Chương 1 CƠ SỞ LÝ luận về du lịch và MÔi trưỜng lý luận chung 1 Du lịch



tải về 0.97 Mb.
trang6/12
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích0.97 Mb.
#25515
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12

- Các tác động đến tự nhiên do sự phát triển du lịch

Sự phát triển du lịch tác động đến tự nhiên bao gồm các hoạt động:



Hoạt động xây dựng và mở rộng cơ sở hạ tầng

Sự phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch như khách sạn, nhà hàng, cấp nước và các khu du lịch có liên quan đến việc khai thác cát sạn, xói lở các đụn cát và bờ biển, xói mòn đất ... Thêm vào đó, việc xây dựng đường giao thông (đường bộ và hàng không) có thể dẫn đến suy thoái môi trường sống của sinh vật và làm xấu phong cảnh.

Ví dụ như ở Vườn Quốc gia Yosemite (Mỹ), đường giao thông và cơ sở vật chất gia tăng tương ứng với lượng du khách để đáp ứng các dịch vụ phục vụ cho du khách. Các hoạt động này làm mất đi một phần môi trường sống ở trong vườn của sinh vật và kèm theo nhiều hình thức ô nhiễm như ô nhiễm không khí do khí thải từ ô tô.

Phá rừng và tăng cường sử dụng đất hoặc sử dụng không bền vững

Xây dựng khách sạn và cơ sở vật chất ở các khu trượt tuyết thường đòi hỏi phải phát quang đất rừng. Khu vực đầm lầy ven biển thì thường bị tháo nước và lấn chiếm để xây dựng các cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Các hoạt động này có thể làm mất sự yên tĩnh và suy thoái các hệ sinh thái địa phương trong một thời gian dài.



Phát triển du lịch ở ven biển

Việc mở mang bến thuyền và đê chắn sóng có thể làm thay đổi dòng nước và đường bờ biển. Hơn nữa, việc khai thác các vật liệu xây dựng đã ảnh hưởng đến hệ san hô, rừng ngập mặn và rừng trong nội địa, dẫn đến xói mòn và phá huỷ các môi trường sống. Ở Philippin và Maldives, việc khai thác san hô để lấy vật liệu xây dựng cho các khu nghỉ mát đã hủy hoại hệ sinh thái san hô và nguồn cung cấp cá cho cư dân địa phương.

Việc xây dựng quá mức ở khu vực bờ biển có thể dẫn đến hủy hoại môi trường sống và phá vỡ các mối liên hệ đất - biển. Rạn san hô là hệ sinh thái rất mong manh đang ngày càng bị phá hoại do phát triển du lịch. Nhiều chứng cứ cho thấy những tác động đến rạn san hô phần lớn là do sự phát triển ở ven biển, do lượng bùn lắng đọng trong nước tăng lên, các tàu thủy bị mắc cạn, ô nhiễm do rác thải, đánh bắt hải sản quá mức bằng mìn và chất nổ đã tàn phá môi trường sống của san hô.

- Các tác động đến tự nhiên do hoạt động của du khách

Các tác động do sự giẫm đạp của du khách

Du khách đi trên một con đường mòn nhiều lần đã giẫm đạp lên thực vật và đất đai, cuối cùng gây ra những tổn hại có thể làm suy giảm đa dạng sinh học và những tác động khác. Những tổn hại như thế thậm chí ngày càng nhiều hơn khi các điểm du lịch thường xuyên mở ra những đường mòn khác để thu hút du khách.



Bảng 2.2. Những tác động do giẫm đạp của du khách

Những tác động giẫm đạp lên thực vật

Những tác động giẫm đạp lên đất trồng

Làm gãy nát các thân cây, cọng lá

Mất các vật chất hữu cơ

Giảm sức sống của cây trồng

Giảm trạng thái tơi xốp của đất

Giảm sự phục hồi

Giảm độ thấm không khí và nước

Mất lớp thực vật phủ mặt đất

Gia tăng sự tiêu nước

Thay đổi về thành phần loài

Xói mòn diễn ra nhanh chóng

(Nguồn: UNEP, 2003)

Các hoạt động của du khách ở vùng biển và ven biển

Ở các vùng biển nhất là ven biển thường diễn ra các hoạt động của du khách ở trong hoặc xung quanh các hệ sinh thái nhạy cảm như neo đậu tàu, lặn có ống thông hơi hoặc bình khí nén, đánh bắt cá, du thuyền, ... gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái biển như san hô và đến việc bảo vệ các vùng biển và ngư trường.



Khung 2.6. Tác động của du lịch đến rạn san hô

Có 109 quốc gia có rạn san hô, trong đó có 90 nước đang gây tổn hại đến rạn san hô do neo đậu tàu và xả rác, do du khách làm san hô gãy rời ra hoặc do hoạt động khai thác san hô để bán cho du khách. Một nghiên cứu ở bãi đá ngầm san hô trong một ngày đã cho thấy một phần lớn diện tích đã bị tàn phá và phần còn lại sẽ bị vỡ nát và chết sau đó. Người ta ước tính rằng để san hô phục hồi lại phải mất 50 năm.



(Nguồn: UNEP, 2004)

Suy thoái hệ sinh thái do các hoạt động của du khách

Môi trường sống có thể bị suy giảm do các hoạt động nghỉ ngơi của du khách. Ví dụ, khi du khách đến tham quan thiên nhiên quá đông có thể gây ra nhiều xáo trộn cho động vật và làm thay đổi các hoạt động tự nhiên của chúng. Các cuộc đi săn và truy tìm đã có những ảnh hưởng xấu đến môi trường sống vì du khách thường gây ra các tiếng ồn, các chấn động khi họ săn đuổi động vật hoang dại bằng xe ô tô hoặc máy bay. Điều này đã gây áp lực lớn lên những thói quen, những hoạt động của động vật và có xu hướng làm biến đổi những thói quen đó. Trong một số trường hợp, như ở Kenya, đời sống động vật bị xáo trộn (nhiễu loạn) đến nỗi thỉnh thoảng chúng tỏ ra thờ ơ với thú con hoặc quên cả bạn đời.



* Các tác động đến môi trường toàn cầu

- Du nhập các loài ngoại lai

Các loài sinh vật ngoại lai xâm hại được coi là một trong những mối đe doạ nguy hiểm nhất gây tổn thất đa dạng sinh học. Sinh vật ngoại lai xâm hại trước hết là những loài không có nguồn gốc bản địa. Khi được đưa đến một môi trường mới, các loài ngoại lai có thể không thích nghi được với điều kiện sống và do đó không tồn tại được. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác, do thiếu vắng các đối thủ cạnh tranh như ở quê nhà cùng với điều kiện sống thuận lợi, các loài này có điều kiện sinh sôi nảy nở rất nhanh và đến một lúc nào đó phá vỡ cân bằng sinh thái bản địa và vượt khỏi tầm kiểm soát của con người. Lúc này nó trở thành loài ngoại lai xâm hại.

Khách du lịch và các nhà cung cấp dịch vụ có thể là vô ý thức đã mang vào những loài ngoại lai xâm hại (côn trùng, các cây hoang dại, cây trồng và các mầm bệnh). Tác động mà các loài sinh vật xâm hại gây ra đối với môi trường sống rất đa dạng nhưng có thể gộp chung thành 4 nhóm:


  • Cạnh tranh với các loài bản địa về thức ăn, nơi sống ...,

  • Ăn thịt các loài khác,

  • Phá huỷ hoặc làm suy thoái môi trường sống,

  • Truyền bệnh và ký sinh trùng.

Ví dụ như trường hợp của cá vược sông Nile (Lates niloticus). Sau khi được du nhập vào hồ Victoria (châu Phi) năm 1954 nhằm phục hồi sản lượng cá đang suy giảm trong hồ do đánh bắt quá mức, loài cá này đã gây ra sự tuyệt chủng cho hơn 200 loài cá bản địa khác trong hồ do cạnh tranh và ăn thịt các loài cá đó. Chưa hết, vì thịt của cá vược sông Nile có nhiều mỡ hơn các loại cá bản địa, cư dân ở hồ đã phải chặt nhiều củi hơn để sấy cá dẫn đến hiện tượng phá rừng nghiêm trọng. Việc này gây ra sự xói mòn và rửa trôi đất trong vùng lưu vực làm tăng hàm lượng chất dinh dưỡng trong hồ tạo điều kiện cho sự phát triển của tảo và bèo Nhật Bản (Eichhornia crassipes). Sự bùng nổ của các loài thực vật này làm giảm lượng oxy trong hồ và làm chết nhiều cá hơn. Ngoài ra, việc khai thác mang tính thương mại loài cá này đã làm làm cư dân ở đây mất đi nghề đánh bắt và chế biến cá truyền thống của mình. Lợi nhuận thu được từ cá vược sông Nile chỉ rơi vào túi một số người trong khi đó cư dân và môi trường ở đây hầu như không những không có lợi mà còn chịu nhiều tác động xấu.

- Suy thoái tầng ôzôn

Tầng ôzon nằm ở tầng bình lưu của khí quyển ở độ cao khoảng 12 - 50km. Tầng ôzôn đóng vai trò bảo vệ sự sống trên trái đất bằng cách hấp thu những tia cực tím (UV) từ mặt trời rất nguy hiểm đối với con người và động vật. Một số nhà khoa học cho rằng, sự suy giảm các loài lưỡng cư trên thế giới là do sự gia tăng tia UV.

Ôzon bị suy thoái do các chất như CFC (Chlorofluorocarbon), các khí halon ... Du lịch cũng một phần tạo ra các khí này: Tác động trực tiếp của du lịch bắt đầu từ việc xây dựng, phát triển và tiếp tục trong quá trình quản lý và hoạt động du lịch. Việc sử dụng rộng rãi trong công nghiệp du lịch và khách sạn các tủ lạnh, máy điều hoà, các bình phun ... có chứa các chất gây suy thoái tầng ôzon (ODS) hoặc từ máy bay cũng thải ra một lượng lớn các chất ODS. Theo Tourism Concern, các nhà khoa học dự báo vào khoảng năm 2015, du lịch bằng máy bay làm suy thoái một nửa tầng ôzon hàng năm.

- Biến đổi khí hậu

Các nhà khí hậu học nhìn chung đều cho rằng nhiệt độ bề mặt trái đất tăng lên đều đặn trong những năm gần đây do sự gia tăng các khí gây hiệu ứng nhà kính. Một trong những nguồn khí quan trọng nhất là Carbon Dioxide (CO2) được tạo ra do các nhiên liệu hoá thạch (than, dầu, khí) bị đốt cháy (trong công nghiệp, phát điện, ô tô) hoặc do cháy rừng. Sau một thời gian dài, sự tích tụ CO2 và các khí nhà kính khác trong bầu khí quyển sẽ làm khí hậu toàn cầu thay đổi.

Du lịch toàn cầu có quan hệ chặt chẽ với sự thay đổi khí hậu. Du lịch gắn liền với sự di chuyển của con người từ nơi ở của họ đến những nơi khác và chiếm khoảng 50% tổng lượng hành khách do giao thông chuyên chở và đã tạo ra khoảng 2,5% của tổng lượng CO2 phát thải vào khí quyển. Trong các phương tiện giao thông phục vụ du lịch thì máy bay thải ra một lượng khí nhà kính lớn nhất. Số lượng khách du lịch quốc tế dự kiến tăng từ 594 triệu người năm 1996 lên gần 1,6 tỷ người vào năm 2020 cũng là một vấn đề đáng quan tâm đối với sự nóng lên toàn cầu và đòi hỏi phải có những biện pháp giảm khí thải từ máy bay.

Khung 2.7. Tác động của du lịch Việt Nam đến môi trường tự nhiên

Mặc dù ngành du lịch được hình thành và phát triển ở Việt Nam trong hơn 45 năm qua, song hoạt động du lịch chỉ thực sự diễn ra sôi động kể từ thập kỷ 90 đến nay gắn liền với chính sách mở cửa và hội nhập của Đảng và Nhà nước. Du lịch Việt Nam phát triển đã góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội phát triển, tăng tỷ trọng của ngành dịch vụ trong tổng thu nhập quốc dân; khôi phục nhiều ngành nghề và lễ hội truyền thống ... ở nhiều nơi; làm thay đổi cơ bản diện mạo các đô thị, nông thôn và đời sống của cộng đồng dân cư. Những hiệu quả này lại tác động tích cực thúc đẩy toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp phát triển du lịch, tạo nhiều việc làm mới, góp phần tăng trưởng kinh tế, hạn chế sự tác động của xã hội đến môi trường.

Như vậy, sự phát triển nhanh chóng của du lịch thời gian qua đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của nhiều địa phương nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, hoạt động du lịch đã có những tác động tiêu cực nhất định đến môi trường do tốc độ phát triển quá nhanh trong điều kiện còn thiếu phương tiện xử lý môi trường; nhận thức và công cụ quản lý nhà nước về môi trường trong ngành còn hạn chế ... Trên phạm vi toàn quốc, các vần đề về môi trường trong hoạt động du lịch thể hiện ở một số khía cạnh chủ yếu sau:

- Tăng áp lực về chất thải sinh hoạt, đặc biệt là ở các trung tâm du lịch, góp phần làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước. Theo tính toán của Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO) và số liệu điều tra ban đầu, lượng chất thải trung bình từ sinh hoạt của du khách là khoảng 0,67kg chất thải rắn/khách/ngày và 100 lít nước thải/khách/ngày. Đây là những nguồn chính có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động du lịch. Với lượng khách du lịch đến Việt Nam ngày càng tăng lên nên tổng lượng thải rắn từ hoạt động du lịch có xu hướng tăng mạnh từ 15.939 tấn (1999) đến hơn 30.000 tấn (2005). Lượng nước thải cũng tăng tương ứng từ 1.538.000m3 lên 3.078.000m3, đặc biệt là ở các trung tâm du lịch như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh, áp lực của chất thải ngày càng lớn, nhất là vào mùa du lịch hoặc thời điểm tổ chức lễ hội hay các sự kiện chính trị, kinh tế - văn hóa - xã hội.

- Tăng mức độ suy thoái và ô nhiễm nước ngầm, đặc biệt là ở khu vực ven biển. Cùng với việc gia tăng số lượng du khách, nhu cầu nước cho sinh hoạt cũng tăng nhanh: năm 1995 là 1.977.000m3, năm 1999 là 2.868.000m3 và đến năm 2005 tăng lên 5.425.000m3. Vì vậy trong điều kiện chưa có khả năng điều tra, khai thác thêm các mỏ nước ngầm mới thì việc khai thác quá mức để phục vụ đủ nhu cầu của du lịch sẽ làm tăng mức độ suy thoái và ô nhiễm nước ngầm do nhiễm mặn khi áp lực các bể chứa giảm mạnh.

- Tăng lượng khí thải, góp phần làm tăng nguy cơ ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở các thành phố du lịch. Theo thống kê đến năm 2001, nước ta có trên 72.000 phòng khách sạn (chưa kể nhà khách, nhà nghỉ) và trên 6.000 phương tiện vận chuyển khách du lịch (chưa kể xe tư nhân). Vào mùa du lịch, đặc biệt vào các ngày lễ hội, ngày nghỉ cuối tuần, lượng xe du lịch tập trung chuyên chở hành khách đến các trung tâm đô thị du lịch gây tình trạng ách tắc giao thông và làm tăng đáng kể lượng khí CFCs (loại khí gây suy thoái tầng ôzon) từ các thiết bị điều hoà nhiệt độ của khách sạn và lượng khí thải CO2 từ các loại phương tiện vận chuyển đã có những tác động không nhỏ đến môi trường không khí.

Do hoạt động du lịch diễn ra không đồng đều trên phạm vi cả nước mà chỉ tập trung ở một số khu vực trọng điểm, đặc biệt ở ven biển như Hải Phòng- Quảng Ninh, Huế-Đà Nẵng, Nha Trang, Long Hải-Vũng Tàu, Rạch Giá-Hà Tiên-Phú Quốc nên những vấn đề về ô nhiễm môi trường do các hoạt động du lịch gây ra thể hiện tương đối rõ ở những khu vực này như ô nhiễm nước do tràn dầu, lượng nước thải và rác thải từ trong đất liền chảy ra biển, suy thoái các rạn san hô...

Ngoài ra, nhiều vấn đề khác liên quan giữa môi trường và phát triển du lịch hiện nay cũng vẫn là những vướng mắc đòi hỏi có sự phối hợp giải quyết của nhiều ngành, nhiều cấp chứ không chỉ riêng ngành du lịch như khai thác thủy hải sản, săn bắt động vật hoang dã để cung cấp thực phẩm đặc sản và đồ lưu niệm, khai thác sử dụng đất hợp lý các nguồn tài nguyên không tái tạo ...



(Nguồn: Tổng hợp từ Phạm Trung Lương, 2002, http://www.vnexpress.net)

2.2.2. Tác động của du lịch đến môi trường văn hóa - xã hội

2.2.2.1. Tác động tích cực

- Du lịch là nguồn cổ vũ cho hoà bình

Thông qua du lịch con người có cơ hội tiếp xúc với nhau, tạo ra sự hiểu biết giữa người và người và giữa các nền văn hoá, tạo ra sự giao lưu văn hóa giữa người địa phương và khách du lịch. Vì vậy, sẽ có nhiều cơ hội để thông cảm, hiểu biết lẫn nhau và giảm đi những thành kiến giữa các dân tộc. Ví dụ như sự phát triển du lịch ở Belfast, Bắc Ai Len đã tạo ra việc làm giúp giải ngũ những nhóm lính bán quân sự đang thực hiện tiến trình hoà bình ở đây.

Do sự hiểu biết lẫn nhau mà giảm đi những thù ghét, hiểu lầm giữa các dân tộc. Đây chính là nguồn cổ vũ quan trọng cho hoà bình thế giới. Tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu lần thứ 1 về hoà bình thông qua du lịch (tháng 11-2000), có hơn 450 nhà quản lý du lịch trên thế giới đã phê chuẩn “Tuyên bố Amman”. Đây là tuyên bố khẳng định rằng du lịch là ngành công nghiệp hoà bình của thế giới. Văn kiện này góp phần xây dựng một nền văn hóa hoà bình thông qua du lịch và hỗ trợ du lịch vì các hoạt động nhân quyền cơ bản, không bị hạn chế quá mức, tôn trọng sự khác nhau về con người và sự đa dạng về văn hoá. Theo văn kiện, “Quan hệ hoà bình của nhân loại được xúc tiến và cổ vũ thông qua du lịch bền vững”. Nó kêu gọi sự bảo vệ và phục hồi các công trình lịch sử như là “tài sản quý đối với nhân loại và là di sản đối với các thế hệ tương lai”. Bảo vệ và sử dụng hợp lý môi trường kết hợp với giữ cân bằng sinh thái “ là sự cần thiết đối với tương lai của du lịch” khi thừa nhận “sự uyên thâm của người xưa và sự quan tâm đối với trái đất”.

- Du lịch củng cố cộng đồng

Du lịch có thể tăng cường sức sống cho cộng đồng theo nhiều cách. Du lịch tạo ra việc làm góp phần làm giảm sự di cư từ các vùng nông thôn lên thành thị. Cũng nhờ những lợi ích do du lịch mang lại, các cộng đồng địa phương thể hiện sự đoàn kết và quyết tâm của cộng đồng đối với các tài sản vốn có của mình. Ví dụ như người San ở Namibia, Nam Phi và những thổ dân ở châu Úc gần đây đã giành lại chủ quyền đối với các vườn quốc gia và khu bảo tồn truyền thống. Họ làm các túp lều sinh thái và làm việc như những hướng dẫn viên và nhân viên để bảo vệ di sản của họ (UNEP, 2005).



- Phát triển du lịch đem lại lợi ích cho người dân địa phương

Du lịch góp phần tăng cường cơ sở vật chất và dịch vụ cho cộng đồng, đem lại mức sống cao hơn cho các địa điểm du lịch. Những lợi ích này bao gồm cả việc cải tạo cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện y tế, giao thông, xây dựng các cơ sở thể thao và giải trí, các nhà hàng mới, đồng thời có được nhiều loại hàng hóa và thức ăn với chất lượng cao hơn...



- Du lịch nâng cao các giá trị văn hóa và truyền thống

Du lịch có thể đẩy mạnh việc bảo tồn và giao lưu các truyền thống văn hoá-lịch sử, góp phần bảo tồn và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên, bảo vệ các di sản ở địa phương, phục hưng các nền văn hóa bản xứ, các nghề thủ công mỹ nghệ.

Du lịch còn tạo ra các khả năng hỗ trợ đắc lực cho việc bảo tồn các di tích lịch sử, khảo cổ đang có nguy cơ bị tàn lụi, đặc biệt là các di tích ở những đất nước nghèo không có đủ tiềm lực kinh tế để trùng tu hay bảo vệ như:

+ Các di sản kiến trúc.

+ Nghệ thuật, văn hoá, đồ thủ công, lễ hội, trang phục, lối sống truyền thống.

+ Đóng góp kinh phí trực tiếp hay gián tiếp (thông qua ngân sách) cho việc phát triển các bảo tàng, nhà hát, các hoạt động văn hóa truyền thống, kể cả văn hóa ẩm thực.

+ Góp phần khôi phục niềm tin và tự hào dân tộc, bảo vệ tính đa dạng văn hoá, đặc biệt đối với các dân tộc thiểu số, do việc người địa phương thấy du khách, nhất là khách ngoại quốc, thích chiêm ngưỡng và tôn trọng các đặc trưng văn hóa của dân tộc mình.

Ví dụ như hoạt động của Travel Walji’s không chỉ góp phần hỗ trợ tài chính một cách trực tiếp mà còn gián tiếp thông qua viện trợ phát triển du lịch đối với vùng núi xa xôi ở Kakakorum, Nam Phi. Nguồn viện trợ này giúp hồi sinh các làn điệu âm nhạc ở địa phương và các hoạt động múa kiếm truyền thống.



Khung 2.8. Du lịch và bảo tồn các nghệ thuật truyền thống ở Bali

Du lịch là một động lực chủ yếu giúp người Bali thể hiện các tác phẩm nghệ thuật của mình. Du khách đến đã liên tục ca ngợi nền văn hóa nghệ thuật của người Bali nên làm cho họ tin tưởng và tự hào về nền nghệ thuật của mình. Họ thực sự tin rằng nền văn hóa của mình rất tuyệt vời, đáng được ca ngợi và khâm phục. Sự nhìn nhận này cho thấy nghệ thuật của họ không thua kém nghệ thuật các nước tiến bộ và nó đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật nói chung.



(Nguồn: UNEP, 2004)



Hình 2.3. Hàng thủ công truyền thống ở Bali, Indonesia

- Du lịch cổ vũ cho lòng tự hào và quan hệ cộng đồng

Du lịch làm tăng nhận thức của địa phương về giá trị kinh tế của các khu vực tự nhiên và văn hóa và qua đó có thể khơi dậy niềm tự hào đối với những di sản của quốc gia và địa phương cũng như quan tâm đến việc giữ gìn chúng.

Du lịch còn là phương tiện giáo dục lòng yêu đất nước, giữ gìn và nâng cao truyền thống dân tộc. Thông qua các chuyến đi tham quan, nghỉ mát, vãn cảnh ... người dân có điều kiện làm quen với cảnh đẹp, với lịch sử và văn hóa dân tộc, qua đó thêm yêu đất nước mình.

Trên đây là một số ảnh hưởng tích cực khi du lịch được tổ chức và phát triển một cách hợp lý và bền vững, trong đó người dân địa phương đóng vai trò quan trọng. Cộng đồng này liên quan đến việc quy hoạch và thực hiện hoạt động du lịch. Nếu họ có một thái độ tích cực, ủng hộ thì sẽ có cơ hội để thu được nhiều lợi ích từ du lịch. Do vậy, một trong những yếu tố quan trọng để phát triển du lịch bền vững là phát triển cộng đồng.

2.2.2.2. Tác động tiêu cực

- Thương mại hóa các đặc trưng và giá trị của địa phương

Du lịch có thể làm biến đổi những nét văn hóa địa phương thành hàng hoá, những nghi lễ tín ngưỡng và lễ hội dân tộc bị thay đổi để đáp ứng nhu cầu của du khách, kết quả là làm xuất hiện các “thành phố lễ hội được cải biến lại”. Nhu cầu về các mặt hàng lưu niệm, nghệ thuật, giải trí và các mặt hàng khác ở địa phương nhằm phục vụ cho nhu cầu mua sắm và thưởng thức của khách du lịch có thể gây ra những thay đổi cơ bản trong các giá trị nhân văn. Những địa điểm và đồ vật thiêng liêng không còn được tôn trọng khi chúng được xem như những hàng hóa để bán.

- Mất bản sắc văn hoá

Du khách luôn muốn có những vật lưu niệm, mỹ thuật, thủ công mỹ nghệ và những buổi biểu diễn văn hóa thì ở những địa điểm du lịch, những nghệ nhân địa phương có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng gia tăng của du khách. Tuy nhiên, họ cũng phải có những thay đổi trong thiết kế sản phẩm để làm cho chúng đa dạng hơn, phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của du khách. Đây là một vấn đề có tính hai mặt, vừa giúp bảo tồn các truyền thống văn hoá, nhưng đồng thời cũng có thể xảy ra những mai một về văn hóa trong quá trình thương mại hóa những sản phẩm này. Trong một số trường hợp có thể làm mất dần bản sắc văn hóa dân tộc vì có sự vượt trội hơn của các đặc trưng văn hóa ngoại lai do du khách mang tới so với văn hóa bản địa.



Khung 2.9. Du lịch và thương mại hóa sản phẩm truyền thống ở Kuna

Mola là những chiếc áo được làm ra bởi những phụ nữ Kuna ở Colombia. Đó là một tác phẩm nghệ thuật phản ánh thế giới, thiên nhiên, đời sống tinh thần của dân tộc Kuna. Hiện nay chúng đã biến thành một mặt hàng thương mại phục vụ du lịch nên đã làm giảm giá trị tinh thần và chất lượng do phải thay đổi Mola cho phù hợp với thị hiếu của du khách. Vì vậy nhiều phụ nữ Kuna cũng đã quên đi cách thiết kế và ý nghĩa của các mẫu Mola trước đây.



(Nguồn: UNEP, 2004)



Hình 2.4. Cô gái Kanu và sản phẩm dệt Mola

- Bất đồng về văn hoá

Do du lịch gắn liền với việc di chuyển của du khách từ nhiều miền khác nhau và có những quan hệ xã hội khác nhau nên dễ xảy ra các bất đồng về văn hoá, tôn giáo, dân tộc, các giá trị và phong cách sống, ngôn ngữ và mức độ phát triển ... Kết quả là vượt quá sức tải xã hội (giới hạn có thể làm thay đổi hệ thống xã hội) và sức tải văn hóa (giới hạn có thể làm thay đổi văn hóa của người dân địa phương) của cộng đồng địa phương.

Thái độ bất đồng của cư dân địa phương đối với sự phát triển du lịch thường được thể hiện qua sự thờ ơ, khó chịu và có ý phản đối với du khách. Hiểu lầm và xung đột có thể nảy sinh giữa khách và chủ vì những khác biệt về ngôn ngữ, thói quen, tôn giáo và cách ứng xử. Sự bất đồng về văn hóa có thể thấy rõ hơn thông qua:

+ Sự khác biệt về thu nhập: Nhiều du khách có cách tiêu dùng và phong cách sống tương đối khác biệt. Đôi khi, nhiều du khách thích tìm kiếm những thú vui lập dị và tiêu xài tiền rất thoải mái. Khi người dân địa phương tiếp xúc với du khách này sẽ có hành vi bắt chước du khách vì họ cũng muốn sống và cư xử như thế trong khi thu nhập giữa chủ và khách thì quá chênh lệch. Ví dụ như ở các khu du lịch của Jamaica, Indonesia hoặc Brazil, nhân viên du lịch địa phương làm việc nhiều giờ trong ngày chỉ với mức lương trung bình hàng năm 1.200 - 3.000 USD phải tiếp xúc và gần gũi với du khách có thu nhập cao hơn nhiều (80.000 USD/năm).

+ Cách cư xử của du khách.

Du khách thường không biết hoặc bất cẩn, thiếu tôn trọng những phong tục tập quán và các giá trị đạo đức ở địa phương. Khi họ làm như vậy, có thể họ đã tạo ra một sự khó chịu lặp đi lặp lại nhiều lần nên đã gây ảnh hưởng lớn đến thái độ của người dân địa phương đối với du khách. Ví dụ như ở nhiều nước Hồi giáo, vẫn còn nhiều quy định khắt khe đối với sự xuất hiện và hành vi của phụ nữ Hồi giáo ở chốn công cộng. Họ luôn phải trùm kín người khi đi ra đường. Khách du lịch đến các nước này thường không biết hoặc không nhận thấy những quy định này nên họ thường mặc những váy ngắn lộ liễu, thậm chí là bikini đi tắm biển hoặc uống nhiều rượu một cách công khai. Bên cạnh việc tạo ra các ấn tượng xấu thì cách cư xử này có thể khích lệ những người địa phương không tôn trọng truyền thống và tôn giáo của họ nữa, tạo ra một sự xáo trộn trong cộng đồng địa phương. Những kiểu bất đồng về văn hóa như thế cũng từng đã xảy ra trong các cộng đồng Cơ đốc giáo ở quần đảo Po-ly-ne-di, vùng Caribe và Địa Trung Hải.

+ Mức độ công việc

Ở các nước đang phát triển, nhiều người dân địa phương làm việc trong ngành du lịch ở mức độ thấp như hầu phòng, bồi bàn, làm vườn ... trong khi những công việc quản lý được trả lương cao lại thuộc về người nước ngoài hay “kiều bào thành thị”. Do người địa phương thiếu kỹ năng lao động, kỹ năng quản lý ở các khách sạn và nhà hàng nên các khu du lịch thường thu hút những người có khả năng làm những công việc ở trình độ cao từ các nơi khác đến. Điều này gây ra sự xích mích, căng thẳng và gia tăng sự kỳ thị giữa các lực lượng lao động..

- Gây ra các áp lực căng thẳng trong xã hội

+ Mất hoặc giảm các kiệt tác văn hoá. Sự tổn hại tài nguyên văn hóa có thể do gia tăng sự phá hoại, ăn cắp và di chuyển các loại di sản văn hóa bất hợp pháp. Vấn đề này thường gặp ở các công trình khảo cổ của Ai Cập, Colombia, Mehico và Peru. Những người bảo vệ được trả lương rất ít nên họ đã tìm cách bán những chế tác cho khách du lịch.

+ Nguồn tài nguyên khan hiếm có thể dẫn đến các mâu thuẫn trong việc tranh quyền sử dụng các nguồn tài nguyên quan trọng như nước, năng lượng ... giữa du lịch và các ngành kinh tế khác của địa phương. Du lịch có thể gây áp lực lên cộng đồng địa phương như làm suy thoái môi trường và tăng chi phí cơ sở hạ tầng cho cộng đồng địa phương, ví dụ như tăng thuế cao hơn để cải thiện việc cấp nước hoặc các điều kiện vệ sinh.

+ Mâu thuẫn với các loại hình sử dụng đất truyền thống ở các khu vực được khai thác mạnh như vùng ven biển (các bãi biển và các đảo). Sự mâu thuẫn tăng lên khi phải lựa chọn giữa việc sử dụng đất cho phát triển du lịch hay sử dụng đất theo truyền thống địa phương. Người dân bản xứ thường là người thua cuộc trong các cuộc tranh luận về vấn đề này vì những giá trị kinh tế do du lịch đem lại thường lớn hơn.



Khung 2.10. Sự khác nhau về thu nhập ở vườn quốc gia

Taman Negara, Malaysia

Vườn quốc gia Taman Negara nằm ở phía Tây Malaysia là một khu vườn tư nhân có thể đón cùng một lúc 260 du khách. Vườn đã thuê 270 người, trong đó 60% nhân viên là người dân địa phương. Vào năm 1999, các nhóm nhân viên địa phương này kiếm được khoảng 120 USD/tháng, trong lúc đó những người dân địa phương làm nông nghiệp chỉ kiếm được trung bình 40 USD/tháng.

Mặc dù du lịch ở đây tạo thêm công ăn việc làm nhưng sự khác nhau về thu nhập giữa 2 nhóm cư dân địa phương đã tạo ra sự căng thẳng trong xã hội. Việc có thu nhập cao hơn của một bộ phận dân cư đã làm cho giá cả sinh hoạt ở đây tăng lên. Chỉ có một lượng thu nhập rất nhỏ từ du lịch vườn được giữ lại tại địa phương vì các nhân viên của vườn đã sử dụng gần 90% thu nhập để nhập khẩu hoặc mua hàng hóa từ những nơi khác về. Nền văn hóa của địa phương được đưa ra thị trường để thu hút du khách nhưng lợi ích thu được cho dân cư rất nhỏ.

(Nguồn: Báo cáo ILO về phát triển nguồn nhân lực, việc làm và toàn cầu hóa trong du lịch, giải trí và khách sạn, 2001)




Khung 2.11. Áp lực lên tài nguyên do sự phát triển du lịch

Trên đảo Boracay của Philipin, 1/4 đảo bị các tập đoàn kinh tế bên ngoài mua tạo ra sự khủng hoảng về cấp nước và thiếu cơ sở hạ tầng cho cư dân. Tương tự, ở Ba li (Indonesia), nguồn cung cấp nước và đất nông nghiệp quan trọng bị thay đổi do xây dựng các khách sạn lớn và sân gôn, trong khi ở Pagandaran (Java, Indonesia), đất đai vùng biển vốn được sử dụng để chăn nuôi, sửa chữa tàu thuyền, làm lưới hoặc tổ chức lễ hội thì bị bán cho các nhà thầu để xây dựng khách sạn 5 sao. Việc xây dựng các khách sạn và cơ sở vật chất du lịch ở vùng ven biển đã chiếm mất những nơi đánh cá truyền thống của người dân địa phương ở nhiều nơi trên thế giới.



(Nguồn: UNEP, 2000)


tải về 0.97 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương