Luận Giải Kinh Chánh Tri Kiến


I - Không biết về khổ (dukkhe aññāṇaṃ)



tải về 2.55 Mb.
trang19/22
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích2.55 Mb.
#1510
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   22

I - Không biết về khổ (dukkhe aññāṇaṃ).

  1. Ý nghĩa từ dukkha (khổ).

Chữ aññāṇaṃ là chỉ cho tâm sở Si.

Chữ dukkha có rất nhiều ý nghĩa, theo nghĩa từ nguyên thì DU (xấu xa, khó chịu) + KHA (rổng không, trống không) = dukkha.

Sở dĩ gọi là xấu xa, khó chịu vì là chỗ trú của nhiều hiểm nạn, gọi là “trống rỗng” vì chỗ trú không bền vững, không có cốt lõi.

Chỗ trú của khổ ở đâu? Chính là danh sắc, danh sắc là chỗ trú của khổ.

Thế gian này được khởi lên do có danh sắc, mà danh sắc lại “rỗng không”, bất cứ điều nào bám vào danh sắc hay ngũ uẩn đều dẫn đến khổ.

Đức Phật có ví dụ: “ Sắc uẩn như bọt nước, thọ uẩn ví như bong bóng nước, tưởng uẩn ví như hoa nắng, hành uẩn ví như cây chuối (không có lõi) và thức uẩn ví như trò ảo thuật.”(1).

Và Ngài dạy ngắn gọn trong kinh Chuyển Pháp Luân là: “Pañcupādakkhandhā dukkhā: Nắm giữ năm uẩn là khổ”.

Như vậy, nắm giữ năm uẩn chính là cái khổ cùng tột, cái khổ sinh tử luân hồi, không thấu rõ sự thật về khổ chính là ở điểm này.

Vì sao nắm giữ 5 uẩn? Vì có vị ngọt trong năm uẩn.

Chính vị ngọt (là hỷ lạc) của năm uẩn dẫn dắt chúng sinh luân chuyển trong tam giới, đồng thời chính nó che lấp cái nguy hại của 5 uẩn.

Đã không thấy được nguy hại qua đặc tướng vô thường của năm uẩn, thì làm sao thấu đáo được “khổ”, thế là ngoan ngoãn đưa tay cho vô minh trói buộc.

“Yaṃ kho lokaṃ paṭicca upajjati sukhaṃ somanassaṃ, ayaṃ loke assādo.

Do duyên với đời khởi lên lạc, hỷ gì, đấy là vị ngọt(assāda) ở đời”(2) (đời ở đây chỉ cho danh sắc hay năm uẩn- Ns).

Thì ra, chính hỷ tham (nandī) trợ giúp sức mạnh cho vô minh để ngăn che trí, không cho trí biết rõ khổ.

Cái vị ngọt ở đời, chính là sắc, thinh, hương, vị, xúc do mắt, tai mũi, lưỡi, thân tiếp nhận, các pháp khả hỷ, khả lạc liên hệ đến dục (kāma) do ý tiếp nhận. Tất cả đều bị định luật vô thường chi phối, chúng luôn đổi thay tiêu hoại, bám víu vào chúng, thích thú với chúng thì quả là vô trí.

Đức Phật dùng hình ảnh người đốt lá, cỏ hay cây trong rừng Jeta, người khác không nghĩ rằng: “Người này đang đốt ta hay những vật của ta”. Và Ngài dạy:

“Yaṃ, bhikkhave, na tumhākaṃ taṃ pajahatha. Taṃ vo pahīnaṃ hitāya sukhāya bhavissati.

Này các Tỳkhưu, cái gì không phải của các ngươi, hãy từ bỏ chúng.Từ bỏ chúng sẽ đem lại hạnh phúc an lạc”.(1)

Bám giữ năm uẩn, cho là ta, là của ta , đó là khổ.

Có vị chư thiên bạch hỏi Đức Phật:

“Kismiṃ loko patiṭṭhito’ti – Trên gì đời an trú?.

Đức Phật trả lời:

“Dukkhe loko patiṭṭhito’ti : Trên khổ, đời an trú.(2). (đời – loka, ở đây chỉ cho danh sắc hay năm uẩn – Ns).

Hiểu biết cái khổ của danh sắc là điều rất quan trọng, từ đó định hướng cho tâm thoát ra sự khổ, “tâm đặt đúng hướng có thể xuyên thủng vô minh”(3).

Thật ra, chúng sinh vẫn thấy khổ, nhưng chỉ hiểu cái khổ trên phương diện thế tục, còn trên phương diện chân lý thực tính khổ của danh sắc thì không thấu đáo.

Ngài Buddhaghosa có nêu lên:

Khổ có bốn ý nghĩa: là bức bách (pīḷana), là bị tạo ra (saṅkhata), là nóng bức (santāpa), là biến đổi(vipariṇāma). Đây là bốn nghĩa của Thánh đế về khổ”.(4)

-Khổ với ý nghĩa làbức bách”.

Danh sắc này cho dù bên ngoài hay bên trong đều chịu sự hư hoại, muốn bền vững không thể được, ví như người ở khoảng không muốn dừng cũng không được, người ấy đang bị “sự rơi” bức bách.

Chính vì không thể làm chủ được lạc, nên khổ xuất hiện, muốn khổ đừng có, khổ cứ hiện lên, khổ bức bách thân-tâm đi vào khó chịu, đau đớn.

- Khổ với ý nghĩa làbị tạo ra”.

Pháp nào “bị tạo ra” pháp ấy là khổ, như Phật ngôn: “Sabbe saṅkhārā dukkhā’ti: Các pháp hữu vi là khổ.”

-Khổ với ý nghĩa là “nóng bức”.

Là thích thú khi đạt được cái yêu thích, tâm phừng phựt như ngọn lửa bốc cao, không đạt được hoặc mất đi cái yêu thích, tâm rơi vào sầu muộn, héo xào giống như lá cây bị lửa làm cho co lại, héo úa.

Đức Phật có dạy:

“Cakkhu, bhikkhave, ādittaṃ, rūpa ādittā, cakkhuviññāṇaṃ ādittaṃ, cakkhusamphasso āditto.

Này các Tỳkhưu, mắt bị bốc cháy, các sắc bị bốc cháy, nhãn thức bị bốc cháy, nhãn xúc bị bốc cháy.

“Yampidaṃ cakkhusamphassapaccayā upajjati vedayitaṃ sukhaṃ vā dukkhaṃ vā adukkhamasukhaṃ vā tampi ādittaṃ.



Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay không lạc không khổ, cảm thọ ấy bị bốc cháy.

“Kena ādittaṃ? Rāgagginā, dosagginā, mohagginā ādittaṃ.

Jātiyājarāya maraṇena sokehi paridevehi dukkhehi domanassehi upāyāsehi, ādittan’ti vadāmi.

Bị bốc cháy bởi cái gì? Bị bốc cháy bởi lửa tham, lửa sân, lửa si.

Ta nói rằng bị bốc cháy bởi sinh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.”(1).

Tương tự như thế đối với các xứ còn lại là: Tai, mũi, lưỡi, thân và ý cùng với thanh, mùi, vị, xúc thân và pháp.

- Khổ với ý nghĩa “biến đổi”.

Ám chỉ kết quả tất yếu của sự vô thường, cái gì vô thường cái ấy dẫn đến khổ.

Pāli có giải thích dukkha (khổ) như sau:

“Dukkhananti = dukkhaṃ:



Nhận lấy khó chịu (xấu), gọi là khổ.

Hay: “Dukkucchitaṃ hutvā kāyikasukkhaṃ khaṇatī’ti = dukkhaṃ:



(Pháp nào) xấu xa, khó chịu, làm tiêu hoại sự an lạc thân từng sátna (khaṇa), gọi là khổ. (2) (đây là nói về khổ của thân - Ns).

2- Thực tính của khổ đế. (3)

-Trạng thái: Bị bức bách (bādhanalakkhaṇaṃ)

- Phận sự: Làm cho nóng bức (santāpanarasaṃ).

- Thành tựu: Hiện bày ra (pavattipaccupaṭṭhāṇaṃ).

- Nhân cần thiết: Có danh sắc. (nāmarupapadaṭṭhānaṃ).



3- Phân tích khổ.

Thật ra, cái khổ chỉ một kiếp nhân sinh thôi, cũng nhiều vô số như nước chứa trong đại dương, không ai biết tất cả khổ ngoại trừ bậc Chánh Giác. Tuy vậy vẫn có thể hiểu thấu khổ, ví như người chỉ uống chút ít nước biển cũng biết được vị mặn của biền. Do đó, Đức Sāriputta (Xálợiphất) dạy:

“Dukkhaṃ ariya saccaṃ, dukkhasamudayaṃ ariya saccaṃ, dukkhanirodhaṃ ariya saccaṃ, dukkhanirodha gāminī paṭipadā ariya saccaṃ.

Ime cattāro dhammā abhiññeyyā.

Sự thật cao quý về khổ, sự thật cao quý về tích tập của khổ, sự thật cao quý về diệt khổ, sự thật cao quý về con đường dẫn đến diệt khổ.

Đó là bốn pháp cần phải hiểu cao tột.”(4)..

Tức là hiểu về khổ không cần phải hiểu nhiều, hiểu rộng mà là phải hiểu sâu, nhất là hiểu rõ về bản chất thật của năm uẩn, bấy nhiêu cũng đủ.

Mọi người đều biết khổ, nhưng phần nhiều biết theo thế tục như nghèo là khổ, xấu là khổ, bị thất bại là khổ, vất vả là khổ ... họ không biết cái khổ đúng theo thực tướng.

Có những điều theo bậc Thánh (ariya) là khổ, thì người đời cho là hạnh phúc, như: Giàu có, quyền uy, danh vọng, chức vị ...

Bốn sự thật (sacca) được gọi là Thánh đế vì là “cái biết, cái thấy của bậc Thánh”.

Gọi là Thánh đế vì là cái thấy, biết cao quý (ariya). Có ba cách hiểu về “sự cao quý”:

- Gọi là cao quý, vì đó là cái biết của bậc Thánh.

Bậc Thánh (ám chỉ Đức Chánh Giác) thông suốt bốn chân lý này, các Ngài dạy cho chúng sinh cùng hiểu để giải thoát khỏi sinh tử.

“Sadevake loke samārake sabrahmake sassamaṇabrahmaṇiyā pajāya sadevamanussāya Tathāgato ariyo; tasmā ariyasaccānī’ti vuccanti.

Này các Tỳkhưu, trong các thế giới chư thiên, Ma giới, Phạm thiên giới, và quần chúng Samôn, Bàlamôn, Như Lai là bậc Thánh, do vậy được gọi là Thánh Đế”.(1)

- Gọi là cao quý, vì khi thấu triệt một sự thật, sẽ đưa đến thành tựu địa vị Thánh nhân, trở thành bậc cao quý.

Tôn giả Gavampati có dạy:

“Sammukhā metaṃ, āvuso, bhagavato sutaṃ, sammukhā paṭiggahitaṃ - “yo bhikkhave, dukkhaṃ passati dukkhasamudayampi so passati, dukkhanirodhampi passati, dukkhanirodhagāminiṃ paṭipādampi passatī’ti.

Này chư Hiền, tôi tự thân nghe từ Đức Thế Tôn, tự thân lãnh thọ như sau: “Này chư Tỳkhưu, ai thấy khổ, người ấy cũng thấy khổ tập, cũng thấy khổ diệt, cũng thấy con đường đưa đến khổ diệt”...(2).

Và: “Này các Tỳkhưu, do biết, do thấy: “Đây là khổ, các lậu hoặc được đoạn tận”. Do biết, do thấy: “Đây là khổ tập”.... Do biết, do thấy: “Đây là khổ diệt”... Do biết, do thấy: “Đây là con đường đưa đến khổ diệt”, các lậu hoặc được đoạn tận”.(3)

Nội dung bài kinh nêu lên: “Biết và thấy một sự thật (bất kỳ sự thật nào về bốn sự thật) sẽ thấy cả bốn”.

Như vậy, không thấy được khổ theo đúng chân lý, đồng nghĩa không thấy cả bốn sự thật, và đó là do vô minh bao phủ (phần đông Phật tử chúng ta chỉ mới biết khổ nhưng chưa thấy “sự thật của khổ”. Ns)

- Gọi là cao quý, vì những sự thật này không hề có hư ngụy, hay thay đổi trở thành khác, như đã là vô thường thì không thể nào trở thành thường, đã là khổ thì không thể nào là lạc cho dù có biến đổi ra sao vẫn là khổ...

“Cattārimāni, bhikkhave, ariyasaccāni. Katamāni cattāri?

Này các Tỳkhưu, có bốn thánh đế? Thế nào là bốn?.

Dukkhaṃ ariyasaccaṃ, dukkhasamudayaṃ ariyasaccaṃ, dukkhanirodhaṃ ariyasaccaṃ, dukkhanirodhagāminiyā paṭipadā ariyasaccaṃ.

Thánh đế vế khổ, Thánh đế về khổ tập, Thánh đế về khổ diệt, Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt.

Imāni kho, bhikkhave, cattāri ariyasaccāni tathāni avitathāni aññathāni. Tasmā ariyasaccāni’ti vuccanti.

Bốn Thánh đế này, này các Tỳkhưu, là như thật, không lìa như thật, không khác như thật. Do vậy, được gọi là Thánh đế.”(1)

Bộ Vibhaṅga (Phân tích) trong Tạng Luận có nêu ra 12 cái khổ là:

- Sanh là khổ (jātipi dukkhā).

- Già là khổ (jarāpi dukkhā).

- Chết là khổ (maraṇaṃpi dukkhaṃ).

- Sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ (sokaparidevadukkhadomanassupāyāsāpi dukkhā).

- Gần cái không ưa là khổ (appiyehi sampayogo dukkho).

- Xa lìa cái thương mến (piyehi vippayogodukkho) là khổ.

- Mong muốn không được là khổ (yampicchaṃ na labhati).

Tóm lại, nắm giữ năm uẩn là khổ (pañcupādānakkhandhā dukkho).

Trong kinh Chuyển Pháp Luân có nêu thêm: Bịnh là khổ (byādhipi dukkhā), là nói đến cái khổ riêng của chúng sinh có sắc thô như nhân loại, súc sinh để dẫn dắt trí năm Ngài KiềuTrầnNhư (Koṇḍañña) tiến đắc Đạo quả, còn Bộ Phân tích nói đến cái khổ chung của tất cả chúng sinh là “sinh, già, chết”.(2)

Bàn về bịnh là khổ.

Bịnh có hai loại : Thân bịnh và tâm bịnh.

Thân bịnh chỉ có đối với chúng sinh thai sinh, noãn sinh và thấp sinh, chúng sinh hóa sinh như ngạ quỷ, chư thiên, Phạm thiên hữu sắc thì không có thân bịnh (vì đó là loại sắc tế).

Tâm bịnh là: sầu, bi, khổ, ưu, não được đề cập kế tiếp.

Nhìn tổng quát, chúng ta thấy rằng;

- Sinh, già, bịnh, chết là nêu bày “khổ phổ biến – sāmaññadukkha”, vì đã có sinh muốn không bị già, muốn không bị bịnh, muốn không bị chết là điều không thể có được (3).

Còn “sầu, bi, khổ, ưu, não, ghét phải gần, thương phải xa, muốn không được”“khổ cá biệt – visesadukkha”, cái khổ chỉ có riêng với số chúng sinh này mà không có đối với chúng sinh khác (sđd).

- Sinh, già, bịnh chết là nói đến cái khổ của thân lẫn tâm, còn “sầu, bi, ưu, não, ghét phải gần, thương phải xa, mong muốn không được” là nói đến cái khổ của tâm.

- “Khổ” là nói riêng khổ thân.

Nói theo tính chất “do duyên sinh khởi” thì:

- Già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, có duyên chủ yếu là “sinh”(theo lý duyên khởi), còn “ghét phải gần, thương phải xa, muốn không được”, duyên chủ yếu là “sinh lẫn ái”.

Sinh có mặt lại do ái làm duyên. Sinh – già - chết là ba giai đoạn diễn hoạt của khổ.

Sinh là khổ của năm uẩn đang hình thành. Già là khổ của năm uẩn đang diễn tiến (ở chặng giữa). Chết là khổ của năm uẩn ở giai đoạn cuối.

Ví như ngọn lửa vừa nhen lên (sinh), ngọn lửa cháy sáng (già) và ngọn lửa thiêu rụi vật đang bị đốt (chết), cái gì là nhiên liệu cho ngọn lửa? Chính là ái danh sắc.

Nắm giữ năm uẩn là khổ”, là tổng quát về khổ.

Trong hiện tại có thân năm uẩn là do “nắm giữ” trong quá khứ.

Hiện tại “nắm giữ năm uẩn” tất nhiên năm uẩn trong tương lai (đời sau) sẽ hiện hữu.

Thế là, khổ cứ theo nhau tiếp diễn.

Đức Phật dạy:

“Upādāne bhayaṃ disvā, jātimaraṇasambhave.

Anupādā vimuccanti, jātimaraṇasaṅkhaye.

Thấy sợ trong chấp thủ, trong hiện hữu sinh tử.



Được giải thoát, không thủ,

sinh tử được đoạn trừ”.(1)

Lại nữa, khổ khi phân tích theo đặc tính thì có ba.

Có vị Tỳkhưu có bạch hỏi Đức Sāriputta(Xálợiphất) rằng:

“Dukkhaṃ, dukkhan’ti, āvuso Sāriputto vuccati. Katamaṃ nu kho, āvuso, dukkhan’ti?

Khổ, khổ, này hiền giả Sāriputta, được nói đến như vậy. Này hiền giả, thế nào là khổ?.

“Tisso imā, āvuso, dukkhatā, dukkhadukkhatā, saṅkhāradukkhatā, vipariṇāmadukkhatā.



- Này hiền giả, có ba khổ tánh (dukkhatā) này: Khổ khổ tánh (dukkhadukkhatā), hành khổ tánh (saṅkhāradukkhatā), biến khổ tánh (vipariṇāmadukkhatā).(2)

Khổ khổ tánh là nói đến khổ thân (kāyikadukkha) và khổ tâm (cetasikadukkha).

Chi pháp của khổ thân là “(tâm) thân thức thọ khổ - dukkhasahagataṃ kāyaviññānaṃ”. Chi pháp của khổ tâm là “hai tâm sân”.

“Sầu, bi, khổ, ưu, não ... muốn không được”, liệt vào khổ khổ tánh (vì liên hệ đến (tâm) thân thức thọ khổ và hai tâm sân)

Hành khổ tánh là cái khổ của pháp hữu vi khi sinh lên, chi pháp là thọ xả.

Sinh là khổ được liệt vào hành khổ tánh.

Biến khổ tánh là cái khổ của pháp hữu vi khi diệt mất, chi pháp là thọ lạc khi bị diệt.

Già - chết” được liệt vào phần này.

Xét ra, vị Thánh Alahán chí đến Đức Phật Chánh giác, khi còn thân năm uẩn các Ngài không có khổ tâm, nhưng khổ thân, hành khổ, hoại khổ vẫn còn.

Như vậy, cần phải hiểu khổ qua hai phương diện: Hiện tượng khổ và tánh khổ.



Hiện tượng khổ có hai loại:

- Khổ phổ biến (sāmaññadukkha).

Là cái khổ không một chúng sinh nào tránh khỏi khi còn thân năm uẩn, cho dù là vị Thánh Alahán, bậc Độc Giác Phật hay bậc Chánh đẳng giác, đó là “già, chết”. Già chết không từ chối một ai (1) nên già, chết được gọi là khổ phổ biến.

Nổi bật nhất của hiện tượng khổ là khổ thân, nó hiển lộ rõ nhất ở chúng sinh hạ đẳng như chúng sinh địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Nhân loại tuy không hẳn là hạ đẳng, nhưng không cao cấp như chư thiên, Phạm thiên. Đồng thời sự khổ thân của nhân loại cũng đa dạng.

Thông thường người giàu ít khổ thân hơn so với người nghèo khổ nhưng không hẳn hoàn toàn như vậy, nghèo mà thân khỏe mạnh vẫn ít khổ hơn giàu mà thân bịnh triền miên ...



- Khổ cá biệt.

Là nổi khổ riêng cho từng cá nhân, nỗi khổ này cũng rất đa dạng.

Sầu, bi, khổ, ưu, não thông thường chúng xuất phát từ một trong 5 tổn thất:

- Tổn thất thân tộc (ñātibyana): Là mất mát thân quyến hay bạn thân.



- Tổn thất tài sản (bhogabyasana): Là mất mát tài sản, lợi lộc.

- Sự bất an trong cơ thể, như bịnh, mất tay, mất chân... (rogabyasana).

- Sự hư hoại giới hạnh (sīlabyasana).

-Sự hư hoại tri kiến: Là rơi vào một trong những loại tà kiến (diṭṭhibyasana), dẫn đến thực hành khổ hạnh, như trường hợp hai du sĩ trong kinh Hạnh con bò (Trung bộ kinh).

Ba loại khổ kế (ghét phải gần, thương phải xa, muốn không được) phần nhiều xuất phát từ “yêu cái tôi” hay “yêu cái của tôi” (trong đó cũng có 3 sự tổn thất đầu).

Ngoài ra, có những sự khổ đa dạng khác như: Khổ vì chiến tranh, khổ vì thiên tai, khổ vì giặc cướp, khổ do bị cường quyền, khổ vì nạn đói, khổ do hành xác... cũng xếp vào “khổ cá biệt”.

Ngay cả chư thiên cũng có khổ cá biệt này, thiên tử Pañcasikha (Ngũ kế) đau khổ vì nàng thiên nữ Suriya vaccasā (2)...

Các Phạm thiên tuy không có khổ cá biệt, nhưng khổ phổ biến vẫn có. Cho dù tuổi thọ của vị Phạm thiên có dài đến đâu, cũng phải đi đến cái chết, đã có sinh tức có sự biến hoại, đó là định luật bất di dịch của dòng luân hồi.

Mười hai cái khổ được giải thích lần lượt như sau:

1- Sinh là khổ (jātipi dukkhā).

Ý nghĩa “sinh là khổ”, hiện bày rõ ràng nhất trong khổ vức.

Chúng sinh sinh vào địa ngục, phải chịu đựng khổ khốc liệt như bị lửa đốt, bị trôi dạt trong nước đồng (kim loại) sôi sùng sục, bị tra khảo, đánh đập …

Chúng sinh sinh vào cảnh giới ngạ quỷ (peta) thì bị đói khát triền miên, bị lửa thiêu đốt …

Chúng sinh vào cảnh giới Atula, là cảnh giới tối tăm, lạnh lẽo (ở dưới đáy biển nên ánh sáng mặt trời không chiếu đến được).

Chúng sinh sinh vào thai bào cũng gặp phải nhiều khổ nạn phức tạp.

Nỗi khổ ở khổ vức sẽ không có, nếu không có sự sinh vào nơi đó, mở rộng phạm vi hơn “nếu không có sinh vào cảnh giới nào thì khổ ở cảnh giới ấy không có”.

Do đó Đức Phật dạy “Sinh là khổ” trước tiên.

- Già - chết đã giải thích ở phần trước, xin giải về các khổ pháp tiếp theo.

4- Sầu (soka).

Là trạng thái buồn rầu, phiền muộn do mất mát điều yêu thích, như buồn tình, buồn vì mất cha, mất mẹ, mất người bạn thân (như vua Pasenadi sầu muộn khi hay Hoàng hậuMallikā chết ...), buồn vì tài sản khánh kiệt...Hoặc như Ngài Sudinna sầu muộn vì làm nhơ uế phạm hạnh(1).

Nói chung “tâm phiền muộn khi rơi vào 1 trong năm điều tổn thất (byasana).

Các Ngài giải thích chữ soka như sau:

“Socanaṃ = soko : Ưu tư, gọi là sầu”.

Và:


“Socanti cittaparilāham gacchanti etenāti soko:

Sầu là tâm thái phiền muộn, nhiệt não”(2).

Bốn đặc tính pháp của sầu là:

- Trạng thái: Nung nấu nội tâm hay làm nội tâm khô héo (antonijjhānalakkhaṇo).

- Phận sự: Luôn đốt cháy nội tâm (ceto parinijjhāyanaraso).

- Thành tựu: Ưu tư, phiền muộn liên tục (anusocanapaccupaṭṭhāno).

- Nhân cần thiết: Có tâm sân sinh khởi (dosacittuppādapadaṭṭhāno).

Như vậy, sầu là thọ ưu trong hai tâm sân.

Ngài Buddhaghosa (Giác Âm) có giải thích sầu là khổ như sau:

“Sattānaṃ hadayaṃ soko, visasallaṃva tujjati.

Aggitattova nārāco, bhusaṃva dahate puna.

Samāvahati ca byādhi - jarāmaraṇabhedanaṃ

Dukkhampi vividhaṃ yasmā, tasmā dukkhoti vuccatī’ti.(1)

Sầu xuyên vào tim chúng sinh, nỗi đau như cắt xé.

Như mũi tên tẩm độc, như ngọn giáo đỏ lửa,

Đâm sâu vào tim, làm tâm khô héo

như vỏ trấu bị đốt.

Dẫn đến khổ vị lai,

Giống như già, bịnh, chết. Nên gọi sầu là khổ.

5- Bi (parideva).

Là phiền muộn đến mức độ phải khóc, các Ngài có giải thích:

“Paridevanaṃ = paridevo: Kêu khóc, gọi là bi.

Hay: “Taṃ taṃ pavattiṃ parikittetvā devanti kandanti etenāti = paridevo:



Cách làm cho chúng sinh rơi nước mắt, than thở, kêu la, gọi là bi.”

Theo Luận Atỳđàm (abhidhamma), thì tiếng khóc chỉ là âm thanh do tâm tạo (cittajavippalasasadda), và nó biểu thị cho trạng thái tâm đang bị sầu khổ chi phối quá mức chịu đựng.



Bốn thực tính pháp của Bi.

- Trạng thái: Than khóc, kể lể (lālappamalakkhaṇo).

- Phận sự: Nhắc đến chuyện tốt hay xấu đã qua (của mình lẫn người) (guṇadosaparikittanaraso).

- Thành tựu: Tâm bấn loạn (sambhamapaccupaṭṭhāno).

- Nhân cần thiết: Có sắc tứ đại do tâm sân tạo (dosacittajamahābhūtapadaṭṭhānaṃ).

Sách Thanh tịnh đạo có giải thích:

“Yaṃ sokasallavihato paridevamāno,

Kaṇṭhoṭṭhatālutalasosajamappasayham,

Bhuyyodhimattamadhigacchatiyeva dukkhaṃ,

Dukhoti tena bhagava paridevamāhā’ti.(2)

Trúng phải mũi tên sầu, lại than van, kể lể,

Làm khổ thêm tăng trưởng, rát họng, miệng - môi khô,

Đức Thế Tôn, Ngài dạy: “Bi lụy chính là khổ”.

6- Khổ (dukkha).

Nói gọn, khổ có hai loại là “khổ thân và khổ tâm”.

Trong năm pháp: sầu, bi, ưu, não chỉ cho khổ tâm, còn khổ ở đây chỉ cho khổ thân (kāyikadukkha), chi pháp của khổ là (tâm) thân thức thọ khổ.

Trong khổ thân này, có loại hiện bày rõ ràng, người ngoài có thể thấy được như: Bị đâm, bị chém, bị hành hạ, bị đánh đập, bị thương tật... gọi là hiện khổ (appaṭicchannadukkha hay pākaṭadukkha).

Có loại khổ thân, người ngoài không thấy được, chỉ riêng kẻ ấy biết như: Đau răng, nhức đầu, chóng mặt, thân thể uể oải, mệt mỏi... gọi là ẩn khổ (paṭicchannadukkha hay apākaṭadukkha).

Các Ngài có giải thích về khổ thân như sau:

“Dukucchitaṃ hutvā kāyikasukhaṃ khaṇatī’ti = dukkhaṃ

Làm hư hoại và đối nghịch với thân lạc, gọi là khổ”.

Giải thích tổng quát về khổ thì:

“Dukkhamanti = dukhaṃ: Khó chịu, gọi là khổ”.



Bốn đặc tính pháp của khổ như sau:

- Trạng thái: Bức bách thân xác (kāyapīḷanalakkhaṇaṃ).

- Phận sự: Khiến kẻ ngu sầu muộn (duppaññaṇaṃ domanassakaraṇarasaṃ)

- Thành tựu: Đau đớn thân (kāyi kāpādhapaccupaṭṭhāṇaṃ).

- Nhân cần thiết: Có thần kinh thân (kāyapasādapadaṭṭhāṇaṃ)

Sách Thanh tịnh đạo có giải thích:

“Pīḷeti kāyikamidaṃ,

Dukkhañca mānasaṃ bhiyyo,

Janayati yasmā tasmā,

Dukkhanti visessato vuttan’ti.(1)

Đau đớn nơi thân xác,

Lại dẫn đến khổ tâm,

Tác động (tâm) như thế,

Ngài gọi: sự khổ (thân),

thật sự là khổ vậy.”

7- Ưu (domanassa).

Chữ domanassa từ du+ manassa (xấu xa của ý). Ưu là buồn rầu, khó chịu của tâm.

Pāli có giải thích:

“Dumanasssabhāvo = domanassaṃ:



Tâm khó chịu, gọi là ưu”.

Chi pháp của ưu là tâm sở thọ ưu.

Sầu, bi là khổ tâm, dẫn đến khổ thân. Từ khổ thân lại dẫn đến khổ tâm, một chuỗi tương sinh liên hoàn nối tiếp nhau như thế, nên chi ưu xếp nối tiếp của chi khổ.

Thực tế cho thấy: Đối với phàm nhân khi thân bất an (như bịnh, thân uể oải ...) thường dẫn đến tâm bất an, tâm bất an dẫn đến phiền muộn, có phiền muộn là có giao động, thế là phiền não sinh khởi.

Đức Phật có dạy:

“Yaṃ kiñci dukkhaṃ sambhoti, sabbaṃ iñjitapaccayā...

Phàm khổ gì hiện hữu. Tất cả, duyên giao động...”(1).

Lại nữa, đôi khi phẩn uất quá mạnh, người ta tự dày vò thân như đấm ngực, bức tóc, dậm chân, nằm lăn lộn trên đất... thậm chí có thể tự tử bằng dao, thuốc độc...

Nhân phát sinh ưu có rất nhiều, tựu trung là gặp “cảnh bất toại ý” hoặc “không đạt được điều mong muốn”.

Trong Tương Ưng kinh, Đức Phật có dạy:

“... Piyānaṃ adasssanaṃ dukkhaṃ

Appiyānañ ca dassanaṃ.

...Không gặp điều thích ý và gặp điều không thích, là khổ”.

Trong các loại khổ tâm thì ưu là nhẹ nhất, nhưng nếu không khéo sẽ dẫn đến sầu, bi.



Bốn ý nghĩa thực tính của ưu là:

- Trạng thái: Bức bách tâm (cittapiḷanalakkhaṇaṃ)



- Phận sự: Tra khảo tâm (manovigātarasaṃ)

-Thành tựu: Tâm không an tịnh ( mānassabayādhipaccupaṭṭhānaṃ)

-Nhân cần thiết: Có sắc ý vật (hadayavatthupadaṭṭhānaṃ)2

Có câu hỏi rằng: Vì sao vị Phạm thiên hữu sắc cũng có sắc ý vật, lại không có thọ ưu.

Đáp rằng: Vị Phạm thiên khi thọ ưu sinh khởi thì mệnh chung, để gìn giữ mạng sống nên các Ngài thường quân bình tâm khi nhận cảnh không hài lòng (do thấy hoặc do nghe).

Mặt khác, sắc ý vật cõi dục thô xấu hơn so với sắc ý vật của vị Phạm thiên, do đó thọ ưu dễ sinh khởi hơn ví như đống rác dễ sinh sâu bọ hơn so với nơi sạch sẽ.

Cũng vì có nhân cần thiết là “sắc ý vật” nên ưu xếp sau khổ.

Sách Thanh tịnh đạo có giải thích về ưu như sau:

“Piḷeti yato cittaṃ,

Kāyassa ca pīḷanaṃ samāvahati;

Dukkhanti domanassaṃ,

Vidomanassā tato āhū’ti.(3)

Khó chịu bức bách tâm,

lại còn bức hại thân.

Nên ưu gọi là khổ,

Bậc vô ưu(1) nói thế”.



tải về 2.55 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương