CẦu nguyện với chúa cha trong thầm lặng lm. Phêrô Đan-Minh Trần Minh-Công chuyển ngữ



tải về 4.46 Mb.
trang5/8
Chuyển đổi dữ liệu24.11.2017
Kích4.46 Mb.
#34536
1   2   3   4   5   6   7   8

I.07. Khi Thiên Chúa yêu bạn,

Ngài biến đổi bạn từ cốt lõi hữu thể bạn.

Chắc chắn là bạn cũng đã có ít nhiều kinh nghiệm tình bạn chân chính? Bạn sung sướng khi có dịp gặp nhau, gọi tên nhau. Bạn cảm thấy cần người khác gặp bạn để bạn trở nên chính bạn. Ngày mà bạn nhận được hồng ân có sự trìu mến đích thực, bạn sẽ được biến đổi từ nội tại của bạn. Khi một hữu thể máu thịt đi vào trong cuộc sống của bạn sẽ đảo lộn và làm cho sự sống của bạn có ý nghĩa mới. Bạn gặp người đến với bạn và nói những lời thúc dục bạn thay đổi cuộc sống của bạn. Những vấn đề, những khó khăn của bạn vẫn còn đó, nhưng bạn nhìn chúng với một cách khác. Điều đó làm cho cô gái dậy thì nói: "Yêu, chả là cái quái gì, nhưng nó thay đổi tất cả".

Cũng như thế khi Thiên Chúa gặp bạn và nói với bạn những lời tâm tình. Tình yêu Thiên Chúa rất mạnh liệt và quyền năng có thể hoán cải con tim của bạn và làm cho nó trở nên tinh tuyền. Bạn hãy nhớ lại trường hợp của ngôn sứ Ôsê và bà vợ ngoại tình của ông. Thánh Augustinô nói về tình yêu thanh luyện của Thiên Chúa. Thiên Chúa không yêu bạn bởi vì bạn duyên dáng đáng yêu, nhưng Ngài yêu bạn nhờ đó mà bạn trở nên đáng yêu. Bạn có thể biến đổi, bạn đã thay đổi, bởi vì Thiên Chúa đã gặp gỡ bạn, đã kêu gọi bạn; bởi vì chính tình yêu của Ngài đã biến đổi bạn.

Tình yêu Thiên Chúa dành cho bạn không phải là lời nói suông, nhưng là một lời nói có khả năng thực hiện những việc lạ lùng. Đó là lời rất linh hoạt và hiệu nghiệm. Cũng như nhờ sự gặp gỡ người khác mà bạn thay đổi, sự gặp gỡ Thiên Chúa sẽ làm cho bạn biến đổi từ nội tại thâm sâu của bạn. Giữa Thiên Chúa Ba Ngôi và bạn một bản giao ước được kí kết một cách toàn diện, rất chân tình và cụ thể, đến nỗi từ nay mỗi khi nói về Thiên Chúa thì cũng nói về bạn.

Thiên Chúa nói: giữa ngươi và Ta có một mối liên hệ không ai có thể phá hủy. Ta là Thiên Chúa của ngươi, và ngươi là con của Ta. Những gì chúng ta có là của chung : Sự vĩnh hằng, chí thánh, sự sống đời đời là của Ta. Sự sống thường nhật, nghèo nàn và chóng qua là của ngươi. Sự hiện hữu của ngươi kết hiệp với sự vĩnh hằng của Ta và chúng ta sẽ không bao giờ phân li chia lìa nữa, bởi vì Ta là Thiên Chúa và không bao giờ đặt lại vấn đề bản giao ước của Ta. Một cách nào đó định mệnh của chúng ta nối kết với nhau vũng bền. Ta là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacob, cũng là Thiên Chúa của ngươi. Qua lời tuyên bố nầy Thiên Chúa muốn cho chúng ta hiểu rằng : Sự sống của Ngài nối kết với sự cống của chúng ta.

Giữa ngươi và Ta là một một „cộng đoàn“, trong đó tình yêu và sự hiện diện được thể hiện đặc biệt. Trong Chúa Giêsu Kitô bản giao ước nầy được thực hiện một cách đầy đủ và trọn vẹn. Bạn hãy tiến sâu vào trong nội tâm của bạn để thưởng thức suối mạch sự sống Chúa Ba Ngôi. Bạn hãy để cho sự sống Thiên Chúa chiếm đoạt bạn và dìm mình trong cung lòng Chúa Cha dưới sự hướng dẫn của Thần Trí Chúa Kitô.

Khi bạn xác tín rằng bạn đã là "đồng minh" của Thiên Chúa thì bạn sẽ dễ dàng trong cầu nguyện. Không phải là cứ bay bổng lên cao thì sẽ gặp được Thiên Chúa; nhưng chính là nhờ ý thức sự nghèo nàn, thú vị và nhiều khi đau đớn mà Thiên Chúa đã chọn bạn một cách nhưng không và muốn nối kết mối tình liên đới với bạn : "Đức Chúa đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải anh em đông hơn các dân tộc khác đâu. Nhưng chính là vì yêu thương anh em và để giữ lời đã thề hứa với cha ông anh em… " (Đnl 7,7-8).

Nguyện ngắm là lúc ưu tiên để bạn chiêm ngưỡng tình yêu Chúa Cha, Đấng sinh dưỡng bạn trong sự sống của Ngài. Hãy giải thoát con của Thiên Chúa bị giam cầm trong ngục tù hữu thể bạn và để cho Ngài hoàn toàn tự do sống và hành động trong bạn. Như vậy bạn sẽ không cần phải tìm kiến ý tưởng và lời nói để cầu nguyện. Chỉ cần bạn sống như con của Thiên Chúa, và sự hiện hữu của bạn chính là cầu nguyện rồi vậy.


I.08. Trong đêm tối, bạn hãy kêu lên

để Thiên Chúa gọi tên bạn!

Nếu như bạn giã từ quê hương, nơi bạn được mọi người quen biết và yếu mến, để đến sống trong đất nước xa lạ chẳng quen biết ai. Và nếu trong đám đông vô danh có người nhận ra bạn mà gọi chính tên của bạn, cảm tưởng bộc phát giây phút đó của bạn sẽ là kinh nghiệm được tái sinh trong một thế giới mới. Lúc tình bạn đích thực nảy sinh giữa hai người, luôn luôn có một khoảng thời gian trước và sau đó mà người ta có thể nói: "Từ khi quen biết anh, tôi không còn như trước nữa". J. de Bourbon-Busset nói với người mới quen biết: "Trước khi quen biết anh, tôi là thằng tồi mà tưởng mình là một nhân vật quan trọng. Hôm nay tôi là một người biết mình là đứa chẳng gì hết" 3.

Lúc bạn mở Sách Thánh ra, bạn thấy đủ hạng người trong đó : Người hoàn thiện và người bất toàn, người thánh thiện và người tội lỗi. Họ gặp gỡ Thiên Chúa và Ngài làm cho họ hạnh phúc, bởi vì họ tìm được ý nghĩa cho cuộc đời họ. Tất cả những người gặp gỡ Thiên Chúa đều có thể nói như Jean Ferrat: "Lạy Chúa con sẽ là gì nếu không có Chúa đến gặp con !" Dù bạn là ai, ở địa vị nào, bạn vẫn là người như bao nhiêu người khác, cùng chung một định mệnh và kinh nghiệm sống trong sự tiếp xúc với Thiên Chúa. Dù bạn là một tội nhân chai đá, một người mất quân bình toàn diện, một người khốn nạn nhất, tất cả là những cơ may khiến Thiên Chúa đến gặp bạn.

Trong khi cầu nguyện bạn hãy kêu xin Thiên Chúa xót thương gọi bạn. "Mọi người đều kêu van để được kẻ khác gọi tên mình" (Simone Weil). Bạn chịu khổ đau mà không biết tại sao, cũng như Elia nhiều khi bạn cảm thấy chán đời muốn chết đi cho rồi. Bạn hãy chấp nhận thực tế trong cầu nguyện của bạn, đừng làm như tất cả đều suôn sẻ tốt lành. Bạn hãy dựng lên trước mặt Thiên Chúa những ngọn núi khổ đau, oán ghét, kiêu ngạo và nhơ nhớp… Nếu bạn cầu nguyện với đức tin và trong chân lí thì Thiên Chúa sẽ biến đổi những ngọn núi nầy thành biển cả. Bạn hãy kiên trì cầu nguyện và thiết tha kêu xin Thiên Chúa biến đổi những nỗi đắng cay thành sung sướng ngọt ngào.

Ngay trong sự bình an khắc khổ nầy bạn sẽ cảm nghiệm được rằng Thiên Chúa yêu bạn. Thiên Chúa nhìn thấy bạn trong thầm kín và Ngài yêu bạn. Hãy nhớ lại lời ngôn sứ Isaia :"Ta đã gọi tên con. Con thuộc về Ta… Trước mặt Ta, con thật đáng quí dường nào ; Ta yêu con. Đừng sợ ! Bởi vì Ta luôn ở với con" (Is 43,1-5). Trước mặt Thiên Chúa, bạn rất đáng quí như con ngươi trong mắt Ngài và bạn được Ngài yêu mến dường bao. Bạn hãy dùng thời giờ đánh vần từng lời nói đó của Ngài và viết ra để trước mặt bạn mà ghi nhớ nhập tâm. Bạn thường cẩn thận cất giữ những hình ảnh và thư từ của những người thân yêu của bạn. Cũng thế bạn hãy ghi nhớ những lời nói đó của Thiên Chúa. Ngài ban cho bạn một tên gọi mới như Abraham. Tên gọi rất quan trọng. Khi bạn gọi ai đó bằng tên riêng của người đó thì bạn bắt đầu gầy dựng sự liên hệ mật thiết cá nhân.

Thiên Chúa gọi bạn bằng tên riêng, bởi vì Ngài đã quen biết bạn, và với thời gian Ngài mặc khải cho bạn hiểu biết hơn tùy theo nhu cầu ơn gọi của bạn. Một nữ tu Dòng Carmelô mới đây đã viết cho tôi và cho biết nhờ tiếp xúc với một người cầu nguyện đích thực mà Chị được mặc khải như thế nào. Chị viết : "Đã mười năm nay con liên hệ với Cha L.S. Con phải nói cho ngài biết một lời thầm kín Chúa mặc khải riêng cho con". Và tên gọi ấy dành riêng cho bạn, bởi vì nó diễn tả hoạt động của bạn hoặc ơn gọi riêng của bạn. Khi Thiên Chúa gọi bạn với tên riêng, Ngài nhìn rõ cái hữu thể thâm sâu của bạn.

Bởi vì tên bạn là một lời gọi. Khi một trẻ thơ gọi một người đàn bà là "mẹ" thì lời gọi mà đứa trẻ phát ra đúng là mẹ của nó. Lúc Thiên Chúa gọi bạn của Ngài là "Abraham" thì chính ông là "Tổ phụ của mọi dân tộc". Danh xưng mà Thiên Chúa ban cho là duy nhất, và đối với bạn là một lời gọi cho một sứ mệnh độc nhất. Bạn đã khám phá được tên gọi của bạn chưa? Chỉ có bạn mới có thể yêu mến Thiên Chúa theo cách của bạn.

Có lẽ cầu nguyện trước hết là nhận biết và tin rằng bạn có một tên gọi riêng để gọi Thiên Chúa và tên gọi ấy là lời mời cho tình bạn độc nhất, trong đó bạn phải hi sinh chính mình để nhận được ý nghĩa mới cho cuộc đời bạn. Thật tuyệt vời, bởi vì bạn chấp nhận kết bạn với Thiên Chúa, chính Ngài bây giờ lại nhận một tên gọi mới. Tên của Ngài từ nay được Thánh Kinh mặc khải : Đó là Thiên Chúa của Abraham, của Isaac, Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô và Thiên Chúa của bạn. Trong cầu nguyện bạn nhận biết Ngài là Thiên Chúa và gọi tên riêng Ngài. Ngài đích thực là Thiên Chúa của bạn. Không thể hiểu nghĩa nào khác hơn là Thiên Chúa mà bạn gặp gỡ lúc nầy. "Thiên Chúa không hổ thẹn được gọi là Thiên Chúa" (Dt 11,16). Chính nhờ cách thức bạn gặp gỡ Thiên Chúa mà những người chung quanh bạn có cái may mắn được khám phá hoặc sẽ không khám phá được khuôn mặt thực của Thiên Chúa. Khi bạn được Thiên Chúa chiếu cố kết nối tình bạn, đến lượt bạn cũng gọi tên của anh em bạn, thì chính Thiên Chúa xuyên qua bạn sẽ gặp gỡ họ.




I.09. Và bổng chốc bạn đã trở nên một người khác


Lời nói nầy của Claudel trong lúc ông đàm thoại cũng có thể rất đúng với cầu nguyện kitô giáo. Thường thường bạn tự hỏi phải nói gì, làm gì trong khi nguyện gẫm, và bạn dồn tất cả nghị lực và cố gắng, nhưng kết quả cho thấy chẳng đi đến đâu. Cầu nguyện trước tiên là một kinh nghiệm sống, kinh nghiệm của sự hiện diện. Khi bạn gặp lại một người bạn thân, dĩ nhiên bạn quan tâm đến những gì người đó nói, những suy tư hoặc hành động, nhưng niềm vui hơn cả là bạn đang đối diện với người đó và cảm nghiệm được niềm vui sự hiện diện của bạn. Càng thân tình với bạn bao nhiêu thì những lời nói càng trở nên vô ích bấy nhiêu, nhiều khi có cảm giác là lời nói làm mất đi sự thân tình. Một tình bạn không có cái kinh nghiệm thinh lặng đó thì kể như chưa hoàn hảo và chưa thỏa mãn được ước mong. Lacordaire nói :" Hạnh phúc thay hai người bạn biết yêu nhau đủ để cùng nhau giữ thinh lặng".

Tự bản chất, tình bạn giữa hai người sau nhiều năm thực tập sẽ thuần hóa nhau. Đôi bên muốn từ giã trạng thái vô danh để trở nên hữu danh duy nhất cho bạn mình. "Nếu bạn thuần hóa tớ, chúng mình phải cần có nhau. Đối với tớ, bạn là người duy nhất ở trên thế giới nầy. Tớ cũng là người duy nhất cho bạn ở trần gian" (Hoàng Tử Nhỏ). Bổng chốc bạn khám phá ra rằng người kia đã trở thành một nhân vật quan trọng đối với bạn và sự hiện diện của người đó là quí hóa khôn tả.

Dụ ngôn về tình bạn có thể giúp bạn hiểu phần nào mầu nhiệm cầu nguyện. Bao lâu bạn chưa bị quyến dũ bởi sự hiện diện Thiên Chúa thì cầu nguyện vẫn còn là một cái gì ở bên ngoài bạn ; cầu nguyện diễn ra ngoại diện chứ chưa giúp bạn đối diện với Thiên Chúa, Đấng đã trở nên một "người cho bạn". Con đường cầu nguyện sẽ mở ra cho bạn, ngày nào bạn cảm nghiệm thực sự Thiên Chúa hiện diện với bạn. Tôi có thể diễn tả cho bạn diễn tiến của cái kinh nghiệm đó, nhưng đến cuối bài giải nghĩa bạn cũng chỉ mới ở ngưỡng cửa của mầu nhiệm mà thôi. Bạn chỉ được nhận vào trong đó bởi hồng ân của Chúa, chứ bạn không có công trạng gì cả.

Bạn không thể giới hạn sự hiện diện của Thiên Chúa bằng sự có mặt của hai ngươi trong sự đối diện nhau vì tò mò hay vì nhu cầu nào đó, nhưng là một sự hiệp thông, nghĩa là hai chủ thể đi đến nhau cho nhau. Đó là sự chia sẻ trọn vẹn, một sự "vượt qua" của hai "cái tôi" để đến cùng nhau trong một "cái chúng tôi", là món quà hiến dưng và đồng thời cũng là vật hiến tặng cho nhau.

Vậy sự hiện diện cho Thiên Chúa đòi hỏi bạn phải chết cho chính mà đừng tham vọng chế ngự những người xung quanh và muốn thuần hóa họ theo ý bạn. Đạt đến sự hiện diện đích thực của Thiên Chúa dó là mở một lối vào trong cái tôi của bạn và mở một cữa sổ hướng tới Thiên Chúa, mà cái nhìn là một diễn tả có ý nghĩa nhất. Và như bạn biết : trong Thiên Chúa nhìn xem cũng là yêu mến 4.

Trong khi nguyện gẫm, bạn hãy để cho sự hiện diện đó lôi cuốn bạn, bởi vì bạn "được chọn để nên thánh và trở nên tinh tuyền trước sự hiện diện Thiên Chúa trong tình yêu" (Eph 1,4). Dù bạn có ý thức hay không thì sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa là một hiện thực, đó là chân lí đức tin. Đó là một sự hiện hữu cho nhau, trước mặt nhau, trong tình yêu. Lời nói bây giờ trở nên càng lâu càng hiếm; cần chi phải nhắc nhỡ Thiên Chúa những điều Ngài đã biết ? Bởi vì Ngài nhìn thấy bạn từ thâm sâu và yêu mến bạn. Cầu nguyện là sống sự hiện diện của Thiên Chúa một cách triệt để mà không cần phải suy nghĩ hoặc tưởng tượng. Khi Thiên Chúa thấy tốt cho bạn thì Ngài sẽ cho bạn cảm nghiệm được mà không cần đến ngôn từ, và những gì bạn có thể nói lúc đó hoặc viết ra thì bạn sẽ thấy nhạt nhẽo vô duyên.

Tất cả cuộc đối thoại với Thiên Chúa bắt buộc phải có một hậu cảnh làm nền cho sự hiện diện. Khi bạn tự đặt mình trước sự hiện diện với Thiên Chúa, Đấng đang nhìn vào mắt bạn thì bạn có thể ghi nhận bạn khác hoàn toàn trong lúc nguyện ngắm. Nếu được Chúa chấp nhận cho bạn đạt được như thế thì bạn cầu nguyện thực sự rồi. Tuy nhiên bạn cũng có thể hiểu sự hiện diện với Thiên Chúa dưới ba chiều kích khác nhau để giúp bạn càng ngày càng tiến sâu vào trong chiều dày của thực tế nầy. Hiện diện với Thiên Chúa đó là bạn ở trước mặt Ngài, với Ngài và trong Ngài. Bạn biết rằng nơi Thiên Chúa không có "bên ngoài" và "bên trong", nhưng là một nhân vị luôn luôn tác động. Chỉ trên phương diện loài người mới xem sự hiện diện dưới nhiều chiều kích mà thôi. Đừng bao giờ quên rằng, nếu bạn có thể đàm thoại với Thiên Chúa là vì chính Thiên Chúa muốn nói chuyện với bạn. Ba thái độ của con người tương đồng với ba khuôn mặt của Thiên Chúa trong Thánh Kinh: Thiên Chúa đối thoại là Đấng Thánh, là Bạn Thân và là Người Khách.



I.10. Bạn ở trước mặt Thiên Chúa

Khi bạn đã có ít nhiều kinh nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa thì từ con tim những lời Thánh vịnh sẽ nói với bạn. Nhất là có một tiếng ngắn gọn bạn thường thấy trong mỗi câu Thánh vịnh: Tiếng đó là đại danh từ ngôi thứ hai "Ngài" và "bạn". Nếu như phải tóm tắt thái độ của người cầu nguyện trong Thánh Kinh, ta có thể nói rằng người cầu nguyện đứng trước mặt Thiên Chúa, nhưng Ngài không phải là một đối tượng, một vật thông thường, mà là một nhân vị có liên hệ mật thiết với người cầu nguyện, được xưng tên là "Ngài" và "Bạn".

Về phương diện loài người, bạn phải ở trước sự hiện diện của người khác để đối thoại. Bạn đặt mình trước kẻ khác một cách vội vàng cũng rất nguy hiểm; nghĩa là muốn nói với người khác trước tiên bạn phải là chính bạn. Trước khi dấn thân đàm thoại với người khác, phải có sự hiện diện đích thực và sự đối diện tương xứng với ý nghĩa "ai đó khác với bạn" đang biến đổi bạn.

Đó cũng là điều kiện tiên quyết để có được sự giao lưu với Thiên Chúa. Môi-Sê, Elia hay Isaia đều là những người luôn đứng trước mặt Thiên Chúa (Xh 33,18-23 ; Is 6). Người cầu nguyện có sứ mệnh đứng trước Thiên Chúa, trong sự hiện diện của Ngài. Bên dưới sự đặt mình trước mặt Thiên Chúa có sự xác tín rằng Thiên Chúa thấu suốt tâm can con người. "Trước khi Ta tạo dựng ngươi trong bụng mẹ, Ta đã biết ngươi" (Gr 1,5). Nhận biết Thiên Chúa hay được Thiên Chúa biết đến, đó là có liên hệ mật thiết với Ngài, được Ngài xem như người thân tín, được cảm nghiệm sự hiện diện của Ngài, chịu khổ cực với Ngài và hiệp thông sự sống của Ngài. "Nhưng lạy Đức Chúa, Ngài biết con, Ngài thấy con, Ngài thử luyện tim con và Ngài ở với con".

Lời cầu nguyện ấy muốn nói đến hai điều nầy :

* Bạn có một khoảng cách. Giữa Thiên Chúa và bạn có một vực thẳm ngăn cách bởi vì sự siêu việt của Ngài. Trong Thánh Kinh bạn không hề tìm thấy phiếm thần (panthéisme) dù gần hay xa, trực tiếp hay gián tiếp. Thiên Chúa luôn luôn là một Đấng Khác, cách biệt với mọi thụ tạo của Ngài. Trong phiêm thần có sự pha trộn lẫn lộn, nhưng không có đối thoại đích thực, bởi vì các ngôi vị không có độc lập và tự do.

* Bạn ở gần. Mặc dầu có sự khác biệt tuyệt đối, bạn vẫn xác tín là không có khoảng cách. Thiên Chúa ở sát ngay bên bạn và Ngài xem thấy bạn.

Thiên Chúa bao gồm tính siêu việt và nội tại tính. Ngài chú ý lắng nghe lời bạn kêu van. Ngài hiểu thấu lòng bạn. Ngài ở gần bạn, tiếp nhận bạn và cho bạn được diện kiến Ngài. "Lạy Đức Chúa, phải chăng con đã không phục vụ Ngài với tất cả tâm lòng sao ? Ngài biết mà !" (Gr 15,11). "Bởi vì Đức Chúa nghe tiếng con khóc than. Đức Chúa nghe lời con thiết tha khẩn nguyện. Đức Chúa nhậm lời con xin" (Tv 6,9-10).

Thiên không phải chỉ là người biết lắng nghe một cách thụ động, ghi nhận tất cả mọi lời kêu xin của bạn, Ngài trả lời cho bạn và chấp nhận đối thoại với bạn. "Ta ở đây và gọi ngươi. - Lạy Ngài, con xin trả lời Ngài" (Tv 17,6). "Ngài dò xét tim con, Ngài thăm viếng con trong đêm tối" (Tv 17,3). Quả thế, Thiên Chúa quay nhìn bạn và nhờ vậy bạn được cứu độ.

Trong Sách Thánh, những người có nhạy cảm nhất về sự gần gũi Thiên Chúa thì cũng là những người hiểu biết về ý nghĩa của khoảng cách và sự siêu việt của Thiên Chúa.

Thường thường vì bắt đầu không đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa chí thánh và cũng rất gần gũi mà lới cầu nguyện của bạn trở nên độc thoại. Bạn không dùng thời gian trầm mặc đầy đủ để đi vào giờ nguyện gẫm cho có sự an tĩnh nội tâm. Trước khi vào cầu nguyện, bạn hãy bước đi thong thả và hít thở chậm và sâu ; hãy để tất cả mọi lo lắng của bạn trong tay Chúa. Cẩn thận chuẩn bị giai đoạn đầu thật chu đáo, ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa dành cho bạn. Bắt đầu bằng mười phút tập trung tư tưởng ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa. Bạn không mất thì giờ vì sự chuẩn bị ấy đâu. Tiếp đó với Chúa Thánh Thần và nhờ Ngài bạn suy gẫm và đàm thoại với Chúa Cha.

Bạn hãy nhớ kỹ điều nầy : Bạn đang ở trước mặt Thiên Chúa. Ngài đang ở sát ngay bên bạn. Ngài xem thấy bạn va nghe bạn thổ lộ tâm tình. Ngài yêu mến bạn. "Tôi luôn ngắm nhìn Đức Chúa trước mặt tôi, không ngừng nghỉ. Lạy Chúa, Ngài đang ở với con !" (Tv 16,8). Khi bạn đi nguyện gẫm, bạn đừng làm theo thói quen, nhưng hãy làm với ý thức dưói cái nhìn của Thiên Chúa và thể hiện như bạng đang sống trong Nhà Ngài. "Trót cả tâm tình con gắn bó, giơ tay quyền lực, Ngài che chở phù trì" (Tv 63,9).




I.11. Bạn đang ở với Thiên Chúa

Một trong những thái độ của "người đứng trước" là lắng nghe. Và khi quan tâm lắng nghe thì cũng bắt đầu một sự thông đồng (hiệp thông) giữa hai chủ thể. Khía cạnh thứ hai của đối thoại ở đây là ý muốn "ở với Thiên Chúa", Đấng mà bạn đang đối diện trước mặt. Bạn đang ở với Ngài và bạn muốn phụng sự Ngài. Bản dịch Kinh Thánh Giêrusalem khi nói về Elia đã dịch như vậy. Thay vì dịch là "Tôi đấng trước Thiên Chúa hằng sống" thì bản dịch đó diễn tả : "Thiên Chúa hằng sống mà tôi phụng sự". Bạn hãy chú ý đặc biêt tiếng "Với" ở đây không chỉ có nghĩa là "sát kề bên" hoặc tiếp xúc sát cánh (coudoiement), nhưng là một tình bạn với ý nghĩa trọn vẹn của nó.

Ở với Thiên Chúa có ba ý nghĩa :

* Thứ nhất là bạn đồng ý với Ngài. Đó là ý nghĩa câu nói của Chúa Giêsu: "Ai không ở với Ta là chống đối Ta". Điều đó có nghĩa là chấp nhận ý muốn Thiên Chúa đối với cuộc đời của bạn và cách bạn suy tư và hành động tương ứng với ý Ngài. "Bạn có cảm thấy hạnh phúc về đời sống của bạn mà Thiên Chúa ban cho hôm nay không? ". Hãy coi chừng đừng chơi nước đôi kẻo đời sống của bạn chối từ điều miệng lưỡi bạn công bố: "Ngươi chỉ gần Ta bằng miệng lưỡi thôi mà lòng dạ thì xa Ta. Nhưng Ta, Đức Chúa của ngươi, xem thấy ngươi và dò xét tâm can ngươi. Đức Chúa ở với ngươi" (Gr 12,2-3). Vậy bạn hãy thân thưa với Chúa rằng: "Lạy Ngài con tuân theo ý Ngài, con muốn làm theo ý Ngài!"

* Bạn kết hiệp với Ngài. Đó là tiếng nói tình yêu. Con tim loài người cần được say mến bởi tình yêu của Chúa Kitô. "Ngoài Chúa ra, con chẳng còn chi khác trên trái đất nầy, lạy Chúa, con tim và thân xác con héo hon tàn tạ, Ngài luôn là tảng đá chở che và thành lũy che chở con" (Tv 73,25-26). Từ thẳm sâu tâm hồn, bạn ước muốn chẳng bao giờ lìa bỏ Chúa Giêsu ; bạn ao ước được ở với Ngài xem thấy mặt Ngài luôn mãi. "Tôi ưuớc muốn chết đi để được ở với Ngài… Chúng ta sẽ được ở với Ngài luôn mãi" thánh Phao-lô nói như thế. Việc cầu nguyện của bạn phải là một tia lửa mến, một sức mạnh kết hiệp bạn với Thiên Chúa. Đó là ân huệ của cầu nguyện con tim và tình cảm. Hiệu quả thứ hai ở với Chúa là Tình Yêu: "Lạy Ngài, con yêu Ngài, con muốn yêu Ngài !"

* Bạn đang làm việc với Ngài. Hãy đọc lại đoạn Phúc âm thánh Marcô 3, 14 thì bạn sẽ hiểu được rằng Chúa Kitô tuyển chọn các Môn đệ, và trước tiên Ngài muốn họ là những bạn hữu và người đồng hành của Ngài. "Chúa Giêsu thiết lập mười hai Tông Đồ để có những bạn đống hành, và Ngài sai phài họ đi rao giảng Tin Mừng". Đối với Chúa Giêsu, tình bạn đó không phải là những tình cảm phát sinh từ con tim nghèo nàn của bạn đâu, nhưng là tình bạn phát xuất từ chính Ngài. Đó là tình yêu mà chính Chúa Kitô yêu mến Chúa Cha và nhân loại, và nay Ngài đặt vào con tim của bạn. Chính Ngài đã tuyên bố điều đó vài giờ trước khi chịu chết: "Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy dạy bảo. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ nữa đâu, bởi vì tôi tớ không biết việc thân chủ làm. Thầy gọi các con là bạn hữu, bởi vì Thầy làm những gì Cha Thầy truyền dạy và Thầy cũng đã nói cho các con biết rồi" (Ga 15,14-15).

Một Tông đồ phải là một người bạn thân thiết của Thiên Chúa, Đấng đoái thương nhìn đến và gặp gỡ trong bất kì tình huống nào. Bạn hãy đọc lại cuộc đàm thoại giữa Vị Hoàng Tử Nhỏ và con cáo già để bạn thấy trong lúc cầu nguyện bạn có để cho Chúa Kitô thuần hóa bạn không. Chính trong thời gian bạn cống hiến cho Ngài một cách nhưng không lúc nguyện gẫm mà Chúa Kitô chia sẻ với bạn những bí mật của Chúa Cha. Bạn hãy đọc lại những lời nói thân tình nầy: "Con không còn là tôi tớ nữa đâu; con là bạn hữu của Thầy". Và bạn biết chắc rằng đối với Chúa Giêsu, tình bạn không phải là một tiếng vô nghĩa. Chính Ngài đã quả quyết là Ngài hiến mạng sống mình cho các bạn hữu của Ngài. Bạn hãy mở rộng cánh tay ra để tiếp nhận tình bạn của Chúa Kitô !

Theo đó chính là hiệu quả thứ ba. Bạn làm việc với Chúa Kitô; bạn muốn hành động với Ngài. Trong lúc nguyện gẫm bạn hãy triển khai thái độ đàm thoại với Thiên Chúa. Hãy kêu xin Ngài bằng sự kết hiệp ý muốn và tình bạn cũng như những tác động bạn thể hiện trong khi cầu nguyện. "Với con, hạnh phúc là được ở gần Thiên Chúa" (Tv 73,28). Chúa Thánh Linh sẽ ban cho bạn sự hiểu biết đó và ý muốn được kết hiệp với Chúa Giêsu và những việc làm của Ngài.



I.12. Bạn ở trong Thiên Chúa


Ở với ai trong tình bạn là bắt đầu sống thân mật với người đó. Cựu Ước đã nói cho chúng ta biết rằng: Thiên Chúa ở giữa dân riêng của Ngài, ngay cả sự hiện diện của Chúa Thánh Linh trong lòng con người một cách nào đó cũng đã được mặc khải. Nhưng chỉ có Chúa Giêsu sẽ nói cho chúng ta tình bạn của Thiên Chúa dành cho con người như thế nào. Thiên Chúa làm cho con tim của bạn trở nên nơi cư ngụ của Ngài.

Trong Chúa Giêsu, sự sống của Thiên Chúa có thể nói được là "nhân tính hoá" dans một xác thể bằng máu thịt ; chính vì thế Ngài sở hữu sự sống nầy trong viên mãn và có thể chuyển thông cho bạn bởi quyền năng của Chúa Thánh Linh. Khi bạn thuộc về Ngài nhờ Bí tích Thánh Tẩy và đức tin thì bạn trở thành nơi cư ngụ của Thiên Chúa, và bạn tham dự vào các liên hệ tình yêu thể hiện giữa các Ngôi Vị Chúa Ba Ngôi. Nguyện gẫm đó là sự ý thức về sự sống Thiên Chúa trong bạn và muốn kết hiệp với làm một Thiên Chúa, mặc dù khoảng cách quá lớn đang ngăn cách bạn với Ngài.

Khi cầu nguyện bạn hãy cố gắng tập luyện thể hiện sự liên hệ mật thiết nầy. Bạn là con của Chúa. Chính Chúa Thánh Linh bảo đảm như thế và chuyển cầu ở trong bạn. Vậy khi bạn kêu xin Thiên Chúa với danh xưng là "Cha" thì bạn tự nhận mình là con của Ngài 5. Đấng là Thánh Linh Thiên Chúa bảo đảm với bạn, làm chứng cho bạn và quả quyết rằng bạn là con của Thiên Chúa. Bạn có ít nhiều cái kinh nghiệm đó nhưng không thể nghi ngờ về mối liên hệ con thảo vơi Thiên Chúa. "Để chứng thực anh em là con cái thì Thiên Chúa đã sai Thánh Linh của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên : Áb-ba, Cha ơi !" (Gl 4,6). Trong lúc cầu nguyện cái kinh nghiệm nầy còn mờ nhạt trong bóng tối, nhưng dần dần sẽ sáng tỏ trong lương tri của bạn.

Bạn đang ở trong mối tình thân mật với Thiên Chúa mà người tín hữu có kinh nghiệm, như thánh Phao-lô diễn tả trong đoạn thứ 8 lá thư gởi cho các tín hữu Rôma. Bạn có thể tự hỏi mình rằng kinh nghiệm như thế không hủy bỏ được sự ngăn cách giữa bạn với Thiên Chúa chí thánh chăng. Không. Thánh Phao-lô đã cẩn thận với câu 15 dùng từ diễn tả rất quen thuộc của bộ luật Rôma: "được thừa nhận trước pháp luật là con tức là con nuôi". Bạn là con nuôi, là dưỡng tủ. Đó là sự khác biệt rõ ràng giữa bạn với Chúa Kitô ; Ngài là Con bởi bản tính, Con đích thực của Thiên Chúa. Tuy nhiên căn tính con nuôi không kém phần hiện thực. Bạn là con của Thiên Chúa và Thánh Linh xác quyết với bạn như vậy. Bạn ở trong Chúa Kitô. Bạn ở trong Thiên Chúa. Bạn ở trong Chúa Ba Ngôi.

Trong lúc nguyện gẫm bạn hãy tin vào sự hiện diện liên tục của Chúa Ba Ngôi trong bạn, ngay cả khi bạn không có cảm xúc gì cả về sự hiện diện đó. Thiên Chúa ở trong bạn và Ngài mời gọi bạn ở trong Ngài. Bạn sẽ chẳng bao giờ cầu nguyện tốt, nếu như bạn không biết đặt mình lâu giờ trước mầu nhiêm Chúa Ba Ngôi. Hãy đặt mình vào chuyển động tình yêu của Chúa Giêsu trong cung lòng Chúa Cha. Vì thế Chúa Kitô mời gọi, nói đúng hơn là bắt bạn phải ở trong Ngài: "Chớ gì chúng trở nên một như Cha và Con. Cha ở trong Con và con cũng ở trong Cha; chớ gì chúng trở nên một trong chúng ta!" (Ga 17.21).

Tiến sâu vào trong Thiên Chúa, trong gia đình Chúa Ba Ngôi, nhờ Ngôi Hai nhập thể. Khi đến gần Thiên Chúa, bạn phát triển đức tin của bạn nhờ sự hiệp thông không ngừng vào sự sống của Chúa Ba Ngôi. Để đi vào sự hiệp thông với Chúa Ba Ngôi, bạn hãy nuôi dưỡng bằng Bí Tích Thánh Thể. "Ai ăn thịt Thầy và uống máu Thầy thì ợ trong Thầy và Thầy ở trong kẻ ấy". Hiệp thông với Chúa Giêsu thì bạn cũng sống với sự sống của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Đó là tuyệt đỉnh của nguyện ngắm, là cao độ của đối thoại với Thiên Chúa.

Nguyện ngắm chính là sự kết hiệp được thể hiện bằng sự hiện diện và đàm đạo với Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô dưới sư hướng dẫn và hành động của Chúa Thánh Thần.

Thực hành nguyện ngắm, bạn hãy đặt mình trước Thiên Chúa, trở nên một với Ngài và ở với Ngài với tất cả con ngưới của bạn: Thân xác, trí khôn, ý muốn và con tim, một cách cụ thể trong cuộc sống của bạn, những liên hệ hoặc việc làm của bạn và trong lúc nầy thời gian dành đặc biệt cho việc cầu nguyện. Bạn với Chúa luôn luôn có nhau.


I.13. Thiên Chúa tự mặc khải cho bạn

như là Đấng Thánh, Người Bạn và Vị Khách


Nếu như bạn có thể đứng trước Thiên Chúa, với Ngài và trong Ngài là vì Thiên Chúa đã muốn tỏ mình ra cho bạn như là Đấng Thánh, Người Bạn và Vị Khách. Bạn phải có thái độ tương xứng với ba danh xưng dùng ám chỉ Thiên Chúa được Thánh Kinh mặc khải ấy. Sau đây là mấy chỉ dẫn để hướng dẫn bạn chiêm ngắm mầu nhiệm của Ngài.

Thiên Chúa là Đấng cách biệt, "Hoàn toàn khác" (Tout-Autre). Ngài tỏ mình ra là Đấng Chí Thánh. Ngài "Hoàn toàn khác" bởi vì quyền năng vô tận và nhiệm mầu vô biên. Trước mặt Ngài bạn chỉ là tro bụi (St 18,27), bởi vì tất cả mọi sự là hư không, chỉ trừ Ngài (Is 40,25; 45,5). Khi Thiên Chúa tỏ mình ra cho bạn, Ngài tự mặc khải trong sự siêu việt của chính Ngài, nghĩa là trong vinh quang sáng chói rạng ngời của sự sống và hiện diện siêu nhiên của Ngài (Xh 3,6; Is 6,1-5; Ed 1, 28). Bạn chỉ có thể sấp mình sát đất cung kính thờ lạy Ngài. Thiên Chúa cũng là Đấng "Hoàn toàn khác" bởi sự tinh trong tuyết đối, không chút bợn nhơ khiến bạn cảm nghiện được sự nhơ nhớp của chính bạn (Is 6,5). Nếu như các người cầu nguyện được nhắc đến trong Thánh Kinh có được niềm xác tín là họ ở trước mặt Thiên Chúa, là những chứng nhân của sự vinh quang cao cả của Thiên Chúa, bởi vì họ đã được mặc khải về sự thánh thiện của Ngài. Đó là dấu chỉ khách quan đầu tiên của cuộc đàm thoại với Thiên Chúa. Thờ lạy Thiên Chúa đó là khi bạn có cảm nghiệm về sự cao cả của Ngài, và đồng thời cũng cảm thấy mình hèn mọn khốn nạn.

Nhưng Thiên Chúa chân thật không bao giờ mặc khải sự cao cả vô biên vô tận, mà không cùng một lúc mặc khải tình yêu của Ngài, vì thế Thiên Chúa là "Bạn" của nhân loại. Thiên Chúa là Đấng yêu thương (Os 11,1-5). Ngài yêu thương bạn. Chúa Giêsu nói: "Các con là bạn hữu của Thầy". Đó là một mặc khải lớn, một sự tín cẩn được diễn tả từ miệng người nầy qua miệng người khác. Trên khuôn mặt của Chúa Kitô bạn khám phá được tình bạn đích thực và sự trìu mến Thiên Chúa dành riêng cho bạn (Tt 3,4). Bằng chứng Ngài là bạn, bởi vì Ngài cho phép bạn dự phần vào những bí mật của Chúa Cha. Cho nhau biết tất cả nỗi lòng, chẳng dấu diếm điều gì, là điều mà các bạn hữu thân tín thường làm.

Cũng như thời các ngôn sứ, hôm nay Thiên Chúa cũng nói với bạn: "Ta ở với con". Chúa Kitô luôn ở với các tín hữu của Ngài cho đến ngày tận thế. Ngài biết rõ tên bạn, bởi vì Ngài yêu bạn và đã tự nộp mình vì bạn. Mặc khải sự âu yếm thân tình của Thiên Chúa chí thánh qua bản thân Chúa Giêsu Kitô là dấu chỉ khách qua thứ hai của sự đối thoại. Giữa Thiên Chúa và bạn có sự liên hệ bạn hữu đặc biệt. Giữa Đấng Chí Thánh và bạn, có Chúa Giêsu là bạn của bạn. Nếu như bạn có thể ở với Chúa Giêsu, là vì Ngài đã muốn được ở với bạn. Tên Ngài là Emmanuel nghĩa là Thiên Chúa ở với chúng ta. Hãy cầu xin với thánh Gioan, môn đệ mà Chúa Giêsu yêu mến ban cho bạn được có kinh nghiệm về Tình bạn với Chúa Kitô.

Ngài sẽ dạy bạn nhất là được ở trong Thiên Chúa bằng cách không ngừng kết hiệp với Chúa Giêsu. Trong Chúa Giêsu, nơi cư ngụ thường trực của Thiên Chúa giữa lòng thế giới, Ngài đã dựng lều trại của Ngài ở giữa chúng ta. Bởi ân sủng Chúa Thánh Linh, Đức Chúa Giêsu là Đấng làm cho bạn được ở trong Thiên Chúa. Nếu bạn tự nuôi dưỡng bằng máu thịt của Ngài, nếu bạn sống như Ngài và tuân giữ lời Ngài thì Chúa Ba Ngôi thiết lập nơi cư ngụ trong tâm hồn bạn. Thiên Chúa trở nên Vị Khách của bạn giống như xưa kia Ngài là Khách của Abraham dưới cây sồi tại Membrê: "Nếu ai yêu mến Thầy và tuân giữ lời Thầy thì Cha Thầy cũng yêu mến người ấy, và Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy" (Ga 14,23).

Cốt lõi của mầu nhiệm đối thoại trong giờ nguyện gẫm là sự hiện diện của Thiên Chúa trong bạn. Bạn có thể ở với Thiên Chúa, bởi vì chính Ngài đã muốn ở với bạn. Sự liên hệ mật thiết giữa Ba Ngôi Thiên Chúa trong bạn là dấu chỉ khách quan thứ ba của việc đàm thoại với Thiên Chúa. Không có định nghĩa nào về sự mật thiết thân tình giữa Thiên Chúa và bạn trong lúc nguyện gẫm đúng và hay cho bằng những lời sau đây của Sách Khải Huyền: "Nây đây Ta đứng trước cữa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cữa ra, thì Ta vào nhà người ấy và dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta" (Kh 30,20)…


I.14. Thiên Chúa mời gọi bạn mở con tim

và cánh tay ra để đón nhận

Con Yêu Dấu Ngài là Đức Giêsu


Bạn có một não trạng của người leo núi. Trước sự tấn công của Thiên Chúa, mỗi ngày bạn chinh phục Ngài bằng sức mạnh của nắm tay bạn. Hay hơn nữa bạn khẩn cầu Thiên Chúa đến với bạn, rồi lịch sự nhắc cho biết những điều xem ra Ngài đã quên. Cầu nguyện như vậy và thái độ ấy không còn ý nghĩa và lí do tồn tại đối với người kitô hữu. Bạn đừng hòng dụ dỗ Thiên Chúa bằng các lễ vật của bạn hoặc bằng những lời khấn hứa nguyện cầu.

Thiên Chúa đã đến với bạn từ lâu rồi và chính Ngài quyến dụ bạn. Ngài yêu mến bạn trước, đến nỗi Ngài đã trao ban Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô để cứu độ bạn. Bạn khỏi cần vượt núi trèo non đi tìm kiếm Thiên Chúa, bởi vì Ngài đã vĩnh viễn lấp đầy cái hố sâu ngăn cách bạn với Ngài rồi. Không cần phải đi đâu xa để chinh phục Thiên Chúa, bởi vì đã từ lâu Ngài đến ở giữa con cái loài người, nhưng đáng tiếc là bạn đã không tiếp nhận Ngài! "Ngài đã đến trong nhà Ngài, nhưng người nhà của Ngài đã không tiếp nhận Ngài" (Ga 1,11). Cầu nguyện đó là bạn để cho Thiên Chúa tìm kiếm và gặp bạn.

Thật ra, mọi cách giáo dục của Thiên Chúa là nhắc nhở bạn sự hiện diện của Ngài và của Con Yêu Dấu Ngài trong thế gian. Thế gian nầy không phải là một sa mạc vắng bóng Thiên Chúa, nhưng trong sa mạc đó có sự hiện diện kín đáo của Chúa Kitô. Hãy nghĩ đến Mùa Chay, mùa mà bạn thường coi như một khoảng thời gian buồn tẻ chán ngán, bởi vì bạn quá đặt nặng về những cố gắng ăn chay hãm mình, nhưng thực chất đó là thời gian đầy ân sủng cứu độ. Trong suốt thời gian Mùa Chay, Thiên Chúa trao tặng bạn sự hiện diện của Con Yêu Dấu Ngài đã chịu chết và sống lại cho bạn. Chẳng cần phải lập chiến công cụ thể bạn cũng có thể chiếm đoạt được, bởi vì Ngài ở đó vừa tầm tay của bạn. Ngài tự hiến mình một cách nhưng không và vô điều kiện dưới hình thức lời hằng sống và bánh trường sinh trong Bí Tích Thánh Thể.

Điều đòi buộc bạn đó là suy gẫm và chiêm ngắm lâu giờ về tình yêu của Thiên Chúa không ngừng phát xuất từ bản thể của Ngài để đến với bạn. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu nói về tình yêu Thiên Chúa thế nầy: "Tình yêu thương của Chúa muốn bao phủ hết mọi linh hồn; bởi vì tình yêu của Chúa vươn quá trời cao… Ôi lạy Chúa Giêsu, chớ gì con được trở nên một hy lễ toàn thiêu, xin Chúa vui nhận con như hiến lễ được thiêu hủy trong ngọn lửa tình yêu của Chúa" 6.

Không phải với sự cố gắng của mình mà bạn khám phá được tình yêu đó đâu, nhưng trong thinh lặng cầu nguyện và kiên trì van xin, Thiên Chúa sẽ xé tấm màn che khuất và mặc khải cho bạn những kho tàng tình yêu chan chứa trong trái tim Con Yêu Dấu của Ngài. Ý thức và cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa là một hồng ân bí nhiệm không thể diễn tả bằng lời nói và sự hiểu biết của loài người, nhưng một ngày nào đó bạn sẽ được ban cho cái kinh nghiệm ấy và hiểu được tại sao thánh Đa-Minh và thánh Phanxicô đã phải khóc suốt đêm mà nói rằng: "Tình yêu không được yêu!"

Nếu như bạn có cái kinh nghiệm đó, bạn sẽ hiểu được sự chai đá và cứng cõi của con tim bạn. Trọng tội của bạn là bạc đãi tình yêu Thiên Chúa, nói đúng hơn là khước từ tình yêu không để cho Ngài yêu bạn. Chúa Kitô không ngừng đến gõ cửa lòng bạn để chờ bạn mở cữa lòng và cùng với bạn dùng bữa cơm thân tình. Chớ gì Chúa Thánh Linh đập vỡ con tim bằng đá cẩm thạch của bạn và làm một lối đi chiếm đóng cho tình yêu!

Trong lúc cầu nguyện bạn đừng xin Thiên Chúa thay đổi ý đến với bạn để yêu bạn, nhưng trái lại bạn phải đào bới con tim bằng đá của bạn thật sâu để thay đổi thái độ mà chấp nhận tình yêu của Thiên Chúa.

Mùa Chay là thời gian ưu tiên thích hợp để Thiên Chúa đến trong cuộc sống của bạn. Bạn hãy dìm mình trong thinh lặng nội tâm để lằng nghe tiếng Thiên Chúa dễ dàng hơn. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa hiện diện và mời gọi bạn chia sẻ sự thân mật của Chúa Ba Ngôi. Đừng bắt chước bọn Pharisiêu mù quáng không chịu nhận ra rằng trong con người Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã đến với họ.

Bạn hoán cải, tức là bạn thỏa thuận mở rộng con tim của bạn cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa, và đồng thời cũng mở hai cánh tay ra để đón nhận Bánh Thánh Thể. Bấy giờ bạn sẽ thấy những dấu chỉ cụ thể của Bí tích hòa giải giúp bạn đón nhận Chúa Kitô cách thích đáng. Nhưng điều thiết yếu là đêm ngày bạn phải tỉnh thức chú ý lắng nghe để không bỏ lỡ cuộc hẹn tình yêu Thiên Chúa dành cho bạn.




I.15. Tạo dựng là bản tính của Thiên Chúa nhân từ,

được tạo dựng là đặc điểm riêng của bản tính

loài người.

(Thánh Irénée, Adversus Haerese, IV,38,4)

Tôi muốn diễn tả một cách khác câu nói của thánh Irénée trên đây: "Bạn phải để cho Thiên Chúa yêu bạn, hãy để cho Ngài hành động". Tất cả những khó khăn của bạn trong cuộc sống thường nhật cũng như thuộc đời sống thiêng liêng đều đến từ bản thân bạn, bởi vì bạn muốn tự xoay xở và hành động. Bạn nghĩ rằng sự thánh thiện là một cái tháp mà bạn có thể tự mình thiết kế và xây dựng bởi hai bàn tay của bạn, Và cũng thế, bạn nghĩ rằng đời sống cầu nguyện và huynh đệ của bạn đều do bạn tự sức mình có thể thực hiện được. Nhưng không phải bạn cầu nguyện, chính Chúa Thánh Linh ở trong bạn nguyện cầu. Đời sống cộng đoàn đích thực không phải là do con người gầy dựng, nhưng là một tác phẩm của tình yêu Chúa Ba Ngôi.

Cậu nguyện đích thực, cũng như những gì bạn nhận được, là ân huệ Chúa ban nhưng không. Bạn phải biết nhận lãnh, đón nhận và biến đổi tâm hồn bạn trở nên một mảnh đất phì nhiêu khả dĩ có thể làm phát triển và có hoa quả tốt. Tiềm năng phát triển nằm trong hạt giống nhỏ bé của sự sống Thiên Chúa đã được gieo vào trong bạn lúc chịu Phàp Rửa tội. Đó là ý nghĩa của các dụ ngôn hạt cải gieo trong thửa ruộng và nắm men trộn vào bột mì. Bạn hãy đọc lại dụ ngôn hạt cải được gieo trong thửa ruộng: khi tiếp xúc với đất và hội tụ đủ các điều kiện cần thiết, hạt cải nảy sinh và từ từ phát triển lớn lên. "Trong khi người gieo giống đi ngủ rồi thức dậy, ngày nầy qua ngày khác, hạt giống nở mầm phát triển mà người gieo giống không nhận thấy" (Mc 4,26-29). Người nông dân chỉ biết được thời gian từ lúc gieo vãi hạt giống đến mùa gặt là bao nhiêu: Thời gian là một trong những yếu tố cần thiết cho sự tăng trưởng và sinh hoa kết trái. Cũng như thế đối với một người mẹ: Sau khi đã sinh con mình rồi, bà phải chờ đợi và tôn trọng các giai đoạn lớn lên, phát triển và trưởng thành của đứa con.

Bạn đừng hấp tấp vội vàng đốt giai đoạn: Sự tăng trưởng, phát triển sự sống của bạn, tự nhiên cũng như siêu nhiên, không thuộc thẩm quyền và ý muốn của bạn, nhưng là một hồng ân. Tất cả những sự khốn nạn của bạn bắt nguồn từ sự va chạm giữa cái nhìn chủ quan cá nhân bạn và ý muốn cao siêu khôn lường của Thiên Chúa. Bạn muốn thực hiện theo một bản thiết kế mà bạn đã phác họa hoàn chỉnh trong căn nhà làm việc bé nhỏ của bạn, nhưng Thiên Chúa có một dự định yêu thương tốt hơn cho bạn. Bạn hãy bỏ đi cái tham vọng tự lập tự cường của bạn và để cho Thiên Chúa được tự do hành động nơi bạn, mặc dù bạn chẳng hiểu được ý định và dự án của Ngài. Bạn không bao giờ có thể đánh giá và phê bình một vở kịch mà bạn chỉ mới xem màn trình diễn đầu… Cuối cuộc đời, bạn sẽ ngạc nhiên và sung sướng nhìn thấy dự định tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho bạn.

Trước hết bạn hãy tin chắc rằng Thiên Chúa yêu bạn, bởi vì Ngài đã cho bạn được thông phần sự sống của chính Ngài, và sự sống ấy không ngừng phát triển trong suốt lịch sử cuộc đời của bạn. Phải nhẫn nại chờ thời gian! Đừng muốn có hôm nay điều mà bạn chỉ có thể có ngày mai. Hãy để ân sủng Thiên Chúa và thời gian làm việc trong bạn. Thiên Chúa làm cho con người nội tâm của bạn lớn lên và xoi mòn phá hủy những ngọn núi tội lỗi của bạn. Đừng áp đặt quan điểm, dự án và ý riêng của bạn; dự kiến và ý định của Thiên Chúa ngàn lần tốt hơn.

Thiên Chúa chỉ mong chờ nơi bạn một điều: Đó là để cho Ngài hành động. Tuy nhiên phải coi chừng! Để cho Thiên Chúa hành động không có nghĩa là sống buông xuôi vô lo „há miệng nằm chờ sung rụng“. Thời gian chỉ có thể làm sinh hoa quả trong bạn nếu như bạn đã quyết tâm yêu mến Thiên Chúa với tất cả thiện chí. Thiếu vắng sự phó thác tích cực cho Thiên Chúa thì đời sống thiêng liêng của bạn sẽ tan rã theo những thay đổi thất thường. Thiên Chúa không hành động bằng những cái đũa thần, mà không đòi hỏi ở bạn một sự trung tín nhiều khi rất cam go và gian khổ.

Tuy nhiên, ngay từ khi bạn phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa để Ngài tự do hành động và không lấy gì làm hơn ý muốn của Ngài thì bạn sẽ có được sự vui mừng và bình an. Tất cả mọi biến cố ngoại tại là những món quà của Thiên Chúa, qua đó Ngài biến đổi con người nội tâm của bạn theo ý muốn của Chúa Cha. "Nếu như bạn đã làm hết sức tốt có thể những gì bạn phải làm thì đó là điều đáng khen ngợi, là lời cuối cùng của sự khôn ngoan và thánh thiện loài người" 7. Khi bạn đã trao nộp chính mình cho Thiên Chúa thì tất cả mọi sự cố đến với bạn, dù hạnh phúc hay bất hạnh, đều có thể biến đổi bạn từ nội tại và đưa bạn đến gần với Thiên Chúa.

Ngay cả tội lỗi và những yếu đuối của bạn, miễn là chúng được ý thức nhìn nhận, ăn năn và được tha thứ, cũng có thể thôi thúc bạn tiến tới hơn. Tất cả những hoạt động và cố gắng của bạn hằng ngày được lặp đi lặp lại một cách buồn tẻ cũng kết nạp vào trong dòng chảy của sự sống nội tâm của bạn. Như từng giọt nước hợp lại thành biển thành sông, mỗi nhịp thở, mỗi nhịp đập của con tim và từng giây phút cuộc đời sẽ làm lớn lên sự sống thiêng liêng trong bạn mà chính Thiên Chúa là tác giả. Ngài làm việc trong bạn. Hãy hợp tác với Ngài bằng cách để cho Ngài sử dụng bạn như chất liệu để nhào nặn tô vẽ thành hình ảnh của Ngài. Muốn thấy và hiểu được việc làm của Thiên Chúa trong tâm hồn bạn thì bạn phải có cái nhìn của đức tin và sốt sắng và kiên trì cầu nguyện.






Chúa Giêsu - Đấng Cứu Thế


Каталог: upload -> file
file -> TÀi liệu hưỚng dẫn sử DỤng dịch vụ HỘi nghị truyền hình trực tuyếN
file -> SỰ tham gia của cộng đỒng lưu vực sông hưƠNG, SÔng bồ trong xây dựng và VẬn hành hồ ĐẬp thủY ĐIỆN Ở thừa thiêN – huế Nguyễn Đình Hòe 1, Nguyễn Bắc Giang 2
file -> Tạo Photo Album trong PowerPoint với Add In Album
file -> Thủ tục: Đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trình tự thực hiện: Bước 1
file -> CỦa chính phủ SỐ 01/2003/NĐ-cp ngàY 09 tháng 01 NĂM 2003
file -> CHÍnh phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Độc lập Tự do Hạnh phúc
file -> BỘ TÀi chính số: 2114/QĐ-btc cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
file -> Nghị ĐỊnh của chính phủ SỐ 33/2003/NĐ-cp ngàY 02 tháng 4 NĂM 2003 SỬA ĐỔI, BỔ sung một số ĐIỀu củA nghị ĐỊnh số 41/cp ngàY 06 tháng 7 NĂM 1995 CỦa chính phủ
file -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam kho bạc nhà NƯỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 4.46 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương