Kinh đỊa tạng bồ TÁt bổn nguyện thiển thíCH


Phẩm Thứ Tư - Nghiệp Cảm Của Chúng Sanh Ở Cõi Diêm Phù



tải về 2.73 Mb.
trang17/32
Chuyển đổi dữ liệu08.09.2016
Kích2.73 Mb.
#31926
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   32

Phẩm Thứ Tư - Nghiệp Cảm Của Chúng Sanh Ở Cõi Diêm Phù


"Cõi Diêm Phù" tức là cõi Nam Diêm Phù Ðề này của chúng ta. "Chúng sanh" tức là hết thảy mọi loài có sinh ra. "Nghiệp" là nghiệp nhân do mình tạo tác; "cảm" là chiêu cảm, cảm vời ra. Vậy, gây nghiệp gì thì thọ báo đó—trồng thiện nhân thì được thiện quả, gieo ác nhân tất gặp ác báo; đó gọi là "nghiệp cảm." 
  

Kinh văn:

Lúc đó, Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát bạch cùng Ðức Phật rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Con nhờ nương sức oai thần của Ðức Phật Như Lai, nên chia được thân hình này đến khắp trăm ngàn vạn ức thế giới để cứu vớt tất cả chúng sanh bị nghiệp báo. 

Nếu không nhờ sức đại từ của Ðức Như Lai, thì chẳng thể biến hóa được như thế. Con nay lại được Ðức Phật phó chúc: Từ nay cho đến khi Ngài A Dật Ða thành Phật, phải làm cho chúng sanh trong Lục Ðạo đều được độ thoát. Con xin vâng! Bạch Ðức Thế Tôn, xin Ngài chớ lo âu!"  

Lược giảng:

Lúc đó, Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát bạch cùng Ðức Phật rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Con nhờ nương sức oai thần của Ðức Phật Như Lai. Ðại Bồ Tát Ðịa Tạng không hề đề cao chính mình: "Tôi có đại thần thông, có đại trí huệ, có tài biện luận vô ngại...", mà Ngài chỉ nói là nhờ vào oai đức và sức thần thông của Phật, nên chia được thân hình này đến khắp trăm ngàn vạn ức thế giới để cứu vớt tất cả chúng sanh bị nghiệp báo, giáo hóa những kẻ còn khởi hoặc, đang tạo nghiệp, thọ báo. 

 

Nếu không nhờ sức đại từ của Ðức Như Lai, thì chẳng thể biến hóa được như thế. Chính nhờ có sự trợ lực đại từ đại bi của Phật, Ðịa Tạng Vương Bồ Tát mới có được cả trăm ngàn vạn ức hóa thân để chia nhau đi giáo hóa chúng sanh—đó quả là một sức biến hóa vô cùng lớn lao. Thế nào gọi là "biến"? "Biến" là hỗ tương thay đổi. Còn "hóa" là gì? Ðương không bỗng thành có—trước kia vốn chẳng có, nay bỗng nhiên lại có—gọi là "hóa."  



Con nay lại được Ðức Phật phó chúc: Từ nay cho đến khi Ngài A Dật Ða thành Phật. 

"A Dật Ða" nghĩa là gì? Quý vị có biết đó là tên của ai không? Quý vị không biết "A Dật Ða" là ai, thế quý vị có từng nghe đến tên "Di Lặc" chưa? Chính thế, A Dật Ða chính là Di Lặc Bồ Tát! "Di Lặc" là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là "Vô Năng Thắng"—ý nói rằng Ngài có thể thắng tất cả, vượt hơn tất cả; không ai có thể hơn Ngài được! "Vô Năng Thắng"—"vô" nghĩa là không, "năng" là khả năng, "thắng" là thắng lợi. Quý vị xem, mấy chữ "Vô Năng Thắng" này ý vị biết bao—không ai có thể thắng được Ngài! Bởi suốt ngày Ngài lúc nào cũng vui vẻ tươi cười, không hề cau có tức giận, nhờ đó Ngài có được trí huệ; có trí huệ là hơn hết, là thắng tất cả, nên gọi là "Vô Năng Thắng." 

Ngoài ra, "A Dật Ða" còn được dịch là "Từ Thị" ("từ" là từ bi, "thị" nghĩa là họ).

Ðức Phật đã dặn dò Ðịa Tạng Vương Bồ Tát là kể từ lúc bấy giờ cho đến khi Di Lặc Bồ Tát thành Phật, Ngài Ðịa Tạng phải làm cho chúng sanh trong Lục Ðạo—Trời, Người, Ðịa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, A Tu La—đều được độ thoát. 

Và, Ðịa Tạng Bồ Tát hứa với Phật rằng: "Con xin vâng! Bạch Ðức Thế Tôn, xin Ngài chớ lo âu! Nay con vâng nhận lời phó chúc của Phật, nguyện hết lòng gánh vác công việc này. Xin Ðức Thế Tôn đừng bận tâm lo nghĩ nữa!"
 

Kinh văn:

Bấy giờ Ðức Phật bảo Bồ Tát Ðịa Tạng rằng: "Những chúng sanh chưa được giải thoát thì tánh thức không định, quen làm điều ác thì kết thành nghiệp, quen làm điều thiện thì kết thành quả; làm thiện làm ác đều theo cảnh mà sanh, luân chuyển trong Ngũ Ðạo, chẳng tạm ngừng ngớt; trải qua trần kiếp, mê hoặc chướng nạn, như cá bơi trong lưới theo dòng nước chảy, tạm thoát ra được rồi lại mắc vào lưới. Vì những kẻ đó mà Ta phải lo nghĩ.

Ðời trước Ông đã phát nguyện, nhiều kiếp lập trọng thệ quảng độ những kẻ có tội, thì Ta còn lo gì nữa!"  

Lược giảng:

Bấy giờ Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni bảo Bồ Tát Ðịa Tạng rằng: "Những chúng sanh chưa được giải thoát, vẫn còn luẩn quẩn trong vòng luân hồi, thì tánh thức không định. Tánh và tri thức của các chúng sanh đó đều không nhất định. Chẳng hạn có người ban đầu muốn học Phật Pháp, nhưng học chưa được bao lâu thì lại đổi ý, thay đổi tông chỉ—đó là do "tánh thức không định" vậy.   

Quen làm điều ác thì kết thành nghiệp, quen làm điều thiện thì kết thành quả. Do vì tánh thức không nhất định, các chúng sanh ấy hễ quen thói xấu ác thì sẽ tạo ra nhiều nghiệp tội; còn nếu biết làm việc thiện thì trong tương lai sẽ có được những kết quả tốt lành.  

Làm thiện làm ác đều theo cảnh mà sanh. Thế nào gọi là "theo cảnh mà sanh"? Thí dụ quý vị gặp được bạn tốt (thiện hữu), thường giảng Phật Pháp cho quý vị nghe và hướng dẫn quý vị làm các việc từ thiện; quý vị chăm chú lắng nghe và làm theo—và thế là quý vị làm được thiện sự. Thế nhưng, nếu quý vị gặp nhằm bạn xấu (ác hữu), rủ rê quý vị vào con đường rượu chè cờ bạc, chơi bời lêu lổng, sa đọa trụy lạc; và vì nghe mãi cũng bùi tai nên quý vị xiêu lòng đi theo, thì rồi quý vị cũng trở thành hư đốn như họ vậy! 

Tương tự như thế, nếu quý vị ở gần người có tánh cần kiệm, thì lâu dần, quý vị cũng sẽ tiêm nhiễm thói quen cần kiệm. Còn nếu sống gần kẻ lười biếng, thì lâu dần, cho dù quý vị vốn là người rất siêng năng chăm chỉ, song đến khi gặp phải "vua lười" thì quý vị cũng bị cảnh giới làm cho lay chuyển mà trở thành người lười biếng. Ðó gọi là: 

 

Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.



Nếu quý vị ở gần lọ mực đen—như đang chăm chú viết lách chẳng hạn—thì thế nào tay cũng bị dính mực tự lúc nào mà mình chẳng hay chẳng biết! 

Thí dụ có mẩu vải trắng, quý vị đem nhuộm màu cà-phê thì thành màu cà-phê, nhúng vào thuốc nhuộm màu vàng thì thành vải màu vàng; và nói theo bản kinh này thì đó chính là "làm thiện làm ác đều theo cảnh mà sanh" vậy. 

Lại nữa, cho dù quý vị vốn không biết uống rượu, không hề dùng ma-túy, nhưng hằng ngày lại giao du với người thích uống rượu hoặc gần gũi người nghiện xì-ke ma túy, thì dần dần quý vị cũng trở thành giống như họ—nghiện rượu nghiện thuốc lúc nào không hay! Ðó là bởi quý vị kết giao nhằm bạn xấu mà ra! Cho nên, quý vị cần phải đặc biệt lưu ý và phải hết sức thận trọng trong việc kết bạn. 

Ngoài ra, bởi chúng ta thường hay lắng nghe lời khuyến cáo của bạn bè, cho nên, trước hết mọi người cần phải biết "chọn bạn mà chơi," phải phân biệt được bạn tốt và bạn xấu. Ðối với những người bạn tốt, thân thiện, thì quý vị nên tin tưởng; còn đối với bạn xấu thì bất luận họ nói điều gì quý vị cũng chớ nên tin!   

Luân chuyển trong Ngũ Ðạo, chẳng tạm ngừng ngớt. Những chúng sanh tánh thức không định ấy cứ phải lẩn quẩn mãi trong năm nẻo đường—Ðịa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, A Tu La, Người—chẳng bao giờ được ngơi nghỉ dù chỉ là tạm thời.

 

Trải qua trần kiếp, mê hoặc chướng nạn. Suốt trong số kiếp nhiều như bụi trần, các chúng sanh đó phải sống trong cảnh u mê tăm tối, sai lầm rối loạn, nghiệp chướng bủa vây, như cá bơi trong lưới theo dòng nước chảy, tạm thoát ra được rồi lại mắc vào lưới.



Ðến đây, Ðức Phật nêu lên một tỷ dụ vô cùng xác đáng—Phật ví các chúng sanh chưa được giải thoát thì giống như con cá đang quẫy mình vùng vẫy trong lưới vậy. Có thể cá chỉ tạm thời bị mắc lưới rồi chốc lát lại thoát ra được, song thoát ra chưa được bao lâu thì lại bị vướng vào lưới của người đánh cá lần nữa.  

"Vì những kẻ đó mà Ta phải lo nghĩ. Ta rất buồn rầu khi nghĩ đến những chúng sanh đáng thương đó." 

Quý vị xem, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni lo lắng, e rằng chúng ta không thoát ra khỏi "tấm lưới đánh cá" được. Ở đây, "tấm lưới đánh cá" dụ cho sự việc cực kỳ nguy hiểm khiến ngay cả Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng phải lấy làm lo nghĩ. Tuy nhiên, quý vị chớ vội lo âu, chỉ cần chúng ta nhất tâm tinh tấn, chăm chỉ tu học Phật Pháp, thì rồi sẽ có biện pháp giải quyết.   

Ðời trước Ông đã phát nguyện, nhiều kiếp lập trọng thệ quảng độ những kẻ có tội, thì Ta còn lo gì nữa!" Ở đây, chữ "ông" là chỉ Ðịa Tạng Vương Bồ Tát. Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni bảo Ðịa Tạng Vương Bồ Tát rằng: "Từ bao kiếp lâu xa về trước cho đến nay, Ông đều lập thệ nguyện trọng đại, phát tâm rộng lớn độ thoát tất cả những chúng sanh tội khổ; thế nên Ta không còn gì để bận tâm nữa cả! Ta rất yên tâm! Tốt lắm! Ông hãy cứ như thế mà làm!"  

Kinh văn:

Nói đến đây, trong Pháp Hội có một vị Bồ Tát Ma Ha Tát hiệu là Ðịnh Tự Tại Vương, bạch cùng Ðức Phật rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Từ nhiều kiếp đến nay, Bồ Tát Ðịa Tạng đã phát thệ nguyện gì mà nay được Ðức Thế Tôn ân cần ngợi khen như thế? Cúi mong Ðức Thế Tôn lược nói cho." 

Bấy giờ Ðức Thế Tôn bảo Ðịnh Tự Tại Vương Bồ Tát: "Lóng nghe! Lóng nghe! Phải khéo suy xét đó, Ta sẽ vì Ông mà giải bày rõ ràng."

Lược giảng:

Nói đến đây, trong Pháp Hội có một vị Bồ Tát Ma Ha Tát hiệu là Ðịnh Tự Tại Vương. Bồ Tát Ðịnh Tự Tại Vương là một vị đại Bồ Tát; Ngài nhờ tu Ðịnh mà chứng đắc được sự an nhiên tự tại. Ngài chẳng những đạt được sự tự tại mà còn là vua về "tự tại" nữa.

Như vậy, sau khi nghe Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni nói những lời như thế xong, Ðại Bồ Tát Ðịnh Tự Tại Vương bạch cùng Ðức Phật rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Từ nhiều kiếp đến nay, Bồ Tát Ðịa Tạng đã phát thệ nguyện gì—trong mỗi kiếp Ngài đã lập những lời nguyện như thế nào—mà nay được Ðức Thế Tôn ân cần ngợi khen như thế? Cúi mong Ðức Thế Tôn lược nói cho. Nguyện vọng duy nhất của con là được nghe Ðức Thế Tôn vì con mà nói sơ qua về việc đó." 

Bấy giờ Ðức Thế Tôn bảo Ðịnh Tự Tại Vương Bồ Tát: "Này Ðịnh Tự Tại Vương! Lóng nghe! Lóng nghe! Phải khéo suy xét đó, Ta sẽ vì Ông mà phân giải rõ ràng. Bây giờ Ta sẽ vì Ông mà giảng nói, vậy Ông hãy chú ý lắng nghe và suy gẫm cặn kẽ những lời Ta nói."  

Kinh văn:

Vào thuở quá khứ, vô lượng a-tăng-kỳ na-do-tha không thể nói hết số kiếp về trước, lúc đó có Ðức Phật hiệu là Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Ðức Phật này thọ sáu vạn kiếp.

Lược giảng:

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni kể lại rằng: "Vào thuở quá khứ, vô lượng a-tăng-kỳ na-do-tha bất khả thuyết kiếp về trước. "A-tăng-kỳ" và "na-do-tha" là những số mục rất lớn, nhiều đến vô lượng vô biên. 

Vậy, vô lượng vô số kiếp chẳng thể kể xiết về trước,lúc đó có Ðức Phật hiệu là Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. 

Có ba loại trí huệ gọi là Tam Trí; đó là:

1) Nhất Thiết Trí;

2) Ðạo Chủng Trí;

3) Nhất Thiết Chủng Trí.

Ở đây, thứ "Nhất Thiết Trí" (cái trí hiểu biết tất cả) mà Ðức Phật này thành tựu được thì bao hàm cả hai thứ trí huệ kia. 

"Như Lai" là một trong mười danh hiệu của Phật. Có lần có một cư sĩ hỏi tôi: "Như Lai Phật và A-Di-Ðà Phật có khác nhau chăng?" Thật ra, tất cả chư Phật đều được tôn xưng là "Như Lai"—A-Di-Ðà Như Lai, Thích-Ca Như Lai, Dược Sư Như Lai...—chứ không phải chỉ riêng một tôn Phật nào mà thôi đâu!

Phật có mười danh hiệu, gọi là "Thập Hiệu." Thế nào gọi là "hiệu"? Chúng ta mỗi người đều có "tên tục," rồi còn có "tên hiệu" nữa. Thông thường thì các bậc tôn trưởng và thân thuộc gọi chúng ta bằng tên tục; còn hầu hết những người ngang hàng, không quen biết lắm thì gọi chúng ta bằng tên hiệu. Thế thì "hiệu" là gì? Tiếng gầm thét giận dữ của cọp hoặc tiếng rống của sư tử, cũng gọi là "hiệu." "Hiệu" là "thanh văn ư ngoại" (tiếng nghe ở ngoài)—bởi do có tiếng tăm lớn, khiến mọi người đều nghe danh biết tiếng, nên gọi là "hiệu"; và cũng gọi là "biệt hiệu." (Chữ "hiệu" còn có nghĩa là gào thét, la lớn.)

1) Như Lai. "Như Lai" là một trong mười danh hiệu của Phật, và được gọi là "Phỏng Ðồng Tiên Ðức Hiệu" (mô phỏng, học theo gương của những người có đức hạnh thuở trước).

"Như" là "như vô phương sở"— không có định hướng, không có một nơi chốn cố định đặc biệt; "lai" là "lai cảm nhi hiện"—do sự cảm ứng đạo giao đến mà hiện ra. Ðó gọi là "như lai."

Hai chữ "như lai" này còn hàm ý "lai vô sở tùng, như vô sở khứ"—không có chỗ đến, cũng chẳng có chỗ đi. Bởi "vô sở lai, vô sở khứ" nên gọi là "như lai."

Lại nữa, "như" là đạo lý Bổn Giác; "lai" là trí huệ Thủy Giác. Bởi lý Bổn Giác khế hợp với trí Thủy Giác, cho nên gọi là "như lai." 

Trên đây là ý nghĩa đại cương của từ ngữ "như lai."

2) Ứng Cúng. "Ứng Cúng" có nghĩa là xứng đáng thọ nhận sự cúng dường của trời và người—loài người ở nhân gian và chư thiên ở cõi trời đều nên cúng dường Phật. 

"Ứng Cúng" có danh hiệu là "Kham Vi Phước Ðiền Hiệu," bởi Phật có khả năng làm ruộng phước cho trời và người. Có hai loại phước điền; đó là tự lợi (lợi mình) và lợi tha (lợi người). "Tự lợi" tức là tự mình "nghiên chân, đoạn hoặc"—tự nghiên cứu chân lý và dứt bỏ mọi nghi hoặc, làm lợi ích cho chính bản thân mình. Một khi quý vị đã hiểu thông suốt rồi, lại có thể đi giáo hóa tha nhân, khiến mọi người đều lãnh hội được chân lý và đoạn trừ được nghi hoặc, thì đó chính là "lợi tha" vậy.

3) Chánh Biến Tri. "Chánh biến tri" có nghĩa là "vô sở bất tri, vô sở bất hiểu"—không chỗ nào mà chẳng biết, không chỗ nào mà chẳng thông hiểu. 

Ở đây, "chánh" là để phân biệt với "bất chánh" của ngoại đạo, và "biến" (khắp cả) là để phân biệt với "bất biến" (không cùng khắp) của Nhị Thừa. Hàng Nhị Thừa chứng tới đạo lý thiên lệch về tánh "không," chưa đạt được "biến"; cho nên đây là điểm bất đồng đối với Nhị Thừa. "Tri" (biết) là điểm bất đồng so với hạng phàm phu—phàm phu thì "bất tri" (không biết), còn bậc Chánh Biến Tri thì "vô sở bất tri" (chẳng có gì mà không biết). 

"Chánh Biến Tri" có danh hiệu là "Biến Tri Pháp Giới Hiệu." Thế nào gọi là "Biến Tri Pháp Giới Hiệu"? Trong Kinh Lăng Nghiêm có chép:   

Tùng thẳng gai leo, ngỗng trắng quạ đen, đều hiểu nguyên do." 

(Tùng trực cức khúc, hộc bạch ô huyền, giai liễu nguyên do.) 

Cây tùng thì thân cây đứng thẳng; cây kinh gai (loại cây có gai) thì leo quanh, mọc thành từng bụi, ngỗng trời thì có lông màu trắng; và quạ thì có lông màu đen—các tính cách này đều có nguyên do, mà sự tích vốn như thế nào thì Phật đều biết rõ cả. Thậm chí ở ngoài cõi Tam Thiên Ðại Thiên thế giới, mưa rơi bao nhiêu hạt Phật cũng biết rõ. Bởi Phật là " chẳng có chỗ không biết " (vô sở bất tri), nên mới đạt được danh hiệu này—"Biến Tri Pháp Giới Hiệu." 

4) Minh Hạnh Túc. "Minh" là minh bạch, rõ ràng; "hạnh" là tu hành. "Minh" cũng chính là trí huệ; "tu hành" tức là phước. "Phước huệ song túc"—phước được tròn đầy, huệ được viên mãn—đó cũng chính là "minh hạnh túc" vậy. 

Chữ "minh" này lại có thể giải thích là "Tam Minh." "Tam Minh" là gồm những gì? Ðó là Thiên Nhãn Minh (có được Thiên Nhãn Thông), Túc Mạng Minh (biết rõ tất cả chuyện đời trước), và Lậu Tận Minh (đạt được sự vô lậu, không còn phiền não lậu hoặc). 

"Minh Hạnh Túc" cũng có một danh hiệu đặc biệt, gọi là "Quả Hiển Nhân Ðức Hiệu"—tại quả vị, Ðức Phật hiển lộ, thị hiện đức hạnh mà Ngài đã từng tu tập khi còn ở nhân địa.

5) Thiện Thệ, Thế Gian Giải. "Thiện" có nghĩa là tốt lành. Chữ "thệ" ở đây đồng nghĩa với chữ "vãng," và có nghĩa là ra đi.

"Thiện Thệ, Thế Gian Giải" có danh hiệu là "Diệu Vãng Bồ Ðề Hiệu." Vì sao gọi là "diệu vãng"? Ðức Phật đến mười phương quốc độ của chư Phật một cách tốt lành và khéo dùng quyền xảo phương tiện để giáo hóa chúng sanh, nên được gọi là "Diệu Vãng Bồ Ðề Hiệu."

6) Vô Thượng Sĩ. Ðây cũng là một trong mười tôn hiệu của Phật. Vì sao gọi là "Vô Thượng Sĩ" (bậc không ai hơn được)? Ðức Phật đã đoạn trừ mọi lậu hoặc—không còn kiến hoặc, tư hoặc, trần sa hoặc nữa; bởi mọi thứ "hoặc" đều đã dứt sạch nên gọi là "Vô Thượng Sĩ." (Nếu còn "hoặc" cần phải đoạn thì gọi là "Hữu Thượng Sĩ"!!!) 

"Vô Thượng Sĩ" cũng có một danh hiệu riêng, đó là "Thông Ngụy Ðạt Chân Hiệu." Ðức Phật biết rõ nội thân cùng ngoại cảnh thảy đều hư ngụy, giả tạm; duy chỉ có Phật Thừa là chân thật; nên gọi là "Thông Ngụy Ðạt Chân Hiệu."

7) Ðiều Ngự Trượng Phu. "Ðiều" là điều hòa; "ngự" là ngự xa, tức là đánh xe. Thời xưa, người ta dùng ngựa để kéo xe thì cần phải có người làm "ngự xa," tức là cầm roi điều khiển ngựa; còn ở thời đại này thì lái xe hơi cũng có thể gọi là "ngự xa" vậy!

"Ðiều Ngự Trượng Phu" ở đây là "điều ngự" cái gì? Ðó là "điều ngự" chúng sanh trong sáu đường, khiến cho họ đạt đến Phật Quả Bồ Ðề, chứng được quả vị Phật. Vì thế, đây là một bậc đại trượng phu vĩ đại nhất, có khả năng điều khiển và dẫn dắt chúng sanh, đưa chúng sanh ra khỏi vòng sanh tử, vượt thoát sáu nẻo luân hồi!

"Ðiều Ngự Trượng Phu" cũng có một danh hiệu gọi là "Nhiếp Hóa Tùng Ðạo Hiệu"; nghĩa là hóa độ chúng sanh, khiến cho tất cả chúng sanh đều y theo con đường tu Ðạo chân chánh mà tu hành.

8) Thiên Nhân Sư. Ðức Phật là sư biểu, là bậc Thầy của Trời và Người, là tấm gương của Tam Giới. "Thiên Nhân Sư" cũng có một danh hiệu gọi là "Ứng Cơ Thuyết Pháp Hiệu"; nghĩa là ứng theo căn cơ trình độ và nhân duyên của chúng sanh mà thuyết pháp.

9) Phật. "Phật" là tên gọi tắt từ chữ "Phật Ðà Da" của tiếng Phạn; bởi người Trung Hoa thích đơn giản nên chỉ gọi là "Phật." 

"Phật" cũng có một tên hiệu gọi là "Tam Giác Viên Minh Hiệu." "Tam giác" là ba loại giác ngộ—Tự Giác, Giác Tha và Giác Hạnh Viên Mãn. Bởi "tam giác viên, vạn đức bị"—ba giác trọn vẹn, muôn đức đủ đầy—cho nên được thành Phật.

10) Thế Tôn. Bất luận là tại thế gian hay xuất thế gian, Phật đều được tôn thờ, kính trọng, nên gọi là "Thế Tôn."

"Thế Tôn" cũng có một danh hiệu đặc biệt gọi là "Tam Giới Ðộc Tôn Hiệu." "Tam Giới" tức là ba cõi Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới. "Ðộc Tôn" có nghĩa là chỉ có Phật mới là bậc tôn quý nhất. Do đó, lúc Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni vừa giáng sanh ở cõi thế thì liền một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, mà nói rằng:   

“Trên trời dưới trời, chỉ có Ta—Phật—là tôn quý!”

(Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn!)    

Ngoài ra, từ ngữ "Thế Tôn" còn bao hàm sáu nghĩa: 

1) Tự tại. (Phật là bậc tự tại nhất.) 

2) Lớn mạnh (Xí thạnh - rừng rực như lửa). 

3) Ðoan nghiêm (vừa đoan chánh vừa trang nghiêm). 

4) Khắp nơi đều nghe danh (Danh xưng phổ văn). Ai ai cũng được nghe được biết đến danh xưng của Phật. 

5) Kiết tường (tốt lành, may mắn).

6) Tôn quý. 

Trên đây là phần giải thích đại cương mười tôn hiệu của Phật.

Vậy, trong vô lượng vô biên kiếp về trước, có một vị Phật xuất thế danh hiệu là Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai; và "Ðức Phật này thọ sáu vạn kiếp."    

Kinh văn:

Khi chưa xuất gia, Ngài là vua một nước nhỏ và kết bạn với vua của một nước lân cận; rồi cùng nhau thực hành Thập Thiện, nhiêu ích chúng sanh. Nhân dân trong nước lân cận đó đa số tạo nhiều việc ác, hai vua bèn bàn tính, quảng thiết phương tiện.

Một vua phát nguyện: "Tôi nguyện sớm thành Phật Ðạo để độ hết những kẻ ấy, không sót một ai."

Một vua thì nguyện: "Như tôi chẳng trước độ những kẻ tội khổ, làm cho họ được an vui, cho đến đắc quả Bồ Ðề, thì tôi nguyện chưa thành Phật."

Ðức Phật bảo Bồ Tát Ðịnh Tự Ðại Vương rằng: "Vị vua phát nguyện sớm thành Phật đó chính là Ðức Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai; còn vị vua phát nguyện vĩnh viễn cứu độ chúng sanh tội khổ, chưa chịu thành Phật đó, chính là Bồ Tát Ðịa Tạng vậy."

Lược giảng:

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni nói tiếp: Khi chưa xuất gia, Ngài—Ðức Phật Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai—là vua một nước nhỏ và kết bạn với vua của một nước lân cận; rồi cùng nhau thực hành Thập Thiện, nhiêu ích chúng sanh. Mọi người cùng nhau tu tập mười thứ thiện nghiệp—không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không tham lam, không sân hận, không si mê, không nói lời ác, không nói gian dối, không nói thêu dệt và không nói đâm thọc—để mưu cầu lợi ích cho chúng sanh.   

Nhân dân trong nước lân cận đó đa số tạo nhiều việc ác, hai vua bèn bàn tính, quảng thiết phương tiện. Trong nước lân cận đó, hầu hết dân chúng đều quen làm điều ác; vì thế hai vị vua nọ phải cùng nhau bàn bạc, tìm cách cứu giúp những người dân ấy.

 

Một vua phát nguyện: "Tôi nguyện sớm thành Phật Ðạo. Vị vua này muốn chóng được thành Phật để làm gì? Ðể độ hết những kẻ ấy, không sót một ai. Tôi nguyện sẽ khiến cho tất cả các chúng sanh làm điều ác đều được độ thoát, quyết chẳng bỏ sót một người nào!"



Một vua thì nguyện: "Như tôi chẳng trước độ những kẻ tội khổ, làm cho họ được an vui, cho đến đắc quả Bồ Ðề, chứng thành Phật Ðạo, thì tôi nguyện chưa thành Phật. Tôi nhất định phải độ xong tất cả các chúng sanh này thì mới thành Phật. Nếu còn một chúng sanh duy nhất chưa thành Phật, thì tôi vẫn chưa thể thành Phật được!"

Ðức Phật bảo Ðịnh Tự Ðại Vương Bồ Tát rằng: "Vị vua phát nguyện sớm thành Phật ấy, chính là Ðức Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai; còn vị vua phát nguyện vĩnh viễn cứu độ chúng sanh tội khổ, chưa chịu thành Phật đó—nếu còn một chúng sanh chưa thành Phật thì ông ta chưa chịu thành Phật—chính là Bồ Tát Ðịa Tạng vậy!" Và đó cũng chính là thệ nguyện mà Ðịa Tạng Vương Bồ Tát đã từng lập trong đời quá khứ.    

Kinh văn:

Lại trong đời quá khứ, vô lượng a-tăng-kỳ kiếp về trước, có Ðức Phật ra đời hiệu là Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai. Ðức Phật đó thọ bốn mươi kiếp. 

Trong thời Tượng Pháp, có một vị La Hán phước đức cứu độ chúng sanh. Nhân đi tuần tự giáo hóa, vị La Hán gặp một người nữ tên là Quang Mục thiết bày vật thực cúng dường. 

Vị La Hán bèn hỏi: "Ngươi muốn cầu điều chi?"

Quang Mục thưa rằng: "Ngày thân mẫu con mất, con có làm việc phước thiện hầu cứu vớt bà; song chưa rõ thân mẫu con thác sanh về đâu!"

Vị La Hán cảm thương, bèn nhập Ðịnh quan sát, thì thấy bà mẹ của Quang Mục bị đọa vào đường ác, vô cùng khổ sở. Vị La Hán hỏi Quang Mục rằng: "Thân mẫu ngươi lúc sanh tiền đã làm những hạnh nghiệp gì, mà nay phải ở trong đường ác, chịu cực khổ như thế?"

Quang Mục thưa rằng: "Tánh thân mẫu con chỉ thích ăn cá, ba ba, cùng trứng và con của các loài ấy; hoặc chiên hoặc nấu, tha hồ mà ăn; nếu tính đếm số sanh mạng đó thì đến hơn nghìn muôn. Thưa Tôn Giả từ mẫn, con phải làm thế nào để giải cứu mẫu thân?"

Vị La Hán xót thương bèn lập phương tiện khuyên Quang Mục rằng: "Ngươi phải chí thành niệm Ðức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai và vẽ đắp hình tượng, thì kẻ còn cùng người mất đều được phước báo!"

Lược giảng:

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni kể tiếp: Lại trong đời quá khứ, vô lượng a-tăng-kỳ kiếp về trước, có Ðức Phật ra đời hiệu là Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai. Ðức Phật đó thọ bốn mươi kiếp. 

Ðức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai này có thọ mạng lâu dài đến bốn mươi kiếp, và sau khi Ngài nhập Niết Bàn, trong thời Tượng Pháp, có một vị La Hán phước đức cứu độ chúng sanh, giúp chúng sanh vun trồng cội phước. Nhân đi tuần tự giáo hóa, vị La Hán gặp một người nữ tên là Quang Mục thiết bày vật thực cúng dường. 

Sau khi thọ nhận các thức ăn chay do Quang Mục cúng dường, vị La Hán bèn hỏi: "Ngươi muốn cầu điều chi? Ngươi đã cúng dường cho Ta, thế ngươi có việc gì muốn cầu xin ở Ta chăng? Ngươi muốn được những lợi lạc gì nào?" 

Quang Mục thưa rằng: "Ngày thân mẫu con mất, con có làm việc phước thiện hầu cứu vớt bà; song chưa rõ thân mẫu con thác sanh về đâu. Vào ngày mẹ con qua đời, con có làm những việc phước thiện và hồi hướng công đức cho mẹ con, mong rằng mẹ con nhờ đó mà được cứu độ. Nay con chỉ muốn biết một điều—chẳng hay mẹ con hiện đang đầu thai vào chốn nào, đường nào, cõi giới nào?" 

Vị La Hán cảm thương, bèn nhập Ðịnh quan sát, thì thấy bà mẹ của Quang Mục bị đọa vào đường ác, vô cùng khổ sở. Sau khi ngồi Thiền, nhập Ðịnh quán xét và trông thấy bà mẹ của Quang Mục bị đọa lạc vào đường ác, chịu vô vàn khổ sở, vị La Hán hỏi Quang Mục rằng: "Thân mẫu ngươi lúc sanh tiền đã làm những hạnh nghiệp gì mà nay phải ở trong đường ác, chịu cực khổ như thế? Mẹ của ngươi khi còn sống đã làm những việc gì để đến nỗi bây giờ phải đọa địa ngục, chịu tội báo cực kỳ thống khổ như thế?" 

Quang Mục thưa rằng: "Tánh thân mẫu con chỉ thích ăn cá, ba ba, cùng trứng và con của các loài ấy; hoặc chiên hoặc nấu, tha hồ mà ăn. Khi còn sống, bà mẹ của Quang Mục rất thích ăn cá và ba ba (rùa nhỏ). Không những thế, bà còn ăn rất nhiều trứng và con của chúng nữa. Lớp thì đem chiên, lớp thì luộc nấu, bà ta chỉ biết ăn cho thỏa thích, không kiêng dè gì cả. Có món ấy là bà cắm cúi ăn ngay, quên hết mọi thứ trên đời, kể cả sanh mạng!   



tải về 2.73 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   32




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương