Người yêu lạ lùng nhất



tải về 54 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích54 Kb.
#185
Dao Ánh - Một thời để nhớ - Kỳ 1: “Người yêu lạ lùng nhất” của Trịnh

05/04/2011 1:18









Sau khi loạt bài Công bố hàng trăm bức thư tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đăng trên Thanh Niên, nhiều bạn đọc rất muốn biết thêm về Ngô Vũ Dao Ánh. Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái út của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, kể rằng nhà của Dao Ánh nằm gần nhà của Trịnh Công Sơn - chỉ cách một cây cầu nhỏ Phú Cam - nên hằng ngày Dao Ánh đi học thường ngang qua đó…

 

Dao Ánh thời trẻ và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Ảnh: tư liệu

Trịnh Công Sơn nhắc đến trong một hồi ức: “Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng long não lá li ti xanh mướt để đến trường Đại học Văn khoa ở Huế. Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi… Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa theo qua. Những mùa nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa xuân mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhòa nhạt trong mưa… Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận (…) Đi để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng mình là một nhan sắc”.

Trịnh Công Sơn nhớ về “những con người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đó đã dệt gấm thêu hoa những giấc mơ, giấc mộng của mình”. Đó là cố đô Huế với “mỗi sáng tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, tiếng chuông Linh Mụ vang xa trong không gian, chuyến đi trên dòng sông để đến với từng căn nhà khép hờ hay đang đóng kín cửa. Thời gian trôi đi ở nơi đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ người không còn cảm giác về thời gian. Một thứ thời gian không bóng hình, không màu sắc. Chỉ có cái chết của những người già, vào mùa đông giá rét, mới làm sực tỉnh và bỗng chốc nhận ra tiếng nói thì thầm của lăng miếu, bia mộ ở những vùng đồi núi chung quanh. Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Đi đến trường mà đôi lúc dường như đến một nơi vô định. Định hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoan lạc của giấc mơ. Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn.



 

Một chiếc lá ép trong thư gửi từ Blao về có chữ Trịnh Công Sơn ghi trên mặt lá: “Mưa lạnh đầy đó Ánh - 23 Septembre 1965” - ảnh gia đình Trịnh Công Sơn cung cấp

Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi. Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là Diễm của những ngày xưa”.





Đời của Trịnh Công Sơn là thơ. Nỗi buồn của Sơn là nỗi buồn siêu hình. Nhạc của Sơn bài nào cũng có chữ em, chữ yêu, chữ tình. Người đẹp của Sơn phải là người gầy, không gầy thì không đẹp. Ví dụ, vai gầy: “Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai” (Còn tuổi nào cho em). Tay gầy: “Bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm. Trên mùa lá xanh, ngón tay em gầy nên mãi ru trên ngàn năm” (Ru em từng ngón xuân nồng) - hoặc “Đóa hoa hồng tàn hôn lên môi, em gầy ngón dài” (Tuổi đá buồn). Gầy và xanh nữa: “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ, dài tay em mấy thuở mắt xanh xao” (Diễm xưa) hoặc “Bàn tay xanh xao đón ưu phiền” (Nắng thủy tinh).




GS-TS CAO HUY THUẦN (Paris
Câu cuối của hồi ức đúng là viết về Diễm. Nhưng từ câu cuối ấy ngược lên đến câu đầu tiên đều có thể ứng với trường hợp của Dao Ánh - em gái ruột của Diễm - những năm tiếp sau đó. Nghĩa là “người con gái ấy” trước kia là Diễm - nay đã là Dao - Ánh - hóa - thân. Dao Ánh sinh ngày 24.5.1948, người gốc Bắc, lớn lên tại Huế, trong một gia đình gia giáo. Cũng như Trịnh Công Sơn, Dao Ánh giỏi tiếng Pháp, cha là giáo sư dạy tiếng Pháp, đọc tiểu thuyết của André Gide, André Maurois, thơ Jacques Prévert, Apollinaire từ nguyên bản, năm 17 tuổi chép gửi Trịnh Công Sơn mấy câu trong một nhạc phẩm lời Pháp do Richard Anthony hát: “J’attendrai l’orage et la pluie pour pleurer. Je t’aime encore mais tu dois ignorer le chagrin de ma vie. Et j’irai pleurer sous la pluie” (Em sẽ đợi giông tố và gió mưa về để khóc. Em mãi yêu anh nhưng anh chẳng màng gì tới nỗi buồn của em. Và em sẽ khóc dưới mưa đây). Trịnh Công Sơn đã trích một câu trong đoạn cuối cuốn Porte étroite (Khung cửa hẹp) của André Gide gửi đáp Dao Ánh: Et que la vie peut souffler dessus chaque jour sans l’éteindre (ngày ngày ngọn gió đời vẫn thổi nhưng chưa bao giờ thổi tắt được tình yêu).

Ngôi nhà của Dao Ánh được Trịnh Công Sơn nhắc đến với những lùm nhãn mùa hạ che mắt đường về, với hàng cây mùa đông đứng lặng bên sông vắng, trông gợi cảm vô cùng. Từ nhà Trịnh Công Sơn nằm ở số 3/11 Nguyễn Trường Tộ, bên này cầu Phú Cam nhìn sang bên kia cầu chỗ có nhà Dao Ánh buổi chiều không thể không nhớ những bụi dạ lan trồng ở đó. Dạ lan thơm lắm, nhất là vào ban đêm, tỏa từ nhà Dao Ánh đến cả trong… giấc mộng của Trịnh Công Sơn ở Blao, Đà Lạt, Dran, Sài Gòn, Đà Nẵng về sau nữa. Trịnh Công Sơn nói Dao Ánh là “người yêu lạ lùng nhất” của mình. Năm Dao Ánh 19 tuổi, Trịnh Công Sơn nói với Ánh: “Yêu nhau đã có một compromis (ước hẹn) và không có một ước hẹn nào đáng giá hơn như thế”. Dao Ánh cũng biết điều ấy. Cũng lãng mạn, song rất kín đáo. Những đêm khuya Huế lạnh, Dao Ánh thắp đèn sáp trắng một mình ngồi viết thư và nhớ Trịnh Công Sơn, hái và ép những chiếc lá dạ lan còn ướt sương vào giữa trang thư gửi đến. Có hôm nhìn màu hoa sắp tàn, nhìn màu nắng chiều phai, Dao Ánh đã viết nhắn Trịnh Công Sơn: “Ôi màu mắt rồi có ngày cũng đổi màu như thế”.

Lãng mạn vậy, nên Trịnh Công Sơn nghĩ “biết đâu Ánh không sinh ra và lớn lên từ một loài hoa nào đó”. Năm 1966, Dao Ánh vào Sài Gòn học ở cư xá Thanh Quan số 232 bis/C Hiền Vương, bỏ lại con đường có vòm long não, cây cầu nhỏ, với con sông lững lờ và một khoảng trời cô quạnh.

(Còn tiếp)

Giao Hưởng - Dạ Ly

Dao Ánh - Một thời để nhớ - Kỳ 2: “Xin trả nợ người” lần thứ nhất

05/04/2011 23:23









Có lần Trịnh Công Sơn nói với Dao Ánh “con người sinh ra để gọi tên nhau”. Và ông đã gọi tên “Diễm” trước đó, rồi “gọi mãi tên Ánh” trong những ngày nắng thủy tinh...

>> Kỳ 1: “Người yêu lạ lùng nhất” của Trịnh

Chị Ngô Vũ Bích Diễm và Ngô Vũ Dao Ánh người gốc Hà Nội, lớn lên ở Huế, đi vào tình khúc như Trịnh Công Sơn (TCS) kể: “Có một mùa hạ năm ấy tôi bị một cơn sốt nặng, nhiệt độ trong người và bên ngoài bằng nhau. Tôi nằm sốt mê man trên giường không còn biết gì. Và bỗng có một lúc nào đó tôi cảm thấy có một hương thơm phủ ngập cả căn phòng và tôi chìm đắm vào một giấc mơ như một cơn mê sảng. Tôi thấy mình lạc vào một rừng hoa trắng thơm ngào ngạt, bay bổng trong không gian đó. Đến lúc tỉnh dậy người ướt đẫm mồ hôi và tôi nhìn thấy bên cạnh giường có một người con gái nào đó đã đến cắm một bó hoa dạ lý hương trắng rất lớn. Chính cái mùi thơm của dạ lý hương đã đưa tôi vào giấc mơ kia. Giấc mơ trong một mùa hạ nóng bức. Trong vùng tôi ở, quanh đó chỉ có một nhà duy nhất trồng dạ lý hương nên tôi biết ngay người mang hoa đến là ai. Sau một tuần lễ, tôi hết bệnh. Nghe tin bố người bạn đang hấp hối tôi vội vàng đến thăm. Ông chẳng có bệnh gì ngoài bệnh nhớ thương và buồn rầu. Câu chuyện rất đơn giản. Hai ông bà đã lớn tuổi thường nằm chung trên một sập gụ xưa. Cứ mỗi sáng bà cụ thức dậy sớm và xuống bếp nấu nước sôi để pha trà cho ông cụ uống. Một buổi sáng nọ, cũng theo lệ thường, bà cụ xuống bếp bị gió ngã xuống bất tỉnh và chết. Mấy người con ở gần đó tình cờ phát hiện ra và đưa bà cụ về nhà một người để tẩm liệm. Sau đó chôn cất và giấu ông cụ. Khi ông cụ thức dậy hỏi con, mẹ các con đi đâu rồi, thì họ trả lời là mẹ sang nhà chúng con để chăm sóc mấy cháu vì chúng bị bệnh. Vài ngày sau vẫn chưa thấy bà về ông mới trầm ngâm hỏi các con có phải mẹ các con đã chết rồi không. Lúc ấy mọi người mới khóc òa lên. Từ đó ông nằm trên sập gụ một mình, cơm không ăn, trà không uống cho đến lúc kiệt sức và đi theo bà cụ luôn. Câu chuyện này ám ảnh tôi một thời gian. Và sau đó tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình già keo sơn này như “Áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau” để viết nên bài Hạ trắng”.

Như ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh kể, người mang bó hoa dạ lý hương đến bên giường bệnh TCS trưa ấy là Diễm. Như vậy bài Hạ trắng là bài TCS viết về cuộc chia tay mà chúng tôi gọi là bài Xin trả nợ người lần thứ nhất (cho Diễm). Còn bài Xin trả nợ người lần thứ hai (cho Dao Ánh) sẽ nói sau. Hồi ức trích dẫn trên do TCS đưa in trên tạp chí Thế giới Âm nhạc gần như liền mạch trong hai số tháng 3 và tháng 5.1997. Đến tháng 8 năm ấy, một người mà TCS quý trọng qua đời tại Sài Gòn: GS Đỗ Long Vân.



 
Dao Ánh và Trịnh Công Sơn trong một lần gặp lại nhau tại VN sau nhiều năm Dao Ánh sống ở Mỹ - Ảnh: T.L

Không ít lần TCS đã kể với Dao Ánh về Đỗ Long Vân những ngày gặp gỡ Dran, Blao, Đà Lạt và Sài Gòn. Đỗ Long Vân dạy ở Đại học Huế, là tác giả của bản văn “lạ và đẹp như mơ” - theo cách nói của Nguyễn Quốc Trụ. Đó là: Vô Kỵ giữa chúng ta. Trong bản văn đó, cạnh những phân tích nền tảng về tiểu thuyết Kim Dung qua cơ cấu luận, Đỗ Long Vân đã dành những dòng viết về chữ “tình” mà TCS rất tâm đắc như sau: “nhân vật nào trong Kim Dung lại không đa sầu, đa cảm, đa tình? Người ta chỉ cần nhớ đến sự thủy chung của Hoàng Dược Sư với người vợ sớm qua đời, và tiếng sáo của ông trên nước biếc, khi một mình một chiếc thuyền, ông đi khắp bốn bể tìm con. Cái tình là tiếng nói của cái phần sâu xa nhất trong mỗi con người (...). Không thể tưởng tượng được chẳng hạn một cuộc yêu đương giữa người của Tà môn và của Chính giáo (…). Dĩ nhiên phải kể đến tất cả những sắc thái của tình yêu: tri kỷ như giữa Hoàng Dung và Quách A Tỷ.

Có những mối tình trưởng thành trong sự chia sẻ những nguy hiểm và gian khổ chung và những mối tình, như của Hân Ly với Vô Kỵ kết tinh từ một kỷ niệm nhỏ thuở thiếu thời. Lại có những mối tình sét đánh, như Đoàn Dự vừa trông thấy Vương Ngọc Yến là tưởng như những nhan sắc khác đều bị xóa nhòa. Những người yêu thì có kẻ đào hoa như Đoàn Chính Thuần, ngây thơ như Hân Ly, đau khổ như Chu Chỉ Nhược, dịu dàng như A Chu, nhưng người nào cũng yêu đắm đuối như đã gặp trong người mình yêu một cái gì không thể gặp được lần thứ hai ở trên đời. Cho nên A Chu có chết đi nhưng ảnh tượng nàng vẫn còn thao thức mãi trong lòng Kiều Phong. Hai tâm hồn gặp nhau, tương đắc, giao hội và không có gì có thể chia rẽ họ. Trương Thúy Sơn, Kỷ Hiểu Phù, A Chu nhận cái chết để khỏi phải lên án người yêu của họ (...). Tình yêu không kể tới đạo lý. Nó không thể giải thích được. Ai biết đâu sự sa đọa của Dương Khang là cái đã cám dỗ Mục Niệm Từ, cái ngây thơ của Quách Tĩnh là cái cám dỗ Hoàng Dung, sự lơ đãng của Mộ Dung Phục là cái cám dỗ Vương Ngọc Yến? Tham vọng có thể dẫn đến tuyệt vọng. Nhưng tình yêu là cái đam mê duy nhất trong Kim Dung không bao giờ biết đến sự ăn năn. Cái tên Bất Hối mà Kỷ Hiểu Phù đã đặt cho đứa con hoang của mình có lẽ đã đánh dấu trang sử diễm lệ nhất của võ lâm và có lẽ Mộ Dung Phục sẽ bị trừng phạt đến hóa điên, không phải vì tham vọng của chàng quá lớn mà tại vì chàng là nhân vật rất hiếm của Kim Dung đã không biết thế nào là tình yêu. Sự giá trị hóa cái Tình trong Kim Dung, tuy nhiên, chỉ là tỉ dụ điển hình nhất của sự giá trị hóa đời sống tâm hồn”. TCS kể Dao Ánh nghe những ngày gặp Đỗ Long Vân (và họa sĩ Đinh Cường) ở một căn nhà trên Đà Lạt: “Anh Đỗ Long Vân từ dạo sau này ở Huế rồi lên đây vẫn còn miên man rơi vào những ưu tư không dứt. Anh ngồi hàng giờ đọc sách, rồi trầm ngâm rồi nói lẩm nhẩm một mình, rồi cười bâng quơ như một người đã vắng mặt trên hiện tại này”, song người vắng mặt đó vẫn có mặt, có tên giữa những ngày TCS và Dao Ánh đi về trong cõi mưa hồng... (còn tiếp).

... Có một vài giấc mơ quá mức huyền bí, không làm sao hiểu được, chúng giống như những câu đố. Nhưng những câu đố còn có thể giải đáp, chúng thì không. Bạn có thể cho chúng hàng trăm nghĩa khác nhau, nghĩa nào cũng được cả. Liệu Eurydice mong muốn trở lại trần gian, nếu nàng tìm thấy một chút bình yên, một chút hơi ấm ở địa ngục? Và Kafka thêm vô: âm nhạc, thứ đã nhất, đẹp nhất, được hát ở địa ngục, bởi những kẻ trầm luân. Liệu chúng ta có thể đọc Đỗ Long Vân, nghe nhạc Trịnh Công Sơn, đọc thơ Thanh Tâm Tuyền, theo nghĩa trên không?

Nguyễn Quốc Trụ

Giao Hưởng - Dạ Ly

Dao Ánh - Một thời để nhớ - Kỳ cuối: Tưởng rằng đã quên...

06/04/2011 23:24









Trong một tình khúc của Trịnh Công Sơn có câu: Tưởng rằng đã quên - cuộc tình sẽ yên - tưởng rằng đã quên nhưng tim yếu mềm - một ngày thấy em là đời bỗng đêm vây khốn… Còn lại đây những sớm mai buồn - vì phố xưa cỏ lá mong manh.

 

 Dao Ánh một lần gặp gỡ Trịnh Công Sơn - Ảnh do gia đình TCS cung cấp

 

Cách đây hơn một năm, vào tháng 3.2010, khi về thăm Việt Nam, lần đầu tiên chị Ngô Vũ Bích Diễm nói về chuyện tình của mình với Trịnh Công Sơn (TCS) qua bài phỏng vấn đăng trên báo điện tử Đất Việt: “Tôi sinh ra ở Hà Nội, nhưng lớn lên ở Huế và vào học ở Sài Gòn, với tôi Huế là một tình yêu bất tận, tôi yêu anh Sơn như yêu Huế, bây giờ Huế đối với tôi là một quê hương thứ hai, là một phần trong cuộc đời của tôi”. Chị Diễm nói thêm là chị với anh Sơn có những kỷ niệm rất khó nói: “Cái bóng của anh Sơn quá lớn nên Diễm chọn cách im lặng để nghe người ta nói, còn tình cảm của Diễm đối với anh ấy là mãi mãi”.







“Tôi không tin những người quá lạc quan khi nói về tình yêu bằng thể khẳng định. Người ta có thể tin rằng mình được yêu và cũng có thể hiểu nhầm mình không được yêu. Tôi không thể nói về một vấn đề mà chính bản thân mình cũng chưa hiểu hết. “Chưa hiểu hết” là cách nói theo kiểu đại ngôn chứ thật sự là “hoàn toàn không thể hiểu”. Nếu có một người nào đó thách thức tôi một trò chơi nghịch ngợm thì tôi sẽ mang tình yêu ra mà đánh đố. Tôi e, không ai dám tự xưng mình am tường hết nội dung phong phú và quá phức tạp của tình yêu. Có người yêu thì hạnh phúc; có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà không yêu”.

TRỊNH CÔNG SƠN



Còn chị Dao Ánh? Khi TCS và chị thư từ qua lại khoảng ba năm, mãi đến gần Tết Trung thu 1966 (lúc chị 18 tuổi và anh Sơn 27 tuổi), thì TCS mới nói lời tỏ tình đầu tiên: “Dao Ánh, có một điều không nên nói ra mà vẫn phải nói và vẫn phải nói trong lúc uống thật say để có đủ can đảm nghe lời phủ nhận hay cái gật đầu: Anh yêu Ánh”. Đó là “lần đầu tiên (anh Sơn) tự thú điều đó ra trước” với một “chú thích” kèm theo: “nếu điều đó không làm Ánh phiền lòng thì hãy đến anh bằng một dáng dấp khác, bằng một thời khắc và bằng một vẻ nồng nàn mà anh vẫn hằng mong”. Nhận được hồi âm tuyệt vời của Ánh, TCS đã lấy xe đến nhà Bửu Ý để uống rượu và “đốt cho ngời thêm những hân hoan”. Nhiều lần sau đó, dưới các nhắn gửi đến Dao Ánh có thêm mấy chữ “Anh ôm em”.

Rồi chẳng hiểu vì đâu, TCS đã hai lần ngỏ lời từ biệt Dao Ánh. Lần thứ nhất là vào tháng 3.1967: “chúng mình chấm dứt tình yêu ở đây (…) anh xin cám ơn 4 năm ròng rã nâng niu tình yêu đó - cũng xin cám ơn những buổi đợi thật dịu dàng”. Nhưng rồi, vẫn chưa “dứt” được. Lần thứ hai vào hai năm sau, đầu tháng 4.1969, khi biết tin Ánh kết hôn với một người khác: “nghe tin này anh thấy bàng hoàng và thấy khó tin (…) anh chỉ muốn nói với Ánh một lần cuối điều thầm kín anh đã giữ lại trong anh bấy lâu - đó là mơ ước anh được có Ánh bên cạnh để cùng đi với nhau dài lâu trong đời sống này - bây giờ mọi điều đã lỡ. Ước mơ chỉ còn lại trong anh như một ngọn đèn không được đốt lên (…) Mọi việc đến quá nhanh - việc chuẩn bị cho tương lai của anh thì quá chậm (…) Từ buổi chiều nay hay là sớm mai này anh phải tập cho anh vào một lề lối mới, tập cho anh biết rằng từ đây anh không bao giờ còn có Ánh được nữa. Chúc Ánh cũng hạnh phúc như Diễm”.

Những tưởng từ đó đã khép lại “rừng xưa”.

Nhưng cuối năm 1975, TCS nhận được mấy lời nhắn ngắn ngủi của Dao Ánh viết trong một mảnh giấy nhỏ mà ông giữ mãi về sau. Lúc bấy giờ, ông về Huế và ở đó hơn 4 năm mới vào lại Sài Gòn (1979). Sang năm sau, TCS lại nhận một bộ dây đàn và một tút thuốc lá Pall Mall của Dao Ánh gửi từ nước ngoài về tặng. TCS chuyển địa chỉ của em gái mình là Trịnh Vĩnh Thúy ở Canada để Dao Ánh thư từ qua lại cho vui. Tháng 5.1989, TCS qua Pháp và đã gặp Dao Ánh tại Paris tháng 6 năm ấy, rất vội vã và qua nhanh như sau này TCS viết “có những hạnh phúc không bao giờ mình đến gần được”. Nhưng về lại Việt Nam, những gì “tưởng rằng đã quên” dường như sống lại. Để rồi, như TCS nhắn với Dao Ánh, khá rõ: “Một dĩ vãng tưởng chừng sẽ mất khuất mãi mãi bỗng dưng còn đó, trở về như một hiện tại, như của ngày hôm nay. Tất cả những hình ảnh đó cứ trôi đi bềnh bồng trong anh và cứ buộc anh phải cầm ly rượu lên để mà nhớ”. Kèm lời nhắn ấy, TCS gửi tặng Ánh một hộp đựng nữ trang bằng sơn mài với “một lời đề tựa” lãng mạn: “anh gửi Ánh cái hộp laque đựng bijoux, đựng luôn trong đó nỗi nhớ của anh và nếu cần Ánh hãy bỏ cả nỗi nhớ của Ánh vào đó”. Cũng năm ấy, 1993, Dao Ánh về thăm Việt Nam, gặp TCS và một biến cố tình cảm nào đó đã làm chấn động TCS để ông gần như thức trắng đêm viết bản Xin trả nợ người tặng Dao Ánh, sau đó Dao Ánh đã ly dị chồng khi về Mỹ. Từ điệu nhạc đến ca từ mở đầu của bản ấy nghe não nùng lắm: “Em phụ tôi một thời bé dại. Thơ dại ra đi không nhớ gì tôi”. Song đến đoạn cuối, lời trách giận người yêu bỗng chùng xuống với biến tấu dịu dàng, như tâm hồn đôn hậu của ông: “hai mươi năm vẫn là thuở nào”. Phải chăng đó là thuở “dấu chân địa đàng” vừa in lên cát bụi…



 

 "Xin trả nợ người" - bản TCS chép tặng Dao Ánh năm 1993
Ảnh do gia đình TCS cung cấp

Giao Hưởng - Dạ Ly
Каталог: 2012
2012 -> Những câu nói tiếng Anh hay dùng hằng ngày
2012 -> I. NỘi dung quy hoạch cao đỘ NỀn và thoát nưỚc mặt bản đồ hiện trạng cao độ nền và thoát nước mặt
2012 -> BÀI 1: KỸ NĂng thuyết trình tổng quan về thuyết trình 1 Khái niệm và các mục tiêu
2012 -> Thi thử ĐẠi họC ĐỀ thi 11 MÔN: tiếng anh
2012 -> SÔÛ giao thoâng coâng chính tp. Hcm khu quaûn lyù giao thoâng ñOÂ thò soá 2
2012 -> Commerce department international trade
2012 -> Những câu châm ngôn hay bằng tiếng Anh
2012 -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạO ĐỀ thi tuyển sinh đẠi họC 2012 Môn Thi: anh văN – Khối D
2012 -> Tuyển tập 95 câu hỏi trắc nghiệm hay và khó Hoá học 9 Câu 1
2012 -> Windows dvd maker Tạo dvd album ảnh trình chiếu trên đầu dvd phổ thông

tải về 54 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương