LƯỢc sử phật giáO ẤN ĐỘ Sa môn Thích Thanh Kiểm thpg tp. Hồ Chí Minh, tp. Hcm, 1989 o0o Nguồn


THIÊN THỨ BA. THỜI ĐẠI ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO



tải về 0.87 Mb.
trang13/20
Chuyển đổi dữ liệu19.04.2018
Kích0.87 Mb.
#36957
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   ...   20

3. THIÊN THỨ BA. THỜI ĐẠI ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO


(201-700 TL)

CHƯƠNG THỨ NHẤT. KHỞI NGUYÊN CỦA ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO

I. Ý NGHĨA ĐẠI THỪA VÀ TIỂU THỪA


Đại thừa, tiếng Phạn gọi là Mahayàna, Tiểu thừa là Hinayàna. Giáo lý của Đại thừa Phật giáo thì cao siêu huyền diệu nên gọi là Đại thừa, ví như cỗ xe vận tải lớn, chở được nhiều người; giáo lý của Tiểu thừa thì thấp kém, nông cạn, nên gọi là Tiểu thừa, ví như cỗ xe nhỏ, chỉ vận tải được ít người. Chữ Thừa có ý nghĩa là vận chuyển chúng sinh từ bến mê tới ngàn giác.

Giáo lý của Phật giáo, sở dĩ chia ra Đại thừa và Tiểu thừa là vì tư tưởng và sự phát triển của đôi bên không giống nhau. Thí dụ, Tiểu thừa Phật giáo nói: “Ngã không pháp hữu”, nhưng Đại thừa Phật giáo lại nói: “Ngã pháp câu không”. Trên phương diện thực tiễn thì Tiểu thừa Phật giáo chủ trương phần tự lợi, Đại thừa chủ trương phần lợi tha. Ở phương diện chứng quả, Tiểu thừa cho quả A-la-hán là cứu cánh, Đại thừa lại mong đạt tới Vô thượng Phật quả làm viên mãn. Như vậy ta có thể kết luận, giáo lý của Đại thừa Phật giáo là giáo lý thành Phật, và giáo lý của Tiểu thừa Phật giáo là giáo lý đoạn hoặc chứng Niết-bàn.

---o0o---

II. KHỞI NGUYÊN CỦA TƯ TƯỞNG ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO


Khởi nguyên tư tưởng Đại thừa Phật giáo lẽ dĩ nhiên là đã có từ khi Đức Phật còn tại thế. Sau khi Phật diệt độ hơn 100 năm thì trong giáo đoàn Phật giáo chia ra Thượng Tọa bộ và Đại Chúng bộ, rồi dần dần phân chia ra các bộ phái, trong giáo nghĩa của các bộ phái đó phần nhiều cũng bao hàm cả giáo lý của Đại thừa. Tới thời đại vua Asoka (A Dục Vương), đến thời đại vua Kaniska (Ca Nhị Sắc Ca) thì tư tưởng của Đại thừa Phật giáo dần dần thực hiện.

Đương thời tư tưởng Đại thừa được truyền bá, nếu y vào địa lý thì trước hết bắt nguồn ở phía Nam Ấn Độ, nơi căn cứ truyền bá giáo lý của Đại Chúng bộ. Ở địa phương này trước hết nẩy nở ra tư tưởng “Bát nhã Đại thừa”, đại biểu cho tư tưởng “Không” của Đại thừa Phật giáo. Và phía Bắc Ấn Độ, từ thời đại vua Asoka trở về sau, ở các địa phương này vì chịu ảnh hưởng của tư tưởng Hy Lạp, nên tư tưởng của Đại thừa Phật giáo cũng sớm được nẩy nở để thích ứng với thời đại.

Tóm lại, khởi nguyên của Đại thừa Phật giáo phát triển theo hai phương diện, nghĩa là, một mặt thì phát triển từ ở giáo nghĩa của bộ phái Phật giáo, một mặt thì phản kháng giáo lý của Tiểu thừa Phật giáo để thích ứng với thời đại. Về niên đại thành lập Đại thừa Phật giáo thì ở khoảng sau kỷ nguyên Tây lịch.

---o0o---


III. CÁC KINH ĐIỂN CỦA ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO THÀNH LẬP TRƯỚC THỜI ĐẠI NGÀI LONG THỌ


Đại thừa Phật giáo tuy thành lập trước thời đại ngài Long Thọ, nhưng về chân ý nghĩa của Đại thừa Phật giáo được phát huy và được tổ chức thành một hệ thống rõ rệt là do công huân của Thánh tăng Long Thọ Bồ-tát. Ngài Long Thọ tuy có công tổ chức về giáo học của Đại thừa Phật giáo, nhưng không phải là nhà biên tập về kinh điển Đại thừa mà chỉ chú thích những kinh điển của Đại thừa đã sẵn có.

Về trước tác của ngài Long Thọ có rất nhiều, nhưng những kinh điển Đại thừa được dẫn chứng nhiều, thấy ở các bộ “Đại Thừa Trí Độ Luận” và “Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận”. Căn cứ vào sự dịch kinh ở Trung Quốc thì ngài Chi Lâu Ca Sấm (Lokaraksa, tới Trung Quốc năm 167 TL), ngài Ngô Chi Khiêm (tới Trung Quốc năm 220), ngài Khang Tăng Khải (Samghavarman, tới Trung Quốc năm 252), ngài Trúc Pháp Hộ (Dharmaraksa, tới Trung Quốc năm 265), các vị kể trên đều là những nhân vật trước hoặc cùng thời đại với ngài Long Thọ (thế kỷ thứ III), và đã phiên dịch rất nhiều kinh điển Đại thừa sang chữ Hán. Vậy các kinh điển đã dịch đó thành lập trước thời đại ngài Long Thọ, gồm có những bộ chủ yếu như: Đại Phẩm Bát Nhã Kinh (25.000 bài tụng, tức là Quang Tán hay Phóng Quang Bát Nhã), Tiểu Phẩm Bát Nhã Kinh (8.000 bài tụng, tức là Hành Đạo Bát Nhã hay Phật Mẫu Bát Nhã), Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Hoa Nghiêm Kinh, Đại Vô Lượng Thọ Kinh, Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội Kinh, Duy Ma Kinh v.v... Ý nghĩa tổng quát của các bộ kinh kể trên như sau:

Kinh Bát Nhã (Prajnàpàramità Sutra). - Trong các kinh điển Đại thừa, thì kinh Bát Nhã được hình thành sớm nhất. Chủ yếu về giáo lý của kinh này là tư tưởng “Không”. Kinh Bát Nhã có nhiều thứ khác nhau, căn cứ ở bộ Đại Bát Nhã Kinh do ngài Huyền Trang dịch thì gồm có 600 quyển. Nhưng, ở thời đại ngài Long Thọ chỉ thấy lưu hành có Tiểu Phẩm Bát Nhã (Astasàhasrikà prajnàpàramità). Về nội dung tư tưởng của hai bộ này thì tương tự nhau, vì Đại Phẩm Bát Nhã chỉ là phần tăng gia của Tiểu Phẩm Bát Nhã.

Lập trường giáo lý căn bản của kinh Bát Nhã là tư tưởng “Không”, nhưng không đây không phải là “Hư vô chủ nghĩa”, mà là “Chân không diệu hữu”. Nghĩa là nương vào mục tiêu Bát Nhã (trí tuệ) chứng được chánh quán, phá hết ngã chấp, tâm cảnh được tự tại, biết được mọi pháp ở thế gian đều là Không. Khi đã đạt được tới cảnh ngộ “Không” đó thì tâm cảnh sáng láng, trí tuệ vô biên, ánh sáng của trí tuệ này lại phản chiếu lại thế gian, và thế gian lúc đó là diệu hữu. Đó là nghĩa Chân không trở thành diệu hữu, ý nghĩa “Mọi pháp đều không” trong kinh Bát Nhã có giảng giải rất nhiều, nhưng tóm lại không ngoài mục đích để chuyển biến cái giá trị căn bản của nhân sinh, và đưa nhân sinh tới chỗ toàn thiện toàn mỹ, vượt hẳn sự đối lập khổ vui, nghèo giàu, mê ngộ, thiện ác.

Tư tưởng “Chân không diệu hữu” của kinh Bát Nhã chính là quan niệm căn bản của tư tưởng Đại thừa Phật giáo, làm trung tâm xuất phát cho giáo lý Đại thừa, nên kinh Bát Nhã chiếm một địa vị rất trọng yếu trong Đại thừa Phật giáo.

Kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka hay Gandavỳha). - Lập trường của kinh Hoa Nghiêm là “Tịnh Tâm Duyên khởi”, và khai triển thành Diệu hữu thế giới quan. Kinh Hoa Nghiêm có hai bản dịch là cựu dịch và tân dịch. Cựu dịch toàn bộ gồm có 60 quyển do ngài Phật Đà Bạt Đa La dịch; tân dịch gồm 80 quyển do ngài Thực Xoa Nan Đà dịch. Ở thời đại ngài Long Thọ, kinh Hoa Nghiêm đã hoàn toàn trọn bộ hay không, không thể biết được chính xác, nhưng trước thời đại ngài thì đại bộ phận của kinh Hoa Nghiêm đã được dịch sang chữ Hán, như “Kinh Thập Địa” và “Phẩm Nhập Pháp Giới”. Như vậy, đại bộ phận của kinh này đã được thành lập trước thời ngài Long Thọ.

Tư tưởng kinh Hoa Nghiêm cũng như kinh Bát Nhã thuộc Duy tâm luận. Trong kinh Hoa Nghiêm nói “Tam giới hư vọng, đãn thị nhất tâm tác”, nghĩa là những sự hư vọng trong ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới đều do nhất tâm tạo ra cả. lại nói “Tâm như công họa sư, họa chủng chủng ngũ uẩn, nhất thiết thế giới trung, vô pháp nhi bất tạo”, nghĩa là “Tâm như người thợ vẽ, vẽ các thứ ngũ uẩn; các pháp trong thế giới, pháp nào cũng vẽ được cả”. Kinh Hoa Nghiêm và kinh Bát Nhã đều chủ trương về “Duy tâm luận”, nhưng lập trường duyên khởi của hai kinh khác nhau. Lập trường kinh Bát Nhã là “Vọng tâm duyên khởi’, mà lập trường kinh Hoa Nghiêm là “Thanh tịnh tâm duyên khởi”.

Căn cứ vào kinh Hoa Nghiêm, thì Đức Thích Ca ngồi tĩnh tọa dưới gốc cây Bồ-đề, sau khi thành Chánh giác, trong khoảng 37 ngày tư duy, Ngài ở trong định “Hải ấn Tam muội”, hiện ra thân tướng Pháp thân Đại Nhật (Vairocana) Như Lai, mà nói ra bộ kinh Hoa Nghiêm này để hóa độ cho các bậc Bồ-tát từ ngôi Sơ địa trở lên. Duyên khởi quán của nguyên thủy Phật giáo thì bắt đầu từ vô minh, rồi đến lão tử, đó là “Vọng tâm duyên khởi”. Nhưng Đức Phật, Ngài ở trong định Hải ấn Tam muội thuộc tâm thuần túy thanh tịnh, mà vận dụng phép quán duyên khởi để triển khai ra nhiều thế giới, nên các thế giới đều là diệu hữu. Nghĩa là các thế giới đều do sự biểu hiện của Pháp thân Tỳ Lư Xá Na Phật (Đại Nhật Như Lai) nên hoàn toàn là vĩnh viễn, là chân thực. Các thế giới được hiển hiện ra thì đều liên quan mật thiết với nhau. Thí dụ, vật nhỏ bé như một lá cây, một ngọn cỏ cũng đều phản ánh với toàn thế giới; trong một giây, một tích tắc cũng bao hàm một thời gian vĩnh viễn. Thời gian và không gian can thiệp lẫn nhau không có một mảy may nào cô lập, vì thế nên các nhà chú thích kinh này gọi là “Trùng trùng vô tận duyên khởi”.

Kinh Duy Ma (Vimàlakirtinirdésa Sutra). - Duy Ma là bộ kinh để đả phá giáo lý Tiểu thừa, tán dương giáo lý Đại thừa. Lập trường của kinh này cũng chủ trương tư tưởng “Không”. Duy Ma Cật là chủ nhân ông trong bộ kinh này lại là một cư sĩ, hiện thân ở nơi trần tục, nhưng tư tưởng và nhân cách của ngài lại siêu việt thế tục. Ngài Xá Lợi Phất, một vị thông minh bậc nhất trong thập đại đệ tử của Phật, cũng phải thua kém. Giáo lý căn bản của bộ kinh này là “Sinh tử tức Niết-bàn; phiền não tức Bồ-đề”.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội (Sùrangama Samàdhi Sutra). - Lập trường của kinh Lăng Nghiêm là y vào sức tam muội (chánh định) để phát huy các lực dụng của bất tư nghì giải thoát. Trong Phật giáo, đặc biệt về Đại thừa Phật giáo, có nói nhiều về tam muội, nhưng trong kinh này lấy hai thứ tam muội làm cứu cánh tức là Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội (Sùrangama samàdhi) và Ban Chu Tam Muội (Pratyutpanna samàdhi). Y vào định Ban Chu Tam Muội để được thấy rõ chư Phật; y vào Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội để hiểu biết chư Pháp đều là không, và thể hiện ra lực dụng diệu hữu.

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharma Pundarika Sùtra). - Kinh Pháp Hoa, về Hán dịch có nhiều bản khác nhau, nhưng ở Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam đều chuyên trì bản dịch của ngài La Thập, gồm 28 phẩm chia ra 7 quyển hoặc 8 quyển. Trong 28 phẩm, 14 phẩm đầu thuộc Tích môn, 14 phẩm cuối thuộc Bản môn.

Tư tưởng then chốt của kinh Pháp Hoa là “Khai quyền hiển thực”. Nhưng khai quyền hiển thực ngả theo hai phía, là chúng sinh và Phật. Về phía chúng sinh thì nói giáo lý “Khai tam hiển nhất”. Khai tam hiển nhất nghĩa là khai triển ra Tam thừa là Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát, rồi quy tụ về Nhất thừa đạo. Tuy nói ra Tam thừa, nhưng chỉ là phương tiện để dụ dẫn đó thôi, chứ thực ra chỉ có một thừa tức là Nhất thừa đạo. Nên trong kinh Pháp Hoa nói: “Duy hữu nhất thừa pháp, vô nhị diệc vô tam”, nghĩa là chỉ có Nhất thừa pháp, không có Nhị thừa và cũng không có Tam thừa. Về phía Phật thì nói về giáo lý “Khai tích hiển bản”. Phật Thích Ca từ khi thành đạo, tới lúc 80 tuổi Ngài nhập Niết-bàn, đó chỉ là một phương tiện quyền hiện ra cõi đời này, chứ thực ra Pháp thân của Ngài vẫn thường trụ và đã thành Phật từ ở những kiếp xa xưa mới chính là bản Phật. Đó là nghĩa “Khai tích hiển bản”.

Phần giáo lý của kinh Pháp Hoa thì bàn về nghĩa Pháp thân thường trụ, hay Phật thân thường trụ nêu rõ cái mục đích cứu cánh của giáo lý Đại thừa là hết thảy chúng sinh đều được thành Phật đạo.

Tịnh độ kinh điển. - Khuynh hướng tín ngưỡng Tịnh độ ở thời đại ngài Long Thọ chia ra ba hệ thống:

1. Đâu Suất Tịnh độ của Di Lặc Phật. Di Lặc (Maitreya), vị Phật tương lai, gọi là Nhất sinh bổ xứ Bồ-tát, hiện trụ ở cung trời Đâu Suất, và sẽ xuất hiện ở cõi Ta-bà để giáo hóa chúng sinh. Di Lặc Thành Phật Kinh (ngài La Thập dịch) và Di Lặc Hạ Sinh Kinh (ngài Pháp Hộ dịch) có chép về sự tích Ngài. Tư tưởng cầu vãng sinh lên cung trời Đâu Suất, để mong được trực tiếp nghe pháp của ngài Di Lặc thấy chép ở kinh “Di Lặc Bồ Tát Thượng Thăng Đâu Suất Kinh”. Điều kiện vãng sinh là chuyên niệm danh hiệu Di Lặc Phật. Ở Ấn Độ và Nhật Bản đều có khuynh hướng về tín ngưỡng này.

2. Nước Diệu Hỷ Tịnh độ của A Sơ Phật. Căn cứ ở kinh A Sơ Phật Quốc và kinh Đại Bảo Tích chép, ở phương Đông có nước gọi là Diệu Hỷ, Đức Phật ở nước này là Đại Mục Như Lai, trong nước đó có A Sơ (Aksobhya) Tỷ-khưu đi xuất gia, phát 39 điều nguyện (16 Tự hành nguyện và 23 Tịnh độ nguyện), sau khi hành nguyện viên mãn được thành Phật gọi là A Sơ Phật. Điều kiện vãng sinh tới nước đó thì cần phải tu hạnh Bồ-tát, pháp Lục độ và niệm danh hiệu Ngài.

3. Cực lạc Tịnh độ của A Di Đà Phật. Phật A Di Đà (Amitàyus, Amitàbha, Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang) thì ở cõi Tây phương. Tư tưởng Tịnh độ này có rất nhiều đặc sắc, nhưng đại thể chia làm hai.

Đặc sắc thứ nhất là tự thân của Phật A Di Đà có Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Quang, chúng sinh nếu được vãng sinh sang nước Ngài thì thân thể cũng giống như Ngài, và được hưỏng mọi thứ cực kỳ khoái lạc, nên gọi là thế giới Cực lạc.

Đặc sắc thứ hai là dễ tu dễ chứng. Căn cứ vào kinh Tứ Thập Bát Nguyện và kinh A Di Đà, thì chỉ cần xưng danh niệm Phật mà được vãng sinh. Đó là nhờ ở sức bản nguyện của Phật A Di Đà. Môn Tịnh độ này thì được phổ biến khắp mọi tầng lớp, ai ai cũng có thể tu được.

---o0o---




tải về 0.87 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   ...   20




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương