LƯỢc sử phật giáO ẤN ĐỘ Sa môn Thích Thanh Kiểm thpg tp. Hồ Chí Minh, tp. Hcm, 1989 o0o Nguồn


CHƯƠNG THỨ HAI. GIÁO ĐOÀN PHÂN PHÁI



tải về 0.87 Mb.
trang7/20
Chuyển đổi dữ liệu19.04.2018
Kích0.87 Mb.
#36957
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   20

CHƯƠNG THỨ HAI. GIÁO ĐOÀN PHÂN PHÁI

I. SỰ ĐỐI LẬP CĂN BẢN CỦA HAI BỘ


Mối phân liệt căn bản của Giáo đoàn Phật giáo là do sự đối lập của Thượng Tọa bộ và Đại Chúng bộ, rồi từ hai bộ này đã chia thành nhiều mạt phái, gồm có 20 bộ, đó là sự phân phái của Tiểu thừa.

Niên đại của sự đối lập căn bản này có nhiều thuyết khác nhau, nhưng tài liệu căn cứ rõ ràng hơn, là ở thời kỳ kết tập kinh điển lần thứ II tại Phệ Xá Ly thành, khoảng Đức Thích Tôn diệt độ sau 100 năm.

Về nguyên nhân đối lập là do việc nghị luận mười điều phi pháp hay hợp pháp, ở thời kết tập lần thứ II, và năm nghĩa mới của Đại Thiên (Mahadeva, Ma Ha Đề Bà, Hán dịch là Đại Thiên). Nguyên nhân phân phái, nếu căn cứ vào Nam truyền thì do mười điều phi pháp; căn cứ vào Bắc truyền thì do Tân thuyết của Đại Thiên.

Vì nguyên nhân đối lập, nên Giáo đoàn Phật giáo chia làm hai là Thượng Tọa bộ và Đại Chúng bộ. Hai bộ phái này đều là đại biểu quan trọng cho Tiểu thừa Phật giáo. Các bậc Trưởng lão thuộc khuynh hướng bảo thủ lập thành Thượng Tọa bộ; Đại Chúng bộ thuộc khuynh hướng cách tân, lập thành Đại Chúng bộ. Trong phần tử của hai luồng tư tưởng này, vì không thu dụng lẫn nhau, phát sinh ra nhiều tư tưởng mới, nên lại phân tán thành nhiều phái khác.

Mười điều phi pháp, đã thuật ở kỳ kết tập lần hai, thì quan hệ về một bộ phận của giới luật; trái lại, tân thuyết của Đại Thiên đề xướng thì quan hệ về phương diện thành quả. Tóm lại, nguyên nhân phân phái về Giáo hội là do mười điều phi pháp; nguyên nhân phân liệt về giáo lý là giáo nghĩa tân thuyết của Đại Thiên.

Niên đại về nguyên nhân đối lập của Giáo hội thì ở thời kỳ Đức Thích Tôn diệt độ khoảng sau 100 năm; nhưng niên đại đối lập về giáo lý không được rõ ràng. Vì niên đại xuất thế của ngài Đại Thiên có nhiều thuyết khác nhau: khoảng Đức Thích Tôn diệt độ sau hơn 100 năm, sau 116 năm và sau hơn 200 năm. Căn cứ vào sử liệu, thì niên đại xuất thế  của ngài Đại Thiên cùng với niên đại xuất thế của A Dục Vương, nghĩa là vào khoảng hơn 200 năm, sau khi Đức Thích Tôn nhập diệt.

Phần lịch sử của ngài Đại Thiên cũng không biết được rõ ràng. Nhưng căn cứ vào Luận Đại Tỳ Bà Sa, thấy chép đại khái: “Trước kia ở nước Ma Thâu La (Mathura) thuộc Trung Ấn Độ, có người con của thuyền chủ tên là Đại Thiên (Mahadeva), tới tuổi trưởng thành, đi xuất gia tu đạo, bẩm tính thông minh, tinh thông Tam tạng, chứng được quả A-la-hán, trong chúng trên dưới, hết đều tôn kính. Nhưng có một hôm, hội họp Bố-tát tại chùa Kê Viên (Kukhutarama), Đại Thiên liền đối trước chúng, nói một bài kệ, gồm có năm việc, và tới trước Đại chúng nói rằng: “Khi Phật còn tại thế, chư Thiên và Tứ chúng nói ra, đều phải được Phật ấn chứng, mới gọi là Kinh, nay Phật đã diệt độ, nếu trong Đại chúng, có người thông minh, có tài thuyết pháp, cũng có thể trước tác được “Kinh điển”.

Vì lý do trên, nên trong Đại chúng, hết thảy đều kinh ngạc, đem việc đó ra tranh luận và cho lời của Đại Thiên nói là vọng thuyết. A Dục Vương thấy vậy, liền sai sứ thần tới làm trung gian hòa hợp, nhưng đôi bên đều không nghe. Đại chúng phần đông công nhận về tân thuyết của ngài Đại Thiên, lập thành Đại Chúng bộ, thiểu số theo về Kỳ túc Thượng tọa lập thành Thượng Tọa bộ. Nên Giáo đoàn Phật giáo phân liệt làm hai. Thượng Tọa bộ giữ khuynh hướng bảo thủ, lấy nước Ca Thấp Di La (Kasmira) thuộc Bắc Ấn Độ, làm địa điểm trung tâm truyền đạo; Đại Chúng bộ tin theo thuyết mới của Đại Thiên, có khuynh hướng tiến bộ, lấy vùng Trung Ấn Độ làm địa điểm trung tâm truyền đạo.

Về năm tân thuyết của Đại Thiên, Nam truyền và Bắc truyền giải thích có đôi chút khác nhau. Nay căn cứ vào bộ “Dị Bộ Tôn Luân Luận” giải thích bài kệ của ngài Đại Thiên đã nói: “Dư sở dụ vô tri; do dự tha linh nhập; đạo nhân thanh cố khởi, thị danh chân Phật giáo”, đại lược như sau:

1. Dư sở dụ. - Tới bậc A-la-hán thì đoạn diệt hết mọi phiền não, nhưng vì còn có nhục thân, nên vấn đề sinh lý không phải là đã hết hẳn, trong khi thụy miên, bị ác ma dụ hoặc, cũng vẫn có lậu thất.

2. Vô tri. - Dù A-la-hán đã đoạn diệt được vô minh, nhưng không phải là đã biết hết tất cả. A-la-hán thì thấu suốt được mọi phiền não chướng ngại và lý tưởng giải thoát, nhưng đối với công việc thông thường của thế tục, cũng có nhiều trường hợp không biết hết.

3. Do dự. - Tới bậc A-la-hán thì không sinh ra nghi hoặc (do dự) về sự tu hành giải thoát, nhưng có sinh ra nghi hoặc với công việc thường xuyên của thế tục, là làm thế nào là hợp lý, thế nào là không hợp lý.

4. Tha linh nhập. - Bậc A-la-hán cần phải có Phật hay bậc Sư trưởng chỉ bảo, rồi mới biết là mình đã chứng ngộ.

5. Đạo nhân thanh cố khởi. - (Đạo nương vào âm thanh mà sinh). Do tâm cảm thấy khổ, thốt ra tiếng khổ thay! Nên cảm thống thiết thấy cuộc đời là khổ, vô thường, vô ngã, do thế mà đạt được Phật đạo. Đại Thiên cho năm thuyết này là hợp với Phật giáo.

Y vào năm thuyết kể trên, ta nhận thấy về lý tưởng của A-la-hán thuộc cảnh giới Tiểu thừa, hãy còn khuyết điểm, nên đã nẩy nở ra tư tưởng đó, để chỉ trích về lý tưởng của A-la-hán, và cũng là manh nha cho tư tưởng Đại thừa.

Tóm lại, sự đối lập căn bản của hai bộ khởi nguyên cho sự phân liệt của Giáo đoàn Phật giáo là ở hai thời kỳ: thời kỳ kết tập kinh điển lần thứ hai tại Phệ Xá Ly thành; Đức Thích Tôn diệt độ khoảng sau 100 năm là thời kỳ đối lập về Giáo hội; thời kỳ Đức Thích Tôn diệt độ khoảng sau hơn 200 năm, do sự phân tranh nghi luận về năm tân thuyết của Đại Thiên, là thời kỳ đối lập về giáo lý của Phật giáo.

---o0o---

II. SỰ PHÂN LIỆT VỀ MẠT PHÁI CỦA HAI BỘ


Y vào mười điều phi pháp ở thời kỳ kết tập lần thứ hai, nên sinh ra sự đối lập về Giáo hội; nương vào năm tân thuyết của Đại Thiên, nên sinh ra sự đối lập về giáo lý. Giáo đoàn Phật giáo vì mối phân liệt ngày một triển khai, khuynh hướng tự do ngày một nẩy nở, tân tư tưởng bột hưng, nên lại sinh ra nhiều dị nghĩa, dị thuyết, phân môn rẽ phái ngày một nhiều, đều bắt nguồn từ hai phái căn bản là Thượng Tọa bộ và Đại Chúng bộ.

Về niên đại phân liệt của mỗi bộ phái, theo Nam truyền, thì từ khoảng Phật diệt độ sau 100 năm đến hơn 200 năm. Theo Bắc truyền, thì ở khoảng Đức Thích Tôn diệt độ sau 100 năm tới 200 năm, có sự phân liệt về mạt phái của Đại Chúng bộ; từ lúc Đức Thích Tôn diệt độ khoảng sau 200 năm tới 300 năm, có sự phân liệt về mạt phái của Thượng Tọa bộ. Số mục của các bộ phái, theo Nam truyền gồm có 24 bộ, theo Bắc truyền, có hai thuyết, 18 bộ hoặc 20 bộ. Tên gọi của các bộ, có sự sai khác nhau giữa Nam truyền và Bắc truyền, nhưng căn cứ vào bộ “Dị Bộ Tôn Luân Luận” thì các phái gồm cả bản mạt có 20 bộ.

Sự phân liệt của mạt phái, trước hết bắt nguồn từ nội bộ của Đại chúng. Vì bộ này rất phong phú, tư tưởng tự do, nên lần thứ nhất phát sinh ra ba bộ: Nhất Thuyết, Xuất Thế, Kê Dận; lần thứ hai phát sinh ra Đa Văn bộ; lần thứ ba phát sinh ra Thuyết Giả bộ; lần thứ tư lại phát sinh ra ba bộ: Chế Đa Sơn, Tây Sơn trụ, Bắc Sơn trụ, gồm cả bản mạt là chín bộ, thời gian phân liệt trong vòng 100 năm, kể từ khoảng sau khi Phật diệt độ 100 năm tới 200 năm.

Về mặt khác, Thượng Tọa bộ sau khi thoái ẩn về nước Ca Thấp Di La, giữ khuynh hướng bảo thủ, quý trọng lối truyền thừa, tôn trọng sự hòa hợp. Nhưng vì chịu ảnh hưởng phân liệt của Đại Chúng bộ, nên khuynh hướng bảo thủ truyền thừa cũng bị thay đổi, nên từ khoảng Đức Thích Tôn diệt độ sau 200 năm tới 300 năm, trong vòng 100 năm này đã chia thành 11 bộ (mười một bộ). Tức là, hồi thứ nhất phát sinh ra Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ; hồi thứ hai từ Hữu bộ phát sinh ra Độc Tử bộ; hồi thứ ba từ Độc Tử bộ sinh ra bốn bộ: Pháp Thượng bộ, Hiền Trụ bộ, Chính Lượng bộ và Mật Lâm bộ; hồi thứ năm, từ Hóa Địa bộ phát sinh ra Pháp Tạng bộ; hồi thứ sáu cũng lại từ Hữu bộ phát sinh ra Ẩm Quang bộ; hồi thứ bảy cũng lại từ Hữu bộ phát sinh ra Kinh Lượng bộ. Căn bản Thượng Tọa bộ, sau khi phân ra Hữu bộ, thế lực bị suy kém, phải nhường căn cứ địa truyền đạo là nước Ca Thấp Di La cho Hữu bộ, rồi về ẩn dật ở núi Tuyết Sơn, nên lại có tên là Tuyết sơn bộ. Về hệ thống phân phái, căn cứ vào bộ “Dị Bộ Tôn Luân Luận” theo như biểu đồ sau:

1. Đại Chúng bộ (Mahàsamghikàh)

2. Nhất Thuyết bộ (Ekavyavahàrikàh)

3. Thuyết Xuất Thế bộ (Lokottaravàdinàh)

4. Kê Dận bộ (Kaukkutikàh)

5. Đa Văn bộ (Bàhusrutìyàh)

6. Thuyết Giả bộ (Prajnàptivàdinàh)

7. Chế Đa Sơn bộ (Caityasailàh)

8. Tây Sơn Trụ bộ (Aparasailàh)

9. Bắc Sơn Trụ bộ (Uttarasailàh)

---o0o---

1. Thượng Tọa bộ (Sthaviràh, sau là Tuyết Sơn bộ (Haima-vàtàh)

2. Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ (Saivàstivàdàh), còn gọi là Thuyết Nhân bộ (Hetuvàdàh)

3. Độc Tử bộ (Vàtsìputriyàh)

4. Pháp Thượng bộ (Dharmottariyàh)

5. Hiền Trụ bộ (Dhadrayàniyàh)

6. Chính Lượng bộ (Sammitìyàh)

7. Mật Lâm Sơn bộ (Sandagirikàh)

8. Hóa Địa bộ (Mahìsàsakàh)

9. Pháp Tạng bộ (Dharmaguptakàh)

10. Ẩm Quang bộ (Kàsyapìyàh), còn gọi là Thiện Tuế bộ (Suvarsakàh)

11. Kinh Lượng bộ (Sautràntikàh), còn gọi là Thuyết Chuyển bộ (Samkràntivàdàh) 

Các phái như trên được phân chia đều vì tư tưởng đối lập, vì nhân duyên bất hòa, nên đã bị chia ra. Các nhân duyên đó đại lược như sau:

1. ĐẠI CHÚNG BỘ. - Trước hết, từ Đại Chúng bộ phát sinh ra ba bộ: “Nhất Thuyết bộ, Thuyết Xuất Thế bộ và Kê Dận bộ”. Nguyên vì Đại Chúng bộ, trong khi lưu trụ tại nước Ương Quật Đa La (Angottara) thuộc phương Bắc thành Vương Xá, đề xướng ra vấn đề nghiên cứu giáo nghĩa của các kinh điển Đại thừa như: Hoa Nghiêm, Niết Bàn, Thắng Man, Duy Ma v.v... Nhưng trong Đại chúng có phe thuận và không thuận, nên phân ra hai bộ Nhất Thuyết và Thuyết Xuất Thế.

Kê Dận bộ. - Bộ này chủ trương Kinh tạng và Luật tạng là giáo pháp phương tiện giả thiết của Đức Thích Tôn, duy có Luận tạng là giáo lý chân thật, vì Luận tạng được giải thích nghĩa lý tinh vi rõ ràng, vì thế nên lập thành bộ riêng.

Đa Văn bộ. - Khi Đức Thích Tôn còn tại thế, có vị A-la-hán tên Từ Bi Y (Yàjnavalkya), trước khi Đức Thích Tôn diệt độ, vào nhập định ở trong núi Tuyết Sơn, sau khi Đức Thích Tôn diệt độ khoảng 200 năm, từ thiền định ra khỏi núi Tuyết Sơn, đi tới nước Ương Quật Đa La, chủ trương nghĩa thiển thám của ba tạng. Nghĩa là Đại Chúng bộ, mới chỉ hoằng truyền nghĩa nông cạn của ba tạng, chưa hoằng về nghĩa thâm thúy của ba tạng, vì thế nên biệt lập thành một bộ để nghiên cứu nghĩa thâm thúy của Tam tạng.

Thuyết Giả bộ. - Do ngài Đại Ca Chiên Diên (Mahakatyayana) thuộc nước Ma Ha Lạt Đà (Mahàrattha) sáng lập. Bộ phái này chủ trương nghĩa chân thuyết, giả thuyết, chân đế, tục đế, nhân và quả của Phật đã nói trong ba tạng. Bộ này còn chủ trương lối giải thích kinh điển cần phải hợp lý, và tùy nghi lựa chọn thủ xả.

Chế Đa Sơn bộ, Tây Sơn Trụ bộ và Bắc Sơn Trụ bộ. - Như trên đã kể, vì tranh luận về năm điều tân thuyết của Đại Thiên, nên Giáo đoàn Phật giáo phân liệt ra Thượng Tọa bộ và Đại Chúng bộ. Nhưng về sau trong nội bộ của Đại Chúng bộ lại đem năm điều tân thuyết ra tranh luận, vì ý kiến bất đồng, có phe tin theo, phe không tin theo nên lại phân liệt thành ba bộ: Chế Đa Sơn bộ, Tây Sơn Trụ bộ và Bắc Sơn Trụ bộ.

2. THƯỢNG TỌA BỘ. - Trước hết là Hữu bộ, từ Thượng Tọa bộ phát sinh ra Hữu bộ. Hữu bộ chủ trương lấy Luận tạng làm bản vị, đối lập với Thượng Tọa bộ lấy Kinh tạng làm bản vị, không thiên trọng về Luật tạng và Luận tạng. Vì Thượng Tọa bộ cho rằng, Luật vì y vào người, nên có sự bất định về nghĩa khai (khoan dung), giá (nghiêm cấm), luận để giải thích về Kinh tạng, nhưng thường thường đi xa với nghĩa căn bản của nó, nên lấy Kinh tạng làm tiêu chuẩn. Sau khi Đức Thích Tôn diệt độ khoảng 300 năm, có ngài Ca Chiên Diên Tử (Katyayaniputra) ra đời, tuy cũng có hoằng truyền cả về Kinh tạng và Luật tạng, nhưng thiên trọng Luận tạng, lập ra Hữu bộ, lấy Luận tạng làm bản vị.

Độc Tử bộ còn gọi là Trụ Tử bộ. - Bộ này cũng lấy Luận tạng làm bản vị, nhưng sở y về Luận tạng khác với Hữu bộ. Ngài Độc Tử (Vàtsíputra) là đệ tử ngài La Hỗ La, ngài La Hỗ La là đệ tử ngài Xá Lợi Phất, căn cứ về nghĩa luận cũng khác với nội dung của bộ Luận A Tỳ Đàm do ngài Xá Lợi Phất đã nói. Vì thế nên ngài Độc Tử biệt lập thành một bộ gọi là Độc Tử bộ.

Pháp Thượng bộ, Hiền Trụ bộ, Chính Lượng bộ, Mật Lâm Sơn bộ. - Bốn bộ này cũng lấy Luận tạng làm bản vị, được phân xuất từ Độc Tử bộ. Nguyên vì trong khi giải thích về A Tỳ Đàm luận của ngài Xá Lợi Phất, tới chỗ nào không được minh bạch, liền đem ý nghĩa của kinh thêm vào, nhưng có nhiều ý kiến bất đồng, nên chia ra làm bốn bộ này:

Hóa Địa bộ. - Bộ này cũng từ Hữu bộ mà biệt lập, sau khi Phật diệt độ 300 năm. Ngài Hóa Địa xuất thân từ giòng họ Bà-la-môn, thông đạt mọi giáo nghĩa của kinh điển Phệ Đà. Sau đi xuất gia, chứng được quả A-la-hán, trong khi giảng đọc kinh điển, nếu chỗ nào còn thiếu sót, lại đem lời văn của kinh điển Phệ Đà và văn điển Phạn ngữ để tu sức, như là lời Phật nói. Sau khi ngài Hóa Địa mất, đệ tử của ngài lập thành một bộ riêng, lấy tên là Hóa Địa bộ.

Pháp Tạng bộ. - Bộ này từ Hóa Địa bộ phát sinh. Nguyên vì Pháp Tạng (Dharmagupta), đệ tử ngài Mục Kiền Liên, thường thường đi theo thầy và ký ức tất cả những điều gì thầy đã nói. Sau khi thầy mất, ngài đem chia kinh điển làm năm tạng: Kinh tạng, Luật tạng, Luận tạng, Chú tạng và Bồ tát tạng, vì thế nên biệt lập thành một bộ.

Ẩm Quang bộ. - Ngài Ẩm Quang (Kàsyapa) đã chứng quả A-la-hán, trong khi thuyết pháp, đem lời Phật đã nói, chia làm hai bộ phận. Một bộ phận để đả phá thuyết ngoại đạo, một bộ phận để đối trị phiền não cho chúng sinh, chủ trương thuyết “Phá tà hiển chánh”. Vì nhân duyên đó, nên biệt lập thành một bộ riêng.

Kinh Lượng bộ. - Mục đích của bộ này là phục cổ, để tái lập cái lập trường bản lai của Thượng Tọa bộ. Nghĩa là không y vào Luật tạng và Luận tạng, chỉ y vào Kinh tạng làm tiêu chuẩn. 

---o0o---



tải về 0.87 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   20




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương