Hội thảo quốc tế việt nam họC


Khảo cổ học Việt Nam và việc nghiên cứu khảo cổ từ môi trường sinh thái



tải về 6.05 Mb.
trang16/99
Chuyển đổi dữ liệu02.01.2022
Kích6.05 Mb.
#37601
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   ...   99
1. Khảo cổ học Việt Nam và việc nghiên cứu khảo cổ từ môi trường sinh thái

Có thể lấy năm 1898 làm mốc ra đời của ngành khảo cổ học Việt Nam với sự thành lập Uỷ ban Khảo cổ học Đông Dương, sau đổi thành Viện Viễn Đông bác cổ vào năm 1900. Đây là cơ quan đóng vai trò chủ yếu trong việc tìm kiếm, thu thập, lưu giữ và nghiên cứu những cổ tích ở Việt Nam và Đông Dương. Cùng với Viện Viễn Đông Bác cổ, Sở Địa chất Đông Dương cũng có nhiều đóng góp cho ngành khảo cổ học, do các nhà địa chất làm việc ở đây đã phát hiện và nghiên cứu nhiều nền văn hoá khảo cổ thời đồ đá Việt Nam. Từ sau Hội nghị quốc tế về tiền sử học Viễn Đông lần thứ I tổ chức tại Hà Nội năm 1932, học giả phương Tây bắt đầu biết đến Việt Nam - Đông Nam Á là một khu vực có nền văn hoá độc đáo, một nền văn minh ở trình độ cao chứ không phải là một khu vực trì trệ lạc hậu như quan niệm trước đây. Các học giả Pháp đã có công phát hiện các nền văn hoá sơ kỳ đá mới như Hoà Bình, Bắc Sơn… và bước đầu nghiên cứu các nền văn hoá thời kim khí như Đông Sơn, Sa Huỳnh. Từ sau năm 1954 đến nay, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện và nghiên cứu nhiều nền văn hoá thuộc các giai đoạn khác nhau, lấp được những “khoảng trống” trong lịch sử Việt Nam từ thời tiền - sơ sử đến các triều đại phong kiến sau này. Theo quy ước, khảo cổ học chia làm hai ngành lớn là khảo cổ học tiền - sơ sử và khảo cổ học lịch sử. Khảo cổ học tiền - sơ sử nghiên cứu về những di tích, di vật có niên đại thời đồ đá và kim khí, thuộc giai đoạn tr.CN. Còn đối tượng nghiên cứu của khảo cổ học lịch sử là những di tích di vật từ đầu Công nguyên về sau. Tất nhiên mốc thời gian này chỉ là tương đối tuỳ thuộc vào lịch sử từng quốc gia. Do khung niên đại thuộc thời nguyên thuỷ là thời kỳ hình thành và phát triển con người và xã hội loài người nên khảo cổ học tiền - sơ sử thường gắn liền với việc nghiên cứu môi trường tự nhiên, bối cảnh của di tích. Tức là nghiên cứu hệ sinh thái nhân văn thể hiện tác động qua lại giữa con người và quần thể sinh học, khả năng thích nghi của con người với môi trường sống. Vì vậy, trong phạm vi khảo cổ học có liên quan đến nội dung của bảo tàng lịch sử tự nhiên, có thể điểm lại một số thành tựu quan trọng của khảo cổ học tiền - sơ sử Việt Nam như sau.



Về thời đại đồ đá, chúng ta đã tìm thấy dấu vết của Homo Erectus có niên đại khoảng nửa triệu năm trong các hang động tỉnh Lạng Sơn, công cụ sơ kỳ đá cũ ở nhóm di tích Núi Đọ (Thanh Hoá), phát hiện văn hoá hậu kỳ đá cũ như Sơn Vi, mái đá Ngườm - Miệng Hổ. Tiếp tục có những phát hiện mới về các văn hoá Đa Bút, Quỳnh Văn, Thạch Lạc, Hoa Lộc, Hạ Long…để thấy được sự phân bố của nhiều loại hình kinh tế trong một không gian khá rộng lớn vào hậu kỳ đá mới. Qua đó đã chú ý đến mối quan hệ giữa môi trường sinh thái và văn hoá tiền sử và tìm ra quy luật hoạt động kinh tế của người tiền sử Việt Nam - Đông Nam Á. Những năm cuối thế kỷ XX, khảo cổ học Việt Nam đã có những thành tựu quan trọng trong việc phát hiện các di tích đồ đá ở Tây Nguyên, một số văn hoá đồ đá bắt đầu được xác lập như văn hoá Lung Leng, Biển Hồ… Nhiều địa điểm thuộc lưu vực sông Đồng Nai đã tìm thấy dấu tích công cụ đá cũ.

Về thời đại kim khí, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã đạt được những thành tựu rực rỡ. Việc phát hiện các nền văn hoá Tiền Đông Sơn ở lưu vực sông Hồng như Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun và một số văn hoá lưu vực sông Mã, sông Cả ở Bắc Trung Bộ đã chứng minh nguồn gốc bản địa, tính thống nhất và đa dạng của văn hoá Đông Sơn, một nền văn hoá có địa bàn phân bố rộng rãi nhất trong thời kim khí. Đặc biệt, chúng ta còn tìm thấy mối quan hệ giữa những văn hoá khảo cổ này với giai đoạn lịch sử “huyền thoại” - thời đại Hùng Vương với nền văn minh sông Hồng chính là biểu hiện cụ thể di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của thời dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc, thời kỳ ra đời nhà nước sơ khai Văn Lang của các vua Hùng. Thời kỳ Đông Sơn đã phát triển kinh tế trồng lúa ở địa bàn chủ yếu là đồng bằng và chăn nuôi nhiều gia súc, gia cầm.

Về phía Nam, văn hoá Sa Huỳnh được tìm thấy ở hầu hết các tỉnh Nam Trung Bộ. Giai đoạn Tiền Sa Huỳnh và các loại hình địa phương đã được tìm hiểu để góp phần nghiên cứu nguồn gốc và sự phát triển của văn hoá này. Ở Nam Bộ đã xác lập được văn hoá Đồng Nai - một trung tâm kim khí mới có nhiều nét độc đáo riêng, đồng thời có những mối quan hệ giao lưu mật thiết với Sa Huỳnh, Đông Sơn và Đông Nam Á, đặc biệt là những di tích ở Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh). Hai văn hoá này cho biết phương thức sống chủ yếu của cư dân cổ là trồng trọt ở vùng bán sơn địa và khai thác thuỷ hải sản.

Một thế kỷ qua, khảo cổ học Việt Nam đã đóng góp nguồn tư liệu quyết định trong việc khôi phục buổi bình minh của lịch sử Việt Nam, làm sáng tỏ hơn cội nguồn dân tộc và văn hoá Việt Nam. Khảo cổ học còn cung cấp nguồn sử liệu vật thật quan trọng để khôi phục một cách chân xác và sống động hơn lịch sử Việt Nam từ đầu Công nguyên đến đầu thế kỷ XX.



tải về 6.05 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   ...   99




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương