Kinh đỊa tạng bồ TÁt bổn nguyện thiển thíCH



tải về 2.73 Mb.
trang18/32
Chuyển đổi dữ liệu08.09.2016
Kích2.73 Mb.
#31926
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   ...   32

Nếu tính đếm số sanh mạng đó thì đến hơn nghìn muôn. Thưa Tôn Giả từ mẫn, con phải làm thế nào để giải cứu mẫu thân?" Quang Mục nói tiếp: "Tính ra thì thân mẫu con đã ăn cả trăm ngàn vạn ức sanh mạng của loài cá và ba ba. Thế nên, Tôn Giả ơi! Xin Ngài hãy rũ lòng từ bi, thương xót mẫu thân con, mà bảo cho con biết phải làm những gì để cứu giúp người."  

Vị La Hán xót thương bèn lập phương tiện khuyên Quang Mục rằng: "Ngươi phải chí thành niệm Ðức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai." Bấy giờ, sau khi nghe Quang Mục nói xong, vị La Hán động lòng từ bi, bèn tùy nghi bày cho Quang Mục phương chước để cứu mẹ; Ngài dạy rằng: "Nếu ngươi có thể đem lòng thành khẩn, thiết tha xưng niệm "Nam Mô Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai," và vẽ đắp hình tượng của Ðức Phật này, thì kẻ còn cùng người mất đều được phước báo! Như thế, chẳng những thân mẫu ngươi mà ngay cả chính bản thân ngươi cũng được sự lợi ích. Bất luận là người còn sống hay kẻ đã qua đời, tất cả đều được lợi lạc."    

Kinh văn:

Quang Mục nghe xong, liền từ bỏ những thứ yêu thích, rồi tô vẽ tượng Phật để thờ cúng, và lại đem lòng cung kính, khóc thương chiêm lễ. Bỗng đến giữa khuya thì mộng thấy thân Phật, sắc vàng sáng chói, như núi Tu Di, phóng ánh sáng lớn mà bảo với Quang Mục rằng: "Chẳng bao lâu nữa thân mẫu ngươi sẽ sanh vào nhà của ngươi, khi vừa biết đói lạnh thì liền biết nói."

Sau đó, người nữ tỳ trong nhà sanh một bé trai, chưa đầy ba ngày đã biết nói. Ðứa bé đó buồn khóc mà nói với Quang Mục rằng: 

"Nghiệp duyên sanh tử, quả báo tự thọ. Tôi là mẹ của người, lâu nay ở chốn tối tăm. Từ khi vĩnh biệt người, tôi phải đọa vào đại địa ngục. Nhờ phước lực của người nên mới được thọ sanh làm kẻ hạ tiện, lại thêm thọ mạng ngắn ngủi, đến năm mười ba tuổi lại phải đọa vào ác đạo. Người có phương kế gì khiến tôi được thoát miễn chăng?"

Lược giảng:

Quang Mục nghe xong, liền từ bỏ những thứ yêu thích. Sau khi nghe vị La Hán dạy là phải cung kính cúng dường Ðức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai, Quang Mục bèn xả bỏ và đem bán tất cả những đồ vật mà mình hằng yêu chuộng. 

Tương tự như Thánh Nữ Bà La Môn trong phẩm trước, Quang Mục cũng đem bố thí hoặc bán đi những đồ vật quý giá nhất, những thứ mà mình không đành từ bỏ nhất; rồi tô vẽ tượng Phật để thờ cúng. Sau đó, Quang Mục dùng giấy hoặc các loại hàng gấm, nhiễu, tơ lụa để vẽ tượng Ðức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai; rồi lại sắm sửa hoa quả, nhang đèn, cùng đồ ăn thức uống, y phục, mền chiếu... và mang đến cúng dường tượng vẽ của Ðức Phật đó.   

Và lại đem lòng cung kính, khóc thương chiêm lễ. Vì biết thân mẫu mình đã bị đọa vào đường ác, phải chịu các nỗi thống khổ của chốn ác đạo, Quang Mục xót xa sầu thảm, cứ thành khẩn ngắm nhìn tượng Phật rồi chốc chốc lại cung kính cúi đầu đảnh lễ.  

Bỗng đến giữa khuya thì mộng thấy thân Phật, sắc vàng sáng chói, như núi Tu Di. Ngay hôm đó, vào lúc đã quá nửa đêm, Quang Mục bỗng nhiên mộng thấy Ðức Phật hiện thân, hào quang tỏa rạng. Thật ra, cảnh giới này chỉ giống như nằm mộng thôi, chứ không phải là mộng thực sự. Sở dĩ như thế là vì Quang Mục thành khẩn đến cực điểm nên mới có được cảnh giới "cảm ứng đạo giao," tức là từ trong nhà mà trông thấy được thân Phật sáng chói; song le, vì nếu nói rằng Quang Mục trông thấy thân Phật thì e có vẻ kỳ bí quá, cho nên trong Kinh chép là "mộng thấy" (mộng kiến) vậy! 

Bấy giờ, Quang Mục trông thấy Ðức Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục, thân hình cao lớn tựa núi Tu Di, sắc vàng rực rỡ, phóng ánh sáng lớn mà bảo với Quang Mục rằng: "Chẳng bao lâu nữa thân mẫu ngươi sẽ sanh vào nhà của ngươi, khi vừa biết đói lạnh thì liền biết nói." Ðức Phật đó báo cho Quang Mục biết rằng bà mẹ của cô ta sắp được đầu thai vào nhà của cô, và đứa bé ấy có đặc điểm là sau khi chào đời, vừa mới cảm giác được sự đói khát ấm lạnh là nó có thể nói chuyện được rồi; vì vậy cô ta hãy chờ xem.

Sau đó, người nữ tỳ trong nhà sanh một bé trai." Những kẻ đi làm công cho người ta, thì đàn ông gọi là "nô," còn đàn bà gọi là "tỳ." "Nô tỳ" là hạng đầy tớ thấp hèn, phải chịu sự sai khiến của chủ—chủ bảo đâu nghe đó, sai chi làm nấy.

Bấy giờ, chẳng bao lâu sau thì quả nhiên trong nhà của Quang Mục có người nữ tỳ sanh được một bé trai, chưa đầy ba ngày đã biết nói. Thường thì trẻ con cũng phải ba hoặc bốn tuổi mới biết chuyện trò rành mạch, nhưng đứa bé này ra đời chưa đến ba hôm là nói được rồi. Ðứa bé đó nói những gì?   

Ðứa bé cúi đầu buồn khóc. Ðứa bé đó hướng về phía có thờ tượng Phật mà cúi đầu làm lễ, rồi bật khóc mà nói với Quang Mục rằng: "Nghiệp duyên sanh tử, quả báo tự thọ. Quả báo của nghiệp duyên trong vòng sanh tử thì phải tự mình nhận lãnh. Bởi nhân duyên đã gây tạo ác nghiệp trong vòng sanh tử, sau này đến khi thọ quả báo, thì phải chính bản thân mình thọ chịu. Nếu quả báo tốt lành thì chính mình thọ hưởng, mà quả báo xấu ác thì cũng tự mình gánh chịu; hễ mình làm thì mình chịu, chứ chẳng phải ai khác. 

Ðứa bé ấy nói tiếp: Tôi là mẹ của người, lâu nay ở chốn tối tăm, chẳng thấy được ánh sáng của mặt trời, mặt trăng hoặc các vì tinh tú. Ðã lâu lắm rồi, tôi không nhìn thấy gì cả ngoài một màu đen tối âm u. Từ khi vĩnh biệt người—từ khi tôi chết cho đến nay—tôi phải đọa vào đại địa ngục. Nhờ phước lực của người nên mới được thọ sanh. May thay, người đã vì tôi mà tạo phước đức. Chính nhờ nương vào phước lực do người đã gây tạo, nên nay tôi được thoát khỏi những nỗi khổ sở của chốn địa ngục, nhưng còn phải đầu thai làm kẻ hạ tiện, lại thêm thọ mạng ngắn ngủi. Bà mẹ của Quang Mục tuy được thọ sanh làm người, song phải làm con của kẻ nô tỳ hèn hạ. Làm kẻ hạ tiện thì cũng đành đi, nhưng lại còn bị "yểu thọ" nữa ("yểu thọ" tức là chết yểu, chết sớm, mạng sống ngắn ngủi).  

Ðến năm mười ba tuổi lại phải đọa vào ác đạo. Người có phương kế gì khiến tôi được thoát miễn chăng?" Ðứa bé ấy nói với Quang Mục rằng: "Phen này tôi chỉ sống được tới mười ba tuổi mà thôi; sau đó tôi lại bị đọa lạc trong đường ác nữa. Vậy chẳng hay người có cách gì giúp cho tôi được giải thoát chăng? Xin người hãy mau mau tìm giải pháp, giúp tôi thoát khỏi bao thống khổ của chốn ác đạo!"  

Kinh văn:

Quang Mục nghe nói, biết là mẹ mình chẳng sai, nên nghẹn ngào thương khóc mà nói với con kẻ nữ tỳ rằng: "Ðã là mẹ tôi, tất biết bổn tội; do làm hạnh nghiệp gì mà phải đọa vào ác đạo như thế?"

Con kẻ nữ tỳ đáp rằng: "Do hai nghiệp là sát hại và hủy mạ mà phải thọ báo. Nếu không nhờ phước đức của người cứu nạn cho, thời cứ theo những nghiệp đó thì tôi vẫn chưa được giải thoát."

Quang Mục hỏi rằng: "Những việc tội báo trong địa ngục ra sao?"

Con kẻ nữ tỳ đáp rằng: "Những việc tội khổ nói ra càng bất nhẫn, suốt cả trăm ngàn năm cũng khó mà kể cho hết được!"

Lược giảng:

Quang Mục nghe nói, biết là mẹ mình chẳng sai. Sau khi nghe đứa bé, con của người nữ tỳ nói như thế, thì Quang Mục biết chắc rằng đó là thân mẫu của mình đầu thai, chẳng còn nghi ngờ gì nữa, nên nghẹn ngào thương khóc. "Nghẹn ngào" là trạng thái như có cái gì chặn ở cổ họng, khiến mình thốt không ra lời, khóc chẳng thành tiếng, khí quản bị tắc nghẽn, tưởng chừng như sắp đứt hơi vậy. Bấy giờ, muốn khóc thì không khóc được, mà có muốn cười thì cũng chẳng cười nổi; cũng không biết là khóc hay cười nữa! Ðó gọi là "nghẹn ngào," bởi trong lòng cảm thấy đau đớn, xót xa đến cực điểm nên mới như thế. 

Lúc ấy, Quang Mục nghẹn ngào mà nói với con kẻ nữ tỳ rằng: "Ðã là mẹ tôi, tất biết bổn tội. Người là mẹ tôi, ắt phải tự biết mình trước kia trót gây tạo những nghiệp tội gì; thế thì chẳng hay người do làm hạnh nghiệp gì mà phải đọa vào ác đạo như thế?" 

Con kẻ nữ tỳ đáp rằng: "Do hai nghiệp là sát hại và hủy mạ mà phải thọ báo." Nghiệp thứ nhất mà bà mẹ của Quang Mục gây ra là "sát hại." Bà đã từng giết cá, giết ba ba để ăn thịt, lại còn ăn rất nhiều trứng và con của chúng nữa; hoặc chiên hoặc nấu, bà chỉ biết ăn cho thỏa thích mà thôi. Nghiệp giết hại sanh vật thì rất nặng nề, nghiêm trọng. Ngoài ra, bà còn tạo nghiệp "hủy mạ," tức là chê bai mắng nhiếc nữa. Bà mẹ của Quang Mục trước kia thường hủy báng Tam Bảo, mắng chửi chúng sanh. Cả hai nghiệp tội này đều rất nghiêm trọng, do đó bà phải gánh chịu quả báo khổ sở đến dường ấy.

 

Nếu không nhờ phước đức của người cứu nạn cho, thời cứ theo những nghiệp đó thì tôi vẫn chưa được giải thoát." Giả sử không được Quang Mục làm việc công đức để cứu độ cho, thì căn cứ theo những tội lỗi mà bà đã tạo, lẽ ra đến nay bà vẫn chưa được thoát khỏi khổ nạn.  



Nghe đứa bé nói như vậy, Quang Mục hỏi rằng: "Những việc tội báo trong địa ngục ra sao? Chẳng hay việc tạo tội và thọ báo ở địa ngục thì như thế nào? Người có thể kể cho tôi biết được chăng?" 

Con kẻ nữ tỳ đáp rằng: "Những việc tội khổ nói ra càng bất nhẫn; suốt cả trăm ngàn năm cũng khó mà kể cho hết được." Ðứa bé ấy trả lời Quang Mục rằng: "Việc gây tạo tội lỗi và gánh chịu quả báo thì tôi chẳng thể nào kể lại được—tôi không nhẫn tâm nói ra. Dù trải qua một thời gian dài đến cả trăm ngàn vạn năm, cũng không thể nào thuật cho hết những nỗi thống khổ này!"  

Trong các quý vị ở đây, có nhiều người chỉ ngồi nghe giảng kinh thôi mà đã thở vắn than dài là nhọc nhằn mệt mỏi, song le, đến khi bị đọa địa ngục thì quý vị có biết sẽ như thế nào không? Lúc đang thọ báo ở địa ngục, dầu cho quý vị có hết lời nài nỉ van xin: "Xin hãy thả tôi ra, tôi không muốn ở đây chịu tội nữa!", thì cũng chẳng thể nào xoay chuyển được tình thế—quý vị không tài nào trốn thoát được cả! Nếu tội báo của quý vị chưa hết, mà quý vị lại không muốn ở địa ngục chịu tội, thì tất nhiên là không thể được! 

Do đó, chúng ta sống ở đời, nếu có những lúc phải chịu đựng đôi chút khổ sở, thì hãy tự nhủ rằng: "Không sao, so với cái khổ ở địa ngục thì vẫn đỡ hơn rất nhiều! Cái khổ ở địa ngục còn ghê gớm, đáng sợ hơn nữa!" Nếu nghĩ được như vậy thì ở đâu quý vị cũng thấy vui vẻ thanh thản, chẳng có nơi nào là khổ sở cả; thậm chí cho dù hai chân nhức nhối vì ngồi Thiền, quý vị cũng không lấy đó làm khổ!

Quý vị thử nghĩ xem, nếu quý vị đọa địa ngục và bị loài quỷ dùng chĩa nhọn đâm bừa vào mình mẩy rồi thẳng tay ném vào vạc dầu đang sôi sùng sục, thì như thế là khổ hay không khổ? Nếu lúc bấy giờ quý vị khẩn khoản van xin: "Chao ôi! Tôi chịu không nổi nữa rồi, xin các ngài làm ơn làm phước đừng bỏ tôi vào vạc dầu nữa mà!", thì loài quỷ cũng ngoảnh mặt làm ngơ, chẳng thèm nghe gì cả, bởi ở địa ngục thì không hề có chuyện "thông cảm" lôi thôi! Quý vị đau khổ, than thân khóc phận, oán trời trách đất ư? Ái chà, thế thì bọn quỷ ở địa ngục sẽ ném quý vị vào chảo dầu để "chiên" sống thêm lần nữa, khiến cho quý vị lại càng đau đớn khổ sở nhiều thêm!    

Kinh văn:

Quang Mục nghe xong, rơi lệ gào khóc, bạch cùng giữa hư không rằng: "Nguyện cho thân mẫu con được vĩnh viễn thoát khỏi chốn địa ngục, và khi mãn mười ba tuổi thì không còn trọng tội, cũng chẳng phải trải qua các ác đạo nữa. 

Cúi xin thập phương chư Phật từ bi thương xót, lắng nghe con nay vì mẹ mà phát lời thệ nguyện rộng lớn rằng: 

Như thân mẫu con được vĩnh viễn lìa khỏi chốn Tam Ðồ và hàng hạ tiện, cho tới cùng kiếp không phải thọ thân người nữ nữa, con xin đối trước tượng của Ðức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai mà phát lời nguyện rằng: Kể từ nay cho đến trăm ngàn muôn ức kiếp về sau, hễ nơi nào có thế giới còn có các chúng sanh chịu tội khổ nơi địa ngục cùng Tam Ác Ðạo, con nguyện sẽ cứu vớt và làm cho tất cả đều xa lìa các nẻo ác Ðịa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh... Những kẻ mắc tội báo như thế thành Phật cả rồi, thì sau đó con mới thành Chánh Giác."

Lược giảng:

Quang Mục nghe xong, rơi lệ gào khóc, bạch cùng giữa hư không rằng: "Nguyện cho thân mẫu con được vĩnh viễn thoát khỏi chốn địa ngục. Con chỉ cầu xin cho mẹ con được đời đời kiếp kiếp xa lìa mọi thống khổ của chốn địa ngục!" 

Bà mẹ của Quang Mục rất may mắn có được một người con hiếu thảo như thế; bằng không, e rằng đến nay bà vẫn còn trầm luân ở chốn địa ngục, chứ chưa dễ gì thoát ra được. Bởi vì bà giết hại quá nhiều sinh vật, mắng chửi người ta cũng không phải ít, nên mới bị đọa địa ngục; nhưng người con gái hiếu thảo của bà đã lập nguyện, cầu xin cho bà được khỏi phải chịu những nỗi thống khổ của chốn địa ngục, và khi mãn mười ba tuổi, thọ mạng trong đời này của bà hết rồi, thì không còn trọng tội và cũng chẳng phải trải qua các ác đạo nữa. Quang Mục lại cầu mong rằng sau khi thọ mạng mười ba tuổi trong đời này đã mãn, thì bao nhiêu tội lỗi nghiêm trọng của bà cũng đều được tiêu tan và bà không còn phải đọa vào đường ác nữa.  

Cúi xin thập phương chư Phật từ bi thương xót, lắng nghe con nay vì mẹ mà phát lời thệ nguyện rộng lớn rằng ... Con xin cung thỉnh chư Phật cùng chư Bồ Tát ở khắp mười phương đồng đến để chứng giám cho con là Quang Mục, nay xin vì thân mẫu mà lập nguyện rằng:   

"Như thân mẫu con được vĩnh viễn lìa khỏi chốn Tam Ðồ—thoát ly hẳn bao nỗi thống khổ của đao đồ, huyết đồ và hỏa đồ—và hàng hạ tiện, cho tới cùng kiếp không phải thọ thân người nữ nữa—chẳng những thân mẫu con không còn phải làm con của kẻ tôi đòi hèn hạ mà đời đời kiếp kiếp cũng không phải mang thân nữ nữa; thì con xin đối trước tượng của Ðức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai mà phát lời nguyện rằng: Kể từ nay cho đến trăm ngàn muôn ức kiếp về sau, hễ nơi nào có thế giới còn có các chúng sanh chịu tội khổ nơi địa ngục cùng Tam Ác Ðạo— Ðịa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh—thì con nguyện sẽ cứu vớt và làm cho tất cả đều xa lìa các nẻo ác Ðịa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh..., thảy đều không còn phải chịu đựng bao thống khổ trong ba đường ác cùng những nỗi khổ khác nữa. Những kẻ mắc tội báo như thế thành Phật cả rồi, sau đó con mới thành Chánh Giác."

Quý vị phải biết rằng: Nếu không nhờ có Ðịa Tạng Vương Bồ Tát lập lời thệ nguyện rộng lớn như thế, thì chắc chắn hiện giờ chúng ta vẫn còn đang chịu khổ báo trong các cõi giới của Ðịa Ngục, Ngạ Quỷ và Súc Sanh. Chúng ta sở dĩ ngày nay được làm người đều là nhờ nguyện lực của lời đại nguyện mà Ðịa Tạng Vương Bồ Tát đã lập từ vô lượng kiếp này. Chính nguyện lực của Ngài đã cứu chúng ta thoát khỏi chốn địa ngục, thoát khỏi đường ngạ quỷ, và thoát khỏi thân súc sanh. Tuy nhiên, chúng ta hiện nay vì chưa chứng đắc Túc Mạng Thông, cũng chưa có được Thiên Nhãn Thông, nên không thể biết được trước kia mình đã từng thọ hưởng ân huệ, đức từ bi, cùng bao nhiêu điều tốt lành và lợi lạc do Ðịa Tạng Vương Bồ Tát ban bố. Nếu không nhờ Ðịa Tạng Vương Bồ Tát sớm lập đại nguyện này, thì chúng ta đã phải gặp rất nhiều nguy hiểm. Do đó, trong từng giây từng khắc, lúc nào chúng ta cũng phải nhớ đến việc báo đáp ân đức sâu dày của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát!    

Kinh văn:

Phát thệ nguyện xong, liền nghe rõ tiếng của Ðức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai dạy rằng: "Này Quang Mục! Ngươi quả có lòng đại từ mẫn, khéo vì mẹ mà phát lời đại nguyện như thế! 

Ta quan sát thấy mẹ ngươi lúc mãn mười ba tuổi, khi bỏ báo thân này rồi, sẽ thọ sanh làm người Phạm Chí sống lâu trăm tuổi; sau khi hết báo thân ấy, sẽ được sanh về cõi nước Vô Ưu, thọ mạng lâu dài đến không thể tính kể; và sau rốt sẽ thành tựu Phật Quả, quảng độ nhân thiên số nhiều như cát sông Hằng."

Ðức Phật bảo Ðịnh Tự Tại Vương Bồ Tát rằng: "Vị La Hán phước lành độ Quang Mục thuở đó, chính là Vô Tận Ý Bồ Tát; thân mẫu của Quang Mục là Giải Thoát Bồ Tát; còn Quang Mục là Ðịa Tạng Bồ Tát đây vậy!

Lược giảng:

Sau khi Quang Mục phát thệ nguyện xong, liền nghe rõ tiếng của Ðức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai dạy rằng... "Nghe rõ" (cụ văn) tức là nghe rõ mồn một, rõ ràng từng tiếng; chứ không phải là chỉ nghe loáng thoáng, tiếng được tiếng mất, hoặc mơ mơ hồ hồ như mộng mị.

Như vậy, lúc vừa nói dứt lời nguyện thì Quang Mục nghe rõ ràng tiếng của Ðức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai vọng xuống rằng: "Này Quang Mục! Ngươi quả có lòng đại từ mẫn. Ngươi thật là vô cùng từ bi, khéo vì mẹ mà phát lời đại nguyện như thế! Hạnh nguyện của ngươi quả thật đã khiến cho Ta rất hoan hỷ. Ai đã chỉ dạy, chỉ bảo ngươi làm như thế? Ngươi đã có thể vì trọn hiếu đạo với mẹ mà lập thệ nguyện lớn lao dường ấy; Ta thật chưa từng nghe qua! Từ trước đến nay chưa có chúng sanh nào dám lập đại nguyện rộng lớn đến thế! Nay ngươi vì thiết tha muốn cứu mẫu thân mà phát lời đại nguyện cứu độ hết thảy chúng sanh, đây là điều rất hiếm có, là chuyện rất khó gặp! Thật là đáng quý lắm thay! Ngươi quả là một người con chí hiếu!"

Khen ngợi Quang Mục như thế xong, Ðức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai lại nói tiếp rằng: Ta—dùng Phật Nhãn—quan sát thấy mẹ ngươi lúc mãn mười ba tuổi, khi bỏ báo thân này rồi, sẽ thọ sanh làm người Phạm Chí. Nay nhờ ngươi đã lập đại nguyện như thế, cho nên khi thọ mạng mười ba năm của mẹ ngươi trong đời này đã hết, thì đời sau bà sẽ được đầu thai làm người Phạm Chí; và chẳng những thế mà còn được sống lâu trăm tuổi. "Phạm Chí" chính là Bà La Môn giáo, cũng gọi là "Tịnh Duệ" (tức là hậu duệ, dòng dõi của người tu hạnh thanh tịnh).  

Sau khi hết báo thân ấy, sẽ được sanh về cõi nước Vô Ưu, thọ mạng lâu dài đến không thể tính kể. Ngoài ra, Ðức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai còn cho biết rằng sau khi bỏ thân Phạm Chí, thân mẫu của Quang Mục sẽ được vãng sanh về Cực Lạc Thế Giới, sống lâu đến không thể tính đếm được là bao nhiêu kiếp; và sau rốt sẽ thành tựu Phật Quả, quảng độ nhân thiên số nhiều như cát sông Hằng. Số người ở cõi nhân gian và số thiên nhân ở cõi trời được vị Phật đó độ thoát thì nhiều như cát sông Hằng vậy." 

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni bảo Ðịnh Tự Tại Vương Bồ Tát rằng: "Vị La Hán phước lành độ Quang Mục thuở đó—vị La Hán ở thời Tượng Pháp của Ðức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai, đã vì lòng hiếu thảo của Quang Mục mà quán sát tìm xem mẹ cô ta đọa lạc ở đâu—chính là Vô Tận Ý Bồ Tát; còn thân mẫu của Quang Mục là Giải Thoát Bồ Tát; và Quang Mục là Ðịa Tạng Bồ Tát đây vậy.    

Kinh văn:

Trong nhiều kiếp lâu xa ở quá khứ, Bồ Tát đã có lòng từ mẫn, lập thệ nguyện nhiều như cát sông Hằng quảng độ chúng sanh như thế. 

Trong đời vị lai, như có kẻ nam người nữ nào không làm lành mà làm ác, cho đến kẻ chẳng tin nhân quả, kẻ tà dâm vọng ngữ, kẻ lưỡng thiệt ác khẩu, kẻ hủy báng Ðại Thừa; những chúng sanh có các nghiệp như thế tất phải đọa vào đường ác.

Lược giảng:

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy tiếp: Trong nhiều kiếp lâu xa ở quá khứ, Bồ Tát Ðịa Tạng Vương đã có lòng từ mẫn, lập thệ nguyện nhiều như cát sông Hằng quảng độ chúng sanh như thế. Như đã nói ở trên, vị Ðịa Tạng Vương Bồ Tát này có lòng từ bi rất bao la, vì thương xót khắp cả chúng sanh mà Ngài phát nguyện giáo hóa và độ thoát muôn loài. Thệ nguyện mà Ngài đã từng lập thì vô lượng vô biên, nhiều như cát sông Hằng, chứ chẳng phải chỉ có những lời được ghi chép trong Kinh mà thôi đâu!  

Trong đời vị lai, như có kẻ nam người nữ nào không làm lành mà làm ác, cho đến kẻ chẳng tin nhân quả. Mọi người đều nên "việc ác không làm, chỉ làm việc thiện"; thế nhưng có những chúng sanh lại "việc thiện không làm, chỉ làm việc ác"! Thậm chí có giảng về luật nhân quả cho họ nghe, họ cũng chẳng chịu tin.

Vừa rồi, tôi đến trường đại học University of California thuyết Pháp; sau buổi giảng thì có một sinh viên người Trung Hoa chờ tôi ngoài giảng đường và hỏi: "Thưa Thầy, chẳng hay Phật Giáo có tin Nhân Quả chăng?" 

Tôi đáp: "Có chứ! Về Nhân Quả, vấn đề không phải là tin hay không tin, bởi đó đúng là điều có thật! Anh tin, thì cũng có luật Nhân Quả; mà anh không tin, thì luật Nhân Quả cũng vẫn tồn tại như thường! Nếu anh không tin Nhân Quả, thì bây giờ tôi sẽ đưa ra một thí dụ hết sức đơn giản để anh tự nghiệm lấy. Thí dụ, anh tát người nào đó một bạt tai, thì người ấy nhất định sẽ tát lại anh một cái để trả đũa, có đúng không? Anh đánh người ta, đó là "nhân"; còn người ta đánh anh lại tức là "hậu quả" của việc anh làm. Anh đánh người ta thì người ta cũng đánh anh vậy! Thế nào, anh có tin lý lẽ này không?"

Anh sinh viên ấy nói rằng như thế thì anh ta không còn gì để nói nữa! Ban đầu anh ta có rất nhiều lý lẽ, muốn đến để tranh cãi biện luận, cho rằng không có Nhân Quả. Sau khi nghe tôi nói như thế, có lẽ anh ta sợ bị người khác đánh, hoặc là anh chẳng muốn đánh người khác hay sao thì tôi không rõ; tuy nhiên, anh ta đã bắt đầu tin là có Nhân Quả. 

Chúng ta vốn không nên đánh đập ai cả, do đó nếu quý vị gây gỗ đánh đập người khác, tức là quý vị đã gieo cái "nhân" không tốt rồi. Bởi quý vị đánh người nên mới bị người đánh, cho nên việc quý vị bị người ta quay lại đánh trả chính là cái "quả" của quý vị vậy. Nếu quý vị không tử tế với mọi người, thì mọi người cũng không tử tế với quý vị; nếu quý vị cư xử tốt với mọi người, thì mọi người cũng cư xử tốt với quý vị—đó là luật Nhân Quả. Cho nên,   

"Trồng thiện nhân thì kết thiện quả,

Gieo ác nhân tất gặp ác báo."

Ngoài ra, nếu quý vị kết giao toàn bạn xấu, không đàng hoàng, thì sớm muộn gì quý vị cũng bị ảnh hưởng mà trở thành người xấu. Trái lại, nếu quý vị toàn giao du với bạn tốt, thì cho dù bản thân quý vị là người xấu, dần dần quý vị cũng trở thành người tốt. Cho nên, mọi chuyện đều là Nhân Quả, quý vị chớ truy tìm đâu xa cho uổng công! Ðừng vội lên án người ta là không tốt với mình, mà trước hết hãy tự vấn lương tâm, xét xem mình có tốt với người ta hay không! Ðối với việc gì chúng ta cũng nên "hồi quang phản chiếu, phản cầu chư kỷ," soi xét lại chính mình; chứ đừng như cái máy chụp hình, cứ mải miết chụp hình người khác, còn bản thân mình hình thù ra sao thì lại hoàn toàn mù tịt, không hay không biết!

Kẻ tà dâm vọng ngữ, kẻ lưỡng thiệt ác khẩu. Chúng ta phải luôn luôn nhớ là đừng bao giờ phạm tội "lưỡng thiệt, ác khẩu" (nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác). Thế nào là "lưỡng thiệt"? Thí dụ, với người này thì quý vị dùng "bộ mặt" này, với người khác thì quý vị lại giở "bộ mặt" khác—gặp Giáp thì nói xấu Ất; gặp Ất thì chê bai Giáp—như thế là quý vị phạm tội "lưỡng thiệt, ác khẩu." Hoặc là quý vị dèm pha, dùng lời nói để gây hiềm khích, chia rẽ nội bộ, phá hoại sự đoàn kết của một tập thể đến nỗi tổ chức phải tan rã—đó cũng là phạm tội "lưỡng thiệt, ác khẩu" vậy.

Về tội "lưỡng thiệt, ác khẩu," thì nghiêm trọng nhất là khoản "phá hòa hợp Tăng." Thế nào gọi là "phá hòa hợp Tăng"? Người cư sĩ tại gia thì không được rao nói lỗi của người xuất gia—những vị Tỳ Kheo và Sa Di đã thọ giới Sa Di hoặc giới Bồ Tát. Bởi quý vị học Phật Pháp là học từ những người xuất gia, từ các vị Tỳ Kheo và Sa Di này; cho nên, quý vị không được học Phật Pháp rồi sau đó lại đi phá hoại Phật Pháp, gây sự xích mích trong đoàn thể Tăng Già. Nếu quý vị dùng lời nói làm cho Tăng Già trở nên bất hòa, tức là quý vị đã "phá hòa hợp Tăng," và mắc tội "lưỡng thiệt, ác khẩu" vậy. 

Trong Phật Giáo, "phá hòa hợp Tăng" là một trong năm tội nghịch nghiêm trọng nhất (Ngũ Nghịch Tội); và đó là:

1) Giết cha mình (thí phụ); 

2) Giết mẹ mình (thí mẫu); 

3) Giết bậc đã chứng quả A La Hán (thí A La Hán);

4) Làm mất sự hòa hợp giữa chư Tăng với nhau (phá hòa hợp Tăng). Ví dụ, với vị Sư này thì quý vị kể lể những khuyết điểm, sai sót của vị Sư kia, rằng vị ấy có lỗi với vị này như thế nào...; còn với vị Sư kia thì quý vị lại mách những nhược điểm, thiếu sót của vị Sư này, rằng vị này có lỗi với vị kia như thế nào, đố kỵ chướng ngại ra sao... khiến cho giữa những người xuất gia không còn sự hòa thuận, chư Tăng không thể cùng ở chung (cộng trụ) với nhau được nữa, và rốt cuộc là Tăng đoàn bị chia rẽ, phân tán—như thế là quý vị đã "phá hòa hợp Tăng" vậy. 

5) Làm thân Phật chảy máu (xuất Phật thân huyết). Ðây là tội nghịch thứ năm. Hiện tại Ðức Phật không còn tại thế, song nếu quý vị thiêu đốt tranh ảnh có hình Phật, hoặc phá hủy tượng Phật, thì cũng chẳng khác nào "làm thân Phật chảy máu" vậy! 

Trên đây là nói tổng quát về những tội bao hàm trong tội "lưỡng thiệt, ác khẩu." Mỗi người trong chúng ta đều phải đặc biệt chú ý, chớ bao giờ phạm những tội ấy; bằng không, quý vị sẽ bị đọa vào địa ngục, vĩnh viễn không đời nào thoát ra được!  

Kẻ hủy báng Ðại Thừa. Có nhiều người cho rằng không có Ðại Thừa, mà chỉ có văn tự Ba-Lỵ (Pali). Hôm qua có một kẻ ngông cuồng đã cật vấn: "Kinh điển của các người là dịch ra từ tiếng Pali chứ gì?" Anh ta, ngay cả chữ Pali là như thế nào còn không biết, mà lại hỏi có phải dịch ra từ tiếng Pali hay không! Ðó chẳng qua là anh ta muốn tỏ ra ta đây cũng là người hiểu biết thông thạo—hạng người như thế thật rất đáng thương!

 

Những chúng sanh có các nghiệp như thế tất phải đọa vào đường ác. Những chúng sanh tạo ác nghiệp như thế, nhất định sẽ bị đọa vào ba đường dữ—thật là nguy hiểm biết bao!    



tải về 2.73 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   ...   32




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương