Chương XXI việt Nam chia hai (1954-1965) 3 A. Miền Nam 3


Ngày 30-4-75 - Việt Nam Thống Nhất



tải về 0.87 Mb.
trang5/10
Chuyển đổi dữ liệu24.04.2018
Kích0.87 Mb.
#37094
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

Ngày 30-4-75 - Việt Nam Thống Nhất

Nhưng hiệp định Paris vừa mới kí xong - tất nhiên có chữ kí của Nga, Trung hoa và một số nước khác như Pháp, Anh... - hai bên trao đổi tù binh với nhau xong, Mĩ rút hết quân về rồi thì chiến tranh lại tái diễn. Thế là hiệp định chưa ráo nét mực đã bị xé bỏ. Tôi không hiểu có một sự thỏa thuận ngầm nào giữa các cường quốc nắm vận mạng của Việt nam không, có những uẩn khúc, những bí mật nào không. Theo luật quốc tế, phải 50 năm sau, những bí mật đó mới được công bố, lúc đó những kẻ chịu trách nhiệm chết hết rồi.

Một bên (Bắc) mới thắng được Mĩ về ngoại giao, rất phấn khởi, khí thế đương hăng; một bên (Nam) bị Mĩ chẳng nghĩ gì đến liêm sỉ, nhẫn tâm bỏ rơi, vừa uất ức vừa thất vọng, thì phần thắng về ai, điều đó rất dể hiểu. Quân Bắc tiến tới đâu, dân chúng một phần sợ những vụ chém giết, chôn sống như ở Huế tết Mậu Thân, dắt díu, bồng bế nhau bỏ chạy; một phần ghét Mĩ, ghét chính phủ Thiệu, theo quân đội giải phóng, cho nên cuộc tiến quân của Bắc dễ như chẻ tre, chỉ trong ít tháng chiếm trọn miền cao nguyên và miền Trung Việt, gần tới Biên hòa. Tổng thống Dương văn Minh biết chống cũng vô ích, xin hai bên ngừng chiến để đỡ chết dân và chính quyền miền Nam chờ đợi quân đội miền Bắc vào Sài gòn để giao lại quyền hành, nói tóm lại là xin đầu hàng vô điều kiện; và ngay 12 giờ trưa ngày 30-4 tướng Trần văn Trà của Mặt trận ngồi xe thiết giáp tiến vào dinh Độc lập. Sự thắng lợi đó quả là vẻ vang cho miền Bắc, nhưng xét kĩ thì cũng như sự thắng lợi của quân đội Mao Trạch Đông năm 1949 (cũng chỉ trong có mấy tháng họ tiến từ Nam kinh tới biên giới Bắc Việt); và cũng như sự thắng lợi của Khmer đỏ (ngày 17-4) khiến Lon Nol phải bỏ nước để thoát thân như Nguyễn văn Thiệu, Đại sứ Mĩ phải nhục nhã cuốn cờ bỏ Nam vang mà về nước, và Khmer đỏ vào Nam vang 13 ngày trước cộng sản Bắc Việt vào Sài gòn.

Từ ngày 20-4-75 Sài gòn rất xôn xao. Một ông bạn thân của tôi 65 tuổi, ở gần nhà tôi, đương đau mà gia đình cũng "bốc" lên phi cơ để tị nạn, mới tới Manille thì chết, phải chôn ở đó. Một cô em ruột nhà tôi, cô Trịnh thị Mộng Đơn cũng dắt con lên phi cơ qua với chồng bên Mĩ.

Rồi chính cô em út của tôi, Nguyễn thị Mùi, gần 60 tuổi, cũng theo gia đmh bên chồng qua Mĩ; vợ chồng tôi giữ lại ở với chúng tôi, cô không chịu. Trong số ba người em, tôi mến cô nhất, mà cô cũng quí tôi. Cô làm dâu họ Tô ở Hà nội, có ba người con đều vào hạng học giỏi. Con gái lớn, Tô Lệ Hằng đậu tiến sĩ vật lý, tính tình hợp với tôi, hiện ở Pháp, giúp đỡ tôi được nhiều việc, vợ chồng tôi coi ba cháu đó như con. Cô đi rồi, ở Sài gòn tôi không còn ai ruột thịt cả.

Mấy ngày hạ tuần tháng 4 dương lịch đó tôi vẫn nghĩ tình hình không có gì bi đát lắm đến nỗi phải di cư. Quân Bắc có tiến vào Sài gòn thì Nam Bắc cũng thương thuyết với nhau - trước Bắc chỉ đòi Mĩ rút đi, Thiệu rút đi, thì bây giờ họ rút cả rồi, còn muốn gì nữa? - mà hiệp định Paris còn đó, Bắc phải thi hành chứ. Tôi ngây thơ quá.

Mười một giờ sáng ngày 30-4, ông láng giềng ở phía trong nhà tôi cùng với con lái một chiếc Vespa hớt hơ hớt hải di cư, để lại nhà cửa cho bà cụ thân sinh 77 tuổi và một chị bếp.

Mười hai giờ tôi bắt đài phát thanh, được tin tướng Trần văn Trà vào dinh Độc lập, Đại tướng Dương văn Minh với vài nhân viên trong nội các ra tiếp, bảo:

- Chúng tôi chờ các ông tới để bàn giao.

Trần văn Trà đáp:

- Các ông còn gì trong tay nữa mà bàn giao?

Tin đó làm cho tôi rất buồn: thế là hiệp định Paris đã bị xé bỏ, không còn chuyện ba thành phần trong chính phủ miền Nam nữa, mà chỉ còn có Mặt trận giải phóng, tức cộng sản.

Chiều 30-4 tôi ra đầu ngõ thấy nhiều chiếc Honda cắm cờ đỏ sao vàng vụt qua vụt lại, người ngồi trên xe toàn là thanh niên hớn hở, mỉm cười với dân chúng hai bên đường. Sau này người ta gọi họ là "chiến sĩ 30".

Chiều hôm sau, 1-5, tôi mới lại chợ Trương Minh Giảng. Nhà nào cũng phấp phới cờ đỏ sao vàng, người qua lại tấp nập, hơi có vẻ tưng bừng, nhưng cũng có nhiều bộ mặt đăm chiêu. Chi nhánh ngân hàng Việt nam thương tín ở gần chợ đóng cửa im ỉm. Chợ về chiều đã vắng. Tôi lại nhà bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm. Cửa sắt đóng kín. Một chị giúp việc cho hay cả gia đình bạn tôi đã di cư tối hôm 28-4 vào giờ chót; vì quyết định trễ cho nên không kịp báo cho tôi biết trước. Tôi sửng sốt: "Mấy hôm trước, bác sĩ còn quyết tâm ở lại kia mà!" Chị giúp việc bảo: "ông bà tôi vì tình con gái, chàng rể và mấy cháu ngoại mà phải đi, nhưng định 5-6 tháng sẽ trở về, cho nên đồ đạc trong nhà còn để lại hết." Nhưng anh bạn tôi không bao giờ trở về nữa, hai năm sau chết ở Paris vì bệnh căng xe máu (leucémie).

Tôi lủi thủi về nhà bảo nhà tôi (bà họ Nguyễn) : "Người thân đi hết rồi, không còn ai nữa, buồn quá".

Khoảng 25-4 phát hành cuốn sách thứ 100 của tôi, nhan đề là Mười Câu Chuyện Văn Chương. Tôi đợi đường hàng không Sài gòn - Paris tái lập để gởi thư và một bản cuốn đó cho vợ con tôi mắc kẹt ở Paris. Tôi không nhớ mấy tháng sau mới nhận được thư của họ, nhận được tôi hồi âm liền; còn cuốn Mười Câu Chuyện Văn Chương thì non hai năm sau chính phủ mới cho phép gởi qua.

Tôi phục quân đội giải phóng rất có kỉ luật: vào Sài gòn mà không gây một vụ đổ máu (trước đó ai cũng ngại có một cuộc "tắm máu” như Huế năm 1968), một vụ cướp bóc nào; còn giúp đỡ dân chúng nữa. Tôi lại tràn trề hi vọng khi chủ tịch Mặt trận giải phóng, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, tuyên bố miền Nam sẽ theo chính thể đân chủ cộng hòa, sẽ trung lập, giao thiệp vđi Tây phương; về kinh tế sẽ có 5 thành phần từ quốc doanh đến công tư hợp doanh, tư doanh v.v... Như vậy thì rất hợp với sở nguyện của mọi người, quá sở nguyện của giới trí thức nữa.

Nhưng chỉ được non một năm rồi người ta rục rịch thực hiện sự thống nhất Bắc, Nam và cuối năm 1976 thì không còn miền Nam nữa, từ Lạng sơn đến Cà mau là một nước theo chủ nghĩa xã hội như Nga, tiến bộ hơn cả Trung hoa, Đông Đức nữa vì hai nước này vẫn còn là dân chủ cộng hòa.

Từ năm 1975 đến nay, hai vợ chồng tôi ở lại Sài gòn (lâu lâu nhà tôi mới về Long xuyên ít bữa), nương tựa lẫn nhau để làm trọn bổn phận công dân, thích ứng với thời mới, tìm hiểu chế độ mới.

Chế Độ Mới

Ai cũng biết chế độ cộng sản là chế độ độc đảng, chuyên chế của giai cấp vô sản, theo nguyên tắc mà thực tế là của một nhóm "đảng viên cầm quyền tự cho mình là đồng nhất với thợ thuyền, tiếng nói của mình là tiếng nói của thợ thuyền, có bổn phận thay thợ thuyền để cai trị" (Garandy trong L’alternative - Robert Laffont - 1972). Họ nắm hết cả ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, nếu trong nước có đảng Dân chủ, đảng Xã hội thì những đảng này cũng phải theo đường lối của đảng cộng sản, không thể độc lập, đối lập được.

Các nhà lãnh đạo cộng sản hầu hết xuất thân từ giai cấp bourgeois, có học thức, có tư tưởng tiến bộ, muốn xóa bỏ những bất công trong xã hội, diệt bọn tư bản bóc lột mà bênh vực giai cấp vô sản. Họ định đường lối, kế hoạch, tổ chức xã hội; lựa trong đảng một số người để cho dân bầu (dân chỉ được bầu những người đó thôi) vào Quốc hội và Quốc hội thảo hiến pháp theo đường lối đảng đã ấn định trước; rồi lựa một số người cũng ở trong đảng giao cho nhiệm vụ hành pháp và tư pháp. Bất kì việc lớn nhỏ gì cũng do đảng quyết định hết, cơ quan nào dù lớn, quan trọng tới mấy cũng chỉ có việc thừa hành.

Điều đó ai cũng biết, nhưng muốn thấy chế độ đó ra sao thì phải sống dưới chế độ dăm năm. Đó là bài học đầu tiên và vô cùng quan trọng mà tôi và có lẽ cả 90% người miền Nam rút được từ 1975 tới nay. Muốn nghe ai phê bình, khen chê gì thì nghe, muốn đọc sách gì thì đọc, dù là người thông minh, chịu suy nghĩ, cũng chỉ biết lờ mờ một chế độ thôi.

Dưới đây tôi ghi vắn tắt những điều tôi thấy về chế độ cộng sản ở miền Nam. Tôi không chép nhật kí, mà kí tính tôi mấy năm nay suy; tôi lại chỉ sống ở Sài gòn, giao du ít, nên nhận xét của tôi chắc chắn là thiếu sót, có thể sai nữa, sai nhiều nhất là năm, tháng. Tôỉ sẽ rán giữ tinh thần khách quan và trung thực.

I. Hành Chánh (Chỉ xét ở các cấp từ thành phố (3) và tỉnh trở xuống).

A. Tổ chức

Một gia đình (cha mẹ, con cái, anh em, bà con...) ăn chung, ở chung với nhau thì thành một hộ; nếu có một người tuy ở chung một nhà mà có phòng riêng, ăn riêng thì cũng thành một hộ riêng; như vậy cùng một nhà có thể có hai ba hộ. Mỗi hộ có một người chủ hộ.

Ba bốn chục nhà (thường gồm bốn năm chục hộ) họp lại thành một tổ, có một tổ trưởng, một tổ phó do chính quyền chỉ định, hoặc do dân đề cử, chính quyền chấp nhận; tổ trưởng có thể đề cử một người giúp việc giấy tờ cho. Tổ trưởng, tổ phó, thư kí thường ở trong giới bình dân, có cảm tình với cách mạng, hoặc ít nhất không có tiếng xấu, tự nguyện giúp việc không công, theo nguyên tắc chẳng được hưởng quyền lợi gì cả.

Mới đầu gọi là tổ đoàn kết, sau đổi là tổ dân phố. Tổ trưởng là gạch nối giữa chính quyền và nhân dân, loan báo chỉ thị của chính quyền xuống nhân dân, đạo đạt nguyện vọng của nhân dân lên chính quyền, lo việc an ninh, vệ sinh trong tổ, góp tiền của dân để mua nhu yếu phẩm (gạo, nước mắm, đường, hộp quẹt, xà bông, dầu lửa, vải...) do chính quyền phân phối, quyên tiền cho các công tác trong phường (đặt các loa phóng thanh, mở lớp mẫu giáo, mở nhà hộ sinh...). Mỗi tuần, có khi vài ba ngày họp tổ một lần, mỗi hộ phải cử một người tới họp tại một nhà hoặc một khu đất trống, một cái kho bỏ trống nào đó vào buổi chiều hay tối.

Tổ trưởng thường ít học nên hay nói, nói dai, đáng lẽ 15 phút xong thì kéo dài cả giờ, giờ rưỡi, mất thì giờ của dân; do đó ít người muốn đi họp, miễn cưỡng tới dự để khỏi bị ghi tên vắng mặt mà công an để ý. Đại đa số tổ trưởng không làm khó dân, có người còn bênh vực dân nữa vì cùng là "ngụy", hàng xóm với nhau cả, như vậy dĩ nhiên không được công an phường ưa.

Thỉnh thoảng lại có buổi học tập chính trị do cán bộ, thường là công an tới giảng cho 5-6 tổ gồm trên trăm học viên. Đề tài là công của cách mạng, tội của Mĩ ngụy và bổn phận của công dân: kê khai lí lịch (4) (rất kĩ, gồm 4 trang lớn), kê khai tài sản (nhà cửa cho thuê, hoặc hàng hóa còn dự trữ, máy móc...), làm công tác lao động như đi đào kinh, làm nghĩa vụ quân sự, đi trại cải tạo, đập tư bản, đốt sách phản động, đồi trụy...

Trình độ văn hóa của cán bộ chỉ vào hạng có tiểu học, bài học rất chán, mà cũng có một số người vỗ tay khen, có khi chưa hết câu đã vổ tay, khiến cho các học viên miễn cưỡng vỗ tay theo. Trò đó có vẻ lố bịch, sau dân chúng phá bằng cách đáng lẽ chỉ vỗ tay một thì họ vỗ tay hai, kéo dài ra, bọn nịnh kia thấy ngượng phải bỏ. Mới dầu dân còn đưa thắc mắc hoặc đề nghị xây dựng, thấy không ích lợi gì, người ta chán, có thái độ tiêu cực: đàn ông thì làm thinh, cán bộ hỏi ý kiến, họ một mực không đáp, đàn bà thì lấy len ra đan hoặc cho con bú, thì thầm nói chuyện với nhau, nếu không thì gục xuống ngủ, mặc cán bộ nói gì thì nói. Có những bài học kéo dài hai ba buổi học hoặc hai ba ngày.

Tôi còn nhớ một chị cán bộ khoảng ba chục tuổi, người mảnh khảnh, dạy chính trị cho phụ nữ trẻ và trung niên trong khóm tôi. Phòng họp ở một ngôi chùa cách phòng viết của tôi có năm thước, giọng chị ta lại lớn, nên tôi nghe rõ. Lớp học có khoảng bảy tám chục phụ nữ trong 4-5 tổ. Mới sau ngày 30-4-75, nên người ta còn siêng năng đi học.

Chị tới từ 7 giờ sáng và cho tới 11 giờ, suốt bốn giờ liền, tôi chỉ nghe tiếng chị giảng thôi, không có một tiếng nào của học viên. Chị thao thao bất tuyệt, không khi nào ngừng quá một phút, không hề hỏi học viên một câu. Tôi lắng tai nghe, không hiểu chị nói gì. Lời cứ ở trong miệng chị tuôn ra, không mạch lạc, không ý nghĩa gì. Đúng 11 giờ chị ngưng. Lớp học ồn ào ra về.

Một giờ chiều chị lại tới, lại thao thao như sáng, lại độc thoại tới bốn giờ chiều. Tôi không biết trong lớp có người nào ngủ gục không. Mấy ngày liền như vậy rồi không thấy chị trở lại, chắc đã đi dạy lớp khác. Tôi nghĩ bụng: "Chị ta có hiểu chị ta nói gì không; bảo chị tóm tắt lại lời giảng trong một buổi, chị ta làm nổi không?" Y như một cái máy hát và tôi nhớ lời này của một bạn ở Hà nội vào: "Bọn cán bộ đó nói dài, nói dai, nói dở, gọi là cán bộ ba d.”.

Nhưng cái nạn học tập chính trị đó còn kém cái nạn nghe loa phóng thanh suốt ngày ở ngay trước nhà mình mà một số dân phố phải chịu. Một ông hàng xóm của tôi nhức óc vì loa, muốn hóa điên, và gọi văn minh xã hội chủ nghĩa là văn minh loa.

Nhiều tổ họp thành một khóm (khóm ở thành phố cũng như ấp trong làng) có một trưởng khóm và vài ba người giúp việc về thông tin, văn hóa, giáo dục, kinh tế, tài chánh, giấy tờ. Những nhân viên đó đều do chính quyền tuyển, đều là cán bộ nằm vùng hoặc có cha, anh làm cách mạng. Họ được ăn lương 36 hay 38 đồng ngân hàng một tháng, có nhà ở. Dân muốn xin giấy tờ gì - giấy đi đường, giấy chứng nhận chỗ ở, giấy giới thiệu đi khám bệnh, bản sao khai sanh... - phải có khóm trưởng cho ý kiến rồi tự mình đem lại phường, phường mới kí giấy, đóng dấu cho phép. Khóm lo việc phân phối nhu yếu phẩm. Về sau khóm bị bãi bỏ, dân giao thiệp thẳng với phường (tức như làng xã)

Phường có công sở lớn, nhiều phòng: hành chánh, y tế, giáo dục, kinh tế, công an, có nơi có cả đài phát thanh nữa... Phường trưởng mới đầu do chính quyền chỉ định, sau do dân trong phường bầu đại diện, đại diện lại bầu một hội đồng nhân dân, chủ tịch hội đồng này là phường trưởng. Cách thức bầu cũng như bầu quốc hội. Đảng lập một danh sách những người đảng cho phép ứng cử, giới thiệu mỗi người vài hàng: tên tuổi, nghề nghiệp, đã có những công tác gì... trên một bích báo. Còn 10 đại biểu nhân dân thì phường giới thiệu 11, 12, có khi đúng 10 người thôi, và dân chỉ được bầu cho những người đó. Chỉ là vấn đề hình thức. Dân đi bầu khắp mặt cho xong việc, không cần biết kết quả ra sao. ứng cử viên chẳng cần ra mắt quốc dân.

Riêng tôi suốt năm năm không thấy mặt ông chủ tịch ủy ban nhân dân phường một lần nào, hai lần xin gặp mặt thì cô thư kí bảo ông ấy đi vắng cả hai. Sự thật phường trưởng rất ít quyền. Công an trưởng mới có quyền và thường tới nhà dân, biết rõ từng nhà một, có khi từng người một nữa.

Trên phường là quận (như huyện ở các tỉnh). Quận có đủ các cơ quan như một tỉnh: hành chánh, thông tin, giáo dục, công an, cảnh sát, tài chánh, kinh tế, nội thương, y tế ngoại thương, vận tải, tòa án, thủy lợi, quân sự, cả hồng thập tự nữa. Tôi không sao biết hết được, vì không bao giờ tới quận.

Trên quận là thành phố, cũng như trên huyện là tỉnh. Thành phố Hồ Chí Minh là kinh đô của miền Nam, trực thuộc trung ương, theo nguyên tắc ở trên tất cả các tỉnh, nhưng quyền hành không lớn hơn tỉnh bao nhiêu vì chính sách địa phương tự trị.

Có thể nói mỗi tỉnh là một tiểu bang, theo đường lối chung của quốc gia nhưng có đủ các cơ quan của một quốc gia, có tài chánh riêng, ngân hàng riêng, chính sách thuế khóa riêng, chính sách kinh tế riêng, cơ quan xổ số riêng (ở Nam Việt có tới 7 cơ quan xổ số), tự đào tạo lấy nhân viên cho tỉnh... Mới đầu có lẽ tỉnh trưởng cũng do chính quyền đề cử (có thể người nào làm tỉnh ủy miền nào trong thời kháng chiến thì sau ngày 30-4 làm tỉnh ủy tại miền đó); rồi sau cũng do nhân dân trong tỉnh bầu lên theo cách thức đã kể trên.

Sau ngày 30-4-75, hai ba tỉnh cũ họp lại làm một, như tỉnh An giang gồm tỉnh Long xuyên và tỉnh Châu đốc thời trước. Do đó quyền của tỉnh ủy lớn lắm.

Huyện cũng gần như được tự trị ở trong tỉnh; huyện nào (mà quận ở thành phố cũng vậy) cũng tranh nhau lập thật nhiều cơ quan, xây cất nhiều cơ sở, cũng có đủ cơ quan như tỉnh, cả hội chữ thập đỏ (làng cũng vậy), có xưởng chế tạo dược phẩm riêng, cạnh tranh với tỉnh, thành thử sức sản xuất kém, giá bán cao, lợi ít. Như vậy là trở về chế độ tiểu công nghệ, bao giờ mới kĩ nghệ hóa được? Thậm chí một trường học cũng là một cơ quan tự trị, có dư giáo sư thì để họ ngồi không chứ không cho trường khác mượn.

Sở nào cũng rất nhiều nhân viên mà công việc thì ít, vì giám đốc sở nào cũng đưa người thân hay người quen vào làm. Người ta gởi gắm lẫn nhau.

Một cán bộ cao cấp chủ nhiệm hay phó chủ nhiệm một tờ báo nọ có lần bảo tôi, tờ báo của ông ta có non một trăm nhân viên (trước ngày 30-4-75 một tờ báo như vậy chỉ có vài chục nhân viên mà lại nhiều trang, nhiều bài hơn), dư người rồi; vậy mà sáu tháng sau khi ông ta giao lại tòa soạn cho một cán bộ khác, thì số nhân viên đã tăng lên tới 170; có những "kí giả" tới tòa soạn mà chẳng có việc gì làm, nói chuyện láo một lúc, sửa một cột ấn cảo rồi đi dạo phố hoặc về nhà, tự thẹn mang tiếng kí giả mà cả năm không hề viết một hàng chữ cho tờ báo.

Công sở nào cũng có tình trạng như vậy, nhân viên đông gấp 5 số cần thiết và ngân sách chỉ đủ trả lương nhân viên, không còn làm được việc gì khác. Lại có những công sở như Cơ sở tiết kiệm, tiệm sách, khi mới thành lập, có chút công việc để làm, vài năm sau không có việc gì cả (không có người gởi tiền tiết kiệm, không có sách để bán) mà vẫn không đóng cửa, vẫn giữ đủ nhân viên. Nếu tính cả những nhân viên làm không công cho chính phủ như các tổ trưởng, tổ phó thì có lẽ số nhân viên năm 1980 gấp mười lần nhân viên năm 1974. Chúng ta cứ thử tính: từ hai năm nay, mỗi tồ đoàn kết thời 1975 tách ra làm hai, mang tên là tổ dân phố, mỗi tổ gồm hai tổ phó: tổ phó an ninh và tổ phó đời sống, chứ không phải một như trước; như vậy 40-50 hộ trước kia chỉ cần một tồ trưởng, một tổ phó, nay cần hai tổ trưởng, bốn tổ phó, số nhân viên không lương tăng lên gấp ba. Khắp miền Nam, số nhân viên không lương đó được mấy chục vạn, ai mà biết được?

Nhân viên càng nhiều, công việc lại càng bê bối. Vì cái nạn bè phái tranh giành nhau, dẵm chân lên nhau, không ai chịu trách nhiệm cả, ai cũng đùn công việc cho người khác.

Cuối năm 1979, tôi làm đơn xin ủy ban nhân dân phường tôi ở cho phép tôi chở về nhà tôi ở thị xã Long xuyên một số đồ đạc (ba tủ sách, một tủ lạnh, vài cái ghế...) và một số sách báo Việt, Pháp, Anh, Hoa đề tôi về Long xuyên nghỉ ngơi, dưỡng bệnh. Việc tầm thường như vậy, thời trước chẳng phải xin phép xin tắc gì cả, mà cô thư kí phường (quen mặt tôi chứ) không dám quyết định, đẩy qua công an; thầy thư kí công an cũng không dám quyết định, đẩy qua phường; họ thảo luận với nhau ra sao tôi không biết, kiếm lẽ này lẽ khác để không cho phép, bắt tôi đi đi về về tất cả tám lần, sau cùng tôi phản kháng dữ, họ mới chịu kí giấy.



B. Tinh thần nhân viên

Mùng ba tết, hết nghỉ, theo lệnh áp dụng trong toàn quốc các công sở phải làm việc mà ở Long xuyên (năm 1980) mùng 4 tôi lại Bưu điện mua cò gởi thư qua Pháp không được; một ông bạn tôi mùng năm rút tliền tiết kiệm cũng không được, khoảng mùng 10 các công sở mới đủ nhân viên.

Đa số công sở rất dơ dáy, lộn xộn, nhân viên nấu ăn ngay trong phòng giấy. Vào nhiều công sở ta có cảm tưởng vào những nhà việc ở thôn quê Nam Việt nửa thế kỉ trước: có 3-4 bàn giấy nhưng chỉ có hai nhân viên ngồi nói chuyện phiếm bên một bình trà, mấy cái chén, chỉ khác là có thêm một bình điếu thuốc lào. Nhân viên tới giờ nào thì tới, có người bận việc ở trong bếp phía sau, có người đi mua nhu yếu phẩm; và nếu đương giờ làm việc mà người nhà tới cho hay ở nhà heo đẻ thì họ vội vàng bỏ hết công việc sở, về nhà đỡ đẻ cho heo. Vì hầu hết họ phải nuôi heo để có thêm tiền tiêu, hoặc mua một chiếc xe đạp, đóng thêm bàn ghế, may sắm cho vợ con...

Một em học lớp 2 một trường cấp 1 nọ ở Sài gòn phàn nàn nền gạch lớp học bê bết cứt gà (vì trường nuôi gà), có em ỉa đùn trong lớp nữa, hôi thối quá.

Hình như người ta không có một kế hoạch, chương trình gì cả, ra lệnh rồi phản lệnh liền liền mà tới giờ chót mới thông báo cho nhân viên hay; máy móc mua về đủ rồi mà vì lẽ này lẽ khác, không dùng tới, để cho nó sét.

Rồi còn cái tệ dưới không tuân lệnh trên, một phần do tinh thần bè phái, một phần do chính sách địa phương tự trị. Công an một ấp hay xã nọ bắt giam một người dân; gia đình người này khiếu nại với ban thanh tra tỉnh. Ban thanh tra ra lệnh thả vì bắt giam trái phép, công an ấp hay xã không thèm nghe, bảo: "Tỉnh mà làm sao biết được việc trong xã, can thiệp như vậy là bậy".

Năm 1979, trung ương ra lệnh không được cưỡng ép nông dân làm ruộng tập thể, ai đã vào hợp tác xã nông nghiệp rồi, muốn xin ra cũng được. Lệnh đó được phổ biến trên đài truyền thanh, truyền hình; nhưng cán bộ một làng nọ ở Sóc trăng không thi hành, hỏi tại sao, đáp: “Tôi được lệnh của huyện phải đạt chỉ tiêu huyện đã ấn định trong việc bắt nông dân vào hợp tác xă nông nghiệp, nếu tôi nghe theo đài hay báo chí, chỉ tiêu không đạt được thì ai chịu trách nhiệm cho tôi?"

Một nhân viên còn thách thức: "Trung ương ra lệnh mà địa phương không thi hành thì có sao không?" Có kẻ bảo: “Tôi không biết Phạm văn Đồng là ai", rồi mỉm cười ngó chung quanh, hỏi các bạn: "Trong xã mình có ai tên Phạm văn Đồng không?"

Không phải là thời thập nhị sứ quân nữa mà là thời thập nhị thiên sử quân. Nghị quyết của đảng dù có rành mạch, hợp tình hợp lí, nhưng xuống đến cấp huyện, cấp xã thì thay đổi hẳn, đến nối dân chúng chẳng cần biết đường lối của chính phủ, chỉ cần biết lệnh của xã ấp thôi. Đó là cái nạn cán nặng hơn gáo.

Tỉnh huyện lập ra nhiều cơ quan quá thì phải xây cất thêm nhiều, tịch thu nhà cửa đất đai của dân. Theo hiến pháp, tư sản được tôn trọng. Chỉ bọn tư bản bóc lột, một số ngụy quân ngụy quyền có tội nặng và những người vượt biên "chui" (lén) mới bị tịch thu nhà cửa. Nhưng một số cán bộ nhỏ muốn dâng công hoặc vì tư thù, tư lợi, tịch thu bừa bãi nhà cửa, đồ đạc của dân. Chính nhà tôi ở Long xuyên là một gia đình liệt sĩ mà cũng bị chúng hăm tịch thu một căn 36 thước vuông chúng tôi cất ở giữa khu vườn làm chỗ nghỉ ngơi. Chúng bảo căn đó không ai ở, cơ quan này muốn mượn, cơ quan khác muốn mượn. Cháu tôi, chủ hộ, người coi nhà, đáp rằng: vợ chồng tôi ở Sài gòn, vài ba tháng về Long xuyên một lần, về thì ở căn nhà đó, mà căn đó chứa đầy đồ đạc, tủ sách, bàn viết của tôi rồi, không thể cho cơ quan mượn được. Chúng làm thinh. Sau cùng chúng loan tin chính phủ quản lí các tịnh xá (!) mà căn đó có bàn thờ Phật là một tịnh xá (!) Nhà tôi bất đắc dĩ phải kiếm thủ truởng của chúng, vạch những hành động đó của chúng, chúng mới thôi.

Còn các gia đình có mặc cảm tội lỗi thì đành chịu ức hiếp: đương đêm quân đội tới bắt dọn đồ đạc ra đường để chúng chiếm nhà. Tệ đó gây bao phẫn uất trong đân chúng, các ông lớn ở trung ương có biết cho không?

Một thời thị xã Long xuyên xôn xao và tỉnh ủy (hay thị xã ủy) ra lệnh bắt mấy trăm gia đình ở trong những cư xá cất từ thời Ngô Đình Diệm chung quanh dinh hành chánh tỉnh phải dời đi chỗ khác để nhà cửa lại cho cán bộ cách mạng ở; mà không được bồi thường gì cả, mặc dầu họ làm chủ căn nhà của họ từ mấy chục năm rồi (trả hết tiền xây cất rồi). Vài ba người nhát gan hoặc muốn lập công với cách mạng, dời đi liền, tặng căn mình ở cho cách mạng. Còn thì hết thảy đều bất bình, họp nhau làm đơn khiếu nại; chính quyền không chấp nhận đơn khiếu nại chung, bắt mỗi người phải làm đơn riêng, rồi lâu lâu lại thúc, dọa dẫm. Họ vẫn ỳ ra, lấy lẽ họ là nhân viên, làm việc trong các cơ quan của tỉnh, thị xã, tại sao lại không được ở như các nhân viên ở Bắc vào, ở bưng về. Một người rất bướng, kiếm bản hiến pháp mở ra ở trang nói về quyền tư sản, đặt trên bàn, bên cạnh con dao găm. Hễ cán bộ vào đuổi họ đi thì họ chỉ hiến pháp cho coi và bảo sẵn sàng đổ máu nếu bị ức hiếp. Cán bộ ra về, đem dây kẽm gai lại vây nhà, bít lối ra, họ cắt dây kẻm gai chui ra; cán bộ đem xe cam nhông lại bít cửa, họ leo lên xe, vượt ra, cán bộ chịu thua.

Sau có nhiều người lên Sài gòn gởi đơn khiếu nại thẳng ra Hà nội và hai năm sau vụ đó mới êm.

Nếu chính quyền tỉnh thành công trong vụ đó thì sẽ tiến thêm một bước nữa, bứng hết cả dân chúng trên đường Gia long (nay là đường 26 tháng 3) dài năm trăm thước, con đường sạch sẽ nhất, nhà cửa có vườn rộng, khang trang nhất thị xã để làm khu riêng cho cán bộ ở. Như vậy là chính quyền coi dân miền Nam này coi đồng bào của họ như bọn da trắng coi dân da đen, không cho ở chung, áp dụng chính sách apartheid (chia cách) của Nam phi. Như vậy mà muốn đoàn kết thì khác gì leo cây bắt cá. Dân chúng chua xót nghĩ lại thời còn kháng chiến, mình chia cơm xẻ áo, không ngại nguy hiểm, hết lòng giúp đỡ, giấu họ mà bây giờ kháng chiến thành công, họ coi mình là kẻ thù.

Tôi không kể những cái bê bối trong công sở: đánh mất hồ sơ, thụt két, ăn cắp của công, kho vật liệu không có sổ sách, cứ ít tháng lại thấy mất đồ mà không tìm ra được thủ phạm, v.v..., vì nếu kể thì dài quá.

Thế giới tư bản chê các nước cộng sản quản lí rất kém và bị bệnh thư lại (bureaucratie) rất nặng. Trước năm 1975, một kí giả Pháp - tôi không nhớ trên báo nào - bảo chế độ cộng sản sẽ chết vì bệnh thư lại. Sau ngày 30-4-75, tôi đem những lời đó hỏi bốn nhà trí thức Bắc: một học giả già, một nhà báo già, một kĩ sư và một giáo sư ở Nga về, khoảng 40 tuổi, họ đều nhận những lời chê của phương Tây đó đúng. Một người ngạc nhiên rằng từ 1950 tôi đã viết cuốn Tổ chức công việc theo khoa học, mà một phần tư thế kỉ sau, Bắc vẫn chưa có cuốn nào như vậy. Một người nữa còn bảo bệnh quan liêu ngoài đó trầm trọng hơn thời Pháp thuộc nhiều.

Cán bộ cao cấp và trung cấp còn biết những sở đoản của chế độ, lẽ nào các nhà lãnh đạo và đảng không biết. Tôi cho rằng người ta biết đấy, nhưng đó là bệnh cố hữu (inhérent) của chế độ, không thề chữa được, trừ phi có một cuộc thay đổi lớn lao mà không ai dám nghĩ tới.

Nhưng thế nào cũng tới lúc người ta phải nghĩ tới. Hiện nay tình trạng các công sở đã bi đát quá rồi. Lương công nhân mới vào làm chỉ được 38 đồng một tháng (1980), lương một kĩ sư, một bác sĩ mới ra trường được trên 50 đồng. Nhu yếu phẩm năm 1975 còn được nhiều thứ: gạo (5), đường, sữa, dầu lửa, xà bông, thuốc đánh răng, hộp quẹt, cá, thịt..., nay chỉ còn gần như mỗi một thứ là gạo hay bo bo, những thứ khác đều phải mua chợ đen hết; lương bác sĩ, kĩ sư chỉ đủ để mua củi chụm, như vậy làm sao họ sống được? Khắp đông tây, không đâu có một chế độ lương bổng như vậy. Một cố vấn Đức hai năm trước đã đưa ý kiến phải tăng lương công nhân lên tối thiểu là 250 đồng (gấp 6 lần) thì họ mới đủ sống; ngày nay tăng lên 500 đồng cũng chưa đủ.

Đói thì không làm việc được, công việc bê trễ, người ta chán nản, xin thôi. Đơn xin thôi nhiều quá, có sở cứ 20 đơn xin thôi thì chỉ có 10 đơn xin vào, giám đốc không cho thôi. Xin thôi nhiều nhất là giáo viên; trường nào có giáo viên xin thôi thì hiệu trưởng phải lại tận nhà năn nỉ ba bốn lần rán ở lại đào tạo thế hệ sau cho chủ nghĩa xã hội.

Xin thôi không được thì người ta cớ ngang nhiên bỏ sở; hoặc ở lại thì làm tà tà, lấy lệ: một giáo viên giảng bài lí nhí trong miệng, học sinh xin giảng lớn hơn thì đáp: "Khi nào tăng lương cho tôi, tôi đủ ăn, có sức, mới giảng lớn được" Có kẻ ỳ ra không làm gì cả: thủ trưởng giao hồ sơ, phái đi công tác năm ba ngày ở một nơi nào đó; người ta ôm hồ sơ đi một tuần sau mới trở về, bảo nhớ cha mẹ quá, về thăm cha mẹ, chớ không đi công tác! Rồi cũng thôi. Bỏ đi chơi một tuần còn là ít đấy; nếu vắng mặt 29 ngày thì về lãnh lương đủ, không bị khiển trách, chỉ phải làm một tờ tự kiểm, mà nếu chẳng thèm làm thì cũng chẳng sao.

Một giáo sinh ở Đại học sư phạm Sài gòn ra, nhận được giấy bổ đi dạy Củ chi, gởi trả lại cho trường với mấy hàng chữ cực kì phản động như vầy: "Bay trả lương cho tao có 54 đồng một tháng mà tiền xe tao đi Củ chi mỗi ngày tốn 3 đồng rồi, tao lấy gì để sống? ". (Củ chi tuy thuộc thành phố Hồ Chí Minh, ở ngoại ô, nhưng cách trung tâm thành phố hai ba chục cây số).

Một bức thư gởi máy bay, bảo đảm từ Sài gòn ra Hà nội mà đúng một tháng mới tới; tôi làm đơn khiếu nại sở Bưu điện, sáu tháng sau người ta vẫn chưa trả lời, tôi thúc, họ cứ làm thinh. Hai năm sau họ mới cho hay đơn đó thất lạc đâu mất rồi.

Thỉnh thoảng lại có tin một kho chứa bưu kiện ngoại quốc gởi về, hoặc chứa hàng bị cháy, bị cướp; gần như ngân hàng tỉnh nào cũng bị thụt két. Trừng phạt, họ không sợ, còn bảo: "Vào khám được chính phủ nuôi".

Tình trạng đó cứ mỗi ngày một bi đát thêm thì một ngày nào đó mọi hoạt động sẽ bị tê liệt hết.

Đầu năm 1980 tôi nghe một cán bộ cao cấp ở Sài gòn đi dự một hội nghị về bảo người Nga đưa điều kiện phải để cho họ gởi qua nước mình 150.000 cố vấn để kiểm soát hết các cơ quan từ cấp cao nhất ở trung ương tới những cấp thấp nhất ở huyện. Như vậy thì còn gì là chủ quyền, là thể diện nữa? Nhưng nếu không nghe, họ sẽ cúp viện trợ thì làm sao đây? Xăng đã bị hạn chế 50% rồi, giá chợ đen năm 1980 từ 10 đồng lên 18 đồng một lít, năm 1981 lên 40 đồng (tức 20.000 đồng cũ).



tải về 0.87 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương