Chương XVI: VĂn hoá chăM



tải về 285.74 Kb.
trang2/4
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích285.74 Kb.
#18975
1   2   3   4

* Lũy cũ Hoàn Vương:


Trường Sơn như vách núi sừng sững ở phía Tây theo hướng Bắc - Nam, Hoành Sơn lại là bức trường thành chắn - chìa ngang ra tận biển, địa hình đồi núi, do vậy, thấp dần về Nam. Khu vực Quảng Lưu - Quảng Tiến - Quảng Châu chính là những đoạn thoai thoải đó của địa hình nơi đây.

Cũng nằm trên địa phận huyện Quảng Trạch, lũy cũ Hoàn Vương kéo dài khoảng 7km - 10km, từ khu vực Phù Lưu, Trung Thuần (xã Quảng Lưu) ra vùng Quảng Tiến, cho đến xã Quảng Châu.

Khác với lũy Hoành Sơn được cấu tạo chủ yếu bằng đá, lũy Hoàn Vương có thể coi là một trường lũy được đắp bằng đất, rải rác một vài nơi có nền móng đá tự nhiên hoặc được ghè bằng đá. Theo hiện trạng, toàn bộ tuyến lũy đã bị biến dạng bởi sự canh tác của người dân, đặc biệt là trong công tác thủy lợi, làm cho nhiều nơi bị đào sâu, cắt ngang, như ở đoạn con mương và đập thủy lợi thôn Vân Tiền - Trung Thuần (Quảng Lưu). Điều đặc biệt quan tâm ở đây là dân gian vẫn còn lưu truyền tên gọi “lũy”, vẫn hiện hữu địa danh “Cánh đồng Chăm”, có khu mộ cổ - mộ Chăm Vân Tập.

Lũy cũ Hoàn Vương diễn tiến trên một đoạn đường dài, men theo các triền đồi, gấp khúc theo hình chữ L từ Tây - Đông, có nét đáy là đoạn vòng lên phía Bắc, điểm gấp khúc ở phía ngoài hồ thủy lợi Vân Tiền (Quảng Lưu). Việc phục dựng mô hình tuyến lũy trên thực địa gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc xác định các thông số kỹ thuật trên bình diện, trắc diện.

Trên cơ sở tận dụng triệt để địa thế từ các nếp gấp khúc của địa hình, lũy Hoàn Vương được xây dựng trên các nhánh triền đồi. Qua các dạng địa hình gò đồi - thung lũng, điều kiện thời tiết và quá trình canh tác của cư dân địa phương đã tác động đáng kể đến hiện trạng toàn bộ tuyến lũy, nhất là ở đoạn gấp khúc hồ thủy lợi Vân Tiền, nay thuần túy như một con đê rộng 2m - 3m mà các thông số khác (độ cao, độ rộng của chân đê...), không thể nói lên được điều gì, trong khi đó những đoạn rộng nhất thuộc các nhánh triền đồi, có thể phình ra từ 7m - 10m, có nơi đến 15m.

1.1.3. Một số nhận xét:

* Về tư liệu:

Đến nay, những tư liệu về phế lũy Lâm Ấp, lũy cũ Hoàn Vương thật mờ nhạt và thiếu tính thống nhất. Dòng sử liệu Trung Hoa về việc “vua Phạm Văn dâng sớ xin lấy Hoành Sơn làm địa giới”, trong lịch sử, đã định danh đến tận ngày nay các phế lũy “Lâm Ấp, Hoàn Vương”. Cổ sử Việt Nam cũng không đề cập đến vấn đề này sâu rộng hơn. Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn hết sức trung thực, còn xếp các di tích phế lũy này chỉ ở mục "cổ tích" với nhiều tồn nghi. Nhưng khi giới thiệu về Hoành Sơn (ở phần Hà Tĩnh), "...chạy dài đến biển thì lại là cổ họng giữa Bắc Nam", lại nhấn mạnh: "Một dải núi liên tiếp chắn ngang đến biển; phía Đông có núi Đao, đường quan đi qua trên núi, xưa là chỗ phân địa giới giữa Giao Chỉ và Chiêm Thành, ở đây có thành bằng đá)(A374). Sử học bị khảo cũng bàn luận với nhiều tồn nghi trong một tinh thần tương tự. Người Pháp đến Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XIX và đã có những bước tiên phong trong việc nghiên cứu về Champa, cũng không cung cấp cho chúng ta được nhiều thông tin hơn.

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí "Trên đèo Ngang, phía Bắc huyện Bình Chính, xếp đá làm luỹ một dải ven núi, tương truyền là Ninh quận công Trịnh Tuyền đời Lê trước xây" và kiểm tra trong Lê sử thì Trịnh Tuyền chỉ cầm cự với Nguyễn Hữu Dật - Nguyễn Hữu Tiến bên bờ sông Lam, sau đó bị Trịnh Tạc nghi ngờ, triệu về, tống vào ngục. Do vậy, cũng khẳng định tồn nghi: "Hồi Giao châu thuộc Hán, chúa Lâm Ấp là Phạm Văn xin với Thái thú Nhật Nam lấy Hoành Sơn làm giới hạn, hay là luỹ này đắp từ bấy giờ chăng? Chép ra đây để bị khảo")(A374) . Đại Nam Nhất Thống Chí còn phân định khu vực này bao gồm ba di tích là Luỹ cũ Đèo Ngang (từ núi Hành Điện đến Đèo Ngang), Lũy cổ Lâm Ấp (Từ đèo Ngang ra đến tận biển) "Trên đèo Ngang, phía Bắc huyện Bình Chính, một dải luỹ đá theo dọc núi chạy ngang đến biển, tương truyền do vua Lâm Ấp Phạm Văn đắp, làm chỗ chia địa giới" (A374:46) và Luỹ cổ Hoàn Vương "Ở xã Trung Ái, huyện Bình Chính, từ núi Thành Thang kéo dài đến các xã Tô Xá, Vân Tập, Phù Lưu, vượt đèo bọc khe, từng quãng từng đoạn đều có ụ bến, tương truyền là luỹ cũ nước Hoàn Vương, nay vẫn còn dấu" (A374:46-47).khu vực Quảng Lưu, Quảng Châu, Quảng Kim ngày nay). Các học giả người Pháp đầu thế kỷ XX chỉ thấy được “Lâm Ấp phế thành” (Citadelle abandonnée du Lâm Ấp) ở Trung Ái (nay thuộc Quảng Lưu) cũng qua Cương mục tiền biênĐại Nam Nhất Thống Chí trong khi L. Cadière lại không hề nhận ra được các vết tích Champa này, bởi ông rất có lý khi cho rằng, những vết tích cổ xưa nhất vốn không còn mang dáng vẻ nguyên thủy bởi sự sử dụng kế thừa của các thế hệ chủ nhân người Việt(A321:550). L. Cadière cũng thấy được dấu tích Trung Ái qua Cương mục tiền biênĐại Nam Nhất Thống Chí và thêm Lâm Ấp phế lũy (muraille abandonnée du Lâm Ấp) trên đỉnh núi Hoành Sơn, lũy đá kéo dài ra tận biển(A19:43).


* Giả thiết:

Trước hết cần khẳng định đây là hai di tích độc lập, được nối kết tự nhiên bởi dãy núi cao, hiểm trở, kéo dài theo hướng Bắc - Nam. Như đã trình bày, rõ ràng chúng ta chưa đủ tư liệu để phác họa một cách cụ thể các thông tin về niên đại, quá trình dựng xây, gia cố và vai trò lịch sử của nó. Tuy nhiên, theo hiện trạng, có thể thấy các công trình này rất có ý nghĩa bởi sự kế thừa sử dụng của các thế hệ chủ nhân, ít ra là đến thời Trịnh Nguyễn phân tranh, và các góc sắp xếp đá, nay vẫn còn sắc cạnh - không thể giữ nguyên trạng từ đầu Công nguyên, mà phải được đời sau gia cố bổ sung.

Ngược dòng lịch sử cho đến trước sự kiện Khu Liên - Vương quốc Lâm Ấp hồi thế kỷ II (năm 137, hoặc 192), khu vực Bình Trị Thiên hiện nay chắc chắn thuộc chủ quyền của các cộng đồng cư dân bản địa. Đúng như lời Phương Đình thì “việc đặt ra các châu, huyện thì sử (Việt Nam) phần nhiều không chép đủ”(A54:142-153). Để dễ hình dung về vùng đất này trong những khoảng thời gian trước đó, có thể phác họa nên sự hiện hữu của hệ thống các vùng lãnh địa độc lập - nếu chưa muốn nói là các tiểu quốc cát cứ - gọi là châu triều cống và châu phụ cống (theo Nguyên Hòa chí): “Nước ấy cai quản 105 bộ lạc, đại khái như cách thức châu huyện của Trung Quốc”. Sự kiện Thứ sử Giao châu Nguyễn Phu đánh Phạm Phật ở Nhật Nam năm Vĩnh Hòa IX (351), phá được hơn 50 lũy, cũng có thể hiểu như là thành trì của các bộ lạc. Theo Tống sử, Triệu Nhữ Quát ghi lại địa danh, cho là những thuộc quốc của Champa như Cựu Châu, Ô Lê, Việt Ly, Vi Nhuế, Tân Đồng Long... và "những nước chư hầu đó là gì? Tân Đồng Long chính là Panduranga, một châu của Champa" với lập luận: "Rất chắc chắn là họ đã sống trong những tiểu vương quốc tương ứng với các tỉnh mà sau này là Panduranga, Vijaya, Kauthara, Hamaravati... Và phía Bắc đèo Hải Vân, dân cư huyện Tượng Lâm bị phụ thuộc vào nhà Hán. Chính họ gây ra vụ phiến loạn mà Khu Liên lợi dụng để lên làm vua các tiểu quốc Chàm"(A211:66,87,110).

Mô hình bộ lạc - tiểu quốc đó chúng ta cũng có thể thấy được ở Phù Nam qua việc Phạm Hùng (~270 - 280) liên kết với quốc gia này qua bản tấu của Thứ sử Giao châu Đào Hoàng: "Phía Nam tiếp giáp với Phù Nam, vương quốc có nhiều bộ lạc, những bộ lạc bạn sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau, ỷ vào địa thế hiểm trở, họ không thần phục Trung Quốc" (Tấn thư). Thời Tần - Hán, ảnh hưởng của đế chế Trung Hoa đối với khu vực này được khẳng định nhưng không đậm nét, chỉ thuộc vùng “cai trị lỏng lẻo”, châu quận “phụ cống”. Hiện tượng Khu Liên như mở đầu cho xu hướng độc lập, quy tụ được các nhóm cộng đồng bản địa, bứt ra khỏi vòng cương tỏa xa xôi vốn lỏng lẻo, dần dần đối trọng với phong kiến phương Bắc sau các quá trình Bắc tiến, Tây tiến, Nam tiến - đỉnh cao dưới thời Phạm Văn, đủ mạnh để dâng sớ xin lấy Hoành Sơn làm địa giới. Xét trong quá trình đó thì các tuyến lũy này có vai trò lịch sử biến thiên qua từng thời kỳ. Địa hình miền Trung có hai ranh giới tự nhiên - hai hằng số địa lý - khắc họa rõ nét nhất, có vị trí chiến lược nhất, là Hoành Sơn và Hải Vân Sơn. Hoành Sơn cắt ngang ra tận biển, tạo nên lũy chắn sừng sững, dựng đứng ở mặt Bắc và thoai thoải ở phía bờ Nam. Vị trí chiến lược trong chức năng biên địa, phòng thủ chính là ở đó. Có thể từ xa xưa, lớp chủ nhân đầu tiên đã khai thác được thế mạnh này, dù chỉ là một dạng bộ tộc nhỏ, cho đến tiểu quốc - mandala, rồi vương quốc Lâm Ấp... nhằm tôn trọng nhau trong việc phân định cương giới, lãnh thổ - vùng khai thác đối với những láng giềng anh em ở bên kia dãy núi.

Khi Khu Liên, rồi những hậu duệ kế vị ông mở rộng ảnh hưởng thì biên giới tự nhiên này, mặc nhiên, theo trung tâm điểm quy chiếu Lâm Ấp và nhiều khi, Lâm Ấp còn vượt ra, đánh đến tận miền Cửu Chân. Sau này, khi Bố ChinhĐịa Lý - Ma Linh rồi Ô - Lý về với Đại Việt thì cương giới này, đối với Champa, không còn nữa, mà chỉ tồn tại danh xưng dân gian.

Địa thế miền Trung ở khu vực này bị đứt đoạn bởi Hoành Sơn. Từ miền Bắc vào Nam, các tuyến đường biển gặp vô vàn khó khăn bởi các bãi cát - đá ngầm dày đặc (tức là các dải đại / tiểu trường sa sau này) cũng như sự phức tạp của chế độ gió; thêm vào đó là người Champa vốn có truyền thống đi biển, giỏi thủy chiến..., tất cả, làm cho việc xâm nhập bằng đường thủy từ miền Bắc, coi như bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Trên bộ, theo con đường mà sau này trở thành đường Thiên lý (nay tạm hiểu như là Quốc lộ I), phải đi qua dãy Hoành Sơn và cũng bị chính lũy này chặn đứng. Nối tiếp với lũy Hoành Sơn là núi tiếp núi trùng điệp, gần như không thể vượt qua trong điều kiện đương thời. Tuy nhiên, sau dãy núi Thành Thang, kiến tạo địa hình có nếp gấp khúc, hình thành nên lối mòn dẫn từ Bắc vào Nam mà sau này, Trịnh Nguyễn diễn chíPhủ biên tạp lục gọi là Thượng đạo (phân biệt với Hạ đạo là đường qua Hoành Sơn), nay trở thành Tỉnh lộ 22 nối từ Hà Tĩnh sang. Đại Nam Nhất Thống Chí giải thích bài thơ Hoành Sơn của Tồn Trai Bùi Dương Lịch có câu: "Cố thành Lâm Ấp trúc, lục lộ Tử An bình" (thành cũ do Lâm Ấp đắp, đường cái do Tử An làm) bằng việc dẫn chứng "Lại có một đường núi đời Lê Đại Hành, Ngô Tử An đem hơn 30.000 dân phu mở đường bộ từ Nam Giới [cửa Sót] đến Địa Lỵ" qua một lộ trình khá chi tiết: "Do đường núi Tam Thai (ở xã Dã Độ), Núi Nưa (xã Hà Trung), núi Vọng Liễu thuộc huyện Kỳ Anh, qua đồn cũ trên đèo Thông (ở thôn Xuân Sơn), có thể đi đến huyện Bình Chính tỉnh Quảng Bình"(A374:45,58). Thượng đạo ngoằn nghoèo, xuyên đồi núi, vượt Thọ Linh giang và đi qua cổ thành Cao Lao Hạ. Nếu đúng như tinh thần đó, lũy cổ Hoàn Vương chính là tuyến lũy lập tức chắn ngang, cắt đường Thượng đạo ngay ở vùng chân núi qua việc nối kết với mạch núi chạy dọc từ dãy Thành Thang về Nam.

Nối kết phế lũy Lâm Ấp - lũy cũ Hoàn Vương - thành Cao Lao Hạ, sẽ giúp chúng ta nhận ra được tính hệ thống trong chức năng bổ trợ giữa chúng. Và Cao Lao Hạ cũng có thể là lỵ sở đầu tiên của một cộng đồng cư dân bản địa, cho đến là lỵ sở của huyện Tây Quyển đời Tần Hán, một đồn trú tiền tiêu của vương quốc Lâm Ấp - Hoàn Vương, lỵ sở của thiết chế bản địa, (sử Trung Hoa gọi là) “châu” Bố Chinh, trong thế tương hợp với phòng tuyến phía Bắc (lũy Hoàn Vương) mà lũy cũ Hoành Sơn chính là đài quan sát, vừa là cương giới. Kể từ thời Phạm Văn, Lâm Ấp đã biết nghệ thuật làm công sự phòng ngự và sau các công trình tường thành, "họ xây những ụ có hàng rào và chòi canh (một trong những ụ quan trọng nhất là ụ Bố Chính bảo vệ biên thuỳ phía Bắc nước Champa)"(A211:24).

Trở lại vấn đề lũy cũ Lâm Ấp để làm rõ sứ mạng của nó trong vai trò đài quan sát tiền tiêu, di vết rõ ràng còn lại đến tận ngày nay chính là tầm quan sát tối ưu của các ụ - bệ đá đắp cao. Chưa tìm thấy một sử liệu cụ thể nào đề cập một cách chi tiết các trận chiến diễn ra nơi đây nhưng có lẽ theo đặc điểm truyền thống, là các thành lũy không nặng tính phòng thủ. Cho đến tận thời Trịnh Nguyễn, chức năng phòng thủ của Hoành Sơn vẫn không được các nhà cầm quân quá chú trọng. Cụ thể là ở đây không trở thành một phòng tuyến ác liệt trong thế giằng co mà vai trò đó, hoặc do sông Lam (khi quân Nguyễn chiếm đến 7 huyện Nghệ An), hoặc do sông Gianh đảm nhận (khi quân Trịnh tiến công, Nguyễn cố thủ) và sông Gianh đã là giới tuyến tạm thời kể từ năm 1672. Rõ ràng là vai trò của Hoành Sơn, trong bối cảnh đó rất mờ nhạt.

Với thực trạng như hiện nay thì thật khó xây dựng được hồ sơ hoàn chỉnh về phế luỹ Lâm Ấp, lũy cũ Hoàn Vương nói riêng và các di tích Champa ở Quảng Bình - miền Trung nói chung; việc bóc tách một cách rạch ròi tính chiến lược của các thế hệ chủ nhân ở đây, do vậy cũng rất khó khăn, tất cả chỉ dừng lại ở những giả thiết có cơ sở, có sức thuyết phục nhất.

Xem xét vấn đề trong mối quan hệ, trong bối cảnh lịch sử từ các bộ tộc - tiểu quốc - trở thành châu quận thuộc Hán cho đến vương quốc Lâm Ấp - Hoàn Vương rồi Chiêm Thành, chức năng của phế luỹ Lâm Ấp, lũy cũ Hoàn Vương cũng đậm tính lịch sử, nhưng xuyên suốt vẫn không đậm tính chất phòng thủ quân sự mà chỉ như đảm trách chức năng cương giới thuần tuý cũng như đồn tiền tiêu, quan sát của vùng cực Bắc lãnh thổ.



1.2. THÀNH LỒI CAO LAO HẠ:
1.2.1. Tổng quan:

Dù không hẳn thế, nhưng cụm từ thành lũy dễ thường tạo sự liên tưởng đến những công trình quân sự với tường cao, hào sâu, xây dựng bằng nhiều chất liệu, nhiều kiểu dáng... và cũng thường mang nặng tính phòng thủ.

Được xem như diện mạo vật chất của hoạt động quân sự(A73), thành lũy là minh chứng cho những thành tựu khoa học kỹ thuật đương thời của mỗi dân tộc. Bởi, ngoài yếu tố con người, những phương tiện vật chất và khí tài có vai trò rất lớn cho sự tồn vong của một quốc gia trong chiến tranh. Do vậy, dù muốn hay không, những thành tựu đỉnh cao của khoa học kỹ thuật thường được con người chú trọng áp dụng vào lĩnh vực quân sự.

Chúng ta đã từng nghe nói ít nhiều về những tòa thành được xem như pháo đài quân sự (fortel) hùng vĩ, bất khả xâm phạm, mang tính khép kín, tượng trưng cho sự cát cứ của các lãnh chúa với quyền lực bao trùm lãnh địa trong lịch sử phong kiến phương Tây. Chất quân sự ở đây luôn được khẳng định, bởi, sự phát huy tác dụng hủy diệt của khí giới, sự vững chắc khó công phá của nó... sẽ mang lại thắng lợi không nhỏ trong chiến cuộc, một số nhà nghiên cứu đã rất có lý khi cho rằng trong tất cả các cuộc chiến tranh ở châu Âu, còn thành là còn tất cả - mất thành là mất tất cả.

Dĩ nhiên lịch sử vẫn ghi chép về những tòa thành mang thuần chức năng quân sự, khó có thể triệt hạ, nhưng trong những cuộc đối đầu, vì lý do nào đó, chủ nhân có thể bỏ chúng đi để chọn một phương án tác chiến phù hợp như thực hiện chiến tranh du kích, lập kế thanh dã... và sau đó, khi điều kiện thuận lợi hơn mới tái chiếm. Và trên thực tế, quân sự tính của mỗi một tòa thành ở phương Đông, thường chỉ bao trùm trong một giai đoạn nhất định, sau nhường chỗ cho vai trò hành chính - kinh tế... - hình thành những cụm dân cư xung quanh và nảy sinh nhu cầu tất yếu, những khu thị ra đời để làm nên chỉnh thể thành thị - mô hình đô thị phương Đông.

Theo chúng tôi, đa số những thành trì ở phương Đông - Việt Nam nói riêng khó có thể được xem là những pháo đài kiên cố, bất khả xâm phạm, tính chất quân sự bao trùm..., nhưng vẫn mang vẻ trấn áp, đe dọa đối với cảm nhận của con người. Điều này có thể bắt đầu từ sự chi phối của tự nhiên, điều kiện nhân tài vật lực, tính chất của các cuộc chiến tranh, hay thuộc tính phong tước kiến địa bằng nhiều hình thức của chế độ phong kiến phương Đông...; khiến những tòa thành này không nghiêng hẳn về tính chất quân sự, mà nặng tính xác lập chủ quyền của một vương triều hay một cá nhân tại một khu vực, một vùng đất - là thủ phủ để điều hành và cố kết nhân tâm... Tức bản thân mỗi tòa thành ở đây có sự chuyển giao / thay đổi / biến động giữa vai trò quân sự và trung tâm hành chính - kinh tế (đô - thị). Thành trì ở phương Đông, nói chung là chỗ dễ mất, dễ giữ và cũng dễ chiếm, bởi trong các cuộc chiến, vấn đề quyết định lại chính là thu phục nhân tâm. Có thể kiểm chứng điều này qua rất nhiều sự kiện lịch sử, như việc triệt hạ 65 huyện thành trong đêm của Hai Bà Trưng (40 - 43 B.C) là một ví dụ.

Ở Việt Nam, điều cần khẳng định là không nơi nào lại có nhiều thành lũy như ở dải đất miền Trung. Những tòa thành, dãy lũy xây bằng gạch, đắp bằng đất, có khi gia cố thêm độ bền chắc bằng cọc cừ, đá cuội, gạch vỡ..., được kiến tạo dưới nhiều thời kỳ, nhiều triều đại, hiện diện ở các địa phương; tọa lạc trên những vị trí thiết yếu - có tính chiến lược... Đa số, khởi điểm, chúng có thể là căn cứ, sào huyệt của những nhóm tộc người bản địa ở những vị trí then chốt nhằm bảo vệ sự tồn vong của họ; thời Hán thuộc, trở thành những lỵ sở châu huyện. Sự kiện Khu Liên hồi thế kỷ II mở đầu cho quá trình lập quốc Lâm Ấp, lại xây dựng những lỵ sở trên nền thành cũ của người Hán. Trên khu vực Bình - Trị - Thiên, hiện các nhà nghiên cứu thường đề cập đến mô hình tiểu quốc của cư dân bản địa tiền trú (Mandala/Mạndàla...) mà vào thời thuộc Hán, nó được gọi là các châu triều cống, châu phụ cống. Từ thời Khu Liên, Lâm Ấp lập quốc, Bắc sử đã ghi nhận ”nước ấy cai quản 105 bộ lạc, đại khái như cách thức châu huyện của Trung Quốc”. Điều này làm chúng ta liên tưởng đến những tòa thành hiện nay, có thể lúc đầu là căn cứ, sào huyệt của những bộ lạc trên. Dĩ nhiên, quy mô của chúng nhỏ hơn và có thể được xây dựng bằng vật liệu đương thời, bởi, kỹ thuật xây thành lũy của người Chàm chỉ có từ thời vua Phạm Văn (336 - 349).

Về sau, trong quá trình Nam tiến, người Việt thường tái sử dụng chúng, trong điều kiện nhân - vật lực buổi đầu chưa cho phép thiết lập những tòa thành mới và chúng ta cũng không loại trừ khả năng đó là những địa thế tối ưu. Những tòa thành này đến nay vẫn tồn tại, dù khá mờ nhạt như những cái bóng đứt gãy trên mặt đất và thường mang chung một tên gọi có vẻ rất dân gian: cổ lũy ( từ dân gian quen dùng chỉ những công trình quân sự xưa còn sót lại: một đoạn tường thành, bức lũy hay tòa thành hoàn chỉnh ... Trên dải đất miền Trung, bên cạnh tên gọi “thành Lồi” thì “cổ lũy” cũng hiện diện ở Quảng Ngãi, Thừa Thiên, Quảng Trị)... thành Lồi; mà hiện nay, để dễ dàng phân biệt, chúng ta thường ghép tên chúng với địa danh ở đó .

Từ “lồi” hiện có nhiều cách giải thích khác nhau: “lồi là sản phẩm của người Việt dùng để chỉ người Chàm, chứ không phải người Việt vay mượn một từ Chàm nào đó” (Hoàng Dũng: Qua địa danh Thành Lồi ở Huế thử xác định một danh xưng chỉ người Chàm xưa. Tạp chí Thông tin Khoa học & Công nghệ, Sở Khoa học Công nghệ & Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế, số 02/1991, trang 71); theo L.Cadière thì lồi có nghiã là “chui ra từ đất” (sortir de terre) và thông thường gắn với những kỷ vật Chàm. Tạ Chí Đại Trường lại cho rằng: “Các nông phu Việt Nam làm ruộng gần núi, hàng năm phải nhặt một lượng đá trong ruộng ném lên bờ. Họ không hiểu rằng mưa lũ cuốn đá trôi xuống ruộng hay xâm thực cuốn bùn đá trơ ra, mà họ cứ cho rằng đá dưới ruộng cứ tự động trồi lên, nên họ gọi đó là hiện tượng đá mọc, đá lồi. Bởi vậy, nếu họ có thấy trong đống gạch đổ nát sau cơn binh lửa lâu đời, lồi ra một tượng thần Civa hay Poh Nagar rồi hoặc đem về chùa miễu thờ, hoặc xây ngay am miếu nơi đó để thờ gọi là Phật lồi, Bà lồi, chùa (Phật) lồi, miễu (Bà) lồi... ” (Dẫn theo Hoàng Dũng: Qua địa danh Thành Lồi ở Huế thử xác định một danh xưng chỉ người Chàm xưa. Bđd, trang 69). Theo Đại từ điển tiếng Việt của Génibrel hay Đại Nam Quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của thì từ “người Lồi” lại có nghĩa là người Chàm...

Theo chúng tôi, "thành Lồi" cũng được hiểu tương tự, có thể là thành của người Chàm xưa, nên người Việt gọi là thành Lồi - thành của người Lồi, cũng như có ý kiến cho rằng tên gọi Chiêm Thành tức là thành của vua Chiêm (Chăm - Chàm). Cũng có thể những tòa thành này sau một thời gian dài không được sử dụng, cây dại phủ kín nên trong quá trình khai phá vùng đất mới, người Việt phát quang, phát hiện ra chúng và họ cũng gọi là thành Lồi - tương tự như đá mọc, đá lồi, tượng phật lồi, tháp lồi... vẫn thường gọi.

Miền Trung - vùng đất của thiên nhiên khắc nghiệt, từng là bãi chiến trường với nhiều cuộc can qua; vùng đất biên viễn, vành đai khu trú giữa hai vương quốc; vùng đất phên dậu của Đại Việt - vùng đất của sự đổi thay, biến động qua nhiều thời kỳ lịch sử... Có lẽ vậy mà nơi này tồn tại nhiều thành lũy, như: Tra (Cha) thành (Bình Định); Cổ Lũy (Quảng Ngãi); Vệ thành (Quảng Nam); thành Hóa châu, thành cổ Lai Trung, thành Lồi (Thừa Thiên Huế); thành Thuận châu, Triệu thành, thành Lồi Cổ Lũy (Quảng Trị); thành nhà Ngô, thành Lồi Cao Lao Hạ, phế lũy Lâm Ấp, lũy cổ Hoàn Vương (Quảng Bình)... và nhiều tòa thành lớn nhỏ khác nữa.

Cũng giống như những thành Lồi khác, tòa thành này tồn tại dưới nhiều tên gọi: Thiềng [thành] kẻ Hạ, thành Lồi Cao Lao Hạ, thành Lồi Kẻ Hạ, Cao Lao thành... Ở đây, chúng tôi thống nhất gọi thành Cao Lao Hạ, bởi nó thuộc địa phận của làng Cao Lao Hạ (Kẻ Hạ xưa).




tải về 285.74 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương