Lòng Chúa Thương Xót – 07/2014



tải về 2.98 Mb.
trang13/16
Chuyển đổi dữ liệu29.11.2017
Kích2.98 Mb.
#34793
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16

Chúa sống trong chúng ta

Sự sống của chúng ta là tặng phẩm vô giá do Chúa ban, và trong chúng ta có sự sống của Thiên Chúa, Ngài không muốn rút lại sự sống nơi chúng ta. Trách nhiệm của chúng ta là phải đáp lại ân sủng và sống tích cực hằng ngày.

Sa hỏa ngục vì phạm tội trọng là tại chúng ta từ chối Thiên Chúa, chứ Ngài không muốn ai phải vào nơi đó: “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18:14). Chúng ta không muốn sự sống của Thiên Chúa nhưng không thể hủy diệt sự sống, vì sự sống là đời đời. Vào Thiên đàng là được sống sự sống hạnh phúc đời đời, vào Hỏa ngục cũng là sống nhưng là sống đau khổ đời đời. Nói theo “phong cách” Việt ngữ thì vào Thiên đàng là ĐƯỢC sống, còn vào Hỏa ngục thì vào Hỏa ngục là BỊ sống – muốn chết hẳn cũng không chết được. Thật là vô cùng đáng sợ!

Khi chúng ta phạm tội, Thiên Chúa vẫn mời gọi và chờ đợi chúng ta trở lại với Ngài, không ngừng ban ân sủng chúng ta cần: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5:20). Khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Hòa Giải, mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa được phục hồi, và Ngài gia tăng ân sủng nơi chúng ta để chúng ta can đảm xưng thú tội lỗi.

Những người lãnh nhận Bí tích Hôn phối cũng cần hằng ngày cầu xin Chúa giúp đáp lại ân sủng của bí tích này. Cuộc đời không có điều gì dễ thực hiện, nhưng nhờ ân sủng thì người ta có thể làm được cả những việc khó khăn nhất. Thiên Chúa không bao giờ bỏ chúng ta mồ côi (x. Ga 14:18), đúng như Chúa Giêsu đã hứa trước khi Ngài về trời: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).

Chúng ta cần học cách nhìn cuộc đời qua lăng kính của Giáo hội. Điều này xảy ra khi chúng ta dành thời gian để cầu nguyện riêng, khi chúng ta sống theo Kinh Thánh, sống bí tích và sống theo giáo huấn của Giáo hội.



Hãy cố gắng trưởng thành tâm linh và canh tân đời sống. Thánh Phaolô khuyên: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12:2). Chúng ta càng nhìn mọi sự theo cách nhìn của Chúa, chúng ta càng dễ nhận biết Thánh Ý Ngài mà theo. Khi cầu nguyện, hãy đọc Kinh Thánh và tìm Ý Chúa để sống đời sống bí tích, Chúa Thánh Thần sẽ đổi mới tâm trí chúng ta và giúp chúng ta nhìn mọi sự bằng tầm nhìn của Đức Kitô và Giáo hội, Nhiệm Thể của Ngài. (Còn tiếp 1 kỳ)



Fx. Đỗ Công Minh





Ngày 19 tháng 10 năm 2014 sắp tới, nhân bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia đình, theo tin từ Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ tôn vinh Chân Phước Giáo Hoàng PhaoLô VI lên bậc Hiển Thánh.




Đây là một sự kiện lớn diễn ra chỉ trong vòng một năm. Ngày Chúa nhật 27.5.2014, Chúa nhật thứ II Phục sinh, kính Lòng Chúa Thương Xót, Giáo hội tôn vinh hai Đấng Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan PhaoLô II. Và lần này vị Giáo Hoàng thứ ba được phong Thánh. Chúng ta cùng tìm hiểu một số nét chính về cuộc đời của Đức Chân Phước PhaoLô VI.

Ngày 9 tháng 5 năm 2014 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ký sắc lệnh công nhận một phép lạ do lời cầu bầu của Đức Giáo Hoàng PhaoLô VI, vị dẫn dắt Giáo hội từ năm 1963 đến năm 1978. Phép lạ liên quan đến sự ra đời của một em bé ở California vào những năm 1990. Họ và tên gia đình và thành phố nơi em sinh ra chưa được công bố, nhưng theo tin tức tường thuật, một phụ nữ mang thai lâm vào tình trạng bi kịch, bác sĩ khuyên nên phá bỏ thai nhi. Người phụ nữ thay vì nghe theo lời khuyên của bác sĩ, chị đã tìm đến một vị nữ tu người Ý là bạn của gia đình xin cầu nguyện.Vị nữ tu đã đặt một bức ảnh Đức PhaoLô VI và một mẩu áo dòng của Ngài trên bụng người phụ nữ và cầu nguyện, xin vị Giáo hòang cầu bầu cùng Thiên Chúa cho người mẹ và đứa con được ơn chữa lành, được mẹ tròn con vuông. Thật kinh ngạc, em bé được sinh ra khỏe mạnh vì sự thánh thiện của Đức Giáo Hoàng và lời bầu cử của Ngài. Các bác sĩ đã tiếp tục theo dõi sức khỏe của em cho đến khi 12 tuổi, và đến nay mọi chuyện bình thường. Đây là một trong những điều kiện để làm hồ sơ Phong Thánh (có phép lạ đựoc công nhận). Ngoài phép lạ này, Giáo hội cũng còn căn cứ vào cuộc sống thánh thiện và những việc Ngài đã thực hiện trong triều đại Giáo Hòang của Ngài.

Đức Chân phước PhaoLô VI tên thật là Giovanni Battista Montini sinh năm 1897 tại tỉnh Brescica phía Bắc nước Ý. Thụ phong Linh Mục năm 1920 và làm Tổng Giám Mục Milan năm 1954. Ngài được bầu làm Giáo Hoàng năm 1963 sau khi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII qua đời. Kế nghiệp, Đức PhaoLô VI vẫn cho tiến hành Công Đồng Vaticanno II, chủ trì 3 trong số 4 khóa họp và giám sát việc ban hành tất cả các văn bản của Công đồng. Ngài cũng dẫn dắt quá trình cải cách của Công đồng. Khóa II Công đồng khai mạc ngày 29.9.1963 bằng một thánh lễ và bài diễn văn. Ngài nhắc lại mục đích triệu tập Công đồng là Giáo hội muốn nhìn vào dung nhan Chúa Giêsu; nếu nhận thấy một vết nhơ, một khuyết điểm trên khuôn mặt hay trên chiếc áo cưới của mình, thì sẽ nhất định can đảm và cố gắng tẩy gội để trở nên giống thật gương mẫu của mình là Chúa Ky-tô.

Cũng trong bài diễn văn này, Ngài lên tiếng cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa và của những anh em “bất hòa”, vì những lầm lỗi của Giáo hội Roma trong việc chia rẽ Ky-tô giáo. Ngày 25.1.1964, Giáo hoàng PhaoLô VI ký tự sắc Sacram Liturgiam, quyết định những thể thức đầu tiên áp dụng hiến chế về phụng vụ, và dạy phải thi hành từ mùa chay năm 1964. Cũng năm ấy, Ngài công bố thông điệp đầu tiên của mình – thông điệp Ecclesiam Stuam - Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nói về bản chất thực sự của Giáo Hội, trình bày chiều hướng của Công đồng là tự ý thức về mình, tự cải thiện và đối thoại với thế giới hiện đại.

Kỳ họp III của công đồng Vatican II khai mạc ngày 14-9-1964. Sau hơn hai tháng tranh luận, ngày 20.11 Ngài công bố sắc lệnh Unitatis Redintegratio (Hiệp nhất Ky-tô hữu) và ngày 21 trước khi bế mạc khóa III, Đức PhaoLô VI công bố thêm Hiến Chế tín lý Lumen Gentium (Giáo hội) và sắc lệnh Orientalium Ecclesiarum (Các giáo hội công giáo Đông Phương); đồng thời Ngài công bố: “Đức Maria là Mẹ Giáo Hội”.

Năm 1965, trong kỳ họp thứ IV (từ 14-9 đến 8-12-1965) tất cả các bản văn còn lại được công bố gồm Hiến Chế Mạc Khải và Hiến Chế Giáo hội giữa thế giới; sáu sắc lệnh: Nhiệm vụ các Giám mục, Đời sống Linh mục, Canh tân Dòng tu, Tông đồ giáo dân, Hoạt động truyền giáo và Truyền thông xã hội, và ba tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, Liên lạc các tôn giáo, và về Tự do Tôn giáo.

Công đồng bế mạc ngày 8-12 sau bốn năm làm việc, đã hoàn thành được 16 bản văn (04 Hiến chế, 9 sắc lệnh và 3 tuyên ngôn).

Trong diễn từ Bế Mạc Công Đồng Vaticanno II Đức PhaoLô VI nói: “Chúng ta đang từ giã nhau để đi vào thế giới ngày nay với những bất hạnh, đau khổ, tội lỗi của nó, nhưng cũng có những thành công, giá trị và đức tính của nó; và tương lai ở đây trong lời kêu gọi khẩn trương của những người dân trên thế giới muốn được công bình hơn, trong ý muốn hòa bình, trong khát khao có ý thức hay vô thức về một đời sống cao đẹp hơn, một đời sống mà Giáo Hội của Ðức Kitô có thể đem lại và muốn trao ban cho họ”.

Đức Chân Phước PhaoLô VI là vị Giáo Hoàng đầu tiên trong thời hiện đại thực hiện các chuyến đi ra khỏi thành Roma đến các nước trên thế giới. Ngài đến Gioóc Đăng và Israel tháng Giêng năm 1964; LiBăng và Ấn Độ tháng 12/1964; Thăm và đọc diễn văn nổi tiếng kêu gọi ngừng chiến tranh trên thế giới tại Liên Hiệp Quốc, thăm Hoa Kỳ năm 1965; đến kính viếng Đức Mẹ FatiMa Bồ Đào Nha tháng 5 năm 1967; thăm Thổ Nhĩ Kì tháng 7 năm 1967; CoLumbia và Bermudatháng 8 năm 1968; Thụy Sĩ 6 năm 1969 và Iran, Pakistan, quần đảo Samoa, Australia, Indonesia, Hong Kong và SrilanKa vào tháng 11, 12 năm 1970. Cũng Tại Philipphin, năm 1970, Ngài dự Đại hội Các Giám Mục Á Châu và phong chức cho các Linh Mục, trong đó có một số vị từ Việt Nam sang. Ngài đặc biệt lưu tâm đến đất nước Việt Nam đang trong cuộc chiến tranh tàn khốc. Chính Ngài đã tiếp các Giám Mục Việt Nam và lên tiếng kêu gọi ngưng bắn, ngồi vào hòa đàm để đi đến kết thúc chiến tranh, ký kết hiệp định Paris năm 1973. Ngài đã cho Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam mở Năm Thánh và ban ơn toàn xá vào năm 1975. Ngài qua đời tại biệt thự Castel Gandolfo dành cho Giáo Hoàng ngày 6 tháng 8 năm 1978.

Mừng kính Đức PhaoLô VI được tôn vinh trên bàn thờ tại khắp các nơi trên thế giới, chúng ta xin Ngài cầu bầu cho đất nước Việt Nam đang đứng trước nguy cơ xảy ra chiến tranh. Xin cho lời kêu gọi của Ngài tại trụ sở Liên Hiệp Quốc luôn được vang lên và được mọi người lắng nghe ”Chiến tranh đừng bao giờ xảy ra, đừng xảy ra chiến tranh một lần nữa“. Xin cho lời cầu nguyện của Dân Chúa tại Việt Nam được Chúa thương nhận lời và ban cho quê hương đất nước chúng con được sống trong hòa bình như lời Chúa đã hứa ”Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con“.


1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương