LƯỢc sử giáo hội côNG giáO


I. NGƯỜI KITÔ HỮU TRONG THẾ CHIẾN II



tải về 0.53 Mb.
trang7/7
Chuyển đổi dữ liệu26.07.2016
Kích0.53 Mb.
#6260
1   2   3   4   5   6   7

I. NGƯỜI KITÔ HỮU TRONG THẾ CHIẾN II
1. Những thảm họa của chiến tranh
Cũng như mọi công dân khác, người kitô hữu phải chịu những hậu quả của cuộc chiến : tàn phá chết chóc trong một Châu Âu mà 3/4 bị Đức Quốc Xã thống trị. Lương tâm Kitô giáo bị đặt trước những lựa chọn khó khăn : thái độ với kẻ chiếm đóng như thế nào ? Có phải tuân phục chính quyền hiện hữu ? Có được thụ động trước việc người Dothái bị hủy diệt ? Bạo động có hợp pháp để giải phóng tổ quốc không ? Các thái độ khác nhau tùy thuộc từng nước và ngay ở trong mọi nước.
Balan : phần phía tây bị sát nhập vào Đức. Tôn giáo bị bách hại. Tại Nga, chính quyền cộng sản thúc đẩy lòng ái quốc của tôn giáo để chống Phát xít, nhưng khi hòa bình lập lại, họ lại trở mặt đàn áp tôn giáo. Ở Hòa Lan, Công Giáo và Tin lành phối hợp chống lại việc đàn áp người Dothái, nên bị quân Đức trả đũa nặng nề. Ở Pháp chính quyền Pétain dành nhiều thuận lợi cho Công Giáo, nhưng một số tín hữu Công Giáo đã sớm đứng về phe kháng chiến.
2. Thái độ thinh lặng của Đức Piô XII
Khác với Đức Bênêđíctô XV, người đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì đã kêu gọi hòa bình ở Thế Chiến I, Đức Piô XII hồi sinh tiền hầu như được mọi người ca ngợi về thái độ của người trong cuộc chiến. Thế nhưng, sau này người ta lại chỉ trích thái độ im lặng của người. Thật ra người đã nỗ lực ngăn chặn chiến tranh từ 1939-1940, sau đó người đã kêu gọi Moussolini đứng ngoài cuộc chiến, cuối cùng người đã thúc đẩy nhà vua loại trừ Moussolini và phản đối những cuộc oanh tạc.
Thật ra có những lúc người phải im lặng, kể cả trước việc người Dothái bị tiêu diệt. Người cảm thấy bất lực, và với sự khôn ngoan suy đoán, sự im lặng của người có lợi hơn. Thực tế cho thấy đường lối ngoại giao của người đạt kết quả hơn là lên tiếng phản đối. Có những nơi giáo quyền can thiệp thì quân Đức lại tàn sát dữ dội hơn.
II. GIÁO HỘI SAU THẾ CHIẾN THỨ II
1. Hoạt động của một Giáo Hoàng uyên bác
Cũng như vị tiền nhiệm, khi thấy nhiệm vụ cấp bách nhấn mạnh công lí và hòa bình trong một thế giới có chiến tranh, hoặc có nguy cơ đe dọa các vấn đề quốc tế và xã hội, Đức Piô XII vẫn không quên nhiệm vụ chuyên biệt của mình là lãnh đạo, giảng dạy và thánh hóa toàn dân Chúa. Người là vị Giáo Hoàng có nhiều văn kiện giáo huấn nhất. Riêng Thông Điệp đã lên tới con số 43. Người cáo giác phong trào "thần học mới", người e ngại trước chủ thuyết "hòa đồng". Các văn kiện của người trải rộng từ các vấn đề thần học rộng lớn nhất đến những vấn đề trần tục thường ngày.
Qua các văn kiện của người, người ta thấy rõ sự uyên bác sâu sắc của một vị tiến sĩ.
Chính Đức Piô XII đã long trọng công bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (1950). Thời của người còn là thời Công Giáo Tiến Hành nở rộ và là thời khai sinh Tu Hội đời.
2. Giáo Hội ở một số nước Tây Âu
Sau chiến tranh, Âu Châu chia làm hai khối : khối Đông Âu gồm các nước Cộng sản chịu ảnh hưởng của Liên Xô và khối Tây Âu Tư Bản. Sự phân chia này gây hệ quả quan trọng cho tôn giáo. Ở Tây Âu, người kitô hữu giữ một vai trò khá lớn trong chính trị. Trong nhiều nước, họ trở thành một lực lượng thứ ba chống lại Cộng sản.
- Pháp : Giáo Hội biểu lộ sức sống dồi dào về các mặt chính trị xã hội, mục vụ, tông đồ, thần học, trí thức... Công Giáo Tiến Hành phát triển mạnh. Các hội truyền giáo Pháp và Hội truyền giáo Paris hoạt động mạnh. Phong trào "linh mục thợ" ra đời. Có những nỗ lực nghiên cứu Kinh Thánh và thần học : bản dịch Thánh Kinh Giêrusalem, bộ Lectio Divina gom góp tác phẩm của các nhà chú giải Thánh Kinh Công Giáo...
- Ý : năm 1946, chính thể Cộng Hòa nhìn nhận thỏa ước Latêranô. Nhưng Đảng Cộng sản rất mạnh. Đảng Dân chủ Kitô giáo hoạt động rất tích cực, nhưng không chiếm được ưu thế. Giáo Hội rất lo lắng.
- Tây Ban Nha : cuộc nội chiến 1936-1939 chấm dứt, tướng Franco nắm chính quyền, coi Công Giáo là đạo duy nhất của nước Tây Ban Nha. Các hoạt động của Giáo Hội có nhiều thuận lợi.
3. Giáo Hội tại các nước Đông Âu
Cuộc bách hại đạo được thực hiện khắp các nước Đông Âu với những hình thức và cường độ khác nhau.
Ở Liên Xô, chính sách và hành động bài tôn giáo rất mãnh liệt, nhất là ở vùng biển Ban Tích, nhà nước triệt hạ phần lớn hàng giáo sĩ. Trong tất cả các nước Đông Âu, nhà nước đều mở những phiên tòa đại hình xét xử, các nhà lãnh đạo Công Giáo thường bị buộc vào tội thông đồng với kẻ thù và nhiều tội trạng khác : Hồng Y Mindzenty ở Hung, Giám mục Béran ở Tiệp Khắc, Giám mục Stépinac ở Nam Tư, Hồng Y Wyszynski ở Ba Lan...
Ngoài chính sách bách hại nặng nề, các nước Đông Âu còn dựng lên những nhóm giáo hội cấp tiến tự trị trong lãnh thổ của mình.
4. Việc giải thực (décolonisation) và các Giáo Hội trẻ
Trong vòng 20 năm sau Thế chiến II, các Đế quốc thực dân thay nhau sụp đổ. Các nước thuộc địa lần lượt đứng lên giành độc lập. Trong tình huống này, Kitô giáo bị liên hệ và được coi là tôn giáo do thực dân Âu Châu du nhập. Họ đổ lỗi cho Kitô giáo cùng với thực dân làm lu mờ truyền thống văn hóa lâu đời của họ. Cùng lúc giành độc lập chính trị, họ cũng độc lập tôn giáo.
Từ năm 1949, nhà nước Cộng sản Trung Quốc đòi người kitô hữu phải thoát khỏi ảnh hưởng của ngoại bang, giành quyền tự trị trong ba lãnh vực : lãnh đạo, quản trị tài chính và giảng đạo. Do đó, các giáo sĩ ngoại quốc bị trục xuất hoặc hành quyết.
Các quốc gia mới độc lập làm thành thế giới thứ ba qui lỗi cho Tây Phương trong đó có Kitô giáo đã làm cho họ nghèo đói.
Các vị lãnh đạo Giáo Hội phải ra sức lên tiếng phân biệt việc rao giảng Phúc Âm và công cuộc thực dân.
Nhiều vị giám mục các nước thuộc địa khẳng định đấu tranh giành độc lập là hợp pháp.
Các giám mục bản quốc dần dần được thay thế các giám mục Châu Âu. Các xứ truyền giáo trực tiếp tùy thuộc Rôma qua các vị Đại Diện Tông Tòa, nay trở thành các giáo phận tương tự như các giáo phận trong Giáo Hội cũ Âu Châu. Công cuộc giải thực làm phát sinh các Giáo Hội trẻ thật sự tự lập. Phải nói ngay rằng sự tự lập này đã khởi đầu sớm hơn nơi các giáo hội Thệ Phản hải ngoại, vì họ ít hướng về Âu Châu hơn so với các Giáo Hội Công Giáo.
Chương XX

GIÁO HỘI THỜI CÔNG ĐỒNG VATICAN II

Công Đồng Vatican II có ý nghĩa như là kết quả của khoảng 20 tìm tòi về mục vụ và thần học, đồng thời như một khúc quanh của Giáo Hội đang thấm nhiễm tinh thần Trentô.


Vatican II gợi lên nhiều hi vọng, dường như làm tiêu tan thái độ hiểu lầm giữa Giáo Hội và thế giới. Tuy nhiên vẫn không tránh khỏi những khó khăn mà chúng ta sẽ thấy.
I. CÔNG ĐỒNG VATICAN II
1. Thời kì chuẩn bị
Được Đức Thánh Cha Gioan XXIII loan báo ngày 25 tháng 1 năm 1959, Công Đồng được chuẩn bị trong hai thời. Thời tiền chuẩn bị mở đầu hôm 2-5-1959 : thành lập một ủy ban do Đức Hồng Y Tardini trưởng ban, có nhiệm vụ tổ chức và thu thập ý kiến khắp nơi, kết thúc hôm 1-5-1960.
Thời chuẩn bị mở đầu hôm 5-6-1960, từ đây các nhân viên thuộc 10 Ủy Ban, 3 Văn Phòng và Ủy Ban Trung Ương (được triệu tập hôm 14-11-1960) chung sức vạch ra 73 lược đồ. Thời này kết thúc hôm 11-6-1962.
Tuy vậy, nội dung vẫn chưa được rõ ràng, nhưng Đức Thánh Cha chia ra làm 2 mục tiêu lớn là :
- Cập nhật hóa Giáo Hội và tông đồ vụ trong thế giới đang biến chuyển sâu xa.

- Hiệp nhất các kitô hữu.


2. Diễn tiến Công Đồng (bốn kì họp)
- Khóa họp đầu tiên từ (11-10 đến 8-12-1962), có khoảng 2400 nghị phụ hiện diện : có những quan sát viên từ những Giáo Hội khác được mời, có lúc 31 vị, rồi lên tới 93 vị lúc bế mạc Công Đồng. Ngoài ra còn có sự hiện diện của nam nữ dự thính viên giáo dân.
Trong khóa họp này, Công Đồng duyệt xét các lược đồ về : Mạc khải, Phụng Vụ, Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội, Đại Kết, Giáo Hội (phần I). Những sự kiện quan trọng trong kì này : Công Đồng quyết định hoãn lại nhiều cuộc bầu chọn vào các Ủy Ban, vì không ưng danh sách do Giáo Triều giới thiệu ; sứ điệp gửi thế giới "như là báo thức Hiến Chế Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay" ; gửi lại cho các ủy ban lược đồ "Hai Nguồn Mạc Khải" để điều chỉnh.
- Khóa hai : Sau khi ra Thông Điệp "Hòa Bình Trên Trái Đất" được vài tháng thì Đức Gioan XXIII từ trần (1963). Đức Phaolô VI lên kế vị và tiếp tay vào công cuộc mà Đức Gioan đã khởi sự. Trong khóa này có đề cập nhiều đề tài : tính tập đoàn của Giám mục, vấn đề đại kết và tự do tôn giáo ; công bố Hiến Chế Phụng Vụ và Sắc lệnh về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội. Năm 1964, Đức Thánh Cha ra khỏi nước Ý để hành hương Thánh địa. Đây là cuộc hành hương trở về nguồn, cử chỉ hiệp nhất. Tại đây, người gặp Thượng phụ Constantinôpôli Athênagoras. Tháng 5-1964, thành lập Văn phòng liên lạc với những người ngoài Kitô giáo. Số lược đồ giảm xuống còn 17.
- Khóa họp III : Các nghị phụ bàn thảo về tự do tôn giáo, Hiến Chế Tín Lí về Giáo Hội, Sắc Lệnh về Hiệp Nhất, về Các Giáo Hội Đông Phương... Công Đồng đề nghị thành lập một Thượng Hội Đồng Giám Mục, họp định kì. Tháng 12 năm 1964, với chuyến hành hương tới Bombay (Ấn Độ), Đức Giáo Hoàng liên lạc với Thế giới thứ Ba.
- Khóa họp IV : là khóa họp cuối cùng (1965), mọi bản văn được tranh luận trước đây được bỏ phiếu và ban hành.
Ngày 4-10-1965, Đức Phaolô VI lên diễn đàn Liên Hợp Quốc ở New York. Lời Kêu gọi hòa bình của Người gây tiếng vang lớn. Ngày 7-12, Rôma và Constantinôpôli chính thức hủy bỏ vạ tuyệt thông đã ra cho nhau năm 1054. Ngày 8-12-1965, Công Đồng bế mạc.
3. Những nét đặc biệt trong chiều hướng cởi mở của Công Đồng
Công Đồng muốn mình là Công Đồng mục vụ, nhằm nói với mọi người đương thời. Công Đồng không đưa ra định tín nào, không đưa ra một kết án hay vạ tuyệt thông nào cả.
- Nét chủ yếu trong chiều hướng này là thần học trở về nguồn. Hiến Chế Mạc Khải nhấn mạnh sự duy nhất của Mạc khải, mà không được tách biệt giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền. Việc trở về với Lời Chúa là công việc quan trọng và cần thiết hàng đầu. Ngoài ra còn nói tới chức tư tế phổ quát của người kitô hữu, Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, tính tập đoàn Giám mục.
- Cởi mở với các kitô hữu và các tôn giáo khác, trong đó đề cao quyền bất khả xâm phạm của con người, quyền tự do theo chân lí... Mọi người đều có quyền đòi hỏi những điều đó. Sắc lệnh về Hiệp Nhất nhấn mạnh là các Giáo Hội Kitô tiên vàn phải nhìn tới yếu tố chung là Đức Kitô và Phúc Âm.
Về phần mình, Giáo Hội cũng phải sám hối về những sai lỗi của mình, và biết nhìn nhận các chân lí nơi các tôn giáo khác, nhất là các tôn giáo độc thần.
- Đối thoại với thế giới hôm nay, Hiến chế Mục Vụ, Công Đồng đưa Giáo Hội vào một cuộc đối thoại mới với thế giới, trong đó vấn đề hôn nhân và gia đình, văn hóa kinh tế, xã hội chính trị, xây dựng hòa bình, thiết lập văn phòng liên lạc với những người vô tín (4-1965)
Vatican II chấm dứt thời kì Công Đồng Trentô. Sinh hoạt của Giáo Hội bắt đầu dựa vào Công Đồng. Tuy nhiên, tất cả không phải là suôn sẻ.
II. TÌNH HÌNH GIÁO HỘI SAU CÔNG ĐỒNG
1. Tòa Thánh thực hiện những chỉ thị của Công Đồng
Theo tinh thần của Đức Phaolô VI, đã đến lúc Giáo Hội đi vào tinh thần Công Đồng và trung thành áp dụng những chỉ thị mà Công Đồng đặt ra. Nhất là hai lãnh vực thay đổi quan trọng là phụng vụ và cơ cấu tổ chức Giáo Hội. Phụng vụ được dùng tiếng bản quốc, đặt lại giá trị phụng vụ lời Chúa, chịu lễ hai hình, đồng tế... ; về cơ cấu Giáo Hội : cải tổ Giáo Triều, bớt những gì không cần thiết...
- Ở cấp cao hơn, việc áp dụng tính tập đoàn Giám mục, hình thức Thượng Hội Đồng Giám Mục và hình thức này nhóm họp đầu tiên vào năm 1967...
2. Những nỗ lực canh tân trong Giáo Hội theo chiều hướng Công Đồng
Tòa Thánh đã làm cho mọi người chú ý những chỉ thị cụ thể, đến lượt toàn thể Giáo Hội nỗ lực canh tân theo những chiều hướng của những chỉ thị này. Những việc canh tân xúc tiến trong mọi lĩnh vực : Tinh thần tập đoàn và cộng tác đối thoại, mục vụ, bí tích, giáo lí, phụng vụ Thánh lễ... canh tân đời sống tu trì, về vấn đề phó tế vĩnh viễn, giáo dân được trao nhiều sinh hoạt trong Giáo Hội và được đề cao... Việc hành hương của vị Cha chung, tiếp xúc gặp gỡ... và nhất là về Thánh Kinh : có bộ Kinh Thánh dịch chung với người Tin Lành lấy tên là TOB.
Ngoài ra, quyền con người cũng được đảm bảo. Một loạt các Thông Điệp : "Hòa Bình Trên Trái Đất", "Phát Triển Các Dân Tộc"...

3. Những xáo trộn và khủng hoảng
- Lý do ngay trong ý hướng canh tân đã ảnh hưởng lớn trong đời sống Giáo Hội, tâm thức và cách hành xử của người Công Giáo. Trong đó có cơn khủng hoảng về linh mục (riêng năm 1963-1978 có 32.000 đơn xin hồi tục), ơn gọi bị giảm sút... Nhưng có lẽ khủng hoảng trầm trọng nhất liên hệ đến Thông Điệp "Sự Sống Con Người" (Humanae Vitae 7-1968) về vấn đề hôn nhân và kế hoạch gia đình.
Thực ra, khi kể về những khủng hoảng và những hi vọng của Giáo Hội ngày nay hẳn không bao giờ hết. Chúng ta biết rằng yếu tố chủ chốt đưa đến vấn đề là : có một sự căng thẳng nào đó giữa tính phổ quát của Giáo Hội và của sứ điệp Phúc Âm một bên, còn bên kia là Giáo Hội địa phương. Thực tế không phải như thế. Vì mọi khu vực cũng như các Giáo Hội địa phương đều có những quan tâm và những ưu tư của mình, nghĩa là Giáo Hội địa phương vẫn còn nét đặc thù riêng. Do vậy, những cuộc cải cách chính Giáo Triều nhằm đáp ứng một phần những vấn đề trên.
- Nói về lịch sử thì mọi thời có một sự kiện khác nhau. Chúng ta hôm nay có ánh sáng Công Đồng Vatican II soi chiếu và mở lối, nhưng không phải đã đủ hoàn toàn, mà chúng ta có thể gặp khó khăn không kém xưa.

___________





tải về 0.53 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương