Hành động đó, do các viên chức ngoại giao Trung Hoa tại phi trường quan sát thấy, và cũng như những người khác được xem là thân Việt Nam, ông đại sứ nầy đã bị hành quyết sau khi trở về Phnom Pênh được ba tháng. (31)

Khmer Đỏ đúng. Thế giới cảm thấy kinh hoàng trước lời tố cáo của đài phát thanh Phnom Pênh. Chưa được ba năm sau khi chiến tranh Đông Dương lần thứ hai chấm dứt, một cuộc chiến tranh mới trong nội bộ các nước Cọng sản với nhau bùng nổ công khai, chấm dứt thời gian nói bóng gió và suy đoán về những vấn đề rắc rối giữa hai thế lực cựu đồng minh. Bất thần cán cân quyền lực ở Đông Nam Á đổi chiều.

Việc tính toán thời cơ để tố cáo Hà Nội của Khmer Đỏ quả thật đã làm cho chính phủ nước nầy hết sức bối rối bởi vì bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam mới đi thăm các nước Đông Nam Á, đề nghị thiết lập ngoại giao tốt đẹp với các nước nầy. Trong khi gia tăng cuộc tấn công ngoại giao, rõ ràng Hà Nội không tính đến những phản ứng chung từ phía Kampuchia. Những cuộc phản công trước kia của Việt Nam chống Kampuchia, bao gồm cả không kích, thì Khmer Đỏ âm thầm chịu đựng. Nay ngọn đèn chiếu rọi vào việc nầy bất thần bừng sáng lên, soi rõ cuộc chiến tranh bí mật giữa các đồng chí, Việt Nam vội vàng đưa ra lời tuyên truyền, cực lực tấn công Khmer Đỏ. Với một thứ ngôn ngữ thích ứng với sự lên án gay gắt của Khmer Đỏ, Hà Nội trình bày chi tiết về vô số tội trạng của chế độ Pol Pot và việc họ tấn công rất nhiều lần vào Việt Nam, trước kia được che dấu rất kỷ trước con mắt công chúng.

Không biết khi nào thì Pol Pot tham khảo ý kiến với Bắc Kinh hoặc Bắc Kinh chuẩn bị trước hành động chống Việt Nam. Chen Yonggui, người ít nói, nhận định về cuộc xung đột biên giới chỉ mười ngày trước đó, cho rằng việc Kampuchia tạm thời cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam có thể được xem như để thúc đẩy Trung Hoa thực hiện thêm một điều gì đó đối với Việt Nam. (32)

Những nhà lãnh đạo Kampuchia không uổng công khi nhắc nhở Trung Hoa thực hiện tốt đẹp lời hứa viện trợ quân sự. Cũng phải hơn một năm rưởi Bắc Kinh mới thực hiện một cách tích cực những gì họ đã hứa hồi tháng Hai/1976. Họ cũng không để mất cơ hội dù Đặng Tiểu Bình không cam kết gì về cuộc xung đột Miên-Việt. Tháng Mười/1977, trả lời câu hỏi của báo chí về cuộc xung đột nầy, Đặng nói: “Họ sẽ giải quyết với nhau. Điều chúng tôi mong muốn là họ thực hiện những cuộc thương nghị có hiệu quả tốt. Từ phía chúng tôi, chúng tôi không phán xét ai đúng ai sai.” (33) Sự thực là Đặng, người mà một năm trước đó bị Phnom Pênh lên án là tên “phản cách mạng”, đang củng cố vị trí của ông ta trong nội bộ đảng Cọng sản Trung Quốc, như có thể thêm lý do cho Pol Pot bày tỏ với Trung Hoa một việc đã rồi. (34)

Những nhà ngoại giao Trung Hoa ở Hà Nội bày tỏ đoàn kết với Kampuchia bằng cách tháp tùng nhân viên tòa đại sứ Kampuchia ở Hà Nội khi những người nầy lên máy bay Trung Hoa để về Phnom Pênh qua ngã Trung Hoa. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng không thoải mái khi thấy cuộc xung đột leo thang một cách đáng lo ngại và sự đoạn giao công khai giữa hai nước Đông Dương. Tân Hoa Xã đưa tin đầy đủ những lời kết án của Kampuchia đối với Việt Nam nhưng họ cũng đưa tin Việt Nam phản kích lại Kampuchia, tuy nói ngắn gọn. Trong khi mặc nhiên có thiện cảm với Kampuchia, Trung Hoa muốn giải quyết vấn đề bằng hòa đàm hơn là leo thang xung đột. Trung Hoa vẫn chưa sẵn sàng công khai gây áp lực với Việt Nam, bởi vì một điều thấy rõ là ngày 10 tháng Giêng/1977, họ còn ký một thỏa ước viện trợ lương thực hàng năm cho Việt Nam. Như các nhà phân tích Mỹ ghi nhận, vào lúc Trung Hoa có thể “trì hoãn thỏa ước nếu họ cảm thấy không bằng lòng Hà Nội” (35) Trung Hoa cũng thỏa thuận xếp đặt một cuộc họp giữa Việt Nam và Kampuchia -cũng chẳng có ích lợi gì như cuộc họp trước, hồi tháng Mười. (36)

Một cuộc thăm viếng Kampuchia khác được vội vàng xếp đặt. Lần nầy, ý kiến của Trung Hoa được một lãnh tụ có tiếng là nhà thương thuyết hòa giải mang đi, bà Đặng Dĩnh Châu. Trung Hoa không những quan tâm về sự an toàn của Kampuchia khi đối đầu với Việt Nam, có ưu thế vượt trội về quân sự và sự nguy hiểm cố hữu về chính sách khiêu khích của Kampuchia. Lo sợ chiến tranh, thấy quan hệ của Việt Nam với Moscow phát triển ngày một cách vững chắc, Trung Hoa không thể không biết tới khả năng Liên Xô liên hệ với Việt Nam nhiều hơn nếu Liên Xô công khai quan tâm đến cuộc xung đột Việt-Miên. Rõ ràng là vì quyền lợi, Bắc Kinh không muốn cuộc xung đột ở Đông Dương vuột khỏi tay họ. Tuy nhiên, bà Đặng Dĩnh Châu, khuyến khích Phnom Pênh tin tưởng thêm nữa vào Trung Hoa. Bà không chỉ là vợ góa của thủ

tướng Chu Ân Lai, mà cái chết của ông ta không khỏi làm cho Khmer Đỏ cảm thấy vui, ông ta cũng là người bạn cũ của người lãnh đạo Kampuchia, thái tử Sihanouk, đang bị giam lỏng tại nhà ở Phnom Pênh. (37)

Cái đuôi chó ve vẫy

Ngày 18 tháng Giêng, tháp tùng bằng một số đông người, gồm cả thứ trưởng Ngoại giao Trung Hoa Hàn Niệm Long và nhiều chuyên viên khác về Đông Nam Á, bà Đặng tới Phnom Pênh. Bà nhận được những lời khoa trương để che dấu nhiều thất bại nghiêm trọng. Từ mùa thu/1977, các nhà lãnh đạo Trung Hoa thúc đẩy Kampuchia mỡ rộng nền tảng chính trị và đưa ông Sihanouk trở lại sinh hoạt quốc gia. Bây giờ, họ lại từ chối lời yêu cầu không cho bà gặp thái tử. Bức thư của con gái thái tử, một vũ nữ biểu diễn trong một đại hý trường ở Paris, Bopha Devi nhờ bà trao cho thân phụ, vẫn chưa trao được.(38) Lời đề nghị của bà với Kampuchia nên thương nghị với Việt Nam để giải quyết sự xung đột cũng bị bác bỏ. Trong một bài diễn văn đọc công khai ở Phnom Pênh, bà Đặng Dĩnh Châu xác quyết một lần nữa sự hỗ trợ của Trung Hoa đối với 5 nguyên tắc sống chung hòa bình như là “những nguyên tắc căn bản, qua đó, tất cả mọi quốc gia trên thế giới, gồm cả những nước xã hội chủ nghĩa, có thể căn cứ vào đó, cố gắng thiết lập các quan hệ giữa các quốc gia với nhau.” (39)


Каталог: upload
upload -> -
upload -> 1. Most doctors and nurses have to work on a once or twice a week at the hospital
upload -> TrầnTrang EnglishTheory Phonetics
upload -> BỘ khoa học và CÔng nghệ TÀi liệu hưỚng dẫN
upload -> TÀi liệu hưỚng dẫn sử DỤng dịch vụ HỘi nghị truyền hình trực tuyếN
upload -> BỘ thông tin truyềN thông thuyết minh đỀ TÀi xây dựng quy chuẩn kỹ thuật thiết bị giải mã truyền hình số MẶT ĐẤt set – top box (stb)
upload -> CHỦ TỊch nưỚC
upload -> CHỦ TỊch nưỚC
upload -> Kính gửi Qu‎ý doanh nghiệp
upload -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014

tải về 1.97 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   ...   35




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương