Kinh đỊa tạng bồ TÁt bổn nguyện thiển thíCH


Phẩm Thứ Ba - Quán Chúng Sanh Nghiệp Duyên



tải về 2.73 Mb.
trang15/32
Chuyển đổi dữ liệu08.09.2016
Kích2.73 Mb.
#31926
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   32

Phẩm Thứ Ba - Quán Chúng Sanh Nghiệp Duyên


Ðây là phẩm thứ ba, nói về các nghiệp duyên của chúng sanh. 

"Quán" là quán sát, xem xét. 

Thế nào gọi là "chúng sanh"? "Chúng" có nghĩa là nhiều; "sanh" tức là sinh ra. Bởi do năm nhân tố—Sắc (hình sắc), Thọ (cảm thọ), Tưởng (suy nghĩ), Hành (hành vi), Thức (ý thức)—buộc ràng mà tạo thành thân thể, và do tác động của nhân duyên cảnh giới mà sinh ra, nên gọi là "chúng sanh."

Vì sao có "nghiệp"? "Nghiệp" là do thân (hành vi), khẩu (miệng—lời nói) hoặc ý (tư tưởng) gây tạo ra. Nói là "tạo ra," thì tại sao không gọi đó là "nhân" (nguyên nhân), mà lại gọi là "nghiệp"? "Nhân" chỉ có nghĩa là một loại nguyên nhân, lý do của một lần tạo tác mà thôi; còn "nghiệp" là tập hợp do các "nhân" tích lũy lại mà thành. Bởi trong "nghiệp" bao gồm quá nhiều loại "nhân" nên không thể gọi đó là "nhân" nữa, mà gọi là "nghiệp." 

"Duyên" là nhân duyên, sự đưa đẩy dẫn đến việc tạo nghiệp. Nhân duyên tạo nghiệp thì nhiều vô số—mỗi chúng sanh đều có một nghiệp duyên khác biệt, cho nên cảnh giới mà mỗi chúng sanh gặp phải cũng không đồng nhất. Chẳng hạn, có chúng sanh thì lúc nào cũng được vui sướng, may mắn; vì sao? Ðó là do trong các đời trước chúng sanh ấy trồng toàn "nhân lành" (thiện nhân), cho nên đời này được hưởng "quả lành" (thiện quả). Lại có những chúng sanh thường phải sống trong cảnh khổ sở khốn cùng, là vì sao? Ðó là vì trong đời trước các chúng sanh ấy không hề gieo "nhân lành," mà chỉ trồng toàn "nhân xấu" (ác nhân); các "nhân xấu" ấy tích lũy lâu ngày trở thành "nghiệp xấu" (ác nghiệp), do đó đời này phải chịu quả báo khổ sở. 

Ở đời, trồng thiện nhân thì được thiện quả; gieo ác nhân tất gặp ác báo. Thiện hay ác, tốt hay xấu, thì đều do cá nhân mỗi người tự gây tự tạo, chứ không phải do ai khác chỉ thị, sai khiến. Ngay cả việc thành Phật cũng vậy—chính bản thân quý vị phải nỗ lực dụng công tu tập để có được sự thành tựu, chứ không ai có thể làm thay cho quý vị được cả! Cho nên, nếu bây giờ quý vị tinh tấn dụng công tu hành tức là quý vị đang tinh tấn gieo trồng "nhân" Phật, và trong tương lai quý vị sẽ được thành Phật (tức là kết thành "quả" Phật). Nói cách khác, hễ quý vị tạo Phật nghiệp thì tương lai sẽ thành Phật, còn nếu tạo ma nghiệp thì tương lai chắc chắn sẽ làm ma làm quỷ!  

Kinh văn:

Lúc đó, Ðức Phật Mẫu Ma Da Phu Nhân cung kính chắp tay hỏi Bồ Tát Ðịa Tạng rằng: "Thánh Giả! Chúng sanh trong cõi Diêm Phù tạo nghiệp sai khác, cảm thọ sự báo ứng như thế nào?" 

Ngài Ðịa Tạng đáp rằng: "Trong ngàn muôn thế giới cho đến các quốc độ, nơi có địa ngục hoặc không địa ngục, nơi có người nữ hoặc không người nữ, nơi có Phật Pháp hoặc không Phật Pháp, cho đến cả Thanh Văn và Bích Chi Phật cũng đều như thế, chứ chẳng phải riêng tội báo nơi địa ngục thôi đâu!"  

Lược giảng:

Lúc đó, Ðức Phật Mẫu Ma Da Phu Nhân... Ma Da Phu Nhân là mẹ của Ðức Phật Thích Ca. Sau khi hạ sanh Ðức Phật (Thái Tử Tất Ðạt Ða) được mấy hôm thì Bà qua đời và được sanh lên cõi trời. (Vì Phật được sanh ra từ cạnh sườn bên trái của mẹ, nên có lẽ là do mất máu quá nhiều mà Phật Mẫu qua đời.) Thành Ðạo rồi, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni lại đi khắp nơi thuyết Pháp trong suốt bốn mươi chín năm, với hơn ba trăm Pháp Hội giảng Kinh. (Tôi nhắc lại lần nữa là hơn ba trăm Pháp Hội chứ không phải là ba trăm bộ Kinh như người nào đó đã nói hôm trước. Kinh Phật thì không phải chỉ vỏn vẹn có ba trăm bộ, mà là có đến cả mấy ngàn bộ!) Ðến khi sắp nhập Niết Bàn, Ðức Phật nhớ tới mẫu thân chưa được độ, bèn đến cung trời Ðao Lợi để thuyết Pháp cho Bà nghe. Và bây giờ, thân mẫu của Ðức Phật đang cung kính chắp tay. Ðức Phật Mẫu tỏ ra cung kính như thế đối với ai? Ðối với Ðịa Tạng Vương Bồ Tát!

Phật Mẫu chắp hai tay lại và kính cẩn hỏi Bồ Tát Ðịa Tạng rằng: "Thánh Giả! Chúng sanh trong cõi Diêm Phù tạo nghiệp sai khác, cảm thọ sự báo ứng như thế nào? Tất cả chúng sanh ở cõi Nam Diêm Phù Ðề gây tạo nghiệp nhân đều không giống nhau, vậy chẳng hay quả báo mà họ thọ nhận thì sai khác ra sao?" 

Ngài Ðịa Tạng đáp rằng: "Trong ngàn muôn thế giới cho đến các quốc độ, nơi có địa ngục hoặc không địa ngục..." Thế giới Cực Lạc là một thí dụ điển hình cho nơi không có địa ngục, không có ba đường ác; còn thế giới Ta Bà của chúng ta thì có ba đường ác—Ðịa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh.  

"Nơi có người nữ hoặc không người nữ." Thế giới của chúng ta này đây thì có người nam và cũng có người nữ, có bậc Thánh nhân và cũng có kẻ phàm phu; còn ở thế giới Cực Lạc thì chỉ có người nam chứ không có người nữ. Thế thì, không có người nữ thì làm sao lại có người nam được? Quý vị chớ vội lo âu—người nam sanh về thế giới Cực Lạc thì vẫn là người nam; mà người nữ sanh về thế giới Cực Lạc thì cũng biến thành người nam cả. Như vậy, người ở thế giới Cực Lạc là từ đâu đến? Do ai sanh ra? Ðiều này có lẽ quý vị chưa hề biết tới—người ở thế giới Cực Lạc đều là "liên hoa hóa thân," tức là được sanh ra từ hoa sen chứ không phải từ bụng mẹ!

Vì sao chúng ta niệm Phật? Ở đây quý vị niệm một tiếng Phật thì tại thế giới Cực Lạc, "bà mẹ hoa sen" (liên hoa mẫu thân) của quý vị sẽ được trổ sanh; và hễ quý vị niệm Phật càng nhiều thì hoa càng lớn, niệm Phật càng thành tâm thì hoa càng tươi tốt. Nếu quý vị niệm Phật một cách thiết tha, thành khẩn, thì sau khi chết, "thân trung ấm" của quý vị (tức là "thức thứ tám"; song lúc chưa làm người, làm quỷ hoặc làm thần, thì gọi là "thân trung ấm") sẽ được tiếp dẫn vào trong hoa sen đó và hoa liền nở rộ—hoa vừa nở thì quý vị được sanh ra. Do đó, người ở thế giới Cực Lạc đều được sanh ra từ hoa sen, và tất cả đều là nam, không có nữ.

 

"Nơi có Phật Pháp hoặc không Phật Pháp." Có những quốc gia hoặc thế giới đương có Phật thuyết Pháp, có Phật Pháp trụ thế; và cũng có những nơi chẳng hề có sự hiện diện của Phật Pháp. Thế nào gọi là "nơi không Phật Pháp"? Ðó là những nơi không có người giảng Kinh thuyết Pháp, không có tượng Phật, không có kinh điển, hoặc không có người xuất gia tu hành. Căn cứ theo kinh điển Phật Giáo thì ở châu Bắc Câu Lư không có Phật Pháp, và châu Bắc Câu Lư chính là một nơi trong Bát Nạn. "Bát Nạn" là gì? Ðó là tám chỗ chướng nạn, khó khăn; nếu chẳng may sanh vào tám cảnh ngộ này thì không được thấy Phật nghe Pháp, chẳng thể tu học thành Ðạo. 



"Cho đến cả Thanh Văn và Bích Chi Phật—thậm chí có Thanh Văn hoặc không có Thanh Văn, có Bích Chi Phật hoặc không có Bích Chi Phật, có Bồ Tát hoặc không có Bồ Tát—thì cũng đều như thế, chứ chẳng phải riêng tội báo nơi địa ngục thôi đâu!" Với cái nhìn hạn hẹp của phàm phu chúng ta thì hàng Thanh Văn rất vui sướng; nhưng đối với cảnh giới của hàng Bồ Tát thì Thanh Văn cũng có cái khổ của Thanh Văn. Cho nên, ở đây chúng ta có thể giảng là "có khổ của Thanh Văn hoặc không có khổ của Thanh Văn, có khổ của Bích Chi Phật hoặc không có khổ của Bích Chi Phật."

Vậy, không phải chỉ có tội báo ở địa ngục là bình đẳng như nhau, mà bất luận ở nơi đâu và bất luận là ai, hễ người nào tạo nghiệp thì người đó phải chịu quả báo, không tạo nghiệp thì không bị quả báo—tất cả đều rất công bằng bình đẳng, chẳng chút thiên vị riêng tư!    

Kinh văn:

Ma Da Phu Nhân lại bạch cùng Bồ Tát rằng: "Nay tôi muốn nghe về tội báo trong cõi Diêm Phù chiêu cảm lấy ác đạo."

Ngài Ðịa Tạng đáp rằng: "Thánh Mẫu! Mong Ngài lắng nghe nhận lấy, tôi sẽ lược nói việc đó." 

Phật Mẫu bạch rằng: "Xin Thánh Giả nói cho."

Bấy giờ Ðịa Tạng Bồ Tát nói với Thánh Mẫu rằng: "Danh hiệu của những tội báo trong cõi Nam Diêm Phù Ðề là như vầy: Như có chúng sanh chẳng hiếu thảo với cha mẹ, cho đến giết hại cha mẹ, kẻ đó phải đọa vào địa ngục Vô Gián trong ngàn muôn ức kiếp, không lúc nào mong ra khỏi được."  

Lược giảng:

Ma Da Phu Nhân, mẫu thân của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, lại bạch cùng Bồ Tát rằng: "Nay tôi muốn nghe về tội báo trong cõi Diêm Phù chiêu cảm lấy ác đạo." 

Lúc bấy giờ, Phật Mẫu lại thưa với Ðịa Tạng Vương Bồ Tát rằng: "Những thế giới khác đối với tôi thì xa xôi cách trở quá, và tôi cũng chưa hề đặt chân đến đó bao giờ; mà dẫu có đến rồi thì tôi cũng đã quên bẵng, cho nên tôi cũng không thắc mắc gì về các nơi ấy. Tôi nay chỉ muốn hỏi Ngài về chuyện ở cõi Nam Diêm Phù Ðề. Tôi muốn biết về sự chiêu cảm lấy ác đạo do tội báo ở cõi Nam Diêm Phù Ðề, và tạo nghiệp tội gì thì phải chịu quả báo gì. Tôi rất khao khát lắng nghe, xin Thánh Giả vì tôi mà thuyết giảng cho!"   

Nghe mẫu thân của Phật thỉnh cầu như vậy, Ngài Ðịa Tạng đáp rằng: "Thánh Mẫu! Mong Ngài lắng nghe nhận lấy, tôi sẽ lược nói việc đó. Tôi mong rằng Thánh Mẫu sẽ tiếp thọ những đạo lý mà tôi sắp nói đây. Song, tôi chỉ nói sơ lược thôi, chứ không thể giảng kỹ từng chi tiết một, vì nếu giảng kỹ thì suốt cả mấy đại kiếp giảng cũng không hết được. Cho nên, tôi chỉ nói khái quát mà thôi!" 

Phật Mẫu bạch rằng: "Xin Thánh Giả nói cho." Thấy Ðịa Tạng Vương Bồ Tát hoan hỷ nhận lời thỉnh cầu của mình thì Phật Mẫu vui mừng reo lên: "Tôi rất sung sướng và sẵn sàng đón nghe lời giảng của Bồ Tát!"  

Bấy giờ Ðịa Tạng Bồ Tát nói với Thánh Mẫu rằng: "Danh hiệu của những tội báo trong cõi Nam Diêm Phù Ðề là như vầy..." Bây giờ Bồ Tát Ðịa Tạng bắt đầu kể tên của những tội báo mà chúng sanh trót gây tạo ở cõi Nam Diêm Phù Ðề và rồi chiêu cảm ra các cảnh địa ngục:  

"Như có chúng sanh chẳng hiếu thảo với cha mẹ, cho đến giết hại cha mẹ, kẻ đó phải đọa vào địa ngục Vô Gián trong ngàn muôn ức kiếp, không lúc nào mong ra khỏi được." Giả sử có chúng sanh nào bất hiếu, thậm chí nhẫn tâm sát hại cả cha và mẹ của mình, thì kẻ đó phải vĩnh viễn ở trong địa ngục Vô Gián mà đền tội, chẳng bao giờ được thoát ra.

Chúng sanh chúng ta có bổn phận phải hiếu thảo với cha mẹ. Không hiếu thảo với cha mẹ là đã có tội rồi, huống chi là giết hại cha mẹ!? Ðó đều là những tội ác tày trời. Chúng ta làm người thì phải biết ăn ở cho hiếu thảo với cha mẹ, chu toàn bổn phận làm con. Tại sao con người cần phải lo tròn hiếu đạo? Hiếu thảo là gốc của con người; nếu không hiếu thảo với cha mẹ tức là quên mất nguồn cội. Có câu:  

"Cha cho sự sống, mẹ đẻ dưỡng nuôi, 

công ơn bao la, khó trọn báo đáp. " 

(Phụ hề sanh ngă, mẫu hề dục ngă, 

hạo thiên vơng cực, toát phát nan báo.) 

Nghĩa là cha cho ta sự sống, mẹ sinh đẻ dưỡng nuôi, công ơn ấy bao la không bờ bến, còn cao hơn trời và dày hơn đất nữa; chúng ta khó thể báo đáp cho trọn vẹn. "Hạo thiên" tức là bầu trời cao rộng hơn hết; song, dù cao đến đâu, rộng đến thế nào, thì cũng không thể sánh bằng công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ. Cho nên, là kẻ làm con, chúng ta nhất định phải hiếu thuận cha mẹ. 

Thế nào gọi là hiếu thuận cha mẹ? Phải chăng ngày ngày chúng ta mua cho cha mẹ vài món ngon vật lạ, dăm bộ quần áo mới, tức là có hiếu rồi? Chưa phải! Ðó chỉ là "hình thức," là lớp vỏ ngoài của sự hiếu thuận mà thôi. Vậy thì "nội dung" của hiếu thuận là gì? Chúng ta phải "lấy thuận làm hiếu"—chiều theo tâm ý và nguyện vọng của cha mẹ mình. Cha mẹ vui thì mình cũng nên vui, những gì cha mẹ yêu thích thì mình cũng nên mến chuộng.

Có người vừa nghe như thế liền nói: "Như thế tức là hiếu thuận ư? Cha tôi thích hút thuốc phiện, mỗi ngày hút hết một lạng; nay tôi hút mỗi ngày hai lạng thuốc tức là tôi có hiếu lắm rồi, vì tôi biết thuận theo sở thích của cha tôi!" Ðó có phải là "thuận" không? Không phải! "Thuận" là thuận theo tâm ý chứ không phải thuận về chuyện hút xách, ăn uống. Thí dụ, thấy cha mình thích ăn bánh mì bơ, mình cũng muốn giành ăn: "Con cũng thích món này. Ba để con ăn trước, con ăn no rồi thì ba hẵng ăn!" Ðó gọi là "tranh" chứ không phải "thuận." "Thuận" ở đây tức là thuận theo những ước muốn chánh đáng của bậc cha mẹ đối với con cái. Chúng ta phải tìm hiểu tâm nguyện cũng như sở thích của cha mẹ để khỏi làm trái ý hoặc phụ lòng mong mỏi của cha mẹ—đó gọi là "hiếu" vậy. 

Vừa rồi chúng ta có nghe nói là công ơn của cha mẹ thì "toát phát nan báo." "Toát phát" có nghĩa là số tóc trên đầu. Vậy, "toát phát nan báo" ngụ ý rằng tóc trên đầu còn có thể đếm được (tuy khó!), chứ ơn cha nghĩa mẹ thì khó thể đáp đền; cho nên ai ai cũng phải hiếu thảo với cha mẹ.

Trong khóa hè năm ngoái, tôi đã giảng về câu "dê con quỳ bú, quạ mớm nuôi mẹ" (cao dương quỳ nhũ, ô nha phản bộ).Câu này có nghĩa là dê con mỗi khi bú đều quỳ hai chân trước xuống trước mặt dê mẹ, còn quạ con thì biết mớm mồi nuôi quạ mẹ (do đó ở Trung Hoa người ta gọi quạ là loài chim hiếu—hiếu điểu). Vì sau khi ấp trứng nở ra quạ con, quạ mẹ già yếu không bay đi kiếm mồi được nữa, quạ con bèn đi tìm thức ăn mang về cho quạ mẹ. Quý vị xem, quạ và dê đều là loài cầm thú mà còn biết hiếu thảo với cha mẹ, huống hồ là loài người chúng ta? Do đó, nếu chúng ta ăn ở bất hiếu với cha mẹ, thì chúng ta còn thua cả loài cầm thú nữa! Loài người chúng ta có đầy đủ hạnh đức Ngũ Thường—nhân, lễ, nghĩa, trí, tín—thì lẽ nào chúng ta lại chẳng bằng cả loài quạ loài dê? Cho nên, làm người thì điều quan trọng nhất là phải hiếu thảo với cha mẹ!

Có người bùi ngùi hối tiếc: "Tôi rất thiết tha muốn báo hiếu cho cha mẹ; tiếc thay nay tôi đã xuất gia đi tu rồi, không thể cận kề hôm sớm để chăm sóc song thân, vậy thì tôi phải làm thế nào để báo hiếu bây giờ?" 

Xuất gia tu hành là một hành động thể hiện lòng "đại hiếu," bởi đó chính là hạnh hiếu thảo vĩ đại nhất, cao cả nhất. Có câu:   

"Một người con vào cửa Phật, tổ tiên chín đời được lên cơi trời." 

(Nhất tử nhập Phật môn, cửu tổ thăng thiên.) 

Nếu quý vị xuất gia tu Ðạo thì tất cả tổ tiên trong chín đời đều nhờ công đức tu hành của quý vị mà được siêu thăng lên cõi trời. Cho nên, xuất gia không phải là chỉ báo hiếu cho cha mẹ hiện đời, mà còn báo hiếu cho cả cha mẹ và tổ tiên trong những đời quá khứ nữa! Tuy nhiên, quý vị xuất gia mà phải chân chánh tu hành thì mới báo hiếu được; còn nếu quý vị cứ giải đãi, không tinh tấn dụng công tu tập, thì "cửu tổ" của quý vị vẫn phải đọa địa ngục, và bấy giờ họ sẽ than khóc ầm ĩ. Vì sao họ khóc? Họ than thở với nhau rằng: "Tôi cứ tưởng là có được đứa cháu xuất gia tu Ðạo thì chúng ta sẽ nhờ đó mà được thăng thiên. Ngờ đâu đứa cháu này lại chẳng chuyên cần tu tập, suốt ngày chỉ biết ngủ với nghỉ, vô cùng lười biếng! Giờ đây những nghiệp tội của chúng ta không được xá miễn chút nào cả, và chúng ta vẫn phải tiếp tục trầm luân trong địa ngục." 

Vì vậy, tuy nói rằng xuất gia tu hành thì "cửu tổ" của mình được sanh thiên, nhưng nếu quý vị không tinh nghiêm tu Ðạo thì "cửu tổ" vẫn bị đọa địa ngục như thường. Chớ nói rằng: "Tôi đã xuất gia đi tu rồi, ‘cửu tổ’ nhất định sẽ được thăng thiên!"; bởi vấn đề không phải như vậy! Nếu quý vị chỉ cạo đầu xuất gia rồi chẳng chịu tu hành gì cả, thì "cửu tổ" vẫn không được thăng thiên; trái lại, nếu quý vị chân chánh tu hành thì trong tương lai sẽ siêu độ được cha mẹ cùng tổ tiên của quý vị, và đó chính là "đại hiếu" vậy.

Bây giờ tôi sẽ kể cho quý vị nghe câu chuyện về một chú tiểu Sa Di, đệ tử của tôi. Hôm nay tôi đến Phật Ðường và đợi rất lâu mà chú ta vẫn chưa ngủ dậy. Thấy thế, một vị Sư Phụ vốn rất hiền hòa cũng phải nổi nóng mà gắt lên: "Kẻ xuất gia sao lại lười biếng đến thế?" 

Chú Sa Di này cũng ngoan, không đối đáp lại tiếng nào. Sau đó, tôi tra hỏi cặn kẽ mới hiểu ra đầu đuôi sự việc; quý vị có biết như thế nào không? Bây giờ tôi kể ra cho mọi người cùng biết: Thì ra chú Sa Di này cứ nằm dài như thế là vì đói chứ không phải lười biếng! Chú ta đói đến nỗi lả người, tay chân bủn rủn. Vì sao chú đói đến như vậy ư? Mấy hôm nay chú ấy muốn thử mang bình bát đi hóa duyên một mình, ngày nào chú cũng đi nhưng đều không được ai bố thí cho cả. Thế là chú sanh ra giận dỗi, trở về chùa cũng không chịu ăn uống gì cả. Ðến hôm nay nữa là chú đã nhịn đói được sáu, bảy ngày rồi, cho nên mới kiệt sức, không ngồi dậy nổi! Ấy thế mà tôi chưa rõ sự tình ra sao cả đã vội nóng nảy rầy la chú ta một trận nên thân! Cũng may là sau đó tôi nghĩ lại và căn dặn chú: "Vì sao con lười biếng thế? Con nên nói thật cho Sư Phụ biết!"

Bấy giờ chú ta mới chịu thú thật: "Vì không có ai bố thí cho con, con không có gì ăn cả nên mới bị kiệt sức, Sư Phụ ạ!" 

Nghe chú nói như vậy, tôi mới vỡ lẽ và tự trách mình: "Ôi! Sư Phụ đã mắng oan con rồi!" Và tôi bảo chú Sa Di: "Nếu con cảm thấy trong người còn yếu thì cứ ở trong phòng mà nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Sư Phụ mở cho con một ‘cánh cửa’ phương tiện vậy!"

Quý vị thấy đó, làm Sư Phụ thật là không phải dễ! Ðối phó với đệ tử, lắm lúc ông Sư Phụ cũng bối rối, không biết nên dùng phương pháp gì để giáo hóa cho thích hợp—đệ tử bị bỏ đói mà ông còn rầy la trách mắng nữa! May thay, chú đệ tử này quả có dụng công tu tập thực sự. Quý vị nghĩ xem, sáu, bảy ngày trời không ăn gì cả thế mà vẫn có thể cùng đại chúng tụng kinh, bái sám, và đến lớp nghe giảng kinh đều đặn như thường lệ—nếu không có công phu tu tập thì làm sao chịu đựng nổi!? Cho nên, bây giờ "lửa" giận đã tắt, tôi cũng thấy mừng là có được người đệ tử biết chăm chỉ dụng công tu hành—như thế cũng không tệ lắm! Tôi mong rằng các đệ tử khác đều học theo hạnh của chú Sa Di này, tập tánh nhẫn nại, nhịn nhục, dầu bị Sư Phụ quở trách cho một trận cũng không việc gì!!!

Ngoài ra, trên bước đường tu học, quý vị nhớ là đừng lo nghĩ về chuyện mình đã một ngày chưa ăn, hoặc hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày chưa ăn—hãy gạt bỏ chuyện đó ra khỏi tâm trí. Ăn rồi với chưa ăn đều như nhau, chưa ăn hay ăn rồi thì cũng thế—đừng nhớ là mình đã ăn hay chưa ăn nữa. Phải quên đi chuyện ăn rồi hay chưa ăn—như thế mới là chân chánh tu Ðạo! Song, nếu không chân chánh tu Ðạo, thì quý vị sẽ quên không nổi! 

Nếu chân chánh tu Ðạo, thật sự dụng công, thì quý vị sẽ có được Ðịnh lực chân chánh. Một khi quý vị đã có Ðịnh lực chân chánh rồi, thì đừng nói là bị tôi la mắng, mà dù có bị tôi đánh đập đi chăng nữa, quý vị cũng không hề hay biết và cũng chẳng thắc mắc: "Ai đánh tôi thế? Tôi đang ở đâu vậy?" Vì sao ư? Bởi vì bấy giờ quý vị không thấy có cái "tôi" nữa! Khi quý vị không còn cái "ngã," không còn thấy có sự hiện hữu của một cái "tôi" to tướng nữa, thì lúc đó mới thật là có Ðịnh lực chân chánh! Nếu quý vị vẫn còn cái "tôi," vẫn còn nhớ rõ: "Hừ! Ông đánh tôi! Ông mắng tôi! Ông nói xấu tôi! Tôi đói, tôi chưa ăn cơm!..." Quý vị chưa quên được điều này, thì Ðịnh lực chưa thể nảy sanh. Nhất định phải quên nó đi thì Ðịnh lực mới có thể nảy sanh; Ðịnh lực nảy sanh rồi tức là có được công phu chân chánh vậy!    

Kinh văn:

"Nếu có chúng sanh nào làm thân Phật chảy máu, hủy báng Tam Bảo, chẳng kính tôn kinh, kẻ đó cũng phải đọa vào địa ngục Vô Gián trong ngàn muôn ức kiếp, không lúc nào mong ra khỏi được."  

Lược giảng:

"Nếu có chúng sanh nào làm thân Phật chảy máu..." Ðây chỉ là giả thiết, ví dụ là có hạng chúng sanh phạm một tội ác như thế mà thôi. Thế nào gọi là "làm thân Phật chảy máu" (xuất Phật thân huyết)? Hiện nay Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nhập Niết Bàn rồi, thì làm sao có thể bị chúng sanh "làm thân Phật chảy máu" được? Vả lại, chúng ta không sanh vào thời Ðức Phật còn tại thế, cũng không gặp được Phật, thì làm sao có thể "làm thân Phật chảy máu" được? 

Vào thời Ðức Phật còn tại thế, thì "làm thân Phật chảy máu" có nghĩa là làm cho thân thể của Phật bị tổn thương, gây thương tích cho Phật. Còn sau khi Phật nhập Niết Bàn, thì "làm thân Phật chảy máu" tức là phá hủy tượng Phật, như cố tình làm sứt mất một lỗ tai hoặc làm gãy một ngón tay... của tôn tượng. Ngay cả thiêu đốt các tranh vẽ hình Phật bằng giấy cũng thế, đó cũng chẳng khác nào "làm thân Phật chảy máu" vậy! Tội này vốn không thể sám hối mà tiêu tan được, song có thể tùy theo tình huống mà có sự "khai duyên." Chẳng hạn nếu do say rượu, mắc bệnh điên cuồng hoặc tâm trí rối loạn bất thường, mà phạm phải, thì được xem là ngoại lệ, không bị khép vào thứ tội này. Tuy nhiên, nếu viện cớ mình tinh thần bất ổn hoặc là say rượu, rồi cố ý làm càn, thì nhất định là có tội. Nếu quý vị do vô tình mà trót phạm, thì nghiệp tội có nhẹ bớt phần nào.

Lúc Ðức Phật còn tại thế, oai lực thần thông của Phật lớn lao như vậy, thì ai mà có thể "làm thân Phật chảy máu" được? Phật đã chứng quả rồi thì ai mà có thể hãm hại, gây thương tích cho Phật được? Ở đời, lắm lúc cũng có những sự việc xảy ra ngoài sức dự liệu của con người—Phật cũng có thể bị ám hại, bị hành hung vậy. Quý vị đã có bao giờ nghe đến cái tên "Ðề Bà Ðạt Ða" chưa? Tôn Giả Ðề Bà Ðạt Ða vốn là em chú bác của Ðức Phật Thích Ca, nhưng ông lại thường xuyên gây khó dễ cho Phật, chuyên môn chống đối Phật. Phật thuyết pháp này thì ông phá hoại, Phật thuyết pháp kia thì ông đả kích. Nói tóm lại, bất cứ điều gì Phật làm ông cũng bài bác và cho là không đúng cả! Thế thì, Ðề Bà Ðạt Ða hãm hại Ðức Phật như thế nào?

Có một lần, Ðề Bà Ðạt Ða tìm một phụ nữ gia cảnh rất nghèo khó, và nói với cô ta rằng: "Cô hãy giúp ta một việc này; khi xong việc, ta sẽ thưởng cho cô một món tiền rất lớn!" 

Con người trong cảnh túng thiếu thường dễ bị đồng tiền lung lạc, có kẻ miễn có tiền là chịu làm tất cả, và người phụ nữ này cũng không thoát khỏi lẽ thường tình đó; vì thế, cô ta sốt sắng hỏi: "Ngài cần tôi làm việc gì?" 

Ðề Bà Ðạt Ða bảo: "Cô hãy độn một cái gối trong bụng, giả vờ là đang mang thai. Sau đó, đợi đến lúc Phật thuyết pháp thì cô hãy ra trước mặt các đệ tử của Phật mà tuyên bố rằng đứa bé trong bụng cô là con của Phật; như thế, thanh danh của Phật sẽ bị hoen ố và các đệ tử của Phật sẽ không còn tin tưởng ở Phật nữa. Việc thành rồi ta sẽ thưởng cho cô rất hậu hỹ." 

Người phụ nữ ấy y lời, răm rắp làm đúng theo lời dặn—cô độn bụng cho lớn và ngang nhiên nói với đệ tử của Phật rằng đứa bé trong bụng cô ta là con của Phật, cố ý bôi nhọ thanh danh của Phật. Nhưng Ðức Phật có thần thông, Ngài dùng thần thông làm cho cái gối độn bụng của cô ta tuột ra và rớt xuống trước sự chứng kiến của mọi người, nhờ đó ai nấy đều hiểu ra là cô ta muốn vu oan giá họa cho Phật. Ðây là một trong những cách Ðề Bà Ðạt Ða dùng để ám hại Phật trong lúc Phật giảng Kinh thuyết Pháp. 

Lại có một lần Ðề Bà Ðạt Ða dùng thần thông để ám hại Phật. Bởi Ðề Bà Ðạt Ða cũng có thần thông, cho nên một hôm nọ, nhân lúc Phật đang trên đường tới núi Linh Thứu, ông xô núi cho lở ra để đá lăn đổ xuống, chủ ý là đè Ðức Phật đến tan xương nát thịt. May thay, ngay khi ông ra tay đẩy núi, thì vị Kim Cang Lực Sĩ (cũng chính là vị sơn thần giữ núi Linh Thứu, tên là Bối Lạp) trông thấy; và thế là từ đàng xa, Thần Bối Lạp giơ chùy Kim Cang ra đỡ lấy núi, khiến bao nhiêu đá núi đều văng ngược trở lại. Ðá bị vỡ vụn văng tung tóe, và có một hòn đá nhỏ văng trúng đầu ngón chân út của Phật, làm cho rách da chảy máu—đây chính là "làm thân Phật chảy máu." Lần này thân Phật có bị chảy máu song cũng không hề gì; tuy nhiên, liền ngay lúc đó, có một chiếc xe hừng hực lửa của địa ngục chạy đến, Ðề Bà Ðạt Ða bị bắt sống và áp giải về địa ngục. 

Ðề Bà Ðạt Ða vừa "làm thân Phật chảy máu" thì liền bị đọa địa ngục ngay lúc còn sống, phải mang nhục thân vào địa ngục. Người đời nay, nếu thiêu đốt hình Phật, phá hủy tượng Phật, hoặc đập phá chùa chiền, tháp miếu thờ Phật, thì đều bị xem là phạm cùng một tội với Ðề Bà Ðạt Ða—tức là "làm thân Phật chảy máu" vậy.

"Hủy báng Tam Bảo." Thế nào gọi là "hủy báng Tam Bảo"? Chúng ta, những người tin Phật, phải nhớ kỹ là chớ phạm tội này—tuyệt đối đừng bao giờ khinh chê Tam Bảo, nói xấu Phật Pháp Tăng. 

Trong Giới hạnh Bồ Tát có giới điều "không rao nói lỗi của Tứ Chúng." Tứ Chúng là gồm có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di. Người đã thọ Bồ Tát Giới thì không được rêu rao, bàn tán về những lỗi lầm, sai sót của Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di. Chính bản thân mình không nói đã đành, nếu bắt gặp người khác nói lỗi của Tứ Chúng thì quý vị cũng đừng góp chuyện hoặc nói hùa theo, mà phải như là mình không nghe thấy gì cả vậy. Vì sao? Vì nếu quý vị hùa theo họ mà bàn ra tán vào thì quý vị cũng sẽ mắc tội "hủy báng Tam Bảo," và đồng thời phạm luôn cả tội "rao nói lỗi của Tứ Chúng." Do đó, tốt nhất là cứ ngậm miệng làm thinh! 

Ngoài ra, kiến giải của phàm phu chúng ta thường hay có chỗ sai lầm, bên cạnh đó, cảnh giới của hàng thánh nhân lại không phải là những gì mà phàm phu chúng ta có thể biết rõ được—chẳng hạn như bậc Sơ Ðịa Bồ Tát thì không thể biết được cảnh giới của hàng Nhị Ðịa Bồ Tát, Thập Ðịa Bồ Tát thì không thể biết được cảnh giới của Ðẳng Giác Bồ Tát, Sơ Quả A La Hán thì không thể biết được cảnh giới của Nhị Quả A La Hán... Cho nên, khi chưa có được trí huệ chân chánh thì chúng ta không nên sanh tâm hủy báng Tam Bảo, và cũng đừng rao nói lỗi của Tứ Chúng. Cho dù họ rõ ràng là có lỗi, quý vị cũng chớ vội phê phán; vì sao? Quý vị biết được cái sai của người ta, thì hãy lấy đó mà răn mình để tránh và làm cho đúng là được rồi; chứ đừng như cái máy chụp hình, toàn lo chụp hình cho người khác, còn chính mình hình thù như thế nào thì lại không hay không biết!



tải về 2.73 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   32




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương