LƯỢc sử phật giáO ẤN ĐỘ Sa môn Thích Thanh Kiểm thpg tp. Hồ Chí Minh, tp. Hcm, 1989 o0o Nguồn


CHƯƠNG THỨ BA. GIÁO NGHĨA CỦA CÁC BỘ PHÁI



tải về 0.87 Mb.
trang8/20
Chuyển đổi dữ liệu19.04.2018
Kích0.87 Mb.
#36957
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   20

CHƯƠNG THỨ BA. GIÁO NGHĨA CỦA CÁC BỘ PHÁI

I. GIÁO NGHĨA CỦA THƯỢNG TỌA VÀ HỮU BỘ


1. LỜI BÀN TỔNG QUÁT.

- Về giáo nghĩa của các bộ phái, trừ Hữu bộ ra, còn đều y vào bộ “Dị Bộ Tôn Luân Luận” của ngài Phiệt Tô Mật Tử La (Vasumitra) trước tác, ở khoảng thế kỷ II, do ngài Huyền Trang dịch; và các bản dịch khác như “Thập Bát Bộ Luận”, ngài La Thập dịch; “Bộ Chấp Dị Luận”, ngài Chân Đế dịch, mà biết được một phần nào giáo nghĩa đại cương.

Về giáo nghĩa của Thượng Tọa bộ, là giáo nghĩa Nguyên thủy Phật giáo, những giáo nghĩa của Hữu bộ thì nương vào sự tiến triển của giáo lý Nguyên thủy Phật giáo và sự biến thiên của nó, vì vậy chỉ nói về giáo nghĩa của Hữu bộ, cũng có thể suy biết được giáo lý của Thượng Tọa bộ.

Về nguyên nhân từ Thượng Tọa bộ phát sinh ra Hữu bộ như ở chương thứ hai đã thuật, ở thời kỳ Đức Thích Tôn diệt độ sau 300 năm, có ngài Ca Đa Diễn Ni Tử (Ca Chiên Diên Tử), chủ trương lấy Luận tạng làm bản vị, để đối lập với Thượng Tọa bộ lấy Kinh tạng làm bản vị. Ngài Ca Đa Diễn Ni Tử tự sáng tác ra bộ “A Tỳ Đạt Ma Phát Trí Luận” (Abhidharma Jnànaprasthàna Sàstra, 20 quyển), để làm nền tảng giáo lý của Hữu bộ. Vì thế nên giáo tổ của Hữu bộ là Ca Đa Diễn Ni Tử, giáo lý căn bản của Hữu bộ là “Phát Trí Luận”. Ngoài Phát Trí Luận ra, như “Lục Túc Luận” cũng là các bộ luận sở y của Hữu bộ. Lục Túc Luận: (1) A Tỳ Đạt Ma Tập Dị Môn Túc Luận (Abhidharma Sanjìtiparyàpàdá Sàstra, 20 quyển), tương truyền do ngài Xá Lợi Phất chế tác trong khi Đức Thích Tôn còn tại thế. (2) A Tỳ Đạt Ma Pháp Uẩn Túc Luận (Abhidharma Dharma Skandhapàda Sàstra, 12 quyển), do ngài Mục Kiền Liên sáng tác. (3) A Tỳ Đạt Ma Thi Thiết Túc Luận (Abhidharma Prajnàtipàda Sàstra, 18.000 bài tụng), do ngài Đại Ca Chiên Diên sáng tạo. (4) A Tỳ Đạt Ma Thức Thân Túc Luận (Abhidharma Vijnànakàyapàda Sàstra, 16 quyển), do ngài Đề Bà Thiết Ma (Devasarman, Thiên Tịch) sáng tác, khoảng Phật diệt độ sau 100 năm. (5) A Tỳ Đạt Ma Phẩm Loại Túc Luận (Abhidharma Prakadanapàda Sàstra, 18 quyển). (6) A Tỳ Đạt Ma Giới Thân Túc Luận (Abhidharma Harma Dhàtukàyapàda Sàstra, 3 quyển), hai bộ này ngài Thế Hữu soạn thuật, ở thời kỳ sau khi Phật diệt độ hơn 200 năm (Thế Hữu, cũng cùng tên với ngài Thế Hữu trước tác bộ “Tôn Luân Luận”, nhưng nhân vật khác nhau). Sáu bộ luận kể trên, về phần giáo lý chỉ là một bộ phận của Phát Trí Luận, nên gọi là Lục Túc Luận, còn Phát Trí Luận gọi là Thân Luận, đó là theo ý nghĩa bản và mạt.

Về sau, ở vương triều Ca Nhị Sắc Ca (Kaniska), các bậc học giả của Hữu bộ, lại giải thích giáo nghĩa của “Phát Trí Luận”, biên tập thành một bộ, gọi là “A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa Luận” (Abhidharma Mahàvibhàsà Sàstra, 200 quyển), trong đó thường thường có dẫn chứng nhiều về Lục Túc Luận.

Ngài Ca Đa Diễn Ni Tử là một bậc “thạc học trong Phật giáo, tinh thông Tam tạng, nhưng ngài không thích về chủ trương của Thượng Tọa bộ lấy Kinh tạng làm bản vị, nên ngài lấy Luận tạng làm bản vị. Trong khi tu trì ở chùa Ám Lâm tự (Tamasàvanasaghàràma) nước Cinabhukti (Chi Na Bộc Để), thuộc Bắc Ấn Độ, ngài đã chế tác ra bộ “Phát Trí Luận”, lấy Bắc Ấn Độ làm trung tâm điểm tuyên dương Phật giáo.

Ngài chủ trương lấy Luận tạng làm bản vị, vì hai lý do, một là để đối kháng với tân thuyết của Đại chúng, một là để đả phá hai học phái Thắng Luậnvà Số Luận của ngoại đạo, đang phục hưng lúc đương thời, thường thường hay bài xích Phật giáo. Vì mục đích đó, nên ngài chủ trương môn lý luận của Phật giáo cần phải được tổ chức cho vững chắc, trong khi biện luận, thường lấy nghĩa lý của Thắng Luận và Số Luận để dẫn chứng, nên giáo nghĩa của Hữu bộ, có hình tích ảnh hưởng về Thắng Luận, cũng như giáo nghĩa của Đại Chúng bộ, chịu ảnh hưởng giáo nghĩa Số Luận của ngoại đạo.

2. NGÃ KHÔNG PHÁP HỮU LUẬN. - Giáo nghĩa của Hữu bộ, căn cứ về phương diện triết học, là “Đa nguyên thực tại luận”. Mọi hiện tượng của các pháp, nương vào thời gian thì phải trải qua bốn trạng thái sinh, trụ, dị, diệt, nương vào không gian phải có sự ly, hợp, tập, tán, biến hóa vô thường, sát na sinh diệt, nhưng thể tính của chư pháp, không có sinh diệt biến hóa, vẫn thường tồn tại trong ba đời, giống như làn sóng, có sinh diệt biến hóa, nhưng thể tính của nước hằng hữu, không thay đổi. Thể tính hằng hữu trong ba đời, nghĩa là các tác dụng đang diễn ra gọi là hiện tại, các tác dụng đã qua gọi là quá khứ. Đó là thuyết “Tam thế thực hữu, pháp thể hằng hữu” của Hữu bộ.

Căn cứ về lý tưởng tôn giáo là đoạn hoặc diệt khổ để tới Niết-bàn. Vì do hoặc tạo ra nghiệp, từ nghiệp cảm sinh ra quả khổ, vậy nên đoạn được hoặc tức là diệt được khổ. Nhưng căn bản của hoặc là do chấp trước, nên trước hết phải phá chấp trước, tức là phá ngã chấp. Nhưng ngã chấp vì nương vào các pháp của “Sắc” và “Tâm” mà tồn tại, nên việc phá ngã chấp trước hết phải tu phép quán tưởng, phân tích tất cả các pháp của Sắc và Tâm, biết được mọi pháp đều do nhân duyên hòa hợp, sát na sinh diệt, biến hóa vô thường, đều là vô ngã. Nói tóm lại, điều kiện cốt yếu để đoạn hoặc chứng lý, là phải liễu Ngã là Không. Vì thế nên giáo nghĩa của Hữu bộ gọi là “Ngã Không pháp Hữu”, nói về quán là “Chiết Sắc nhập Không”, gọi tắt là “Chiết Không Quán”.



3. PHÂN LOẠI VẠN HỮU. - Theo Nguyên thủy Phật giáo, thì năm uẩn là những yếu tố để thành lập thế giới, và phân loại thế giới ra “Tam giới”, “Nhị thập ngũ hữu” là nơi y báo của chúng sinh. Nhưng Hữu bộ, vì ảnh hưởng sự phân loại thế giới của Thắng luận phái, nên đem chia vạn hữu thành 5 vị và 75 pháp, lập thành một tổ chức nhất định, đó là điểm đặc biệt về giáo lý của Hữu bộ.

Trước hết, Hữu bộ đem vạn hữu chia ra Hữu vi pháp (Samskarta) và Vô vi pháp (Asamskarta). Hữu vi pháp thì nương vào nhân duyên sinh diệt, biến hóa. Vô vi pháp không nương vào nhân duyên sinh diệt, bản lai thường tồn. Hữu vi pháp, vì nương vào vật và tâm; vật tâm cùng quan hệ, và không phải vật và tâm, nên lại chia thành bốn pháp: Sắc pháp (Rùpa), Tâm pháp (Cita), Tâm sở hữu pháp (Aitta) và Tâm bất tương ứng hành pháp (Cittaviprayuktasamskàra), thành năm vị:

Sắc pháp. - Sắc pháp có mười một thứ: 5 căn (Nhãn, Nhĩ, Tỵ, Thiệt, Thân), 5 cảnh (Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc) và Vô biểu sắc (Avijnapttirùpa). Vô biểu sắc là một lực không hình không dáng, nó huân phát ở trong thân, để đưa nghiệp nhân của hai nghiệp thân và khẩu, cảm sinh ra nghiệp quả ở vị lai. (Vô biểu sắc thì không phải là vật chất, nhưng vì là nơi nương tựa của sắc pháp, nên thuộc trong ngôi sắc pháp).

Tâm pháp. - Tâm pháp nếu đem tế phân là lục thức: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, nhưng đây nói về nhất tâm pháp tức là Tâm vương.

Tâm sở hữu pháp. - Tâm sở hữu pháp gồm có 46 pháp là thọ, tưởng, tư v.v... thường thường theo nhịp với Tâm vương, dấy ra mọi tác dụng, do sự quan hệ giữa Vật và Tâm, nên sinh ra tác dụng của Tâm. Tâm sở nghĩa là Tâm sở hữu của Tâm vương.

Tâm bất tương ưng hành pháp. - Tâm này gồm có 14 pháp: Đắc (tác dụng kế phược), Phi đắc (tác dụng xa lìa, sinh, trụ, dị, diệt v.v... không ăn nhịp với sắc và tâm.

Vô vi pháp. - Vô vi pháp có ba thứ: Trạch diệt, Phi trạch diệt và Hư không. “Trạch diệt” nghĩa là nhờ vào sự tuyển trạch mà được diệt độ, tức là nương vào sức tuyển trạch của trí tuệ, lìa được mọi kết phược phiền não, chứng đặng lý Không tịch tức là Niết-bàn. Nương vào sự đoạn được một hoặc, tức là được một trạch diệt vô vi, đoạn hoặc trạch diệt hai bên cân đối nhau, nên có tên trừu tượng là “Trạch diệt vô vi”. “Phi trạch diệt vô vi” thì bản lai nhất như thanh tịnh, không cần sức lựa chọn của trí tuệ mới hiển ngộ. “Hư không vô vi” là khoảng không gian vô tận, không có sự chướng ngại của mọi pháp, và cũng không bị mọi pháp làm chướng ngại, có tính chất vô ngại. Vì có vô ngại tính, nên sắc pháp được tự do, tự tại sinh diệt ở trong đó.

Biểu tóm tắt vạn hữu, năm vị và bảy mươi lăm pháp như sau:

 (5 vị)         (75 pháp)

1. Sắc pháp 11   Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, sắc, thanh, hương, vị, xúc, vô biểu sắc

2. Tâm pháp 1 Tâm vương (tiếp cả 6 thức)

Đại địa pháp 10: Thọ, tưởng, tư, xúc, dục tuệ, niệm, tác ý, thắng giải, tam ma địa

Đại thiện pháp 10: Tín, cầu, hành xả, tàm, quý, vô tham, vô sân, bất hại, khinh an, không phóng dật

Đại phiền não địa pháp 6: Si, phóng dật, giải đãi, bất tín, hôn trầm, điệu cử

Đại bất thiện pháp 2: Vô tàm, vô quý

Tiểu phiền não địa pháp 10: Phẫn, phú, xan, tật, não, hại, hận, xiểm, cuống, kiêu

Bất định địa pháp 8: Hối, miên, tầm, tứ, tham, sân, mạn, nghi

Đắc, phi đắc, chúng đồng phận, vô tưởng quả, vô tưởng định, diệt tận định, mệnh căn, sinh, trụ, dị, diệt, danh thân, cú thân, văn thân

5. Vô vi pháp 3 Trạch diệt vô vi, Phi trạch diệt vô vi, Hư không vô vi.

4. BA KHOA UẨN, GIỚI, XỨ. - Năm vị và bảy mươi lăm pháp là đứng ở phương diện khách quan để phân loại vũ trụ vạn hữu; ba khoa: Ngũ uẩn, Mười hai xứ, Mười tám giới là đứng ở phương diện chủ quan để phân loại vũ trụ vạn hữu. Phật giáo cho rằng con người chỉ là nương vào sự kết hợp phân tán của ngũ uẩn mà sinh hay diệt, tinh thần của con người cũng hoàn toàn nương vào sự quan hệ kết hợp đó mà sinh ra những tác dụng. Tức là ba phần căn, cảnh, thức làm nhân duyên lẫn cho nhau mà sinh ra mọi tác dụng của tinh thần và sinh ra các pháp.

Ngũ uẩn (Panca skandhàh). - Ngũ uẩn là năm yếu tố: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. “Sắc uẩn” thuộc về sắc pháp trong năm vị; “Thọ”, “Tưởng”, hai uẩn thuộc về tâm sở pháp; “Hành uẩn” trừ thọ, tưởng thuộc về các pháp của tâm sở; còn đều thuộc cả về tâm bất tương ưng hành pháp; “Thức uẩn” thuộc về tâm pháp. Ngũ uẩn chỉ ăn nhịp với hữu vi pháp, không thích hợp với vô vi pháp.

Mười hai xứ (Dvàdasa àyatana). - Xứ là nghĩa định xứ và y xứ, tức là sáu căn và sáu trần là nơi y cứ để sinh khởi ra tâm vương và tâm sở, sáu căn là sáu cơ quan: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, sáu đối tượng của sáu căn. Trừ ý căn và pháp cảnh, còn ngũ căn và ngũ cảnh thuộc sắc pháp. Ý căn thuộc về tâm pháp (tác dụng tư lương của tâm vương). Pháp cảnh tiếp hết thảy mọi pháp, trừ ngũ căn, ngũ cảnh và tâm vương. Mười hai xứ thì thích hợp với tất cả các pháp hữu vi và vô vi.

Mười tám giới (Assstadasa dhàtu). - Giới là nghĩa chủng tộc, vì tự tính của mười tám loại đều riêng biệt, trở thành những chủng loại riêng, cho nên gọi Lục căn, Lục trần và Lục thức là mười tám giới. Vì lẽ khai hợp, nên lục thức chỉ là sự triển khai từ ý căn của mười hai xứ. Cho nên, mười hai xứ và mười tám giới đều tiếp thông với các pháp hữu vi và vô vi. Sở dĩ một bên gọi là xứ và một bên gọi là giới, xứ là nơi y xứ của các pháp sinh khởi, giới là nói về nghĩa tự tính của các pháp.

Danh mục của ba khoa theo như biểu đồ sau:

12 Xứ: Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ, sắc xứ, thanh xứ, hương xứ, vị xứ, xúc xứ, pháp xứ.

18 Giới: Nhãn giới, nhĩ giới, tỷ giới, thiệt giới, thân giới, ý giới, sắc giới, thanh giới, hương giới, vị giới, xúc giới, pháp giới; Nhãn thức giới, nhĩ thức giới, tỵ thức giới, thiệt thức giới, thân thức giới, ý thức giới

5 Uẩn: Sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn.

5. TU ĐẠO VÀ CHỨNG QUẢ. - Phép tu đạo của Hữu bộ chia làm ba bậc: (1) Kiến đạo (Darsana màrga), nương vào sức tuyển trạch của trí tuệ, biết được lý của Tứ đế, đoạn hết được phần Kiến hoặc. (2) Tu đạo (Bhavanà màrga), đem tuệ lực để tu tập lý của Tứ đế, đoạn hết được Tư hoặc, (3) Vô học đạo (Asaiksa màrga), không còn phải đoạn phiền não, đạt tới bậc Vô học.

Vì nương vào căn cơ của người tu hành, nên lại chia ra thượng căn, trung căn, hạ căn, gọi là “Tam thừa”. Hạ căn là Thanh văn thừa, nương vào lời dạy của Phật để tu hành, quán về lý của Tứ đế, chứng được quả A-la-hán. Trung căn là Độc giác thừa (Bích chi Phật, Pratyeka Bhuddha), tự mình quán tưởng mười hai nhân duyên mà độc ngộ, đoạn hoặc chứng lý; còn gọi là Duyên giác thừa. Thanh văn và Duyên giác gọi là nhị thừa. Thượng căn thuộc Bồ-tát thừa, y vào các pháp tràng kỳ tu hành trong nhiều kiếp nhiều đời, đoạn hết được mọi tập khí (tập quán lực), đầy đủ phần nhất thiết chủng trí, viên mãn phần tự lợi lợi tha, chứng được đạo Vô thượng Chánh giác, trở nên bậc Đại giác tức là Phật.

6. NIẾT-BÀN VÀ PHẬT THÂN. - Khi Đức Thích Tôn còn tại thế, thực thân chứng được Niết-bàn, Phật thân hiện tồn tại, nên không có sự bàn luận về Niết-bàn và Phật thân. Nhưng sau khi Đức Thích Tôn nhập Niết-bàn, thì vấn đề đó trở thành một vấn đề trọng đại, sinh ra nhiều kiến giải không giống nhau. Đặc biệt về vấn đề Phật thân dần dần được lý tưởng hóa bởi tư tưởng tự do tiến bộ, nên hoặc có hai thân, hoặc có ba thân, làm đầu đề luận tranh cho các bộ phái đương thời.

Về kiến giải của Hữu bộ đối với vấn đề Niết-bàn và Phật thân, cũng như giáo lý Nguyên thủy Phật giáo, nghĩa là Niết-bàn cũng chia ra “Hữu dư Niết-bàn” và “Vô dư Niết-bàn”. Vấn đề Phật thân cũng chưa lý tưởng hóa, nghĩa là Phật là một thân người hiện thực. Thân thể của Phật Đà vì có liên quan tới hoặc nghiệp của tiền thế, nên thọ mệnh của xác thân có hạn định, nghiệp quả hết thì xác thân mất, vào Vô dư Niết-bàn, trở về nơi tịch tĩnh. Và Phật cũng có tâm vô ký, không phải thiện, không phải ác, tự thân không làm điều ác, nhưng vì còn có xác thân, còn là nơi y xứ của điều ác. Phật cũng có sự ngủ nghỉ, không phải là thường thường ở định; một sát-na của tâm không thể suốt hết được mọi pháp, một tiếng không thể nói hết được mọi pháp. Về nhân hạnh của Phật ở quá khứ, vì mục đích cứu độ chúng sinh, nên sinh ở trong Tam giới, cốt yếu không phải là đoạn hết phiền não, chỉ là nương vào sự tu hành, để chế phục phiền não, khi nhân hạnh viên mãn, tức là đoạn hết mọi hoặc, trở thành Phật Đà. Đó là thuyết “Phục hoặc nhân hạnh” của Hữu bộ.

Như trên đã lược thuật về giáo nghĩa của Hữu bộ. Nương vào giáo nghĩa đó, ta có thể suy biết được giáo nghĩa của Thượng Tọa bộ, vì đều phảng phất giáo nghĩa của Nguyên thủy Phật giáo. Đặc biệt, giáo nghĩa của Hữu bộ, sau trở thành những tài liệu quan trọng cho môn Duy thức học trong Phật giáo.

---o0o---


II. GIÁO NGHĨA CỦA ĐẠI CHÚNG BỘ


1. VẠN HỮU LUẬN. - Giáo nghĩa của Đại Chúng bộ, nếu đem so sánh với giáo lý Nguyên thủy Phật giáo của Hữu bộ, thì tiến bộ hơn. Đứng về phương diện triết học, giáo lý của Hữu bộ là “Đa nguyên thực tại luận”, thì giáo lý của Đại chúng bộ là “Phê phán thực tại luận”, phủ định hiện tượng, nên đề xướng ra “Pháp không luận”. Pháp không luận, theo Hữu bộ chủ trương mọi pháp sát-na sinh diệt, thể tính của mọi pháp thường lẫn có trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai; nhưng trái lại, Đại chúng bộ chủ trương: Vì chư pháp thì sát-na sinh diệt, nên thể dụng của mọi pháp ở quá khứ không tồn tại, thể dụng của mọi pháp ở vị lai thì chưa xuất hiện, đôi bên đều không phải là thực tại, mà duy chỉ có thể dụng của mọi pháp ở hiện tại, trong một sát-na của hiện tại mới là thực tại. Đó là thuyết “Quá vị vô thể, hiện tại hữu thể” của Đại Chúng bộ chủ trương, gần với thuyết “Ngã pháp câu không luận”.

Về vô vi pháp, Đại Chúng bộ lập ra chín thứ vô vi pháp. Tức là ba thứ vô vi của Hữu bộ, thêm vào sáu thứ nữa là: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng, Phi phi tưởng xứ, Duyên khởi chi tính và Thánh đạo chi tính. Nhưng, lý thể vô vi pháp của Hữu bộ đứng ở phương diện tịch tĩnh, trái lại vô vi pháp của Đại chúng bộ chủ trương lại ở phương diện hoạt động. Chín thứ vô vi pháp: (1) Hư không; (2) Trạch diệt; (3) Phi trạch diệt, như trước đã giải thích; (4) Không vô biên xứ. - Tu vô biên xứ định, đoạn được một phần hoặc, chứng được một phần diệt, nương vào phần diệt đó sinh lên cõi trời Không vô biên xứ; (5) Thức vô biên xứ. - Quán thức vô biên, diệt được một phần hoặc, chứng được một phần diệt, y vào diệt này sinh ở cõi trời Thức vô biên xứ; (6) Vô sở hữu xứ. - Quán về phần vô sở hữu, đoạn được một phần hoặc, chứng được một phần diệt, nương vào phần diệt đó, sinh lên cõi trời Vô sở hữu xứ; (7) Phi tưởng, Phi phi tưởng xứ. - Tu định này hết thảy lìa được trạng thái hữu tướng và vô tướng, đoạn được một phần hoặc, chứng được một phần diệt, nương vào diệt độ sinh ở cõi trời Phi tưởng, Phi phi tưởng xứ. Hữu bộ chi xứ là Thiện xứ, nơi chốn để sinh lên, nhưng Đại Chúng bộ cho Xứ là “Sở y”, vì thế nên bốn xứ thuộc vô vi pháp, không ở trong phạm vi Tam giới, chỉ nương vào phần đoạn hoặc chứng diệt, tất nhiên sinh ở Thiện xứ, đó là lý đương nhiên không biến đổi; (8) Duyên khởi chi tính. - Về lý pháp của sinh tử lưu chuyển, Hữu bộ chỉ nhận về phần tướng của các phần duyên khởi nên thuộc về hữu vi pháp; Đại chúng bộ cho rằng mười hai chi duyên khởi tuy là hữu vi pháp, nhưng vì nó có lý pháp nhất định không thay đổi, để điều hòa về sự sinh khởi cho tiền nhân hậu quả, tương tục không ngừng, nên thuộc vô vi pháp; (9) Thánh đạo chi tính. - Thánh đạo chi tính còn gọi là “Lý pháp của khổ giới đoạn diệt”. Ở trường hợp Hữu bộ trừ Diệt đế ra, còn ba đế khác đều là hữu vi pháp, nhưng ở trường hợp Đại Chúng bộ chủ trương, các chi của “Bát chánh đạo” tuy là hữu vi, nhưng vì các chi đó đều là phần lìa khổ được giải thoát, đó là y vào lý pháp nhất định bất biến nên thuộc vô vi pháp. Còn các chi khác đều lý luận tương tự như vậy.

Tóm lại, về “Vô vi pháp” của Đại Chúng bộ chủ trương, không phải là tịch tĩnh, mà là hoạt động. Về “Pháp không luận” không phải không về bản thể của mọi pháp, mà chỉ là phủ định hiện tượng của mọi pháp.

2. TÂM TÍNH BẢN TỊNH LUẬN. - Ở trường hợp Hữu bộ, cho “Tâm tính bản lai bất tịnh”, vì tâm thường có đầy dẫy mê vọng, tập nhiễm nhưng nhờ sự tu đạo, nên tâm tính được thanh tịnh, nghĩa là tâm tính bản lai bất tịnh, chuyển thành thanh tịnh, tới chỗ giải thoát. Trái lại, ở trường hợp của Đại Chúng bộ chủ trương “Tâm tính bản lai thanh tịnh”, lìa mọi mê vọng tạp nhiễm, chỉ vì khách trần phiền não bên ngoài làm ô nhiễm, nên trở thành bất tịnh nếu nương vào sự tu đạo, để gột rửa mọi tạp nhiễm phiền não đó, thì tâm trở nên thanh tịnh, hiển hiện được bản tính của nó. Đó là thuyết “Tâm tính bản tịnh, khách trần ô nhiễm” của Đại Chúng bộ. Thuyết này giống như thuyết “Quan hệ giữa tự tính và thần ngã” của Số Luận.

Vì tâm tính thì bản tịnh, phiền não là khách trần, nên phiền não và tịnh tâm đều cùng có từ vô thủy, thường thường cùng theo đuổi cái tâm, nên gọi là tùy phiền não. Vì có tùy phiền não, nên tâm trở nên ô nhiễm, tạo ra nghiệp, lưu chuyển trong khổ giới, nhưng nếu nương vào sự tu đạo, thì rửa sạch được các phiền não, chỉ còn lại một thứ tâm thanh tịnh. Tâm là chủ mà phiền não là khách, tâm tính thì “vô thủy vô chung”, phiền não thì “vô thủy hữu chung”, nên gọi là “Tâm tính bản tịnh, khách trần ô nhiễm”. Tóm lại Hữu bộ chỉ nhận phần Tướng của tâm, mà không nhìn nhận về thể tính của tâm, trái lại, Đại Chúng bộ quán về phần thể tính của tâm. Đứng về phương diện triết học thì Hữu bộ chủ trương “Hiện tượng luận”, Đại Chúng bộ chủ trương “Bản thể luận”.

3. NIẾT-BÀN VÀ PHẬT THÂN. - Niết-bàn quan của Đại chúng bộ thì không ghi chép rõ ràng, nhưng Phật thân quan của Đại Chúng bộ chủ trương tiến bộ hơn Hữu bộ. Đại Chúng bộ cho rằng, Phật vì nương vào nhân hạnh của nhiều kiếp nhiều đời, nên có quả báo thực thân, đối với không gian thì “Biến mãn nhất thiết xứ”, đối với thời gian thì “Thọ mệnh vô tận”; uy lực của Phật cũng vô biên tế, giáo hóa khắp mọi loài hữu tình, tùy nghi giáo hóa, tùy thời nhập diệt, đều tự do tự tại. Đức Phật khi 80 tuổi nhập diệt, đó cũng là Hóa thân tùy cơ ứng hiện của Ngài.

Đại chúng bộ quán sát Phật thân, không giống như Hữu bộ cho là thực thân, mà là Siêu thân và tồn tại. Phật thân là vô lậu thân, không phải hữu lậu pháp; lời Phật thì lời lời là Chuyển pháp luân, hết thảy đều lợi ích; một âm thanh của Phật có thể nói được hết thảy pháp; một sát-na của tâm, hiểu biết được hết thảy pháp; và thường ở định, không có thụy miên; chúng sinh hỏi gì Phật đều đáp ngay, không cần phải suy nghĩ.

Trên đây là yếu nghĩa của Đại Chúng bộ. Đặc biệt về thuyết “Ngã pháp câu không” rất gần với không quán của Đại thừa Bát nhã; thuyết “Vô vi pháp” có thể là tiền khu cho thuyết “Chân như duyên khởi” của Đại thừa; thuyết “Tâm tính bản tịnh, khách trần ô nhiễm”, về điểm phiền não thì vô thủy hữu chung rất giống với thuyết “Chân như duyên khởi luận”, cho vô minh là vô thủy hữu chung; thuyết “Tâm tính bản tịnh” cũng còn là nguyên nhân để dụ dẫn đến tư tưởng “Nhất thiết chúng sinh, tất hữu Phật tính” của giáo lý Đại thừa. Vì vậy, giáo nghĩa của Đại Chúng bộ, tuy cũng là Tiểu thừa, mà có những tư tưởng rất gần với tư tưởng Đại thừa. Vậy có thể nói, giáo nghĩa Đại thừa là từ chỗ phát triển dần dần ở giáo nghĩa của Đại Chúng bộ.

---o0o---

III. GIÁO NGHĨA CỦA MẠT PHÁI VÀ CHI PHÁI


1. LỜI BÀN TỔNG QUÁT. - Như trên đã kể, về bộ phái của Tiểu thừa gồm 20 bộ. Các bộ đều do sự dị chấp, nên đã từ Thượng Tọa bộ và Đại Chúng bộ mà phát sinh, nhưng về phần giáo nghĩa của các bộ, không đi đôi với sự quan hệ của Giáo hội. Thí dụ, các phân phái của Đại Chúng bộ thì bao hàm giáo nghĩa của Thượng Tọa bộ; mạt phái của Thượng Tọa bộ lại bao hàm giáo nghĩa của Đại Chúng bộ. Sự hỗn đồng giáo nghĩa như vậy có rất nhiều.

Như Đa Văn bộ là phân phái của Đại Chúng bộ, nhưng về giáo nghĩa thì phần nhiều giống với Hữu bộ; Hóa Địa bộ là mạt phái của Hữu bộ, nhưng về giáo nghĩa, phần nhiều là giáo nghĩa của Đại Chúng bộ. Nay theo chỗ thích nghĩa phân loại thành từng hệ thống như sau:

1. Hệ thống Đại Chúng bộ Nhất Thuyết bộ, Thuyết Xuất Thế bộ, Kê Dận bộ, Thuyết Giả bộ, Chế Đa Sơn bộ, Tây Sơn Trụ bộ, Bắc Sơn Trụ bộ

Hệ thống chiết trung Đa Văn bộ, Hóa Địa bộ, Pháp Tạng bộ, Ẩm Quang bộ, Tuyết Sơn bộ

2. Hệ thống Hữu bộ Kinh Lượng bộ (Tuyết Sơn bộ)

Hệ thống chiết trung (Kinh Lượng bộ)

3. Hệ thống Độc Tử bộ Pháp Thượng bộ, Hiền Trụ bộ, Chính Lượng bộ, Mật Lâm Sơn bộ

Tức là,Đa Văn bộ phân phái từ nội bộ của Đại Chúng bộ, nhưng phần nhiều lại theo giáo nghĩa của Hữu bộ: Hóa Địa bộ, Pháp Tạng bộ, Tuyết Sơn bộ, Ẩm Quang bộ, thuộc về hệ thống Thượng Tọa bộ, nhưng giáo nghĩa phần nhiều lại cũng giống với Đại Chúng bộ. Các bộ thuộc hệ thống Độc Tử bộ, vì có một hệ thống đặc biệt về giáo nghĩa của Thượng Tọa bộ, nên trở thành một hệ thống riêng. Kinh Lượng bộ thì kế thừa giáo lý của Hữu bộ, nhưng lại có tư tưởng về Độc Tử bộ. Tuyết Sơn bộ là căn bản Thượng Tọa bộ, giáo nghĩa cũng giống như Hữu bộ. Ngoài ra, còn các giáo nghĩa của các chi phái, vì sợ phiền toái nên tĩnh lược.

2. HỆ THỐNG ĐẠI CHÚNG BỘ. - Nhất Thuyết bộ, Thuyết Xuất Thế bộ và Thuyết Giả bộ, ba bộ này có ít nhiều giáo nghĩa đặc sắc trong hệ thống Đại Chúng bộ. Trước hết, Nhất Thuyết bộ kế thừa thuyết các pháp ở quá khứ và vị lai đều không có thực thể, duy chỉ có các pháp ở một sát-na của hiện tại là có thực thể, rồi nghiên cứu tiến bước hơn, cho các pháp ở trong ba trạng thái quá khứ, hiện tại và vị lai đều không có thực thể, chỉ là giả danh; chủ trương thuyết “Tam thế chư pháp, giả danh vô thể”. Sau là Thuyết Xuất Thế bộ, Nhất Thuyết bộ thì kế thừa giáo lý “Pháp không luận” của  Đại Chúng bộ; Thuyết Xuất Thế bộ cũng kế thừa giáo nghĩa đó, nhưng đứng ở lập trường phê phán thực tại luận, để bàn luận về thực tướng của chư pháp. Trước hết đem các pháp chia ra “Chân đế” và “Tục đế”. Thế gian pháp thuộc về Tục đế, là giả pháp, điên đảo, hư vọng không thực; xuất thế gian pháp thuộc Chân đế, thì không điên đảo vọng kiến, mà là chân thực. Đó là chủ trương thuyết “Tục vọng, Chân thực”. Sau nữa là Thuyết Giả bộ, giáo nghĩa cũng giống như Nhất Thuyết bộ, nhưng không quyết đoán chư pháp là giả danh vô thể, và cũng không nói các pháp xuất thế gian đều hoàn toàn là chân thực, chủ trương các pháp thế gian và xuất thế gian đều có phần giả và thực. Đó là thuyết “Chân giả tịnh hữu” của bộ này.

3. HỆ THỐNG ĐỘC TỬ BỘ. - Từ Hữu bộ trước hết phát sinh ra Độc Tử bộ. Đặc biệt, giáo nghĩa của Độc Tử bộ thì không thuộc vào Đại Chúng bộ và Thượng Tọa bộ, tự nó sáng lập ra một hệ thống giáo nghĩa riêng. Bộ này, trước hết đem mọi pháp chia làm ba tụ: “Hữu vi tụ”, “Vô vi tụ” và “Phi nhị tụ”, hoặc đem chia thành “Ngũ tạng”: “Quá khứ”, “Hiện tại”, “Vị lai”, “Vô vi” và “Bất khả thuyết”. Ba tạng đầu gọi là “Tam thế tạng” do sự tế phân từ “Hữu vi tụ”; “Bất khả thuyết” là biệt danh của “Phi nhị tụ”. Nhưng về giáo nghĩa đặc biệt của bộ này là thuyết “Bất khả thuyết tạng”. Trong Bất khả thuyết tạng thì thành lập một thứ “Ngã” gọi là “Bổ Đặc Già La” (Pudgala). Y vào thuyết này, con người tạo ra nghiệp, thiện, ác, rồi cảm đến kết quả của nó, là vì có một thực thể tồn tại, nó liên tục từ hiện tại tới vị lai; nếu không có thực thể đó duy trì, con người khi chết, đồng thời ngũ uẩn cũng tiêu diệt, sẽ không có sự chuyển sinh ở lai thế. Cái thực thể đó thì tự do tự tại, thường trụ không biến và luôn luôn liên tục để duy trì cái nghiệp nhân trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai; và các thực thể này, từ ở địa vị phàm phu cho tới sau khi thành Phật cũng vẫn tồn tục, gọi là “Bổ Đặc Già La”. Bổ Đặc Già La này tức là “Ngã” thuộc “Bất khả thuyết tạng”, cái Ngã này không phải là đương thể của ngũ uẩn, và cũng không phải là ngoài ngũ uẩn ra mà tồn tại giống như linh hồn (Àtman), nên lại gọi là “Phi tức phi ly ngã”. Theo như nghĩa trên thì không thể nói cái “Ngã” đó thuộc về hữu vi pháp của ngũ uẩn, và cũng không thể nói là thuộc về vô vi pháp của Niết-bàn, nghĩa là nó không thuộc về cả Hữu vi và Vô vi, nó là sự tồn tại của “Phi nhị tụ”.

Sau là Pháp Thượng bộ, Hiền Trụ bộ, Chính Lượng bộ, Mật Lâm Sơn bộ, bốn bộ này đều kế thừa giáo nghĩa của Độc Tử bộ. Nhưng giáo nghĩa của Chính Lượng bộ đã trở thành ưu thế. Cho nên Chính Lượng bộ và Hữu bộ là hai bộ phái trọng yếu của Tiểu thừa Phật giáo.

4. HỆ THỐNG CHIẾT TRUNG. - Đa Văn bộ là phân phái của Đại Chúng bộ, nhưng về giáo nghĩa phần nhiều lại nương theo giáo nghĩa của Hữu bộ. Đặc điểm về giáo nghĩa của bộ này là, đem giáo pháp của Phật chia ra thế gian và xuất thế gian, chủ trương: “Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã, Tịch tĩnh, Niết-bàn” là giáo pháp vô lậu, xuất thế gian; còn các giáo pháp khác đều là giáo pháp hữu lậu của thế gian. Về Đại Chúng bộ cho ngôn giáo của Phật đều là vô lậu, trái lại Hữu bộ lại cho hết thảy là hữu lậu, vì lẽ đó nên giáo nghĩa của Đa Văn bộ thuộc hệ thống chiết trung.

Hóa Địa bộ. - Bộ này là phân phái của Hữu bộ, nhưng chủ trương thuyết “Quá, vị vô thể” của Đại Chúng bộ. Phần đặc điểm về giáo nghĩa của bộ này, đem vô vi pháp chia ra làm chín thứ. Ba thứ vô vi đầu cũng giống như Hữu bộ, hai thứ cuối là “Chi đại chân như” và “Duyên khởi chân như”, cũng giống như nghĩa “Thánh đạo chi tịnh” và “Duyên khởi chi tịnh” của Đại chúng bộ; trung gian là bốn thứ vô vi: “Bất động, Thiện pháp chân như, Bất thiện pháp chân như, Vô ký pháp chân như”. Bất động vô vi là lý thể để đoạn diệt tâm thô động, nó làm chướng ngại thiền định. Thiện pháp chân như là lẽ làm thiện tất được thiện quả. Bất thiện pháp là lẽ làm ác tất phải chịu ác quả. Vô ký pháp chân như là cái “Lý pháp” làm việc không phải thiện, không phải ác, sẽ đưa đến kết quả vô ký. Chân như có nghĩa là chân thực như thường, không bị sinh diệt chi phối, nó là cái “Lý pháp bất biến”.

Pháp Tạng bộ. - Bộ này là phân phái của Hóa Địa bộ, dùng nhiều giáo nghĩa của Đại Chúng bộ. Phần đặc điểm giáo nghĩa của bộ này là đem kinh điển chia thành năm tạng: Kinh, Luật, Luận, Chú và Bồ-tát. Đặc biệt, Bồ-tát tạng có nói nhiều về sắc thái của giáo lý Đại thừa, chủ trương thuyết “Tăng trung hữu Phật, Tam thừa đồng nhất giải thoát”, rất gần với giáo lý của Đại thừa. Sau là Ẩm Quang bộ, phân phái của Hữu bộ, giáo nghĩa cũng giống như Pháp Tạng bộ.

5. HỆ THỐNG KINH LƯỢNG BỘ. - Đại thể giáo nghĩa của Kinh Lượng bộ thuộc hệ thống Hữu bộ, nhưng có nhiều tư tưởng đặc biệt, như thuyết “Chủng tử”, nên thành lập một hệ thống riêng. Bộ này cũng như Độc Tử bộ, thành lập một thứ “Ngã” gọi là “Thắng nghĩa ngã” (Paramàrth pudhala) và tư tưởng “Nhất vị uẩn” cùng “Vô lậu chủng tử”.

Tư tưởng nhất vị uẩn. - Nhất vị uẩn nghĩa là một loại không thay đổi, ngoài ngũ uẩn sát na sinh diệt ra, còn có “Vi tế ngũ uẩn” là căn bản cho “Sinh diệt ngũ uẩn”, nó liên tục trong quá khứ, hiện tại, vị lai. Vi tế ngũ uẩn này trở thành chủng tử, sinh ra phần thô ngũ uẩn. Thô ngũ uẩn thì sát-na sinh diệt, liên tục mãi mãi, không để cho đến chỗ diệt mất. Thô ngũ uẩn đối với “Nhất vị uẩn” thì gọi là “Căn biên uẩn” (Chi mạt uẩn). Sở dĩ gọi là “Nhất vị uẩn” là vì từ vô thủy trở lại đều luôn luôn tương tục, nhất vị hòa hợp với Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn, Thức uẩn, và Sắc uẩn thì bao hàm chủng tử của tâm và chủng tử của sắc, tâm thì bao hàm chủng tử của sắc và chủng tử của tâm, vì vậy nên có tên “Sắc tâm hỗ trì thuyết” và “Sắc tâm hỗ huân thuyết”.

Thắng nghĩa ngã. - Thắng nghĩa ngã là một thực thể của vô thủy vô chung, thông với tất cả các pháp hữu vi và vô vi, thông với nhân vị và quả vị, thông với tất cả các pháp hữu lậu và vô lậu.

Vô lậu chủng tử. - Tuy còn ở địa vị phàm phu, nhưng cũng đã sẵn có cái chủng tử xuất thế vô lậu từ đời vô thủy lại đây, bản lai có cái thế lực giải thoát. Thuyết “Vô lậu chủng tử” là một giáo nghĩa đặc biệt của Tiểu thừa.

Ngoài ra, tư tưởng tương tự với thuyết chủng tử của Kinh Lượng bộ là tư tưởng thuộc chi phái của các bộ. Như chi phái thuộc hệ thống Đại Chúng bộ đề xướng ra thuyết “Hữu lậu pháp chủng tử” và “Đa tâm hòa hợp”, tương tự với thuyết “Nhất vị uẩn” của Kinh Lượng bộ; chi phái của Hóa Địa bộ chủ trương thuyết “Cùng sinh tử ấm”, cũng tương tự với thuyết “Nhất vị uẩn” của Kinh Lượng bộ.

Như trên đã thuật khái quát giáo nghĩa của mạt phái và chi phái trong các bộ, có thể nói tư tưởng của các bộ phái đó là tư tưởng “Duyên khởi luận”. Tư tưởng “Thắng nghĩa ngã” và “Vô lậu chủng tử” rất tương tự với tư tưởng “Như Lai tạng” của Đại thừa; tư tưởng “Nhất vị uẩn” tức “Hữu lậu chủng tử”, là tiền đề cho tư tưởng “Căn bản thức”; “Vô lậu chủng tử cũng là tư tưởng tiền khu cho “Phật tính luận”; tư tưởng “Tam thừa đồng nhất giải thoát” là căn nguyên cho tư tưởng “Nhất thiết giai thành Phật” của Đại thừa.

---o0o---



tải về 0.87 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   20




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương