LƯỢc sử phật giáO ẤN ĐỘ Sa môn Thích Thanh Kiểm thpg tp. Hồ Chí Minh, tp. Hcm, 1989 o0o Nguồn


CHƯƠNG THỨ NĂM. PHẬT GIÁO Ở THỜI KỲ GIỮA TIỂU THỪA VÀ ĐẠI THỪA



tải về 0.87 Mb.
trang10/20
Chuyển đổi dữ liệu19.04.2018
Kích0.87 Mb.
#36957
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   20

CHƯƠNG THỨ NĂM. PHẬT GIÁO Ở THỜI KỲ GIỮA TIỂU THỪA VÀ ĐẠI THỪA

I. LỜI TIỂU DẪN


Như các chương trên đã thuật, đó là sự phát đạt và biến thiên của Tiểu thừa Phật giáo. Tới khoảng thế kỷ thứ III (Phật diệt độ sau 800 năm), có các bậc đại Luận sư ra đời như Bồ-tát Long Thọ và Đề Bà, là những bậc đã phát huy chân giáo lý Đại thừa của Phật giáo, làm cho Đại thừa Phật giáo được phát triển và hưng thịnh. Nhưng Đại thừa Phật giáo không phải đột nhiên mà xuất hiện, nghĩa là không phải do ngài Long Thọ, Đề Bà xuất hiện mới bắt đầu dựng ra, mà nó vẫn tiềm tàng ở tư tưởng trong giáo nghĩa của các bộ phái, rồi dần dần phát triển thành tư tưởng Đại thừa Phật giáo. Các học giả ở thời kỳ giữa Tiểu thừa và Đại thừa này, ta có thể kể các ngài như Nàgasena, Vasumitra và Asvaghosa làm đại biểu.

---o0o---


II. NGÀI NÀGASENA (NA TIÊN TỶ-KHƯU HOẶC LONG QUÂN)


Ngài Nàgasena xuất hiện ở cuối thế kỷ thứ II trước Tây lịch, người Trung Ấn, thiếu thời ngài tới ngài Rùpana (Lâu Ba) xin đầu Phật xuất gia, 20 tuổi thọ giới Cụ túc ở ngài Asvagupta. Ngài rất chuyên tâm tu hành, chứng tới quả A-la-hán, sau đi các địa phương giáo hóa. Khi tới thành Sàgàla (Sa Yết La) thuộc Bắc Ấn, ngài thuyết pháp cho vua Milinda (Di Lân Đà) nghe, vua nhờ sự giáo hóa của ngài, liền quy y Phật giáo. Đương thời, sự vấn đáp giữa nhà vua và Nàgasena đều được ghi chép lại, nên trong Đại tạng có kinh gọi là “Na Tiên Tỷ-khưu kinh”. Nam truyền Đại tạng kinh gọi là Milinda Panha, hiện còn lưu truyền tới nay.

Y vào kinh Milinda Panha, thì Nàgasena chủ trương tư tưởng vô ngã của Tiểu thừa để đả phá cái ngã kiến của nhà vua. Nhưng trong đó có thuyết hiện thế làm ác nghiệp, tới lúc lâm chung nương vào công đức niệm Phật, thì không những tiêu bạt được nghiệp chướng mà còn được hưởng quả báo sinh thiên. Vậy nên, ta có thể biết được ngài Nàgasena không phải là nhà học giả thuần túy Tiểu thừa, mà là người kiêm học cả Tiểu thừa và Đại thừa.

Sự khởi nguyên tư tưởng niệm Phật, và đối tượng niệm Phật của Nàgasena, tuy trong sử không chép rõ ràng, nhưng đương thời, tư tưởng của các bộ phái Tiểu thừa có tư tưởng quán Phật thân; từ thế kỷ thứ II trước Tây lịch trở về sau, đã có điêu khắc tượng Phật để làm đối tượng tín ngưỡng. Đó là lẽ phát đạt tự nhiên từ Tiểu thừa tiến tới Đại thừa.

---o0o---


III. NGÀI VASUMITRA (THẾ HỮU)


Ngài Vasumitra xuất hiện ở đầu thế kỷ thứ II, người nước Gandhàra. Tục truyền ngài trước thuật hai bộ luận “Dị Bộ Tôn Luân Luận” (1 quyển) do ngài Huyền Trang dịch, và “Tôn Bà Tu Mật Bồ Tát Sở Tập Luận” (10 quyển). Giáo nghĩa của hai bộ này thuộc Tiểu thừa Hữu bộ. Nhưng căn cứ vào lý do sau đây thì tư tưởng của ngài là bậc kiêm học cả Tiểu thừa và Đại thừa.

Vì ngài Chân Đề đời Trần bên Trung Quốc dịch bộ “Bộ Chấp Nghị luận”, và ngài Huyền Trang đời Đường dịch bộ “Dị Bộ Tôn Luân Luận”, đều tôn xưng danh hiệu ngài là “Thiên Hữu Đại Bồ-tát” và “Thế Hữu Đại Bồ-tát”, như vậy tỏ ra ngài không phải là học giả thuần túy của Tiểu thừa mà kiêm cả tư tưởng Đại thừa.

---o0o---

IV. NGÀI ASVAGHOSA (MÃ MINH BỒ-TÁT)


Asvaghosa, về niên đại xuất thế của ngài có nhiều thuyết khác nhau, khó thể mà xác định được rõ ràng. Như những thuyết ngài xuất thế vào khoảng Phật diệt độ sau 300 năm, sau 400 năm, hoặc 600 năm. Căn cứ vào Luận Thích Ma Ha Diễn(1), thì từ khi Đức Phật còn tại thế cho tới lúc Ngài nhập diệt sau 800 năm, trong khoảng thời gian đó có tất cả sáu ngài Mã Minh ra đời.

Tác giả của Luận Đại Thừa Khởi Tín, căn cứ vào nội dung tư tưởng của bộ luận này, thì tư tưởng của tác giả là thuần túy Đại thừa.

Vì lẽ đó nên ngài Asvaghosa có thể có từ hai người trở lên, một người là tác giả của tư tưởng Tiểu thừa, một người là tác giả của Đại Thừa Khởi Tín luận. Theo cuốn “Ấn Độ Phật Giáo Sử” của tác giả Shoma Gyokei cũng chép: “Ngài Mã Minh luận chủ Luận Khởi Tín là tác giả tư tưởng thuần Đại thừa thì xuất hiện ở thời đại sau, riêng về ngài Mã Minh kiêm học cả Tiểu thừa và Đại thừa thì xuất thế ở khoảng thời đại giữa tuổi vãn niên của vua Kaniska, cho tới khoảng ngài Long Thọ xuất thế, tức là ở khoảng 700 năm sau khi Phật diệt độ, hậu bán thế kỷ thứ II Tây lịch”.

Ngài Asvaghosa thuộc giòng dõi Bà-la-môn, người thành Sakera (Sa Kỳ Đa) thuộc Trung Ấn. Ngài học rộng, tài cao, biện tài vô ngại, lại thông hiểu cả Hán học, có tài làm ca phú. Lúc đầu ngài tin theo ngoại đạo, khi tới nước Magàdha (Ma Kiệt Đà), biện luận hầu hết với các nhà học giả Phật giáo tại đó, ngài đều chiếm phần ưu thế, nhưng sau biện luận với ngài Pùrnayasas (Phú Na Dạ Sa) bị thua, nên ngài quy y Phật giáo và tôn ngài Pùrnayasas làm thầy. (Hoặc biện luận cùng với ngài Hiếp Tôn Giả bị thua, xin phục tùng làm đệ tử).

Sau ngài đi du lịch các địa phương như Trung Ấn, Bắc Ấn, đem sức biện tài trác tuyệt để tuyên dương Phật giáo. Và ngài đem lời văn hùng tráng để tán dương công đức quảng đại vô biên của Đức Phật, sau được ghi chép thành một bộ gọi là “Phật Sở Hạnh Tán”. Hơn nữa, ngài còn đem sức hùng biện triết phục Số luận, để tuyên dương chánh giáo. Thanh danh của ngài vang dội khắp Ấn Độ lúc đương thời. Hoặc có thuyết nói, khi vua Kaniska tới đánh thành Pàtaliputra (Hoa Thị Thành), vua yêu cầu phải nộp vàng chín ức, chủ thành Pàtaliputra không đủ vàng để nộp, nên phải đem Mã Minh dâng để thay thế cho một bộ phận vàng. Khi vua Kaniska được ngài Mã Minh, liền rước về Bắc Ấn để hoằng dương Đại thừa Phật giáo. Tương truyền trong thời kỳ kết tập kinh điển lần thứ IV, ngài Mã Minh cũng có tham gia, đảm đương công việc nhuận sắc văn chương.

Phần trước tác, tương truyền ngài soạn thuật tới hơn 100 bộ kinh luận, nhưng hiện nay trong Đại tạng chữ Hán chỉ còn lưu truyền các bộ như sau:

1. “Phật Sở Hạnh Tán” (Buddhakaritakàvya) 5 quyển, (Đàm Vô Sấm (Dharmaraksa) dịch).

2. “Đại Trang Nghiêm Luận Kinh” (Mahàlankàra-sùtrasàstra) 15 quyển, (ngài La Thập (Kumàrajiva) dịch).

3. “Thập Bất Thiện Nghiệp Đạo Kinh” 1 quyển, (Nhật Xứng (Sùryayasa) dịch).

4. “Lục Thú Luân Hồi Kinh” 1 quyển, (Nhật Xứng dịch).

5. “Sự Sự Pháp Ngũ Thập Tụng” 1 quyển, (Nhật Xứng dịch).

6. “Ni Kiền Tử Vấn Vô Ngã Nghĩa Kinh” 1 quyển, (Nhật Xứng dịch).

7. “Đại Tôn Địa Huyền Văn Bản Luận” (Mahàyànabhùmiguhyavàcàmùla sutrà) 20 quyển, (Chân Đế (Paramàrtha) dịch).

8. “Đại Thừa Khởi Tín Luận” (Mahàyàna sraddhotpàda sùtra) 1 quyển, (ngài Chân Đế dịch đời Hậu Đường, ngài Thực Xoa Nan Đà (Siksànanda) lại dịch 2 quyển gọi là tân dịch).

“Phật Sở Hành Tán” là những bài tụng để tán dương công đức của Đức Phật. “Đại Trang Nghiêm Luận Kinh” là những lời biện luận để phá ngoại đạo, Thắng luận và Số luận. “Thập Bất Thiện Nghiệp Kinh” là những lời khuyên để tránh thập ác là nhân của địa ngục. “Lục Thú Luân Hồi Kinh” bàn rõ cái nhân luân hồi trong sáu ngả, “Ni Kiền Tử Vấn Vô Ngã Nghĩa Kinh” thì mượn lời hỏi của Ni Kiền Tử để giải nghĩa Đại thừa, nói cái lý tâm tính bản tịnh, chư pháp vô ngã, nhất thiết giai không, tuy là một đoản văn, nhưng là một trước tác trọng yếu về giáo lý. “Huyền Văn Bản Luận” thì giải rõ về vị thứ tu hành của Bồ-tát. “Đại Thừa Khởi Tín Luận” bàn rõ lý chân như duyên khởi.

Căn cứ vào nội dung giáo nghĩa của các bộ kể trên thì giáo nghĩa của Luận Khởi Tín thuộc giáo lý thuần túy Đại thừa, còn các bộ khác hoặc thuộc giáo nghĩa thuần Tiểu thừa, hoặc thuộc giáo nghĩa kiêm cả Tiểu thừa và Đại thừa. Vì vậy, Kỳono Tetsu, tác giả cuốn Ấn Độ Phật Giáo Sử Cương (trang 179), đã kết luận: “Ngài Mã Minh thuộc tư tưởng Tiểu thừa thì xuất hiện ở khoảng trước hoặc sau thế kỷ thứ I, còn ngài Mã Minh thuộc tư tưởng Đại thừa thì hoàn toàn là người xuất hiện ở thế kỷ sau”. Như vậy tác giả cuốn sử kể trên nhận có hai ngài Mã Minh ra đời. Nhưng suy luận theo tác phẩm thì có thể chỉ là một ngài Mã Minh, vì lúc đầu ngài tin theo Tiểu thừa, nên trước tác của ngài thuộc Tiểu thừa giáo, sau ngài chuyển hướng theo Đại thừa nên trước tác của ngài cũng là tư tưởng Đại thừa. Tức là, ngài là bậc kiêm học cả Tiểu thừa và Đại thừa.

---o0o---

V.GIÁO NGHĨA CỦA NGÀI MÃ MINH  (ASVAGHOSA)


1. LỜI TIỂU DẪN. - Căn cứ vào bài tựa quy kính của bộ “Đại Trang Nghiêm Luận Kinh” của Mã Minh có chép: “Phú Na, Hiếp Tỷ-khưu, Di Chức chư luận sư, Tát Bà Thất Bà chúng, Ngưu vương chính đạo giả, thị đẳng chư luận sư, ngã đẳng giai kính thuận”. 

Di Chức tức là: dịch âm của chữ Mahìsasaka (Hóa Địa bộ), Tát Bà Thất Bà là dịch âm của chữ Sarvàstivàda (Nhất Thiết Hữu bộ), Ngưu vương có thể cũng là dịch âm của chữ Kaukkutika (Kê Dận bộ). Nghĩa là ngài Phú Na, ngài Hiếp Tôn Giả và tất cả các giáo nghĩa của các bộ, ngài đều cung kính tùy thuận hết thảy. Đó chính là thái độ khoan dung của ngài, cốt để thám cầu chỗ sở trường và bỏ chỗ sở đoản.

Ngài là một nhà kiêm học cả Tiểu thừa và Đại thừa, nên về tư tưởng của ngài có thể như là chiếc cầu bắc ngang giữa hai luồng tư tưởng đó.

2. CHƯ PHÁP THỰC TƯỚNG. - Để thuyết minh về chư pháp, nên ngài Mã Minh lập ra “Thế tục đế” và “Thắng nghĩa đế”. Thành lập Thế tục đế (Samvrti Satya) để quan sát về hiện tượng luận; thành lập Thắng nghĩa đế (Parà-martha Satya) để quan sát về bản thể luận. Nghĩa là nương vào Thế tục đế để quan sát chư pháp, thì có sự khu biệt giữa mình và người, giữa nghiệp báo thiện và ác, giữa gia đình và xã hội, tóm lại, tức là có sự sai biệt về thế gian, xuất thế gian, hữu vi và vô vi. Nếu nương vào Thắng nghĩa đế để quan sát thực tướng của chư pháp thì không có sự thiên giải, phân biệt, tương đối như trên. Nhưng chúng sinh vì không biết được thực tướng của chư pháp, nương vào Thế tục đế để quan sát chư pháp, nên cứ chấp trước vào kiến giải sai biệt, hư vọng không thực, tương đối tồn tại, sinh ra mọi phiền não, tạo ra mọi nghiệp, chịu mọi khổ não, sinh diệt quả báo thiện ác: Nếu chúng sinh biết nương vào Thắng nghĩa đế để quan sát, thì lìa được quả báo thiện ác, cùng khổ não kiến giải sai biệt, xa được mọi hư vọng, không còn sinh tử, an trụ vào cảnh giới tịch tĩnh tuyệt đối.

“Chư pháp thực tướng” có ý nghĩa là siêu việt về nhận thức sai biệt, lìa mọi quan niệm tương đối, vượt ra ngoài vòng hữu vô, thuộc cảnh giới “Nhất thiết giai không”. Ở cảnh giới này tức là chơn như, bản lai tự tánh thanh tịnh, chân thực không hư, cho nên lại gọi là “Chơn như tự tính” và ở cảnh giới này thì đoạn tuyệt mọi lý luận, duy có chân trí vô lậu, cho nên lại có tên là “Bồ-đề tâm tướng” (theo kinh Ni Kiền Tử).

3. VẠN HỮU DUYÊN KHỞI. - Thuyết “Vạn hữu duyên khởi” của ngài Mã Minh cũng tương tự như thuyết “Nghiệp cảm duyên khởi” của Tiểu thừa. Nghĩa là loài hữu tình vì nương vào Thế tục đế, cho nên dấy ra nhiều sự sai biệt tự và tha, tự mình mắc vào vòng mê kiến, sinh ra nghi hoặc, tăng trưởng mọi phiền não, gây ra nghiệp thiện, ác, chịu quả khổ sinh tử luân hồi trong sáu ngả. Nhưng nếu nương vào Thắng nghĩa đế để quan sát thể tướng, biết chúng sinh và khí thế gian đều như mộng huyễn, biết được tác nghiệp và thọ nghiệp đều là do cái “TA”, hiểu được con người đều là vì phiền não trói buộc, gây ra kế chấp, tạo ra nghiệp thiện ác quả báo, cũng ví như từ hạt giống mà sinh ra mầm cây, hạt giống và mầm cây tuy không phải là một, nhưng vì từ hạt giống mới có mầm cây. Và cũng ví như người mẹ và đứa con thơ, tuy không phải là một, nhưng người mẹ uống thuốc thì khỏi được bệnh của đứa con (theo đại ý “Đại Trang Nghiêm Luận Kinh”). Vậy nên, nếu chúng sinh biết lìa bỏ Thế tục đế, quay về Thắng nghĩa đế, đem trí Bát-nhã để quán chiếu vào thực tướng của chư pháp, thì sẽ trừ được mọi hoặc nghiệp, thoát được sinh tử.

4. THUYẾT VẠN PHÁP DUY NHẤT TÂM. - Căn cứ vào giáo nghĩa Luận “Đại Thừa Khởi Tín”, thì giáo nghĩa căn bản của ngài Mã Minh là “Vạn pháp duy nhất tâm”. Nghĩa là hết thảy mọi pháp của vật và tâm, hữu vi và vô vi, thế gian và xuất thế gian, đều duy ở nhất tâm, và cho cả đến toàn vũ trụ pháp giới cũng quy vào duy nhất tâm, ngoài nhất tâm ra, không còn nhận một sự vật nào tồn tại, tức là thuyết “Vạn pháp duy nhất tâm”. Thuyết nhất tâm này không phải là cái tâm vật tâm tương đối, mà nó tổng quát hết thảy vật và tâm, hết thảy vạn pháp hữu hình và vô hình. Vì vậy nên có thể gọi “Nhất tâm” này là “Vạn hữu tổng cai tâm”. Phật tâm và chúng sinh tâm tên tuy khác nhau, nhưng cũng chỉ là tên riêng của nhất tâm.

Vì chúng sinh bị vọng kiến phân biệt che đậy, nên không biết được cái tuyệt đối của nhất tâm đó. Ngài vì mục đích chuyển mê khai ngộ cho chúng sinh, nên ngài nói rằng, cái nhất tâm nó vẫn đầy đủ ở chúng sinh tâm, bản tính của chúng sinh tâm vẫn đầy đủ cái pháp thể của Ma ha diễn (Đại thừa). Luận Đại Thừa Khởi Tín chép: “Sở ngôn pháp giả vị chúng sinh tâm, thị tâm tắc nhiếp nhất thiết thế gian, xuất thế gian, y ư thử tâm, hiển thị Ma Ha diễn. Nói về pháp thế gian, xuất thế gian, nương vào tâm này mà hiển thị được nghĩa Ma Ha diễn (Đại thừa).

Nói về tâm chúng sinh, nếu đứng ở phương diện bản thể luận mà quan sát thì cái tâm đó là tổng thể của vũ trụ, vì nó vẫn đủ bản thể chân như, không sinh không diệt, không tăng không giảm; đứng về hiện tượng luận mà quan sát, thì cái tâm đó sai biệt vô thường, biến hóa sinh diệt. Luận Đại Thừa Khởi Tín chép: “Y nhất tâm pháp, hữu nhị chủng môn. Vân hà vi nhị, nhất giả tâm chơn như môn, nhị giả tâm sinh diệt môn, thị nhị chủng môn, giai các tổng nhiếp nhất thiết pháp. Thử nghĩa vân hà, dĩ thị nhị môn bất tương ly cố”. Nghĩa là nương ở nhất tâm pháp, nên có hai phần. Những gì là hai ? - Một là tâm chơn như môn, hai là tâm sinh diệt môn. Hai thứ tâm này đều tổng quát hết thảy mọi pháp. Nghĩa đó ra sao ? Vì hai môn đó không rời nhau.

Vì nhất tâm là chúng sinh tâm, nên căn cứ vào bản tính và đức dụng của nó tức là THỰC TÍNH của chơn như bình đẳng. TÍNH NĂNG của nó bao hàm vô lượng công đức. ĐỨC DỤNG của nó hay sinh ra mọi pháp thế gian, xuất thế gian, hữu lậu và vô lậu. Vậy nên thực tính đó tức là THỂ ĐẠI của nhất tâm, tính năng đó tức là TƯỚNG ĐẠI, và đức dụng đó là DỤNG ĐẠI của nhất tâm, nên gọi là TAM ĐẠI. ĐẠI có nghĩa là rộng lớn vô biên. như trên đã thuật “Nhất tâm”, “Nhị môn”, “Tam đại”, đó là thuyết “Vạn hữu duy nhất tâm” của ngài Mã Minh đã nói trong bộ Đại Thừa Khởi Tín.

Tóm tắt nghĩa trên như sau:

Chân như môn         Bản thể quan

Sinh diệt môn   Hiện tượng quan

Thể đại Thực tính

Tướng đại        Tính năng

Dụng đại          Đức dụng

5. PHƯƠNG PHÁP THỰC TIỄN TU HÀNH. - Về phương pháp thực tiễn tu hành của ngài Mã Minh là “Tam học” và “Lục độ”, nhưng trong đó lấy trí tuệ làm nền tảng then chốt. Tức là đem trí tuệ để đả phá mọi mê vọng, đạt tới chân như bản lai thanh tịnh.

---o0o---




tải về 0.87 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   20




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương