Chương 1 CƠ SỞ LÝ luận về du lịch và MÔi trưỜng lý luận chung 1 Du lịch



tải về 0.97 Mb.
trang9/12
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích0.97 Mb.
#25515
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   12

(Nguồn: Báo cáo tổng hợp đề tài KT 03 - 12, 1995)

3.1.1.3. Khí hậu và thời tiết

Thời tiết và khí hậu là nhân tố quan trọng kiểm soát về mặt môi trường tự nhiên, ảnh hưởng đến đất đai, động thực vật và các quá trình hoạt động địa mạo. Từ thuở xa xưa, du khách đã bị cuốn hút đến những điểm du lịch có khí hậu và thời tiết đặc trưng, dễ chịu. Trước khi bắt đầu kỷ nguyên du lịch thương mại gần đây, du khách thường tìm đến những nơi có thời tiết mát và khô hơn để tránh đi cái nóng khó chịu và ẩm thấp ở một số khu đô thị lớn. Rất nhiều nước ở Châu Âu như Anh và Hà Lan đã cho xây dựng các khu nghỉ mát cao nguyên ở các nước thuộc địa của họ tại Châu Á cũng chỉ vì mục đích tương tự. Ngược lại vào mùa đông, một lượng lớn du khách lại đổ xô về những vùng du lịch có thời tiết ấm hơn để tránh cái giá rét quê nhà. Chính cái ấm đầy ắp ánh mặt trời cùng với những bãi biển trong xanh đầy cát trắng giờ đây lại trở thành những nhân tố quan trọng thu hút khách du lịch, tạo nên một trào lưu du lịch 3S (sun, sand and sea: ánh nắng, cát và biển.) vào những năm cuối thế kỷ thứ 20. Tuy nhiên, cũng có khuynh hướng ngoại lệ trong du lịch từ những nơi có khí hậu ấm áp hơn đến những vùng lạnh lẽo để tham gia các môn thể thao mùa đông như trượt tuyết, lướt ván trên tuyết, trượt xe trên tuyết ... Ví dụ như trong mùa hè, người dân Úc thích đến vùng miền núi lạnh lẽo ở Tây Bắc Mỹ (Rockies) để trượt tuyết hay lướt ván trên tuyết.

Tổ hợp của sự thay đổi theo mùa rõ rệt của các đới nhiệt độ cũng ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển và các hoạt động du lịch. Sự thay đổi này sẽ quyết định tính đa dạng của các loại hình vui chơi giải trí của khu du lịch. Trong việc đáp ứng các nhu cầu và sự thỏa mãn của du khách, khu du lịch càng có nhiều khả năng cung cấp các dịch vụ vui chơi giải trí đa dạng càng thu hút nhiều du khách. Chẳng hạn một khu du lịch cung cấp nhiều dịch vụ như chơi gôn, cưỡi ngựa, câu cá, săn bắn, trượt tuyết, các môn thể thao dưới nước ... sẽ hấp dẫn hơn nhiều so với khu du lịch chỉ cung cấp một dịch vụ. Sự đa dạng của những dịch vụ này càng nhiều và rải đều quanh năm thì khả năng thành công của khu du lịch càng lớn.

Trong các chỉ tiêu thời tiết và khí hậu được xét đến trong du lịch, đáng chú ý nhất là hai chỉ tiêu nhiệt độ và độ ẩm không khí. Ngoài ra còn có một số chỉ tiêu khác như gió và lượng mưa, áp suất khí quyển, thành phần lý hoá của không khí, ánh nắng mặt trời và các hiện tượng thời tiết đặc biệt (Nguyễn Minh Tuệ và nnk, 1999). Nhìn chung, những nơi có khí hậu ôn hoà thường được du khách thích nhất. Nhiều thăm dò cho thấy khách du lịch thường tránh những nơi quá lạnh, quá ẩm, hoặc quá nóng, quá khô. Về cơ bản, khí hậu á nhiệt đới có nhiệt độ vào khoảng từ 20-300 C được xem là tối ưu nhất cho du lịch 3S (sun, sand and sea). Đây là một trong những tiêu chí rất quan trọng để phát triển du lịch trên quy mô lớn đối với những điểm du lịch có thế mạnh về biển. Một số nhà khoa học Ấn Độ cũng đã xác lập ra một số chỉ tiêu được gọi là chỉ tiêu sinh khí hậu để xác định mức độ thuận lợi về mặt khí hậu đối với các hoạt động du lịch. Theo đó, các chỉ tiêu sinh khí hậu được minh hoạ như sau:

Bảng 3.4 . Chỉ tiêu sinh khí hậu và mức độ thích nghi của con người


Hạng

Ý nghĩa

Nhiệt độ TB năm (C0)

Nhiệt độ TB tháng nóng nhất (C0)

Biên độ năm của nhiệt độ TB (C0)

Lượng mưa / năm (mm)

1

Thích nghi

18-24

24-27

< 6

1250-1900

2

Khá thích nghi

24-27

27-29

6-8

1900-2550

3

Nóng

27-29

29-32

8-14

> 2550

4

Rất nóng

29-32

32-35

14-19

< 1250

5

Không thích nghi

> 32

> 35

> 19

< 650

(Nguồn: Du lịch và môi trường - UNEP, 2003)

Theo Nguyễn Minh Tuệ và nnk (1999) thì các loại hình du lịch khác nhau thường đòi hỏi những điều kiện khí hậu khác nhau. Ví dụ như khách du lịch biển thường ưa thích những điều kiện khí hậu như sau:



  • Số ngày mưa phải tương đối ít vào thời vụ du lịch biển. Điều này có nghĩa là khu vực bãi biển cần có mùa du lịch tương đối khô. Mỗi ngày mưa đối với du khách là một ngày hao phí cả thời gian lẫn tiền bạc trong chuyến đi du lịch về biển và như vậy sẽ làm giảm hiệu quả của chuyến du lịch.

  • Số giờ nắng trung bình trong ngày nhiều. Khách du lịch về biển thường chuộng những nơi có nhiều ánh nắng mặt trời để phơi mình trên bãi cát. Do vậy những nơi có số giờ nắng trung bình trong ngày cao thường được ưa thích và có sức thu hút mạnh mẽ đối với khách du lịch quốc tế. Điều này giải thích sức hấp dẫn đối với du khách của nhiều vùng biển như Caribe, Địa Trung Hải, bờ biển Đại Tây Dương của Tây Ban Nha, vùng biển Đông Nam Á ...

  • Nhiệt độ trung bình của không khí vào ban ngày không cao lắm. Nhiệt độ vừa phải cho phép khách du lịch phơi mình ở ngoài trời để tắm nắng. Đối với khách du lịch phương Bắc nhiệt độ cao khiến họ cảm thấy rất khó chịu.

  • Nhiệt độ nước biển từ 20-250 C được xem là thích hợp nhất cho các hoạt động du lịch tắm biển. Nhiệt độ dưới 200 C và trên 300 C được coi là không thích hợp. Tuy nhiên, khách du lịch từ một số nước Bắc Âu lại thích ngâm mình trong nước ở nhiệt độ khoảng 17-200C.

Ngoài ra, điều kiện thời tiết và khí hậu còn ảnh hưởng đến việc thực hiện các chuyến du lịch hoặc các hoạt động dịch vụ về du lịch. Những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đặc biệt như bão, gió mùa Đông Bắc, khô hạn, lũ lụt ... đều làm cản trở tới kế hoạch và các hoạt động của du lịch.

Ở nước ta, nhìn chung, khí hậu nhiệt đới gió mùa t­ương đối thích hợp với sức khỏe của con người. Khí hậu có sự phân hóa rõ rệt theo vĩ tuyến, theo mùa và theo độ cao. Biên độ nhiệt trung bình năm cao nhất không quá 150C, từ Nha Trang trở vào chỉ khoảng 50C, còn ở Nam Bộ chỉ khoảng 2 - 30C. Lượng mư­a trung bình 1.500 - 2.000mm. Tất cả những điều này đều có ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch của Việt Nam tùy theo vùng miền.

Phụ thuộc vào tính mùa của khí hậu, hoạt động du lịch ở nước ta có thể diễn ra quanh năm hay chỉ trong một vài tháng.

- Mùa du lịch cả năm (liên tục) chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Tại đây, du khách có thể đến bất cứ tháng nào.

- Mùa hè là mùa du lịch quan trọng nhất ở nước ta và có thể phát triển nhiều loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch biển.

Trở ngại chính ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của nước ta là các tai biến thiên nhiên. Đó là m­ưa bão, gió mùa Đông Bắc trong mùa đông ở miền Bắc, gió bụi trong mùa khô, lũ lụt trong mùa m­ưa và một số hiện t­ượng thời tiết đặc biệt khác.

3.1.1.4. Thủy văn và tài nguyên nước

Tài nguyên nước bao gồm nguồn nước mưa, nước mặt và nước dưới đất. Đối với du lịch thì nguồn nước mặt có ý nghĩa rất lớn, bao gồm đại dương, biển, sông, hồ, ao, suối, thác nước, suối phun... Cảnh quan của nước giàu tính biến hoá và là nơi mà du khách thích lui tới. Nước không những tự nó có thể trở thành phong cảnh mà còn làm cho các cảnh quan khác nhờ nước mà trở nên sống động và nâng cao vị thế. Một nguồn nước mặt rộng lớn và yên tĩnh không những tạo ra một bầu không khí trong lành mà còn có tác dụng rất tốt đến sức khoẻ con người. Ngoài tác dụng ngâm tắm thông thường, nguồn nước mặt còn là một phương thuốc khá hiệu nghiệm để chữa trị stress.

Do khí hậu nhiệt đới gió mùa và nhiều nguyên nhân khác, mạng l­ưới sông ngòi của nước ta tuy dày đặc nh­ưng không có nhiều tác dụng trong việc phát triển du lịch. Có giá trị hơn cả là mạng lưới sông ngòi ở Đông bằng sông Cửu Long (để phát triển loại hình du lịch sông nước) và một vài con sông khác (như­ sông Hương).

Nước và thuỷ văn được xem như là một tài nguyên du lịch quan trọng chỉ trong những điều kiện nhất định. Đối với bơi lội, các điều kiện tiên quyết phải bao gồm chất lượng nước, nhiệt độ nước thích hợp và mặt nước tĩnh lặng nhằm tạo cảm giác thật thoải mái, dễ chịu cho du khách. Tuy nhiên, đối với du lịch lướt ván thì ngược lại, mặt nước tĩnh lặng sẽ không làm cho họ thích thú. Điều này giải thích vì sao hiện nay những bờ biển dậy sóng phía đông của Australia, Hawaii và California của Mỹ hiện đang là những điểm thu hút nhiều khách du lịch đam mê môn lướt ván. Đối với biển và đại dương, ở những khu vực hay quốc gia có các bãi biển á nhiệt đới là những nơi luôn khai thác các thế mạnh về tài nguyên du lịch nước.

Các hồ nước ngọt cũng rất hấp dẫn đối với hoạt động thể thao và giải trí ngoài trời như đi thuyền, câu cá ... Suối và thác nước cũng rất thu hút sự quan tâm của khách du lịch trong việc lựa chọn điểm du lịch. Đặc biệt các thác nước thường tạo ra nhiều sự thích thú về mặt nghệ thuật và cảm xúc cho du khách. Nhiều khi thác nước hình thành nên một trung tâm du lịch chính, và nhờ đó hàng loạt khu du lịch vệ tinh khác được thiết lập xung quanh, ví dụ như thác Niagra ở biên giới của Mỹ và Canada, thác Victoria ở biên giới giữa Zimbabwe và Zambia, thác Iguacu ở biên giới Paraguay và Brazil ...

Nước ta có nhiều hồ với nguồn gốc khác nhau. Một trong những hồ tự nhiên lớn nhất Việt Nam có giá trị du lịch là hồ Ba Bể. Hồ ở độ cao 145m trên mực nước biển, có diện tích mặt nước khoảng 500ha, dài 7km, chỗ rộng nhất là 2km, độ sâu trung bình 30m, bị thắt khúc thành ba hồ nhỏ (Pé Lầm, Pé Lù, Pé Lèng) nên được gọi là Ba Bể.

Hồ nhân tạo có hai nguồn gốc: thủy điện và thủy lợi. Các hồ nước có giá trị hàng đầu đối với du lịch là hồ Hòa Bình, hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh), hồ Thác Bà (Yên Bái), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), hồ Đồng Mô - Ngải Sơn (Hà Tây)...

Tuyết được xem như là một nhân tố tiêu cực cản trở khách du lịch đến một địa điểm du lịch nào đó. Tuy nhiên, tuyết cũng là một động lực tích cực trong điều kiện điểm du lịch có dốc núi, lượng tuyết đủ dày và chắc để khách du lịch có thể tiến hành các hoạt động thể thao trên tuyết. Nhiều khu du lịch đã phải tạo ra tuyết nhân tạo để thu hút du khách hoặc phải xây dựng những điểm du lich ở trên núi cao để có thể kéo dài thời gian có tuyết. Những khu du lịch trượt tuyết nổi tiếng trên thế giới có thể kể là khu Whistler và Banff ở Canada, Grenoble ở Pháp, Moritz ở Thụy Sĩ ...

Trong các vai trò của tài nguyên nước đối với du lịch, cần phải nhấn mạnh đến tài nguyên nước khoáng. Nước khoáng là nước thiên nhiên, chủ yếu nằm ở dưới đất. Nước khoáng có chứa một số thành phần vật chất và tính chất đặc biệt như các nguyên tố hóa học, các khí, các nguyên tố phóng xạ, nhiệt độ cao... có tác dụng rất tốt đối với sức khoẻ con người. Tắm nước khoáng nóng là một loại hình du lịch phổ biến đã có từ rất lâu. Các nguồn nước khoáng là tiền đề không thể thiếu được đối với du lịch an dưỡng và chữa bệnh. Trên thế giới, nhu cầu du lịch kết hợp với an dưỡng, chữa bệnh và dùng nước giải khát tăng lên đáng kể. Hiện nay, Iceland và New Zealand là những nước nổi tiếng với nguồn nước khoáng trị liệu chất lượng cao. Các nguồn nước khoáng nổi tiếng khác được tìm thấy ở biên giới giữa Đức và công hòa Czech và trong các dãy núi Appalachian của phía Đông nước Mỹ. Chỉ riêng ở châu Âu, tắm nước khoáng nóng trị liệu ước tính hàng năm thu hút hơn 20 triệu lượt khách (Smith & Duffy, 2003).

Để phục vụ chữa bệnh, người ta đã phân loại nước khoáng thành các nhóm chủ yếu sau đây:

- Nhóm nước khoáng cacbônic là nhóm nước khoáng quý, có công dụng giải khát rất tốt và chữa một số bệnh như cao huyết áp, xơ vữa động mạch nhẹ các bệnh về thần kinh ngoại biên.

Tiêu biểu cho nhóm này ở nước ta là nước khoáng Vĩnh Hảo nổi tiếng từ năm 1928 đến nay với sản phẩm nước khoáng đóng chai, đã xuất sang một số nước ở Đông Nam Á.

- Nhóm nước khoáng silic có tác dụng đối với các bệnh về đư­ờng tiêu hóa, thấp khớp, phụ khoa... ở nước ta điển hình là nguồn nước khoáng Kim Bôi (Hoà Bình) và Hội Vân (Bình Định). Nước khoáng Kim Bôi nhiệt độ quanh năm t­ương đối ổn định là 37oC, có hàm lượng Nat ri và Can xi khá lớn, thích hợp cho việc chữa các bệnh khớp, dạ dày, viêm đại tràng. Nước khoáng Hội Vân có hàm lượng silic cao, nhiệt độ tới 79oC chữa các bệnh viêm loét dạ dày, đại tràng, cổ tử cung, điều hòa chức năng tiêu hóa...

- Nhóm nước khoáng Brôm - iôt - bo có tác dụng chữa bệnh ngoài da, thần kinh, phụ khoa... Ở Việt Nam có hai nhà nghỉ sử dụng nguồn nước khoáng này là ở Quang Hanh (Cẩm Phả, Quảng Ninh) và Tiên Lãng (Hải Phòng).

Ngoài ba nhóm nói trên còn có một số nhóm nước khoáng khác (sunfuahyđrô, asen - fluo, liti, phóng xạ,...) cũng có giá trị đối với du lịch nghỉ ngơi, chữa bệnh.

3.1.1.5. Đa dạng sinh học

Nói một cách ngắn gọn, đa dạng sinh học là mức độ phong phú của sự sống, là toàn bộ tài nguyên thiên nhiên do tất cả các dạng sống trên trái đất tạo nên. Đa dạng sinh học bao gồm tất cả các loài sinh vật từ bé đến lớn đang sống trên trái đất, tất cả các gen có trong các loài đó, các hệ sinh thái, các nơi sống (habitat) được tạo nên do các loài khác nhau cùng chung sống trong những điều kiện nhất định, tương tác chặt chẽ với nhau và với môi trường sống. Nói cách khác, đa dạng sinh học là thước đo tính đa dạng về gen, về loài và về các hệ sinh thái có trong một vùng nhất định nào đó hay trên toàn thế giới.

Trong tài nguyên đa dạng sinh học, động vật và thực vật hoang dã có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với giải trí và du lịch của con người. Sau những giờ làm việc mệt mỏi, nhìn những chiếc lá vàng rơi, những con chim bay lượn trên bầu trời, những con cá heo lướt trên mặt nước, phảng phất đâu đây hương thơm của một loài hoa dại... con người sẽ có được những cảm giác tươi vui và thích thú, giảm bớt những phiền muộn và căng thẳng của công việc hàng ngày.

Ở một số quốc gia, tài nguyên đa dạng sinh học đã đem lại một khoản lợi tức đáng kể cho du lịch. Tại Kenya, du lịch chủ yếu dựa trên các loài động vật hoang dã là 1 trong 3 nguồn thu ngoại tệ chính của quốc gia này. Tại Australia, sự đa dạng và tính đặc hữu cao của tài nguyên sinh học đã góp phần quan trọng giúp cho quốc gia này trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái hàng đầu thế giới. Đất nước này có đến 93% thực vật có mạch, 45% các loài chim, 89% các loài bò sát, 93% các loài ếch nhái, 83% các loài động vật có vú là những loài đặc hữu không thể tìm thấy tại các quốc gia khác trên thế giới (IUCN, 2003). Trong đó nổi tiếng nhất là Kangaroo, Koala, gấu túi và chó hoang Dingo. Ngoài ra, sự đa dạng về hệ sinh thái của xứ sở chuột túi này cũng đã tạo nên tính phong phú cho các loại hình và các hoạt động du lịch bao gồm du lịch biển, núi, rừng mưa nhiệt đới, các vùng hoang mạc, đảo cát …



Hình 3.4. Những loài thú đặc hữu của Australia - Koala va chó hoang Dingo

Khung 3.1. Vườn Quốc gia Everglades

Vườn Quốc gia Everglade ở Mỹ được thành lập từ rất sớm, vào năm 1934. Vườn Quốc gia này nằm sát phía nam bang Florida. Với diện tích 610.204ha, Everglades là khu rừng nguyên sinh á nhiệt đới lớn nhất Mỹ, trải dài từ thành phố Everglades tới tận điểm cực nam của Mỹ, mũi Sable. Vườn Quốc gia Everglades bao gồm cả hai hệ sinh thái nước mặn lẫn nước ngọt, do đó mức độ đa dạng sinh học rất cao. Ðây là địa bàn cư trú của nhiều loài thực vật (bách, sồi ...), động vật (gấu, rái cá ...) và chim (mòng két, cò quăm, diệc ...). Ðặc biệt ở phía tây Vườn Quốc gia là một cụm đảo có tên là Vạn đảo (Ten Thousand Islands). Quả đúng như với cái tên của nó, khu di sản thiên nhiên này có hơn chín nghìn hòn đảo với các kích cỡ khác nhau và hệ động thực vật vô cùng phong phú. Với độ đa dạng sinh học cao lại nằm rải trên một quần thể đảo có mật độ dày đặc, Vườn Quốc gia Everglade đã được ghi tên vào Danh sách Di sản thiên nhiên thế giới, đồng thời cũng là khu dự trữ sinh quyển thế giới và khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.



Ngoài những tour tham quan dã ngoại thông thường, Ban quản lý Vườn Quốc gia Everglades đã tổ chức nhiều tuyến du lịch trong vườn bao gồm các tour đi bộ đường dài, tour mạo hiểm, đặc biệt nhất là tour kết hợp đi canô, đi bộ dường dài và mạo hiểm trên quãng đường 160km kéo dài từ thành phố Everglades tới khu Flamingo. Mỗi năm có tới hàng chục vạn du khách đến với Everglades và tham gia những tour du lịch đặc sắc trong Vườn Quốc gia. Ðây là một điểm đến lý tưởng của những người yêu thích thiên nhiên.

(Nguồn: Du lịch bền vững UNEP, 2004)

Trong phát triển du lịch, các vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên có ý nghĩa rất lớn vì ở đó có sự tập trung đa dạng sinh học cao với nhiều loại động thực vật đặc hữu, quý hiếm. Tính đến năm 2006, nước ta đã thành lập 29 vườn Quốc gia, gần 100 khu bảo tồn thiên nhiên, khu văn hóa lịch sử, bảo tồn loài hoặc cảnh quan đặc biệt. Trong đó, có 2 di sản thiên nhiên thế giới đã được UNESCO công nhận là vịnh Hạ Long và Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; 4 khu dự trữ sinh quyển của thế giới là: rừng ngập mặn Cần Giờ, rừng Cát Tiên, quần đảo Cát Bà và vùng ngập nước ven châu thổ Sông Hồng. Hiện nay 7 khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) là: Bái Tử Long, khu DTSQ miến Tây Thanh Hóa, miền Tây Nghệ An, Vũ Quang - Kẻ Gỗ, Bạch Mã- Hải Vân, Cù Lao Chàm- Hội An đang trong giai đoạn hoàn tất hồ sơ để được thế giới công nhận.

Bảng 3.5. Các vườn quốc gia của nước ta tính đến năm 2006

TT

Tên

Địa điểm

Diện tích (ha)

Năm thành lập

Đặc điểm đặc trưng

1

Ba Bể

Bắc Cạn

7.610

1992

Rừng, hồ trên núi. Voọc mũi hếch

2

Ba Vì

Hà Tây

7.377

1991

Rừng á nhiệt đới

3

Bạch Mã

Thừa Thiên Huế

22.031

1991

Rừng á nhiệt đới miền Trung. trĩ sao, voọc chà vá.

4

Bái Tử Long

Quảng Ninh

15.783

2001

Rừng trên đảo

5

Bến En

Thanh Hóa

38.153

1992

Rừng nhiệt đới thường xanh

6

Cát Bà

Hải Phòng

15.200

1986

Rừng nhiệt đới trên núi đá vôi

7

Cát Tiên

Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước

73.878

1992

Rừng Đông Nam Bộ. Voi, cá sấu, ngan cánh trắng

8

Côn Đảo

Bà Rịa Vũng Tàu

19.998

1993

Rừng trên đảo. Động vật biển

9

Cúc Phương

Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa

22.200

1962

Rừng trên núi đá vôi. Voọc mông trắng

10

Chư Mom Ray

Kon Tum

56.621

2002

Các kiểu rừng khu vực Đông Dương

11

Chư Yang Sin

Đắc Lắc

58.947

2002

Rừng trên núi cao Tây Nguyên

12

Hoàng Liên Sơn

Lào Cai

29.845

2002

Rừng á nhiệt đới

13

Xa Mát

Tây Ninh

18.756

2002

Rừng chuyển tiếp

14

Phù Mát

Nghệ An

91.113

2001

Các kiểu rừng miền Trung

15

Phong Nha - Kẻ Bàng

Quảng Bình

85.754

2001

Các kiểu rừng miền Trung. Thú linh trưởng, mang lớn

16

Phú Quốc

Kiên Giang

31.422

2001

Rừng trên đảo

17

Tam Đảo

Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Thái Nguyên

36.883

1996

Rừng á nhiệt đới, sam bông. Voọc mũi hếch, voọc đen.

18

Tràm chim

Đồng Tháp

7.588

1998

Rừng tràm. Sếu đầu đỏ

19

U Minh Thượng

Kiên Giang

8.053

2002

Rừng tràm

20

Vũ Quang

Hà Tĩnh

55.029

2002

Rừng Bắc Trường Sơn

21

Xuân Sơn

Phú Thọ

15.045

2002

Rừng kín thường xanh, cây họ dầu.

22

Yok Đôn

Đắc Lắc

58.200

1992

Rừng khộp. Voi, bò rừng, bò tót.

23

Bù Gia Mập

Bình Phước

26.032

2002

Rừng nhiệt đới ẩm.

24

Kôn Ka Kinh

Gia Lai

41.780

2002

Rừng kín thường xanh mưa nhiệt đới

25

Xuân Thủy

Nam Định

7.100

2003

Rừng ngập mặn. Chim nước di trú.

26

Núi Chúa

Ninh Thuận

29.865

2003

Rừng khô Nam Trung Bộ

27

Đất Mũi

Cà Mau

41.000

2003

Rừng ngập mặn

28

U Minh Hạ

Cà Mau

8.286

2006

Rừng tràm trên đất than bùn

29

Phước Bình

Ninh Thuận

19.814

2006

Rừng nhiệt đới, rừng khô hạn

(Nguồn: Hội các vườn quốc gia Việt Nam, 2006)

Một trong những mục tiêu xây dựng hệ thống v­ườn quốc gia nói trên là bảo vệ các khu cảnh quan tự nhiên, phục vụ mục đích khoa học, giáo dục và du lịch sinh thái.

Bốn trong số 26 vườn quốc gia của Việt Nam được công nhận là vườn di sản ASEAN vào năm 2004 gồm: Ba Bể, Chư Mom Ray, Hoàng Liên Sơn và Kon Ka Kinh. Đây là những vườn vừa đảm bảo những mục tiêu trên, vừa đảm bảo các tiêu chí về tính tự nhiên, hoang dã, tính nguyên vẹn về hệ sinh thái, sự đa dạng và các giá trị nổi bật của quần thể nhằm bảo tồn các sinh vật quý hiếm ở khu vực Đông Nam Á.

3.1.2. Chất lượng môi trường tự nhiên và các hoạt động du lịch

Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy ngày càng có nhiều du khách đổ về các địa phương có môi trường tự nhiên trong lành để nghỉ ngơi, thư giãn và hoà mình với thiên nhiên. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi cả thế giới cùng hướng đến sự phát triển bền vững và ngày càng có nhiều người tìm đến các loại hình du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên thì môi trường tự nhiên càng trở nên quan trọng hơn đối với sự phát triển của du lịch.

Tuy nhiên, du lịch cũng rất nhạy cảm với chất lượng của môi trường tự nhiên. Sự suy thoái chất lượng môi trường tự nhiên của một điểm du lịch chắc chắn sẽ kéo theo sự suy giảm về số lượng du khách đến đây. Chính vì vậy, các mức độ thích hợp của chất lượng và sự duy trì của chất lượng môi trường tự nhiên phải được xét đến khi tiến hành quy hoạch nhằm đảm bảo tính bền vững của khu du lịch. Việc tổ chức các hoạt động du lịch cũng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng về chất lượng của từng yếu tố cấu thành nên môi trường tự nhiên. Đối với du lịch, các thành phần chủ yếu của chất lượng môi trường tự nhiên cần được xem xét bao gồm: môi trường địa chất, môi trường nước, môi trường không khí và môi trường sinh học.

3.1.2.1. Chất lượng môi trường địa chất

Môi trường địa chất là một tập hợp các thành tố địa chất của môi trường tự nhiên bao gồm các yếu tố như cấu trúc địa chất, các hoạt động kiến tạo, tân kiến tạo, địa động lực. Hiện tại, hoạt động động đất, các quá trình vôi hoá, phong hoá và các tai biến địa chất khác ảnh hưởng đến môi trường như xâm thực, trượt lở, nứt đất, núi lửa ... Có thể xem môi trường địa chất là phần cơ sở nền rắn của môi trường chung với các đặc tính và chất lượng của địa chất liên quan đến mục đích xây dựng, bố trí dân cư, phát triển các ngành kinh tế bao gồm cả kinh tế du lịch trong một không gian sử dụng nhất định nào đó (Phạm Trung Lương, 2000).

Trong du lịch, chất lượng của môi trường địa chất đã được nghiên cứu, đánh giá phục vụ cho mục đích du lịch như:



  • Thiết kế cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch như đường sá, bãi đậu xe, bến tàu, cầu cống, các công trình cấp thoát nước...

  • Thiết kế các công trình xây dựng như khách sạn, khu mua sắm, khu vui chơi, giải trí ... cho du khách,

  • Xây dựng các tuyến và điểm du lịch.

Các biến động hay tính bất ổn về môi trường địa chất của một khu vực như mức độ hoạt động địa chấn cao và các đứt gãy về địa chấn cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của khu du lịch. Đặc biệt là các tai biến môi trường liên quan đến địa chất thường dẫn đến những hậu quả khó lường cho du lịch.

Khung 3.2. Hoạt động của núi lửa Soufriere Hills và du lịch ở đảo Montserrat

Du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của cộng đồng dân cư sống trên đảo Montserrat, vùng Caribê. Nhiều cảnh quan hấp dẫn, khí hậu mát mẻ của hòn đảo đã thu hút rất nhiều du khách đến tham quan hàng năm. Vùng phía bắc của Montserrat còn được xem như là một điển hình rõ nét trong khu vực về loại hình du lịch sinh thái. Tuy nhiên, vào năm 1997, ngọn núi lửa Soufriere Hills vốn đã nằm im lâu nay đột nhiên hoạt động trở lại. Dòng nham thạch nóng bỏng đã làm chết 19 người và tro tàn bao phủ gần 2/3 diện tích của hòn đảo bao gồm cả thủ phủ Plymouth. Sau thảm hoạ, ngành du lịch và nền kinh tế ở đây suy thoái một cách nhanh chóng. Sự cố này không chỉ gây ra những tác động nghiêm trọng trực tiếp mà còn để lại những tác động rất lâu dài. Phải mất một thời gian khá lâu để môi trường du lịch tự nhiên ở đây có thể hồi phục lại trạng thái tương tự như trước đây. Chính quyền địa phương cũng như các tổ chức quốc tế đang nỗ lực khôi phục lại ngành du lịch ở đây thông qua nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có cả việc thành lập một cơ quan chuyên trách riêng về dự báo sớm hoạt động của núi lửa. Tuy nhiên nhiều du khách vẫn còn ngần ngại khi phải đối mặt với nguy cơ phun trào trở lại của núi lửa vào bất cứ lúc nào.



(Nguồn: Du lịch và môi trường - UNEP, 2003)



Hình 3.5. Hoạt động của núi lửa Soufriere Hills

3.1.2.2. Chất lượng môi trường nước

Môi trường nước là một bộ phận cấu thành quan trọng của môi trường tự nhiên, có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn tại của sự sống và các hoạt động kinh tế xã hội, trong đó có du lịch. Các biến động về môi trường nước ở một khu du lịch thường kéo theo nhiều sự thay đổi về sức hấp dẫn của du lịch.

Các yếu tố về chất lượng môi trường nước có vai trò to lớn đối với các khu du lịch nói chung và các hoạt động du lịch nói riêng. Như đã trình bày trên đây, nước có ảnh hưởng quan trọng đến du lịch trong những điều kiện nhất định, đặc biệt là nhiệt độ và chất lượng nước. Trong nhiều trường hợp, sự suy thoái chất lượng nước của một điểm du lịch, cho dù là nước sinh hoạt, hay nước phục vụ cho các dịch vụ vui chơi giải trí, đều gây ra nhiều hậu quả xấu cho du lịch. Ngay cả những môn thể thao dưới nước cũng yêu cầu phải có những nguồn nước sạch để đảm bảo vệ sinh và tạo cảm giác thoải mái cho du khách.



Khung 3.3. Thắng cảnh Đà Lạt đang bị "bức tử"

Nhiều thắng cảnh ở Đà Lạt đã không còn thơ mộng như xưa mà đang chịu cảnh ô nhiễm môi trường hoặc bị người dân lấn chiếm làm nhà ở, trồng trọt ... Càng về phía hạ nguồn càng nhiều đất bị khai phá làm mất đi vẻ tự nhiên của thắng cảnh.

Điển hình là thác Cam Ly. Thác nằm trên dòng suối Cam Ly, cách trung tâm thành phố 2km về hướng nam. Thác Cam Ly có rất nhiều truyền thuyết gắn liền với đời sống và các cuộc đấu tranh của đồng bào dân tộc bản địa. Trong quá khứ, đây là một thắng cảnh rất nổi tiếng. Hàng năm rất nhiều du khách đổ về đây để thưởng thức phong cảnh tuyệt đẹp với nhiều rừng cây bao quanh thác nước. Tuy nhiên gần đây, dòng thác Cam Ly đã mất đi vẻ thơ mộng vốn có. Nhiều dòng suối đổ về đây nằm ngay trên một cái chợ tự phát và rác thải từ các chợ này vô tư đổ về thác Cam Ly làm thác bốc mùi hôi thối nồng nặc. Hiện nay, điểm du lịch lý tưởng này mỗi ngày chỉ đón một vài vị khách tò mò đến tham quan. Nếu không có dự án xử lý nguồn nước thải, thác Cam Ly sẽ khó có thể trở lại thời kỳ vàng son trong quá khứ để phục vụ du khách.

Cái tên duyên dáng "Thung lũng Tình Yêu" ngày nào giờ đây trở thành nơi mua bán lộn xộn như chợ. Trong khuôn viên hồ Đa Thiện, người ta đã be bờ ngăn nước nên khu hồ rộng mênh mông bị án ngữ một "công trình" như đìa tôm.

Khuôn viên hồ Than Thở cũng nồng nặc mùi nước thải và phân của những chú ngựa làm dịch vụ du lịch tại đây. Người ta còn cho phép xây dựng nhiều "chòi" bán hàng lưu niệm, cà phê, cho dù ngoài bãi giữ xe trước cổng đã có hơn 20 gian hàng bày bán đủ loại.

(Nguồn: www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2004/10/)


3.1.2.3. Chất lượng môi trường không khí

Hoạt động sống và sản xuất của con người trên trái đất liên quan chặt chẽ đến môi trường không khí. Môi trường không khí là một bộ phận của môi trường tự nhiên tồn tại ở thể bụi hay khí. Những biến đổi của các yếu tố môi trường không khí như sự biến động của chế độ nhiệt, mưa - ẩm, gió … gây ra nhiều sự biến động đến đời sống và sản xuất trên hành tinh với những hậu quả nặng nề như nạn cháy rừng, mưa lũ, bão tố, lụt lội, … do El Nino và La Nina gây ra trên nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn của trái đất.

Đối với du lịch, môi trường không khí ảnh hưởng đến việc quy hoạch các khu du lịch nghỉ dưỡng, đến tổ chức mùa vụ khai thác du lịch … Các yếu tố của môi trường không khí như chế độ nhiệt, mưa - ẩm, gió … có vai trò khá lớn trong việc xây dựng các kiến trúc cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật của khu du lịch, quyết định hướng quy hoạch của khu du lịch, bố trí không gian và phác đồ kiến trúc các quần thể du lịch.

Sự ô nhiễm môi trường không khí cho dù ở thể khí, bụi hay tiếng ồn cũng đều ảnh hưởng tức thời và nghiêm trọng đến hình ảnh và sự phát triển của một khu du lịch. Do vậy, vấn đề ô nhiễm môi trường không khí cần phải được quan tâm trong các hoạt động phát triển du lịch, đặc biệt đối với các khu du lịch nằm ở thung lũng hay gần các khu công nghiệp và các mỏ khai thác khoáng sản.



Khung 3.4. Du lịch và ô nhiễm không khí ở thung lũng Kathmandu, Nepal

Trong những năm gần đây, ô nhiễm không khí đang ngày một gia tăng làm suy thoái chất lượng môi trường ở thung lũng Kathmandu. Sự gia tăng ô nhiễm xảy ra do tốc độ đô thị hoá nhanh, dân số tăng nhanh, sự phát triển công nghiệp ở ngay trung tâm thung lũng và sự gia tăng các phương tiện giao thông trên những con đường chật hẹp. Đặc biệt, địa hình giống như môt cái bát của thung lũng càng làm cho vấn đề thêm trầm trọng mỗi khi hiện tượng nghịch đảo nhiệt xảy ra. Trong trường hợp này, không khí ô nhiễm ở thung lũng không thoát ra bên ngoài được

Ô nhiễm không khí Kathmandu gây nhiều thiệt hại cho các công trình di tích lịch sử và di sản văn hoá ở đây. Các chất khí SO2 và NO2 kết hợp với nước tạo ra các axít huỷ hoại các công trình điêu khắc bằng gỗ, đá và các vật khảm tinh xảo bằng kim loại bọc bên ngoài các di tích lịch sử. Các thiệt hại về di sản văn hoá này không chỉ ảnh hưởng đến niềm tự hào về quá khứ của người dân địa phương mà còn gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với ngành du lịch, một ngành có nhiều đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Kathmandu.

Vào những năm đầu thập niên 1990, tổng thu nhập ngoại tệ của Kathmandu từ du lịch vào khoảng 60 triệu đôla Mỹ/năm. Tuy nhiên, theo ước tính của chính quyền địa phương, việc ô nhiễm không khí có thể làm giảm khoảng 10% thu nhập từ du lịch, tương đương với 6 triệu đôla Mỹ/năm. Đối với một nước nghèo như Nepal đang có cán cân tài chính chi nhiều hơn thu thì thiệt hại này là rất đáng kể. Ngoài ra, các chi phí cho sức khoẻ người dân do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí cũng làm hao tốn hàng triệu đôla mỗi năm.



(Nguồn: The National View of Air Pollution - UNDP, 2000)

3.1.2.4. Chất lượng môi trường sinh học

Chất lượng môi trường sinh học của một điểm du lịch liên quan chặt chẽ đến đa dạng sinh học. Như đã trình bày trên đây, tính đa dạng sinh học và tính đặc hữu cao của một điểm du lịch là một trong những yếu tố quan trọng thu hút được nhiều du khách. Ngoài ra cũng phải tính đến chất lượng an toàn về môi trường sinh học của nơi du khách đến và lưu lại.

Các điểm du lịch ở các khu bảo tồn, các vườn quốc gia thường là những nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại từ các loại côn trùng độc, rắn độc, cá độc ... có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của du khách. Ngoài ra, các loài động vật hoang dã nguy hiểm cũng là những mối đe doạ tiềm ẩn đối với sự an toàn của du khách. Một số loài cá mập ở các bãi biển, cá sấu ở một số khu thiên nhiên hoang dã, và nhiều động vật ăn thịt hung dữ khác ở các khu bảo tồn thiên nhiên có thể tấn công du khách vào bất cứ lúc nào. Các loài chuột bọ, ruồi, muỗi… cũng có thể gây cho họ các bệnh nguy hiểm như sốt rét, sốt xuất huyết, dịch tả, dịch hạch… Thêm vào đó, các ổ dịch ở địa phương như dịch sars, dịch cúm gà… cũng gây ra những tác động rất xấu đến du lịch.





Khung 3.5. Cúm gà đe dọa ngành du lịch

Dịch cúm gà đang lan rộng tại Việt Nam đã ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế Việt Nam trong đó có ngành du lịch. Nhiều công ty dịch vụ du lịch đang lo lắng từng ngày trước cảnh khách ngoại quốc hủy chuyến tham quan, đặc biệt là ở Hà Nội.

Vnexpress ngày 16/11/2005 cho hay, suốt một tuần qua, công ty Cổ phần Du lịch Việt Hà Nội đã không ký được hợp đồng nào với khách nước ngoài. Thư mời đặt tour không được hồi âm. Một số hãng lữ hành bắt đầu lo lắng lên kế hoạch trong trường hợp dịch cúm gia cầm lan rộng. Trưởng phòng thị trường công ty Cổ phần Du lịch Việt cho biết: “Thời điểm này tháng trước, khách quốc tế rất đông, chúng tôi không đủ khả năng đáp ứng. Nhưng nay thì chỉ còn khách nội địa đặt tour. Công ty đã gửi một số chương trình du lịch mới tới đối tác nước ngoài, nhưng không thấy hồi âm. Nếu dịch cúm gà tiếp tục lan rộng, chúng tôi sẽ thả nổi thị trường khách quốc tế trong dịp cuối năm”.

Tại Công ty Du lịch Việt Nam, từ đầu tháng, một số khách quốc tế đã thông báo hủy tour. Mặc dù khách không thông báo cụ thể nguyên nhân hủy tour là do cúm gia cầm, nhưng trưởng phòng thị trường vẫn tỏ ra khá lo âu trước diễn tiến phức tạp của dịch bệnh. Bà cho biết “Hiện nay đang là mùa du lịch cao điểm của khách quốc tế. Cúm gia cầm xuất hiện đã tác động mạnh đến tâm lý khách hàng. Một số đối tác đã tỏ ý dè dặt, tham khảo kỹ thông tin về dịch cúm, chứ không đăng ký tour ngay như trước đây”.



(Nguồn: Tổng hợp theo www.vnexpress.net và www.vnn.vn)

3.2. Môi trường văn hoá - xã hội, nhân tạo và các hoạt động du lịch

3.2.1. Cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật

Theo Goeldner cùng các cộng sự (2000), trong du lịch cần phân biệt cơ sở hạ tầng (infrastructure) phục vụ cho đời sống dân cư địa phương và cơ sở vật chất (superstructure) phục vụ cho du khách. Cho dù cũng quan trọng đối với du khách nhưng các cơ sở hạ tầng như: giao thông, hệ thống cấp thoát nước, bưu chính viễn thông, các cơ sở thương mại (siêu thị, chợ và cửa hàng bán lẻ)... là những cơ sở phục vụ chủ yếu cho đời sống thường ngày của cư dân địa phương. Trong khi đó, những cơ sở vật chất kỹ thuật như khách sạn, nhà hàng, các trung tâm hội nghị, các khu nghỉ mát ... chủ yếu là để phục vụ du khách.

Mặc dù được xây dựng chủ yếu để phục vụ cho dân cư địa phương nhưng các cơ sở hạ tầng cũng là một nhân tố quan trọng trong phát triển du lịch. Sẽ rất không thuận lợi đối với các hoạt động du lịch trong điều kiện cơ sở hạ tầng nghèo nàn, kém phát triển. Vai trò của hệ thống cơ sở hạ tầng đối với các hoạt động du lịch thể hiện ở chỗ:


  • Tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng cho khách du lịch đến khu du lịch,

  • Tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao tiếp, trao đổi thông tin cho du khách khi họ rời xa nơi cư trú thường xuyên của mình,

  • Tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty du lịch khai thác các tiềm năng tài nguyên du lịch,

  • Cung cấp điện, nước và các nhu cầu không thể thiếu khác cho các hoạt động du lịch.

Đối với cơ sở vật chất kỹ thuật bao gồm cơ sở lưu trú và cơ sở dịch vụ du lịch, do mục đích phục vụ cho du khách nên những cơ sở này thường mang tính định hướng cao theo nhu cầu và sở thích của du khách hơn là theo mong muốn của người dân địa phương. Những điểm du lịch có các cơ sở lưu trú được thiết kế theo kiến trúc địa phương và hài hoà với cảnh quan môi trường xung quanh thường hấp dẫn du khách nhiều hơn là những khách sạn hiện đại mà du khách đã quá quen thuộc ở đất nước của họ. Tuy nhiên, cũng cần phải quan tâm đến các tiện nghi và trang trí nội thất bên trong các cơ sở lưu trú để đảm bảo sự thoải mái của du khách khi họ lưu lại tại điểm du lịch.

Các cơ sở và các hoạt động dịch vụ cũng phải thực sự đa dạng để thu hút du khách. Một trong những nhân tố quan trọng các công ty quảng bá du lịch đưa ra là những hoạt động và dịch vụ mà du khách sẽ có dịp thưởng thức ở một điểm du lịch. Các hoạt động và dịch vụ càng da dạng, điểm du lịch càng hấp dẫn đối với du khách vì họ có nhiều sự lựa chọn. Ngoài ra, các vấn đề liên quan như tổ chức quản lý, quy hoạch, nét thẩm mỹ văn hoá trong các cơ sở và hoạt động dịch vụ phải được phát huy tối đa nhằm tôn tạo các giá trị của các điểm di tích, các di sản văn hoá truyền thống và các danh lam thắng cảnh.

Các dịch vụ mua sắm cũng là một hoạt động quan trọng quyết định sự thành công của một điểm du lịch. Yếu tố quan trọng nhất trong dịch vụ mua sắm ở một điểm du lịch chính là sự đa dạng của các sản phẩm địa phương và tính xác thực của chúng. Du khách thường ưa chuộng các đồ vật do chính địa phương sản xuất để làm lưu niệm, do vậy một sản phẩm được quảng bá là sản phẩm phải đích thực do địa phương làm ra.

3.2.2. Trình độ phát triển khoa học công nghệ

Trong môi trường nhân văn, khoa học công nghệ là yếu tố xuất hiện muộn nhưng có mức độ ảnh hưởng ngày càng gia tăng đối với các sản phẩm và dịch vụ một điểm du lịch. Sự ra đời của máy bay phản lực, các công nghệ tiên tiến về thông tin liên lạc gắn liền với internet đã có ảnh hưởng to lớn đối với du lịch. Trình độ phát triển của khoa học công nghệ làm cho thế giới trở nên gần nhau hơn, du khách cảm thấy gần gũi hơn như lúc họ ở nhà. Có thể nói rằng sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đã góp phần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch. Điều này thể hiện rõ ở một số khía cạnh sau đây:



  • Tạo ra khả năng to lớn trong trao đổi thông tin, quảng bá du lịch. Ở các nước có ngành du lịch phát triển, công nghệ tin học còn được ứng dụng mạnh mẽ trong giao dịch kinh doanh du lịch, thực hiện nhanh chóng các thủ tục xuất nhập cảnh, quảng cáo, giới thiệu các điểm du lịch và các hoạt động du lịch trên internet ...

  • Tạo ra khả năng phát triển những sản phẩm du lịch hiện đại và hấp dẫn. Ở các nước phát triển, khoa học và công nghệ cao đã góp phần hình thành nên những công viên giải trí nhân tạo rất hiện đại, các công viên nước, các thủy cung ngầm dưới mặt đất, các tàu lặn ngắm cảnh dưới biển .... Những sản phẩm này tạo ra nhiều sức hấp dẫn đặc biệt cho du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh của điểm du lịch,

  • Tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều tra và nghiên cứu cơ bản về du lịch, góp phần quan trọng vào sự phát triển du lịch.

3.2.3. Thể chế và chính sách

Các yếu tố về thể chế và chính sách thường ít được xem trọng trong hệ thống các chức năng của du lịch. Thực tế cho thấy rằng hệ thống chính trị, các văn bản pháp luật như luật đầu tư, luật tài nguyên, luật bảo vệ môi trường, hệ thống tài chính... và đặc biệt là các chủ trương, chính sách về phát triển du lịch dài hạn có ảnh hưởng khá lớn đối với khả năng cạnh tranh của một điểm du lịch trên thị trường quốc tế.

Thể chế và chính sách nếu thích hợp và kịp thời sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của du lịch, đồng thời hướng sự phát triển của du lịch phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, phù hợp với từng đặc điểm và điều kiện cụ thể của từng giai đoạn (Phạm Trung Lương, 2000). Ngoài ra, những chính sách mới, linh hoạt với tình hình và xu thế phát triển chung của kinh tế - xã hội cũng góp phần đáng kể vào sự thành bại của các điểm du lịch. Ví dụ trong thời kỳ bị ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính khu vực vào những năm cuối của thập niên 1990, một số nước trong khu vực Đông Nam Á đã đưa ra nhiều biện pháp và chính sách nhằm hạ giá các tour du lịch, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động quảng cáo để thu hút khách du lịch trở lại. Kết quả rất khả quan cho thấy những chiến lược và chính sách phù hợp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển, thậm chí trong những điều kiện khó khăn nhất.

Khung 3.6. Du lịch Thái Lan vượt qua suy thoái bằng các chính sách thích hợp

Sau chiến tranh vùng Vịnh 1991, du lịch Thái Lan tăng trưởng mạnh và liên tục, với số lượng khách quốc tế tăng gấp đôi, từ 5 triệu lên đến 10,8 triệu lượt khách trong năm 2002. Cũng trong năm 2002, tổng thu nhập của ngành du lịch đạt doanh thu cao nhất, chiếm 6% tổng GDP của Thái Lan. Tuy nhiên, năm 2003 được coi là năm tồi tệ nhất trong lịch sử ngành du lịch Thái Lan. Cuộc chiến tranh ở Iraq và sự bùng nổ nạn dịch SARS chính là "hoạn nạn kép". Lần đầu tiên trong vòng 12 năm, ngành công nghiệp không khói phải chứng kiến sự sụt giảm thảm hại về số lượng khách du lịch và một khoản lỗ khổng lồ 40 tỷ bath. Lượng khách trong tháng 4/2003 giảm 46%, chỉ còn 320.000 lượt khách. Đầu tháng 5/2003 số lượng khách tiếp tục giảm 55% và sự sụt giảm này trong năm 2003 vẫn chưa thấy điểm dừng.

Để vượt qua thời kỳ suy thoái, rất nhiều những biện pháp được chính phủ đưa ra như tăng cường quảng bá tại nước ngoài, giảm giá các dịch vụ liên quan đến du lịch như giá vé máy bay, dịch vụ khách sạn và lữ hành. Ấn tượng hơn cả là việc Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã cam kết sẽ trao 100.000 USD cho bất kỳ khách du lịch quốc tế nào chứng minh được rằng mình bị nhiễm SARS tại Thái Lan. Đây là động thái nhằm xây dựng lòng tin của khách du lịch và tạo hình ảnh đẹp về Thái Lan đối với thế giới. Ngoài ra, Bộ Thể thao và Du lịch cũng đầu tư 193 triệu baht để quảng bá một hình ảnh đất nước Thái Lan không còn nạn dịch SARS đồng thời với chiến dịch ''Nụ cười Thái và hơn thế nữa'' để thu hút thêm khách du lịch quốc tế đến nước này.

Những biện pháp ''kích cầu'' bạo dạn chưa từng có cũng được các doanh nghiệp tư nhân áp dụng như đưa ra mức giá 500 baht/đêm tại một số các khách sạn trong nước, hay giảm giá 30-80% của các đại lý du lịch và  khách sạn. Ngay cả những khách sạn sang trọng đạt tiêu chuẩn quốc tế như Grant Hyatt Erawan cũng đã đưa ra chương trình khuyến mãi đặc biệt hấp dẫn để thu hút các du khách trong và ngoài nước. Hãng Hàng không Thái Lan (Thai Airways) và các hãng hàng không tư nhân thì giảm 25% giá vé.

Mềm có nhưng rắn cũng có. Một vài biện pháp mạnh cũng đã được chính phủ áp dụng. Khách du lịch đến từ Trung Quốc đại lục, Hongkong, Đài Loan, Singapore và Việt Nam phải đeo khẩu trang vào mọi lúc và khẩu trang sẽ được phát tại nơi nhập cảnh. Nếu không, du khách sẽ phải nhận hình phạt 6 tháng tù, và/hoặc khoản tiền 10.000 baht (tương đương 233,4 USD). Trước khi nhập cảnh vào Thái Lan, du khách còn phải qua sự kiểm tra của bác sĩ. Nếu du khách có biểu hiện của bệnh sẽ bị trục xuất ngay lập tức.

Cố gắng khôi phục thị trường ngoài nước nhưng Chính phủ Thái Lan cũng không quên thị trường nội địa vốn mang lại  320 tỷ baht doanh thu hàng năm. Chính phủ cũng trao vai trò chủ động hơn cho chính quyền địa phương trong việc phát triển và nâng cao chất lượng du lịch nội địa, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tổ chức hội họp tại các tỉnh thành, và dành riêng một quỹ 400 triệu baht để thực hiện những kỳ nghỉ miễn phí cho quan chức địa phương và sinh viên xuất sắc của các trường đại học.



(Nguồn: BangkokPost, 2003.)

3.2.4. Các yếu tố về lịch sử, văn hoá và xã hội

3.2.4.1. Các yếu tố về lịch sử và văn hóa

Một trong những mục tiêu hàng đầu của du lịch là làm cho thế giới trở nên gần gũi với nhau hơn thông qua việc giới thiệu cho du khách các quốc gia, các địa danh, các dân tộc, lịch sử và văn hoá của họ. Các tuyến du lịch quốc tế giúp tăng cường trao đổi kiến thức và văn hoá giữa các dân tộc, tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao các mức độ thưởng thức tri thức của nhân loại bao gồm văn hoá, giáo dục, tôn giáo, khoa học ... Do vậy, sự phát triển các yếu tố văn hoá ở các điểm du lịch chính là một trong những phương tiện hữu hiệu nhằm nâng cao các giá trị tài nguyên du lịch nhân văn để thu hút du khách.

Văn hoá của một dân tộc hay một cộng đồng địa phương phản ảnh nhiều khía cạnh của của quá khứ và hiện tại của dân tộc và cộng đồng đó. Văn hóa là một đặc tính khá bền vững và là nhân tố phải được bảo tồn và phát huy nếu muốn phát triển du lịch. Trong thời đại mang tính toàn cầu hoá như hiện nay, các giá trị văn hoá của điểm du lịch càng đa dạng, càng được giới thiệu một cách sáng tạo và cuốn hút thì càng tạo được nhiều sự hấp dẫn đối với du khách. Các nhân tố văn hoá được sử dụng để quảng bá cho du lịch thường là các phong tục tập quán và lòng mến khách của dân địa phương, kiến trúc bản địa, các sản phẩm thủ công và công nghiệp, âm nhạc truyền thống, giáo dục, các lễ hội, tôn giáo và nhiều khía cạnh đặc thù khác liên quan đến đời sống của dân cư địa phương.

Tài nguyên nhân văn ở nước ta rất đa dạng, phong phú. Về đại thể, các loại tài nguyên nhân văn quan trọng hàng đầu là các di tích (văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật,...) và các lễ hội.

a. Các di tích lịch sử - văn hóa

* Di sản văn hóa thế giới.

Ngoài hai di sản thiên nhiên của thế giới là vịnh Hạ Long và Phong Nha - Kẻ Bảng, nước ta còn có ba di sản văn hóa thế giới: Quần thể di tích cố đô Huế (công nhận năm 1993), Thánh địa Mỹ Sơn, đô thị cổ Hội An (1999) ở Quảng Nam. Nước ta có hai loại hình văn hóa nghệ thuật được công nhận là Kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu nhân loại là: Nhã nhạc cung đình Huế (2003) và Văn hóa Cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên (2005). Đây là nguồn tài nguyên quý giá rất hấp dẫn đối với du khách.

* Di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia và địa phương:

- Các di tích khảo cổ học: bao gồm các di chỉ cư trú (những di chỉ hang động hoặc di chỉ ngoài trời) và di chỉ mộ táng, những công trình kiến trúc cổ, thành phố cổ, những tàu thuyền cổ bị đắm... Ví dụ như ở Thánh địa Cát Tiên (Đồng Nai). Đây là một quần thể kiến trúc hoành tráng, một thánh địa Bàlamôn giáo đặc trưng ở khu vực phía Nam của đất nước, mà theo đánh giá của các nhà khảo cổ học Nhật Bản, thì nó có giá trị sánh ngang với Ăngco Vát của Campuchia.

- Các di tích lịch sử: là những di tích ghi nhận những sự kiện lịch sử hoặc các đặc điểm lịch sử tiêu biểu của các dân tộc trong quá trình phát triển lịch sử của mình, bao gồm:

Các di tích ghi dấu về dân tộc học: sự ăn ở, sinh hoạt của các tộc người.

Di tích ghi dấu các sự kiện chính trị quan trọng, tiêu biểu, có ý nghĩa quyết định chiều hướng phát triển của đất nước, của địa phương như bến Bình Than - nơi diễn ra Hội nghị Diên Hồng, cây đa Tân Trào ...

Di tích ghi dấu các chiến công chống xâm lược (Điện Biên Phủ, Đống Đa...).

Di tích ghi dấu những kỷ niệm: di tích về người anh hừng dân tộc Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, tượng Bác Hồ trên đảo Cô Tô...

Di tích ghi dấu sự vinh quang trong lao động: Công trình thủy nông Bắc Hưng Hải, nhà máy thủy điện Hòa Bình …

Di tích ghi dấu tội ác của đế quốc và phong kiến: chuồng cọp Côn Đảo, làng Sơn Mỹ, trại giam Phú Lợi ...

Ngoài ra còn có những di tích ghi dấu lịch sử đấu tranh cách mạng, thường là những di tích gắn liền với cuộc đời và hoạt động của những lãnh tụ cách mạng, hoặc gắn với những sự kiện quan trọng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.

- Các di tích văn hóa nghệ thuật: là các di tích gắn với các công trình kiến trúc có giá trị nên còn gọi là di tích kiến trúc nghệ thuật. Những di tích này không chỉ chứa đựng những giá trị kiến trúc mà còn chứa đựng cả những giá trị văn hóa xã hội, văn hóa tinh thần (Tháp Eiffel, Khải hoàn môn ở Pháp, văn miếu Quốc Tử Giám, nhà thờ đá Phát Diệm, Tòa thánh Tây Ninh...).



Hình 3.6. Cảnh đẹp bên trong động Phong Nha - Một di sản thế giới

Hiện nay, cả nước có gần 4 vạn di tích các loại. Là một quốc gia trải qua 4.000 năm lịch sử, di tích ở nước ta rất phong phú. Trong số này hiện có 2.715 di tích đã được Bộ Văn hóa xếp hạng. Số di tích trên được phân theo các loại như sau: di tích lịch sử chiếm 51,2% tổng số di tích được xếp hạng; di tích kiến trúc nghệ thuật: 44,2%; di tích khảo cổ: 1,3%; danh lam thắng cảnh: 3,3%.

Ngoài các di tích, có thể kể đến các bảo tàng, bởi vì đó cũng là các đối tượng thu hút khách du lịch. Hiện nay nước ta có 117 bảo tàng, trong đó bảo tàng trung ư­ơng 6; bảo tàng tỉnh và thành phố 79; bảo tàng chuyên ngành 32 (có 24 bảo tàng thuộc lực lượng vũ trang). Tổng số hiện vật đang l­ưu giữ là 1.997.701, trong đó 87.515 hiện vật đã được trư­ng bày và 608.886 hiện vật đang được kiểm kê khoa học (gồm cả 489 trống đồng).



Hình 3.7. Cảnh đẹp vịnh Hạ Long - Một di sản thế giới

b. Lễ hội

Ở nước ta, lễ hội thường diễn ra vào thời điểm thiêng liêng chuyển giao giữa hai mùa, đánh dấu sự kết thúc chu kỳ lao động này, chuẩn bị b­ước sang chu kỳ lao động khác. Phần lớn lễ hội tập trung vào những tháng đầu năm sau Tết cổ truyền. Các lễ hội thường gắn với sinh hoạt văn hóa dân gian như hát đối đáp của người Mường; múa xoè, ném còn của người Thái; hát sli, hát l­ợn, hát then của người Nùng; lễ đâm trâu, hát trường ca thần thoại của các dân tộc Tây Nguyên ...

Về quy mô, có lễ hội diễn ra trên một vùng rộng lớn và ng­ược lại, có khi chỉ bó hẹp trong vài (hay một) làng xã. Về thời gian, có lễ hội kéo dài 3 tháng (hội Chùa Hương, Hà Tây), như­ng có lễ hội chỉ vài ngày. Một số lễ hội tiêu biểu thu hút đông đảo du khách và người hành hư­ơng từ nhiều vùng tới là hội Đền Hùng (Phú Thọ), lễ hội Chùa H­ương (Hà Tây), hội Đền Bà (Tây Ninh)...

Trong ch­ương trình chào đón giao thừa khi đất nước bư­ớc sang thiên niên kỷ mới, Ban Chỉ đạo Nhà nư­ớc về du lịch và Bộ Văn hóa Thông tin đã chọn: 15 lễ hội tiêu biểu của các địa phương trong cả nước. Đó là các lễ hội: Đền Gióng (Hà Nội), Chùa H­ương (Hà Tây), Phủ Giày (Nam Định), Đền Hùng (Phú Thọ), Trường Yên (Ninh Bình), Yên Tử (Quảng Ninh), Tây Sơn (Bình Định), Hội đâm trâu (Tây Nguyên), Hội đua bò (An Giang), Hội đua thuyền (Sóc Trăng), Hội chọi trâu (Đồ Sơn), Nghinh Ông (Bà Rịa Vũng Tàu) và Ka tê (Ninh Thuận)...



c. Các dạng tài nguyên nhân văn khác

- Văn hóa dân tộc là đối tượng hấp dẫn của hoạt động du lịch. Nước ta có 54 dân tộc

với những phong tục, tập quán độc đáo, các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc, đa dạng. Việt Nam có tiềm năng lâu đời về văn hóa, nghệ thuật truyền thống (sân khấu, âm nhạc, múa,...). Đặc biệt, các món ăn dân tộc độc đáo ở các vùng cũng là một cái thú thưởng thức của khách du lịch.

- Nước ta còn có hàng trăm làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm đặc sắc mang tính nghệ thuật cao, đặc biệt là các nghề chạm khắc (Bắc Ninh), chạm khắc đá (Kính Chủ - Hải Dương, làng Nhồi - Thanh Hóa, Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng...), đúc đồng (Ngũ Xá - Hà Nội, làng Trà Đúc - Thanh Hóa, Phường Đúc - Thừa Thiên Huế...), dệt tơ lụa (làng Bưởi, Nghi Tàm, Nghĩa Đô - Hà Nội, Kiều Trúc, La Khê - Hà Tây...), sơn mài và khảm (Hà Nội, Hà Tây, Nam Định...), gốm sành sứ (Hương Canh - Vĩnh Phúc, Thổ Hà - Bắc Ninh, Lò Chum - Thanh Hóa, Bát Tràng - Hà Nội, Biên Hòa - Đồng Nai...), ... (Phạm Trung Lương, 2000 và Lê Thông, 2004).

3.2.4.1. Các yếu tố xã hội

Về xã hội, trật tự và an toàn là yếu tố quan trọng nhất để phát triển du lịch. Tất cả các hoạt động du lịch rất cần thiết phải được đảm bảo trong điều kiện an ninh và an toàn xã hội, trước hết là đảm bảo an toàn cho du khách. Thực tế cho thấy những nơi bất ổn như ở những nước xảy ra xung đột sắc tộc, chiến tranh, ở các khu vực thường xảy ra bạo lực (khủng bố, bắt cóc ...) và các tệ nạn xã hội (trộm cắp, ma tuý ...) thì số lượng khách du lịch giảm đi rất rõ rệt. Như vậy, trật tự và an toàn xã hội góp phần tạo nên hiệu quả cao cho các hoạt động du lịch, chẳng những là điều kiện đảm bảo cho các hoạt dộng du lịch diễn ra thuận lợi mà còn có tác động đến tâm lý, sự thoải mái và sự hài lòng của du khách.



Khung 3.7. Bali – Thiên đường đã mất

Bali là một trong những hòn đảo nằm phía đông Java, dài 150km, rộng 80km, nổi tiếng với những cánh rừng xanh thẳm, bãi biển cát trắng, nơi được mệnh danh là “hòn đảo của các vị thần", là "thiên đường du lịch" của cả thế giới. Hòn đảo xinh đẹp này có dân số 3 triệu người, trong đó 95% theo đạo Hindu. Đây là nét đặc biệt vì Indonesia có tới 85% dân số là người Hồi giáo. Năm 2001, tức là một năm trước vụ đánh bom lần thứ nhất, trong số 5 triệu khách du lịch nước ngoài vào Indonesia thì riêng Bali đã chiếm 1,5 triệu, tương đương với số lượng khách du lịch cả năm của TP.HCM.

Bali còn được coi là ngôi nhà văn hóa phong phú nhất thế giới, nổi tiếng với các điệu múa và âm nhạc, những lễ hội đầy màu sắc nghệ thuật truyền thống được diễn ra hàng ngày. Ubud, một thành phố ở trên đồi là trung tâm nghệ thuật hàng đầu của đảo Bali với lịch biểu diễn nghệ thuật dày đặc. Gần đó, có ngôi làng đá Batubulan nổi tiếng với các vũ điệu sư tử truyền thống Barong. Các đền, chùa và di tích cổ có niên đại từ thời xa xưa cũng đã tồn tại ở mọi nơi trong vùng đất Bali giàu truyền thống văn hóa (hơn 11.000 kiểu công trình) với vách đá uy nghi nhô ra biển ở Uluwatu, con suối thiêng liêng ở Tirta Empul và nơi có những nhà tu kín cổ xưa ở Goa Gajah. Một trong những địa điểm thiêng liêng nhất ở Bali là ngôi đền hùng vĩ ở Uluwatu được xây dựng vào thế kỷ XI, được xây dựng từ các phiến đá chạm khắc tỉ mỉ trên một vùng đất hẹp. Đền Uluwatu vẫn được bảo quản tốt mặc dù trải qua bao mưa nắng và sự tàn phá của các đàn khỉ sinh sống ở đó. Vùng Gianyar còn giữ được một vài di tích lịch sử xuất hiện sớm nhất ở Bali và đây cũng là một địa điểm khảo cổ quan trọng. Gianyar giàu truyền thống nghệ thuật và là chiếc nôi nuôi dưỡng những diễn viên múa và những danh họa nổi tiếng nhất Bali. Theo các du khách nước ngoài, ấn tượng đậm nét nhất đối với họ là các dòng suối linh thiêng ở Tirta Empul và các ngôi mộ, di tích lịch sử ở núi Kawi và Yeh Pulu, nơi ẩn dật cổ xưa Goa Gajah (Động Con voi) được đặt ở Petanu giữa Peliatan và Bedulu.

Người dân Bali là những người rất mến khách và lại là những nghệ nhân đầy tài năng làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, kỳ diệu. Những bản khắc đá và gỗ, những bức họa truyền thống và hiện đại, những đồ trang sức bằng vàng và bạc được chế tác với những chi tiết cầu kỳ, tất cả đều có sẵn trong các cửa hàng, phòng tranh ở trên khắp hòn đảo. Rất nhiều du khách cho rằng chính nền văn hoá đa dạng, đặc sắc và huyền bí của Bali là nhân tố có sức thu hút mạnh mẽ nhất khiến họ tìm đến với Bali.

Tuy nhiên, trong vòng chưa đầy 3 năm, với 2 vụ khủng bố kinh hoàng biến "Hòn đảo thiên đường" này trở thành nỗi ám ảnh nặng nề của khách du lịch và các nhà đầu tư. Vụ đánh bom đầu tiên xảy ra vào đêm 12/10/2002 làm 190 người chết và 309 người bị thương, trong đó đa số nạn nhân nước ngoài là người Ôxtrâylia. Và mới đây, tối 1/10/2005, 3 vụ đánh bom liên tiếp xảy ra ở các nhà hàng có đông khách du lịch đang ăn tối trên đảo Bali làm 32 người thiệt mạng và 162 người khác bị thương, trong số các nạn nhân có nhiều khách du lịch quốc tịch Mỹ, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc đã khiến du khách thực sự kinh hoàng.

Quá khứ du lịch huy hoàng của Bali đã lùi xa, không biết đến bao giờ Bali mới tìm lại được chốn thiên đường xưa. Ở Bali hiện nay chỉ là những bãi biển quyến rũ nhưng hoang vắng, những di tích huyền diệu không một bóng người và những điệu nhạc không người nhảy múa. Những nghệ nhân của Bali không còn được thể hiện tài năng độc đáo của mình nữa bởi Bali hiện đang là một thiên đường quá mong manh đối với khách du lịch trên toàn thế giới.



(Nguồn: http://news.vnanet.vn/webnghenhin/)


tải về 0.97 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương