Hội thảo quốc tế việt nam họC


Thực hành các lễ nghi Công giáo qua hương ước



tải về 6.05 Mb.
trang26/99
Chuyển đổi dữ liệu02.01.2022
Kích6.05 Mb.
#37601
1   ...   22   23   24   25   26   27   28   29   ...   99
3. Thực hành các lễ nghi Công giáo qua hương ước

Đời sống tôn giáo của tín đồ Công giáo Việt Nam được hình thành trong lịch sử, nó vừa mang đặc điểm chung do Công giáo La Mã quy định, vừa có những đặc thù do lịch sử, văn hoá, phong tục mỗi vùng quê tạo thành. Theo giáo lý Công giáo, sống đạo không chỉ đơn giản chuyên chăm nguyện ngẫm, lĩnh nhận bí tích, ăn chay, hãm mình, rước sách,… mà còn phải phấn đấu theo lẽ sống bác ái. Hiến chế Mục vụ quy định: “Lấy việc làm để thường xuyên nuôi mình, nuôi gia đình, công tác và phục vụ anh em đồng loại, đó chính là sống đức ái và cộng tác để hoàn thành công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa”66. Như vậy, sống đạo của người Công giáo phải thể hiện bằng việc làm, bằng hành động của mỗi giáo dân trong đời sống hằng ngày.

Việc thực hành các lễ nghi trong cộng đồng người Việt Công giáo vùng Đồng bằng sông Hồng có sự khác nhau tuỳ theo từng làng. Trong những ngày thánh lễ, tuỳ theo vị thánh được phụng thờ, mỗi làng có những cách tổ chức cho phù hợp với lệ làng đó. Ngoài việc phụng thờ các vị thánh, các ngày lễ cũng là dịp để cho giáo dân trong làng tổ chức ăn uống, họp mặt chia sẻ những kinh nghiệm sống. Bởi thế, chi phí cho những ngày lễ được quy định cụ thể trong các bản hương ước:

Điều 76, Hương ước làng Hoà Mạc (Hà Nam) viết: "… Dân bên giáo lệ 3/12 có lễ Thánh Quan thày, làm lễ ở thánh đường rồi về nhà giáp trưởng, kỳ tế ấy 7đ,00. Lễ 15/8 có lệ Tư văn mừng lễ Phục sinh làm lễ ở thánh đường rồi về nhà giáp trưởng, kỳ tế ấy 7đ,00… Lễ 11/5 thôn Duệ Cát có lệ mừng Quan thày xin làm lễ ở thánh đường rồi về nhà giáp trưởng, biện lễ ước 5đ,00. Lễ 15/8 thôn Duệ Cát có lệ Tư văn mừng lễ xin làm lễ ở thánh đường rồi về nhà văn trưởng, kỳ ấy biện 5đ,00"67.

Có những làng, đối tượng thờ phụng chính là Đức Mẹ Maria, còn được gọi bằng Đức Thánh Mẫu, Thánh Mẫu Phương Danh... Khoản 19, Hương ước ấp Sa Châu (Nam Định), viết: "Làng ta có 2 ngôi nhà thờ, 2 đền thờ ấy để thờ đức Thánh Mẫu. Hai đền thờ ấy theo tục làng đến ngày kính Thánh Mẫu bổ mỗi đinh 0đ,10 xin lễ và dầu nến. Các ngày chủ nhật ai cũng phải đi chầu lễ. Hằng năm cứ đến ngày kính Thánh Mẫu rước cụ về làm lễ tại đền thờ ấy"68. Hương ước làng Ninh Phú (Hà Nam) ghi: "Dân làng toàn tòng Công giáo nên không có sự tế tự gì, chỉ có rước Thánh Mẫu Phương Danh là kỳ tháng 3 tây, tháng 5 tây, và tháng 9 tây, nhưng không phải mua lễ vật gì, chỉ rước xong thời thôi không có ăn uống. Đệ niên đến ngày lễ Phục sinh thì đem hương ước ra đọc"69.

Một số làng họ đạo đầu xứ thường chia thành các khu đạo, mỗi khu phụng thờ một Thánh Quan thày. Điều 92, Hương ước làng Nam Am (Hải Phòng) viết:


"… Dân có 4 khu, năm nào mỗi khu cũng có một ngày lễ kính Quan thầy riêng của từng khu: Khu Đông, Kính lễ Ông thánh Giacôbê; Khu Nam, Kính lễ Ông thánh Gioan; Khu Trung, Kính lễ Bà thánh Philome; Khu Đoài, Kính lễ Bà thánh Anna. Các ngày lễ kính này đều theo lịch Công giáo, những khu nào đến ngày lễ quan thày mình, thì đều có gọi nhau trong một khu, mỗi xuất 0đ,50 hoặc 0đ,30 tuỳ theo nhiều ít lấy tiền mua nến, pháo và cùng nhau ăn uống một bữa trong ngày lễ ấy để bàn về việc lễ, các lễ này cho mỗi khu một ngày thôi"70.

Việc thực hiện các lễ nghi Công giáo cũng được quy định chi tiết trong hương ước các làng để giáo dục tính tổ chức, kỷ luật ở những nơi trang nghiêm. Mỗi người sẽ phải hoàn thành những phần việc đã được Hội đồng cắt cử. Những ai không hoàn thành nhiệm vụ được giao, Hội đồng sẽ phạt. Tiền phạt sẽ được xung vào công quỹ. Từ Điều 125 đến Điều 127, Hương ước làng Thượng Lao (Nam Định) nói rõ: "Đệ niên những ngày lễ ở nhà thờ thời trùm trưởng phải trông coi xếp đặt còn hương lý thời phải giữ cho nghiêm trang phép tắc… Trong khi hội hợp kính lễ ở nhà thờ ai cũng phải chỉnh đốn và giữ trật tự, không ai được to tiếng nói càn, đứng ngồi phải cho nghiêm trang. Ai không tuân hương hội phạt từ 0đ,30 đến 1đ,00. Giáo dân chỉ có sắm trầu, nến để kính lễ bái thôi chứ không có gì cả"71. Điều thứ 76, Hương ước làng Văn Giáo (Nam Định) quy định: "Xã ta là phận giáo cả, mỗi năm kính Thánh sư cùng các tuần lễ trọng. Trong làng từ chánh hương hội trở xuống, xã trưởng tuần trở lên, đồng dân đã cắt hành lễ, mỗi người đều mặc áo lam dài hạng tốt, cùng quần áo thường cho được sạch sẽ để tráng quan chiêm, nếu không có duyên cớ gì tự tiện thiếu mặt, cùng quần áo không được như ước, phải phạt mỗi viên 0đ50, sung vào công quỹ, còn dân phu và đồng dân đã cắt ứng dịch, tự tiện khiếm phế phạt mỗi tên 0đ,20 sung vào công quỹ"72.

Lễ vật dâng cúng trong các thánh lễ ở một số làng lương - giáo thường là xôi, lợn,... đó là những sản phẩm thanh tao nhưng cũng đầy giản dị của người nông dân Đồng bằng sông Hồng, có thể thấy qua Hương ước làng Tức Mặc (Nam Định), Điều 120 quy định: "… Thôn Lạc Giáo thờ thánh đường hàng xã có để 5 mẫu, 1 sào, 11 thước ở xứ Kỵ điền để thôn ấy phát dong lấy tiền mua nến, sáp cùng sửa chữa thánh đường, còn 2 sào 11 thước lệ điền của hàng xã chia về để lệ lễ kính danh Đức Bà do hàng thôn phát dong lấy tiền mua lợn, xôi mừng lệ ngày 12/9; và ngày 24, 25 tháng 12 có lệ hàng giáp do bô lão thôn ấy trù liệu xôi, lợn cùng lệ, còn như quan, hôn, tang, tế thì thôn ấy phân biệt tất cả"73. Còn đối với các làng Công giáo toàn tòng, lễ vật thường chỉ là dầu, nến.

Chi phí và phẩm vật dùng trong thánh lễ của các làng Công giáo thường lấy từ hoa lợi của đạo điền - ruộng đất công dành cho phụng sự. Nếu làng nào không có đạo điền thì việc biện lễ sẽ bổ về các giáp, họ đạo, hoặc lấy từ công quỹ. Ví dụ, Mục 9, Hương ước làng Xuân Hoà (Hải Phòng) quy ước: "Lệ làng còn có 4 mẫu ruộng công cộng ở nhà giáo đường cày cấy để lấy hoa lợi mà chi tiêu ở trong nhà giáo quanh năm không phải bổ bán gì nữa"74. Điều 126, Hương ước làng Ngọc Cục (Nam Định) lại quy định: "Để hai mẫu ruộng Phật tự giao ông Sư nhận đèn hương và lương cả năm… Lại để ra 2 mẫu cho ông Cụ nhận chi lương ăn cả năm và hai mẫu đem đấu giá để chi các lễ trong một năm ở hai nhà thờ"75.

Rõ ràng, những quy định trong hương ước Công giáo vùng Đồng bằng sông Hồng về việc thực hành các lễ nghi đã tạo ra lề thói, mỗi giáo dân theo đó tự giác thực hiện theo một trật tự nhất định. Việc tham gia các hoạt động này là nghĩa vụ và trách nhiệm vừa của từng cá nhân vừa của từng gia đình, dòng họ. Điều này phản ánh truyền thống cố kết làng xã lâu đời, thể hiện trên trục gia đình - làng xã - nhà nước, là niềm tự hào của dân tộc.



tải về 6.05 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   22   23   24   25   26   27   28   29   ...   99




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương