Đôi nét về tác giả trần kiêM ĐOÀN



tải về 0.8 Mb.
trang4/6
Chuyển đổi dữ liệu26.03.2018
Kích0.8 Mb.
#36780
1   2   3   4   5   6

Văn hoá những chiếc cầu


Có một khái niệm tưởng như gần gũi và đơn thuần nhưng lại rất xa vời và trừu tượng, đó là khái niệm về Văn Hóa.  Thời nhỏ, tôi thường nghe giới đàn anh hỏi thăm  „Trình độ văn hóa“ của một người bằng cách đem chữ nghĩa thánh hiền ra đo, như  „trình độ văn hóa:  Mù chữ, trung học, tiểu học, đại học...“.  Lớn lên, tôi mới khám phá ra điều thú vị rằng:  A thì ra!  Việt Nam ta là nơi duy nhất trong vũ trụ có „trình độ văn hóa mù chữ“! Thế mà mấy bác Tây học như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh lại phán: „Văn: Là vẻ đẹp, vẻ sáng...“.  Mù chữ mà lại đòi đẹp và sáng thì cũng như đêm ba mươi tối hù, dẫu Văn có đi mòn trăm đôi guốc gỗ cũng khó lòng mà Hóa được thành… trăng. 

 Trong khái niệm Đông Phương, văn hóa tiềm ẩn một vẻ đẹp mơ hồ và một thiên năng cao cả, thì Tây Phương thực tế hơn, văn hóa là cách thể hiện kinh nghiệm sống.  Nhất là Mỹ, những nhà hoạt động văn hóa đã đập vỡ và vun quén lại khái niệm văn hoá cổ điển từ thời tiền Victoria để đưa văn hóa xuống đường.  Nhiều khái niệm văn hóa ra đời đến nỗi chẳng ai còn thấy „chướng“ trước những khái niệm „văn hóa bên lề“ (subculture) như văn hóa của giới đồng tính luyến ái, văn hoá những người sống vô gia cư, văn hóa giới nghệ sĩ, văn hóa giới quyền quý tiếng tăm, văn hóa vùng thường xuyên bị động đất, văn hóa khu cao ốc chọc trời...

Đi từ những bước nghênh ngang cao chênh vênh trong khái niệm „Văn Hóa Cao Sang“ (High Cuture) của Matthew Arnold (1869) đến dáng là đà trong mớ hành lý bụi đời „Văn Hoá Bình Dân“ (Ordinary Culture) của Raymond Williams (1958), tôi bỗng hứng chí nhớ về và dừng lại bên những chiếc cầu từ thuở cây đa bến cũ rồi tự hỏi: „Có chăng Văn Hóa Những Chiếc Cầu?“.   Rồi cũng hồn nhiên như anh Xã Xệ tin mặt trăng làng ta là sáng nhất, tôi trả lời rằng, „Có!“.  Tôi tin là mỗi chiếc cầu đều có một dòng đời, một lịch sử, một nếp sinh hoạt tương tự như một dáng vẻ, một kiểu cách văn hóa riêng.  Những chiếc cầu khỉ đã nằm vắt qua suốt chiều dài của lịch sử.  Rồi cầu tre (Anh thương em mấy nhịp cầu tre), cầu ván, cầu ao (Ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi) .  Cho đến cầu phao, cầu nổi, cầu sắt, cầu đá, cầu xi-măng, cầu chuồi, cầu gác, cầu treo... đã ghi dấu bao nhiêu thế hệ lịch sử, văn hóa.

Thuở còn bé ở quê nhà, mỗi chiếc cầu từ đầu làng đến cuối xóm đều gợi cho tôi một thế giới riêng tư nho nhỏ.  Như Cầu Lừ, chiếc cầu khỉ èo ọp bằng tre đã chứng kiến bao nhiêu là tai biến của dân làng.  Cầu Vượn, cầu Banh một đời chở đầy những mùa trăng lúa mới.  Những chiếc cầu Việt Nam quản chi khó nhọc để quặn mình nối hai bờ anh em hay thù nghịch.  Có những chiếc cầu nằm xuôi mái lặng lẽ mà sao đứng nhìn, tôi lại có cảm giác như mỗi thanh sắt vô tri và chiếc bù loon đang run lên bần bật.  Đó là cảm giác thuở học trò được thầy giáo dắt ra thăm cầu Bến Hải nối liền - mà chia cắt - hai bờ sông Hiền Lương soi bóng hai màu cầu... lạnh lùng, rờn rợn.  Cầu không dắt ta đi mà cũng chẳng đưa ta về.  Có khi đi thì còn, mà về lại mất.  Mất khi trở về có nghĩa là đi không bao giờ trở lại.

Khái niệm văn hóa những chiếc cầu lớn hẳn trong lòng tôi như một niềm thâm tín khi mùa Hè năm 2000 tôi ngỡ ngàng qua nhánh Tiền Giang sông Cửu Long bằng chiếc cầu treo „Bắc“ Mỹ Thuận.  Có lẽ cả nước đều mang chút tâm trạng ngỡ ngàng như thế khi đối diện với chiếc cầu treo tân kỳ mở màn đi vào thế kỷ 21 với nỗi lòng Tú Xương:  „Đêm nghe tiếng ếch bên tai; giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò!“ Nhìn từ xa, tôi bỗng thấy cây cầu giống như cây đàn 128 sợi dây, một cây đàn đầy biểu tượng cho ngón đàn tài tử của dân Nam bộ.  Đứng trên chiếc cầu lộng gió dài gần hai cây số với hai trụ tháp cao vút, khách vẫn còn mường tượng nghe tiếng máy phà mới hôm nào đây còn khò khè cuộn nước.  Mùi nắng gió và phù sa lồng lộng thổi qua cầu vẫn chưa làm ai quên được mùi chim mía nướng than, mùi những xách hàng rong đủ vị và và khối âm thanh không tên tuổi nhưng thật thân quen trên bến phà thuở nọ.  Chiếc cầu mới đang khởi sự một nguồn sống mới.  Tôi cảm nhận được rằng, dù con người có muốn hay không, cây cầu với ngôn ngữ văn hóa lặng thinh hay lao xao riêng một cõi, vẫn đang tự nó ghi những dòng đầu của cuốn sử đời mình... như chuyện chiếc cầu trên sông Drina, trường ca cầu sông Kwai đã trở thành bất tử.

 Tôi đã đi qua những chiếc cầu xa xứ với cái nhìn hiếu kỳ của người du khách và với một cảm giác thán phục bàn tay và khối óc tuyệt hảo của con người.  Nhưng giữa cầu và tôi vẫn là hai thế giới, đi về không một chút vấn vương.  Như hình ảnh nhà quý tộc cổ kính đi xe song mã, chiếc cầu treo của thế kỷ 20 là con đẻ của nền văn hóa cao ốc chọc trời.

  Những chiếc cầu vang bóng như Golden Gate Bridge, Bay Bridge, Brooklyn... của Mỹ đều vươn những vài cầu cao vút tới những vùng giàu sang như San Francisco, Manhattan.  Cầu Mirabeau của Pháp bắt qua dòng sông Seine soi bóng tháp Eiffel uy nghi mà kiêu sa giữa lòng kinh thành Ba Lê ánh sáng.  Cầu Mỹ Thuận - chiếc cầu treo trẻ nhất của thế kỷ nầy- đã được thai nghén và hình thành trong một bối cảnh văn hóa khác hẳn với những chiếc cầu kia.  Chiếc cầu đã vươn mình qua sông phù sa vạn lý như con rồng chín khúc uốn mình từ Tây Tạng về tới biển Đông.  Dòng sông vẫn còn nguyên nét sơ khai.  Tôi qua cầu với tâm trạng đi vào cửa ngõ ngày mai của đồng bằng sông Cửu Long đang còn ngủ say trong màu xanh phủ hết chân trời của ruộng lúa, bóng dừa, vườn cây, kinh rạch và điệu lý qua cầu.  Dáng nổi bật của cây cầu giữa một vùng mênh mông làm cho cây cầu chưa thuần với dòng sông mà gợi lên một cảm giác thách thức.  Đó là một cảm giác mạnh mà du khách thường nhắc tới khi đi qua cầu Akashi Kaikyo, chiếc cầu treo dài nhất thế giới - gấp ba lần cầu Mỹ Thuận - của Nhật bắc qua eo biển Akashi.  Nhưng sự thách thức của cầu Akashi là những luồng sóng dữ, là sự đối mặt với cái uy vũ tàn bạo của thiên nhiên.  Còn sự thách thức của cầu treo Mỹ Thuận là sức bật khai phá của con người tương lai trên lối vào thế kỷ.

Từ khi chưa có bóng người trên trái đất thì đã có hàng vạn dòng sông.  Và lịch sử con người lớn lên với những cây cầu cho bớt ngăn sông cách núi.  Nhưng có được bao nhiêu dòng sông thuộc về một vùng đất ở và có được bao nhiêu chiếc cầu thuộc về một dòng sông trôi.  Chiếc cầu chỉ thuộc về dòng sông khi nào cầu không chỉ là phương tiện để vượt qua sông mà cầu chở lòng người đến với dòng sông.  Hơn 2000 năm, cầu Luân Đôn trên sông Thames; 500 năm, cầu Mirabeau trên sông Seine; và 100 năm cầu Trường Tiền trên sông Hương không chỉ đưa chân người qua cầu mà còn đưa lòng người trôi chảy dưới dòng sông.  Nguyễn Du, trong mắt nhìn Đông Phương, thấy cây cầu như là điểm hẹn của thiên nhiên, „Dưới cầu nước chảy trong veo, bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha“, mà Appolinaire, trong cảm nhận đầy đam mê với chút váng vất siêu thực Tây Phương thì thấy cây cầu trăm năm vẫn đứng đó nhưng bóng nó là khởi điểm của từ ly: „Dưới cầu Mirabeau, sông Seine thầm lặng chảy. Tình chúng ta đi mãi, vui với sầu theo nhau.“

Có đứng trên những chiếc cầu với lịch sử hàng trăm năm của thế giới, mới cảm nhận hết hình ảnh đan thanh, xa vắng „em qua không kịp tội lắm anh ơi…“ và khái niệm cầu soi bóng nước của Trường Tiền.  Hình ảnh một chiếc cầu phải ngắm từ nhiều góc độ và trong những thời điểm ngày đêm khác nhau để cho thiên nhiên góp phần sáng tạo nét đẹp của cây cầu.  Tôi đã qua lại cầu sông Thames ở Luân Đôn.  Chiếc cầu chạm trổ như một lâu đài La Mã đúng với cái tên Tower Bridge (Cầu Tháp). Nhưng khách trông cầu chỉ thấy được những đường nét vuơng giả, kiêu kỳ của chiếc cầu với giòng sông Thames  đục ngầu bên dưới.  Tôi không có một cảm xúc nào khi đứng trên chiếc cầu cứng đơ, chìm khuất trong khung cảnh của những lâu đài chạm trổ.  Tôi đã cố đến tìm chiếc cầu Mirabeau man mác trong thơ Appolinaire trên bờ sông Seine của Paris lúc về đêm, nhưng chỉ thấy một chiếc cầu vạm vỡ, lãng quên trong hằng trăm chiếc cầu trên sông Seine. Và trong ánh sáng ban ngày chiếc cầu lại trông càng trơ trụi với bức tượng mỹ nhân bên dưới ngước lên như một nỗi buồn vô vọng.  Tôi cố đừng suy nghĩ chủ quan hay mang một thiên kiến bảo thủ để so sánh, rồi tự phong cho cầu Trường Tiền là đẹp, là nên thơ.  Nhưng tôi không thể dừng lại được khi trong mắt nhìn và cảm xúc của tôi, cầu Trường Tiền thật sự có một linh hồn hòa điệu với giòng sông, thiên nhiên và con người đơn sơ qua về nơi khung cảnh ấy.

Tôi lớn lên ở Huế.

Rồi bỏ Huế mà đi.

Hành lý một đời để dành với Huế mà tôi mang theo cũng có thể là cả một gia tài mang đi không hết, mà cũng có thể chỉ là một búp sen đầu mùa mới nhú lên mà vì thương màu hồng ngây thơ quá, tôi không nở hái mang theo. Xa Huế, tôi đã mang màu tím trong không gian Huế buổi chiều, mang mùi trầm hương từ mấy trăm ngôi chùa cổ, mang tiếng chuông công phu trong đêm khuya, mang rong rêu của dòng sông có những bến đò áo trắng mà đi. Mớ hành lý đó cần một chiếc va-li không giới hạn để đựng.  Chiếc va-li không khóa, là trái tim vô ngã của Huế, là chiếc cầu Trường Tiền màu nhũ bạc trên dòng sông Hương.

 

Chiếc Cầu trong tâm ảnh


 

Châu Thuận Hóa là ốc đảo của thiên nhiên Việt Nam suốt cả một thời quá khứ. Huế cách trở trong lòng người xứ Bắc - Thương em anh cũng muốn vô, sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang - Và xa xôi lạ lùng quá đỗi với người phương Nam - Đi bộ thì khiếp Hải Vân, đi thủy thì khiếp sóng thần Hang Dơi. Thiên nhiên thuở nọ đã bắt Huế nằm im gối đầu Trường Sơn, co chân trên dãi đất hẹp giáp biển Đông như những dòng sông bị cản chiều dài, cách trở chiều rộng, nên phải chảy vào bề sâu mà về lại trong lòng.  Bởi vậy cái đẹp của Huế là cái đẹp mang vẻ trầm lặng và cô tịch.  Cái nên thơ của Huế là vẻ nên thơ trong mắt nai rừng lúc hoàng hôn:  Vời vợi, hồn nhiên nhưng cũng trang đài và huyền hoặc.  Dường như người Huế nhìn về quê người thì thấy thấp thoáng bóng tương lai, mà nhìn về quê mình thì chỉ thấy toàn quá khứ.  Phải chăng vì thế mà người Huế thành người tù chung thân của quá khứ, thành kẻ hành hương quanh miếu đền kỷ niệm, những kỷ niệm thuộc về một thời „mô tê“ lãng đãng như ca dao. 

            Huế có một dòng sông và một chiếc cầu như ảo ảnh, đó là dòng sông Hương đã trở thành dòng thời gian và chiếc cầu Trường Tiền là bến đò của dĩ vãng.  Dòng thời gian vẫn luân lưu trôi chảy nhưng không già.  Thời gian sẽ đẩy lùi quá khứ để mà quên và kéo dĩ vãng trở về để mà nhớ.  Mỗi năm, khi mùa Thu về, dòng sông ấy vẫn xanh; vẫn trôi chảy âm thầm dưới chiếc cầu cong sáu nhịp có nét e ấp tròn trăng đầy duyên dáng.  Dòng sông và chiếc cầu vẫn còn trẻ mãi mà những hàng cây hai bên đường lại ngã màu.  Thời gian cũng có nét buồn riêng của nó.  Với Huế, nét buồn của thời gian là vết chân chim trên khóe mắt cười đã hết long lanh của cô học trò Đồng Khánh một thời áo trắng.

                                                                   

oOo

 

            Một sớm mùa Hè năm 1954, sau khi rời bến xe Nguyễn Hoàng, tôi theo mẹ về chợ Đông Ba.  Một sớm mai trên hè phố Huế, được ngồi bệt trên chiếc mũ đệm bên gánh cháo lòng un khói và được ăn một tô cháo nóng hổi đã đời là cả một niềm hạnh phúc lớn lao mà rất ít đứa trẻ ở làng cùng lứa như tôi có được.  Mùa Hè, mới nắng mai đã gắt.  Vị cay và sức nóng bên trong của tô cháo lòng, bên ngoài của nắng làm tôi ngầy ngật như say.  Tôi chạy lúp xúp theo mẹ qua cầu mà chẳng thấy được gì vì mồ hôi đổ dầm như tắm.  Đến giữa cầu, cơn gió qua sông mát lạnh.  Tôi không cần đưa tay áo quệt mồ hôi mà mắt mũi, mặt mày vẫn ráo hoảnh.  Tôi ngước nhìn quanh.  Cao vút trên đầu tôi là đường cong trắng vàng rực rỡ như thềm núi Trường Sơn có cầu vồng ra ăn mưa.  Trước vẻ ngỡ ngàng của thằng con trai út chưa ra khỏi mấy lũy tre làng, mẹ tôi chợt nhớ ra và lên tiếng:



-  Cầu Trường Tiền!

Cả một cơn sóng ký ức dội về.  Tôi đã quen lắm từ bao nhiêu năm qua tiếng khóc trẻ thơ dịu dần trong tiếng hò ru em, vang lên ấm dịu, ngọt ngào từ xóm trên về xóm dưới.  Hình như tôi đã biết sâu lắm rồi mà vẫn hỏi.  Hỏi như để khẳng định một tình yêu đang có mặt, nhưng cũng rất xa xôi:

- Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp đây phải không mạ hè?

            Mẹ tôi thật vô tình.  Mẹ không chia sẻ luồng gió mới đang mở phăng cánh cửa lòng tôi, nên mẹ đã nói bằng ngôn ngữ thản nhiên, làm như tôi cũng đã có hơn nửa đời người quen thuộc với chiếc cầu nầy như mẹ.  Không, tôi có riêng đôi mắt bình minh của trẻ thơ để khám phá ra „cái ông cầu“ uy nghi vươn tay dài sáu khúc để nối liền bờ bên nớ bên ni.  Tôi như một người nghèo cháy túi vì không tìm ra được chút vốn liếng kinh nghiệm nào ở làng để so sánh với cả một thế giới lạ lùng, đồ sộ, xinh đẹp, cao sang, nhưng cũng mang vẻ ngự trị và bí ẩn chứa trong từng mảnh nhỏ của „ông“ cầu.  Tôi mơ hồ liên tưởng tới đường cong như cánh cung của cặp rồng uốn lượn trên nóc đình làng để ví với dáng cong cong thon thả của những vài cầu lên xuống.  Vài cầu đang ngự trên cao chót vót tận đọt tre lá ngà gần mây trắng, thấp dần xuống để soi mình trên sông và từ từ vút cong lên trở lại.  Tôi đếm thầm những cây quạt trắng khổng lồ mình đã đi qua:  Một, hai, ba, bốn, năm, sáu.  Rồi những tảng mây trôi trên xa cho cây cầu đổi sắc làm tôi nhớ những giọt sương mai trên lưới nhện hoang giăng trên bờ cỏ dại ở đầu làng.

            Có tiếng nổ rất xa, đâu từ phía núi.  Tôi nhớn nhác bấu chặt tay mẹ.  Mẹ tôi cười, nói một cách tự tin:

-  Sáng ni đình chiến rồi, sợ chi nữa!

Tôi nghĩ bụng, „Đình chiến là cái ông nào mà to hơn gan cóc tía.  Súng đạn không sợ thì còn biết sợ ai!“.  Tôi hỏi về cái ông „đình chiến“.  Mẹ tôi cười tội nghiệp rồi giải thích theo lối thông tin „Làng trên xóm dưới“:

-  Thì đình chiến là họ ký hiệp định Giơ-Neo với nhau.  Việt Minh, Bảo Vệ như chú Dưa, chú Cà không bắn nhau nữa.  Mai mốt, mình lên nhà trên kê phản ngủ.  Rồi mạ tháo cái hầm làm chuồng heo, thả cặp heo tới tháng Chạp kỵ Ba, rồi ăn Tết.  Tôi nín thở tận hưởng nguồn hạnh phúc tưởng tượng là từ nay, đêm đêm mình sẽ thôi ngủ dưới hầm, khỏi ngửi mùi rễ tre lên mốc, khỏi nghe bầy mối nghiến tre trèo trẹo thâu đêm.

Nghe mẹ tôi vẽ bức tranh mơ ước, mấy người gánh gồng cùng chạy bộ qua cầu cũng hớn hở hỏi nhau:

- Nì, Thím nớ về mô?  Đình chiến rồi, hoà bình rồi, hết sợ súng đạn, ăn hột muối cũng sướng.  Chừ lo về lại dưới làng cuốc đất mần ăn.

Cây cầu quanh tôi trắng tuyền như ngọc bích.  Từ phút đó, cầu đã viết trong ký ức hoa niên của tôi những trang đầu tiên và kết tụ thành tâm ảnh:  Cầu Trường Tiền đó, chiếc cầu chở hoà bình về lại quê xưa.

Rồi đời cứ theo dòng.  Năm năm, mười năm, hai mươi năm... tôi đã đi về qua chiếc cầu đó; và hết một đời chiếc cầu đó sẽ soi bóng mãi trong lòng tôi.

Dòng sông Hương là mẹ nuôi, đã trở thành mẹ hiền và xứ Huế quê ngoại đã trở thành quê hương yêu dấu của cầu Trường Tiền.  Cầu chào đời ở tận bên Tây.  Năm 1899 hãng Eiffel mang về Huế đặt bên cạnh kho đúc tiền nên mang tên là cầu Trường Tiền.  Lên năm tuổi, mới học vở lòng đường đi còn lót ván, trận bão năm Thìn 1904 đã xô ngã bốn nhịp cầu.  Vè dân gian ghi lại rằng,  „Nửa đêm bão tới thình lình; cù lăn nổi dậy miếu đình nghinh ngang...“ và cù lăn đã „Xô cầu Trường Tiền ngã bốn, đốn cột cờ gãy ba!“

Trường Tiền là chiếc cầu định mệnh của Huế.  Tình yêu chưa bước song đôi qua cầu là tình yêu chưa „chín“.  Hận thù chưa giải được trên cầu thì thù hận chưa nguôi.  Uy vũ chưa tuyệt lộ trên cầu thì chưa phân thắng bại.  Đến Huế mà chưa đứng trên cầu là chưa vô tới Huế, chỉ mới „tạt“ qua Huế mà thôi.  Phải chăng vì thế mà từ ngày có mặt, tuy nằm yên một cõi, Trường Tiền đã mang những vết hằn lịch sử sâu nặng nhất của một xứ Huế thăng trầm theo thế sự.

Ngày mới lớn lên ở làng, tôi thường nghe thế hệ đàn anh kể chuyện „Chiến sĩ qua cầu“.  Câu chuyện bao giờ cũng bắt đầu bằng cái mốc „Thời Nhật đảo chánh“.  Ngày ấy, thực tế lẫn huyền thoại „chống thực dân Tây xâm lăng“ là một khúc anh hùng ca thôi thúc những tấm lòng yêu nước lên đường kháng chiến.  Mùa Đông năm 1946, những người trai quê và thôn nữ của làng tôi lũ lượt gánh ớt bột, mạt cưa, trấu, rơm rạ, và bùi nhùi để qua Huế đánh đồn Tây Tòa Khâm.  Nghe kể lại là khi xông ớt, trấu, rơm rạ, mấy ả đầm và Tây con ở trên lầu cay mắt quá, khóc bằng tiếng Pháp (!), nghe thảm thiết như „mèo kêu“ (?!).  Các chiến sĩ chân đất làng ta không biết vì động lòng trắc ẩn hay vì không chống nổi với súng đạn thiệt tình của quân Tây nên đã hè nhau chạy bộ qua cầu Truờng Tiền, băng qua đồng, trở về làng cũ hát tình ca Phạm Duy „Ngày nao ta phá tan đồn nó đi, sẽ thấy trên đường trở về, áo dài đùa trong nắng hè...“ Làng tôi có khoảng mười „Chiến Sĩ Qua Cầu“ và tất cả đều có một nỗi niềm chung là đầu hôm khi băng qua sông Hương, cầu Trường Tiền còn nguyên vẹn, nhưng khi trở lại sau nửa đêm gần sáng, cây cầu đã gãy đôi!  Những người trai quê và gái quê đêm đó đã khóc khi lội qua sông:  Khóc cho một cây cầu thân yêu đã gãy và buồn cho một dòng sông không ấp ủ nỗi một cây cầu.  Lịch sử sau nầy đã ghi lại rằng, nửa đêm 19  tháng 12  năm 1946, dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Trung đoàn Trần Cao Vân, ông Hà Văn Lâu, cầu Trường Tiền đã bị gài mìn đánh sập để cản bước tiến của quân Tây.  Ớt khô của lòng yêu nước làm sao thắng được thuốc súng của xâm lăng! Anh hùng ca không chỉ là chiến lợi phẩm thu được trên chiến trường.  Chiến sĩ làng tôi bỏ chạy, thế mà hào khí một thời vẫn còn cháy mãi trong lòng họ theo những câu chuyện kể không đầu không đuôi, nhưng bao giờ cũng cảm động khi đến đoạn một nhịp cầu Trường Tiền đã gãy lúc nửa đêm...

Tôi là học trò từ làng quê lên Huế học.  Thời tôi mới lớn, học trò nhà quê lên tỉnh học còn ít hơn là học trò các thành phố lớn được qua Tây, qua Mỹ du học. 

Tôi ở trọ trong Thành Nội, học trường Quốc Học.  Mỗi buổi sáng đi học, ra cửa Ngăn dọc theo bờ Bắc sông Hương, qua cầu Trường Tiền, đi ngược bờ Nam sông Hương.  Bãi học, về cầu Trường Tiền, vô cửa Thượng Tứ... Nhịp điệu đi về trên một chiếc cầu ngỡ như đơn điệu ngày lại ngày cả mười năm đó, thực ra, chẳng có bao giờ giống nhau như con nước bao năm qua trôi chảy mãi dưới chân cầu mà vẫn không có một lần lập lại.

„Mỗi sáng sớm đi học, qua cầu khi gió ban mai còn nhẹ nhàng, mơn man tà áo, vuốt ve mái tóc thề, dỗ dành từng bước đi của người qua cầu, ánh sáng lấp lánh trên mấy vài mấy nhịp uốn cong, tuổi học trò thấy cuộc đời như trang vở đầu tiên của ngày tựu trường, con tim hồi hộp vui mừng nơi từng nhịp đi...

Cái vòm trắng bạc có một chút kiêu sa phù phiếm.  Mỗi bận qua cầu tôi có cảm giác như đi qua một đám mây phù du, một đoạn đường sương phủ hay đi vào một mối tình đầu không dài lâu; hoặc bắt đầu một cuộc đời lãng tử cũng không biết chừng.

Bước đi trên cầu trong ngọn gió sông Hương buổi sáng, khi chiếc cầu còn ngái ngủ trong khói sóng và màn sương, nhìn về phía Vĩ Dạ, có sóng nước êm đềm xanh một màu lục thủy, những chùm tre lã ngọn nơi phía Cồn Hến ẩn hiện đằng sau như vừa mới gội nước hồ thủy để xanh một màu xanh êm ả có thể làm mướt lại những con mắt suốt đêm thức trắng để „gạo“ bài.  Đến giữa cầu, ấy là lúc không thể nào không ngoảnh mặt về phía rặng núi Kim Phụng nổi hẳn lên trong dãy Trường Sơn kéo dài về hướng Tây Nam.  Sông Hương mà không có dãy núi này đứng đợi như một tri âm vĩnh viễn thì e sẽ là con sông thảm thiết không biết trôi về phương mô.  Dãy núi ấy, xanh một màu xanh „xuân sơn“ thăm thẳm, vừa huyền bí, vừa đa tình.  Hình như nhờ bóng núi xa xăm kia mà sông Hương trở thành huyền ảo, như có như không trong một nỗi thầm lặng miên man của dòng nước chảy.“ (Thái Kim Lan)

Giờ đến trường và tan học, cả con đường, chiếc cầu và lòng sông soi bóng đều sáng lên theo dòng nón lá và áo trắng học trò.  Dòng suối trắng đó có lúc đầy giữa mùa Thu tựu trường, mùa Xuân nắng ấm; vơi dần giữa mùa thi sang Hè, và xám lại giữa mùa Đông co ro trong những chiếc áo mưa.  Thế nhưng cũng có khi dòng suối ấy khô quắt khô queo theo nhịp cầu gãy đổ.

Chiếc cầu sáu nhịp nối liền hai bờ sông bên phượng, bên me.  Huế cùng dòng sông bên dưới và dòng người bên trên thì trôi chảy mà chiếc cầu thì vẫn lặng im trong nắng trong mưa có vẻ như thường hằng, bất biến.  Huế đã trải qua không biết bao nhiêu cuộc bể dâu, thế mà sự ngây thơ vẫn còn đeo đẳng.  Có những tâm hồn đã thành sắt đá vì chiến tranh; những cảm quan đã chai lì vì súng đạn; những ước mơ đã cùn nhụt vì thực tế chua cay... bỗng trở mình một cách nhẹ nhàng, rồi thức dậy nhìn dòng sông xanh bên dưới với đôi mắt trẻ thơ khi lững thững bước qua chiếc cầu màu nhũ bạc.  

 Phong cảnh trên cầu, ngày lụn tháng qua, đã trở thành Tâm Ảnh trong lòng người lớn lên hay già đi cùng với chiếc cầu. Khi một bóng dáng đã trở thành tâm ảnh thì sự hiện sinh của nó sẽ trở thành ảo ảnh.  Như bóng dáng Kim Trọng thuở ban đầu „Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa“ đã thành tâm ảnh trong một thế giới riêng của Thúy Kiều.  Bởi vậy, trong ngày Kim Kiều tái hợp, chàng Kim bằng xương bằng thịt chỉ là một hiện sinh xa lạ.  Nỗi đam mê cháy bỏng và sự khắc khoải đợi chờ „từ Lâm Truy em lạc tới Giang Hà“ của Thúy Kiều đã miên viễn hướng về tâm ảnh. Buổi đoàn viên sau mười lăm năm luân lạc mà „đổi duyên cầm sắt ra duyên cầm kỳ“ là một phản ứng lạnh lẽo của tâm hồn.  Phải chăng đó là một cách lẩn trốn dưới cán dù đạo lý khi lửa tình đã nguội!  Cũng thế, những người xa Huế đã mang chiếc cầu trong tâm ảnh mà ra đi.  Vô số chiếc cầu Trường Tiền đã bắt qua dòng sông tưởng tượng trong tâm thức lãng mạn được thi vị hóa bằng chất men lưu đày nên càng xa Huế, chiếc cầu và dòng sông trong tâm ảnh lại hiện về càng rõ, bất chợt, không hẹn không hò.  Tôi đã về lại Huế, nhiều lần đi trên chiếc cầu xưa mà vẫn quay quắt đi tìm.  Tìm chi?  Tìm chiếc cầu trong tâm ảnh -  như ngày xưa vua Tự Đức đã có lần toan „Đập cổ kính tìm ra lấy bóng...“!

Cũng như tháp Eiffel ở Paris, Cầu Tháp ở London, cổ thành La Mã ở Ý, tượng Mãnh Sư ở Thụy Sĩ… cầu Trường Tiền là biểu tượng thể chất nhưng là một dấu ấn tâm hồn thấm đậm mầu son của Huế.  Chiếc cầu tự nó đã đẹp như một sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật hiện đại và nghệ thuật truyền thống mang dáng vẻ Đông Tây đã đành; nhưng phong cảnh thiên nhiên kỳ tú làm bối cảnh càng đẹp hơn.  Và hình ảnh áo trắng học trò - một thời và mãi mãi? -  ngày hai buổi qua cầu trong hình tượng vật lý và in bóng trên cầu trong hình tượng tâm lý đã biến chiếc cầu thành huyền thoại của những điều có thật.

Với dòng tiểu sử đời mình dài dằng dặc trong vinh quang hay cay đắng, một người đàn bà có thể sẽ đáng kính hơn, nhưng đồng thời cũng sẽ mất đi sức hút hồn nhiên và đam mê của tuổi xuân thì hơn.  Nhưng với một chiếc cầu thì chính dòng lịch sử đó mới là ngôn ngữ thầm lặng của hiện thể đang nói với nhân gian.  Chuyện chiếc cầu không dừng lại trên cầu mà chuyên chở vào tâm hồn cả bóng lẫn hình theo mỗi bước đi từ quá khứ đến tương lai.  Không gian và thời gian thường hằng thay đổi, nhưng Cầu Trường Tiền vẫn tâm sự triền miên với những người yêu Huế còn đứng lại bên cầu hay một đời xa xứ. 

Không một chút vô tình nhưng rồi tôi cũng cũng phải xa Huế, mang tâm ảnh cầu Trường Tiền mà đi.  Chiếc cầu trong tôi bỗng thành một sự hiện hữu vô hình. Những khi buồn và cô độc nhất ở quê người, tôi lại lục lọi ngăn kéo hoài niệm của những ngày vui bên cầu, cố lấy một tâm ảnh bình minh để tự  mình soi mình giữa hoàng hôn và bóng tối.  Có khi, cái cầu như một đạo sĩ thần thoại giúp mình hiểu mình; giúp cái ta hiểu cái tôi vì tự bản chất cái „ngã“ của chiếc cầu là vô ngã.  Chiếc cầu thân ái một cách dửng dưng; không xua đuổi cũng chẳng níu kéo những suối nguồn thổn thức.

Sống hơn 20 năm trên đất Mỹ, cái nhìn của tôi về chiếc cầu trên quê hương hay quê hương trên chiếc cầu vẫn chẳng có gì thay đổi.  Trong sự thăm thẳm tận cùng của lặng yên, chiếc cầu trong tôi hiện ra nửa như hư ảo mà nửa như rất thật; kết tụ những bến bờ xa lạ và quen thân thành một dãi Ngân hà.  Dòng sông trắng phau ấy không vắt ngang vũ trụ mà cũng chẳng ở dưới lòng đất.  Nó ở trong sâu thẳm của tâm hồn. Tôi chợt nhận ra dòng sông đó trong một chiều của „Ngày Mẹ Hiền“ (Mother's Day) cuối mùa Xuân ở California.  Tôi có thật nhiều quà nhưng không còn Mẹ.

Mỗi lần nhớ Mẹ tôi lại nhớ chiếc cầu và nhớ ngọn gió Nồm lồng lộng nắng cuối Xuân quấn quýt bên Cầu.  Xa quê hương trên 20 năm, khi tôi thức bên ni thì chiếc cầu bên tê đang ngủ, nhưng lòng tôi vẫn gần với chiếc cầu trong gang tấc:  Tôi vẫn còn  Quê hương, còn hơi ấm nắng cuối Xuân và chiếc Cầu trong tâm ảnh.

                                                           Trần Kiêm Đoàn

CON Y ÊU BÁNH NẬM

Lần đầu tiên tôi gặp Con Yêu Bánh Nậm ấy bằng xương bằng thịt sờ sờ vào một sáng trời mưa lâm thâm trên bến đò Thừa Phủ.

Đò đầy, cô lái sắp đẩy ra khỏi bến thì có tiếng gọi từ phía lái:

- O ơi! Chờ chút!  Cho Con Yêu Bánh Nậm lên với cả hắn trễ tội!

Con Yêu Bánh Nậm lẫm lũi kẹp cặp sách trước ngực, chạy thục mạng xuống bến và nhảy lên đò.  Tôi còn đứng lớ ngớ chưa tìm ra chỗ ngồi, bị con Yêu đạp nguyên đôi guốc mộc lên bàn chân trần đau điếng. Tôi la lên nho nhỏ: "Ái, đau!" và cúi gập người ôm bàn chân tội nghiệp của mình vừa khi con Yêu nhận ra là đang làm đau đồng loại.  Con Yêu ngỡ ngàng ngó quanh trong lúc đò từ từ ra khỏi bến.  Tôi hơi ngờ ngợ vì dáng quen quen.  Sau lần áo mưa trong vắt, tôi có thể đọc được cả bảng tên thêu màu "xanh-lơ-ma-rin" nổi bật trên nền áo trắng:  H. T. Đông Ba, C2, trường Đồng Khánh.  Ngày đó, dân Quốc Học nhìn những cô em Đồng Khánh mang bảng tên màu xanh là ngây thơ, màu tím là đợi chờ, màu hồng là đã chín.  Học trò lớp đệ tam (lớp 10) mang màu xanh là đàn chim non mới bước vào ngưởng cửa trung học đệ nhị cấp, nhí nha nhí nhảnh, hầu hết còn "phất phơ giữa chợ, biết vào tay ai..." Lên đệ nhị (lớp 11) mang màu tím là sắp sửa làm "bà tú", trong cặp sách thường có bụi "ô mai" vương vãi lên thư tình.  Và lên tới đệ nhất (lớp 12) mang màu hồng, suy tư và cuộc đời lốm đốm màu triết học, nên có nàng đã che nắng bằng sách Jean Paul Sartre, Albert Camus... thay cho chiếc nón bài thơ!  Còn con trai Quốc Học mà mang bảng tên "Ba sọc" như tôi là đã có quyền khỏi bận áo len giữa sương thu và gió lạnh, ưỡn ngực cho nhân gian thấy ta đây là học trò Đệ nhất.  Dù có lỡ sa cơ thi rớt tú tài toàn phần thì cũng còn đường rút vào quân trường Thủ Đức làm "quan một nhà binh", mai vàng le lói như thường.

Hình như mới bắt gặp những đôi mắt quen từ phía lái, con Yêu khoát tay, cười ấm áp với bạn.  Hàm răng trắng quá làm cho đôi môi không son phấn cũng hồng lên phơn phớt.  Khuôn mặt hình trái sầu đông, trắng mịn, lấm tấm nước mưa nằm ủ trong mái tóc đen mướt, dài kín bờ lưng, được gói sau lớp áo mưa gọn gàng như tạc bằng gỗ mun.  Con Yêu Bánh Nậm lừa khi không có ai thấy, bèn phóng cho tôi một cái nhìn ái ngại, môi chúm tròn xoe, nói bên tai vừa đủ cho tôi nghe:

- Xin lỗi!

Tôi mím miệng, không trả lời nhưng trong bụng lại muốn nói:  "Con gái chi mà đanh đá.  Nói lời xin lỗi mà cái bộ lạnh lùng như bị người khác đưa chân cho mình đạp cũng không bằng!"

Thế nhưng khi quay về phía lũ bạn, Con Yêu lại cười nói tía lia.  Tôi giật mình khi nghe cô bé có bộ mặt hiền khô của con gái nhà lành nói với một cô bạn bằng một thứ ngôn ngữ có vẻ "chanh chua chuối chát", rằng:

 - Nì, Mi-nhon Thượng Tứ, chiều qua trốn giờ Quốc Văn đi "đào kép" với bồ tèo phải không?  Các thám tử của ta bắt gặp chàng và nàng đi xe đạp mùi mẫn về ngã Bao Vinh.  Khai mau!  Về dưới đó làm chi? Bộ muốn về "vật Sình" hả?  Thú thiệt đi, ta tha cho.  Còn chối bãi bãi như mấy mụ hàng cá cãi nhau ở chợ Đông Ba thì đừng trách ta là không có lòng... từ bi thấy chi nói nấy đó nghe!

Nàng có tên "Mi-nhon Thượng Tứ" dường như cũng bị nao núng, cố lấn tới sát bên cạnh Con Yêu Bánh Nậm để nói nho nhỏ như rót mật... gấu vào tai:

- Khỉ! Nói chi to rứa!  Anh nớ là sinh viên dạy kềm tau học chứ bộ...!

Con Yêu Bánh Nậm tung bùa bức hại sinh linh không thương tiếc:

- A, thì ra chàng "prề-xẹp-tơ" thấy lơ thì... chụp của mi đó hả?!  Chết rồi, con nhỏ Mi-nhon ơi!  Học trò Đồng Khánh xưa nay có ngạch đất yêu... quỷ tò te mấy cụ sanh viên dạy kèm và thực tập đó chơ chi nữa!

Nàng Mi-nhon bèn xuống giọng:

- Nì, Con Yêu Bánh Nậm, đồ tinh le!  Mi đừng ác cho tau nhờ cái "đức... Quốc xã" của mi với có được không.  Ba Mẹ tau mà nghe được thì tau chỉ có nước bỏ học ở nhà nấu ăn rửa chén!

Con gái Huế một mình là hoa hổ ngươi thẹn thùng, một cơn gió nhẹ trần gian thổi qua cũng vội vàng khép đôi cánh lá lại.  Nhưng có hai nường Huế họp lại là thành hoa bưởi hoa ngâu, e ấp liếc mắt một cách kín đáo như lời gọi thầm, đủ làm cho bao chàng choáng váng.  Khi tới ba "o" trở lên là thành hoa vông vang tinh nghịch, muốn đội nắng, trổ trời mà lên!

Dân nam nhi Quốc Học mà chỉ có vài mạng, "gươm lạc giữa rừng hoa" trên chuyến đò buổi sớm thì dù có thuộc loại nghịch lớp chọc thầy như tôi cũng phải biết điều mà ngồi im thin thít. 

Đò tới bờ.  Đường ai nấy đi... Thêm một ngày mới qua đi, tưởng chừng như không lưu lại một dấu tích gì.

Hôm sau, chiếc xe đạp sửa xong, nhưng hơi khác với mọi ngày vì tôi không còn thấy hăng hái đạp xe ra cửa Ngăn, qua cầu Trường Tiền, rẽ về Quốc Học nữa.  Cả đêm, dù cố quên đi chuyện trong ngày, thế mà vẫn cứ nhớ về Con Yêu Bánh Nậm.  Lòng dặn lòng phải ghét cho được vẻ lạnh lùng "làm điệu" của con Yêu, nhưng lại không quên được tiếng thì thầm "Xin lỗi" phát ra trừ cái miệng xinh xinh, đễ thương thì chưa đủ mà dễ ghét lại không đành.  Sáng ra, tôi trở chứng muốn cất xe đạp ở nhà, tiếp tục đi học qua đò Thừa Phủ.  Chân đã bước lên đò mà mắt tôi vẫn cứ nhìn quanh bóng dáng của con Yêu "ác nhơn" đó.  Tôi tĩnh hẳn khi có tiếng bình luận của đám nữ sinh áo trắng với nhau "Cái Con Yêu Bánh Nậm nớ lại trễ học nữa rồi!"; và "Cái con thiệt tình là Yêu Bánh Nậm.  Chuyện chi người của người ta hắn cũng biết... Hắn mô rồi?  Mà vắng hắn cũng buồn tụi bây hỉ!"

Nguồn gốc và lịch sử Con Yêu Bánh Nậm cũng xa xôi và mơ hồ như lịch sử một loài hoa dại.  Ngay cả những nhà "Huế học" tiếng tăm cũng lắc đầu quầy quậy khi bị hỏi về gốc gác của danh xưng nầy.  Những người Huế rặt, Huế chay như Bửu Ý, Bửu Tôn, Tôn Nữ Quế Hương, Tôn Nữ Hỷ Khương, Thái Kim Lan... khi nói về xuất xứ của Con Yêu Bánh Nậm cũng "lý giải" theo lối suy đoán rằng: Ngày xưa các ông Hoàng bà chúa trong cung Nguyễn vốn là những tay ăn sang và ăn hàng thượng hạng.  Các ông bà thường chờ gánh bánh nậm dài ruột như con chờ mẹ đi chợ về.  Khi các o bán bánh nậm gánh trễ hàng tới cửa thì bị mắng một cách vừa mang vẻ trách móc, vừa thân tình một cách rất Huế là : "Đồ con yêu nờ!"  Mấy cô hàng bán bánh nậm không muốn mất mối tốt nên cũng lanh miệng lanh mồm vừa đỡ đòn vừa tía lia kể chuyện dân tình ngoài nội phủ để làm vui lòng khách.  Con Yêu Bánh Nậm "rất có thể" ra đời từ đó, hay không biết tự bao giờ nhưng với Huế thì hình tượng Con Yêu Bánh Nậm vừa dễ thương, vừa dễ ghét...

Cũng có người dùng phép "hội ý" trong lục thư của Trung Hoa mà giải thích nguồn gốc của Con Yêu Bánh Nậm rằng là:  Bánh nậm Huế là một loại bánh lá mỏng dính.  Bản chất bánh nậm hiền, bình dân, dễ gần gũi, thơm ngon và hài hòa màu sắc với lá gói xanh, bột bánh trắng, nhụy tôm hồng.  Nhưng bánh nậm cũng rất mượt mà, trơn truột và dễ đong đưa như đôi môi mỏng, cái lưỡi lắt lay của những người con gái Huế "ruột để ngoài da".       

Những "Con Yêu Bánh Nậm" trong thế giới con gái Huế là những con vịt trời nở trứng và lớn lên trong đàn vịt đồng:  Vừa mang bản chất lém lỉnh, ranh mãnh, nghịch ngợm, rắn mắt của loài "yêu", nhưng cũng vừa e ấp, hiền từ, thuần hậu, và mặn mà nhưng rất đơn sơ của dòng "bánh nậm".  Bánh nậm Huế hiền đến mức thành món ăn "đằm bụng" cho em thơ và cho người già vừa khỏi bệnh và mỏng manh tới độ gió thổi  cũng bay!  Vì vậy, những chàng trai Huế từng bị nhiễm bùa yêu... bánh nậm đã ngoan ngoãn phán rằng, Con Yêu Bánh Nậm là "cục quậy" nhưng cũng vừa là "cục cưng" trong vòng bè bạn.  "Đồ con yêu Bánh Nậm!" là tiếng mắng yêu cho một sự thông minh đầy lém lĩnh và một sự lém lĩnh đầy thông minh của một cô gái Huế chưa đến nỗi... ế chồng.  Con Yêu Bánh Nậm giữa nếp sống Huế cũng như cái thiết bảng của Tôn Ngộ Không trên đường Tam Tạng về Tây Trúc thỉnh kinh:  Dữ dằn mà nhân nghĩa, xốc nổi mà yêu thương.  Cuộc đời có Con Yêu Bánh Nậm thì coi chừng chuyện "thâm cung bí sử" cũng có khi thành chuyện tiếu ngạo giang hồ nổ như bắp rang. Nhưng nếu vắng Con Yêu Bánh Nậm thì chuyện thâm cung bí sử đó rồi cũng chìm sâu vào chuyện đời thường.  Huế chắc sẽ khô khan và lặng lẽ hơn nếu những chuyện tình dễ thương, điểm màu lãng mạn "vang bóng một thời" không còn ai nhắc tới.  Những "cánh hạc bay lên vút tận trời" mà không có Con Yêu Bánh Nậm thì vẫn trầm trầm, lặng lẽ trong riêng tư và theo thời gian đi vào quên lãng.

(Còn tiếp) _ Phần Hai _ Yêu hớp hồn



Hương Cần quan đạo liễu thanh thanh

Giang bắc, giang nam vô hạn tình…

 Nguyễn Du (1799)



(Hương Cần dặm liễu xanh xanh

Bờ nam, bờ bắc để tình chứa chan…)

                       

Người Thầy học đầu tiên của tôi là một cô giáo: Mẹ tôi.  Bà mẹ quê quen với nắng gió ruộng đồng, quen với hàng trăm ngày nắng mưa, tốt xấu quanh năm nhưng vẫn không quen thuộc với vài chục chữ cái của vần mẫu tự La tinh “abc” mà người đời đã dùng để ghép thành thiên kinh vạn quyển.

“Cô giáo” của tôi thật khó tính nhưng cũng dễ dãi như những hàng tre có gai nhiều mà vẫn trĩu ngọn để rũ bóng cho những con đường.  Tre khó như hầm chông mà cũng dễ như những tấm phên che bầu bạn với bụi chuối sau hè.  Mỗi buổi sáng mẹ tôi dò bài. Mẹ cầm cuốn sách hay tập vở và bắt tôi đọc.  Tôi chỉ cần đọc cho trơn tru là được.  Cứ mỗi lần vấp là phải lãnh một cái phết nên thân vào đít. Rất nhiều lần tôi liếc mắt và bắt gặp mẹ tôi “dò bài ngược”, nghĩa là những cái mũ chữ “ô”, cái râu chữ “ơ” bị trồng cây chuối ngược chiều từ phía dưới mọc lên.  Tôi vẫn nghĩ là Mẹ có cách riêng của Mẹ. Thế nhưng tôi vẫn ngờ ngợ vì đôi khi bí quá tôi biến chữ đọc ẩu để khỏi bị vấp mà mẹ tôi vẫn hoan hỷ cho qua, miễn sao đọc cho trôi là được.  Hình như nhờ tinh thần “sáng tạo” đó mà sau này tôi bị nhiễm vào cái nghiệp ưa viết lách lai rai.

Cô giáo - mẹ tôi - vẫn bắt tôi trả bài đều đặn mỗi buổi sáng trước khi đi học. Cho đến một hôm, bác Đội Nghi, một kẻ sĩ ở làng, bất thần hỏi tôi:

- Nghe nói con học giỏi nhất trường. Rứa con tự học hay có ai bày vẽ ở nhà mà hay rứa tề?!

Tôi không hiểu hết bác Nghi có ý đặt câu hỏi cho tôi hay đó chỉ là lời bình luận khen tặng, nhưng đã vội láu táu nói ngay:

- Mạ con dạy con đó Bác ơi!

Bác Nghi phá lên cười làm tôi cụt hứng.  Bác vừa ho húng hắng, vừa cười khàn khàn, vừa ồ ề lên tiếng:

- Mạ con mù chữ mà dạy với dỗ chi đã chớ!

Ức quá, về nhà tôi hỏi mẹ.  Mẹ buồn buồn trả lời:

            - Thời của mạ ở làng không ai cho con gái đi học hết.  Mạ học bình dân học vụ được mấy chữ, chừ trả lại cho thầy hết rồi.  Con gắng học cho thông, mạ thương.

Dường như để bù lại, mẹ có cách ghi dấu những điều đáng nhớ theo lối truyền đời rất cổ sơ: Thuộc lòng và truyền miệng.  Người Thầy học đầu tiên đó đã chuẩn bị cho tôi vào đời với những bài học đầu truyền miệng.  Nuôi lớn tình cảm và thế giới tưởng tượng đầy hoa mộng trẻ thơ của tôi trong cảnh quê nghèo đồng chua nước mặn nhưng rợp bóng hò, vè, ca dao, tục ngữ, dân ca và chuyện kể.  Mãi cho đến khi đến trường tôi mới hiểu ra những câu hò mẹ tôi ru con ngủ, những chuyện thần tiên đẹp mơ hồ như áo Hằng Nga là hoa lá cành mọc lên từ mảnh đất hiền hòa của kho tàng văn chương truyền khẩu Việt Nam.

            Tuổi thơ, tôi chỉ mơ một cuộc đời đơn sơ, nhân hậu, có bóng dáng thần tiên lẫn lộn với người phàm như trong thế giới của cô Tấm. Tài năng có siêu quần bạt tụy thì cũng như Thạch Sanh.  Tình cảm có diễm ảo, lai láng cho nhiều thì cũng chỉ tới “Trèo lên cây bưởi hái hoa, bước xuống vườn cà hái nụ tầm Xuân...”  Thế giới của ca dao và dân ca là một góc vườn của bà Tiên để mơ ước, chứ không phải là một xã hội hiện thực để ngày ngày làm bạn đi chơi.  Tuổi thơ của tôi đã bị chuyển hóa thường xuyên giữa hai thái cực:  Giữa thiên đường mật ngọt của ca dao và giữa địa ngục trần gian của cuộc chiến tranh Việt Nam đầy máu lệ.

            Hình như thế hệ tuổi thơ Việt Nam của tôi có nét hao hao giống nhau là thân phận những trẻ thơ mồ côi cha rất sớm, nhưng may mắn còn có Mẹ.  Những bà Mẹ hy sinh cả tuổi thanh xuân để lặn lội tảo tần, gieo neo nuôi con.  Những đứa con của Mẹ mãi mãi là chú gà con lông tơ vì nước mắt Mẹ bao giờ cũng chảy xuống. Những chú gà con đó dù có bạc đầu, dù có làm nên công hầu khanh tướng, dù ra đi ngái vời nơi đất khách thì vẫn là những đứa trẻ thơ còn ở trong vòng tay thương yêu trọn đời của Mẹ.

Sống hai mươi năm trên đất khách, được gần mẹ chưa tới mười ngày, nhưng tôi vẫn tin như tin vào một mặt trời không đổi hướng rằng, tất cả mọi suối nguồn tình cảm đều sẽ già đi và phai cũ với thời gian, duy chỉ có tình Mẹ là mỗi ngày một sâu, lòng mẹ càng un đúc qua thời gian càng chín mọng ngọt thơm mà không bao giờ rơi rụng.  Tình Mẹ xa mà gần như nắng ấm trên đầu và đất lành dưới chân.  Càng gần với tuổi già, càng cần hơi ấm nồng nàn của nắng quê mẹ và càng cảm thấy gần gũi với đất mẹ như một quê hương đích thực để quay về

Khi Mẹ mất rồi mới cảm nhận hết nỗi bơ vơ của những ngày không có mẹ.  Người ta có thể lớn khôn hay già đi qua từng chặng đời khi bỗng, khi trầm nhưng sẽ không bao giờ biết lớn khôn trong vòng tay thiên thần của mẹ.  Trong những tiếng kêu tha thiết - hạnh phúc cũng như trầm thống -  nhất của đời người, chỉ có một tiếng kêu không bao giờ phai cũ hay lạc điệu, lỗi thời, đó là tiếng con kêu mẹ: “Mẹ ơi!” 

Năm đó tôi bảy tuổi, sống hồn nhiên với mẹ sau lũy tre làng Liễu Hạ và chưa bao giờ được đi học.  Cũng có vài ba ngôi trường xã, trường làng mở ra được một thời gian ngắn rồi cũng phải đóng cửa vì bom ném lộn, đạn bắn lầm.   Có khi thầy bị chết hay bị bắt, trò bị thương, tản cư và bao nhiêu chuyện bất trắc không lường trước được.  Trẻ con trong làng ở vào lứa tuổi của tôi rất ít đứa nghĩ đến chuyện đi học.  Và chính tôi cũng không biết đi học để làm gì mà mẹ tôi cứ quay quắt đêm ngày xuôi ngược lo kiếm trường cho hai anh em tôi đi học.  Cho đến một lần tôi đau nặng, nóng sốt li bì tới mấy ngày.  Mẹ tôi lo đủ thứ.  Nào là rịt lá giáp cá giã nhuyển lên trán tôi, nào là giác bầu, chích lễ. Nào là mời thầy cúng chuyên trị tà ma, uống đủ thứ thuốc Bắc, tàn nhang, nước thải mà bệnh vẫn càng trầm trọng hơn.  Cuối cùng có ông y tá thuốc Tây tới thăm bệnh, phán rằng: “Thằng nhỏ bị thương hàn nhập lý.  Phải cõng hắn lên Dinh tìm đốùc-tờ Tây khám gấp, kẻo trễ thì vong mạng”.

Nghe hai tiếng “vong mạng” mẹ tôi sợ quá khóc bập bệu.  Mẹ nhất định cõng tôi lên Huế tìm đốc-tờ ngay trong đêm nhưng ai cũng can nên mẹ tôi đành ngồi đối bóng với cây đền dầu hỏa lù mù để canh giấc ngủ cho tôi và chờ sáng.  Gà vừa gáy lại, mẹ tôi và dì Quảng đã cõng tôi đi.  Làng tôi cách Huế 12 cây số nếu đi theo đường quan lộ.  Nhưng mẹ tôi đã cố đi tắt để thu ngắn thời gian. Tôi đeo sau lưng mẹ, nghe tiếng thở mệt nhoài của mẹ hòa với tiếng chân mẹ lội bì bõm qua những thửa ruộng làng còn chìm trong nước sau mùa lụt.  Mồ hôi lưng áo mẹ thấm ướt qua hai lần áo ấm phía trước mình tôi.  Đêm tối, bình minh, mặt trời mọc, nắng lên.  Mẹ và Dì Quảng vẫn thay nhau cõng tôi đi miệt mài không nghỉ.  Tới gần trưa mới tới chỗ đốc tờ.  Tôi cảm thấy đầu nhẹ nhõm và tĩnh táo hơn nhiều, có lẽ vì trên đường đi mồ hôi mẹ và mồ hôi của tôi cũng đổ theo đà lắc lư của mẹ nhiều quá.  Mẹ mang tôi đến một nơi gọi là “Ông Đốc Quyến”.  Nhiều người đang chờ sẵn ở đó.  Nổi bật là một người đàn ông có dáng mập mạp, ăn bận tươm tất, vẻ mặt nghiêm trang đi quanh phòng đợi hỏi hết người nầy qua người khác bằng cái giọng ra lệnh làm mọi người nể sợ ngồi im thin thít.  Chờ lâu quá không thấy ông ấy tạt qua, mẹ tôi mạnh dạn cõng tôi đến trước mặt ông ta, cunh kính thưa:

- Dạ bẩm quan đốc, con tui đau nặng sắp chết, xin quan trên làm ơn làm phúc chữa cho cháu trước.

Ông ta quắc mắt, nạt:

- Thời chừ không có cái tiếng “bẩm”, nghe chưa!  Cứ chờ đó tới phiên kêu.  Ai tới đây cũng toàn làm náo, kêu van đau nặng sắp chết cả.  Rút cuộc, ai cũng sống nhăn răng, chẳng có thằng Tây mô chết hết.

Mẹ tôi “Dạ, dạ” và kiên nhẫn đặt tôi nằm xuống nền nhà xi măng, đầu gối lên chân mẹ, chờ tới phiên.  Tôi không còn nhớ bao lâu nhưng hình như lâu lắm.  Mẹ con tôi được kêu vào phòng đốc tờ.  Ông đốc Quyến “thiệt” nầy có vẻ dễ chịu hơn ông đốc tờ “giả” ngoài kia.  Ông ta bắt tôi nằm, vén bụng vén lưng và đưa cái miếng tròn, trông giống cái giác sừng trâu của mấy bà chích lễ ở làng, nằm cuối cặp giây thun như cái ná bắn chim dài lòng thòng đeo trên cổ, rồi xỏ hai cái nút vào lỗ tai.  Ông cầm “

cái giác” chụp lia lịa lên bụng, lên ngực, lên lưng tôi chừng năm bảy miếng.  Ông ta tài thật.  Chỉ có thế mà ông biết hết, tươi cười nói với mẹ tôi:

-  Không can chi. Cháu bị cảm cúm và viêm phế quản, để bác sĩ cho toa mua thuốc uống vài ngày là lành.

Trong khi ông đốc tờ viết ngoằn ngoèo trên miếng giấy thì mẹ tôi đã chắp tay vái dài cảm tạ:

- Dạ, bẩm quan đốc, mạ con tui xin đội đội ơn quan!

Mơ màng nghe tiếng “bẩm quan” tôi hơi run vì sợ mẹ tôi bị nạt như hồi nãy, nhưng may quá, ông đốc Quyến nầy coi bộ tử tế hơn ông “đốc giả” ngoài phòng đợi, nên đã xua tay cười khanh khách:

- Ui chà! Quan quyền chi thím ơi.  Đừng kêu rứa tội chết!

Ra khỏi phòng khám, chưa uống thuốc mà tôi đã cảm thấy tĩnh như sáo và kêu đói bụng đòi ăn.  Mẹ tôi hớn hở nói với dì Quảng, người đang thay phiên mẹ cõng tôi trên lưng:

- Dì hí, hèn chi thiên hạ đồn ông đốc Quyến ni “thơm tay” là phải lắm.  Chưa chi ông mới rờ lên thằng nhỏ đã lành!

Mẹ cầm tay tôi, nói nựng như một lời mơ ước hoang đường:

- Mai sau, con gắng học lên làm ông đốc cho mạ nhờ con hỉ!

Tôi hỏi giọng yếu ớt:

- Làm chi mới được thành ông đốc mạ hè?

Mẹ tôi dường như hứng chí:

- Học, mà phải học cho thiệt giỏi mới lên ông đốc con ơi!  Lớn lên con gắng làm ông đốc tờ nghe con!

Tôi “dạ” một cách mạnh dạn vừa khi mẹ tôi cõng đi ngang qua Phu Văn Lâu.  Hình như  lời hứa của tôi có cột cờ làm chứng.  Một đời sau này, những khi mỏi nãn với đèn sách, tôi thường nhớ lời hứa với mẹ có chứng cớ cột cờ mà lặng lẽ vươn lên.

             


Каталог: 2012
2012 -> Những câu nói tiếng Anh hay dùng hằng ngày
2012 -> I. NỘi dung quy hoạch cao đỘ NỀn và thoát nưỚc mặt bản đồ hiện trạng cao độ nền và thoát nước mặt
2012 -> BÀI 1: KỸ NĂng thuyết trình tổng quan về thuyết trình 1 Khái niệm và các mục tiêu
2012 -> Người yêu lạ lùng nhất
2012 -> Thi thử ĐẠi họC ĐỀ thi 11 MÔN: tiếng anh
2012 -> SÔÛ giao thoâng coâng chính tp. Hcm khu quaûn lyù giao thoâng ñOÂ thò soá 2
2012 -> Commerce department international trade
2012 -> Những câu châm ngôn hay bằng tiếng Anh
2012 -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạO ĐỀ thi tuyển sinh đẠi họC 2012 Môn Thi: anh văN – Khối D
2012 -> Tuyển tập 95 câu hỏi trắc nghiệm hay và khó Hoá học 9 Câu 1

tải về 0.8 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương