Của Con Người Tác giả: dr. K. Sri Dhammananda Dịch giả: tk pháp Thông o0o Nguồn



tải về 1.04 Mb.
trang16/31
Chuyển đổi dữ liệu20.11.2017
Kích1.04 Mb.
#34457
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   ...   31

13.Giá Trị của Con Người


Mục đích của cuộc sống là gì? Đây là một câu hỏi rất thường được người ta hỏi. Đưa ra được một câu trả lời thoả mãn cho câu hỏi tưởng chừng như đơn giản nhưng rõ ràng là rất phức tạp này không phải là dễ. Mặc dù một số người đã đưa ra những câu trả lời theo cách nghĩ của họ, nhưng dường như chúng cũng không phải là những câu trả lời thoả đáng lắm đối với những người trí thức. Lý do là họ đã không học cách nhìn cuộc đời một cách khách quan và đúng trong triển vọng thích hợp của nó. Họ đã tạo ra những tưởng tượng trong tâm trí của họ về cuộc đời theo khả năng hiểu biết của họ. Đồng thời chúng ta cũng biết rằng nhiều bậc thầy tôn giáo, các triết gia lớn, các nhà thơ tên tuổi và các nhà tư tưởng vĩ đại đều không lấy làm thoả mãn về cuộc sống.

Tất cả những người trong họ đều hỏi ‘Tại sao chúng ta lại sanh ra trong thế gian đầy những khổ đau này?’ Nếu chúng ta đọc qua những quan niệm của họ về cuộc đời, chúng ta sẽ thấy rằng dường như họ cũng không thể đưa ra một bức tranh rõ ràng về cuộc đời. Một số nói rằng chúng ta là những nạn nhân của một đấng thượng đế thích làm cho chúng ta khổ đau để trắc nghiệm lòng trung thành của chúng ta với ngài. Số khác thì nói rằng cuộc đời đầy những khổ đau; bấp bênh và bất toại nguyện. Trong khi số khác nữa lại nói: ‘Nếu chúng ta đừng sanh ra thì tốt biết bao.’

Chúng ta có thể hiểu rằng họ đã thấy cuộc đời theo những quan niệm riêng của họ. Dĩ nhiên là những người bình thường họ chỉ thấy cuộc đời trên bề mặt nông cạn chứ không sâu xa. Một số người nói rằng chẳng có một mục đích đặc biệt nào trong cuộc đời này và rằng nó có thể được dùng cho bất kỳ mục đích nào cũng được.

Đối với một lý thuyết như vậy, chúng ta cần suy xét một cách sáng suốt. Chúng ta phải cố gắng tận dụng cuộc sống cho những mục đích cao cả, vì lợi ích cho bản thân chúng ta cũng như lợi ích của những người khác thay vì hoang phí nó vào những việc không cần thiết. Theo cách này, mục đích của cuộc sống có thể được xác định bởi chính chúng ta.

Nếu chúng ta sử dụng sai mục đích của cuộc sống bằng cách xâm phạm những phẩm chất tốt đẹp của con người, làm ô nhục nhân phẩm và phạm vào những tà hạnh, hoặc nhượng bộ những nhược điểm con người của chúng ta, thì chúng ta khó có thể thành tựu được một điều gì xứng đáng trong cuộc sống.

Ngược lại, nếu chúng ta hành động một cách sáng suốt nhờ tuân giữ những nguyên tắc luân thường đạo lý đã được mọi người chấp nhận, chẳng hạn như đức nhẫn nại, khoan dung, cảm thông, khiêm cung và lễ độ, cũng như phục vụ tha nhân và tu tập tâm để không thành kiến, thiên vị, lúc ấy chúng ta mới có thể thành tựu một điều gì đó cao quý và lợi ích cho mọi người. Những ai trau dồi được những đức tính này sẽ kinh nghiệm sự bình yên, hạnh phúc, tịnh lạc, và thoả mãn. Lúc ấy cuộc sống chắc chắn sẽ đáng sống! Nó sẽ có ý nghĩa hơn và lợi ích hơn cho mọi người. Tình thương chơn thực là tình thương không phân biệt, không dính mắc, và vô điều kiện. Chúng ta nên san sẻ tình thương này với tất cả chúng sinh. Đây gọi là lòng từ bi.

Ở đây chúng ta sẽ cố gắng xác định cho đến mức độ nào thì chúng ta có thể luận bàn về chân giá trị của con người từ quan điểm của đạo Phật. Những phẩm chất nào làm nảy sanh chân giá trị và những đức tính cao quý? Đấy là những chuẩn mực về đạo đức, luân lý, tri thức và tâm linh  được chúng ta giữ gìn và trân trọng trong những mối quan hệ hàng ngày của chúng ta với nhau. Là con người chúng ta có tâm thức, cái khi được phát triển có thể phân biệt đúng sai, phải trái, những gì chúng ta nên hãnh diện về và những gì chúng ta nên hổ thẹn. Đây là những phẩm chất mà chúng ta, là những con người, ấp ủ. Chính trong sự ấp ủ những giá trị ấy mà chúng ta phân biệt mình với loài vật.

Chữ ‘manussa’, như trong kinh điển của chúng ta thường dùng, mô tả con người như ‘một chúng sinh có thể phát triển tâm của mình.’ Một cái tâm đã phát triển có nghĩa là một cái tâm có thể phân biệt được đâu là luân lý và phi luân lý, đâu là đạo đức và vô đạo đức, đâu là tốt và xấu, và đâu là phải và trái. Đây là những thuộc tính của con người chứ không phải của loài vật. Loài vật hành động theo bản năng. Chỉ có con người mới có thể phát triển được tâm trí của họ hay phát triển được năng lực tư duy của họ đến những mức rất cao — ngay cả có khả năng thành Phật.

Trước khi các tôn giáo trên thế giới ra đời, con người từ thời nguyên thuỷ được hướng dẫn bởi hai yếu tố rất giá trị nhằm giữ gìn nhân phẩm. Hai yếu tố đó là ‘Hiri’ và ‘Ottappa’ gốc từ Pāḷi được dịch là ‘tàm’ và ‘qúy’ hay ‘Hổ-thẹn’ và ‘Ghê-sợ tội lỗi’.

Hai yếu tố Hổ-thẹn và Ghê-sợ tội lỗi này chi phối một cách bất biến mọi hành động của con người, nhờ vậy phân biệt được đâu là hành động của con người và đâu là hành động của loài cầm thú. Tuy nhiên, khi con người không giữ gìn hai yếu tố quan trọng — Hổ-thẹn và Ghê-sợ tội lỗi— này, tức là khi họ ngã quỵ trước những tác động ác hại của các loại thuốc gây say (ma tuý), rượu bia, dục vọng, sân hận, tham lam, ganh tỵ. ích kỷ và thù oán, họ mất thăng bằng tâm trí và cũng mất luôn nhân phẩm của họ. Không biết Hổ-thẹn và Ghê-sợ tội lỗi, con người còn tệ hơn cả loài cầm thú.

Quả thực con người đã tiến rất xa trên nấc thang tiến hoá. Họ đã đạt được những thành công đáng chú ý trong các lĩnh vực khoa học, tâm lý học và phát triển vật chất. Ngày nay chúng ta còn có vô số pháp hành của các tôn giáo khác nhau, các phong tục, truyền thống, lễ nghi, giới điều, các hình thức cúng dường và cầu nguyện. Trong khi chúng ta tự hào là những con người văn minh, thì vẫn có một xố người trong chúng ta mà hành vi cư xử và thái độ còn tệ hơn loài vật.

Một con người đáng kính là người có những thuộc tính Hổ-thẹn và Ghê-sợ tội lỗi, là người có lòng nhân ái, bi mẫn và cảm thông, người biết sợ làm tổn hại đến người khác nhưng lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi cần đến. Đây là những giá trị nhân bản bình thường mà tất cả mọi người chúng ta phải nâng niu, gìn giữ. Chúng ta phải phát triển những nhân phẩm ấy chứ đừng xâm phạm chúng. Nhờ phục vụ tha nhân, chúng ta huân tập được những đức tính lớn như sự hiểu biết, lòng nhân ái, bi mẫn, trung thực, giản dị, nhã nhặn, khiêm tốn và tri túc. Chúng ta sẽ cảm thấy tự hào vì có được những giá trị nhân bản xứng đáng như vậy. ‘Một vị sư nọ có hai người đệ tử, một người rất thông minh và tích cực, còn người kia lại rất lười biếng và không biết điều gì nên làm điều gì không nên. Một hôm người đệ tử siêng năng đến bên thầy và nói, thưa thầy người này thật vô dụng, hắn không làm gì cả chỉ biết ăn không ngồi rồi. Sao thầy không đuổi hắn đi cho khuất mắt, nếu thầy không đuổi hắn thì con sẽ bỏ đi. Lúc ấy người thầy nói nếu anh bỏ đi ta không có lý do gì phải lo lắng bởi vì anh có đi đâu người ta cũng sẵn sàng đón tiếp anh và anh biết cách làm thế nào để làm việc được với họ. Còn nếu ta yêu cầu cái con người ngây thơ ấy ra đi anh ta sẽ gặp rắc rối bởi vì chẳng ai nhận anh ta và anh ta cũng chẳng biết việc gì để làm. Và vì thế ta phải có lòng thương xót hắn. Bởi vậy hãy để anh ta ở lại. Đây là thái độ của một vị thầy đích thực.

Có một vài đặc tính của bản chất con người chúng ta cần phải bảo vệ và nuôi dưỡng thận trọng để chúng trở thành những giá trị nhân bản hữu ích. Đại khái, những đặc tính này được chia thành ba phương diện: bản chất thú vật, bản chất con người, và bản chất thánh thiện của chúng ta. Ba đặc tính này ảnh hưởng đến hành vi cư xử của chúng ta ở những mức độ khác nhau. Nếu chúng ta nhượng bộ cho bản chất thú vật không chịu kiềm chế, chúng ta sẽ trở thành một gánh nặng cho xã hội.

Tôn giáo là một công cụ quan trọng giúp chúng ta kiểm soát bản chất thú vật ấy. Tôn giáo, với những lời dạy cao quý của các bậc đạo sư nổi tiếng, sẽ được dùng như một người hướng đạo cho cách cư xử thích hợp của con người.

Tôn giáo cũng là một công cụ để trau dồi, nuôi dưỡng và nâng cao những phương diện khác của bản chất con người còn ẩn tàng bên trong chúng ta. Bằng cách duy trì sự trau dồi liên tục bản chất ấy, cuối cùng chúng ta sẽ thành tựu được mục đích thiêng liêng của mình, — bản chất thánh thiện của chúng ta. Nhờ thành tựu bản chất thánh thiện, những cảm xúc thấp hèn của tham lam, dục vọng, nóng nảy, sân hận, ghen ghét, đố kỵ và những thuộc tính không hay khác sẽ bị diệt trừ, lúc đó con người chúng ta trở nên cao quý hơn và xứng đáng với sự cung kính hơn.

Bản chất thánh thiện tuỳ thuộc vào sự phát triển của tâm từ, biết quan tâm đến sự an vui hạnh phúc của người khác, lòng bi mẫn hay nhân ái, hoan hỷ với tiến bộ của người khác và vô tư (xả) đối với được mất và khen chê trong đời. Đây cũng còn được gọi là những trạng thái tâm cao thượng (Bốn Phạm Trú).

Mỉa mai thay nhiều người sùng bái tôn giáo vẫn hiểu lầm rằng người ta có thể thành tựu mục đích thiêng liêng của mình đơn giản bằng hành động cầu nguyện, cúng bái và thực hiện một số lễ nghi nào đó. Thực tế để có thể sống như những con người đích thực và đường hoàng chúng ta có những nghĩa vụ và bổn phận phải hoàn thành.

Chúng ta phải trau dồi và phát triển bản chất con người để thành tựu những thuộc tính thánh thiện của chúng ta. Chúng ta phải thực hành mọi giá trị nhân bản vì sự tốt đẹp và lợi ích của nhân loại. Chúng ta phải làm mọi điều thiện mà chúng ta có thể làm được và dứt trừ mọi điều ác.

Các tôn giáo của thế giới đã được phát triển để hướng dẫn và chỉ cho chúng ta biết con đường đúng đắn để sống trong bình yên và hòa hợp. Tất cả các tôn giáo phải cung cấp cho những tín đồ của họ những hướng dẫn quan trọng và thích hợp để mọi người có khả năng sống, ăn uống và làm việc cùng nhau với lòng tôn trọng hỗ tương, sự hiểu biết và chân giá trị. Là những người cùng sùng bái tôn giáo tất cả chúng ta có thể sống với nhau không nuôi dưỡng trong lòng sự sân hận, ghen tị, thù hằn hay những cảm giác tự tôn, trịch thượng. Đạo Phật đưa ra cho chúng ta những hướng dẫn như vậy.

Trong các triết lý cổ có đề cập minh bạch rằng mục đích của cuộc sống không phải để duy trì một thái độ ích kỷ mà là hành động cao quý biết phục vụ tha nhân — phục vụ nhân loại. Những con người vĩ đại và thông thái của thế gian nhờ biết phục vụ tha nhân mà đạt được sự giải thoát và trở thành vĩ đại. Qua việc phục vụ người khác, chúng ta được lợi ích nhờ phát triển những đức tính vốn có của chúng ta. Khi chúng ta phục vụ người khác, chúng ta phục vụ chính bản thân chúng ta . Khi chúng ta làm vơi nhẹ những nỗi khổ đau của người khác, chúng ta phát triển được niềm an vui và tịnh lạc của tâm chúng ta.

---o0o---



tải về 1.04 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   ...   31




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương