LỜi nhà xuất bản nghiên cứu về SỰ phát triển con ngưỜI



trang57/72
Chuyển đổi dữ liệu07.01.2018
Kích5 Mb.
#35951
1   ...   53   54   55   56   57   58   59   60   ...   72

Hệ tim mạch và hô hấp

Khả năng mắc bệnh tim mạch như bệnh nhồi máu cơ tim, nhịp tim không đều, đột quỵ và cao huyết áp gia tăng đáng kể theo độ tuổi (Trung tâm thống kê y tế quốc gia, 1997). Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong nói chung của những bệnh này giảm sút qua nhiều thập niên gần đây, chủ yếu là vì người lớn hút thuốc ít hơn và nhiều người giảm lượng chất béo trong chế độ ăn uống. Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong đối với một số nhóm thiểu số như người Mỹ gốc Phi vẫn còn cao hơn vì chăm sóc y tế dự phòng kém hơn và cách sống kém có lợi cho sức khỏe do thiếu tài nguyên tài chánh (Trung tâm thống kê y tế quốc gia, 1997).

Thay đổi qui phạm trong hệ tim mạch góp phần cho bệnh tật bắt đầu vào đầu tuổi trưởng thành. Lượng mỡ tích tụ được phát hiện trong và quanh tim, và trong động mạch (Whitbourne, 1996). Sau cùng, số lượng máu mà tim có thể bơm trong mỗi phút giảm khoảng 30%. Số lượng mô cơ trong tim cũng giảm do các mô liên kết thay thế. Cũng có sự xơ cứng động mạch nói chung do hiện tượng vôi hóa. Những thay đổi này diễn ra bất kể có cách sống gì, nhưng ở người tập thể dục, ăn uống ít chất béo và kiểm soát căng thẳng thấp hơn một cách hiệu quả, thì thường chậm hơn nhiều (xem Chương 12). Ở những người không bị cao huyết áp, huyết áp ít thay đổi trong tuổi trưởng thành (Pearson và người khác, 1997).

Khi người ta lớn tuổi hơn, những thay đổi có đột quỵ gia tăng. Đột quỵ hoặc sự cố ở mạch máu não, do sự gián đoạn lưu lượng máu trong não do bị nghẽn mạch hoặc do xuất huyết trong động mạch não. Tắc nghẽn động mạch do máu đóng cục hoặc sự tích tụ các chất béo do bệnh xơ vữa động mạch. Xuất huyết là do sự đứt động mạch. Người già thường bị chứng thiếu máu cục bộ nhất thời (TIAs), là sự gián đoạn lưu lượng máu chảy đến não, thường là dấu hiệu cảnh báo đầu tiên của đột quỵ. Một sự cố mạch máu não nghiêm trọng duy nhất cũng làm giảm sút nhận thức nghiêm trọng chẳng hạn mất khả năng nói, hoặc rối loạn cần thiết, như không thể cử động cánh tay. Tính chất và mức độ nghiêm trọng trong giảm sút chức năng hoạt động thường được xác định qua vùng não cụ thể nào bị thương tổn. Muốn hồi phục được qua cơn đột quỵ tùy vào nhiều yếu tố, bao gồm mức độ và loại tổn thất, khả năng của các vùng khác trong não đảm nhận chức năng bị mất và động cơ thúc đẩy cá nhân.

Có nhiều sự cố mạch máu não nhỏ dẫn đến bệnh gọi là mất trí mạch máu. Không như bệnh Alzheimer, sẽ đề cập hình thức mất trí khác trong cuối chương này, mất trí mạch máu khởi phát đột ngột, có thể hoặc không thể phát triển dần dần. Ngoài ra, các mẫu triệu chứng của cá nhân rất khác biệt, tùy vào vùng thương tổn cụ thể của não. Trong một số trường hợp, mất trí mạch máu diễn tiến nhanh hơn bệnh Alzheimer, trung bình sau khi khởi phát 2, 3 năm thì mất, ở một số trường hợp khác, bệnh diễn tiến chậm hơn nhiều, với các mẫu triệu chứng đặc trưng (Qualls, 1999). 

Sự cố mạch máu não duy nhất và mất trí mạch máu được chẩn đoán giống nhau. Chứng cứ thương tổn có thể biết được qua chụp hình chẩn đoán (như chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp CT, chụp cộng hưởng từ hoặc MRI), giống như ảnh chụp bên dưới, sau đó được khẳng định qua các kiểm tra tâm lý thần kinh. Các yếu tố nguy cơ đã biết đối với hai bệnh trạng bao gồm cao huyết áp và tiền sử gia đình bị rối loạn.

Số lượng không khí tối đa trong một lần thở giảm 40% từ tuổi 25 đến 85, hầu hết là do xơ cứng lồng ngực và đường thở khi lớn tuổi, và sự phá hỏng túi khí trong phổi do ô nhiễm và hút thuốc (Whitbourne, 1996). Sự giảm sút này là nguyên nhân chính làm cho thở gấp sau khi cơ thể gắng sức khi lớn tuổi. Vì ảnh hưởng kết hợp giữa việc hít thở không khí bị ô nhiễm trong một quãng đời, thật khó cho rằng những thay đổi này liên quan đến độ tuổi, chặt chẽ ra sao. Hình thức thường gặp nhất trong các bệnh làm mất khả năng hô hấp ở người già là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). COPD là căn bệnh làm cơ thể cực kỳ suy yếu, dẫn đến trầm cảm, lo âu và phải liên tục thở oxy (Frazer, Leicht, & Baker, 1996). Emphysema là hình thức thường gặp nhất của COPD, mặc dù hầu hết các trường hợp bệnh em-physema là do hút thuốc, một số hình thức khác do thay đổi. Hen suyễn làm một hình thức khác của COPD.

Bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson chủ yếu biết được qua triệu chứng vận động đặc trưng: bước đi rất chậm, khó ngồi xuống và đứng lên từ ghế, bàn tay run rẩy. Những rối loạn này là do sự thoái hóa của tế bào thần kinh ở vùng não giữa, vùng não này sản xuất chất truyền thần kinh dopamine. Triệu chứng được điều trị hiệu quả bằng thuốc L-dopa, làm tăng lượng dopamine chức năng trong não (Youngjohn & Crook, 1996). Nghiên cứu gần đây cho thấy một công cụ hoạt động giống như người dàn xếp của não bằng cách điều tiết hoạt động của não có thể chứng minh tính hiệu quả trong việc loại trừ sự run rẩy ở bàn tay (Neergaard, 1997).

Về những lý do chúng ta chưa rõ, khoảng 30 - 50% thời gian mắc bệnh Parkinson thường có sự giảm sút nhận thức nghiêm trọng, với những thay đổi trong não bổ sung tương tự như bệnh Alzheimer (Youngjohn và người khác, 1992). Vẫn còn phải tìm hiểu liệu hình thức bệnh Parkinson thực sự có phải là một bệnh riêng biệt khác hay không.

Thay đổi nhận cảm

Nhiều thay đổi diễn ra trong hệ nhận cảm đáng chú ý khi về già. Ở mắt, thủy tinh thể dày hơn, có màu vàng vàng. Vì những thay đổi cấu trúc này, người già dễ bị chói mắt hơn, phải mất thời gian lâu hơn mới thích nghi được những thay đổi về độ sáng, khó đọc những gì để gần mắt và cần nhiều ánh sáng hơn mới đọc được (Kline & Schieber, 1985). Khi người ta lớn tuổi phải cần thời gian nhiều hơn để mắt thích nghi khi chuyển từ sáng sang tối hoặc ngược lại (Whitbourne, 1998). Điều này thích hợp trong nhiều tình huống, chẳng hạn như lái xe ban đêm và phải điều chỉnh để thích nghi với đèn pha xe ngược chiều và nền đường tối đen.

Thính lực giảm sút là những thay đổi nhận cảm thường gặp nhất. Có sự giảm sút cơ bản trong khả năng nghe âm sắc cao, một tình trạng gọi là lão thính. Mặc dù tình trạng này nghiêm trọng nhất ở người già, nhưng cá thể ở mọi độ tuổi cũng bị tổn thương thính lực nghiêm trọng do liên tục tiếp xúc với tiếng ồn ầm ĩ kể cả nhạc mở to (Whitbourne, 1996). Chẳng hạn, nghe nhạc mở to bằng headphone trong khi tập thể dục giống như người phụ nữ trong ảnh là vô cùng có hại vì lưu lượng máu chảy đến các tế bào thụ quang nghe đang tăng nên dễ làm cho tai bị thương tổn. Nhạc mở lớn và tiếng ồn khác trong môi trường có thể là một số lý do giải thích ở tuổi 51, tổng thống Bill Clinton phải đeo máy điếc ở cả hai tai. Mặc dù sử dụng máy điếc giảm bớt một phần trở ngại của lãng tai nhưng bản thân nó không cải thiện được sự tương tác xã hội của cá nhân (Tesch-Romer, 1999). Mức độ kỹ năng xã hội của cá nhân cũng quan trọng như việc nghe được trong các tương tác cải thiện.

Vị giác phần lớn không đổi ở người già cũng như xúc giác, khả năng nhận cảm đau và nhiệt độ (Whitbourne, 1999). Tuy nhiên, sau tuổi 70 ở nhiều người có sự giảm sút về khứu giác đáng kể (Murphy, 1986), và sự giảm sút thấy rõ là đặc điểm của bệnh Alzheimer (Youngjohn & Crook, 1996). Những thay đổi này rất nguy hiểm, chẳng hạn, người rất già thường khó phát hiện được chất thêm vào khí gas tự nhiên để dễ nhận biết gas rò rỉ, có thể dẫn đến tử vong.

Sự thay đổi việc giữ thăng bằng làm cho người già có nhiều khả năng té ngã (Ochs và người khác, 1985). Quả thật, sợ té ngã và bị thương là mối lo ngại thật sự đối với nhiều người già, và ảnh hưởng đến sự sẵn sàng tham gia một số loại hình hoạt động của người già (Lachman và người khác, 1998).

Sự thay đổi nhận cảm mà con người cảm nhận có ngụ ý quan trọng trong sinh hoạt hàng ngày (Whitbourne, 1996). Một số chẳng hạn như khó đọc những gì ở gần và những khó chịu nho nhỏ dễ khắc phục (bằng cách đeo kính lão). Những thay đổi khác nghiêm trọng hơn và không dễ giải quyết. Chẳng hạn, khả năng lái xe bị ảnh hưởng do thay đổi thị lực và thính lực. Vì thay đổi nhận cảm cũng dẫn đến tai nạn quanh nhà, điều quan trọng là phải thiết kế một môi trường



VẤN ĐỀ CẦN SUY NGHĨSợ té và bệnh loãng xương (xem Chương 12, trang 506) có liên hệ với nhau ra sao?  BẠN CÓ THỂ NGẠC NHIÊN: PHÒNG TRÁNH TAI NẠN Ở NGƯỜI GIÀ

Bị thương do tai nạn trở nên thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn khi về già. Những thay đổi trong khả năng xử lý thông tin và cơ thể góp phần làm tăng tần số tai nạn. Chẳng hạn, không còn nhận rõ nguy hiểm do mắt mờ, lãng tai. Sự kết hợp của bệnh viêm khớp và giảm sút làm cho người già đứng không vững. Uống thuốc trị nhiều bệnh mãn tính làm cho dễ buồn ngủ hoặc khả năng đãng trí. Tránh những vấn đề này như thế nào?

Nhiều tai nạn có thể phòng tránh bằng cách duy trì sức khỏe thông qua phòng tránh và biến đổi có điều kiện. Nhưng việc tạo ra một số thay đổi môi trường tương đối đơn giản cũng có tác dụng. Chẳng hạn, té ngã là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến chấn thương nghiêm trọng do tai nạn và tử vong ở người già. Sau đây là một số bước giúp giảm bớt khả năng bị té ngã:

- Cầu thang phải có đèn, trên và dưới cầu thang phải có công tắc mở đèn.

- Tránh lót nền bằng gạch bóng kính, dễ làm chói mắt, dễ té khi có nước.

- Để đèn ngủ hoặc công tắc đèn điều khiển từ xa cạnh giường ngủ.

- Hai bên cầu thang phải có tay vịn chắc chắn.

- Dùng đinh gắn chặt thảm vào cầu thang hoặc mặt cầu thang bằng vật liệu chống trượt.

- Thay thảm thường làm trơn trượt trên sàn.

- Sắp xếp tủ bàn ghế và các đồ vật khác sao cho đừng vướng víu.

- Trong vách nhà tắm gắn tay vịn, lót thảm chống trượt, hoặc dây vải trong chậu tắm để níu.

- Các bậc thang ngoài nhà và lối đi sửa chữa ngay tránh bị vấp.



VẤN ĐỀ SỨC KHỎE

Trong Chương 12, chúng ta khảo sát các yếu tố cách sống có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính ra sao. Ý nghĩa quan trọng của sự tăng cường sức khỏe không giảm khi con người càng lớn tuổi. Như chúng ta sẽ thấy, yếu tố cách sống cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ, chế độ dinh dưỡng và bệnh ung thư.



Giấc ngủ

Người già có nhiều rối loạn ngủ hơn những người đầu tuổi trưởng thành (Bootzin và người khác, 1996). So với những người đầu tuổi trưởng thành, người già báo cáo khó ngủ hơn gấp hai lần, bình thường họ ít ngủ hơn, và cảm thấy có nhiều ảnh hưởng tiêu cực hơn sau một đêm ngủ ít. Một số rối loạn này là do rối loạn cơ thể, tác dụng phụ của thuốc, và tác dụng của caffeine, nicotine, và căng thẳng (Bootzin và người khác, 1996). Rối loạn giấc ngủ có thể phá vỡ nhịp ngày đêm của một người, hay còn gọi là chu kỳ thức - ngủ. Sự phá vỡ nhịp ngày đêm có thể gây ra những rối loạn chú ý và trí nhớ. Nghiên cứu chứng minh rằng những can thiệp chẳng hạn như sự tiếp xúc với ánh sáng nhẹ có định thời gian cũng có tác dụng trong việc điều chỉnh rối loạn giấc ngủ nhịp ngày đêm (Terman, 1994).



Chế độ dinh dưỡng

Trong điều kiện bình thường, người già không cần uống thêm vitamin hay khoáng chất bổ sung miễn là họ ăn uống cân đối (Bortz & Bortz, 1996). Cho dù sự chuyển hóa của cơ thể giảm sút theo độ tuổi, nhưng người già cần tiêu thụ cùng lượng protein và chất xơ như những người đầu tuổi trưởng thành, vì những thay đổi trong cách cơ thể trích lấy dưỡng chất từ những chất này. Vì người già thường có sức khỏe kém, nên số cư dân trong nhà dưỡng lão dễ bị mất cân và có nhiều thiếu hụt trong chế độ dinh dưỡng khác nhau, chẳng hạn như vitamin B12 và axit folic, nếu không được giám sát tốt (Wallace & Schwartz, 1994).



Bệnh ung thư

Một trong những tăng cường sức khỏe quan trọng nhất mà con người có thể chọn là khám kiểm tra bệnh ung thư. Trong nhiều trường hợp, quá trình khám kiểm tra bao gồm nhiều xét nghiệm được tiến hành trong phòng khám của bác sĩ như khám kiểm tra ung thư ruột kết), ở nhà (tự khám vú), xét nghiệm máu (khám kiểm tra ung thư tiền liệt tuyến), hoặc X quang (như chụp hình vú).

Tại sao khám kiểm tra ung thư lại quan trọng như thế? Như bạn thấy trong biểu đồ (bên phải), nguy cơ mắc bệnh ung thư tăng đáng kể cùng với độ tuổi (Frazer và người khác, 1996). Tại sao điều này diễn ra vẫn chưa rõ. Cách sống không có lợi cho sức khỏe (hút thuốc và chế độ ăn uống không thích hợp), di truyền và sự tiếp xúc với các hóa chất gây ung thư chắc chắn là yếu tố quan trọng, nhưng chúng vẫn chưa giải thích được sự gia tăng nguy cơ liên quan đến độ tuổi (Frazer và người khác, 1996). Sự phát hiện ung thư sớm ở người già là điều cần thiết để tối đa hóa tỷ lệ sống (Segal, 1996). Tuy nhiên, một số bác sĩ vẫn còn do dự khi sử dụng cách khám kiểm tra và các biện pháp dự phòng ở người già (List, 1988), có lẽ do suy nghĩ lầm lẫn cho rằng bệnh nhân lớn tuổi có tỷ lệ sống thấp hơn. Về phần mình, người già cũng ngần ngại khi yêu cầu được xét nghiệm cần thiết, vì họ thường không đặt vấn đề trong đánh giá của bác sĩ (List, 1988). Cần phải chú ý nhiều hơn đối với các chương trình khám kiểm tra như thế ở người già.

TỰ KIỂM TRA

1. Thuyết lão hóa Sinh học bao gồm những yếu tố cơ bản và...

2. Tế bào thần kinh bị thương tổn và chết tập hợp quanh lõi protein sản xuất …

3. Nguy cơ mắc bệnh ung thư … đáng kể cùng với độ tuổi.

4. Trong phần này chúng ta tập trung vào các tác dộng Sinh học trong sự phát triển. Hãy suy nghĩ về những yếu tố khác (tâm lý, xã hội và chu kỳ đời sống), và liệt kê một số lý do giải thích tại sao các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra một thuyết Sinh học thuần túy giải thích cho mọi khía cạnh lão hóa.

Trả lời: (1) thuyết tế bào, (2) tấm thần kinh, (3) gia tăng.




III. QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC NGHIÊN CỨU VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI à Phần 4. VỀ GIÀ à Chương 13. BỐI CẢNH RIÊNG CỦA TUỔl GIÀ
Mục tiêu nghiên cứu

- Những thay đổi nào diễn ra trong sự chú ý và thời gian phản ứng khi con người lớn tuổi? Những thay đổi này liên quan đến đời sống hằng ngày ra sao?

- Những thay đổi nào diễn ra trong trí nhớ cùng với độ tuổi? Phải làm gì để dàn xếp những thay đổi này?

- Hiểu biết là gì, có liên quan đến độ tuổi ra sao?



Quá trình nhận thức

- Xử lý thông tin

- Trí nhớ

- Tập khả năng trí năng

- Tính sáng tạo và hiểu biết

ROCIO là một góa phụ 75 tuổi cảm thấy rằng mình không nhớ các sự kiện gần đây, chẳng hạn như không biết có uống thuốc chưa, và cũng không gặp rắc rối gì về trí nhớ từ năm 20 tuổi đến nay. Rocio tự hỏi điều này có bình thường hay không hoặc liệu mình có nên lo hay không?

Rocio, giống như nhiều người già khác, uống thuốc vì bệnh viêm khớp, dị ứng và cao huyết áp. Tuy nhiên, mỗi loại thuốc phải uống theo cách khác nhau, một số loại uống trong bữa ăn, một số uống cách nhau 8 tiếng, một số uống mỗi ngày hai lần. Phải uống đúng như thế để tránh được sự tương tác nguy hiểm và tác dụng phụ, vì thế người già bị rối loạn trí nhớ rất khó uống thuốc đúng giờ.

Những tình huống như thế đặt ra yêu cầu khó khăn đối với nhận thức, chẳng hạn như chú ý và trí nhớ. Trong tiết này, chúng ta khảo sát những thay đổi liên quan đến độ tuổi trong những quá trình này và trong các quá trình nhận thức khác chẳng hạn như thời gian phản ứng, trí năng và hiểu biết.



XỬ LÝ THÔNG TIN

Trong Chương 1, chúng ta hiểu rằng một khuôn khổ lý thuyết trong nghiên cứu nhận thức là thuyết xử lý thông tin. Khuôn khổ này đưa ra cách nhận dạng và nghiên cứu cơ chế cơ bản qua đó con người tiếp nhận, lưu trữ và ghi nhớ thông tin. Chúng ta đã biết trong các Chương 4 và 6 rằng thuyết Xử lý thông tin đã hướng dẫn phần lớn nghiên cứu về nhận thức ở thời thơ ấu và tuổi vị thành niên. Tiếp cận này cũng rất quan trọng đối với các nhà điều tra đang tìm hiểu những khác biệt liên quan đến độ tuổi trong các quá trình cơ bản chẳng hạn như chú ý và thời gian phản ứng (Stine- Morrow & Soederberg Miller, 1999).



Chú ý

Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi trước một thiết bị máy tính đầu cuối. Người ta yêu cầu bạn mỗi lần thấy chữ X đỏ, đích, là bạn phải bấm một phím thật nhanh, càng nhanh càng tốt. Để làm cho sự việc thêm phần khó khăn, bạn cũng nhìn thấy các chữ và màu khác (chữ X màu xanh lục, O màu xanh lục, O màu đỏ), nhưng bạn phải phớt lờ. Bạn cũng không biết đích sẽ xuất hiện ở đâu trên màn hình, vì thế bạn phải tìm kiếm. Công việc này nhằm mục đích đánh giá khả năng chọn lọc chú ý của cá nhân, hoặc khả năng chọn ra thuyết quan trọng từ thông tin không liên quan trong môi trường. Người già trên 60 chậm hơn người lớn dưới 25 trong việc tìm đích trong các dải thị giác như màn hình máy tính, nhất là khi dải này phức tạp (chẳng hạn khi không phải đích giống hệt như đích). Tuy nhiên, nếu một tín hiệu đã cho biểu thị đích sẽ xuất hiện ở đâu trên màn hình thì không còn sự khác biệt độ tuổi này nữa (Plude & Doussard- Roosevelt, 1989). Vì thế, người già gặp khó khăn khi định vị đích nhưng một khi đã phát hiện thì người già có thể nhận dạng đích giống như người trưởng thành nhỏ tuổi hơn.

Cách thứ hai nghiên cứu sự chú ý là một cách quen thuộc. Có lẽ bạn đã đối mặt với nhiều tình huống trong đó cùng lúc bạn phải làm hai việc: viết ghi chú trong khi nghe giảng bài, nói chuyện điện thoại trong lúc đang lái xe, giống như người đàn ông trong ảnh, hoặc nghe đĩa CD trong khi đang đọc sách. Những tình huống này đòi hỏi phân chia chú ý, hoặc thực hiện cùng lúc nhiều công việc. Miễn là hai công việc cạnh tranh tương đối dễ, thì người trưởng thành lớn tuổi hơn và nhỏ tuổi hơn đều có khả năng thực hiện cả hai tốt như nhau. Tuy nhiên, khi công việc có độ khó tăng dần thì người trưởng thành lớn tuổi hơn ít có khả năng thực hiện cả hai công việc tốt như nhau, người trưởng thành nhỏ tuổi hơn thường thực hiện tốt hơn (Stine-Morrow & Soederberg Miller, 1999). Chẳng hạn, sự khác biệt độ tuổi không chắc diễn ra nếu công việc là xếp đồ giặt và chuyện trò với một người bạn, khi cả hai công việc được làm thường xuyên. Tuy nhiên, sự khác biệt độ tuổi có nhiều khả năng xảy ra nếu công việc là nghe tin tức trong khi đang dọn dẹp bàn ghế khi những công việc này không được làm thường xuyên.

Nghiên cứu sự chú ý cho thấy người lớn lớn tuổi hơn chậm hơn người lớn nhỏ tuổi hơn trong việc phát hiện đích, họ đặc biệt thất thế khi các công việc phức tạp hơn. Tuy nhiên, việc cung cấp tín hiệu hoặc các loại hỗ trợ khác giúp đỡ người già rất nhiều.



Tốc độ tâm thần vận động

Từ nhà một người bạn, bạn lái xe về nhà thì đột nhiên có một chiếc xe nằm chắn ngang ngay lối rẽ vào nhà bạn. Bạn phải đạp thắng càng nhanh càng tốt nếu không tai nạn sẽ xảy ra. Bạn đưa chân từ chân ga sang chân thắng nhanh đến mức nào?

Tình huống đời thực này là một minh họa của tốc độ tâm thần vận động, tốc độ mà một người có thể ra phản ứng cụ thể. Tốc độ tâm thần vận động (còn gọi là thời gian phản ứng) là một trong những hiện tượng được nghiên cứu nhiều nhất về lão hóa, và hàng trăm nghiên cứu đều cùng một kết luận: Con người chậm chạp hơn khi càng lớn tuổi. Thực ra, chứng cứ chậm cùng độ tuổi được dẫn chứng bằng tư liệu hợp lý đến mức nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là sự thay đổi hành vi phổ biến duy nhất trong lão hóa chưa được khám phá (Kail & Salthouse, 1994). Như trong truyện tranh (trang 567), thậm chí Garfield cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy mức độ chậm dần trong quá trình nhận thức từ đầu tuổi tuổi trưởng thành cho đến về già thay đổi khác nhau tùy theo công việc (Stine-Morrow & Soederberg Miller, 1999).

Lý do quan trọng nhất giải thích thời gian phản ứng chậm lại là người già phải mất nhiều thời gian hơn để ra quyết định phản ứng. Nhất là khi tình huống có nhiều thông tin mơ hồ (Stelmach, Goggin, & Garcia-Colera, 1988). Thậm chí khi thông tin được trình bày biểu thị rằng dứt khoát phải cần một phản ứng thì cũng có sự chậm chạp trong phản ứng theo thứ tự cùng với độ tuổi. Khi tính không chắc chắn liệu có cần phản ứng hay không tăng cao thì người già thường chậm hơn đáng kể, sự khác biệt giữa người già và người lớn tuổi trung niên gia tăng khi mức độ không chắc chắn gia tăng.

Mặc dù phản ứng chậm đi là điều chắc chắn, nhưng lượng giảm sút có thể giảm bớt nếu người già được tập luyện cách ra phản ứng nhanh hoặc nếu người già có kinh nghiệm trong công việc. Trong một nghiên cứu kinh điển, Salthouse (1984) chứng minh rằng mặc dù thời gian phản ứng của thư ký lớn tuổi hơn (được đánh giá bằng tốc độ gõ ngón tay) chậm hơn thời gian phản ứng của thư ký nhỏ tuổi hơn, song tốc độ đánh máy vi tính của họ không chậm hơn tốc độ đánh máy vi tính của thư ký nhỏ tuổi hơn. Tại sao? Tốc độ đánh máy được tính trên cơ sở số từ được đánh đúng không có lỗi vì thư ký đánh máy lớn tuổi hơn chính xác hơn, nên tốc độ sau cùng của họ cũng giỏi như tốc độ sau cùng của thư ký nhỏ tuổi hơn, trong công việc thường phạm nhiều lỗi hơn. Thư ký lớn tuổi hơn cũng giỏi hơn trong việc đoán được kế tiếp sẽ đánh chữ nào (Kail & Salthouse, 1994).

VẤN ĐỀ CẦN SUY NGHĨMột số hậu quả thực tế của sự chậm chạp tâm thần vận động là gì? Vì sự chậm lại trong tâm thần vận động là một hiện tượng phổ biến, nên nhiều nhà nghiên cứu lập luận rằng có thể giải thích nhiều sự khác biệt độ tuổi trong nhận thức (như Salthouse, 1996). Quả thật, sự chậm lại trong tâm thần vận động là một dấu hiệu dự đoán rất tốt đối với hoạt động nhận thức. Dự đoán tốt nhất khi công việc đòi hỏi ít cố gắng (Park và người khác, 1996). Khi công việc đòi hỏi nhiều cố gắng hơn và khó hơn thì trí nhớ hoạt động (chúng ta tìm hiểu sau) là dấu hiệu dự đoán hoạt động tốt hơn (Park và người khác, 1996). Sự chậm lại trong tâm thần vận động cùng với độ tuổi đã gây ra tranh cãi đáng kể liệu có cho phép người già lái xe hay không. Như phần thảo luận Tranh luận hiện nay, hiểu biết về sự thay đổi nhận cảm và nhận thức đã dẫn đến kết quả nghiên cứu vấn đề này và sự phát triển các trắc nghiệm sàng lọc.

TRANH LUẬN HIỆN NAY: XỬ LÝ THÔNG TIN TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT: LÁI XE LỚN TUỔI

Một số mẫu thông tin chúng ta nghiên cứu bao quanh vấn đề gây nhiều tranh cãi: liệu có nên kiểm tra thật kỹ người lái xe lớn tuổi trước khi cấp bằng lái mới hay không. Đây là một chủ đề nhạy cảm. Đối với nhiều người, ôtô là phương tiện đi lại đáng tin cậy duy nhất, và là phương tiện độc lập. Tuy nhiên, những thay đổi liên quan đến độ tuổi trong thị lực, thính lực chú ý và thời gian phản ứng thực sự ảnh hưởng đến khả năng của con người trong tư cách lái xe. Ngoài ra, số lượng người già ngày càng tăng nhanh.

Các chuyên gia đồng ý rằng quyết định về việc có cho phép lái xe "có nguy cơ" tiếp tục lái hay không phải dựa trên đánh giá hoạt động hơn là dựa vào độ tuổi hoặc chẩn đoán y học (nhóm Borlange Consensus, 1997). Từ giữa thập niên 1980, các nhà nghiên cứu như Karlene Ball và nhiều người khác nghiên cứu về phát triển những biện pháp đánh giá này. Kết quả là biện pháp đánh giá tầm nhìn hữu dụng (UFOV) ra đời, đây là vùng người ta có thể thu thập thông tin thị giác chỉ bằng một cái nhìn thoáng qua không phải xoay đầu hoặc đảo mắt (Ball & Owsley, 1993). Trắc nghiệm UFOV tái tạo việc lái xe ở chỗ đòi hỏi xử lý thông tin nhanh, cùng lúc giám sát kích thích trung tâm và ngoại vi, rút ra kích thích đích liên quan từ thông tin nền không liên quan trong khi thực hiện một công việc. Sự giảm sút trong UFOV trực tiếp liên quan đến tỉ lệ tai nạn ôtô (Ball và người khác, 1993). Quả thật, trong một nghiên cứu 364 vụ đụng xe ở người già, 220 vụ xảy ra ở các giao lộ, nguyên nhân là do không chú ý (chẳng hạn không nhìn thấy xe đang chạy đến), giống hệt như dự đoán giảm sút trong UFOV (Ball và người khác, 1993). Điều quan trọng, hoạt động lái xe cải thiện sau khi tập luyện cách mở rộng tầm nhìn hữu dụng của lái xe, chẳng hạn, người ta giảm bớt số lượng thao tác nguy hiểm trong khi lái xe (Ball, 1997).

Có nên tiến hành kiểm tra bắt buộc đối với lái xe lớn tuổi hay không? Dữ liệu rõ ràng cho thấy câu trả lời là "có". Tuy nhiên, nên chọn hình thức kiểm tra gì sẽ là tranh luận trong vài thập niên tới.



Trí nhớ hoạt động

Một buổi tối trong khi đang xem truyền hình, đột nhiên bạn nhớ rằng ngày sinh nhật của người yêu còn khoảng một tuần nữa. Bạn quyết định phải có bữa cơm chiều thật lãng mạn, dễ thương, do đó bạn mở niên giám, tìm số điện thoại của một nhà hàng đặc biệt, bước đến gần điện thoại để gọi cho nhà hàng. Việc nhớ một con số dài để bấm đòi hỏi phải có trí nhớ hoạt động, quá trình và cấu trúc tham gia lưu giữ thông tin trong đầu và cùng lúc sử dụng thông tin ấy.

Trí nhớ hoạt động có một dung lượng tương đối nhỏ (Craik & Jennings, 1992). Vì trí nhớ hoạt động xử lý thông tin đang được sử dụng trong một thời điểm nên trí nhớ này giống như một loại giấy nháp hoặc tấm bảng. Nếu chúng ta không có một số hoạt động để lưu giữ thông tin (bằng cách ôn lại), hoặc chuyển thông tin này vào bộ nhớ dài hạn thì giấy nháp chúng ta đang sử dụng nhanh chóng bị bít kín, để xử lý nhiều thông tin hơn, phải loại bỏ một số thông tin cũ.

Trí nhớ hoạt động giảm sút theo độ tuổi (Smith, 1996). Như đã nêu, trí nhớ hoạt động ngày càng được viện dẫn để giải thích những sự khác biệt liên quan đến độ tuổi trong hoạt động nhận thức trong các công việc khó, đòi hỏi cố gắng đáng kể cũng như cần nhiều tài nguyên (Park và người khác, 1996). Kết hợp lại với nhau, trí nhớ hoạt động và tốc độ tâm thần vận động cung cấp một tập hợp cấu trúc có thể giải thích thuyết phục trong việc dự đoán hoạt động nhận thức (Earles và người khác, 1997; Park và người khác, 1996; Sakhouse, 1996).



Каталог: sachviet -> Y-Hoc-Tong-Hop


Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   53   54   55   56   57   58   59   60   ...   72




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương