Chương 1 CƠ SỞ LÝ luận về du lịch và MÔi trưỜng lý luận chung 1 Du lịch



tải về 0.97 Mb.
trang7/12
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích0.97 Mb.
#25515
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12

- Các vấn đề về đạo đức và an toàn xã hội

Ngoài những ảnh hưởng tiêu cực vừa đề cập trên đây du lịch còn tạo ra những vấn đề nghiêm trọng hơn liên quan đến đạo đức và tội phạm.

+ Tội phạm

Thực tế chứng minh rất rõ ràng rằng tốc độ phạm tội thường gia tăng theo tốc độ phát triển du lịch và phát triển đô thị hóa của một vùng. Sự xuất hiện một lượng lớn du khách với một lượng tiền lớn để tiêu dùng và những đồ dùng có giá trị như camera, nữ trang ... đã lôi kéo sự chú ý của bọn tội phạm làm nảy sinh các hành động cướp giật, buôn bán ma tuý ... Ở Rio de Janeiro, (Brazil) du khách ở các khu du lịch 5 sao bên bờ biển cạnh những khu nhà ổ chuột sát sườn đồi Favelas thường bị bị móc túi hoặc cướp giật. Du lịch cũng có thể làm gia tăng nạn cờ bạc dẫn đến những hành vi xấu khác trong xã hội.

+ Lao động trẻ em.

Những nghiên cứu của ILO cho thấy rằng nhiều công việc trong ngành du lịch đòi hỏi thời gian làm việc nhiều nhưng không ổn định, lương thấp, ít đào tạo và trình độ chuyên môn thấp. Thêm vào đó, sự phát triển gần đây của ngành kinh doanh du lịch và lữ hành (mở rộng tự do, cạnh tranh, tập trung, giảm vé đi lại, gia tăng ký hợp đồng phụ …) và việc đưa vào những công nghệ mới dường như làm tăng các điều kiện làm việc theo hướng tạm thời và linh hoạt hơn. Do vậy, trẻ em được tuyển dụng vì họ là những nhân công rẻ tiền và dễ sai khiến.

Theo ILO, ước tính có 13 - 19 triệu trẻ em và những thanh niên dưới 18 tuổi được thuê làm việc trong các nền công nghiệp thế giới (trong đó ngành du lịch thuê 15%). Tuy nhiên con số này cũng chưa được thống kê một cách đầy đủ.

Lao động trẻ em trong ngành du lịch có cả ở các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển. Nhiều trẻ em nam và nữ dưới 12 tuổi được thuê làm các công việc nhỏ liên quan đến khách sạn và nhà hàng, giải trí, bán hàng lưu niệm ... như những phu khuân vác, người bán dạo trên đường hoặc bãi biển và họ thường phải chịu những điều kiện làm việc rất khắt khe.

+ Nạn mãi dâm và du lịch sex

Việc lợi dụng du lịch để kinh doanh tình dục phụ nữ và trẻ em đã và đang phát triển ở nhiều nơi trên thế giới. Mặc dù du lịch không phải là nguyên nhân khai thác tình dục nhưng nó tạo điều kiện để thực hiện công việc kinh doanh tình dục dễ dàng. Sự cám dỗ của đồng tiền dễ kiếm được đã khiến cho nhiều phụ nữ bao gồm cả trẻ em phải bán thân. Trong nhiều trường hợp khác, trẻ em bị bán vào các nhà chứa gần các khu du lịch và bị biến thành nô lệ tình dục và rất hiếm khi kiếm đủ tiền để trốn thoát.

Nhiều địa điểm du lịch trở thành các trung tâm buôn bán trẻ em bất hợp pháp được hỗ trợ bởi một mạng lưới gồm những người dẫn khách, tài xế taxi, nhân viên khách sạn, chủ nhà chứa, các cơ sở giải trí và những người tổ chức sex tour trọn gói. Ở quy mô quốc tế, có những đại lý cung cấp thông tin về những khu du lịch đặc biệt, nơi mà các hoạt động tình dục như thế diễn ra được xem là bình thường.

Như vậy, du lịch tác động đến môi trường văn hóa ở cả hai khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực và có thể tóm tắt một số tác động cơ bản đó qua bảng 2.3.



Bảng 2.3. Tóm tắt các tác động của du lịch đến văn hóa - xã hội

Loại hình

Tác động tích cực

Tác động tiêu cực

Di sản

- Cải thiện chất lượng các di sản

- Xuất hiện các kiểu kiến trúc phi truyền thống.

- Thất thoát di sản do mua bán.



Ngôn ngữ

- Quan tâm hơn đến việc bảo tồn ngôn ngữ truyền thống nếu chúng được coi là đặc điểm hấp dẫn du khách

- Gây áp lực lên ngôn ngữ bản xứ nếu du khách không thể hoặc không muốn giao tiếp với người địa phương bằng ngôn ngữ bản xứ.

Tôn giáo

- Gia tăng hệ thống tôn giáo của địa phương.

- Đánh mất tâm linh ở những khu vực tôn giáo bị du khách chi phối.

Nghệ thuật truyền thống

- Phát triển thị trường mới cho hàng thủ công và các loại hình nghệ thuật truyền thống.

- Khôi phục được các loại hình nghệ thuật truyền thống.



- Gây áp lực làm thay đổi các hàng thủ công truyền thống bằng những sản phẩm du khách cần.

- Tầm thường hóa hoặc sửa đổi nghệ thuật truyền thống để đáp ứng nhu cầu của du khách.



Lối sống truyền thống

- Nâng cao nhận thức và hiểu biết về lối sống ở nhiều nơi trên thế giới

- Đe doạ chuyển từ tự cung tự cấp sang phụ thuộc.

- Tạo ra nhiều thói quen, tập quán mới.



Giá trị và hành vi

- Tiếp thu những mặt tích cực trong giá trị và hành vi của du khách

- Gia tăng tội phạm, và có nguy cơ giảm đạo đức cá nhân

2.2.3. Tác động của du lịch đến kinh tế

Ngành công nghiệp du lịch đã tạo ra nhiều lợi ích kinh tế cho cả nước đón khách lẫn nước gửi khách đi du lịch, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Một trong những động cơ thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế cho một địa phương là phải xúc tiến nó trở thành một điểm du lịch. Tuy nhiên, cũng như những tác động đối với môi trường tự nhiên và văn hóa - xã hội, việc phát triển du lịch một cách ồ ạt cũng đưa đến những hậu quả tiêu cực đối với nền kinh tế của một khu vực hay một quốc gia.

2.2.3.1. Tác động tích cực

Những tác động tích cực về kinh tế của du lịch chủ yếu liên quan đến việc tăng thu nhập cho đất nước, cho chính phủ, tạo việc làm, tạo cơ hội kinh doanh ...

- Du lịch góp phần tăng GDP cho nền kinh tế quốc dân

Ở nhiều nước trên thế giới, du lịch từ lâu đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm từ 40 - 60% tỷ trọng trong nền kinh tế quốc dân. Tại Châu Âu, một số nước, ngành du lịch đã phát triển vượt bậc như: Pháp, Tây Ban Nha, Italia ... đón hàng chục triệu khách tới các nước này mỗi năm, có nước số lượt khách tới thăm cao gấp hai đến ba lần số dân nước đó, nhất là các nước có danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử và kiến trúc lâu đời và nổi tiếng.

Vai trò, vị trí của ngành du lịch trong nền kinh tế quốc dân cũng ngày càng tăng và được khẳng định. Đối với nền kinh tế của vùng Caribbean như các hòn đảo Cayman, Barbados, Curacao, Saint Bart, Saint Martin, Bonaire, Aruba, Antigua và một số hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương; ngành du lịch chiếm khoảng 50-60% GDP. Ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương, thu nhập từ du lịch chiếm khoảng 8-10% GDP ở Indonesia và Philippine, 12% ở Malaysia, 16% ở Thái Lan, và 20% ở Singapo và Hồng Kông. Việc tiêu dùng, xuất-nhập khẩu hàng hóa cũng như dịch vụ du lịch đều tạo ra thu nhập cho nền kinh tế địa phương nên giúp tăng được nguồn đầu tư tài chính cho các ngành kinh tế khác.

Trên toàn cầu, thu nhập ngành du lịch chiếm khoảng 45,8% tổng thu nhập của tất cả các ngành dịch vụ trong giai đoạn 1990-2002; đặc biệt ở các nước đang phát triển thì tỷ trọng của ngành du lịch còn cao hơn, chiếm khoảng 60%. Du lịch được xem là một ngành công nghiệp lớn, tập trung nhiều lao động và cũng là một ngành mang lại thu nhập lớn cho ngân sách quốc gia. Năm 2002, du lịch chiếm khoảng 8,8% GDP của thế giới và WTO đã dự báo đến năm 2010 sẽ tăng lên 12,5%.

- Đóng góp vào thu nhập của chính phủ

Du lịch đóng góp vào thu nhập của chính phủ có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp. Các đóng góp trực tiếp bao gồm thuế thu nhập từ các nhà kinh doanh du lịch, nhân viên du lịch và thuế thu từ khách du lịch. Du khách phải trả thuế hải quan, thuế nhập cảnh, lưu trú hoặc gián tiếp là thuế doanh thu khi mua hàng hóa và dịch vụ. WTTC ước tính nguồn thu từ thuế cá nhân, từ du lịch một cách trực tiếp và gián tiếp trên thế giới vào 1998 là hơn 800 triệu USD, con số này theo dự báo sẽ gấp đôi vào năm 2010.

Tuy nhiên cũng cần cần lưu ý rằng khách du lịch không nên được coi là những người sẵn tiền để dễ dàng khai thác quá mức như trong trường hợp phục vụ cho khách nội địa thì giá rẻ nhưng phục vụ cho khách quốc tế thì giá rất cao. Nếu khách du lịch quốc tế biết điều này họ sẽ có cảm giác như đang bị móc túi, do vậy sẽ giảm chi tiêu đến mức thấp nhất và sẽ một đi không trở lại.

- Góp phần cân bằng cán cân thanh toán quốc tế



Trước khi đi vào ý nghĩa tích cực này của du lịch, ta hãy xem xét khái niệm xuất khẩu và nhập khẩu du lịch.

+ Xuất khẩu du lịch: Khi một người từ nước ngoài đến du lịch tại Việt Nam, anh ta tiêu tiền tại Việt Nam tức là anh ta đã đưa vào Việt Nam một lượng ngoại tệ. Vì vậy, chi tiêu của một khách du lịch nước ngoài ở Việt Nam với mục đích du lịch chính là xuất khẩu du lịch của Việt Nam.

Chú ý: xuất khẩu hàng hóa thông thường là đưa hàng hóa ra nước ngoài và thu về ngoại tệ. Còn xuất khẩu du lịch tuy là nhận khách du lịch từ nước ngoài (tưởng chừng như là dùng sai thuật ngữ) nhưng phân tích kỹ hơn thì khi một du khách đến Việt Nam, anh ta mua sự thưởng thức, mua những kinh nghiệm trải qua, và như vậy họ đã trả tiền để mang những kinh nghiệm du lịch này (những sản phẩm du lịch) về nhà. Vì vậy, chúng ta đã xuất khẩu được những sản phẩm du lịch.

+ Nhập khẩu du lịch là sự ngược lại với xuất khẩu du lịch. Khi một người Việt Nam đi du lịch nước ngoài tức là họ sẽ tiêu tiền ở đấy. Trong trường hợp này được xem như chúng ta đã nhập khẩu du lịch vào nền kinh tế Việt Nam.

Trên quan điểm coi du lịch là hoạt động xuất, nhập khẩu của một quốc gia, ý nghĩa kinh tế của du lịch được xem xét trên hai mặt: sự ảnh hưởng đến cán cân thanh toán quốc tế và sự góp phần tăng sản phẩm quốc dân (GNP) của đất nước.

Với sự gia tăng thu nhập ngoại tệ, du lịch có ảnh hưởng đáng kể đến cán cân thanh toán của nhiều quốc gia. Trong xuất, nhập khẩu du lịch, một điều cần lưu ý ở nước ta cũng như ở những nước đang phát triển khác là do nhu cầu bù đắp thiếu hụt trong cán cân thanh toán quốc tế nên chính quyền một mặt kích thích xuất khẩu du lịch (tạo khả năng thu hút khách du lịch quốc tế), mặt khác hạn chế cư dân nước mình đi du lịch ở nước ngoài. Ngoài ra, bên cạnh việc cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, sự gia tăng xuất khẩu du lịch sẽ đồng thời làm tăng tổng sản phẩm quốc dân của đất nước.

- Mở ra khả năng thu hút, sử dụng sức lao động nhàn rỗi



Với sự phát triển nhanh chóng và do đặc thù là dịch vụ nên ngành du lịch có hệ số sử dụng lao động rất cao. Theo thống kê của Singapore, để tạo ra một triệu USD, ngành ngoại thương thuê 14 lao động, trong khi đó du lịch cần 27- 33 lao động.

Sự phát triển nhanh chóng của du lịch quốc tế đã tạo ra nhiều việc làm. Ví dụ như chỉ riêng ngành khách sạn đã tạo ra 11,3 triệu việc làm trên thế giới năm 1995. Du lịch tạo việc làm trực tiếp thông qua khách sạn, nhà hàng, taxi, bán hàng lưu niệm ... và gián tiếp thông qua cung cấp hàng hóa và dịch vụ cần thiết cho du lịch. Theo WTO, lao động trong ngành du lịch chiếm 7% lực lượng lao động thế giới.

- Kích thích đầu tư

Nhìn chung, sự phát triển của bất kỳ ngành kinh tế nào cũng tạo ra cơ hội đầu tư. Nhưng khác với các ngành khác, ngành du lịch có một cấu trúc độc đáo - đó là ngành được tạo nên bởi rất nhiều doanh nghiệp nhỏ của các loại dịch vụ khác nhau. Vì thế, sự đầu tư của nhà nước vào cơ sở hạ tầng (hệ thống đường sá công viên ...) và đôi khi cả kiến trúc thượng tầng (nghệ thuật văn hóa dân gian ....) nhằm tạo điều kiện cho du lịch phát triển sẽ khích thích sự đầu tư rộng rãi của các tầng lớp nhân dân và của các doanh nghiệp nhỏ.



Vì quy mô nhỏ, đòi hỏi về vốn đầu tư tương đối thấp, do đó sự đầu tư được triển khai nhanh. Sự đầu tư xuất phát từ du lịch sẽ kéo theo sự bùng nổ đầu tư ở các ngành sản xuất và dịch vụ khác như xây dựng, giao thông vận tải, tiểu thủ công nghiệp, thông tin liên lạc...

Ngoài ra, du lịch còn kích thích chính quyền địa phương có những cải thiện tốt hơn về cơ sở hạ tầng như hệ thống điện, nước, đường giao thông, bưu chính viễn thông, thu gom rác thải ... để có thể cải thiện chất lượng cuộc sống cho cư dân cũng như cho khách du lịch.

- Thúc đẩy sự phát triển của địa phương

Thường những vùng có khả năng thu hút khách du lịch là những vùng có phong cảnh thiên nhiên đẹp nhưng nền kinh tế còn ít phát triển. Khi du lịch phát triển, sự tiêu dùng của khách du lịch sẽ làm cho sự phân phối tiền tệ và cơ hội tìm việc làm đồng đều hơn. Do vậy, du lịch là một trong những biện pháp hữu hiệu để giúp tăng tốc những vùng có tốc độ phát triển kinh tế thấp.

Trong du lịch, có những khoản tiêu dùng ở địa phương khó xác định bởi vì không phải bất cứ tiêu dùng nào của du khách cũng được đưa vào thống kê. Ví dụ như số tiền kiếm được thông qua việc làm không chính thức như bán hàng dạo trên đường, hướng dẫn viên nghiệp dư, đội ngũ xích lô, xe thồ ... Hội đồng Du lịch và Lữ hành quốc tế ước tính rằng du lịch tạo ra nguồn thu không chính thức có thể bằng 100% nguồn thu chính thức ở các địa phương.

- Du lịch là phương tiện tuyên truyền và quảng cáo không mất tiền cho nước chủ nhà

Khi khách đến du lịch, khách có điều kiện làm quen với một số mặt hàng ở nước mà họ đến. Khi trở về đất nước của mình, khách bắt đầu tìm kiếm những mặt hàng đó ở thị trường địa phương và nếu không tìm thấy, khách có thể yêu cầu cơ quan ngoại thương nhập khẩu những mặt hàng ấy. Theo cách này, du lịch quốc tế góp phần tuyên truyền cho nền sản xuất của nước du lịch chủ nhà.

Sự phát triển du lịch quốc tế còn có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố các mối quan hệ kinh tế quốc tế theo các hướng như ký kết hợp đồng trao đổi khách giữa các nước, các tổ chức và các hãng du lịch, tham gia vào các tổ chức quốc tế về du lịch.

Những vấn đề nêu trên là những ý nghĩa trực tiếp của sự phát triển du lịch và nó còn ảnh hưởng gián tiếp đến nền kinh tế thông qua hiệu quả liên đới trong du lịch.

- Tạo nên hiệu quả kinh tế liên đới trong du lịch



Tiêu dùng của khách du lịch sẽ tạo nên thu nhập của các doanh nghiệp du lịch. Các doanh nghiệp du lịch lại tiêu dùng các thu nhập của mình và lại tạo nên thu nhập cho các ngành khác và cứ như thế nó tạo nên một chuỗi tiêu dùng - thu nhập - tiêu dùng - thu nhập... và chuỗi này tiếp tục cho đến khi có sự rò rỉ” làm chuỗi này tạm dừng lại (Trương Sĩ Quý, Hà Quang Thơ,1995).

2.2.3.2. Tác động tiêu cực

Phát triển du lịch cũng có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến nền kinh tế của nước chủ

nhà. Thông thường các nước giàu có thu được nhiều lợi ích hơn so với các nước nghèo. Trong khi những nước chậm phát triển có nhu cầu cấp bách nhất là tăng thu nhập, tạo việc làm, và tăng mức sống nói chung bằng cách dựa vào du lịch thì họ lại là người thu được ít lợi ích nhất. Nguyên nhân là do thu nhập du lịch bị chuyển ra khỏi nước chủ nhà và ngăn cản việc buôn bán và sản xuất ở địa phương liên quan đến các dịch vụ du lịch.



- Sự “rò rỉ” trong du lịch

Thu nhập trực tiếp của một khu vực tổ chức hoạt động du lịch là lượng tiêu dùng của du khách còn lại ở địa phương sau khi trừ phần thuế, phần lợi nhuận và tiền lương, phần chi trả ra bên ngoài và mua hàng nhập khẩu. Phần chi trả ra ngoài một khu vực (hay đất nước) gọi là sự “rò rỉ”. Trong hầu hết các tour du lịch trọn gói, khoảng 80% thu nhập của du khách là chi cho máy bay, khách sạn và các công ty quốc tế (các công ty này thường có Trung tâm quản lý nằm ở nước gửi khách) chứ không phải cho nền kinh tế và lao động ở địa phương. Thêm vào đó, lượng thu nhập trực tiếp thực sự còn lại ở nơi đón khách cũng có thể “rò rỉ” thêm một lần nữa khi tiền đem tiết kiệm dưới nhiều hình thức khác nhau mà không tiêu dùng, không đầu tư, không gửi ngân hàng, không cho vay, tức là không có sự lưu thông tiền tệ thì hiệu quả tạo ra cũng tương tự như khi nhập khẩu hàng hoá.

Một nghiên cứu sự “rò rỉ” du lịch ở Thái Lan cho thấy rằng: khoảng 70% tổng lượng tiền tiêu dùng của du khách ra khỏi Thái Lan (qua những người tổ chức tour nước ngoài, máy bay, khách sạn, thực thẩm và thức uống nhập khẩu ...). Ước tính đối với các nước đang phát triển khác như vùng Caribe 80%, Ấn Độ 40% (Sustainable Living, 2001).

Các nhà kinh tế du lịch ước tính rằng khi một du khách ở các nước phát triển thực hiện một chuyến du lịch đến một nước đang phát triển và đã tiêu dùng 100USD, thì chỉ có khoảng 5 USD thực sự ở lại nền kinh tế của nước đón khách mà thôi. Hình 2.1 cho thấy sự rò rỉ đã xảy ra:



Giá vé máy bay và các chi phí ở nước gửi khách



























Các lợi nhuận và chi phí của tổ chức ở các trung tâm đô thị chính

























Lợi nhuận của đại lý và người tổ chức nước ngoài







RÒ RỈ













Chi phí ở nơi đến (cư trú, dịch vụ ăn uống, …)







Các chi phí ở trong nước







Thu nhập cho nền kinh tế địa phương







Hình 2.5. Sơ đồ thể hiện sự phân phối của thu nhập du lịch

(Nguồn: UNEP, 2003)

Có 2 trường hợp xảy ra rò rỉ liên quan đến ngoại tệ:

+ Rò rỉ do nhập khẩu: Điều này thường xảy ra khi du khách đòi hỏi các tiêu chuẩn cao về thiết bị, thực phẩm và các sản phẩm mà nước chủ nhà không cung cấp được, nhất là ở các nước chậm phát triển hơn, do vậy nhiều mặt hàng phải được nhập khẩu vì các sản phẩm ở địa phương không đáp ứng được các yêu cầu của khách du lịch hoặc địa phương không có ngành công nghiệp cung cấp các sản phẩm chất lượng cao. Phần lớn tiêu dùng của du khách đã rời khỏi đất nước một lần nữa để trả cho các loại hàng nhập khẩu này.

Theo UNCTAD, sự rò rỉ liên quan đến nhập khẩu đối với hầu hết các nước đang phát triển có nền kinh tế nhỏ chiếm khoảng 40 - 50% của thu nhập du lịch và đối với các nước tiến bộ với nền kinh tế đa dạng là khoảng 10 - 20% (Caribbean Voice, 2005)

+ Rò rỉ do xuất khẩu: Thông thường các nước đang phát triển chỉ có một số vốn hạn chế để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật du lịch. Vì vậy, sự rò rỉ do xuất khẩu tăng lên khi những nhà đầu tư nước ngoài cấp vốn xây dựng các khu du lịch và khách sạn rồi thu lợi nhuận về nước họ.

Theo báo cáo vào năm 1996 của Liên Hiệp Quốc đánh giá về sự đóng góp của du lịch cho thu nhập quốc gia, tổng các mức thu nhập hoặc tổng thu nhập ngoại tệ cho thấy thu nhập thực tế của du lịch sau khi trừ đi tất cả những phí tổn ngoại tệ liên quan vẫn còn có ý nghĩa hơn nhiều đối với các ngành công nghiệp nói chung. Theo báo cáo này, sự rò rỉ gồm có:

- Nhập khẩu các vật liệu và thiết bị cho xây dựng.

- Nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng, đặc biệt là thực phẩm và đồ uống.

- Việc thu lại lợi nhuận về nước của các nhà đầu tư nước ngoài.

- Chi phí cho quảng cáo ở nước ngoài.

- Trả dần cho các món nợ ở bên ngoài khi vay để phát triển khách sạn và du lịch.

Tác động của rò rỉ có sự khác nhau lớn giữa các nước, phụ thuộc vào cơ cấu kinh tế và công nghiệp du lịch. Theo những số liệu nghiên cứu ở vùng Caribe thì St.Lucia có tỷ lệ rò rỉ ngoại tệ chiếm 56% tổng doanh thu du lịch, Aruba: 41%, Antigua và Barbuda: 25%; Jamaica: 40% (Caribbean Voice, 2005).



- Chênh lệch trong đầu tư ở địa phương

Phát triển du lịch đòi hỏi chính quyền địa phương phải chi phí một lượng tiền lớn để cải thiện sân bay, đường sá và những cơ sở hạ tầng khác, và có thể sẽ phải cắt giảm phần chi cho các hoạt động cần thiết khác của chính quyền. Tiềm lực kinh tế cộng đồng được sử dụng vào xây dựng cơ sở hạ tầng nên giảm sự đầu tư của chính phủ cho giáo dục, y tế ...



- Nguy cơ lạm phát

Khách du lịch đem khối lượng lớn tiền mặt vào một nước để du lịch, trong khi đó khối lượng hàng hóa cung ứng không tăng một cách tương ứng sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát, đặc biệt là đối với những loại hàng hóa mà du khách ưa dùng ở những vùng phát triển du lịch làm cho giá các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, tiền thuê phòng, giá đất đai ... tăng rất cao. Một cuộc nghiên cứu của Đại học San Francisco ở Belise cho thấy, do hậu quả của việc phát triển du lịch làm giá cả ở địa phương tăng khoảng 8%.

Phát triển du lịch cũng thực sự làm gia tăng nhu cầu bất động sản nên có thể làm tăng đột ngột chi phí xây dựng và giá trị đất đai. Điều này không chỉ gây khó khăn cho người dân địa phương để có được những nhu cầu cơ bản hàng ngày mà còn làm tăng lượng người bên ngoài đến mua đất đai và nhập cư.

- Sự quá lệ thuộc của nền kinh tế địa phương vào du lịch

Sự đa dạng của nền kinh tế là một dấu hiệu phát triển. Nếu một nước hoặc một vùng quá phụ thuộc vào một ngành công nghiệp nào đó có thể tạo ra một sự căng thẳng cho ngành công nghiệp này cũng như cho người dân địa phương. Nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển ít có khả năng khai thác các nguồn tài nguyên khác nên đã xem du lịch là một cách thức chủ yếu để phát triển kinh tế. Ví dụ ở Gambia, 30% sức mạnh kinh tế phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp đến du lịch. Theo Tổ chức Du lịch thế giới, ở các quốc gia đảo nhỏ đang phát triển, tỷ lệ này chiếm 83% ở Maldives, 34% ở Jamaica và 21% ở Seychelles. Việc quá dựa dẫm vào ngành du lịch, đặc biệt là du lịch tập thể đã gây ra mối nguy cơ lớn đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch. Tình trạng khủng hoảng kinh tế và tác động của các thảm hoạ thiên nhiên như các cơn bão và lốc ở vùng nhiệt đới cũng như việc thay đổi các mô hình du lịch có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến ngành du lịch ở địa phương.

Một ví dụ khác là vào năm 1999, Malta chỉ có 380.000 dân nhưng đã đón 1,2 triệu khách du lịch. Du lịch tạo ra một nguồn thu nhập ngoại tệ trực tiếp hơn 650 triệu USD, chiếm 25% GDP (nếu tính cả gián tiếp là 40% GDP). Sự phụ thuộc của Malta vào du lịch là rất lớn và lượng hàng xuất khẩu còn hạn chế khiến cho hoạt động thương mại của nó sẽ bị khủng hoảng khi nhu cầu du lịch trên thế giới có sự thay đổi (Thời báo Washington, 2002).

- Các tác động bất lợi khác

+ Tác động của tính mùa vụ trong du lịch

Tính mùa vụ trong du lịch tạo ra những bất lợi về kinh tế đối với những điểm du lịch quá phụ thuộc vào nó. Sự tập trung hoạt động du lịch theo mùa dẫn tới sự quá tải trong các hoạt động như giao thông, ăn ở ... Sự tập trung khách du lịch nếu tổ chức không tốt sẽ làm hư hỏng nhiều di tích quan trọng, gây khó khăn cho việc bảo tồn và phục hồi … Riêng đối với những nhân viên làm việc mùa vụ thì phải đối mặt với những bất lợi như:

- Công việc bấp bênh nên thu nhập cũng không ổn định, thông thường không có sự đảm bảo việc làm từ mùa này sang mùa khác.

- Những khó khăn trong đào tạo nghề, bảo hiểm y tế, thừa nhận về kinh nghiệm làm việc...

- Không đảm bảo nhà ở và việc làm.

+ Tác động của các tour du lịch trọn gói

Các doanh nghiệp địa phương cho rằng thu nhập họ thu được từ khách du lịch sẽ ít hơn khi các kỳ nghỉ được tổ chức trọn gói bởi các doanh nghiệp bên ngoài. Ngành công nghiệp du hành tàu thủy cho thấy một ví dụ rõ ràng về ảnh hưởng tiêu cực của du lịch trọn gói. Những chuyến du hành tàu thủy trên biển đã phục vụ cho 8,7 triệu hành khách quốc tế vào năm 1999. Ở trên nhiều tàu, đặc biệt là vùng Caribe (nơi phổ biến du hành tàu thủy nhất thế giới với 44,5% lượng hành khách) đã khuyến khích hành khách sử dụng toàn bộ thời gian và tiền bạc trên tàu nên cơ hội để tiêu dùng ở các thành phố cảng rất hạn chế.

Tổ chức các liên bang ở Mỹ (OAS), trong khi tiến hành một cuộc khảo sát về công nghiệp du lịch Jamaica, đã so sánh vai trò của những nơi có dịch vụ trọn gói với những nơi khác cho thấy rằng các khách sạn trọn gói tạo ra lượng thu nhập lớn nhất nhưng ảnh hưởng tích cực của nó đến nền kinh tế lại ít hơn so với thu nhập từ các khu vực dịch vụ khác.



tải về 0.97 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương