Của Con Người Tác giả: dr. K. Sri Dhammananda Dịch giả: tk pháp Thông o0o Nguồn



tải về 1.04 Mb.
trang12/31
Chuyển đổi dữ liệu20.11.2017
Kích1.04 Mb.
#34457
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   31

06.Bản Chất Của Hiện Hữu


Điều quan trọng đối với chúng ta là phải hiểu rõ bản chất của hiện hữu để chúng ta có thể  sống hoà hợp được với những quy luật phổ quát vốn thống trị mọi hiện tượng và cuộc sống. Con người thường không sống theo tiềm lực con người đầy đủ của họ. Họ hoang phí kiếp nhân sinh của mình để đi tìm những mục đích tầm thường, không giá trị. Tất nhiên sẽ không bao giờ có bình yên và hạnh phúc trong thế gian này nếu nhân loại cứ mãi hành động theo cách ấy. Loài người phải thay đổi lối sống và phát triển khả năng hướng thiện của nó.

Con người đã bị vô minh đánh lừa. Họ cố gắng để hưởng lạc vì nghĩ rằng cuộc sống là bấp bênh, họ có thể chết bất cứ lúc nào và sẽ bỏ lỡ cơ hội hưởng thụ nếu như họ không biết tận hưởng nó. Trong khi chắc chắn là không có gì sai trong việc hưởng thụ vô hại đối với một cuộc sống đời thường vui vẻ, thì bạn cũng không nên chỉ biết đắm chìm trong các dục lạc và xao lãng việc phát triển những phẩm chất cao thượng hơn. Nếu không thì bạn sẽ từ biệt cõi đời này với cảm giác không thoả mãn và thất vọng. Rất nhiều người đã rơi vào nỗi kinh hoàng lúc chết bởi vì họ có quá nhiều những mong muốn và ước ao chưa thoả mãn. Họ tin rằng có nhiều việc họ phải làm hay chưa làm, và thậm chí trong giây phút hấp hối lòng họ cũng còn đầy hối tiếc bởi vì nhiều ước muốn của họ vẫn chưa thoả mãn xong.

Đạo Phật dạy cho chúng ta biết cách làm thế nào để giữ gìn hạnh tri túc trong cuộc sống hàng ngày và vượt qua được nỗi sợ hãi này vào lúc chết. Một sự hiểu biết đúng đắn về những sự thực của cuộc đời và những điều kiện của thế gian (8 pháp thế gian) có thể giúp chúng ta kìm chế được mình không để chạy theo thị hiếu tầm thường của các giác quan và chấp giữ những tín ngưỡng mê tín dị đoan. Nó cũng cho chúng ta có được một mục đích rõ ràng trong cuộc sống, không lang thang vô định trong đời như những chiếc lá úa nổi trôi theo chiều gió. Để cho cuộc sống của chúng ta có một ý thức về viễn cảnh, điều quan trọng là chúng ta phải hiểu những đặc tính và bản chất của cuộc đời. Một đặc tính của cuộc đời này là vô thường. Cho dù một cuộc sống, một hệ thống, một quan niệm hay mục đích có vẻ như hoàn hảo hay vững chắc thế nào chăng nữa, nó cũng không có gì bảo đảm hay không thoát khỏi những đổi thay. Do đó, không thể xem nó là thoả mãn hoàn toàn được. Chúng ta đương đầu với hiểm nguy của sự thay đổi trong từng khoảnh khắc của cuộc đời.

Đặc tính vô thường này được liên kết với tình trạng bất toại nguyện, đặc tính thứ hai của cuộc đời. Một trong những thay đổi mà chúng ta phải chấp nhận là Chết, phương diện được xem là một phần thiết yếu của cuộc sống. Chúng ta phải học cách làm thế nào để đương đầu với cái chết mà cuối cùng sẽ đến cho tất cả mọi người. Mỗi khoảnh khắc của cuộc sống đang đem chúng ta đến gần nghĩa trang hơn. Sanh và tử thực ra chỉ là hai đầu của một sợi dây. Chúng ta không thể có sanh mà không có tử. Chúng ta cũng không thể loại trừ tử để giữ lấy cái sanh vĩnh viễn. Nếu chúng ta hiểu được rằng sanh và tử là một phần của cùng tiến trình, và sự sống vẫn tiếp tục sau khi chết, thì thực sự không có gì phải sợ hãi cả. Guru Nanak có lần nói: ‘Thế gian sợ cái chết. Đối với tôi, nó lại mang đến một niềm vui lớn.’

Sự sống không được tạo ra hay tạo sẵn. Nó không đi vào hiện hữu một cách ngẫu nhiên không có những nguyên nhân, nó cũng không có mặt trong một thoáng vinh quang duy nhất của sự sáng tạo. Sự sống là kết quả của nhiều nguyên nhân. Cuộc sống này đã xuất hiện do các nhân, và đến lượt, nó sẽ tạo ra những nhân thêm nữa để duy trì sự liên tục của tiến trình sống bao lâu tham ái chưa được dứt trừ khỏi tâm. Cho mãi đến khi Đức Phật xuất hiện chưa từng có một phương pháp đúng đắn nào để tận diệt tham ái. Cũng không ai giải thích được tại sao tiến trình sống cứ trôi chảy liên tục không ngừng trong vòng xoay của hiện hữu.

Tâm con người luôn luôn tạo ra ảo tưởng về một sự sống thường hằng. Nhưng sự sống có thể thường như thế nào khi nó bị chứa đựng trong một thể xác vật lý chứ? Thực sự, cái chúng ta cần để được sống an vui không phải là một đời sống bất tử, mà là sự gải thoát khỏi lòng khát khao bất tử ấy.

Cuộc sống ở trong một trạng thái trôi chảy không ngừng: nó chẳng bao giờ tĩnh. Có thể nói cuộc sống là những điều kiện thế gian luôn luôn thay đổi, nó cứ thổi chúng ta hết sang bên này lại sang bên kia, hết khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác. Một khi người ta nhận ra những trạng huống thay đổi không ngừng tiệm tàng trong mọi hình thức của hiện hữu này, họ sẽ ít bị thất vọng hơn mỗi khi mọi sự không diễn ra theo như cách họ mong đợi.

Nhiều người tin rằng có một thực thể hay bản thể bất diệt trong đời sống của con người và nó được duy trì mãi mãi. Trong giáo lý của Đức Phật, anattā hay vô ngã là đặc tính thứ ba của đời sống. Vạn vật đều nằm trong quy luật phổ quát của vô thường. Do đó đạo Phật không dung chứa niềm tin nơi một linh hồn thường hằng và bất hoại. Tin linh hồn thường hằng cũng chẳng khác như tin hạt nguyên tử (atom) ‘bất khả phân’ không thể vỡ ra được, niềm tin đã được người ta duy trì từ thời Plato cho đến mãi thế kỷ 20 khi mà hạt nguyên tử (atom) cuối cùng đã được tách ra. Cũng như khái niệm về cái gọi là nguyên tử bất khả phân, niềm tin về một linh hồn thường hằng chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng không có bất kỳ một nền tảng cụ thể nào.

---o0o---

07.Quá Trình Bí Ẩn Của Sự Sống


Sự sống của con người thực ra chỉ là sự kết hợp của tâm và vật chất. Tâm hay danh bao gồm bốn loại năng lượng tinh thần: thọ, tưởng, hành (những khuynh hướng tâm) và thức. Vật chất hay sắc trái lại, bao gồm bốn yếu tố (tứ đại): đất (chất rắn), nước (chất lỏng), lửa (sức nóng), và gió (sự chuyển động). Do đó sự sống là một dòng trôi chảy của các hiện tượng tâm và vật lý luôn luôn sanh diệt.

Khi những năng lượng của tâm và vật chất này còn tiếp tục kết hợp và hoạt động như một hệ thống, cộng với sự hợp tác của những năng lượng vũ trụ, thời có sự sống. Song nếu tiến trình kết hợp của các thành phần duy trì sự sống ấy ngưng lại, sự sống kể như chấm dứt. Sự tan rã của những năng lượng và yếu tố (tứ đại) này là những gì chúng ta gọi là ‘chết’. Trong khi sự tái kết hợp của chúng sau sự xảy ra của cái chết là hiện tượng tái sanh hay sự khởi đầu của một hình thức sống mới.

Sự giải thích của khoa học về chúng sinh (trong đó có con người) dưới dạng các phân tử protein, axit amin, ion, và những hoạt động của tế bào không xác định rõ được sự sống là gì. Theo đạo Phật, sự sanh trong hình thức hiện hữu hiện tại này không thể nào xem như sự tiên khởi của một đời sống được. Nếu chúng ta cố gắng truy tìm mục đích của cuộc đời mà không hiểu ý nghĩa đích thực của sự hiện hữu, thì hầu như rất dễ đi đến những lối tiếp cận của khuynh hướng thiên về vật chất và khoái lạc chủ nghĩa. Đối với nhiều người, mục đích của cuộc sống là để thọ hưởng các dục lạc với hết khả năng của mình trong lúc họ hãy còn sống. Họ nói, ‘Chúng ta đừng lo nghĩ làm gì cả, vì hôm nay chúng ta sống, nhưng biết đâu ngày mai chúng ta chết rồi còn gì nữa đâu.’

Với những người tin sự sống do một đấng thượng đế tạo ra ắt sẽ tạ ơn thượng đế đã ban cho họ sự sống. Tuy nhiên, họ sẽ bị bối rối bởi những vấn đề như, ‘Tại sao chúng ta lại sanh vào trong cuộc đời để phải khổ đau như thế này? Có phải vì đấng tạo ra chúng ta đã cố ý làm điều ấy hay phải chăng ngài bất lực không biến thế gian này thành tốt hơn được? Tại sao có số người sanh ra đời khổ đau nhiều hơn những người khác? Tại sao những bất bình đẳng thể hiện rõ ràng trong cuộc đời này và những nền tảng căn bản cũng như sự biện minh cho những bất bình đẳng ấy là gì?’ Đối với một số người khác cuộc sống là một gánh nặng quá lớn. Họ tự hỏi ‘Nếu chúng ta hoàn toàn không sanh ra sẽ chẳng phải là tốt hơn sao?’ Bởi thế, thay vì khát khao một đời sống bất tử, họ sẽ khát khao sự chấm dứt của cuộc sống này?

Con người chúng ta có thể có những quan niệm khác nhau về cuộc sống cũng như mục đích của nó. Song điều quan trọng là làm sao để có được những lý tưởng xứng đáng và đầy đủ ý nghĩa như mục đích sống của chúng ta, chứ không phải những tham vọng ích kỷ. Một mục đích xứng đáng của kiếp nhân sinh là làm sao tự chuyển hoá mình để nhận ra những tiềm năng toàn mãn của chúng ta qua sự tu tập và sự thanh tịnh hoàn toàn của tâm.

Qua việc phát triển tinh thần và tu tập tâm, chúng ta có thể loại trừ mọi cấu uế của tính ích kỷ và những phiền não ra khỏi tâm chúng ta và sống hoà bình được với tất cả chúng sinh cũng như vũ trụ. Khi còn đang sống, thân người là quý nhất và là vật thể huyền bí nhất trên thế gian này. Chúng ta xem nó là mỹ miều và tốn nhiều thời gian, năng lực, cũng nhưu tiền bạc để làm cho nó xinh đẹp hơn. Chúng ta xem thân này như một phương tiện tạo ra niềm vui và gần như dùng hết cuộc đời mình để đi tìm những đối tượng khả lạc. Chúng ta cho rằng thân này một bộ phận quan trọng của chúng ta. Có lẽ sẽ hữu ích cho chúng ta để bàn về tính hợp lý của những thái độ này trên quan điểm của đạo Phật.

Thân người là cỗ máy phức tạp nhất trên thế gian. Mỗi thân người có thể xem là độc nhất không chỉ ở dáng vẻ bề ngoài mà còn trong cả cấu trúc sinh hoá, sự nhạy bén của các căn, khả năng kháng bệnh, tính mẫn cảm với bệnh, v.v... của nó nữa. Một mình những quy luật về đặc tính di truyền không đủ khả năng để đưa ra một sự giải thích thoả mãn cho tính độc nhất của mỗi cá nhân này.

Thân được phú cho các căn (giác quan) vốn luôn luôn tìm kiếm thú vui. Con mắt tìm kiếm những sắc khả ái, tai tìm những âm thanh khả ái, mũi tìm những mùi khả lạc, lưỡi tìm những vị khả lạc, và thân tìm những xúc chạm khả lạc. Hầu hết cuộc sống của chúng ta được dùng vào việc theo đuổi những lạc thú này. Song vẫn còn một sự thực là cấu tạo của thân là cấu tạo không nhằm để chịu đựng những vui thú thái quá.

Dù niềm vui có thể là đáng mong ước như thế nào, thân sẽ bệnh hoạn khi quá tải với niềm vui ấy. Chẳng hạn, món ăn có ngon miệng cách mấy, khi nó được ngốn thái quá, thân sẽ trở thành nạn nhân của những chứng bệnh giết người. Tương tự, ham thích thái quá trong tình dục gây ra những chứng bệnh xã hội, trong đó bệnh đáng sợ nhất ngày nay là AIDS (Acquired Immunity Deficiency Syndrome — Hội chứng suy giảm miễn dịch, hay bệnh sida), vì người ta vẫn chưa tìm ra cách chữa cho chứng bệnh ấy. Do đó, biết tiết chế trong sự hưởng thụ các dục lạc là cách ứng xử tốt nhất cho những ai mong muốn có được sức khoẻ và trường thọ.

Đức Phật lý luận rằng nếu thân thực sự là của chúng ta như chúng ta thừa nhận nó, nó phải cư xử theo những ước muốn của chúng ta. Nghĩa là nó phải giữ được sự trẻ trung, mạnh khoẻ, và xinh đẹp như chúng ta hằng mong ước. Nhưng thân hầu như không tuân theo những ước muốn ấy và chúng ta trở nên sầu khổ khi nó đi ngược lại những ước muốn và mong đợi của chúng ta. Đức Phật còn chỉ ra cho chúng ta thấy thân thực sự không thuộc về chúng ta, nó cũng chẳng phải là tự ngã hay một bộ phận của tự ngã của chúng ta . Do đó chúng ta nên từ bỏ lòng tham đắm đối với nó, và chấm dứt việc tự đồng nhất mình với nó. Từ bỏ lòng tham đối với thân sẽ dẫn đến hạnh phúc và bình yên nhiều hơn.

Để dứt mình ra khỏi sự đồng nhất và chủ sở hữu (của thân) đã thành thói quen này chúng ta phải ghi dấu ấn vào tâm tính chất đáng ghê tởm (bất tịnh) và xa lạ của thân với cảm giác sâu lắng nhờ vậy những thay đổi sẽ diễn ra trong thái độ của chúng ta đối với thân. Quán tính chất đáng nhờm gớm và gây tạo khổ đau của thân một cách thường xuyên là cách chắc chắn để có được cái nhìn thực tế. Đây là đạo lộ đi ra khỏi khổ đau. Tất nhiên điều này không hề dẫn đến thái độ bi quan mà là cách duy nhất để nhìn lại mình một cách khách quan và thực tế. Cuối cùng thì nó sẽ đưa đến sự an tịnh.

---o0o---




tải về 1.04 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   31




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương