Của Con Người Tác giả: dr. K. Sri Dhammananda Dịch giả: tk pháp Thông o0o Nguồn



tải về 1.04 Mb.
trang2/31
Chuyển đổi dữ liệu20.11.2017
Kích1.04 Mb.
#34457
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   31

Lời Giới Thiệu

"Những vấn đề của con người" ngàn đời vẫn thế. Bề ngoài có khoác thêm những chiếc áo thời thượng, đa dạng hơn, tinh vi hơn, nhưng bên trong chẳng có gì thay đổi, vẫn phiền não, vẫn khổ đau, vẫn vô minh, vẫn ái dục,... Nói như Sigmund Freud thì muôn đời những vấn đề của con người vẫn phát xuất từ bản chất libido - tính dục.

Muốn cải thiện hay chuyển hóa tận gốc những vấn đề đó không đơn giản chỉ lo thay đổi, vá víu bên ngoài, mà phải thấu triệt được bản chất tồn tại ẩn kín bên trong. Thực ra, bên cạnh những mặt xấu, con người vẫn có những ưu việt diệu kỳ. Điều bất hạnh của con người là không tự thấy ra chính mình. Đã không thấy mà vẫn muốn giải quyết cho êm xuôi, muốn đắc kỳ sở nguyện thì quả là chuyện dã tràng xe cát.

Người nọ được tặng cho một cung điện nguy nga tráng lệ nhưng lại bị bịt kín đôi mắt. Anh ta loay hoay, quờ quạng trong bóng tối, chẳng thấy được gì, nên chỉ cần đi một vài bước là va chạm hay vấp ngã. Để tránh tiếp tục bị u đầu, sứt trán, anh ta quyết định ngồi yên một chỗ. Quả thật được an toàn vô sự. Tưởng đã yên, nhưng chẳng bao lâu những nhu cầu bên trong như đói, khát, vệ sinh, v.v... buộc anh phải đứng lên, đi lại, mà đã đi lại thì không khỏi va chạm, vấp ngã. Lần này anh nghĩ ra được một giải pháp, dẹp bỏ bất cứ vật gì cản trở bước chân. Thế là mọi thứ trong cung điện đều bị dẹp qua một bên nên lưu thông không còn vướng víu nữa. Mục đích của anh là đi tìm cơm ăn, nước uống, chỗ tắm, chỗ nằm,... nhưng tệ hại thay, anh đã dẹp bỏ hết rồi bây giờ chẳng còn gì nữa! Anh nghĩ rằng chung quy chỉ tại ở trong tòa cung điện này mà khổ, vậy tốt hơn phải thoát ra ngoài. Lần mò mãi, anh cũng ra khỏi ngôi nhà. Mới vừa thở phào giải thoát, anh lại đụng phải một gốc cây đau điếng. Vội tránh qua bên phải, anh vấp vào một tảng đá suýt nữa gãy chân. Bò qua bên trái, anh lại rơi vào ao nước, may mà không sâu lắm nên khỏi bị chìm. Thì ra cuộc đời này đâu đâu cũng chỉ là khổ đau bất hạnh! Thôi, chết đi là hết! Vừa thở dài, anh vừa suy nghĩ. Vớ được một cục đá, anh toan đập đầu tự tử! May có người đi qua trông thấy, ngăn lại và hỏi han cớ sự. Anh thuật lại đầu đuôi nỗi khổ của mình.. Khách ngạc nhiên hỏi: "Ủa, sao anh không chịu mở tấm khăn bịt mắt ra?!"

Thực vậy, cuộc đời chẳng có vấn đề gì cả, chỉ tại không thấy biết trung thực mà con người tự gây nên những vấn đề cho mình và cuộc đời. Đừng nói cuộc đời là biển khổ, mà chính chúng ta đã tạo ra biển khổ cuộc đời.

Xin giới thiệu cuốn sách "Những Vấn Đề Của Con Người" do đại đức Pháp Thông dịch để xem Ngài tác giả Dhammananda muốn nhắn nhủ chúng ta điều gì về cuộc sống đầy khổ đau mà cũng đầy ý nghĩa này.



Bửu Long, ngày 08/05/2008


Hòa thượng Viên Minh

---o0o---


PHẦN I : Những Vấn Đề, Bản Chất Và Nguyên Nhân Của Vấn Đề

01.Nguyên Nhân Những Vấn Đề của Chúng Ta là gì?


Con người sinh ra mà không phải đối đầu với những vấn đề trong cuộc đời là điều không thể có. Chính do không hiểu biết về nguyên nhân của những vấn đề mà chúng ta bị vướng mắc vào đủ mọi thứ rắc rối từ lúc sinh ra cho đến lúc tàn hơi thở. Đức Phật khuyên chúng ta nếu muốn vượt qua những vấn đề thì cần phải hiểu bản chất và nguồn gốc của nó.

Đức Phật cũng khuyên chúng ta nên suy ngẫm đến mục đích cuộc hiện hữu của chúng ta và cố gắng để khám phá xem vì sao chúng ta phải đương đầu với quá nhiều vấn đề như vậy. Thực tế thì không có những vấn đề trong thế gian này nhưng do lầm lẫn cái “không thực cho là thực”  hay do đem vào tâm những việc xảy ra tự nhiên một cách trầm trọng chúng ta đã tạo ra vô số vấn đề cho mọi người và cho chính bản thân chúng ta bởi vì chúng ta chưa hề nghĩ rằng đa phần những sự kiện tự nhiên ấy là tự nhiên chứ không phải vì chúng ta.

Nếu chúng ta có thể hiểu được nguyên nhân của những vấn đề thì không có lý do gì để chúng ta phải chịu đựng sự sợ hãi, lo lắng và bất an không đáng như vậy. Mọi người ai cũng muốn sống một cuộc sống bình yên và hạnh phúc nhưng có bao người trong chúng ta thực sự có thể nói rằng chúng ta đang sống bình yên trong cuộc đời của mình? Chúng ta muốn làm mọi thứ và bằng mọi cách khả dĩ để mong có được một vài khoảnh khắc hạnh phúc, song không hiểu vì sao bất cứ chút hạnh phúc nào chúng ta có được đều qua đi rất nhanh, chẳng bao giờ kéo dài cả.

Tuy nhiên hạnh phúc trường cửu vẫn là điều khả dĩ ngay cả trong kiếp sống này nếu chúng ta có thể nắm vững bí quyết làm thế nào để đạt được nó. Do chúng ta không hiểu biết bản chất và nguyên nhân khổ đau của chúng ta, chúng ta thường tạo ra những vấn đề mới trong lúc đang cố gắng để giải quyết những vấn đề hiện hữu, giống như con sư tử bị rối ren thêm trong tấm lưới khi nó cố vùng vẫy để thoát ra vậy.

Nếu vấn đề mới là một vấn đề nhỏ hơn, chúng ta hãy cố gắng chịu đựng nó với hết khả năng của mình và làm những gì chúng ta có thể làm để bớt đi khổ đau. Chẳng hạn, khi chúng ta bị loét dạ dày và đau đớn khủng khiếp, chúng ta đi khám bác sĩ. Nếu bác sĩ nói chúng ta phải trải qua một ca phẫu thuật, tất nhiên chúng ta sẽ chấp nhận việc chúng ta phải chịu đựng đau đớn nhiều hơn khi bị mổ. Vì rằng chúng ta biết không còn giải pháp nào khác, nên chúng ta quyết định để đối diện với vấn đề mới của việc mổ xẻ để loại trừ vấn đề hiện tại.

Do nghĩ rằng chúng ta cuối cùng sẽ loại trừ được cái đau nên chúng ta quyết tâm chịu đựng sự đau đớn và khó chịu ấy trong khi mổ. Theo cách tương tự, chúng ta phải sẵn lòng chịu đựng một vài vấn đề hay chịu đựng sự đau đớn để vượt qua những vấn đề lớn đang có. Đó là lý do vì sao đôi lúc chúng ta phải đương đầu với sự đau đớn một cách vui vẻ.

Chúng ta không thể vượt qua vấn đề đang có mà không phải đương đầu với một vấn đề khác hay không phải hy sinh một cái gì đó về vật chất hay tinh thần. Không thể nào giải quyết những vấn đề của mình bằng thái độ ngoan cố, bướng bỉnh được, đó là lý do vì sao chúng ta thường tìm sự thoả hiệp và chấp nhận một chính sách nhân nhượng để ổn định nhiều vấn đề của chúng ta. Nhẫn nại và khoan dung có thể giúp chúng ta tránh được rất nhiều vấn đề. Nếu chúng ta biết hạ bớt cái tôi ích kỷ của chúng ta lại, chúng ta sẽ có cơ may tránh khỏi những xung đột, va chạm, thù hằn và bạo lực.

Đức Phật đã giới thiệu một phương pháp rất ý nghĩa và thực tiễn để giải quyết những vấn đề của chúng ta. Tất nhiên ngài không đề nghị một phương pháp chỉ có tính cách chấp vá vấn đề chỗ này một ít chỗ kia một ít để làm cho chúng ta cảm thấy an vui trong hiện tại thôi. Nói đúng hơn, ngài dạy cho chúng ta một cách thức để chọc thủng vào căn nguyên của vấn đề và phát hiện ra nguyên nhân chính của nó.

Phương pháp của ngài thậm chí cũng không phải để giảm triệu chứng của vấn đề như cách một số các bác sĩ làm khi họ chỉ chữa triệu chứng của bệnh mà không chữa trị chính căn bệnh. Chẳng hạn khi chúng ta mắc một chứng bệnh đau đầu nghiêm trọng, chúng ta sẽ uống mấy viên thuốc giảm đau và uống xong chúng ta cảm thấy đỡ đau hơn trong một lát nhưng đó không phải là cách chữa hoàn hảo vì cơn đau có thể sẽ quay trở lại. Như vậy thuốc men chỉ giúp chúng ta giảm đau tạm thời chứ không dứt trừ được nguyên nhân của chính cái đau.

Cứ cho là chúng ta có một vết thương rất đau trên người đi. Sau khi uống nhiều loại thuốc có thể chúng ta đã chữa được nó, và khi có người hỏi chúng ta cảm thấy thế nào rồi, chúng ta nói chúng ta đã khá hơn rất nhiều. Nhưng ‘khá hơn’ là một từ tương đối. Ở đây nó có nghĩa rằng hiện thời không còn đau nữa. Đối với mọi việc trên đời này khi chúng ta nói chúng ta cảm thấy tốt hay khá thì chúng ta chỉ muốn nói cho người khác biết rằng hiện thời không có vấn đề gì cả. Đó là lý do vì sao khi ai hỏi, ‘Anh có khoẻ không?’ chúng ta nói ‘Ồ, tôi khoẻ’. Tuy nhiên tất cả chúng ta đều biết là chúng ta không nói điều đó theo nghĩa tuyệt đối. Chúng ta biết rất rõ là bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể bị khốn khổ bởi cũng cái loại đau ấy hay bởi một loại đau khác hoàn toàn mới. Thân thể tự nó tạo ra muôn vàn vấn đề. Suốt cuộc đời mình chúng ta cố gắng chăm sóc cho tấm thân này đến độ lơ là cả những bổn phận quan trọng của chúng ta. Song chúng ta càng chăm sóc nó nhiều chừng nào, những vấn đề mới càng quấy rầy chúng ta nhiều chừng đó. Có thể  nói đó là một trận chiến bất tận.

Có lần Đức Phật tuyên bố rằng mọi khổ đau của chúng ta là do vướng mắc trong mớ bòng bong của những vấn đề thế gian mà ra. Nhờ thấy rõ bản chất thực của cuộc đời mà một người tu tập giới (sīla). Giới hay sīla có nghĩa là khép mình vào kỷ luật, theo một hình thức đạo đức nào đó. Một người có trí và siêng năng sẽ biết cách làm thế nào để lần ra căn nguyên của các vấn đề và ít ra cũng vượt qua được một số trong đó.

Ở đây lời khuyên của Đức Phật đưa ra cho chúng ta là hãy sống thiện, chuyên cần và hành động một cách hiểu biết nếu chúng ta muốn giải quyết những vấn đề của chúng ta. Không có phương pháp thực hành nào khác để có được một giải pháp cuối cùng cho những vấn đề của chúng ta. Khi gặp những rắc rối chúng ta thường đi đến những người khác để xin lời khuyên của họ. Có thể những người này sẽ đề nghị chúng ta đi đến một ngôi đền hay một nơi thờ cúng nào đó để cầu nguyện các vị thần. Tuy nhiên đây không phải là cách giải quyết của Đức Phật. Ngài khuyên chúng ta hãy tiếp cận trực tiếp những vấn đề bằng cách phân tích chúng và phát hiện xem chúng xuất phát từ đâu. Chúng ta thường có khuynh hướng đổ lỗi cho những người khác. Nếu chúng ta thành thật với chính mình chúng ta có thể tự mình lần ra nguồn gốc của vấn đề được. Hãy nhớ câu nói rằng khi chúng ta chỉ một ngón tay vào người khác, thì ba ngón kia cũng đang chỉ ngược lại chúng ta. Trong hành động tốt nào cũng có ít kết quả xấu. Ngược lại trong hành động xấu nào cũng có vài kết quả tốt. ‘Không có cầu vồng nào không có mây và bão.’

Rắc rối với chúng ta ở đây là khi chúng ta gặp phải một vấn đề, chúng ta thường bị đau khổ nhiều hơn do tạo ra những kẻ thù và hoài nghi tưởng tượng. Thậm chí chúng ta đi tìm lời khuyên từ những người khác để mong loại trừ vấn đề. Nhưng chúng ta không suy xét để thấy rằng lời khuyên mà chúng ta có được từ người khác có khi dựa trên những tín ngưỡng dị đoan của họ hay trên sự tưởng tượng hoặc hiểu biết sai lạc của họ về vấn đề. Điều này đặc biệt đúng khi chúng ta nhìn xem người ta chạy đôn chạy đáo đi tìm những người thầy bói hoặc ông đồng bà cốt để giải quyết những vấn đề của họ như thế nào.

Chẳng hạn khi người ta phàn nàn về việc làm ăn thất bại hoặc bị xui xẻo, họ cố gắng sử dụng ma lực hay phép thuật để có được sự may mắn và thành công. Đức Phật khuyên chúng ta nên vượt qua vấn đề theo những cách hợp lý và mở rộng sự hiểu biết của chúng ta chứ đừng dựa vào sự mê tín, đồng thời phải vận dụng hết nỗ lực cũng như kiến thức của mình chứ đừng phí thời gian và tiền bạc vào những pháp hành vô nghĩa.

Nhiều người dường như rất thích nghe theo những ai tuyên bố rằng họ có phép thuật, thần thông và khả năng chữa bệnh. Có khi họ phải trả những số tiền rất lớn cho những người này để đem lại cho họ vận may và sự thành công. Dĩ nhiên, cuối cùng thì họ cũng phát hiện ra rằng họ đã bị đánh lừa vì đâu phải dễ để có được vận may hời như vậy. Và do không đạt được những gì họ mong muốn, họ lại đeo mang vào người nhiều vấn đề thêm nữa. Thực ra, chúng ta không thể hiểu nguyên nhân sanh ra rất nhiều vấn đề của chúng ta là vì cách suy nghĩ của chúng ta thường dựa trên vô minh vốn là căn nguyên của trí tưởng tượng và ảo tưởng.

Chúng ta cũng không cho phép bản thân mình phát triển lối sống xuyên qua sự hiểu biết đúng đắn. Về nhiều phương diện tôn giáo có thể giúp chúng ta phát triển sự hiểu biết đó bởi vì tôn giáo, nhất là Phật giáo, giải thích rất rõ bản chất của con người và làm thế nào để đương đầu với những vấn đề. Tuy nhiên nhiều người nghĩ rằng tôn giáo có ra chỉ để cho chúng ta cầu nguyện hoặc để thực hiện một số nghi lễ nào đó mà thôi. Nếu chúng ta cứ duy trì một thái độ ngây thơ như vậy, làm thế nào chúng ta có thể mở mang kiến thức của chúng ta để hiểu mọi sự đúng theo viễn cảnh thích hợp của chúng được? Chúng ta không nhận ra giá trị của tôn giáo là để giúp chúng ta có được hạnh phúc. Ngày nay chúng ta đã sắp xếp cuộc sống trần tục của chúng ta theo cách mà chúng ta không còn thời gian đâu dành cho việc tu tập tinh thần để tìm sự bình yên nội tại.  Kết quả là, mặc dù chúng ta có thể dư đủ để thoả mãn những nhu cầu vật chất song chúng ta chưa bao giờ thoả mãn và lúc nào chúng ta cũng nghĩ cách làm sao để có tiền nhiều hơn, làm thế nào để có nhiều thú vui nhục dục hơn ngay cả với giá sinh mạng của người khác. Thực ra những lạc thú ấy chỉ là phù du. Chúng ta sẽ mất hứng thú ngay khi chúng ta đạt được cái mà chúng ta khao khát. Hậu quả là chúng ta luôn khao khát nhiều hơn nữa cũng cái (lạc thú) ấy và sẽ luôn luôn cảm thấy không thoả mãn. Khi chúng ta gặp phải một vài vấn đề chúng ta bắt đầu càu nhàu, biểu lộ tâm tính nóng giận của chúng ta và tạo ra thêm nhiều rối rắm, nhất là còn đổ lỗi cho người khác về những vấn đề của chúng ta.

Ngày nay chúng ta nghĩ rằng con người ở các quốc gia phát triển chắc là hạnh phúc lắm bởi vì họ có rất nhiều những tiện nghi vật chất, nhưng sự thực là về nhiều phương diện họ không được hạnh phúc hơn những người trong các quốc gia chưa phát triển và đặc biệt còn là nạn nhân của những vấn đề tinh thần. Điều này là do họ đã trở thành kẻ nô lệ cho những thú vui nhục dục của họ và do khát khao hưởng thụ vật chất mà không có sự phát triển đạo đức thích hợp. Căng thẳng, sợ hãi, lo lắng, và bất ổn làm rối loạn tâm trí của họ. Chính loại rối loạn tinh thần này đã làm đảo lộn lối sống con người.

Tình thế ấy đã trở thành vấn đề lớn nhất trong nhiều quốc gia công nghiệp hoá bởi vì họ không biết cách giữ sự tri túc hay biết đủ trong cuộc sống. Nhiều người đau khổ vì mất niềm tin và đối diện với những khó khăn trong quyết định phải làm gì với cuộc sống của họ. Nguyên nhân chính của thái độ tinh thần này là tham vọng và lo lắng, do sự cạnh tranh tạo ra, cùng với ganh tỵ và sợ hãi. Song những người này không chỉ đem lại rắc rối cho chính bản thân họ mà cũng còn cho những người chung quanh nữa. Đương nhiên những vấn đề như vậy sẽ tạo ra một bầu khí quyển xấu cho những người khác đang muốn sống một cuộc sống bình yên. Hãy nhớ rằng không có con đường tắt để loại trừ những vấn đề của chúng ta.

Chúng ta phải cố gắng để hiểu và tìm ra nguyên nhân của những vấn đề mà chúng ta đang đương đầu. Tuy nhiên chúng ta cũng không để bị dẫn lầm vào chỗ nghĩ rằng hạnh phúc là chuyện dễ thành tựu vì thực sự không có cuộc sống nào mà không có những vấn đề. Hoặc chúng ta tự làm cho mình khổ đau hơn hoặc chúng ta không lệ thuộc vào chuyện chúng ta để cho tâm chúng ta ảnh hưởng đến chúng ta nhiều bao nhiêu. Ngay khi có vấn đề gì đó phát sanh một số người liền nghi ngờ rằng có thể những người khác đã ếm bùa hay làm phù làm phép để quấy rối gia đình họ. Nhưng họ không sẵn sàng thừa nhận những yếu kém của mình để nghĩ rằng chính họ đã góp phần nào đó để trở thành nguyên nhân của vấn đề.

Con người sống trong tăm tối của vô minh do không biết thế nào là chánh thế nào là tà, thế nào là đúng thế nào là sai. Họ không biết mình đang vùng vẫy trong vũng lầy của tội ác thế gian. Họ nghĩ rằng một vài khoảnh khắc sung sướng phù du mà họ được thọ hưởng trong đời này là thường hằng; mặc dù trong thực tế, chúng là vô thường.

Do không hiểu sự thực hiển nhiên này con người cứ mải miết chạy theo những lạc thú phù du và ngày càng bị vướng mắc vào chúng nhiều hơn, đến độ trở thành nô lệ cho chúng và vì vậy cũng hoàn toàn mù mịt với thực tại. Để được là người trí giữa những người ngu, có tinh thần vững chãi giữa những người nhu nhược, kiên nhẫn giữa những người thiếu kiên nhẫn, tỉnh táo giữa những người say, từ bi giữa những người sân hận, là một vài trong số những thành tựu khó thực hiện trong cuộc sống của chúng ta.

Con người chưa bao giờ hưởng được những tiến bộ vật chất lạ lùng như họ đang hưởng trong thời đại ngày nay. Tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ kỳ diệu ấy, điều không may nhất vẫn là nhân loại đang có khuynh hướng xao lãng hạnh phúc tinh thần của nó. Loài người hình như đã bị những thành tựu vật chất làm cho mù mắt nên nghĩ rằng chủ nghĩa vật chất là tận cùng của mọi thứ trên đời này.

Họ quên rằng một mình tiện nghi vật chất thôi sẽ không đem lại hạnh phúc thực sự. Họ phải cố gắng tìm kiếm hạnh phúc chân thực hay hạnh phúc tinh thần qua những tôn giáo họ đang theo để bổ sung cho sự tìm kiếm hạnh phúc vật chất của họ. Sự an ủi tinh thần và tiện nghi vật chất luôn đi đôi với nhau để đem lại hạnh phúc toàn diện cho mọi người.

Sự suy đồi đạo đức hiện hữu ở khắp nơi. Với hiệu quả gia tăng của những phương tiện thông tin đại chúng hiện đại, chúng ta biết được nhiều hơn về sự tàn nhẫn của con người đối với con người trên một bình diện mà từ trước tới nay chúng ta chưa từng nghe nói đến. Cá nhân con người có khuynh hướng lãng quên hay hoàn toàn phớt lờ những nghĩa vụ và bổn phận của họ đối với quần thể xã hội trong đó họ sống. Các tổ chức thương mại, trong cuộc tranh giành thô bạo những lợi nhuận và thu nhập vật chất, đang theo đuổi những nỗ lực của họ không chút ý thức đạo đức nào cả. Họ dường như đã quên rằng còn có một điều cao quý khác là phẩm giá con người. Trước một tình trạng bi đát như vậy, nhiều người quan tâm đến việc giữ gìn nhân phẩm và các phong tục đạo đức, đã phải đầu hàng trong nỗi tuyệt vọng hoàn toàn không tìm ra được một giải pháp để kiềm chế lòng tham quá độ của con người và hướng họ theo con đường nhân đức gắn liền với sự an ủi tinh thần.

Con người đã chinh phục được không gian; thậm chí họ còn đang cố gắng để nâng mình lên mức siêu nhân, song họ lại không có khả năng để cư xử như những con người đoan chính có lòng từ ái và bi mẫn đối với những người khác. Ngày nay tình trạng đáng buồn này rất phổ biến  bởi vì trong việc phát triển văn minh hiện đại người ta đã chọn sai đường. Họ đã chọn đi theo con đường phát triển vật chất vì ngộ nhận rằng chỉ có vật chất mới đem lại hạnh phúc. Đây là một niềm tin sai lầm. Sai lầm bởi vì họ đã cố tình chọn cách phớt lờ lời khuyên vô giá mà các bậc lãnh đạo tinh thần của chúng ta đã đưa ra nhiều thế kỷ qua.

Trong khi chúng ta phải thừa nhận rằng khoa học có thể tạo ra những thành quả nhanh chóng và một biện pháp tăng trưởng vật chất hữu hiệu, song những lợi lạc có được từ việc hoạch đắc vật chất như vậy là ảo tưởng và chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi. Trái với những lợi ích nhất thời ấy, những lợi ích chúng ta đạt được bằng cách hành theo những lời dạy cao quý của các bậc đạo sư là những lợi ích thuộc hạnh phúc chơn thực, bền bỉ và không ảo tưởng. Lợi lạc vật chất không có sự an ủi tinh thần chắc chắn không đem lại hạnh phúc chơn thực và trường cửu được.

Củng cố tâm linh là tuyệt đối cần thiết cho việc nâng cao tinh thần con người, dẫn đến sự bình yên tâm hồn và hạnh phúc trường cửu. Nếu nghiên cứu lịch sử thế giới liên quan đến cách cư xử của con người trong quá khứ, chúng ta sẽ dễ dàng đồng ý rằng hành vi đạo đức của con người hiện đại không bằng cách cư xử đạo đức của tổ tiên chúng ta mặc dù chúng ta luôn đòi hỏi phải vinh danh nền văn minh của chúng ta.

Một phương diện quan trọng khác của đạo Phật là việc giải thích nguyên nhân chính của những vấn đề và khổ đau của con người. Theo Đức Phật, chúng ta phải đương đầu với những vấn đề của cuộc đời trần tục này là do tham ái ích kỷ hiện hữu mãnh liệt trong tâm của chúng ta. Ngài chỉ ra cho biết có ba loại ái lực trong tâm con người. Đó là: — tham ái đối với sự hiện hữu (hữu ái), tham ái đối với các dục trần (dục ái), và tham ái đối với sự không hiện hữu (phi hữu ái). Ba loại tham ái này trách nhiệm cho sự hiện hữu của chúng ta, sự tái sanh của chúng ta, và hàng ngàn vấn đề cũng như những nhiễu loạn tinh thần khác.

Để hiểu được ý nghĩa thâm sâu lời giải thích này của Đức Phật, nó cần phải được suy xét rất trí tuệ. Chỉ lúc ấy sự thực chứng mới có thể đến. Các triết gia và tâm lý gia nổi tiếng thế giới cũng đã giải thích về ba lực này, nhưng họ dùng ba từ khác. Chẳng hạn nhà văn Đức Arthur Schopenhauer đã giải thích ba lực ấy như bản năng sinh dục, bản năng sinh tồn, và hành động tự sát.

Tâm lý gia Áo Sigmund Freud cũng đã giải thích ba lực ấy như libido (Dục vọng), bản năng (của) cái tôi, và bản năng chết. Chính Carl Jung, học trò lừng danh của Freud, đã nói, ‘Từ những nguồn bản năng nảy sinh mọi khả năng sáng tạo.’

Đây là cách các nhà trí thức vĩ đại đã chuẩn bị để ủng hộ cho sự thực hay chân lý mà Đức Phật phát hiện hai mươi lăm thế kỷ trước. Nhưng khi chúng ta nghiên cứu những lời giải thích của các tư tưởng gia hiện đại này chúng ta có thể thấy rằng Đức Phật đã đi xa hơn khả năng hiểu biết của họ rất nhiều. Một Số Những Vấn Đề Của Chúng Ta Là Tự Nhiên

Thực sự là chúng ta phải đương đầu với những vấn đề suốt cuộc đời của chúng ta và không có cách nào để tránh khỏi những vấn đề ấy. Chẳng hạn, chúng ta không thể tránh khỏi bệnh tật, tuổi già và cái chết. Tuy nhiên, có một số vấn đề là do con người tạo, nghĩa là chúng được tạo ra bởi con người theo sự hiểu biết trần tục của họ về cuộc đời. Một số vấn đề khác do tâm tạo vì ảo tưởng, si mê, ngờ vực và sợ hãi.

Những mất quân bình tâm lý, mà chúng ta thường xem như sự điên loạn, là một vấn đề lớn khác. Do vi phạm một lối sống đạo đức nào đó con người làm xáo trộn sự bình yên và hạnh phúc của bản thân mình và của những người khác. Rồi do để cho những kích thích bên trong và bên ngoài tác động đến tâm, con người lại tạo ra những bất toại nguyện, khổ đau, kích động, sợ hãi và bất ổn thêm nữa.

Thế gian đầy những điều không vừa ý. Mọi việc không xảy ra  như chúng ta mong muốn. Cuộc đời là thế nên chúng ta phải rèn luyện bản thân để đương đầu với bất kỳ tình huống nào bằng lòng dũng cảm. Chúng ta không thể thay đổi hoàn cảnh nhưng chắc chắn chúng ta có thể thay đổi được chính mình. Nếu một việc không thể thay đổi được thì không có sự chọn lựa nào khác ngoại trừ chấp nhận nó hay giữ một thái độ nhẫn nhịn vui vẻ xem như đó là một chuyện tất nhiên. Nhưng chúng ta làm thế không phải vì tin hay dựa vào thuyết định mệnh. Chúng ta chấp nhận những kinh nghiệm không vừa ý hay những điều bất toại nguyện bởi vì chúng ta hiểu bản chất của đời sống, rằng mọi việc không thể luôn luôn diễn ra có lợi cho chúng ta. Chính sự hiểu biết này đem lại bình yên trong tâm hồn chúng ta.

Điều này không có nghĩa rằng chúng ta chỉ nên cúi đầu trước những nghịch cảnh chúng ta gặp. Bao lâu còn có một cơ hội để chúng ta có thể thay đổi tình huống trở thành có lợi cho chúng ta, chúng ta hãy cố gắng; nhưng khi lẽ phải thông thường bảo cho chúng ta biết rằng chúng ta đang đương đầu với một việc tất nhiên phải như thế, không thể nào khác hơn, thì chúng ta không nên lo lắng về việc đó nữa. Một nhà thơ hiện đại đã diễn tả rất thú vị ý ấy khi ông nói: 

Mọi chứng bệnh trên đời,



Có cách chữa, hay không;

Nếu có, hãy tìm cách,

Bằng không, đừng quan tâm.’

Có nhiều người giữ được sự thăng bằng của họ khi mọi việc diễn ra suôn sẻ. Nhưng khi những thất vọng đến — làm ăn thất bại, ốm đau, cái chết của người thân trong gia đình — họ liền rối trí. Họ rất dễ sung sướng hoặc chán nản trước hoàn cảnh. Trong khi người trí biết kiểm soát những phản ứng của mình cả những lúc thành công lẫn những khi thất bại.

Điều này không có nghĩa rằng chúng ta lúc nào cũng phải là những người ủ ê, không biết cười đùa, hay vui vẻ gì cả. Hầu như trái lại. Nếu chúng ta kiểm soát được mình trong những lúc thành công, thì chúng ta cũng có thể vận dụng được nó trong những lúc khốn cùng. Trong những lúc hoạn nạn bạn hãy nhớ rằng bạn không phải là người duy nhất mắc phải tai hoạ. Có biết bao người khác cũng phải đương đầu với những vấn đề giống như bạn.

Thậm chí có thể những rắc rối của bạn chẳng là gì cả so với những rắc rối của người khác. Sự thực thì lắm người trong cùng hoàn cảnh như bạn có thể không giải quyết được vấn đề, còn bạn, trong số những bạn bè cùng nghịch cảnh, vẫn có thể có được cảm giác nhẹ nhõm.

Hạnh phúc chơn thực không thể có trong một thế gian luôn luôn thay đổi. Chỉ cần nhìn quanh mình chúng ta sẽ nhận ra sự thực ấy. Có gia đình nào không có tiếng khóc thương cái chết của một người thân? Có người nào không bịnh hoạn và già yếu? Có thể một số người lúc này thân và tâm không có vấn đề gì nghiêm trọng lắm. Nhưng sớm muộn gì sẽ có lúc luật vô thường  đặt đôi tay tàn ác của nó lên họ. Và lúc đó mọi kiêu hãnh của tuổi trẻ sẽ chấm dứt trong già nua, mọi kiêu hãnh của sức khoẻ sẽ chấm dứt trong bệnh hoạn, mọi kiêu hãnh của sức mạnh sẽ chấm dứt trong yếu đuối, mọi kiêu hãnh của xinh đẹp sẽ chấm dứt trong xấu xí, và mọi kiêu hãnh của trường thọ sẽ chấm dứt trong cái chết. Không gì có thể ngăn cản được điều này — ngay cả quyền lực của vua chúa, kiến thức hay của cải cũng không.

Vậy thì thái độ của chúng ta phải như thế nào đối với thế gian vô thường này? Khóc than là vô ích. Điều đó sẽ làm cho những vấn đề tồi tệ thêm. Hiểu rõ bản chất thực sự của thế gian cho phép chúng ta đương đầu với cuộc sống một cách can đảm hơn. Chúng ta hãy nhớ lời khuyên mà Đức Phật đưa ra cho Nakulapita. Nakulapita lúc tuổi già, sức yếu và bệnh hoạn, đến thăm Đức Phật, Đức Phật nói với ông ta, ‘Dù thân này có bịnh tật, nhưng tâm phải giữ cho lành mạnh. Ông nên luyện tập mình như vậy’ Hạnh phúc là một trạng thái của tâm.

Không phải cái xảy ra mà chính những phản ứng của chúng ta với những gì xảy ra mới quyết định mức độ hạnh phúc hay khổ đau của chúng ta. Chỉ khi chúng ta để cho những hoàn cảnh bên ngoài khuấy động sự bình yên nội tâm của chúng ta, hoàn cảnh mới có sức mạnh để làm điều ấy. Những biến cố trong cuộc đời là những chuyện thuộc thế gian bên ngoài. Hạnh phúc thuộc về thế gian bên trong. Chính sự phản ứng bên trong, chứ không phải những gì xảy ra bên ngoài, mới đáng kể vậy.

Dễ thay sống vui tươi,



Khi dòng đời êm trôi,

Như bài ca ngọt ngào;

Nhưng con người xứng đáng,

Là người có thể cười,

Khi mọi việc tiêu vong.’

Nhiều người lâm vào tình trạng chán nản và suy nhược thần kinh vì họ đã không tu tập tâm để giữ được sự điềm tĩnh khi đương đầu với những biến động của cuộc đời. Họ chỉ biết buông thả tâm cho tham ái phát triển để thoả mãn những dục lạc của họ. Đối với những người không có sự hướng dẫn tâm linh, phát triển có nghĩa là sự lớn mạnh của lòng tham đối với các dục lạc do các căn hay các giác quan  cung cấp.

Hậu quả là người ta cũng phát triển, nhưng phát triển những thái độ rất không lành mạnh mà vốn tạo ra ganh tỵ, thù hằn, oán giận để cuối cùng biến thành bạo lực. Đó là lý do vì sao những con người vô đạo đức đã biến cả thế gian này thành một bãi chiến trường. Một khi bạo lực phát sanh mọi người lại kêu gào hoà bình được một thời gian nào đó. Rồi giai đoạn ấy bị người ta lãng quên đi và một cuộc bạo loạn mới bùng nổ và khổ đau càng nhiều hơn.

Không biết rằng tâm không tu tập là nguyên nhân của tất cả những vấn đề này, người ta buộc tội ma quỷ đã giáng khổ đau lên cho họ. Và để chiến đấu với ma quỷ họ quay qua thần thánh. Họ bắt đầu cầu nguyện và cúng bái ông thần này bà thánh nọ để giúp đỡ cho họ. Nói chung họ làm đủ mọi cách (ngoại trừ tu tập) để mong thoát khỏi những vấn đề của họ, mà những vấn đề ấy phần lớn là do họ tạo. Bây giờ thì chúng ta có thể hiểu được ai là người tạo ra những vấn đề rồi chứ.

Đức Phật nói thế gian nằm ở bên trong chúng ta. Khi bạn tự khép mình vào kỷ cương giới luật toàn thế gian cũng sẽ khép vào cương kỷ và hoà bình được duy trì không chỉ cho riêng bạn mà cho tất cả những người chung quanh bạn. Lúc đó không ai cần phải cầu xin tha lực nữa. Tốt hay xấu, hoà bình hay bạo lực không đến từ bên ngoài. Tất cả những điều ấy hiện hữu do thái độ tinh thần của con người chúng ta vậy.

Về phương diện tâm linh những người còn non nớt tin rằng họ có thể tìm ra căn nguyên những vấn đề của họ nếu như họ khám phá được nguồn gốc của thế gian. Đức Phật khuyên chúng ta không nên bận tâm về khởi nguồn của thế gian vì những suy đoán như vậy không đóng góp được gì cả cho việc giải quyết những vấn đề của chúng ta.

---o0o---



tải về 1.04 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   31




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương