LỜi nhà xuất bản nghiên cứu về SỰ phát triển con ngưỜI



trang67/72
Chuyển đổi dữ liệu07.01.2018
Kích5 Mb.
#35951
1   ...   64   65   66   67   68   69   70   71   72

TỰ KIỂM TRA

1. Nói chung người lớn nên tránh … khi nói chuyện cái chết với trẻ con.

2. Trẻ vị thành niên thường quan tâm đến tính chất cuộc sống của mình hơn …

3. Những người ở đầu tuổi trưởng thành đối mặt với cái chết cảm thấy…

4. Một quan tâm quan trọng của người lớn tuổi trung niên là …

5. Nói chung, người già … về cái chết.

6. Người lớn nhận xét về cái chết liên quan đến các giai đoạn trong thuyết của Erikson được đề cập trong các Chương 9, 11, 12, và 14 theo những cách khác nhau ra sao?

Trả lời: (1) cách nói trại, (2) mình còn sống bao lâu nữa, (3) sự đánh đổi với tương lai, (4) ngày càng thừa nhận cái chết của chính mình, (5) ít lo hơn.




III. QUÁ TRÌNH HẤP HỐI NGHIÊN CỨU VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI à Phần 4. VỀ GIÀ à Chương 15. HẤP HỐI VÀ SỰ MẤT ĐI NGƯỜI THÂN
Mục tiêu nghiên cứu

- Sợ chết là gì?

- Các giai đoạn hấp hối là gì?

- Thuyết Phân đoạn hấp hối khác với thuyết Giai đoạn hấp hối ra sao?

- Hấp hối khác nhau trong suốt quãng đời ra sao?

Quá trình hấp hối

- Sợ chết

- Thuyết Giai đoạn hấp hối

- Các quan điểm khác

- Hấp hối với chân giá trị: Nhà tế bần

- Quan điểm phát triển quãng đời về hấp hối

BETTY, 48 tuổi, thời gian gần đây được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng thời kỳ cuối. Bà bối rối khi biết tin này. Betty tự hỏi tại sao mình chấm dứt cuộc sống bằng bệnh tật và rất tức giận về chuyện này. Betty tự hỏi không biết người khác có cùng cảm xúc như bà hay không.

Như Betty, hầu hết mọi người đều có suy nghĩ không dễ chịu về cái chết của chính mình. Thực hiện bài tập ngắn dưới đây giúp bạn một số hiểu biết thú vị về sự lo âu của mình đối với cái chết.



Bài tập phản ánh cái tôi về cái chết

1. Bạn hãy viết lời cáo phó của mình trong vòng 200 từ. Nên nhớ ghi độ tuổi của bạn và nguyên nhân chết. Liệt kê thành tựu bạn có trong thời gian sống. Đừng quên liệt kê những người còn sống.

2. Hãy nghĩ đến tất cả những gì lẽ ra bạn đã làm xong nhưng không kể ra trong cáo phó. Liệt kê một số.

3. Hãy nghĩ đến tất cả bạn bè bạn đã quen và bạn có ảnh hưởng ra sao đối với họ.

4. Lúc này bạn có thêm bớt gì trong lời cáo phó hay không?

Nên nghĩ thế nào về cái chết của chính mình đây? Hầu hết mọi người đều cho rằng lúc đầu có cảm giác khó chịu một tí nhưng sau đó cảm thấy dễ chịu hơn khi họ cho phép mình tham gia quá trình hồi tưởng lại cuộc đời và ý nghĩa của nó.

Những bài tập này là sự chuẩn bị để đặt ra câu hỏi hóc búa hơn, như Betty, mà tất cả chúng ta sau cùng đều phải giải quyết: tại sao chúng ta đều sợ chết? Chết là gì? Bệnh nhân thời kỳ cuối có suy nghĩ gì về cái chết? Người ta có nghĩ nhiều đến cái chết khi lớn tuổi hay không? Để trả lời những câu hỏi này, nhiều học giả phát triển thuyết Hấp hối dựa trên các cuộc phỏng vấn và các phương pháp khác. Lý thuyết chứng minh rằng hấp hối rất phức tạp và suy nghĩ, quan tâm và cảm giác của chúng ta thay đổi khi chúng ta gần sắp chết. Chúng ta tìm hiểu hai phương pháp khái niệm hóa quá trình hấp hối: một tiếp cận giai đoạn và một tiếp cận phân đoạn. Chúng ta cũng tìm hiểu cảm nghĩ của người hấp hối thay đổi ra sao trong tư cách chức năng của độ tuổi.

SỢ CHẾT

Vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời, hầu hết chúng ta ít nhất có một khoảnh khắc có cảm giác sợ chết, nỗi sợ hãi đối với thực tế cái chết. Có lẽ chính vì lý do này mà nghiên cứu đầu tiên nhất về hấp hối tập trung vào sự sợ chết. Chẳng hạn, từ thập niên 1970, chúng ta biết rằng sợ chết bao gồm mối lo về đau đớn, cơ thể hoạt động sai chức năng, sự làm bẽ mặt, sự loại bỏ, không tồn tại, sự trừng phạt, sự gián đoạn các mục tiêu cá nhân, và ảnh hưởng tiêu cực đối với người còn sống (Schulz, 1978). Nghiên cứu cũng chứng minh rằng việc cố nhận dạng biến số nào dự đoán cho mức độ sợ chết nhiều hơn (hoặc thấp hơn) rất khó, chẳng hạn, trái với suy nghĩ thông thường, đức tin tôn giáo không trực tiếp liên quan đến cảm giác sợ chết (Kalish, 1985).

Theo thuyết Phát triển, mức độ sợ chết mà con người cảm nhận thay đổi khác nhau theo độ tuổi (Gesser, Wong, & Reker, 1987 - 88). Người lớn tuổi trung niên thường là người sợ chết nhất, người già ít sợ chết nhất, và những người ở đầu tuổi trưởng thành ở khoảng giữa. Mức độ sợ hãi cao hơn ở người lớn tuổi trung niên rất có ý nghĩa, về mặt tâm lý, họ đang cố đối phó với cái chết của chính mình và suy nghĩ giảm sút của bố mẹ (xem Chương 12). Người già xem cái chết như một phần trong cuộc sống của mình qua thời gian dài theo nhiều cách (Kastenbaum, 1999). Cũng có thể người già giải quyết thành công các vấn đề tính thân mật, khả năng sản xuất và tính toàn vẹn bản ngã của Erikson, đến lượt những vấn đề này giúp người già chấp nhận cái chết chắc chắn sẽ đến với mình.

THUYẾT HẤP HỐI GIAI ĐOẠN

Hãy tưởng tượng sự tương tác với người đang hấp hối mỗi ngày trong công việc của bạn và vô cùng chán nản không được trò chuyện với họ về cảm giác họ đang có. Đối với chúng ta điều này trông có vẻ lạ, nhưng lại là thông lệ được chấp nhận trong giới y học thậm chí từ thập niên 1960. Một trong những người có uy tín nhất trong lịch sử nghiên cứu và lý thuyết về hấp hối ở trong tình trạng như thế, Elisabeth Kiibler-Ross (người trong ảnh chụp), vốn là một bác sĩ ở Chicago muốn giúp bốn sinh viên cao đẳng tiến hành nghiên cứu về cách con người đối phó với cái chết đang treo lơ lửng như thế nào. Năm 1965, nghiên cứu như thế gây nhiều tranh cãi, bác sĩ bạn đồng nghiệp của bà lúc đầu bất bình, thậm chí một số từ chối cho rằng bệnh nhân của mình đang ở thời kỳ cuối. Nhưng Kubler-Ross cứ nhất mực và xin được giấy phép tiến hành nghiên cứu. Sau cùng, bà tiến hành hơn 200 cuộc phỏng vấn với bệnh nhân thời kỳ cuối. Kubler-Ross cho rằng hầu hết những người hấp hối đều trải qua một chuỗi các phản ứng cảm xúc. Bằng cách quan sát, bà phát triển một chuỗi năm giai đoạn để mô tả quá trình chết thích đáng: phủ nhận, giận dữ, mặc cả, chán nản và chấp nhận (Kubler-Ross, 1969).

Khi những người như Betty, phụ nữ trong phần minh họa, được cho là mắc bệnh thời kỳ cuối, thì phản ứng đầu tiên của họ chắc chắn là bị sốc, không tin. Phủ nhận là một phần thông thường trong việc sắp sửa chết. Một số người đi chẩn đoán nhiều nơi khác, hầu hết mọi người cho rằng bác sĩ chẩn đoán sai. Người khác cố tìm sự làm cho yên tâm trong tôn giáo. Mặc dù, sau cùng hầu hết mọi người đều chấp nhận chẩn đoán là đúng và bắt đầu cảm thấy tức giận.

Trong giai đoạn tức giận, người ta thể hiện thái độ thù địch, sự oán giận, và đố kỵ đối với nhân viên chăm sóc y tế, gia đình và bạn bè. Như Betty, họ hỏi, "Tại sao lại là tôi" và thể hiện thái độ vô cùng thất vọng. Trông có vẻ thật không công bằng khi họ thì sắp chết trong khi còn quá nhiều người khác còn sống. Khi người ta có những suy nghĩ này thì họ bắt đầu giảm bớt thái độ giận dữ và bước sang giai đoạn mặc cả.

Trong giai đoạn mặc cả, người ta tìm một lối thoát. Có thể là sự mặc cả với một ai đó (có thể là Chúa) để giúp họ sống. Chẳng hạn, một phụ nữ hứa rằng nếu mình còn sống sẽ trở thành một bà mẹ tốt hơn. Sau cùng, cá nhân nhận thức rằng những cuộc mặc cả như thế sẽ không diễn ra.

Khi không thể phủ nhận thực tế bệnh tình được nữa, có lẽ là do phẫu thuật hoặc đau đớn, người ta thường có cảm giác chán nản. Người ta có cảm giác quá nhiều mất mát, thất vọng, tội lỗi và hổ thẹn đối với bệnh tình và hậu quả bệnh tật của mình. Kubler-Ross cho rằng nói về cảm giác với người khác sẽ giúp họ chuyển sang giai đoạn chấp nhận cái chết.

Trong giai đoạn chấp nhận, người ta chấp nhận chắc chắn mình sẽ chết. Người ta trông có vẻ tách rời khỏi thế giới và hoàn toàn thư thái. "Giống như thể không còn đau đớn nữa, cuộc đấu tranh đã kết thúc và đã đến lúc "yên nghỉ" cuối cùng trước cuộc hành trình" (Kubler-Ross, 1969, trang 100).

VẤN ĐỀ CẦN SUY NGHĨ Cái giai đoạn hấp hối có thể sử dụng để giúp con người đối phó với cái chết ra sao? Mặc dù Kubler-Ross (1974) cho rằng năm giai đoạn này tượng trưng cho quá trình phát triển cảm xúc điển hình khi con người hấp hối, nhưng bà lưu ý không phải ai cũng trải qua đủ năm giai đoạn hoặc diễn tiến qua từng giai đoạn với cùng mức độ và thứ tự như nhau. Sự diễn tiến qua các giai đoạn tùy theo sức khỏe cơ thể, quan điểm về cái chết và nhiều yếu tố khác. Nếu chúng ta công nhận những khác biệt ở mỗi người như thế này là điều bình thường thì các giai đoạn của Kubler-Ross sẽ giúp con người hiểu rằng suy nghĩ về hấp hối thay đổi qua thời gian.

Nghiên cứu tiếp theo sau xác nhận quan điểm cho rằng các giai đoạn của Kubler-Ross tốt hơn nên được xem là sự phản ánh dải suy nghĩ mà con người đang có hơn là một chuỗi các giai đoạn cứng nhắc. Nghiên cứu giữa các nền văn hóa với nhau chứng minh rằng các giai đoạn phản ánh một tập hợp những kỳ vọng văn hóa cụ thể thật ra không mang tính phổ biến. Trong số các giai đoạn của Kubler-Ross, chỉ có giai đoạn chán nản là cảm giác phổ biến trong các nền văn hóa phương Tây (Shneidman, 1980). Một số bộ lạc Da Đỏ vùng Đồng Bằng sáng tác một ca khúc về cái chết để mô tả đời sống của một cá nhân và hoàn tất chu kỳ, còn người Mexico cho rằng cách bạn chết là sự phản ánh bạn thuộc loại người nào, do đó thường có nhiều tranh luận thẳng thắn về cái chết (DeSpelder & Strickland, 1983).



CÁC QUAN ĐIỂM KHÁC

Kubler-Ross khái niệm hóa hấp hối như một loạt các giai đoạn cụ thể. Nhiều thập niên sau nghiên cứu bước ngoặt của bà đã đưa ra nhiều quan điểm khác với thái độ phê bình tiếp cận của Kubler- Ross. Hai trong số quan điểm quan trọng nhất xem hấp hối bao gồm các phân đoạn hoặc như một loạt công việc mà con người cần giải quyết. Cả hai tiếp cận đều đồng ý với Kubler-Ross trong việc xem hấp hối như một quá trình. 



Thuyết hấp hối phân đoạn

Pattison (1977) lập luận rằng người đang hấp hối không trải qua một chuỗi các giai đoạn theo một thứ tự cố định. Đúng ra, họ trải qua một tập hợp cảm xúc phức tạp gồm sự hiểu biết về cái chết đang treo lơ lửng trộn lẫn với sự lo âu và sau cùng là chấp nhận. Những phân đoạn này được trình bày trong biểu đồ.

Phân đoạn cấp tính bắt đầu khi cá nhân biết rằng mình mắc bệnh thời kỳ cuối. Phân đoạn này mang đặc điểm: mức độ lo âu cao, phủ nhận, giận dữ và thậm chí mặc cả. Đồng thời, người ta còn điều chỉnh để thích nghi với tình trạng bệnh thời kỳ cuối, và sự lo âu dần dần giảm sút. Trong phân đoạn hấp hối còn sống mãn tính, người ta nói chung có nhiều cảm giác mâu thuẫn phải được kết hợp. Những cảm giác này bao gồm nỗi sợ cảnh đơn độc, sợ người lạ, và đau buồn trước kỳ hạn trước cái chết của bạn bè, của thể xác, của sự tự chủ và của nhận dạng (Pattison, 1977). Những cảm giác sợ hãi và đau buồn tồn tại cùng lúc hoặc xen kẽ với cảm giác hy vọng, quyết đoán và chấp nhận (Shneidman, 1973). Sau cùng, bắt đầu phân đoạn cuối, cá nhân bắt đầu rút lui ra khỏi thế giới. Phân đoạn sau cùng này là phân đoạn ngắn nhất, và kết thúc bằng cái chết.

Tiếp cận hấp hối trên cơ sở công việc

Mặc dù tiếp cận hấp hối phân đoạn có một số người ủng hộ nhưng số khác cho rằng một nỗ lực bất kỳ đưa cảm giác của con người vào một thứ tự bất kỳ là điều không thích hợp (như Shneidman, 1980). Đúng ra, quan điểm cho rằng hấp hối thật ra là một quá trình trong đó con người giải quyết một số vấn đề chẳng hạn như sợ hãi, tính không chắc chắn, phủ nhận, cảm giác bất công, đau khổ dằn vặt thường, v.v...

Trong bối cảnh này, Carr (1991 - 92) đưa ra một tiếp cận trên cơ sở công việc để tìm hiểu và mô tả cách con người đối phó với hấp hôi. Ông đưa ra bốn khía cạnh đối phó chính:

1. Thỏa mãn nhu cầu tự nhiên và giảm thiểu căng thẳng cơ thể

2. Tăng tối đa sự yên tâm về tâm lý, tính tự quản và sự sống đến mức cao nhất

3. Duy trì và tăng cường tình cảm quyến luyến quan trọng giữa cá nhân với nhau

4. Nhận dạng, phát triển hoặc tái khẳng định các tài nguyên sức mạnh tinh thần để nuôi dưỡng hy vọng.

Corr lập luận rằng những công việc này kết hợp với các chủ đề khác nhau được các nhà nghiên cứu và lý thuyết gia khác đề cập, nhưng cũng tiến hành theo cách có lợi cho nhân viên chăm sóc y tế và các nhân viên hỗ trợ khác. Bằng cách chú trọng các công việc mà người đang hấp hối phải thực hiện, mọi người tương tác với người đang hấp hối có thể thực hiện theo cách tích cực và có thể hỗ trợ người đang hấp hối thực hiện một công việc cụ thể. 



HẤP HỐI VỚI CHÂN GIÁ TRỊ: NHÀ TẾ BẦN

Các thuyết về hấp hối cho rằng quá trình con người đối phó với cái chết của chính mình là một quá trình phức tạp. Dải cảm xúc con người trải qua mang nhiều hình thức và thường xảy ra cùng lúc. Trong cùng khung thời gian, con người có thể chọn kỳ nghỉ cuối cùng và cập nhật di chúc của mình, cảm giác buồn và cam chịu thực tế mình sẽ chết. Rõ ràng, công việc của những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc là phải tìm hiểu những phản ứng đặc biệt và nhu cầu của bệnh nhân thời kỳ cuối. Người ta phải luôn tìm hiểu suy nghĩ của người đang hấp hối và phải luôn hỗ trợ họ. Bằng cách này có thể giúp con người chết với chân giá trị của mình.

Chết với chân giá trị là quyền quan trọng của mọi người, đảm bảo quyền này là một trong những mục tiêu của nhà tế bần. Nhà tế bần là một tiếp cận chăm sóc chính thể luận chú trọng chất lượng cuộc sống và sự an ủi cá nhân. Như được mô tả trong phần Bạn có thể ngạc nhiên, nhà tế bần là một phong trào bắt nguồn từ sự quan tâm bệnh nhân thời kỳ cuối. Nhà tế bần tượng trưng cho một khía cạnh quan trọng trong chăm sóc lúc cuối đời vì nó tập trung vào sự kiểm soát và khống chế đau đớn (Zuckerman, 1997). Nhà tế bần tìm cách tạo ra một môi trường hỗ trợ dành cho người đang hấp hối bằng cách để cho gia đình tham gia chăm sóc và bằng cách hỗ trợ chuyên môn trong thời điểm rất căng thẳng này (Kastenbaum, 1999). Chăm sóc ở nhà tế bần là một tùy chọn quan trọng đối với mọi người thuộc mọi độ tuổi (Corr & Corr, 1992a, 1992b).

BẠN CÓ THỂ NGẠC NHIÊN: NHÀ TẾ BẦN THAY THẾ

Hãy tìm hiểu cách đối xử với người đang hấp hối và cách bản thân họ đối mặt với cái chết. Rõ ràng, quyền chết với chân giá trị là điều quan trọng. Đối với nhiều người, chết với chân giá trị có nghĩa là khi họ chết có mặt gia đình và bạn bè, chết ở nhà tốt hơn. Nhà tế bần đưa ra hy vọng trong khía cạnh này (Holstein, 1997; Koff, 1981). Trong nhà tế bần điều quan tâm là chất lượng cuộc sống, làm cho con người cảm thấy dễ chịu, thanh thản càng nhiều càng tốt, chứ không phải làm chậm lại cái chết chắc chắn xảy ra. Mặc dù chăm sóc y tế có sẵn trong nhà tế bần nhưng mục đích chính là khống chế sự đau đớn và hồi phục chức năng hoạt động bình thường trong khi chăm sóc y tế ở bệnh viện thường cố gắng chữa trị bệnh (Holstein, 1997; Saunders, 1997).

Nhà tế bần hiện đại đều theo mô hình của Nhà tế bần St. Christopher ở Anh, do bác sĩ Cicely Saunders thành lập năm 1967. Chỉ được yêu cầu nhà tế bần phục vụ sau khi bệnh nhân hoặc bác sĩ nghĩ rằng không thể chữa trị hoặc điều trị khỏi bệnh. Vì thế, chương trình ở nhà tế bần khác chăm sóc bệnh viện hoặc chăm sóc tại nhà rất đáng kể. Sự khác biệt thấy rõ trong nguyên tắc làm nền tảng cho chăm sóc ở nhà tế bần: khách hàng và gia đình được xem là một đơn vị, làm cho khách hàng luôn cảm thấy không bị đau đớn, sự bần cùng hóa cảm xúc và xã hội phải ở mức tối thiểu, khách hàng phải được khuyến khích duy trì năng lực, giải quyết mâu thuẫn và thực hiện mong muốn thực tế phải được hỗ trợ, khách hàng phải được thoải mái khi bắt đầu hoặc kết thúc các mối quan hệ, và thành viên đội ngũ phải tìm cách làm giảm bớt đau đớn và sợ hãi (Saunders, 1977, 1997).

Hiện có hai loại nhà tế bần: nội trú và ngoại trú. Nhà tế bần nội trú chăm sóc cho mọi khách hàng, bệnh nhân AIDS như người đàn ông trong ảnh trang 657, thường được chăm sóc trong những cơ sở này. Nhà tế bần ngoại trú phục vụ cho khách hàng vẫn còn ở nhà. Nhà tế bần ngoại trú ngày càng phổ biến hơn, phần lớn vì có thể phục vụ được nhiều khách hàng với chi phí thấp hơn.

Các nhà nghiên cứu dẫn chứng bằng tư liệu những khác biệt quan trọng giữa bệnh viện và nhà tế bần nội trú (Saunders & Kastenbaum, 1997; VandenBos, Deleon, & Pallack, 1982). Trái với bệnh viện, mục đích chính của nhà tế bần là chăm sóc an ủi, bệnh viện thường áp dụng các tiếp cận điều trị mang tính tấn công nhiều hơn. Một người được nhận vào nhà tế bần chỉ sau khi được chẩn đoán mắc bệnh thời kỳ cuối, thường có nghĩa là được hai bác sĩ xác nhận bệnh nhân chỉ sống trong vòng chưa tới 6 tháng nữa. Khách hàng của nhà tế bần linh động hơn, ít lo âu hơn, ít buồn chán hơn, vợ chồng thăm nuôi khách hàng nhà tế bần thường xuyên hơn và tham gia chăm sóc bệnh nhân tích cực hơn, thành viên đội ngũ dễ gần gũi hơn. Ngoài ra, hầu hết khách hàng nhà tế bần đều đã nằm bệnh viện trước khi chuyển đến nhà tế bần thường thích sự chăm sóc của nhà tế bần hơn (Walsh & Cavanaugh, 1984).

Mặc dù nhà tế bần là một biện pháp thay thế đáng giá đối với nhiều người nhưng không thể thích hợp cho mọi người (Holstein, 1997). Một số rối loạn cần được điều trị hoặc có thiết bị mà ở nhà tế bần nội trú không có, một số người nhận thấy nhà tế bần không đáp ứng được nhu cầu hoặc không phù hợp với suy nghĩ cá nhân của mình. Nhu cầu của khách hàng nhà tế bần, gia đình của họ, và nhân viên không phải lúc nào cũng trùng hợp nhau. Nhân viên và thành viên gia đình thường chú trọng đến sự khống chế đau đớn trong khi phần lớn khách hàng muốn chú ý đến các vấn đề cá nhân nhiều hơn như bàn trực tiếp về cái chết hoặc về đức tin tôn giáo của mình (Walsh & Cavanaugh, 1984). Nhân viên và thành viên gia đình nên hỏi khách hàng xem họ cần gì hơn là dự đoán nhu cầu của họ.

Mặc dù nhà tế bần là một biện pháp thay thế quan trọng cho bệnh viện hoặc cho cơ sở khác, xem đây là nơi để chết, nhưng không phải lúc nào cũng vào được. Chẳng hạn, người già hấp hối chậm nhưng chết lúc nào vẫn chưa biết không đủ tiêu chuẩn để vào nhà tế bần, khi nhiều nhà tế bần chỉ tiếp nhận khách hàng chỉ còn sống trong vòng chưa tới 6 tháng nữa. Đáp ứng nhu cầu của những người đang hấp hối khác sẽ là một thử thách cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế trong tương lai.

QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN QUÃNG ĐỜI VỀ QUÁ TRÌNH HẤP HỐI

Cảm giác đi kèm với cái chết và hấp hối mang tính riêng tư, tác động mạnh. Tuy nhiên, chúng ta biết từ Chương 1 rằng tác động chu kỳ đời sống là những thành phần quan trọng trong việc tìm hiểu đầy đủ về một vấn đề phát triển bất kỳ. Cảm giác đi kèm với hấp hối cũng quan trọng như thế.

Hãy nhìn bốn người trong ảnh. Bạn dành ít phút để xem khi nghe tin mỗi người trong số này đã chết trong một tai nạn máy bay bạn sẽ có phản ứng ra sao. Bạn có cảm giác gì? Cảm giác của bạn có khác với người khác hay không? Trong phần này, chúng ta tìm hiểu vắn tắt về độ tuổi của người hấp hối thay đổi với nhận xét và cảm nhận về cái chết.

Về mặt trí năng, chúng ta biết rằng hấp hối không phải là một điều gì đó chỉ xảy ra ở một nhóm độ tuổi. Nhưng hầu hết chúng ta thường không nghĩ về điều này vì chúng ta thích kết hợp hấp hối với tuổi già nhiều hơn. Cái chết không hề biết giới hạn độ tuổi, nhưng cái chết của người này thường được chấp nhận nhiều hơn cái chết của người khác (Kastenbaum, 1985, 1999). Cái chết của một phụ nữ 95 tuổi được xem là bình thường, bà đã sống một cuộc đời dài, trọn vẹn. Nhưng cái chết của một trẻ sơ sinh được xem là một bi kịch. Cho dù cảm giác như thế có được biện minh hay không thì cũng nêu rõ vấn đề người ta nhận xét và cảm nhận cái chết khác nhau tùy theo độ tuổi.

Trẻ chết vì bệnh cấp tính và tai nạn, những người đầu tuổi trưởng thành chủ yếu chết vì tai nạn, người già chết chủ yếu vì bệnh mãn tính như bệnh tim và ung thư (Trung tâm thống kê y tế quốc gia, 1997). Vì con người thuộc nhiều độ tuổi khác nhau chết theo nhiều cách khác nhau, nên quá trình chết cũng khác nhau (Kalish, 1985), một vấn đề các lý thuyết gia thường không nghĩ đến. Dễ thấy nhất, con đường hấp hối của người già dài hơn, và người già có nhiều khả năng chết trong sự cô lập hơn các nhóm độ tuổi khác (Kastenbaum, 1999). Từ quan điểm trong thuyết của Corr, người già có thời gian khó khăn hơn khi thực hiện thành công các công việc hấp hối.

Phần lớn quan tâm của người đang hấp hối đều liên quan đến độ tuổi của mình (Kalish, 1987). Sự khác biệt thấy rõ nhất trong mức độ con người cảm thấy mình bị đánh lừa hoặc có thể tức giận như trong tiếp cận của Kubler-Ross. Những người nhỏ tuổi hơn cảm thấy bị lừa theo cách họ đang đánh mất những gì mình có thể có được, người già cảm thấy bị lừa vì họ đang mất những gì mình đang có. Ngoài những khác biệt chung này, người ta không biết nhiều về sự khác nhau của nhiều người thuộc nhiều độ tuổi khi đối mặt với cái chết.

Một yếu tố quan trọng đối với người già đang hấp hối là cái chết của họ được cộng đồng xem là ít bi kịch hơn cái chết của những người nhỏ tuổi hơn (Kalish & Reynolds, 1976; Kastenbaum, 1985). Do đó, người già nhận được cách điều trị cứu sống ít hơn và được xem là ít giá trị hơn và cũng không đáng đầu tư nhiều thời gian, tiền bạc hoặc công sức đáng giá. "Người già bệnh thời kỳ cuối bất lực như trẻ con nhưng hiếm khi họ được đối xử âu yếm" (Weisman, 1972, trang 144). Phần lớn người già hấp hối đều ở trong các cơ sở chăm sóc dài hạn, ít tiếp xúc với gia đình và bạn bè. Người già nhất là người bệnh, và suy nhược, đóng góp cho cộng đồng ít hơn. Do đó, khi họ mất, sự đau buồn cảm xúc không nhiều, vì sự ra đi của họ được xem là ít có ý nghĩa và không đáng kể (Kalish, 1987; Kastenbaum, 1999).

Điều này không có nghĩa là cái chết của người già không được gia đình và bạn bè thương cảm. Trái lại, sự ra đi của người già được các thế hệ thương cảm sâu sắc (Anderson, 1997). Đơn thuần là vì xã hội nói chung đặt "giá trị" cảm xúc vào cái chết của người già ít hơn cái chết của trẻ con và những người đầu tuổi trưởng thành. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu cá nhân đối phó với sự mất đi người thân ra sao.



VẤN ĐỀ CẦN SUY NGHĨMột lập luận phản đối tự tử với sự hỗ trợ của thầy thuốc cho rằng điều này dẫn đến việc lạm dụng cái chết êm ái. Quan điểm về cái chết của người già liên quan đến sự quan tâm này ra sao? TỰ KIỂM TRA

1. Có suy nghĩ không dễ chịu về cái chết của chính mình là sự biểu hiện …

2. Năm giai đoạn hấp hối là phủ nhận, giận dữ, …,chán nản và chấp nhận.

3. Khi một cá nhân bắt đầu rút lui khỏi thế giới thì cá nhân ấy đang bước vào phân đoạn hấp hối …

4.... là, nơi tập trung vào sự khống chế đau đớn đối với bệnh nhân thời kỳ cuối hơn là điều trị.

5. Người già phần lớn chết vì …

6. Việc sống trong nhà tế bần giúp con người chấp nhận cái chết của mình ra sao?

Trả lời: (1) sợ chết, (2) mặc cả, (3) cuối, (4) nhà tế bần, (5) bệnh mãn tính.




IV. CÒN LẠI SỰ MẤT MÁT: QUÁ TRÌNH ĐAU BUỒN NGHIÊN CỨU VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI à Phần 4. VỀ GIÀ à Chương 15. HẤP HỐI VÀ SỰ MẤT ĐI NGƯỜI THÂN
Mục tiêu nghiên cứu

- Người ta trải qua quá trình đau buồn như thế nào?

- Người ta có cảm giác đau buồn gì?

- Giữa đau buồn thông thường và bất thường có sự khác biệt gì?



Còn lại sự mất mát: quá trình đau buồn

- Quá trình đau buồn

- Phản ứng đau buồn thông thường

- Phản ứng đau buồn bất thường

Sau 67 năm kết hôn, chồng của Bertha vừa mất trong thời gian gần đây. Ở tuổi 90, Bertha hiểu rằng mình cũng như chồng không còn sống lâu nữa, nhưng cái chết là một cú sốc. Lúc nào Bertha cũng nghĩ về chồng và thường ra quyết định trên cơ sở "ý của ông xã tôi cũng giống như thế".

Trong quãng đời, mỗi người chúng ta đều phải chứng kiến sự ra đi của người thân. Bất kỳ lúc nào chúng ta mất đi người thân bằng cái chết hoặc sự chia tay khác, như Bertha thì chúng ta đang trải qua tình cảnh sự mất đi người thân, đau buồn và đám tang. Sự mất đi người thân là tình trạng hoặc hoàn cảnh do sự mất mát từ cái chết mà ra. Đau buồn là sự buồn phiền, tổn thương, giận dữ, tội lỗi, bối rối, và những cảm giác khác phát sinh sau khi sự mất mát xảy ra. Đám tang là cách chúng ta bày tỏ sự đau buồn của mình. Chẳng hạn, bạn có thể biết rằng người phụ nữ trong ảnh đang mất đi người thân và đang khóc than với trang phục màu đen và mạng che mặt của bà. Khóc than chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa. Đối với một số nền văn hóa, đám tang có thể chỉ là mặc đồ đen, dự tang lễ và trong một thời gian phải thể hiện sự đau buồn hình thức, có nghĩa là uống rượu, mặc đồ trắng, và lấy anh chị em ruột của vợ chồng người quá cố. Đau buồn tương ứng với cảm xúc tiếp theo sau sự mất mát trong khi khóc than là sự biểu hiện hành vi những cảm xúc này được nền văn hóa chấp nhận. Cho dù nghi thức đám tang có thể theo tiêu chuẩn tương đối trong một nền văn hóa nhưng cách đau buồn của con người lại khác nhau như chúng ta sẽ thấy trong tiết sau. Chúng ta cũng sẽ thấy phản ứng của Bertha khá điển hình ở hầu hết mọi người.



Каталог: sachviet -> Y-Hoc-Tong-Hop


Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   64   65   66   67   68   69   70   71   72




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương