ĐẠI ĐẠo tam kỳ phổ ĐỘ Năm thứ: 32 tiểu sử ĐỨc giáo tông nguyễn ngọc tưƠNG



tải về 1.68 Mb.
trang4/6
Chuyển đổi dữ liệu10.02.2018
Kích1.68 Mb.
#36292
1   2   3   4   5   6

I. CÁC VIỆC CHỈNH ĐỐN MỞ MANG

Sau ngày qui vị của Đức Thượng Chưởng Pháp, công việc Đạo thêm nhiều nặng nề và mệt nhọc cho Đức Giáo Tông. Người phải tích cực làm việc, nhiều giờ hơn khi còn ở Tây Ninh. Đại để có những việc chỉnh đốn mở mang sau đây:



1) NGƯNG CƠ BÚT

Đặc điểm quan trọng hơn hết trong Ban Chỉnh Đạo là việc không dùng Cơ bút. Về vấn đề nầy, Đức Giáo Tông có dạy rằng:

“…Các chi phái hiện tại nảy sanh trong thời gian khảo thí, do Cơ bút bình thường tạo thành và dẫn dắt.

Nay sự hiệp một Chơn truyền phải định, lớp tuồng chia rẽ phải tan. Những Cơ bút ấy phải hết hiệu, và tự nhiên các Chi phái cũng phải xong rồi phận sự. Những Đạo hữu trước kia đã lầm nghe giáng Cơ cám dỗ, nếu nay biết trở lại Chơn truyền, thì sẽ được Ơn Trên tha thứ. Còn ai không thuận lẽ Trời, cứ đeo đuổi theo đường dục vọng ở riêng phe phái nữa, thì là tự đem mình ra ngoài cửa Đạo của Thầy, và hết được hưởng Đại Ân Xá kỳ ba của Trời ban...”

“…Tệ huynh đã nhiều lần nhắc nhở cho trong Đạo nhớ rằng: việc Cơ bút là tối trọng. Có hư hư thiệt thiệt, khó mà phân biện được. Vì vậy mà Thầy cấm Cơ bút từ tháng 7/1927 là khi Thầy lập Đạo xong rồi, giao lại cho Hội Thánh chưởng quản sắp đặt phổ thông. Bởi không tuân lời Thầy cấm, nên cơ bút tà mị mới lan tràn cám dỗ xúi giục, lập ra nhiều phái nhiều chi, đưa ra nhiều tôn chỉ xa Tôn Chỉ Đại Đạo . . .”

Vì các lẽ trên, Đức Giáo Tông dạy ngưng Cơ bút. Chỉ trọn hành theo Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Tân luật và Pháp Chánh Truyền (Chánh văn). Mọi việc Đạo, Hội Thánh chung trí luận bàn trong cuộc nhóm lệ hằng tháng, hằng niên và trong các cuộc nhóm bất thường.



2) NỘI BỘ: Người lo việc công cử thêm chức sắc, để có đủ người hành sự trong Bàn Cửu viện, trấn nhậm các Tỉnh Đạo, Quận Đạo, làm Đầu họ Đạo các Thánh Thất. Sau khi được Hội Thánh phê chuẩn ngày 8/4 Ất Hợi, bổn Nội luật Thánh Thất được ban hành để dạy cách tổ chức nội trị từng Họ Đạo. Ngoài ra, Người còn phái nhiều đoàn chức sắc đi khắp lục tỉnh, để trấn an tinh thần Đạo Hữu, khuyến khích sự tu hành, trau giồi tâm tánh cho được hiền lương hoà thuận Bác ái, Từ bi; nhơn dịp cũng nâng đỡ đức tin cho những kẻ lỡ lầm sa ngã hoặc thối bước vì cơn đại khảo vừa qua, và phổ độ thêm người vào Đạo. Đồng thời, các phái đoàn nầy còn có nhiệm vụ chỉnh đốn, chỉ vẽ cho các Thánh Thất biết cách làm việc đúng theo tinh thần của Chương trình Chỉnh Đạo.

3) NGOẠI GIAO: Đối với Chánh quyền, Người đích thân hoặc uỷ quyền cho đại diện đến để trình bày về đường lối thành thật tu hành của Ban Chỉnh Đạo. Nhờ đó nhà chức trách từng địa phương hiểu được sự Đạo đức chơn chánh của Ban Chỉnh Đạo, giảm được ít nhiều sự kiểm sát khó khăn đối với Đạo.

Về các chi phái, Người luôn luôn chủ trương sự hoà hiệp thống nhứt về căn gốc Chơn Truyền của Đại Đạo. Trong mọi sự giao thiệp, Người nêu gương cũng như hết lời căn dặn chức sắc ngoại giao của mình phải vẹn giữ một lòng từ bi Đạo đức; mặc dầu phải gặp những hoàn cảnh trái nghịch đến đâu đi nữa, cũng không được thiếu thái độ ôn hoà nhã nhặn của người tu.

Đối với chư chức sắc Hiệp Thiên Đài cũng như Cửu Trùng Đài, nếu vị nào tán thành ít nhiều Chương trình Chỉnh Đạo, Người cố tìm mọi cách để mời về chung lo hành sự.

4) GIÁO HOÁ: Cũng như khi còn ở Tây Ninh, Người rất chú trọng đến việc giáo hoá. Trong mọi Châu tri cũng như trong các bài diễn văn khai Hội, Người nhắc đi nhắc lại luôn luôn bổn phận của người tu trong giai đoạn chia rẽ khảo thí nầy. Là phải: giữ đức tin chắc chắn nơi Trời Phật Thánh Thần, nơi Đức Lý Giáo Tông, trọn niềm thương yêu hoà ái, vứt bỏ mọi giận ghét oán thù nghịch lẫn…Người cũng lập một trường Hạnh đường để dạy Đạo, mỗi khoá 7 ngày. Hằng đêm từ 8 đến 10 giờ, Người cho mời chung lên Bửu Điện để ôn bài và giảng giải thêm.

Một trường dạy chữ, lấy tên là Minh Thiện Học Đường, cũng được khai mở cho trẻ em Đồng nhi học.



5) PHƯỚC ĐIỀN: Cũng như trước kia, Người khuyến khích các Thánh Thất tạo lập phước điền, để tự túc cho Họ Đạo và để có phương tiện cho chư Đạo Hữu làm công quả. Riêng tại Thánh Thất An Hội, Người tổ chức nhiều sở Phước điền, diện tích chung được 18 mẫu. Trong những khi làm mùa, Người chống gậy già thân lội ra tận ruộng để chỉ bảo và khuyến khích công việc làm.

6) BAN HÀNH THIỆN: Đây là một điểm mới trong Chương trình Chỉnh Đạo, để thi thố lòng từ bi bác ái, siết chặt tình đoàn kết giữa bổn Đạo trong mọi dịp: quan hôn tang tế, cứu cấp tai nàn. Các Ban Hành Thiện được phát triển mau lẹ ở các Họ Đạo, và đóng góp một phần lớn tinh thần để xây dựng lại nền Đạo trong thuở ấy. Đồng thời, tại Thánh Thất An Hội cũng như ở các Họ Đạo, Người dạy lập nghĩa địa và tạo xe thuyền Bát Nhã.

7) TẠO TÁC: Để có đủ chỗ cho bổn Đạo các nơi hội hiệp về dâng lễ Trời Phật, đầu năm 1935, Người cho khởi công tạo tác Thánh Thất An Hội lại cho được rộng rãi và chắc chắn hơn trước.

Ngoài ra, Người nghĩ phải có nhiều Nhà tu (Trung thừa và Thượng thừa) để cho chư Đạo Hữu, chức sắc nam nữ có chỗ nơi ở hiến thân làm công quả, học Đạo và tu hành. Cho nên, năm 1936 Người bắt đầu cho lập Nhà tu Thượng thừa Nam phái. Tiếp Người cho mở Nhà tu Trung thừa Nữ, cho nữ phái đến ở tu và học các môn: thêu, may, làm bánh mứt, dệt vải…



8) CÚNG KÍNH: Mọi sự cúng kính về Thiên Đạo, Người chỉ dạy Lễ viện sắp đặt cho chu đáo trang nghiêm về lễ nhạc cũng như Đồng nhi, cho đúng theo Nghi tiết, kinh kệ hồi mới khai Đạo.

Hằng năm vào rằm tháng 10 Âm lịch, đều có cúng Báo Ân Từ để kỷ niệm chư chức sắc tiền vãng.

Về khoa Nhơn Đạo, sau khi đã được Hội Thánh duyệt y quyển “Lễ Nghi Niêm Thức” được ban hành để chỉ cách hành lễ trong các trường hợp sanh lão, bịnh, tử.

Kết lại, sau hơn ba năm hành sự, Đức Giáo Tông đã phục hưng lại nền Đạo về nhiều phương diện: trấn an tinh thần, củng cố đức tin, gieo tư tưởng Đạo đức đúng đắn, nêu được gương lành tỏ rạng, gây lại sự tín nhiệm, tổ chức Hội thánh các Nhà tu, chỉnh đốn sự hành Đạo đúng theo Luật Pháp, phát triển cơ phổ độ.



II. LỄ THÀNH ĐẠO

Trong thời gian đại khảo tuyển Đạo vừa qua, Đức Giáo Tông đã có đủ gương hạnh Từ bi, Đạo đức. Người luôn luôn bền chặt đức tin nơi thiêng liêng, quên mình hy sinh hành Đạo. Do đó, với sự ủng hộ của Ơn Trên Thầy, các Đấng Phật, Tiên, Thánh, Thần nhứt là Đức Lý Đại Tiên, Người đã hoàn thành sứ mạng chỉnh đốn nền Đạo được kết quả mỹ mãn.

Hội Thánh (Ban Chỉnh Đạo) đã đưa nền Đạo qua khỏi cơn đại khảo. Nay Đại Đạo đã lập thành, Hội Thánh (Ban Chỉnh Đạo) cũng được trở thành là: Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, nắm trọn Chơn truyền, Tân Pháp, với đủ Gương, Luật, Pháp.

Gương được thể hiện nơi gương hạnh Đạo đức Từ bi, hy sinh tận tuỵ của Người.

Luật được thể hiện nơi mọi sự tổ chức và làm việc của Hội Thánh, các Họ Đạo, các Nhà tu, từ trên xuống dưới đều đúng theo luật Đạo, tức là thi hành đúng theo Pháp Chánh Truyền (chánh văn), Tân luật và Nội luật.

Pháp được thể hiện nơi Đức Giáo Tông, đã thọ truyền và thực hành Tân Pháp được kết quả từ năm 1928 đến nay.

Lễ Thành Đạo được cử hành vô cùng long trọng tại Thánh Thất An Hội, từ ngày 7 đến 15 tháng giêng năm Mậu dần (1938). Đại lễ có ý nghĩa chấm dứt nhiệm vụ Chỉnh Đạo và các chi phái cũng đã rồi phận sự.

Từ nay, chỉ có Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ để hướng dẫn nhơn sanh tu hành, đúng theo Chân truyền và Tân Pháp Đức Chí Tôn.



III. SỰ HÀNH ĐẠO TỪ 1938 ĐẾN 1942

Sau lễ Thành Đạo, nền Đạo được thuận đà thạnh tiến. Phần Người thì phải dốc tất cả tâm chí sức lực vào sự hành Đạo.

Người chu đáo mọi việc lớn nhỏ, về nội bộ cũng như về ngoại giao. Người chỉ dạy cách hành sự cho chư Chức sắc, lo sắp đặt cho an bài các Nhà tu ty sở. Người không tỏ ra, nhưng chính là Người đã tích cực chuẩn bị xây dựng Hội Thánh, để có đủ khả năng đảm đương việc Đạo sau nầy, khi Người nhập Đại tịnh.

Người làmviệc không ngừng, quên mệt quên già, để mong hoàn thành mọi sự sắp đặt cho kịp thời. Trong Châu tri chúc xuân số 395 ngày 24/1/1940, Đức Giáo Tông đã cạn tỏ nỗi lòng rằng: “…những mảng gắng lo việc cả của Đạo nhứt là việc kiến trúc các cơ quan cho kịp thì Thiên ý định, mà Tệ Huynh quên mệt quên già. Hôm nay Đạo đã đến tuổi 15, được có huệ quang chánh kiến; còn Tệ huynh cũng tới lục tuần nhĩ thuận rồi, mong gấp thấy sự qui nhứt tán thành…”. Đặc biệt, sự hành Đạo của Đức Giáo Tông từ 1938 đến 1942 có những điểm sau đây:



1. Phép Đại Xá, Giải Khổ: Sau ngày lễ Thành Đạo, suốt năm 1938, Đức Giáo Tông đi viếng các Thánh Thất, và làm phép Đại Xá, Giải Khổ cho từng nơi. Nhờ đó đức tin và tinh thần Đạo đức nói chung đều được tăng cao trổi bước. Từ trước đến nay chỉ mới có Người là được thọ mạng đầu tiên để ban hai phép nầy cho toàn Đạo.

Đức Giáo Tông giải thích về hai phép Đại Xá và Giải Khổ rằng: Mỗi người đều mang nặng nhiều nghiệp chướng tội tình, nên khó dứt mà tu được. Ai được hưởng phép Đại Xá rồi, thì các nghiệp cũ đã dứt. Có thể tu hành đắc Đạo được. Đó là mầu nhiệm của phép Đại Xá.

Ngoài các nghiệp cũ lỗi xưa, mỗi người còn vương mang lấy khổ trần, do lòng ham muốn dục vọng chiêu tập vào, khó mà giải thoát được. Phép Giải Khổ là phương hộ trợ điển lành của Ơn Trên, hầu giúp cho người có đủ đức tin sẽ được thọ hưởng, sẽ nương theo phép Giải Khổ ấy mà tự mình lần lần giải được các khổ trần. Đây là hai Phép bí tích nhiệm mầu của Tân Pháp Chí Tôn.

2. Sự phổ độ ra Trung Bắc: Trong hai năm 1938 – 1939, Người cho phái nhiều chức sắc ra phổ độ ở Trung Bắc. Ở Trung, mở được 25 Thánh Thất với số Đạo chung độ 5.000 người. Ở Bắc, tạo lập được Thánh Thất ở Hà Nội và Hải Phòng.

3. Tạo tác thêm các Nhà tu: Để có nơi cho bực Thượng Thừa nam nữ ở hiến thân làm công quả và tu tịnh, Người cho tạo tác Tịnh xá, khánh thành ngày 8/1 Canh thìn (1940), và mở cửa khai tịnh lần đầu vào ngày 8/4 năm nầy, do Người đích thân truyền dạy.

Năm 1941, Nhà tu Trung thừa Nữ được lịnh dời về khoảng đất rộng rãi hơn, như tới ngày nay (Trước kia tạm cất gần phòng trú Thánh Thất An Hội, nên rất chật hẹp).

Năm 1942, Nhà tu Thượng Thừa Nữ được khánh thành vào ngày 15/8 Nhâm Ngọ.

Nhà Thiên Lý Mật Truyền được tạo lập năm 1935, tạm trên nóc Thiên Phong Đường, để làm nơi cho Người hành Tân Pháp và cầu nguyện thông công cùng các Đấng thiêng liêng. Sau nhà Thiên Lý Mật Truyền được dời về tạo nơi tịnh xá, trong vườn Trước Hoa Kỳ Thọ (cuối năm 1939).



4. Lâm nạn: Do sự phạm phép của hai chức việc nơi Họ Đạo Hiệp Thạnh Tây Ninh, thêm vào có một sự vu cáo về Chánh trị, ngày 22/1/1941, Người bị Toà án xử phạt 18 tháng tù. Sau khi chống án, Người được Toà xét xử lại và đổi ra sáu tháng tù treo (8/4/1941).

Đối với vụ nầy, Đức Giáo Tông tỏ ra có đầy đủ Đức Tin và tràn trề lòng Từ Bi. Theo một đoạn trong Châu tri số 418 ngày 10/4/1941, Người viết như vầy: “Tệ Huynh không buồn cũng không phiền những người vu cáo ám hại. Tệ Huynh tin chắc chi chi cũng có Thầy biết cả. Nơi Toà trên mà không nhìn nhận được sự chắc thiệt, sự trung thành và sự vô tội của Tệ Huynh trong vụ nầy, cũng bởi có thiêng liêng để vậy. Mới tạo ra được một cái hàm oan cho Tệ Huynh phải chịu, hầu thử lòng các em trong buổi nầy, đặng lừa lọc người tâm thành bền vững có hạnh đức, xứng đáng đệ tử của Thầy, em của Tệ Huynh. Nói rõ là những em nào thiệt tu hành, thiệt tin Tệ Huynh, rõ biết Tệ Huynh phải chịu nạn, để gánh bớt tội lỗi cho các em mà tỏ lòng thêm mến thương khắn khít, thì em ấy sẽ được vững chắc mà đi trên con đường Đạo đức đến nơi kết quả. Trái lại, những em nào không dốc chí tu hành, không đủ đức tin nơi Thầy, nơi Đạo, và nơi Tệ Huynh, mới thấy khó nản lòng trở bước, đã lơ đãng Đạo Thầy, thì phải mắc kế của Quỉ Vương, rồi có thể bị lôi kéo ra khỏi Đạo . . .”.



5. Cầu an: Từ năm 1939 trở về sau, chiến tranh thế giới bùng nổ. Tình hình trong nước cũng gặp nhiều khó khăn đau thảm.

Trong các Châu tri, Người khuyên nhủ toàn Đạo mỗi thời cúng, phải để tâm thành cầu nguyện cho nhơn sanh được mau thoát nghiệp trả vay tương tàn, phải tụng Sám hối, Cứu khổ, càng nhiều càng tốt. Về phần đời, Người luôn luôn nhắc toàn Đạo chỉ phải lo việc - hành cầu nguyện mà thôi. Chẳng nên xu hướng vào việc quốc sự, mà trái với lẽ Đạo đức, Từ bi của bổn phận mình.

6. Ban Minh Đạo: Năm 1942, Đức Giáo Tông cho phái nhiều Ban Minh Đạo đi thăm viếng các Thánh Thất. Người giải thích: “Minh là tỏ rạng, làm cho sáng rõ. Đạo là nói về sự hành Đạo của mỗi chức sắc và sự giữ Đạo của mỗi tín đồ.

Đi MINH ĐẠO là đến nơi nào còn khuyết điểm để khêu đuốc huệ, rọi đường tu, chỉ thêm rõ phận sự cho mỗi chức sắc và dạy Tín đồ cho rõ thêm Đạo và cách tu hành, nâng đỡ đức tin cho trong Họ Đạo được thêm vững vàng…”.

BAN MINH ĐẠO đem lại nhiều kết quả nâng đỡ Đức tin và chỉnh đốn sự làm việc cho các Họ Đạo.

IV. SỰ HÀNH PHÁP

Nhắc lại trước kia, khi còn làm quan ở Hòn chông (1923), Người đã có thọ giáo Đạo Minh Sư và học phép tu tịnh. Sau khi gặp Đạo Cao Đài, năm 1928, Người được Đức Chí Tôn và Cửu Vị Tiên Nương giáng cơ chỉ dạy về Tân Pháp, do Đức Cao Thượng Phẩm phò loan.

Từ ấy, nhứt là từ ngày về hành Đạo nơi Toà Thánh Tây Ninh (1931) đến sau, Người vẫn hành Pháp hằng ngày Tứ thời công phu. Người theo đúng phương châm tích cực và tiêu cực hoá hợp của Tam Kỳ Phổ Độ, vừa làm công quả vừa tịnh luyện.

Ngoài ra, theo tập Nhựt ký riêng của Người về sự hành Pháp, xin lược chép ra những kỳ Đại tịnh như dưới đây:

1. Từ 18 đến 21 tháng 5 – Giáp Tuất (1934) Người nhập Đại tịnh tuyệt thực.

2. Từ 1/12 Giáp Tuất đến 3/1 Ất Hợi (1935), Người nhập Đại tịnh; 3 ngày chót cũng không ăn, chỉ để tâm cầu phước cho nhơn sanh nhơn dịp đầu năm mới.

3. Vâng lịnh Đại Từ Phụ và Đức Lý Đại Tiên, kể từ ngày 7/7 Ất Hợi (5/8/1935), Người Đại tịnh 120 ngày nơi nhà Thiên Lý Mật Truyền cũ trên nóc Thiên Phong Đường. Kỳ nầy 7 ngày sau cùng, Người tuyệt thực, mỗi ngày chỉ uống vài hớp nước.

4. Đến ngày 24/4 Bính Tý (16/5/1936), Người nhập Đại tịnh một kỳ nữa nơi Thiên Lý Mật Truyền cũ.

Lần nầy Người bớt ăn cơm rất nhiều, chỉ còn dùng trái cây, uống nước dừa, sữa đậu nành và ăn cháo chút ít.

5. Đến ngày 1/6 Đinh Sửu (8/7/37), Người nhập Đại tịnh nơi Hiệp Thiên Đài. Dưới đây là bản nhựt ký hành Pháp do chính Người ghi chép lại:

1/6 Đinh Sửu: Thượng sớ.

2/6 Đinh Sửu: Ăn ít trái cây, một bữa cháo.

3/6 Đinh Sửu: (như trên)

4/6 Đinh Sửu: Ăn hai trái xoài

5,6,7,8/ 6 ĐS: (như trên)

9,10 6 Đinh Sửu: Ăn năm trái táo khô.

11/6 Đinh Sửu: (như trên)

12,13,14/6 ĐS: Ăn 10 trái táo.

15/6 Đinh Sửu: Uống nước dừa.

16/6 Đinh Sửu: Uống hai ly sữa đậu nành.

17 đến 23/6 ĐS: Tu khá lên, uống hai ly sữa

24 đến 30/6 ĐS: Tu khá lên, thôi uống sữa, uống hai ly nước dừa trong 6 ngày thiệt nhẹ, học nhiều hay lạ.

1,2/7 ĐS: (như trên)

3/7 ĐS: Bà bạn mất.

4/7 ĐS: Vì đám tang phóng tâm, phải uống sữa đậu nành lại mới chịu nổi.

9/7 ĐS: Hết phóng tâm, ngồi được 10 giờ.

10/7 ĐS: Tẩu, khử trược.

11,12/7 ĐS: Tu khá luôn.

16,17/7 ĐS: Không uống sữa, có ân điển mát mẻ khởi sự lên hai bắp vế.

18/7 ĐS: Uống sữa lại, khởi sự lên thượng tiêu.

19/7 ĐS: 3 giờ khuya có cho biết phải tu thêm nữa.

20/7 ĐS: Khởi sự nhớ lại các việc từ nhỏ tới lớn.

29, 30/7 ĐS : Không ăn uống.

1/8 ĐS: Không ăn, không uống, không nằm, không ngũ, cho tới xuất hồn.

2/8 ĐS: Có Đức Lý đến khai khiếu định ngày xuất thần về chầu Thầy.

4/8 ĐS: Bị động: hai con sợ chết, dộng cửa, phải viết giấy cho biết.

5/8 ĐS: Vì phóng tâm, tiếp điển bị đứt đoạn.

6/8 ĐS: Phải uống sữa đậu nành, vì quá yếu sức gần liệt.

7/8 ĐS: Ăn cháo, trái cây cho khoẻ lại.

8/8 ĐS: Ăn cháo.

9/ 8 ĐS: Tẩu, ăn cháo, điển thường.

11, 13/8 ĐS: Không ăn, uống, giờ chót có điển xả cho nghỉ.

14/8 ĐS: Ra thiền định.

(Chử “tẩu”, có nghĩa là: Vận hành Đạo pháp. Chữ “thượng tiêu” có nghĩa là: lên nê hườn cung).

6. Từ ngày 1 đến 27/1 Kỷ Mão (1939), Người nhập Đại tịnh, với kết quả là:

Ngày 1, 2, 3/1 KM: Nhịn ăn 3 ngày Đại tịnh, thêm sáng, trực tiếp thêm dễ.

16/1 KM: Tu chạy khá lắm.

22/1 KM: Khởi sự ăn lại một bữa cơm.

7. Từ ngày 15 đến 21/ 5 Kỷ mão, Người nhập Đại tịnh:

15/5 KM: Nhập tịnh không ăn.

19/5 KM: Ngồi luôn suốt ngày đêm.

21/5 KM: Ra tịnh, rõ biết thêm việc Đạo.

8. Từ ngày 25/12 Kỷ mão đến 27/3 Canh Thìn (1940), Người nhập Đại tịnh. Có những ngày ngồi luôn từ thời Tý đến thời Dậu (theo nhựt ký).

9. Từ ngày 16/10 Canh thìn đến 22/11 Canh thìn, Người nhập Đại tịnh, mỗi ngày dùng một bữa; có những ngày Đại tịnh trọn, không ăn.

10. Từ ngày 15/11 đến 26/12 Tân Tỵ (đầu năm1942), Người nhập Đại tịnh, theo nhựt ký:

15/11 TT: Nhập Thiền định, ăn uống như thường trong tuần đầu.

22/11 TT: Ăn một bữa cơm trưa , hai bữa ăn trái cây.

27/11 TT: Tu thêm lên một bực nữa, thượng sớ nhập Đại tịnh.

12/12 TT: Đại tịnh ngồi được khá mà còn phóng tâm.

15/12 TT: Đại tịnh không ăn uống.

16/12 TT: Đại tịnh.

17/12 TT: Đại tịnh.

19 12 TT: Ăn một bữa cơm, một bữa cháo.

22/12 TT: Ra tịnh.

Trên đây là những thời kỳ Đại tịnh ngắn của Đức Giáo Tông trước khi nhập Đại tịnh lâu dài.

Người đã đoạt tơi kết quả là xuất được Chơn thần và tiếp Tiên Thiên điển. Nhờ tiếp thọ Tiên Thiên điển ấy, Người đã giải lành nhiều chứng bịnh nan y. Năm 1939, chính vị Tỉnh trưởng Bến Tre người Pháp là ông THIERRY đã được thọ phép truyền điển giải bịnh hết đau chân (đau khớp xương nan trị), nên ông nầy rất tin tưởng.



V. TIỂU KẾT VỀ ĐOẠN ĐỜI TÍCH CỰC HÀNH ĐẠO NƠI BẾN TRE

Trong đoạn đời tích cực hành đạo nầy, Đức Giáo Tông hoàn thành tốt đẹp phần Thánh Đạo, và tiến hành có kết quả phần Tiên Đạo.

Sau bốn năm chịu khảo thí ở Toà Thánh Tây Ninh, Người về Bến Tre chấn chỉnh nền Đạo được thành với đủ Gương, Luật, Pháp. Người “phải gầy dựng lại một nền Chánh Giáo đã bị xô đè vừa danh dự vừa tín ngưỡng” đúng như lời Thánh Giáo ngày 14/1/1934. Công đức của Người là khéo lèo lái con thuyền Đạo lướt qua khỏi mọi giông tố bão bùng. Người còn lo tu bổ, sửa sang những chỗ bị hư hoại, cho được chắc chắn trở lại y như hồi còn mới, để đủ sức cứu độ quần sanh, đưa rước khách trần về Đấng Cha lành.

Về phần giải thoát, Người đã tuần tự hành Tân Pháp đoạt tới chỗ xuất Chơn Thần.

Cơ Chỉnh Đạo do Người hướng dẫn chẳng phải là một chi phái của Đạo Cao Đài. Mà đó là căn bổn bảo thủ Chơn Truyền và Tân Pháp Chí Tôn. Chỉnh Đạo chỉ là phận sự trong một giai đoạn ngắn để chấn hưng nền Đạo mà thôi. Chấn hưng rồi là hết nhiệm vụ và danh nghĩa Chỉnh Đạo. Chỉ còn là Hội Thánh của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, với nhiệm vụ lo phổ hoá chúng sanh, và qui hiệp tất cả về một mối theo Luật Pháp Chơn Truyền.

Đức Giáo Tông đã thành công mỹ mãn trong giai đoạn Thánh Đạo và Tiên Đạo nầy, nhờ có đủ gương hạnh nhẫn nhịn từ bi, thể hiện được đức háo sanh vô tận của Đại Từ Phụ. Người đã nêu rõ lên con đường tu hành và giải thoát cho nhơn sanh trong buổi Hạ nguơn tự diệt nầy.

Người rất xứng đáng với lời dạy của Đức Chí Tôn trong bài Thánh thi dưới đây:

Con trị ai Thầy cũng trị ai,



Một lòng Đạo Đức chớ đơn sai,

Năm năm công quả tua bền chí,

Dìu dẫn nhơn sanh bước lạc loài”.

PHẦN THỨ TƯ

Thời kỳ Đại tịnh (1942 – 1951)

 I. VƯỜN TRƯỚC HOA KỲ THỌ - NHÀ THIÊN LÝ MẬT TRUYỀN

Thành lập thể Đạo do theo Thánh ý Đức Chí Tôn và Đức Lý Đại Tiên, Đức Giáo Tông chia ra làm 3 phần:

1. Phần hành chánh Đạo, tức là thành lập Hội Thánh, tổ chức Cửu viện, bổ nhậm chức sắc Tỉnh Đạo, Họ Đạo, sắp đặt các Ban: Cai quản, Trị sự, Phước điền, Hành thiện từng Họ Đạo.

2. Phần Nhà tu, tức là thành lập các Nhà tu Thượng Thừa nam nữ, để cho hạng người Thượng Thừa vào đây ở tu hành, đào luyện Đạo đức tinh thần.

Kế đó là các Nhà tu Trung Thừa nam nữ. Nơi đây đón tiếp những người Trung Thừa, vào học tập chữ nghĩa, Đạo lý, cùng thực hành các công thương kỷ nghệ, cải thiện đời sống cho nhơn sanh.

Hai phần trên đây là những phương tiện đưa người từ cuộc đời giả tạm tân khổ, đến một nẻo Vĩnh Sanh Tuyệt Khổ, là hồi hướng thiện căn, để rồi bước lần đến cơ siêu thoát hoàn toàn.

3. Phần thọ truyền Tân Pháp và tịnh luyện, khi tổ chức vừa xong các phần về hành chánh Đạo và Nhà tu, Người lo lập vườn Trước Hoa Kỳ Thọ, bên trong là Nhà Thiên Lý Mật Truyền và Tịnh xá.

Vườn Trước Hoa Kỳ Thọ là nơi ban hành Tân Pháp Chí Tôn, theo hai bài Thánh Giáo như dưới đây:

Cửu Trước Kỳ Hoa thọ vĩnh xuân,

Vạn niên phước địa tạo sanh quân.

Nhơn tri hồi cổ lai minh nhựt,

Hậu đắc tân tùng pháp lý chưng.

Hà sự hữu tâm chơn tất kiến,

Huyền ân Thiên giáng tác thân ngưng.

Họa đường hỷ chánh hoà vô cực,

Hoàng Thượng khai môn hội nhứt xuân.



Trau báu đề tin có núi sông,



Ôm lòng chờ trẻ lệ tuôn hồng,

Năm xa năm cách năm hoà hiệp,

Chừng ấy bây khôn mối Đại đồng.

Hình thể Thánh danh nên nghiệp cả,

Bắc Nam đi tận Đạo nhà thông.

Nghe cơ hồi hướng về Thành Trước,

Thầy dặn con ghi nhớ cõi lòng.
Nơi cửa ngõ, Người dạy để đôi liễn như sau:

Trước Hoa truyền Đại Đạo chơn thành đắc quả nhơn sanh độ

Kỳ Thọ xuất huyền vi Thánh đức tận thông thái cực thâu

Nhà Thiên Lý Mật Truyền là nơi Đức Giáo Tông nhập Đại tịnh, để tiếp thọ các lẽ huyền vi mầu nhiệm của Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng ban cho nền Đạo. Đôi liễn nơi Thiên Lý Mật Truyền là:



Bảo mạng tuỳ nguơn hành chánh pháp

Thiên khai Đại Đạo thủ chơn truyền

Kế sau nhà Thiên Lý Mật Truyền là Tịnh xá, để cho người tu bực Thượng Thừa đến đây thọ truyền Bửu Pháp và nhập thiền định.



II. TRƯỚC NGÀY ĐẠI TỊNH

A. CÁC VIỆC CHUẨN BỊ

Theo lịnh Ơn Trên cho biết trước, Người phải nhập Đại tịnh một thời gian lâu. Cho nên sau hồi lâm nạn (1941), Người tích cực lo sắp đặt việc Đạo về mọi mặt, từ nội bộ Hội Thánh đến các Họ Đạo.

Đặc biệt, khoản một tuần lễ trước ngày vào tịnh, Người làm việc và tiếp chức sắc luôn cả ngày đêm, để chỉ dạy mọi điều về bổn phận. Người còn thân đi thăm viếng các Nhà tu ty sở. Đêm đêm, Người làm việc đến 11 hoặc 12 giờ khuya. Bên Người luôn luôn có hai viên thư ký để làm việc các giấy tờ.

B. ĐÊM VÀO TỊNH

Thời Tý đêm 21 rạng 22/2 Nhâm Ngũ (nhằm 7 rạng 8 tháng 4 năm 1942), Người vào Đại tịnh. Trước khi đến giờ, vừa làm việc cười nói chuyện, Người kể lại những tâm sự trong đời hành Đạo, nhứt là những nỗi éo le trong các cơn đại khảo. Sau cùng, Người tỏ vẻ đau lòng mà than rằng: “Sứ mạng của nền Đạo là cao cả, mà hiện tình rất hiếm người đảm đương. Việc Đạo là tối trọng, là cả một công cuộc tái tạo và cứu khổ cho nhơn loại đang bị chìm đắm trong biển khổ đầy khói lửa tang thương. Anh đã vì lòng thương mà cố gắng hết sức mình, nhưng sức người có hạn ! Vả lại, anh cần phải nắm cơ siêu thoát, mới thấu triệt lẽ Đạo, mới đủ huyền năng đưa thuyền Đạo đến nơi đến chốn. Bổn phận anh là về phần lý tưởng, về phần Đạo pháp, chớ không phải về phần hành chánh là phận sự của Đầu sư. Thế mà vì thiếu người, anh phải cam lo cả, đến những việc thường thức hằng ngày. Như vậy thiệt là một điều không may cho Đạo !



Nhưng thôi, dầu sao, Anh cũng phải vào Đại tịnh. Mọi việc ở ngoài giao lại cho Hội Thánh lo; và sẽ luôn luôn có thiêng liêng, Đức Lý ủng hộ…”. Câu chuyện kéo dài đến 1 giờ khuya, Người từ giã lên lầu Thiên Lý Mật Truyền nhập Đại tịnh.

III.  ĐẮC ĐẠO VÀ THỌ PHONG

Dưới đây là những nhựt ký hành pháp, do chính Người ghi chép trong buổi đầu Đại tịnh:

Ngày 22/2 Nhâm Ngũ: Nhập tịnh.

23, 24/2 NN: Hành Pháp.

25/2 NN: Đắc Đạo có gió mưa, có tiếng sấm nổ.

26, 28/2 NN: Có mùi thơm đưa đến.

29/2 NN: Hành Pháp.

1, 2, 3/3 NN: Hành Pháp.

14/3 NN: Đắc phong vị Lý Giáo Tông, có giông mưa.

17/3 NN: Hành Pháp.

25/3 NN: Được chấm đậu hoàn toàn, đi chầu Thầy và các Đấng Thiêng Liêng.

27, 28, 29/3 NN: Hành Pháp.

16/5 NN: Hành Pháp xuất thần.

18/5 NN: Xuất Chơn thần về Bạch Ngọc Kinh.

Ngày 9/6 Nhâm ngũ: Khởi sự khử trược.

17/6 NN: Khử trược phục khí.

22/6 NN: Phục khí Tiên Thiên.

1/7 NN: Còn khử trược, phục khí Tiên Thiên.

17/7 NN: Cũng còn khử trược, phục khí Tiên Thiên.

1/8 NN: Cũng còn đem Tiên Thiên đổi lấy Hậu Thiên.

Như vậy, ngày 25/2 Nhâm Ngũ (10/4/1942), Người ĐẮC ĐẠO nghĩa là liễu đắc hoàn toàn về Tân Pháp, đoạt cơ siêu thoát của ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ.

Ngày 14/3 Nhâm ngũ (28/4/1942), Người được thọ phong Tiên vị nơi Đại Từ Phụ, với Thánh danh: ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ LÝ GIÁO TÔNG TỪ BI CỨU THẾ THIÊN TÔN. Người vốn là chơn linh của Đức Lý Đại Tiên phân thân giáng trần chuyển thế độ đời.

Từ đây, Chơn thần của Người thường được thông công cùng Đức Chí Tôn, Đức Lý Đại Tiên và các Đấng Thiêng Liêng. Mọi việc Đạo do Người nhơn danh là Lý Giáo Tông tuyên ngôn, toàn là những điều truyền đạt Thánh ý của Đại Từ Phụ và Đức Lý Đại Tiên.



tải về 1.68 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương