Hội thảo quốc tế việt nam họC


Tiểu vùng văn hoá Đông Nam Bộ



tải về 6.05 Mb.
trang18/99
Chuyển đổi dữ liệu02.01.2022
Kích6.05 Mb.
#37601
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   ...   99
2.1. Tiểu vùng văn hoá Đông Nam Bộ

Cho đến nay, thành tựu quan trọng nhất của Khảo cổ học tiền - sơ sử Nam Bộ, là việc nghiên cứu và xác lập văn hoá Đồng Nai. Sau thời đại đồ đá mà dấu vết phát hiện được còn khá ít ỏi, từ khoảng 4000 năm trước, ở lưu vực sông Đồng Nai xuất hiện một lớp cư dân mới thuộc thời đại kim khí - chủ nhân của văn hoá Đồng Nai. Sự phát triển của văn hoá Đồng Nai đã làm cho miền Đông Nam Bộ trở thành một trong ba trung tâm văn hoá lớn của Việt Nam trong thiên niên kỷ thứ nhất tr.CN: Đông Sơn ở miền Bắc - Sa Huỳnh ở miền Trung - Đồng Nai ở miền Nam. Văn hoá Đồng Nai là bước mở đầu cho truyền thống văn hoá phát triển rực rỡ vào khoảng thời gian trước - sau CN và sẽ trở thành nguồn gốc bản địa của một văn hoá cổ ở Nam Bộ: văn hoá Óc Eo (thế kỷ I - VII sau CN).

Hàng trăm di tích văn hoá Đồng Nai từ giai đoạn sớm đến muộn phân bố trên địa bàn rộng rãi của lưu vực Đồng Nai - Sông Bé - Vàm Cỏ, suốt từ vùng đồi gò cao đến vùng đất thấp ven biển. Trên quan điểm gắn liền việc nghiên cứu di tích khảo cổ với môi trường phân bố chúng, có thể phân chia văn hoá Đồng Nai thành 5 tiểu vùng văn hoá - sinh thái.

- Vùng đồi đá phiến và bazan đất đỏ (di tích hoạt động núi lửa) ở Đồng Nai. Đây là vùng phát sinh, phát triển quan trọng và liên tục của văn hoá Đồng Nai.


Di tích ở đây có đủ các loại hình cư trú, mộ táng, công xưởng, diện tích thường rộng lớn và tầng văn hoá dày. Điển hình là các di tích Cầu Sắt, Suối Chồn, Phú Hoà, Hàng Gòn (Đồng Nai).

- Vùng đồi đá phiến và cao nguyên đất đỏ Sông Bé tồn tại loại hình di tích đặc biệt là các công trình đắp đất hình tròn với hào sâu ở Lộc Ninh - Bình Long (Bình Phước).

- Vùng phù sa cổ dọc đôi bờ sông Đồng Nai, sông Sài Gòn tập trung dày đặc hệ thống di chỉ cư trú, mộ táng, công xưởng đơn ngành hay đa ngành. Tiêu biểu là di tích Bình Đa, Gò Me, Suối Linh, Đồi Phòng Không (Đồng Nai), Dốc Chùa, Cù Lao Rùa, Bưng Sình (Bình Dương)…

- Vùng phù sa đất xám lưu vực sông Vàm Cỏ Đông - Tây ngày càng phát hiện được nhiều di tích quan trọng như An Sơn, Rạch Núi, Gò Ô Chùa (Long An)… với nhiều mộ táng huyệt đất di cốt còn khá nguyên vẹn.

- Vùng đồng bằng thành tạo chưa hoàn chỉnh ở cửa sông Đồng Nai là khu vực đầm lầy ngập mặn, rải rác trong đó có những bưng nước ngọt hoặc giồng đất nhỏ còn lưu lại dấu tích cư trú, sản xuất gốm, đá, mộ táng… Tiêu biểu là các di tích Bưng Bạc, Bưng Thơm, Giồng Lớn (Bà Rịa - Vũng Tàu), Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ (Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh)…

Tại năm tiểu vùng văn hoá - sinh thái này, khảo cổ học đã phát hiện hàng ngàn di vật từ các chất liệu đá, gốm, đồng sắt, gỗ, xương, vỏ nhuyễn thể… Qua tổng thể di vật ở đây, có thể biết được người xưa khai thác, sử dụng nguyên vật liệu sẵn có trong môi trường tự nhiên (và môi trường văn hoá thông qua trao đổi giao lưu) để chế tác công cụ lao động và các vật dụng cần thiết .

+ Đồ đá là loại di vật phổ biến và số lượng lớn nhất ở loại hình công cụ lao động sản xuất. Đây cũng là đặc trưng quan trọng nhất của văn hoá Đồng Nai, nơi mà công cụ bằng đá chiếm ưu thế lâu dài trong suốt thời tiền sử. Mặc dù đã ở vào giai đoạn hậu kỳ kim khí nhưng công cụ, vũ khí bằng đồng, sắt không nhiều, có lẽ do ở đây thiếu vắng nguồn quặng kim loại cần thiết nhưng khá phong phú nguồn nguyên liệu đá bazan, đá phiến, sa thạch… rất thuận tiện cho việc chế tác công cụ, vũ khí mà phổ biến là rìu, cuốc, mai, dao hái, mũi tên, đục, bàn mài… Ngoài ra, còn có nhiều loại vòng đeo tay, đeo tai. Một loại di vật độc đáo bằng đá của văn hoá Đồng Nai là những thanh đàn đá được tìm thấy ngay trong di chỉ khảo cổ như ở Bình Đa, Gò Me, một số di chỉ ở Bình Phước.

+ Đồ kim loại phát triển kỹ thuật đúc đồng với khuôn hai mang liên hoàn nhiều vật đúc. Các công xưởng lớn là Dốc Chùa, Suối Chồn, Cái Vạn, Bưng Bạc… Các loại hình phổ biến là rìu, giáo, lao, mũi tên, lưỡi câu, đục, lao ngạnh… Giai đoạn muộn còn phát hiện “kho Qua đồng” (một loại vũ khí) ở Long Giao (Đồng Nai). Trang sức có vòng, khuyên tai, lục lạc, vật đeo hình tượng thú. Đồ sắt chế tạo bằng kỹ thuật rèn thường thấy là giáo, lao, lưỡi câu, một vài cuốc sắt, kích thước khá lớn. Di vật sắt thường là đồ tuỳ táng trong mộ chum, lại được bọc vải cho thấy sự quý hiếm của đồ sắt trong văn hoá Đồng Nai.

+ Đồ gốm và nghề làm gốm đã xuất hiện từ rất sớm và tồn tại lâu dài trong tất cả các di tích của văn hoá Đồng Nai. Di vật gốm có số lượng áp đảo so với những di vật thuộc các chất liệu khác. Tuy nhiên, hầu hết hiện vật chỉ còn là những mảnh gốm dày đặc trong tầng văn hoá nên phải chỉnh lý gắn chắp mới phục dựng để nhận biết được loại hình: phổ biến là các kiểu vò, nồi, bình, bát đĩa chân đế cao thấp khác nhau, nhiều kiểu bếp lò gốm (cà ràng), bi gốm, những dụng cụ lao động như dọi se sợi, chì lưới, bàn xoa gốm, cả khuôn đúc bằng gốm… Đồ gốm cũng là loại vật dụng được mang theo người chết nhiều nhất, cả vật thật và cả vật minh khí. Căn cứ vào kiểu dáng đồ gốm có thể nhận thấy địa bàn cư trú chính của cư dân cổ là môi trường sông nước, thể hiện qua các kiểu đồ đựng đáy bằng, đáy tròn, nhất là bếp lò bằng gốm rất nhiều (đây là vật dụng cần thiết cho cư dân sống trên ghe xuồng hay nhà sàn mà ta quen gọi là cà ràng). Ngoài ra, còn có loại gốm đáy nhọn, đáy tròn phổ biến ở vùng ven biển khắp thế giới. Giai đoạn muộn của văn hoá Đồng Nai còn hiện diện những di tích mộ táng quan tài chum gốm lớn, tập trung ở ven biển Cần Giờ - Thành phố Hồ Chí Minh và ở khu vực đồi bazan Xuân Lộc - Đồng Nai. Đây cũng là táng tục phổ biến của cư dân cổ ven biển Đông Nam Á kéo dài lên Đông Bắc Á.

+ Đồ gỗ tìm thấy khá nhiều ở các di tích bưng lầy vùng sinh thái ngập mặn như Bưng Bạc, Bưng Thơm… gồm nhiều loại công cụ lao động, chưa kể dấu tích cọc nhà sàn dày đặc ở đây.

+ Đồ xương và vỏ nhuyễn thể cũng phổ biến ở những di tích ven biển. Hiện nay, tại một số di tích trong vùng Đồng Tháp Mười (Long An) cũng tìm thấy nhiều di cốt động vật rừng bên cạnh vỏ nhuyễn thể biển.

Điểm qua chất liệu và loại hình di vật của văn hoá Đồng Nai để có căn cứ tìm hiểu về đời sống của cư dân cổ Đông Nam Bộ. Các nhà nghiên cứu cho rằng hình thức quan trọng và phổ biến nhất, trong đời sống kinh tế truyền thống ở đây là trồng trọt trên vùng bán sơn địa không dùng sức kéo, gồm lúa cạn, các loại rau đậu, cây có quả, củ… bằng phương pháp phát đốt đặc trưng của nông nghiệp nương rẫy. Bên cạnh đó vẫn duy trì lâu dài phương thức khai thác sản phẩm rừng bằng săn bắt hái lượm, sản phẩm thuỷ hải sản bằng cách đánh bắt, câu… Văn hoá Đồng Nai cũng xuất hiện sự chuyên môn hoá các nghề thủ công khá sớm. Có thể nhận thấy những “công xưởng” như Suối Linh, Đồi Phòng Không, Bưng Bạc, Bưng Thơm, Dốc Chùa, Cù Lao Rùa, Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt… không chỉ sản xuất đáp ứng nhu cầu tại chỗ, mà đã đạt đến trình độ sản xuất hàng hoá nhất định để trao đổi trong vùng và còn trao đổi đến những vùng xa hơn ở Đông Nam Á lục địa và hải đảo…





tải về 6.05 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   ...   99




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương