LỜi nhà xuất bản nghiên cứu về SỰ phát triển con ngưỜI


ĐỊNH NGHĨA PHÁP LÝ VÀ Y HỌC



trang66/72
Chuyển đổi dữ liệu07.01.2018
Kích5 Mb.
#35951
1   ...   62   63   64   65   66   67   68   69   ...   72

ĐỊNH NGHĨA PHÁP LÝ VÀ Y HỌC

Các tiếp cận văn hóa xã hội giúp chúng ta tìm hiểu nhiều cách khác nhau trong nhận xét của con người về cái chết. Nhưng chúng không giải quyết được vấn đề rất cơ bản: làm cách nào chúng ta xác định một người nào đó đã chết? Các giới pháp lý và Y học đã tìm hiểu vấn đề này trong nhiều thế kỷ và cho đến nay vẫn còn thi. Chúng ta hãy xem câu trả lời hiện nay là gì. 

Việc xác định khi nào cái chết xảy ra luôn mang tính chủ quan. Trong hàng trăm năm, người ta chấp nhận và áp dụng tiêu chuẩn mà ngày nay được gọi là chết lâm sàng: tim không còn đập và ngừng thở. Tuy nhiên, ngày nay, tiêu chuẩn được chấp nhận nhiều nhất là tiêu chuẩn mô tả đặc điểm chết não. Năm 1981, Ủy ban nghiên cứu đạo đức các vấn đề trong nghiên cứu Y học, Y sinh học và hành vi của Tổng thống xác lập một số tiêu chuẩn phải có khi xác định chết não:

1. Không còn cử động tự phát khi phản ứng với một kích thích bất kỳ.

2. Không còn thở tự phát ít nhất trong một tiếng

3. Mất hoàn toàn phản ứng đối với kích thích thậm chí đau đớn nhất

4. Mắt không còn cử động, chớp mắt hoặc con ngươi cử động

5. Không còn hoạt động bộ dạng, nuốt, ngáp hoặc phát âm

6. Không còn phản xạ vận động

7. Điện não đồ (EEG) không lên xuống ít nhất 10 phút

8. 24 tiếng sau khi kiểm tra lần nữa không có thay đổi gì trong số những tiêu chuẩn này

Đối với một người được cho là chết não, phải đủ tám tiêu chuẩn trên. Ngoài ra, các điều kiện khác có thể là chết giả - chẳng hạn như hôn mê sâu, giảm nhiệt hoặc uống thuốc quá liều - phải được loại trừ. Sau cùng, theo hầu hết các bệnh viện, việc không có hoạt động của não phải diễn ra ở cả trong cuống não, bao gồm chức năng thực vật như tim đập và thở, và trong vỏ não, bao gồm các quá trình cao hơn chẳng hạn như suy nghĩ. Chức năng hoạt động của vỏ não có thể không còn trong khi hoạt động của cuống não vẫn đang tiếp diễn, đây là trạng thái thực vật dai dẳng, và cá nhân không hồi phục từ trạng thái này. Tình trạng này có thể xảy ra sau khi uống thuốc quá liều hoặc chấn thương sọ não nghiêm trọng.

Vì những tình trạng giống như trạng thái thực vật dai dẳng, thành viên trong gia đình đôi khi đối mặt với các quyết định đạo đức rất khó khăn liên quan đến việc chăm sóc cá nhân. Những vấn đề này là tiêu điểm cho phần kế tiếp.

VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC

Xe cấp cứu thắng lại nghe ken két, nhân viên phòng cấp cứu đưa thật nhanh một phụ nữ vào phòng cứu cấp. Do tại nạn ở hồ bơi, cô không còn thở, mạch không còn nhảy nữa. Làm việc thật khẩn trương, ê kíp hồi sức đã giúp tim cô đập trở lại bằng dòng điện gây sốc. Cô được nối với máy hô hấp nhân tạo. Người ta tiến hành đo EEG và các xét nghiệm khác cho thấy não bị chấn thương trên diện rộng và không thể hồi phục. Vậy nên làm gì đây?

Đây là minh họa về loại vấn đề mà lĩnh vực đạo đức Sinh học đang đối mặt, nghiên cứu sự giao diện giữa giá trị con người và tiến bộ công nghệ trong ngành khoa học y tế và đời sống. Đạo đức Sinh học phát triển trên hai cơ sở: tôn trọng tự do cá nhân và khả năng không thể xác lập một phiên bản duy nhất bất kỳ về đạo đức bằng cách lập luận duy lý hoặc lẽ phải thông thường (Cole & Holstein, 1996). Trong thực tế, đạo đức Sinh học chú trọng việc giảm thiểu phương hại qua sự tối đa điều tốt và tầm quan trọng trong chọn lựa của cá nhân.

Trong đấu trường chết và hấp hối, vấn đề đạo đức Sinh học quan trọng nhất là cái chết êm ái - thông lệ kết thúc sự sống vì lý do nhân đạo. Tình huống đạo đức khó xử đối với cái chết êm ái trở nên hiển nhiên khi chúng ta có quyết định hoàn cảnh nên kết thúc sự sống của một người. Trong xã hội của chúng ta, tình huống khó xử này diễn ra thường xuyên nhất khi cá nhân được duy trì sự sống bằng máy hoặc khi cá nhân bị bệnh ở thời kỳ cuối. 



Cái chết êm ái chủ động

Cái chết êm ái có thể thực hiện bằng hai cách khác nhau: chủ động và bị động. Cái chết êm ái chủ động bao gồm sự kết thúc sự sống của cá nhân có cân nhắc, trên cơ sở phát biểu rõ ràng trong di chúc của cá nhân hoặc do quyết định của người khác có trách nhiệm pháp lý để kết thúc sự sống như thế. Thông thường, cái chết êm ái bao gồm các tình huống trong đó cá nhân đang ở trong tình trạng thực vật dai dẳng hoặc mắc bệnh thời kỳ cuối. Có thể chết êm ái chủ động bằng cách cho uống thuốc quá liều, ngắt hệ thống hỗ trợ sự sống, hoặc kết thúc sự sống của cá nhân thông qua cái gọi là giết chết nhân từ.

Phiên bản cái chết êm ái gây nhiều tranh luận nhất bao gồm tự tử với sự giúp đỡ của thầy thuốc, tiến sĩ Jack Kevorkian, vốn là một bác sĩ ở Michigan trong ảnh chụp, là người đề nghị quyền được chết, ông đã chế ra máy tự tử để giúp người ta kết thúc sự sống của mình. Trong một động thái cũng gây nhiều tranh cãi, cử tri ở Oregon thông qua luật "Chết với chân giá trị" vào năm 1994, luật tự tử với sự giúp đỡ của thầy thuốc đầu tiên ở Mỹ. Luật này hợp pháp hóa cho những cá nhân yêu cầu uống liều thuốc gây chết người miễn là họ bệnh ở thời kỳ cuối và tự nguyện yêu cầu. Một số tòa án tối cao Mỹ phán quyết trong hai vụ án năm 1997 (Vacco và Quill, Washington và Glucksberg) rằng không có quyền tự tử có sự hỗ trợ, năm 1998 tòa quyết định không đảo ngược luật Oregon. Như được đề cập trong phần Tranh luận hiện nay, văn hóa liên quan đến tự tử có sự hỗ trợ của thầy thuốc tiếp tục được tranh cãi trong tòa án lẫn ngoài công chúng.

TRANH LUẬN HIỆN NAY: TỰ TỬ CÓ SỰ HỖ TRỢ CỦA THẦY THUỐC

Cá nhân có quyền thu thập thông tin giúp mình kết thúc sự sống, trước khi chịu đựng sự đau đớn khủng khiếp mà cuối cùng cũng dẫn đến cái chết hay không? Thầy thuốc có được phép cung cấp thông tin ấy và hỗ trợ khi bệnh nhân yêu cầu hay không? Bạn có suy nghĩ gì?

Tự tử không hề phổ biến ở Mỹ do các cấm đoán tôn giáo và cấm đoán khác. Trong các nền văn hóa khác, chẳng hạn như Nhật Bản, tự tưởng tượng được xem là cách vinh dự để chết trong một số tình huống. Một số nước, như Hà Lan cho phép thầy thuốc hỗ trợ người muốn tự tử (Cutter, 1991). Năm 1984, Tòa án tối cao Hà Lan loại trừ sự buộc tội thầy thuốc hỗ trợ tự tử nếu đáp ứng đầy đủ năm tiêu chuẩn sau:

1. Bệnh nhân không thể chịu đựng nổi, không có hy vọng nào cải thiện.

2. Không có biện pháp làm cho thuyên giảm.

3. Bệnh nhân còn tỉnh táo.

4. Bệnh nhân yêu cầu nhiều lần.

5. Hai bác sĩ đồng ý với yêu cầu của bệnh nhân.

Như đã nêu, cử tri ở Oregon thông qua luật tự tử với sự hỗ trợ của thầy thuốc ở Mỹ sao cho bệnh nhân ở thời kỳ cuối có thể được kê toa với mục đích kết thúc sự sống của mình. Luật Oregon giống như tình hình ở Hà Lan. Luật yêu cầu thầy thuốc phải báo cho bệnh nhân biết họ đang ở trong thời kỳ cuối, và báo cho biết các tùy chọn thay thế khác (như chăm sóc trong nhà tế bần, kiểm soát đau đớn) bệnh nhân phải còn đủ tỉnh táo, yêu cầu bằng miệng hai lần, và yêu cầu bằng văn bản một lần, ít nhất 15 ngày trong khoảng thời gian hai lần yêu cầu bằng miệng. Quy định như thế để đảm bảo rằng bệnh nhân yêu cầu hoàn toàn hiểu được vấn đề và yêu cầu không gấp gáp. 

VẤN ĐỀ CẦN SUY NGHĨCần loại biện pháp an toàn gì để đảm bảo rằng luật tự tử với sự hỗ trợ của thầy thuốc Oregon không bị lạm dụng? Mặc dù nhiều người tán thành quyền quyết định khi nào chết của một người, nhưng nhiều người không đồng ý. Bất đồng quan điểm dẫn đến kết quả nhiều tòa án không thừa nhận quyền được chết các nhà đạo đức Sinh học phải làm cho tình huống khó xử trở nên rõ ràng, và chúng ta phải nhận thức rõ vấn đề. Vấn đề sống và chết theo nghĩa đen có phải là đang đánh cược hay không. Bạn có suy nghĩ gì?

Cái chết êm ái bị động

Một hình thức thứ hai của cái chết êm ái, cái chết êm ái bị động, bao gồm việc cho phép một người chết bằng cách tước bỏ cách điều trị hiện có. Chẳng hạn, hóa liệu pháp có thể tạm ngưng đối với bệnh nhân ung thư, không tiến hành quá trình phẫu thuật, hoặc không cho ăn. Thêm lần nữa, những tiếp cận này gây nhiều tranh cãi. Một mặt một vài người lập luận với quyết định không điều trị bệnh ung thư mới phát hiện ở một bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer thuộc thời kỳ cuối, khi điều trị không có hiệu quả chỉ làm kéo dài và thậm chí gây nhiều khổ sở nhưng cuối cùng bệnh nhân cũng chết. Mặc khác nhiều người lập luận phản đối việc không cho bệnh nhân thời kỳ cuối ăn, thật ra, những trường hợp này thường kiện ra tòa. Chẳng hạn, năm 1990, Tòa án tối cao Mỹ thụ lý hồ sơ của Nancy Cruzan, mà gia đình muốn chấm dứt việc đút ăn cưỡng ép cho cô nữa. Tòa phán quyết rằng nếu không đưa ra chứng cứ rõ ràng và không thể tranh cãi rằng bệnh nhân muốn không đút ăn nữa, chẳng hạn như thông qua giấy ủy quyền dài hạn hoặc di chúc lúc còn tỉnh táo thì bên thứ ba, như chồng vợ hoặc bố mẹ, không thể quyết định chấm dứt việc đút ăn.

Cái chết êm ái là một vấn đề đạo đức và pháp lý phức tạp. Trong hầu hết các quyền thực thi pháp luật, cái chết êm ái chỉ hợp pháp khi bệnh nhân có mong muốn liên quan đến sự can thiệp y học. Thật không may, nhiều người không chọn bước này, có lẽ vì khó suy nghĩ về những tình huống như thế hoặc vì họ không biết tùy chọn nào thích hợp với mình. Nhưng không có hướng dẫn rõ ràng, thì nhân viên y tế cũng không thể làm theo sở thích của bệnh nhân.

Có hai cách để hiểu dự định của bệnh nhân: di chúc lúc còn tỉnh táo, trong đó bệnh nhân viết ra mong muốn của mình về sự hỗ trợ sự sống và các điều trị khác, và giấy ủy quyền dài hạn như minh họa (trang 646). Mục đích của cả hai là làm cho bệnh nhân hiểu về cách sử dụng phương pháp hỗ trợ sự sống, trong trường hợp họ bất tỉnh hoặc không thể diễn đạt suy nghĩ của mình (Freer & Clark, 1994). Giấy ủy quyền dài hạn có một lợi thế bổ sung: nêu rõ tên cá nhân có thẩm quyền pháp lý nói thay cho bệnh nhân khi cần thiết. Mặc dù có sự ủng hộ đáng kể đối với cả hai cơ chế, nhưng cũng có một số vấn đề. Nhiều người không báo cho thân nhân và bác sĩ biết về quyết định chăm sóc y tế của mình. Người khác không nói tên người trong giấy ủy quyền dài hạn. Rõ ràng, điều này khiến cho người thân bị bất lợi khi ra quyết định liên quan đến việc sử dụng các hệ thống hỗ trợ sự sống.

Chúc thư lúc tỉnh táo hoặc giấy ủy quyền dài hạn có thể là cơ sở cho lệnh của giới bác sĩ "Không hồi sức" (DNR). Lệnh DNR chỉ áp dụng cho sự hồi sức tim phổi khi tim ngừng đập và bệnh nhân ngừng thở. Trong diễn tiến sự kiện thông thường, một nhóm chuyên viên y tế ngay lập tức cố phục hồi nhịp tim và hô hấp bình thường. Khi có lệnh DNR, không tiến hành điều trị nữa. Cũng như với di chúc lúc tỉnh táo và giấy ủy quyền dài hạn, điều thật quan trọng là để cho tất cả nhân viên y tế thích hợp biết rằng lệnh DNR đang được mong muốn.

TỰ KIỂM TRA

1. Nhóm từ "chết như đinh cửa" là minh họa về định nghĩa cái chết văn hóa xã hội như …

2. Sự khác biệt giữa chết não và tình trạng thực vật dai dẳng là …

3. Không cho bệnh nhân uống kháng sinh để bệnh nhân chết là minh họa của …

4. Hãy mô tả con người ở từng cấp trong thuyết lập luận đạo đức của Kohlberg (được mô tả trong Chương 9) giải quyết vấn đề cái chết êm ái ra sao.

Trả lời: (1) phép loại suy, (2) cuống não vẫn còn hoạt động trong tình trạng thực vật dai dẳng, (3) cái chết êm ái bị động.




II. Ý KIẾN VỀ CÁI CHẾT SAU KHI SỐNG MỘT QUÃNG ĐỜI NGHIÊN CỨU VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI à Phần 4. VỀ GIÀ à Chương 15. HẤP HỐI VÀ SỰ MẤT ĐI NGƯỜI THÂN
Mục tiêu nghiên cứu

- Trẻ hiểu gì về cái chết? Người lớn giúp trẻ hiểu cái chết như thế nào?

- Tuổi vị thành niên có quan tâm gì về cái chết?

- Những người đầu tuổi trưởng thành có nhận xét gì về cái chết?

- Đối với người lớn ở tuổi trung niên vấn đề gì về cái chết là quan trọng nhất?

- Người già nhận xét về cái chết ra sao?



Ý kiến về cái chết sau khi sống một quãng đời

- Thời thơ ấu

- Tuổi vị thành niên

- Đầu tuổi trưởng thành

- Tuổi trung niên

- Cuối tuổi trưởng thành

DONNA và CARL có đứa con gái 6 tuổi tên Jennie, bà ngoại mới mất, Jennie và bà rất thân với nhau, hầu như ngày nào cả hai cũng đều gặp mặt nhau. Những người lớn khác khuyên bố mẹ không nên cho Jennie dự đám tang. Donna và Carl không biết phải làm gì. Họ tự hỏi liệu Jennie có hiểu được điều gì xảy ra đối với bà ngoại hay không và họ lo lắng không biết con gái có phản ứng ra sao.

Đối mặt với thực tế cái chết có lẽ là một trong những việc làm khó nhất mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống. Xã hội Mỹ không giúp đỡ gì nhiều, vì thường tự tách mình ra khỏi cái chết thông qua cách nói trại, chẳng hạn như "đi xa" hoặc "đã lìa bỏ", và bằng cách chuyển địa điểm tổ chức nghi thức từ nhà hoặc nhà thờ sang các nhà táng.

Những xu hướng này làm cho những người như Donna, Carl, và Jennie khó tìm hiểu về cái chết trong bối cảnh tự nhiên. Khi hấp hối người ta được chuyển từ nhà vào bệnh viện và các cơ sở khác như nhà dưỡng lão. Người thân khi viếng người chết thường nhìn thoáng qua thật nhanh tử thi được trang điểm trông có vẻ như người ấy đang còn sống, nằm bên trong cỗ áo quan có lớp lót thật đẹp.

Người ta hiểu gì về cái chết, nhất là trẻ em như Jennie? Donna và Carl có cảm nghĩ ra sao? Trong phần này, chúng ta tìm hiểu xem chúng ta biết về những thay đổi nhận xét về cái chết trong suốt quãng đời nhận thức.



THỜI THƠ ẤU

Bố mẹ thường dẫn con đi dự đám tang của người thân và bạn bè thân. Nhưng nhiều người lớn, như Donna và Carl trong phần minh họa, tự hỏi không biết trẻ nhỏ có biết cái chết có ý nghĩa gì không. Trẻ trước độ tuổi đến trường thường nghĩ rằng cái chết chỉ là tạm thời và kỳ diệu. Trẻ nghĩ cái chết là điều gì đó ấn tượng đến với bạn vào giữa đêm giống như hồn ma hoặc kẻ (Dickinson, 1992). Cho đến 5 - 7 tuổi, trẻ em giống như trẻ em trong ảnh chụp hiểu rằng cái chết là vĩnh viễn, sau cùng mọi người đều chết và người chết không còn chức năng hoạt động sinh học nữa (Silverman & Nickman, 1996).

Tại sao có sự thay đổi này? Bạn hãy nhớ lại các Chương 4 và 6, nhất là phần thảo luận thuyết phát triển nhận thức của Piaget. Hãy lấy Jennie, con gái 6 tuổi của Donna và Carl trong phần minh họa là ví dụ. Cô bé đang ở giai đoạn nào trong thuyết của Piaget? Trong quan điểm này, trẻ con từ 5 - 7 tuổi nằm trong sự chuyển tiếp từ suy nghĩ tiền hoạt động sang hoạt động cụ thể. Suy nghĩ hoạt động cụ thể cho phép đứa trẻ hiểu rằng chết là sau cùng và vĩnh viễn. Vì thế, Jennie có nhiều khả năng hiểu được điều gì xảy ra cho bà ngoại của mình.

Kinh nghiệm đầu tiên

Lần đầu tiên đứa trẻ biết được cái chết của người thân hoặc vật cưng, trẻ con dễ bị tổn thương (Attig, 1996). Trẻ con không có kinh nghiệm trước để giúp mình hiểu được sự kiện. Nghiên cứu cho thấy rằng trẻ con thể hiện một dải phản ứng (Normand, Silverman, & Nickman, 1996). Một số trẻ con nhận thấy cái chết gây đau buồn rất nhiều, trong khi số trẻ con khác dường như ít bị ảnh hưởng hơn. Nhiều đứa trẻ cảm thấy sợ hãi, cô độc và khó chịu. Một số đứa trẻ cố tìm cách khóc nhưng nhận thấy mình không khóc được. Trẻ con có nhiều khả năng hỏi người lớn nhiều câu về nghi thức đám tang. Như bé trai trong truyện tranh bên dưới, trẻ con hiểu được sự mất mát người thân và nhớ người thân trong những việc gia đình tề tựu.

Nhiều đứa trẻ lần đầu biết được cái chết khi có vật cưng bị chết (Dickinson, 1992). Trông có vẻ ít có sự khác biệt trong phản ứng của đứa trẻ đối với cái chết của người thân và cái chết của vật cưng, theo minh họa sau.

Tôi nuôi con chuột đồng bé xíu, dễ thương. Tôi nghĩ chúng tôi đã trò chuyện về kỳ nghỉ đông trong trường vì khi tôi về nhà, tôi vẫn thấy con chuột đồng vẫn còn nằm ở đó, tôi nghĩ nó đang nghỉ đông! Bạn hàng xóm cạnh nhà tôi Sharon ghé qua nhà và nói rằng nếu chúng tôi làm cho con chuột đồng ấm lại thì sẽ sống lại. Vì thế, tôi bỏ con chuột đồng vào mền điện của mình để coi chuột đồng có sống lại hay không. Chuột đồng không hề sống lại, đến lúc này, mẹ tôi biết chuyện gì đã xảy ra, do đó chúng tôi phải đem chuột đồng đi chôn. Em tôi và tôi bỏ chuột đồng vào hộp đựng giày, quấn mềm để giữ ấm và bỏ vào hộp đựng giày một bức ảnh của chúng tôi để chuột đồng có bạn. Sau đó chúng tôi chôn chuột đồng ở sau vườn (Dickinson, 1992, trang 177).

Người lớn phải nhạy cảm trước nhu cầu của trẻ con vào thời điểm xảy ra cái chết cho dù đó là cái chết của vật cưng. Cách người lớn xử lý tình huống như thế sau này sẽ giúp trẻ con đối phó với cái chết của người thân (Attig, 1996; Dickinson, 1992).

Trẻ con thường phản ứng và tìm hiểu về cái chết nhiều hơn người lớn thường nghĩ. Những người ở đầu tuổi trưởng thành, hồi tưởng khi lần đầu tiên mình chứng kiến cái chết khi còn nhỏ, kể lại có nhiều cảm giác giống như người lớn: giận dữ, bối rối, hoài nghi, sợ hãi, cảm thấy bớt căng thẳng, tội lỗi, buồn rầu và trống rỗng (Buchsbaum, 1996; Dickinson, 1992). Một nam sinh viên nhớ lại lúc mình 9 tuổi, bố giúp mình giải quyết cảm xúc sau khi bà nội mất:

Ngày bà nội tôi mất, bố tôi ghé ngang nhà cô dượng nơi anh em tôi đang ở chơi. Bố dắt chúng tôi vào phòng và bảo chúng tôi ngồi xuống. Bố cho chúng tôi biết bà nội Doc đã mất. Bố giải thích với chúng tôi rằng nếu chúng tôi muốn khóc thì cứ việc khóc. Bố cho chúng tôi biết bố đã khóc và khi chúng tôi khóc thì chúng tôi không phải là em bé mà chỉ là những người đàn ông bày tỏ cảm xúc của mình (Dickinson, 1992, trang 175 - 176).

Đối với trẻ con điều quan trọng là phải hiểu rằng cảm giác buồn, muốn khóc, hoặc thể hiện cảm xúc của mình theo bất kỳ cách nào mà trẻ con muốn là điều dễ chấp nhận. Sự làm yên tâm như thế giúp trẻ con giải quyết sự nhầm lẫn của mình trước các lời giải thích khác nhau của người lớn về cái chết. Những người ở đầu tuổi trưởng thành nhớ lại cảm giác khó chịu khi còn nhỏ về người chết, thường sợ rằng người chết sẽ đi theo mình. Các nhà nghiên cứu vẫn cho rằng đối với trẻ con điều rất quan trọng khi dự đám tang của người thân. Cho dù trẻ con thường nhớ một vài chi tiết ngay lập tức nhưng sự hồi phục nói chung ở trẻ con rất đáng kể (Silverman & Worden, 1992).

Tìm hiểu cái chết vô cùng khó đối với trẻ con khi người lớn không thẳng thắn và thành thật đối với trẻ con, nhất là về ý nghĩa của cái chết (Buchsbaum, 1996). Việc sử dụng cách nói trại chẳng hạn như "bà đã đi khỏi" hoặc "mẹ chỉ đang ngủ thôi" là điều không khôn ngoan. Trẻ con không hiểu mức độ ý nghĩa sâu xa của những câu như thế, có nhiều khả năng trẻ con hiểu theo nghĩa đen (Attig, 1996; Silverman & Nickman, 1996).

VẤN ĐỀ CẦN SUY NGHĨGiải thích của bạn về cái chết khi nói với trẻ 4 tuổi so với trẻ 8 tuổi khác nhau ra sao? Khi giải thích cái chết cho trẻ con, điều tốt nhất là nên làm cho nó hiểu theo từ ngữ của trẻ con. Hãy giải thích thật đơn giản ở mức độ trẻ con có thể hiểu được. Cố làm giảm sự sợ hãi và làm cho trẻ con thêm an tâm rằng bất kỳ phản ứng nào của nó cũng chấp nhận được. Việc tạo ra sự hỗ trợ thương yêu đối với trẻ con sẽ làm tăng khả năng truyền đạt thành công (mặc dù đau đớn) thực tế của cuộc sống cho con người biết.

TUỔI VỊ THÀNH NIÊN

Tuổi vị thành niên là thời điểm thay đổi cơ thể và cá nhân khi người ta đang cố gắng phát triển thuyết về cái tôi. Khi trẻ vị thành niên chứng kiến cái chết của người thân thì nó gặp rắc rối đáng kể khi tìm hiểu ý nghĩa của sự kiện (Hogan & DeSantis, 1996).

Nói chung, trẻ vị thành niên rất ngừng ngại khi bàn chuyện cái chết và hấp hối. Như chúng ta thấy trong Chương 8, trẻ vị thành niên có ý thức rằng mình là người bất tử, không có gì xấu xảy ra cho mình. Cho dù trẻ con đã biết được cái chết qua việc bạn bè hoặc anh chị em ruột của bạn bè hoặc bố mẹ của bạn bè mất, trẻ vị thành niên như số trẻ vị thành niên trong ảnh thường nghĩ rằng đối với mình không có chuyện như thế. Vì thế, trẻ vị thành niên không muốn bàn về sự sợ hãi và cảm xúc của mình (Kastenbaum, 1985).

Trái với suy nghĩ thông thường, trẻ vị thành niên thường không biểu lộ một thái độ dứt khoát về sự đau buồn của mình, nhất là khi cái chết của bố mẹ hoặc anh chị em ruột (Hogan & DeSantis, 1996). Chẳng hạn, anh chị em ruột ở tuổi vị thành niên có người thân qua đời vẫn còn thương nhớ anh chị em ruột đã mất và dự đoán khi về già họ sẽ trở về đoàn tụ với mình. Tuy nhiên, sự đau buồn không cản trở các quá trình phát triển qui phạm. Anh chị em ruột ở tuổi vị thành niên có người thân qua đời vẫn tiếp tục phát triển sau cái chết của một người mà mình có tình cảm quyến luyến giống như lúc trẻ vị thành niên không chứng kiến cái chết của anh chị em ruột (Hogan & DeSantis, 1996).



ĐẦU TUỔI TRƯỞNG THÀNH

Vì những người đầu tuổi trưởng thành chỉ mới bắt đầu theo đuổi mục tiêu gia đình, nghề nghiệp và cá nhân mà mình đặt ra, nên họ thường căng thẳng hơn trong cảm xúc của mình đối với cái chết. Khi được hỏi họ có cảm nghĩ gì về cái chết, những người ở đầu tuổi trưởng thành thường cho rằng đối với họ khi người thân mất vào thời điểm này trong cuộc sống là sự đánh đổi với tương lai của mình (Attig, 1996; Pattison, 1977).

Tìm hiểu những người ở đầu tuổi trưởng thành đối phó với cái chết ra sao tốt nhất nên được hiểu từ quan điểm thuyết quyến luyến (Balk, 1996; Jacobs, 1993). Theo quan điểm này, phản ứng của một người là kết quả tự nhiên của việc hình thành tình cảm quyến luyến và sau đó đánh mất tình cảm này. Chúng ta sẽ nghiên cứu sự đau khổ ở người lớn vào cuối chương này.

Mặc dù không được giải quyết cụ thể trong nghiên cứu, sự thay đổi từ suy nghĩ hoạt động chính thức sang suy nghĩ hậu chính thức có thể là sự thay đổi quan trọng trong sự suy ngẫm về cái chết của những người đầu tuổi trưởng thành. Có lẽ sự thay đổi trong phát triển nhận thức này được hỗ trợ bằng sự giảm bớt suy nghĩ về tính bất tử khi những người đầu tuổi trưởng thành bắt đầu kết hợp cảm xúc và cảm giác cá nhân với suy nghĩ của mình.



VẤN ĐỀ CẦN SUY NGHĨ

Đặc điểm nào trong suy nghĩ hậu chính thức hữu ích nhất trong việc đối phó với cái chết?



TUỔI TRUNG NIÊN

Tuổi trung niên là thời điểm khi hầu hết mọi người đối mặt với cái chết của bố mẹ. Cho đến lúc này, người ta thường không nghĩ nhiều đến cái chết của chính mình (xem Chương 12), thực tế bố mẹ của mình đang vẫn còn sống ngăn cản tuổi trung niên có suy nghĩ này. Nói chung, trong diễn tiến sự kiện thông thường, người ta nghĩ rằng bố mẹ sẽ chết trước mình.

Một khi bố mẹ qua đời, người ta nhận thấy lúc này mình là thế hệ lớn tuổi nhất trong gia đình - thế hệ phải chết tiếp theo. Đọc cáo phó, người ta nhớ lại cái chết này, khi độ tuổi của nhiều người đã mất ngày càng giống với độ tuổi của chính mình hơn.

Có lẽ do kết quả của sự thừa nhận khả năng chết của chính mình ngày càng tăng nên ý thức về thời gian ở người lớn tuổi trung niên trải qua một sự thay đổi tinh vi nhưng sâu sắc, từ việc chú trọng đến quãng đời mình đã sống cho đến việc mình còn sống được bao lâu nữa (Attig, 1996; Neugarten, 1969). Điều này dẫn đến sự thay đổi nghề nghiệp hoặc tái định hướng khác chẳng hạn như cải thiện các mối quan hệ đã bị phai mờ qua năm tháng (xem Chương 12).



CUỐI TUỔI TRUNG NIÊN

Nói chung, người già ít lo về cái chết và dễ chấp nhận cái chết hơn các nhóm độ tuổi khác (Kastenbaum, 1999; Keller, Sherry, & Piotrkowski, 1984). Một phần, điều này là do sự có được tính toàn vẹn bản ngã theo mô tả trong Chương 14 (trang 534 - 535). Đối với nhiều người già, niềm vui sống đang biến mất (Kalish, 1987). Hơn bất kỳ nhóm nào khác, người già đã từng trải sự mất mát trong gia đình và bạn bè và chấp nhận cái chết của chính mình. Người già có nhiều bệnh mãn tính hơn, họ nghĩ mình chết là vừa. Họ có thể nghĩ rằng mình đã hoàn tất nhiệm vụ quan trọng nhất trong cuộc đời (Kastenbaum, 1999).

Tìm hiểu và cách đối phó với cái chết rõ ràng là một quá trình phát triển trong suốt quãng đời. Như đã nêu trong phần Tác động hiện hành, quá trình này phản ánh sự kết hợp các tác động Sinh học, tâm lý và văn hóa xã hội.

TÁC ĐỘNG HIỆN HÀNH: TÌM HIỂU CÁI CHẾT

Tìm hiểu cái chết không phải là chủ đề bạn nghĩ là tìm thấy được tác động của khuôn khổ Tâm sinh học xã hội. Thật ra, khuôn khổ tạo ra một phương pháp tuyệt hảo để ràng buộc cùng lúc nhiều sợi chỉ khác nhau. Hiển nhiên nhất là các tác động Sinh học vốn là yếu tố cần thiết trong việc tìm hiểu cái chết. Chính định nghĩa về cái chết dựa trên sự hiện diện của một số chức năng Sinh học, những định nghĩa tương tự này tạo ra nhiều tình huống đạo đức khó xử phải vừa được giải quyết bằng yếu tố tâm lý và văn hóa xã hội. Tác động chu kỳ đời sống cũng đóng vai trò quan trọng, chúng ta hiểu rằng cùng một khái niệm như nhau - cái chết - nhưng có ý nghĩa khác nhau ngoài sự chấm dứt sự sống đơn thuần tùy theo độ tuổi của con người.

Hiểu biết của con người về cái chết phát triển ra sao cũng là kết quả của các tác động tâm lý. Khi khả năng suy nghĩ và phản ánh trải qua thay đổi cơ bản thì quan điểm về cái chết thay đổi tiếp cận huyền bí sang tiếp cận có thể đang biến đổi và siêu nghiệm. Như chúng ta thấy trong phần kế tiếp, con người đang đối mặt với cái chết sắp xảy ra cho chính mình trải qua một số giai đoạn dựa trên cảm xúc của mình vào thời điểm ấy. Sau khi đã chứng kiến nhiều cái chết của bạn bè và người thân, mức độ chấp nhận cái chết của con người có thể gia tăng. Sự chứng kiến của cá nhân như thế cũng có thể diễn ra qua các nghi thức chung được xác định thông qua các tác động văn hóa xã hội. Người ta quan sát người khác đối phó với cái chết ra sao và cách ấn định sắc thái của nền văn hóa và qui định hành vi cho người còn sống. Tác động kết hợp cũng xác định cách con người đối phó với sự đau buồn khi người thân mất. Về mặt tâm lý, việc đối mặt với đau buồn tùy vào nhiều yếu tố trong đó chất lượng của hệ thống hỗ trợ mà chúng ta đang có. Chúng ta tìm hiểu sự đau buồn vào cuối chương này.


Каталог: sachviet -> Y-Hoc-Tong-Hop


Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   62   63   64   65   66   67   68   69   ...   72




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương