ĐẠI ĐẠo tam kỳ phổ ĐỘ Năm thứ: 32 tiểu sử ĐỨc giáo tông nguyễn ngọc tưƠNG


c. Tuyên Ngôn ngày 15 – 2 Đinh Hợi (1947)



tải về 1.68 Mb.
trang6/6
Chuyển đổi dữ liệu10.02.2018
Kích1.68 Mb.
#36292
1   2   3   4   5   6

c. Tuyên Ngôn ngày 15 – 2 Đinh Hợi (1947)

“…Trong thời kỳ rất khó khăn này, chư hiền hữu phải ráng lo giữ Đạo cho thêm sốt sắng, đức tin cho thêm bền vững, và đừng để bị cám dỗ ép buộc xa Đạo, mà trở lại đời loạn ly đau thảm.



Chư hiền hữu đã chọn theo về bên Đạo, phải cứ giữ một đường mà đi tới. Người giữ Đạo Trời với lòng thành thật cũng có thể chiêu tập được nhiều phước lành hữu ích cho nhơn sanh, và cũng cho nước nhà vậy. Nước có đức được thảnh thơi hưng thạnh lâu dài, nước không đức chẳng sớm thì muộn không khỏi nạn tai đưa đến dồn dập”.

4) KÊU GỌI CÁC CHI PHÁI TRỞ VỀ VỚI LUẬT PHÁP Chơn Truyền của Đại Đạo, trong những đoạn Tuyên Ngôn như dưới đây:

a. Tuyên Ngôn thời Ngọ ngày 9 – 1 Canh Thìn (1940)

“…Các chi phái hiệp nhứt hiện thời, thì phải tùng Thiên ý định, ai còn dụ dự, chưa nhứt định về nguồn, là vì rủi của người tạo ra phải trả cho xong. Các em nên thương mà khẩn cầu Đại Xá cho người”.



b. Tuyên Ngôn ngày 9 – 1 Bính Tuất  (1946)

“….Còn về phần các chi phái ấy là cơ khảo của Đại Đạo Tam Kỳ. Nay Đại Đạo đã lập thành, cơ khảo qua và các chi phái đã rồi phận sự. Những ai thiệt muốn tu hành theo Đại Đạo Tam Kỳ, thì phải xin vào Đại Đạo Tam Kỳ phải tùng một luật, hành một pháp, mới có Trời, Phật, Thánh, Thần chứng chiếu….”



5) Tuyên bố ĐẶT TỈNH BẾN TRE VÀO VÙNG THÁNH ĐỊA với bài Tuyên Ngôn ngày 9/1 Ất Dậu (1945)

Nước Nam rất hữu hạnh được trên Thiên đình chọn làm nơi mở Đạo Trời. Vậy hết thảy dân xứ này phải vào Đạo sớm hưởng đại ân xá của Thầy ban…



Nơi tỉnh Bến Tre, Bần Đạo đến trước, vậy Bần Đạo đặt lần tỉnh này, luôn hai quận An Hoá và Chợ Lách, vào vùng Thánh địa. Vùng nầy sau sẽ rộng thêm nhiều hơn nữa. Nơi đây sẽ được phong võ thuận hoà, điền viên thạnh mậu, không khí thường được thanh lương, người thêm thơ thới mạnh khoẻ, khỏi bịnh hiểm nghèo khỏi nạn tai sẽ đến.

Muốn hưởng được lạc cảnh này, thì chỉ có tùng luật lệ Đạo Trời mới mở, buộc nhứt là ăn chay làm lành, những người chưa khứng nhập môn, thì tự nhiên mắc trong vòng tiêu diệt của tận thế…”.

IX. TIỂU KẾT VỀ THỜI KỲ ĐẠI TỊNH

Nhập Đại tịnh, Đức Giáo Tông đã liễu đắc phần Tiên Đạo (xuất Chơn Thần), và tiến hành phần Phật pháp để giải khổ chúng sanh. Trong những năm tích cực hành Đạo ở Tây Ninh và Bến Tre (1931 đến 1942), Đức Giáo Tông nặng lo về Chơn Truyền, về phần hữu hình ngoại dung của Đạo.

Người tiếp tục tiêu cực hành Đạo (Đại tịnh Cửu Niên Diện Bích) để hành cho vẹn toàn Tân Pháp, tức là thấu triệt phần vô vi, phần nội dung của Đạo. Được vậy, Đức Giáo Tông đã qua đủ Ngũ Chi, đúng theo tôn chỉ của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Trong Đại tịnh, Đức Giáo Tông đã nuôi dưỡng Chơn Thần, xuất Thần du thiên ngoại, để tiếp thọ ân điển Thiêng Liêng, hầu có đủ huyền năng chuyển thế và phổ hoá khắp Ngũ Châu.

Vậy thời gian Đại tịnh của Người không có nghĩa là tìm sự giải khổ riêng cho mình. Mà chính đó là phần công quả vô vi trọng đại của Người, đã thừa lịnh Ơn Trên hành Pháp đến nơi đắc quả, hầu ban rưới một sự cứu rỗi rộng rãi, nhiệm mầu cho các đẳng nhơn sanh thọ hưởng.

PHẦN THỨ NĂM

Buổi nhập diệt và tang lễ của Đức Giáo Tông

I. SẮP ĐẶT NGÀY RA TỊNH

Trong khoản từ nửa năm sau năm Canh Dần (1950) tới đầu năm Tân Mão (1951), Đức Giáo Tông cho đòi hầu hết chức sắc nam nữ nơi Hội Thánh lên Thiên Lý Mật Truyền để dạy việc. Người tiếp chư chức sắc làm nhiều kỳ. Đại để Người ân cần dạy khuyên các điều sau đây: Mỗi chức sắc phải ráng lo làm tròn phận sự của mình, và tu sửa thêm hơn cho được đầy đủ gương hạnh Đạo Đức.

Vào cuối năm Canh Dần, Người xuống lịnh cho Hội Thánh phải sắp đặt mọi việc chu đáo để Người ra tịnh. Người dạy:

· Lập hồ sơ chức sắc cho đầy đủ

· In kinh sách Đạo cho đủ dùng

· Xây mộ cho tất cả các chức sắc quá cố

· Xây hồ nước

· Mua vải trắng để dành

· Dự bị một số tiền chừng bốn, năm chục ngàn

Riêng trong gia đình, Người dạy phải sửa sang lại hết thảy mồ mả của ông bà thân thuộc.

Người bảo rằng: Tệ Huynh phải lo những việc nhỏ nhặt ấy trước, để khi ‘Ra tịnh’, mắc lo việc lớn của Đạo, rồi không có thì giờ lo các việc ấy được nữa.

Và Người cho biết thêm rằng: kể từ tháng Năm năm Tân Mão (1951), Tệ Huynh sẽ được lịnh Ơn Trên cho ra tịnh. Ngày Tệ Huynh ‘Ra tịnh’, là ngày ngoài đời khổ lắm. Các em trông mong anh ‘Ra tịnh’, nhưng chừng đó các em sẽ khóc. . .

Các em có tin lời nói của anh chăng ?. Toàn thể chức sắc đáp rằng: Tin.

Tin ấy được loan truyền ra. Toàn Đạo đều tin tưởng và đinh ninh: một ngày nào trong tháng Năm tới đây, Đức Giáo Tông sẽ ra tịnh với tất cả huyền năng chuyển thế độ đời. . .



II. BUỔI NHẬP DIỆT

Sau khi chỉ dạy sắp đặt về mọi công cuộc ra tịnh, Đức Giáo Tông tịnh luôn ngày đêm ít khi xả nghỉ.

Ngày mùng 5 tháng 5 Tân Mão (8/6/1951), Người dạy hai em Thanh đồng rằng: Anh sẽ về chầu Đại Từ Phụ 7 ngày; hai em ráng giữ gìn cho thanh tịnh. Khi thấy dứt thở quá 7 ngày mà anh chưa về, thì hai em sẽ cho Hội Thánh hay. Thế rồi ngày 8/5 Tân Mão, Người ngồi tịnh luôn ngày đêm.

Đến ngày 13/5 Tân Mão, Người dứt uống.

Đến thời Tý đêm 14 rạng 15/5 Tân Mão (17 rạng 18/6/1951), Người dứt thở.

Qua ngày 16/5 Tân Mão, hai em Thanh đồng thấy Người dứt thở đã lâu, nên đỡ Người nằm xuống đơn. Ngày 18/5 Tân Mão, vì rờ thấy tay chân Người đều lạnh và vì sợ, nên hai em Thanh đồng xuống cho Hội Thánh hay, mặc dầu chỉ có 4 ngày.

Ngày 19/5 Tân Mão (22/6/1951), Hội Thánh mời ba vị Bác sĩ đến xem (một Bác sĩ Chánh phủ và hai Bác sĩ tư). Sau một hồi khám nghiệm thật kỷ, các Bác sĩ rốt cuộc tuyên bố rằng: Xác của Đức Giáo Tông đã chết từ hai ngày trước. Nhưng vì tinh thần mạnh nên còn dịu chưa hư, chớ quyết sự sống không còn có thể trở lại với xác ấy được nữa.

Mặc dầu Bác sĩ đã tuyên bố như trên, nhưng Hội Thánh cũng để vậy chờ đợi thêm 24 tiếng đồng hồ. Đến thời Tý ngày 21/5 Tân Mão (24/6/1951), mới khởi sự đưa xác Người vào Liên Đài (tức là bước sang ngày thứ 7, Đức Giáo Tông đi không trở lại).

Tính từ ngày Đức Giáo Tông nhập Đại tịnh, giờ Tý đêm 21 rạng 22 tháng 2 Nhâm Ngũ (1942) đến khi xuất Thần và Người dứt hơi thở, nhằm giờ Tý đêm 14 rạng 15/5 Tân Mão (17 rạng 18/6/1951), là đúng 9 năm 81 ngày. Theo Đạo Pháp tu luyện, gọi là Cửu Niên Diện Bích, và thêm 9 cửu lẻ là Cửu Cửu Thần Du. Chín năm nuôi dưỡng chơn thần, 81 ngày thần du thiên ngoại.

Những điểm đáng chú trọng về buổi nhập diệt của Người là:

 1. Dự liệu việc vào đường tịch diệt ngoài 5 tháng, mà chỉ dùng danh từ “Ra tịnh” một cách quả quyết, chớ không tiết lộ việc xuất thần về chầu Thầy cho một ai biết cả.

Đến như câu dặn hai em Thanh đồng: Nếu quá 7 ngày, anh không về thì sẽ cho Hội Thánh hay; lời dặn ấy như có nghĩa là: đi ra rồi có thể trở về; nhưng cũng có thể hiểu rằng: Đi không trở lại, mà vì sợ bận lòng nên phải chờ quá 7 ngày sẽ cho hay.

Rõ ràng ngày tịch diệt, Người đã được Ơn Trên chỉ dạy, như lời Người đã tỏ: “Anh được lịnh Ơn Trên cho phép tháng 5 Ra tịnh…”

2. Về thân xác, Người đã dứt thở hai ngày, rồi hai em Thanh đồng mới đỡ nằm xuống một cách dịu dàng. Đến ngày thứ năm, khi Bác sĩ đến khám, cũng vẫn còn dịu dàng như người ngủ. Vì không giống xác chết thường, nên Bác sĩ mới tuyên bố: “Xác nầy đã chết từ hai ngày rồi…và sự sống không thể trở lại được nữa”.

Đến cuối ngày thứ sáu sang ngày thứ bảy, mặc dầu xác đã đổi sắc, nhưng vẫn không có mùi hôi. Khi liệm vào Liên Đài, đỡ Người ngồi dậy dễ dàng, như xác vừa tắt thở vài tiếng đồng hồ. Khi liệm, dưới lầu Thiên Lý Mật Truyền có trên hai trăm vị, nhưng không ai nghe biết mùi chi cả.

Căn cứ theo lịch sử Tôn giáo, chỉ các nhà tu hành chứng quả thành Đạo mới có được thân xác như vậy vào buổi nhập diệt. Đó là một bằng cớ chứng minh rằng: Đức Giáo Tông đắc Đạo tại thế gian; Người đạt thành Tân Pháp Chân Truyền của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ rồi vậy.



III. LỄ AN TÁNG

Ngày 21/5 Tân Mão (25/6/1951) vào 3 giờ chiều, tang lễ bắt đầu. Tại Hội Thánh, các Thánh Thất và tư gia Đạo Hữu đều treo cờ tang. Nơi mỗi Thánh Thất đều có vọng bàn linh cho bổn Đạo đến làm lễ.

Vào 4 giờ chiều, ngoài 1.000 người đưa Liên Đài từ Tịnh xá về Hội Thánh, nhập Bửu Điện rồi an vị nơi ngôi Giáo Tông.

Tiếp Hội Thánh đọc bản Tuyên cáo số 1 về tang lễ như dưới đây:



TUYÊN CÁO

“Hội Thánh xin có lời tuyên cáo cho toàn thể Đạo Hữu được hay biết tận tường, về tin của Đức Giáo Tông chúng ta tịch diệt.

Hội Thánh tưởng chư Hiền Hữu, ai ai cũng tin tưởng rằng Đức Giáo Tông sẽ còn lưu lại với chúng ta, trong Thiên vụ cầm đuốc dìu đàng cho nhơn loại đến ngày thế cuộc thăng bình, vì chính nguyện vọng của Ngài, lập trường của Ngài đã cho phép chúng ta tin tưởng như thế.

Nhưng thử ngoảnh lại cổ lại, các Đấng Giáo Chủ Tam Giáo, nào các Ngài có giữ mãi thân xác để mà dìu dẫn bao nhiêu môn đồ đến mấy chục thế kỷ đâu !. Thế mà các nền Tôn giáo lớn nhứt trong năm Châu vẫn tồn tại mãi nơi lòng tin tưởng của bao nhiêu vạn triệu tín đồ. Đó là lẽ dĩ nhiên vì chỉ có tinh thần siêu việt, giáo lý cao thâm của các Ngài nó mới đem lại cho nhơn sanh nhiều cứu rỗi, nhiều an ủi, nhiều vẻ vang sáng lạng cho cuộc đời, nên đời mới hinh hương sùng tín. Chớ xác thân của các Ngài, người đời nào có dùng làm lợi ích chi cho cõi sống. Nên chắc chắn là trong đời không ai còn hoài tiếc thân xác của các Ngài, sao ngày nay không còn tồn tại.

Vậy với Đức Giáo Tông của chúng ta, quả thật Ngài không có độ rỗi chúng ta bằng thuật pháp, bằng trường sanh bất tử. Ngài chỉ cảm lòng chúng ta bằng đức cả, bằng bao nhiêu giáo lý chân chính sáng suốt. Nó đã kết tập thành một lập trường sống, cho chúng ta sống trong khuôn khổ xã hội Đại đồng. Chính Ngài đã vạch sẵn cho chúng ta con đường thuận đà tiến hoá, con đường giải thoát tất cả những nghiệp chướng của đời mạt pháp trong thế kỷ 20 nầy. Ngày nay, chúng tôi tưởng với cái xác thân đã 70 của Ngài, nó khó lòng mà phụng sự cho tinh thần Ngài, với sự hy sinh tận tụy cho cõi đời nầy nữa. Biết thế, nhưng với lòng thương nhơn loại, Ngài đã tự đem mình hãm vào vòng Đại tịnh từ ngoài Chín năm nay, để điều dưỡng xác thân, để gội rữa tinh thần, để đủ huyền năng mà nắm vững tay lái con thuyền Đạo, đang chở hằng triệu nhơn sanh trong cơn bão tố của cuộc đời…

Chư Hiền Hữu,

Kể từ giờ phút nầy, chúng ta hẳn phải sống hoàn toàn với lòng tin tưởng mới. Chúng ta phải gội rửa cho sạch những ý nghĩ cho rằng lúc nào bên chúng ta, cũng có người Anh Cả để nâng đỡ dắt dìu. Chúng ta phải tin tưởng rằng: Đức Giáo Tông, người Anh Cả duy nhứt của chúng ta, hiện thời đã sống trong cõi Thiên, và tinh thần Ngài sống vĩnh cửu nơi lòng chúng ta.

Từ đây, trên đường Đạo bơ vơ, Ngài đã cho chúng ta một tinh thần đoàn kết chặt chẽ. Và chúng ta phải có bổn phận phụng sự Ngài bằng cách làm sống thêm nền Đạo cả, tức là làm sáng lạng danh Đạo của Ngài.

Chúng ta phải nén tình thương yêu nhỏ hẹp, ra làm lòng trung tín tuyệt vời; chúng ta trung thành với chí hướng của Ngài, với muôn ngàn lời giáo hoá châu ngọc của Ngài. Tinh thần Ngài sống mạnh trong mỗi cõi lòng chúng ta. Chúng ta phải noi theo gương Ngài, lấy hơi thở cuối cùng làm giới hạn cho cuộc đời hành Đạo.

Từ ngày nay, chúng ta phải bài trừ tất cả những do dự mơ hồ, để lòng tin tưởng được tự do, hầu đón tiếp tinh thần Ngài với muôn ngàn sáng lạng. Không có một lễ vật nào long trọng hơn đối với Ngài, mà chỉ có lòng tin tưởng, đức hy sinh của chúng ta sẽ mở rộng đường Đạo do Ngài dẫn dắt, ngày càng thêm rộng lớn. Chúng ta thương yêu tin cậy nhau hơn, hợp thành một khối, như thế là chúng ta đã hiến cho Ngài một lễ vô cùng long trọng đó.

Vậy đây là lễ đưa Ngài về cùng Thầy tức là đưa tinh thần sự nghiệp Đạo đức của Ngài vào lòng mỗi người, để làm phương cứu rỗi khỏi vòng nghiệp chướng, trong hiểm họa của thế cuộc ngày nay.

Thay mặt Hội Thánh, chúng tôi xin có mấy lời tuyên cáo cùng chư Hiền Hữu”.

THAY MẶT HỘI THÁNH

 Kể từ ngày 24/5 Tân Mão, Liên đài của Đức Giáo Tông để ngự tại Cửu Trùng Thiên nơi sân Đại Đồng Xã, để chứng các cuộc tế lễ. Cuộc lễ kéo dài đến ngày 4/6 Tân Mão (7/7/1951). Có cả thảy 136 tế lễ của Đại diện Chánh quyền, Quan khách, các Tôn giáo, các chi phái Đạo, và các Họ Đạo.

Lúc ấy là thời kỳ chiến tranh hết sức nghiêm trọng. Sự đi lại thật là khó khăn nguy hiểm. Thế mà toàn Đạo các nơi về dự lễ trên 10.000 người, có cả từ Trung, Bắc Việt. Hằng ngày luôn luôn hiện diện ngoài 3.000 người. Nhân viên Ban Tổ chức cuộc lễ tính chung nam nữ ngoài 2.000 vị. Tất cả đều tận tâm lo tròn phận sự, trong những điều kiện hết sức cấp bách và khó khăn.

Ngày 2/6 Tân Mão, Hội Thánh tiếp bản Tuyên cáo số 2 với ba đề mục đại cương như dưới đây:


  1. Vạch rõ con đường hướng Đạo của Đức Giáo Tông

  2. Thuật rõ giai đoạn nhập diệt của Người

  3. Định rõ đường lối tục sự hành Đạo của Hội Thánh ở ngày nay và mai sau

Ngày an táng, Liên Đài của Người được đặt trên Linh Xa bông hình Long Mã Phụng Đồ toàn bằng hoa huệ. Dự lễ nầy bổn Đạo trên 10 ngàn, du hành khắp Thánh Địa và Châu thành Bến Tre.

Liên Đài Người được đặt trên nền Bửu Tháp trước Hiệp Thiên Đài Thánh Thất An Hội.

Suốt tang lễ, có rất nhiều bài ai chúc xưng tụng công đức Người, của Hội Thánh Lưỡng Đài, các Nhà Tu ty sở, các Họ Đạo, các Đại diện chi phái. Đặc biệt, xin chép ra dưới đây bài Ai chúc của Quan Tỉnh Trưởng Bến Tre. Nhơn danh Chánh phủ Quốc gia Việt Nam, Đại diện Thủ hiến Nam Việt, thay mặt cho Chánh quyền Địa phương, Ngài bày tỏ những lời phân ưu như dưới đây:

Thưa quý Bà,



Thưa quý Ngài.

Tin Đức Giáo Tông tịch diệt vừa được loan báo, Ngài Thủ Hiến Nam Việt nhờ tôi thay mặt Ngài và Đại diện Chánh phủ, đến phân ưu cùng tang quyến và các bổn Đạo; và để kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của Đức Giáo Tông, cầu chúc Ngài được phối hiệp cùng Đức Thượng Đế. Nhơn danh công chức và Thân hào tỉnh Bến Tre, tôi cũng xin góp lời cầu nguyện cho Ngài được siêu thăng Tịnh độ.

Đức Giáo Tông đã rời bỏ tất cả vinh hoa phú quí để tìm Chân lý mà dẫn dắt hàng triệu tín đồ trên đường Đạo đức.

Thật vậy, mặc dầu bước công danh của Ngài đang hồi rực rỡ: Ngài làm Quan đến chức Tri phủ, và đã từng giữ ghế Quận trưởng ở nhiều nơi như Cần Thơ, Hòn Chông, Cần Giuộc, Xuyên Mộc. Ngài không ngại ngùng xa lánh Quan trường để lo đường trước tự giác sau giác tha, để tế độ chúng sanh, nêu cao đuốc tuệ, dìu lòng người đến chốn Từ bi, Bác ái.

Ngài bước vào đường chơn tu vào năm 1926. Đến năm 1931, Ngài được dời về Toà Thánh để lãnh trọng trách cầm giềng mối Đạo. Sau một thời gian, Ngài trở về nơi chôn nhau cắt rún để lập Ban Chỉnh Đạo (Đức Giáo Tông sinh ngày 22/6/1881 tại làng An Hội, Tỉnh Bến Tre). Ngài được nhơn sanh tôn lên chức Giáo Tông và làm lễ Đăng Điện năm 1935.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt và gương từ bi của ngài, số tín đồ càng ngày càng đông và hiệp nhau thành tâm tu niệm.

Bắt đầu từ năm 1942, Ngài Đại tịnh; đến ngày 21 dương lịch vừa qua, Ngài Tịch Diệt, giữa bao nỗi đớn đau của các Tín đồ.

Tôi có thể nói hơn nữa; tin Đức Giáo Tông Tiên du chẳng những làm cho Thiện nam Tín nữ xao xuyến mà thôi; lại còn gây nên bao niềm luyến tiếc của phần đông dân chúng và của Chánh Phủ Quốc Gia Việt Nam .

Than ôi !, Một bậc Đại đức chơn tu đã từ giã cõi đời, về nơi tịnh độ, sau bao năm xa lánh mùi tục lụy lợi danh, treo lại cho thế gian một tấm gương trong, soi rõ con đường tự giác, “Tâm hồn hơn vật chất”.

Trong giờ phút thiêng liêng nầy, chúng tôi ngậm ngùi bái biệt Ngài. Xin Ngài chứng minh tấm lòng thành kính của chúng tôi”.

QUAN TỈNH TRƯỞNG BẾN TRE

Nhơn danh Chánh Phủ Quốc Gia Việt Nam

và Đại diện Thủ hiến Nam Việt

Sự đau đớn mến tiếc của toàn Đạo đối với buổi nhập diệt của Đức Giáo Tông, thật là vô cùng tận, không sao tả xiết.

Dưới đây xin chép lại Lời Từ giã của Hội Thánh đọc trước nền Bửu Tháp Đức Giáo Tông (4/6 Tân Mão), để thấy được một phần nào tâm trạng não ruột, thảm thiết chung của toàn Đạo khi ấy:

Bạch Đức Giáo Tông,

Cả một biển người nheo nhóc, đây là tất cả em út thân yêu của Ngài, đau khổ lòng từ giã vĩnh biệt Ngài nơi nền Bửu Tháp, nơi yên nghỉ nghìn thu của Ngài.

Bạch Đức Giáo Tông,

Chúng em đau đớn biết ngần nào, trước cảnh rắn không đầu, gà mất mẹ của chúng em từ đây.

Ôi !, Còn thảm trạng nào khe khắt cay nghiệt cho bằng cái thảm trạng mà chúng em phải đưa Ngài, người Anh Cả yêu quý duy nhứt của đời hành Đạo chúng em, về cõi Vĩnh sanh trong thế giới vô hình, mà chúng em phải ở lại với tình cảnh bơ vơ ngơ ngác, trước muôn ngàn hầm hố may rủi của bao nhiêu hăm dọa thử thách lúc nào cũng sẵn chực bên mình chúng em !

Bạch Đức Giáo Tông,

Ngày chúng em đưa Ngài về cõi Thiên, đáng lẽ chúng em vui mừng xiết bao. Nhưng thử tưởng tượng chúng em vui mừng làm sao được; sự vắng mặt của Ngài là tất cả một sự lạnh lùng, một sự đau đớn vô biên, mà chúng em tan tác với vết thương lòng vĩ đại nầy.



Bạch Ngài,

Ở đây, chúng em được nhìn Liên Đài Ngài một lần chót, và kính lễ Ngài, gọi thay cho tất cả tấm lòng thành của chúng em đã có đối với Ngài, trong giờ phút quyết định nầy.

Ôi !, hết, hết tất cả rồi. Muôn sự trần gian, suốt đời cõi sống đã về với sự chấm dứt quyết liệt rồi…

Nhìn qua màn lệ, với sự thổn thức của mỗi tấm lòng, chúng em kính lạy đưa Ngài với lòng tin tưởng, dạ trung thành quyết sống với sức sống sáng lạng của Ngài đượm tràn trong lòng của chúng em…

Phút trang nghiêm, phút Thiêng Liêng, chúng em vĩnh biệt Ngài. Xin Ngài chứng cho lòng thành của chúng em từ đây.”

THAY MẶT HỘI THÁNH

Chức sắc Lưỡng Đài, Đại diện Toàn Đạo



PHẦN THỨ SÁU

Kết luận chung

Tiểu sử của Đức Giáo Tông là một gương mẫu về sự thực hiện đủ Ngũ Chi Đại Đạo trong Tam Kỳ Phổ Độ nầy. Người đã hành vẹn toàn:



  • Cơ tùng khổ của Nhơn Đạo

  • Cơ thắng khổ của Thần Đạo

  • Cơ thọ khổ của Thánh Đạo

  • Cơ thoát khổ của Tiên Đạo

  • Cơ giải khổ của Phật Đạo

Tức là hoàn thành Cơ Tuyệt khổ của Đại Đạo Tam Kỳ.

Về phần thiêng liêng, Người được thọ phong Tiên vị: Đại ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ LÝ GIÁO TÔNG TỪ BI CỨU THẾ THIÊN TÔN.

Về phần nhơn sanh, Người được tri ân và thờ kính vào phẩm: GIÁO CHỦ NHƠN ĐẠO trong hàng Ngũ Chi Giáo Chủ. Vì Đức Giáo Tông là người đầu tiên đã tu hành đắc quả theo Chân Truyền Tân Pháp Chí Tôn, nêu gương sáng tỏ cho nhơn sanh noi theo. Và chính Người là vị thay thân cho Đại Từ Phụ cầm giềng mối Đạo tại thế, để cứu độ nhơn sanh trong buổi Hạ ngươn tận diệt nầy.

Xuyên qua tiểu sử của Người, toàn Đạo kính phục


Người đã thi thố nhiều tư đức cao quí về phần đời như: Hiếu thảo, Nhơn nghĩa, Thanh liêm, chuyên cần, thương dân mến nước.

Đặc biệt về phần Đạo, Đức Giáo Tông đã nêu lên một ĐƯỜNG LỐI HÀNH ĐẠO chơn chánh (Hội Thánh đã có phổ biến một bài Thuyết Đạo đầy đủ về Đường Lối Hành Đạo của Người rồi).

Đây chỉ đại lược năm đặc điểm trong Đường Lối ấy, tức là năm điều kiện nhứt định phải có, đã đưa Người tới chỗ thành công. Và chúng ta nếu muốn được kết quả như Người, cũng phải tuân hành theo đó, chớ không có một đường lối thứ hai nào khác.

Năm đặc điểm trong Đường Lối Hành Đạo của Đức Giáo Tông như sau

1. Phải có Đức tin đầy đủ, sắt đá nơi Trời, nơi Đạo nơi chư Phật, Tiên, Thánh, Thần, nơi Đức Lý Giáo Tông, đều có sứ mạng dìu dắt chúng ta trên bước đường tu. Chính nhờ có Đức tin vững chắc ấy, mà Đức Giáo Tông mới đủ tinh thần chịu đựng và lướt qua mọi cơn khó khăn khảo đảo.

2. Phải có một tinh thần vị nhơn sanh, hy sinh tư kỷ xả thân hành Đạo. Chúng ta thấy rõ: Đức Giáo Tông hành Đạo chẳng phải để riêng cho mình hưởng, mà vì nhơn sanh, vì thương đời và muốn cứu độ đời. Nhờ có tấm lòng vị tha cao cả ấy, Người sẵn sàng hy sinh mọi tư kỷ để mưu cầu hạnh phúc chung cho nhơn loại.

3. Phải có lòng thương yêu tràn trề từ người đến vật. Đây là đặc điểm sáng tỏ nhứt của Người. Và đây cũng là điều kiện chánh yếu đã giúp người được thành công.

“Sự thương yêu là giềng bảo sanh của càn khôn thế giới”, “Sự thương yêu là chìa khoá mở cửa Bạch Ngọc Kinh”. Đức Giáo Tông đã thể hiện được trọn vẹn đức háo sanh vô tận của Đại Từ Phụ.



4. Phải thuần tuý Đạo đức tu hành, chẳng nên xu hướng về mọi sự hoạt động chánh trị đảng phái. Nhờ có quan niệm đúng đắn nầy, mà Đức Giáo Tông khỏi sai đường lạc lối. Người đã giữ vững được Hội Thánh và bổn Đạo dưới quyền Người, trọn trong sự an lành và ánh sáng của chơn lý Đạo Trời. Về phần đời trong bổn phận làm dân, người Đạo phải tuân theo những luật lệ của Chánh phủ.

5. Phải có công quả âm chất xứng đáng, mới bảo đảm cho sự luyện hành Tân Pháp được thành công.

Đức Giáo Tông thường dạy: làm công quả là lo tạo cơm và đồ ăn; tu luyện là tạo thêm chén đũa. Chúng ta có thể bóc cơm mà ăn cũng no được, chớ chúng ta không thể ăn chén đũa không được.

Chính tiểu sử của Người đã chứng minh: Người rất chú trọng làm công quả là chánh yếu, là căn bản trước; sự tu tịnh chỉ hoá hợp và đi theo sau. Và cuối cùng, với công quả âm chất đầy đủ, Người mới nhập Đại tịnh, để đoạt đến chỗ siêu phàm nhập Thánh, hầu có đủ huyền năng cứu độ rộng rãi quần sanh. Đức Giáo Tông, người Anh Cả Thiêng Liêng cao quý của toàn Đạo, đã nhập diệt từ năm 1951. Nhưng thanh danh Người sẽ tồn tại mãi mãi với Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Gương hạnh Đạo đức của Người sẽ sống vĩnh viễn trong tâm trí của muôn triệu Tín đồ.

Vậy với trọn tinh thần tin tưởng, tri ân và trung thành đối với Đức Giáo Tông, xin chấm dứt tập tiểu sử Người với lời chung kết sau đây:

ĐỨC GIÁO TÔNG

NGUYỄN NGỌC TƯƠNG

là hiện thân cho

GƯƠNG, LUẬT, PHÁP

của ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ



HẾT





tải về 1.68 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương