KỶ YẾu kỳ HỌp thứ MƯỜi lăM, HĐnd tỉnh khoá V nhiệm kỳ 2004 2011



tải về 4.17 Mb.
trang23/60
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích4.17 Mb.
#23311
1   ...   19   20   21   22   23   24   25   26   ...   60

3. Thanh tra trách nhiệm:

Đã tiến hành 30 cuộc thanh tra theo kế hoạch về trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật tại 52 đơn vị, đã ban hành kết luận thanh tra 29 cuộc, sai phạm phát hiện qua thanh tra là 885,8 triệu đồng. Quyết định thu hồi nộp ngân sách nhà nước 692,7 triệu đồng, đã thu 289,1 triệu đồng. Cụ thể:

- Thanh tra tỉnh tiến hành 04 cuộc thanh tra trách nhiệm về việc thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng và thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ tại một số cơ quan: Sở Y tế và Trung tâm Phòng, chống Bệnh xã hội tỉnh; Sở Giao thông Vận tải, UBND huyện A Lưới và Sở Thông tin Truyền thông. Các vi phạm chủ yếu phát hiện qua thanh tra là sử dụng nguồn 70% viện phí để chi thường xuyên sai quy định; vi phạm các quy định về đầu tư xây dựng, nghiệm thu, thanh quyết toán; vi phạm về thuế thu nhập cao, thuế thu nhập doanh nghiệp,…

- Thanh tra các huyện: Phú Lộc, Quảng Điền, Hương Trà, A Lưới, thành phố Huế, thị xã Hương Thủy tiến hành 19 cuộc thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc chấp hành chính sách, pháp luật về thu, chi ngân sách tại 21 xã trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy: UBND các xã đã giải quyết được nhiều đơn thư của công dân về tranh chấp đất đai thông qua hình thức hòa giải, qua thanh tra đã chấn chỉnh những thiếu sót về công tác tiếp dân, xử lý đơn, thư tại các đơn vị.

- Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành 06 cuộc thanh tra trách nhiệm về công tác quản lý của Hiệu trưởng một số trường THPT trực thuộc Sở. Qua thanh tra công tác quản lý của các Hiệu trưởng trường cho thấy: hệ thống hồ sơ, sổ sách quản lý khá chặt chẽ, khoa học, thuận lợi cho việc đánh giá, xếp loại cán bộ, giáo viên cũng như xếp loại danh hiệu thi đua năm học; các chế độ chính sách, chủ trương, qui định và các văn bản chỉ đạo của Bộ, ngành…được triển khai đến các cán bộ, giáo viên. Tuy nhiên, kế hoạch còn nêu mục tiêu chung chung, chỉ nêu số đầu việc, thiếu những giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, hạn chế tình trạng học sinh yếu, kém.

- Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành 01 cuộc thanh tra trách nhiệm của các Phòng chuyên môn thuộc Sở tham mưu UBND tỉnh cấp Giấy Chứng nhận Đầu tư trong năm 2009. Qua thanh tra, công tác này đã được các Phòng thực hiện đúng với quy định của Luật Đầu tư và các quy định hiện hành. Tuy nhiên, việc lưu trữ hồ sơ thẩm định cần được chấn chỉnh, công tác hậu kiểm cần phải tăng cường hơn nữa nhằm kịp thời phát hiện, uốn nắn những vi phạm có thể xảy ra trong quá trình đầu tư.



4. Kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra:

Đầu năm 2010, đã tiến hành 26 cuộc kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Trong đó, Thanh tra tỉnh thực hiện 20 cuộc, đã thu hồi 335,6 triệu đồng và đã phối hợp với Cục thuế tỉnh chuyển 10 Quyết định xử lý sang Cục Thuế tỉnh để xử lý theo quy định của pháp luật. Các trường hợp chưa thực hiện đầy đủ, Thanh tra tỉnh tiếp tục đôn đốc yêu cầu các đơn vị khẩn trương nộp số tiền truy thu vào ngân sách theo các Quyết định xử lý.



Tóm lại, kết quả thanh tra năm 2010 cho thấy, các tổ chức thanh tra trong toàn tỉnh đã bám sát chương trình kế hoạch thanh tra để thực hiện nhiệm vụ được giao. Các cuộc thanh tra đều được tổ chức triển khai đồng bộ, tập trung, kết thúc đúng thời gian quy định, kiến nghị xử lý nghiêm minh theo pháp luật, chất lượng các cuộc thanh tra được nâng lên, đảm bảo được tiến độ đề ra. Qua công tác thanh tra đã kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong quản lý điều hành, kiến nghị xử lý nghiêm các vi phạm, góp phần nâng cao được ý thức trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị, Lãnh đạo các địa phương trong nhận thức, hành động đối với việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật; đồng thời, kiến nghị các cấp có thẩm quyền về giải pháp sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm tăng cường công tác quản lý, hạn chế phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí,…

II. CÔNG TÁC TIẾP DÂN; GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

1. Công tác tiếp công dân.

Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ của các huyện, Sở, ngành; trong năm 2010, UBND tỉnh và Thủ trưởng các cấp, các ngành đã tiếp 2.405 lượt công dân, tăng 45,7 % so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, cấp tỉnh tiếp 877 lượt, cấp huyện, Sở, ngành tiếp được 714 lượt, cấp xã tiếp 814 lượt, có 08 đoàn đông người. Nguyên nhân chủ yêu dẫn đến số lượt tiếp dân tăng là do thực tế tại một số địa phương đang thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, quy hoạch lại cơ sở hạ tầng, mở rộng khu công nghiệp, nhưng chính sách bồi thường, hỗ trợ, đền bù giải tỏa và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất chưa hợp lý, còn thiếu công bằng, làm phát sinh khiếu kiện.

Nội dung chủ yếu mà công dân đề cập tại các buổi tiếp công dân tập trung vào các vấn đề về bồi thường, hỗ trợ, đền bù giải toả, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông, thủy điện; chế độ, chính sách đối với người có công (chế độ thương binh, khen thưởng chính sách đối với bộ đội có thời gian làm nhiệm vụ Quốc tế đã xuất ngũ trở về địa phương...); về đầu tư cơ sở hạ tầng; việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; vấn đề xử lý nước thải, vệ sinh môi trường ở các khu công nghiệp, các nơi khai thác vàng sa khoáng; vấn đề đảm bảo nguồn nước sinh hoạt của bà con nhân dân; việc kiến nghị mở lớp dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động trẻ tại địa phương; vai trò tham gia, giám sát của nhân dân đối với các công trình do dân đóng góp; giải quyết vấn đề vay vốn cho sinh viên gia đình không phải là hộ nghèo,...

Tại các buổi tiếp công dân, lãnh đạo các cấp, các ngành đã ghi nhận các phản ánh, kiến nghị, đề xuất và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đã trả lời và giải thích những bức xúc, vướng mắc của nhân dân theo thẩm quyền tại các buổi tiếp dân. Đối với những kiến nghị, đề xuất của công dân mà lãnh đạo các cấp, các ngành chưa giải quyết ngay thì tiếp nhận, có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng xác minh làm rõ và báo cáo kết quả để cơ quan có thẩm quyền có biện pháp chỉ đạo, giải quyết kịp thời.

Nhìn chung, công tác tiếp công dân đã được Chủ tịch UBND tỉnh, UBND thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, các huyện, Thủ trưởng các cấp, các ngành quan tâm đúng mức. Đối với Văn phòng UBND tỉnh đã bố trí cán bộ thường xuyên tiếp công dân và tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo tại Trụ sở Văn phòng, đồng thời bố trí lịch công tác để Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện tiếp công dân tại trụ sở và tiếp lưu động tại các huyện, thị xã Hương Thủy, thành phố Huế theo đúng Lịch tiếp dân của lãnh đạo tỉnh. Thông qua công tác tiếp dân, lãnh đạo các cấp, các ngành đã lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, phát hiện những sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp để có biện pháp khắc phục kịp thời. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành giải quyết kịp thời đối với các khiếu nại đông người, không để xảy ra “điểm nóng” trên địa bàn góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương.

2. Xử lý đơn khiếu nại, tố cáo:

Theo báo cáo của các huyện, sở, ngành, trong năm 2010, UBND tỉnh và Thủ trưởng các cấp, các ngành đã tiếp nhận 930 đơn, trong đó, khiếu nại 803 đơn; tố cáo 127 đơn; tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2009. Tổng số đơn tồn năm 2009 chuyển sang 35 đơn, trong đó 32 đơn khiếu nại, 03 đơn tố cáo.

Nội dung đơn khiếu nại chủ yếu về các quyết định hành chính trong quản lý đất đai như quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định về thu hồi đất, về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, khiếu nại xin lại nhà do Nhà nước quản lý; đòi lại đất đã tập thể hóa hoặc giao cho người khác sử dụng.

Nội dung đơn tố cáo tập trung về việc tố cáo cán bộ, chủ yếu cán bộ cấp huyện, xã, phường lợi dụng chức vụ, quyền hạn; vi phạm nguyên tắc trong công tác quản lý tài chính, quản lý đất đai, tiêu cực trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Kết quả phân loại xử lý đơn: có 199 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp, các ngành; trong đó, có 174 đơn khiếu nại, 25 đơn tố cáo.

Tổng số đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết là 731 đơn (629 đơn khiếu nại, 102 tố cáo); các cấp, các ngành đã hướng dẫn công dân gửi đơn khiếu nại và đã chuyển đến cấp có thẩm quyền giải quyết đối với đơn tố cáo. Việc phân loại và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.



3. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo:

3.1. Giải quyết khiếu nại:

Theo báo cáo của các huyện, sở, ngành: trong năm 2010, UBND tỉnh và Thủ trưởng các cấp, các ngành đã giải quyết 122/174 vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 70,11 %. Trong đó, số vụ việc khiếu nại đúng là 14 vụ việc, số vụ việc khiếu nại sai là 68 vụ việc; số vụ việc khiếu nại có đúng, có sai là 40 vụ việc.

Phần lớn các vụ việc khiếu nại đúng có nội dung khiếu nại về lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ, bố trí đất tái định cư chưa phù hợp theo các quy định của pháp luật; đặc biệt là các vụ việc khiếu nại về bồi thường gíá đất còn quá thấp so với giá đất thực tế, bố trí đất tái định cư khi chưa đủ điều kiện hạ tầng.

Kết quả giải quyết khiếu nại: đã ban hành 49 quyết định giải quyết khiếu nại. Số quyết định giải quyết khiếu nại đã được thi hành là 22 quyết định. Số quyết định giải quyết khiếu nại chưa được thi hành 27. Số vụ việc khiếu nại còn tồn đọng là 52 vụ việc.



3.2. Giải quyết tố cáo:

Tổng số vụ tố cáo đã giải quyết 16/25 vụ tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 64%: số vụ tố cáo sai 10 vụ, số vụ tố cáo có đúng, có sai 06 vụ (đơn tố cáo đúng có nội dung tập trung về những yếu kém trong quản lý đất đai, về những biểu hiện tiêu cực trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư); đã ban hành 06 quyết định xử lý tố cáo, đã thực hiện 04/06 quyết định xử lý tố cáo. Số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền còn tồn đọng 09 vụ việc.

Qua giải quyết tố cáo, lãnh đạo các cấp, các ngành đã điều chỉnh và xử lý kịp thời những sơ hở, yếu kém, bất cập trong công tác điều hành, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý đất đai.

3.3. Giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài (theo Kế hoạch số 319/KH-TTCP ngày 20/02/2009 của Thanh tra Chính phủ):

Thực hiện Kế hoạch số 319/KH-TTCP ngày 20/02/2009 và Công văn số 678/TTCP-CII ngày 07/4/2009 của Thanh tra Chính phủ, Tổ công tác Thanh tra Chính phủ phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra, rà soát các vụ khiếu nại, tố cáo của công dân mà địa phương và Trung ương đã ban hành văn bản, quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật nhưng thực hiện còn nhiều vướng mắc nên công dân liên tục tiếp khiếu. Qua kết luận tại Công văn số 751/TTCP-CII ngày 09/4/2010 của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra rà soát đối với 26 vụ khiếu nại, tố cáo, tranh chấp tồn đọng kéo dài trên địa bàn tỉnh, về cơ bản Thanh tra Chính phủ thống nhất theo hướng giải quyết của UBND tỉnh. Đối với một số vụ việc còn tồn tại những vấn đề cần tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm theo đề nghị của Thanh tra Chính phủ; UBND tỉnh đã tiến hành họp và ban hành Thông báo số 101/TB-UBND ngày 28/4/2010 nhằm chỉ đạo Thủ trưởng các Sở, ngành liên quan có kế hoạch triển khai thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ. Trong đó, có 02 vụ việc đã có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng và đã được Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo chấm dứt xem xét; 02 vụ việc các Bộ, ngành Trung ương đã có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng, chấm dứt xem xét; có 11 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương chấm dứt xem xét (đã có văn bản giải quyết khiếu nại cuối cùng đúng pháp luật, mặc dù công dân vẫn tiếp khiếu nhưng không có tình tiết mới cần phải xem xét thêm); còn lại 11 vụ việc khiếu nại đang được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm.



3.4. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo:

Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đã mang lại quyền lợi và trả lại cho công dân 613 m2 đất và thu hồi về cho Nhà nước 46,1 triệu đồng; kiến nghị xử lý hành chính 04 người. Số người được bảo vệ quyền lợi 08 người. Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành công nhận hòa giải thành vụ việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông Võ Đại Dư, ông Võ Đại Phấn và gia đình ông Võ Đại Lào, trú tại thôn An Bình, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc.

Năm 2010, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngành tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện đúng quy định của pháp luật đã cũng cố lòng tin của nhân dân, góp phần ổn định an ninh, trật tự tại địa phương. Các huyện giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt tỷ lệ cao gồm: UBND huyện Hương Trà, UBND huyện Quảng Điền đạt tỷ lệ 100%, UBND huyện Hương Thủy đạt tỷ lệ 90,5%. Tuy nhiên, một số đơn vị tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thấp như UBND tỉnh đạt tỷ lệ 52,1%, UBND huyện Phú Vang đạt tỷ lệ 40%. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những khó khăn, hạn chế đó là:

- Về tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thấp là do chất lượng tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cấp, sở, ngành còn hạn chế. Việc thụ lý đơn, giải quyết khiếu nại còn chậm, đặc biệt có nhiều vụ việc khiếu nại có nội dung phức tạp, cần nhiều thời gian để kiểm tra, xác minh làm rõ nên kéo dài thời gian. Mặt khác, đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số sở, ngành hiện còn thiếu, không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của công tác tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Sự phối hợp giữa các cơ quan, các cấp, các ngành trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực thi các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật chưa chặt chẽ, còn chậm được thực hiện, nên để vụ việc kéo dài, phát sinh phức tạp.

- Một bộ phận nhân dân nhận thức về pháp luật còn hạn chế nên gửi đơn, thư khiếu nại, tố cáo nhiều lần, vượt cấp, thậm chí một số vụ việc đã có quyết định giải quyết nhưng không đồng tình nên chuyển sang đơn tố cáo hoặc một số đơn tố cáo nội dung không rõ ràng, nặc danh, mạo danh không có cơ sở để xem xét giải quyết.

- Nguyên nhân chủ yếu làm nảy sinh khiếu kiện là do thực tế tại một số địa phương đang thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, quy hoạch lại cơ sở hạ tầng, mở rộng khu công nghiệp..., nhưng việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất chưa hợp lý, còn thiếu công bằng. Mặt khác, trong quá trình thực hiện chủ trương giải toả, có nơi chưa thực hiện đúng về trình tự, thủ tục quy định; khi xảy ra khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu không áp dụng đúng trình tự, thủ tục quy định trong giải quyết khiếu nại, không tổ chức gặp gỡ, đối thoại với người khiếu nại và người có nghĩa vụ liên quan, làm cho vụ việc từ đơn giản trở nên phức tạp, làm phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo nhiều, vượt cấp.

4. Về tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Để thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh, ngày 08/01/2010,UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 01/2010/CT-UBND "Về tiếp tục tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp" để chỉ đạo Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, các huyện và Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, để thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo; trong năm 2010, UBND các huyện, các ngành đã mở 05 lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo với 645 người tham gia các lớp tập huấn, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật và kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ công chức làm công tác tiêp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Thanh tra tỉnh tổng kết việc thực hiện Đề án 3-212 về “Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2 (2008-2010)”.


Phần II

PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CÔNG TÁC NĂM 2011
I. CÔNG TÁC THANH TRA

Năm 2011, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo ngành Thanh tra tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm về quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; trong đó, tập trung thanh tra về quản lý đất đai, khoáng sản, tài chính công, quản lý thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách xã hội và quốc phòng, an ninh; thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Cụ thể:



1. Thanh tra hành chính:

- Thanh tra các sở, ngành tập trung thanh tra công tác quản lý nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và việc chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức trên các lĩnh vực phụ trách mà trong công tác quản lý và trong chấp hành pháp luật còn nhiều yếu kém, thường xảy ra vi phạm hoặc những vấn đề mà dư luận quan tâm để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời như: thanh tra việc quản lý nhà nước về đất đai, môi trường, khoáng sản; dự án đầu tư, tài chính công; các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách xã hội,…



- Thanh tra tỉnh, Thanh tra thành phố Huế, thị xã Hương Thuỷ, các huyện tập trung thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trên các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; đầu tư xây dựng cơ bản (xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị, khu dân cư; các công trình giao thông, thuỷ lợi, xây dựng); quản lý tài chính - ngân sách; việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, về phát triển điện lực, hạ tầng, việc làm, văn hoá, giáo dục, Chương trình 135; Chương trình bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ tại địa phương,…

2. Về thanh tra chuyên đề theo định hướng của Thanh tra Chính phủ về việc quản lý, sử dụng đất đai gắn với bảo vệ môi trường.

3. Về thanh tra chuyên ngành: căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cá nhân, tổ chức trên các lĩnh vực được phân công, tập trung vào những vấn đề bức xúc, dư luận có nhiều ý kiến, những lĩnh vực cần phải chấn chỉnh hoặc dễ phát sinh vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

4. Về thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo và phòng, chống chống tham nhũng của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, tập trung ở những địa bàn, lĩnh vực có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, tiêu cực, tham nhũng.

II. VỀ CÔNG TÁC TIẾP DÂN, XỬ LÝ ĐƠN THƯ VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, TRANH CHẤP

1. Tiếp tục phổ biến, tuyên truyền Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành đến tận cán bộ và nhân dân; đặc biệt là ở các xã, phường trọng điểm phức tạp về khiếu nại, tố cáo nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân.

2. Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 41/2008/CT-UBND, ngày 24 tháng 12 năm 2008 của UBND tỉnh "Về việc nâng cao chất lượng và tăng cường công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp trên địa bàn tỉnh" và Chỉ thị số 01/2010/CT-UBND, ngày 08 tháng 01 năm 2010 của UBND tỉnh "Về việc tiếp tục tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp". Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 28/3/2009 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Thông báo Kết luận số 130-TB/TW, ngày 10 tháng 01 năm 2008 của Bộ Chính trị.

3. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Đổi mới công tác tiếp công dân theo Quyết định số 858/QĐ-TTg, ngày 14 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ; kiện toàn về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiếp công dân nhằm tăng cường hiệu quả công tác tiếp công dân của các cơ quan quản lý nhà nước; gắn công tác tiếp dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

4. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài theo Kế hoạch 319/KH-TTCP, ngày 20/2/2009 của Thanh tra Chính phủ; chủ động giải quyết ngay các vụ việc mới phát sinh tại cơ sở, hạn chế tối đa khiếu kiện vượt cấp.

5. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp số vụ việc tồn đọng, kéo dài với chủ trương giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo từ cơ sở; tăng cường phối hợp thanh tra các cấp để giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp; giải quyết kịp thời đơn thư liên quan đến nhân sự bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

6. Thực hiện nghiêm chỉnh, kịp thời các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.

III. CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THANH TRA

Năm 2011, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo Ngành Thanh tra tỉnh tham mưu đẩy mạnh quản lý nhà nước về công tác thanh tra, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn, cụ thể:



1. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện Chương trình, Kế hoạch thanh tra của Thanh tra các huyện, thị xã Hương Thuỷ, thành phố Huế và Thanh tra các sở, ngành.

2. Hướng dẫn về nghiệp vụ thanh tra hành chính, tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra về công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo cho lực lượng thanh tra viên, thanh tra nhân dân ở các xã, phường, thị trấn và ở các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước.

3. Tổng kết, rút kinh nghiệm; xây dựng nghiệp vụ thanh tra trong phạm vi quản lý Nhà nước của Thanh tra tỉnh; phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính hướng dẫn chế độ chính sách, tổ chức biên chế đối với Thanh tra cấp huyện và Thanh tra các sở, ngành.

4. Xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý thống nhất, đồng bộ số liệu, nội dung trên môi trường mạng về công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của chính quyền các cấp.

Trên đây là báo cáo công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2010 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2011 trên địa bàn tỉnh./.







TM. UỶ BAN NHÂN DÂN

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Phan Ngọc Thọ




ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


Số: 114/BC-UBND





Huế, ngày 30 tháng 11 năm 2010


BÁO CÁO

Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng,

buôn lậu, gian lận thương mại, thực hành tiết kiệm,

chống lãng phí năm 2010 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2011

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa X); Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững; Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh về thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; UBND tỉnh đã xác định công tác phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện, đạt được kết quả như sau:


Phần I

KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG,

BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI, THỰC HÀNH TIẾT KIỆM,

CHỐNG LÃNG PHÍ NĂM 2010
I. KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

1. Tình hình xây dựng chương trình, kế hoạch và thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng ở các ngành, địa phương.

- Hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng theo chỉ đạo của UBND tỉnh và thực hiện nghiêm túc Chương trình công tác phòng, chống tham nhũng năm 2010 của đơn vị.

- Xây dựng kế hoạch nâng hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2010; chỉ đạo tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm sử dụng biên chế và kinh phí; hướng dẫn triển khai thực hiện Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng; tiếp tục hoàn chỉnh Đề án hài hòa thủ tục đầu tư, xây dựng và đất đai trên địa bàn tỉnh; quy định về quy trình công khai, minh bạch trong công tác quản lý đất đai; quy trình công khai, minh bạch trong công tác quản lý đầu tư xây dựng; về thực hiện cơ chế mua sắm công, đấu giá công khai khi bán, thanh lý, giao, cho thuê tài sản công,...

- Xây dựng quy chế phối hợp giữa UBKT Tỉnh ủy với Ban Chỉ đạo PCTN tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; giữa Thường trực Ban Chỉ đạo PCTN tỉnh với Thường trực UBMTTQVN tỉnh trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Như vậy, trong năm, tỉnh ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu văn bản mang tính giải pháp trong quản lý để khắc phục những kẻ hở, dễ nảy sinh tham nhũng trong một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng như đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công, đất đai...

2. Việc thực hiện các biện pháp phòng, ngừa tham nhũng.

a) Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt pháp luật về phòng, chống tham nhũng:

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định về phòng, chống tham nhũng gắn với việc triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong năm, đã tổ chức quán triệt cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện; hoàn thành việc quán triệt học tập cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở từng cơ quan, đơn vị; phát sóng 4 đợt phim tài liệu về “Cuộc chiến chống tham nhũng” trong năm 2010 trên đài truyền hình địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn.

Tiến hành rà soát, đánh giá, tổng kết việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X), Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành tại các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở.

b) Thực hiện các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng:

- Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành việc kê khai lần đầu theo quy định, với 9.169 người thực hiện. Tuy nhiên, tỷ lệ kê khai bổ sung theo quy định tại Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP còn thấp, nhất là ở cấp huyện, xã (năm 2008: 69,8%, năm 2009: 81,7%). Do một số đơn vị cho rằng, tài sản hàng năm không có biến động so với bản kê khai lần đầu nên không thực hiện hoặc trong năm thực hiện kê khai lần đầu nên cuối năm không kê khai bổ sung,…

+ Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra việc kê khai minh bạch tài sản, thu nhập tại 26 đơn vị cấp huyện, cấp sở. Qua kiểm tra, đã hướng dẫn, chấn chỉnh để công tác kê khai tài sản, thu nhập tại các đơn vị đảm bảo nghiêm túc, đúng quy định. Sau khi kiểm tra, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 45/2010/CT-UBND ngày 29/10/2010 tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác kê khai minh bạch tài sản, thu nhập trên địa bàn tỉnh.

- Toàn tỉnh đã rà soát hơn 1.800 thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ; trong đó, có 275 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị cấp huyện, 239 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã và hơn 1.300 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành; tỷ lệ đơn giản hóa thủ tục đạt 76,3%. Qua rà soát, đã bãi bỏ 37 thủ tục hành chính không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp liên quan đến lĩnh vực xây dựng, tài nguyên môi trường, lao động, thương binh xã hội, nông nghiệp, văn hóa đang thực hiện tại UBND cấp xã.



- Công tác tổ chức cán bộ và chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức:

+ Có 115 lượt cán bộ, công chức, viên chức được chuyển đổi vị trí công tác, chưa tính số lượng kế toán chuyển đổi của các trường tiểu học và THCS thuộc thành phố Huế. Tuy nhiên, phần lớn các cơ quan, đơn vị, địa phương còn lúng túng, mới dừng lại ở việc xây dựng danh mục vị trí cần chuyển đổi, chưa thực hiện chuyển đổi vị trí cán bộ, công chức, viên chức theo quy định. Việc thực hiện chuyển đổi còn gặp vướng mắc giữa yêu cầu của chuyển đổi vị trí công tác với yêu cầu chuẩn hóa, chuyên nghiệp, kinh nghiệm của cán bộ, công chức ở các vị trí sau khi chuyển đổi; biên chế một số chức danh ở cơ sở chỉ có từ 01 đến 02 người nên khó thực hiện chuyển đổi theo quy định.

+ Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai phổ biến, quán triệt Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ về thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Một số đơn vị đã xây dựng và công khai quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp riêng áp dụng trong cơ quan, đơn vị mình như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước, Văn phòng UBND tỉnh... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị chưa xây dựng quy tắc hoặc trích dẫn nội dung của quy tắc để niêm yết công khai nhằm tăng cường sự giám sát của cán bộ và nhân dân trong quá trình thực hiện công vụ.

- Công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị:

Việc công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, sử dụng ngân sách nhà nước, mua sắm công, tuyển dụng công chức, viên chức, quản lý dự án đầu tư, thủ tục thuế, hải quan,…có chuyển biến khá tốt. UBND tỉnh đã triển khai dự án dịch vụ công trực tuyến tại Sở Kế hoạch và Đầu tư về tiếp nhận thông tin và hỗ trợ pháp lý cho các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp; xây dựng và nâng cấp hạ tầng Trung tâm thông tin dữ liệu điện tử của tỉnh; hoàn thành việc kết nội mạng diện rộng (WAN) của tỉnh đến huyện; đầu tư hạ tầng mạng nội bộ (LAN) ở các UBND xã, phường, thị trấn; ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Đảng và Nhà nước của tỉnh giai đoạn 2011-2015,... Đăng cai tổ chức hội thảo “Hải quan điện tử và giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục hải quan điện tử” nhằm giúp các doanh nghiệp trên địa bàn nắm bắt những chính sách và giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ doanh nghiệp khi thực hiện kê khai hải quan điện tử tại địa phương trong thời gian tới.



- Công tác quản lý đầu tư và xây dựng:

Công tác công khai minh bạch trong hoạt động quản lý đầu tư xây dựng được các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, công tác giám sát đầu tư của cộng đồng chưa được các địa phương quan tâm đúng mức, năng lực quản lý dự án của một số Ban quản lý, các chủ đầu tư, nhất là các xã còn yếu; công tác giám sát kỹ thuật chưa tốt, chưa có giải pháp để chống tình trạng thông thầu nên hiệu quả qua đấu thầu để tiết kiệm ngân sách nhà nước chưa cao. UBND tỉnh ban hành một số văn bản nhằm chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình trên địa bàn tỉnh.



- Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng:

Thực hiện kế hoạch kiểm tra được UBND tỉnh phê duyệt, Ban Chỉ đạo PCTN tỉnh đã tiến hành nắm tình hình về công tác phòng, chống tham nhũng tại 11 cơ quan, đơn vị và triển khai 06 cuộc kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại 06 đơn vị. Ngành thanh tra đã tiến hành 30 cuộc thanh tra tại 52 đơn vị về nội dung phòng, chống tham nhũng (bao gồm các cuộc lồng ghép). Qua kiểm tra, đã chỉ ra những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, hướng khắc phục trong quá trình thực hiện ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương...



- Việc chỉ đạo, đôn đốc xử lý các vụ việc, đơn, thư tố cáo về tham nhũng:

UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc xử lý các vụ việc tham nhũng trên địa bàn thông qua Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh và các cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh. Toàn tỉnh đã tiếp nhận 892 đơn (772 đơn khiếu nại, 120 đơn tố cáo)

. Các đơn, thư có liên quan đến nội dung tham nhũng đã tiếp nhận trong năm chủ yếu liên quan đến việc không minh bạch trong công tác tài chính, tiêu cực trong việc thuyên chuyển viên chức ngành giáo dục, mua sắm máy móc, thiết bị vi tính tại các trường học, giải quyết tranh chấp về đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tiêu cực trong việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Các cấp, các ngành đã tiến hành xử lý các đơn, thư theo đúng quy định của pháp luật. Phần lớn các đơn, thư tố cáo về tham nhũng do mạo danh, nặc danh hoặc không có địa chỉ cụ thể nên không có cơ sở để xem xét giải quyết. Đã soát xét và chỉ đạo xử lý dứt điểm đơn tố cáo tại xã Phú Mậu; chỉ đạo xử lý những vấn đề còn thiếu sót, tồn tại trong quá trình tổ chức đấu thầu mua sắm trang thiết bị tin học ở các trường học, công tác thuyên chuyển và điều động giáo viên tại huyện Hương Trà; soát xét, bàn biện pháp, chỉ đạo giải quyết dứt điểm đơn kiến nghị của công dân tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc.

3. Tình hình phát hiện và kết quả xử lý các vụ việc tham nhũng.

a) Kết quả thanh tra góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng:

Toàn ngành Thanh tra tỉnh đã tiến hành 215 cuộc thanh tra, kiểm tra; trong đó, theo kế hoạch 207 cuộc, đột xuất 08 cuộc. Qua thanh tra, đã phát hiện sai phạm với số tiền trên 8,9 tỷ đồng; quyết định xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 5 tỷ đồng, xử phạt hành chính 830 triệu đồng; đã thu hồi trên 2,1 tỷ đồng (trong đó, thu của năm 2010 trên 1,6 tỷ đồng, thu của các năm trước trên 470 triệu đồng). Qua đó, đã chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, thiếu sót trong quản lý điều hành, góp phần nâng cao được ý thức trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị, địa phương trong nhận thức, hành động đối với việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.



b) Kết quả thụ lý điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng:

Cơ quan Điều tra Công an các cấp đã phối hợp với các ngành Kiểm sát, Tòa án cùng cấp và các đơn vị liên quan đẩy mạnh kiểm tra, điều tra xử lý các vụ có dấu hiệu tham nhũng, vi phạm pháp luật, kịp thời đưa ra truy tố, xét xử phục vụ yêu cầu chính trị tại địa phương. Qua công tác điều tra đã phát hiện, khởi tố 02 vụ tham nhũng, gây thiệt hại tài sản trên 3,8 tỷ đồng, so với năm 2009 không tăng, không giảm. Ngoài ra, còn phát hiện 06 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trên một số lĩnh vực như xây dựng cơ bản, quản lý vốn vay, quản lý tài sản của HTX, của doanh nghiệp, nguồn kinh phí hỗ trợ của Chính phủ,... gây thiệt hại trên 1,5 tỷ đồng. Các vụ việc trên hiện đang được cơ quan điều tra tập trung xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để có cơ sở xử lý chính xác, đúng quy định của pháp luật. Như vậy, số vụ án và vụ việc tham nhũng xảy ra được phát hiện trong năm là 08 vụ, so với năm 2009 giảm 01 vụ (giảm 12,5%).

Cơ quan Điều tra Công an các cấp tiếp tục thụ lý điều tra 13 vụ/19 đối tượng có dấu hiệu tham nhũng (gồm: 05 vụ/13 đối tượng tồn từ năm 2009 chuyển sang, 08 vụ/06 đối tượng phát hiện trong năm 2010); trong đó, án tham nhũng đã khởi tố điều tra 04 vụ/05 bị can; vụ việc có liên quan đến tham nhũng đang xem xét 09 vụ/14 đối tượng.

Trong năm, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã truy tố 03 vụ/03 bị can với tội danh “Tham ô tài sản”. Toà án nhân dân (hai cấp) đã thụ lý và xét xử 04 vụ án/04 bị cáo về tội “Tham ô tài sản” với mức án thấp nhất là 2 năm tù (cho hưởng án treo) và cao nhất là 9 năm tù.



Tóm lại: Công tác phòng, chống tham nhũng đã được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh” về thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, lãng phí và đã đạt được một số kết quả nhất định. Hầu hết cán bộ, đảng viên đều giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, tiên phong gương mẫu trong công tác phòng, chống tham nhũng. Các vụ việc tham nhũng, tiêu cực phát hiện đã được xử lý nghiêm minh, kịp thời, góp phần giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp; công tác phòng, chống tham nhũng chuyển biến còn chậm, hiệu quả còn thấp so với mục tiêu, yêu cầu đề ra, vẫn còn nhiều hạn chế nhất định. Số vụ việc tiêu cực, tham nhũng phát hiện trong năm còn ít. Một số đơn vị, địa phương chưa chú trọng công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng. Còn nhiều đơn vị chưa thực hiện tốt việc chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, tỷ lệ thực hiện việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập đạt được chưa cao.



II. CÔNG TÁC CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

1. Tình hình triển khai, quán triệt các văn bản liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Công tác tuyên truyền, giáo dục các quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và bảo vệ rừng đã được các cơ quan chức năng quan tâm thực hiện. UBND tỉnh cũng đã ban hành Chỉ thị số 35/CT-UBND ngày 10/11/2010 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường các tháng cuối năm 2010 và đầu năm 2011.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật thương mại đến các đối tượng kinh doanh; nắm và lập sổ bộ các tổ chức cá nhân, sản xuất kinh doanh trên địa bàn để theo dõi, quản lý; đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, người điều khiển phương tiện xuất, nhập cảnh, hành khách xuất nhập cảnh và cư dân tại các xã biên giới không buôn bán hoặc tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, ma tuý qua biên giới.

2. Kết quả công tác chống sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng nhập lậu, hàng cấm.

- Lực lượng Quản lý thị trường thường xuyên tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức kiểm tra các điểm tập kết, phát luồng hàng hóa, các điểm kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm. Qua kiểm tra, phát hiện hàng cấm, hàng nhập lậu chủ yếu là điện thoại di động, thuốc lá ngoại, mỹ phẩm, rượu, sữa, phụ tùng ô tô, đồ điện... Kết quả đã phát hiện và xử lý 186 vụ với tổng giá trị thực hiện trên 3,4 tỷ đồng, trong đó: xử phạt vi phạm hành chính số tiền 316 triệu đồng; trị giá hàng tịch thu đã bán trên 1,4 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu huỷ trên 1,5 tỷ đồng và trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 120 triệu đồng; đã chuyển cơ quan Kiểm lâm xử lý 03 vụ.

Ngoài ra, lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra trên các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, vệ sinh an toàn thực phẩm và đăng ký kinh doanh. Kết quả đã phát hiện và xử lý 14 vụ vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; 238 đối tượng kinh doanh không chấp hành việc niêm yết giá theo quy định; 158 trường hợp kinh doanh không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP); 435 vụ vi phạm kinh doanh không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các điều kiện, thủ tục đăng ký kinh doanh, không ghi nhãn hàng hoá theo quy định... Tổng số tiền xử phạt các vụ vi phạm là 383 triệu đồng; đã chuyển cơ quan Thuế xử phạt và truy thu thuế 14 vụ vi phạm kinh doanh với số tiền 45 triệu đồng; ngoài ra, đã tịch thu các hàng hóa vi phạm, tiêu huỷ các hàng hóa không bảo đảm chất lượng VSATTP; đồng thời, yêu cầu các đối tượng vi phạm khắc phục ngay hành vi vi phạm.

- Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký kinh doanh và niêm yết giá, kiểm tra đo lường chất lượng hàng hoá tại 332 cơ sở, xử lý vi phạm 67 cơ sở, phạt vi phạm hành chính 29 triệu đồng, tịch thu tiêu hủy một số hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như sữa, nước ngọt, bánh, cà phê, mỹ phẩm, sản phẩm gia cầm, thực phẩm chứa chất phụ gia bị cấm và một số hàng hóa vi phạm khác. Qua đó, đã chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm, góp phần ổn định thị trường.

- Lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý 92 vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ; đã chuyển Trung tâm bán đấu giá (Sở Tư pháp) xử lý 53 vụ với tổng trị giá trên 1,2 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 57 trường hợp, chuyển Kho bạc nhà nước thu nộp ngân sách trên 123 triệu đồng. Ngoài ra, đã phát hiện và xử lý 73 vụ mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản, động vật rừng; đã chuyển cho Kiểm lâm xử lý theo chức năng 235,2 m3 gỗ các loại và 77 cá thể động vật rừng. Phát hiện và xử lý 87 vụ vi phạm về môi trường; xử phạt vi phạm hành chính, chuyển Kho bạc nhà nước thu nộp ngân sách 808 triệu đồng; thu giữ và chuyển cho cơ quan chức năng xử lý 43 tấn sản phẩm động vật không bảo đảm quy định về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Lực lượng Kiểm lâm đã tiến hành 133 đợt truy quét tại rừng, phát hiện và xử lý hành chính 748 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; trong đó, có 135 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; đã tạm giữ và tịch thu trên 850,4 m3 gỗ các loại (có 24 m3 gỗ quí hiếm), tiêu huỷ tại rừng 77,4 m3 gỗ các loại và nhiều công cụ, phương tiện vi phạm. Đã triển khai nhiều đợt truy quét trên tuyến đường Quốc lộ 1A, các nhà hàng, quán ăn, các tụ điểm buôn bán động vật hoang dã tại các huyện, thị xã và thành phố,... Kết quả đã phát hiện, xử lý tịch thu 251 cá thể động vật rừng với khối lượng 359 kg, chủ yếu là các loài chồn, rùa, nhím, don, rắn, kỳ đà, kỳ nhông, gà lôi, cầy vòi hương... Số lượng động vật rừng còn sống của các vụ vi phạm được cứu hộ và thả lại về rừng. Tổng số tiền xử lý thu nộp ngân sách từ các vụ vi phạm trên 5,6 tỷ đồng; trong đó, xử phạt vi phạm hành chính trên 1 tỷ đồng, bán lâm sản tịch thu trên 4,5 tỷ đồng.

- Lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tuyến đường biên giới và đường hàng không. Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và gian lận thương mại tại các địa bàn thuộc phạm vi Cục Hải quan tỉnh quản lý diễn biến không phức tạp. Các tổ chức, cá nhân hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh đều chấp hành khá tốt chính sách pháp luật hải quan và quy trình thủ tục Hải quan. Trong năm, chưa phát hiện có vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại qua đường biên giới, đường hàng không. Các trường hợp vi phạm phát hiện chủ yếu là vi phạm về thủ tục hải quan và đã xử lý kịp thời, đúng pháp luật (11 vụ).

Tóm lại: Với nỗ lực của các lực lượng chức năng trong hoạt động giáo dục truyền thông, trong việc bám sát địa bàn và nắm tình hình từ cơ sở với những biện pháp đấu tranh kiên quyết, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại năm 2010 đã đạt được những kết quả đáng kể, tạo được sự chuyển biến về nhận thức và thay đổi hành vi ứng xử của cộng đồng và người dân trong việc cung cấp tin báo, góp phần đấu tranh có hiệu quả với hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, phá hoại rừng. Tuy vậy, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, các vụ vi phạm Luật bảo vệ rừng xảy ra còn nhiều. Các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép có nhiều thủ đoạn tinh vi, lợi dụng sơ hở trong các chính sách xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, hoặc dùng bộ hoá đơn bán đấu giá của cơ quan tài chính để quay vòng vận chuyển hàng lậu, hàng cấm… Do đó, việc kiểm tra, phát hiện và bắt giữ các hình thức buôn lậu, gian lận thương mại còn gặp nhiều khó khăn. Thực trạng đó đòi hỏi các lực lượng chức năng phải tăng cường hơn nữa lực lượng trinh sát, triển khai các biện pháp nghiệp vụ chặt chẽ với những phương tiện, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác; ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ với quần chúng nhân dân mới có thể hoạt động có hiệu quả trên địa bàn tương đối rộng.

III. CÔNG TÁC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

1. Tình hình triển khai thực hiện các quy định của Trung ương, của tỉnh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững; Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 17/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu tiết kiệm trong sử dụng ngân sách nhà nước cho các Bộ, ngành, địa phương…; trên cơ sở chương trình hành động của Tỉnh uỷ và các Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1839/2007/QĐ-UBND ngày 21/8/2007 quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 05/5/2009 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, kết hợp đẩy mạnh nhiệm vụ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với việc tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu.

UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo và triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thông qua kiểm soát chặt chẽ và tiết kiệm chi tiêu công. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, UBND tỉnh đã ban hành và giao chỉ tiêu hướng dẫn tiết kiệm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn.

Chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh kiểm tra chặt chẽ các khoản chi từ nguồn ngân sách nhà nước từ khâu duyệt dự toán, thanh toán đến khâu quyết toán kinh phí. Xây dựng tiêu chí phân bổ ngân sách về chi thường xuyên (biên chế, quỹ lương); phân bổ ngân sách thuộc chương trình kiên cố hoá kênh mương, bê tông hoá giao thông nông thôn, xoá nhà tạm, kiên cố trường, lớp học… theo khả năng vốn của địa phương, theo đề án và tình hình cụ thể được duyệt. Đồng thời, chỉ đạo Sở Tài chính tiếp tục đẩy nhanh công tác quyết toán các đơn vị sử dụng ngân sách, kiên quyết xuất toán, thu hồi nộp ngân sách các khoản chi sai chế độ, vượt định mức qui định hiện hành của Nhà nước.

Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương tham mưu các cơ chế tài chính - ngân sách, góp phần thúc đẩy nền kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển tích cực, đúng hướng; tham mưu quản lý điều hành, cân đối thu chi ngân sách đúng pháp luật, hợp lý. Nhờ vậy, nhiệm vụ thu chi ngân sách của địa phương tiếp tục ổn định, tăng trưởng.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, có văn bản chỉ đạo triển khai các biện pháp tiết kiệm và phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị thuộc phạm vi quản lý; đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ trên tinh thần Nghị định số 130/2005/NĐ-CP và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ.



2. Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của Thường vụ Tỉnh uỷ và HĐND tỉnh về ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao, bình ổn thị trường, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện với nhiều biện pháp quyết liệt…Vì vậy, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thời gian qua đã đạt được kết quả khả quan và tương đối toàn diện, cụ thể như sau:



a) Trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên:

- Về kinh phí hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương:

Đã phân bổ, giao chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên cho các cơ quan, đơn vị, địa phương từ đầu năm để làm lương gần 48 tỷ đồng (khối tỉnh: trên 26 tỷ đồng, khối huyện: trên 21 tỷ đồng); 40% tiết kiệm nguồn thu sự nghiệp để làm lương trên 13,6 tỷ đồng (khối tỉnh: trên 10 tỷ đồng, khối huyện: 3,6 tỷ đồng). Nhìn chung, việc thực hiện chỉ tiêu tiết kiệm chi thường xuyên đã được kiểm soát chi một cách chặt chẽ. Khoản kinh phí tiết kiệm được dành để tăng lương, bổ sung nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách...

Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm toán, quyết toán, kiểm soát chi đã phát hiện, chấn chỉnh nhiều sai sót của các đơn vị trên địa bàn. Điển hình như hệ thống Kho bạc Nhà nước đã từ chối thanh toán các khoản chi vượt, chi không đúng quy định hoặc chứng từ không đảm bảo, tiết kiệm cho ngân sách trên 1,4 tỷ đồng... Qua thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực quản lý và sử dụng tài chính, ngân sách đã phát hiện một số sai phạm về thuế thu nhập doanh nghiệp, thanh toán tiền vượt thực tế, chi vượt chế độ, chi sai nguồn… với tổng số tiền sai phạm trên 2,9 tỷ đồng, đã xử lý theo thẩm quyền.

- Về việc thực hiện cơ chế tự chủ trong quản lý tài chính đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế, kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập đã được tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện với kết quả tích cực. Cụ thể như sau:

+ Về thực hiện Nghị định 130/2005/NĐ-CP:

Năm 2010, có 52/54 cơ quan quản lý nhà nước đã triển khai thực hiện cơ chế theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP của Chính phủ (trừ các hội đoàn thể chính trị). Tất cả các cơ quan, đơn vị được giao tự chủ tài chính đã xây dựng được quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản. Theo đánh giá chung, cơ chế này đã tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động sử dụng kinh phí, biên chế, bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức để hoàn thành nhiệm vụ được giao; tăng cường sự giám sát của cán bộ, công chức trong việc sử dụng kinh phí, biên chế, khắc phục tình trạng cấp dưới trông chờ, ỷ lại cấp trên; qua đó, kinh phí được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hơn, khắc phục tình trạng lãng phí do "chạy" kinh phí cuối năm...

+ Về thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP:

Đến nay đã có 481/571 đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ theo quy định của Nghị định. Các đơn vị sự nghiệp được giao tự chủ đã chủ động sử dụng kinh phí được giao để thực hiện nhiệm vụ, huy động vốn theo quy định để phát triển hoạt động sự nghiệp, đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị và tăng cường tích lũy thông qua quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp. Qua đó, mở rộng hoạt động cung cấp dịch vụ công để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội và khai thác, phát triển nguồn thu sự nghiệp. Đồng thời, với việc khai thác nguồn thu, các đơn vị đã xây dựng các giải pháp quản lý nội bộ để tiết kiệm chi phí như xây dựng các tiêu chuẩn, định mức chi phí, định mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu để thực hiện trong nội bộ đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sự nghiệp.

Qua triển khai thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính của cơ quan, đơn vị, địa phương cho thấy, những kết quả đạt được tiếp tục khẳng định việc đẩy mạnh thực hiện các cơ chế tự chủ là biện pháp phù hợp và có hiệu quả trong quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của các cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên, việc tự chủ biên chế chưa được chú trọng, thường có nhu cầu tăng biên chế. Mặt khác, việc tiết kiệm kinh phí chủ yếu để chi thu nhập tăng thêm, chưa dành một phần thỏa đáng để bổ sung các quỹ, nhất là quỹ ổn định thu nhập.

b) Trong quản lý sử dụng tài sản, trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại:

UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg ngày 18/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của các cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; Quyết định số 390/QĐ-TTg về tạm dừng mua sắm phương tiện đi lại; Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ngày 07/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý sử dụng phương tiện đi lại trong các cơ quan nhà nước và Quyết định số 40/2010/QĐ-UBND ngày 09/10/2010 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý tài sản và phân cấp quản lý tài sản nhà nước trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp, thực hiện Luật quản lý tài sản công… Nhìn chung, việc chấp hành các định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định trong mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản, phương tiện, thiết bị làm việc, phương tiện đi lại tương đối tốt; biện pháp tạm dừng mua sắm ô tô, phương tiện, tài sản khác có giá trị lớn hoặc sửa chữa lớn trụ sở làm việc đã được thực hiện khá nghiêm túc, đã đẩy mạnh việc sắp xếp lại và bố trí sử dụng có hiệu quả hơn và đến nay chưa có đơn vị nào vi phạm.



c) Trong đầu tư xây dựng cơ bản:

UBND tỉnh đã ban hành và chỉ đạo thực hiện Qui định nội dung chi, mức chi, quản lý kinh phí thực hiện thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình; Qui chế xử phạt đối với các chủ đầu tư vi phạm thời gian quyết toán vốn đầu tư; Qui định định mức chi phí quản lý dự án trong phê duyệt dự toán và quyết toán sử dụng chi phí quản lý dự án.

Trong công tác quản lý vốn đầu tư, đã tập trung vốn để đầu tư các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh, dự án khả thi để đưa dự án sớm hoàn thành, phát huy hiệu quả sử dụng, bố trí vốn xử lý dứt điểm các dự án đã hoàn thành quyết toán; chú trọng đầu tư các dự án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu cho ngân sách để tái đầu tư cho các dự án khác phục vụ mục tiêu và nhiệm vụ của tỉnh. Thực hiện quản lý vốn đầu tư theo quy định của Bộ Tài chính và dự toán của UBND tỉnh, đảm bảo đủ, kịp thời nguồn vốn cho cơ quan thanh toán vốn thanh toán theo dự toán được duyệt. Thực hiện khâu chuyển tiếp giữa cơ quan tài chính, kế hoạch với kho bạc nhà nước, không trực tiếp làm việc với các tổ chức, cá nhân thụ hưởng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Bên cạnh những kết quả bước đầu đã đạt được, vẫn còn tình trạng thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước, tình hình lãng phí, vi phạm vẫn còn xảy ra. Qua công tác thẩm tra quyết toán tại 194 công trình xây dựng cơ bản đã loại khỏi giá trị công trình, tiết kiệm cho ngân sách trên 2,7 tỷ đồng.



d) Trong quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường:

Công tác quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên đã được đẩy mạnh với các biện pháp đồng bộ hơn. Các ngành và cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các tổ chức được cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn; qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, khắc phục tình trạng khai thác bất hợp pháp; đặc biệt, đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác trái phép cát, sạn trên sông Hương.

Trong quản lý, sử dụng đất đai, nhìn chung đã đẩy mạnh tiến độ xây dựng quy hoạch sử dụng đất nên đã góp phần khắc phục tình trạng đất bị bỏ hoang và có kế hoạch sử dụng hiệu quả hơn đối với các khu đất trống, chưa sử dụng nhằm khai thác nguồn thu từ quỹ đất. Tuy nhiên, chất lượng quy hoạch sử dụng đất còn chưa đáp ứng được yêu cầu, lãng phí trong quy hoạch và sử dụng đất chậm được khắc phục.

đ) Trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và tiêu dùng của nhân dân:

Với tình hình giá cả các loại nhiên, nguyên, vật liệu và lãi suất tín dụng tăng cao, các doanh nghiệp phải tìm mọi biện pháp để tiết kiệm chi phí sản suất, nhất là chi phí gián tiếp. Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đã chủ động đẩy mạnh sản xuất, tìm kiếm mở rộng thị trường, tăng khả năng cạnh tranh; thực hiện nhiều biện pháp cắt giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tăng cường quản lý định mức tiêu hao. Việc tăng giá các mặt hàng tiêu dùng cũng tác động mạnh tới việc tiết kiệm trong tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt là những người làm công ăn lương, những người hưởng lương hưu và những người có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, với cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và việc tăng cường tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, việc vận động của các tổ chức chính trị- xã hội, các tổ chức đoàn thể ở địa phương đã làm cho ý thức tiết kiệm của nhân dân được nâng lên.



Tóm lại: Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2010 đã có bước phát triển mới. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có chuyến biến từ ý thức và được các cấp, các ngành, các đơn vị triển khai mạnh mẽ với các biện pháp cụ thể và thu được kết quả thiết thực. Các biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí đã đi vào chiểu sau, trọng tâm, trọng điểm gắn với bối cảnh và tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong năm, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững chính trị, củng cố an ninh - quốc phòng, góp phần tiết kiệm cho ngân sách một khoản kinh phí không nhỏ. Tuy nhiên, tình hình lãng phí vẫn còn xảy ra trên một số lĩnh vực như đầu tư xây dựng cơ bản, thẩm định, lập dự án, chi tiêu hành chính, quản lý đất đai, tài nguyên; sử dụng ngân sách đầu tư các dự án…Tình trạng lãng phí vẫn còn xảy ra ở các khâu như chất lượng quy hoạch, kế hoạch thực hiện các dự án đầu tư còn hạn chế; bố trí vốn đầu tư còn dàn trải, manh mún dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian thực hiện dự án theo quy định; trong thực hiện các dự án, tình trạng thất thoát vốn đầu tư chưa được ngăn chặn hiệu quả.
Phần II

PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2011
I. CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

1. Tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về Luật Phòng, chống tham nhũng.

- Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Công ước của Liên Hiệp quốc về chống tham nhũng; Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng; Đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng…

- Các cơ quan thông tin đại chúng như báo, đài… đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân với các nội dung phong phú và hình thức phù hợp. Chú ý nêu được những gương tập thể và cá nhân điển hình trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.

- Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương cần rà soát, kiểm tra, kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình, kế hoạch hành động phòng, chống tham nhũng tại đơn vị, địa phương mình trong thời gian qua để rút kinh nghiệm triển khai thực hiện trong thời gian tới được tốt hơn. Đồng thời, xây dựng và triển khai Chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng năm 2011 của đơn vị, địa phương với những biện pháp cụ thể, thiết thực nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong công tác này.

- Tổ chức triển khai thực hiện Đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình bồi dưỡng cho cán bộ chủ chốt các cấp (cán bộ thuộc diện phải kê khai tài sản).

- Tiến hành sơ kết việc thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng giai đoạn đến 2011, xây dựng Kế hoạch thực hiện chiến lược giai đoạn 2011 - 2016 và tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.



2. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính.

- Các cơ quan, ban, ngành, tổ chức đoàn thể xã hội, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, kịp thời sửa đổi những thủ tục hành chính không hợp lý hoặc không hợp pháp để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của cơ quan, đơn vị.

- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những vị trí thường xuyên tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp; xử lý nghiêm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nếu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

3. Đẩy mạnh công tác công khai minh bạch.

- Tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện công tác kê khai minh bạch tài sản, thu nhập theo quy định, đặc biệt là quán triệt và triển khai các quy định của Thông tư số 01/2010/TT-TTCP ngày 22/01/2010 của Thanh tra Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP.

- Chỉ đạo các sở, ngành chức năng xây dựng và hoàn thiện các quy trình công khai, minh bạch trong công tác quản lý đất đai; quy trình công khai minh, bạch trong công tác quản lý đầu tư xây dựng; xây dựng và công khai quy định về thực hiện cơ chế mua sắm tài sản công, đấu giá công khai khi bán, thanh lý, giao, cho thuê tài sản công.

- Sở Nội vụ tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh bổ sung quy định về phân công, phân cấp của các huyện, thị xã, thành phố Huế, các sở, ngành; quy định chức trách, nhiệm vụ từng vị trí công tác của cán bộ, công chức; rà soát xây dựng mới quy trình, quy định về tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động cán bộ, công chức, viên chức; hướng dẫn xây dựng, công bố công khai quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức.

- Tổng kết việc thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị ban hành kèm theo Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08/9/1998 của Chính phủ.

4. Chỉ đạo, phối hợp hoạt động và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tham nhũng.

- Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực có nguy cơ tiêu cực, tham nhũng cao như quản lý đất đai, thu - chi ngân sách, quản lý tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, công tác cán bộ, thuyên chuyển công chức, viên chức... Đồng thời, các cấp, các ngành tăng cường công tác tự thanh tra, kiểm tra tại cơ quan, đơn vị mình nhằm kịp thời phát hiện những hành vi tham nhũng, tiêu cực.

- Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh và các cơ quan có liên quan tập trung giải quyết, xử lý các vụ án hoặc vụ việc tố cáo về tham nhũng đã và đang tiến hành thanh tra. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng đã khởi tố điều tra bảo đảm đúng thời hạn luật định và các vụ việc có liên quan đến tham nhũng đang xem xét, còn tồn đọng từ các năm trước chuyển sang.

- Các sở, ban, ngành, địa phương tập trung giải quyết tốt đơn, thư tố cáo, nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương, không để xảy ra “điểm nóng” trên địa bàn.



5. Chấn chỉnh công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết TW3 (khóa X).

- Các cấp, các ngành cần tổ chức rà soát, chấn chỉnh công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) để phục vụ nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, nghiên cứu chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại một số vị trí liên quan đến việc quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước, hoặc cán bộ trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.

- Rà soát, thay thế, điều chuyển kịp thời những cán bộ, đảng viên có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, uy tín giảm sút, kể cả những trường hợp mà cơ quan chức năng chưa kết luận chính thức.

II. CÔNG TÁC CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

- Các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thương mại, pháp luật về Hải quan, Luật bảo vệ và Phát triển rừng,… để mỗi một người dân và cộng đồng dân cư hiểu rõ trách nhiệm trong quá trình thực thi, hạn chế các vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại.

- UBND các huyện, thị xã Hương Thuỷ, thành phố Huế, Ban quản lý các chợ phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động hướng dẫn nhân dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành tốt việc đăng ký kinh doanh theo quy định của Nhà nước; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại.

- Các đơn vị chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện, xử lý các vụ buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép, vi phạm luật bảo vệ rừng; kiên quyết lập biên bản thu giữ, chuyển các cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.

- Lực lượng Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với Công an các cấp, Chi cục Quản lý thị trường trong công tác phòng, chống các hành vi xâm hại tài nguyên rừng và quản lý lâm sản, đặc biệt là các vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh.

- Lực lượng Hải quan tăng cường công tác nắm tình hình tại các địa bàn trọng điểm trên tuyến đường bộ và tuyến đường biển. Đặc biệt, chú ý phát hiện các đường dây, ổ nhóm buôn bán, vận chuyển chất gây nghiện, ma tuý mà trọng tâm là 2 cửa khẩu đường bộ Hồng Vân, cửa khẩu A Đớt trên tuyến biên giới Việt - Lào để có biện pháp đấu tranh phù hợp.

- Lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật thương mại đối với các doanh nghiệp nhằm bình ổn giá cả, thị trường, đặc biệt đối với các cơ sở kinh doanh các ngành hàng có điều kiện. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu công nghiệp. Đồng thời, thường xuyên theo dõi diễn biến giá cả thị trường, kịp thời đề xuất Ban chỉ đạo 127/TTH có biện pháp ổn định giá cả, bình ổn thị trường; thực hiện tốt chức năng thường trực giúp việc Ban chỉ đạo 127/TTH; xây dựng và ban hành các kế hoạch kiểm tra thị trường trên diện rộng, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý trong tình hình mới.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 35/CT-UBND ngày 10/11/2010 của UBND tỉnh về việc tăng cường thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường các tháng cuối năm 2010 và đầu năm 2011.



III. CÔNG TÁC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X), Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chương trình hành động của Tỉnh uỷ, Nghị quyết của HĐND tỉnh, Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 05/5/2009 của UBND tỉnh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đến toàn thể cán bộ, nhân dân nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan ngang sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2011 của cấp mình, ngành mình một cách có hiệu quả. Trong đó, tập trung triển khai các biện pháp phòng ngừa lãng phí trên các lĩnh vực như công tác quy hoạch, kế hoạch, xây dựng cơ bản, quản lý Ngân sách, tài sản công; tiến hành rà soát lại toàn bộ quy trình làm việc, quy trình công tác, quy chế chi tiêu nội bộ... của cơ quan, đơn vị mình nhằm sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như các văn bản pháp luật có liên quan.

- Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực đã được quy định tại Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: chi tiêu ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, tài sản công.



IV. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO ĐỊNH KỲ VÀ ĐỘT XUẤT

Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Hương Thuỷ và thành phố Huế thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo về tình hình và công tác phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo định kỳ hàng tháng, hàng quý, 06 tháng và năm đúng thời gian quy định./.







TM. UỶ BAN NHÂN DÂN

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Lê Trường Lưu

Каталог: admin -> upload -> news
news -> Trung tâM ĐIỀU ĐỘ HỆ thống đIỆn quốc gia
news -> KỲ HỌp thứ NĂM, HĐnd tỉnh khóa VI nhiệm kỳ 2011 2016 (Ngày 07, 08 và ngày 10, 11 tháng 12 năm 2012) LƯu hành nội bộ huế, tháng 12 NĂM 2012
news -> Ủy ban thưỜng vụ quốc hội cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
news -> TỈnh thừa thiên huế
news -> KỲ HỌp thứ TÁM, HĐnd tỉnh khóa VI nhiệm kỳ 2011 2016 (Ngày 16, 17, 18 tháng 7 năm 2014) LƯu hành nội bộ huế, tháng 7 NĂM 2014
news -> KỶ YẾu kỳ HỌp chuyêN ĐỀ LẦn thứ nhấT, HĐnd tỉnh khóa VI, nhiệm kỳ 2011-2012
news -> PHÁt biểu khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ ba, HĐnd tỉnh khoá V
news -> HỘI ĐỒng nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
news -> KỲ HỌp thứ SÁU, HĐnd tỉnh khóa VI nhiệm kỳ 2011 2016 (Ngày 17, 18, 19 tháng 7 năm 2013) LƯu hành nội bộ huế, tháng 7 NĂM 2013
news -> TỜ trình về việc thành lập các thôn, tổ dân phố mới

tải về 4.17 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   19   20   21   22   23   24   25   26   ...   60




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương