Luận Giải Kinh Chánh Tri Kiến


Ba hành đối với ba nghiệp



tải về 2.55 Mb.
trang18/22
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích2.55 Mb.
#1510
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   22

Ba hành đối với ba nghiệp.

-Phúc hành là 8 tâm đại thiện thì tạo được ba loại nghiệp: Thân nghiệp thiện, ngữ nghiệp thiện và ý nghiệp thiện.

- Phúc hành là 5 tâm thiện Sắc giới và bất động hành, tạo được ý nghiệp thiện.

- Phi phúc hành tạo được: Thân nghiệp bất thiện, ngữ nghiệp bất thiện và ý nghiệp bất thiện.

Hành làm duyên cho thức ra sao?.

Như đã giải, tâm sở Tư có hai khía cạnh: Là quả của vô minh (Vô minh duyên hành), là nhân của thức (hành duyên thức).

Hành làm duyên cho thức sinh khởi qua hai thời điểm:

- Thời tục sinh.

Phi phúc hành tạo tâm Quan sát thọ xả quả bất thiện trong thời tục sinh, như vậy chi pháp ở đây chỉ là tâm sở Tư hiệp trong 11 tâm bất thiện (trừ tâm si hợp phóng dật), vì Tư hợp với phóng dật rất yếu, chỉ có khả năng tạo quả bất thiện trong thời bình nhật.

Phúc hành tạo được 13 tâm quả làm việc tục sinh, là: 8 tâm đại quả và 5 tâm quả Thiền Sắc giới (tương ứng với tầng thiền đắc chứng).

Bất động hành tạo được 4 tâm quả thiền Vô sắc giới (tương ứng với tầng thiền đắc chứng).

- Thời bình nhựt.

Phi phúc hành là 12 tâm sở Tư trong 12 tâm bất thiện, mỗi tâm sở Tư tạo ra 7 tâm quả bất thiện.

Phúc hành là 8 tâm sở Tư trong tám tâm đại thiện, thì:

- Tâm sở Tư trong tâm thiện ly trí thiếu một trong ba Tư (cố ý trước khi làm, cố ý trong khi làm và cố ý sau khi làm) cho 8 tâm quả thiện vô nhân.

- Tâm sở Tư trong tâm thiện ly trí thọ hỷ đủ tam tư, cho 12 tâm quả: 8 tâm quả thiện vô nhân + 4 tâm đại quả ly trí.

- Tâm sở Tư trong tâm thiện ly trí thọ xả đủ tam tư, cho 10 tâm quả: 8 tâm quả thiện vô nhân + 2 tâm đại quả ly trí thọ xả (vì tâm thiện thọ xả không thể cho tâm quả thọ hỷ).

- Tâm sở Tư trong tâm đại thiện có trí thiếu tam tư, cho 12 tâm quả: 8 tâm quả thiện vô nhân + 4 đại quả ly trí (vì thiếu một trong tam tư, nên mãnh lực yếu không thể duy trì nhân trí).

- Tâm sở Tư trong tâm đại thiện có trí thọ hỷ, đủ tam tư tạo 16 quả : 8 tâm quả thiện vô nhân + 8 đại quả.

- Tâm sở Tư trong tâm đại thiện có trí thọ xả, đủ tam tư tạo 12 quả: 8 quả thiện vô nhân + 4 đại quả thọ xả có trí,

Phúc hành là 5 tâm sở Tư trong 5 tâm thiện thiền Sắc giới cùng 4 tâm sở Tư trong 4 tâm thiện thiền Vô sắc, trong thời bình nhật cho tâm quả thiền tương ứng làm việc hữu phần (bhavaṅga kiccaṃ).



Dứt phần giải về Hành.

Tiêu đề 15- Trí hiểu rõ về Vô minh (avijjā).

Chánh kinh.

Chư Hiền, thế nào là vô minh (avijjā), thế nào là tập khởi của vô minh, thế nào là đoạn diệt của vô minh, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của vô minh? Sự không biết về khổ (dukkhe aññāṇaṃ), không biết về tập khởi của khổ (dukkhasamudaye aññāṇaṃ), không biết về diệt khổ (dukkhanirodhe aññāṇaṃ), không biết về con đường đưa đến diệt khổ (dukkhanirodhagāminī paṭipādāya aññāṇaṃ), chư Hiền, như vậy gọi là vô minh.

Từ tập khởi của lậu hoặc (āsava) có tập khởi của vô minh; từ đoạn diệt của lậu hoặc có đoạn diệt của vô minh; và Thánh đạo tám ngành là con đường đưa đến đoạn diệt vô minh, tức là: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định”.

Giải.

1- Ý nghĩa từ avijjā.

Avijjā phân tích thành [na+ căn vid].

Căn vid có nhiều nghĩa, nhưng ở đây chỉ cho sự hiểu biết, sự biết rõ (tương đương với ñāṇa – trí).

Từ ý nghĩa này, phát sinh chữ veda (minh triết), vedagū, vidū, vedī (bậc minh triết, bậc hiểu biết), vijjā (sáng suốt, thông minh).

Avijjā trước tiên có ý nghĩa “không hiểu biết”, ngoài ra còn một số ý nghĩa khác như “sự thờ ơ (với chân lý)”, “sự nhầm lẫn”, “sự mê muội”.

- Vô minh với ý nghĩa “không hiểu biết”, là không biết rõ 4 chân lý cao thượng: Khổ, tập, diệt và đạo đế.

Có vị Tỳkhưu bạch hỏi Đức Thế Tôn:

“Avijjā, avijjā’ti bhante, vuccati. Katamā nu kho, bhante, avijjā?

Vô minh, vô minh, bạch Đức Thế Tôn, được nói đến như vậy. Bạch đức Thế Tôn, thế nào là vô minh?

“Yaṃ kho, bhikkhu, dukkhe aññānaṃ , dukkhasamudaye aññānaṃ, dukkhanirodhe aññānaṃ, dukkhanirodhagāminiyā paṭipadāya aññānaṃ .

Ayaṃ vuccati, bhikkhu, avijjā.



- Này Tỳkhưu, chính không rõ biết về khổ, không rõ biết về khổ tập, không rõ biết về khổ diệt, không rõ biết về con đường đưa đến khổ diệt.

Này Tỳkhưu, đây gọi là vô minh”.(1)

Một đoạn kinh khác ghi nhận. Có vị Tỳkhưu bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng:

““Avijjā, avijjā’ti bhante, vuccati. Katamā nu kho, bhante, avijjā?

Vô minh, vô minh, bạch Đức Thế Tôn, được nói đến như vậy. Bạch đức Thế Tôn, thế nào là vô minh?

“Iddha, bhikkhu, assutavā puthujjano rūpaṃ nappajānāti, rūpasamudayaṃ nappajānāti, rūpanirodhaṃ nappajānāti, rūpanirodhagāminiṃ paṭipadaṃ nappajānāti.

- Ở đây, này Tỳkhưu, kẻ vô văn phàm phu không biết rõ sắc, không biết rõ sắc tập khởi, không biết rõ sắc đoạn diệt, không biết rõ con đường đưa đến sắc đoạn diệt.

Vedanaṃ nappajānāti ... saññā nappajānāti ... saṅkhāre nappajānāti ...

Không biết rõ thọ... không biết rõ tưởng... không biết rõ hành...

Viññāṇaṃ nappajānāti, viññāṇasamudayaṃ nappajānāti, viññāṇanirodhaṃ nappajānāti, viññāṇanirodhagāminiṃ paṭipadaṃ nappajānāti.

Ayaṃ vuccati, bhikkhu, avijjā...

Không biết rõ thức, không biết rõ thức tập khởi, không biết rõ thức đoạn diệt, không biết rõ con đường dẫn đến thức đoạn diệt.

Này Tỳkhưu, đây gọi là vô minh.” (2)

Hai đoạn kinh trên tuy có khác nhau về chi tiết, nhưng đều quy về “không biết tứ đế”.

Không hiểu biết về tứ đế, đồng nghĩa “không thấy tam tướng của các pháp hữu vi”. Đó cũng là một ý nghĩa của vô minh.

Có vị Tỳkhưu bạch hỏi Đức thế Tôn rằng:

“Kathaṃ nu kho, bhante, jānato kathaṃ passato avijjā pahīyati, vijjā uppajjatī’ti?

Bạch Thế Tôn, do biết như thế nào, do thấy như thế nào vô minh được đoạn tận, minh được sinh khởi?.

“ Cakkhuṃ kho, bhikkhu, aniccato jānato passato avijjā pahīyati, vijjā uppajjati.

- Này Tỳkhưu, d0 biết, do thấy mắt là vô thường, vô minh được đoạn tận, minh được sinh khởi.”(3)

- Vô minh với ý nghĩa “thờ ơ với sự thật”.

Có hạng chúng sinh, nhờ nghe pháp của Đức Thế Tôn tuy hiểu được 4 chân lý này, nhưng không thực hành pháp để chứng đạt những gì cần chứng đạt, được gọi là “thờ ơ với chân lý”, và điều này được xem như “do vô minh chi phối”.

Có lần vua Trời Đế Thích cùng thiên chúng đi đến yết kiến Đức Thế Tôn, nghe Pháp từ Đức Thế Tôn rồi trở về thiên giới.

Đức Mụckiềnliên (Moggallāna) muốn biết các thiên tử có thực hành pháp hay không, Ngài đi đến cung trời Đạo lợi, thấy các thiên chúng vẫn say mê trong dục lạc (1). Đây là ý nghĩa “thờ ơ với chân lý”.

Hoặc: “Thành tựu ba pháp, này các Tỳkhưu, người ngu được biết đến. Thế nào là ba?



- Phạm tội không thấy là phạm tội.

- Thấy phạm tội nhưng không sám hối (chừa cải).

- Người khác thấy phạm tội, nhưng (người phạm tội) không chấp nhận.(2).

- Vô minh với ý nghĩa “nhầm lẫn”.

Chính sự nhầm lẫn này dẫn đến kết quả vô cùng tai hại, đó là tà kiến.

Không biết chưa hẳn dẫn đến điều ác xấu, nó có thể dẫn đến điều tốt, như một đứa bé để dành thức ăn ngon cho cha mẹ, dù rằng nó không biết “đó là điều tốt”. Còn nhầm lẫn, tốt cho là xấu, xấu cho là tốt mới là nguy hại.

Người giúp mình lại cho là “kẻ ấy hại ta” nên đem oán báo ân, kẻ hại mình lại cho là “ân nhân”, nên tri ân kẻ thù, đó chẳng phải là hiểm nạn sao?.

Ngài Buddhaghosa có giải thích :

“Taṃ avindiyaṃ vindatī’ti avijjā:

Vô minh là không thấy điều đáng thấy”.

Và: “Taṃ vindiyaṃ na vindatī’ti avijjā:



Vô minh là thấy điều không đáng thấy.”(3)

Điều không đáng thấy là thân ác hạnh, ngữ ác hạnh. Điều đáng thấy là thân thiện hạnh, ngữ thiện hạnh.

Đức Phật có dạy:

“Avajje vajjadassino; vajje cāvajjadassino.

Micchādiṭṭhi samādānā; sattā gacchanti duggatiṃ.

Không lỗi, lại thấy lỗi; có lỗi lại thấy không.

Không sợ lại đáng sợ, đáng sợ, lại thấy không.

Do chấp nhận tà kiến, chúng sinh đi ác thú (duggatiṃ).”(4)

Hay:


“Avijjāgatassa, bhikkhave, aviddasuno micchādiṭṭhi pahoti.

Với kẻ bị vô minh chi phối, không biết, này các Tỳkhưu, tà kiến sanh (pahati = uppajjati: sanh khởi)”.(5)

- Vô minh với ý nghĩa “mê muội” (hay ngu si, si ám, mê si).

Là đồng nghĩa với si (moha), loại vô minh này là nền tảng cho tham (lobha), sân (dosa) cùng các pháp tùy tùng với chúng được sinh lên (sđd), như Kinh văn:

“ Yā kāc’imā duggatiyo asmiṃ loke paranti ca,

avijjāmūlikā sabbā, icchālobhasamussayā.



Phàm có khổ cảnh gì, đời này và đời sau.

Tất cả do vô minh, làm gốc, làm cội rễ.

Dục tham được chất chứa.” (1)

Và:


“Yena mohena mūḷhāse,

Sattā gacchanti duggatiṃ...

Với si, bị si mê.

Chúng sinh đến khổ cảnh...” (2)..

Do vô minh chúng sinh đến khổ cảnh, bị si mê chúng sinh đến khổ cảnh, như vậy vô minh (trong trường hợp này) đồng nghĩa với si mê (moha).

Tóm lại, vô minh chỉ là trạng thái “không sáng suốt” khi đối diện với chân lý, khi đứng trước cảnh.

Vô minh tuy có gốc rễ là si (moha) nhưng lại khác si, si dẫn xuống khổ cảnh còn vô minh có thể dẫn đến nhàn cảnh.

Có thể hình dung Si (moha) như người đi trong đêm đen, luôn luôn gặp những tai họa, còn vô minh như người như người đi trong bối cảnh mờ mờ ảo ảo, có thể lạc đường, nhầm lẫn nhưng ít gặp tai họa hơn.

Hoặc ví như người mù đi lang thang vô định, người ấy có lúc leo lên núi cao (ví như vô minh), cũng có lúc lần xuống vực thẳm (ví như si), cả núi cao hay vực thẳm y đều không biết, cũng vậy, có những lúc vô minh trợ giúp trợ tạo thiện nghiệp, có những lúc trợ tạo ác nghiệp.

Điểm chính của vô minh là ngăn che đạo quả và Nípbàn, dẫn dắt chúng sinh đi vào luân hồi.



a- Những giải thích về từVô minh.

Pāli có giải thích về avijjā (vô minh) như sau (3):

- Vijjā paṭikkhati = avijjā:

Chống lại (paṭi) sự sáng suốt, gọi là vô minh.

- Catusaccadhammaṃ vidati pākataṃ karotī’ti = avijjā:



Làm cho không biết pháp bốn sự thật (Tứ đế) , gọi là vô minh.

-Avindiyaṃ vindatī’ti = avijjā:

Vui thích trong (pháp) đau khổ (ác xấu), gọi là vô minh.

Nghĩa là, những pháp người đời cho là lạc như danh tiếng, quyền lực, lợi đắc... thật sự là “đau khổ”, vui thích với những pháp tiềm ẩn đau khổ như thế, gọi là vô minh.

-Vindiyaṃ navindatī’ti = avijjā:

Không vui thích trong pháp tốt đẹp, gọi là vô minh.

- Avijjamāne javāpetī’ti = avijjā:



Không biết (pháp) hiện tại, gọi là vô minh.

(avijjamāna là không biết hiện tại, javāpeti = java (chạy nhanh) + apeti (biến mất).

Tức là, vô minh làm cho tâm chỉ biết “cái quá khứ”, hay “cái vị lai”, hai cái biết này là “do tưởng tạo thành”, cái gì do tưởng biết, tưởng tạo thành, thường là cảnh chế định (sammutārammaṇa), vì “biết rõ trong hiện tại là biết được thực tính pháp”.

Do đó, Đức Phật dạy :

“Atītaṃ nañvāgameyya, nappaṭikaṅkhe anāgataṃ...

Quá khứ kkông truy tầm, tương lai không ước vọng...”(1).

Hay:


“Anāgatappajappaaya, atītassānusocanā.

Etena bālā sussanti, naḷova harito luto’ti.

Do mong việc sắp tới, do than việc đã qua.

Nên kẻ ngu héo úa, như lau xanh rời cảnh”(2)

Và cũng vì thế nên các Giáo Thọ Sư dạy : “Vô minh chỉ biết cảnh chế định”.

- Vijjāmāne na javāpetī’ti = avijjā:

Không biết pháp chân đế (như uẩn, xứ, giới...), gọi là vô minh.

- Veditabbaṃ aviditaṃ karotīti = avijjā:



Làm cho không biết điều đáng biết, gọi là vô minh.

Có thể hiểu: “Biết điều không đáng biết, không biết điều đáng biết, đều là vô minh”.



Điều đáng biết là gì ?

Chính là Bốn sự thật: Khổ, nguyên nhân sinh khổ, sự diệt khổ và con đường dẫn đến sự diệt khổ.

Theo Phật giáo, bậc thiện trí thức (sappurisa) là bậc đã thấy được 4 điều này, người không thấy được bốn sự thật, không phải là bậc thiện trí thức, cho dù đó là vị Hoàng Đế, hay các Samôn, Bàlamôn học rộng biết nhiều.

“Yathindakkhīlo paṭhaviṃ sito siyā.

Catubbhi vātebhi asampakampiyo.

Tathūpamaṃ sappurisaṃ vadāmi.

Như cây cột trụ đá.

Khéo nương tựa (sito) lòng đất.

Dầu có gió bốn phương.

Cũng không thể giao động.

Ta nói bậc chân nhân (sappurisa).

Giống như ví dụ này.

Vị thể nhập với tuệ.

Thấy được bốn Thánh đế.(1)

Các vị Thánh Alahán còn triển khai ý nghĩa “không biết bốn sự thật” qua các hình thức khác như : không biết sự tập khởi và sự đoạn diệt của ngũ uẩn (2), không biết vị ngọt, nguy hại, sự xuất ly của ngũ uẩn.(3)



b-Bốn ý nghĩa thực tính của vô minh.

- Trạng thái: Không biết (añāṇalakkhaṇā)

- Phận sự: Làm tối tăm các pháp (ngay cả chính nó) (sammoharasā)

- Thành tựu: Ngăn che bản thể thực tính của các pháp (ohādanapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cần thiết: Có pháp ngâm tẩm (āsavapadaṭṭhānā)

Giải.

- “Không biết”.

Biết có ba loại: Biết do trí, biết do tưởng, biết do thức, “không biết” ở đây ám chỉ “không có cái biết của trí”.

Mặt khác, “không biết” là không biết nguyên nhân sinh khổ, không biết con đường diệt khổ.

Trước thời Đức Phật, các Samôn, Bàlamôn cũng biết khổ, nhưng nguyên nhân sinh ra khổ thì các vị ấy cho rằng: “Do Thượng Đế tạo ra” hay “do nghiệp quá khứ”, Đức Phật đã bác bỏ thẳng thừng quan điểm “khổ do nhân Thượng Đế tạo ra”, đối với quan điểm “khổ do nhân nghiệp quá khứ”, Đức Phật cũng không chấp nhận hoàn toàn, nghĩa là “có phần là thế, có phần lại không”.(4)

Và Đức Phật chỉ ra “nguyên nhân sinh khổ là do ái “.

Để diệt khổ các vị ấy thực hành những tà pháp, thế là “không biết phương pháp trừ diệt khổ”. Đã không biết “con đường dẫn đến diệt khổ”, tất nhiên “sự diệt khổ” cũng không biết nốt.

Các Samôn, Bàlamôn trước thời Đức Phật, tuy biết khổ, nhưng cái biết này do tưởng “vẽ lại”, còn khổ đang đình trụ, đang diễn tiến thì không thể “thấy - biết”.

Tóm lại, vì vắng mặt của trí, nên “không biết bốn sự thật”.

- “Làm tối tăm các pháp”.

Là làm cho tâm cùng các pháp sinh chung với tâm không nhận định được đâu là chân lý, đâu là thực, đâu là phi chân lý, đâu là ảo. Ví như ảo thuật gia làm hoa mắt người xem để thực hiện việc làm riêng của mình.

- “Ngăn che bản thể thực tướng”.

Tức là ngăn che 3 tướng trạng của pháp hữu vi. Ngay cả khi hành giả có nhận thức được “khổ”, vô minh tạo ra “lạc” để ru ngũ tâm.

Trong “lạc thọ” đã có “khổ ẩn vào”, nhưng hành giả không nhận thức được. Đó là thành tựu của Vô minh, nên Đức Phật dạy:

Hãy quán thọ khổ như mũi tên, quán thọ lạc là khổ, quán thọ xả là vô thường”.

- “Có pháp rịn thấm (āsavadhamma)”.

Là có pháp “rỉ ra, thấm vào”, ví như nhựa cây rỉ ra từ vết nứt thân cây, rồi thấm vào thân cây, giác cây.

Pháp ngâm tẩm ở đây chỉ cho: Dục rịn thấm (kāmāsava), hữu rịn thấm (bhāvāsava), kiến rịn thấm (diṭṭhāsava) và Vô minh rịn thấm (avijjāsava).

2- Các dạng thức của Vô minh.

Vô minh xuất hiện rất đa dạng, có rất nhiều hình thức tùy theo sự hoạt động của nó.

Trước tiên, vô minh là gốc rễ của tất cả bất thiện pháp, vì kẻ tùy tùng đắc lực của vô minh là phóng dật (uddhacca), chính phóng dật khiến tâm chỉ biết (cảnh) quá khứ hay (cảnh) vị lai, xa lìa pháp hiện tại.

“(Evameva kho), bhikkhave, ye keci akusalā dhammā sabbe te avijjāmūlakā...

(Cũng vậy), này các Tỳkhưu, phàm có những bất thiện nào, chúng đều lấy vô minh làm cội rễ...

“Tasmātiha, bhikkhave, evaṃ sikkhitabbaṃ “appamattā viharissāmā’ti”.



Do vậy, này các Tỳkhưu, các ngươi cần phải học tập như sau: “Chúng ta sống không phóng dật (appamatta là tên gọi khác của niệm – sati - Ns).”(1).

Nhờ có niệm mạnh, phóng dật bị tiêu trừ, do đó các bất thiện pháp không thể sinh lên.

Và một khi chánh trí xuất hiện thì vô minh không thể có mặt, thế là tâm không chạy theo quá khứ hay vị lai.

“Appamādarato bhikkhu, pamāde bhayadassi vā,

Abhabbo parihānāya. Nibbānass’ eva santike.

Vị Tỳkhưu thích thú trong chú niệm, thấy sợ hãi trong phóng dật, (vị ấy) không còn thối đọa, vị ấy đối diện với Nípbàn.”(2)

Hay:“ Này các Tỳkhưu, vị Thánh đệ tử khéo thấy như chơn với chánh trí tuệ lý duyên khởi này và các pháp duyên sinh này, nên chắc chắn vị ấy không chạy theo quá khứ (với những câu hỏi): “Ta có trong quá khứ? Ta không có mặt trong quá khứ. Ta có mặt như thế nào trong quá khứ...

Hay không chạy theo tương lai (với những câu hỏi): “Ta có mặt trong tương lai? Ta không có mặt trong tương lai? Ta có mặt như thế nào trong tương lai?...”(1)

Chính do ý nghĩa này, các Luận Sư đã bảo: Chi pháp của vô minh là tâm sở Si (mohacetasika).

- Vô minh xuất hiện với dạng dòng nước mạnh (oghā), lôi cuốn chúng sinh vào luân hồi, được gọi là avijjoghā (2) (vô minh bộc lưu hay vô minh cuồng lưu).

Chữ oghā, Pāli có giải thích như sau:

“Avattharitvā hanantīti = oghā:

Tràn ngập, xâm hại chúng sinh, gọi là cuồng lưu.(3)

- Vô minh xuất hiện với dạng pháp che lấp (nīvaraṇadhamma), ngăn cản không cho trí sinh khởi để chứng đắc thiền hoặc Đạo quả, được gọi là avijjānīvaraṇa (Vô minh che lấp).(4)

Pāli có giải thích từ nīvaraṇa như sau:

“Jhānadika nīvārentīti = nivaraṇāni:



Ngăn chận, không cho chứng đạt Thiền, gọi là che lấp (sđd).

- Vô minh xuất hiện với dạng ngủ ngầm (anusaya), như Kinh văn:

“Yato kho, bhikkhave, bhikkhuno sukhāya vedanāya rāgānusayo pahīno hoti, dukkhāya vedanāya paṭighānusayo pahīno hoti. Adukkhamasukhāya vedanāya avijjānusayo pahīno hoti...

Này các Tỳkhưu, khi nào Tỳkhưu đoạn tận tham ngủ ngầm (rāganusaya) với lạc thọ, đoạn tận sân ngủ ngầm (paṭighānusaya) với khổ thọ, đoạn tận vô minh ngủ ngầm (avijjānusaya) với thọ không khổ không lạc...” (5)

Gọi là “ngủ ngầm – anusaya”, là khi có cơ hội thích ứng các pháp này sẽ sinh lên. Như sóng vốn không có sẵn trong nước, nhưng khi có gió thì sóng nổi dậy.

Pāli có giải thích như sau:

“Santāna anu anu sentī’ti = anusaya:

Pháp (dường như) ngủ nghĩ liên tục, gọi là ngủ ngầm.

“Anurūpaṃ kāranaṃ labhitvā santi uppajjantī’ti = anusaya:



Theo sắc (dường như) ngủ yên, khi gặp điều kiện thích hợp thì sinh lên, gọi là ngủ ngầm.

Tuy pháp ngủ ngầm cũng có thể nương theo danh pháp sinh lên khi gặp điều kiện thích ứng, nhưng phần lớn do nương theo sắc pháp, cho dù chứng đạt thiền Sắc giới, pháp ngủ ngầm cũng nương sinh do có liên hệ đến sắc tưởng, ngoại trừ những vị chứng thiền Vô Sắc, nhưng những vị chứng thiền Vô sắc rất ít.



- Vô minh xuất hiện với dạng ngâm tẩm (āsavadhamma), (chữ āsava, các vị Tiền bối thường dịch là lậu hoặc – Ns).

“Tayome, bhikkhave, āsavā. Katame tayo? Kāmāsavo, bhavāsavo, avijjāsavo.

Ime kho, bhikkhave, tayo āsavā’ti.

Này các Tỳkhưu, có ba loại ngâm tẩm này. Thế nào là ba? Dục ngâm tẩm, hữu ngâm tẩm, vô minh ngâm tẩm.



Này các Tỳkhưu, có ba ngâm tẩm này.” (1)

- Vô minh xuất hiện với dạng dây trói buộc (saṃyojana: triền)(2), gọi là vô minh triền (avijjāsaṃyojana).

Pāli có giải thích:

“Saṃyojananti bandhantī’ti = saṃyojana:



Cột trói (chúng sinh), gọi là triền.

Có vị chư thiên bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng:

“Kiṃsu saṃyojano loko, kiṃsu tassa vicāraṇaṃ.

Vật gì trói buộc đời?. Vật gì lôi kéo đời?.

Đức Thế Tôn đáp:

“Nandī saṃyojano loko, vitakkassa vicāranaṃ

Chính hỷ trói buộc đời, tầm cầu lôi kéo đời”(3).

Sự cột trói này có ba loại: Cột trói bình thường, gọi là triền. Cột thắt cứng (khá chặc), gọi là kết (yoga), vô minh xuất hiện với dạng này, gọi là vô minh kết (avijjāyoga)(4). Tức là vô minh cột khá chặt chúng sinh vào vòng luân hồi, pāli có giải thích:

“Vaṭṭasmiṃ satte yojentī’ti – yoga:

Cột chúng sinh dính khắn khít vào luân hồi, gọi là kết.

Và “cột cứng chắc”, gọi là gantha hay bandha (phược)(5), nhưng vô minh không xuất hiện với dạng này.



3- Phân tích vô minh.

- Vô minh có một loại: Không biết, không thấy.

Là không biết, không thấy chân lý, nên luôn luôn bị vô minh dẫn dắt vào sinh tử luân hồi.

“Dīgho bālānaṃ saṃsāro, saddhamaṃ avijjānataṃ.

Kẻ ngu luân hồi dài, do không biết diệu pháp” (6).

- Vô minh có 2 loại: Không thực hành điều nên thực hành, thực hành điều không nên làm.

Không thực hành điều nên thực hành”, là không làm những thiện sự, hay thực hành bát chánh đạo,

Thực hành điều không nên thực hành”, là tạo những ác, bất thiện nghiệp từ thân, ngữ, ý hay thực hành những pháp khổ hạnh thuộc tà giải thoát.

Lại nữa, vô minh có hai loại:

“Điều sai lầm cho là đúng, điều đúng lại cho sai lầm”. Ám chỉ sự “nhầm lẫn” của vô minh, từ đó nảy sinh tà kiến.

“Asāre saramatino. Sāre cāsāradassino...

Cốt lõi, cho không cốt lõi. Không cốt lõi, thấy là cốt lõi...” (1).

- Vô minh có ba loại : Là tâm sở Si tương ưng với ba thọ.

Chính vì không biết sự nguy hại của thọ, vì thọ dẫn đến ái, bao giờ còn ái là còn lưu chuyển trong luân hồi.

- Vô minh có bốn loại : Là bất tri tứ đế.

- Vô minh có 5 loại: Là che đậy tội lỗi trong 5 nẻo tái sinh: Địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, người và trời..

- Vô minh có sáu loại. Là không thấy vô thường, khổ, vô ngã trong sáu môn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý môn) và sáu cảnh (sắc, thinh, mùi, vị, xúc và pháp cảnh), như “không thấy mắt là vô thường, khổ, vô ngã, tai là vô thường, khổ vô ngã ....

Phần 2.

Bất tri tứ đế.

Nên phân biệt đế và Thánh đế, đế là sự thật theo thường tình, còn Thánh đế là sự thật của bậc thánh, vì thành tựu Thánh vị nên gọi là Thánh đế, là sự thật cao quý không hề thay đổi.

Sự thật theo thường tình (lokiyasacca - tục đế) thường thay đối, có những sự thật theo thường tinh, nhưng bậc Thánh không thực hành, như:

Này các Tỳkhưu, chớ có nói những câu chuyện của loài súc sinh, câu chuyện về vua chúa, câu chuyện về ăn trộm....



Những câu chuyện như thế này, này các Tỳkhưu không đưa đến mục đích, không làm căn bản cho phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Nípbàn”.(2)

Hay, theo thường tình thì “thương yêu mà gần” họ cho là lạc, trái lại bậc Thánh vẫn xem là khổ... như bà Dhammadinnā có trả lời ôngVisākha, khi ông hỏi:

“Sukhā pan’ayye vedanā kiṃ sukhā kiṃ dukkhā?

- Thưa Ni sư, trong thọ lạc, cái gì là lạc cái gì là khổ.

“Sukhā kho āvuso Visākha vedanā ṭhitisukhā vipariṇāmadukkhā.



- Này hiền giả Visākha, trong thọ lạc, đang trú là lạc, diệt mất là khổ.(3)

Tứ đế ở đây ám chỉ Tứ Thánh đế, đối với bậc Thánh thì:

- Khổ đế cần phải thắng tri.

- Tập đế cần phải đoạn trừ.

- Diệt đế cần phải tác chứng.

- Đạo đế cần phải tu tiến.




tải về 2.55 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương