Chương 1 CƠ SỞ LÝ luận về du lịch và MÔi trưỜng lý luận chung 1 Du lịch



tải về 0.97 Mb.
trang12/12
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích0.97 Mb.
#25515
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   12

Hình 3.9. Lượng du khách quá đông gây nên sự quá tải ở bãi biển Busan Hàn Quốc

3.4.2.2. Sức tải xã hội

Sức tải xã hội xét đến hai khía cạnh chủ yếu:

  • Một là mức độ chịu đựng của cư dân ở điểm du lịch về sự có mặt và các hành vi của khách du lịch.

  • Hai là mức độ chấp nhận của du khách đối với sự có mặt và hành vi của những du khách khác. Liệu việc gia tăng lượng khách ở điểm du lịch có dẫn đến cảm giác đông đúc và làm du khách không thoả mãn? Nếu có, mức độ thưởng thức của du khách sẽ bị giảm xuống và sự không hài lòng bắt đầu xuất hiện (O'Reily, 1986).

Trong hai khía cạnh trên, khía cạnh thứ hai được cho là quan trọng hơn do trong du lịch, du khách luôn là “thượng đế”. Chính vì vậy mà sức tải xã hội còn được gọi là sức tải hành vi, tâm lý, là sự nhận thức về mật độ khách cực đại mà du khách vẫn có thể cảm thấy chấp nhận được. Khi vượt quá mật độ này, nếu không có các thay đổi cần thiết của điểm du lịch, số lượng du khách sẽ bắt đầu giảm xuống. Sức tải xã hội có thể thay đổi phụ thuộc vào các nhân tố như cơ sở hạ tầng của điểm du lịch, thái độ của du khách, các quy phạm văn hoá xã hội và sự giáo dục cho du khách lẫn cộng đồng về sự thân thiện và hoà đồng trong giao tiếp.


Ngoài hai khía cạnh được xét trên đây, đôi khi sức tải xã hội còn được hiểu như là giới hạn có thể làm thay đổi hệ thống xã hội ở một điểm du lịch.

3.4.2.3. Sức tải kinh tế

Sức tải kinh tế là mức độ tại đó sự giao thoa của du lịch với các hoạt động khác ở địa phương trở nên không chấp nhận được về mặt kinh tế, hay sức tải kinh tế là khả năng hấp thụ các hoạt động du lịch mà không làm mất đi hay xáo trộn các hoạt động kinh tế ở địa phương (Rees, 1992). Điều này có nghĩa là nếu các hoạt động du lịch gây phương hại nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế khác của địa phương thì có nghĩa là đã vượt quá sức tải.

Định nghĩa về sức tải kinh tế chưa thực sự chặt chẽ và rõ ràng. Trong thực tế, có những thiệt hại về các hoạt động kinh tế do du lịch gây ra nhưng lại được bù đắp bằng các nguồn lợi do các hoạt động du lịch mang lại, và điều này được các địa phương làm du lịch chấp nhận.


3.4.2.4. Sức tải sinh thái

Sức tải sinh thái (còn gọi là sức tải môi trường) là tổng giá trị có thể sử dụng của điểm du lịch mà không tạo ra các tác động tiêu cực quá mức lên các hệ sinh thái.

Theo O'Reily (1986) thì sức tải sinh thái là sức ép về sự thay đổi số lượng du khách mà một hệ sinh thái có thể chịu đựng trước khi giá trị của chúng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Pigram (1993) thì cho rằng sức tải sinh thái được mô tả như là một mức độ tối đa về số lượng du khách và các hoạt động của du lịch mà một hệ sinh thái hay một khu vực có thể chấp nhận được nhưng không làm suy thoái nghiêm trọng các giá trị sinh thái trong khu vực.

Như vậy, nói một cách dễ hiểu, sức tải sinh thái trả lời cho câu hỏi: Liệu việc gia tăng số lượng du khách và các hoạt động của họ có gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến động thực vật, đất đai, chất lượng không khí và nước hay không?

3.4.2.5. Sức tải dịch vụ

Sức tải dịch vụ liên quan đến các loại hình và số lượng các dịch vụ nhằm phục vụ các nhu cầu cho du khách như bãi đậu xe, bến thuyền, các phòng vệ sinh, các nơi cắm trại, thời gian chờ đợi để được sử dụng các dịch vụ, quyền ưu tiên... Ngoài ra sức tải dịch vụ còn bao gồm số lượng nhân viên hành chính và phục vụ biểu hiện thông qua tỷ lệ số lượng nhân viên/du khách. Theo Shelby và Heberlein (1986), sức tải dịch vụ trong đa số trường hợp có thể được nâng lên thông qua vốn đầu tư để cải thiện và phát triển các dịch vụ liên quan. Ví dụ như thuê thêm nhân viên, xây thêm các bến tàu, bãi đậu xe, phát triển thêm các khu cắm trại, v.v… Tuy nhiên, cũng nên biết rằng việc gia tăng sức tải dịch vụ cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức tải xã hội, sinh thái và vật lý của khu du lịch.

3.4.3. Tính toán sức tải

Mặc dù các nhà quản lý tài nguyên đã cố gắng bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội thông qua các nỗ lực xác định sức tải của một khu vực, tuy nhiên việc ứng dụng sức tải trong thực tế hiếm khi thực hiện được một cách đầy đủ và hiệu quả. Về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn, việc tính toán sức tải gặp những trở ngại như sau:



  • Ngành du lịch phụ thuộc vào nhiều thuộc tính của môi trường, văn hoá và xã hội. Với mỗi cấp độ sử dụng khác nhau, mỗi thuộc tính lại có những phản ứng khác nhau (Manning E.W., 1996).

  • Mức độ tác động tiêu cực của du khách rất phức tạp liên quan đến nhiều nhân tố khác nhau như hành vi ứng xử, kinh nghiệm, tri thức… (Washburn, 1982; Hammitt & Cole, 1998).

  • Sức tải của một khu vực có thể thay đổi phụ thuộc vào các mục tiêu quản lý để sử dụng chúng. Mỗi môi trường du lịch đều là môi trường đa mục tiêu nên phải tính đến việc sử dụng chúng vào những mục đích khác nhau (Stokes, 1991).

  • Cách sử dụng và các hoạt động khác nhau sẽ dẫn đến các tác động khác nhau. Ví dụ như tác động của 100 người đi bộ ở một khu rừng sẽ khác với 100 người đi xe đạp, 10 nhà nhiếp ảnh sẽ khác với 10 tay thợ săn (Manning E.W., 1996)

  • Đối với văn hoá và xã hội, các nền văn hoá khác nhau sẽ có mức độ nhạy cảm khác nhau đối với các thay đổi và rất khó để xác định hay tiên đoán mức độ mà tại đó sự suy thoái xã hội và văn hoá bắt đầu xảy ra. Ngay cả đối với môi trường sinh thái cũng như vậy.

  • Việc đưa ra sức tải cho một điểm du lịch cũng còn thường gặp các trở ngại về chính trị cũng như xã hội do các nhà kinh doanh du lịch và cộng đồng địa phương không muốn giới hạn số lượng khách du lịch đến địa bàn của họ.

  • Sức tải chỉ là những ước tính, có thể ở dạng định tính hay định lượng. Trong trường hợp sức tải vật lý hay dịch vụ thì nhân tố định lượng chiếm ưu thế, nhưng trong trường hợp của sức tải xã hội hay tâm lý thì ngược lại, chủ yếu là nhân tố định tính được sử dụng.

Với những lý do trên đây, việc tính toán sức tải bao gồm các giá trị như vật lý, dịch vụ, môi trường, kinh tế và xã hội là một công việc nghiên cứu chuyên sâu và khó khăn. Do vậy, thuật ngữ “tính toán sức tải” thường được thay thế bằng thuật ngữ “đánh giá sức tải” hay “xác định sức tải” và được tiến hành chủ yếu dưới góc độ vật lý. Trong trường hợp này, sức tải được hiểu là lượng khách tối đa mà không gian của một điểm du lịch có thể chấp nhận được. Nhằm đơn giản hoá việc xác định sức tải vật lý của một điểm du lịch, Boullon (1985) đã đưa ra công thức tính sức tải vật lý đơn giản được chấp nhận rộng rãi như sau:

Diện tích khu vực dành cho du khách

Sức tải =

Tiêu chuẩn trung bình cho mỗi cá nhân.

Giới hạn lượng khách tham quan mỗi ngày = Sức tải x Hệ số luân chuyển.

Trong đó:



Thời gian khu vực mở cửa cho khách tham quan

Hệ số luân chuyển =

Thời gian trung bình của một cuộc tham quan

Ở đây, diện tích khu vực dành cho du khách sử dụng được tính bằng m2. Tiêu chuẩn trung bình cho mỗi cá nhân thường được tính bằng m2/người.

Hãy xét một diện tích khu vực được sử dụng cho du khách là 100m2, nếu diện tích dành cho mỗi cá nhân là 2m2 và thì sức tải sẽ là 50 người. Tuy nhiên, nếu xem xét đến một số yếu tố khác như không gian di chuyển, các ảnh hưởng do mỗi người gây ra như tiếng ồn, khoảng thời gian đi lại của du khách… thì có thể tiêu chuẩn trung bình cho mỗi cá nhân sẽ tăng lên đến 10m2, do vậy trong trường hợp này sức tải sẽ là 10 người. Ngoài ra, ở các điểm du lịch nhạy cảm với môi trường, các nhà quản lý sẽ thiết lập tiêu chuẩn trung bình cho mỗi cá nhân cao hơn so với ở các khu vực ít nhạy cảm.

Một phương pháp khác để xác định sức tải là xem xét kỹ lưỡng tác động của du khách lên điểm du lịch. Các nhà quản lý quan sát mức độ sử dụng mà vượt qua nó sự suy thoái sẽ xảy ra và mức độ này được xem là sức tải. Hoặc có thể xem xét những yếu tố môi trường nhạy cảm nhất, dễ bị thương tổn nhất ở một điểm du lịch để xác định sức tải của nó.


Khung 3.11. Sức tải rạn san hô và các nhân tố quyết định


1. Sức tải rạn san hô

Hệ sinh thái rạn san hô rất nhạy cảm với những thay đổi của môi trường xung quanh. Ở mức độ toàn cầu, các rạn san hô đang phải chịu nhiều áp lực từ các hoạt động trên đất liền cũng như sự phát triển du lịch ở các rạn san hô. Khái niệm về sức tải có thể được sử dụng cho hệ sinh thái rạn san hô nhằm xác định các nhân tố quyết định sức tải của rạn san hô và sau đó giúp loại bỏ hay giảm thiểu các nguyên nhân gây ra thiệt hại. Nếu được áp dụng một cách hợp lý trong các giai đoạn quản lý và quy hoạch sử dụng các nguồn tài nguyên biển và ven biển, phương pháp này có thể nâng cao sức tải của rạn san hô trong du lịch nhưng không gây tổn hại về tính hợp nhất sinh thái của rạn san hô. Sức tải của rạn san hô có thể được xem xét ở các khía cạnh của sức tải vật lý, sinh thái, dịch vụ và xã hội.

Sức tải vật lý là kích thước, hình dáng của rạn san hô và số lượng người lặn trên một đơn vị diện tích. Do các rạn san hô lồi lõm tạo ra một bề mặt diện tích và khoảng không gian lặn ngắm lớn hơn so với các rạn bằng phẳng nên các rạn san hô có hình dáng lồi lõm có sức tải vật lý cao hơn. Đó là lý do tại sao trong loại sức tải này, hình dáng của rạn san hô được đề cập đến.

Sức tải sinh thái của rạn san hô là ngưỡng giới hạn về các hoạt động của du khách mà hệ sinh thái rạn san hô có thể chịu đựng nhưng không bị suy thoái. Tuy nhiên, rất khó xác định được sức tải sinh thái của rạn san hô do chúng còn bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Các nhân tố như ô nhiễm, lắng đọng bùn và khai thác đều gây ra các tác động có hại đến chúng. Đây là một khía cạnh đòi hỏi phải nghiên cứu sâu và dài hạn về hệ sinh thái rạn san hô.

Sức tải dịch vụ của rạn san hô liên quan đến số lượng và sự có mặt tàu bè chuyên chở khách du lịch có nhu cầu ngắm san hô cũng như số lượng của các bến thuyền.

Sức tải xã hội của rạn san hô là giới hạn đối với sự tiếp xúc thị giác giữa những du khách lặn ngắm san hô mà vượt qua giới hạn này du khách sẽ trở nên nhàm chán.



2. Các nhân tố quyết định sức tải rạn san hô

Các nhân tố quyết định sức tải được tóm tắt như sau:

(a) Kích cỡ và hình dáng rạn san hô

Các rạn san hô lớn có thể chứa được nhiều du khách lặn ngắm hơn các rạn san hô nhỏ. Ở những rạn san hô nông và bằng phẳng, các hoạt động bơi lội và lặn ngắm không đa dạng và ít cuốn hút. Hoạt động ở những rạn san hô này không bị hạn chế về mặt không gian và sự tương tác giữa các nhóm du khách thường cao hơn, do vậy sức tải xã hội dễ dàng đạt đến “ngưỡng”. Nếu hình thái rạn san hô không đồng đều, lồi lõm sẽ hạn chế sự di chuyển của du khách dưới mặt nước và có tác dụng như một bức ngăn giữa các nhóm du khách với nhau. Đồng thời, hình dáng lồi lõm của rạn sẽ tạo ra cho du khách nhiều sự lựa chọn hơn, qua đó gia tăng sự thích thú của du khách. Một số nhóm có thể thích lặn ngắm san hô ở độ sâu lớn hơn nhưng cũng có nhóm chỉ thích ngắm sạn hô ở cạn. Tức là mỗi khu vực rạn san hô sẽ có ít du khách hơn và sự tiếp xúc giữa các nhóm sẽ được giảm xuống. Do vậy, từ khía cạnh của sự tiếp xúc giữa các nhóm với nhau, những rạn san hô hình dáng không đồng nhất sẽ có sức tải xã hội cao hơn (Salm, 1986).

(b) Thành phần loài san hô

Việc sử dụng rạn san hô rõ ràng sẽ gây ra thiệt hại cho chúng, và mức độ thiệt hại phần lớn phụ thuộc vào tính dễ bị phá vỡ của các cụm san hô và tỷ lệ phần trăm của các san hô còn sống (Salm, 1986). So với các loại san hô tảng thì san hô có nhiều thuỳ hay nhiều nhánh có khả năng dễ bị huỷ hoại hơn bởi các du khách bất cẩn hay các neo thuyền. Thiệt hại các rạn san hô cũng sẽ cao hơn nếu rạn có độ che phủ lớn. Các rạn bao gồm các loại san hô mềm còn sống chiếm diện tích lớn cũng hấp dẫn nhiều du khách. Ngoài ra, những loại san hô mềm này mau phục hồi hơn, linh hoạt hơn và và ít bị tổn thương hơn đối với các tác động vật lý.

(c) Độ sâu, các luồng nước và tầm nhìn

Nếu một rạn san hô ở độ sâu lớn và có một luồng nước xoáy, rạn san hô này sẽ không cuốn hút đối với những du khách lặn bình thường và do vậy sẽ có một sức tải cao hơn. Các công ty du lịch về lặn ngắm san hô thường dẫn du khách viếng thăm các rạn san hô nông hơn. Nếu có ít hoặc không có luồng nước xoáy, người hướng dẫn du lịch sẽ kiểm soát được một số lượng khách lớn hơn. Tầm nhìn xấu có thể làm cho du khách ít thích thú nhưng nó cũng có thể làm gia tăng sức tải thông qua việc giới hạn sự ảnh hưởng lẫn nhau do các nhóm du khách ít nhìn thấy lẫn nhau.

(d) Mức độ kinh nghiệm của du khách

Mức độ kinh nghiệm của du khách tham gia lặn ngắm san hô có thể ảnh hưởng đến sức tải của các rạn san hô. Những du khách có ít kinh nghiệm có thể làm hư hỏng các cấu trúc san hô do họ dẫm đạp lên khi nghỉ lấy sức hoặc là vấp phải chúng. Khi các công ty lữ hành tổ chức các hoạt động lặn ngắm san hô, người hướng dẫn viên có thể quyết định địa điểm tùy thuộc vào kinh nghiệm của nhóm du khách để tăng thêm sức tải cho rạn san hô. Đối với những du khách ít kinh nghiệm, tốt nhất là nên đưa họ đến những khu vực có các loại san hô dạng tảng cứng, hoặc đưa đến khu vực có cát bao quanh rạn san hô để giảm bớt thiệt hại cho các rạn san hô (Salm, 1986). Ngoài ra, nếu khách lặn ngắm san hô được giáo dục và huấn luyện trước khi lặn thì sức tải của rạn san hô cũng sẽ tăng lên đáng kể.

(e) Tính thuận tiện trong việc tiếp cận

Nhân tố này được quyết định bởi khoảng cách từ nơi có rạn san hô đến vị trí các dịch vụ lặn ngắm hoặc là sự dễ dàng trong việc xác định vị trí rạn san hô (không dễ dàng để xác định một rạn san hô ngầm dưới nước). Nếu rạn san hô không được đánh dấu bởi các phao nổi, có thể phải cần đến một hệ thống định vị (GPS) hay kiến thức địa phương, và như vậy các nhà tổ chức du lịch phải tốn thêm một khoản tiền. Điều này cho thấy đôi khi chỉ một yếu tố đơn giản như việc khó xác định vị trí rạn san hô cũng làm cho sức tải tăng lên.

(f) Sự hấp dẫn

Một rạn san hô đẹp và quyến rũ với nhiều loài sinh vật biển cư ngụ trong đó sẽ có sức tải thấp hơn, đặc biệt khi du khách càng dễ tiếp cận thì càng tạo ra nhiều áp lực lên chúng. Sức hấp dẫn được tạo ra bởi sự đa dạng của các loại san hô cứng, các loại san hô mềm có màu sắc sặc sỡ, các loài cá lớn, các đàn cá, rùa biển, cá đuối và các hang động dưới nước. Lượng khách lặn ngắm san hô gia tăng sẽ kéo theo khả năng gây thiệt hại lớn cho rạn san hô. Ngoài ra, nếu không có hệ thống phao báo hiệu cũng sẽ tăng khả năng thiệt hại cho san hô do các tàu thuyền thả neo không đúng chỗ.


(Nguồn: Carrying capacity in recreation settings - Shelby and Heberlein, 1986)






tải về 0.97 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương