Kinh đỊa tạng bồ TÁt bổn nguyện thiển thíCH



tải về 2.73 Mb.
trang16/32
Chuyển đổi dữ liệu08.09.2016
Kích2.73 Mb.
#31926
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   ...   32

Giảng đến đây, tôi nhớ đến một công án về Chí Công Thiền Sư, đời vua Lương Võ Ðế ở Trung Hoa. Ðương thời, mỗi ngày Chí Công Thiền Sư đều ăn hai con chim bồ câu. Thấy thế, người đầu bếp nghĩ rằng thịt bồ câu hẳn là ngon lắm, và một hôm anh ta lén ăn bớt một cái cánh của chim bồ câu. Chí Công sau khi ăn hết hai con bồ câu thì hỏi anh ta: "Tại sao ngươi ăn vụng thịt bồ câu của ta?"

Người đầu bếp liền chối: "Bạch Thầy, con đâu dám làm thế!"

Chí Công gặn hỏi: "Không phải sao? Ông xem này!" Nói xong, Ngài há miệng và khạc ra hai con chim bồ câu—một con vỗ cánh bay đi liền, còn con kia thì không bay đi được vì bị thiếu mất một cái cánh! Và Ngài hỏi tiếp trước sự sửng sốt của người đầu bếp: "Nếu ông không ăn thì cánh của con chim này mất đi đâu?" 

Quý vị xem, cùng là ăn thịt chim bồ câu đã được nấu chín và chặt nhỏ, mà Chí Công Thiền Sư thì có thể khạc ra lại nguyên vẹn con bồ câu còn sống; còn người đầu bếp thì không có được khả năng ấy—ăn vào bụng rồi là thôi, chẳng thể làm cho nó sống lại được. Cho nên, cảnh giới của Chí Công Thiền Sư là "ăn mà như không ăn" vậy.

Lại có một công án khác về Tế Công Thiền Sư ở chùa Linh Ẩn tại Tây Hồ, Hàng Châu (Trung Hoa). Ngài là một vị Sư như thế nào? Ngài ăn thịt chó, uống rượu, và ngày nào cũng uống đến say mèm, đến nỗi vừa nhìn là ai nấy đều biết ngay đó là một ông Sư say rượu, chẳng chối cãi gì được! Song, thật sự thì những khi say sưa như thế chính là lúc Ngài giáo hóa chúng sanh. 

Một lần nọ, trong chùa tạc một pho tượng Phật và muốn thếp vàng. Tế Công Thiền Sư hay tin liền bạch với Hòa Thượng phương trượng: "Xin Hòa Thượng cho phép tôi thếp vàng pho tượng Phật này, khỏi phải kêu mướn ai cả!"

Hòa Thượng phương trượng bằng lòng. Thế nhưng đợi mãi vẫn không thấy Tế Công thếp vàng cho pho tượng, vị Sư quản lý bèn nhắc: "Ông muốn thếp vàng tượng Phật này, nhưng sao chờ mãi mà không thấy ông làm gì cả?" 

Tế Công nói: "Vâng, tôi sẽ làm ngay." 

Ðến tối hôm ấy, Tế Công lại cũng uống rượu say mèm như mọi khi, rồi đợi cho mọi người đều đi ngủ cả, Ngài đến trước pho tượng Phật mới tạc và há miệng khạc vàng ra rồi phun lên pho tượng. Bấy giờ, khi toàn thể bức tượng đã được bao phủ bởi một lớp vàng sáng lóng lánh, chỉ còn sót một chỗ trên đỉnh đầu mà thôi, thì vị Sư quản lý nghe thấy tiếng khạc nhổ om sòm của Tế Công, bèn tức tốc chạy đến xem và trách móc: "Sao ông lại cả gan đến thế? Ông dám nhổ đờm lên tượng Phật à?" 

Tế Công chỉ nói: "Thế à? Thôi, tôi không nhổ nữa"; và bỏ đi. 

Hôm sau, mọi người ra xem thì thấy tượng Phật đã được thếp vàng xong xuôi, chỉ còn sót một chỗ nhỏ trên đỉnh đầu mà thôi. Vì thế, trong chùa phải gọi người thợ chuyên môn thếp vàng đến làm nốt cho xong; nhưng lớp vàng đắp thêm đó lại không đẹp bằng vàng mà Tế Công khạc nhổ ra!

Quý vị xem, cảnh giới của hàng A La Hán thật là không thể nghĩ bàn! Do đó, chúng ta là những người tin Phật thì không nên ngồi lê đôi mách, rao nói lỗi của Tứ Chúng. Bởi nếu đối tượng mà quý vị xúc phạm là người bình thường thì có thể không hề gì, nhưng nếu nhằm bậc thánh nhân đã chứng quả thì quý vị sẽ mang tội. Mang tội thì sẽ ra sao? Thì quý vị sẽ bị đọa địa ngục!

Tại sao có những người muốn hủy báng Tam Bảo? Ðó là vì họ không có tín tâm! Nguyên nhân nào khiến những kẻ ấy không có tín tâm? Tùy theo trường hợp, có lúc là do họ giao du nhằm bạn xấu mà ra. "Bạn xấu" là bao gồm những kẻ xấu xa, ác độc, không hiểu Phật Pháp. Những kẻ ác không hiểu Phật Pháp thì thường hủy báng Tam Bảo, do đó nếu người nào kết giao với họ thì cũng bị tiêm nhiễm, dần dần cũng có thói khinh chê, hủy hoại Tam Bảo như họ vậy. 

Ngoài ra, những người siểm khúc, ngu si cũng thường hủy báng Tam Bảo. Thế nào gọi là "siểm khúc"? "Siểm khúc" là siểm nịnh, nịnh nọt—người thời nay thường nói là "tâng bốc, bợ đỡ." Như có những người không tiếc lời ca tụng, tấm tắc khen ngợi quý vị, để được quý vị tin yêu, rồi sau đó lợi dụng sự tin yêu của quý vị để mưu đồ lợi lộc riêng tư—như thế gọi là "siểm khúc," bởi tâm địa của họ vốn khúc mắc quanh co, gian manh xảo trá, chứ không phải ngay thẳng, thành thật. Vì sao họ lại siểm khúc như thế? Bởi vì họ ngu si! Song le, những kẻ ngu si đó lại tự cho rằng mình vô cùng thông minh tài trí, nên ôm trong lòng một nỗi "thông minh mạn"—kiêu hãnh, ngạo mạn về trí thông minh hão của mình! 

"Thông minh mạn" cũng chính là "tăng thượng mạn"—là thứ kiêu căng ngã mạn giống như của năm ngàn người bỏ ra về, không dự Pháp Hội thuyết Kinh Pháp Hoa vậy. Người "tăng thượng mạn" mang trong lòng mối "thông minh mạn"—họ có phần nào thông minh, song rất kiêu ngạo, xem thường người khác, coi ai cũng không bằng mình. Do thói ngạo mạn về trí thông minh của mình, nên họ không tin Chánh Pháp, lại còn khinh chê, hủy báng giáo lý của Ðức Phật, "móc" bỏ Pháp Nhãn của chúng sanh. Tại sao nói như thế? Bởi chúng sanh vốn có Trạch Pháp Nhãn (con mắt, khả năng biết chọn lựa Pháp), nhưng họ lại muốn làm cho chúng sanh mất phương hướng, lầm đường lạc lối, như thế thì có khác nào cầm dao khoét mất "con mắt" Trạch Pháp Nhãn của chúng sanh? 

Những kẻ làm cho chúng sanh không còn Trạch Pháp Nhãn này, trong tương lai sẽ bị quả báo thân thể có khuyết tật hoặc tàn phế, như không có tay hoặc không có chân. "Không có chân" tức là mắc bệnh liệt hoặc bệnh khoèo, và thường là không đi đứng được hoặc chỉ đi khập khiểng. Họ cũng có thể phải chịu quả báo bị câm, tuy có lưỡi nhưng không nói được. Vì sao có người bị câm? Quý vị cần phải lưu ý điểm này—người câm trên thế gian này đều là do hủy báng Tam Bảo mà ra!

Những kẻ hủy báng Tam Bảo sẽ bị đọa vào địa ngục và ở đó thọ tội trong suốt hai ức năm, rồi mới được đi đầu thai; đầu thai làm thân gì? Họ phải đầu thai làm thân súc sanh như ngựa, trâu, dê, gà, chó... ; và họ phải mang thân súc sanh như thế suốt hai ức năm, rồi sau đó mới được làm người trở lại. Bấy giờ, tuy họ được mang thân người song sáu căn không toàn vẹn—như bị đui mù, không có mắt; hoặc bị điếc, không nghe thấy gì cả; hoặc bị câm, có lưỡi mà không nói được, chẳng khác gì không có lưỡi vậy... Nói tóm lại, những người mà đời này lục căn bị khiếm khuyết hoặc tướng mạo xấu xí, đều là do trong đời quá khứ họ đã từng chê bai, hủy báng Tam Bảo. Lúc sống, họ phải chịu đựng vô lượng đau khổ đắng cay như thế, và sau khi chết họ lại còn bị đọa vào địa ngục Vô Gián nữa. Ðó là nói về quả báo do hủy báng Tam Bảo.

"Chẳng kính tôn kinh." Ðây là điều chúng ta cần phải chú ý—phàm là kinh điển của Phật, chúng ta nhất định phải tôn kính, quý trọng. Kinh Kim Cang có dạy: 

 

"Phàm nơi nào có kinh điển là nơi đó có Phật." 



(Phàm thị kinh điển sở tại chi xứ, tức vi hữu Phật.) 

Ở đâu có kinh điển thì ở đó có Phật. Kinh điển là nơi an trụ của Pháp Thân chư Phật, do đó chúng ta phải hết lòng cung kính. Nơi cất giữ kinh điển cần phải được thu dọn cho sạch sẽ, ngăn nắp, không nên để bừa bãi. Kinh Phật phải được đặt ở nơi cao ráo và bên trên tất cả các loại kinh điển hoặc sách vở phổ thông khác, và phải để về phía đầu nằm chứ không được để ở phía chân; bằng không, nếu để ở dưới thấp, tức là không cung kính. Ngoài ra, giường ngủ là nơi không được sạch sẽ nhất, cho nên phải nhớ kỹ là không nên để kinh điển trên giường. Phàm là kinh Phật hoặc sách Phật, chúng ta đều phải cung kính, tôn trọng—phải cung kính kinh điển như cung kính Phật vậy. Không cung kính kinh điển tức là không cung kính Phật, và như thế cũng chính là hủy báng Tam Bảo vậy. 

Những nghiệp tội "làm thân Phật chảy máu, hủy báng Tam Bảo, chẳng kính tôn kinh" là như nhau, cho nên kẻ nào có những hành vi này, thì "kẻ đó phải đọa vào địa ngục Vô Gián trong ngàn muôn ức kiếp, không lúc nào mong ra khỏi được." Do đó, mọi người phải nhớ kỹ đoạn kinh văn vô cùng quan trọng này. Người học Phật nhất định phải luôn luôn tôn kính Tam Bảo, quý trọng kinh điển, và không làm thân Phật chảy máu!    

Kinh văn:

"Nếu có chúng sanh xâm tổn của Thường Trụ, làm nhơ nhuốc Tăng Ni, hoặc tứ tình hành dâm trong chốn Già Lam, hoặc giết hoặc hại; hạng người như thế phải đọa vào địa ngục Vô Gián trong ngàn muôn ức kiếp, không lúc nào mong ra khỏi được."  

Lược giảng:

"Nếu có chúng sanh xâm tổn của Thường Trụ..." Thế nào gọi là "xâm tổn của Thường Trụ"? "Thường Trụ" tức là đạo tràng, và có bốn loại (Tứ Chủng Thường Trụ); đó là:

-Thường Trụ Thường Trụ;

-Thập Phương Thường Trụ;

-Hiện Tiền Hiện Tiền Thường Trụ;

-Thập Phương Hiện Tiền Thường Trụ.

1) Thường Trụ Thường Trụ. "Ðạo tràng" thì luôn luôn tồn tại và thường xuyên có người xuất gia trú ngụ, cho nên gọi là chốn "thường trụ của thường trụ." 

"Thường Trụ" là chỗ ở của Tăng chúng; vậy thì thế nào gọi là "xâm tổn của Thường Trụ"? Những thứ gì của Thường Trụ có thể bị xâm phạm, hao tổn? Ðó là thực phẩm (đồ ăn thức uống), và tài vật thuộc về Thường Trụ. Phàm những người chưa xuất gia mà đến ở trong chùa, thì cần phải biết cúng dường cho chùa. Nếu quý vị ở chùa vài ngày rồi bỏ đi, chẳng hề cúng dường Thường Trụ gì cả, như thế tức là quý vị đã "xâm tổn của Thường Trụ" và trong tương lai chắc chắn sẽ bị đọa địa ngục. 

Vậy thì, thế nào mới là không "xâm tổn của Thường Trụ"? Thí dụ quý vị đến ở trong chùa và có thể cúng dường Thường Trụ một số tiền tương đương với phí tổn mà quý vị phải trả nếu ở trọ nơi khác; như thế thì quý vị không "xâm tổn của Thường Trụ." Do đó, tôi chủ trương rằng tất cả các đệ tử quy y của tôi, hễ đến bất cứ đạo tràng nào thì cũng đều phải nỗ lực trợ giúp đạo tràng đó và tuyệt đối không được xâm tổn của Thường Trụ!

"Xâm tổn của Thường Trụ" tức là bóc lột tài sản của chùa, làm cho tài sản của chùa bị hao hụt, sút giảm. Chúng ta đã không giúp đỡ được thì thôi; chứ đừng bao giờ xâm phạm, gây tổn thất cho chùa. Những người không hiểu Phật Pháp cứ cho rằng ở trong chùa thì khỏi tốn kém gì cả, nên tha hồ lợi dụng cơ hội! Ðiều này, nếu chưa hiểu Phật Pháp thì còn có thể châm chế cho được; nhưng sau khi đã hiểu Phật Pháp rồi thì dứt khoát là không nên xâm tổn của Thường Trụ nữa!

Ðừng nói là người tại gia, ngay cả tôi tuy là kẻ xuất gia, song hễ đến trú ở bất cứ Thường Trụ nào, tôi đều có cúng dường đôi chút. Thí dụ, nếu ở nhà trọ mỗi ngày phải trả năm đồng, thì tôi cúng dường cho Thường Trụ đó một nửa số tiền, tức là ba đồng. Ở lại chùa nào tôi cũng đều cúng dường cả, trừ phi chính mình thật sự không có tiền mà thôi. Nếu quý vị quả thật là không có tiền thì không sao, nhưng nếu có tiền thì chớ nên xâm tổn của Thường Trụ; cho dù là người xuất gia cũng không nên xâm tổn của Thường Trụ. Bởi Thường Trụ ví như đại địa, là nơi trú ngụ của đại chúng; nếu quý vị phá hoại, phung phí của Thường Trụ, khiến cho đại chúng bị thiếu thốn, không đủ ăn, thì quý vị có tội rất lớn. Riêng cá nhân mình thì dẫu có đói đến chết cũng chẳng hề chi, nhưng nếu quý vị làm cho những người xuất gia đang sống trong Thường Trụ này không còn gì để ăn, cũng không được ai cúng dường, tức là quý vị đã "xâm tổn của Thường Trụ" vậy. Bởi "dân dĩ thực vi thiên"—người dân xem cái ăn là trời, xem sự no cơm ấm áo là điều thiết yếu—cho nên, nếu quý vị khiến cho người khác không còn gì ăn, tức là quý vị đã tạo tội rồi vậy.

Cho nên chúng ta, những người nghiên cứu Phật Pháp, hễ ở lại bất cứ chùa nào thì đều nên tùy khả năng mà cúng dường cho chùa đó, không nên xâm tổn của Thường Trụ. Quý vị tạm trú tại chùa, cúng dường dù có ít so với tiền thuê phòng trọ, thì cũng được coi như quý vị đã hết lòng; chớ nên chỉ ở rồi bỏ đi, chẳng cúng dường một chút gì cả! 

2) Thập Phương Thường Trụ. Ðạo tràng là nơi mà chư Tăng từ khắp mười phương đều có thể trú ngụ, nên gọi là "thường trụ của mười phương Tăng." 

3) Hiện Tiền Hiện Tiền Thường Trụ. Chư Tăng hiện đang trú ngụ ở đạo tràng được gọi là "hiện tiền Tăng."

4) Thập Phương Hiện Tiền Thường Trụ. Chư Tăng từ khắp mười phương đến đạo tràng thì đều được dự phần; điều này bao gồm cả đồ vật của "vong Tăng." Thế nào gọi là "vong Tăng"? "Vong Tăng" tức là vị Sư đã viên tịch. Sau khi một vị Sư viên tịch, những đồ đạc của vị ấy để lại—có thể là những món đồ quý giá, hoặc bảo vật đắt tiền cũng không chừng (bởi giữa các Tăng nhân không có gì là nhất định cả!)—sẽ được Thập Phương Hiện Tiền Thường Trụ phân chia.

Tăng vật thuộc Hiện Tiền Hiện Tiền Thường Trụ thì chỉ dành cho chư Tăng hiện đang tạm thời trú ngụ tại chùa, những vị đến sau không có phần; còn của Thập Phương Hiện Tiền Thường Trụ thì bất kể là đến trước hay đến sau, chư Tăng đều có thể cùng chia nhau di sản của vị Sư đã viên tịch.

"Làm nhơ nhuốc Tăng Ni." Tăng Ni là những người xuất gia—Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni. Có nhiều người rất dã man, độc ác, nhẫn tâm làm nhơ nhuốc phẩm hạnh thanh tịnh của Tăng Ni, cưỡng bức các Tỳ Kheo Ni làm điều dâm loạn—những kẻ ấy đều mang tội rất nặng. 

 

"Hoặc tứ tình hành dâm trong chốn Già Lam." "Già Lam" là nơi thanh tịnh yên tĩnh—như đạo tràng, chùa chiền, tự viện. "Tứ" là phóng túng, không tuân giữ quy củ. Không tuân giữ quy củ gì? Ðó là không tuân giữ thanh quy, tùy tiện hành dâm ở chốn đạo tràng thanh tịnh. Những nơi có hình tượng Phật thì không được hành dâm, làm điều ô uế; nếu phạm, thì bị khép vào tội "tứ tình hành dâm." 



Thuở trước, có một người nọ mắc phải chứng bệnh nam căn thường bị ung nhọt, lở loét, bèn đến thỉnh vấn ngài Mục Kiền Liên về nguyên nhân bệnh trạng của mình. Tôn Giả Mục Kiền Liên trả lời người ấy rằng: "Bởi trong đời quá khứ ông đã phạm tội ‘tứ tình hành dâm trong chốn Già Lam,’ do đó đời này phải chịu quả báo nam căn thường bị làm độc, ghẻ lở, mắc nhiều chứng bệnh." Ðây là nói về người nam, song nam hay nữ thì cũng vậy—bất luận là ai, hễ không giữ phép tắc thanh quy, tùy tiện làm điều dâm loạn ở chốn đạo tràng, thì đều bị đọa địa ngục cả; đến khi ra khỏi địa ngục, nếu được đầu thai làm người thì nam căn hoặc nữ căn thường bị ung nhọt, hoặc mắc phải các chứng bệnh nan y, không chữa trị được. Cho nên, "nhân nào quả nấy"—quý vị nhất định phải tin ở luật nhân quả; bằng không, sau này sẽ phải nhận lãnh quả báo khổ sở.

"Hoặc giết hoặc hại." Có khi những kẻ độc ác đó, vì việc cưỡng hiếp không thành, bèn nhẫn tâm ám hại hoặc giết chết nạn nhân.

 

"Hạng người như thế—những kẻ xâm tổn Thường Trụ, ô phạm Tăng Ni, tứ tình hành dâm trong chốn chùa chiền, hoặc giết hại người xuất gia—phải đọa vào địa ngục Vô Gián trong ngàn muôn ức kiếp, không lúc nào mong ra khỏi được." Họ cầu mong được thoát khỏi địa ngục song kỳ hạn thì lâu dài đến vô lượng vô biên, không thể tính kể.



Có người cảm thấy rằng Phật Pháp càng học càng khó khăn, càng học càng bị gò bó, mất tự do. Kỳ thực, không học Phật Pháp thì sau này sẽ hoàn toàn bị mất tự do; còn học Phật Pháp thì chỉ hiện tại tạm thời bị mất tự do mà thôi. Bây giờ quý vị học Phật Pháp thì đây chính là lúc thiện căn tăng trưởng; trái lại, nếu không học Phật Pháp thì nghiệp chướng sẽ gia tăng. Nghiệp chướng tăng trưởng thì sự "mất tự do" ấy sẽ là "mất tự do" vĩnh viễn. Song, thiện căn tăng trưởng thì sự "mất tự do" trong hiện tại chỉ là tạm thời, chỉ một thời gian ngắn mà thôi. Nếu quý vị muốn mãi mãi "mất tự do" thì khỏi học Phật Pháp; còn nếu muốn trong tương lai được tự do thì tạm thời chịu khó "mất tự do" đôi chút. Ðối với người học Phật Pháp, sự "mất tự do" này rất ngắn ngủi và không đáng kể; nhưng với kẻ không học Phật Pháp, thì thời gian bị "mất tự do" ấy dài đăng đẳng! Vậy, quý vị hãy tự cân nhắc thiệt hơn, xem mình phải làm như thế nào!    

Kinh văn:

"Nếu có chúng sanh giả làm Sa Môn mà tâm chẳng phải Sa Môn, phá hoại, lạm dụng của Thường Trụ, gạt gẫm hàng bạch y, trái phạm Giới Luật, tạo vô số tội ác; hạng người như thế phải đọa vào địa ngục Vô Gián trong ngàn muôn ức kiếp, không lúc nào mong ra khỏi được."  

Lược giảng:

"Nếu có chúng sanh giả làm Sa Môn..." Có bốn hạng Sa Môn (Tứ Chủng Sa Môn)—Thắng Ðạo Sa Môn, Thuyết Ðạo Sa Môn, Hoạt Ðạo Sa Môn và Ô Ðạo Sa Môn.

1) Thắng Ðạo Sa Môn. Thế nào gọi là "Thắng Ðạo Sa Môn"? Chư Phật và chư Bồ Tát đều được gọi là những bậc Thắng Ðạo Sa Môn, tức là hạng Sa Môn trổi thắng hơn hết về Ðạo lý.

2) Thuyết Ðạo Sa Môn. Hạng Sa Môn này lấy việc giảng Kinh thuyết Pháp là lẽ sống; và đó chính là những bậc đại đức cao tăng đã chứng quả A La Hán. 

3) Hoạt Ðạo Sa Môn. Ðây là hạng Sa Môn sống đời vì Ðạo, lấy việc tu Ðạo là lẽ sống.

4) Ô Ðạo Sa Môn. "Ô" là ô uế, không thanh khiết. Hạng Sa Môn này làm ô uế Ðạo; và đây chính là hạng Sa Môn được nói đến trong đoạn kinh văn này.

"Sa Môn" là tiếng Phạn và có ba nghĩa; ba nghĩa này thật ra không phải là ba mà là hai nghĩa; hai nghĩa này đúng ra chẳng phải là hai mà là một nghĩa—Phật Pháp kỳ diệu như thế đấy! Vậy, chữ "Sa Môn" có một nghĩa, thì một nghĩa đó là gì? Ðó là "cần tức"; "Sa Môn" có nghĩa là "cần tức"—siêng năng dứt bỏ.

"Cần" là cần mẫn siêng năng; còn "tức" là "hưu tức" và có nghĩa là dứt bỏ, ngưng nghỉ. "Cần" cũng có nghĩa là không lười biếng; và "tức" hàm ý lười biếng, không siêng năng. Thế nên, có thể nói rằng đó là hai ý muốn của một con người—một đằng thì lười biếng, và một đằng thì siêng năng. "Lười biếng" chèo kéo, rủ rê "siêng năng": "Ðừng đi làm nữa; phải hưởng thụ đôi chút chứ!" "Siêng năng" khuyên can: "Ồ! Anh đừng lười biếng, hãy theo tôi tinh tấn tu tập." Vị Sa Môn phải tự đấu tranh, giằng co với hai ý tưởng như thế; hễ bên nào có "thế lực" hơn thì bên đó thắng—"siêng năng" mạnh hơn thì "lười biếng" thua cuộc; "lười biếng" mạnh hơn thì "siêng năng" bại trận. Vậy, đây là một người có hai ý muốn là "cần" và "tức"—siêng năng và biếng nhác—và đó cũng chính là hai nghĩa của từ ngữ "Sa Môn."

Còn nói "Sa Môn" có ba nghĩa, là gồm có những gì? "Cần" (siêng năng) được chia làm ba loại, và "tức" (dứt bỏ) cũng được phân thành ba loại. Ba loại "cần" là gồm những gì? Ðó là "cần tu Giới, Ðịnh, Huệ"—siêng tu Giới, siêng tu Ðịnh và siêng tu Huệ. Còn ba loại "tức" chính là "tức diệt tham, sân, si"—dứt bỏ tâm tham lam, dứt bỏ tâm sân hận và dứt bỏ tâm si mê. 

"Giới" là gì? "Giới" chính là:  

"Chẳng làm điều ác, 

Vâng làm việc lành." 

(Chư ác mạc tác, 

Chúng thiện phụng hành.) 

Ngoài ra, "Giới" cũng chính là "chỉ ác phòng phi"—chấm dứt các việc ác, không làm điều ác nữa; và ngăn ngừa những sai lầm mà mình có thể gây ra. Có bao nhiêu loại Giới? Căn bản thì có Ngũ Giới—không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Ngoài ra, còn có Bát Quan Trai Giới, Sa Di Thập Giới, Tỳ Kheo Giới (250 giới điều), Bồ Tát Giới (mười trọng giới và bốn mươi tám khinh giới), Tỳ Kheo Ni Giới (348 giới điều). Có người nói là Tỳ Kheo Ni Giới có đến 500 điều, song cũng không đáng kể vì hiện nay đa số Tỳ Kheo Ni đều thọ 348 giới điều.

"Ðịnh" là do tham Thiền, tĩnh tọa tu tập mà có được. Muốn có Ðịnh thì phải tu tập, không tu tập thì không thể có Ðịnh. Vì sao người tu hành phải thường xuyên tọa Thiền? Thường xuyên tọa Thiền tức là cách tu Ðịnh từng chút một. Lúc mới bắt đầu tĩnh tọa thì quý vị chưa có Ðịnh, cho nên cái tâm của quý vị cứ chạy lăng xăng—hết lên trời thì lại xuống địa ngục, không đến chỗ Phật thì cũng vào chỗ Bồ Tát, hoặc có khi lại vào cả chuồng ngựa, trâu, dê, gà, chó, heo... Cái tâm này, quý vị thấy đó, không cần mua vé mà bất cứ nơi đâu—thiên đường hay địa ngục—nó cũng đều có thể đến được cả. Vì sao cái tâm này cứ chạy lung tung khắp nơi như thế? Bởi vì quý vị chưa có Ðịnh! Bây giờ quý vị tu Ðịnh, tức là thâu nhiếp cái tâm ấy, tập cho nó hết chạy tới chạy lui, không còn lăng xăng lên Nam xuống Bắc hoặc vào Ðông ra Tây nữa. 

Có người thắc mắc: "Vì sao cần phải tu Ðịnh? Không có Ðịnh thì cũng đâu có sao? Quý vị xem kìa, khiêu vũ, múa hát chẳng phải là thú vị hơn sao? ‘Ðịnh’ là nghĩa lý gì? Cứ ngồi yên một chỗ như khúc gỗ thế kia thì có gì lý thú đâu? Các tượng gỗ tượng đất ngồi trơ trơ ởù đó thì có ích lợi gì? Tôi thấy như thế quá khô khan, thiếu tình cảm; tu Ðịnh thì có lợi ích gì kia chứ?" 

Thật ra, tu Ðịnh vốn không có lợi điểm nào cả, chẳng qua là nếu muốn có trí huệ thì trước hết quý vị cần phải có Ðịnh—không có Ðịnh thì không có được trí huệ. Nếu tâm mà quá tán loạn thì không thể có Ðịnh; không có Ðịnh tất sẽ không có trí huệ. Bởi trí huệ có được là nhờ Ðịnh; do đó, quý vị muốn không còn si mê thì cần phải tu Ðịnh.

Có một người nói rằng trong lúc tọa Thiền, anh ta luôn có cảm giác như mình sắp bị rớt xuống khe núi, cho nên rất sợ hãi. Ðúng thế, đó là khởi đầu của sự đắc Ðịnh; và lúc bấy giờ, quý vị chớ sanh lòng sợ hãi! Hôm nay, nhân Pháp Hội này, tôi sẽ giảng thêm đôi chút. 

Trước đây, tôi có nói là trong khi ngồi tĩnh tọa, lắm lúc quý vị cảm thấy như có dĩa mực đen hoặc tấm sắt lớn lơ lửng trên không và cứ chực rớt xuống đầu mình, hoặc là đạn nguyên tử sắp nổ tung ngay trên đầu mình. Thế thì, lúc đó quý vị phải làm gì? Lúc đó, quý vị không nên chấp tướng, không nên bám trụ vào cảnh giới, bởi nếu chấp tướng thì quý vị sẽ dễ bị rơi vào ma cảnh. Hễ quý vị chấp tướng thì sẽ có đạn nguyên tử nổ tung trên đầu quý vị thật; còn nếu không chấp tướng thì sao? Thì tất cả sẽ rất tĩnh lặng, yên ổn, không việc gì, và nhất định quý vị sẽ thắng được chúng ma! Quý vị có Ðịnh, thì ma quỷ nào cũng chạy trốn hết!

Cảm giác thấy mình như sắp bị rớt xuống vực sâu muôn trượng chỉ là thứ vọng cảnh hư dối, không có thật. Tại sao lại là vực sâu thăm thẳm? Ðó là biểu thị nghiệp chướng của quý vị—nghiệp chướng mà quý vị đã tạo tác từ những đời trước cho đến nay còn thâm sâu hơn cả vực thẳm đó nữa. Vậy, nay biết được là mình nghiệp chướng nặng nề, sâu dày như thế nào rồi, thì quý vị hãy mau mau tu tập, chớ nên sanh tâm sợ hãi nữa.

Lại nữa, đôi khi đang ngồi tĩnh tọa quý vị bỗng cảm thấy rất tự tại—tự tại, tự tại, chân tự tại—một thứ tự tại rất khó hình dung, rất khó diễn tả; và nếu đạt được cảnh giới tự tại này thì quý vị sẽ quên tất cả! Bởi "Sắc Giới trước vị Thiền"—chúng sanh ở cõi Sắc Giới chấp trước vào Thiền vị vì hương vị của Thiền Na đem lại niềm vui sướng không gì sánh bằng, hơn hẳn mọi loại ma-túy! Cảnh giới đó thật khó mà diễn tả bằng lời được, chỉ có thể nói đó là thứ:  

"Tự tại, tự tại, chân tự tại;

Khó thể hình dung, nói không lại";

và:  


"Như người uống nước, ấm lạnh tự biết."

Ví dụ quý vị uống nước trà, nước nóng hay nguội thì chỉ có một mình quý vị là biết rõ thôi; trường hợp này cũng vậy, cảnh giới tự tại này chỉ có những người từng trải mới hiểu được mà thôi. Thế nào gọi là "người từng trải"? Ðó là những người đã từng đi qua con đường này, đã có kinh nghiệm về cảnh giới này; nhờ vậy, quý vị vừa nói ra là họ liền biết quý vị đang ở giai đoạn nào hoặc đã đạt tới trình độ nào ngay!

Hiện nay, trong số quý vị, có người đã dụng công tu tập và sắp đạt tới cảnh giới Ly Sanh Hỷ Lạc Ðịa của Tứ Thiền. Tuy nhiên, cảnh giới ấy cũng không đáng kể lắm, quý vị chớ cho rằng như thế là tài giỏi, bởi đó là chuyện rất bình thường. Tu Thiền, chỉ cần có thành tâm và chuyên cần thì ai ai cũng có thể đạt được cảnh giới như nhau. Vì cảnh giới tự tại, vui sướng đó vốn không gì sánh bằng, cho nên được gọi là "Ly Sanh Hỷ Lạc Ðịa"—sắp xa lìa mọi phiền não, đạt được sự vui sướng; và đó cũng là một trong các thứ Ðịnh vậy.

"Huệ" tức là trí huệ. Có trí huệ thì có ích lợi gì? Có trí huệ thì sẽ không bị lầm đường lạc lối. Tại sao hiện nay có nhiều người sống một cách điên điên đảo đảo, cứ "lấy khổ làm vui"? Ðó là do họ "bội giác hợp trần"—họ thờ ơ quay lưng lại với đạo lý giác ngộ để hợp cùng đạo lý Lục Trần. Tại sao họ hành động như vậy? Bởi họ không có trí huệ; chính vì si mê nên họ mới lầm lẫn "lấy khổ làm vui" mà lại không biết rằng như thế là si mê nhất!

Quý vị nghe giảng Kinh, không cần phải nghe cho nhiều, chỉ cần nghe hiểu một chữ then chốt rồi đem áp dụng, thì sẽ thấy được sự lợi ích bất tận của chữ đó. Như trong câu "cần tu Giới Ðịnh Huệ," thì chỉ cần nắm được một chữ "cần" thôi là đủ rồi—cần mẫn tu Giới, cần mẫn tu Ðịnh, cần mẫn tu Huệ. Phải cần mẫn tu tập thì mới có sự thu hoạch, có sự chứng đắc; không cần mẫn tu tập thì không chứng đắc được gì cả. Do đó, quý vị nhất định phải cần mẫn tu tập, phải vâng lời và tuân theo sự giáo hóa của Sư Phụ mình.

Bây giờ nói đến chữ "tức" trong câu "tức diệt tham sân si" (dứt bỏ tham sân si). Vừa rồi tôi có nói chữ "tức" này còn có nghĩa là lười biếng; vì sao ư? Chữ "tức" này vốn có nghĩa là đình chỉ, hoặc nghỉ ngơi; mà "nghỉ ngơi" không phải là lười biếng thì là gì? "Nghỉ ngơi" tức là lười biếng; "lười biếng" tức là đình chỉ, là ngừng lại, không tiến thêm nữa. "Ðình chỉ" cái gì? "Ðình chỉ" cái tâm tham, tâm sân, tâm si; cho tham, sân, si được "nghỉ ngơi," được "về hưu"—chúng ta không cần dùng đến chúng nữa. Hãy khiến cho tâm tham, tâm sân, tâm si đều đình chỉ! Quý vị không nên tham muốn gì nữa, ngay cả mọi vật chất hưởng thụ của thế gian. Cũng đừng giận dữ, đừng nổi nóng, đừng để cho "lửa" giận bùng lên; hãy đem tánh nóng nảy, đem "lửa" giận ấy ra bố thí đi; bố thí cho ai? Hãy bố thí cho tôi, bố thí cho Sư Phụ. Sư Phụ cần có những ngọn "lửa" giận thật lớn, cần phải rất nóng tánh, để khiến cho đệ tử nể sợ, chứ nếu Sư Phụ cứ hiền hòa, dịu dàng như cái gối bông thì các đệ tử sẽ không kiêng sợ. Không sợ Thầy thì họ sẽ không chịu tu hành; mà không tu hành tức là lười biếng vậy!

Trên đây là nghĩa "cần tức"—cần tu Giới Ðịnh Huệ, tức diệt tham sân si—của từ ngữ "Sa Môn."

"Mà tâm chẳng phải Sa Môn." Có nhiều người gian trá, giả làm Sa Môn thôi chứ không phải thật; thâm tâm họ chẳng hề thực hành đạo hạnh của bậc Sa Môn. Họ không "siêng tu Giới Ðịnh Huệ," cũng chẳng "dứt bỏ tham sân si"; trái lại, còn dám nói rằng tham, sân, si càng nhiều thì càng tốt, và khuyến khích mọi người tốt nhất là hãy quên hết Giới Ðịnh Huệ, chẳng cần nhớ gì cả! Ðó chính là hạng Sa Môn "giả hiệu," hư ngụy; và tâm của những kẻ đội lốt Sa Môn này không hành hạnh từ bi, không tu hạnh nhẫn nhục, không hành Lục Ðộ Vạn Hạnh—họ có dụng tâm không làm phận sự của một vị Sa Môn! Thế thì họ làm gì? Họ mượn danh nghĩa Sa Môn để dễ bề "phá hoại, lạm dụng của Thường Trụ." 

Ðồ vật của Thường Trụ, dù là những thứ lặt vặt nhất, tầm thường nhất như một tờ giấy chẳng hạn, chúng ta cũng không được tùy tiện phung phí, vất bỏ bừa bãi; tại sao? Bởi tuy chỉ là một mẩu giấy, nhưng "tích tiểu thành đa," từ một tờ mà lâu ngày dồn lại thì cũng thành nhiều. Do đó, tùy tiện phí phạm một tờ giấy, cũng là lạm dụng, làm hao tổn của Thường Trụ. 

Có câu rằng:   

"Dù là một lá cây, một cọng cỏ, 

cũng chẳng được không cho mà lấy."

Người ta không cho mình mà mình tự tiện lấy, như thế là trộm cắp. Cho dù đó chỉ là một lá cây hay một cọng cỏ, song hễ chưa được chủ nhân cho phép mà mình đã lấy, tức là trộm cắp vậy. Bất cứ đồ vật gì của người khác, chúng ta đều không được tùy tiện sử dụng. Quý vị dùng đồ của người khác mà người đó lại không biết, như thế cũng là ăn trộm, là phạm giới trộm cắp. 

Lại có câu: 

 

"Dù là một cây kim, một sợi chỉ, 



đều là của bố thí."

Những gì người ta đem cho chùa, dù là một cây kim hay một sợi chỉ, đều gọi là "của bố thí." Do đó, chúng ta không được tùy tiện phá hoại, lạm dụng của Thường Trụ. Phàm là đồ vật thuộc về Thường Trụ, thì dù là người xuất gia sống trong chùa cũng không được tùy tiện lấy đem cho kẻ khác. Trường hợp đó là vật sở hữu của riêng mình thì không sao—thí dụ quý vị có cái áo không mặc nữa nên đem cho người khác, như thế thì được. Còn nếu là đồ vật thuộc của chung của cả chùa, thì ngay cả một sợi chỉ cũng không được tùy tiện đem cho người khác để lấy cảm tình; bởi đó gọi là "mua lòng cá nhân," muốn làm cho người ta có thiện cảm với mình, muốn kết thân với dụng ý riêng. Nếu quý vị muốn làm cho kẻ khác có ấn tượng tốt về mình, để họ thích hộ Pháp và cúng dường riêng cho cá nhân mình—thì đó là điều hết sức sai lầm! Tất cả mọi người cần phải đặc biệt chú ý điểm này!

Vậy, không cần nhiều, dù chỉ một tờ giấy, một sợi chỉ, thậm chí một hạt gạo của chùa mà thôi, nếu quý vị vì tình cảm riêng tư mà tự tiện đem cho người khác, tức là quý vị "phá hoại, lạm dụng của Thường Trụ." Phàm là người xuất gia, đồ đạc của riêng cá nhân mình thì mình có quyền tặng cho người khác, song đối với những thứ thuộc của chung, thì cho dù là một cây nhang mình cũng không được tự tiện đem cho người khác.

"Gạt gẫm hàng bạch y." "Bạch y" (áo trắng) là chỉ cho hàng cư sĩ, những người tại gia. Những kẻ giả danh Sa Môn ấy chẳng những thiếu thành thật, chỉ toàn nói lời dối trá để lừa gạt người tại gia, mà lại còn "trái phạm Giới Luật, tạo vô số tội ác" nữa. Họ không tuân thủ Giới Luật, không trì giữ Ngũ Giới, Bát Quan Trai Giới, Sa Di Thập Giới, Bồ Tát Giới, Tỳ Kheo Giới, Tỳ Kheo Ni Giới; lại còn gây ra không biết bao nhiêu thứ tội ác. "Vô số" tức là không phải chỉ có một loại, mà là rất nhiều loại, ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. 

 

"Hạng người như thế, những kẻ giả danh Sa Môn đó, phải đọa vào địa ngục Vô Gián trong ngàn muôn ức kiếp, không lúc nào mong ra khỏi được."    



Kinh văn:

"Nếu có chúng sanh trộm cắp tài vật, lúa gạo, đồ ăn thức uống, y phục của Thường Trụ, cho đến không cho mà lấy một vật; kẻ đó phải đọa vào địa ngục Vô Gián trong ngàn muôn ức kiếp, không lúc nào mong ra khỏi được."  

Lược giảng:

"Nếu có chúng sanh trộm cắp tài vật, lúa gạo, đồ ăn thức uống, y phục của Thường Trụ, cho đến không cho mà lấy một vật..." 

Thuở trước, có một vị Ðại Bồ Tát phát nguyện rằng: "Giả sử có người phạm các tội Ngũ Nghịch, Tứ Trọng, Thập Ác, thì tôi vẫn có thể cứu độ được. Duy trường hợp trộm cắp tài vật của Thường Trụ, dù chỉ là một lá cây hay một cọng cỏ, thì tôi không thể nào cứu nổi, vì tôi không có cách nào cứu được người đó. Giả sử có người giết chết tám vạn bốn ngàn cha mẹ của mình, tạo tội nghiệt thâm trọng đến dường ấy, thì bằng nguyện lực của mình, tôi vẫn có thể cứu được người đó thoát khỏi địa ngục. Song le, nếu người đó trộm cắp tài vật, đồ ăn thức uống của Thường Trụ—dù chỉ một hạt gạo—thì tôi không tài nào cứu nổi!"

Qua lời nguyện trên, quý vị có thể thấy được rằng trộm cắp tài vật của chùa là tội lớn nhất, nghiêm trọng nhất. Chúng ta, những người tin Phật, cần phải hiểu cho thấu đáo điều này. Phàm là tài sản của Thường Trụ, như lúa gạo, đồ ăn thức uống, hoặc ngay cả một món đồ hết sức nhỏ bé, tầm thường, nhưng nếu chưa được chủ nhân ở chùa cho phép thì quý vị cũng không được lấy; bằng không, sẽ mắc tội "không cho mà lấy." Và như thế, "kẻ đó phải đọa vào Ðịa Ngục Vô Gián trong ngàn muôn ức kiếp, không lúc nào mong ra khỏi được."    

Kinh văn:

Ngài Ðịa Tạng thưa rằng: "Thánh Mẫu! Nếu có chúng sanh nào phạm những tội như thế, thì kẻ đó phải đọa vào Ngũ Vô Gián địa ngục, cầu tạm ngừng sự đau khổ trong chừng một niệm cũng không được."  

Lược giảng:

Ngài Ðịa Tạng thưa với Ma Da Phu Nhân rằng: "Thánh Mẫu! Nếu có chúng sanh nào phạm những tội như thế, gây ra vô số nghiệp tội như tôi vừa kể, thì kẻ đó phải đọa vào Ngũ Vô Gián địa ngục—địa ngục có năm loại không gián đoạn. Bấy giờ, chúng sanh đó cầu tạm ngừng sự đau khổ trong chừng một niệm, một khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi, cũng không được."   

Kinh văn:

Ma Da Phu Nhân lại bạch cùng Bồ Tát Ðịa Tạng: "Thế nào gọi là địa ngục Vô Gián?" 

Ngài Ðịa Tạng thưa rằng: "Thánh Mẫu! Tất cả địa ngục đều ở trong núi Ðại Thiết Vi. Ðịa ngục lớn có mười tám chỗ; thứ kế có năm trăm chỗ, danh hiệu đều khác nhau; thứ kế nữa lại có đến ngàn trăm, danh hiệu cũng đều khác nhau.

"Ngục Vô Gián có ngục thành giáp vòng hơn tám vạn dặm; thành đó thuần bằng sắt, cao một vạn dặm; trên thành có lửa tụ, không chỗ nào hở trống. Trong ngục thành đó, các nhà ngục nối tiếp nhau, danh hiệu đều sai khác."  

Lược giảng:

Ma Da Phu Nhân, mẫu thân của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, lại bạch cùng Bồ Tát Ðịa Tạng: "Thế nào gọi là địa ngục Vô Gián? Vì sao địa ngục đó lại có tên là ‘vô gián’?" 

Ngài Ðịa Tạng thưa rằng: "Thánh Mẫu! Tất cả địa ngục đều ở trong núi Ðại Thiết Vi. Trong số đó, địa ngục lớn có mười tám chỗ—có mười tám sở ngục thuộc loại lớn nhất; thứ kế có năm trăm chỗ, danh hiệu đều khác nhau; thứ kế nữa lại có đến ngàn trăm, danh hiệu cũng đều khác nhau." 

"Ngục Vô Gián có ngục thành giáp vòng hơn tám vạn dặm; thành đó thuần bằng sắt, cao một vạn dặm." Bức thành này làm bằng sắt, cao mười ngàn dặm (lý), và bao quanh một chu vi rộng hơn tám mươi ngàn dặm.  

"Trên thành có lửa tụ, không chỗ nào hở trống." Trên mặt thành lửa cháy ngùn ngụt—lửa ở phía đông bắn sang tường thành phía tây, lửa ở phía tây lại bắn qua tường thành phía đông; lửa ở phía nam phụt sang tường thành phía bắc, lửa ở phía bắc cũng phụt tới tường thành phía nam. Trong địa ngục này đâu đâu cũng rực lửa và đông đảo vô số ác thú, chẳng sót chỗ nào. Trong ngục thành đó, các nhà ngục nối tiếp nhau, danh hiệu đều sai khác." Bên trong bức thành bằng sắt là các địa ngục nằm san sát nhau và mỗi ngục đều có một tên gọi riêng biệt.  

Kinh văn:

"Chỉ có một ngục tên là Vô Gián. Ngục này chu vi một vạn tám ngàn dặm; tường ngục cao một ngàn dặm, toàn bằng sắt và có lửa cháy suốt trên suốt dưới. Trên tường ngục có rắn sắt, chó sắt phun lửa đuổi nhau chạy bên này sang bên kia."  

Lược giảng:

"Chỉ có một ngục tên là Vô Gián." Chỉ có độc nhất một địa ngục có tên là Vô Gián mà thôi. "Vô gián" tức là liên tục, không gián đoạn—sự thống khổ trong địa ngục Vô Gián thì không có lúc ngừng dứt, tội nhân ở đó phải chịu khổ sở, đau đớn luôn luôn. Vì sao họ phải luôn luôn chịu đựng vô vàn thống khổ như vậy? Các linh hồn thọ tội trong địa ngục này là ai? Ðó là những người đã từng gây ra tội lỗi. Mỗi người đều có một linh hồn, và nếu người nào có tội thì linh hồn của người đó phải vào địa ngục để chịu tội. 

Người ở thế gian nếu bị lửa thiêu hoặc bị chém thì đều có thể chết, và chết rồi thì chẳng còn biết đau đớn khổ sở gì nữa; thế thì ở địa ngục, phải chăng chết rồi thì cũng không còn hay biết gì cả? Ðúng thế, cũng không hay biết gì cả! Tuy nhiên, ở địa ngục thì tội nhân cứ chết đó rồi sống đó—sống lại rồi chết đi, chết đi rồi sống lại, và cứ liên miên như thế mãi. Sống lại như thế nào? 

Ở địa ngục có hai loại gió, gọi chung là "xảo phong" (gió tinh khôn). Vì sao gọi là "xảo phong"? Bởi vì hai luồng gió này rất kỳ lạ—một luồng gọi là "xú phong" (gió thối), và một luồng là "hương phong" (gió thơm). "Hương phong" thì làm cho tội nhân sống lại với tướng mạo rất viên mãn và sau đó được thăng lên cõi trời; còn "xú phong" thì cũng làm cho tội nhân sống lại song với hình dạng vô cùng xấu xí, như loài A-tu-la vậy. (Mấy hôm trước tôi đã có giảng rồi, mặt mày của họ rất xấu xí, mắt mũi miệng đều "dọn nhà," dồn hết về một chỗ với nhau, như muốn làm một "công ty hợp doanh" vậy; quý vị thấy như thế có xấu xí, kỳ quái không?) Những người thọ tội ở địa ngục thì đa số là gặp ngọn gió "xú phong." Bởi hễ "xú phong" thổi qua thì tội nhân sống lại và họ cứ phải chết đi rồi sống lại, sống lại rồi chết đi, thống khổ triền miên, không hề gián đoạn, nên gọi là "vô gián."   

"Ngục này chu vi một vạn tám ngàn dặm; tường ngục cao một ngàn dặm." Chính vì tường ngục quá cao, làm cản trở ánh mặt trời, cho nên ở địa ngục luôn luôn tối tăm, u ám. Tuy nhiên, cũng may là còn có lửa, nhờ có ánh lửa lập lòe mà tội nhân có thể trông thấy được một vài thứ ở chung quanh. Song, lửa này là một thứ "lửa nghiệp" (nghiệp hỏa), có thể thiêu đốt tội nhân đến cháy da chín thịt, vô cùng lợi hại, thống khổ không tài nào chịu nổi! Bây giờ quý vị thử nghĩ xem, nếu phải vào địa ngục này, thì chúng ta sẽ như thế nào? Ở đó, chúng ta hoàn toàn không có sự tự do tự tại, dù chỉ trong một khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi! 

Ðịa ngục Vô Gián có tường cao đến một ngàn dặm và "toàn bằng sắt." Thứ sắt này vừa kiên cố lại vừa mát lạnh. Ðó là biểu thị nghiệp báo của chúng sanh quá kiên cố, đến chốn này rồi thì trong lòng trở nên nguội lạnh—không còn tâm tranh danh, chẳng còn tâm đoạt lợi, chỉ một mực chịu khổ mà thôi: "Chao ôi! Khổ quá, khổ quá, thật là quá khổ!" Do đó, nếu quý vị vào địa ngục này rồi thì cái tâm gì cũng không còn nữa—bị tát một bạt tai cũng còn đỡ hơn nhiều so với cái khổ bị "lửa nghiệp" thiêu đốt, bị đá một cú vẫn không đau đớn bằng bị chó sắt rượt cắn—và bấy giờ quý vị sẽ cảm thấy thế nào là "tri túc" (biết đủ)!

 

"Và có lửa cháy suốt trên suốt dưới." Cả bức tường đều hừng hực lửa—ở trên lửa cháy phụt xuống, ở dưới lửa cháy bốc lên.  



"Trên tường ngục có rắn sắt, chó sắt phun lửa đuổi nhau chạy bên này sang bên kia." Tại bốn góc tường thành thì mỗi góc đều có một con chó sắt thật lớn chực sẵn. Tường ngục cao một ngàn dặm, thì những con chó sắt này cũng cao khoảng tám trăm dặm. Mỗi con có tám cái đầu, mỗi đầu có tám cái sừng, tương tự như sừng trâu vậy. Như thế, loài chó tám đầu này mỗi con có sáu mươi bốn cái sừng; và mỗi khi chúng lúc lắc đầu hoặc quay tới quay lui, thì biến thành vòng lửa (hỏa luân), vòng đao (đao luân). Hễ gặp người tội nào thì chúng lao tới, dùng sừng mà đâm người tội đó. 

Trong quý vị có ai đã từng trông thấy quái vật như loài chó có sừng này chưa? Nếu chưa thì có thể đến địa ngục xem thử cho biết; có điều, xem xong thì không thể trở về lại được nữa—lọt vào đó rồi thì bặt tăm bặt tích luôn, vĩnh viễn chẳng thoát ra được! Ðến chốn ấy không phải như đi xem chiếu bóng, xem xong thì có thể thong thả ra về! Một khi đã vào địa ngục rồi thì quý vị chẳng còn nhà để về, cũng không được tự do tự tại nữa!

Ở địa ngục Vô Gián, các loài rắn sắt và chó sắt đó không chỉ cắn tội nhân, mà chúng còn có thể phun lửa, và mình mẩy chúng cũng rực lửa. Lửa ấy thiêu đốt thân thể chúng, gây ra một mùi hôi tanh khét lẹt, khiến ai ngửi phải cũng lợm giọng, buồn nôn, thậm chí cả lục phủ ngũ tạng cũng muốn tuôn ra ngoài. Thật khó mà chịu đựng cái mùi thối tha nồng nặc như thế! Cho nên, chẳng cần phải đi xem, bây giờ quý vị chỉ tưởng tượng thôi cũng thấy bồn chồn khó chịu, không tự tại chút nào rồi! 

Như vậy, trên tường thành của ngục Vô Gián có rắn sắt và chó sắt lăng xăng bò qua bò lại, chạy tới chạy lui.  

Kinh văn:

"Trong ngục có giường rộng khắp muôn dặm; một người thọ tội thì tự thấy thân mình nằm chật cả giường, ngàn muôn người thọ tội thì mỗi người cũng đều tự thấy thân mình đầy chật cả giường. Ðó là do các nghiệp chiêu cảm mà gặt lấy quả báo như thế."  

Lược giảng:

"Trong ngục có giường rộng khắp muôn dặm." Song giường đó không phải để cho người ta ngủ; thế thì để làm gì? Ðể cho các tội nhân lên nằm mà chịu tội!

Giường đó như thế nào? Giường đó rộng đến cả vạn dặm; và nếu "một người thọ tội thì tự thấy thân mình nằm chật cả giường, ngàn muôn người thọ tội thì mỗi người cũng đều tự thấy thân mình đầy chật cả giường." Một người nằm trên giường ấy thọ tội thì người ấy tự thấy thân mình choán hết cả giường; mà dẫu có đến ngàn vạn người cùng thọ tội, thì ai nấy đều tự thấy thân thể của chính mình trải đầy, chiếm trọn cả cái giường rộng lớn.   

"Ðó là do các nghiệp chiêu cảm mà gặt lấy quả báo như thế." Do sự cảm vời của bao tội chướng và ác nghiệp đã tạo khi trước, cho nên tội nhân phải nhận lãnh quả báo như thế.    

Kinh văn:

"Lại nữa, các tội nhân còn phải chịu đủ sự khổ sở; như có cả ngàn trăm Dạ-xoa cùng các ác quỷ, răng nanh như đao kiếm, mắt như ánh điện chớp, tay có móng đồng, lôi kéo người tội.

Lại có quỷ Dạ-xoa cầm cây kích sắt lớn đâm vào mình người tội, hoặc đâm trúng miệng mũi, hoặc đâm trúng bụng lưng, rồi hất tung lên trên không và hứng lấy, hoặc để lại trên giường. 

Lại có chim ưng bằng sắt mổ ăn mắt người tội. 

Lại có rắn sắt quấn cổ người tội. 

Tội nhân còn bị đóng đinh dài vào các khớp xương và lóng đốt trong thân, kéo lưỡi cày bừa, móc ruột bằm chặt, rót nước đồng vào miệng, quấn sắt nóng quanh thân; muôn lần chết đi sống lại. 

Nghiệp cảm như thế, trải qua ức kiếp không lúc nào mong ra khỏi được."  

Lược giảng:

Chúng ta bất luận trong lúc tụng Kinh, niệm Phật, hay trì Chú, đều cần phải biết vận dụng khí lực. Vận dụng như thế nào? Nguồn khí này phải phát xuất từ đan điền và khi vận hành trở về thì cũng tụ lại ở đan điền. Ðan điền tức là huyệt đạo nằm phía dưới rốn.

Dù là lúc tụng Kinh, niệm Phật, hay trì Chú, luồng khí này phát xuất đều phải từ đan điền; trả về cũng phải về lại nơi đó. Luồng khí phát ra từ đan điền thì vừa đủ, quý vị không nên dùng sức quá nhiều, song cũng không được quá ít; cần phải bình thường, vừa phải thôi; như thế mới không tổn khí. Vì phát xuất từ đan điền, đây là căn bản của khí, cho nên nguồn khí này là liên miên, không đứt đoạn. Nếu không biết cách vận hành thì có thể gây thương tổn cho khí lực, làm nguyên khí bị đứt đoạn; cho nên mọi người cần phải lưu ý điểm này. 

Chúng ta bất luận là viết chữ hay làm việc gì, đều cần phải liên tục từ đầu đến cuối. Nếu quý vị vận dụng được năng lực của nguồn khí này, tức là có công phu vậy.  

"Lại nữa, các tội nhân còn phải chịu đủ sự khổ sở, chịu đựng vô số thống khổ của chốn địa ngục. Có cả ngàn trăm Dạ-xoa cùng các ác quỷ, răng nanh như đao kiếm, mắt như ánh điện chớp, tay có móng đồng, lôi kéo người tội ..." Dạ-xoa vốn là loài ác quỷ, ác quỷ chính là quỷ Dạ-xoa. Quỷ Dạ-xoa, hay Dược-xoa, còn gọi là quỷ "tiệp tật" (chạy nhanh) bởi chúng có thể chạy rất nhanh. Có rất nhiều loại quỷ Dạ-xoa, như Phi Ðằng Dạ-xoa (quỷ Dạ-xoa bay nhảy nhanh), Ðịa Hành Dạ-xoa (quỷ Dạ-xoa đi trên đất) ...; và loại ác quỷ đề cập ở đây chính là Ðịa Hành Dạ-xoa.

Vậy, trong địa ngục có vô số quỷ Dạ-xoa và ác quỷ; miệng của chúng trông như chậu máu, răng thì bén nhọn chẳng kém gì bảo kiếm, mắt lại lóe sáng như tia chớp, còn tay và móng vuốt thì cứng chắc như đồng. Chúng thò tay ra là túm chặt được người tội. Bị chúng bắt được rồi thì hễ chúng bảo đi đâu là tội nhân phải đi đó; chỉ một cái phất tay của chúng là tội nhân có thể bị hất văng ra xa tới cả mấy mươi trượng hoặc mấy trăm trượng, bởi chúng mạnh mẽ vô cùng.

 

"Lại có quỷ Dạ-xoa cầm cây kích sắt lớn đâm vào mình người tội, hoặc trúng miệng mũi, hoặc trúng bụng lưng, rồi hất tung lên trên không và hứng lấy." Có một số quỷ Dạ-xoa thì cứ cầm cây kích bằng sắt thật lớn mà đâm bừa vào thân tội nhân, khi thì đâm trúng miệng trúng mũi, lúc lại thọc nhằm bụng nhằm lưng. Ðâm trúng rồi thì chúng hất tội nhân lên không trung, và khi tội nhân rơi xuống lại thì chúng giơ cây kích sắt ra để đón lấy. 



 

"Hoặc để lại trên giường." Cũng có khi quỷ Dạ-xoa đặt tội nhân trên giường, song không phải để cho tội nhân nằm ngủ, mà là để chúng lấy cây kích sắt ra đâm chém tiếp.   

"Lại có chim ưng bằng sắt mổ ăn mắt người tội." Trong địa ngục còn có một giống chim ưng bằng sắt, chuyên môn mổ mắt tội nhân mà ăn, hoặc mổ đầu tội nhân cho bể ra rồi moi lấy não mà ăn.   

"Lại có rắn sắt quấn cổ người tội." Lại còn có một loại rắn bằng sắt chuyên môn quấn lấy cổ tội nhân.   

"Tội nhân còn bị đóng đinh dài vào các khớp xương và lóng đốt trong thân." Khắp cơ thể tội nhân, mọi khớp xương, lóng, đốt tay chân ... đều bị đóng bằng một loại đinh dài.  

"Kéo lưỡi cày bừa." Chúng ta không nên nói dối và cũng đừng nói chuyện thị phi, bàn tán lỗi phải của người khác. Bất luận người khác đối xử với chúng ta như thế nào, chúng ta đều không nên phê phán, kể lể hoặc nói xấu họ. Bằng không, trong tương lai, quý vị sẽ bị đọa vào địa ngục Bạt Thiệt (kéo lưỡi). Tội nhân ở địa ngục này đều bị kéo lưỡi ra, rồi bị cày lên trên giống như cày ruộng vậy.  

"Móc ruột bằm chặt." Tội nhân còn phải chịu hình phạt là bị moi hết ruột ra, và thân thể bị bằm chém.   

"Rót nước đồng vào miệng, quấn sắt nóng quanh thân." Ở địa ngục này, tội nhân còn bị đổ nước đồng nấu chảy vào miệng, hoặc bị quấn quanh người bằng dây sắt nung nóng.

Chỉ một ngày một đêm tại địa ngục này thôi mà tội nhân phải chịu đến "muôn lần chết đi sống lại!" 

"Nghiệp cảm như thế, trải qua ức kiếp không lúc nào mong ra khỏi được." Ðó là do sự chiêu cảm của nghiệp lực. Hễ bị đọa vào địa ngục này rồi thì tối thiểu cũng phải ở đó tới mấy ức kiếp. Muốn được ra khỏi địa ngục này thật không phải dễ—đã vào rồi thì đừng mong có kỳ hạn được thoát ra!

 

 

Kinh văn:



"Lúc thế giới này hư hoại thì sanh nhờ qua thế giới khác; thế giới khác đó hư hoại thì chuyển sang phương khác; lúc phương khác đó hư hoại thì lại lần lượt chuyển đi; rồi sau khi thế giới này thành thì trở về lại. Những sự tội báo trong ngục Vô Gián là như thế.

Lại do có năm sự nghiệp cảm, nên gọi là Vô Gián. Những gì là năm? 

Một là ngày đêm thọ tội, cho đến bao kiếp, không lúc nào dứt, nên gọi là Vô Gián. 

Hai là một người cũng đầy chật, nhiều người cũng đầy chật, nên gọi là Vô Gián. 

Ba là có những khí cụ hành hình người tội như cái chỉa, gậy, chim ưng, rắn, chó sói, chó, cối, cưa, đục, giũa, búa rìu, vạc dầu sôi, lưới sắt, dây sắt, lừa sắt, ngựa sắt, da sống niềng đầu, nước sắt nóng rưới thân; và khi đói thì nuốt viên sắt, khát uống nước sắt ...; quanh năm suốt kiếp, cho đến na-do-tha kiếp, khổ sở triền miên, không hề gián đoạn, nên gọi là Vô Gián.

Bốn là bất luận kẻ nam người nữ, Khương Hồ di địch, người già trẻ nhỏ, kẻ sang người hèn, hoặc rồng hoặc thần, hoặc trời hoặc quỷ, hễ gây tội ác thì chiêu cảm lấy nghiệp, tất cả đồng chịu như nhau, nên gọi là Vô Gián.

Năm là nếu bị đọa vào địa ngục này, thì từ khi mới vào cho tới trăm ngàn kiếp, mỗi ngày mỗi đêm đều muôn lần chết đi muôn lần sống lại, muốn cầu tạm ngừng trong chừng một niệm cũng không được, trừ phi nghiệp tội tiêu hết mới được thọ sanh; do cứ liên miên như thế nên gọi là Vô Gián."

Ðịa Tạng Bồ Tát thưa với Thánh Mẫu rằng: "Nói sơ lược về địa ngục Vô Gián là như thế. Nếu nói rộng ra về tên của những khí cụ hành tội cùng những sự thống khổ trong địa ngục đó, thì trong suốt một kiếp cũng không thể nào nói hết được!" 

Ma Da Phu Nhân nghe xong, ưu sầu chắp tay đảnh lễ mà lui ra.

 

Lược giảng:



Thọ mạng thông thường của nhân loại chúng ta hiện nay là trên sáu mươi tuổi—đây là nói chung chung thôi, không kể đến các trường hợp đặc biệt. Tuy có người thì sống tới hơn một trăm tuổi, và cũng có người thì lại chết lúc mới lên một, lên hai; song chúng ta không thể căn cứ vào thiểu số cá biệt đó mà kết luận rằng tuổi thọ của nhân loại là một hai tuổi hoặc hơn một trăm tuổi được.

Thọ mạng trung bình của con người vào thời Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thế là 70 đến 80 tuổi, còn thời nay là từ 60 đến 70 tuổi. Ban sơ, thọ mạng của loài người là tám vạn bốn ngàn tuổi (84.000); sau đó, cứ một trăm năm thì tuổi thọ của con người lại giảm đi một tuổi, chiều cao cũng giảm bớt một tấc (thốn), và cứ giảm như thế cho đến khi thọ mạng của con người chỉ còn mười tuổi—đây là "kiếp giảm."

Từ thọ mạng mười tuổi, cứ một trăm năm thì tuổi thọ con người lại tăng thêm một tuổi và thân cao thêm một tấc (thốn), và cứ tăng như thế cho đến tám vạn bốn nghìn tuổi—đây là "kiếp tăng." 

Một lần tăng và một lần giảm, gọi là một kiếp. Một ngàn kiếp như thế gọi là một tiểu kiếp. Hai mươi tiểu kiếp gọi là một trung kiếp; và bốn trung kiếp gọi là một đại kiếp. Trong một đại kiếp—tức là bốn trung kiếp hoặc 80 tiểu kiếp—thì có hai mươi tiểu kiếp "thành," hai mươi tiểu kiếp "trụ," hai mươi tiểu kiếp "hoại," và hai mươi tiểu kiếp "không."

Thế giới nào cũng trải qua các giai đoạn "thành, trụ, hoại, không"—nhất định phải có lúc hư hoại! Như mấy ngàn năm trước, có nơi là quốc gia mà nay cả lục địa đều chìm dưới nước; hoặc có nơi do động đất nên cả quốc gia, trọn làng, hoặc nguyên cả một khu vực đều bị chôn vùi hết—đó chính là "hoại" vậy. 

Vậy, bấy giờ, Ðịa Tạng Vương Bồ Tát nói tiếp: "Lúc thế giới này hư hoại thì sanh nhờ qua thế giới khác." Không phải là thế giới này hoại rồi thì chẳng còn địa ngục, chẳng còn nghiệp tội! Không phải như thế! Thế giới này hư hoại rồi thì tội nhân phải dời qua thế giới khác, sống nhờ ở thế giới khác.

 

"Thế giới khác đó hư hoại thì chuyển sang phương khác." Lúc thế giới khác cũng tuần tự hư hoại, thì lại dời sang nơi khác nữa.   



"Lúc phương khác đó hư hoại thì lại lần lượt chuyển đi." Nói tóm lại, hễ nơi nào bị hư hoại thì cứ thứ tự dời sang nơi còn tốt.  

"Rồi sau khi thế giới này thành thì trở về lại." Ðợi đến khi thế giới ban đầu (cũ) được thành lập trở lại rồi, thì lại trở về thế giới này.  

"Những sự tội báo trong ngục Vô Gián là như thế." Ðó là những tội báo ở địa ngục Vô Gián. Vì sao gọi là "vô gián"? Vì tội báo ở địa ngục này là liên miên bất tận, không hề có sự gián đoạn!  

"Lại do có năm sự nghiệp cảm— năm việc do nghiệp lực cảm vời mà ra—nên gọi là Vô Gián." Ðịa ngục Vô Gián, tiếng Phạn gọi là địa ngục "A Tỳ (Avici)."  

"Những gì là năm? Năm sự nghiệp cảm ấy là gồm những gì? Một là ngày đêm thọ tội, cho đến biết bao số kiếp, không bao giờ dứt, nên gọi là Vô Gián." Nghiệp cảm thứ nhất là tội nhân ở địa ngục này phải chịu tội suốt ngày suốt đêm, trong vô lượng vô số kiếp. Bởi những khổ báo mà họ phải chịu do trót đã trồng cái nhân gây nghiệp thọ khổ thì không lúc nào ngừng dứt, cho nên gọi là địa ngục Vô Gián.  

"Hai là một người cũng đầy chật, nhiều người cũng đầy chật; nên gọi là Vô Gián." Tại địa ngục này, một người ở thôi thì cũng thấy chật cả ngục, mà nhiều người ở thì cũng thấy đầy chật cả ngục, nên gọi là địa ngục Vô Gián.  

"Ba là có những khí cụ hành tội như cái chỉa, gậy, chim ưng, rắn, chó sói, chó, cối, ..." Bởi thân người là một khí cụ tạo nghiệp, cho nên lúc thọ báo, thân thể con người cũng chính là khí cụ chịu tội, như một loại máy móc vậy. "Cối" tức là cái cối dùng để giã gạo, nhưng ở đây là để bỏ người tội vào mà giã nát ra. 

Lại còn có các hình cụ khác như "cưa—để cưa xẻ thân thể tội nhân, đục—để đục khoét thành lỗ trên thân, giũa—để mài giũa xương cốt, búa rìu—dùng búa đập xương cho nát nhừ, vạc dầu sôi..." Trong ngục lại có cả vạc dầu sôi sùng sục để chiên người tội; quý vị nghe có đáng sợ không?

Ngoài ra, trong ngục còn có cả "lưới sắt, dây sắt, lừa sắt, ngựa sắt, da sống niềng đầu, nước sắt nóng rưới thân" nữa. Tội nhân còn bị niềng đầu bằng da sống, hoặc bị đổ nước sắt nóng lên khắp mình mẩy.  

"Và khi đói thì nuốt viên sắt, khát uống nước sắt." Những người tội này khi đói thì ăn gì? Khi đói bụng thì tội nhân chỉ có những hòn sắt để ăn; và lúc cổ khô khát nước, họ không có nước lọc hay nước trà, mà chỉ có nước sắt nóng để giải khát! "Quanh năm suốt kiếp, cho đến na-do-tha kiếp, khổ sở triền miên, không hề gián đoạn. Bởi ròng rã từ năm này sang năm khác, cho đến vô lượng kiếp, những khổ báo ở địa ngục này vẫn cứ liên tục tiếp diễn, vĩnh viễn chẳng có lúc ngừng dứt, nên gọi là Vô Gián."

"Bốn là bất luận kẻ nam người nữ, Khương Hồ di địch..." 

Ở Trung Hoa, dân chúng sinh sống tại khu vực Sơn Ðông, Sơn Tây, Hà Nam, Hà Bắc đều nói tiếng Quốc Ngữ; và người Trung Hoa thời xưa thường gọi cư dân miền Hồ Nam là "rợ phương Nam" (Nam man tử). Vì sao gọi họ là "man rợ"? Vì người ta không hiểu họ nói gì cả! Thuở ấy, đừng nói là tiếng Anh tiếng Mỹ, ngay cả tiếng Trung Hoa mà giữa người Trung Hoa cũng không hiểu được nhau nữa, cho nên mới gọi họ là "man tử." Lúc bấy giờ, nước Trung Hoa chưa có sự giao dịch với các nước phương Tây, và người Trung Hoa cũng chưa thạo Anh ngữ. 

Thời cổ xưa, người Trung Hoa ở miền trung ương thường gọi các dân tộc thiểu số sinh sống tại bốn phương là "Nam man, Bắc khuyển, Ðông di, Tây địch." Trong chữ "man" có chữ "trùng" (sâu bọ) nằm ở dưới; ý nói người ở phương Nam như loài rắn vậy. Còn đối với người ở phương Bắc thì sao? Thì gọi là "khuyển nhung" ("khuyển" có nghĩa là chó). Trong chữ "địch" (mọi rợ) có chữ "khuyển" (chó) đứng một bên, ám chỉ dân chúng ở địa phương đó đều là từ loài chó biến thành. 

"Khương" tức là bộ tộc người Khương. Quý vị hãy nhìn xem, trong chữ "khương" thì có chữ "dương" (dê) nằm bên trên, ngụ ý rằng những người này là từ súc sanh biến thành. Còn "Hồ" là bộ tộc người Hồ.   

"Người già, trẻ nhỏ." Bao nhiêu tuổi thì gọi là "già"? Tám mươi tuổi thì được gọi là "già"! Bao nhiêu tuổi thì gọi là "trẻ nhỏ"? Ðó là các trẻ em dưới mười tuổi.   

"Kẻ sang, người hèn." "Quý vi thiên tử"—vua là cao sang; "tiện vi thứ dân"—dân là thấp hèn. 

Vậy, bất luận là nam nữ, mán mường mọi rợ, già trẻ, sang hèn, "hoặc rồng hoặc thần, hoặc trời hoặc quỷ, hễ gây tội ác thì chiêu cảm lấy nghiệp, tất cả đồng chịu như nhau. Nếu họ phạm tội ác thì nghiệp báo cảm vời mà họ phải nhận lãnh đều giống nhau, nên gọi là Vô Gián." 

"Năm là nếu bị đọa vào địa ngục này, thì từ khi mới vào cho đến trăm ngàn kiếp, mỗi ngày mỗi đêm đều muôn lần chết đi muôn lần sống lại." Tội nhân ở đây hễ chết thì liền bị ngọn gió "xảo phong" thổi tới làm cho sống lại; sống lại thì tiếp tục thọ tội, bị hành hình tới chết; chết rồi thì lại gặp gió "xảo phong" thổi cho sống trở lại nữa; nên nói là "vạn tử vạn sanh"—muôn lần chết đi muôn lần sống lại.

 

"Cầu xin tạm ngừng trong chừng một niệm cũng không được." Các tội nhân trong ngục này chỉ cầu mong có một khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi được tạm ngưng thọ khổ, nhưng chẳng bao giờ có được! Phải thế nào thì sự khổ ở đó mới đình chỉ?  



"Trừ phi nghiệp tội tiêu hết mới được thọ sanh—chỉ khi nào nghiệp chướng tiêu tan thì tội nhân mới có thể thọ sanh nơi khác—vì cứ liên miên như thế nên gọi là Vô Gián."

Ðịa Tạng Bồ Tát thưa với Thánh Mẫu, tức Ma Da Phu Nhân, rằng: "Nói sơ lược về Ðịa Ngục Vô Gián là như thế. Nếu nói rộng thêm về tên của những khí cụ hành tội cùng những sự khổ sở trong địa ngục đó, thì suốt một kiếp cũng không nói hết được!" Nếu kể ra thật tỉ mỉ như gây tội gì thì phải chịu quả báo gì, liệt kê đầy đủ tên của từng hình cụ cùng khí trượng, và tất cả những sự thọ khổ ở Ðịa Ngục Vô Gián, thì dù có nói ròng rã trọn một kiếp cũng không thể nào nói cho hết được!  

Ma Da Phu Nhân nghe xong, buồn rầu chắp tay đảnh lễ mà lui ra. Sau khi nghe Ðịa Tạng Vương Bồ Tát nói xong, thân mẫu của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni vô cùng áo não; Bà hướng về phía Bồ Tát mà cúi đầu đảnh lễ, rồi lui vào trong



tải về 2.73 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   ...   32




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương