LƯỢc sử phật giáO ẤN ĐỘ Sa môn Thích Thanh Kiểm thpg tp. Hồ Chí Minh, tp. Hcm, 1989 o0o Nguồn


CHƯƠNG THỨ BA. CÁC KINH ĐIỂN CỦA ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO THÀNH LẬP SAU THỜI NGÀI LONG THỌ



tải về 0.87 Mb.
trang15/20
Chuyển đổi dữ liệu19.04.2018
Kích0.87 Mb.
#36957
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   20

CHƯƠNG THỨ BA. CÁC KINH ĐIỂN CỦA ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO THÀNH LẬP SAU THỜI NGÀI LONG THỌ

I. KINH THẮNG MAN


Trong khoảng thời gian từ sau thời đại ngài Long Thọ tới thời đại ngài Vô Trước, Thế Thân xuất thế, có rất nhiều kinh điển của Đại thừa Phật giáo xuất hiện, nhưng những kinh điển chủ yếu là: “Kinh Thắng Man”, “Kinh Đại Bát Niết Bàn”, “Kinh Giải Thâm Mật” và “Kinh Lăng Già”.

Kinh Thắng Man, tức là kinh “Thắng Man Sư Tử Nhất Thừa Đại Phương Quảng”. Kinh này có hai bản dịch: ngài Cầu Na Bạt Đà La dịch (năm 436 TL) và ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch (năm 700-713 TL).

Giáo lý trung tâm của kinh này thì bàn tư tưởng “Như Lai tạng”. Như Lai tạng là một tên riêng của Phật tính. Cái tâm thường ngày của chúng sinh vì bị bao thứ phiền não khuấy trộn, nên Phật tính của chúng sinh bị lu mờ, nhưng cái Phật tính đó vẫn hoàn toàn đầy đủ như tâm tính của Như Lai, tỷ dụ như nước với sóng. Cái tâm thường ngày của chúng sinh cũng ví như làn sóng ở trong bể lớn của thanh tịnh nhất tâm. Vậy nên cái tâm thường ngày của chúng sinh và tâm tính bản tịnh chỉ là một thể. Đó là tư tưởng “Như Lai tạng” của kinh này.

---o0o---


II. KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN


Kinh Đại Bát Niết Bàn được dịch sang chữ Hán có hai bản là Bắc bản và Nam bản. Kinh Đại Bát Niết Bàn (40 quyển) do ngài Đàm Vô Sấm dịch (42 TL) thuộc Bắc bản, và ngài Tuệ Nghiêm đính chính lại kinh đó chia thành 36 quyển gọi là Nam bản. Nội dung của hai bộ này thì giống nhau, nhưng khác nhau về lối hành văn và tên tác phẩm.

Kinh Đại Bát Niết Bàn tức là kinh “Đại Thừa Niết Bàn”. Kinh này được phát triển từ ở các kinh Tiểu Thừa Niết Bàn như “Du Hành kinh” v.v... nhưng về lập trương của đôi bên không giống nhau. Kinh Tiểu Thừa Niết Bàn chỉ là một tác phẩm ghi chép về sự sinh hoạt của Đức Thích Tôn ở tuổi vãn niên, nhưng kinh Đại Thừa Niết Bàn thì không ghi chép về sự thực đó mà chủ trương một giáo lý, một đường lối nhất định riêng.

Kinh Đại Thừa Niết Bàn, một mặt thì kế thừa tư tưởng “Không” của kinh Bát Nhã và giáo lý “Tâm tính bản tịnh” của Đại Chúng bộ; một mặt lại kế thừa tư tưởng “Nhất thừa” của kinh Pháp Hoa. Đặc sắc về giáo nghĩa của kinh này là “Pháp thân thường trụ”, “Hết thảy chúng sinh đều có Phật tính” và “Xiển đề thành Phật”.

Sự nhập Niết-bàn của Phật Thích Ca chẳng qua chỉ là một thùy tích của Ứng hóa thân, còn bản tính của Ngài thì không có quan hệ với lẽ sinh tử, Pháp thân của Ngài vẫn thường trụ không biến. Nhưng Pháp thân không phải chỉ riêng Đức Phật mới có, mà tất cả chúng sinh cũng vẫn đầy đủ, vì chúng sinh bản lai vẫn có Phật tính. Sở dĩ có sự sai khác nhau giữa Phật và chúng sinh là do chỗ kết quả của sự tu hành và mê ngộ. Thông thường mà nói, thì hết thảy chúng sinh đều được thành Phật, vì chúng sinh bản lai vẫn có Phật tính chỉ trừ kẻ xiển đề (ichantika, kẻ không có tín căn, hay đoạn mất thiện căn) là không được thành Phật, nhưng chủ trương của kinh này, nếu kẻ xiển đề biết hồi tâm, và trở lại được tín tâm thì cũng được thành Phật.

---o0o---

III. KINH GIẢI THÂM MẬT


Kinh Giải Thâm Mật có hai bản dịch: “Thậm Thâm Giải Thoát Kinh” (5 quyển) do ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch (515) và “Giải Thâm Mật Kinh” (5 quyển), do ngài Huyền Trang dịch (647). Nội dung của kinh này là một tư tưởng rất trọng yếu cho môn Duy thức. Tư tưởng đó có ba yếu điểm như sau:

1. Tư tưởng A-lại-da thức. Ở phẩm “Tâm ý thức tướng” của kinh này có nói đến tư tưởng “Nhất thiết chủng tử tâm thức”. Cái tâm thức này có từ ở giây phút lúc bắt đầu thọ sinh. Sau khi thọ sinh rồi thì phát triển dần dần thành ngũ thức để phối hợp với ngũ căn, rồi đến các tâm sở v.v...

“Nhất thiết chủng tử tâm thức” thì gọi là “A-đà-na thức” và “A-lại-da thức”, hoặc gọi tắt là “Tâm”. A-đà-na thức (danavijnàna), dịch là “Chấp trì thức” có cái năng lực duy trì các chủng tử. A-lại-da thức (Alayavijnàna), dịch là “Tạng thức”, có cái năng lực chứa đựng các chủng tử. Sau nói về tâm (Citta), chỉ về phương diện hoạt động chủ quan của lục thức đối với lục trần.

2. Thuyết Tam tướng, Tam vô tính. Ở phẩm “Nhất thiết pháp tướng” của kinh này có nêu ra ba tướng: “Biến kế sở chấp tướng” (Parikalpita lakasanna), “Y tha khởi tướng” (Paratantra L.), và “Viên thành thực tướng” (Parinispanna L.).

Biến kế sở chấp gọi là huyễn giác hay thác giác; Y tha khởi tướng là các pháp nương vào nhân duyên mà sinh; Viên thành thực tướng là tướng bình đẳng chân như của mọi pháp. Biến kế sở chấp tướng vì do nơi biểu hiện của tâm mà có, nên nó không có tự tính, gọi là “Tướng vô tự tính”. Y tha khởi tướng thì nương vào nhân duyên mà có, nên không có tự tính riêng, gọi là “Sinh vô tự tính”. Viên thành thực tướng là nơi sở duyên của tâm thanh tịnh, nhưng nếu nó lìa khỏi tâm thì không có phần tự tính riêng, gọi là “Thắng  nghĩa vô tự tính”. Sau hết, quy tụ hết thảy mọi pháp cũng đều không có tự tính, cũng tương tự như tư tưởng “Không” trong kinh Bát Nhã.

3. Thuyết Tam thời liễu, Vị liễu. Kinh này còn thành lập ra ba thứ tính là Thanh văn tính, Duyên giác tính và Bồ-tát tính. Đức Phật lúc ban đầu nói ra pháp Tứ đế để hóa độ Tiểu thừa Thanh văn, nên thuộc “Vị liễu nghĩa thuyết”. Sau ngài đối với cơ Bồ-tát nói ra những pháp bất sinh, bất diệt, bản lai thanh tịnh, đó cũng thuộc về “Vị liễu nghĩa thuyết. Khi ngài nói ra thuyết “Tam tướng tam vô tính” trong kinh này mới thuộc “Liễu nghĩa thuyết”. Đó cũng là một phương thức “Giáo phán” của Phật giáo thấy xuất hiện ở kinh này đầu tiên.

---o0o---

IV. KINH LĂNG GIÀ


Kinh Lăng Già, hoặc gọi là “Nhập Lăng Già Kinh” (Lankàvatàra). Kinh này được dịch sang chữ Hán có ba bản khác nhau: “Lăng Già A Bạt Đa La Bảo Kinh” (4 quyển) do ngài Cầu Na Bạt Đà La dịch (443 TL); “Nhập Lăng Già Kinh” (10 quyển), ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch (513); “Đại Thừa Nhập Lăng Già Kinh” (7 quyển), ngài Thực Xoa Nan Đà dịch (704 TL).

Nội dung của kinh này tuy có nhiều giáo lý chủ yếu của Đại thừa Phật giáo, và còn liên can đến cả học thuyết ngoại giáo, nhưng tư tưởng nhất quán là tư tưởng “Như Lai tạng” và “A-lại-da thức”. Như Lai tạng là cái tên riêng của “Chân như”, “Không”, “Pháp thân”, “Niết-bàn”, “Bản tính thanh tịnh” v.v... A-lại-da thức, một mặt thì đồng nhất với “Như Lai tạng”, một mặt thì có sinh có diệt khác với Như Lai tạng là bất sinh bất diệt, cho tất cả mọi pháp đều từ A-lại-da thức mà xuất hiện.

Giáo nghĩa chủ yếu của kinh này còn là “Năm pháp”, “Ba tính”, “Tám thức” và “Hai vô ngã”. Năm pháp là “Danh” (Nàma), “Tướng” (Nimitta), “Phân biệt” (Samhàlpa), “Chánh tí” (Samyagjnàna), và “Như như” (Tathatà, Chân như).

Trong các bộ luận như “Du Già Sư Địa Luận”, “Hiển Dương Thánh Giáo Luận”, “Thành Duy Thức Luận” và “Phật Tính Luận” đều có nói đến năm pháp này. Ba tính là “Vọng kế tự tính”, “Duyên khởi tự tính” và “Viên thành tự tính”. Ba tính này vì quan hệ mật thiết với năm pháp, nên “Danh” và “Tướng” thuộc “Vọng kế tự tính”, “Phân biệt” thuộc “Duyên khởi tự tính”, “Chánh trí” và “Như như” thuộc “Viên thành tự tính”. Tám thức là A-lại-da thức,  Ý, Ý thức và Tiền ngũ thức. Hai vô ngã là “Nhân vô ngã” và “Pháp vô ngã”. Năm pháp, Ba tính, Tám thức và Hai vô ngã thì thu nhiếp hết thảy mọi pháp. 

---o0o---



tải về 0.87 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   20




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương