CẦu nguyện với chúa cha trong thầm lặng lm. Phêrô Đan-Minh Trần Minh-Công chuyển ngữ


IV. 10. Hãy để Chúa Kitô cầu nguyện trong bạn!



tải về 4.46 Mb.
trang8/8
Chuyển đổi dữ liệu24.11.2017
Kích4.46 Mb.
#34536
1   2   3   4   5   6   7   8

IV. 10. Hãy để Chúa Kitô cầu nguyện trong bạn!

Bạn đạt đến mức độ cầu nguyện của Ngài

khi bạn nhập vào cường độ Tình yêu

nối kết với Chúa Cha

dưới tác động của Chúa Thánh Linh.

Chỉ có một lời cầu nguyện đích thực làm vui lòng Chúa Cha, đó là lời nguyện của Con Yêu Dấu Ngài. Lời cầu nguyện của bạn có khả năng được Chúa Cha chấp nhận, nếu nó được hòa nhập với lời cầu nguyện của Con Yêu Dấu của Ngài, Đấng đang cầu thay nguyện giúp trong bạn. Bạn hãy đi theo Chúa Giêsu trong những đêm dài thanh vắng cầu nguyện trên núi. Hãy ở bên cạnh Ngài để được Ngài dẫn đưa vào trong cuộc đàm thoại tình yêu với Chúa Cha!

Chính lúc bạn cảm nghiệm được sự bất lực hoàn toàn của bạn trong việc cầu nguyện, thì bạn cũng nhìn thấy giới hạn của mình và có thể hiểu được lời nguyện của Chúa Giêsu. Tuy nhiên bạn có thể tiếp cận lời nguyện ấy bằng nhiều cách thức khác nhau; ví dụ nói kết lời nguyện xin của bạn với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, Đấng cùng với các môn đệ cầu nguyện nhân Ngài: "Vâng, Thầy nói thật với anh em, bất cứ điều gì anh em cầu xin Chúa Cha nhân danh Thầy thì Ngài cũng ban cho anh em" (Ga 16,23). Nhưng bạn quá hời hợt và nông cạn khi nghĩ rằng lời cầu nguyện của Chúa Kitô cho dầu hoàn thiện tuyệt đối cũng chỉ phản ảnh lời cầu nguyện nghèo nàn bất toàn của bạn. Với ý nghĩa đó, bạn vẫn còn ở trong trạng thái nhị nguyên và ngoại tại, khi bạn xin Chúa Kitô cầu nguyện với bạn và cho bạn.

Nhưng Chúa Kitô để bạn nghe và biết rằng còn có một cách thức thứ hai nữa sâu xa hơn để cầu xin Chúa Cha nhân danh Ngài: "Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em. Bởi vì Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mnế Thầy và tin rằng Thầy đã đến thế gian, và sẽ bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha" (Ga 16,26-27). Đây không cò là nhị nguyên giữa lời cầu nguyện của Chúa Kitô và lời cầu nguyện của bạn nữa, nhưng là bạn để cho Ngài thực sự cầu nguyện trong bạn.

Chúa Giêsu luôn luôn là Đấng chuyển cầu duy nhất, nhưng các môn đệ của Ngài không còn ở bên ngoài mà luôn ở trong thân xác của Ngài, và lời cầu nguyện của họ sát nhập với lời cầu nguyện của Ngài. Bởi đức tin và tình yêu, các môn đệ Chúa Giêsu trở thành một với Ngài và Chúa Cha yêu mến họ, lắng nghe lời họ cầu nguyện, bởi vì Chúa Cha nhận ra trong họ khuôn mặt Con Yêu Dấu của mình.

Một cách chính xác chúng ta nói rằng lời cầu nguyện của Chúa Kitô ở trong bạn bao hàm một niềm tin sâu xa, sự đồng nhất của bạn với Chúa Kitô. Quả quyết rằng Chúa Kitô cầu nguyện trong bạn không phải là cố gắng sắp xếp những khác biệt của lời nguyện Chúa Giêsu để làm thành của bạn. Trái lại, đó là với sự hoán cải nội tâm sâu đặm, bạn ý thức rằng Ngài với bạn chỉ là một bởi Bí Tích Thánh Tẩy. Tất cả những gì thuộc về Ngài cũng thuộc về bạn, và lời nguyện của Ngài trở thành lời nguyện của bạn.

Khi bạn nguyện gẫm, hãy nối kết lời nguyện của bạn với Chúa Giêsu đang hiện diện trong con tim của bạn bằng đức tin. Bạn không ý thức và cảm nghiệm, nhưng Chúa Kitô thực sự cầu nguyện với Chúa Cha bằng những lời nguyện hèn mọn của bạn. Đạt đến mức độ cầu nguyện của Chúa Giêsu đó là hòa mình vào trong tình yêu và chính sự sống liên kết Ngài với Chúa Cha bởi tác động của Chúa Thánh Linh. Bạn không thể nào hiểu được lời nguyện của Chúa Giêsu, nếu bạn tách rời Ngài khỏi mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Chúa Giêsu luôn luôn ý thức về sự liên lạc mật thiết giữa Ngài với Chúa Cha. Ngài hiện hữa với Chúa Cha và tự hiến mình hoàn toàn cho Chúa Cha. "Tất cả những gì thuộc về Cha cũng thuộc về Con, và những gì của Con cũng là của Cha" (Ga 17,10).

Bạn được Chúa Thánh Linh chiếm hữa để trở thành hình tượng Chúa Con. Và Chúa Giêsu dẫn đưa bạn đến với Chúa Cha. Chính sự sống trong Chúa Kitô làm cho bạn được tham dự vào mối tình con thảo của Ngài; bạn chỉ có thể ở trong Thiên Chúa nhờ Ngài. Trong thời gian đầu đời sống cầu nguyện của bạn, ý thức về đời sống nghĩa tử bị chôn vùi trong bạn, vì thế bạn ở bên ngoài sự cầu nguyện của Chúa Giêsu. Với thời gian bạn sẽ cảm nghiệm được sự liên hệ tình yêu với Chúa Cha trong Chúa Giêsu và lời cầu nguyện của Ngài sẽ thay thề lời cầu nguyện của bạn chẳng khác gì chính Ngài hiện hữu trong bạn và cầu nguyện với bạn. Và lúc đó bạn sẽ cảm nhận được một sự sung mãn và niềm vui của cầu nguyện chiêm niệm, bởi vì Chúa Kitô tôn thờ và yêu mến Chúa Cha trong bạn. Một lúc nào đó bạn sẽ cảm nhận được tình yêu của Chúa Kitô chiếm đoạt và bạn ý thức được rằng bạn yêu mến Chúa Cha với chính con tim của Con Yêu Dấu Ngài. Lúc bấy giờ bạn hiểu được rằng Thiên Chúa vui nhận lời cầu nguyện của bạn, bởi vì Ngài không bao giờ từ chối lời kêu xin của Con Yêu Dấu của mình. Đời sống hằng ngày của bạn được hình thành trong đời sống Chúa Kitô trở nên của lễ thiêng liêng hiển dương Chúa Cha. Và khi bạn ngập chìm trong thinh lặng của sự nghèo nàn, thì vẫn còn có Chúa Giêsu thực hiện trong bạn tất cả sự giàu có của cuộc đàm thoại giữa Ngài với Chúa Cha.




IV. 11. Hãy nuôi dưỡng bạn

bằng Lời của Thiên Chúa!

Ngày nay bạn sống trong một thế giới văn minh vật chất và trong một xã hội tiêu thụ. Không lạ gì khi bạn cũng có tâm trạng hưởng thụ trong đời sống thiêng liêng và trong địa hạt cầu nguyện: Thay vì chú trọng đến phẩm chất, bạn lại tìm kiếm khối lượng! Một chân lí đức tin được chiêm ngắm và đón nhận trong an bình thư thái sẽ mở lối cho bạn đi đến các chân lí khác; cũng thế khi bạn khước từ chỉ một điều khoản của bản Kinh Tin Kính thì tất cả Tin Mừng Phúc Âm sẽ bị đóng kín đối với bạn.

Bạn đừng ham đọc nhiều và tìm những cảm giác lạ khi đọc các bản văn Phúc âm, nhưng hãy làm cho mình trở thành mảnh đất phì nhiêu có khả năng đón nhận hạt giống Tin Mừng. Lời Chúa là cơm bánh để bạn thưởng thức, là lương thực để bạn nuôi thân. Bạn hãy mở sách Phúc âm và nghiền ngẫm một câu đập vào mắt bạn; hãy ngồi nơi thanh vắng yên tĩnh mà suy gẫm Lời Chúa Kitô nói với bạn.

Hãy bắt chước con ong đi tìm chất liệu làm mật, nó lui tới một bông hoa để lấy hết phấn hoa. Cũng vậy bạn hãy đọc đi đọc lại, và nếu cần thì dừng lại mà suy niệm chỉ một câu hoặc một lời mà bạn cảm thấy như Chúa muốn nói riêng với bạn. Cũng như ngôn sứ Giêrêmia, bạn hãy "ăn" Lời Chúa, hãy thưởng thức hương vị Lời Chúa: "Khi Lời Chúa phán ra, tôi nuốt vào và Lời Chúa trở thành niềm vui và hoan lạc cho tâm hồn tôi" (Gr 15,16).

Tất cả chúng ta có một số bản văn mà chúng ta sẵn sàng đọc lại nhiều lần để nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện. Bạn phải biết những gì thích hợp cho bạn. Nếu bạn không biết hoặc không muốn đọc lại những đoạn Kinh Thánh hoặc bản văn của các tác giả thiêng liêng, thì bạn chẳng bao giờ cầu nguyện tốt được đâu; bạn giống như nhnữg người du lịch muốn xem thấy tất cả mà không có thì giờ để thưởng thức suy tư, nghĩa là nhìn xem với tình yêu và sự thán phục sự vật mình chứng kiến. Mong rằng bạn không phải là người tham lam và nông cạn trong địa hạt thiêng liêng!

Thế giới cầu nguyện là một thế giới cần được khám phá và đón nhận chứ không phải là thế giới để chiếm đoạt. Lý tưởng cầu nguyện rất đơn giản, bạn không cần phải có chủ để cho nguyện gẫm. Trong suốt giờ nguyện gẫm, chẳng hạn, bạn chỉ cần xác tín về tình yêu Thiên Chúa. Một cách đơn giản, bạn có thể dùng một lời nguyện phụng vụ hoặc một Thánh Vịnh rồi cầu nguyện bằng cách lặp đi lặp lại nhiều lần lớn tiếng hay âm thầm. Hoặc bạn cũng có thể đọc chậm rãi một bản văn và dừng lại khi bạn có cảm giác như có tiếng nói với bạn từ con tim. Như vậy bạn sẽ hiểu được ý nghĩa lời nhận định của thánh Ignatio: "Không phải là "có" thật nhiều thì tâm hồn được thỏa mãn đâu, nhưng là cảm nghiệm và hưởng nếm nội tâm" 28.

Bạn hãy dùng nửa giờ đọc Kinh Nhật Tụng, hãy tập cho quen thưởng thức những lời Kinh Thánh đẹp đẽ, như những người sành uống rượu biết nếm từng hớp rượu ngon trong ly. Hãy đặt Lời Chúa trong con tim của bạn và để cho đời bạn phản chiếu ánh sáng và hạnh phúc của Tin Mừng !

Nếu vì cuộc sống quá bận rộn, suốt cả tuần lễ bạn không có thì giờ cầu nguyện, thì nhất thiết bạn phải thực hiện một cuộc cách mạng tận gốc, không những bạn phải tổ chức lại ngày giờ của bạn, mà nhất là phải xét lại đời sống thiêng liêng của bạn. Bởi vì đó là dấu hiệu báo cho biết tình yêu Thiên Chúa đã bị phai nhạt và sút giảm nơi bạn rồi! Bạn có còn hứng thú nghe Lời Chúa nữa không? Khi có thì giờ, bạn có dùng nó cho việc đọc và suy gẫm Lời Chúa không?

Để Lời Chúa trở nên hương vị ngọt ngào, bạn phải đọc đi đọc lại, nghiền ngẫm, suy niệm trong thinh lặng và cầu nguyện. Đọc chậm rãi nhiều lần để cho Lời Chúa thấm nhập tâm can. Không phải là để cầu vọng hiểu biết, nhưng là vì đói khát Lời Chúa. Bạn phải biết tích trử Lời Chúa, đón nhận sức mạnh của Lời Ngài bằng phương thế cầu nguyện chiêm niệm ngõ hầu khỏi phải chết đói lúc bị hạn hán thiêng liêng.

IV. 12. Bạn tìm kiếm một phương thức cầu nguyện

đơn giản phải không?

Vậy hãy chiêm ngắm viên đá

của các Vương Cung Thánh Đường!


Nếu một ngày nào đó bạn có dịp thăm viếng Vương Cung Thánh Đường Chartres, bạn hãy dừng lại trước cữa vào phía bắc mà chiêm ngắm sáu bức tranh diễn tả đời sống chiêm niệm. Bạn sẽ xem thấy Đức Trinh Nữ Maria trầm tư mở Sách Thánh đọc và suy niệm; Người ngất trí trước vẻ đẹp của Lời Chúa. Trong thế kỷ thứ XIII Sách Thánh là trường dạy khoa học cầu nguyện một cách đơn giản nhưng sâu sắc. Bạn hãy vượt ra khỏi cái thực tại vật thể của nghệ thuật điêu khắc và đi sâu vào trong chiều kích thiêng liêng hướng dẫn con tim Đức Trinh Nữ cầu nguyện.

Trước tiên, Đức Trinh Nữ ở trong tư thế trầm tư thinh lặng, tay trái đặt trên Sách Thánh và tay mặt đưa lên ngang tầm con tim của Ngài như muốn dạy bạn cách thức cầu nguyện: Phải giữ tâm hồn bạn thư thái bình an! Trinh Nữ Maria thâu góp tất cả tư tưởng, tình cảm và nguyện vọng của mình rồi đặt tất cả vào trong cung lòng mình (Tv 131,1-2). Người sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa và đặt để ở một nơi xứng đáng trong lòng mình giống như vua Salomon cầu xin Thiên Chúa ban cho một con tim thinh lặng biết lắng nghe tiếng nói của Đức Chúa (1Vua 3,9). Thái độ phải có đầu tiên khi cầu nguyện là thinh lặng và bình an, sẵn sàng lắng nghe và đón nhận Chúa Thánh Linh, hồng ân thiêng liêng mà Chúa Cha ban cho những ai kêu xin Ngài (Lc 11,13).

Trong giai đoạn thứ hai: Trinh Nữ mở Sách Thánh ra. Cử chỉ xem ra tầm thường và quen thuộc, nhưng đó là một thái độ trịnh trọng linh thiêng. Mở Sách Thánh không phải để đọc một ý thức hệ hoặc tra cứu một học thuyết nói về Thiên Chúa, nhưng mở Sách Thánh ra là để lắng nghe và đón nhận Lời Chúa. Chúng ta không làm nên cầu nguyện, nói cách khác, chúng ta khám phá và đón nhận nó từ Thiên Chúa. Nói như thế không có nghĩa là bạn khỏi cần học hỏi và đọc các sách chú giải về Thánh Kinh, mà ở đây còn có một ngưỡng cữa khác phải bước qua, đó là địa hạt mầu nhiệm và ân sủng được ban nhưng không.

Đức Trinh Nữ Maria đọc lời Chúa không phải để hiểu biết, nhưng để Lời Chúa khắc sâu ý nghĩa từng chữ từng lời trong con tim của mình. Trong Sách Thánh, ngoài những từ ngữ diễn tả giúp bạn khám phá chân lý ẩn dấu, bạn còn được thưởng thức và cảm thấy hứng khởi trong con tim của mình. Vì thế khi bạn tìm được điều bạn muốn kiếm tìm, bạn hãy bắt chước Đức Trinh Nữ đóng sách lại rồi nghiền ngẫm Lời mới khám phá đó và để Lời Chúa chiếm trọn cõi lòng mình. Thánh Phaolô nói: "Thầy đặt Lời Chúa ở trong con tim anh em". Chúa Thánh Linh làm cho bạn tiến sâu vào trong Lời Chúa để bạn tiếp cận thực sự bằng kinh nghiệm của mình. "Từ con tim của bạn, Lời Chúa phát sinh như những tình cảm tự nhiên của chính bản thân bạn" 29 . Đọc Lời Chúa một cách thích thú và sống động sẽ giúp bạn gặp được Thiên Chúa trong chiêm niệm. Hãy để các sự đó đến với bạn và hãy giang tay mở rộng trước mầu nhiệm! Trong khi suy gẫm Lời Chúa, một lúc nào đó bạn nghe tiếng Thiên Chúa nói với bạn từ thâm sâu cõi lòng. Đó là chính là tác động của "Thầy Dạy Nội Tâm", cũng là Chúa Thánh Linh.

Tiếp đó Đức Trinh Nữ loan truyền Lời Chúa đã được thưởng thức và gẫm suy. Trong Hội Thánh tất cả sứ vụ rao giảng Tin Mừng đều bắt nguồn từ cội nguồn của chiêm niệm cầu nguyện và sống Lời Chúa. Tông đồ là người giúp anh em mình có được những kinh nghiệm về Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Không phải chỉ là kinh nghiệm về Chúa Kitô qua sự tiếp xúc cá nhân trong cuộc sống, mà còn là việc chuyển đạt chính kinh nghiệm của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống.

"Kitô Giáo trước tiên là một kinh nghiệm: Kinh nghiệm Thiên Chúa là Cha, Đức Giêsu là con của Trinh Nữ Maria, làng Galilêa; Ngài là Ngôi Lời có cùng một bản thể với Chúa Cha. Kinh nghiệm về Chúa Cha trong Đức Kitô và Chúa Thánh Linh. Kitô Giáo là "Sự sống", chính sự sống của Thiên Chúa trong cung lòng Chúa Ba Ngôi truyền thông cho con người bằng ân sủng" 30 .

Làm sao bạn có thể chuyển đạt cái kinh nghiệm ấy, nếu như chính bạn không có nó? Lời nói bên ngoài của bạn được phát ra từ nội lực của lời bên trong, của Chúa Thánh Linh, là mầm sống từ chốn thâm sâu của hữu thể bạn.

Sau cùng Đức Trinh Nữ chìm ngập trong trạng thái ngất trí. Người ngây ngất tràn ngập hạnh phúc và an vui trong Thiên Chúa. Người không tìm kiếm sự an vui nghỉ ngơi trong chiêm niệm cho chính mình, nhưng cho Thiên Chúa là cùng đích của việc cầu nguyện. Tất cả sự cầu nguyện đích thực một ngày nào đó cũng phải đem bạn đến chỗ gặp được niềm vui trong Thiên Chúa. Bạn thực sự cầu nguyện khi nào bạn chỉ chú tâm tôn thờ Thiên Chúa, và chiêm ngắm tình yêu của Ngài, và đồng thời không những cám ơn Ngài về những hồng ân bạn nhận được, mà nhất là cảm tạ Ngài về việc Chúa Kitô đã đến trong thế gian. Trong khi cầu nguyện bạn hãy nghĩ đến những quyền lợi của Thiên Chúa, đến vinh quang và sự thiết lập vương quyền của Ngài... Bạn có thực sự vui mừng vì hạnh phúc và vẻ đẹp tuyệt vời của Ngài không?

Một người nổi tiếng về đời sống chiêm niệm và cầu nguyện, cha Robert de Langeac, viết: "Người ta chỉ cầu nguyện tốt nhất trong trạng thái ngất trí mà thôi". Nếu bạn luyện tập nguyện ngắm chiêm niệm, bạn sẽ trở nên mềm mại trước tác động của Chúa Thánh Linh, nói cách khác, bạn sẽ hòa nhập và tan biến trong chuyển động của Chúa Thánh Thần. Bạn hòa mình trong cầu nguyện một cách tự nhiên như cá bơi trong nước, như chim bay trên trời. Nguyện ngắm đích thực luôn luôn được thực hiện trong đêm thanh vắng và với một tâm hồn bằng yên thư thái; đó là ý kiến và kinh nghiệm của thánh Gioan Thánh Giá. Không phải do công đức hoặc sức lực riêng của bạn đâu, nhưng nhờ lượng từ bi của Thiên Chúa mà bạn đạt tới cao điểm chiêm niệm. Đó là hồng ân Ngài ban ban cho ai tùy ý và ban lúc nào Ngài muốn, ngay cả lúc bạn không nghĩ tới. Bạn hãy cầu nguyện để được chiêm ngưỡng Thánh Nhan Thiên Chúa: Đó là một hồng ân được hứa ban cho những ai có con tim trong sạch tinh tuyền.




IV. 13. Cảm nghiệm được Thiên Chúa

trong cầu nguyện là điều cần thiết

để quân bình hóa đời sống của bạn.

Mục đích cầu nguyện không phải là để có những ý tưởng đẹp về Thiên Chúa, nhưng để có niềm vui trong Chúa và thực thi ý muốn của Ngài một cách trọn vẹn. Bạn hãy nhớ rằng nơi cầu nguyện là con tim, nghĩa là một phần của bản thân bạn, nơi đó chính là bạn. Theo ý nghĩa Thánh Kinh, con tim là nơi bạn có kinh nghiệm về Thiên Chúa; con tim bao gồm tất cả mọi lãnh vực hữu thể của bạn: Trí tuệ, ý muốn, tình cảm và sự tự do; nghĩa là kinh nghiệm của người kitô hữu bao hàm các yếu tố hiểu biết, cảm giác, ý chí và tự do. Bởi vậy, ngoài các yếu tố khác, cầu nguyện đòi hỏi phải có yếu tố tình cảm, bởi vì bằng việc cầu nguyện chiêm niệm bạn phải làm sao cảm nghiệm được Thiên Chúa.

Bạn có thể tưởng tượng được rằng một ông thị trưởng ký sắc lệnh bắt tất cả các tình nhân trong thành phố phải gặp nhau mỗi tuần một lần? Tại sao có nhiều kitô hữu đi nhà thờ xem lễ hoặc đọc kinh như một bổn phận thuần túy phải chu toàn hoặc một việc làm vì bắt buộc? Những cặp vợ chồng sẽ nói gì khi họ gặp nhau chỉ vì bổn phận? Vì vậy sự khô khan xảy ra không phải là một trạng thái bình thường. Nó phải là một cái gì méo mó tận gốc rễ. Nếu sự khô khan kéo dài, bạn phải lo sợ và tìm kiếm cho ra nguyên nhân. Thiên Chúa muốn được yêu mến trong hân hoan vui mừng và tự do nội tại.

Dĩ nhiên bạn có thể xin những đặc ân thiêng liêng để giúp bạn cảm nghiệm được Thiên Chúa trong chốn thâm sâu của con tim bạn. Phụng vụ cũng thường động viên bạn cầu xin như thế: "Xin Chúa đổ tràn đầy trong chúng con niềm hoan lạc, và ban cho chúng con niềm vui được phụng sự Chúa; xin cho chúng con biết yêu mến lề luật của Ngài…" Ngay cả trong trường hợp phạm tội, Giáo Hội mời gọi bạn cầu xin lòng thống hối, nghĩa là xin cho được lòng yêu mến hối tiếc đớn đau vì tội lỗi của bạn, nói cách khác là được thưởng thức tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Mục đích của cầu nguyện đó là làm cho con tim của bạn được no thỏa trước sự hiện diện của Thiên Chúa.

Hưởng nếm Thiên Chúa trong cầu nguyện là cần thiết để quân bình hoá đời sống kitô hữu của bạn, hơn thế nữa, đời sống bạn đã hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa bằng việc giữ đức khiết tịnh. Con người chỉ có quân bình trong tình yêu và trao ban chính bản thân mình, hơn thế nữa là đối tượng của việc hiến dâng là Đấng Tạo Hóa chứ không phải ai khác. Đấng tạo dựng con người có khả năng lấp đầy con tim nhân loại bằng mầu nhiệm tiệc cưới vĩnh hằng, đã được bắt đầu ngay từ bây giờ trong sự trìu mến thân tình của ân sủng. Ngôn sứ Isaja nói: "Người Chồng của ngươi là Đấng đã tạo dựng nên ngươi" (Is 54,5). Sự khiết tịnh hoàn toàn dẫn đưa bạn vào trong vườn đóng kín, ở đó bạn sống thân mật với Thiên Chúa. Khi nguyện gẫm, bạn sống trong sự hiệp nhất thân thình mật thiết với Thiên Chúa. Nếu bạn khước từ tình yêu tự nhiên loài người, đó là vì bạn muốn tìm kiếm sự hoàn thiện và sung mãn của tình yêu.

Không dễ gì bạn hiểu được điều đó! Bởi vì bạn được hấp thụ sự hiểu biết và có cái nhìn thông thường, chứ không phải bằng con tim trước thực tại con người chung quanh bạn. Để cầu nguyện tốt, bạn phải đặt mình trong tình cảm chân chính bắt nguồn từ động lực thâm sâu nhất của bản thân bạn. Bạn có chấp nhận yêu mến những người khác với con tim nhân loại của bạn và để cho người khác yêu mến bạn không?

Bạn biết rõ: cầu nguyện đó là bắt liên lạc với Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Nếu như bạn khó bắt liên lạc với những người khác, bởi vì tình cảm của bạn bị đóng kín, thì bạn cũng sẽ cảm thấy ngượng ngùng khi đến với Thiên Chúa bằng tất cả con tim của bạn, và nhất là bạn khó mà tìm được trong Ngài sự quân bình tình cảm của bạn. Nhiều người không thể cầu nguyện được, bởi vì họ không học cách gặp gở người khác trong chân lý.

Nếu bạn từ chối tình cảm của bạn thì chính tình cảm sẽ nổi lên đòi bạn phải bù trừ. Khô khan nguội lạnh hay lý tưởng viễn vông là hậu quả của việc hiểu lầm trong địa hạt tình cảm. Vậy lúc cầu nguyện bạn hãy đặt mình trước Thiên Chúa với tất cả tâm lực của bạn. Đừng sợ yêu mến Thiên Chúa với con tim bằng thịt của bạn và những cảm xúc tự nhiên vui sướng được ở bên Ngài. Chớ gì bạn thực sự vui mừng vì được đến gần Thiên Chúa (Tv 73,28)! Muốn được như vậy thì tình yêu của bạn phải là tình yêu chân thực và vô vị lợi, không vị kỷ chỉ tìm kiếm chính mình.



IV. 14. Bạn đừng hoảng sợ vì khô khan nhàm chán

khi bạn nguyện gẫm.

Bạn hãy học yêu mến Thiên Chúa

vì chính Ngài chớ không phải để được

hưởng nếm niềm vui hoan lạc.


Trong cầu nguyện bạn không cần phải sợ cảm tính của bạn, nhưng phải thanh luyện và giáo dục nó. Hãy chấp nhận những cách thức diễn tả nó, nhưng phải tránh tất cả mọi sự tự sướng và tự mãn có thể xảy ra. Niềm vui đến từ sự hiến dâng của bạn dành cho Thiên Chúa trong cầu nguyện là điều tốt lành và cũng là điều Chúa muốn, nhưng nếu bạn tìm cách tạo ra nó để tự sướng thì bạn không còn tinh ròng trong sạch.

Trong cầu nguyện, bạn phải học tìm kiếm Thiên Chúa vì Thiên Chúa. Về phương diện nầy, những sự khó khăn và khô khan gặp nhau là điều hữu ích, bởi vì chúng đảm bảo rằng bạn đi cầu nguyện không phải vì những ý tưởng và tình cảm có thể đến với bạn, nhưng vì Thiên Chúa mà thôi. Như thế nguyện gẫm càng trống rỗng nhạt nhẽo thì càng giúp bạn gắn vó với Thiên Chúa hơn; chính Ngài thúc dục bạn cầu nguyện tốt hơn để kết hiệp với Ngài và tự hiến mình hơn nữa cho tình yêu của Ngài. Vậy điều bạn cầu xin bây giờ không phải là tình cảm yêu đương, nhưng là tình yêu đích thực thúc đẩy bạn tự hiến mình cho Thiên Chúa một cách hiển nhiên. Khi đi cầu nguyện, bạn chỉ mang theo một sự duy nhất, đó là ước muốn được ở trước mặt Chúa Cha và ở đó trong suốt giờ nguyện gẫm vì tình yêu của Ngài. Chính vì vậy bạn phải kêu cầu Chúa Thánh Linh để tình yêu của con tim nghèo nàn của bạn được hòa nhập với tình yêu bao la của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Như thế sau khi kiểm chứng và thanh luyện tình cảm của trong liên hệ với Thiên Chúa và tha nhân, bạn có thể phân biệt đâu là tình yêu chân chính và đâu là cảm tình thuần túy, trong đó bạn thường bỏ tù cầu nguyện và bác ái huynh đệ. Và mỗi ngày bạn sẽ kết hiệp với Thiên Chúa và yêu mến Ngài thiết thực hơn.

Nếu bạn nhận được hồng ân kinh nghiệm đích thực của việc cầu nguyện trường kỳ, bạn sẽ thực hành nguyện ngắm và thích thú được ở lâu giờ trước mặt Thiên Chúa, tìm kiếm và yêu mến Ngài hơn nữa. Như thế bạn sẽ nhận biết sự nghèo nàn của mình và khước từ chính bản thân bạn; và khi bạn ra khỏi phòng cầu nguyện để bước vào đời sống hằng ngày, việc cầu nguyện của bạn sẽ được kiểm chứng bằng mối liên hệ với kẻ khác; bạn chấp nhận họ và yêu mến họ như họ đáng được mến yêu.

Định luật của mọi tình yêu, nhất là tình yêu thiêng liêng, đó là quên mình đi để tìm kiếm niềm vui và hạnh phúc cho kẻ khác. Điều quan trọng trong cầu nguyện cũng như trong đời sống huynh đệ, đó là thoát ly khỏi con người ích kỷ của bạn để chú ý đến người khác. Bạn phải thay đổi cái nhìn của bạn, phải xả kỷ hy sinh cho người khác. Ở đây chúng ta đối nghịch với Gide, người đã viết trong cuốn sách của ông "Lương thực trần thế" (Les nourritures terrestres): "Quan trọng là trong cái nhìn của bạn, chứ không phải trong sự vật được nhìn".

Như thế không phải là tự khép kín mình, cầu nguyện cũng như tình yêu chân chính, trái lại, là ra khỏi mình để đến với người khác. Cầu nguyện là hồng ân của bạn dành cho người khác một cách vô vị lợi, đó là sự ngợi khen và tôn thờ. Chỉ có cầu nguyện tạ ơn có thể giúp bạn ra khỏi con người phàm tục của bạn để đến với tha nhân. Nếu việc cầu nguyện làm cho bạn trở nên hẹp hòi ích kỷ chỉ biết nghĩ về mình, thì đó là một dấu chỉ hiển nhiên không phải điều Thiên Chúa mong muốn, mà chỉ là sự tìm kiếm riêng của bạn, cho dầu việc cầu nguyện làm cho bạn xúc động mạnh và chan chứa hân hoan.

Khả năng yêu mến tự nhiên của bạn càng lớn bao nhiêu thì tình cảm và sự tinh luyện càng cần được cân bình bấy nhiêu. Không nếm được cầu nguyện và không có kinh nghiệm về Thiên Chúa sẽ tạo ra sự chênh lệch trầm trọng giữa khả năng yêu mến và đời sống thiêng liêng của bạn, khiến cho bạn ở trong tình trạng ấu trỉ non nớt. Hãy đến với Chúa Kitô bằng một tình yêu đơn và kiếm tìm trong cầu nguyện cuộc chuyện trò thân tình với Ngài. Bạn đừng tìm kiếm những ý tưởng về Thiên Chúa, nhưng chỉ tìm được ở gần Ngài trong niềm vui và bình an. Những khó khăn của bạn trong việc cầu nguyện sẽ được giải quyết bằng chính tình yêu. Những lúc bạn gặp gỡ Thiên Chúa phải được thấy trước ngay cả trong những giai đoạn xem ra Ngài ở xa bạn. "Tình yêu phải thể hiện trong những việc làm hơn là trong lời nói" 31.




IV.15. Trong lúc nguyện gẫm,

bạn hãy hiện diện trước mặt Thiên Chúa

bằng con người thực của bạn.

Nếu bạn kiên trì ở với Ngài,

bạn sẽ ra về với niềm vui và bình an.

Có lẽ bạn không dám cầu nguyện vì sợ đối diện với Thiên Chúa? Bạn sợ phải để cho Ngài thấy con người thực của bạn, như Ngài luôn luôn xem thấy bạn tận đáy lòng. Thường thì khi bạn khám phá mình nghèo nàn và tội lỗi thì việc cầu nguyện của bạn chậm lại, đáng lý ra bạn phải cầu nguyện tha thiết hơn. Vậy bạn hãy xem diện mạo một đứa trẻ rất sạch sẽ và tử tế, rồi bạn vất bỏ tội lỗi và những lo lắng của bạn ngoài cữa. Bạn đến với Thiên Chúa với bộ mặt lạnh như đá và con tim bằng giấy; làm sao bạn lại muốn Chúa Kitô in những dấu ấn của Ngài trên cái mặt nạ ấy được sao, hoặc thông ban sự sống của Ngài cho một hình nộm ấy được? Ngài chỉ có thể làm cho cái mặt nạ ấy đổi màu sắc hoặc phủ cho một lớp vải bên ngoài chứ không thể thay đổi nó từ bên trong.

Khi bạn đi cầu nguyện, bạn thấy thật nặng nề, và Thiên Chúa hầu như không hiện thực, mờ nhạt và xa xôi. Bạn thường cảm thấy mình bị đè nén, bị ám ảnh bởi những mảnh vụn bực bội và chán ngán, oán hờn và bi quan, tội lỗi nhơ nhớp. Bạn tự hỏi làm sao có thể vất bỏ đi những thứ đó để nhóm lên ngọn lửa yêu mến Thiên Chúa đang le lói trong bạn, bởi vì bạn đang hiện diện trước mặt Ngài để cầu nguyện. Bạn hãy cứ ở đó trước mặt Thiên Chúa với con người xác thể đích thực của bạn !

Nhất là bạn đừng tự lừa dối mình; đừng đóng kịch và đừng làm như tất cả mọi sự đều tốt đẹp cả, rồi nói những lời hoa mỹ: "Lạy Chúa, con yêu mến Chúa hết lòng!" Thực ra bạn biết rõ điều đó chẳng có thực; bạn mong muốn Chúa để cho bạn yên thân, bởi vì bạn yêu mến rất ít ý muốn của Ngài. Bạn thường thử sức mình yêu mến người nầy, cố gắng thực hiện việc nọ, và rồi bạn bỏ cuộc nhận lấy sự thất bại. Bạn hãy phô trương trước Thiên Chúa sự nghèo nàn, sự đau khổ và tội lỗi của bạn!

Bạn chớ cố thiết lập sự quân bình giữa ý muốn và thực tế. Cán cân tội lỗi thì quá nặng đối với cán cân Thiên Chúa! Nhất là bạn đừng hòng bóp chết cái tai họa ấy để thay đổi tình huống quyền bính: bạn có nguy cơ đánh vở tất cả! Nếu bạn kiên trì cầu nguyện và càng ngày càng tiến sâu vào trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, thì chính Thiên Chúa sẽ can thiệp cho bạn. Để được như vậy, bạn phải cầu nguyện nhiều năm, đến một lúc nào đó bạn sẽ thoát khỏi độc thoại để chỉ lắng nghe Thiên Chúa nói với bạn. Ngài trả lời cho bạn; Ngài làm việc và hành động luôn luôn, như lời Chúa Giêsu nói: "Cha Thầy làm việc không ngừng". Vậy Thiên Chúa làm gì trong chốn thâm sâu con tim bạn?

Ngài làm nguôi cơn giận của bạn, Ngài biến đổi thù oán thành yêu thương, bi quan thành hoan lạc và nhơ nhớp thành trơng sạch. Tóm lại Ngài đưa bạn ra khỏi "trạng thái chẳng nóng chẳng lạnh" của bạn. Lúc bấy giờ bạn sẽ sửng sốt khám phá ra rằng: Quả núi khổng lồ che khuất bạn với Thiên Chúa đã biến chìm trong lòng Đại Dương. Một người chiêm niệm lừng danh, người giữ cữa của tu viện Dòng Tên tại Majorque, có đặc ân xoa dịu tâm hồn kẻ khác bằng cái nhìn của mình, nói thế nầy: "Khi tôi cảm thấy ê chề đắng cay trong tôi, tức thì tôi phơi bày tất cả trước Thiên Chúa, và đồng thời tôi cầu nguyện cho đến khi Ngài biến đổi chúng thành êm dịu ngọt ngào" (Thánh Alphonse Rodriguez).

Vâng, tất cả đã tiêu tan dưới cái nhìn yêu đương của Thiên Chúa. Mọi sự đều tan biến và bạn cảm thấy vui mừng sung sướng được ở với Ngài. Bạn bắt đầu yêu mến ý muốn Thiên Chúa, và nhất là yêu cuộc sống mà Ngài ban cho bạn hôm nay, bởi vì nó là chứng từ cụ thể của sự trìu mến của Ngài. Bạn hiểu biết rằng những chướng ngại vật không thể vượt qua kia làm bạn sợ hãi, bởi vì bạn chỉ nhìn chúng từ xa. Bây giờ bạn dám nhìn chúng sát gần với Ngài, và tất cả đã thay đổi. Các vấn đề của bạn vẫn còn nguyên vẹn, nhưng từ phía Thiên Chúa chúng đã thay đổi ý nghĩa.

Một thiếu nữ có nhiều khó khăn đủ thứ một ngày nọ đã đến nói với tôi: "Từ khi con quen biết người đính hôn với con, các bạn hữu của con không nhận biết con nữa, con không còn là người như trước kia". Những khó khăn của cô đã chẳng thay đổi, nhưng chính cô thay đổi và nhìn những khó khăn đó với một nhãn quang khác.

Thiên Chúa không ngừng làm vở mộng trần thế của bạn để rồi mở ra cho bạn hy vọng siêu nhiên. Ngài làm cho bạn phải khước từ một số sự việc, nghĩa là loại bỏ giải quyết thần diệu các vấn đề của bạn để đưa bạn đến gặp gở Đấng mà bạn phải cậy trông phó thác. Cầu nguyện đó là luôn luôn giết chết các ý tưởng, những phán đoán và ý muốn ích kỷ của bạn để tái sinh cho những ý tưởng của Thiên Chúa, nghĩa là cho tình yêu xuất phát từ con tim của Ngài. Để đạt đến đích điểm đó, bạn phải dày công luyện tập cầu nguyện dưới ánh sáng mặt trời của Thiên Chúa - Đức Giêsu Kitô.

IV. 16. Hãy gạn lọc con tim của bạn

trong Thánh Danh Chúa Giêsu!

Những gì bạn có thể nói hay làm thì hãy làm và nói "nhân danh Chúa Giêsu" (Col 3,17). Bạn cảm thấy rằng lời nói đó của thánh Phao-lô có khả năng làm cho tất cả cuộc đời của bạn trở nên lời cầu nguyện liên tục, vì thế bạn phải học đòi truyền thống cầu nguyện của Giáo Hội Đông Phương. Bạn hãy gạn lọc tư tưởng của bạn, ước muốn của bạn, tình cảm của bạn và những cuộc gặp gỡ của bạn trong sự tưởng nhớ đến Thánh Danh Chúa Giêsu. Chính trong Thánh Danh Ngài, nghĩa là chính Chúa Giêsu, mà bạn phải thu tập tất cả cuộc sống mình và gạn lọc con tim của bạn.

Trong bạn có cả một khối ước mơ, ký ức và dục vọng làm cho bạn đắm chìm trong cơn giông tố, tuy nhiên bạn đã chịu phép rửa tội; Chúa Giêsu ở trong con tim bạn bởi đức tin, và sự sống Thiên Chúa thấm nhuần tất cả con người của bạn. Vậy từ tận đáy lòng của bạn hãy làm vang dội Danh Chúa Giêsu, trong hoài niệm và tư tưởng của bạn hãy để Ngài phản chiếu và hiện diện.

Hãy để vọng lên trong bạn những tư tưởng ấy và đừng dồn ép loại bỏ nó, nhưng hãy để nó xuất hiện bằng lời nói, như thế từ chốn thâm sâu cõi lòng bạn kiểm soát nó. Bạn có kinh nghiệm về những sự yếu đuối của bạn? Hãy chấp nhận giáp mặt và xem rõ nó, đặt nó trong sự tin tưởng dưới cái nhìn của Thiên Chúa. Như vậy bạn sẽ cảm nhận được từ sự yếu đuối của bạn một sức mạnh và sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng mà bạn không ngừng kêu xin bằng lời nguyện ngắn gọn theo truyền thống Giáo Hội Đông Phương.

Trong giờ nguyện gẫm, Chúa Giêsu sẽ mặc khải cho bạn lời nguyện ngắn gọn, giống như Mantra của những người Ấn Giáo, và Ngài đợi chờ bạn dùng để cầu nguyện suốt trong ngày. Lời nguyện tắt giúp chúng ta sống trong liên lạc với Chúa Ba Ngôi; nó làm cho chúng ta kết hiệp với Chúa Giêsu trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Lời nguyện tắt chủ yếu lấy từ Phúc âm. Vì thế bạn có thể sử dụng như lời cầu nguyện riêng của bạn: "Lạy Cha, nhân danh Chúa Giêsu, xin ban cho con Thánh Linh của Chúa!" (Ga 16,23-24; Lc 11,13).

Chúa Giêsu phải hiện diện nơi tất cả những gì bạn trông thấy, như lời nói chí lý của Cha Teilhard de Chardin: "Chớ gì cuộc sống trần thế của bạn trở nên một không gian bao la đầy kinh nghiệm của Chúa Thánh Linh". Khi bạn cảm thấy trong mình đau khổ ê chề, cám dỗ nặng nề, vui buồn phiền tràn trề, bạn hãy làm cho chúng thoát ra khỏi con tim của bạn rồi dâng lên cho Chúa và cầu xin Ngài vui lòng đón nhận và biến đổi chúng thành sự bình an ngọt ngào.

Bạn chớ bao giờ tự mãn cậy vào sức riêng của mình, trái lại ngay từ lúc cơn hỗn loạn bất an bắt đầu nổi lên trong con tim, bạn hãy lập tức đến với Chúa Cha và không ngừng khẩn cầu kêu xin cho đến khi Thần Khí của Ngài đến giải thoát bạn. Có những ngày bạn phải cầu nguyện nhiều giờ mới tìm lại được sự bình an, nhưng nếu bạn chấp nhận nhìn thẳng thực tế trước mắt, Thiên Chúa sẽ làm cho những chướng ngại vật trở nên phương tiện để bạn gặp gỡ Ngài. Đừng bao giờ quên lời nầy của Chúa Kitô, Đấng sẽ ban phép cho bạn truyền khiến những hòn núi lớn dời chỗ xuống biển: "Tất cả những gì con cầu xin bằng một đức tin vững mạnh thì con sẽ nhận được" (Mt 21,22).

Chớ gì thái độ đó luôn có trong cuộc đời của bạn! Đó là sự từ bỏ chính mình bạn, từ bỏ các tư tưởng và ước muốn của bạn để vác thánh giá theo Chúa Kitô. Đó là tinh thần Bát Phúc trong sự nghèo nàn và sự hiếu thảo con cái. Khi Chúa Giêsu đến trong con tim bạn, Ngài chuyển thông cho bạn thái độ căn bản của Ngài là từ bỏ chính mình và phó thác cho Chúa Cha, và tự hiến làm của lễ tạ ơn trong Chúa Thánh Linh. Chính nhờ đó mà bạn sẽ tìm được nguồn mạch đích thực; và khi bạn luôn luôn giao phó mình cho Thiên Chúa thì bạn sẽ được giải thoát khỏi mọi vướng mắc để có thể gặp và nhìn thấy Ngài trong mọi sự, trong mọi biến cố. Được như như thế bạn đã sống một mảnh nhỏ của sự trường tồn vĩnh hằng rồi vậy.

Trong cuộc sống, bạn có thể thiếu các Phép Bí Tích, thiếu cầu nguyện lâu giờ và ngay cả thiếu những phương tiện thông thường để Thiên Chúa hiệp thông với bạn bằng ân sủng của Ngài, nhưng không bao giờ bạn được miễn chuẩn cho mình việc dâng hiến con tim của bạn cho Thiên Chúa để Ngài tinh luyện và thánh hóa bởi Thánh Linh của Ngài. Sống với Chúa trong tâm tình và tư tưởng, luôn luôn gọi tên Chúa Giêsu là một phương thế tẩy luyện con tim của bạn khỏi các tì vết vẩn đục, lau chùi và gìn giữ tấm gương nội tâm của bạn để tình yêu Thiên Chúa phản chiếu trong bạn. Đó cũng là một cách rà sát lương tâm xét mình hằng ngày. Như thế bạn thể hiện sự kết hiệp với Thiên Chúa trong chính bản thân của bạn. Lời nguyện tắt là vũ khí và hành trang để bạn đến với Chúa Cha trong Chúa Kitô.


IV.17.Cầu nguyện là việc làm của con người tự do.

Nó giả định bạn dành cho nó vị trí ưu tiên

trong đời bạn bất chấp những khó khăn.


Chỉ lúc nào bạn thực sự cầu nguyện chiêm niệm trong tôn thờ, ngợi khen và yêu mến thì bạn mới cảm thấy sự cần thiết của những điều kiện thể lý trong việc cầu nguyện. Khi nào bạn chưa đạt tới mức độ cầu nguyện thuần túy chiêm niệm thì tâm trí của bạn còn mãi miết theo đuổi những hoạt động ngoại tại, ý chí của bạn dồn vào những kế hoạch dự trù và tất cả nghị lực kết tụ trong óc não của bạn. Và rồi đến một ngày nào đó tất cả giảm dần rồi biến mất và lúc bấy giờ bạn khám phá ra rằng con người vốn không có gì vững bền, và rất nguy hiểm nếu như ức chế những đòi hỏi của nó với chiêu bài cầu nguyện với tâm trí của bạn mà thôi.

Biết bao nhiêu người ước muốn cầu nguyện mà không cầu nguyện được, bởi vì họ mất quân bình ngay trong bản thân họ. Bạn đừng vội vàng nghĩ rằng đó chỉ là những thử thách thiêng liêng hoặc những đêm tối đức tin. Cái cám dỗ lớn là muốn đặt vào địa hạt thiêng liêng những gì bạn chưa khám phá được trong con người bạn, hoặc không muốn trông thấy. Có những điều kiện tâm lý tự nhiên ngăn cản hoặc làm rối loạn việc cầu nguyện. Chẳng hạn nhiều người không hiểu biết hoặc không chấp nhận phái tính của mình, không thể làm chủ và điều khiển được tình cảm mình; họ tỏ ra chưa trưởng thành, nghĩa là họ không thể thoát ra khỏi tính chủ quan để thực sự nhìn thấy người khác một cách khách quan. Hơn nữa khả năng trí tuệ của họ làm cho họ tìm cách hiểu sự việc theo cái nhìn loài người rồi đem áp dụng vào địa hạt đức tin. Gặp gỡ Chúa Kitô như một người trở thành khó khăn cho họ, bởi vì họ thực sự không có liên hệ với người khác đúng nghĩa. Đối với những người như thế thì cầu nguyện là rất khó nếu không nói là không thể được.

Khi đọc những giòng nầy bạn đừng kết án người khác, bởi vì tất cả chúng ta ít nhiều có những điểm giống những người được phác họa. Bạn cảm thấy cần cầu nguyện mà bạn lại không thể cầu nguyện được vì có những giới hạn của con người. Trước hết bạn hãy cố gắng tìm hiểu và đừng sợ sự thật và cũng đừng nản lòng. Bạn đừng nghĩ rằng chỉ cần cố gắng sẽ thoát khỏi tình trạng hiện thời, hoặc bỏ qua đi mà nghĩ rằng đó là một thử thách ngày mai tự nó sẽ qua đi.

Bạn phải cố gắng ngay lúc nầy. Người ta không thể chữa lành bệnh bằng cách chỉ biết triệu chứng bệnh, mà phải diệt trừ căn nguyên của bệnh. Người ta hay khuyên bạn đối kháng một cách máy móc, nhưng dưới ánh sáng trí tuệ bạn phải cố gắng hết mình để thoát khỏi sự yếu đuối của bạn và học tập cầu nguyện. Bạn quên giáo dục mình từ chiều sâu! Chớ tin rằng tất cả lệ thuộc lý luận của trí tuệ và ý chí. Vấn đề không phải như bề mặt bạn xem thấy mà ở chiều sâu. Những phản ứng theo lương tri có thể dẫn đến nghi vấn thiết yếu. Từ thâm sâu lòng bạn có một thực tại sống động, một động lực tình cảm dẫn đưa đời sống nội tại của bạn và cho nó một ý nghĩa. Ý nghĩa đời sống bạn là sự hoạt động hằng ngày của Thiên Chúa trong bạn. Bạn cần qui hướng về nó, hiểu biết nó, sử dụng nó và không được lãng phí bỏ qua. Không phải là vấn đề quyết định hay không, mà là phải đồng thuận thể hiện.

Nếu bạn muốn thoát khỏi một sự khó khăn hoặc ra khỏi tình trạng khổ tâm, trước tiên bạn hãy bình tĩnh chịu đựng, bạn đừng loại bỏ chúng cũng đừng cố gắng nhào nặn đặt để con người bạn bên ngoài chúng, sự khó khăn tình cảm chẳng hạn, bạn phải ý thức rõ ràng để tất cả sức sinh động bản năng ở trong con người bạn, và không dùng bất cứ vật cản nào để ngăn chặn. Bạn đón nhận và chấp nhận nó. Bạn sống với nó nghĩa là hướng dẫn bản năng ấy vào trong tình yêu dâng hiến cho Thiên Chúa và cho anh em, bởi vì đó là một thực tại hiện hữu có chứa mầm mống sản sinh ý nghĩa tiềm tàng của tương lai bạn.

Kinh nghiệm chỉ cho thấy rằng không ai thoát khỏi vấn đề khó khăn. Nếu bạn có cách nào đó loại trừ được trên bình diện tâm lý thì nó củng sẽ trở lại dưới những hình thức khác hoặc qua trung gian các biến cố ngoại tại. Không ích gì khi tìm cách trốn tránh, bởi vì khó khăn là một thực tại gắn liền với đời sống con người. Vì thế tốt hơn là cứ chấp nhận và biến hóa nó. Hãy đón nhận sự khó khăn ấy như nó là ở ngay trong bạn và chịu đựng đến cùng. Thường tình thì bạn sẽ ra khỏi tình trạng khó khăn bởi tự đáy lòng.

Nói như thế không có nghĩa là những người trưởng thành và quân bình mới có thể cầu nguyện được. Tất cả chúng ta ai cũng có ít nhiều bất quân bình, mỗi người đều có thánh giá riêng của mình. Chúng ta phải chấp nhận thực tại con người của mình, chấp nhận cả những thất bại phủ phàng và đắng cay của nó. Nếu bạn sống cái đau khổ và khô khan nội tâm của mình với tất cả ý thức và tình yêu, thì một cách nào đó bạn để cho Chúa Kitô tiếp nhận đau khổ của bạn như những sức mạnh của việc cứu độ và phục sinh. Đời sống cầu nguyện của bạn phải luôn luôn đâm rễ sâu trong Chúa Kitô chịu khổ nạn. Bao lâu tâm hồn bạn chưa có sự quân bình, bao lâu bạn chưa dành cho Chúa Kitô một chỗ yên tĩnh trong con tim của bạn, thì bạn không thể nào cầu nguyện thực sự.



IV.18. Để cho việc cầu nguyện thực sự là

tình yêu Chúa Cha,

bạn hãy vào trong sự ngợi khen và tôn thờ.

Một số người đương thời ngày nay gạt bỏ cầu nguyện để làm những việc mà họ cho là khẩn thiết hơn. Họ dễ dàng loại bỏ những kinh nghiệm cá nhân có thể giúp tiếp cận với Chúa Kitô trong Phụng Vụ và qua việc phục vụ anh em. Phản ứng đó quả thực phát sinh từ tâm trạng của những người chán ngán cầu nguyện, bởi vì họ chỉ biết nghe chính mình hơn là lắng nghe Lời Chúa.

Bạn là người cầu nguyện, bạn không cũng không tránh khỏi sự trách móc nầy. Bạn luôn bị cám dỗ lấy kinh nghiệm của bạn làm trung tâm điểm, và đánh giá phẩm chất cầu nguyện của bạn bởi cường độ cảm giác của bạn. Tốt nhất là tất cả con người của bạn bắt liên lạc với Thiên Chúa. Bạn hãy biết rằng qui luật đích thực của cầu nguyện là bạn quên mình hoàn toàn và Thiên Chúa có thể chiếm đoạt tất cả con người của bạn. Và bạn sẽ cầu nguyện thực sự trong đêm tối, nghĩa là lúc bạn không còn ý thức mình nói với Thiên Chúa và tất cả động tác cầu nguyện trở nên tự nhiên đối với bạn. Cầu nguyện phải thâm nhập mọi tế bào của con người bạn, lúc ngủ cũng như khi thức, bất kỳ ở đâu. Cầu nguyện phải là những luồng điện tử hướng dẫn tâm thức cũng như vô thức của bạn. Khi vừa thức dậy, tư tưởng đầu tiên là nghĩ đến Chúa. Khi nói chuyện với một người yêu, dĩ nhiên là bạn không muốn làm phật lòng với những câu hỏi được đặt ra, nhưng bạn hoàn toàn cảm thông nổi vui buồn của bạn mình bằng cử chỉ chú ý lắng nghe. Chính nhờ thái độ lắng nghe và cảm thông của bạn mà tình yêu được diễn tả một cách chân tình trung thực.

Bởi vậy trong khi cầu nguyện, bạn phải không ngừng từ bỏ chính cái tôi của mình để chiêm ngưỡng tình yêu Thiên Chúa. Động tác đi đến với Thiên Chúa chỉ có thể khởi động bằng việc từ bỏ chính mình. Không gì kém chủ quan hơn cái kinh nghiệm đích thực của cầu nguyện. Bạn phải biết loại bỏ những sự diễn tả vụng về thường xảy ra khi cầu nguyện và giữ lấy cái cốt lõi của việc chiêm niệm.

Cầu nguyện đích thực bắt đầu khi bạn đi vào trong sự khách quan của Thiên Chúa, ở đó bạn tự xóa bỏ mình trước đối tác tình yêu của bạn. Bạn qui hướng về Thiên Chúa với tất cả mọi sức lực của bạn. Nhất là bạn đừng vội nghe những người khác nói với bạn rằng "phục vụ kẻ khác là cách cầu nguyện cao cả và tinh ròng nhất". Bạn biết rõ là người ta có thể tìm kiếm chính mình bằng cách cách nấp dưới chiêu bài phục vụ tha nhân. Cầu nguyện sẽ giúp bạn kiểm chứng xem bạn có thực sự phụng sự Chúa Giêsu Kitô và tha nhân không. Ngày nào bạn cầu nguyện chỉ vì Thiên Chúa mà thôi, lúc đó bạn cũng sẽ dễ dàng yêu mến kẻ khác vì chính họ.

Như thế nếu bạn muốn bẻ gãy cái vòng chủ quan và thoát khỏi trạng thái cằn cỗi thiêng liêng của bạn thì hãy vào trong thế giới ngợi khen và cảm tạ. Lúc đầu bạn cảm thấy lạc lõng, bởi vì bạn chưa quen, và tâm trí của bạn đang bị phân tán giàn mỏng ở ngoại giới. Trong giờ nguyện gẫm, Thiên Chúa Tình Yêu phải là đối tượng độc nhất của việc chiêm niệm và ước mong của bạn. Bạn hãy cương quyết tẩy chay cái tôi của bạn để mở toang tâm lòng cho Thiên Chúa theo chương trình cứu chuộc của Chúa Kitô và ý muốn của Hội Thánh.

Khi nào bạn khám phá được tình yêu vô bến bờ của Thiên Chúa dành cho nhân loại rồi, bạn sẽ không còn nghĩ đến những cảm tình nhỏ nhen nữa, mà chỉ quan tâm chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ về tình yêu đó. Bạn sẽ sống trong Ngài và bạn sẽ biến mất trong trong lửa mến tình yêu. Cầu nguyện thực sự phát sinh từ chiêm ngắm Tình Yêu. Bạn đừng có tham vọng tự mình đạt tới mức độ chiêm niệm tinh ròng đó, nhưng hãy kiên trì cầu nguyện !

Chính vì thế Kinh Nhật Tụng phải là trung tâm điểm việc cầu nguyện hằng ngày của bạn. Bạn phải dùng những lời cầu nguyện chính thức của Hội Thánh mà cao rao những kỳ công của Thiên Chúa thay cho Dân Chúa. Kinh Nhật Tụng phải là những lời cầu nguyện thánh hóa bản thân và ngày sống của bạn ngõ hầu làm cho bạn trở nên của lễ toàn thiêu thiêng liêng dâng lên Thiên Chúa. Kinh Nhật Tụng sẽ đưa bạn vào trong chiêm niệm thinh lặng của đêm tối, trong đó bạn có thể trả lời cho tình yêu của Thiên Chúa bằng những diễn tả tâm tình thầm kín của bạn, bằng lời nguyện tạ ơn và tôn vinh thân thưa với Đức Chúa Cha.

Chớ gì việc cầu nguyện của bạn không phải là đóng kín cõi lòng nhưng là sự hiện diện, sự hiệp thông với Thiên Chúa. Bạn hãy yêu thích cầu nguyện với Kinh Vinh Danh, Kinh Chúc Tụng (Sanctus) và Kinh Magnificat : Với các kinh nầy bạn hát ca chúc tụng vinh quang và tình yêu Thiên Chúa. Như thế bạn cử hành tưởng nhớ những việc vĩ đại mà Thiên Chúa thực hiện trong sự nghèo hèn của các tôi tớ của Ngài. Trong lúc cầu nguyện bạn đừng nói với Thiên Chúa về bạn, nhưng hãy để Ngài nói với bạn ít nhiều về chính Ngài, về tình yêu của Ngài. Tóm lại bạn hãy vui mừng về niềm vui của Ngài, về hạnh phúc và vẻ đẹp tuyệt vời của Ngài. Hãy yêu thích cầu nguyện và chỉ nói về Thiên Chúa !


IV. 19. Gần gũi và tiếp xúc với người

được Thiên Chúa chiếm hữu,

chắc chắn sẽ được biến đổi từ nội giới.

Bạn đã gặp một người cầu nguyện thực sự, một người chỉ biết sống cho Thiên Chúa, một người được thanh luyện bởi bụi gai cháy sáng chưa ? Nếu bạn đã gặp rồi thì dĩ nhiên bạn hiểu được cái tựa đề tôi vừa cố gắng diễn tả một cách vụng về trên đây. Bạn không thể gặp người ấy, hoặc chưa có liên lạc với ngưới ấy, tuy nhiên có lẽ bạn cũng có cùng một sự khái niệm như bà Simone Weil: "Giữa những sự thuộc về con người, không gì có sức mạnh lôi kéo cái nhìn luôn hướng về Thiên Chúa cho bằng những người bạn thân thiết của Ngài" 32.

Những người đó rất hiếm có, bởi vì có rất ít người chiêm niệm đích thực biết sống với cái đầu hướng về trời và hai chân đi trên đất. Vả lại để được như vậy thì cần phải có sự tinh luyện trong thinh lặng và cầu nguyện. Nhiều người trốn tránh tiếp xúc với Thiên Chúa. Họ sợ bỏ lại đó da thịt của họ và sự an toàn của mình. Nhưng nếu Thiên Chúa ban phép cho bạn được gặp một trong những người chiêm niệm thực sự thì bạn đừng bỏ lỡ cơ hội để tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa. Dù bạn chỉ thực sự gặp gỡ Thiên Chúa một lần đó mà thôi thì bạn cũng được biến đổi và trong cuộc đời còn lại của bạn sẽ có ảnh hưởng của lần gặp gỡ đó.

Những người chiêm niệm phục vụ Hội Thánh và nhân loại tùy theo mức độ đời sống kết hiệp của họ với Thiên Chúa. Họ hiện diện trong lòng thế giới và nhân loại ngay từ suối mạch của sự sống. Hơn bao giờ hết, thế giới ngày nay cần có những chứng nhân thầm lặng nầy. Họ là những người sống gần Thiên Chúa có sức củng cố và ảnh hưởng nhiều đến đời sống của chúng ta.

Chính Chúa Thánh Linh dẫn đưa những người ấy đi xa khỏi ồn ào thế sự phù vân để tiến vào chiều sâu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Họ kết hiệp chặt chẽ với Thiên Chúa. Mỗi ngày họ chìm ngập vào mầu nhiệm Thiên Chúa, nhờ đó họ gặp bạn một cách thiết thực hơn. Họ không dừng lại nơi những gì bạn có : chức quyền, kiến thức, địa vị và giàu sang… Họ nhìn thấy bạn từ bản thể thầm kín mà nhiều khi chính bạn cũng chẳng thấy. Họ chìm sâu trong Đại Dương Chúa Thánh Linh để đem lại cho những người sầu khổ những hồng ân tuyệt hảo và dồi dào. Cách thánh nhân phục vụ con người không phải bằng những công tác xã hội hoặc các việc từ thiện, nhưng với sứ mệnh thuần túy thiêng liêng.

Chỉ cần gặp gỡ họ thì bạn sẽ khám phá được con người thực của bạn và nhất là hiểu được điều bạn phải làm. Ngay cả khi bạn không xin họ ban cho lời khuyên bảo; chỉ cần bạn để họ nhìn xem thôi, bởi vì họ hiệp thông với cái nhìn của Thiên Chúa, nhờ đó mà họ mặc khải cho bạn thấy căn tính của chính bạn. Rồi những ngày nào đó bạn tự đặt cho mình những câu hỏi, bạn thấy mình bị tội lỗi áp đảo, hầu như bị nghiền nát bởi sự khốn cùng; lúa ấy bạn hãy đến với Thiên Chúa bằng con người thực của bạn; bạn chớ có bắt đầu bằng cách kể lể cho Ngài nghe lịch sử cá nhân bạn, nhưng hãy ở đó trước mặt Ngài, trong thinh lặng mở rộng con tim của bạn. Henri Bergson viết trong tác phẩm "Các mầu nhiệm Kitô Giáo" : "Với người kitô hữu chỉ cần hiện hữu; sự hiện hữu của họ là một lới mời gọi". Thánh nhân hiểu biết bạn mà không cần nói. Thánh nhân nhìn thấy bạn không như người khác xem thấy bạn. Trong cái nhìn của thánh, nhân bạn hiểu biết tất cả. Những vấn nạn của bạn, những nghi vấn của bạn và sự lo lắng riêng của bạn, tất cả sẽ biến mất mà bạn không biết lý do. Linh mục Le Saux nói về viện phụ Monchanin: "Ai gặp người dù chỉ một lần mà thôi cũng không thể quên cái nhìn chân tình và thấu suốt của người. Với cái nhìn ấy các bạn có thể đi sâu vào trong tâm hồn của người. Gặp người, các bạn cảm thấy thực sự ham mộ đời sống nội tâm và có cảm giác như mình được đưa vào trong đời sống Thiên Chúa, vào trong chính sự sống của Chúa Ba Ngôi. Tác dụng đó nơi các bạn, người làm một cách hết sức đơn giản và tự nhiên" 33.

Tựu trung chính cái nhìn của Thiên Chúa phản ánh trong cái nhìn của một trong những bạn thân của Ngài. Thật ra bạn không thể nói là đã xem thấy Thiên Chúa trong một người nào đó, nhưng một kinh nghiệm như thế chỉ có thể nếu bạn tự mở tâm lòng cho Thiên Chúa và ao ước xem thấy Ngài. Đó cũng là điều mà Nhà Huyền Bí Eckhard nói với chúng ta: "Khi một người được Thiên Chúa chiếm hữu và người đó tỏa chiếu một tình yêu bất vụ lợi đối với Ngài thì không ai có thể thực sự gặp gỡ người đó được, nếu mình chưa gặp Thiên Chúa".

Thế giới nầy rất cần những người cầu nguyện, các chứng nhân của Thiên Chúa. Người ta không đợi chờ họ nói nhiều để giải quyết những vấn đề của chúng ta, nhưng chỉ cần họ hiện hữu. Sự hiện diện của họ đã là một sự trả lời cho tất cả các vấn nạn của chúng ta. Các Kitô hữu còn nói quá nhiều về Thiên Chúa, và họ cũng làm nhiều sự cho Ngài, nhưng rất ít người chấp nhận chỉ hiện hữu cho Ngài trong một đời sống tôn thờ và ngợi khen. Nếu bạn có may mắn được gặp một trong các thánh nhân của Thiên Chúa thì đó không phải là một lời mời gọi bạn trở nên một người của Thiên Chúa ở giữa anh em bạn sao ? Dĩ nhiên bạn sẽ không được miễn trừ hành động để phục vụ anh em bạn, nhưng sự phục vụ đích thực của bạn sẽ chỉ cho anh em thấy Chúa ở trong da thịt của một con người.


IV.20. Hãy phó thác trong sự nghỉ ngơi ban đêm!

Cũng như cầu nguyện, ban đêm là một màn

mở đầu tín thác cho đệnh mệnh yêu thương

của Thiên Chúa.

Bạn đang sống trong thời đại văn minh, một thời đại mà người ta hầu như sinh hoạt 21 giờ trong ngày, nhưng mỗi tuần lễ bạn phải biết dành cho bạn những buổi tối, nhất là trong thời gian nghỉ hè, trong những buổi tối đó bạn hoàn toàn chỉ sống cho Thiên Chúa. Trước hết bạn hãy học làm sao không bị thời giờ áp chế, nhưng biết sử dụng và làm chủ nó, khi đêm tối đến bạn hãy bước vào như một đền thánh lặng thinh an bình. Từ khi chiều hôm buông xuống, bạn hãy chuẩn bị trong con tim của bạn sự chọn lựa duy nhất để ở trước sự hiện diện của Đấng Tối Cao với ước mong nóng bỏng được chiêm ngắm dung nhan Ngài. Rất có thể chiều nay Ngài sẽ đến gặp bạn để mời gọi bạn vào tham dự tiệc cưới vĩnh hằng. Đêm là hình bóng của sự hiện diện âm thầm của Thiên Chúa. Đó là thời gian thuận tiện giúp bạn có điều kiện để cầu nguyện, vì thế phải loại trừ dứt bỏ không thương tiếc tất cả mọi sự hiện diện vớ vẩn khác.

Càng quen thuộc đi vào buổi tối rồi thì bạn phải đơn giản hóa hơn để có thể đón nhận sự nghỉ ngơi trong an bình thư thái: "An bình vừa nằm con đã ngủ, bởi vì chỉ có một mình Chúa bảo vệ con an toàn" (Tv 4,9). Chính thân xác bạn được thông dự vào sự thanh thản nội tại, bởi vì phải vào trong đêm tối giống như vào trong cầu nguyện, thư giãn và bình an. Sau một ngày làm việc, đêm là thời gian thư giãn tuyệt đối cho bạn. Thánh Kinh dạy bạn nhất là phải tỉnh thức, vì Chúa thường đến thăm viếng trong ban đêm: "Vậy bạn cũng phải luôn luôn sẵn sàng, bởi vì Con Người sẽ đến vào giờ mà bạn không ngờ!" (Mt 24,44). Ban đêm cũng làm cho bạn hiệp thông vào cơn hấp hối của Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu, nếu như bạn biết tỉnh thức cầu nguyện với Ngài.

Nhất là bạn phải chú ý và sẵn sàng để cho Thiên Chúa dạy bảo bạn, bởi vì ban đêm là thời gian ưu tiên để Ngài nói nhỏ với bạn. "Cho dù bạn thức khuya hay dậy sớm, khó nhọc làm ăn cũng hoài công. Kẻ được Chúa thương thì dù có nằm ngủ, Người cũng ban cho đủ tiêu dùng" (Tv 127,2). Trong giấc ngủ nhiệm mầu đó, bạn diễn tả chốn thâm sâu của con tim bạn, không có cái đó thì những điều kia sẽ bị khước từ.

Như thế giấc ngủ ban đêm mặc khải cho bạn một chân lý sâu đặm cho đời sống thiêng liêng của bạn. Trong suốt một ngày bạn đã điều khiển cuộc sống riêng của bạn, bạn tự do lấy những quyết định và thực thi với nghị lực của bạn. Và bây giờ trước ngưỡng cữa đêm tối, bắt buộc bạn phải phó thác và để cho sức mạnh của giấc ngủ hành động; bạn không điều khiển nhưng chấp nhận nó. Chính đó là hình ảnh đời sống thiêng liêng của bạn, trước tiên là sự dễ dạy ở trong tay Thiên Chúa. Ở đây cũng vậy, bạn phải để cho Thiên Chúa làm việc nơi bạn và yêu mến bạn, đừng muốn lèo lái theo ý mình.

Chính vì thế bạn phải lồng giấc ngủ của bạn vào trong nhu cầu của con người và tiếp thu nó vào trong nội giới. Khi bạn cầu nguyện, không cần làm gì khác hơn là mở tâm lòng và sẵn sàng theo ý định đầy yêu thương của Thiên Chúa, Đấng biến đổi bạn tự bên trong nội tại của bạn. Bạn biết rõ rằng cầu nguyện đó là để cho Chúa Kitô sống và nguyện cầu với Chúa Cha. Như thế khi bạn ngủ, bạn hoàn toàn phó thác trong tay Thiên Chúa: "Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác linh hồn con!" Nếu bạn cầu xin như thế, Ngài sẽ ban Chúa Thánh Linh cho bạn và giấc ngủ của bạn sẽ trở thành cầu nguyện.

Không có gì ngạc nhiên khi bạn nằm xuống, bạn cảm nhận trong bạn có một lời mời gọi khẩn thiết cầu nguyện để cảm tạ Thiên Chúa về một ngày vừa qua đi, để thanh tẩy bạn khỏi mọi tội lỗi và để phó dâng cho Ngài giấc ngủ của bạn! Như vậy bạn đã phó thác mình cho mầu nhiệm tình yêu không ngừng bao phủ bạn: "Chúa quan sát con khi con bước đi hoặc nằm xuống; tất cả đường lối con đi Chúa đều am tường" (Tv 139,3). Đừng bao giờ quên điều nầy: Nếu tâm trí bạn chìm ngập trong cầu nguyện lúc bạn nằm ngủ, thì sáng mai khi bạn thức dậy tư tưởng đầu tiên sẽ là tình yêu cho Thiên Chúa. Bạn nằm xuống như thế nào thì bạn cũng thức dậy như vậy: "Trên gường nằm các con hãy suy gẫm và giữ thinh lặng; hãy tiến dâng hy lễ và đặt tin tưởng vào Đức Chúa!" (Tv 4,5-6). Thỉnh thoảng Thiên Chúa cũng ban cho bạn một thời gian dài tỉnh thức trong đêm để bạn có thể đàm thoại với Ngài. Theo gương Chúa Kitô và các Thánh lừng danh, nguyện gẫm ban đêm là một phần gắn liền với đời sống cầu nguyện liên tục.

Nếu bạn ngủ trong cầu nguyện như thế, bạn sẽ thoát khỏi "bóng tối tử thần", một dấu chỉ của kẻ loan báo sự chết. Các Thiên thần của Thiên Chúa sẽ canh giữ bạn. Giấc ngủ thư thái và an bình của bạn sẽ thiết lập sự hiệp thông với chiều sâu của hữu thể bạn, ở đó Thiên Chúa ngự trị và không ngừng kiến tạo con người tự do của bạn.




IV.21. Bạn sẽ không còn có khó khăn khi cầu

nguyện, nếu như bạn thực sự liên hệ tốt

với anh em bạn.

Cầu nguyện trở nên dễ dàng ngày nào bạn cảm nghiệm được ý nghĩa của cuộc sống bi thảm và nguy hiểm hoặc bạn khám phá được sự nghèo nàn và tội lỗi của bạn. Bạn có cái kinh nghiệm ấy khi bạn thực sự hiệp thông với sự sống của anh em bạn không? Phải chăng ngày nào bạn cảm thông được sự khốn khổ hoặc sự vui mừng của anh em bạn thì mới cầu nguyện với họ và cho họ hay sao? Trong lúc đó thì lời cầu nguyện bộc phát trên môi bạn như tiếng kêu ca thán hoặc cảm phục nói với Thiên Chúa.

Thường thường lời cầu nguyện của bạn không có sự sống, bởi vì bạn chẳng có liên hệ gì với những người ở chung quanh bạn. Bạn liên tục hành động và ngay cả ra tay giúp đỡ người khác, nhưng bạn chưa thấu hiểu hoàn cảnh thiết thực của họ. Bạn ở trong sân vận động nơi mà nhiều người vẫn sống cách biệt hoặc tự đóng kịch diễn tuồng… Trước mặt họ bạn hãy làm thinh, nhưng hãy mở rộng tâm lòng mình để cảm thông sự khốn cùng của họ. Có thể họ xin bạn lương thực và một sự giúp đỡ nào đó hoặc họ chẳng cần gì hết, nhưng chỉ muốn nói với bạn là họ đang đói khát một nụ cười, một tình bạn và hơn thế nữa là đói khát Thiên Chúa.

Bạn sẽ cầu nguyện thực sự ngày nào bạn đoán được, qua những lời nói của anh em bạn, sự đói khát tình yêu. Lúc một người chìm ngập trong đau khổ, bạn không thể nói để yên ủi người đó được đâu, bởi vì bạn không biết cái đau khổ thực sự, chính người đó nhiều khi cũng chẳng biết sự đau khổ của mình. Đơn giản người đó chỉ xin bạn hiện diện trong thinh lặng, ở bên cạnh, nhìn xem và tận tình yêu mến. Lời cầu nguyện của bạn bắt đầu ngày nào bạn cảm thông với sự đau khổ kẻ khác rồi kêu lên Thiên Chúa bằng những lời van xin chuyển cầu.

Nếu bạn muốn cầu nguyện thì hãy bắt đầu chú ý đến những người anh em của bạn. Hãy niềm nỡ đón tiếp họ, hãy lắng nghe họ từ đáy lòng và qua những lời nói của họ, bạn thấu hiểu sự khổ đau và niềm vui mà họ không thể diễn tả được. Hãy để tất cả thâm nhập vào con tim của bạn, hãy tự xóa mình trước mặt họ; chính đó là hy sinh sự sống mình vì anh em đó bạn ạ! Tóm lại, anh em của bạn phải ở trong bạn bằng sự hiện diện sống động, tích cực và nồng hậu. Trong cầu nguyện bạn thâu nhận tiếng kêu của tất cả mọi người và thông đạt lên Thiên Chúa.

Cũng như thế đối với những người anh em ở xa. Bạn đừng đọc báo theo dạng du lịch và đừng xem truyền hình một cách hời hợt, nhưng mỗi lần xem, hãy cố gắng hiệp thông vào sự sống thực sự của những người mà bạn biết được qua các phương tiện truyền thông. Lời cầu nguyện của bạn trở nên phong phú cho tất cả mọi người trên thế giới nầy.

Trước hết là những lời khẩn nguyện chuyển cầu cho những người đau khổ về phương diện vật chất cũng như thiêng liêng. Bạn sẽ hiểu được họ thiếu thốn cái gì hơn cả: đó là các phương tiện để sống và lý do để sống. Hãy chuyển cầu cho họ trước mặt Thiên Chúa để họ đón nhận những sự tốt lành mà Cha trên trời muốn ban phát cho con cái của Ngài. Khi nhìn thấy sự đau khổ của anh em, bạn không chỉ bằng lòng với lời cầu nguyện suông của bạn mà còn muốn dấn thân thực sự phục vụ để lởi cầu nguyện của bạn trở thành hiện thực.

Bạn cũng sẽ là chứng nhân của những khám phá và vui mừng của anh em bạn. Mỗi sự phát triển trong hiểu biết và tình yêu, dù chỉ là phàm tục, phải làm cho bạn chìm ngập vào trong sự thán phục và biết ơn. Thánh Thoma nói: Bất kỳ một tia sáng chân lý nào cũng từ Chúa Thánh Linh mà đến. Nếu bạn biết nghe anh em và chiêm ngắm thế giới, bạn sẽ thấy tỏa chiếu vinh quang Thiên Chúa nơi các tạo vật của Ngài. Vậy bạn có thể hát khen chúc tụng, tôn vinh và cám ơn Ngài. Bạn sẽ tránh khỏi kiêu ngạo tưởng rằng bạn làm được ít nhiều sự vĩ đại. Người cầu nguyện không ngừng dâng tiến lên Chúa Cha những việc kỳ diệu mà Ngài đã ban ơn giúp đỡ cho hoàn thành.

Nếu bạn biết liên đới với mọi người và hòa hợp với hoàn vũ bằng cách đón nhận từ chiều sâu chứ không phải chỉ tò mò dừng lại ở mặt ngoài của các biến cố, bạn sẽ làm cho lời cầu nguyện của bạn trở nên liên tục, bởi vì bạn sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện thầm kín của Thiên Chúa trong các biến cố xảy ra hằng ngày. Khi bạn khởi động nguyện ngắm, chỉ cần bạn đi sâu hơn nữa vào trong chiều sâu của từng hoàn cảnh sự việc để làm vang dội lại tiếng kêu van của anh em bạn: "Những điều anh em có thể làm hay nói, anh em hãy làm tất cả nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Ngài mà cảm tạ Thiên Chúa Cha!" (Cl 3,17).


IV.22. Khi bạn đi vào nguyện ngắm,

đừng để thân xác bạn ngoài cữa,

điều đó sẽ làm cho bạn cảm thấy

rất bất lịch sự với nó.

Cũng như việc cầu nguyện của bạn đòi hỏi phải có sự cải tạo tâm linh liên tục, cũng thế cầu nguyện bắt buộc phải có thân xác bạn tham dự vào trong chính động tác làm cho bạn ở trước mặt Thiên Chúa. Đó chính là một điều kiện của nguyện ngắm. Bạn sẽ chẳng bao giờ cầu nguyện tử tế, nếu thân xác bạn không dự phần vào những cảm xúc thâm sâu của con tim bạn hoặc không giúp nó triển khai chức năng mình. Thân xác bạn không những diễn tả tình cảm của bạn mà nó còn làm cho tình cảm hiện hữu vững bền. Lời cầu nguyện được định hình rõ nét xuyên qua những thái độ diễn tả bề ngoài. Khi bạn mệt mỏi chẳng hạn và khi bạn không thể nào cầm trí, thì bạn đừng mất công cố gắng thực hiện một sự cầu nguyện có bài bản hẳn hoi, nhưng hãy bằng lòng với chính mình đang hiện diện ở đó dưới cái nhìn của Thiên Chúa và cho Ngài. Hãy ở đó với tất cả con người của bạn, tâm linh và thân xác, hoặc bước đi thong thả, hít thở thật sâu và đồng hành với Thiên Chúa.

Có những điều kiện rất đơn giản giúp cho việc cầu nguyện được dễ dàng. Cầu nguyện đòi buộc chúng ta có đời sống có thổ chức, yên ổn,và sự quân bình tình cảm. Để thường xuyên hướng tư tưởng về Thiên Chúa, bạn phải có sự thư dãn, có giấc ngủ đầy đủ, thức ăn của uống lành mạnh và một cuộc sống bình an. Bạn chớ đi vào nguyện ngắm với một tâm trí bất ổn hoặc có nhiều điều lo lắng bận tâm. Thánh Ignatio nói trong bài chỉ dẫn tĩnh tâm số 239: "Hãy để tâm trí nghỉ ngơi, ngồi hoặc đi dạo trong bầu khí yên tĩnh tùy theo cách bạn thấy tốt nhất". Thánh nhân khuyên những ai muốn tĩnh tâm cầu nguyện: Trước tiên phải chuẩn bị thân xác và tâm hồn bằng cách rảo bước trong nơi thanh vắng và thinh lặng, hít thở chậm và sâu, đồng thời loại trừ mọi sự lo lắng bận rộn và chỉ chú tâm vào Thiên Chúa.

Vậy bạn hãy chọn một nơi yên tĩnh xa cách tất cả mọi tiếng động và cái nhìn của kẻ khác. Nơi lý tưởng cho việc cầu nguyện của bạn tất nhiên là căn phòng bạn đang ở, nhưng bạn cũng có thể thích cầu nguyện trong một nhà nguyện nơi có Chúa Kitô hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể, nhất là trong những ngày nào đó bạn cần sự hiện diện thực sự và khách quan của Chúa Kitô để việc cầu nguyện của bạn không rơi vào không gian vô định. Chính trong lúc ấy bạn phải dùng tất cả các yếu tố của thân xác bạn để đi vào cầu nguyện trong chân lý và Thần Linh.

Bạn có thể, chẳng hạn, đứng yên bất động trong năm hay mười phút buông xuôi tay trong tư thế sẵn sàng đợi chờ Thiên Chúa hoặc hai tay giơ lên trong cách thức cầu nguyện kêu xin, hoặc quì gối hay ngồi thiền, nếu quá mệt mỏi thì bạn cũng có thể ngồi dựa lưng vào từơng và hai bàn tay để ngữa trên đầu gối với tư thế của một người nghèo khổ đang ngửa tay van xin Thiên Chúa dủ tình thương. Điều quan trọng là bạn tự tạo cho mình một tư thế xứng hợp để ở đó dưới cái nhìn của Thiên Chúa và cảm nhận được sự hiện diện Ngài. Về phần bạn, điều đó đòi hỏi phải có sự khiêm nhường thực sự trong lương tâm ý thức về tội lỗi của mình.

Bạn hãy ngắm nhìn Thiên Chúa với con mắt nội giới của bạn. Trước mặt Thiên Chúa, bạn không thể vô lễ quay nhìn nơi khác. Thái độ trầm mặc của thân xác ngăn cản tâm trí bạn ngao du phiêu bạt trong thế giới vật chất chung quanh; nhất là bạn phải tránh cử động quá nhiều, và đừng dễ dàng thay đổi tư thế khác khi bạn cảm thấy tư thế đó khả dĩ giúp bạn cầu nguyện. Nếu không, bạn sẽ đánh mất cái cảm giác đang được ở gần bên Thiên Chúa. Đừng làm cho thái độ trầm tư thinh lặnh trở thành xơ cứng khó chấp nhận. Khi bạn chiêm ngưỡng Chúa Kitô trong các mầu nhiệm của Ngài, một cách đặc biệt trong Bí Tích Thánh Thể và sự Thương Khó của Ngài, bạn không nên đi bộ. Đi dạo có thể giúp bạn suy tư khi tâm trí bạn cần đón nhận chân lý Phúc âm như Thánh Giá và Tám Mối Phúc Thật. Cầu nguyện chiêm niệm đòi hỏi một sự an nghỉ nội tâm và sự thinh lặng ngoại giới tuyệt đối, và một vài trường hợp cũng có thể thực hiện được bằng đi bộ trong khung cảnh yên tĩnh thư thái.

Đó cũng lá lúc bạn đặt tâm trí của mình vào đối tượng muốn chiêm ngắm, chẳng hạn việc Chúa Kitô đang hấp hối vì muốn tự hiến thân mình cho Chúa Cha, bởi vì cái nhìn nội giới của bạn phải nhắm vào một thực tế cụ thể, nhưng chỉ một chân lý đang suy gẫm phải nuôi dưỡng sự nguyện ngắm của bạn và mở ra cho bạn những khía cạnh khác của Chúa Kitô. Thánh Grêgore Palamas khuyên bạn phải dùng chính con tim để làm nơi cho Chúa Thánh Linh ngự xuống. Và thánh Ignatio khuyên phải cầu nguyện theo nhịp thở ra hít vào của bạn: mỗi hơi thở phải là một tác động nguyện cầu.

Tất cả những thái độ đó đối với bạn có thể là quá rườm rà và không tự nhiên; nhưng bạn chớ vội vàng cho là vô ích không có giá trị! Bạn hãy bắt đầu thực hành đi, rồi bạn sẽ thâu lượn được kết quả mong muốn! Lúc ban đầu đòi hỏi bạn phải có những cố gắng nhất định, nhưng sau đó bạn sẽ cảm thấy thoải mái tự nhiên. Bạn sẽ hiểu được rằng không có sự khác biệt giữa thân xác và tâm trí bạn, bởi vì toàn thể con người của bạn thực sự ở trong trạng thái cầu nguyện.



IV.23. Hãy tiến sâu vào lòng thế giới,

bạn sẽ gặp được Thiên Chúa!

Hãy đi sâu vào trong con tim Thiên Chúa,

bạn sẽ gặp gỡ anh em bạn!

"Vĩnh biệt bạn! Con Cáo nói. Đây là bí quyết của tao, nó rất đơn giản: Người ta chỉ xem thấy rõ với con tim của mình. Điều thiết yếu con mắt thường không trông thấy được đâu " 34. Tiếc thay bạn luôn nhìn xem sự vật ở lớp vỏ bề ngoài, vì thế bạn không hiện diện được với Thiên Chúa và tha nhân! Lúc bạn ở trên bề mặt của địa cầu, bạn bị dày vò bởi xa cách và đối nghịch. Thân xác của bạn thay vì giúp bạn gặp gỡ tha nhân thì lại làm cho bạn bị chia lìa và đóng kín. Sự mờ đục của thân xác bạn làm tăng thêm khó khăn cho sự trong sáng giữa các người khác. Cũng như thế nếu bạn chỉ ở ngoại diện việc cầu nguyện, bạn sẽ có nguy cơ sống trong ảo tưởng viễn vông. Tất cả chỉ là những cái giả dối bề mặt.

Bạn hãy vất bỏ bề mặt và rảo bước qua những vùng xem thấy ở ngoại giới để nối kết với những gì ở bên trong. Chính nhờ những lời nói và cảm giác hữu hình để đi vào chiều sâu của hữu thể mà sự hiệp thông tình yêu được thể hiện. Sự mờ đục thân xác giảm đi thì khoảng cách được xóa bỏ và thời giản tan biến. Lúc bạn đạt đến nguồn cội hữu thể, nơi xuất phát mọi tư tưởng và tác động tự do, thì bạn sẽ khám phá ra rằng trung tâm con người và sự vật ấy không phải là tác phẩm của bạn, nhưng đó là ân huệ của chính Đấng Hiện Hữu ban cho bạn. Khi bạn khước từ tất cả những gì chóng qua mau hết và đi xuống trong chiều sâu của chúng, thì bạn sẽ cảm nhận được những gì thuộc về chúng tất cả đều phù vân chẳng có giá trị gì, và bạn sẽ thưởng thức được sự bình an của Thiên Chúa.

Khi đạt đến cao điểm ấy thì con người đã ăn rễ sâu trong Thiên Chúa; lúc đó bạn gặp đuợc cội nguồn của động tác sáng tạo và bạn làm tất cả cho sự triển nở đích thực. Như thế khi tiến sâu vào trong con tim thế giới, bạn không gạt bỏ những thực tại trần thế, trái lại bạn làm cho chúng biến tan trong hữu thể cuối cùng của chúng. Chính vì thế tình yêu đích thực của con người trong thực tế và trong chiều sâu bản chất của chúng phải mở ra cho bạn theo ý nghĩa của Thiên Chúa.

Từ đó cũng đem đến cho bạn một hiệu quả cho việc cầu nguyện của bạn. Dĩ nhiên bạn phải cầu nguyện dựa trên những biến cố xảy ra trên thế giới, trên những khuôn mặt xem thấy, nhưng bạn đừng đo lường giá trị lời cầu nguyện của bạn và phẩm chất của mối liên hệ với kẻ khác theo sở thích mà bạn gán cho các sự việc khác nhau và phim ảnh thời sự hiện hành. Cái thiết yếu là nối kết tất cả trong những nguyện vọng thâm sâu của kẻ khác : "Hồng ân cụ thể mà chúng ta ban phát cho kẻ khác trong suốt cuộc đời của chúng ta đó là để họ hiện diện trong giờ nguyện gẫm của chúng ta hơn là có tất cả hình ảnh mà chúng ta làm nên khuôn mặt của họ" 35.

Chỉ có như thế thì bạn mới đi vào trong sự hiệp thông thực sự với anh em của bạn và với thế giới. Đó là điều mà Dom Le Saux muốn nói với chúng ta: "Chỉ những ai tiến sâu vào trong nội tâm của mình, vào tận nơi cỗi nguồn của chính mình, nghĩa là tiếp cận với Thiên Chúa, Đấng từ muôn thuở đã sinh ra Ngôi Lời, thì mới khám phá được một cách đúng nghĩa, không những ngoại diện bề mặt mà ngay cả nơi họ đang ở một cách đích thực".

Cũng thế khi bạn chìm đắm trong Thiên Chúa lúc cầu nguyện thì bạn cũng không lìa bỏ thế gian, nếu bạn thực sự cầu nguyện và nếu như cầu nguyện làm cho bạn chìm sâu vào trong Thiên Chúa. Đừng tin những người nói với bạn rằng việc phụng sự Thiên Chúa ngăn cản bạn hiến thân cho anh em. Lời nói ấy thuộc loại "tôn giáo khách sáo" của thời đại chúng ta. Trong Thiên Chúa và với Thiên Chúa bạn thực sự tiếp xúc với thế giới và con người. Cha Teilhard nói : Bạn gặp gỡ người khác "ngay tại điểm dễ tổn thương nhất, dễ tiếp nhận nhất và dễ làm giàu nhất của bản thể họ".

Hãy ở trong môi trường Thiên Chúa, chúng ta sẽ gặp được chính mình trong chốn thân mật nhất của tâm hồn và cũng là nơi bền vững nhất của thân xác. Chúng ta sẽ khám phá ở đó sự hội tụ tất cả sự đẹp đẽ và sinh động nhất, điểm vô cùng cảm xúc và cực kỳ năng động của vũ trụ càn khôn. Và đồng thời chúng ta sẽ cảm nhận một cách dễ dàng từ trong thâm sâu của mình có sự sung mãn của sức mạnh hành động và tôn thờ của chúng ta 36.

Trong sự kết hiệp với Thiên Chúa bạn có liên kết với người khác trong cộng đoàn của nguồn mạch sự sống. Bạn hãy tin chắc điều nầy : Chỉ có như thế mới có thể đem lại giá trị đích thực cho những thực tại trần thế và mối liên hệ cá nhân với Thiên Chúa. Nếu bạn không đi đến điểm cuối cùng của những thực thể trần thế và những mối liên kết với anh em để gặp gỡ Thiên Chúa trong chính nguồn mạch sáng tạo của Ngài, thì bạn không thể tránh khỏi bị xâm chiếm bởi sợ hãi sầu muộn, vì sự đời phù vân giả tạo và đầy nghịch cảnh ngay nan. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng hằng hữu bất biến, trong Ngài bạn hiện hữu, bạn sống và yêu mến.


IV.24. Tiến bộ trong cầu nguyện chiêm niệm,

đó là sống cái kinh nghiệm cực kỳ nghèo nàn

của bạn trong mọi địa hạt.

Điều đặc biệt nhất trong cầu nguyện mà bạn có thể kiểm chứng được là qui luật khó nghèo. Đó cũng là trọng tâm của Tin Mừng. Bạn càng tiến xa trong chiêm niệm thì bạn càng có ít cảm giác là mình đã tiến tới trong việc cầu nguyện, đôi khi bạn còn có cảm giác là mình đi thụt lùi. Bạn giống như người bơi lặn ngoài biển khơi, càng lặn xuống sâu bao nhiêu thì càng thấy nhiều vẻ đẹp tuyệt vời và khám phá được những cái mới lạ chưa từng thấy bao giờ. Mặc dù bạn luôn luôn tiến sâu hơn trong mầu nhiệm Thiên Chúa, bạn cũng chẳng nhận thức được khoảng không gian đã đi qua. Chỉ có Thiên Chúa là "Thánh, Đấng siêu việt khôn lường" vượt trên tất cả mọi sự. Bạn làm bất cứ điều gì đi nữa, Ngài luôn luôn ở ngoài tầm nắm bắt của bạn. Bạn hãy đọc lại bài thơ của Nhà huyền bí Ấn Độ Swami Paramananda: "Người nghèo khổ và viên ngọc quí" 37, bạn sẽ hiểu được điều tôi muốn nói ở đây. Không có đời sống chiêm niệm nào mà không phải trải qua một vài ngày đen tối với kinh nghiệm đớn đau vì phải chui qua con đường hầm dài và đêm tối hầu như vô tận.

Lúc ban đầu bạn có cái kinh nghiệm sống với sự hiện diện của Thiên Chúa, giờ đây bạn đối diện với sự vắng bóng của Ngài. Thiên Chúa đòi buộc bạn tìm kiếm Ngài vì chính Ngài mà thôi chứ không phải vì niềm vui mà bạn có được từ sự hiện diện của Ngài. Nhưng đồng thời cũng phát sinh một kinh nghiệm khác để kiểm chứng cho tính chính thống của việc tìm kiếm Thiên Chúa. Thiên Chúa càng tỏ ra xa cách, không thể đến gần, thì bạn càng cảm thấy trong bạn một sự trống rỗng sâu đậm và bạn càng cảm thấy luyến tiếc khát khao sự hiện diện của Ngài, rồi bạn quyết chí đi tìm gặp lại Ngài. Vì thế, bạn không bớt giờ cầu nguyện nhưng còn gia tăng hơn nữa, và nhất là bạn bắt đầu cố gắng suốt ngày sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Đó chính là dấu chỉ bạn đã tiến bộ trong đời sống thiêng liêng chứ không phải là bạn xa lìa Thiên Chúa.

Chính trong lúc ấy thường xuất hiện những hiện tượng lạ và khác thường. Kẻ tiến tới trong việc nguyện ngắm là người liên tục trở thành nghèo nàn. Trong các địa hạt khác sự phát triển được kiểm chứng bằng các nhận thức mới đạt được, trong việc cầu nguyện trái lại, sự tiến bộ được kiểm chứng bởi trực giác hoặc những lời nói được nhắc lại nhiều lần: Chẳng hạn cảm giác về sự hiện diện của Thiên Chúa được âm thầm bảo trì trong suốt giờ nguyện gẫm, hoặc bạn thì thầm liên tục trong suốt nhiều giờ chỉ với một lời nguyện tắt tương tợ như "lời nguyện Chúa Giêsu" 38.

Kinh nghiệm cầu nguyện cũng giống như kinh nghiệm tình bạn. Thời gian ban đầu bạn cảm thấy cần phải diễn tả cho bạn mình những tư tưởng và tình cảm riêng tư của bạn, rồi với thời gian lời nói giảm dần để bạn giữ trong tim bạn sự thinh lặng trước mặt bạn mình. Cũng như thế trong cầu nguyện: Khi bạn đã tiến sâu trong đời sống thiêng liêng thì thinh lặng giữ một vị trí quan trọng hơn là lời nói. Tất cả diễn ra lúc bấy giờ vượt trên những lời nói; bạn chỉ cần một câu ngắn gọn của Thánh Kinh để nuôi dưỡng suốt giờ cầu nguyện.

Từ nay bạn cảm thấy rất cần giữ thinh lặng lâu giờ trước Thiên Chúa. Bạn ở đó, câm nín dưới cái nhìn của Ngài, hoặc bạn thầm thỉ nói những lời đơn sơ ngắn gọn lấy từ các Thánh Vịnh hoặc từ Phúc Âm. Bạn đừng lo ngại vì sự thinh lặng ấy, vì nó ở trong dòng chảy của sự tiến bộ nguyện ngắm. Đừng tìm kiếm để đọc, để suy nghĩ và nhất là đừng dùng giờ nguyện ngắm như một phương thế trau dồi kiến thức. Đương nhiên là việc nguyện gẫm của bạn cũng phát triển theo ý nghĩa đó. Thỉnh thoảng trong tuần cấm phòng bạn cũng nên tự đặt cho mình câu hỏi nầy: Tôi đã đơn giản hóa cho mình việc nguyện ngắm chưa? Một đời sống cầu nguyện đích thực không hình thành bằng những giờ cầu nguyện rập theo một khuôn mẫu có sẵn. Có một sự tiến bộ được kiểm chứng bằng sự đơn giản, đó là tiến bộ trong việc chiêm niệm. Giờ nguyện ngắm của bạn hôm nay không thể là giờ nguyện ngắm hôm qua, cũng không phải là giờ nguyện ngắm cho ngày mai.

Vậy bạn hãy khiêm tốn học hỏi sống cái kinh nghiệm nghèo hèn tuyệt đối. Hãy bắt chước người mù thành Giêricô ngồi bên lề đường thinh lặng mở hai bàn tay ra cầu xin Thiên Chúa. Có những dấu chỉ bạn có thể sử dụng mà không tỏ ra biếng nhác hoặc nghèo hèn. Một cách đặc biệt trong thinh lặng bạn thâu tóm tất cả sự khốn cùng của nhân loại, và lời cầu nguyện của bạn nói lên thay cho anh em bạn. Cũng thế bạn sống liên tục trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Đó là dấu chỉ cho biết là bạn đã đạt tới những giới hạn của khả năng sức lực bạn, và ngoài tầm nhận thức của bạn Chúa Thánh Linh hiệp thông với tâm trí bạn để quả quyết rằng bạn là con của Thiên Chúa. Nguyện ngắm đích thực luôn luôn được thực hiện trong đêm thanh vắng, mà bạn ẩn mình trong đó trước mặt Thiên Chúa, thánh Gioan Thánh Giá nói như vậy.

IV.25. Trong giờ cầu nguyện,

bạn hãy tìm hiểu ý nghĩa lịch sử cá nhân bạn,

như thế bạn sẽ nhận ra ý muốn Thiên Chúa

như là một thành quả chín mùi.

Để cho Chúa Thánh Linh tự do nói với bạn thì không nên chỉ cầu nguyện theo một công thức nhất định. Vì thế bạn phải sử dụng tất cả mọi kinh nghiệm thiêng liêng của mình. Một trong những cách thức phù hợp nhất như tôi đã nói trên đây đó là cầu nguyện với các biến cố xảy ra hằng ngày. Hiện nay người ta không ngừng nhắc đi lặp lại rằng: "Thiên Chúa nói qua những biến cố lịch sử cá nhân và tập thể". Thật vậy, Thánh Kinh cho chúng ta thấy: Qua những biến cố xảy ra cho dân tộc Israel, các Ngôn sứ đã rút tỉa ra những bài học và Lời Chúa muốn dạy bảo Dân Ngài.

Hôm nay cũng như thế: Để một biến cố trong đời bạn trở nên một lời nói sống động của Thiên Chúa, bạn phải đón nhận nó dưới ánh sáng của Lời Chúa trong Thánh Kinh. Người ta thường nói: "Hãy uốn nắn biến cố, từ đó sẽ xuất hiện Chúa Kitô". Đúng vậy, với điều kiện được soi sáng bởi đức tin với tác động của Chúa Thánh Linh, bởi vì Chúa Kitô luôn luôn đến từ trên cao chứ không phải từ bên dưới, Ngài đến từ Chúa Cha và chúng ta đến từ dưới đất nầy.

Các biến cố cuộc đời chỉ cho bạn thấy ý nghĩa cuối cùng qua việc chiêm niệm Lời Chúa lâu giờ. Như thế việc cầu nguyện và đọc Sách Thánh của bạn phải được nuôi dưỡng bằng chính cái thực tại của cuộc sống hằng ngày của bạn. Cũng như thế, bạn không những chỉ sống Mầu nhiệm Phục sinh bằng việc cử hành phụng vụ và đón nhận các Bí Tích mà thôi, nhưng bạn còn sống Mầu nhiệm ấy trong đời sống hằng ngày của bạn nữa, khi bạn chết cho tính ích kỷ, giết chết đam mê tội lỗi để sinh ra cho tình yêu tự hiến, cho sự trong trắng tinh tuyền và cho sự sống. Vì thế khi nguyện gẫm, tốt nhất là bạn hãy bắt chước Đức Trinh Nữ Maria trong thinh lặng rà sát lại con tim của bạn tất cả những biến cố đã xảy ra trong lịch sử cá nhân bạn. Chỉ sau một thời gian khá lâu bạn mới khám phá được ý nghĩa của chúng. Chính vì thế bạn phải đợi chờ một khoảng thời gian an bình mới hiểu được những cơn khủng hoảng đã phủ che bạn suốt trong nhiều năm trường.

Buổi chiều một ngày hoặc ngày cuối tuần, trong giờ nguyện gẫm, bạn có thể rà xét lại đời sống của bạn. Như thường lệ, bạn luôn đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng biết rõ bạn và yêu mến bạn. Vào lúc đó bạn hãy tuyên xưng đức tin và nhận biết rằng đời sống bạn không phải là một đệnh mệnh ngẩu nhiên, nhưng là một lịch sử yêu đương, mà tất cả mọi biến cố xảy ra đã được bàn tay hiền phụ của Thiên Chúa sắp xếp định đoạt. Bạn hãy khởi động sự tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng dẫn đưa cuộc đời của bạn. Hãy tín thác vào Ngài và sẵn sàng tùng phục. Hãy cầu xin Ngài thể hiện điều Ngài muốn qua những biến cố nầy và tin tưởng cầu xin: "Lạy Chúa, xin hãy nói, tôi tới Chúa sẵn sàng nghe!" Thường thường ý nghĩa của của các biến cố ấy bị che dấu và Thiên Chúa chỉ có thể mặc khải cho bạn trong ánh sáng Chúa Thánh Linh của Ngài. Đừng vất bỏ những tư tưởng và ước muốn của bạn, nhưng hãy để Thiên Chúa tỏ mình ra cho bạn.

Vậy bạn hãy gợi lại trong trí nhớ của bạn từng biến cố đã xảy ra với những yếu tố đặc thù của chúng; hãy đối chiếu chúng với Phúc Âm và xin Chúa Kitô giúp bạn hiểu quan điểm của Ngài. Bạn phải luôn luôn đặt để đời sống của bạn dưới ánh sáng "Tám Mối Phúc Thật". Và bạn hãy tha thiết cầu xin Chúa Thánh Linh ban cho bạn trí thông minh thiêng liêng để hiểu biết đời sống của bạn. Như thế bạn sẽ thấy rằng Ngài là "người bạn" âm thầm chia sẻ và chứng giám tình yêu của Thiên Chúa dành cho bạn. Bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu thất bại hoặc thành công, tất cả xuất hiện như những lời mời gọi bạn tiến sâu vào trong tình bạn đích thực của Chúa Kitô.

Sự cầu nguyện nầy cực kỳ quan trọng lúc bạn phải có những quyết định lớn trong cuộc đời mình. Thiên Chúa không bao giờ từ chối ban ánh sáng của Ngài cho những ai khiêm tốn, tin tưởng và kiên nhẫn kêu xin. Đừng bao giờ tìm cách giải quyết vấn đề với ánh sáng trí tuệ của bạn, cũng đừng có quyết định theo cảm tính luân lý, nhưng hãy để cho đời sống Thiên Chúa phát triển trong bạn; hãy để Chúa Thánh Linh, Đấng ở trong thâm sâu lòng bạn chiếu soi tâm trí và con tim của bạn. Dĩ nhiên có nhiều cách để xác định việc làm của Chúa Thánh Linh, nhưng câu trả lời cuối cùng không phải là kết quả của sự cố gắng của bạn đâu, mà là hồng ân của Thiên Chúa ban cho bạn như một sức lôi cuốn không thể kháng cự và bạn chỉ đón nhận như một trái cây đã chín đầy quyến rũ. Cũng như tình cảm nồng nàn trào dâng trong tim hôn phu trước người yêu xinh đẹp: "Vâng, chính nàng chớ không ai khác có thể thay đổi quyết định của tôi" 39.

Một lời nguyện như thế chỉ có thể kết thúc trong sự tôn thờ và ngợi khen. Như thế khi bạn nhận ra rằng Thiên Chúa yêu mến bạn thì trong bạn sẽ trào dâng tiếng hát lời ca cảm tạ Thiên Chúa. Hãy tin chắc rằng những việc lạ lùng Thiên Chúa đã thực hiện cho dân riêng của Ngài bên Ai-Cập, hôm nay cũng được tái diễn cho bạn với điều kiện là bạn thực sự nghèo nàn và đặt tất cả tin tưởng vào Thiên Chúa mà thôi. Vậy bạn có thể cùng đồng ca Halleluja: Vâng, "tình yêu Thiên Chúa muôn đời trường cửa!"




IV.26. Hãy tìm kiếm, hãy gõ cữa,

hãy van xin kêu cầu!

Bạn sẽ nhận được tất cả những gì

bạn kêu xin trong cầu nguyện

với niềm tin tưởng tuyệt đối.

Ngày nay người ta thay thế cho việc tưới nước cho đồng ruộng bằng cách dẫn thủy nhập điền. Tất cả đều được qui hoạch hóa tối đa. Não trạng của người thời đại chúng ta cũng bị ảnh hưởng nhiều trong việc cầu nguyện: Người ta quá chú trọng đến lý trí và suy luận. Trong lúc cầu nguyện, người ta thường rụt rè, đắn đo và dè dặt. Người ta thường dùng những mẫu kinh nghiệm có sẵn, văn pháp hay và lý luận vững chắc. Người ta chỉ cầu xin Thiên Chúa những gì mà chính họ có thể cho nhau.

Nếu bạn không cảm nhận được những giới hạn của sức lực con người của bạn, và nếu bạn chẳng bao giờ thông hiệp được cái khốn cùng vật chất và thiêng liêng của những người anh em bạn, thì sự cầu nguyện của bạn luôn luôn chỉ là một sự kính cẩn và lịch sự, nhưng không phải là những lời van xin có thể thấu đến tai Thiên Chúa. Nếu bạn có thì giờ trước khi nguyện gẫm, bạn hãy đọc lại những dụ ngôn mà Chúa Kitô nói về cầu nguyện: Cây vả không sinh trái bị khô héo (Mt 21,18.22), người bạn gan lì và kiên nhẫn (Lc 11,5-8), hình ảnh cây cải nhỏ (Lc 17,5-6), và tất cả những gì Chúa Giêsu nói về hiệu quả của cầu nguyện (Lc 11,9-13).

Bạn hãy so sánh lời cầu nguyện của bạn với lời kêu xin của người bạn kiên nhẫn gan lì hoặc người đàn bà góa nhẫn nhục, thì bạn sẽ thấy lời nguyện của bạn quá sợ sệt và yếu ớt! Bạn hãy tự hỏi mình để biết phải cầu nguyện như thế nào và những tư tưởng nào cần phải triển khai trước mặt Thiên Chúa. Người ta bảo rằng bạn muốn làm một luận án hoặc một bài thơ khi cầu nguyện. Thiên Chúa thấu suốt con tim của bạn. Ngài hiểu rõ sự khốn cùng của bạn và Ngài thông cảm sự buồn phiền của bạn. Ngài không đòi buộc bạn phải diễn đạt bằng lời hay ý đẹp và ba hoa nói những lời không cần thiết.

Trước khi biết phải cầu nguyện như thế nào thì phải biết làm thế nào để không bao giờ mất kiên nhẫn bỏ cuộc, không bao giờ buông vũ khí trước sự im lặng của Thiên Chúa. "Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Ngài dụ ngôn sau đây để dạy các ông phải cầu nguyện luôn và không được nản chí…" (Lc 17,1). Bạn phải can đảm và vững tin như người đàn bà góa trước vị quan tòa khó tính và thiếu tình người. Hãy đến gặp Chúa ban đêm, hãy gõ cữa, và tha thiết kêu xin. Và nếu như cữa hầu như bị đóng chặt thì bạn cứ ra về và tiếp tục cầu xin, cầu xin mãi đến khi nào tai Ngài chịu chẳng được nữa mới thôi. Ngài sẽ nghe tiếng van xin tha thiết của bạn, bởi vì lời kêu xin tin tưởng của bạn đánh động lòng trắc ẩn của Ngài: "Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người nầy vì tình bạn, thỉ cũng sẽ dậy để cho người nầy tất cả những gì anh ta cần, bởi vì anh ta cứ van xin mãi" (Lc 11,8).

Bạn hãy chấp nhận sự phiền muộn dày vò và sức tấn công vũ bão của nó! Vào một lúc nào đó chính Chúa Thánh Linh sẽ nói lên những lời kêu xin từ đáy lòng bạn và nỉ non tha thiết nguyện cầu với bạn và cho bạn. Đã lần nào bạn nghe tiếng rên xiết của một bệnh nhân khi phải chịu sự đau đớn khôn lường chưa? Không ai có thể vô cảm dững dâng, nếu không phải là hạng người có con tim bằng đá. Trong khi cầu nguyện, Thiên Chúa chờ đợi bạn nói lên lời van xin thảm thiết từ con tim để chấp nhận lời cầu nguyện của bạn.

Tựu trung bạn đến với tình yêu vô biên và hòa nhập vào trong con tim của Đấng đang đợi chờ bạn kêu xin để trả lời bằng sự trìu mến và đầy tình thương yêu. Nếu bạn biết được Thiên Chúa chú ý lằng nghe từng lời nài xin của bạn như thế nào, thì bản sẽ không ngừng cầu xin Ngài cho bạn và cho anh em của bạn. Ngài sẽ nhận lời bạn cầu xin ngoài sự ước mong của bạn. Người ta có thể mong đợi tất cả từ một người kiên trì cầu nguyện và yêu mến tha nhân bằng chính sự trìu mến của Thiên Chúa.

Một sự cầu nguyện như thế dĩ nhiên đòi hỏi phải có đức tin vững vàng; nhưng làm sao bạn có thể kiên trì cầu nguyện được như thế, nếu bạn không có lòng cậy trông tuyệt đối vào Thiên Chúa, Đấng đang lắng nghe bạn và yêu mến bạn? Cũng chính ở đây, Chúa Kitô nhắc bảo bạn cái thiết yếu giữa những điều bạn cầu xin và sự đáp lời của Chúa Cha: „Thầy nói thật với anh em: nếu anh em có đức tin vững vàng và không nghi ngờ, thì anh em không những cũng có thể làm được điều Thầy vừa làm cho cây vả nầy, mà hơn thế nữa anh em còn có thể ra lệnh cho hòn núi kia: "Hãy dời chỗ đi xuống dưới biển ngay! thì sự việc sẽ xảy ra như vậy" (Mt 21,21). Có những ngày bạn nói những điều càn dở, bạn ước ao được "dứt phép thông công" vì Chúa Giêsu, nhưng cho dù là sự khôn ngoan loài người, thì đó cũng chỉ là sự điên khùng trước mặt Thiên Chúa. Bạn không thể xem thấy sự đau khổ của tha nhân mà không phải là người bạn gan lì kiên nhẫn gõ cữa Thiên Chúa lúc thuận tiện cũng như lúc bất tiện. Sau hết, bạn hãy tin chắc lời nói sau đây của Chúa Giêsu: "Tất cả những gì các con tin tưởng cầu xin trong kinh nguyện thì các con sẽ nhận được" (Mt 21,22).




IV.27. Một kinh nghiệm cầu nguyện

sẽ tiếp tục trong cuộc sống mỗi ngày.

Một kinh nghiệm đích thực của cầu nguyện có thể biến đổi hoàn toàn con người của bạn. Dĩ nhiên bạn chẳng học được gì mới cả, bạn cũng không giải quyết được những khủng hoảng, bạn vẫn còn có những khó khăn với chính mình và trong liên lạc với tha nhân, và đời sống bên ngoài của bạn cũng chẳng có gì thay đổi, nhưng con tim của bạn đã được biến đổi nhờ sự hiện diện của Thiên Chúa. Tất cả những gì bạn suy nghĩ và hành động soi chiếu cho một ngày mới. Tóm lại, cầu nguyện đã kết hiệp bạn với bản thân Chúa Kitô và công việc của Ngài; tất cả mọi sức lực của bạn cũng qui hướng về mục đích xây dựng Nước Trời. Từ nay bạn không thể đi thụt lùi được nữa, bạn đã tự hiến mình cho Chúa Kitô để tìm gặp những chân lý cho cuộc sống. Cái đổi mới mong chờ không thuộc phạm vi trí tuệ hoặc luân lý, nhưng là cái gì ở trong nội tại thâm sâu của bản thân bạn, trong con tim bị tình yêu Thiên Chúa xâm chiếm. Chính vì thế không thể cảm nghiệm trực tiếp được mà theo giòng thời gian nó sẽ diễn ra trong cuộc đời của bạn và chính bạn sẽ cảm nhận được những lợi ích tốt lành của kinh nghiệm cầu nguyện.

Cũng như thế đối với tình bác ái huynh đệ và đời sống hoạt động tông đồ mà tôi đã ít nhiều nói đến trên đây. Bạn thường nghĩ rằng tình yêu dành cho người khác là do kết quả của những cố gắng của bạn, trong khi đó tình yêu được sinh ra trước tiên từ một con tim nghèo nàn siêu thoát và được tình yêu Chúa Kitô chiếm đoạt. Sự thật là chính Chúa Giêsu yêu mến kẻ khác ở trong bạn. Nếu như bạn không xuống ngang tầm bác ái đúng nghĩa thần học, thì rất có thể bạn ở trong ảo tưởng và từ đó làm cho bác ái đích thực trở thành hình ảnh biếm họa. Nếu bạn đã thể hiện tốt cái kinh nghiệm cầu nguyện thì con tim của bạn được Chúa Thánh Linh ngự trị và bạn cũng có khả năng yêu mến kẻ khác vì chính họ.

Nhất là bạn đã khám phá từ nội tâm và thưởng thức được sự cầu nguyện như một nhu cầu sống động. Vì thế thánh Ignatio khuyên những người cấm phòng phải đến thực tập, nghĩa là trung thành thực hiện cách thức nguyện gẫm mà ngài dạy thực hành. (Đó là dành trọn một tháng để luyện tập sống nội tâm). Việc luyện tập liên tục ấy duy trì con tim bạn trong trạng thái không ngừng được thanh luyện. Việc luyện tập đó dạy bạn trong ánh sáng Chúa Thánh Linh không ngừng thanh luyện những biến chuyển sâu thẳm trong con tim bạn cũng như những hành động của bạn. Sự luyện tập đó trước tiên có mục đích nối kết cầu nguyện và đời sống.

Tóm lại, sự luyện tập đó dạy bạn đón nhận những biến cố ngoại tại trong nội tâm của bạn. Nó đưa cái thiết yếu vào trong con tim bạn đã được thanh luyện khỏi tất cả những gì thuộc về thế giới bên ngoài. Biến chuyển hướng đến Thiên Chúa trong thâm sâu con tim bạn không bao giờ được thể hiện mà không có sự giúp đỡ của những sự vật ngoại tại, cũng như cầu nguyện nội tâm được nuôi dưỡng bởi các lời nguyện bằng môi miệng. Cái nguy hiểm của đời sống bạn là sự chia trí tản mác thiếu tập trung. Bạn không thể thâu tóm trong bạn tổng hợp những sự vật ngoại giới, và như thế bạn cảm thấy nặng nề khó chịu, đó là một loại "táo bón thiêng liêng". Cuốn sách mà bạn khám phá được, người mà bạn có thể nói chuyện được, công việc hoặc động tác mà bạn làm được, tất cả có tạo thành một thực thể thiêng liêng không? Bạn đừng nói về đời sống hoàn toàn nội tâm, bởi vì không có sự đối nghịch giữa nội giới và ngoại giới đâu. Đời sống thiêng liêng không phải là sự trốn thoát thế gian, nhưng là một chất lượng cao của sự hiện diện cho người khác. Vậy một câu hỏi được đặt ra ở đây là: Bạn đón nhận sự việc và anh em bạn như thế nào?

Bạn có thể đón nhận kẻ khác và sự việc một cách hời hợt bên ngoài do tính tò mò, chẳng hạn cuốn sách có vẻ hợp với sở thích của bạn. Đón nhận một cuốn sách một cách chân thành có chiều sâu khi bạn vượt trên những ý tưởng để đối thoại với tác giả về những vấn đề cốt lõi tác giả muốn nói với các độc giả: ý nghĩa của sự hiện hữu, kinh nghiệm về Thiên Chúa, hiệp thông với người khác, thăng tiến con người vân vân. Khi bạn tiếp nhận các tư tường và bản thân người khác trong nhãn giới đức tin, đó là lúc bạn qui hướng về Thiên Chúa. Bạn sẽ có phản ứng nào trước kẻ khác: Bạn đón nhận hay loại trừ hoặc chống đối họ?

Nếu bạn có thể đón nhận sự vật từ thâm sâu của bạn, thì không có chi phải lo sợ bị phân tán hay bị lạc hướng. Tất cả vấn đề là bạn có ở trong cùng một làn sóng điện với kẻ khác hay không. Sự đối thoại của bạn với Thiên Chúa và với chính mình phải làm sao có thể tiếp nối với người đầu tiên mà bạn gặp trên đường phố như Emmanuel Mounier nói. Chính trong giờ nguyện ngắm mà bạn có thể đưa cái nhìn của mình đến những người khác để khám phá được tầm cỡ của các cuộc đàm thoại và gặp gỡ của bạn. Bạn luôn luôn có nguy cơ tự cho mình là một nhân vật và không thành thật trước mặt kẻ khác.

Trong địa hạt trí tuệ cũng vậy: Bạn càng nghĩ đến chuyện phải có thật nhiều tư tưởng để đối thoại với những kẻ thông thái. Phải biết học hỏi chọn lựa các bài đọc để không tiêm nhiễm những gì có thể gây hại cho tâm trí và con tim của bạn. Có một số liên lạc và dấn thân lành mạnh là điều cần thiết cho sự quân bình của bạn, vì thế bạn phải biết chọn lựa và ấn định cái gì bạn có thể đưa vào đời sống của bạn.

Đó chính là mục đích của cầu nguyện: Phải cầu nguyện để việc dấn thân của bạn cho Thiên Chúa và cho kẻ khác luôn được vẹn toàn. Nguyện gẫm là nơi dầu thánh của Chúa Thánh Linh được đổ tràn trên các quyết định và hành động của bạn để hiệp thông chúng trong cá nhân Chúa Kitô. Như thế bạn học được cách làm cho những liên lạc và sự dấn thân của bạn được chính xác đúng như ý muốn và cách thế sống và suy tư của Chúa Kitô.

Để đạt được như vậy bạn đã đọc những trang sách nầy nói về những giai đoạn quan trọng của chương trình cứu độ. Bạn được mời gọi thể hiện cái kinh nghiệm đó trong suốt cuộc đời của bạn. Nguyện ngắm mỗi ngày đón nhận của ăn nuôi dưỡng trong những bài đọc Thánh Kinh, được suy gẫm và cầu nguyện, theo lộ trình của năm phụng vụ. Như thế dần dần bạn sẽ tiến sâu vào trong chiều sâu của các mầu nhiệm Chúa Kitô và bạn sẽ học được từ Ngài để dấn thân thực thi ý muốn Thiên Chúa. Sự hiệp nhất đời sống của bạn không phải là một việc làm của kỷ thuật và theo công thức có sẵn; đó là sự thăng tiến của chính con người bạn trong bản thân của Chúa Kitô để luôn luôn sống trước dung nhan Chúa Cha đúng theo nguyện vọng của Ngài và để phục vụ anh em của bạn. Chớ gì qui luật duy nhất của bạn là ngày đêm luôn luôn sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa được cẩn thận duy trì luôn mãi!




LỜI KẾT THÚC


Hãy ghi nhớ các hồng ân của Thiên Chúa,

và cảm tạ Ngài,

vì tình yêu Ngài muôn đời trường tồn!

Đức Chúa Giavê thường đòi buộc dân Do Thái phải nhớ đến những việc lạ lùng Ngài đã làm cho họ. Sau khi có ít nhiều kinh nghiệm cầu nguyện, trước khi kết thúc những trang sách nầy, thiết tưởng tốt nhất là bạn hãy chiêm ngưỡng những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho bạn, đồng thời ca tụng ngợi khen Ngài. Nhìn về dĩ vãng để vững tiến đến tương lai và trung tín trong hiện tại.

Lạy Cha chí thánh, chúng con cảm tạ Cha đã dẫn đưa loài người ra khỏi cảnh cảnh cô đơn và nói với chúng con bằng lời yêu mến. Xin Chúa dạy chúng con biết lắng nghe Chúa trong thinh lặng và ngày đêm tỉnh thức cầu nguyện không ngừng.

Lạy Đấng tạo dựng vũ trụ càn khôn, chúng con cảm tạ Chúa đã kêu gọi con người và bằng cái nhìn yêu mến Chúa đã ban cho chúng con sự sống. Chúa không ngừng sáng tạo và ban cho loài người các hồng ân của Chúa. Xin làm cho chúng con được sống trước sự hiện diện sáng tạo của Chúa trong sự phụng thờ và tình yêu.

Lạy Cha nhân ái tốt lành, chúng con cảm tạ Cha về hồng ân Con Yêu dấu của Cha, Đấng đã đến mặc khải cho chúng con tình yêu bao la của Cha và làm cho chúng con trở thành con cái Cha. Xin Cha ban cho chúng con Chúa Thánh Linh để trong Chúa Giêsu chúng con có thể kêu lên: "Abba, lạy Cha!"

Lạy Cha rất nhân từ, chúng con cảm tạ Cha đã tha thứ tội lỗi chúng con và đồng thời cũng ban cho chúng con Đấng Cứu chuộc tội khiên. Xin dạy bảo chúng biết thực tình nhìn nhận tội lỗi vì đã bao phen lìa xa Cha và anh em chúng con; xin cũng dạy chúng con biết tôn dương tình yêu của Cha. Biết bao nhiêu lần Cha đã bao lần tha thứ cho chúng con.

Lạy Cha đầy lòng thương yêu trìu mến, chúng con cảm tạ Cha vì Con Cha, Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã mặc khải cho chúng con Tám Mối Phúc Thật. Xin Cha làm cho con tim chúng con trở nên hiền từ, khiêm nhường và nghèo nàn, để chúng con có thể nhận biết Ngài, Đấng nhờ quyền năng Cha đã phục sinh và xin giúp chúng con thông hiệp với những đau khổ của Người.

Lạy Cha công chính và yêu thương, chúng con cảm tạ Cha đã trao nộp Con Cha cho chúng con trong sự buồn phiền sầu khổ và hấp hối trên Núi Sọ. Xin dạy chúng con biết tỉnh thức với Con Cha trong chiêm ngưỡng tình yêu của Cha và cùng thân thưa với Người: "Lạy Cha, lạy Cha, tại sao Cha bỏ con?"

Lạy Cha rất tốt lành, chúng con cảm tạ Cha đã dìm chúng con trong cái chết và sự sống lại của Con Cha để tái tạo chúng con trong sự sống mới, và hằng ngày Cha ban cho chúng thân xác Người trong Bí Tích Thánh Thể để làm lương thực trường sinh. Xin Cha ban cho chúng con Thánh Linh Tình Yêu để chúng con hiệp nhất với Chúa Kitô thành một hy lễ muôn đời hiến dâng tôn vinh Cha.

Lạy Cha chí thánh, chúng con cảm tạ Cha đã mời gọi tất cả mọi người dự phần vào sự sống đời đời và nhận biết danh thánh của Cha: Xin Cha làm cho chúng con trở nên những người chuyển cầu trong Con Duy Nhất của Cha và trở thành những người thừa hành của Chúa Giêsu Kitô nơi những người anh em của chúng con khi chúng con loan báo Tin Mừng cho họ.

Lạy Cha chí thánh, chúng con cảm tạ Cha đã cho Đức Giêsu Con Cha sống lại nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Xin dạy chúng con nhận biết sức mạnh của Người ở trong các biến cố và trong tất cả mọi người.

Lạy Chúa Ba Ngôi cực thánh, chúng con cảm tạ Cha đã thiết lập nơi cư ngụ của Cha trong con tim của chúng con. Xin chiếu tỏa trên chúng con Thánh Linh yêu mến để chúng con có thể ở trong Chúa Giêsu, và để Người cầu nguyện trong chúng con: Lạy Cha!





V. PHẦN PHỤ TRƯƠNG



V.01. Can đảm trong cầu nguyện


Tất cả bí mật của sự bình an tâm hồn và đời sống thiêng liêng là sự can đảm và kiên trì cầu nguyện. Tôi nói "can đảm", bởi vì kinh nghiệm cho biết rằng cầu nguyện đòi hỏi các bạn phải từ bỏ tư duy và cảm nghĩ riêng, phải hy sinh và siêu thoát.

Con người vốn thích suy tư và lý luận, nhưng Thiên Chúa đặt để chúng ta trong thế gian nầy trong trạng thái đức tin: Ngài muốn chúng ta cầu nguyện. Thử hỏi trong Phúc âm có câu nào nói về lý luận và tư suy không?

Trái lại, dưới nhiều hình thức, Chúa dạy chúng ta tinh thần phó thác và cầu nguyện: "Hãy vất bỏ mọi ưu tư lo lắng, hãy đặt tất cả vào trong bàn tay Thiên Chúa!" Cầu nguyện rất là đơn giản, nhưng không gì khó và hiếm cho bằng cầu nguyện. Các bạn hãy cho tôi một tâm hồn cầu nguyện, hay nói đúng hơn, hãy cho tôi một tâm hồn bất toàn nhất, nếu tâm hồn đó biết dấn thân cầu nguyện, biết biến đổi mọi đau khổ thành cầu nguyện; tôi bảo đảm với các bạn rằng tên của người đó đã được ghi trong sổ Nước Trời. Trong tâm hồn của người cầu nguyện có sự chuẩn bị sẵn sàng đón nhận các nhân đức lớn. Tất cả các nhân đức, tất cả những điều thiện hảo nằm trong sự cầu nguyện. Vâng, ở đâu có cầu nguyện, ở đó có sự nhẫn nại; ở đâu có sự nhiệt thành, ở đó có chiến đấu và chiến thắng; ở đâu có sức mạnh, ở đó có hòa bình; ở đâu có xã kỷ hy sinh, ở đó có khiêm nhường và đạo đức: Tất cả đều do cầu nguyện. Ma quỉ chẳng sợ súng đạn, chúng chỉ sợ các bạn cầu nguyện. Các bạn sợ cầu nguyện ư? Hãy coi chừng ma quỉ! Các bạn tìm kiếm cách hy sinh hãm mình ư? Hãy cầu nguyện! Lúc các bạn muốn suy tư, hãy quì gối và nói: "Tôi không suy tư, tôi cầu nguyện". Đó chính là Thánh giá, đó chính là sự hy sinh trong nội tâm của bạn. Bản tính con người là chống đối, là bất tuân, bởi vì có những lúc nó sợ cầu nguyện. Nhưng chúng ta cần có gương sáng nào hơn gương Chúa Kitô trong Vườn Cây Dầu? Ngài đã làm gì? Ngài sấp mình xuống đất và tha thiết cầu nguyện. Các bạn hãy tự hạ, hãy nhẫn nại cầu nguyện như Chúa Kitô ! Các bạn bối rối sợ sệt và ngại ngùng cầu nguyện ư? Vậy phải làm gì? Suy tư ư? Lý luận à? Không đâu các bạn ạ! Các bạn phải quì gối, phải sấp mình xuống với những lo âu, chán chường và tha thiết cầu nguyện bằng tất cả thân xác và tâm hồn.

Các bạn cần nơi nương tựa, cần sự chở che phải không? Tìm đâu ra? Phải chăng trong lý luận suy tư? Nhưng đó là nơi ma quỉ ẩn núp, là chỗ yếu đuối làm việc, là xưởng chế tạo những lỗi lầm… Hãy vất bỏ tất cả những thứ đó đi! Hãy cầu cầu nguyện! Hãy cố gắng và mạnh dạn thoát ra ngoài cái thế giới nhỏ hẹp của các bạn! Phải can đảm biến đổi tất cả thành cầu nguyện và cương quyết giữ lấy thói quen tốt lành đó. Khi bạn làm việc hãy làm bằng cầu nguyện. Khi nói năng viết lách, nếu không tìm ra tư tưởng, hãy cầu nguyện. Cầu nguyện và tiếp tục làm việc dưới cái nhìn của Thiên Chúa thì bạn sẽ đi đến thành công. Các bạn hãy tự nhủ mình và quyết tâm nói: Với bất cứ giá nào tôi nhất định sẽ chẳng bao giờ ngã lòng, sẽ chẳng bao giờ cuốn mình vào vỏ ốc nhỏ hẹp của tôi. Lúc tâm hồn giao động, lo lắng và bối rối, lập tức tôi sẽ vất bỏ mọi suy tư để lăn mình vào cầu nguyện như người đang bị tử thần đuổi bắt, như kẻ đang chạy đua. Nhưng các bạn chạy đi đâu? …. Mặc kệ, đừng đếm xỉa những lời hỏi han hay nhạo báng! Hãy nói với hồn tôi: Ta đi cầu nguyện.

Vâng, khi bạn cảm thấy chán ngán muốn bỏ mọi sự, chẳng muốn làm gì nữa, hãy đi cầu nguyện! Tuy nhiên, cầu nguyện là một sức mạnh, một nghị lực mà chúng ta không có. Vậy phải cầu nguyện để biết cách cầu nguyện; hãy cầu nguyện để có can đảm cầu nguyện; hãy thân thưa với Chúa như các môn đệ của Ngài: "Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết cầu nguyện!"


(Trích bài giảng của Cha De Ravignan 1795-1858)

V.02. Một vài định nghĩa cầu nguyện

Thánh Têrêxa Hài Đồng nói :

"Đói với tôi, cầu nguyện là một chuyển động hướng thượng của con tim, một cái nhìn đơn sơ hướng về Trời, một lời than thở biết ơn và yêu mến trong khi bị thử thách đau khổ cũng như lúc tràn trề niềm vui".

(Trích Chuyện Một Tâm Hồn)

Nhà Thần Học Maurice Zundel nói :

"Cầu nguyện làm cho đời sống chúng ta trở thành một của lễ hiến dâng : Nó đặt chúng ta trong liên đới hiếu tử với Thiên Chúa. Cầu nguyện không có nghĩa là báo cáo với Thiên Chúa về những thiếu thốn và nhu cầu cần thiết của chúng ta. Thiên Chúa toàn trí, Ngài biết rõ chúng ta đang cần những gì. Cầu nguyện cũng không có nghĩa là những lời van lơn có sức đổi lòng Thiên Chúa để thuyết phục Ngài thỏa mãn những mong muốn và nhu cầu của chúng ta ; bởi vì tình yêu vô cùng của Ngài luôn luôn muốn điều tốt cho chúng ta. Đúng hơn, cầu nguyện là một trạng thái của tâm hồn muốn đồng nhất ý muốn của chúng ta với ý muốn của Thiên Chúa để cho tình yêu của Ngài có một câu trả lời hoàn hảo hơn trong tình yêu của chúng ta".
"Cầu nguyện đích thực phải có một sắc thái thiêng liêng vô vị lợi. Điều chúng ta cầu xin, tựu trung luôn luôn vẫn là chính Thiên Chúa. Như thế, tất cả mọi lời cầu nguyện theo nguyên tắc đều được chấp nhận, nếu con tim của chúng ta sẵn sàng mở toang cữa để đón nhận tình yêu của Thiên Chúa". (L’Évangile Intérieur)


V.03. Tự hiến mình

Nhưng "tự hiến mình" (se livrer) là gì ? Tôi hiểu biết rõ mọi chiều kích ý nghĩa của từ nầy, nhưng tôi không thể giải thích nó. Tôi chỉ biết nó trãi rộng, rất rộng, bao phủ cả hiện tại và tương lai.

Tự hiến mình còn hơn cả hy sinh, còn hơn cả chấp nhận chết, đó là cái gì đó cao hơn phó thác cho Thiên Chúa. Tự hiến mình đó là tự chết cho tất cả mọi sự và cho chính mình, chỉ còn quan tâm làm sao mình luôn qui hướng về Thiên Chúa.

Tự hiến mình còn có ý nghĩa không tìm kiến cho mình gì nữa, ngay cả cho đời sống thiêng liêng và sự sống vật chất, nghĩa là không kiếm tìm thỏa mãn riêng mà chỉ duy nhất tìm làm vui lòng Thiên Chúa.

Còn phải nói thêm rằng: Tự hiến mình đó là tinh thần khước từ tất cả mọi sự, không vương vấn cá nhân nào hết, không luyến tiếc bất cứ vật gì, không lệ thuộc thời gian và không gian, nghĩa là liên kết với tất cả, chấp nhận tất cả và lụy phục tất cả.

Nhưng có thể bạn nghĩ rằng điều đó rất khó thể hiện. Bạn lầm to, thực ra không có gì khó thực hiện cả, không có gì dễ dàng hơn. Tất cả chỉ là một lần thể hiện động tác quảng đại mà thôi : với tất cả sự chân thành của tâm hồn của mình bạn xác quyết: "Lạy Chúa, con muốn tất cả cho Chúa, xin đoái thương chấp nhận hy lễ của con!" Tất cả bạn đã tuyên bố. Từ nay bạn chỉ cần giữ vững lời khấn hứa đó và không lùi bước trước bất cứ sự hy sinh nào có thể giúp bạn tiến tới trong đàng nhân đức. Bạn phải nhớ là bạn đã tự dâng hiến rồi !

Tôi cầu xin Chúa ban sự hiểu biết từ nầy cho tất cả mọi linh hồn ước ao làm vui lòng Chúa, và xin Ngài ban cho họ phương thế thánh hóa dễ dàng nầy. Ôi, chớ gì người ta có thể hiểu được những sự ngọt ngào và bình an khi quảng đại tự hiến mình cho Thiên Chúa từ nhân! Thiên Chúa hiệp thông với linh hồn thành tâm tìm kiếm Ngài và tự hiến mình cho Ngài. Chớ gì bạn thủ đắc được cái kinh nghiệm đó và nhìn thấy hạnh phúc đích thực mà bạn không uổng công tìm kiếm!

Linh hồn tự hiến đã tìm thấy Thiên Đàng ngay trên mặt đất nầy, bởi vì linh hồn ấy vui hưởng sự bình an thư thái dành cho những ai được tuyển chọn trong Nước Hằng Sống.


(Bản văn nầy được thánh Thérèse Couderc viết vào ngày chúa nhật 26 tháng 6 năm 1864 ; trích từ cuốn sách tựa đề : J’ai si bien trouvé Dieu – Esquisse spirituelle par J. Folliet, trang 44-45)
V.04. Người nghèo và hạt ngọc
Viên ngọc quí ẩn dấu chốn thẳm sâu.

Như người chài lưới đi tìm ngọc quí,

Hồn tôi ơi, hãy lặn xuống biển khơi,

Lặn xuống thật sâu kiếm tìm mọi nơi,


Như người chài lưới đi tìm ngọc quí,

Hởi hồn tôi, hãy kiên tâm đừng chán nản ! 

Lặn xuống sâu tìm kiếm cho bằng được

Viên ngọc vô giá ấy bõ công kiếm tìm !


Những người không biết ý con,

Họ cười chê nhạo báng rằng khờ rằng ngu…

Nghe vậy có lẽ con buồn sầu?

Nhưng con ơi! Đừng bao giờ chán nản!

Tìm ngọc trai đâu phải chuyện chơi.
Viên ngọc vô giá nằm dưới đáy bể khơi,

chỉ có lòng tin có thể giúp con khám phá,

chỉ với tình yêu con mới xả thân kiếm tìm.

Sau cùng Tin Yêu sẽ giúp con tìm thấy.


Hãy lặn xuống thật sâu, sâu hơn nữa!

Lòng con là bể khơi là kho tàng quí báu.

Như người chài lưới đi tìm ngọc quí,

Hồn ta ơi hãy kiên trì tìm mãi không ngơi!


(Swami Paramanda)


V.05. Trong đáy lòng con

Lạy Chúa đang ngự trong đáy lòng con!

Xin cho con biết chú ý

lắng nghe từ cõi lòng con!


Lạy Chúa, Vị Thượng Khách của lòng con!

Xin giúp con vào sâu tận đáy lòng con,

Trong nơi Chúa ngự chính là tim con.

Xin giúp con ngồi thinh lặng

để chiêm ngắm Chúa ở trong lòng con.
Lạy Chúa, Ngài đang ở trong tim con!

Xin cho con lặn sâu và biến tan ở đó,

Trong đáy lòng con!
Lạy Chúa, xin chiếm đoạt tim con

Và làm cho con biến tan trong Chúa,

Trong đáy lòng con!
(Swami Abhissiktananda Gnananda,

Un Maitre spirituel du pays Tamoul, trang 122)

Mục Lục


Lời giới thiệu của dịch giả 3

Lời hướng dẫn của tác giả 5

PHẦN THỨ NHẤT 12

THIÊN CHÚA HIỆN DIỆN VÀ ĐỐI THOẠI 12

I.01. Bạn đừng đến với Thiên Chúa 12

như khách bàng quang, 12

nhưng trước mặt Thiên Chúa 12

bạn phải cỡi giày ra! 12



I.02. Hãy thán phục Thiên Chúa! 15

Người không ngừng nối lại cuộc đàm thoại 15

mà nhiều lần bạn đã làm gián đoạn. 15

I.03. Hiểu biết Thiên Chúa, 17

đó là ước ao hiểu biết Ngài hơn nữa 17



I.04. Hãy đến học kinh nghiệm của Elia 20

với một tâm tình môn sinh, 20

bạn sẽ hiệp thông chia sẽ kinh nghiệm 20

sống thân mật với Thiên Chúa. 20



I.05. Bạn hiện hữu 23

và sống dưới cái nhìn của Thiên Chúa. 23



I.06. Khi Thiên Chúa nhìn bạn, 26

Ngài tự mặc khải và nối kết tình bạn. 26

Thiên Chúa và bạn nhìn nhau thân tình. 26

I.07. Khi Thiên Chúa yêu bạn, 28

Ngài biến đổi bạn từ cốt lõi hữu thể bạn. 28



I.08. Trong đêm tối, bạn hãy kêu lên 31

để Thiên Chúa gọi tên bạn! 31



I.09. Và bổng chốc bạn đã trở nên một người khác 34

I.10. Bạn ở trước mặt Thiên Chúa 36

I.11. Bạn đang ở với Thiên Chúa 39

I.12. Bạn ở trong Thiên Chúa 41

I.13. Thiên Chúa tự mặc khải cho bạn 44

như là Đấng Thánh, Người Bạn và Vị Khách 44



I.14. Thiên Chúa mời gọi bạn mở con tim 46

và cánh tay ra để đón nhận 46

Con Yêu Dấu Ngài là Đức Giêsu 46

I.15. Tạo dựng là bản tính của Thiên Chúa nhân từ, 49

được tạo dựng là đặc điểm riêng của bản tính 49

loài người. 49

(Thánh Irénée, Adversus Haerese, IV,38,4) 49



PHẦN THỨ HAI 53

CON ĐƯỜNG CỨU ĐỘ 53

II.01. Tình yêu Thiên Chúa dành cho bạn 54

nhập thể trong Chúa Giêsu Kitô 54



II.02. Chính Thiên Chúa làm cho bạn 56

hiểu biết tội lỗ của bạn. 56

Trước khi bạn xét mình, hãy đi cầu nguyện! 56

II.03. Trong cái nhìn mà Chúa Kitô dành cho bạn, 59

bạn nhận ra tội lỗi của mình 59

và tình yêu của Ngài. 59

II.04. Bạn không tin có hành động của Ma quỉ, 62

vì bạn sống xa Thiên Chúa. 62

Càng ở gần Thiên Chúa, 62

bạn càng dễ dàng khám phà mầu nhiệm sự dữ 62



II.05. Lạy Chúa, hiến lễ dâng Ngài là một con tim 65

tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò 65

Ngài chẳng khinh chê. (Tv 51,19) 65

II.06. Hãy để Chúa Kitô gặp bạn, 68

đó là một hồng ân của mọi hồng ân. 68



II.07. Nếu bạn nhiễm bệnh của Chúa Giêsu, 71

bạn sẽ không thể được chữa lành, 71

nhưng sẽ có sự sống đích thực. 71

II.08. Mỗi ngày bạn phải lặp lại : 74

Tôi gắn bó với Chúa Giêsu 74

và trao nộp mình cho Ngài. 74

II.09. Chúa Giêsu Kitô đến gặp bạn ở điểm nóng, 76

khi cuộc đời bạn đang được phác họa. 76



II.10. Chúa Giêsu Kitô làm thỏa mãn 79

vượt hẳn mọi khát vọng của bạn. 79



II.11. Trong Chúa Giêsu Kitô 83

đời sống bạn vững bền và hiệp nhất 83



II.12. Theo Chúa Giêsu Kitô, 86

đó là bước vào mầu nhiệm 86

Thánh giá vinh quang. 86

II.13. Theo Chúa Kitô, 89

đó là đi vào trong một thế giới lộn ngược 89



II.14. Đừng để bất cứ sự gì quản chế bạn. 92

Hãy gìn giữ con tim bạn được tự do 92

yêu mến Chúa và thực thí ý muốn của Ngài 92

II.15. „Hãy đem đứa con duy nhất 95

và yêu mến của con mà hiến tế nó 95

làm của lễ toàn thiêu“ (Kn 22,2) 95

II.16. Tôi đã trở nên một trẻ nhỏ chưa ? 97

II.17. Trong Đức Maria, 99

bạn chiêm ngắm một thụ tạo hoàn toàn khó 99

nghèo, nhưng tràn đầy sự giàu sang 99

của Thiên Chúa. 99



II.18. Là kitô hữu phải là người mở rộng 102

cõi lòng cho Chúa Cha và anh em 102



II.19. Hãy cầu nguyện để khám phá ý muốn của 105

Thiên Chúa trên bạn. Sau đó hãy ở trong 105

trạng thái sẵn sàng tuân phục Chúa Cha. 105

II.20. Hãy để con tim của bạn nghỉ ngơi 108

trong sự bình an của Thiên Chúa, rồi bạn sẽ 108

thẩm định được ý muốn của Ngài đối với bạn 108

II.21. Giờ phút phải lấy quyết định chính trong 111

cầu nguyện mà bạn sẽ thấy ý muốn của 111

Thiên Chúa hiện hình. 111

II.22. Trong diễn tiến đức tin của thánh Phêrô, 115

bạn khám phá sự chuyển biến đức tin của bạn 115



PHẦN THỨ BA 120

THỰC HIỆN ƠN CỨU ĐỘ 120

III.01. "Không còn là tôi sống, 120

Chính Chúa Kitô sống trong tôi" (Gl 2,20) 120



III.02. Sát nhập vào Thân Thể Chúa Kitô 123

chịu chết và phục sinh, 123

đời sống của bạn có một giá trị trường tồn 123

III.03. Trong cử chỉ bẻ bánh và trao ban rượu, 127

hãy khám phá lời giảng dạy của Chúa Kitô, 127

Đấng tự trao nộp thân mình 127

và đổ máu ra cho nhiều người. 127



III.04. Cử hành Thánh Lễ mà thôi thì chưa đủ, 130

như Chúa Kitô bạn phải dấn thân dâng hiến 130

đời sống của bạn. 130

III.05. "Linh hồn Thầy buồn sầu có thể chết được, 133

các con hãy ở lại đây và tỉnh thức cầu nguyện" 133

(Mc 14,34). 133

III.06. "Đi xa hơn một chút, 136

Chúa Giêsu sấp mình xuống đất và cầu nguyện" 136

(Mc 14,35) 136

III.07. Hãy chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô 139

lúc Ngài hiên ngang tiến vào Giêrusalem, 139

bạn sẽ hưởng kiến vinh quang 139

của Đấng Phục Sinh. 139



III.08. Hiệp thông cùng mọi tạo vật, 143

bạn chịu đau khổ với Chúa Kitô 143

để được vinh hiển với Ngài. 143

III.09. Trong đức tin và lời cầu nguyện của bạn, 145

Chúa Kitô phục sinh chuyển đạt cho bạn 145

sự sống và niềm vui. 145

III.10. Bạn chưa bao giờ xem thấy Thiên Chúa; 149

Con Một ở trong cung lòng Chúa Cha 149

mặc khải cho bạn biết Ngài (Ga 1,18). 149

III.11. Bạn sẽ trở thành người cầu nguyện, 152

khi nào bạn sống sống triệt để 152

giây phút hiện tại nầy. 152

III.12. Cầu nguyện đó là đi vào cung lòng 154

Chúa Ba Ngôi. 154

Chúa Thánh Linh đến với bạn 154

và trao bạn cho Chúa Con. 154

Và Chúa Con trao bạn lại cho Chúa Cha. 154

CHÚ THÍCH VỀ KINH NGHIỆM NHƯỜI TÍN HỮU 161

PHẦN THỨ BỐN 170

ĐỐI THOẠI VỚI THIÊN CHÚA 170

IV. 01.Nếu bạn muốn biết giá trị đời sống của bạn, 170

hãy xem khả năng tôn thờ của nó. 170



IV. 02. Với tất cả con tim, 173

bạn hãy khao khát Thiên Chúa, 173

nhưng đừng tìm cách chiếm đoạt Ngài, 173

như thế Ngài sẽ đến với bạn. 173



IV. 03. Có kinh nghiệm về Thiên Chúa, 175

đó là nhận được sức mạnh để tiếp tục 175

cầu nguyện, tin, yêu và hy vọng. 175

IV. 04. Đừng cầu nguyện với trí tuệ 178

và cảm giác của bạn, nhưng hãy nâng 178

tâm hồn lên trước mặt Thiên Chúa! 178

IV.05. Trong khi cầu nguyện 180

bạn hãy mở rộng con tim của bạn, 180

và để cho nước hằng sống tuôn chảy vào 180

trong thâm sâu hữu thể bạn! 180



IV. 06. Khi cầu nguyện, bạn ngập chìm trong 183

Thiên Chúa, và những vùng sâu hiện hữu 183

trong bạn được giải tỏa. 183

IV. 07. „Khi bạn muốn cầu nguyện, 186

hãy vào trong phòng riêng đóng cữa lại 186

và âm thầm cầu nguyện với Chúa Cha. 186

Ngài xem thấy mọi điều bí mật 186

và lắng nghe lời bạn cầu xin“ (Mt 6,6). 186

IV. 08. Với tâm tình và thái độ của Chúa Giêsu, 189

bạn hãy cầu nguyện trong tinh thần con thảo, 189

bằng mỗi lời cầu của Kinh Lạy Cha. 189

IV. 09. Nếu trong suốt giờ nguyện gẫm 192

bạn chỉ kêu xin Chúa Thánh Linh đến, 192

bạn cũng không mất thời giờ vô ích. 192

IV. 10. Hãy để Chúa Kitô cầu nguyện trong bạn! 195

Bạn đạt đến mức độ cầu nguyện của Ngài 195

khi bạn nhập vào cường độ Tình yêu 195

nối kết với Chúa Cha 195

dưới tác động của Chúa Thánh Linh. 195

IV. 11. Hãy nuôi dưỡng bạn 198

bằng Lời của Thiên Chúa! 198



IV. 12. Bạn tìm kiếm một phương thức cầu nguyện 200

đơn giản phải không? 200

Vậy hãy chiêm ngắm viên đá 200

của các Vương Cung Thánh Đường! 200



IV. 13. Cảm nghiệm được Thiên Chúa 204

trong cầu nguyện là điều cần thiết 204

để quân bình hóa đời sống của bạn. 204

IV. 14. Bạn đừng hoảng sợ vì khô khan nhàm chán 206

khi bạn nguyện gẫm. 206

Bạn hãy học yêu mến Thiên Chúa 206

vì chính Ngài chớ không phải để được 206

hưởng nếm niềm vui hoan lạc. 206

IV.15. Trong lúc nguyện gẫm, 209

bạn hãy hiện diện trước mặt Thiên Chúa 209

bằng con người thực của bạn. 209

Nếu bạn kiên trì ở với Ngài, 209

bạn sẽ ra về với niềm vui và bình an. 209

IV. 16. Hãy gạn lọc con tim của bạn 212

trong Thánh Danh Chúa Giêsu! 212



IV.17.Cầu nguyện là việc làm của con người tự do. 214

Nó giả định bạn dành cho nó vị trí ưu tiên 214

trong đời bạn bất chấp những khó khăn. 214

IV.18. Để cho việc cầu nguyện thực sự là 217

tình yêu Chúa Cha, 217

bạn hãy vào trong sự ngợi khen và tôn thờ. 217

IV. 19. Gần gũi và tiếp xúc với người 220

được Thiên Chúa chiếm hữu, 220

chắc chắn sẽ được biến đổi từ nội giới. 220

IV.20. Hãy phó thác trong sự nghỉ ngơi ban đêm! 223

Cũng như cầu nguyện, ban đêm là một màn 223

mở đầu tín thác cho đệnh mệnh yêu thương 223

của Thiên Chúa. 223



IV.21. Bạn sẽ không còn có khó khăn khi cầu 226

nguyện, nếu như bạn thực sự liên hệ tốt 226

với anh em bạn. 226

IV.22. Khi bạn đi vào nguyện ngắm, 228

đừng để thân xác bạn ngoài cữa, 228

điều đó sẽ làm cho bạn cảm thấy 228

rất bất lịch sự với nó. 228



IV.23. Hãy tiến sâu vào lòng thế giới, 231

bạn sẽ gặp được Thiên Chúa! 231

Hãy đi sâu vào trong con tim Thiên Chúa, 231

bạn sẽ gặp gỡ anh em bạn! 231



IV.24. Tiến bộ trong cầu nguyện chiêm niệm, 234

đó là sống cái kinh nghiệm cực kỳ nghèo nàn 234

của bạn trong mọi địa hạt. 234

IV.25. Trong giờ cầu nguyện, 237

bạn hãy tìm hiểu ý nghĩa lịch sử cá nhân bạn, 237

như thế bạn sẽ nhận ra ý muốn Thiên Chúa 237

như là một thành quả chín mùi. 237



IV.26. Hãy tìm kiếm, hãy gõ cữa, 240

hãy van xin kêu cầu! 240

Bạn sẽ nhận được tất cả những gì 240

bạn kêu xin trong cầu nguyện 240

với niềm tin tưởng tuyệt đối. 240

IV.27. Một kinh nghiệm cầu nguyện 243

sẽ tiếp tục trong cuộc sống mỗi ngày. 243



LỜI KẾT THÚC 246

Hãy ghi nhớ các hồng ân của Thiên Chúa, 246

và cảm tạ Ngài, 246

vì tình yêu Ngài muôn đời trường tồn! 246



V. PHẦN PHỤ TRƯƠNG 250

V.01. Can đảm trong cầu nguyện 250

V.02. Một vài định nghĩa cầu nguyện 252

V.03. Tự hiến mình 253

V.05. Trong đáy lòng con 256


Nhà In Đan Viện Fatima

1793 Orsonnens

Suisse


Bảng hướng dẫn mười ngày Tĩnh Tâm

Chúng tôi đề nghị 4 giờ suy niệm Lời Chúa cho mỗi ngày và mỗi giờ gồm có hai bài suy niệm theo chủ đề Thánh Kinh. Số La-Mã chỉ Phần của cuốn sách nầy và số thường chỉ Bài Suy Niệm và trang sách.

Ngày hôm trước IV.01 Trang 164 I. 01. Trang 12


Ngày thứ nhất
Giờ thứ nhất IV.02 Trang 166 I.02 Trang 14

Giờ thứ hai IV.03 Tr. 169 I.03 Tr. 17

Giờ thứ ba IV.04 Tr. 171 I.04 Tr. 19

Giờ thứ bốn I. 05 Tr. 22 I.06 Tr. 25


Ngày thứ hai
Giờ thứ nhất IV.05 Tang 173 I.07 Tang 27

Giờ thứ hai IV.06 Tr 176 V.05 Tr. 246

Giờ thứ ba I. 08 Tr. 30 I. 09 Tr. 32

Giờ thứ bốn IV.07 Tr. 179 V.03 Tr. 244


Ngày thứ ba
Giờ thứ nhất I.010 Trang 35 I.011 Trang 37

Giờ thứ hai IV.08 Tr. 182 I.012 Tr. 40

Giờ thứ ba I. 013 Tr. 42 V.02 Tr. 243

Giờ thứ bốn I. 014 Tr. 44 I.015 Tr. 47



Ngày thứ Tư
Giờ thứ nhất IV.09 Trang 185 IV.10 Trang 188

Giờ thứ hai IV.11 Tr. 190 II.01 Tr. 52

Giờ thứ ba IV.12 Tr. 193 II.02 Tr. 54

Giờ thứ Tư IV.13 Tr. 196 II.03 Tr. 57


Ngày Thứ Năm
Giờ thứ nhất II.04 Trang 60 II.05 Trang 63

Giờ thứ hai II.06 Tr. 65 II.07 Tr. 68

Giờ thứ ba IV.14 Tr. 199 II.08 Tr. 71

Giờ thứ bốn II.09 Tr. 73 II.10 Tr. 76


Ngày Thứ Sáu
Giờ thứ nhất IV.15 Trang 201 II.11 Trang 80

Giờ thứ hai II.12 Tr.. 83 II.13 Tr. 86

Giờ thứ ba II.14 Tr. 89 II.15 Tr. 91

Giờ thứ bốn IV.16 Tr. 204 II.16 Tr. 93


Ngày thứ bảy
Giờ thứ nhất II.17 Trang 95 II.18 Trang 116

Giờ thứ hai IV.17 Tr. 206 II.19 Tr 119

Giờ thứ ba II.20 Tr. 104 II.21 Tr. 125

Giờ thư bốn II.22 Tr. 130 V.01 Tr. 241


Ngày thứ tám
Giờ thứ nhất IV.18 Trang 209 III.01 Trang 116

Giờ thứ hai IV.19 Tr. 112 III.02 Tr. 118

Giờ thứ ba III.03 Tr. 122 III.04 Tr. 125

Giờ thứ bốn IV.20 Trang 215 III.05 Trang 128


Ngày thứ chin
Giờ thứ nhất IV.22 Trang 220 III.06 Trang 131

Giờ thứ hai IV.21 Tr. 217 III.07 Tr. 134

Giờ thứ ba IV.23 Tr. 222 III.08 Tr. 137

Giờ thứ bốn IV.27 Tr. 233 III.09 Tr. 140


Ngày thứ mười
Giờ thứ nhất IV.24 Trang 225 III.10 Trang 143

Giờ thứ hai IV.26 Tr. 231 III.11 Tr. 146

Giờ thứ ba IV.27 Tr. 233 III.12 Tr. 148

Giờ thứ bốn IV. Tr. 237 Lời Kết Thúc trang 237


Gelob sei Jesus Christus in ewigkeit – Amen!

Sách tác giả đã được xuất bản



  1. Cầu Nguyện với Chúa Cha Trong Thầm Lặng - chuyển ngữ từ "Prie ton Père dans le secret", Jean Lafrance, xuất bản năm 1988 và 2013.

  2. Sách Đức Tin Công Giáo - Chuyển ngữ từ "Livre de la Foi", Les Évêques de Belgique – 1989.

  3. Lời Nguyện Thánh Lễ - xuất bản năm 1089.

  4. Đức Tuân Phục và Đời Sống Tu Trì - Chuyển ngữ từ "L’Obéissance religieuse", Iréné Hausherr SJ. 1991.

  5. Đền Cờn trong bối cảnh truyền giáo của giáo sĩ Đắc Lộ - Bài nghiên cứu lịch sử, in năm 1999.

  6. Dụ Ngôn và Truyện hay - Những câu chuyện ý nghĩa, xuất bản năm 2003.

  7. Đời Sống Đan Tu và Lý Tưởng Phúc Âm - xuất bản năm 2006.

  8. Sách Kinh Nguyện - xuất bản năm 2007 và 2013.

  9. Cầu Nguyện và Sống Tinh Thần Kinh Lạy Cha - xuất bản năm 2009.

  10. Danh Ngôn và Hoa Tư Tưởng - xuất bản năm 2011.



1 Simone Weil, Attende de Dieu, tr. 73

2 R. Guardini, Le Dieu vivant, tr. 37-39.

3 Gallimard, Le silence et la joie, tr. 64.

4 Gioan Thánh Giá, Thi Ca thiêng liêng, 33,4.

5 Xem bài suy niệm số 8 phần thứ 4 « Hãy thôi thúc con tim của bạn mỗi lần kêu cầu danh Cha ».

6 Bản thảo Một Tâm Hồn của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu.

7 Cha Teilhard de Chardin viết cho bà Henry Cosme, Bắc Kinh, ngày 9 tháng 5 năm 1944

8 J.P. Deconchy, Religion et foi, Promesses, n. 23, p.32.

9 "Trần tục" tạm dịch tiếng "profane", tiếng Latinh là profanum có nghĩa là "trước cữa đền thờ", "ở ngoài đền thờ".

10 K. Rahner, Serviteur du Christ, Mame, 1969, p. 126.

11 Pascal, Le Mystère de Jésus.

12 P. Molinié, O.P.

13 Th. Augustinô, Confestions, Livre XI. C. 29.

14 Th. Augustinô, Enarrationes in psalmos, 68,1,5.

15 Kinh Nguyện Thánh Thể 3.

16 Có thể đọc Phụ Trang 3, Thánh Têrêxa Couderc nói về „Tự Hiến“, trang 239

17 Thành ngữ Arập.

18 Thánh Têrêxa Avila.

19 Lời Nguyện Hiệp Lễ.

20 Thánh Ignatio, Exercises, số 237.

21 Xem bài suy niệm số 3, chương 4.

22 Mouroux, L’Expériance chrétienne, trang 22.

23 Xem các bài suy niệm 16, 17 và 18 Phần Thứ II.

24 Mouroux, L’Expérience chrétienne, trang 21.

25 Simone Weil, Attente de Dieu, trang 158-159.

26 Karl Rahner, Vivre et croire aujourd’hui, 1967, trang 35.

27 Vocabulaire de théologie biblique, 1970, cột 391.

28 Annotation 2 des Exercices.

29 Cassien, Conférances, Conf. X. Traduction D. Pichery, dans « Sources chrétiennes », tom II. page 93.

30 Dom Henri Le Saux, Le prêtre que l’ Inde attend, que le monde attend, Carmel, 1966, t. IV. P. 270-284.

31 Thánh Ignatio, Exercices, số 230.

32 Simone Weil, Attente de Dieu, trang 42.

33 Trích từ một lá thư có tựa đề : Le don de l’Inde.

34 Saint-Exupéry, Le Petit Prince.

35 Besnard, Propos intempestif sur la prière, Cerf, 1969, p. 131.

36 Le Milieu divin, Seuil, 1957, p. 138.

37 Xem phụ bản I

38 Xem số IV.16 nói về „Lời nguyện tắt“ cũng thường gọi là „Lời nguyện Chúa Giêsu“.

39 Sách Diễm Ca



Каталог: upload -> file
file -> TÀi liệu hưỚng dẫn sử DỤng dịch vụ HỘi nghị truyền hình trực tuyếN
file -> SỰ tham gia của cộng đỒng lưu vực sông hưƠNG, SÔng bồ trong xây dựng và VẬn hành hồ ĐẬp thủY ĐIỆN Ở thừa thiêN – huế Nguyễn Đình Hòe 1, Nguyễn Bắc Giang 2
file -> Tạo Photo Album trong PowerPoint với Add In Album
file -> Thủ tục: Đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trình tự thực hiện: Bước 1
file -> CỦa chính phủ SỐ 01/2003/NĐ-cp ngàY 09 tháng 01 NĂM 2003
file -> CHÍnh phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Độc lập Tự do Hạnh phúc
file -> BỘ TÀi chính số: 2114/QĐ-btc cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
file -> Nghị ĐỊnh của chính phủ SỐ 33/2003/NĐ-cp ngàY 02 tháng 4 NĂM 2003 SỬA ĐỔI, BỔ sung một số ĐIỀu củA nghị ĐỊnh số 41/cp ngàY 06 tháng 7 NĂM 1995 CỦa chính phủ
file -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam kho bạc nhà NƯỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 4.46 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương