LỜi nhà xuất bản nghiên cứu về SỰ phát triển con ngưỜI


QUYẾN LUYẾN, CÔNG VIỆC, VÀ CHĂM SÓC THAY THẾ



trang21/72
Chuyển đổi dữ liệu07.01.2018
Kích5 Mb.
#35951
1   ...   17   18   19   20   21   22   23   24   ...   72

QUYẾN LUYẾN, CÔNG VIỆC, VÀ CHĂM SÓC THAY THẾ

Mỗi ngày, khoảng 10 triệu trẻ em Mỹ 5 tuổi được người khác chăm sóc chứ không phải mẹ mình, một hiện tượng thường gặp ở các cặp vợ chồng cả hai đều đi làm và ở các gia đình chỉ có một bố hoặc một mẹ ở Mỹ trong thập niên 1990. Ai chăm sóc trẻ con Mỹ? Biểu đồ (bên dưới) đưa ra lời đáp và cho thấy các mẫu tương tự đối với trẻ con ở tuổi ẵm ngửa và trẻ con trước tuổi đến trường thuộc người Mỹ gốc Âu, người Mỹ gốc Phi và người Mỹ gốc Tây Ban Nha (Cục thống kê Mỹ, 1995). Khoảng 1/3 số trẻ con được chăm sóc tại nhà, thường được bố hoặc ông bà chăm sóc. 1/3 số trẻ con khác được chăm sóc tại nhà của người cung cấp dịch vụ chăm sóc. Nhà cung cấp thường không phải là người thân. Sau cùng, 1/3 số trẻ con khác tham gia các chương trình chăm sóc ban ngày hoặc nhà trẻ.

Nhiều phụ huynh, nhất là phụ nữ theo truyền thống là người chăm sóc chính, lo ngại về con cái của mình khi mình dành quá nhiều thời gian chăm sóc người khác. Bố mẹ có nên lo lắng hay không? Sự chăm sóc này có phá vỡ sự phát triển mối quan hệ bố mẹ - con có hay không? Câu trả lời tốt nhất cho những câu hỏi này phát xuất từ một nghiên cứu toàn diện về chăm sóc trẻ con ban đầu do Viện chăm sóc sức khỏe trẻ con và phát triển con người tiến hành. Năm 1991, nhóm nghiên cứu tuyển mộ 1.364 bà mẹ và con mới sinh của họ ở 12 thành phố khác nhau ở Mỹ. Cả mẹ lẫn con đều được kiểm tra lặp đi lặp lại (và kiểm tra vẫn tiếp diễn khi nghiên cứu đang tiến hành).

VẤN ĐỀ CẦN SUY NGHĨ- Hãy tưởng tượng rằng bạn thân của bạn là bà mẹ có đứa con 3 tháng tuổi. Người bạn ấy sắp trở về công việc nhân viên xã hội nhưng ngại rằng sẽ làm hại con mình khi đi làm trở lại. Bạn nói gì để cô ấy yên tâm? Một trong những báo cáo đầu tiên từ dự án này về tác động của chăm sóc trẻ con ban đầu đối với sự quyến luyến của trẻ con 15 tháng tuổi với mẹ (NICHD Early Child Care Research Network, 1997). Kết quả không cho thấy tác động chung của chăm sóc trẻ con trong quyến luyến mẹ - con cái, được đánh giá bằng Tình huống lạ. Quyến luyến yên tâm giữa mẹ - con có khả năng xảy ra, bất kể tính chất chăm sóc trẻ con, lượng thời gian trẻ con được chăm sóc, độ tuổi khi trẻ con bắt đầu được chăm sóc, bố mẹ thay đổi sự sắp xếp trong chăm sóc trẻ con thường xuyên ra sao, và loại chăm sóc trẻ con (như trung tâm chăm sóc trẻ con, ở nhà chung với người lạ). Tuy nhiên, khi xem xét ảnh hưởng của chăm sóc trẻ con cùng với đặc điểm của các bà mẹ, một xu hướng quan trọng nổi bật: khi các bà mẹ kém nhạy cảm hơn và kém quan tâm hơn gởi con vào trung tâm chăm sóc trẻ con kém chất lượng thì thường gặp quyến luyến không yên tâm. Như các nhà điều tra nhận xét, "... chất lượng kém, không ổn định hoặc nhiều hơn số lượng chăm sóc trẻ con [bên ngoài] tối thiểu rõ ràng làm tăng thêm rủi ro vốn có ở các bà mẹ thờ ơ, đến mức tác động kết hợp tệ hại hơn tác động của tính nhạy cảm và sự đáp ứng kém của mẹ".

Dĩ nhiên, tác động của chăm sóc ban ngày không hạn chế sự quyến luyến, cũng như các khía cạnh trong sự phát triển của trẻ con. Báo cáo thứ hai từ dự án này khảo sát liên kết giữa chăm sóc trẻ con ban đầu và rối loạn hành vi ở trẻ con 2, 3 tuổi (NICHD Early Child Care Research Network, 1998). Những kết quả này cho thấy trẻ con có kinh nghiệm mở rộng trong chăm sóc trẻ con bắt đầu vào bất kỳ độ tuổi nào không có khả năng bị rối loạn hành vi nhiều hơn số trẻ có kinh nghiệm hạn chế trong chăm sóc trẻ. Ở đây, tính chất chăm sóc là một yếu tố — trẻ con nhận được chăm sóc trẻ con chất lượng kém có nhiều khả năng bị rối loạn hành vi hơn một ít.

Nói chung, bố mẹ làm việc như Kendra, bà mẹ trong phần minh họa, có thể đăng ký con mình ở tuổi ẵm ngửa và trước tuổi đến trường tham gia chương trình chăm sóc ban ngày chất lượng cao không phải lo ngại hậu quả đáng tiếc. Một số yếu tố cần nghĩ đến trong một chương trình hạng nhất bao gồm (a) tỉ lệ trẻ con có người chăm sóc thấp, (b) nhân viên qua trường lớp, (c) nhiều cơ hội kích thích giáo dục và xã hội, và (d) giao tiếp hiệu quả giữa bố mẹ và nhân viên chăm sóc ban ngày về mục đích chung và chức năng hoạt động thông thường của chương trình chăm sóc ban ngày (Rosenthal & Vandell, 1996).

May thay, người tuyển dụng cũng bắt đầu dự phần, nhận thấy rằng chăm sóc trẻ con chất lượng cao, tiện lợi làm cho nhân viên cảm thấy hài lòng hơn, làm việc tốt hơn. Chẳng hạn, ở Flint, Michigan, chăm sóc trẻ con là một thành phần trong hợp đồng ký giữa Công nhân ngành ôtô thống nhất và General Motors. Nhiều thành phố chẳng hạn như Pittsburgh, bổ sung mã vùng của mình sao cho các khu phức hợp mua sắm và cao ốc văn phòng mới phải có nơi chăm sóc trẻ con giống như ảnh (bên trên). Các doanh nghiệp nhận thấy rằng tính khả dụng của chăm sóc trẻ con xuất sắc giúp thu hút và giữ chân lực lượng lao động có tay nghề. Thị trưởng Sophie Masloff, khi Pittsburgh xem lại mã vùng, phát biểu, "phụ nữ trong lực lượng lao động nhiều hơn trước kia, chúng ta hiểu rằng [cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ con thích hợp cho công nhân] là điều cần thiết".

Bằng nỗ lực, sắp xếp, và sự hỗ trợ của cộng đồng và doanh nghiệp, việc làm toàn thời gian và chăm sóc chất lượng cao có thể tương thích. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này trong chương 11, từ quan điểm của bố mẹ. Bây giờ, phần Người thật việc thật đưa ra minh họa một ông bố ở nhà trông con trong khi vợ đi làm cả ngày.

NGƯỜI THẬT, VIỆC THẬT: LOIS, BILL, VÀ SARAH

Lois 46 tuổi và Bill 61 tuổi lấy nhau gần 4 năm, Lois mới sinh bé Sarah. Lois là cô giáo nhà trẻ trở lại làm việc cả ngày sau khi sinh Sarah được 4 tháng. Bill đang học lấy bằng tiến sĩ giáo dục, trở thành người chồng ở nhà suốt ngày. Ban ngày Bill nấu cơm và chăm sóc bé Sarah. Trưa Lois mới về nhà, cả nhà cùng ăn trưa, rồi đi làm tiếp đến 4 giờ chiều. Mỗi tuần 1 lần, Bill ẵm Sarah tham gia chương trình trò chơi bố - con. Các ông bố, bà mẹ khác, tất cả bà mẹ ở độ tuổi 20 hoặc 30, lúc đầu cho rằng Bill là ông của Sarah và khó chịu khi gọi Bill là bố già. Tuy nhiên, ít lâu sau, Bill là một thành viên được kính trọng trong nhóm. Vào ngày cuối tuần các con đã trưởng thành của Lois và Bill trong các cuộc hôn nhân trước đến thăm, rất thích chăm sóc và chơi với bé Sarah. Bé trông rất khỏe mạnh, hạnh phúc, thân mật dù có 9 tháng tuổi. Sự sắp xếp này không theo truyền thống? Chắc chắn. Sự sắp xếp này khó hiệu quả đối với Sarah, Lois, và Bill hay không? Chắc chắn có. Sarah nhận được sự chăm sóc nuôi dưỡng mà mình cần, nên Lois đi làm rất an tâm khi Sarah có người chăm sóc trong khi Bill rất hạnh phúc khi mình là người chăm sóc chính.



TỰ KIỂM TRA

1. … cho rằng yếu tố trưởng thành và xã hội kết hợp tạo ra 8 thử thách đặc biệt đối với sự phát triển tâm lý xã hội trong cuộc đời.

2. Trẻ con ở tuổi ẵm ngửa phải cân đối sự tin cậy và hoài nghi để đạt được …, thái độ cởi mở với kinh nghiệm mới kết hợp với nhận biết nguy hiểm có thể.

3. Vào khoảng … tháng tuổi, hầu hết trẻ con nhận biết một cá nhân đặc biệt - thường không phải lúc nào cũng là mẹ - như nhân vật quyến luyến. 

4. Joan, 12 tháng tuổi được tách rời khỏi mẹ khoảng 15 phút. Khi mẹ con gặp mặt Joan không muốn mẹ ẵm mình. Khi mẹ đến gần, Joan nhìn nơi khác hoặc chập chững bước đi chỗ khác. Hành vi này cho thấy Joan có mối quan hệ quyến luyến …

5. Yếu tố quan trọng nhất duy nhất trong nuôi dưỡng một mối quan hệ quyến luyến yên tâm là …

6. Tim và Douglas, cả hai đều 3 tuổi, hiếm khi cãi nhau, khi cả hai bất đồng, đứa này nghe theo ý kiến đứa trẻ kia. Tỉ lệ tốt khi cả hai đứa trẻ có mối quan hệ quyến luyến … với bố mẹ.

7. Quyến luyến không yên tâm có khả năng xảy ra khi đứa trẻ nhận được sự chăm sóc trẻ con chất lượng kém và …

8. Hầu hết nghiên cứu về quyến luyến dựa vào Tình huống lạ của Ainsworth. Một số đặc điểm của phương pháp này là gì? Một số vấn đề tiềm năng là gì?

Trả lời: (1) Erik Erikson, (2) hy vọng, (3) 6 hoặc 7, (4) không yên tâm né tránh, (5) đáp ứng nhất quán và thích hợp, (6) yên tâm, (7) bà mẹ không quan tâm, không nhạy cảm.




II. PHÁT TRIỂN CẢM XÚC NGHIÊN CỨU VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI à Phần 1. SỰ PHÁT TRIỂN TRƯỚC KHI SINH, THỜI ẴM NGỬA VÀ ĐẦU TUỔI THƠ ẤU à Chương 5. GIA NHẬP THẾ GIỚI XÃ HỘI
Mục tiêu nghiên cứu

- Trẻ con bắt đầu thể hiện cảm xúc cơ bản ở độ tuổi nào?

- Cảm xúc phức tạp là gì, phát triển khi nào?

- Khi nào trẻ con bắt đầu hiểu được cảm xúc của người khác? Trẻ con sử dụng thông tin này ra sao để định hướng hành vi của mình?



Phát triển cảm xúc

- Cảm xúc cơ bản

- Cảm xúc phức tạp

- Nhận biết và sử dụng cảm xúc của người khác

NICOLE rất vui khi cuối cùng cũng đến thăm được đứa cháu trai 7 tháng tuổi Claude. Cô chạy xộc vào nhà, thấy Claude ngồi dưới sàn chơi ô ghép hình, cô lao vào ôm chặt cậu bé, nhấc lên cao. Một lúc sau, với ánh mắt lúng túng, Claude òa khóc với vẻ giận dữ, quơ tay múa chân như thể muốn nói với Nicole rằng, "Cô là ai? Cô muốn gì? Hãy bỏ con xuống ngay". Nicole trả Claude cho mẹ cậu, mẹ cậu đang ngạc nhiên khi thấy thái độ giận dữ của con và thậm chí còn ngạc nhiên hơn nữa khi cậu bé vẫn khóc nức nở trong vòng tay của mẹ.

Vui mừng ban đầu của Nicole, giận dữ của Claude và sự ngạc nhiên của mẹ cậu minh họa ba cảm xúc thông thường của con người. Những cảm xúc này cùng với hân hoan, mãn nguyện, tội lỗi, và khiêm nhường, chỉ là một vài cảm xúc giúp cho cuộc sống thêm ý nghĩa.

Trong phần này, chúng ta tìm hiểu khi nào trẻ con biểu hiện cảm xúc đầu tiên, sau đó tìm hiểu bằng cách nào đứa trẻ biết được cảm xúc của người khác.

CẢM XÚC CƠ BẢN

Vui, giận và ngạc nhiên cùng với sợ, ghê tởm và buồn rầu được xem là cảm xúc cơ bản vì con người trên khắp thế giới đều có và vì mỗi cảm xúc bao gồm 3 yếu tố: suy nghĩ chủ quan, thay đổi sinh lý và hành vi công khai (Izard, 1991). Chẳng hạn, giả sử bạn thức giấc vì tiếng sấm sau đó nhận thấy rằng người bạn cùng phòng đã cầm ô đến lớp. Theo chủ quan, bạn sẵn sàng giận dữ, về mặt sinh lý, tim bạn đập nhanh hơn, về mặt hành vi, bạn đang cáu kỉnh.

Cảm xúc cơ bản xuất hiện ở chúng ta từ vài tháng đầu đời. Để tự tìm hiểu, bạn hãy nhìn ảnh (bên trên) của số đứa trẻ này. Đứa trẻ nào giận dữ? Đứa trẻ nào buồn? Đứa trẻ nào vui? Sự thể hiện trên nét mặt cũng cho thấy rằng có lẽ bạn đoán theo thứ tự, các đứa trẻ trong ảnh buồn, vui và giận. Nhưng những sự thể hiện trên nét mặt dễ phân biệt này có nghĩa là những đứa trẻ thực sự trải qua những cảm xúc này hay không? Không hẳn. Hãy nhớ rằng sự thể hiện trên nét mặt chỉ là một thành phần duy nhất của cảm xúc - sự biểu hiện hành vi. Cảm xúc cũng bao gồm các phản ứng sinh lý và suy nghĩ chủ quan. Dĩ nhiên, trẻ con không thể diễn đạt suy nghĩ của mình bằng lời, vì thế chúng ta không biết nhiều về cảm giác chủ quan của trẻ con. Chúng ta dựa trên cơ sở thành phần sinh lý vốn chắc chắn hơn. Ít nhất một số phản ứng sinh lý đi kèm với sự thể hiện trên nét mặt ở trẻ con và người lớn đều như nhau. Chẳng hạn, khi trẻ con và người lớn mỉm cười - ngụ ý rằng cả hai đang vui - thì vỏ não trước trái của não thường có hoạt động điện nhiều hơn vỏ não trước phải (Fox và người khác, 1991).

Nhiều nhà khoa học sử dụng chứng cứ này và chứng cứ tương tự để lập luận rằng sự thể hiện trên nét mặt là gợi ý đáng tin đối với trạng thái cảm xúc của trẻ con. Chẳng hạn, nghiên cứu cũng chứng minh rằng trẻ con và người lớn trên khắp thế giới diễn đạt cảm xúc cơ bản giống hệt nhau (Izard, 1991). Đứa trẻ trong ảnh (trang 210) thể hiện dấu hiệu sợ thường gặp. Mắt mở to, nhướng cao chân mày, miệng thả lỏng nhưng hơi mở. Tính phổ biến của sự thể hiện cảm xúc cho thấy con người được lập trình về mặt Sinh học để diễn đạt cảm xúc của mình theo cách cụ thể, hoàn toàn trong gien của chúng ta phải mỉm cười khi vui và cau mày khi bực mình.

Một chứng cứ khác liên kết sự thể hiện trên nét mặt của trẻ con với cảm xúc là khoảng 5 - 6 tháng tuổi, sự thể hiện trên nét mặt của trẻ con thay đổi theo cách có thể dự đoán và có ý nghĩa khi phản ứng trước sự kiện. Khi một bà mẹ vui chào con mình thì đứa trẻ sẽ mỉm cười đáp lại, khi bà mẹ mệt, quẫn trí sẽ ẵm con rất mạnh tay, đứa trẻ có lẽ sẽ cau mày. Những chứng cứ này cho thấy vào khoảng 6 tháng tuổi (có thể sớm hơn), sự thể hiện trên nét mặt là dấu hiệu chỉ báo trạng thái cảm xúc của trẻ con khá đáng tin (Weinberg & Tronick, 1994).

Nếu sự thể hiện trên nét mặt là cửa sổ nhìn vào cảm xúc của trẻ con, thì chúng cho chúng ta biết gì về các giai đoạn phát triển cảm xúc ban đầu? Chúng ta hãy bắt đầu bằng hạnh phúc. Trong vài tuần đầu sau khi sinh, đứa trẻ bắt đầu mỉm cười nhưng điều này có vẻ liên quan với trạng thái sinh lý bên trong. Đứa trẻ mỉm cười sau khi bú hoặc trong lúc ngủ chẳng hạn. Khoảng 2 tháng tuổi, mỉm cười xã hội xuất hiện: đứa trẻ mỉm cười khi nhìn thấy khuôn mặt người khác. Đôi khi mỉm cười xã hội đi kèm với tiếng thì thầm, hình thức phát âm đầu tiên được mô tả trong chương 4 (Sroufe & Waters, 1976). Mỉm cười và thì thầm trông có vẻ là cách thể hiện sự thích thú của trẻ con khi thấy người khác.

Khi 4 tuổi, mỉm cười đi kèm với cười to tiếng, thường xảy ra khi đứa trẻ gặp một kích thích mạnh trên cơ thể (Sroufe & Wunsch, 1972). Cù đứa trẻ 4 tuổi hoặc đặt nó lên gối nhún nhún là cách làm đứa trẻ cười to tiếng. Gần thôi nôi, trẻ con thường cười to tiếng khi các sự kiện quen thuộc cần sự thay đổi mới lạ. Chẳng hạn, trẻ con 1 tuổi sẽ cười to tiếng khi người mẹ giả vờ uống bình sữa hoặc bố quấn tã quanh thắt lưng. Cười to tiếng lúc này là phản ứng với kích thích tâm lý cũng như kích thích cơ thể.

Các giai đoạn cảm xúc tích cực ban đầu như vui khá rõ: cảm giác vui của trẻ trước tiên chủ yếu liên kết với các trạng thái cơ thể chẳng hạn cảm giác no sau bữa ăn hoặc bị cù. Sau này, cảm giác vui liên kết với sự thích thú khi nhận biết người quen, và sau này được liên kết với các trạng thái tâm lý chẳng hạn sự thích thú khi nhìn thấy người khác hoặc một sự kiện bất thường.

Chúng ta không biết nhiều về sự phát triển cảm xúc tiêu cực chẳng hạn giận, sợ và buồn. Chắc chắn, trẻ sơ sinh bày tỏ cảm xúc khó chịu nhưng tiêu cực đặc trưng vốn khó phát hiện ở độ tuổi này. Giận dữ xuất hiện dần dần với sự thể hiện rõ nét ở trẻ từ con 4 - 6 tháng tuổi. Đứa trẻ giận dữ, chẳng hạn, nếu lấy đi thức ăn hoặc đồ chơi mà nó ưa thích (Stenberg & Campos, 1990). Phản ánh hiểu biết hành vi định hướng mục tiêu đang phát triển của trẻ con, nó cũng giận dữ khi thất vọng vì trở ngại ngăn nó không đến được mục tiêu. Chẳng hạn, nếu bố mẹ ngăn không cho con trẻ lấy đồ chơi, chắc chắn nó rất tức giận.

VẤN ĐỀ CẦN SUY NGHĨKhả năng bày tỏ cảm xúc của trẻ con liên quan với sự hình thành tình cảm quyến luyến như thế nào? Với đặc điểm tình tình được mô tả ở trang 88 - 90 ra sao? Như giận dữ, sợ hãi trông có vẻ hiếm gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ con còn nhỏ. Dấu hiệu sợ hãi dễ thấy đầu tiên xuất hiện ở trẻ con 6 tháng tuổi, nó trở nên thận trọng khi có mặt của người lớn xa lạ, được gọi là sợ người lạ. Khi người lạ đến gần thì đứa trẻ 6 tháng tuổi thường nhìn chỗ khác và bắt đầu lúng túng (Mangelsdorf, Shapiro, & Marzolf, 1995). Đứa trẻ trong ảnh (bên dưới) cho thấy dấu hiệu sợ người lạ. Bà đang nhấc bổng đứa trẻ nhưng không cho nó chạm vào người, kết quả ở đây có thể dự đoán giống như Claude, bé trai trong minh họa bị người cô làm cho hốt hoảng: bé khóc, trông có vẻ hoảng hốt, hai tay duỗi thẳng hướng về người quen.

Đứa trẻ có cảm giác sợ khi có người lạ xung quanh như thế nào tùy thuộc vào nhiều yếu tố (Thompson & Limber, 1991). Trước tiên, đứa trẻ thường ít sợ người lạ hơn khi môi trường quen thuộc, và sợ nhiều hơn khi môi trường xa lạ. Nhiều bố mẹ biết được điều này qua việc đi chơi cùng con trẻ: bước vào nhà một người bạn lần đầu tiên, đứa trẻ cứ bám sát lấy mẹ. Lần thứ hai, lượng sợ tùy vào hành vi của người lạ. Thay vì chạy nhanh đến chào hỏi hoặc ẵm nó lên, như Nicole đã làm trong minh họa, người lạ nên trò chuyện với người lớn khác, trong khi đó lấy đồ chơi đưa cho trẻ con (Mangelsdorf, 1992). Bằng cách này, nhiều đứa trẻ có cảm giác tò mò về người lạ hơn là sợ.

Sợ người lạ mang tính thích nghi vì sợ xuất hiện cùng lúc đứa trẻ bắt đầu bò rành (được mô tả trong Chương 3). Như George Hiếu kỳ, chú khỉ trong bộ sách thiếu nhi nổi tiếng, đứa trẻ rất muốn tìm hiểu và muốn sử dụng kỹ năng vận động mới của mình để tìm hiểu thế giới. Sợ người lạ tạo ra sự kiềm chế tự nhiên chống lại khuynh hướng đi thơ thẩn cách xa người chăm sóc quen thuộc (Thompson & Limber, 1990).

Sợ người lạ giảm dần khi đứa trẻ tập quen cách hiểu sự thể hiện trên nét mặt biểu thị người lạ thân thiện và không thù địch, nhưng sau đó nỗi sợ khác xuất hiện. Nhiều đứa trẻ trước tuổi đến trường sợ bóng tối và sinh vật tưởng tượng. Những nỗi sợ này thường biến mất trong những năm tiểu học khi đứa trẻ phát triển nhận thức và hiểu rõ hơn sự khác nhau giữa vẻ ngoài và thực tế (Wicks-Nelson & Israel, 1991). Sợ các đồ vật hoặc sự kiện cụ thể chẳng hạn rắn hoặc bão, thường phát sinh trong thời thơ ấu. Nỗi sợ như thế được xem là bình thường vì chúng cực đoan đến mức đứa trẻ bị chúng áp đảo (Rutter & Garmezy, 1983). Chẳng hạn, sợ nhện ở một bé gái 4 tuổi không phải bất thường trừ phi cô bé sợ đến mức nhất định không chịu ra khỏi nhà.



CẢM XÚC PHỨC TẠP

Cảm xúc cơ bản xuất hiện vào đầu tuổi ẵm ngửa, nhưng cảm xúc phức tạp chẳng hạn như cảm giác tội lỗi, bối rối và tự hào cho đến 18 - 24 tháng mới xuất hiện (Lewis, 1992). Không như cảm xúc cơ bản, cảm xúc phức tạp có thành phần tự đánh giá. Chẳng hạn, một đứa trẻ 2 tuổi đổ nước ép trái cây ra khắp sàn nhà có thể hổ thẹn, một đứa trẻ 2 tuổi khác lần đầu tiên một mình giải xong một câu đố khó sẽ mỉm cười theo cách tự hào. Trái với cảm xúc cơ bản, cảm xúc phức tạp không nhất thiết được trải qua giống hệt nhau trong các nền văn hóa khác nhau và không phải lúc nào cũng đi kèm với các trạng thái sinh lý dễ thấy.

Cảm xúc phức tạp tùy vào đứa trẻ có một số hiểu biết về bản thân, thường xuất hiện từ 15 - 18 tháng tuổi (xem Chương 4). Trẻ con cảm thấy có lỗi hoặc bối rối chẳng hạn khi đã làm một điều gì đó mà mình biết rõ không nên làm: đứa trẻ làm hỏng đồ chơi sẽ nghĩ rằng "mẹ bảo con nên cẩn thận. Nhưng con không nghe lời!". Tương tự, đứa trẻ cảm thấy tự hào khi làm được điều gì đó mang tính thử thách: một bé gái lần đầu tiên chụp được quả bóng sẽ nghĩ rằng "đây là chuyện khó nhưng mình làm được, làm một mình!". Đối với trẻ con trải qua cảm xúc phức tạp thì nó cần tiến bộ hơn về mặt nhận thức, điều này giải thích tại sao cảm xúc phức tạp không xuất hiện cho đến cuối tuổi ẵm ngửa (Lewis và người khác, 1992).

Cảm xúc phức tạp cũng tùy vào bối cảnh văn hóa. Tình huống gợi ra sự tự hào trong một nền văn hóa này có thể gợi ra sự lúng túng hoặc hổ thẹn trong một nền văn hóa khác (Zahn-Waxler và người khác, 1996). Chẳng hạn, trẻ con Mỹ thường tự hào với thành tích cá nhân chẳng hạn đạt điểm cao nhất trong kỳ tìm hiểu hoặc như trong ảnh (bên trên), giành hạng nhất trong kỳ tìm hiểu. Trái lại, trẻ con châu Á lúng túng khi trưng bày thành tích cá nhân cho người khác thấy nhưng rất tự hào khi cả lớp được thưởng vì thành tích chung (Stevenson & Stigler, 1992). Vì thế, điều kiện khởi sự cảm xúc phức tạp chẳng hạn tự hào, đố kỵ và hổ thẹn tùy thuộc vào văn hóa, trẻ con phải tìm hiểu khi nào những cảm xúc này thích hợp.



VẤN ĐỀ CẦN SUY NGHĨHãy giải thích các tác động khác nhau trong khuôn khổ Tâm sinh học xã hội góp phần cho sự phát triển cảm xúc cơ bản và phức tạp như thế nào? Tóm lại, cảm xúc phức tạp như có lỗi và tự hào đòi hỏi hiểu biết tinh vi hơn và mang tính đặc trưng văn hóa nhiều hơn cảm xúc cơ bản như vui và sợ, vốn dựa vào sinh học nhiều hơn và mang tính phổ biến trong các nền văn hóa. Tuy nhiên, khi lên 2 tuổi đứa trẻ biểu lộ cả cảm xúc cơ bản lẫn phức tạp. Dĩ nhiên, bày tỏ cảm xúc chỉ là một phần trong câu chuyện phát triển. Trẻ con cũng phải học cách nhận biết cảm xúc của người khác, là chủ đề kế tiếp.

NHẬN BIẾT VÀ SỬ DỤNG CẢM XÚC CỦA NGƯỜI KHÁC

Hãy tưởng tượng rằng bạn đang túng (dĩ nhiên chỉ tạm thời) và tính mượn cô bạn cùng phòng 20USD. Ngay sau đó, cô bạn ấy chạy xộc vào phòng bạn, đóng mạnh cửa cái, vứt ba lô của cô ta xuống sàn. Ngay lập tức, bạn thay đổi kế hoạch nghĩ rằng lúc này khó hỏi mượn tiền cô bạn này. Minh họa này nhắc chúng ta rằng chúng ta cần phải nhận biết cảm xúc của người khác và đôi khi thay đổi hành vi của chính mình. 

Trẻ con lần đầu tiên nhận biết cảm xúc ở người khác khi nào? Lúc 6 tháng, đứa trẻ bắt đầu phân biệt sự thể hiện trên nét mặt kết hợp với cảm xúc khác nhau.

Một đứa trẻ 6 tháng tuổi chẳng hạn có thể phân biệt đặc điểm của một khuôn mặt vui, đang mỉm cười với đặc điểm của một khuôn mặt buồn, cau có (Ludemann & Nelson, 1988; Ludemann, 1991). Nói đúng ra, những nghiên cứu này chỉ cho chúng ta biết rằng đứa trẻ có thể phân biệt sự thể hiện trên nét mặt, chứ không phải bản thân cảm xúc. Tuy nhiên, nghiên cứu khác biểu thị rằng thật ra đứa trẻ bắt đầu tự mình nhận biết cảm xúc. Chứng cứ rõ nhất là đứa trẻ thường kết hợp cảm xúc của chính mình với cảm xúc của người khác. Khi mẹ vui mỉm cười và nói chuyện bằng giọng vui vẻ thì đứa trẻ lộ vẻ rất vui. Khi mẹ giận hoặc buồn, đứa trẻ cũng buồn theo (Izard và người khác, 1995).

Cũng giống người lớn trẻ con sử dụng cảm xúc của người khác để định hướng hành vi của mình (Mumme, Fernald, & Herrera, 1996; Repacholi, 1998). Trẻ con trong một môi trường xa lạ hoặc vừa thương vừa ghét thường quan sát mẹ hoặc bố mình như thể tìm kiếm gợi ý để giúp nó hiểu tình huống, một hiện tượng được gọi là tham khảo xã hội. Chẳng hạn, trong một nghiên cứu của Hirshberg và Svejda (1990), đứa trẻ 12 tháng tuổi được cho xem đồ chơi mới phát ra âm thanh, như cá sấu thú nhồi bông biết huýt sáo. Đối với một số đồ chơi, bố mẹ trông có vẻ vui, đối với một số đồ chơi khác, bố mẹ trông có vẻ sợ. Khi nào bố mẹ trông có vẻ sợ thì trẻ cũng thế, xem hình vẽ (bên trên), đứa trẻ có vẻ như khó chịu và tránh xa đồ chơi. Vì thế, tham khảo xã hội chứng tỏ rằng đứa trẻ dựa vào cảm xúc của bố mẹ để giúp đứa trẻ điều tiết hành vi của chính mình.

Khi kỹ năng nhận thức của trẻ con tiếp tục phát triển trong thời thơ ấu, trẻ con thành thạo hơn trong việc nhận biết cảm xúc của người khác và thành thạo hơn trong việc sửa đổi hành vi của mình cho phù hợp (Boone & Cunningham, 1998; Dunn và người khác, 1995). Trẻ con hiểu rằng đôi lúc mình nên giấu cảm xúc của mình (Jones, Abbey, & Cumberland, 1998). Trẻ con bắt đầu hiểu tại sao người ta có cảm giác như thế và cảm xúc ảnh hưởng đến hành vi của con người ra sao. Trẻ con trước tuổi đến trường, chẳng hạn, hiểu rằng nó giận dữ rất có khả năng gây tổn thương cho người khác hơn là nó đang vui (Russell & Paris, 1994).



TỰ KIỂM TRA

1. Hình thức có thể phát hiện đầu tiên của sợ hãi là …, xuất hiện vào khoảng 6 tháng tuổi.

2. Cảm xúc phức tạp chẳng hạn như tội lỗi và hổ thẹn, xuất hiện muộn hơn cảm xúc cơ bản vì …

3. Trong tham khảo xã hội, trẻ con sử dụng sự thể hiện trên nét mặt của bố mẹ …

4. Sự xuất hiện cảm xúc phức tạp ở 18 - 24 tháng tuổi phù hợp với giải thích phát triển nhận thức của Piaget trong độ tuổi này, được chúng ta mô tả trong chương 4 như thế nào?

Trả lời: (1) sợ người lạ, (2) cảm giác phức tạp đòi hỏi kĩ năng nhận thức tiến bộ hơn, (3) dễ định hướng hành vi của chính mình (như quyết định xem một tình huống xa lạ có an toàn hoặc đe dọa hay không).




III. TƯƠNG TÁC VỚI NGƯỜI KHÁC NGHIÊN CỨU VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI à Phần 1. SỰ PHÁT TRIỂN TRƯỚC KHI SINH, THỜI ẴM NGỬA VÀ ĐẦU TUỔI THƠ ẤU à Chương 5. GIA NHẬP THẾ GIỚI XÃ HỘI
Mục tiêu nghiên cứu

- Khi nào đứa trẻ bắt đầu chơi với đứa trẻ khác? Việc chơi thay đổi trong tuổi ẵm ngửa và những năm trước tuổi đến trường ra sao?

- Điều gì xác định đứa trẻ trước tuổi đến trường cộng tác với đứa trẻ khác?

- Điều gì xác định trẻ con giúp đỡ lẫn nhau? Kinh nghiệm nào giúp trẻ con có khuynh hướng giúp đỡ?



Tương tác với người khác

- Niềm vui khi chơi đùa

- Học cách hợp tác

- Giúp đỡ người khác

LUAN 6 tuổi ngón tay bị kẹt trong đầu máy video khi bé lấy băng ra. Trong khi khóc thét lên, đứa em trai 3 tuổi Antonio, và đứa em gái 2 tuổi Carla chỉ biết ngó không giúp được gì cả. Sau này, khi mẹ dỗ Juan và kết luận rằng ngón tay không sao, nhưng bà lo về phản ứng của các con. Khi nhìn thấy sự đau đớn hiện rõ của anh mình, tại sao Antonio và Carla không giúp được gì?

Tương tác ban đầu của trẻ con là tương tác với bố mẹ, nhưng ít lâu sau đứa trẻ bắt đầu tương tác với người khác, nhất là bạn đồng tuổi. Trong phần này chúng ta lần theo sự phát triển của những tương tác này và tìm hiểu tại sao trẻ con như Antonio và Carla không giúp người khác.



Каталог: sachviet -> Y-Hoc-Tong-Hop


Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   17   18   19   20   21   22   23   24   ...   72




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương